BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƢỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC
PHẠM THỊ NGỌC
HỆ THỐNG NHÂN VẬT NỮ VÀ NAM THUỘC TẦNG
LỚP CHỦ TRONG TÁC PHẨM HỒNG LÂU MỘNG
CỦA TÀO TUYẾT CẦN
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Sơn La, năm 2014
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƢỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC
PHẠM THỊ NGỌC
HỆ THỐNG NHÂN VẬT NỮ VÀ NAM THUỘC TẦNG
LỚP CHỦ TRONG TÁC PHẨM HỒNG LÂU MỘNG
CỦA TÀO TUYẾT CẦN
Chuyên ngành: Văn học nƣớc ngoài
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Ngƣời hƣớng dẫn: ThS. Hà Thị Hải
Sơn La, năm 2014
LỜI CẢM ƠN
Khóa luận được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của cô giáo, ThS.
Hà Thị Hải. Nhân dịp khóa luận được hoàn thành em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc
nhất tới cô, người đã tận tình chỉ bảo, giúp đỡ em trong suốt thời gian qua.
Em xin gửi lời cảm ơn tới tổ Lí luận - Văn học Nước ngoài, tập thể các thầy
cô khoa Ngữ Văn, thư viện và phòng Đào tạo Trường Đại học Tây Bắc, cùng
thầy cô giáo chủ nhiêm và tập thể lớp K51 ĐHSP Ngữ Văn đã tạo điều kiện giúp
đỡ em hoàn thành khóa luận này.
Khóa luận còn nhiều hạn chế do khả năng của người thực hiện, cũng như tài
liệu nghiên cứu còn thiếu thốn. Rất mong được sự góp ý chân thành từ thầy cô
và các bạn.
Em xin chân thành cảm ơn!
Sơn La, tháng 5 năm 2014
Ngƣời thực hiện
Phạm Thị Ngọc
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU 1
1. Lí do chọn đề tài 1
2. Lịch sử vấn đề 2
2.1. Ở Trung Quốc 2
2.2. Ở Việt Nam 3
3. Đối tượng, phạm vi, mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 5
3.1. Đối tượng nghiên cứu 5
3.2. Phạm vi nghiên cứu 5
3.3. Mục đích nghiên cứu 5
3.4. Nhiệm vụ nghiên cứu 5
4. Phương pháp nghiên cứu 6
4.1. Phương pháp khảo sát văn bản 6
4.2. Phương pháp so sánh 6
4.3. Phương pháp phân tích 6
5. Đóng góp của khóa luận 6
6. Cấu trúc của khóa luận 6
CHƢƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 7
1.1. Tác giả Tào Tuyết Cần và Cao Ngạc 7
1.1.1. Tác giả Tào Tuyết Cần 7
1.1.2. Tác giả Cao Ngạc 8
1.2. Tác phẩm Hồng lâu mộng 8
1.2.1. Quá trình sáng tác tác phẩm Hồng lâu mộng 8
1.2.2. Hoàn cảnh ra đời tác phẩm Hồng lâu mộng 9
1.2.3. Khái quát về nội dung và nghệ thuật tác phẩm Hồng lâu mộng 10
1.3. Một số vấn đề lí luận 13
1.3.1. Nhân vật văn học 13
1.3.2. Hệ thống nhân vật văn học 14
Tiểu kết 16
CHƢƠNG 2. NHỮNG ĐIỂM GIỐNG VÀ KHÁC NHAU GIỮA HỆ
THỐNG NHÂN VẬT NỮ VÀ NAM THUỘC TẦNG LỚP CHỦ TRONG
HỒNG LÂU MỘNG 18
2.1. Nguồn gốc xuất thân 18
2.2. Ngoại hình 20
2.3. Tính cách 23
2.3.1. Những điểm giống nhau về tính cách của hệ thống nhân vật nữ và
nam thuộc tầng lớp chủ 23
2.3.2. Những điểm khác nhau về tính cách giữa hệ thống nhân vật nữ và
nam thuộc tầng lớp chủ 32
3.3. Tài năng 34
3.3.1. Tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật 34
3.3.2. Tài quản lí kinh tế 37
Tiểu kết 39
CHƢƠNG 3. NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG HỆ THỐNG NHÂN VẬT NỮ
VÀ NAM THUỘC TẦNG LỚP CHỦ TRONG HỒNG LÂU MỘNG 40
3.1. Dùng nhân vật phụ để làm nổi bật nhân vật chính 40
3.2. Sử dụng bút pháp “phạm mà không phạm” trong xây dựng hệ thống nhân
vật 44
3.2.1. Cặp đôi Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa 44
3.2.2. Cặp đôi Phượng Thư và Thám Xuân 47
3.2.3. Cặp đôi Giả Trân và Giả Liễn 49
3.3. Đặt nhân vật trong mối quan hệ huyết thống 51
3.4. Sử dụng con số để liên kết hệ thống nhân vật 53
Tiểu kết 55
KẾT LUẬN 56
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 58
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Hồng lâu mộng là một kiệt tác của nền văn học Trung Quốc. Người
Trung Hoa say mê đọc và bình luận về Hồng lâu mộng đến nỗi nói: “Khai đàm
bất thuyết Hồng lâu mộng, độc tận thi thƣ diệc uổng nhiên” (chuyện trò không
nói Hồng lâu mộng thì đọc hết thi thư cũng vô ích). Ở Trung Quốc có hẳn một
ngành chuyên nghiên cứu về Hồng lâu mộng đó là ngành Hồng học. Chưa có
tiểu thuyết cổ điển nào của Trung Quốc có được vinh dự ấy. Sự ra đời của Hồng
lâu mộng đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của tiểu thuyết cổ điển Trung
Quốc. Lỗ Tấn nhận xét: “Điểm khác biệt của Hồng lâu mộng với các cuốn tiểu
thuyết trƣớc đây là dám tả thật không che đậy. Bởi vậy các nhân vật đƣợc miêu
tả ở đây đều là nhƣng con ngƣời thật. Nói chung sau khi Hồng lâu mộng ra đời,
cách viết và cách tƣ duy truyền thống hoàn toàn bị phá vỡ” [14, II, 675]. Tác
phẩm miêu tả hơn bốn trăm nhân vật, mỗi người một vẻ, vô cùng hấp dẫn và
sinh động, trong số đó hệ thống nhân vật nữ và nam thuộc tầng lớp chủ là các
nhân vật được Tào Tuyết Cần chú trọng xây dựng: Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại
Ngọc, Tiết Bảo Thoa là những nhân vật trung tâm tác phẩm, xoay quanh mối
tình tay ba giữa ba người. Tuy nhiên, bên cạnh đó tác giả cũng chú trọng
miêu tả các nhân vật nữ và nam thuộc tầng lớp chủ khác một cách hết sức
sinh động, chi tiết từ chân dung, tính cách, tài năng… Chọn đề tài này giúp tôi
hiểu sâu sắc hơn hệ thống nhân vật trong Hồng lâu mộng và tài năng sáng tạo
nghệ thuật của Tào Tuyết Cần.
1.2. Hồng lâu mộng được rất nhiều độc giả yêu mến. Tác phẩm đã được
dịch ra khoảng hơn hai mươi thứ tiếng trên thế giới như: Anh, Pháp, Đức, Ý, Hi
Lạp, Nhật, Triều Tiên, Ấn Độ, Việt Nam… Hồng lâu mộng được xếp vào hàng
“Tứ đại kì thƣ” (pho sách lạ nhất đời) thật sự phản ánh toàn diện và sâu sắc
gương mặt văn hóa Trung Quốc. Tác phẩm được chuyển thể thành phim truyện
và được công chiếu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài sự thu hút về mặt nội
dung mới mẻ, hấp dẫn, độc giả không thể quên được hệ thống các nhân vật trong
tác phẩm. Tác phẩm có rất nhiều hệ thống nhân vật như: Hệ thống nhân vật
thuộc tầng lớp chủ, hệ thống nhân vật thuộc tầng lớp a hoàn, hệ thống nhân vật
thuộc tầng lớp quan lại, Nhưng hệ thống nhân vật thuộc tầng lớp chủ để lại
2
cho độc giả ấn tượng sâu sắc nhất. Họ không chỉ đẹp ở ngoại hình mà còn có
tính cách phức hợp, mang chất thực của con người hiện tại. Tìm hiểu đề tài này
không chỉ giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về nhân vật, về tài năng nghệ thuật xây dựng
hệ thống nhân vật mà còn giúp tôi thấy được vẻ đẹp của tác phẩm và có thể hiểu
vì sao người Trung Quốc và Việt Nam lại yêu thích Hồng lâu mộng như vậy.
