Tải bản đầy đủ (.pdf) (66 trang)

thế giới nhân vật trong tiểu thuyết đỏ và đen của stendhal

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (679.15 KB, 66 trang )


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƢỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC




TRẦN THỊ HẬU



THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT
ĐỎ VÀ ĐEN CỦA STENDHAL




KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC







SƠN LA, NĂM 2014

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƢỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC





TRẦN THỊ HẬU



THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT
ĐỎ VÀ ĐEN CỦA STENDHAL




Chuyên ngành: Văn học nƣớc ngoài

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

Ngƣời hƣớng dẫn: ThS. Nguyễn Thị Ngọc Thúy




SƠN LA, NĂM 2014
LỜI CẢM ƠN

Với lòng biết ơn sâu sắc, tôi xin chân thành cảm ơn đến: Thạc sĩ Nguyễn
Thị Ngọc Thuý, cô giáo tận tâm hết lòng giúp đỡ, hướng dẫn tôi hoàn thành
khóa luận này.
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy, cô giáo trong nhà trường, trong khoa Ngữ
Văn, đặc biệt là tổ văn học nước ngoài - Trường Đại học Tây Bắc đã cung cấp tài
liệu, đóng góp ý kiến, tạo điều kiện thuận lợi cho tôi hoàn thành khoá luận.

Cuối cùng, tôi xin cảm ơn gia đình, bạn bè đã động viên giúp đỡ tôi mọi
mặt trong thời gian làm khoá luận.


Sơn La, tháng 5 năm 2014
Sinh viên


Trần Thị Hậu






MỤC LỤC

PHẦN MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử vấn đề 3
3. Phương pháp nghiên cứu 5
4. Đối tượng, phạm vi, nhiệm vụ nghiên cứu 5
5. Đóng góp của khóa luận 6
6. Cấu trúc của khóa luận 6
Chƣơng 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 7
1.1. Đôi nét về Stendhal và cuốn tiểu thuyết Đỏ và Đen 7
1.1.1. Đôi nét về Stendhal 7
1.1.2. Tiểu thuyết Đỏ và Đen 9
1.1.2.1. Sự ra đời 9
1.1.2.2. Nhan đề tiểu thuyết Đỏ và Đen 10

1.1.2.3. Nội dung tư tưởng và nghệ thuật trong tiểu thuyết Đỏ và Đen 10
1.2. Khái niệm nhân vật và thế giới nhân vật 11
1.2.1. Khái niệm nhân vật 11
1.2.2. Khái niệm thế giới nhân vật 13
Chƣơng 2. THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT ĐỎ VÀ ĐEN 15
2.1. Nhân vật mang sức mạnh Pháp quyền 15
2.2. Nhân vật mang sức mạnh Thần quyền 19
2.3. Nhân vật tình cảm 22
2.4. Nhân vật lựa chọn 26
Chƣơng 3. NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG TIỂU
THUYẾT ĐỎ VÀ ĐEN 31
3.1. Nghệ thuật miêu tả 31
3.1.1. Miêu tả ngoại hình 31
Ngoại hình các nhân vật được miêu tả phong phú, đa dạng phù hợp với địa vị,
tính cách: 31
3.1.2. Miêu tả tâm lý 36
3.1.3. Miêu tả qua hành động 44
3.2. Nghệ thuật xây dựng tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình 49
3.2.1. Xây dựng tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình 49
PHẦN KẾT LUẬN 55
TÀI LIỆU THAM KHẢO 59

1
PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
“Tác phẩm văn học là công trình nghệ thuật ngôn từ do một cá nhân hoặc
một tập thể sáng tạo nhằm thể hiện những khái quát bằng hình tượng về cuộc
sống con người, biểu hiện tâm tư, tình cảm, thái độ của chủ thể trước thực tại”
[15, 238]. Tác phẩm văn học đích thực ở bất cứ thời điểm nào cũng là di sản văn

hoá của nhân loại, của thời đại và của dân tộc. Vì vậy đối với người học tập và
nghiên cứu văn học, việc tìm tòi và khám phá những giá trị văn học của nhân
loại không chỉ giới hạn ở việc tiếp thu nền văn học trong nước mà cần hướng tới
những tinh hoa văn học thế giới đặc biệt đỉnh cao của nền văn học phương Tây.
Thế kỉ XIX, giai cấp Tư sản ở nhiều nước phương Tây lần lượt giành thắng lợi
và củng cố chính quyền sau các cuộc cách mạng tư sản. Công nghiệp hóa tư bản
chủ nghĩa diễn ra đồng thời với sự phát triển của các ngành khoa học. Giai cấp vô
sản dần dần lớn mạnh trở thành một lực lượng chính trị đối lập với giai cấp tư sản.
Văn học phương Tây thế kỉ XIX bao gồm nhiều khuynh hướng nhiều trào
lưu với nhiều tác giả nổi tiếng trên thế giới. Hai trào lưu văn học chủ yếu chủ
nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực phê phán, hình thành hầu hết ở các nước
phương Tây. Văn học các nước đều có đặc điểm chung và những sắc thái riêng
do hoàn cảnh đấu tranh xã hội, ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và sự kế thừa
truyền thống văn nghệ dân tộc của mỗi nước quy định.
Nhưng chủ nghĩa lãng mạn với thái độ quay lưng lại với thực tiễn tư sản
không đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh cách mạng trở nên quyết liệt
vào khoảng cuối những năm 20, đầu những năm 30. Do đó chủ nghĩa hiện thực
phê phán ra đời với nhiệm vụ bám chắc lấy thực tại xã hội đương thời nghiên
cứu nó để phản ánh những mâu thuẫn nội tại của nó.
Giờ đây các nhà văn chân chính hoàn toàn thất vọng với chế độ tư bản,
quay về nhìn thẳng vào hiện thực, để vạch trần những tội ác của nó. Đây là
nguyên nhân sâu xa nhưng căn bản, giải thích quá trình chuyển biến từ chủ
nghĩa lãng mạn sang chủ nghĩa hiện thực trong văn học Pháp thời kì ấy. Những
vấn đề mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp trở nên sâu sắc và gay gắt nhất, do đó trở
nên đơn giản hoá nhất, bộc lộ một cách rõ ràng, công khai, không hề che đậy.

2
Tất nhiên để có thể luôn luôn nhìn thẳng được vào sự thật, tránh bệnh ảo tưởng
hoặc phiến diện, cho thấy được những phương diện bản chất của nó, nhà văn
hiện thực thế kỉ XIX còn nhờ “một trình độ tri thức nhất định về thế giới” kết

tinh từ những thành tựu của khoa học xã hội và khoa học tự nhiên lúc bấy giờ.
Chủ nghĩa hiện thực có tham vọng phản ánh cuộc sống một cách toàn diện
cho nên nó phải khơi nguồn ở nhiều phương diện khác nhau - tất nhiên cuối
cùng phải được kết tinh lại thành một nguyên tắc nhất quán.
Trong dòng văn học chủ nghĩa hiện thực Pháp thế kỉ XIX có rất nhiều nhà
văn xuất sắc như Banzăc, Mêrimê, Flôbe, Môpatxăng. Họ đã thành công với hai
thể loại chủ yếu truyện ngắn và tiểu thuyết.
Và đặc biệt ta không thể quên được Stendhal được coi là “bậc thầy tâm lý
hiện thực phê phán đầu tiên” của chủ nghĩa hiện thực phê phán Pháp thế kỉ XIX
Stendhal là người mở đầu cho trào lưu chủ nghĩa hiện thực Pháp. Mới đầu, ông
ít được mọi người biết đến tên tuổi cũng như tài năng của mình. Nhưng bằng
con mắt sắc sảo nhìn đời và cây bút tinh tế với tài năng của mình, ông đã viết lên
hàng loạt những tác phẩm có giá trị giáo dục con người, nhất là thế hệ trẻ về hiện
thực cuộc sống, về quá khứ và tương lai. Nhất là những thanh niên trẻ khát vọng
làm giàu và khẳng định địa vị trong xã hội. Muốn làm được điều đó họ bất chấp
mọi thủ đoạn trên con đường tiến thân làm giàu. Họ dấn thân vào cuộc chiến đấu
như những con thiêu thân để rồi ôm mộng lớn thành vỡ mộng. Có thể nói, những
tác phẩm của ông chủ yếu viết về những thanh niên bình dân đang phải chịu đựng
những bất công trong xã hội và sự mâu thuẫn giữa các giai cấp mà ông phản ánh
trong mỗi tác phẩm với hàng loạt thế giới nhân vật của mình. Stendhal đã bao
quát toàn bộ hoạt động của các giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội. Tác
phẩm phản ánh mọi mặt của đời sống con người, đặc biệt ông đã vạch trần vai trò
của đồng tiền trở thành động lực xã hội trong tay các thế lực thần quyền đại diên
cho nhà thờ tôn giáo nắm vững tinh thần và pháp quyền đại diện cho quý tộc, tư
sản nắm vững thể xác được thể hiện ngay trong tác phẩm Đỏ và Đen của ông đã
cho ta thấy được bối cảnh biên niên sử năm 1830 lúc bấy giờ. Bằng mối quan hệ
mật thiết giữa các thế lực. Đứng giữa hai thế lực ghê sợ đó người thanh niên bình
dân Juyliêng Xôren mất phương hướng trên con đường tiến thân và dẫn đến cái
chết bi thương của mình.


