Tải bản đầy đủ (.doc) (296 trang)

Tư vấn tâm lý căn bản

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (859.26 KB, 296 trang )

TƯ VẤN TÂM LÝ CĂN BẢN
LỜI GIỚI THIỆU
Tôi rất vui lòng viết lời giới thiệu cho cuốn sách TƯ VẤN TÂM
LÝ CĂN BẢN của Nguyễn Thơ Sinh. Tôi với Sinh quen nhau trên
mạng điện tử: biết tôi ở trong Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt
Nam (ở dưới gọi là Hội), Sinh gởi email cho tôi; tôi nhận thấy anh
quan tâm đến Tâm lý học và Giáo dục học nước nhà và chúng tôi đã
có nhiều cuộc trao đổi với nhau. Như vậy là cuộc làm quen có chủ
đích, chứ không phải ngẫu nhiên: hai người đều có lòng nhiệt tâm
với nền khoa học này của nước nhà. Cuối năm 2005 đầu năm 2006,
Hội có cuộc Hội thảo về Tư vấn tâm lý tổ chức ở thành phố Hồ Chí
Minh. Tôi báo tin này và mời Sinh về tham dự, anh nhận lời với cả
một báo cáo Khoa học dài đến hơn 20 trang giấy khổ A4.
… Sau đó tôi bảo anh: Nếu đúng là vấn đề anh quan tâm, và
nếu có điều kiện, anh nên viết một cuốn sách về tư vấn tâm lý. Kết
quả đến quá nhanh, hôm nay mới giữa tháng 8 năm 2006, tức là
trong có vài tháng, cuốn sách đã viết xong, dày tới gần 300 trang.
Theo tôi, đây là một cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Việt về tư vấn
tâm lý. Tất nhiên, mới là đề cập đến những vấn đề cơ bản. Nhưng
cũng có thể nói ngay rằng chữ “cơ bản” ở đây không phải chỉ là các
vấn đề lý luận cơ bản mà phần lớn lại là các (hay một số) vấn đề
thực hành cơ bản - đúng là cái chúng ta đang cần, cần biết cả lý
thuyết cơ bản nhưng rất cần biết những điều chỉ dẫn tiến hành công
việc tư vấn, từ mở đầu đến kết thúc một cuộc (có thể nhiều buổi) tư
vấn tâm lý.
Thật vậy, các bạn thấy tác giả đã trình bày sự vận dụng một
loạt học thuyết (lý thuyết) tâm lý vào công việc tư vấn tâm lý: từ
học thuyết Freud rồi Anna Freud (con gái của Freud); thuyết tâm lý
học phân cách của Adler, Roger, thuyết hiện sinh của May và Frankl
trong tâm lý học; tiếp theo là tâm lý học hành vi, tâm lý học hình
thái, thuyết nhận thức trị liệu, thuyết hệ thống gia đình của Bower,


v.v. Phần nhiều các lí thuyết này đã được giới thiệu ở ta, nhưng đều
ở tâm lý học đại cương, lịch sử tâm lý học, nhập môn tâm lý học.
Còn ở đây mỗi thuyết chỉ trình bày rất tóm tắt, có khi chỉ trong vài
dòng, phần lớn dành nói về lý thuyết này tiến hành công việc tư vấn
tâm lý như thế nào? Cuốn sách này thật sự có ý nghĩa rất thiết thực
cho những nhà tư vấn tâm lý, và cả các cán bộ giảng dạy, nghiên
cứu tâm lý xem cũng rất bổ ích.
Ý nghĩa thiết thực của cuốn sách còn được thể hiện rất rõ trong
tất cả các loại hình tư vấn tâm lý được đề cập ở trong sách, như tư
vấn tâm lý về sức khỏe tâm thần, các dạng bệnh lý, trong đó có
Stress khác: các vấn đề này ngày càng đi vào công nghiệp và hiện
đại càng nảy sinh nhiều; tư vấn hôn nhân mà hiện nay đang chiếm
tỷ trọng hàng đầu trong các cuộc tư vấn tâm lý ở ta; tư vấn gia đình
cũng là một phạm vi ngày càng bức xúc hơn; tư vấn nghề nghiệp,
tư vấn học đường… là những lĩnh vực rất cần quan tâm và phải mau
chóng tăng cường. Các bạn còn thấy có cả tư vấn tâm lý cho người
bị ma tuý nên làm những gì. Đúng là những cái chúng ta đang cần.
Trong tất cả các loại hình tư vấn tâm lí được đề cập trong cuốn
sách này đều nêu rất cụ thể các công việc mà người tư vấn phải
làm. Tôi đặc biệt thích thú với các mục giới thiệu kỹ năng tư vấn
như:
− Kỹ năng thuyết phục,
− Kỹ năng đồng cảm,
− Kỹ năng chia sẻ,
− Kỹ năng kịp thời,
− Kỹ năng hài hước,
− Kỹ năng hợp đồng, v.v…
Mặt khác, cuốn sách nói trong tư vấn tâm lý có 3 yếu tố quan
trọng là: (1) tính chuyên nghiệp, (2) sức thu hút thấp dẫn, (3) được
hỏi tên. Công việc gì đề cập trong sách đều đưa ra quy trình, từ làm

một bản hợp đồng như thế nào? cách giải quyết khó khăn, chẳng
hạn như thấy người hỏi lưỡng lự khi nghe tư vấn, cho đến việc đào
tạo, tự đào tạo… đều nêu rõ quy trình: một, hai, ba bốn… phải làm
gì, rõ ràng, rành mạch. Tất nhiên, từ chỗ đọc đến chỗ hiểu, tiếp thu
và vận dụng… nhất là vào từng trường hợp cụ thể, còn nhiều chuyện
phức tạp đòi hỏi người tư vấn phải rất linh hoạt, uyển chuyển, sáng
tạo… cho đến việc chấm dứt cuộc tư vấn cũng vậy, cuốn sách cũng
bày cách làm rất cụ thể, rất chi tiết.
Đọc cuốn sách này, chúng ta còn có dịp làm quen với một số
thông tin về tư vấn tâm lý ở Mỹ, tuy còn sơ sài nhưng cũng thấy
được chủ trương thúc đẩy công tác này là phù hợp với yêu cầu đào
tạo cán bộ tư vấn tâm lý ngày càng cao, chúng ta còn thiếu quá
nhiều, có lẽ tính đến nay từ mọi nguồn số cán bộ này ở ta chỉ đếm
được hàng chục (ở Mỹ đã lên đến hàng vạn và còn phân ngành Tư
vấn tâm lý chuyên sâu), như trong sách cho hay. Đặc biệt, sách này
còn cung cấp cho ta một vốn thuật ngữ Anh − Việt với khoảng 300
từ, với khoảng cách rất cần cho những ai tư vấn tâm lý.
Tóm lại, đây là một cuốn sách đọc rất dễ hiểu, cụ thể, nhiều
điều có thể đem áp dụng vào công việc rất thiết thực bổ ích.
Nhân dịp này tôi nhiệt liệt chúc mừng và bày tỏ lời cảm ơn
Thạc sĩ Nguyễn Thơ Sinh đã có tác phẩm đóng góp xây dựng và
phát triển khoa học Tâm lý nước nhà, nhấn mạnh hướng ứng dụng,
thực hành, phục vụ con người, phục vụ xã hội.
Chúc tác giả có những thành công mới trong nghiên cứu và
hành nghề Tâm lý học. Mong anh tiếp tục hợp tác nhiều hơn với các
bạn đồng nghiệp trong nước. Anh thật xứng đáng với câu “Tôi tự
hào là người Việt Nam” mà anh đã lấy câu đó làm tiêu đề trong máy
điện tử của mình.
Hà Nội 16.8.2006
GS.TSKH PHẠM MINH HẠC