1.3. Tác phẩm Hồng lâu mộng được giảng dạy trong chương trình đại học,
trong học phần Văn học Trung Quốc. Nghiên cứu Hồng lâu mộng và lựa chọn
đề tài này giúp tôi hiểu sâu hơn về tác phẩm, cũng như hiểu thêm về các tác
phẩm Trung Quốc và phục vụ tốt hơn cho quá trình giảng dạy phần văn học
nước ngoài ở nhà trường phổ thông sau này.
Từ những lí do trên đã thúc đẩy tôi tìm hiểu, nghiên cứu đề tài này. Hy
vọng rằng khóa luận sẽ là tài liệu tham khảo có ích cho các bạn sinh viên yêu
thích tác phẩm Hồng lâu mộng và bộ môn văn học Trung Quốc.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Ở Trung Quốc
Trong cuốn Lí luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc tác giả Khâu
Chấn Thanh nhấn mạnh tới yếu tố “yếu tân kí biệt chí” (phải mới mẻ độc đáo)
trong quan điểm sáng tác của Tào Tuyết Cần: “Tào Tuyết Cần coi sáng tạo mới
mẻ là thƣớc đo quan trọng để đánh giá một tác phẩm hay hay dở. Hồng lâu
mộng sở dĩ trở thành đỉnh cao của tác phẩm hiện thực chủ nghĩa của Trung
Quốc, điều đó có quan hệ mật thiết với việc tác giả đã dám đi vào con đƣờng mà
ngƣời trƣớc chƣa đi, ra sức đạt tới sự mới mẻ độc” [ 20, 259].
Trong cuốn Lịch sử văn học Trung Quốc, tập 2, các nhà nghiên cứu thuộc
viện khoa học xã hội Trung Quốc đã đánh giá cao tài xây dựng nhiều nhân vật
cùng một lúc và tài miêu tả tính cách của các nhân vật tạo nên sự sinh động, nhất
quán trong xây dựng nhân vật và hệ thống xây dựng nhân vật như sau: “Trong
Hồng lâu mộng, Tào Tuyết Cần miêu tả nhiều nhất là phụ nữ, mà chủ yếu lại là
những thiếu nữ giống nhau hoặc na ná nhƣ nhau về độ tuổi, hoàn cảnh sống,
cách sống. Rõ ràng điều đó làm cho việc miêu tả gặp rất nhiều khó khăn. Nhƣng
Tào Tuyết Cần không những có thể miêu tả đƣợc hết sức rõ ràng cá tính của
từng ngƣời mà đến cả những tính cách gần giống nhau, chỉ khác ở những nét
đặc trƣng hết sức tinh tế cũng đƣợc ông khắc họa rõ ràng, tỉ mỉ. Thí dụ tính ôn
3
hòa thuần hậu, dịu dàng của Bình Nhi khác với tính ôn hòa thuần hậu của Tập
Nhân; tính phóng khoáng bộc trực của Sử Tƣơng Vân khác với tính phóng
khoáng bộc trực của chị Ba Vƣu; Lâm Đại Ngọc và Diệu Ngọc đều quen tính kiêu
kì, cô độc, nhƣng họ lại có điểm khác nhau, một ngƣời nhập thế, còn ngƣời kia xuất
thế. Tính kiêu kì, cô độc của Lâm Đại Ngọc khiến ngƣời ta cảm thấy nóng, nhƣng
cũng tính này ở Diệu Ngọc lại làm cho ngƣời ta thấy lạnh” [13, 676].
Trong cuốn Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc, tác giả Thạch Xương
Du chú ý tới bi kịch tình yêu và hôn nhân trong tác phẩm cùng tính chất hiện
thực của tác phẩm mà ít chú ý tới nghệ thuật xây dựng hệ thống nhân vật. Đánh
giá về tác phẩm Hồng lâu mộng, tác giả cho rằng: “Tiểu thuyết Hồng lâu mộng
miêu tả sự suy vong của một đại gia đình quý tộc, miêu tả bi kịch tình yêu, hôn
nhân của Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa trong đại gia đình đó.
Bi kịch trong Hồng lâu mộng phản ánh mối xung đột không thể điều hòa giữa yêu
cầu của nam nữ thanh niên thời đó đối với tự do cá tính và chế độ phong kiến. Bộ
tiểu thuyết này đã nắm đúng vấn đề trọng đại nhất ở thời kì cuối chế độ Phong
kiến, thể hiện khuynh hƣớng tƣ tƣởng dân chủ ban đầu. Đây là bộ tiểu thuyết hiện
thực chủ nghĩa vĩ đại nhất thời trung đại Trung Quốc” [15, 153, 156].
2.2. Ở Việt Nam
Trong cuốn Để hiểu tám bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, tác giả Lương
Duy Thứ đã đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật như sau: “Hồng lâu mộng
chú ý thể hiện tính cách nhân vật qua hành động và ngôn ngữ” [21, 197]. Đặc
biệt Lương Duy Thứ đề cập đến tính chất điển hình của các nhân vật nữ thuộc
tầng lớp chủ như: Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa, Vương Hy Phượng Đại
Ngọc hiện lên với tính cách “đa sầu đa cảm là đặc trƣng tính cách của nàng”
[21, 167], Bảo Thoa lại hiện lên với một vẻ khác: “Tiết Bảo Thoa là một giai
nhân phong kiến chuẩn mực” [21, 164]. Phượng Thư lại được tác giả nhận xét:
“Phƣợng Thƣ lại tiêu biểu cho bản chất nham hiểm độc ác của giai cấp thống
trị” [21, 155].
Trong cuốn Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, tác giả Trần Xuân Đề đã đề
cập đến nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật, tác giả cho rằng: “Từ hành động
nhân vật khắc họa tính cách nhân vật là một trong những đặc điểm nghệ thuật
nổi bật của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Tác giả thƣờng thông qua miêu tả
4
hành động để khắc họa tính cách nhân vật” [5, 160] hay: “Trong Hồng lâu
mộng, Tào Tuyết Cần cho nhân vật hoạt động trong làn sóng đấu tranh và sự
xung đột của gia đình, xã hội để biểu hiện tính cách và bộ mặt tinh thần của
nhân vật” [5, 166].
Cuốn Lịch sử văn học Trung Quốc, tập 2, do Nguyễn Khắc Phi (chủ biên)
đã nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật và xây dựng hệ thống nhân vật
Hồng lâu mộng như sau: “Nghệ thuật xây dựng nhân vật và xây dựng nhiều
nhân vật cùng một lúc là một thành tựu to lớn của Hồng lâu mộng. Hồng lâu
mộng là tác phẩm có số lƣợng nhân vật đông đúc, 443 nhân vật (230 nam và
213 nữ). Mặc dù số lƣợng đông, nhƣng các nhân vật đều có máu thịt, cá tính rõ
nét. Có nhân vật chỉ vài phác họa cũng để lại ấn tƣợng cho ngƣời đọc. Điều
đáng chú ý là phần đông nhân vật là thiếu nữ, tuổi xấp xỉ, hoàn cảnh sống, quá
trình giáo dục cũng tƣơng tự, nhƣng tính cách lại hết sức khá nhau. Tào Tuyết
Cần không những rất tài hoa trong việc miêu tả những nhân vật có tính cách đối
lập mà còn rất tinh tế miêu tả những tính cách giống nhau. Các nhân vật vừa
“Phạm vào nhau lại tránh nhau rất xa” (Lời Kim Thánh Thán nói về nhân vật
Thủy hử) [ 16, 154].