3
Stendhal đã vẽ nên bức tranh con người, một bức hoạ hoành tráng, một lịch
sử phong tục như thế trong tiểu thuyết Đỏ và Đen. Có thể nói, các phương diện
nghệ thuật của tiểu thuyết cũng rất phong phú, hấp dẫn.
Ở khoá luận này, người viết chỉ tập trung đi sâu vào một phương diện làm
nên thành công nghệ thuật của tác phẩm. Đó là vấn đề thế giới nhân vật. Hy
vọng khóa luận này sẽ là tài liệu tham khảo có ích cho các bạn sinh viên yêu
thích tiểu thuyết Đỏ và Đen đặc biệt là yêu thích tác giả Stendhal của bộ môn
văn học nước ngoài.
2. Lịch sử vấn đề
Stendhal lúc còn sống, ít được sự quan tâm của những người cùng thời.
Giới nghiên cứu và phê bình văn học tư sản lặng thinh hoặc hạ thấp giá trị của
ông. Vì, ông đã đi ngược lại những tiêu chuẩn văn học, mỹ học được số đông công
nhận thời bấy giờ. Người ta đặc biệt chê bút pháp của ông khô khan, những nhà
phê bình tinh tế như Xvaiko, Lăngxông cũng phê phán nhà văn “chẳng chú trọng
gì đến bút pháp viết như viết thư thường cho bạn bè hoặc chẳng có nghệ thuật gì,
chỉ là phân tích ý niệm” [6, 109], nhất là vì tác phẩm của ông là những bản tố cáo
mãnh liệt bộ mặt đồi bại xấu xa, giả dối, của xã hội tư sản quý tộc đương thời.
Chính vì Stendhal có thái độ độc lập và dũng cảm đối mặt với xã hội đương
thời, vì ông căm phẫn tố cáo những giai cấp cầm quyền lúc bấy giờ mà giới phê
bình thời đó âm mưu im lặng đối với sự nghiệp sáng tác của ông. Ông là người
mở đầu cho trào lưu hiện thực phê phán trong văn học Pháp, song ngoại trừ
Banzăc, ông không được các nhà văn cùng thời đánh giá cao. Mặc dù vậy, trải
qua bao biến thiên thời cuộc, đến nay, vị trí của người có “Giọng điệu cá biệt
nhất trong văn học từ trước tới nay” (nhận xét của Valery) ngày càng thêm
vững chắc. Tài năng của ông chỉ có rất ít người đương thời biết đến và tiếp đón
với một thái độ thông cảm. Đó là những người xuất sắc nhất của thời đại như
Goethe, Puskin, Banzăc. Trong đó, người đầu tiên nói đến ông và bắt người ta
chú ý đến chính là Banzăc. Năm 1840, nghĩa là hai năm trước khi Stendhal
mất, Banzăc viết bài “nghiên cứu về Hăng ri bâylơ”. Gọi Stendhal là nhà văn

xuất sắc, Banzăc quả quyết rằng chỉ có những trí tuệ lớn nhất của xã hội mới
hiểu được ông.
Lời tiên đoán quả nhiên đã thành hiện thực. Không chỉ có Banzăc, văn hào
Nga Lev Tolstoy cũng đánh giá cao văn tài của Stendhal. Có lần, Lev Tolstoy nói

4
với một bạn văn: “Hãy đọc kỹ đoạn Stendhal ra trận Waterloo trong Tu viện
thành Parme. Trước Stendhal làm gì có ai tả chiến tranh như thế? Tôi muốn nói
là tả chiến tranh theo đúng sự thực. Bạn hãy nhớ lại cái cảnh anh chàng Fabrice
cưỡi ngựa chạy trên chiến trường mà hoàn toàn “không hiểu gì cả” [7, 135]. Lev
Tolstoy cũng thừa nhận rằng Stendhal đã dạy cho ông biết chiến tranh là gì, dù
ông từng là sĩ quan pháo binh trong trận chiến ở Sebastopol: “Nếu tôi không đọc
đoạn văn miêu tả về trận đánh Waterloo trong “Tu viện thành Parme” của
Stendhal thì chắc tôi không thể nào viết thành công theo kiểu ấy những cảnh
chiến trận trong “Chiến tranh và hoà bình” [7, 158].
Khoảng cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX như Stendhal đã dự đoán, mới có
nhiều người đọc sách của ông. Văn phong của ông càng được hâm mộ vì sự
“trong sáng như pha lê”. Đông đảo các nhà nghiên cứu thế kỉ XX nhận định
“Bút pháp Stendhal không bao giờ già”, do ngắn gọn, tự nhiên, không gọt giũa
nên gần với phong cách hiện đại. Có nhóm các nhà ngôn ngữ học Xô Viết đã
phân tích văn phong của Stendhal bằng cách khảo sát một số đoạn trong Đỏ và
Đen để tìm ra các loại câu loại từ được sử dụng và so sánh với văn phong của
Banzăc.
Và không ít người tôn ông làm bậc thầy lớn của “tiểu thuyết tâm lý”, thừa
nhận ông là một trong những người đại diện tiêu biểu của trào lưu chủ nghĩa hiện
thực phê phán trong văn học thế giới. Ten từ cuối thế kỉ XIX đã gợi Stendhal là:
“Nhà tâm lí vĩ đại nhất của thế kỉ”. Nói về Stendhal, nhà văn đại hào hiện thực xã
hội chủ nghĩa M. Gorki viết: “Nếu có thể so sánh tác phẩm của Stendhal những
bức thư, có lẽ đúng hơn là phải gọi những tác phẩm đó những bức thư cho tương
lai”. Phát biểu về sức mạnh nghệ thuật của các tác phẩm văn hào Pháp này M.

Gorki đã nói: “… tôi đọc kí sự nước Ý của Stendhal và tôi không hiểu làm thế nào
lại có thể viết được như thế. Người ta tả những người tàn ác, những kẻ giết người
để trả thù, thế mà tôi đọc truyện của ông như đọc “thân thế các Thánh” hay như kể
“giấc mơ của đức mẹ đồng trinh” – câu chuyện Đức mẹ (đi xoa dịu những nỗi
thống khổ của những người dưới địa ngục).
Tài năng phân tích tâm lý nhân vật của Stendhal còn được J. Angus Burrell
nhận xét: “Khi ông tự đặt mình vào một nhân vật nào trong truyện thì ông phân
tích, giải phẫu nhân vật đó với một trực giác và sự chân thực kì lạ” [2, 36].