Chủ tịch Hội các khoa học Tâm lý − Giáo dục Việt Nam

PHẦN MỘT
LỊCH SỬ NGÀNH TƯ VẤN VÀ NỀN TẢNG BAN ĐẦU
Chương 1
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN VÀ XU HƯỚNG CỦA NGÀNH TƯ VẤN
1. Dẫn nhập
Tư vấn, không giống những ngành phục vụ sức khoẻ tâm thần
khác ở chỗ, tư vấn bao gồm chức năng giúp thân chủ phát triển khả
năng thăng tiến của bản thân và chức năng trị liệu ở mức độ rối loạn
hệ thống tư duy.
Tư vấn viên làm việc với cá nhân, nhóm, gia đình, hoặc những
tổ chức với những nan đề ngắn hạn và những nan đề lâu dài. Công
tác tư vấn nhằm vào mục tiêu giáo dục (education) mang tính năng
phát triển đời sống lành mạnh, ngăn ngừa tệ nạn và điều trị những
rối loạn do thiếu khung tư duy trưởng thành, nên ngành này đã
đóng một vai trò quan trọng tích cực với an toàn và phát triển của
xã hội.
Tư vấn trong những bước khởi đầu lịch sử của ngành không có
tổ chức bài bản mà thường là những tập hợp rời rạc, thiếu đồng bộ.
Theo thời gian, ngành này không ngừng lớn mạnh và tự hoàn thiện
thêm. Tuy thế, nhiều người nhầm lẫn tư vấn với những loại hình
giúp đỡ và hướng dẫn khác. Vì thế, tư vấn là một công việc đã mang
trong nó nhiều danh xưng và cả những hiểu lầm không nhỏ, thành
ra người trong nghề và cả dư luận xã hội vẫn có vài ngộ nhận lẫn về
chức năng công tác nghiệp vụ.
Có chút kiến thức về lịch sử của ngành tư vấn sẽ giúp tư vấn
viên hiểu kỹ hơn về ngành nghề mà họ đảm trách.
2. Định nghĩa ngành Tư vấn
Nói theo truyền thống, tư vấn viên – là người lắng nghe và

giúp đỡ người khác giải quyết một nan đề. Tuy nhiên, nhiều chức
năng và danh xưng đã gây nên những hiểu lầm khi danh từ tư vấn
viên được gắn với những sản phẩm, dịch vụ, dẫn đến những lẫn lộn
vẫn thường nghe thấy như: tư vấn tài chính, tư vấn hôn nhân, tư
vấn tiêu dùng, tư vấn pháp luật, tư vấn du lịch, tư vấn mua sắm…
Tư vấn, tại các nước phát triển, bắt nguồn từ hệ thống hướng
dẫn, (guidance systems) và ngược hẳn với tâm lý liệu pháp
(psychotherapy). Đấy là chuyện cũ. Hôm may, tư vấn gần như có
mặt ở khắp nơi, được sử dụng trong những trung tâm có chức năng
lâm sàng và chức năng giáo dục sức khoẻ công cộng, các trung tâm
tư nhân và có sự hỗ trợ của Chính phủ, các hội đoàn, các tổ chức
kinh doanh có lãi, các trung tâm tôn giáo, hội từ thiện…
Ngành này không chỉ chú trọng đến quá trình thăng tiến và
phát triển lối sống lành mạnh, mà còn góp phần trong trị liệu với
sức khoẻ tâm thần. Để hiểu rõ hơn về chức năng tư vấn, thiết nghĩ
hiểu biết về hệ thống hướng dẫn trong nhà trường (guidance) và
tâm lý liệu pháp (psychotherapy) sẽ giúp chúng ta hiểu được về
ngành tư vấn một cách sáng tỏ hơn.
Hướng dẫn giáo dục trong học đường (Guidance): Là một
quá trình giúp đỡ người trẻ chọn ra một giải pháp thích hợp cho một
vấn đề cần được giải quyết bằng cách đề nghị những việc cần làm
rất cụ thể. Tính thiết yếu này đã đi vào hoạt động tư vấn qua ngả
tìm ra quyết định cụ thể cho một vấn đề. Tuy nhiên, cách giúp trong
hướng dẫn rất khác với cách giúp trong tư vấn. Điểm khác biệt căn
bản ở đây: hướng dẫn cho lời khuyên, còn tư vấn chỉ mang tính đề
nghị và gợi ý một giải pháp cho thân chủ.
Nói khác đi, hướng dẫn giúp người khác tìm ra một chọn lựa cụ
thể thích hợp bằng cách người được giúp đỡ sẽ nghe theo đề nghị
của người khuyên. Tư vấn, khác hơn và nhiệm vụ của nó là giúp
thân chủ tạo ra một sự thay đổi bằng chính khả năng của họ.

