Tải bản đầy đủ (.docx) (21 trang)

lý thuyết làn sóng trong nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa thăng long hà hội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (69.36 KB, 21 trang )

LÝ THUYẾT LÀN SÓNG TRONG NGHIÊN CỨU
NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA THĂNG LONG - HÀ HỘI

TS. Trịnh Cẩm Lan *
1. Lý thuyết làn sóng là gì?
Lý thuyết làn sóng (Wave theory) hay Mô hình làn sóng (Wave model)
là một lý thuyết về sự biến đổi ngôn ngữ, trong đó, những hình thức mới của
một ngôn ngữ lan truyền từ một điểm trung tâm ra các vùng ngoại vi trong
trạng thái sôi động ở trung tâm và yếu dần ở ngoại vi. Mô hình này thường
được so sánh với hình ảnh được tạo ra khi ta ném một hòn đá xuống mặt
nước.
Lý thuyết làn sóng được xem là do các nhà nghiên cứu thuộc trường
phái Truyền bá luận (diffussionism) châu Âu nêu ra từ cuối thế kỷ XIX. Những
người đầu tiên đề cập đến lý thuyết này là hai nhà nghiên cứu người Đức
Johannes Schmidt và Hugo Schuchardt vào năm 1872 [1]. Các nhà truyền bá
luận cũng như hai nhà nghiên cứu là tác giả của lý thuyết làn sóng đều chủ
trương rằng, mọi sự biến đổi và cách tân ngôn ngữ (cũng như trong văn hóa)
bao giờ cũng xuất phát từ một nơi rồi lan truyền ra các vùng khác và chính
sự lan truyền ấy đã tạo nên một động lực của sự phát triển ngôn ngữ (hay
văn hóa).
Liên quan đến lý thuyết làn sóng là một số các khái niệm, các mô hình
lý thuyết khác, không chỉ trong nghiên cứu ngôn ngữ, mà rộng hơn, cả trong
và trước hết là trong nghiên cứu văn hóa. Các nhà nghiên cứu văn hóa nhân
chủng học phương Tây cuối thế kỷ XIX đầu XX nhắc đến các khái niệm như sự
thiên di, sự lan tỏa, sự loang ra… của văn hóa. Đó là sự truyền bá các hiện
tượng văn hóa thông qua những cuộc tiếp xúc giữa các dân tộc, các bộ lạc
bằng buôn bán, di dân và thậm chí… bằng xâm lược. Cũng có một số học giả
gọi lý thuyết truyền bá luận trong nghiên cứu văn hóa là lý thuyết về các vùng
văn hóa hay các khu vực văn hóa[2]. Tương tự như vậy, trong nghiên cứu
ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ học cũng nhắc đến hàng loạt các khái niệm phát
sinh trên cơ sở lý thuyết này như sự truyền bá, sự lan tỏa, sự khuyếch tán…


của các yếu tố ngôn ngữ chủ yếu thông qua tiếp xúc và di dân. Một trong
những hệ luận nổi tiếng của Truyền bá luận là lý thuyết Trung tâm và ngoại
vi trong nghiên cứu văn hóa (và không loại trừ cả trong ngôn ngữ) do các
nhà nhân học Xô Viết đưa ra qua công trình “Trung tâm và ngoại vi trong
nghiên cứu văn hóa từ sau các phát kiến địa lý” vào cuối thập kỷ 70 đầu thập
kỷ 80 của thế kỷ XX. Từ thực tế hình thành và phát triển của các nền văn minh
lớn trên thế giới như văn minh Đông Á mà Trung Hoa là trung tâm, văn minh
Nam Á mà Ấn Độ là trung tâm… các tác giả Nga Xô Viết đã phát hiện ra quy
luật về sự lan truyền các yếu tố văn hóa từ trung tâm theo mô hình làn sóng,
cũng như sự tác động qua lại giữa trung tâm và ngoại vi trong các khu vực
văn hóa [3]. Kết quả đó đã mở ra nhiều khả năng ứng dụng để giải thích
không chỉ các quy luật văn hóa mà cả các quy luật ngôn ngữ trong các nghiên
cứu văn hóa và ngôn ngữ học hiện đại sau này. Liên quan trực tiếp đến lý
thuyết làn sóng, lý thuyết trung tâm và ngoại vi trong nghiên cứu ngôn ngữ là
một khái niệm tương ứng trong ngôn ngữ học, đó là khái niệm và lý thuyết về
các khu vực ngôn ngữ, những khu vực được tạo ra do những làn sóng ngôn
ngữ với trung tâm và ngoại vi của nó. Các khu vực ngôn ngữ thường được
nhắc đến nhiều là khu vực ngôn ngữ Đông Á, khu vực ngôn ngữ Ấn Độ, khu
vực ngôn ngữ Ban Căng…

