Tải bản đầy đủ (.docx) (9 trang)

Tìm hiểu tác phẩm Truyền ký mạn lục

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (75.77 KB, 9 trang )

Tìm hiểu tác phẩm truyền kỳ mạn lục
Giới thiệu truyền kỳ mạn lục Trong quá trình nghiên cứu chuyên đề văn
xuôi tự sự trong văn học trung đại Việt Nam, chúng tôi có một số thu hoạch
nhỏ xoay quanh một tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn: tác phẩm Truyền kỳ
mạn lục sáng tác vào khoảng đầu thế kỷ XVI của tác giả Nguyễn Tự - 阮 嶼
(căn cứ vào những cứ liệu xác đáng về tên tác giả, chúng tôi ủng hộ ý kiến
của PGS.TS Nguyễn Đăng Na và các nhà nghiên cứu đồng quan điểm là phải
trả lại đúng tên gọi cho tác giả, không theo thói quen lâu nay gọi tên ông là
Nguyễn Dữ!). Truyền kỳ mạn lục được mệnh danh là áng “thiên cổ kỳ bút”
trong truyện ngắn trung đại Việt Nam, và đây cũng là tác phẩm văn xuôi chữ
Hán thu hút được sự quan tâm của giới phê bình nghiên cứu văn học trung
đại. Việc đánh giá về giá trị của tác phẩm này cũng có nhiều xu hướng khác
nhau, nhiều phương pháp tiếp cận tổng thể cũng như phân tích đánh giá sâu
vào một tác phẩm. Tìm hiểu một loạt các tài liệu, chúng tôi đặc biệt tâm đắc
với ý kiến của tác giả Nguyễn Đăng Na về Truyền kỳ mạn lục, khẳng định giá
trị độc đáo riêng biệt của tác phẩm : “Nếu Lê Thánh Tông hướng văn học vào
việc phản ánh con người, lấy con người làm đối tượng và trung tâm phản ánh
thì Nguyễn Tự đi xa hơn một bước: phản ánh số phận con người, chủ yếu là
số phận mang tính chất bi kịch của người phụ nữ. Nhờ đó mà Nguyễn Tự đã
mở đầu cho chủ nghĩa nhân văn trong văn học Việt Nam thời trung đại.
Thông qua số phận các nhân vật, Nguyễn Tự đi tìm giải pháp xã hội: Con
người phải sống ra sao để vươn tới hạnh phúc, để nắm bắt được hạnh phúc?
Hạnh phúc tồn tại ở đâu: trên trần gian này hay miền tiên giới, cõi thiên tào
hay nơi thủy cung…? Đối với người đàn ông, hạnh phúc là gì và đối với
người phụ nữ, như thế nào là hạnh phúc? Nguyễn Tự đưa ra nhiều giả thiết
bằng những cuộc thử nghiệm, nhưng tất cả đều bế tắc. Đó là thông điệp cuối
cùng ông để lại cho người đọc…” (Truyền kỳ mạn lục dưới góc độ so sánh
văn học – Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, tr.216). Ý kiến
ngắn gọn nhưng khá đầy đủ này đã gợi hứng và mang tính chất định hướng
đúng đắn với những người đang dạy phổ thông khi tiếp xúc với tác phẩm này.
Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ xin nêu những suy nghĩ của bản