Hướng dẫn, thường gặp trong môi trường học đường (ở các
nước phương Tây phát triển), khi người trưởng thành làm công tác
hướng dẫn, giúp trẻ em chọn lựa giải pháp như chọn nghề, chọn
môn học. Quan hệ giữa hai bên là một quan hệ không đối xứng. Ở
đây, người có kinh nghiệm sẽ truyền đạt kinh nghiệm cho người
thiếu kinh nghiệm. Rất giống như trường hợp vai trò của cha mẹ,
người lớn trong gia đình hướng dẫn con cái những việc cần phải làm.
Vì thế, hướng dẫn là một hình thái giúp đỡ không bao giờ cũ
đi, nó cũng không biến mất trong lịch sử phát triển văn minh của
con người. Bất cứ ở lứa tuổi nào, chúng ta cũng cần đến quá trình
chọn giải pháp cho những nan đề. Vì thế con người vẫn cần đến giúp
đỡ. Từ lâu là ngành có xuất thân từ hướng dẫn, nên nó chịu ảnh
hưởng từ hướng dẫn rất nhiều. Giống như hướng dẫn không bao giờ
cũ đi, tư vấn trong bối cảnh hôm nay đáp ứng những nhu cầu thiết
yếu của mọi người cũng không bao giờ trở thành già cỗi.
Tâm lý trị liệu (psychotherapy): Khác với tư vấn thông
thường, tâm lý trị liệu (còn gọi là tâm lý liệu pháp) được áp dụng với
những trường hợp nghiêm trọng hơn, liên quan đến những lĩnh vực
nội tâm, xung đột tư duy, trạng thái tâm thần, mà mục đích nhắm
đến là chữa lành hoặc làm giảm nhẹ những rối loạn thiên về thái cực
lâm sàng.
Tâm lý trị liệu tập trung nhiều vào những vấn đề nhức nhối
của quá khứ, những hành vi bệnh lý cần can thiệp bởi những
phương pháp chữa trị như thuốc men, chăm sóc y tế… Sự can thiệp
của chuyên viên như bác sĩ là cần thiết. Kỹ thuật chuyên môn của
chuyên viên tâm lý trị liệu cao, song họ thường không chú trọng
nhiều đến việc tìm hiểu và khám phá cảm xúc, tư duy, và hành vi
của thân chủ - họ thường thiên về những triệu chứng (symptoms)
của thân chủ.
Bác sĩ tâm thần học (psychiatrist) và tâm lý gia lâm sàng

(clinical psychologist) thường là những người có nhiều gắn bó với
tâm lý trị liệu.
Tuy nhiên, nhiều học thuyết trong tư vấn có nguồn gốc từ tâm
lý học, nên ứng dụng của chúng có thể được sử dụng cả trong môi
tường tư vấn lẫn môi trường tâm lý trị liệu.
Hai tiêu chuẩn đặc trưng giúp phân biệt sự khác nhau giữa tư
vấn và tâm lý trị liệu là:
1. Thời gian kéo dài của quá trình giúp đỡ. Với tâm lý trị liệu,
thời gian kéo dài hơn (20 - 40 cuộc hẹn, xấp xỉ từ 6 tháng đến 2
năm), tập trung vào việc thay đổi lại hệ thống tư duy, vốn dẫn đến
những rối loạn cá tính. Tư vấn cần ít thời gian hơn (8 đến 12 cuộc
hẹn, dưới sáu tháng), tập trung vào quá trình xử lý một vấn đề
mang tính tức thời trong sinh hoạt.
2. Địa điểm: tâm lý trị liệu xảy ra trong điều kiện nội trú (ở
bệnh viện có đội ngũ y tá, (bác sĩ chuyên môn), và tư vấn là ở môi
trường ngoại trú.
Tư vấn (counseling): Là một ngành chuyên môn vẫn đang gây
những bàn cãi về một định nghĩa chuẩn của nó. Tuy nhiên vài điểm
sau đây sẽ giúp cho trong quá trình tìm đến một định nghĩa đầy đủ,
dựa theo Gladding (2000).
- Tư vấn là một nghề chuyên nghiệp, đòi hỏi phải có đào tạo
bài bản, có trường lớp.
- Tư vấn tập trung vào trợ giúp về vấn đề sống lành mạnh,
thăng tiến đời sống quan hệ cá nhân, nghề nghiệp, và những quan
tâm thuộc lĩnh vực bệnh lý tinh thần.
- Tư vấn áp dụng với người có khả năng xử lý tốt và cả những
người có vấn đề về rồi loạn tâm thần dạng nhẹ.
- Tư vấn phải dựa trên hệ thống lý thuyết về tư vấn.
- Tư vấn là một quá trình phát triển trên bình diện ngăn ngừa
(prevention) và can thiệp (intervention).

Tư vấn bao gồm nhiều chuyên môn (specialty) khác nhau để
đáp ứng nhu cầu đa dạng của thân chủ.
3. Lịch sử ngành Tư vấn
Dựa vào lịch sử hiện có, ngành Tư vấn ở các nước phát triển là
một ngành tương đối trẻ. Trước những năm 1900, tư vấn chủ yếu là
cho ý kiến, tập trung vào việc cung cấp những phúc lợi nhân đạo
căn bản cho những người kém may mắn trong thời kỳ Cách mạng
Công nghiệp (Industrial Revolution).
Ban đầu, nó được dành riêng cho người trẻ, liên quan đến
những chương trình hướng nghiệp và những bài học đạo đức căn
bản, như làm điều đúng, sống tốt, tránh điều sai, xa lánh điều xấu.
Tư vấn thời gian đầu chủ yếu là cung cấp thông tin và hướng dẫn
giáo dục.
Cần biết, tư vấn và hoạt động của nó là một quá trình
(process) bao gồm những thao tác căn bản cần thiết, vì thế luôn có
những thay đổi, tự điều chỉnh, nhằm thích nghi với những yêu cần
căn bản của đời sống xã hội vốn luôn có những phát sinh biến
chuyển không ngừng.
Năm 19007, Jesse B. Davis là người đầu tiên thiết lập một cơ
sở hướng dẫn có hệ thống ở tiểu bang Michigan, Hoa Kỳ. Frank
Parson, người cho xuất bản cuốn Chọn Nghề (1909), một năm sau
khi ông qua đời. Cứ thế, tư vấn từ từ phát triển, trở thành một nghề
có mặt khắp nơi, đóng góp những công việc thầm lặng của mình,
cống hiến cho xã hội những hy sinh âm thầm trong công việc giúp
đỡ những con người mệt mỏi và quá tải về mặt đời sống tinh thần.
Riêng ở Việt Nam, chưa có một thông tin cụ thể nào về điểm
khởi đầu hoạt động chính thức của ngành Tư vấn. Lịch sử phát triển
của ngành Tư vấn ở Việt Nam chưa có một tài liệu nào công bố rõ
ràng về từng bước, từng giai đoạn.
Ngày 18 tháng 2 năm 2006, Hội thảo khoa học quốc gia: Tư