Hình 1: Mô hình làn sóng của Johannes Schmidt, 1872
Nguồn: Asher R. E., The Encyclopedia of Languages and Linguistics,
Pergamon Press, 1994.
Từ khi ra đời năm 1872 đến nay, lý thuyết làn sóng đã có những bước phát
triển mới. Từ lý thuyết ban đầu mà Johannes Schmidt và Hugo Schuchardt
đưa ra theo mô hình được minh họa ở hình 1, đến năm 1973, Charler Bailey
trong nghiên cứu “Những phương pháp mới để phân tích biến thể trong tiếng
Anh” (New ways of Analyzing Variation in English)[4] đã đưa ra một mô hình
làn sóng mới (Hình 2 và Hình 3) trên cơ sở nghiên cứu, kiểm chứng quy luật
lan truyền của những làn sóng ngôn ngữ trong ngôn ngữ học xã hội hiện đại.


Hình 2: Mô hình làn sóng mới theo không gian và thời gian
của Charler Bailey, 1973
Nguồn: Walt W, Ralph W. Fasold, The study of Social Dialects in American
English, Newbury House Publishers & Rowley, Massachusetts, 1974, tr. 76.

Hình 3: Mô hình làn sóng mới theo một hướng
của Charler Bailey, 1973
Nguồn: Walt W, Ralph W. Fasold, The study of Social Dialects in American
English, Newbury House Publishers & Rowley, Massachusetts, 1974, tr. 77.
Trên đây là mô hình làn sóng mới của Charler Bailey được biểu diễn bằng sự
lan tỏa trong không gian và thời gian. Yếu tố không gian được thể hiện qua
những vòng sóng. Yếu tố thời gian được thể hiện quan các thời điểm khác
nhau, từ thời điểm đầu tiên (Time i) đến thời điểm cuối cùng (Time vii). Theo
mô hình này, các vòng sóng đều khởi phát từ một điểm rồi lan truyền đều đặn
ra xung quanh (Hình 2) hoặc lan truyền theo một hướng (Hình 3) và tạo nên
những khu vực ngôn ngữ (hay phương ngữ) gồm trung tâm và ngoại vi cùng
có chung những đặc trưng ngôn ngữ nhất định. Về nguyên lý, đặc trưng cơ
bản của khu vực trung tâm (focal areas), theo Walt W và Ralph W. Fasold, là
sự thu hút, tích hợp hay hội tụ (convergence), định hình rồi lan tỏa
(spreading). Do vị thế chính trị, văn hóa, xã hội… mà trung tâm bao giờ cũng
có sức thu hút cao những yếu tố từ ngoại vi. Người ta gọi đó là chức năng “tụ
nhân, tụ tài” của trung tâm. Sau quá trình thu hút và tích hợp vào trung tâm,
các yếu tố đó sẽ được nhào nặn và định hình. Với tính năng động và sôi động
của trung tâm, các sản phẩm đã được định hình lại lan tỏa, truyền bá ra
ngoại vi, dần dần tạo nên sự thống nhất diện mạo của một khu vực ngôn ngữ
hay phương ngữ. Trung tâm còn có một đặc trưng nữa, nó không chỉ là đầu
mối giao lưu, tiếp xúc trong khu vực mà còn cả ngoài khu vực. Với đặc trưng
này, trung tâm trở thành trạm trung chuyển những tiếp xúc từ các trung tâm
bên ngoài vào khu vực. Còn các khu vực ngoại vi, chúng không chỉ chịu lực

