Tải bản đầy đủ (.doc) (26 trang)

Khảo cứu việc dịch trạng từ Tiếng Anh sang Tiếng Việt (qua tác phẩm Harry Potter)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (193.15 KB, 26 trang )

1
ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN
o0o
VÕ TÚ PHƯƠNG
KHẢO CỨU
VIỆC DỊCH TRẠNG TỪ
TIẾNG ANH SANG TIẾNG VIỆT
(QUA TÁC PHẨM HARRY POTTER)
CHUYÊN NGÀNH: NGÔN NGỮ HỌC SO SÁNH ĐỐI CHIẾU
Mã số: 62.22.01.10
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2011
2
ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN
o0o
VÕ TÚ PHƯƠNG
KHẢO CỨU
VIỆC DỊCH TRẠNG TỪ
TIẾNG ANH SANG TIẾNG VIỆT
(QUA TÁC PHẨM HARRY POTTER)
CHUYÊN NGÀNH: NGÔN NGỮ HỌC SO SÁNH ĐỐI CHIẾU
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học:
TS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG TRANG
TS. NGUYỄN HỮU CHƯƠNG
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2011
3
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài và mục đích việc nghiên


1. Lý do chọn đề tài
Từ loại là một phần quan trọng không thể thiếu trong bất kỳ một ngôn ngữ nào, ngay
cả trong Tiếng Việt việc phân định từ loại cũng đã được tiến hành nhằm mục đích nhận thức
bản chất, quy luật hoạt động của từ giúp cho việc nắm bắt, nhận thức và truyền đạt ngôn ngữ.
Khi nghiên cứu từ loại thì danh từ, động từ, tính từ thường được quan tâm nhiều
vì ba từ loại này đóng vai trò đặc biệt, quan trọng trong câu. Chúng là những từ nòng cốt
của câu. Chúng có vai trò truyền tải nội dung chính của một câu, một phát ngôn, hay một
văn bản. Tuy nhiên cũng có từ loại khác tuy ít được quan tâm hơn, nhưng cũng có ý
nghĩa quan trọng không kém. Nó có chức năng giúp người đọc, người nghe xác định thời
gian, mức độ, nơi chốn, cách thức của một hành động, một trạng thái của sự vật hiện
tượng. Đó chính là trạng từ.
Là một giáo viên dạy Tiếng Anh, chúng tôi có nhận xét rằng sinh viên Việt Nam
nói riêng cũng như những người học tiếng Anh nói chung rất ít quan tâm đến trạng từ. Họ
thường mắc những lỗi sai về trạng từ. Đó là những lỗi sai về cấu tạo (nhận diện trạng từ),
về vị trí (đặt trạng từ không đúng chỗ), về chức năng (hiểu sai về sự hành chức của trạng
từ) và đặc biệt là lỗi dịch trạng từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Chính vì do những lỗi sai
thường xuất hiện khi học tiếng Anh cho nên người học thường “sợ”, và “ngại” dùng trạng
từ. Từ những nhận xét trên, chúng tôi thấy rất cần thiết đi sâu, tìm hiểu, so sánh đối chiếu
trạng từ giữa hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Do vậy chúng tôi chọn đề tài: “Khảo
cứu việc dịch trạng từ Tiếng Anh sang Tiếng Việt (qua tác phẩm Harry Potter)”
1.2. Mục đích của luận án
Luận án được thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu đối chiếu trạng từ tiếng Anh
và những yếu tố tương đương trong tiếng Việt trên các bình diện ngôn ngữ: vị trí, cấu
tạo, chức năng. Việc so sánh việc dịch của trạng từ trong văn bản tiếng Anh và tiếng
Việt đóng góp vào việc nghiên cứu chung cả hai ngôn ngữ trên hai bình diện: giảng dạy
và dịch thuật.
2. Lịch sử vấn đề
Qua khảo sát tình hình nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng đã có rất nhiều sách và nhiều tác
giả viết về vấn đề trạng từ tiếng Anh được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau.