thân một hướng tiếp cận để giảng dạy tốt hơn phần Truyền kỳ mạn lục trong
trường phổ thông.
Với vai trò là “người mở đầu cho chủ nghĩa nhân văn trong văn học Việt Nam
thời trung đại”, Nguyễn Tự cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và
nghiêm túc. Điều bức xúc nhất hiện nay là mặc dù tên gọi của ông đã được
minh chứng một cách khoa học từ hàng mấy chục năm nay nhưng thế hệ học
sinh thời phân ban, cải cách vẫn phải viết tên ông là Nguyễn Dữ. Đó là một
điểm bất hợp lý và thiếu khoa học. Mặc dù, ở phần chú thich sách giáo khoa
đã có chú thích nhưng xem ra không mấy giáo viên dũng cảm dám thừa nhận
tên gọi này, học sinh làm bài vẫn phải viết Nguyễn Dữ, do sợ bị trừ điểm vì
viết sai tên tác giả (!). Khoa học đòi hỏi một sự công bằng, dũng cảm. Do vậy,
cần phải có những người có thẩm quyền để điều chỉnh lại cách gọi tên tác giả
một cách kịp thời trong những năm học tới.
Vấn đề thứ hai là trong quá trình giảng dạy về Nguyễn Tự ở trường phổ thông
là cách hiểu yếu tố truyền kỳ của tác phẩm. Theo sách Ngữ văn 9, tập 1 và cả
sách hướng dẫn giáo viên lớp 9, tên gọi của tác phẩm Truyền kỳ mạn lục
được dịch có nghĩa là “Ghi chép tản mạn những điều kỳ lạ được lưu truyền”.
Bằng những luận cứ khoa học xác đáng, PGS.TS Nguyễn Đăng Na cũng đã
chỉ ra đặc điểm của thể loại văn xuôi tự sự là tên gọi của thể loại thường đặt
cuối tên của tác phẩm. Bởi vậy, truyền kỳ trong trường hợp này không nên
hiểu là thể loại như cách giải thích hiện hành, từ đó dẫn đến cách tiếp cận tác
phẩm sẽ sai lệch theo hướng nhấn mạnh vào yếu tố lạ kì đặc biệt. Như tài liệu
của tác giả Nguyễn Đăng Na đã chỉ rõ: “…đứng trong cụm từ “truyền kỳ mạn
lục” thì, truyền kỳ làm định ngữ, chỉ tính chất của thể mạn lục - một thể tự sự
viết tự do, tùy hứng theo ý đồ sáng tác của tác giả, không bị câu thúc bởi bất
kỳ một lý do gì cả” (sđd, tr.212). Điều này có ý nghĩa đối với giáo viên phổ
thông, những người chuyển tải thông điệp của Nguyễn Tự đến các thế hệ học
sinh, tránh những ngộ nhận khi cho rằng Nguyễn Tự chịu ảnh hưởng của tác
phẩm Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu ở Trung Hoa, vừa có ý nghĩa định
hướng đúng đắn hơn cho việc tìm hiểu vào nội dung bức thông điệp của

Nguyễn Tự, “lấy con người làm đối tượng và trung tâm phản ánh”, hướng về
các giá trị nhân bản.
Đi cụ thể vào nội dung tiếp cận tác phẩm của Nguyễn Tự, chúng tôi nhận thấy
những nét thật thú vị khi các truyện của ông đã hết sức táo bạo khi đề cập đến
những đề tài cấm kỵ của văn chương phong kiến. Trong một xu hướng văn
chương hiện đại và hậu hiện đại hiện nay, người ta kêu gọi giải phóng cá
nhân, tìm đến sex như là một sự giải toả những ẩn ức, dục tính được mổ xẻ
một cách có phần thái quá thì chúng ta có thể tìm đến tác phẩm của Nguyễn
Tự để thấy ông cha ta đề cập đến yếu tố này một cách độc đáo và nhân văn
như thế nào. Nguyễn Tự đã không ngần ngại lý giải tình yêu muôn mặt đời
thường gắn liền với yếu tố nhục cảm. Tất nhiên đây là một vấn đề tế nhị và
dường như vẫn còn là đề tài “cấm kỵ” trong nhà trường chúng ta hiện nay,
nhưng có nên chăng giáo viên cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức
nền tảng này để có thể giải đáp những câu hỏi từ phía học sinh mà không cảm
thấy lúng túng khi các em hỏi về những vấn đề “nhạy cảm” trong Truyền kỳ
mạn lục. Hiện tại, ở chương trình lớp 9 chọn lọc đưa vào tác phẩm quen thuộc
Chuyện người con gái Nam Xương, chương trình lớp 10 chuẩn và phân ban
đều chọn tác phẩm Tản Viên phán sự lục (Chức phán sự đền Tản Viên). Đây
là những tác phẩm hay trong Truyền kỳ mạn lục nhưng nhìn chung vẫn chưa
thoả mãn những ai muốn hiểu một cách tương đối khái quát về tư tưởng của
Nguyễn Tự trong tác phẩm. Đặt tác phẩm của Nguyễn Tự vào xu hướng thế
tục hoá để nhận thấy vai trò của ông trong việc hoàn chỉnh thể loại truyện
ngắn trung đại Việt Nam. Nguyễn Tự quan tâm đặc biệt đến số phận của
người phụ nữ với những bất hạnh, bi kịch điển hình cho những đau khổ của
con người thời trung đại.Những bất hạnh, bi kịch của con người được đề cập
trong tác phẩm không chỉ gói gọn trong câu chuyện của Vũ Nương với
Trương Sinh (Chuyện người con gái Nam Xương) mà còn là những bi kịch
của tình yêu bị ngăn cấm, của duyên phận hẩm hiu, của thói đời đen bạc…Có
đề cập một cách khái quát thì mới có thể phản ánh tư tưởng nhân đạo của
Nguyễn Tự một cách đúng đắn. Do vậy, nên chăng có một sự khái quát về xu