5
Các nhà nghiên cứu ở Việt Nam cũng có nhiều công trình nghiên cứu về
Stendhal. Rất đáng chú ý là lời nhận xét của tác giả cuốn sách Lịch sử văn học
Pháp thế kỉ XVIII – XIX: “Nhân vật chính của ông là những người trẻ tuổi có
khả năng cảm thấy những hạnh phúc khác với hạnh phúc của tiền tài và hư vinh.
Nhân vật của Stendhal không thể điều hòa với xã hội, hoặc đoạn tuyệt với nó,
hoặc đối địch với nó” [34, 483].
Lê Hồng Sâm - Đặng Thị Hạnh trong cuốn Văn học lãng mạn và hiện thực
phương Tây thế kỉ XIX đã đánh giá: “Nghệ thuật phân tích tâm lý mà Stendhal
chú trọng từ khi còn rất trẻ, biểu hiện rực rỡ trong Đỏ và Đen. Lần đầu tiên
trong văn học xuất hiện nhân vật tự nhìn mình một cách tinh vi, tự phê phán
mình một cách sâu sắc… Hoạt động của thế giới bên trong con người được
khám phá và miêu tả chân xác, sinh động, những tâm hồn cùng phong phú, phức
tạp, hoặc cùng chất phác đơn sơ, nhưng đa dạng về sắc thái cá nhân” [33, 271].
Ngoài ra, vấn đề nghệ thuật xây dựng nhân vật của Stendhal còn được đề cập
đến ở một số tài liệu như Chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học phương
Tây (Đỗ Đức Dục, 1981); Các tác giả lớn của văn học Pháp thế kỉ XIX (TS Thái
Thu Lan , 2002), …
Chúng tôi nhận thấy vấn đề mà đề tài nghiên cứu chưa được đề cập đến một
cách hệ thống và toàn diện. Mặc dầu vậy, đó là những cơ sở tư liệu quý báu để
tác giả khóa luận triển khai phương hướng tiếp cận vấn đề đã được xác định.

3. Phƣơng pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng tổng hợp các phương pháp:
3.1. Phương pháp khảo sát, thống kê, liệt kê dẫn chứng
3.2. Phương pháp so sánh, đối chiếu
3.3. Phương pháp phân tích: Phương pháp này sử dụng nhiều trong
quá trình nghiên cứu đề tài
3.4. Phương pháp tổng hợp
4. Đối tƣợng, phạm vi, nhiệm vụ nghiên cứu
4.1. Đối tượng
Tiểu thuyết Đỏ và Đen của Stendhal có rất nhiều khía cạnh cần được
nghiên cứu. Nhưng do khả năng và mức độ của một khóa luận nên tôi chỉ tập

6
trung nghiên cứu vấn đề Thế giới nhân vật.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu tiểu thuyết Đỏ và Đen do Stendhal của Đoàn Phú
Tứ dịch, bản in lần thứ 6, nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998
4.3. Nhiệm vụ nghiên cứu
Tìm hiểu đặc trưng của thế giới nhân vật, phương tiện và thủ pháp nghệ
thuật mà Stendhal sử dụng để xây dựng các nhân vật. Qua đó thấy được những
đóng góp của nhà văn này trong văn học phương Tây, đặc biệt là văn học Pháp.
5. Đóng góp của khóa luận
Khóa luận chỉ ra một cách cụ thể đặc trưng thế giới nhân vật trong tiểu
thuyết Đỏ và Đen cùng một số biện pháp nghệ thuật xây dựng nhân vật, giúp
bạn đọc hiểu thêm về tài năng sáng tạo của Stendhal.
6. Cấu trúc của khóa luận
Ngoài phần mở đầu và kết luận, khóa luận gồm 3 chương:
Chương 1. Những vấn đề chung
Chương 2. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Đỏ và Đen
Chương 3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Đỏ và Đen


7
Chƣơng 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Đôi nét về Stendhal và cuốn tiểu thuyết Đỏ và Đen
1.1.1. Đôi nét về Stendhal
Stendhal tên thật là Hăngri Bâylơ (Henri Beyle). Ông là người mở đầu cho
trào lưu chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học nước Pháp. Sự xuất hiện
của trào lưu văn học đó gắn liền với những cuộc đấu tranh xã hội sôi sục và liên
tiếp diễn ra ở nước Pháp trong hơn nửa thế kỉ, từ 1789 đến 1848, nghĩa là hầu
suốt cuộc đời Stendhal.
Stendhal sinh ngày 23 - 1 - 1783 ở Grenoble, thuộc một gia đình luật sư
giàu có. Mẹ mất sớm, bố có tư tưởng bảo thủ, hầu như hoàn toàn giao phó việc
giáo dục ông cho một linh mục gia tô. “Nghệ thuật sư phạm” của ông chỉ có kết
quả làm cho Stendhal căm thù nhà thờ và tôn giáo. Chàng thanh niên đó giấu
thầy đọc sách của những triết gia Ánh sáng thế kỉ XVIII như Cabanix, Đidơro,
Đobas… và thừa hưởng của họ những quan điểm duy vật về thế giới, thái độ phê
phán đối với giới tu hành và giai cấp quý tộc, lòng tin tưởng vào trí tuệ, lý trí
của con người, sự quan tâm tích cực tới những vấn đề đời sống của xã hội. Đặc
biệt cuộc cách mạng 1789 nổ ra khi Stendhal mới lên bảy tuổi đã gây ấn tượng
sâu sắc trong đầu óc cậu bé. Lý tưởng và ước mơ của nhân dân về tự do, bình
đẳng, bác ái, lòng thù ghét của họ đối với chế độ chuyên chế và chế độ nô lệ, tất
cả những nguyện vọng cao cả đó của thời đại cách mạng. Không có nhà văn thế
kỉ XIX nào bảo vệ những lý tưởng đó nhiệt thành và can đảm như Stendhal.
Nhưng Stendhal có nhược điểm là nuôi ảo tưởng đối với Napôlêông. Khi
mười bảy tuổi ông đã xung vào quân đội và theo Napôlêông tham gia nhiều
chiến dịch ở Ý, ở Đức và cả ở Nga năm 1812. Lúc đầu ông tin tưởng ở
Bônapactơ, cho ông ta là người kế tục sự nghiệp cách mạng. Khi đó quân đội
Napôlêông đặt chân vào những nước chậm tiến như Đức hay Ý có tác động là
hướng những dân tộc ấy theo con đường phát triển tư sản tiến bộ, điều này
không khỏi gây ảo tưởng cho một số đầu óc tiên tiến đương thời như Stendhal

trong một thời kì nhất định. Cho nên Stendhal đã lý tưởng hoá Napôlêông trong
một số tác phẩm của ông.
Tuy nhiên, sau khi Napôlêông lên ngôi hoàng đế nước Pháp, ông nhận ra
tính chất chuyên chế của Napôlêông và nhìn thấy mối nguy cơ cho tinh thần
cách mạng chân chính. Ông thở than: “Sung sướng thay những vị anh hùng chết

8
trước năm 1804” [37,12]. Đặc biệt, cuộc hành quân của Napôlêông sang đất
Nga đã cho ông biết thấy hết bản chất chính trị của Napôlêông. Trong thời gian
này ông viết “Mỗi ngày cách mạng lại mất đi một điều tốt lành” [37, 12].
Vì thế cho nên Stendhal không hề đau khổ khi Napôlêông sụp đổ và cũng
không theo phục vụ ông ta trong thời kì “Một trăm ngày”. Tuy vậy Stendhal biết
rằng sau khi dòng họ Buôc - bôn trở lại cầm quyền thì nhân dân càng khổ cực
hơn. Cho nên những năm 20 ông thường đối lập Napôlêông với bọn chính sách
thời Trùng - hưng và vẫn còn những nhận xét tốt về ông ta.
Sau khi Napôlêông sụp đổ và triều đại Buôc - bôn được khôi phục,
Stendhal rời Pháp sang ở nước Ý một thời gian dài, chỉ thỉnh thoảng mới về
nước. Ông rất yêu nước Ý, nước này có vai trò không nhỏ trong sự hình thành
nhân sinh quan của nhà văn. Đời sống xã hội sôi sục nước Ý lôi cuốn ông, và
ông làm quen với các chiến sĩ của phong trào cách mạng dân chủ Carbonari
chống lại “Liên minh thần thánh” của bọn phản động Mêttcnich (Metternich)
nhằm giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước Ý. Thời kì sống trên đất Ý đã
để lại nhiều vết tích trong sáng tác của Stendhal. Ông say sưa nghiên cứu nghệ
thuật, hội hoạ âm nhạc Ý, và viết một loạt tác phẩm về nghệ thuật đó; nước Ý
cũng đã cung cấp chủ đề cho một tác phẩm lớn của ông sau này là tiểu thuyết Tu
viện thành Pacmơ (La chartreuse de Parme).
Nhưng năm 1822 xảy ra phong trào khởi nghĩa Carbonari ở một loạt thành
phố Ý. Cảm tình của Stendhal đối với phong trào đó khiến chính quyền
Mettecnich tố cáo ông và trục xuất ông khỏi lãnh địa của Áo ở Bắc Ý.
Trở về nước ông tham gia tích cực vào đời sống xã hội văn học Pháp trong

