Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Bức thư gửi thầy

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (46.96 KB, 4 trang )

Thưa thầy! Em viết thư này để hỏi thầy một điều không liên quan gì tới kiến thức cả,
hay nói chính xác hơn, đây là một loại kiến thức khác, chưa thấy dạy trong trường.
Thầy ơi!
Em là một nữ sinh viên. Em có rất nhiều thứ phải quan tâm, chắc thầy quá hiểu điều đó.
Nào tiền học, nào tiền ăn, nào bài vở, nào sách giáo khoa
Nhưng em có một mối quan tâm nữa, của riêng con gái, đó là nhan sắc. Từ lâu, em đã
biết không có nữ sinh chung chung, mà chỉ có nữ sinh cao, nữ sinh thấp, nữ sinh béo, nữ
sinh gầy, nữ sinh xấu, nữ sinh đẹp.
Là một nhà khoa học, chả hiểu thầy có quan tâm đến sự đẹp xấu của nữ sinh không, chứ
em thấy các bạn nam trẻ, các bạn nam già và bạn của các bạn nam cả trẻ lẫn già đều có
vẻ quan tâm lắm.
Do đó, trong đêm chung kết hoa hậu vừa qua, gần như đám sinh viên trường em đều tụ
tập trước ti vi. Mọi người thi nhau xem và bàn tán rất nhiều điều. Kẻ thì để ý tới phần áo
dạ hội, kẻ thì chú ý tới phần áo tắm, kẻ lại thích thú xem các cô nhảy múa bên bờ biển.
Riêng em chỉ âm thầm quan tâm tới một thứ thôi, thưa thầy, đó là giải thưởng. Em nhìn
rõ ràng giải nhất dành cho cô hoa hậu là nửa tỉ, tức năm trăm triệu đồng.
Trời ơi, năm trăm triệu đồng. Số tiền này cả đời em chưa nhìn thấy nó, bố mẹ em cũng
chưa nhìn thấy nó. Số tiền ấy là quá sức tưởng tượng với một nữ sinh viên như em.
Em nhẩm tính nếu như mình tốt nghiệp đại học và may mắn tìm được việc làm (rất may
mắn), có mức lương trung bình là ba triệu đồng mỗi tháng thì phải mười lăm năm em
mới có được năm trăm triệu nếu như tuyệt đối không ăn uống bất cứ một thứ gì và cũng
không mua sắm bất cứ một thứ gì dù là que kem hay chiếc kẹp tóc. Nói cách khác, suốt
mười lăm năm, em chỉ tồn tại bằng cách hít thở ô-xy miễn phí trong không khí mà thôi
(đó là chưa kể ô-xy hôm nay chưa chắc đã miễn phí!).
Vậy mà cô hoa hậu chỉ cần một phút đăng quang là nhận được số tiền đó, như vậy là sao
hả thầy?
Em không phải là một đứa con gái hẹp hòi thầy ơi. Em xin thề không có chút ghen tị nào
cả. Từ đáy lòng mình (mà đáy lòng của một nữ sinh viên thì rất trong sáng), em chúc
mừng cho cô hoa hậu. Em tin là cô ấy xứng đáng đội vương miện, và em thành thật
ngưỡng mộ cô ấy về tất cả các mặt, từ chiều cao cho tới thân hình.
Nhưng năm trăm triệu đồng có nhiều quá không hả thầy? Theo thầy như vậy có thỏa