4

Thứ nhất, đối với vấn đề nghiên cứu trạng từ tiếng Anh thì đã có nhiều tác giả,
nhiều công trình, bài viết. Đặc biệt những vấn đề về chức năng, vị trí, cấu tạo của trạng
từ, các loại trạng từ tiếng Anh thì có rất nhiều công trình bàn đến như là: “A Student’s
Grammar of the English Language” (Ngữ pháp tiếng Anh của sinh viên) của Sidney
Greenbaum & Randolph Quirk (2006) NXB Longman. Với cùng mục đích như trên thì
có các sách Practical English Usage (Luyện tập sử dụng tiếng Anh) của Michael Swan
(2005) NXB Oxford University Press; The Essential English Grammar (Ngữ pháp tiếng
Anh thiết yếu), của Alexander (1993), NXB Longman; Longman Grammar of Spoken and
Written English (Sách ngữ pháp Longman về tiếng Anh trong văn nói và văn viết), của
Biber (1999), Longman; Current English Grammar (Ngữ pháp tiếng Anh hiện hành), của
Chalker, S. (1992), Macmillan Publisher Limited.
Thứ hai, về vấn đề nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ nói chung và hai ngôn ngữ
Anh – Việt nói riêng thì có các tác giả, các sách, bài viết như: Bàn về khả năng so sánh
các ngôn ngữ” của Solnsev, (Bùi Khánh Thế dịch từ tiếng Nga, 1981), và Ngôn ngữ học
xuyên qua các nền văn hóa, của Lado, R. (Hoàng Văn Vân dịch (2003)). Những công trình
này là nền tảng lý thuyết cho việc so sánh đối chiếu các ngôn ngữ. Lê Quang Thiêm
(2004) có công trình “Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ”, NXB Đại học Quốc gia
Hà Nội. Trong đó có chương “Đối chiếu khuôn hình câu tiếng Việt và thành phần
câu Việt Anh” và “Đối chiếu câu nghi vấn và câu phủ định Việt – Anh”. Hai phần
này chuyên về so sánh, đối chiếu điểm tương đồng và khác biệt giữ câu tiếng Anh và
câu tiếng Việt. Vũ Ngọc Tú (1996) cũng có công trình “Nghiên cứu đối chiếu trật tự
từ Anh-Việt trên một số cấu trúc cơ bản”. Phạm Thị Tuyết Hương (2002) có công
trình nghiên cứu “Trật tự từ trong cấu trúc động ngữ tiếng Anh và tiếng Việt”.
Thứ ba, về vấn đề dịch thuật thì có rất nhiều tác giả trong nước và ngoài nước,
nhiều quyển sách, bài viết học thuật bàn về vấn đề này. Những nghiên cứu về dịch thuật
của tác giả nước ngoài chẳng hạn như là Nhập môn nghiên cứu dịch thuật: Lý thuyết và
ứng dụng, của Jeremy Munday (Trịnh Lữ dịch) (2009) NXB Tri Thức. Đây là một tài
liệu giáo khoa cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về những đóng góp chủ chốt trong lĩnh
vực nghiên cứu dịch thuật.
Về vấn đề nghiên cứu dịch thuật thì ngoài công trình nêu trên còn có các công trình của

Catford (1965), A Linguistic Theory of Translation (Lý thuyết ngôn ngữ dịch thuật) nhà xuất
5
bản Oxford University, Oxford. Hay Gentzler (1993) cũng có công trình Contemporary
Translation Theories (Những lý thuyết dịch thuật đương đại) nhà xuất bản Roudledge, London
& New York. Tác giả Hatim và Mason (1990) cũng viết sách Discourse and the Translator
(Ngữ dụng và dịch giả) nhà xuất bản Longman, UK, Jakobson (1959) cũng có bài viết On
Linguistic Aspects of Translation (Những khía cạnh ngôn ngữ của dịch thuật), trên tạp chí The
Translation Studies Reader, L. Venuti (ed.), Roudledge, London & New York, 1998. Học
giả Newmark cũng giới thiệu sách A Textbook of Translation (Sách học về dịch thuật), nhà
xuất bản Prentice Hall, London 1988.
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Hồng Cổn đã có rất nhiều bài viết về vấn đề dịch
thuật trên các mặt: lược sử dịch thuật, phương pháp thủ thuật dịch và vấn đề tương đương
trong dịch thuật. Cụ thể là bài viết “Về vấn đề tương đương trong dịch thuật”, đăng trên tạp
chí Ngôn ngữ, số 11/2001, “Dịch thuật: Bản chất và một số mô hình lí thuyết” trong: Việt
ngữ học dưới ánh sáng các lí thuyết hiện đại, Nxb KHXH, 2005.