những năm 20. Trung thành với lý tưởng cách mạng thế kỷ XVIII, Stendhal căm
ghét cay đắng nền thống trị Buôc - bôn, ông chống lai bọn quý tộc và nhà thờ,
ông cũng nhận ra bản chất xấu xa của những quan hệ tư sản mà bọn tự do đại
diện lúc bấy giờ. Thái độ này được phản ánh trong cuốn tiểu thuyết Đỏ và Đen
(Le Rouge et le Noir). Trên địa hạt văn học, ông hăng hái tham gia những cuộc
tranh luận, sát cánh với phái chủ nghĩa lãng mạn chủ nghĩa chống lại phái cổ
điển chủ nghĩa và ông viết thiên luận chiến Raxin và Sêchxpia (Racine et
Shakespeare).
Năm 1830, vua Luy Philip cử Stendhal làm lãnh sự ở Triextow Ý. Nhưng
Mettecnich coi ông là người “khả nghi” nên không nhận và ông trở thành lãnh

9
sự ở một lãnh địa của giáo hoàng.
Năm 1482, Stendhal về Pháp định lưu lại ở đó ít lâu, bất ngờ ông bị áp
huyết và chết ngay trên một đường phố của Paris ngày 23 - 3 - 1842.
Về tiểu thuyết, tác phẩm đầu tiên của ông là Acmăngxơ (Armance, 1827)
trong đó ông phân tích tâm lý lớp thanh niên quý tộc thời Trùng - hưng. Hai
thiên tiểu thuyết kiệt tác Đỏ và Đen (1813) và Tu viện thành Pacmơ (1893) đã
xếp Stendhal vào hàng những bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Cuốn
tiểu thuyết cuối cùng mà Stendhal viết và bỏ dở là cuốn Luyxiêng Lơven (Lucien
Leuwen) đề cập tới số phận của một thanh niên tư sản thời kì Quân chủ tháng
Bảy, nhân đó ông vạch trần tính chất đồi bại của chế độ này.
Qua sáng tác của Stendhal, trước hết là qua hai thiên tiểu thuyết kiệt tác của
ông, Đỏ và Đen và Tu viện thành Pacmơ, người ta thấy điểm nổi bật lên
Stendhal đã đưa vào văn học tinh thần chiến đấu và truyền thống anh dũng của
cuộc cách mạng Pháp 1789 - 1794 và của phong trào Ánh sáng thế kỉ XVIII.
Chính sự phản ánh chân thực đời sống xã hội, bóc trần cả những cái xấu xa
của nó ra, đã làm nổi bật trong các tiểu thuyết của Stendhal, đặc biệt trong Đỏ và
Đen và trong Tu viện thành Pacmơ, là những bản án cáo trạng đanh thép đối với
xã hội quý tộc và tư sản đương thời.

Ngoài ra Stendhal còn viết một loạt những kí sự ở nước Ý “cuốn truyện tự
thuật Đời sống của Hăngri Bruyla” và một số tác phẩm khác nữa còn dang dở.
1.1.2. Tiểu thuyết Đỏ và Đen
1.1.2.1. Sự ra đời
Vào thời gian của Stendhal viết dạo chơi ở Rôm, người ta thấy trong giấy tờ
của ông có tập dự thảo mang tên Juyliêng. Sau Stendhal ghi lại “là ý niệm của
Juyliêng nảy ra ở ông vào một đêm cuối tháng mười 1828”. Sự kiện gợi ý cho
nhà văn là vụ án đã được ông thuật lại trong dạo chơi ở Rôme về anh thợ làm đồ
gỗ Lacfacgo giết người yêu .
Nhờ vào trí tưởng tượng và kinh nghiệm sống phong phú, sức sáng tạo của
mình, Stendhal đã dựng lên một cốt truyện với những nhân vật và tình tiết mang
một ý nghĩa xã hội rộng lớn, cùng với những phát hiện sắc sảo, táo bạo. tiểu
thuyết Đỏ và Đen được sáng tác 1831. Tác phẩm này ghi nhận tài năng của ông
trên văn đàn Pháp.

10
1.1.2.2. Nhan đề tiểu thuyết Đỏ và Đen
Cuốn tiểu thuyết Đỏ và Đen của Stendhal hiện vẫn là một trong những cuốn
sách bán chạy nhiều nước trên thế giới (hiện ở Trung Quốc đã xuất hiện với 8
bản dịch khác nhau). Gần đây, Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng tiết lộ rằng,
cuốn sách ưa thích nhất của ông chính là tiểu thuyết Đỏ và Đen của Stendhal.
Nói tới nhan đề Đỏ và Đen nhà văn không để lại một lời giải thích nào, cho
nên các nhà nghiên cứu và phê bình đã tranh luận nhiều và hiểu rất khác nhau,
thậm chí có người giải thích một cách tùy tiện. Chẳng hạn người ta cho rằng đây
là câu chuyện đánh bạc, quay số lấy may rủi quyết định, số phận thành hay bại.
Nhiều người hiểu màu Đỏ là màu của quân sự và màu Đen là màu của nhà thờ,
chỉ ra cái chí hướng của nhân vật Juyliêng Xôren
Gần đây các nhà nghiên cứu Xô viết đã đưa ra một quan điểm có thể tin cậy
được vì nó dựa vào nội dung tư tưởng của tác phẩm để giải thích, nêu lên mối
tương phản giữa tinh thần cách mạng, tính cách anh hùng, tình cảm mãnh liệt

tượng trưng bằng màu đỏ, với những thế lực phản động, đồi bại, đen tối của giai
cấp quý tộc, nhà thờ và giai cấp tư sản thắng thế dưới thời Trùng - hưng.
1.1.2.3. Nội dung tư tưởng và nghệ thuật trong tiểu thuyết Đỏ và Đen
Với con mắt sắc sảo của một nhà văn hiện thực, Stendhal đã nhìn nhận ra
được cái tình thế tất yếu lịch sử của xã hội Pháp thời Trùng - hưng, mà ông mô tả
hết sức thành công trong kiệt tác Đỏ và Đen. Tiểu thuyết Đỏ và Đen phản ánh hiện
thực đen tối của xã hội Pháp thế kỉ XIX. Tác phẩm phơi bày một cách toàn diện,
sâu sắc sự thối nát, đen tối, sự sa hoa lãng phí của tầng lớp tư sản cùng với sự mục
ruỗng, đồi bại trong tầng lớp tăng lữ, quý tộc của nước Pháp thế kỉ XIX. Nhiều
hình tượng con người tiêu biểu của xã hội Pháp Trùng - hưng được xây dựng.
Đỏ và Đen là tiểu thuyết hiện thực xuất sắc, được xếp vào đầu trong những
sáng tác của Stendhal. Tiểu thuyết là “sự mở đầu cho trào lưu chủ nghĩa hiện thực
thế kỉ XIX nước Pháp”. Bằng cái nhìn hiện thực, con mắt của nhà tiểu thuyết bậc
thầy tâm lý Stendhal đã tạo ra đứa con tinh thần của mình - Đỏ và Đen. Tiểu thuyết
trở thành tập đại thành cho những tiến bộ của tiểu thuyết hiện thực Pháp thế kỉ
XIX. Với bút pháp hiện thực đạt đến trình độ điêu luyện, khi miêu tả tác giả đã bám
sát đời sống hằng ngày, miêu tả chi tiết - cụ thể, không cường độ tô vẽ. Bức tranh
cuộc sống được trải rộng với đầy đủ những chi tiết vụn vặt, chính cái bình dị đó
làm nên sức hấp dẫn cho tác phẩm. Đọc tác phẩm ta không hề cảm thấy bàn tay đẽo