hút từ trung tâm mà còn tiếp nhận sự lan toả của trung tâm. Ngoại vi bao giờ
cũng ít sôi động hơn trung tâm, những làn sóng ngôn ngữ ra ngoại vi thường
thưa hơn, yếu hơn và có phần tĩnh lặng làm cho ngôn ngữ ở ngoại vi thường
lưu giữ được những dạng thức cổ hơn so với trung tâm. Các nhà ngôn ngữ
gọi đây là những khu vực di tích (relic areas)[5] hay các hóa thạch ngôn ngữ.
Mặc dù đều dựa trên một nguyên lý chung là sự lan truyền của những vòng
sóng từ một điểm nào đó trong không gian rồi lan tỏa ra những khu vực lân
cận (theo Schmidt) và ngoại vi (theo Bailey) nhưng những mô hình minh họa
được đưa ra trước và sau một thế kỷ đã có những khác biệt đáng kể. Mô hình
làn sóng của Schmidt, về bản chất, hình như vẫn chưa phản ánh được những
quy luật lan truyền thực sự của “làn sóng”. Trong khi đó, mô hình làn sóng
mới (new wave model) của Bailey theo cách gọi của Walt W và Ralph W.
Fasold, thực sự mô hình hóa được quy luật lan truyền của sóng (hình 2). Tất
nhiên, tác giả của nó cũng ý thức được rằng đó chỉ là một mô hình lý tưởng.
Sự phức tạp sẽ nảy sinh khi xuất hiện một vật cản nào đó - một yếu tố tự
nhiên hay xã hội[6] - làm chặn đứng sự lan truyền của sóng ở một điểm, tạo
ra mô hình làn sóng lan truyền theo một hướng (hình 3). Đó là bằng chứng về
bước phát triển và sự cơ động trong mô hình của Bailey mà chúng tôi muốn
nhấn mạnh.
Từ khi ra đời, lý thuyết làn sóng đã mang lại nhiều hiệu lực giải thích
trong nghiên cứu sự biến đổi ngôn ngữ, một trong những tâm điểm nghiên
cứu của ngôn ngữ học xã hội và phương ngữ học. Tiếp thu những quy luật lan
truyền của làn sóng ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ học xã hội đã vận dụng
trong nghiên cứu hàng loạt các vấn đề của ngôn ngữ học hiện đại như vấn đề
tiếp xúc ngôn ngữ giữa các cộng đồng ngôn từ khác nhau, vấn đề song ngữ,
đa ngữ… Đặc biệt, sự truyền bá và khuyếch tán ngôn ngữ trở thành một trong
những chủ đề xuyên suốt trong ngôn ngữ học xã hội từ thập kỷ 70 của thế kỷ
XX cho đến tận bây giờ. Công trình gần đây nhất của W. Labov “Sự truyền bá
và khuyếch tán” (Transmission and Diffusion) đăng trên “Language” số 83,
tháng 6 năm 2007 đã tổng kết tới mấy chục công trình nghiên cứu sự lan

truyền của các yếu tố ngôn ngữ ở nhiều khu vực ngôn ngữ khác nhau trên thế
giới [7].
2. Lý thuyết làn sóng trong nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Thăng Long - Hà
Nội
2.1. Trường hợp 1: tích hợp và lan tỏa trong tiếng Việt ở Hà Nội thời dựng
nước
Theo sử sách, vua Hùng lập quốc rồi định đô ở Bạch Hạc (Việt Trì), đỉnh
chóp cao nhất của tam giác châu thổ sông Hồng, vì đó là vùng giáp ranh giữa
miền núi và miền xuôi [8]. Gần hai nghìn năm sau, vua Thục dời đô xuống Cổ
Loa, trung tâm kinh tế - văn hóa của đất nước đã bị hút về xuôi, đỉnh chóp
thứ hai của tam giác châu thổ sông Hồng ở ngã ba sông Đuống đã được định
vị. Nhiều nguồn sử liệu đã cho biết rằng tam giác châu thổ sông Hồng này
chính là cái nôi của người Việt cổ. Nhưng tính chất Việt cổ nơi đây lại là kết
quả của một sự hòa trộn của nhiều tộc người khác nhau trong một cộng đồng
chung thống nhất. Theo Trần Quốc Vượng, đó là sự hòa trộn của “những
nhân tố cư dân - ngôn ngữ - văn hóa: Môn Khme cổ, Tày Thái cổ, Mã Lai cổ và
thậm chí cả Tạng Miến cổ trong sự hình thành phức hệ cư dân - ngôn ngữ -
văn hóa Việt cổ” [9].
Trên cơ sở thu thập và phân tích những cứ liệu về quá trình hội tụ và phân
hóa tộc người - ngôn ngữ - văn hóa dẫn đến sự hình thành những phức hợp
văn hóa mới kiểu Đông Sơn và những nhóm ngôn ngữ mới kiểu nhóm Việt -
Mường, nhóm Chàm, nhóm Mèo - Dao…, các nhà khảo cổ học và ngôn ngữ học
cho rằng nhóm Việt - Mường là kết quả của sự hội tụ và tiếp xúc của một bộ
phận cư dân Môn Khme với một bộ phận cư dân Tày Thái[10]. Kết quả nghiên
cứu đó cho phép các học giả như Hà Văn Tấn, Phạm Đức Dương… đưa ra giả
thiết về những con đường thiên di trong lịch sử, được xác định là vào khoảng
thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Giả thiết cho rằng vào thời gian này,
hàng loạt các cộng đồng tộc người mà chủ yếu những cư dân Môn Khme vùng
Bắc Đông Dương (vùng Thượng Lào) - những người nói tiếng tiền Việt
Mường và sống bằng nghề săn bắt hái lượm và làm nương trên các triền núi