Về vấn đề nghiên cứu việc dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt thì phải kể đến quyển
sách: “Dịch thuật: Từ lý thuyết đến thực hành”, của Nguyễn Thượng Hùng, (2005), NXB
Văn Hóa Sài Gòn. Quyển sách này không chỉ đề cập đến lý thuyết dịch thuật, các hình thái
dịch thuật, các dạng ngôn ngữ và chuyển đổi trong dịch thuật, mà còn đề cập đến các bước
thực hiện trong quá trình dịch. Một quyển sách khác về dịch thuật đó là “Hướng dẫn kỹ
thuật dịch Anh-Việt”, Nguyễn Quốc Hùng (2005) Nxb KHXH cũng đề cập đến cách
dịch và kỹ thuật dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt.
Thứ tư, về việc nghiên cứu chuyển dịch một từ loại cụ thể thì có thể kể đến luận
văn “Khảo sát thuật ngữ kinh tế trong văn kiện Đại hội Đảng CSVN và việc dịch tương
ứng sang tiếng Anh” của tác giả Nguyễn Ngọc Toàn (2010).
Nhìn chung, những nghiên cứu, những bài viết về từ loại trạng từ tiếng Anh thì rất
nhiều nhưng việc nghiên cứu sự chuyển dịch trạng từ tiếng Anh sang tiếng Việt thì chưa
có công trình nghiên cứu cụ thể. Nếu có chỉ là những công trình lẻ tẻ về một khía cạnh của
trạng từ chứ không tập trung đi sâu phân tích những vấn đề liên quan đến trạng từ như là
vị trí, cấu tạo, chức năng, phân loại và cách chuyển dịch trạng từ sang tiếng Việt. Do vậy

chúng tôi thực hiện đề tài “Khảo cứu việc dịch trạng từ tiếng Anh sang tiếng Việt (qua tác
phẩm Harry Potter)” với mong muốn bù đắp những mảng còn trống về trạng từ trong
phạm vi có thể của mình và mong muốn góp một phần nhỏ vào việc nghiên cứu chung của
6
hai thứ tiếng: tiếng Việt (tiếng mẹ đẻ được sử dụng hàng ngày của chúng tôi) và tiếng Anh
(công cụ ngôn ngữ giao tiếp quốc tế).
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là những trạng từ trong tiếng Anh và việc dịch
của trạng từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Còn những cụm trạng từ hoặc những mệnh đề
trạng từ thì không được nghiên cứu.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Trong luận án chúng tôi không nghiên cứu trạng từ trên tất cả các bình diện ngôn
ngữ mà chỉ tập trung nghiên cứu các trạng từ tiếng Anh về vị trí, cấu tạo, chức năng. Sau
đó chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát việc dịch của trạng từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Ở
phần này chúng tôi đặc biệt nghiên cứu về việc dịch của trạng từ cách thức vì trạng từ
cách thức là loại trạng từ chiếm số lượng lớn, được sử dụng nhiều và thường được người
học nhận dạng dễ dàng nhờ vào hậu tố -ly.
4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu
4.1. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này chúng tôi đã tiến hành các phương pháp nghiên cứu sau:
Phương pháp so sánh đối chiếu sẽ được sử dụng chính trong toàn bộ luận án, giữ
vai trò chủ đạo và thường trực vì mục đích của đề tài là so sánh việc dịch của trạng từ
trong hai loại văn bản tiếng Anh và tiếng Việt. Phương pháp khảo sát - thống kê được sử
dụng để liệt kê, khảo sát, thống kê các trạng từ tiếng Anh và phụ từ tiếng Việt trong từ
điển và trong tác phẩm được chọn. Phương pháp miêu tả được sử dụng để xác định vị
trí của trạng từ trong câu tiếng Anh từ đó sẽ so sánh đối chiếu với những yếu tố
trong tiếng Anh dễ nhầm lẫn với trạng từ và những yếu tố tương đương với nó trong
tiếng Việt.