Trong đề tài nghiên cứu khoa học Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tác
phẩm Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần, tác giả Hà Thị Hải cũng đã đề cập đến
một số biện pháp xây dựng hệ thống nhân vật như: bút pháp “Song quản tề hạ”,
sử dụng phép “Bàng sấn”, đặt nhân vật trong quan hệ huyết thống, sử dụng con
số để liên kết hệ thống nhân vật. Tác giả cũng đưa ra những nhận xét như sau:
“Tác giả Hồng lâu mộng chú trọng, dồn tâm sức và bút lực vào việc khắc họa
hình tƣợng những ngƣời phụ nữ, đặc biệt là mƣời hai cô gái đẹp trong phủ Giả.
Đó là mƣời hai cô gái không chỉ tuyệt đẹp mà còn thông minh, tài giỏi, cá tính
rõ nét. Có thể gọi là mƣời hai cô gái tài mạo song toàn. Hệ thống nhân vật mƣời
hai cô gái đẹp này hoàn toàn tƣơng phản với những nhân vật nam trong tác
phẩm cả về trí tuệ, tài năng và tính cách. Mƣời hai cô gái đẹp này không những
tài thơ, khả năng hội họa, thƣởng thức tuồng kịch đều vƣợt trội hơn những
ngƣời đàn ông mà đến khả năng quản lí kinh tế, sự thông tuệ nam nhân ít sánh
kịp” [6, 73].
5
Nhìn chung, theo dòng chảy của thời gian, với nhiều góc độ tiếp nhận, các
nhà nghiên cứu đã đạt được những thành quả rất đáng trân trọng trong việc
nghiên cứu hệ thống nhân vật trong Hồng lâu mộng. Tuy nhiên, những tài liệu
mà chúng tôi bao quát được chưa có chuyên luận nào đề cập cụ thể, tỉ mỉ đến sự
giống và khác nhau giữa hệ thống nhân vật nữ và nam thuộc tầng lớp chủ cũng
như nghệ thuật xây dựng hai hệ thống nhân vật này. Khóa luận của chúng tôi sẽ
đi sâu vào những vấn đề đó và tiếp thu có chọn lọc những ý kiến của các thế hệ
đi trước ở tất cả những vấn đề có liên quan.
3. Đối tƣợng, phạm vi, mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Đối tƣợng nghiên cứu
Nghiên cứu hệ thống nhân vật nữ và nam thuộc tầng lớp chủ trong tác
phẩm Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu sự giống, khác nhau giữa hệ thống nhân vật nữ và nam thuộc
tầng lớp chủ, đồng thời nghiên cứu một số biện pháp nghệ thuật xây dựng hai hệ
thống nhân vật này. Văn bản khảo sát là tiểu thuyết Hồng lâu mộng, ba tập, do
nhóm dịch giả: Vũ Bội Quang, Trần Quảng, Nguyễn Đức Vân dịch, NXB Văn
học, Hà Nội, 2002.
Một số vấn đề lí luận và thực tiễn liên quan đến khóa luận này cũng được
chúng tôi quan tâm tìm hiểu.
3.3. Mục đích nghiên cứu
Làm nổi bật và khẳng định tài năng sáng tạo nghệ thuật của Tào Tuyết
Cần thông qua việc tìm hiểu, phân tích, so sánh hệ thống nhân vật nữ và nam
thuộc tầng lớp chủ và một số biện pháp nghệ thuật xây dựng hai hệ thống nhân
vật này trong tác phẩm Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần.
3.4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Nhiệm vụ chủ yếu của người nghiên cứu là phân tích, tổng hợp, so sánh,
đối chiếu để làm nổi bật đặc điểm giống và khác nhau của hệ thống nhân vật nữ
và nam thuộc tầng lớp chủ, đồng thời tìm hiểu đôi nét về nghệ thuật xây dựng
hai hệ thống nhân vật này của Tào Tuyết Cần.
6
4. Phƣơng pháp nghiên cứu
4.1. Phƣơng pháp khảo sát văn bản
Chúng tôi dựa vào việc khảo sát, thống kê, phân loại một số dữ liệu cần
thiết, cụ thể để phân tích, chứng minh cho những nhận định, đánh giá trong khóa
luận. Thống kê, phân loại những chi tiết để làm sáng tỏ những nét về nguồn gốc
xuất thân, ngoại hình, tính cách, tài năng tương đồng và khác biệt giữa hệ thống
nhân vật nữ và nam thuộc tầng lớp chủ, thống kê những chi tiết gắn với các thủ
pháp nghệ thuật xây dựng hệ thống nhân vật nữ và nam thuộc tầng lớp chủ trong
Hồng lâu mộng.
4.2. Phƣơng pháp so sánh
Đây là phương pháp quan trọng nhất để tìm ra những điểm tương đồng và
khác biệt giữa hệ thống nhân vật nữ và nam thuộc tầng lớp chủ. So sánh đồng
đại, so sánh lịch đại, đặt các nhân vật trong mối quan hệ đa chiều để làm nổi bật
sự sinh động, hấp dẫn và tính chân thực của các nhân vật.
4.3. Phƣơng pháp phân tích
Chúng tôi phân tích những đặc điểm về nguồn gốc xuất thân, ngoại hình,
tính cách, tài năng và các thủ pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng khi xây dựng
hệ thống nhân vật nữ và nam thuộc tầng lớp chủ và phân tích nhân vật theo đặc
trưng thể loại.
5. Đóng góp của khóa luận
Khóa luận chỉ ra một cách cụ thể, chi tiết những điểm tương đồng và khác
biệt giữa hệ thống nhân vật nữ và nam thuộc tầng lớp chủ cùng một số biện pháp
nghệ thuật xây dựng hai hệ thống nhân vật nữ và nam thuộc tầng lớp chủ, giúp
bạn đọc hiểu thêm về tài năng sáng tạo nghệ thuật của Tào Tuyết Cần.
6. Cấu trúc của khóa luận
Ngoài phần mở đầu và kết luận, khóa luận bao gồm ba chương:
Chương 1. Những vấn đề chung
Chương 2. Những điểm giống và khác nhau giữa hệ thống nhân vật nữ và
nam thuộc tầng lớp chủ trong Hồng lâu mộng
Chương 3. Một số biện pháp nghệ thuật xây dựng hệ thống nhân vật nữ và
nam thuộc tầng lớp chủ trong Hồng lâu mộng
7
CHƢƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Tác giả Tào Tuyết Cần và Cao Ngạc
1.1.1. Tác giả Tào Tuyết Cần
Tào Tuyết Cần tên thật là Tào Triêm, tự là Mộng Nguyễn, hiệu Tuyết Cần.
Ngoài ra ông còn có tên khác: Cần Phố, Cần Khê.
Ông sinh khoảng năm 1716. Tổ tiên xa xưa của ông là người Hán, sau đó vì
nhiều lí do đã nhập tịch Mãn Châu. Tuy nhiên, có điều chắc chắn rằng từ đầu
đời Thanh cho đến thế hệ Tào Tuyết Cần, nhà họ Tào là một “bách niên vọng
tộc”. Cụ cố năm đời của Tào Tuyết Cần là Tào Châu Ngạn được bổ làm tri châu
Cát Châu, phủ Bình Dương (Sơn Tây), đến thời cụ nội Tào Tuyết Cần là Tào Tỉ,
nhà họ Tào đã có mối quan hệ khá mật thiết với nhà vua đương triều là Khang
Hy. Tào Tỉ đảm nhận chức Giang Ninh, chức tạo giám đốc suốt 22 năm, vợ Tào
Tỉ là vú nuôi của Khang Hy. Sau Tào Tỉ, đến Tào Dần là ông nội của Tuyết Cần
và bố đẻ hay chú bác Tuyết Cần đều lần lượt sung chức ấy, trước sau đến 65
năm. Ngoài ra, dòng họ Tào rất giàu truyền thống văn học, Tào Dần đã đứng ra
lo việc hiệu đính và in ấn bộ Toàn Đƣờng thi. Đời Tào Dần là thời kì cực thịnh
của dòng họ Tào. Vợ Tào Dần là con gái Lí Sĩ Trinh - tuần phủ Giang Nam; hai
con gái của Tào Dần đều làm Vương phi. Tào Dần đã có vinh hạnh bốn lần được
tiếp giá khi nhà vua Khang Hy đi tuần du phương Nam chọn hành cung là Tào
phủ. Như vậy, đủ biết nhà vua đã tin tưởng và sủng ái họ Tào như thế nào.
