Phân tích tình cảm và suy nghĩ gì về quê hương
dân tộc qua bài nói với con của Y Phương
Đề bài: Qua lời trò chuyện với con, người cha trong bài Nói với con của Y Phương đã thể hiện
những tình cảm và suy nghĩ gì về quê hương, dân tộc?
Y Phương là nhà thơ dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng, một tỉnh vùng cao nơi địa đầu Tổ quốc, mảnh đất có
truyền thống đánh giặc kiên cường và truyền thống thơ ca phong phú, da dạng của các dân tộc thiểu số,
Qua bài thơ Nói với con, nhà thơ nhắc nhở về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người, về sức sống
mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương, dân tộc.
Mạch nguồn cảm hứng trong bài thơ phát triển song song với những điều suy nghĩ tâm huyết của người
cha và được thể hiện bằng ngôn ngữ thơ ca hồn nhiên, dung dị, đậm đà hơi thở cuộc sống cần lao, chất
phác của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi. Sợi dây vô hình nối kết tình cha con, tình mẹ con thiêng
liêng được tác giả phản ánh qua bốn câu thơ mộc mạc mà đậm đà ý nghĩa:
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói,
Hai bước tới tiếng cười
Khung cảnh một gia đình chan hòa hạnh phúc giữa cuộc sống yên vui đáng yêu biết mấy! Niềm tự hào về
dân tộc mình đã bật thốt thành lời từ trái tim chân thành của người cha:
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Những tinh hoa truyền thông lâu đời vẫn thể hiện rõ ràng trong cuộc sống lao động hằng ngày của bà con
dân tộc Tày nói riêng và mấy chục dân tộc thiểu số khác nói chung. Đời sống tinh thần nên thơ, nên nhạc
khiến cho công việc đỡ nhọc nhằn và con người có thêm niềm vui, niềm tin vào cuộc đời. Người cha
muốn nói với con rằng chính mảnh đất nơi ta sinh ra và lớn lên là cội nguồn hạnh phúc lớn lao vô tận:
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời
Có cha mẹ mới có con cái. Con cái là hoa thơm quả ngọt của hạnh phúc lứa đôi. Bởi vậy, cha muốn con
cùng cha mẹ trả ơn nặng nghĩa dày của dân tộc mình, quê hương mình. Cha mẹ muốn con xứng đáng với
những gì đẹp đẽ nhất mà dân tộc đã trao cho, quê hương đã trao cho:
Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đổi
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Đó là cách sống hiên ngang, bất khuất, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, vượt lên tất cả để khẳng định khí
phách và phẩm chất tốt đẹp của mình. Gian lao, thử thách, lên thác xuống ghềnh chỉ làm cho con người
thêm vững lòng, bền chí.
Điều người cha muốn nói với con là tầm vóc tâm hồn cao đẹp của dân tộc mình ẩn giấu trong hình thức
quá đỗi bình thường:
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Nếu ai đã một lần đặt chân lên đất Cao Bằng, Hà Giang thì sẽ thấm thía cái hay của hình tượng thơ:
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương. Các dân tộc miền núi nơi đây sinh sống bao đời nay giữa
mây ngàn và đá núi. Họ chắt chiu gây dựng từng mầm sống nhỏ nhoi. Quê nghèo nhưng tình người lại
giàu có vô cùng! Sức sống kiên cường, bền bỉ của họ trải qua lịch sử lâu dài đã làm nên giá trị cao quý
của truyền thống dân tộc, truyền thống quê hương. Cũng chính họ đã tự đục chân dung mình vào đá núi
vĩnh hằng.
Với một dân tộc như thế, một quê hương như thế, các thế hệ sau phải sống sao cho xứng đáng? Người cha
ân cần khuyên nhủ:
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.
Mấy câu thơ trên có giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết nhưng lại ẩn chứa một mệnh lệnh nghiêm khắc: Con
hãy giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương. Có như vậy mới xứng đáng là con
của mẹ cha, mới xứng đáng với người đồng mình chân thật, mạnh mẽ, dũng cảm, hào hùng.
Bài thơ Nói với con của Y Phương đi vào tâm hồn, vào trái tim bạn đọc bởi sự giản dị đáng yêu của nó.
Qua bài thơ, chúng ta hiểu thêm phần nào về đời sống tinh thần phong phú của các dân tộc vùng cao phía
Bắc. Bằng sự phấn đấu không mệt mỏi, họ đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp nâng cao tầm vóc của quê
hương, đất nước.
Theo: Thu Hương