vấn tâm lý - giáo dục lý luận, thực tiễn và định hướng phát triển đã
được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây có thể nói là một hoạt
động tích cực, rất có ý nghĩa đối với những yêu cầu cơ bản, rất bức
xúc của đời sống xã hội hiện nay. Tất cả có hơn 60 bài tham luận
được gửi về đã trình bày rất nhiều ý kiến sôi động, phản ánh được
nhu cầu cấp bách của tư vấn trong bối cảnh bức tranh toàn cảnh.
Dựa vào báo cáo của Hội thảo khoa học quốc gia (2006), tư
vấn tâm lý - giáo dục đã được thực hiện trong nhiều năm gần đây,
trên các địa bàn, đặc biệt là ở các thành phố. (Đinh Phương Duy,
2006). Rồi con số các trung tâm tư vấn cứ lớn dần lên và việc có
một cuộc hội thảo cấp quốc gia như thế có thể nói là một bước nhảy
vọt rất đáng khích lệ.
Một điều đáng chú ý, tư vấn (hay còn gọi là tư vấn tâm lý) là
một ngành phục vụ, đối tượng chủ yếu là con người trong bối cảnh
phát triển của xã hội. Ngành Tư vấn luôn có mặt, bám sát với những
thay đổi và phát triển trên mọi bình diện của tất cả những hoạt
động của xã hội.
Đơn cử, theo kết quả nghiên cứu của TS.Trần Thị Giồng, Th.S
Đỗ Văn Bình và 11 đồng nghiệp, ở thành phố Hồ Chí Minh (2003) có
hơn 50 cơ sở tư vấn tâm lý, hoạt động trên các lĩnh vực: Tình yêu -
hôn nhân - gia đình, trẻ em và cha mẹ trong gia đình, sức khỏe,
HIV/AIDS, hướng nghiệp, trong đó hơn 60% do cơ quan Nhà nước
hay ban ngành thành lập, phần còn lại do các hội, tư nhân, tổ chức
tôn giáo… Điều này đã phản ánh được một thực tế: nhu cầu tư vấn
là một nhu cầu rất thực của xã hội Việt Nam ta.
Đây chỉ là một ví dụ lấy từ thực tiền được báo cáo. Còn chuyện
tư vấn ngoài luồng hoặc tư vấn nghiệp dư luôn tồn tại trong xã hội
là điều tất yếu. Vì tính chuyên môn cao của tư vấn, trong lúc điều
kiện đào tạo đội ngũ tư vấn chưa được phát triển ở Việt Nam, tình
trạng tư vấn mạnh ai nấy làm tất nhiên là khó tránh khỏi. Nhưng

không mấy ai nhận thức được rằng, tư vấn nếu làm sai, đôi khi gây
hại nhiều hơn làm lợi, có thể gây ra những tác hại hệ lụy lâu dài.
TS Đinh Phương Duy (2006) đã nêu lên những câu hỏi nóng
bỏng trong hội thảo là:
- Chuyên viên tư vấn và tham vấn có cần được đào tạo bài bản
hay chỉ cần có kinh nghiệm hay một tấm lòng vì người khác?
- Có cần xây dựng một hệ thống lý luận riêng cho tư vấn,
tham vấn tâm lý ở Việt Nam?
Đặc biệt với tổng kết của PGS, TS. Bùi Ngọc Oánh (2006),
những vấn đề được nêu ra đã tạo nên hướng suy nghĩ cho công tác
tư vấn nước nhà:
1. Xây dựng lý luận về công tác tư vấn, khái niệm tư vấn,
tham vấn, tâm lý trị liệu… và sự phối hợp giữa các hình thức trên.
2. Quy trình cơ bản của một ca tư vấn.
3. Xây dựng các chương trình đào tạo chuyên viên tư vấn.
- Xây dựng các quy định về hoạt động tư vấn.
- Xây dựng các quy chế, quy định về việc thành lập các trung
tâm tư vấn.
- Biên soạn các tài liệu, giáo trình, tài liệu về tư vấn.
- Nghiên cứu việc quảng bá tuyên truyền cho hoạt động tư
vấn.
- Nghiên cứu việc định hướng, dự báo kế hoạch phát triển hoạt
động tư vấn trong tương lai, đặc biệt là tư vấn học đường.
Cho đến nay, ở Việt Nam hiện vẫn chưa có hệ thống đào tạo
và có bằng cấp (mang tính đồng bộ) và cấp giấp phép trong lĩnh vực
hoạt động tư vấn. Điều này cũng dễ hiểu, nhất là khi so sánh với
các nước âu Mỹ. Điển hình như ở Hoa Kỳ, mãi đến những năm giữa
thập ký 70 họ mới có hệ thống đào tạo có bằng cấp hoạt động của
tiểu bang.
Virginia là tiểu bang đầu tiên (1976) bắt buộc phải có giấy

phép hành nghề tư vấn. Đến năm 1981, ở Hoa Kỳ mới chính thức có
một hệ thống tiêu chuẩn đào tạo chuyên viên tư vấn có bài bản.
Điều này cho phép chúng ta lạc quan khi nhận định rằng ở Việt
Nam, vấn đề tổ chức và sắp xếp để tư vấn trở thành một ngành
chuyên nghiệp chỉ là vấn đề nhanh hay chậm của thời gian.
4. Những thử thách và xu hướng hiện thời của ngành Tư
vấn
Tư vấn là ngành không ngừng phát triển và tự điều chỉnh để
phù hợp với yêu cầu của xã hội. Hơn lúc nào hết, xã hội đang đối
diện với những thay đổi lớn lao, như tiến trình toàn cầu hóa, bùng
nổ các dịch vụ tư nhân, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đóng góp
và ảnh hưởng của kỹ nghệ thông tin, đời sống công nghiệp hóa, và
cả những vấn đề đạo đức và nhân sinh quan nóng bỏng khác của xã
hội, vốn khó phán đoán trước, chẳng hạn như đô thị hóa, dân số,
sức khỏe, lương bổng, và những nhu cầu khác ngày càng cao của xã
hội…
Theo GS, TS. Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý
giáo dục Việt Nam: “Giáo dục là phạm trù đi liền với lịch sử tồn tại
và phát triển của loài người, tâm lý nói riêng, tinh thần nói chung là
tiêu chí đặc trưng của từng con người và toàn nhân loại. Ngày nay,
nhất là mấy thập kỷ cuối thế kỷ trước giáo dục và tâm lí con người
được coi là hạ tầng xã hội - hai yếu tố cực kỳ quan trọng góp phần
tạo nên sự tiến bộ xã hội”.
Như thế, đội ngũ tư vấn viên có thể nói đã nhìn ra được vai trò
của mình trong công cuộc xây dựng đất nước và xã hội. Nhất là khi
GS, TS Phạm Minh Hạc vạch ra: "Tư vấn tâm lý - giáo dục ở nước ta
có sứ mệnh vẻ vang là động viên mọi người và toàn xã hội, tạo nên
một vốn xã hội - vốn người tốt cùng nhau đoàn kết, bảo đảm an
sinh xã hội, ổn định xã hội, góp phần tiếp tục đổi mới đất nước, tạo
dựng nên một đất nước độc lập, phồn vinh, mọi người được hưởng