cao, do sức hấp dẫn của năng suất lúa nước và cuộc sống ổn định dưới đồng
bằng, đã di cư ào ạt xuống các vùng trũng xung quanh vịnh Hà Nội[11], thuộc
tam giác châu thổ sông Hồng, cộng cư rồi hòa huyết với các cộng đồng nói
tiếng Tày Thái cổ ở đây. Trong quá trình khai khẩn đồng bằng sông Hồng,
cộng đồng cộng cư đó đã phát triển thành một cộng đồng mới: cộng đồng cư
dân Việt Mường, những người nói tiếng Việt - Mường chung. Vì lý do đó, các
nhà nghiên cứu lịch sử tiếng Việt đã khẳng định tiếng tiền Việt Mường, tiếng
nói của tổ tiên người Việt thời dựng nước - những người đã cư trú trên địa
bàn xung quanh vùng vịnh Hà Nội thời đó - có cơ tầng Môn Khme và cơ chế
Tày Thái.
Những dấu tích ngôn ngữ trong quá trình phát triển lịch sử của tiếng Việt
phản ánh rất rõ sự hội tụ này.
Về mặt ngữ âm, tiêu biểu hơn cả là hiện tượng đơn tiết hóa do ảnh hưởng
của cơ chế Tày Thái là những ngôn ngữ đơn tiết. Đó là việc mất hẳn phương
thức phụ tố, cấu trúc từ chuyển từ dạng CCVC thành CVC làm nên đại đa số
trường hợp âm tiết trùng với từ, trùng với hình vị. Hệ quả là tiếng Việt
Mường chung có cấu trúc âm tiết kiểu CVC, nhóm phụ âm đầu bị rụng hoàn
toàn, chỉ còn rải rác vài yếu tố phụ đi theo phụ âm đầu như bl, tl, ml… Dấu
tích của những phụ âm này đến thời gian gần đây vẫn còn ở một số đảo ngữ
thuộc khu 4 cũ, vùng phương ngữ Nghệ Tĩnh[12]. Trong quá trình phát triển
của lịch sử tiếng Việt, đặc biệt là giai đoạn từ tiền Việt Mường chuyển sang
Việt Mường chung, vai trò của sự hội tụ và hòa trộn với các ngôn ngữ Tày
Thái là quan trọng nhất. Thưc tế, tiếng Chứt ở miền Tây Quảng Bình, tiếng
Poọng ở miền Tây Nghệ Tĩnh là dấu vết còn lại của tiếng tiền Việt Mường mà
chủ nhân của nó là những cư dân tiền Việt Mường không di cư xuống vùng
vịnh Hà Nội. Có thể quan sát sơ đồ sau đây của Hà Văn Tấn để hình dung rõ
hơn về điều đó:




Hình 4: Sơ đồ quá trình chuyển biến của các ngôn ngữ Việt Mường,
Hà Văn Tấn. 1977.
Nguồn: Phan Ngọc và Phạm Đức Dương, Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á,
Viện Đông Nam Á, Hà Nội, 1983, tr. 123.
Về mặt từ vựng, khác với các ngôn ngữ tiền Việt Mường còn bảo lưu trong
tiếng Chứt, tiếng Poọng, do tiếp xúc và hội tụ với các ngôn ngữ Tày Thái,
tiếng Việt Mường chung đã có một sự pha trộn đáng kể về vốn từ do một số
lượng lớn các từ vựng gốc Thái du nhập vào. Tiếng Việt hiện nay còn bảo lưu
rất nhiều yếu tố gốc Thái trong các kết cấu hỗn hợp kiểu:
- cá bống mú, lược bí, mặt nạ, mưa phùn…(yếu tố Tày Thái in nghiêng, cùng
nghĩa nhưng làm định ngữ cho yếu tố Việt)
- chó má, cỏ giả, tre pheo, áo xống, kiêng khem… …(yếu tố Tày Thái cùng
nghĩa nhưng bị mất nghĩa làm cho từ mang nét nghĩa khái quát)
- trắng nõn, xanh lè, thơm phức… (yếu tố Tày Thái bị mất nghĩa làm cho từ
sắc thái và nét nghĩa hạn định)
Hàng loạt các từ thuộc lớp từ vựng cơ bản chỉ những con vật quen thuộc
trong đời sống như gà, vịt… trong tiếng Việt cũng là những từ gốc Thái.
Còn rất nhiều những cứ liệu ngôn ngữ khác mà Phạm Đức Dương đã đưa ra
trong công trình của ông về vấn đề này mà chúng tôi không thể dẫn ra hết
(Xin tham khảo Phan Ngọc và Phạm Đức Dương, đã dẫn)
Không chỉ thế, ngoài hai yếu tố chính là Môn Khme và Tày Thái, tiếng Việt
Mường còn được cho là hình thành bởi cả những yếu tố thuộc dòng Mã Lai,
Tạng Miến… Thực tế, những dấu tích để lại về mặt địa danh mà Trần Trí Dõi
sau này đã tìm ra bằng phương pháp phục nguyên nguồn gốc ngôn ngữ như
sông “Cà Lồ”, làng “Cán Khê” (địa danh thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành
Hà Nội) với nguồn gốc Nam Đảo[13] là một trong những cứ liệu ngôn ngữ
xác đáng chứng minh cho sự hội tụ trên đây từ trong lịch sử. Những số đếm
đơn giản như một, hai, cho đến mười, rồi trăm, ngàn… lại có cội nguồn Nam
Á[14] được mượn vào tiếng Việt từ thời kỳ đầu và tồn tại đến tận ngày nay.
Sự tiếp nhận từ khu vực bên ngoài đó, qua một trạm trung chuyển là Hà Nội

cổ, rồi trở thành những làn sóng ngôn ngữ lan tỏa ra khắp xung quanh và các
vùng phụ cận. Kết quả, chẳng ai còn nhớ chính xác là từ khi nào những đơn vị
từ vựng đó đã trở thành phương tiện giao tiếp chung của tất cả người Việt.
2.2. Trường hợp 2: tích hợp và lan tỏa sự tiếp xúc Việt Hán
Lịch sử cho thấy, vào khoảng đầu Công nguyên, người Việt ở đất Giao Chỉ,
đặc biệt là ở vùng Long Biên - Hà Nội, đã bắt đầu tiếp xúc với tiếng Hán do
việc các quan thái thú bắt đầu mở trường dạy chữ Hán ở Long Biên. Khi
Trung Hoa loạn lạc, rất nhiều người thuộc tầng lớp quan lại Trung Hoa đã
chạy sang đất Giao Chỉ sinh sống và họ cư trú chủ yếu ở vùng Long Biên - Hà
Nội. Đây là một bộ phận cư dân quan trọng góp phần thúc đẩy sự tiếp xúc
ngôn ngữ và văn hóa Việt - Hán và tạo nên diện mạo lịch sử của tiếng Việt
giai đoạn này. Có thể nêu một cách khái quát diện mạo đó như sau:
- Sự tiếp xúc với tiếng Hán ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển nội bộ của
tiếng Việt. Những từ gốc Hán được tiếng Việt vay mượn vào thời kỳ này được
giới Việt ngữ học gọi là các từ Hán - Việt cổ. Thời kỳ này, tiếng Việt Mường
chung, qua tiếp xúc, đã mượn một số từ Hán lẻ tẻ vào để làm phong phú thêm
cho cách diễn đạt của mình. Những từ được mượn thời đó là những từ Hán
Cổ và được đọc mô phỏng theo âm Hán cổ, không giống với cách đọc Hán Việt
của thời kỳ sau (từ đời Đường trở đi). Đối chiếu một số từ được mượn thời kỳ
này và đọc theo âm Hán cổ với chính nó được mượn vào thời kỳ sau và đọc
theo âm Hán Việt có thể thấy điều đó:
Hán cổ Hán Việt Hán cổ Hán Việt
bụa phụ Chém trảm
buồm phàm Chén trản
buồn phiền Đũa trợ
buồng phòng mạng mệnh
Trong quá trình này, Long Biên - Hà Nội là địa bàn diễn ra mạnh mẽ nhất rồi
mới lan tỏa ra các vùng phụ cận. Việc ăn cơm bằng đũa, bằng thìa, bằng bát
(ảnh hưởng của văn hóa Hán) được thấy ở vùng xung quanh Long Biên thời
gian này đưa đến sự vay mượn các từ như đũa, thìa, bát… trong khi cư dân