hướng thế tục hoá trong văn xuôi tự sự trung đại và vai trò của Nguyễn Tự
trong phạm vi số tiết cho phép của chương trình văn học phổ thông. Những
điểm nổi bật nhất có thể tiếp thu để làm sáng tỏ ý nghĩa, giá trị của Truyền kỳ
mạn lục có thể cô đúc từ những phân tích các truyện cụ thể của tác phẩm
trong giáo trình cao đẳng, đại học, bảo đảm được sự liên thông giữa các cấp
học. Đánh giá một cách khái quát về nội dung hiện thực được phản chiếu
trong các tác phẩm, mối quan hệ giữa yếu tố hiện thực và yếu tố truyền kỳ
trong tác phẩm, để tìm ra cốt lõi của những câu chuyện.
Ngoài những truyện đề cao phẩm hạnh của người phụ nữ trong tác phẩm như
Người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Chuyện nàng Thúy Tiêu, Chuyện nàng Lệ
Nương cùng một cảm hứng như Chuyện người con gái Nam Xương, người
viết xin trình bày những cảm nhận xung quanh một số truyện đặc sắc của
Truyền kỳ mạn lục xoay quanh số phận của người phụ nữ, trong đề tài tình
yêu tự do, nhằm góp phần minh hoạ một phương diện tư tưởng của Nguyễn
Tự trong Truyền kỳ mạn lục. Nguyễn Tự đã nhận ra ở những người phụ nữ
sống đạo đức tử tế những nỗi bất hạnh tột cùng, khi phẩm giá của họ không
được đền đáp mà lại bị vùi dập khinh khi, hầu như ai cũng phải tìm đến một
cái chết oan uổng, một thực tế phũ phàng. Bởi vậy, ông đã có một góc nhìn
khác vào những người phụ nữ vượt lên sự cương toả của lễ giáo, tìm đến tình
yêu tự do. Ông đã không ngần ngại miêu tả tình yêu với tất cả sự mê đắm của
những nho sinh với ma nữ, lật tung những giá trị đạo đức khi để cho các nhân
vật sống với con người bản năng của mình. Tình yêu trong các câu chuyện
được dựng nên với một ranh giới ảo và thật hết sức mong manh, mộng mà
thực, thực mà mộng, tạo nên một sức hấp dẫn riêng. Cũng như bao mối tình
nam nữ, các nhân vật cũng trải qua đầy đủ mọi cảm giác khi bước chân vào
thế giới luyến ái. Truyện Cây gạo là một truyện hết sức táo bạo kể về mối tình
của Nhị Khanh và Trình Trung Ngộ, đắm chìm trong bể dục, đời sống hoan
lạc ân ái. Một câu chuyện có thể nói đã đưa ra một triết lý hiện sinh như sự
phản kháng lại mọi qui tắc lễ giáo đương thời: Nhị Khanh hiện ra là một trang
“giai nhân tuyệt sắc”, mang một “mối tình u uất trong lòng”. Nàng nói với