các quyền của con người, của mọi công dân."
5. Kết luận
Với trách nhiệm của một tư vấn viên; chúng ta, những con
người góp phần sức lực khiêm tốn của mình nhưng rất có ý nghĩa
với xã hội. Chỉ khi tìm được ý nghĩa cao cả của công việc hàng ngày
mà mình đang tìm, tư vấn vấn mới có thể bám trụ được với nghề
thầm lặng đầy khó khăn này. Hy vọng mỗi chúng ta sẽ làm tốt, làm
đúng, để xã hội càng ngày càng thêm tin tưởng nhiều hơn vào đóng
góp và tinh thần phục vụ của chúng ta - qua chất lượng huy chương
vàng của nghiệp vụ tư vấn với xã hội.
Xã hội luôn luôn có những vấn đề đặc trưng muôn thuở. Con
người là một sinh thể có liên đới mật thiết trong bức tranh tổng thể
quan hệ trong xã hội. Không ai sống một mình được. Hành vi của
một người luôn có ảnh hưởng đến người khác. Tất nhiên hành vi tiêu
cực sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực. Hành vi là kết quả của tư duy và
cảm xúc.
Tư vấn viên là người giúp đỡ thân chủ tìm ra chìa khóa trong
ứng xử lành mạnh, tìm đến những hành vi lành mạnh nhất. Chúng
ta được mời gọi vào tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, trong
nghiệp vụ tư vấn của mình, ở một thời điểm đất nước đang đối diện
với những thay đổi rất lớn trong bức tranh toàn cảnh của xã hội
toàn cầu.
Chương 2
MÔ HÌNH CỦA MỘT TƯ VẤN VIÊN LÀM VlỆC CÓ HIỆU QUẢ

Dẫn nhập
Trong tư vấn, yếu tố thành công và chất lượng của quá trình
trợ giúp nằm ở nơi bản thân tư vấn viên là việc rất lớn. Nói khác đi,
không có một tư vấn viên làm việc có hiệu quả, có trách nhiệm, dịch
vụ tư vấn sẽ chẳng đem lại bất cứ một tiến bộ khả quan nào.

Không chỉ hạn chế tác dụng hữu ích của tư vấn, một tư vấn
viên yếu nghiệp vụ có thể sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng, về
lâu dài cho thân chủ. Vì thế với người muốn bước vào nghề tư vấn
cần suy nghĩ xem nghề này có thật sự là chọn lựa đúng đắn cho
mình? Riêng với những tư vấn viên đã bước vào nghề, việc duy trì
để giữ mình mãi là một tư vấn viên có hiệu quả là một trong những
sứ mệnh đòi hỏi của nghề.
Để trở thành một tư vấn viên tốt, thiết nghĩ mình phải rõ ràng
với bản thân của mình. Theo TS. Trần Thị Giồng (2006): “Chúng ta
không thể cho những gì mình không có”. Cũng thế, tư vấn viên
không thể giúp cho thân chủ một cách có hiệu quả nếu họ không
chuẩn bị và được đào tạo cẩn thận.
1. Nhân cách và vốn sống của một tư vấn viên
Tư vấn là một nghề đòi hỏi phải thành tâm và có tấm lòng cao
cả. Nó thu hút những tâm hồn biết quan tâm, tâm tình cởi mở, thân
thiện và nhạy cảm với nhu cầu giúp đỡ con người. (Myrick, 1997).
Tuy nhiên động cơ và duyên may đến với nghề này của nhiều tư vấn
viên đang hành nghề trong xã hội rất khác nhau. Những ai muốn
gắn bó cuộc đời mình với công tác tư vấn phải tự hỏi nếu họ có đủ
tố chất và đam mê; đủ vững mạnh để đối diện với thử thách rất
thực tế của nghề này.
Tóm lại, để trở thành một tư vấn viên tốt, những yêu cầu sau
đây thường được nhắc đến, theo Gladding (2000):
- Nhân cách và vốn sống.
- Giáo dục căn bản của tư vấn viên.
- Học thuyết áp dụng và kiến thức về hệ thống tư duy được sử
dụng trong công tác tư vấn.
- Khả năng tham gia vào những hoạt động liên quan đến công
tác tư vấn (như tham gia hội thảo, diễn đàn, là ủng hộ viên đắc lực
cho ngành, tham gia đào tạo thế hệ tư vấn viên mới, và không

ngừng tiếp tục bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ) - không ngừng tiếp
tục học hỏi.
Theo Carkhuff (1969) tư vấn viên và quá trình tư vấn có ảnh
hưởng mạnh mẽ đến một cá nhân, vì thế nếu tư vấn không hiệu
quả, tất sẽ có ảnh hưởng tai hại lâu dài đến thân chủ.
Gladding (2000) đã nói đến nhân cách của một tư vấn viên.
Theo ông, chúng ta nên nhắm đến những tiêu chí căn bản từ một tư
vấn viên: (1) Trưởng thành (2) Biết thông cảm (3) Cởi mở (4)
Thành thực (5) Điềm đạm, không dễ nổi nóng.
Tất nhiên không phải ai cũng có những đức tính này. Vì thế tư
vấn không phải là nghề giành cho tất cả mọi người.
2. Những động cơ tiêu cực lôi kéo người ta vào nghề Tư
vấn
Nhiều người muốn trở thành tư vấn viên với động cơ không
lành mạnh. Họ không hẳn là người xấu, tuy nhiên quyết định đi vào
nghề của họ có ảnh hưởng tiêu cực đến thân chủ và xã hội. Witmer
và Young (1996) nêu ra những động cơ tiêu cực hoặc sai lệch của
một tư vấn viên đã mắc phải trong quá trình muốn trở thành một tư
vấn viên:
- Có vấn đề trục trặc về mặt tình cảm. Khi họ có những khúc
mắc tình cảm chưa được giải quyết từ thời thơ ấu hay trong quá
khứ.
- Họ cô đơn và sống thiếu liên đới với xã hội. Họ không có bạn
bè và thường mượn quá trình tư vấn như một thay thế cho nhu cầu
có bạn bè.
- Tham vọng có quyền lực. Họ là người không thành công
trong cuộc sống (không nhất thiết phải chỉ có nhiều tiền mới là có
thành công), vì thế họ mong được kiểm soát người khác.
- Có nhu cầu tình yêu. Họ là những người quá yêu bản thân, có
thái độ tự hào thái quá, tin tưởng rằng mọi khó khăn đều có thể giải