Ngoài các phương pháp nêu trên luận án còn sử dụng một số phương pháp

khác như là: phương pháp lập biểu đồ, phương pháp mô hình hóa, phương pháp
phân tích và phương pháp tổng hợp.
4.2. Nguồn tư liệu
7
Chúng tôi sẽ khảo sát trạng từ tiếng Anh trong từ điển Oxford Advanced Learner’s
Dictionary của Hornby, A. S. (1992) Nxb Oxford University Press và phụ từ tiếng Việt
trong từ điển Từ điển tiếng Việt, của Hoàng Phê (chủ biên), (2006), NXB GD.
Để thấy rõ sự thay đổi của trạng từ (về vị trí, cấu tạo, chức năng) chúng tôi sẽ
tiến hành khảo sát, so sánh trên ngữ liệu song ngữ Anh-Việt của tác phẩm khá nổi
tiếng hiện nay: “Harry Potter” của nhà văn J.K. Rowling. Trước hết, chúng tôi sẽ
khảo sát trên cứ liệu tiếng Anh của nhà văn này. Cứ này bao gồm 6 tập do nhà xuất
bản Bloomsbury ấn hành (năm 2007). Tổng cộng 6 tập sách này có 4123 trang, với hơn
1.100.000 từ tiếng Việt. Chúng tôi chọn tác phẩm này để khảo sát vì nguyên bản tiếng Anh và
bản dịch tiếng Việt là của những cây bút được đông đảo người đọc biết đến, mang phong cách
đại chúng, và phản ánh trạng thái ngôn ngữ đương đại. Ngoài ra số lượng trang sách và số
lượng từ trong nguyên bản tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt khá lớn (hơn 4000 trang với hơn
1.000.000 từ), có tác dụng tạo nên tính thuyết phục cho các luận điểm mà chúng tôi nêu lên
trong công trình nghiên cứu.
Trên hai cứ liệu này chúng tôi sẽ khảo sát việc dịch từ Anh sang Việt của trạng
từ và chúng tôi đặc biệt đi sâu nghiên cứu về việc dịch trạng từ cách thức.
5. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của luận án
Việc khảo cứu trạng từ trong văn bản tiếng Anh so sánh với văn bản tiếng Việt có
các giá trị và lý luận thực tiễn như sau:
Thứ nhất, kiến thức về những điểm tương đồng và dị biệt giữa trạng từ tiếng
Anh và những yếu tố tương đương trong tiếng Việt giúp nâng cao hiệu quả trong
công tác dịch thuật, giúp người dịch chọn cách truyền tải hiệu quả nhất trong việc
chọn lựa trạng từ để diễn đạt.
Thứ hai, những kết quả trong nghiên cứu có thể áp dụng vào thực tế giảng dạy tiếng
Việt và tiếng Anh cho người Việt và người nước ngoài (tiếng Anh cho người Việt và tiếng
Việt cho người nước ngoài).

6. Kết cấu của luận án
Ngoài phần dẫn nhập và kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục thì luận án bao gồm
bốn chương.
CHƯƠNG 1:
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ THUYẾT
8
1.1. Đại cương về từ loại và sự phân định từ loại
Việc phân định từ loại đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử ngôn ngữ học. Trong
tác phẩm Nirukta, được viết vào thế kỷ thứ 5 hoặc thứ 6 trước công nguyên. Kể từ khi
những nhà ngữ pháp người Hy Lạp (thế kỷ thứ 2 trước công nguyên) phân định từ loại,
thì cho đến nay từ loại đã được xác định bởi các tiêu chí hình thái (morphological), cú
pháp (syntactic) và ngữ nghĩa (semantic)
Dựa trên ba tiêu chí hình thái (morphological), cú pháp (syntactic) và ngữ nghĩa
(semantic) người ta đã đưa ra bảng phân loại chức năng (functional classification) chung
cho tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đó là: open word classes (từ loại mở) và closed
word classes (từ loại đóng). Trong hai nhóm từ loại lớn này lại được phân chia thành các
nhóm từ loại nhỏ đó là:
Các từ loại trong nhóm từ loại mở bao gồm: tính từ (adjectives), trạng từ
(adverbs), thán từ (interjections), danh từ (nouns), động từ, ngoại trừ các trợ động từ
(verbs). Các từ loại trong nhóm từ loại mở giữ vai trò quan trọng vì nó mang nét nghĩa
chính của câu. Số lượng của chúng luôn gia tăng, được mở rộng không ngừng, chính vì
vậy mà chúng được gọi là từ loại mở (open word class).