đáng không? Em biết rằng câu hỏi này rất nhiều nữ sinh viên và cả nam sinh viên đang
đặt ra.
Thầy vẫn nói với em bao nhiêu lần, cái quý nhất của con người là trí tuệ, em không chút
nghi ngờ điều ấy. Em nhìn chung quanh, và nhìn ra thế giới, em thấy tất cả các công
trình, các sản phẩm bậc cao, các máy móc khoa học tối tân mà nhờ chúng loài người
chúng ta trở nên vĩ đại đều là sản phẩm của trí tuệ cả, không có thứ nào là sản phẩm của
nhan sắc. Trí tuệ là quý nhất, không ai có thể nghi hoặc điều này. Và cái gì quý nhất
phải được trả giá cao nhất chứ thưa thầy!
Mới đây, em đọc báo thấy giáo sư toán học Việt Nam lừng lẫy thế giới Ngô Bảo Châu,
nếu làm việc ở Viện toán, sẽ được ưu tiên trả lương năm triệu đồng một tháng. Năm
triệu? Cả nước bao nhiêu năm mới có một nhà khoa học như thế, nhưng đã có cả trăm cô
hoa hậu đủ mọi danh hiệu. Vậy có hợp lý không?
Em để ý thấy giải cho hoa hậu năm nay cao hơn năm trước, và năm trước cao hơn năm
trước nữa, trong khi lương các nhà khoa học mấy chục năm qua vẫn giữ nguyên, tại sao
vậy thưa thầy?
Em không sao hiểu được. Em đi hỏi các bạn trong lớp và đứa nào cũng có vẻ không hiểu
như em. Em xin nhắc lại với thầy, em viết thư này không có chút xíu gì phản đối cô hoa
hậu cũng như phản đối thi hoa hậu hết. Em cũng không hề có ý nghĩ phải bớt giải
thưởng cho cô ấy đi, vì như thầy đã nhiều lần căn dặn, có rất nhiều giá trị chả thể lấy
tiền làm thước đo, cho nên cũng không nên bảo năm trăm triệu đồng là nhiều hay ít. Em
chỉ muốn thầy, với tư cách một giáo sư mà cả trường kính trọng, giải thích cho em, cũng
như cho các bạn em.
Em chả hề có chân dài, và em cũng chưa khi nào biết số đo ba vòng của mình là bao
nhiêu vì cả đời em chả có lý do gì để đo cả. Nhưng em biết rõ giá một ký gạo, một chai
nước mắm, học phí một năm đại học và em cũng biết rõ để có một năm học phí này, ba
má em bán bao nhiêu ký thóc, nuôi bao nhiêu con heo. Những kiến thức như thế em
chưa từng thấy hỏi trên sân khấu của bất kỳ một cuộc thi sắc đẹp nào trên đất nước ta,
một đất nước có hàng triệu thiếu nữ nghèo, vậy là sao hả thầy?
Em cũng hiểu ngoại hình của mình rất trung bình. Dù mỗi năm có một ngàn cuộc thi hoa
hậu thì em cũng chả hy vọng gì đâu, và rất, rất nhiều cô gái trong xã hội hôm nay cũng

thế.
Vậy là bọn em chả hy vọng gì đùng một cái có số tiền to phải không thầy? Bọn em chỉ
còn con đường suốt đời âm thầm, lặng lẽ và hưởng thụ một đồng lương cực kỳ vừa phải
hay sao?
Thầy ơi!
Xin thầy bỏ qua cho nếu như những thắc mắc của em có gì tầm thường. Em chỉ muốn
thưa với thầy, đấy là thắc mắc của rất nhiều cô gái khác, chẳng qua họ chẳng viết thư
cho thầy mà thôi. Em rất hy vọng thầy trả lời em, làm cho em sáng tỏ một chút trong vấn
đề hoa hậu sôi động này.
Em.
Lê Thị Bích Tèo

Thư của thầy giáo gửi nữ sinh viên
29/08/2010 0:22
Em thân mến! Thầy đã nhận được thư của em và đọc rất kỹ. Trong thư, em thắc mắc về
số tiền thưởng năm trăm triệu đồng cho hoa hậu và em muốn thầy giải thích điều ấy.
Em ơi!
Thầy là một nhà khoa học. Khoa học là thứ vô cùng quan trọng của cuộc sống, nhưng
thật lòng mà nói, khoa học không giải thích được tất cả, và không thay đổi được tất cả.
Mặc dù em không nói hẳn ra, nhưng thầy thấy rõ ràng, em cảm giác giải thưởng năm
trăm triệu đồng là quá nhiều, nhất là khi mang nó so sánh với mức lương đề nghị năm
triệu đồng cho giáo sư Ngô Bảo Châu nếu làm việc ở Viện toán nước ta.
Bức thư của em khiến thầy trằn trọc suốt mấy đêm. Thú thực, đây không phải lần đầu
thầy trằn trọc vì tiền, bởi với cương vị một ông giáo nghèo, suy nghĩ về sự thiếu thốn là
loại suy nghĩ thầy rất hay dùng, dù chả được ai khuyên cả. Khác với kem đánh răng
chẳng hạn, được hội y khoa khuyên dùng.
Có thể nói, em đã đưa cho thầy một bài toán gồm hai mệnh đề. Và hai đáp số, nếu có, sẽ
vô cùng mâu thuẫn với nhau.
Bởi nếu nói năm trăm triệu cho vương miện hoa hậu là nhiều thì cũng chả phải nhiều.
Sắc đẹp, như thầy biết, là một thứ cực kỳ hiếm hoi, và chẳng phải có tiền là có được. Để