quyết được bằng tình yêu và do chính khả năng của họ. Đây là hội
chứng muốn mình là anh hùng cứu vớt được cả thế giới.
- Họ có thái độ vùng vằng, muốn chống đối cuộc đời một cách
gián tiếp. Họ là người có vấn đề về quan hệ cá nhân nào đó, giải
quyết không thoả đáng, nay muốn đem ra để áp đặt lên thân chủ
trong quá trình tư vấn.
- Tìm đến sự an nhàn. Họ nghĩ rằng nghề tư vấn là nghề chỉ
ngồi văn phòng nói chuyện và đếm tiền.
- Tìm danh vọng. Họ tin rằng, làm nghề Tư vấn được xếp vào
một danh mục nghề nghiệp quan trọng, cao quý, lịch sự.
Hiểu sai như thế sẽ hoàn toàn thất hại. Đơn giản vì trở thành
tư vấn nên sẽ không đáp ứng được những khát khao của họ như vừa
nêu trên. Trái lại, tác hại của sự thất vọng sẽ trở thành chất độc,
phá huỷ cuộc sống chỉ vì họ có chọn lựa sai lầm. Vì thế, tư vấn cần
được coi như là một tiếng gọi (calling) nhiều hơn là một hứa hẹn vật
chất, địa vị, hay cho những phần thưởng tinh thần, xã hội.
Trước khi quyết định chọn vào nghề Tư vấn, nhiều bạn trẻ đã
băn khoăn nếu như mình có đủ những điều kiện tố chất để vào
nghề. Thật khó xác định cụ thể được điều này. Song, một điều căn
bản là bạn có đặt tiêu chí muốn giúp người khác làm tiêu chí hàng
đầu hay không? Nếu bạn chọn nó vì nghề này cũng hay hay, lúc ấy
bạn nên cân nhắc kỹ hơn.
Con người luôn phát triển qua kinh nghiệm sống nên tư duy
thay đổi là lẽ tất nhiên. Không hẳn là nhân cách (personality) của
chúng ta là bất biến. Nhân quan (personal view) và quan niệm về
quan hệ giữa người với người sẽ thay đổi khi chúng ta sống nhiều
hơn. Tuy nhiên, nhân tố bẩm sinh muốn giúp người vẫn là điều đáng
quý nhất.
Nếu hiểu ở một góc cạnh trong tinh thần nhân văn, chúng ta
có thể tin rằng cụ Nguyễn Du đã rất có lý khi nêu lên quan điểm của

ông: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài (Truyện Kiều). Nói thế, ta đủ
thấy tầm quan trọng của ý nghĩa nhân văn trong nghề tư vấn.
Dưới đây là những đặc tính cần có của một tư vấn viên hiệu
quả, dựa theo Foster (1996) và Guy (1987):
- Hiếu kỳ (curiosity and inquisitiveness): bộc lộ tinh thần quan
tâm một cách tự nhiên đối với người khác.
- Khả năng biết lắng nghe (ability to listen): biết tập trung
theo dõi một cách sát sao, chú ý đến người khác. Đây là một vốn
quý hết sức cần thiết, vì nó kích thích thân chủ trong việc tham gia
tích cực vào quá trình tư vấn. Thân chủ sẽ chán nản khi tư vấn viên
không có khả năng lắng nghe tốt.
- Tự nhiên với đối thoại (comfort with conversation): khả năng
tạo sự cởi mở thoải mái, giúp thân chủ tự tin và giảm thiểu căng
thẳng vốn ảnh hưởng đến chất lượng tư vấn.
- Đồng cảm và hiểu biết (empathy and understanding): khả
năng liên hệ mình vào hoàn cảnh của người khác, ngay cả chuyện
thân chủ là người khác phái, khác văn hóa, khác biệt về điều kiện
sống, hoàn cảnh sống.
- Hiểu biết về tình cảm (emotional insightfulness): khả năng
kiềm chế bản thân, có thể đối diện một cách tự tin với những mức
độ cảm xúc khác nhau từ quá trình tư vấn, trưởng thành vững vàng
về mặt cảm xúc.
- Phản tỉnh táo nội tâm (introspection): khả năng tĩnh tâm để
tự đánh giá bản thân, suy xét nội tâm, từ đó có thể tự phục thiện,
hoàn thiện bản thân.
- Khả năng biết quên mình (capacity for self-denial): nghĩ đến
lợi ích của người khác trước, ngay cả trường hợp lợi ích người khác
ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân mình.
- Không sa ngã trong tình cảm (tolerance of intimacy): khả
năng kiềm chế trong khi tư vấn với thân chủ khác phái, tránh những

cảm xúc thiên về nhục thể thiếu lành mạnh.
- An tâm với năng lực của thân chủ (comfort with power): khả
năng chấp nhận năng lực của thân chủ ở một giới hạn nào đó khi
không tiếp cận trực tiếp. Tư vấn viên sẽ không lạm dụng vị trí của
mình để lấn lướt, chỉ thị, hướng dẫn sai lệch.
- Khả năng biết cười (ability to laugh): cần có tính khôi hài
trong những huống trạng éo le của cuộc sống, biết lạc quan và
không quá gò bó. Ứng dụng tính khôi hài để giảm căng thẳng và
khơi dậy tinh thần lạc quan trong cuộc sống.
Ngoài ra, một tư vấn viên làm việc có hiệu quả cũng cần đến
những khả năng ứng dụng các khám phá khoa học kỹ thuật trong
công tác của mình. Họ cần có kiến thức để duy trì cho mình một sự
quân bình về tình cảm. Chính sự cân bằng trong cuộc sống ấy sẽ
giúp họ trở thành tư vấn viên làm việc tốt. Cũng dễ hiểu, một tư vấn
viên không có cuộc sống ổn định, anh ta sẽ không thể công tác tốt
trong quá trình tư vấn với thân chủ. Cormiers (1989) đề xuất những
tiêu chuẩn rất cần thiết của một tư vấn viên làm việc có hiệu quả
như sau.
- Năng lực thông minh (intellecture competence): khả năng và
tinh thần ham học hỏi, lối suy nghĩ nhanh chóng, nhạy bén, sáng
tạo.
- Sức làm việc (energy): khả năng duy trì hoạt động một cách
nhanh nhẹn, tỉnh táo trong suốt các ca tư vấn và với cơ quan mình
công tác.
- Khả năng co giãn (flexibility): có thể điều tiết và học hỏi khi
công tác tư vấn yêu cầu.
- Tinh thần động viên (support): khả năng giúp đỡ, động viên
thân chủ trong việc họ tự quyết định và tin tưởng, hy vọng vào cuộc
sống.
- Lòng thiện (goodwill): luôn muốn làm việc vì lợi ích của thân