Trung Ngộ những lời hết sức táo bạo trong lần gặp gỡ đầu tiên: “Người ta
sinh ở đời, cốt được thỏa chí, chứ văn chương thời có làm gì, chẳng qua rồi
cũng nắm đất vàng là hết chuyện. Đời trước những người hay chữ như Ban
Cơ, Sái Nữ (7) nay còn gì nữa đâu. Sao bằng ngay trước mắt, tìm thú vui say,
để khỏi phụ mất một thời xuân tươi tốt. ”. Tất nhiên, mối tình Người – Ma
mang màu sắc vô luân ngược đạo lý xã hội này phải bị ngăn cản quyết liệt.
Thế nhưng khát vọng tự do yêu đương bị cấm cản đã tạo thành phản ứng
quyết liệt của đôi tình nhân ma này. Mọi sự phản ứng ấy bắt đầu đến khi
Trung Ngộ hoá thành ma, họ đã thành đôi yêu quái trong mắt mọi người, một
đôi ma “dắt tay nhau đi đôi, khi khóc, khi hát”. Bi kịch trong thời đại ấy chính
là ở chỗ không cho con người được tự do yêu đương, nên cả khi đôi tình nhân
này đã hoá ma thì họ cũng bị truy cùng diệt tận, “đào mả phá quan tài”, nhập
vào cây gạo thì bị đạo nhân tiêu diệt, huy động cả sáu bảy trăm đầu trâu áp
giải đi. Tội lỗi của họ chỉ là yêu nhau, bất chấp mọi sự cấm cản. Có thể thấy
trong lời bình, tác giả không một lời phê phán cá nhân Nhị Khanh, còn Trình
Trung Ngộ chỉ có một lời bình là hạng “thất phu đa dục”, “không đáng
trách”.
Chuyện tình trong Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây còn táo bạo hơn khi đưa ra mối
tình tay ba, miêu tả say sưa cảnh tự do luyến ái giữa Hà Nhân với Liễu Nhu,
Đào Hồng. Tình cảm ấy không chỉ là sự say mê giữa giai nhân tài tử mà còn
là một thách thức với xã hội khi tình dục được thăng hoa trong cảm xúc văn
chương, thành những bài thơ miêu tả cảnh ân ái táo bạo. Phải chăng từ cảm
hứng này mà sau này Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du mới có sự kế thừa.
Chính Nguyễn Tự là “cha đẻ của dòng thơ sexy Việt Nam” (Giáo trình Văn
học trung đại Việt Nam, t.2, NXBĐHSP, 2007, tr.51). Qua đó, cũng bày tỏ
được khát vọng trần thế vượt ra những ngăn cấm khắc nghiệt của xã hội
đương thời, dẫu cho những con đường tìm kiếm hạnh phúc mà Nguyễn Tự
vạch ra cuối cùng đều bế tắc, thế nhưng cũng phần nào phản ánh tâm lý con
người trong thời đại muốn phá tung những rào cản cấm đoán vô lý.
Không chỉ miêu tả những mối tình của người phàm, Nguyễn Tự còn chỉ ra