11
gọt của nhà văn, đó là cái đẹp thuần phác bằng cái nhìn hiện thực, thực tế và bằng
kết quả của sự rèn luyện khắc khổ mới có được.
Nghệ thuật xây dựng thế giới nhân vật, xây dựng một lúc nhiều nhân vật
là một thành tựu to lớn của Đỏ và Đen. Số lượng nhân vật nhiều nhưng các nhân
vật đều có máu thịt, có cá tính rõ nét. Tài năng của Stendhal mà còn thể hiện
nghệ thuật xây dựng nhân vật với ngoại hình, tâm lý, hành động mà còn đặt các
nhân vật vào hoàn cảnh sống điển hình để làm nổi bật tính cách của họ.
Tóm lại Đỏ và Đen là một thiên tiểu thuyết của bậc thầy tâm lý mở đầu cho
phong trào hiện thực thế kỉ XIX. Từ khi Đỏ và Đen ra đời đã được bạn đọc hâm

mộ rộng rãi và đặc biệt những bạn đọc nước Pháp luôn mong muốn quay về xã
hội thế kỉ XIX bằng sự hứng thú nghiên cứu lịch sử của đất nước mình.
1.2. Khái niệm nhân vật và thế giới nhân vật
1.2.1. Khái niệm nhân vật
“Nhân vật là đối tượng (thường là con người) được miêu tả, thể hiện trong
tác phẩm văn học nghệ thuật” [31, 153].
“Nhân vật văn học là một trong những khái niệm trung tâm để xem xét sáng
tác của một nhà văn, một khuynh hướng, trường phái hoặc dòng phong cách.
Nhân vật văn học là hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu
hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của con người trong nghệ thuật ngôn từ. Bên cạnh con
người, nhân vật văn học có khi còn là các con vật, các loài cây, các sinh thể
hoang đường được gán cho những đặc điểm giống với con người” [1, 396].
Nhân vật được coi “là yếu tố cơ bản nhất trong tác phẩm văn học, tiêu điểm
để bộc lộ chủ đề và tư tưởng chủ đề, và đến lượt mình nó lại được các yếu tố có
tính chất hình thức của tác phẩm tập trung khắc hoạ - Nhân vật, do đó là nơi tập
trung giá trị tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm văn học” [26, 359].
“Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn
học. Nhân vật văn học có thể là tên riêng (Tấm, Cám, chị Dậu, anh Pha…).
Khái niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ một
con người cụ thể nào cả mà chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm…
Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật mang tính ước lệ, không thể đồng
nhất nó với con người có thật trong đời sống” [15, 235].

12
Mặc dù từ trước đến nay có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm nhân
vật văn học, song tựu trung lại, có thể hiểu một cách phổ biến đúng đắn nhất về
vấn đề này như sau: “Nhân vật văn học là một đối tượng được miêu tả một cách
tập trung đến mức có sức sống riêng nào đó ở bên trong theo nhiệm vụ nghệ
thuật mà tác giả trao cho nó”.
Như vậy, với cách hiểu này, khái niệm nhân vật không bị bó hẹp trong

phạm vi “con người” mà được mở rộng thành “đối tượng” với những đặc tính
hết sức phong phú và đa dạng của nó. Ở đây đối tượng miêu tả của nó có thể là
con người nhưng cũng có thể là đồ vật, loài vật thiên nhiên, thần thánh hoặc
cũng có khi một hiện tượng nổi bật nào đó của đời sống … nhưng tất cả chúng
đều được đặt trong mối quan hệ với con người.
Một điều đáng lưu ý là, khái niệm nhân vật văn học đôi khi bị dùng lẫn lộn,
bị đồng nhất với các khái niệm như “vai” hay “tính cách”. Thực ra “vai” có nội
hàm hẹp hơn nhân vật vì thường để chỉ loại “nhân vật hoạt động” hay “nhân vật
suy tư trên sân khấu”. Còn việc đồng nhất nhân vật với “tính cách” xuất phát từ
một nhận thức đúng đắn là tác phẩm văn học nhìn chung có chức năng thể hiện
tính cách xã hội thông qua tính cách nhân vật. Tuy nhiên việc đồng nhất hai khái
niệm này làm chúng ta không thấy được mức độ thể hiện nhân vật xuất hiện
nhân vật khác nhau của nhà văn trong tác phẩm.
Trong tác phẩm văn học số lượng nhân vật không giới hạn. Nó có thể có
một vài, hàng chục nhân vật trong truyện ngắn, truyện vừa đến hàng trăm nhân
vật trong các tiểu thuyết.
Nhân vật văn học là một hiện tượng hết sức đa dạng, những nhân vật thành
công thường là những nhân vật sáng tạo độc đáo, không lặp lại. Tuy nhiên trong
các nhân vật, nhận xét về nội dung, cấu trúc, chức năng có thể thấy nhiều hiện
tượng lặp lại tạo thành các loại nhân vật.
Căn cứ vào nội dung tư tưởng có thể chia nhân vật thành hai loại: Nhân vật
phản diện (nhân vật tiêu cực) và nhân vật chính diện (nhân vật tích cực)
Xét từ góc độ kết cấu và cốt truyện lại có thể chia nhân vật thành nhân vật
chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm.
Xét từ góc độ thể loại có thể chia nhân vật thành nhân vật tự sự, nhân vật
trữ tình, nhân vật kịch.

13
Xét từ góc độ chất lượng nghệ thuật tổng hợp, khám phá khái quát, biểu
hiện thì có thể phân loại nhân vật thành ba cấp độ: Nhân vật chưa có tính cách,

nhân vật tính cách và nhân vật điển hình.
Nhân vật góp phần vào sự thành công của tác phẩm. Văn học phản ánh
bằng hình tượng, bằng những nhân vật cụ thể. Do đó bằng chức năng đầu tiên,
trọng yếu nhất của nhân vật thể hiện ở chỗ chính nó là phương tiện để nhà văn
khái quát hiện thực. Tác phẩm văn học không thể thiếu được nhân vật. Bởi chỉ
thông qua nó, nhà văn mới thể hiện được nhận thức của mình về xã hội, con
người với những đặc điểm về số phận và tính cách của nó, mới có thể khái quát
được vấn đề có tính quy luật cuả đời sống.
Nhân vật là phương tiện tất yếu và quan trọng nhất thể hiện tư tưởng của
tác phẩm, tức thông qua hoạt động và mối liên hệ giữa tính cách, người đọc sẽ đi
đến một sự khái quát hoá về một nhận thức tư tưởng.
Đối với hình thức của một tác phẩm văn học, nhân vật là yếu tố quyết
định phần lớn đến kết cấu cốt truyện, ngôn ngữ nghệ thuật, sự lựa chọn các chi
tiết nghệ thuật trong tác phẩm.
Tóm lại, nhân vật là hình thức của văn học để phản ánh hiện thực. Hình
thức ấy rất đa dạng, thể hiện các khía cạnh vô cùng phong phú của đời sống.
Việc nhận thức các đặc điểm, vai trò và chức năng của nhân vật là rất cần thiết
nhằm đi sâu vào tìm tòi những nội dung phong phú đó di sản văn học nhân loại.
1.2.2. Khái niệm thế giới nhân vật
Khái niệm thế giới nhân vật là một phạm trù rất rộng. Thế giới nhân vật là
một tổng thể những hệ thống nhân vật được xây dựng theo quan niệm của nhà
văn và chịu sự chi phối của tư tưởng tác giả. Thế giới ấy cũng mang tính chỉnh
thể trong sáng tác nghệ thuật của nhà văn, có tổ chức và sự sống riêng, phụ
thuộc vào ý thức sáng tạo của nhà văn và chỉ xuất hiện trong sáng tác phẩm văn
học, trong sáng tác nghệ thuật. Đó là mô hình nghệ thuật, có cấu trúc riêng, có
quy luật riêng thể hiện ở đặc điểm con người, tâm lý, không gian, thời gian, xã
hội… Gắn liền với một quan niệm nhất định của chúng về tác giả. Thế giới nhân
vật là cảm nhận một cách trọn vẹn, toàn diện và sâu sắc của chủ thể sáng tạo về
toàn bộ nhân vật trong xã hội, trong tác phẩm, mối quan hệ, môi trường, hoạt
động của họ, ý nghĩa, tư tưởng, tình cảm của họ trong cách đối nhân xử thế, trong