Các từ loại trong nhóm từ loại đóng bao gồm: trợ động từ (auxiliary verbs), những từ
không mang trọng âm (clitics), động từ phụ, trợ động từ (coverbs) có trong các ngôn ngữ như
tiếng Hà Lan, tiếng Nga ở châu Âu, tiếng Trung quốc ở đông Á, tiếng Yoruba ở tây Phi, liên
từ (conjunctions), từ hạn định (determiners) gồm mạo từ (articles), từ số lượng (quantifiers),
tính từ chỉ định (demonstrative adjectives) và tính từ sở hữu (possessive adjectives), tiểu từ
(particles), những từ đo lường (measure words), những từ thêm vào (adpositions) bao gồm:
những từ thêm vào vị trí phía trước (prepositions), những từ thêm vào vị trí phía sau
(postpositions) và những từ thêm vào tùy hoàn cảnh (circumpositions), những yếu tố đứng

trước tách rời động từ (preverbs), đại từ (pronouns), dạng rút gọn của một từ (contractions),
số từ chỉ số lượng (cardinal numbers).
Nhiều từ trong các ngôn ngữ có nhiều hơn một chức năng, hay nói cách khác là
mang chức năng của nhiều hơn một từ loại. Ví dụ như trong tiếng Anh từ “work” có thể
là một động từ hoặc là một danh từ, “but” có thể là liên từ và cũng là một giới từ; “well”
có thể là một tính từ, một trạng từ, hoặc là một thán từ. Trong tiếng Việt chúng ta cũng
thấy có hiện tượng này. Chẳng hạn như từ “cân” là danh từ trong câu “chúng ta cần có
9
một cái cân”, là động từ trong câu “tôi muốn cân con gà này”, là tính từ trong câu “bức
tranh chưa cân”. Vậy để biết từ loại của một từ thì chúng ta nên xem xét từ đó làm công
việc gì trong câu.
1.1.1. Từ loại trong tiếng Anh
Loại ngữ pháp tiếng Anh truyền thống này vẫn còn được dạy trong các trường
học và được dùng trong các sách từ điển là bao gồm 8 từ loại. Đó là: danh từ (noun),
động từ (verb), tính từ (adjective), trạng từ (adverb), đại từ (pronoun), giới từ
(preposition), liên từ (conjunction), và thán từ (interjection). Tuy nhiên những nhà ngữ
pháp hiện đại trong quá trình nghiên cứu tiếng Anh đã có những cải biến, các trường
phái cấu trúc luận và các trường phái tạo sinh sau này đã dùng những tên gọi khác để gọi
từ loại như là “word class” (cách gọi của trường phái cấu trúc luận) hoặc là “lexical
category”, “lexical class” (cách gọi của trường phái ngữ pháp tạo sinh). Tiếng Anh được
xếp vào loại ngôn ngữ biến hình chính vì vậy trong tiếng Anh có phạm trù từ loại.
Việc phân định từ loại trong tiếng Anh dựa trên các tiêu chuẩn: hình thái
(morphological), cú pháp (syntactic) và ngữ nghĩa (semantic).
1.1.2. Từ loại trong tiếng Việt
Dựa trên những tiêu chí ngữ nghĩa, và ngữ pháp truyền thống các nhà nghiên cứu
tiếng Việt đã chia từ vựng thành hai loại chính là thực từ và hư từ.
Thực từ có số lượng rất lớn trong vốn từ. Thực từ, theo ĐinhVăn Đức [24] là “sự
thống nhất của tính chất từ vựng-ngữ pháp, là sự kết hợp của nội dung phản ánh thực tại
với cách thức phản ánh của người bản ngữ”. Các thực từ trong tiếng Việt thường là trung
tâm đoản ngữ, nghĩa là trong một kết cấu thì nó được bao quanh bởi các thành tố phụ.

Trong một câu thì thực từ giữ các chức vụ ngữ pháp chính trong câu. Trong tập hợp thực
từ thì tiêu biểu nhất là danh từ, động từ và tính từ. Ngoài ra còn có số từ và đại từ cũng
được xếp vào lớp thực từ.