Nhưng vinh quang mà họ Tào có được cũng là mầm mống gây họa cho gia tộc
lớn này. Mặt khác, chính mối quan hệ mật thiết với Khang Hy cũng khiến các
nhà vua kế nhiệm tìm cách diệt trừ họ Tào. Cho nên, khi Ung Chính lên ngôi,
nội bộ hoàng tộc khuynh loát nhau dữ dội thì đến năm Ung Chính thứ 5 (1729),
Tào Thiếu bị tội mất chức, gia sản bị tịch thu, năm sau cả gia đình từ Giang
Nam dọn về Bắc Kinh. Nhà họ Tào từ đó sa sút.
Thời niên thiếu, Tào Tuyết Cần có thời kì sống trong vinh hoa phú quý.
Tuy nhiên thời gian này ngắn ngủi vì cha mắc tội, bị cách chức, bị tịch biên gia
sản, nên khi ông trưởng thành, gia đình phải dời về ngoại ô phía tây Bắc Kinh
sinh sống. Lúc này, gia đình Tào Tuyết Cần sống nghèo khổ, ông đã phải làm đủ
nghề như: dạy học, vẽ tranh để kiếm sống, trải qua cuộc sống “ăn cháo và mua
chịu rƣợu” [16, 133].
8
Gia đình quý tộc đã ảnh hưởng đến Tào Tuyết Cần ở hai mặt chủ yếu: Mặt
thứ nhất, trên con người ông để lại nhiều dấu vết giai cấp khó xóa mờ, khiến ông
quyến luyến không thể cắt đứt được với giai cấp của mình, đặc biệt là thế giới
quan của ông nhuốm rất đậm màu sắc hư vô và bi quan; mặt thứ hai, cũng là mặt
quan trọng hơn, gia đình ông từ chỗ cực thịnh đến chỗ cực suy, sự thay đổi to
lớn ấy không thể không dẫn đến sự thay đổi trong tư tưởng và tình cảm của ông.
Cuộc sống nghèo khổ giúp ông nhận thức bản chất xấu xa và tội ác của giai cấp
xuất thân, khiến ông phải hồi tưởng lại một cách đau xót và sâu sắc về những
điều mình đã trải qua. Nhưng chính hoàn cảnh, cuộc sống, sự thay đổi, thịnh suy
của xã hội lại cung cấp vốn kiến thức dồi dào cho việc sáng tác của Tào Tuyết
Cần sau này. Ông mất khoảng năm 1763 vì căn bệnh lao.
1.1.2. Tác giả Cao Ngạc
Bản thảo dở dang Tào Tuyết Cần để lại chỉ 80 hồi đặt tên là Thạch đầu kí.
Người viết tiếp 40 hồi sau là Cao Ngạc, tự Lan Thự (Lan Sử), biệt hiệu Hồng lâu
mộng ngoại sử, đỗ cử nhân năm Mậu Thân - Càn Long 53 (1788), làm quan Nội
các Trung thư rồi Thị Độc, Giang Nam ngự sử hình khoa cấp sự trung. Cao
Ngạc là tác giả của các sách: Lại trị tập yếu, Lan thự văn tồn, Lan Thự tập nghệ.
1.2. Tác phẩm Hồng lâu mộng
1.2.1. Quá trình sáng tác tác phẩm Hồng lâu mộng
Hồng lâu mộng ra đời như là một bản tổng kết, một bức tranh sinh động về
hiện thực đời sống xã hội mà Tào Tuyết Cần đã trải qua. Xuất thân trong gia đình
“hào môn vọng tộc” nhưng đã sa sút đến mức cùng cực, ông viết Hồng lâu mộng
khi cả gia đình phải rau cháo qua ngày ở ngoại ô phía tây Bắc Kinh. “Để viết tiểu
thuyết này, ông “đọc sách mƣời năm, sửa chữa năm lần” đúng là tình cảnh “Mỗi
chữ xem ra đều là máu. Mƣời năm gian khổ chẳng tầm thƣờng”. Ngặt vì nghèo
vừa bệnh, thêm vào đó cái chết sớm của đứa con trai duy nhất, Tào Tuyết Cần đau
khổ ngã bệnh, cho đến một buổi tối “khô lệ mà chết”, chƣa kịp hoàn thành tác
phẩm Hồng lâu mộng vĩ đại” [16, 133]. Tám mươi hồi đầu do Tào Tuyết Cần sáng
tác. Hai mươi tám năm sau khi Tào Tuyết Cần mất, Cao Ngạc dựa vào đề cương
viết tiếp bốn mươi hồi còn lại của Tào Tuyết Cần. Tiểu thuyết này vốn lúc đầu có
tên là Thạch đầu kí sau được Trình Vĩnh Nguyên đem bốn mươi hồi viết tiếp
của Cao Ngạc in chung làm một đổi tên là Hồng lâu mộng.
9
Khi viết tiếp bốn mươi hồi sau của Hồng lâu mộng, về đại thể Cao Ngạc tuân
theo ý định của Tào Tuyết Cần, hoàn thành chủ đề tấn bi kịch tình yêu giữa Giả
Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc. Do việc xử lý thỏa đáng một số tình tiết quan trọng
khác, cho nên phần viết tiếp để lại cho người đọc cảm giác câu chuyện khá hoàn
chỉnh và gây được sức hấp dẫn nghệ thuật. Về phương diện nội dung tư tưởng
tình cảm cũng như nghệ thuật bốn mươi hồi sau của Cao Ngạc không sánh được
với tám mươi hồi trước của Tào Tuyết Cần.
Hồng lâu mộng vừa ra đời đã lan truyền khắp nơi, tác phẩm nhanh chóng trở
thành món ăn tinh thần của quần chúng.
1.2.2. Hoàn cảnh ra đời tác phẩm Hồng lâu mộng
Hồng lâu mộng ra đời thời Khang Hy - Ung Chính - Càn Long đời Thanh.
Nền kinh tế tự phát tư bản chủ nghĩa xuất hiện trong lòng xã hội phong kiến
chuyên chế mọt ruỗng đang trên đà tan rã, đã sản sinh ra một lớp thị dân có
những nhu cầu thẩm mĩ mới. Hồng lâu mộng là sự thể hiện những tư tưởng của
thời đại: tinh thần dân chủ, tinh thần phê phán xã hội phong kiến mục nát, phê
phán những giáo điều cổ hủ đã ăn sâu bén rễ hàng ngàn năm, đòi tự do yêu
đương và mưu cầu hạnh phúc, giải phóng cá tính, khao khát tự do bình đẳng.
Trong khi đó giai cấp phong kiến không hề có tác dụng thúc đẩy sản xuất, nhưng
đời sống của chúng lại cực kì hủ bại, ăn chơi, xa hoa, dâm dật. Tập đoàn phong
kiến nhà Thanh tận hưởng của cải bóc lột của nhân dân, còn nhân dân lao động
cần cù, chất phác lại vô cùng cực khổ. Những người nông dân đã trở thành tá
điền quanh năm làm việc mà vẫn cực khổ. Mâu thuẫn giữa bọn thống trị đời
Thanh và nhân dân lao động ngày càng sâu sắc, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân
nổ ra. Tầng lớp thị dân nổi lên, lực lượng này chưa thoát khỏi sự ràng buộc của
xã hội phong kiến về tư tưởng, kinh tế. Vì thế, trong xã hội lúc bấy giờ, ngoài
mâu thuẫn giữa nông dân với giai cấp địa chủ còn tồn tại mâu thuẫn giữa lực
lượng thị dân với quý tộc phong kiến.
Thời kì này nhiều nhà tư tưởng có đề xướng dân chủ, đòi tự do tư tưởng,
giải phóng cá tính như: Hoàng Tôn Hy, Cố Viên Vũ, Vương Phu Chi, Đường
Chú Vạn, Tào Tuyết Cần xuất thân từ giai cấp trên, gia đình quan lại, quý tộc
nhưng ông đứng trên lập trường của tầng lớp thị dân để chống lại chế độ phong
kiến. Ông xây dựng hàng loạt những nhân vật xuất thân quý tộc nhưng lại hướng
10
vào cuộc sống tự do, giải phóng cá tính, có tư tưởng dân chủ mới như Giả Bảo
Ngọc, Lâm Đại Ngọc.