giao lưu xã hội, với gia đình… Thế giới nhân vật vì thế bao quát sâu rộng hơn

14
hình tượng nhân vật. Con người trong văn học chẳng những không giống với con
người thực tại về tâm lý, hoạt động mà còn có ý nghĩa khái quát tượng trưng.
Trong thế giới nhân vật người ta có thể chia thành các kiểu loại nhân vật
nhỏ hơn (nhóm nhân vật) dựa vào những căn cứ tiêu chí nhất định. Nhiệm vụ
của người tiếp nhận văn học là phải tìm ra chìa khoá để bước qua cánh cửa và
bước vào khám phá thế giới nhân vật đó. Trong lịch sử văn học, có thể nói mỗi
tác giả lớn đều có thế giới nhân vật riêng. Mỗi thể loại văn học cũng có thế giới
nhân vật với quy luật riêng của nó.
Tiểu kết
Đỏ và Đen là những tác phẩm hiện thực sâu sắc nhất của nước Pháp thế kỉ
XIX. Một thế kỉ điển hình đầy rẫy hiện thực phũ phàng và con người với khát
vọng, lòng tham, địa vị và tội ác luôn được tố cáo và phản ánh, đả kích. Tìm
hiểu về tác giả Stendhal và tiểu thuyết Đỏ và Đen giúp chúng ta hiểu thêm cuộc
đời, sự nghiệp của tác giả, sự ra đời, nhan đề tiểu thuyết, nội dung tư tưởng và
nghệ thuật to lớn của tác phẩm cũng như sự đóng góp to lớn của tác giả trong
văn học Pháp thế kỉ XIX. Bên cạnh đó tìm hiểu về khái niện nhân vật văn học và
khái niệm thế giới nhân vật giúp chúng ta có cơ sở chắc chắn để phân tích từng
khía cạnh xây dựng nhân vật một cách rõ ràng, chính sách, khách quan. Như vậy
tìm hiểu về tác giả, tác phẩm, lí luận về nhân vật văn học và thế giới nhân vật là
cơ sở nền tảng để chúng ta đi vào tìm hiểu thế giới nhân vật trong cuốn tiểu
thuyết một cách thuận lợi và dễ dàng và sâu sắc hơn.


15
Chƣơng 2. THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT
ĐỎ VÀ ĐEN
Khảo sát tác phẩm có thể thấy thế giới nhân vật được hình thành bởi sự kết

nối của một số kiểu loại nhân vật như sau:
2.1. Nhân vật mang sức mạnh Pháp quyền
Trong Đỏ và Đen, loại nhân vật thuộc tầng lớp quý tộc và tư sản chiếm một
tỉ lệ khá lớn. Tác giả đã xây dựng những nhân vật của hai giai cấp này như là
hiện thân của sức mạnh Pháp quyền, nắm trong tay sức mạnh về luật pháp, chính
trị, xã hội. Tất cả họ chi phối sự vận động của cơ chế và tổ chức xã hội, vì thế đã
tạo nên một thế giới phong phú, đa dạng trong tiểu thuyết của Stendhal.
Hãy xem ông mô tả giai cấp quý tộc với hai nhân vật tiêu biểu của nó là Đơ
Rênan đại diện cho tầng lớp quý tộc tỉnh nhỏ, và hầu tước Đơ La Môlơ, đại diện
cho bọn quý tộc trong xã hội thượng lưu ở Paris.
Đơ Rênan thuộc một dòng dõi quý tộc lập nghiệp đã lâu đời ở địa phương
Frăngsơ Côngtê. Hắn vừa làm thị trưởng thị trấn Verie vừa là một thủ xưởng
làm đinh. Chính ở điểm này hắn là một điểm đáng chú ý của gã quý tộc thời
Trùng - hưng, quý tộc đi vào tư sản hoá. Và Stendhal của là một nhà văn Pháp
đầu tiên đã nhận thấy quá trình tái sinh của giai cấp quý tộc trong giai cấp tư
sản. Bằng hai câu ông lột hết tính cách của Đơ Rênan. “Nhưng chả mấy chốc,
người du khách Paris đã thấy khó chịu vì một cái vẻ tự mãn phụ hoạ lẫn cái gì
tuồng như thiện cẩn và ngu đần. Nghĩa là người ta cảm thấy rằng tài trí của con
người đó chỉ giới hạn ở chỗ ai nợ y cái gì thì y đòi thật đúng kì hạn, còn y nợ ai
thì y trả hết sức chậm chạp lươn khươn” [37, 62]. Thế là hắn hợp nhất cái lòng
tham lam bần tiện của một gã tư sản với tính kiêu căng ngu xuẩn của một kẻ quý
tộc. Hắn kiêu hãnh vì nguồn gốc của hắn và lấy làm xấu hổ vì là một công
nghiệp quốc gia, nhưng điều đó không thể ngăn cản hắn chỉ chạy theo tiền lãi
trong cái nghề buôn sắt, làm đinh thêm vào đó, hắn lại có cái thô bỉ của một tên
quý tộc nông thôn thậm chí rất mực thô bạo. Ngay cả với vợ hắn mà hắn rất nể
vợ vì bà ta có hồi môn lớn và đang có một bà cô sắp để cho một gia tài kếch sù.
Song để cho hình tượng Đơ Rênan được một cách trọn vẹn, tác giả lại vạch ra cả
một bước đường xuống dốc của gã quý tộc tư sản hoá đó. Nếu ở đầu cuốn tiểu
thuyết được vẽ lên cái vẻ đường bệ của Đơ Rênan trên ghế thị trưởng, thì ở cuối
truyện tác giả đã hé cho ta nhìn thấy cái cảnh lu mờ bi đát của hắn sau khi bị đẩy


16
ra khỏi ghế thị trưởng, và từ hàng ngũ đảng bảo hoàng hắn đã chuyển thành
đảng viên tự do để hoàn thành bước đường tư sản hoá của hắn về mặt chính trị.
Tất nhiên tầng lớp quý tộc quyền thế của thủ đô mà Đơ La Môlơ đại diện
có phần ngang ngạnh hơn trên con đường tư bản hóa, chúng kiêu căng đến tột
bậc, chúng không che đậy lòng khinh bỉ thành thật của chúng đối với những ai
không xuất thân từ đám người leo lên những cỗ xe của nhà vua. Nhưng điều đặc
sắc là Stendhal đã vẽ nổi bật lên cái không khí lạnh lẽo, “chết ngạt về tinh thần”
của giai cấp đang tàn lụi đó. Những phòng khách của chúng “buồn rầu ngang
với tráng lệ, là sứ sở của ngáp dài và buồn tẻ ngắt”. Ở đó ngự trị ba thứ: “Kiêu
căng, chán chường và lễ phép hoàn hảo”. Quả thực chúng hết sức kiêu căng tự
phụ, nhưng chúng lại rất mực lễ phép, lịch sự, chúng ăn nói hết sức nhã nhặn,
không muốn làm mất lòng ai, phát biểu ý kiến hơi mạnh một chút thì tưởng như
đã làm một điều gì thô tục “sợ nói đến điều gì làm cho người ta có thể nghi ngờ
là mình có một tư tưởng, hoặc nhỡ bị phát lộ đã đọc sách báo cấm kỵ nào đó
nên họ đều câm lặng sau vài câu thanh nhã về Rôxini và về thời tiết” [38, 42],
nói trắng ra lễ phép đấy, nhưng thực chất là giả tạo, hời hợt và tẻ ngắt, đó là biểu
hiện của cái gì đang suy tàn. Tựu trung cái bao trùm lên tất cả là nỗi chán trường
vô tận. Thậm chí những thanh niên lui tới phòng khách đó cũng đều uể oải ngáp
dài, họ dường như mất hết cả nhiệt tình, không còn chút sinh khí. Gã con trai
hầu tước Đơ La Môlơ chẳng hạn hắn làm rất mực thanh lịch, thông minh và
dũng cảm có thừa, nhưng hắn chỉ là một “thằng điên lúc mười hai giờ trưa
không bao giờ biết đến hai giờ sẽ làm gì”. Rõ ràng là giai cấp ăn trên ngồi trốc
sống bằng mồ hôi của người khác, thật là nhàn rỗi và tìm đủ mọi cách lấp thì giờ
trống rỗng, chúng cưỡi ngựa, đấu gươm, khiêu vũ, để ria mép và chạy theo đủ
thú vui tầm thường. Thậm chí già như hầu tước Đơ La Môlơ cũng nói thẳng với
một linh mục rằng, việc chăm sóc các thú vui chơi của ông ta “phải là điều coi
trọng hàng đầu” vì “duy chỉ có vui chơi thật sự ở đời”.
Bức tranh thời sự xoay quanh giai cấp quý tộc với giới tu hành mới chỉ hai