cho chúng ta những tình duyên hết sức éo le. Một nhà sư hiệu Vô Kỷ mà cũng
mắc lưới tình với nàng Hàn Than, vì “Cõi dục đã gần, máy thiền dễ chạm,
(…). Hai người đã yêu nhau, mê đắm say sưa, chẳng khác nào con bướm gặp
xuân, trận mưa cửu hạn, chẳng còn để ý gì đến kinh kệ nữa” (Nghiệp oan của
Đào Thị), tiên nữ Giáng Hương cũng lụy tình với kẻ phàm trần Từ Thức,
cũng vì “bảy tình chưa sạch, trăm cảm dễ sinh, hình ở phủ tía nhưng lụy
vướng duyên trần, thân ở đền quỳnh mà lòng theo cõi dục” (Từ Thức lấy vợ
tiên). Những câu chuyện tình thắm thiết ấy có khi phải trả giá như một nghiệp
chướng khó thoát, bản thân Nguyễn Tự cũng phải đứng từ phía luân lý xã hội
mà để nhân vật của mình phải gánh chịu hậu quả từ lòng dục vượt những giới
hạn đạo lý: Hàn Than và Vô Kỷ không thể có niềm vui hạnh phúc vì đứa con
chính là oan nghiệt, Giáng Hương và Từ Thức phải vĩnh biệt nhau vì sự khác
biệt tiên phàm, cõi tiên không dung nạp tấm lòng trần thế.
Trong 11 truyện viết về những thân phận phụ nữ, tác giả cũng thể hiện khá rõ
lập trường đạo đức Khổng Mạnh của mình. Nhưng bên cạnh đó, ông cũng gửi
vào trong từng câu chuyện tấm lòng thương cảm của con người với con
người. Những chuyện phong tình bị lên án bởi những giáo điều, những quan
niệm xã hội, bởi thế những oan khổ trong kiếp đàn bà vẫn không ngừng đeo
đuổi họ cho đến chết. Mượn yếu tố truyền kỳ, nhà văn muốn an ủi cho những
số phận bất hạnh. Nếu như hiện thực là ly biệt, là mất mát, đổ vỡ, là sự oan ức
thiệt thòi, là sự ruồng rẫy rẻ khinh thì yếu tố truyền kỳ đem lại khoảnh khắc
châu về Hợp Phố, sum họp đoàn viên, giải oan, bất tử hoá nhân vật… Tuy
nhiên cũng cần thấy rằng bản thân nhà văn cũng không thể tìm lời giải đáp
cho nhân vật rằng đâu là hạnh phúc thật sự của con người. Những cảm nhận
về một thời đại loạn ly hiện hình trong từng số phận phụ nữ, đàng sau bức
màn huyền ảo là nỗi đau nhân sinh phản chiếu niềm thương cảm của nhà văn.
Hiểu Nguyễn Tự và tinh thần cơ bản của Truyền kỳ mạn lục, chúng ta có thể
tìm thấy một hướng khai thác vào vẻ đẹp của tinh thần nhân bản thế kỷ XVI,
một tiền đề cho sự nở rộ của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong sáng tác ở các
giai đoạn sau. Sự tổng hoà các xu hướng dân gian, xu hướng lịch sử và xu

hướng thế tục đã khiến cho những câu chuyện của Nguyễn Tự thật sự có một
diện mạo riêng, đạt đến chuẩn mực của truyện ngắn trung đại Việt Nam.
Những giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo ẩn sau lớp vỏ truyền kỳ cần được
tiếp nhận một cách đúng đắn để hiểu rõ thời đại của Nguyễn Tự, khám phá
những uẩn khúc những chiều sâu tâm hồn con người thời trung đại. Ngoài ra,
cũng từ cái mốc Truyền kỳ mạn lục, chúng ta cũng có thể thấy được những
sáng tạo mang đậm dấu ấn tác giả, sự tiếp thu có chọn lọc tinh thần văn
chương thời đại trước, mối quan hệ với văn chương khu vực và ảnh hưởng
của Nguyễn Tự đối với văn học giai đoạn sau này. Từ đó, trong việc giảng
dạy, hướng dẫn đọc thêm cho học sinh, chúng ta sẽ chọn lọc được những
truyện có tính giáo dục cao, có giá trị thẩm mỹ, giúp các em hiểu sâu hơn vẻ
đẹp của tác phẩm nói riêng và của văn xuôi trung đại nói chung.

×