1.2.3. Khái quát về nội dung và nghệ thuật tác phẩm Hồng lâu mộng
1.2.3.1. Khái quát về nội dung Hồng lâu mộng
Hồng lâu mộng viết về câu chuyện tình duyên trắc trở nhưng không đơn
giản là bi kịch tình yêu tay ba. Tác giả có căn cứ vào cuộc đời riêng nhưng tác
phẩm không phải là “tự truyện” cũng không phải là sự sụp đổ của một gia đình
quý tộc do “miệng ăn núi lở”, “thu ít chi nhiều”. Ý nghĩa khách quan của tác
phẩm lớn hơn nhiều, âm vang sâu nặng của tác phẩm gợi cho người đọc những
vấn đề thời đại.
Trước tiên, tác phẩm phản ánh sự suy tàn tất yếu của chế độ phong kiến
Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua sự phân chia giai cấp và mâu thuẫn của
xã hội phong kiến. Trong xã hội có sự phân chia giai cấp rõ rệt. Giai cấp quý tộc
là giai cấp thống trị xã hội có quyền quyết định số phận của những giai cấp
khác. Tuy nhiên, trong lòng giai cấp quyền quý này lại chứa đựng những cơn
sóng ngầm có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Các ông, bà chủ đó một mặt câu kết
với nhau để bóc lột, vơ vét, mặt khác lại cắn xé lẫn nhau để giành giật quyền uy
và thế lực. Nhưng bên cạnh mâu thuẫn nội bộ giai cấp quý tộc còn có mâu thuẫn
giữa họ với quần chúng bị áp bức bóc lột, mà cụ thể trong Hồng lâu mộng là các
a hoàn. Họ được nhà chủ mua về làm kẻ hầu người hạ và số phận của họ hoàn
toàn phụ thuộc vào ông chủ, bà chủ. Trước mắt họ hầu như chỉ có ba con đường:
đi tu, tự vẫn, bị gả chồng. Mặc dù không chủ tâm miêu tả quan hệ giữa gia đình
phong kiến quý tộc này với nông dân nhưng bằng một vài nét vẽ đậm nhạt tác
giả cũng cho chúng ta thấy chúng dựa vào đâu mà sống xa hoa, phè phỡn.
Không chỉ dừng lại ở đó, Tào Tuyết Cần tiếp tục đi sâu vào bản chất của giai
cấp này để một lần nữa vạch trần bộ mặt thực sự của giai cấp phong kiến quý
tộc. Có thể nói, dâm ô chính là bản chất của giai cấp bóc lột. Sự thực đó là sức
tàn phá ghê gớm đối với một nề nếp, một gia phong và đến một mức độ nhất
định nó làm cho kỉ cương họ Giả bị rối loạn góp phần đẩy gia đình hào môn
vọng tộc này đến bước sụp đổ. Điều đó cũng cho thấy sự suy tàn của phủ Giả,
của chế độ phong kiến là tất yếu không thể cưỡng lại được.
11
Vấn đề thứ hai mà tác phẩm phản ánh chính là tình yêu và hôn nhân trong
xã hội phong kiến Trung Quốc. Chúng ta thấy rằng, trong xã hội thối nát đó, tình
yêu không hề tồn tại, thay vào đó là sự trói buộc, ràng buộc con người vào
những cuộc hôn nhân không tình yêu. Nhưng trong Hồng lâu mộng, Tào Tuyết
Cần xây dựng một Giả Bảo Ngọc, một Lâm Đại Ngọc luôn luôn hành động theo
trái tim, chống lại quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nhưng rồi tình yêu
của họ vẫn rơi vào bi kịch, họ không thể chống lại được thế lực phong kiến
mạnh mẽ thời bấy giờ. Có thể nói, Hồng lâu mộng là bi kịch tình yêu và hôn
nhân dưới chế độ phong kiến. Tác giả đặt tình yêu và hôn nhân trên một bình
diện rộng lớn. Nó gắn chặt với vấn đề phụ nữ, vấn đề chế độ thê thiếp, chế độ
cung phi, chế độ nô tì,
Hồng lâu mộng là một tác phẩm hiện thực kiệt xuất, phê phán toàn diện
xã hội phong kiến đời Thanh. Tất cả cuộc sống thối nát của giai cấp quý tộc đều
được Tào Tuyết Cần đề cập một cách rộng rãi và sâu sắc. Những giá trị hiện
thực trên đã đem lại sức sống lâu dài cho tác phẩm. Vì vậy, không chỉ người dân
Trung Quốc yêu thích Hồng lâu mộng mà đông đảo bạn đọc trên thế giới cũng
đón nhận và yêu thích kiệt tác này.
1.2.3.2. Khái quát về nghệ thuật Hồng lâu mộng
Hồng lâu mộng là tiểu thuyết hiện thực xuất sắc, được xếp vào hạng một
trong tứ đại kì thư Trung Hoa. Tác phẩm đã “kế thừa kinh nghiệm sáng tác của
các tác giả thời đại trƣớc, bằng tƣ duy nghệ thuật mới mẻ và tài năng sáng tạo,
Tào Tuyết Cần tạo ra đứa con tinh thần của mình - Hồng lâu mộng. Tác phẩm
trở thành tập đại thành cho những tiến bộ nghệ thuật của tiểu thuyết hiện
thực Trung Quốc thế kỉ XIV - XVIII. Nó phá vỡ tƣ tƣởng và cách viết truyền
thống, đƣa tiểu thuyết cổ điển phát triển theo hƣớng gần gũi với tiểu thuyết
hiện đại” [16, 152]. Bút pháp hiện thực đạt đến trình độ điêu luyện trong khi
miêu tả, tác giả bám sát cuộc sống thường ngày, miêu tả chi tiết, không cường
điệu tô vẽ. Cuộc sống trong Hồng lâu mộng hiện lên vô cùng bình di, đời
thường và đó chính là sức hút của tác phẩm. Đọc tác phẩm ta không hề cảm
thấy bàn tay đẽo gọt của nhà văn mà chỉ theo dáng dấp vốn có tràn lên mặt
giấy một cách tự nhiên. Đó chính là vẻ đẹp thuần phác, kết quả của sự rèn
luyện khắc khổ mới có được.
12
Nghệ thuật xây dựng nhân vật và xây dựng nhiều nhân vật cùng một lúc là
thành tựu to lớn của Hồng lâu mộng. Hồng lâu mộng là một tác phẩm có số
lượng nhân vật đông đúc nhưng các nhân vật đều có máu thịt, có cá tính rõ nét.
Có nhân vật chỉ vài phác họa cũng để lại ấn tượng cho người đọc. Tào Tuyết
Cần không những tài hoa trong việc miêu tả những nhân vật có tính cách đối lập
mà còn rất tinh tế miêu tả những tính cách giống nhau. Các nhân vật vừa “phạm
vào nhau lại tránh nhau rất xa”.
Hồng lâu mộng với kết cấu đồ sộ gồm 120 hồi. Tác giả đề cập đến mọi
mặt của đời sống gia đình họ Giả nhưng bao giờ cũng xoay quanh câu chuyện
tình duyên của Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc. Câu chuyện tình duyên bi thảm
ấy trở thành sợi dây xuyên suốt tác phẩm, vừa có ý nghĩa chắp nối sự kiện, vừa
có tác dụng gắn bó hai chủ đề của tác phẩm, đó là sự sa đọa ruỗng nát của một
gia đình thượng lưu và sự trong sáng đẹp đẽ của một mối tình. Gia đình càng
đen tối ruỗng nát thì tình yêu càng trở nên cao đẹp. Tình yêu càng lâm vào tình
thế bi kịch càng có sức tố cáo sự lỗi thời và kệch cỡm của chế độ phong kiến.
Đó là thành công lớn của Tào Tuyết Cần.