Hư từ có số lượng không lớn nhưng có tần số sử dụng cao. Hư từ thiên về tính
chất ngữ pháp, nó không phản ánh sự vật hiện tượng nhưng nó là phương tiện “để phân
xuất các hình thức của khái niệm và biểu đạt mối quan hệ giữa các khái niệm trong tư
duy”. Hư từ không có khả năng độc lập tạo ra câu và không làm thành phần câu.
Từ những loại chính đó người ta phân chia thành các loại nhỏ hơn như: danh từ,
động từ, tính từ, số từ, đại từ, phụ từ, kết từ, tình thái từ, trợ từ… Tuy nhiên mỗi nhà ngữ
10
pháp lại có cách gọi tên khác nhau cho mỗi loại ví dụ như phó từ hay còn được gọi là
phụ từ, kết từ hay từ nối, …
Trong tiếng Việt không có từ loại nào được gọi là trạng từ. Có chăng thì Trần
Trọng Kim trong sách “Việt Nam Văn Phạm” [54;tr.122-147] có nói về một từ loại tên
là “trạng tự” mà theo ông [54;tr.122] “trạng tự là tiếng dùng để phụ thêm nghĩa cho một
tiếng động tự, một tiếng tĩnh tự, một tiếng trạng tự khác hay cả một mệnh đề.” Cách hiểu
trên rất giống với cách hiểu trạng từ trong tiếng Anh. Tuy nhiên cách hiểu này khó được
các nhà Việt ngữ học chấp nhận. Họ cho rằng trong tiếng Việt không có từ loại trạng từ
mà những chức năng được nêu trên thì do những từ loại khác đảm nhiệm.
1.2. Tổng quan về dịch thuật
1.2.1. Khái niệm dịch
Khi nói đến dịch hay dịch thuật người ta thường hiểu môt cách đơn giản như Steiner
(145; tr287) đó là “dịch thuật là chuyển di nghĩa giữa hai ngôn ngữ”. Trong quá trình
dịch một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, người dịch chuyển đổi một văn bản gọi
là văn bản nguồn được viết bằng một ngôn ngữ gọi là ngôn ngữ nguồn thành một văn
bản gọi là văn bản đích được viết bằng ngôn ngữ khác gọi là ngôn ngữ đích.
1.2.2. Lý thuyết dịch
Theo Jeremy (43), công việc dịch thuật đã có từ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên.
Dịch thuật ban đầu chỉ được xem là một phần của việc học ngọai ngữ. Học ngọai ngữ thời
bấy giờ chủ yếu là dựa vào việc học ngữ pháp và tập dịch. Trong giai đọan đầu này của

dịch thuật thì đã có sự phân biệt giữa “dịch chữ” (nghĩa là dịch đúng từng chữ, word-for-
word), và “dịch nghĩa” (nghĩa là dịch đúng từng nghĩa, sense-for-sense). Đây là cơ sở cho
các bài viết về dịch thuật trong nhiều thế kỷ.
1.2.3. Tương đương trong dịch thuật
Trong dịch thuật người ta chia thành các đơn vị dịch. Có 5 đơn vị trong dịch thuật
đó là: câu, mệnh đề, cụm từ, từ và hình vị. Có những quan điểm khác về đơn vị dịch như
chọn đơn vị dịch là toàn văn bản, hay đơn vị dịch là những câu văn dài hay những đọan
văn ngắn, đơn vị dịch có thể là mệnh đề, hoặc câu là đơn vị hạt nhân trong dịch thuật. Có
những quan điểm chọn khái niệm uyển chuyển hơn làm đơn vị dịch như là đơn vị dịch là
một thang trượt (a sliding scale), một hành động văn bản” (text act)… và có quan điểm
cho rằng toàn văn bản là đơn vị dịch. Vì bản chất văn bản xác định rằng không có thành
11
phần nào trong văn bản có thể được xử lý riêng lẽ nên đơn vị dịch được khẳng định là
đơn vị độc lập chứ không cô lập.