các vùng núi phía Bắc - mặc dù gần Trung Hoa hơn - vẫn ăn bốc (bằng tay),
đựng thức ăn bằng lá và hầu như chưa biết đến các từ chỉ các sự vật nói trên.
Và, trong khi người Việt ở vùng Long Biên đã đi lại bằng thuyền buồm trên
sông Nhị Hà (sông Hồng) thì ở những vùng khác, người ta vẫn chỉ di chuyển
bằng bè, một phương tiện di chuyển phổ biến của các cư dân vùng đồng bằng,
sông nước phía nam. Như vậy, theo nguyên lý của làn sóng ngôn ngữ, các sản
phẩm ngôn ngữ bao giờ cũng định hình ở vùng xuôi và các trung tâm đô thị
cổ, nơi thuận lợi cho giao lưu, tiếp xúc và hội tụ cư dân, rồi mới lan tỏa ra các
vùng phụ cận và những miền khác xa xôi hơn. Kết quả là, những sản phẩm
ngôn ngữ nói trên, sau một thời gian, đã lan tỏa ra khắp cả nước, trở thành
phương tiện dùng chung của tất cả những ai sử dụng tiếng Việt.
- Sự xuất hiện 3 tuyến điệu do ảnh hưởng mạnh của tiếng Hán cũng là một
điểm nhấn trong lịch sử phát triển của tiếng Việt. Theo Haudricourt, sự xuất
hiện 3 tuyến điệu này xảy ra trong khoảng từ đầu Công nguyên đến thế kỷ thứ
VI [15]. Vào thời kỳ sau, do sự nhích lại gần cơ chế ngữ âm Việt của các từ
mượn gốc Hán mà ba tuyến điệu của thời kỳ trước đã được nhân đôi thành
sáu thanh điệu như ngày nay. Quá trình thanh điệu hóa tiếng cũng diễn ra
một cách hoàn hảo nhất ở Hà Nội. Thật vậy, hệ thống thanh điệu 6 thanh rõ
rệt của vùng Hà Nội được cho là đã xác lập hoàn chỉnh từ cuối giai đoạn Việt
Mường chung và tồn tại đến tận bây giờ là cứ liệu ngôn ngữ xác thực chứng
minh rằng những cư dân Hà Nội thời bấy giờ đã đi trọn vẹn quá trình thanh
điệu hóa trong khi các vùng lân cận như Cổ Nhuế, Sơn Tây (không phân biệt
được thanh ngang và thanh huyền), và xa hơn một chút như Thanh Hóa
(không phân biệt được thanh ngã và thanh hỏi), rồi xa nữa đến Nghệ Tĩnh
(không phân biệt được thanh ngã và thanh nặng, thanh nặng và thanh
huyền)… đã không thực hiện được triệt để quá trình này.
- Sự hình thành cách đọc Hán Việt cũng là một trường hợp nổi bật của
sự hội tụ và lan tỏa trong tiếng xúc ngôn ngữ Việt - Hán. Qua vài thế kỷ tiếp
xúc và vay mượn từ Hán Việt, tiếng Hán, ban đầu được đọc bằng âm Hán, đã
dần dần được người Việt chuyển sang đọc bằng âm Việt dẫn đến sự hình