Thành tựu về ngôn ngữ của Hồng lâu mộng khá tiêu biểu. Ngôn ngữ của
tác phẩm lưu loát, uyển chuyển, đẹp đẽ. Về mặt này Hồng lâu mộng được đánh
giá cao như Thủy hử. Tác giả cũng giỏi cá tính hóa ngôn ngữ nhân vật làm cho
lời nói từng người khác nhau, phù hợp với tính cách của họ. Mặc dù ngôn ngữ
cũng như thơ từ của các nhân vật, hầu như giữa 80 hồi đầu và 40 hồi sau có sự
khác nhau đôi chút ít, một bên mượt mà, chau chuốt và uyển chuyển hơn, nhưng
nhìn chung phong cách ngôn ngữ toàn tác phẩm là thống nhất, không để lại dấu
vết của sự chắp vá.
Nghệ thuật miêu tả không - thời gian cũng là một đóng góp không nhỏ của
tác giả vào thành công của tác phẩm. Thế giới của Hồng lâu mộng là vô cùng
phong phú, đa dạng bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố không - thời gian đó là:
không - thời gian thần thoại, không - thời gian mộng ảo và không - thời gian
hiện thực. Các lớp không - thời gian này lại được tổ chức theo các dòng mạch
của truyện. Vì vậy chúng không làm ảnh hưởng đến tính trình tự của tác phẩm
mà ngược lại các lớp không - thời gian vừa đan kết, vừa hỗ trợ lẫn nhau tạo nên
trong tác phẩm một kết cấu không - thời gian vô cùng chặt chẽ.
13
Tóm lại, Hồng lâu mộng là một kiệt tác, kế thừa được tư tưởng tốt đẹp của
tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa, nhưng lại vượt lên trên tất cả các tác phẩm trước đó.
Từ khi ra đời Hồng lâu mộng đã được tán thưởng và truyền tụng rộng rãi, đồng thời
còn kích thích hứng thú nghiên cứu của nhiều thế hệ người Trung Quốc.
1.3. Một số vấn đề lí luận
1.3.1. Nhân vật văn học
Trong tác phẩm văn học, con người chính là nhân vật, hay nói cách khác
nhân vật “là con ngƣời đƣợc miêu tả trong văn học bằng phƣơng tiện văn học”
[10, 277]. Chính vì vậy, con người tồn tại trong cuộc sống đa dạng và phức tạp bao
nhiêu thì nhân vật trong tác phẩm văn học cũng đa dạng và phức tạp bấy nhiêu.
Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy ước lệ, không thể đồng nhất nó
với con người có thật trong cuộc sống, thường mang những dấu hiệu để ta dễ nhận
ra. Đó có thể là tên gọi: Chí Phèo, Lang Rận, Trương Chi, đến các dấu hiệu tiểu
sử, nghề nghiệp hoặc đặc điểm riêng như: chàng mồ côi, thằng ngốc, thằng bồi
tiêm, dự báo trước tương lai của nhân vật cũng như diễn biến câu chuyện.
Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học.
Nhân vật văn học có thể có tên riêng: Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo
Thoa cũng có thể xuất hiện với tên chung chỉ nghề nghiệp: bác lái đò, chị hàng
nước, anh nông dân, xuất hiện với tên chung chỉ giới: anh chỉ nam giới, chị chỉ
nữ giới hoặc xuất hiện với tên gọi theo đơn vị, chức vụ chỉ xã hội: thầy thơ lại,
viên quản ngục, ông quan huyện, Nhân vật văn học có thể là những con vật
trong truyện cổ tích, đồng thoại, thần thoại, bao gồm cả quái vật lẫn thần linh,
ma quỷ. Đây là những con vật nhưng mang nội dung và ý nghĩa của con người.
Khái niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ con
người cụ thể nào, mà chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm. Ví dụ
nhân dân là nhân vật chính trong Chiến tranh và hòa bình của L. Tônxtôi, đồng
tiền là nhân vật chính trong Ơgiêni Grăngđê của Banzắc
Nhân vật văn học được miêu tả bằng nhiều hình thức khác nhau. Có thể
nhân vật được miêu tả đầy đặn cả ngoại hình lẫn nội tâm, có tính cách, có tiểu sử
như trong tác phẩm tự sự và kịch. Chẳng hạn nhân vật Chí Phèo, Thị Nở của
Nam Cao, hồn Trương Ba, da hàng thịt trong tác phẩm cùng tên của Lưu Quang
14
Vũ. Hoặc ngược lại đó là những người thiếu hẳn nét đó, chỉ có giọng điệu, tiếng
nói, cảm nhận như nhân vật trữ tình trong thơ trữ tình. Ví dụ:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử
Quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn ở mỗi dân tộc
khác nhau. Sống dưới chế độ khác nhau, các quan điểm thẩm mĩ có sự khác
nhau. Như ở Việt Nam, dưới thời kì phong kiến, người phụ nữ được coi là chuẩn
mực thì phải đủ “Tam tòng tứ đức” còn người đàn ông thì “Tề gia, tri quốc, bình
thiên hạ” nhưng ngày nay một số điều trong đó không còn phù hợp nữa.
Thực tiễn sáng tác, phê bình và nghiên cứu đã nêu lên nhiều kiểu và loại
nhân vật văn học tương ứng với những dấu hiệu phân loại khác nhau. Dựa vào
kết cấu, người ta phân loại thành nhân vật chính, nhân vật trung tâm, nhân vật
phụ; dựa vào lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn người ta phân loại nhân vật thành
nhân vật chính diện, nhân vật phản diện; dựa vào kiểu cấu trúc nhân vật ta có
nhân vật chức năng, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng, Dựa vào thể loại
người ta phân biệt nhân vật tự sự, nhân vật trữ tình, nhân vật kịch, Nhân vật
văn học là một trong những khái niệm trung tâm để xem xét sáng tác của nhà
văn, một khuynh hướng, trường phái hoặc phong cách. Những nét chung về
nhân vật văn học có thể cho phép nêu lên những biểu tượng văn học như: văn
học về “con ngƣời bé nhỏ”, về “con ngƣời thừa kế”, văn học về “thế hệ mất
mát”. Những nhân vật văn học trở nên nổi tiếng thế giới chính là những hình
tượng vĩnh cửu như: Faust, Grăngđê, G. Mêlêkhôp,
1.3.2. Hệ thống nhân vật văn học
Các nhân vật trong một tác phẩm nghệ thuật thực sự tạo thành một hệ thống
hoàn chỉnh. Chúng hình như đều liên can nhau, không chỉ móc nối nhau bằng
tiến trình sự kiện được miêu tả (không phải bao giờ cũng thế) mà suy đến cùng
còn bằng logic tư duy nghệ thuật của nhà văn. Hệ thống nhân vật bộc lộ nội
dung của tác phẩm, nhưng tự nó lại là một trong các phượng diện của kết cấu.
Giáo sư G. N. Pospelov cho rằng: “Lí giải và xây dựng hệ thống nhân vật là một
khâu quan trọng trong việc sáng tạo của nhà văn” [18, 521] và “Hệ thống nhân
vật đem lại cho hình thức nghệ thuật của tác phẩm sự thống nhất và tính chỉnh
15
thể” [18, 522]. Chức năng kiến trúc này của nó đặc biệt quan trọng khi các sự
kiện do nhà văn miêu tả không có mối liên hệ nhân quả trực tiếp với nhau. Ví dụ
trong tiểu thuyết Anna Karenina có sự rời rạc trong các số phận nhân vật gây khó
hiểu cho người đọc nhưng thực chất tác phẩm của ông xây dựng trên các mối liên
hệ nội tại giữa các nhân vật chứ không phải trên sự quen biết của chúng.
Hệ thống nhân vật cũng chính là hệ thống hình tượng nhân vật trong tác
phẩm văn học. Hệ thống hình tượng là toàn bộ mối quan hệ qua lại của các yếu
tố cụ thể, cảm tính tạo nên hình tượng nghệ thuật mà trung tâm là mối quan hệ
của các nhân vật.
Nói đến hệ thống nhân vật là nói đến sự tổ chức các quan hệ nhân vật cụ
thể của tác phẩm. Các mối quan hệ thường thấy của các nhân vật là “đối lập, đối
chiếu, tƣơng phản, bổ sung” [10, 300].
Sự phản ánh hiện thực trong các mâu thuẫn, xung đột và sự vận động dẫn
đến việc tổ chức các nhân vật đối lập. Đó là sự đối lập giữa thiện và ác, tốt và
xấu, giữa thống trị và bị trị, xâm lược và chống xâm lược, bóc lột và bị bóc lột.