làm nên một cô hoa hậu, cần rất nhiều yếu tố, trong đấy vài yếu tố rắc rối vô cùng. Chả
thể lấy vật chất làm thước đo.
Với tư cách một thầy giáo, lại nghèo, lại không đẹp trai, thầy tự hiểu mình không có khả
năng làm quen, đánh giá hoặc xét đoán cô hoa hậu một cách toàn diện. Chả hy vọng gì
vào hoa hậu người, thầy chỉ tạo niềm vui bằng hoa hậu cơm ngon, hoa hậu nhà sạch, hoa
hậu đóng tiền nước hoặc tiền điện đúng kỳ, em hiểu chứ.
Nói cách khác, từ lâu rồi đối với thầy, cái đẹp là cái no, cái đủ và cái kịp thời. Nếu lúc
này có năm trăm triệu trong tay, thầy cũng không thể biến mình thành hoa vương hoặc
biến những cô gái mình quen thành đội vương miện. Thầy chỉ có khả năng biến số tiền
đó thành cá khô, nước mắm hay xôi, chè bắp là những thứ thầy rất thường ăn mà thôi.
Nếu em chịu khó nhìn ra cuộc sống, em sẽ thấy hoa hậu có cơ hội làm rất nhiều việc. Cô
ta có thể đóng phim, có thể ca hát, lên bìa báo hoặc đi thăm trẻ em nghèo. Thực ra, trẻ
em nghèo thì ai cũng có quyền thăm, nhưng vừa đội vương miện vừa thăm sẽ được bà
con chú ý, có lợi cho trẻ em hơn, thầy chắc thế.
Nói theo lời bình của một MC trong đêm chung kết thì thiếu nữ đẹp là kết tinh của trời
đất, trong khi năm trăm triệu đồng chỉ là kết tinh của tiền thuế, tiền bán dầu, bán than đá
hoặc bán một vài thứ khác mà thôi, làm sao so sánh với nhau được.
Còn năm triệu đồng trả lương cho một giáo sư toán có ít không? Thầy cho là tùy vào
quan niệm hay địa vị của mỗi con người. Đầu tiên là khả năng khai thác của một giáo sư
toán hơi hạn chế. Ông ấy rất ít cơ hội được đóng phim truyền hình, được làm người mẫu
thời trang hay ca sĩ. Chưa có một giáo sư toán nào hát hay những bài kiểu Tình thôi xót
xa hoặc Kiếp đỏ đen cả. Thêm một phần nữa là trong cuộc sống hôm nay chúng ta
thường dùng tới những bài toán rất kỳ dị. Kiểu như có năm chục ngàn đồng làm sao vừa
mua thịt, vừa mua rau lại vừa mua gạo, hoặc có hai trăm ngàn đồng vừa mua sữa cho
con lại vừa đóng học phí. Theo thầy, đấy cũng là một môn toán rất cao cấp, và cả triệu
người đã ngày đêm giải được, cớ gì phải đề cao một giáo sư?
Theo như thầy biết, toán học có hai ngành là cơ bản và ứng dụng, và về khoản ứng dụng,
gần như tất cả những người thầy quen, kể cả em, đều xứng đáng gọi là giáo sư. Bởi với
một đồng lương như thế, tìm ra cách đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống một cách kỳ
diệu như thế, quả đáng khâm phục vô cùng. Nhiều lúc nhìn lại, thầy ngạc nhiên mình

quá xuất sắc và những người khác cũng quá xuất sắc trong lĩnh vực toán gay go này.
Thầy không hề có một chút xíu coi thường các giải thưởng toán học quốc tế. Chả giấu gì
em là thầy cũng thỉnh thoảng mơ đến nó. Nhưng tư duy cho toán học tồn tại và tư duy
cho cuộc đời tồn tại đôi khi khác hẳn nhau, và cần được kính trọng như nhau.
Nhiều nhà khoa học đã chứng minh tất cả sự so sánh đều khập khiễng. Theo thầy thì chả
những khập khiễng, khéo có lúc còn nguy hiểm. Có lẽ tốt nhất ta thấy năm trăm triệu là
nhiều, và năm triệu cũng là nhiều, sẽ dễ sống hơn.
Em thân mến!
Em đã nói đúng khi phần lớn các nữ sinh viên không phải hoa hậu, và thầy cũng đành
tiết lộ với em phần lớn thầy dạy học không phải giáo sư. Thầy trò ta nằm trong một tập
hợp đông đảo các giá trị trung bình, nhưng chả vì vậy mà cả thầy lẫn em không có cái vĩ
đại của riêng mình, em nhé.
Bài toán khó khăn nhất của con người, theo thầy, là bài toán xã hội. Bài toán ấy thay đổi
dữ liệu thường xuyên, và rất nhiều lúc có đáp số ẩn hoặc đáp số ảo. Hàng triệu cá nhân
trên đất nước ta đang ngày đêm giải bài toán đó, và họ đều xứng đáng trở thành trí thức
cần tôn danh.
Em cứ lạc quan, yêu đời, kính trọng hoa hậu, kính trọng giáo sư và đừng quên kính
trọng mình, em sẽ thấy vui vẻ, lạc quan chả kém gì những cô gái đẹp!
Thầy
Trần Chịu Đựng

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×