chủ, với tinh thần xây dựng, nhằm giúp thân chủ trong việc duy trì
khả năng độc lập.
- Tinh thần cảnh giác (self-awareness): kiến thức về bản thân,
bao gồm thái độ với cuộc sống, nghề nghiệp, cảm xúc và khả năng
phân biệt là kiểm soát được những nhân tố có ảnh hưởng tiêu cực
trên bản thân.
Tất nhiên tư vấn viên còn cần có những đức tính khác, tuy nhỏ
bé hơn như trung thành với những tiêu chuẩn cơ bản của phép xử
thế. Song, đế trở thành một tư vấn viên có hiệu quả, bạn cần liên
tục và không ngừng hoàn thiện bản thân. Can đảm nhìn nhận những
mặt yếu kém để khắc phục. Ý thức được những giới hạn của bản
thân cũng là một đặc trưng quan trọng của một tư vấn viên có trách
nhiệm. Vì khi ta nhận thức được hạn chế, ta sẽ dễ dàng hơn trong
tiến trình tự hoàn thiện, gạt bỏ những thiếu sót chủ quan hạn hẹp
của mình.
3. Duy trì để giữ mình là một tư vấn viên làm việc có
hiệu quả
Một tư vấn viên luôn có những khó khăn đời thường như tất cả
mọi người trong xã hội. Họ có những trăn trở, đôi khi rất bức xúc và
nan giải. Cuộc sống của họ không hẳn là một cuộc sống bằng
phẳng. Họ cũng vật lộn với những vấn đề gay cấn như: bệnh tật:
cuộc sống, nghề nghiệp, tình cảm, tài chính, gia đình…
Tất nhiên những nan đề này, khôi hài một chút, lại là chất liệu
giúp một tư vấn viên xây dựng khả năng đồng cảm với thân chủ tốt
hơn. Nói khác đi, kinh nghiệm song sẽ giúp họ đồng cảm hơn với
những nan đề trong cuộc đời của những thân chủ. Nói thế, không có
nghĩa là kinh nghiệm xử lý của tư vấn viên sẽ áp dụng được cho mọi
cá nhân khác. Nên nhớ, kinh nghiệm của tư vấn viên chỉ mang tính
chia sẻ, tham khảo, hoàn toàn không phải là cơ sở cho lời khuyên
hay cung cấp giải pháp cho thân chủ.

Một tư vấn viên tốt luôn đón nhận những khó khăn trong cuộc
sống như bài học kinh nghiệm. Họ giữ vững lập trường, sống khách
quan và đối diện khó khăn với tinh thần trách nhiệm. Với họ, thất
bại và thành công đều có tính giáo dục trong đó. Vì thế họ có thể
nhìn thấy, đồng cảm và giúp thân chủ tìm ra những giá trị tích cực
trong cuộc sống.
Một bạn trẻ muốn trở thành một tư vấn viên, trước hết bạn
cần phải hiểu rõ bạn cần từ bỏ và đón nhận một cách có chọn lọc để
giữ cho bản thân được trong sáng, trung lập.
Với tư vấn viên, thân chủ hoàn toàn có lý do riêng của họ về
những hành vi và ứng xử. Tư vấn viên có nhiệm vụ chí rõ ra những
hành vi và ứng xứ của thân chủ sẽ có những ảnh hưởng nào đến
người khác. Như thế, thân chủ sẽ nhìn thấy hành vi và ứng xử của
họ cần được thay đổi để họ biết chấp nhận bản thân họ và tiếp cận
với người khác một cách có hiệu quả hơn.
Để giữ cho mình luôn cân bằng, những biện pháp phòng ngừa
xem ra rất cần thiết. Tình trạng quá tải thường (overload) là một
vấn đề phổ biến. Tình trạng quá tải có thể hiểu rằng như những mệt
mỏi về cả mặt tinh thần và thể xác. Khi quá tải, tư vấn viên sẽ
không còn tỉnh táo và minh mẫn trong công tác nữa. Để tránh tình
trạng này, tư vấn viên cần có những thú vui trong sáng lành mạnh
khác ngoài phạm vi nghề nghiệp của mình. Tìm cho mình những giải
trí lành mạnh. Các tác giả Bay và Pine (1980), Pines và Aronson
(1989), Savicki và Cooley (1982), Watkins (1983) có vài gợi ý dưới
đây giúp tư vấn viên tránh tình trạng quá tải:
- Quan hệ với những cá nhân khác (bạn bè, đồng nghiệp…) có
đời sống lành mạnh.
- Công tác và quan hệ với những cơ quan tổ chức có tiêu chí
làm việc tích cực.
- Luôn giữ chừng mực tương đối với những học thuyết trong tư