Dĩ nhiên, quan hệ đối lập ở đây không phải chỉ là một phạm trù xã hội học. Nó
gắn liền với sự đối lập của các cá nhân về phương diện địa vị, cá tính, nhân
phẩm, chẳng hạn như dũng cảm và hèn nhát, trung thực và gian dối, trung thành
và phản bội, Ta dễ dàng thấy đối lập đó trong các quan hệ giữa Lí Thông và
Thạch Sanh, Tấm và Cám, Lục Vân Tiên và Trịnh Hâm, chị Dậu và lũ quan sai,
Mị, A Phủ và bố con thống lí Pá Tra, Đó là sự đối lập về nhân cách, lí tưởng,
lẽ sống. Cái khéo của tác giả là làm cho các nhân vật đối lập, thù địch có quan
hệ với nhau, ràng buộc nhau ở phương diện nào đấy, và do đó mà càng thêm đối
lập gay gắt. Quan hệ đối lập thường loại trừ nhau một mất, một còn và thường là
cơ sở để tạo thành các tuyến nhân vật của tác phẩm.
Quan hệ đối chiếu, tương phản làm nổi bật sự đối lập và khác biệt của các
nhân vật. Đó là thầy trò Đôn Kihôtê và Santro Panxa của Xervantes: một người
cao và gầy; một người thấp và béo. Một người bị đầu độc bởi những hoang
tưởng của tiểu thuyết hiệp sĩ; một người có trí óc lành mạnh. Một người có lí
tưởng cao xa; một người thực dụng, thiển cận. Cả hai thầy trò như hai tấm
gương soi chiếu lẫn nhau. Sự tương phản làm cho các đối lập, khác biệt hiện ra
gay gắt. Đối chiếu là một mức độ thấp hơn của tương phản. Chẳng hạn đối lập
16
giữa Thúy Kiều và Thúy Vân. Sự vô tình của em càng tôn lên cái đa tình của
chị. Đối chiếu, tương phản là nguyên tắc kết cấu hết sức phổ biến. Nó chẳng
những làm nổi bật các nhân vật khác tuyến mà còn làm cho các nhân vật cùng
tuyến càng trở nên sắc nét. Chẳng hạn tương phản giữa tính khí ba anh em Lưu,
Quan, Trương trong Tam quốc chí diễn nghĩa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và
Đường Tam Tạng trong Tây du kí,
Quan hệ bổ sung là quan hệ của các nhân vật cùng loại, nhằm mở rộng
phạm vi của một loại hiện tượng. Bên cạnh AQ còn có cu Don, Vương râu xồm,
Vú Ngò trong AQ chính truyện. Bên cạnh Chí Phèo còn có Binh Chức, Năm
Thọ. Anh Dậu, cái Tí, thằng Tửu, thằng Dần đều là nhân vật bổ sung vào gánh
nặng của chị Dậu, tạo thành số phận đau khổ của chị Nhân vật bổ sung thường
là nhân vật phụ, làm cho nhân vật chính đậm đà, có bề dày. Chúng tuy mang
tính chất phụ thuộc, nhưng đồng thời cũng có tác dụng mở rộng đề tài.
Hệ thống nhân vật là “sự tổ hợp nhân vật làm sao cho chúng phản ánh
nhau, tác động nhau, soi sáng nhau, để cùng phản ánh đời sống. Trong hệ thống
hình tƣợng của tác phẩm, nhân vật vừa đóng vai trò xã hội của nó, vừa đóng vai
trò văn học. Các vai trò này gắn bó với nhau trong quan hệ nội dung và hình
thức” [10, 301]. Cần kết hợp chúng trong một chỉnh thể nghệ thuật, mới thấy hết
nội dung tư tưởng thẩm mĩ của tác phẩm.
Ví dụ: Hệ thống nhân vật tướng lĩnh, hệ thống nhân vật quân sư, hệ thống
nhân vật đạo sĩ, hệ thống nhân vật dân chúng, trong Tam quốc chí diễn nghĩa
của La Quán Trung. Hay hệ thống nhân vật anh hùng, hệ thống nhân vật quan
lại, hệ thống nhân vật nhân dân, trong tác phẩm Thủy hử của Thi Nại Am.
Tiểu kết
Hồng lâu mộng chính là đứa con tinh thần của Tào Tuyết Cần và đứa con
tinh thần này hiện lên vô cùng hấp dẫn, cuốn hút người đọc bởi rất nhiều lí do.
Trước tiên là nội dung phản ánh cuộc sống xã hội rộng lớn. Bằng tài năng của
mình Tào Tuyết Cần đã vẽ lên một bức tranh sống động về một xã hội phong
kiến thối nát, đồi trụy, bất công qua bước đường từ thịnh đến suy của gia đình
họ Giả. Hơn nữa số lượng nhân vật đông, hơn 400 nhân vật mà không nhân vật
nào giống nhân vật nào. Đây chính là tài năng của ông trong nghệ thuật xây
dựng hệ thống nhân vật. Đồng thời kết cấu trong tác phẩm Hồng lâu mộng vô
17
cùng chặt chẽ. Mỗi tình tiết, chương, đoạn thay đổi, phát triển như một dòng
nước uốn lượn, ta chỉ gặp sự lưu loát, chứ không hề thấy gượng gạo, đứt đoạn,
chắp vá. Hồng lâu mộng đã kế thừa xuất sắc truyền thống tốt đẹp của tiểu thuyết
cổ điển Trung Quốc, và lại vượt hơn hẳn bất cứ tác phẩm nào trước đó. Đặc sắc
của Hồng lâu mộng chủ yếu thể hiện ở sự điêu luyện, tự nhiên và giàu sức biểu
cảm. Tổ chức không - thời gian của tác phẩm bằng những nguyên tắc nghệ thuật
cổ điển làm cho tác phẩm trở nên hấp dẫn, sinh động, mang một phong vị, màu
sắc riêng của nhân dân Trung Hoa. Việc tìm hiểu khái niệm nhân vật và hệ
thống nhân vật giúp ta có những cơ sở lí luận chắc chắn, chính xác để phân tích,
đánh giá hệ thống nhân vật nữ và nam thuộc tầng lớp chủ trong tác phẩm Hồng
lâu mộng một cách khách quan, không mang tính võ đoán.
18
CHƢƠNG 2. NHỮNG ĐIỂM GIỐNG VÀ KHÁC NHAU GIỮA HỆ
THỐNG NHÂN VẬT NỮ VÀ NAM THUỘC TẦNG LỚP CHỦ
TRONG HỒNG LÂU MỘNG
Thế giới nhân vật trong tác phẩm hết sức đa dạng và đông đảo, đặc biệt là
trong những tác phẩm lớn. Trong tác phẩm Hồng lâu mộng, số lượng nhân vật
Tào Tuyết Cần xây dựng khá đông đảo nhưng tác giả lại chú ý đến hệ thống
nhân vật nữ và nam thuộc tầng lớp chủ, chẳng hạn như: Giả mẫu, Vương phu
nhân, Hình phu nhân,Vương Hy Phượng, Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa,
Nguyên Xuân, Nghênh Xuân, Thám xuân, Tích Xuân, Sử Tương Vân, Diệu
Ngọc, Xảo Thư (nhân vật nữ thuộc tầng lớp chủ). Giả Xá, Giả Chính, Giả Liễn,
Giả Trân, Giả Dung, Giả Bảo Ngọc, Giả Hoàn, Giả Lan, Giả Tường (nhân vật
nam thuộc tầng lớp chủ). Đây là những nhân vật mang những nét độc đáo tạo
nên nét đặc sắc, nét mới trong việc xây dựng hệ thống nhân vật của tác giả.
Giữa họ có những điểm chung và riêng hết sức rõ rệt. Sau đây chúng tôi sẽ chỉ
ra những điểm giống và khác nhau cơ bản giữa hệ thống nhân vật nữ và nam
thuộc tầng lớp chủ ở các phương diện: Nguồn gốc xuất thân, ngoại hình, tính
cách và tài năng.