trong ba lực lượng thực tế nắm quyền hành trong xã hội Trùng - hưng. Như cái
thị trấn Verie chịu sự áp bức của bộ ba quý tộc Đơ Rênan, linh mục Malxông
và tư sản Valơnô. Cái lực lượng thứ ba chính là giai cấp tư sản với chính đảng
của nó là đảng tự do. Tài chẩn đoán xã hội của nhà văn hiện thực Stendhal
chính là ở chỗ đã phát hiện ra cái chính quyền tay ba đó, và nhất là ông đã chỉ
ra rằng lực lượng thứ ba, tức là giai cấp tư sản, tuy tạm thời có bị lép vế, nhưng

17
nó lại là lực lượng đi lên, và bản thân nó tác động đến hai thành phần kia, thu
hút chúng và quỹ đạo tinh thần của nó. Mặt khác ông cũng nhận ra rằng cũng
áp bức nhân dân như giai cấp quý tộc, mà cái đảng tự do kia cũng không hơn gì
cái đảng bảo hoàng .
Nhưng một người hầu tước Đơ La Môlơ chẳng phải là kẻ chịu ngồi yên để
chờ ngày suy sụp. Ông ta cũng bận rộn lắm chứ. Mà bận những việc thật là to
tát, không kể, qua cuộc đối thoại với cha Pira ông nói: “Thưa cha xứ thân mến,
giữa cảnh gọi là thịnh vượng của tôi, tôi không có gì để lo toan một cách đúng
đắn về hai điều nhỏ nhặt nhưng khá quan trọng: gia đình của tôi và công việc
của tôi. Tôi chăm sóc đến cơ nghiệp nhà tôi một cách đại lượng, tôi có thể làm
cho nó phát đạt nhiều; tôi chăm sóc cái thú vui chơi của tôi, và đó là phải điều
quan trọng hàng đầu” [37, 374]. “Chẳng hạn ông mưu mô vận động để làm cho
cả nhà vua và quốc gia chấp nhận một bộ đồ nào đó, bộ này sẽ tạ ơn ông và đưa
ông lên hàng công tước” [37, 373]. Song cái việc quan trọng hơn cả đối với hầu
tước Đơ La Môlơ, mà cũng là đối với giai cấp quý tộc, là việc duy trì chế độ,
duy trì địa vị thống trị của giai cấp. Chẳng là bản thân của các ngài quý tộc đã
từng trải qua cuộc cách mạng 1789 rồi, nhất là trải qua nền chuyên chính
Jacôbanh. Như con chim phải tên sợ cành cong, bây giờ các ngài đó luôn luôn
nơm rớp, đi mỗi bước lại tưởng như đằng sau mỗi bức hàng rào ẩn nấp một
chiến sĩ Jacôbanh, một Rôbexpie, thậm chí các ngài sợ hãi cả người đánh xe hay
cả đầy tớ trong nhà. Hơn ai hết hầu tước Đơ La Môlơ thấy rõ cái số phận giai
cấp mình như đang để đầu đẳng. “Thưa các ngài, - ông ta nói trong một cuộc

họp kín, - ngai vàng nhà thờ, giai cấp quý tộc có thể tiêu ma ngày mai, chừng
nào mà chúng ta chưa tạo nên được ở mỗi tỉnh một lực lượng với năm trăm
người tận tuỵ ở mỗi tỉnh. Bấy giờ thì các ngài mới có thể trông nom được ở một
sự chiếm đóng của quân nước ngoài. Không bao giờ người lính nước ngoài vào
sâu đến Đijông thôi, nếu hắn không chắc chắn được thấy có năm trăm người
lính bạn trong mỗi tỉnh. Các vua nước ngoài chỉ lắng nghe các ngài khi các ngài
báo tin cho họ là có hai vạn người quý tộc sẵn sàng cầm vũ khí để mở cho họ
các cửa ngõ của nước Pháp. Các ngài sẽ bảo công việc đó nặng nhọc lắm,
nhưng thưa các ngài, cái đầu chủng ta là ở cái giá đó. Giữa sự tự do báo chí và
sự tồn tại của chúng ta ở địa vị quý tộc là cuộc chiến đấu sống mãi. Hoặc các
ngài sẽ trở thành dân công nghệ, nhà nông, hoặc các ngài sẽ phải cầm súng.

18
“Ấy đó, âm mưu của bọn quý tộc là thế đó. Chúng sẵn sàng đón quân đội nước
ngoài và để bảo vệ địa vị của chúng” [38, 231].
Và đây dưới ngòi bút sắc nhọn của Stendhal, bộ mặt của những tên quý tộc
họp kín để bàn tính mưu mô kia: một tên thì to lớn với “diện mạo và ngôn ngữ
của một kẻ đang tiêu hóa”, một tên khác “lùn và mập, da dẻ hồng hào, mắt sáng
và chẳng có biểu hiện gì khác hơn là một vẻ hung dữ của lợn lòi” [38, 220], tên
thứ ba “người bé nhỏ nước da vàng vẻ hơi điên, vừa bước vào đến cửa đã nói
oang oang, thiên hô bát sát” [38, 221], một tên nữa là một đại nhân mà tất cả
kiến thức chỉ là “biết nổi giận với một kẻ đi hầu” [38, 222]. Thiết tưởng chỉ mấy
nét bút trên đây cũng đủ nói lên tất cả giá trị của những ngài quý tộc âm mưu đại
sự đó.
Tuy nhiên ngang ngạnh là thế, bọn quý tộc cung đình kia cũng không tránh
khỏi sức hút của cái quỹ đạo tư sản nó đã trở thành quy luật xã hội của thời đại.
Cho nên hầu tước Đơ La Môlơ mặc dù dè bỉu cái ngành công thương cũng phải
mượn tên người mà ném tiền vào những cuộc kinh doanh đầu cơ ám muội về tài
chính ở thị trường hối đoái. Chẳng hạn như khi được tin ngày mai có thể có đảo
chính thì lập tức ông ta bán tống đi phiếu thực lợi quốc gia. Và một điều đặc biệt có