thành cách đọc Hán Việt như chúng ta vẫn biết ngày nay. Trong quá trình
này, những bộ phận cư dân nói tiếng Việt cổ và tiếng Việt trung cổ sống ở
vùng đô thị Thăng Long - Hà Nội là những bộ phận chịu ảnh hưởng của tiếng
Hán, đặc biệt là văn ngôn Hán mạnh mẽ nhất. Vì điều này mà các học giả
nghiên cứu lịch sử tiếng Việt đều có xu hướng cho rằng địa bàn Thăng Long -
Hà Nội là nơi tạo ra một cách đọc Hán Việt chính xác nhất. Thật vậy, trải suốt
mấy thế kỷ, các văn sĩ, trí thức ở mọi miền đất nước khi sáng tác thơ văn, biên
soạn thư tịch bao giờ cũng dùng cách đọc Hán Việt của vùng Hà Nội và coi
đó như một chuẩn mực. Cách đọc Hán Việt được hình thành ở Hà Nội, theo sự
phát triển và khuyếch tán của tiếng Việt, đã trở thành những làn sóng lan ra
những vùng ngoại vi, và xa hơn, ra tất cả vùng khác trong cả nước. Giờ đây,
có thể nói, tất cả những ai sử dụng tiếng Việt trên lãnh thổ Việt Nam đều
dùng cách đọc này đối với tất cả các từ Hán Việt mà cho đến hiện tại đã trở
thành một bộ phận cơ hữu trong kho từ vựng tiếng Việt, chịu sự tác động của
tất cả các quy luật ngôn ngữ trong tiếng Việt.
Thay lời kết
Giới nghiên cứu lịch sử Hà Nội vẫn cho rằng, dưới cặp mắt của các nhà
địa lý, Hà Nội là vùng đất mà các con sông đều dồn nước về để rồi lại từ đó
tỏa mãi ra biển khơi, các mạch núi cũng hướng về Hà Nội. Điều đó làm cho
vùng đất này quy tụ được các mạch máu giao thông thủy và bộ, rồi cũng từ
đó tỏa rộng ra khắp bốn phương. Lợi thế trời phú cho Hà Nội về điều kiện tự
nhiên trở thành cơ sở đầu tiên tạo cho Hà Nội dần dần có được vị thế như bây
giờ. Vị thế đó được thể hiện trên mọi phương diện, và chắc chắn không loại
trừ cả văn hóa và ngôn ngữ. Vị thế đó ngày nay đang trở thành một trọng
trách. Hà Nội, với trọng trách là trung tâm của cả nước, vừa hội tụ, tích hợp,
vừa lan tỏa, truyền bá những giá trị Việt Nam. Và như vậy, lý thuyết làn sóng
vẫn sẽ là một cơ sở để nhìn nhận, lý giải các vấn đề ngôn ngữ và văn hóa của
Thủ đô thời hiện đại. Hơn thế nữa, nó còn có thể giúp chúng ta nhìn xa hơn
quy luật lan truyền của văn hóa, giúp chúng ta gạn đục khơi trong những
dòng chảy văn hóa, để khi nó vào Hà Nội, nó sẽ trở thành những làn sóng tốt

lành, mang theo những giá trị văn hóa lan tỏa đi khắp các vùng trên lãnh thổ
Việt Nam.
CHÚ THÍCH
* ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội
[1] Asher R. E., The Encyclopedia of Languages and Linguistics, Pergamon
Press, 1994.
[2] Belik A.A., Văn hóa học - những lý thuyết nhân học văn hóa, Tạp chí Văn
hóa nghệ thuật, Hà Nội, 2000.
[3] Dẫn theo Ngô Đức Thịnh, Lý thuyết “trung tâm và ngoại vi” trong nghiên
cứu không gian văn hóa, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế “Khu vực học: cơ
sở lý thuyết, thực tiến và phương pháp nghiên cứu”, Đại học Quốc gia Hà Nội
và Đại học Quốc gia Tokyo, 2006.
[4] Dẫn theo Walt W, Ralph W. Fasold, The study of Social Dialects in
American English, Newbury House Publishers & Rowley, Massachusetts, 1974.
[5] Walt W, Ralph W. Fasold, The study of Social Dialects in American English,
Newbury House Publishers & Rowley, Massachusetts, 1974.
[6] Một rặng núi hiểm trở, một con sông sâu… có thể trở thành vật cản tự
nhiên, một cuộc chính biến, một làn sóng di dân, … có thể trở thành một vật
cản xã hội của những vòng sóng.
[7] Labov W, Transmission and Diffusion, Language 83, June 2007.
[8] Theo sử sách, các bậc Vương gia của quốc gia cổ đại nào cũng có xu
hướng đóng đô ở vùng đất giáp ranh, nơi có nhiều đầu mối giao thông xuôi
ngược và vì đồng bằng khi đó vẫn còn hoang vu hay vẫn là rừng rậm, đầm
lầy…
[9] Trần Quốc Vượng (chủ biên), “Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa
Việt Nam”, NXB KHXH, Hà Nội, 1996.
[10] Phan Ngọc và Phạm Đức Dương, Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á, Viện
Đông Nam Á, Hà Nội, 1983, tr. 85.
[11] Vùng đất Hà Nội hình thành gắn liền với sự hình thành vùng châu thổ
Bắc Bộ. Theo các nhà địa chất học, sự hình thành châu thổ là cả một quá trình

lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, ban đầu là vịnh biển, rồi trở
thành vùng trũng đầm lầy rồi mới trở thành đồng bằng châu thổ. Vào khoảng
gần 2000 năm trước Công nguyên, vùng đất Hà Nội bây giờ còn là một vịnh
biển, chuẩn bị chuyển thành một khu vực đầm lầy.
[12] Cho đến hiện tại, chúng tôi vẫn quan sát thấy một số nhân chứng (hiện
đang còn sống) của hiện tượng này, khi phát âm các âm tiết có phụ âm đầu
/l/ vẫn bắt đầu bằng động tác bật hơi do ảnh hưởng của tiền phụ âm /m/
chưa triệt tiêu hoàn toàn (Cách phát âm của ông Nguyễn Ngọc Thành, cán bộ
trường Đại học KHXH&NV, một người quê Nghệ Tĩnh).
[13] Trần Trí Dõi, Về một vài địa danh, tên riêng gốc Nam Đảo trong vùng Hà
Nội xưa, Hà Nội - những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa 990 năm Thăng Long,
NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
[14] Phan Ngọc và Phạm Đức Dương, Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á, Viện
Đông Nam Á, Hà Nội, 1983, tr. 138.
[15] Haudrricourt, Về nguồn gốc các thanh của tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 1,
1991, tr. 19-22.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Asher R. E. (1994), The Encyclopedia of Languages and Linguistics,
Pergamon Press.
2.Belik A.A. (2000), Văn hóa học - những lý thuyết nhân học văn hóa, Tạp chí
Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội.
3.Trần Trí Dõi (2001), Về một vài địa danh, tên riêng gốc Nam Đảo trong
vùng Hà Nội xưa, Hà Nội - những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa 990 năm
Thăng Long, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
4.Phạm Văn Hảo (2000), Thử xem xét các phương ngữ Việt theo lý thuyết “làn
sóng ngôn ngữ”, Ngữ học trẻ 99, Nhà xuất bản Nghệ An, Nghệ An.
5.Haudrricourt, Về nguồn gốc các thanh của tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 1, 1991,
tr. 19-22.
6.Labov W (2007), Transmission and Diffusion, Language 83, June.
7.Trịnh Cẩm Lan (2007), Sự biến đổi ngôn từ của các cộng đồng chuyển cư

đến Thủ đô, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
8.Phan Ngọc và Phạm Đức Dương (1983), Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á,
Viện Đông Nam Á, Hà Nội.
9.Ralph W. Fasold, Walt W (1974), The study of Social Dialects in American
English, Newbury House Publishers & Rowley, Massachusetts.
10.Trudgill. P (1974), Sociolinguistics - An introduction to language and
Society, New Edition, Penguin Books, England.
11.Ngô Đức Thịnh (2006), Lý thuyết “trung tâm và ngoại vi” trong nghiên cứu
không gian văn hóa, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế “Khu vực học: cơ sở lý
thuyết, thực tiến và phương pháp nghiên cứu”, Đại học Quốc gia Hà Nội và
Đại học Quốc gia Tokyo.
12.Trần Quốc Vượng (chủ biên) (1996), Văn hóa học đại cương và cơ sở văn
hóa Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

(*) Nguồn: Kỉ yếu Hội thảo khoa học” Những vấn đề ngôn ngữ học: Ngôn
ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tiếng Hà Nội với ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam”,
Hà Nội 12/2007.

×