2.1. Nguồn gốc xuất thân
Các nhân vật nữ và nam thuộc tầng lớp chủ trong Hồng lâu mộng đều
xuất thân danh giá từ những gia đình danh gia vọng tộc, hào môn sáng chói bậc
nhất đất Kim Lăng.
Người mà chúng tôi nhắc tới đầu tiên là Giả mẫu, chẳng khác gì một thái
thượng hoàng. Giả mẫu vốn là người họ Sử, tên đầy đủ là Sử Thái Quân (chồng
là Giả Đại Thiện). Họ sử là một trong bốn họ có thế lực nhất ở Kim Lăng. Giả
mẫu sinh ra hai người con trai. Người con trai cả là Giả Xá, tập tước nhất đẳng
tướng quân, vợ là Hình phu nhân. Giả Liễn là con của Giả Xá và Hình phu nhân.
Nghênh xuân là con của Giả Xá và vợ lẽ. Người con thứ hai của Giả mẫu là Giả
Chính, vợ là Vương phu nhân. Giả Châu, Nguyên Xuân, Giả Bảo Ngọc là con
của Giả Chính và Vương phu nhân. Còn Thám Xuân và Giả Hoàn là con của
Giả Chính và vợ lẽ (dì Triệu). Giả Trân là con trai của Giả Kính - chỉ thích luyện
đan nên Giả Trân tập tước, vợ là Vưu Thị, có con trai là Giả Dung, vợ là Tần
Thị. Tích Xuân là em ruột của Giả Trân bên phủ Ninh.
19
Vương Hy Phượng vốn là tiểu thư Vương phủ, một trong những đại gia
đình bậc nhất đất Kim Lăng, là cháu ruột của Vương phu nhân.
Giống Vương Hy Phượng, Tiết Bảo Thoa, Tiết Bàn xuất thân dòng dõi thi
thư. Họ Tiết cũng là một họ lớn, giàu có, danh giá ở đất Kim Lăng “gia tài họ
Tiết có hàng trăm vạn, hiện giữ việc lĩnh tiền trong kho mua hàng của nhà vua”
[3, I, 75]. Cha Tiết Bảo Thoa, Tiết Bàn mất sớm, mẹ là Tiết phu nhân vốn họ
Vương, em ruột của Vương Tử Đằng và là chị em cùng mẹ với Vương phu nhân.
Nói về nguồn gốc xuất thân không chỉ Vương Hy Phượng, Tiết Bảo Thoa,
Tiết Bàn xuất thân dòng dõi mà trong tác phẩm, Tào Tuyết Cần còn miêu tả
nhiều nhân vật xuất thân cành vàng lá ngọc. Đó là những cô tiểu thư, những
chàng công tử phủ Giả, ngoài ra còn phải kể đến Lâm Đại Ngọc, Lí Hoàn, Sử
Tương Vân,
Lâm Đại Ngọc là con gái Lâm Như Hải và Giả Mẫn, cháu gọi Giả mẫu
bằng bà ngoại. Họ Giả là một trong bốn họ có quyền thế ở đất Kim Lăng (Giả,
Sử, Vương, Tiết). Lâm Như Hải là người Cô Tô, đỗ thám hoa được bổ làm Tuần
diêm ngự sử thành Duy Dương.
Lí Hoàn vốn là tiểu thư của Lí gia, một nhà danh hoạn đất Kim Lăng,
được gả cho Giả Châu, con cả của Giả Chính và Vương phu nhân. Giả Châu thi
đỗ tú tài, đến năm hai mươi tuổi thì chết, để lại cậu con trai là Giả Lan. Từ đó Lí
Hoàn ở góa bụa, chỉ lo giữ tiết hạnh và nuôi con ăn học.
Sử Tương Vân là cháu ngoại của Giả mẫu. Tuy gia đình không được giàu
có cho lắm song cũng là một trong những gia đình có tiếng tăm đất Kim Lăng.
Ngoài việc xuất thân dòng dõi thi thư, cành vàng lá ngọc thì những cô tiểu
thư này đều có mối quan hệ mật thiết với phủ Giả. Trong hoàn cảnh sống hiện
tại, họ lại cùng sống ở một nơi, đó là phủ Giả. Phủ Giả bao gồm phủ Vinh và
phủ Ninh là nơi giàu sang phú quý “Con đƣờng bắc lộ bên đông là phủ Ninh
Quốc, bên tây là phủ Vinh Quốc, hai nhà liền nhau, chiếm quá nửa phố. Ngoài
cửa chính tuy vắng vẻ không có ngƣời, nhƣng nhìn qua tƣờng, thì thấy trong đó
điện đài lầu gác nguy nga, ngay cả vƣờn hoa đằng sau, cây cối núi non sầm uất,
tƣơi tốt” [3, I, 39].
Các nhân vật thuộc tầng lớp chủ trong Hồng lâu mộng đều xuất thân danh
giá. Điều đó tạo cho họ một cái nền, một cơ sở, một điều kiện lí tưởng để phát
20
triển tính cách trưởng giả, đại diện cho giai cấp phong kiến thời kì bấy giờ, góp
phần tạo nên sự khác biệt với những người lao động.
Như vậy, nguồn gốc xuất thân giữa các nhân vật nữ và nam thuộc tầng lớp
chủ tưởng như hoàn toàn tương đồng đó, lại ẩn chứa sự khác biệt nội tại bên
trong, mặc dù là những điểm khác biệt rất nhỏ. Những nhân vật nữ thuộc tầng
lớp chủ thuộc sáu dòng họ: Giả, Sử, Vương, Tiết, Lí, Lâm. Trong đó họ Giả, Sử,
Vương có mối liên kết rất mạnh và bền chặt tạo thành một thế lực lớn chi phối
các dòng họ khác, đem lại lợi ích cho họ cả về kinh tế lẫn chính trị. Nắm quyền
lực thực sự trong phủ Giả là họ Sử và họ Vương (Sử Thái Quân, Vương phu
nhân, Vương Hy Phượng). Những nhân vật nam thuộc tầng lớp chủ thuộc hai
dòng họ: Giả, Tiết và mối liên kết giữa họ chỉ ở mức độ bình thường. Mối liên
kết này được gắn kết bởi Vương phu nhân (chị cùng mẹ với Tiết phu nhân).
2.2. Ngoại hình
Ngoại hình là hình dáng, vẻ bề ngoài của nhân vật. Ngoại hình của nhân
vật cũng góp phần bộc lộ, thể hiện những quá trình nội tâm của nhân vật.
Hầu hết các nhân vật nữ và nam thuộc tầng lớp chủ trong tác phẩm Hồng
lâu mộng đều có ngoại hình đẹp.
Trước hết, họ giống nhau ở chỗ đều có khuôn mặt, dáng vẻ bề ngoài đẹp,
ưa nhìn. Một Lâm Đại Ngọc hiện lên với vẻ đẹp mỏng manh, yếu đuối, thướt
tha: “Đôi lông mày điểm màu khói lạt, dƣờng nhƣ cau mà lại không cau, đôi
con mắt chứa chan tình tứ, dƣờng nhƣ vui mà lại không vui. Má hơi lũm, có vẻ
âu sầu, ngƣời hơi mệt, trông lại tha thƣớt. Lệ rớm rƣng rƣng, hơi ra nhè nhẹ. Vẻ
thƣ nhàn, hoa rọi mặt hồ, dáng đi đứng, liễu nghiêng trƣớc gió” [3, I, 62]. Đại
Ngọc đẹp đến nỗi một người xinh đẹp, sắc sảo như Phượng Thư cũng phải cất
tiếng khen: “Trong thiên hạ lại có ngƣời đẹp nhƣ thế này! Bây giờ cháu mới
đƣợc thấy” [3, I, 54].
Trong phủ Giả, một tiểu thư xinh đẹp không kém gì Đại Ngọc đó là Tiết
Bảo Thoa. Nàng hiện lên với vẻ đẹp khỏe khoắn, mập mạp, tràn đầy sức sống
“môi không tô mà đỏ, mày không kẻ vẫn xanh, mặt nhƣ mâm bạc, mắt sáng long
lanh” [3, I, 131].
Đúng vậy, các cô tiểu thư đài các, cành vàng lá ngọc này đã làm cho vườn
hoa họ Giả thêm rực rỡ, sáng chói.