vấn mình áp dụng. Tránh lún ngập quá sâu trong lý thuyết.
- Tận dụng tập thể dục để giảm căng thẳng (chạy bộ, tập
yoga, dưỡng sinh…).
- Cố gắng điều tiết bản thân sao cho phù hợp với môi trường
gây ra căng thẳng, tránh những môi trường gây ra căng thẳng.
- Tự đánh giá bản thân, nhằm tìm nguồn tác nhân gây ra
những căng thẳng, để có biện pháp thích hợp.
- Thường xuyên đánh giá lại quan điểm nghiệp vụ, vai trò
nghiệp vụ, mong đợi của chính mình, niềm tin và triết lý của mình
trong quá trình theo nghề.
- Tìm đến tư vấn viên khác, nếu có nhu cầu.
- Giữ gìn khoảng cách, không nên liên hệ quá sâu với nan đề
của thân chủ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của tư vấn
viên. Tránh đem nan đề của thân chủ về nhà.
- Luôn giữ thái độ lạc quan, yêu mến cuộc sống.
Một tư vấn viên hiệu quả sẽ giữ cho hệ tình cảm của mình
được ổn định, cân bằng, và khách quan. Họ cần cảnh giác và luôn
sống với những mặt mạnh và cả những hạn chế của mình một cách
thực tế. Đó là lời khuyên của Auvenshine và Noffsinger (1984).
4. Đào tạo căn bản cho một tư vấn viên
Ta vẫn thấy nhiều tư vấn viên làm việc có hiệu quả mà không
qua đào tạo trường lớp kiến thức về quá trình phát triển của con
người và kiến thức về tư vấn. Để quyết định xem mức độ cần thiết
về đào tạo như thế nào là đủ, thiết nghĩ nên xem đến mức độ quan
hệ giữa hai người trong quá trình tư vấn.
Tạm thời, ba cấp độ của quan hệ trợ giúp gồm: không chuyên
- bán chuyên nghiệp - chuyên nghiệp. Mỗi cấp độ đòi hỏi một trình
độ đào tạo khác nhau.
Với cấp độ chuyên nghiệp, ca tư vấn thường được hẹn trước,
chủ yếu là tìm giải pháp cho nan đề. Thân chủ trong tư vấn chuyên

nghiệp rõ ràng mong đợi kết quả từ quá trình tư vấn.
Với cấp độ không chuyên, ca tư vấn thường không có giờ hẹn
nhất định, quan hệ tư vấn chỉ là quan hệ phụ, thân chủ thường
không có mong đợi kết quả cụ thể. Nói chung tư vấn theo kiểu tiện
đâu làm đó.
Cấp độ bán chuyên, các điểm vừa nêu trên nằm ở khoảng
giữa.
Không chuyên: ở cấp độ không chuyên, người cung cấp tư
vấn thường là bạn bè, đồng nghiệp, những người không qua đào tạo
căn bản trường lớp, những người thiện nguyện, hoặc những người
có lòng vì người khác. Họ cũng có những kiến thức và kinh nghiệm
nhất định - nhưng thiếu hẳn kinh nghiệm tư vấn và kiến thức tư
vấn. Cần biết có kinh nghiệm sống và khả năng tư vấn là hai lĩnh
vực rất khác nhau.
Bán chuyên nghiệp: Ở cấp độ này, người cung cấp tư vấn có
những kiến thức được huấn luyện về đặc điểm tính năng trong quan
hệ giữa con người. Họ là những người làm việc như cảnh sát, y tá,
thầy cô giáo, nam nữ tu sĩ… Họ thường làm việc như: một bộ phận
liên ngành, không hoạt động riêng biệt, hoặc độc lập như một tư
vấn viên. Họ thường làm việc trong những môi trường có liên hệ đến
dịch vụ tư vấn, song họ làm việc dưới sự giám sát bởi chuyên viên
cao hơn.
Chuyên nghiệp: Ở cấp này, chuyên viên được đào tạo chuyên
môn về cả hướng dẫn đề phòng và can thiệp trị liệu. Họ là những
người có chuyên môn và học vị tùy theo chuyên ngành. Họ là bác sĩ
tâm thần, tâm lý gia, chuyên viên tâm lý nhân viên cộng đồng, linh
mục, sư ni… Thông thường trong quá trình đào tạo, những chuyên
gia này trải qua thời gian thực tập sinh hoặc có kinh nghiệm thu
thập được trong lĩnh vực chuyên môn của họ.
Những chuyên môn riêng trong tư vấn

Mỗi chuyên ngành trong xã hội đều có riêng những chương
trình đào tạo chuyên biệt. Tư vấn là một ngành độc lập cũng có
những đào tạo nhằm giúp các tư vấn viên trao đổi, liên lạc, và cộng
tác trên bình diện phục vụ mục đích chung trong ngành. Thường thì
tư vấn viên liên hệ nhiều nhất với bác sĩ tâm lý học, tâm lý gia, và
nhân viên cộng đồng.
Bác sĩ tâm thần học (psychiatrist): Là người có học vị bác sĩ,
họ trải qua đào tạo có thực tập trong bệnh viện tại khoa tâm thần
học. Họ làm việc với những bệnh nhân có vấn đề tâm lý nghiêm
trọng. Họ có quyền ghi toa thuốc và thực hiện những phương pháp
trị liệu trong bệnh viện. Thân chủ của họ được gọi là bệnh nhân. Ở
Hoa Kỳ, họ phải có giấy phép hành nghề của quốc gia và tiểu bang.
Tâm lý gia (psychologist): Hay còn gọi nhà tâm lý, họ tốt
nghiệp với học vị tiến sĩ (Ph.D). Quá trình đào tạo với chương trình
thực tập có thể ở nhưng trung tâm trị liệu, trường học, hay những
trung tâm trị liệu ngoại trú. Ở Hoa Kỳ, mỗi tiểu bang có những quy
chê riêng đối với việc cấp giấy phép hành nghề cao tâm lý gia.
Trong quá trình đào tạo, chương trình học chú trọng đến những khối
môn học: khoa học cơ bản, đạo đức nghề nghiệp, nghiên cứu,
phương pháp, thống kê, tâm lý thử nghiệm, sinh học trong hành vi,
hành vi với tư duy – cảm xúc, hành vi từ xã hội, hành vi cá nhân,
căn nguyên bệnh lý, những vấn đề liên quan.
Nhân viên cộng đồng xã hội (social worker): Thường tốt
nghiệp cao học (Master's Degree), hoặc cử nhân (Bachelor). Họ thực
tập chủ yếu ở những trung tâm cộng đồng xã hội. Một số làm việc
tại những trung tâm của ban ngành trực thuộc nhà nước. Phần còn
lại, họ công tác như những tư vấn viên.
Giáo dục bắt buộc trong tư vấn chuyên nghiệp
Để trở thành một tư vấn viên chuyên nghiệp, những sinh viên
ở Hoa Kỳ phải hoàn tất chương trình cao học 2 năm với ít nhất 48

tín chỉ (semester hours). Nhân viên tư vấn sức khỏe tâm thần được
yêu cầu hoàn thành 60 tín chỉ, cũng giống như các tư vấn chuyên
môn khác như, tư vấn hôn nhân gia đình, tư vấn cho người nghiện…
Theo ủy ban tiêu chuẩn đào tạo cho tư vấn và giáo dục Hoa Kỳ
(CACREP, 1994), giáo dục đào tạo bắt buộc cho tư vấn viên bao
gồm:

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×