ý nghĩa là cái việc ông ta long trọng tiếp đón gã tư sản Valơnô mà ông ta vận động
dự định đưa vào hàng tình trưởng để làm vây cánh cho bọn ông ta.
Thời đại đó cũng là thời đại của tư sản, thời đại của đồng tiền làm chúa tể,
thời đại của tinh thần vụ lợi ngự trị.
Tư sản tinh thần vụ lợi chạy theo đồng tiền của giai cấp tư sản, được
Stendhal thể hiện đầy đủ nhất trong hình tượng nhân vật Valơnô mà tính chất
điển hình được tác giả nhấn mạnh bằng cách thỉnh thoảng lại biến tên riêng của
hắn thành một danh từ chung (leValenod). Hắn là đại biếu cho loại tư sản hãnh
tiến, xưa kia bố không để lại cho sáu quan thực lợi, lúc còn ít tuổi đánh một cái
áo tàng màu xanh vỏ táo ai cũng thương hại của người ta “lòng thèm muốn
những con ngựa Normăng của ông, những dây truyền bằng vàng, những bộ áo
sắm từ Paris về, tất cả sự thịnh vượng hiện nay của ông” [37, 271]. Chả là
Valơnô đã làm giàu lên gấp hai ba, lần từ khi hắn quản lý tài sản của dân nghèo,
- mà người ta ngờ rằng hắn đã ăn chặn cả vào tiền dành cho đám trẻ con vô thừa
nhận! - Ấy đấy, nguồn gốc của cải giai cấp tư sản đại loại là như thế, nó được
xây dựng trên máu và nước mắt của dân nghèo, trên sự bần cùng hoá của nhân

19
dân lao động! Thế nhưng, Valơnô lại được người ta rất mực trọng vọng, kính
cẩn. Còn bản thân hắn ta, thuộc cái “loại người thô bỉ, trâng tráo và ồn ào”.
Song cái điều đáng chú ý đặc biệt là xuyên qua cuốn tiểu thuyết nó bày ra
được cái hướng phát triển tất yếu của xã hội đương thời đó là cuộc kèn cựa, cạnh
tranh giữa gã quý tộc Đơ Rênan và tên tư sản Valơnô. Nếu ở những trang đầu,
giữa thời thịnh vượng của Đơ Rênan, người ta thấy hai kẻ đối thủ đó vừa bắt tay
nhau vừa căm ghét lẫn nhau, như đôi gà trống tức khí nhau từng tiếng gáy,
người thị hợm hĩnh vì tậu được đôi ngựa đẹp giống Normăng, kẻ thì vâng váo
mượn được gia sử giỏi cho các con học ở nhà. Ấy thế rồi qua cuốn sách đã diễn
ra cuộc leo thang của Valơnô và bước giật lùi của Đơ Rênan: tên tư sản chạy
chọt thế nào không những đã cướp được ghế thị trưởng của gã quý tộc mà còn
được đề bạt lên hàng nam tước, nhập tịch hàng ngũ quý tộc. Hơn thế nữa, ở

những trang cuối trong khi Đơ Rênan suy sụp đến mức từ đảng viên bảo hoàng
chuyển thành đảng viên tự do để ra ứng cử nghị viên, thì Valơnô lại trở thành
ứng cử viên chính thức do chính quyền bảo hoàng đề cử và sau đó người ta còn
biết được tin Valơnô đã có trong túi bản định bộ hắn làm tỉnh trưởng. Thật là
thời đại của Valơnô, và có thể tin chắc rằng trong tương lai hắn sẽ leo lên tới
chức thượng thư. Cuối cùng chẳng phải ngẫu nhiên mà Valơnô chính là kẻ đứng
đầu hàng phụ thẩm đề ra trước toà án kết án tử hình Juyliêng Xôren, kẻ đã dám
cả gan chống đối lại cả xã hội “khêu dậy và tấn công vào cái tiểu khí của lớp tư
sản quý tộc ấy” [34, 387].
2.2. Nhân vật mang sức mạnh Thần quyền
Nói đến giai cấp tư sản, giai cấp quý tộc còn có một thù địch gần gũi hơn vì
nó cũng là đồng minh, đó là nhà thờ cơ đốc giáo chịu sự chi phối của La - Mã.
Hai bên vừa cấu kết với nhau mà lại vừa kèn cựa nhau. Dưới thời Trùng - hưng
giới tu hành tổ chức ra hội thánh giăng mạng lưới khắp nơi để phục hồi tôn giáo,
mà còn xen vào cả đấu tranh xã hội và chính trị. Ở nhiều nơi như Bơdăngxông,
nó trở thành một lực lượng có khi chi phối cả đời sống chính trị ở địa phương.
Và điều đặc biệt là ở thời đại tư sản, nhà thờ cũng không tránh khỏi vòng cương
tỏa của đồng tiền, nghĩa là việc bên cạnh thờ Chúa, nó cũng tôn thờ cả đồng tiền,
mà có lẽ sự tôn thờ thứ hai lại mãnh liệt hơn và thiết thực.
Với con mắt nhà văn hiện thực duy vật vô thần, Stendhal căm phẫn vạch
trần bộ mặt thật của bọn người khoác áo chùng đen. Như vậy chẳng phải tuyệt

20
nhiên không có một số người gọi là “chân tu”, nghĩa là họ thành thật tin tưởng
thờ Chúa và làm điều thiện, họ thuộc phái Janxênit, như linh mục Sêlăng, linh
mục Pira. Nhưng phái này lép vế phái Jêduyt, và cả hai linh mục kia đều chung
một số phận là bị phe địch tìm cách bẩy đi mặc dầu tuổi đã già. Trước khi dời
khỏi chủng viện Bơdăngxông, cha Pira từ biệt học trò, nhưng không quên nói
với họ một lời diễn từ nghiêm khắc: “Các con có muốn những vinh quang của
thế gian, - ông nói với họ, - tất cả mọi lợi lộc xã hội, cái thích thú được có quyền

hành, được bất chấp luật pháp và được láo xược vô tội vạ với tất cả mọi người?
Hay các con muốn cứu rỗi vĩnh viễn? Những người kém cỏi nhất trong các con,
chỉ việc mở mắt ra để phân biệt hai con đường” [37, 371]. Tài sản mà ông dành
dụm được sau khi dời chủng viện Bơdăngxông lên nhận chức ở thành phố Paris
khi tâm sự với ông bạn học cũ là: “Rằng sau khi cai quản chủng viện trong mười
lăm năm trời, ông từ biệt Bơdăngxông với năm trăm hai mươi quan tiền ông
dành dụm”. Những người bạn đó vừa ôm hôn ông vừa khóc, và họ nói riêng với
nhau: “Ông tu sĩ ngây thơ đáng lẽ chả cần nói dối như vậy làm gì, nghe tức cười
quá” [37, 372].
Trừ mấy người đó ra, còn tất cả các giáo sĩ đều được mô tả như những kẻ
cùng chạy theo tiền tài, danh vị như ai, những kẻ giả danh giả nghĩa, quỷ quyệt
mà tàn ác. Trước hết hãy xem tác giả mô tả một nơi đào tạo ra bọn tu sĩ kia, đó là
chủng viện Bơdăngxông mà tác giả gọi là địa ngục trần gian. Chủng viện là môi
trường học bao bọc những thành viên như thầy giáo và ba trăm hai mốt học trò
sinh đồ những thanh niên trẻ tuổi có cả người quý tộc đến những tầng lớp thanh
niên nghèo. Ở đây: “Ba trăm ba mươi sáu bữa ăn chiều, mỗi bữa 83 xăng - tim,
sô - cô - la ai đáng ăn thì ăn; vậy lãi được bao nhiêu cuộc bỏ thầu?” [37, 309].
Ở cái trường học tôn giáo đó, các sinh đồ coi nhau như kẻ thù, hàng giờ
hàng phút phải che đậy mọi ý nghĩ, tình cảm riêng, vì sự dò la và tố cáo giữa bạn
học với nhau được khuyến khích. Có điều lạ ở học viện đó, học hành giỏi giang
đứng đầu về các giáo lý, lịch sử giáo hội lại là “một tội lỗi huy hoàng”. Là vì
thời từ cách mạng, nhà thờ Pháp coi sách vở là kẻ thù và chỉ có “sự phục tùng
của trái tim là tất cả” [37, 322]. Tất cả nền giáo dục của chủng viện đóng khung
ở “một tấm lòng kính trọng mênh mông và vô biên đối với đồng tiền khô và
lỏng” [37, 330], nghĩa là tiền mặt và sự thần phục giáo hoàng, vị Chúa thứ hai ở
trái đất. Và đại đa số đám sinh đồ kia xuất thân từ nông dân nghèo khổ, chỉ trông
thấy ở nghề thầy tu cái hạnh phúc lâu dài được “ăn uống no nê và có một bộ áo

×