Khi nghiên cứu về dịch thuật người ta đưa ra các cấp độ tương đương. Đó là tương
đương ở cấp độ từ, tương đương ở cấp độ câu, tương đương vượt khỏi cấp độ câu, hoặc bỏ
qua quan điểm tương đương, hoặc vượt khỏi tương đương về nghĩa hoặc tương đương
trong mô hình dịch thuật động. Tương đương có thể là tương đương về nghĩa, tương
đương có thể là tương đương hoàn toàn hay tương đương một phần trong các văn bản
dịch. Tương đương có thể là tương đương về ngữ cảnh, về ngữ nghĩa, ngữ pháp, từ
vựng…Tương đương có thể là tương đương từ đối với từ, ngữ đối với ngữ, câu đối với
câu. Dù đưa ra các cấp độ tương đương nhưng đó chỉ là tương đương tương đối còn tương
đương tuyệt đối trong dịch thuật được xem là không thể có.
Những khái niệm về tương đương có tính mở dường trong dịch thuật của các học giả
là tương đương hình thức và tương đương năng động và nguyên lý hiệu quả tương đương của
Eugene Nida [151], dịch ngữ nghĩa và dịch truyền đạt của Peter Newmark [150], và khái
niệm tương xứng (korrespondenz) và tương đương (aquivalenz) của Werner Koller [139].
Vấn đề nghĩa, tương đương và tính chất có thể dịch được hay không của ngôn ngữ
đã được Eugene Nida [151] nghiên cứu một cách có hệ thống hơn. Nida đã đưa ra hai
khái niệm là tương đương hình thức và tương đương năng động. Theo ông tương đương

hình thức là tập trung vào hình thức và nội dung của thông điệp, làm cho thông điệp ở
ngôn ngữ đích tương xứng nhất với ngôn ngữ nguồn. Những bản dịch theo hình thức
tương đương này bám sát cấu trúc của văn bản nguồn, có nhiều chú giải học thuật theo
sát ngôn ngữ và phong tục của văn hóa nguồn. Còn tương đương năng động: là dựa trên
“nguyên lý hiệu quả tương đương” nghĩa là mối quan hệ của người đọc bản dịch và bản
dịch phải gần như giống hệt mối quan hệ giữa người đọc nguyên tác và nguyên tác. Tính
“tự nhiên” là yêu cầu chính của tương đương năng động.
Nói tóm lại tương đương là vấn đề trung tâm trong lý thuyết dịch thuật. Các khái
niệm tương đương đã đặt người đọc bản dịch vào trung tâm của dịch thuật.
CHƯƠNG 2
TRẠNG TỪ TIẾNG ANH
(CÓ SO SÁNH VỚI ĐƠN VỊ TƯƠNG ĐƯƠNG TRONG TIẾNG VIỆT)
2.1. Trạng từ tiếng Anh
12
Theo định nghĩa của từ điển bách khoa toàn thư về ngôn ngữ và ngôn ngữ học cuả
Asher (95) thì trạng từ (adverb) của tiếng Anh bắt nguồn từ adverbium của những nhà
ngữ pháp người Rome, sau đó được dịch sang tiếng Hi Lạp là epirrhema. Từ này có
nghĩa là trạng từ là một từ đi kèm với động từ, hay nói theo ngữ nghĩa học thì nó bổ
nghĩa cho động từ. Cho dù người ta bây giờ nhận thấy rằng mối liên kết giữa trạng từ và
động từ không chặt như người ta vẫn tưởng, nhưng trạng từ nói chung vẫn được sử dụng
vã đãn tạo ra thuật ngữ “adverbial”, là một danh từ dùng để chỉ những trạng từ
(adverbs) cũng như là những cụm từ (phrases) hay những mệnh đề (clauses) mà có cùng
chức năng như những trạng từ (95, tr39). Theo từ điển bách khoa toàn thư này thì trạng
từ có những đặc điểm sau: thứ nhất là trạng từ là một từ loại, thứ hai trạng từ là bất biến
(invariable) về hình thức, thứ ba trạng từ bổ nghĩa cho một động từ (verb), thứ tư, trạng
từ là không bắt buộc (optional), thứ năm về vị trí trạng từ. Trong tiếng Anh vị trí giữa
câu là vị trí của trạng từ. Khu vực của trạng từ là giữa động từ nguyên mẫu (nonfinite
verb) và động từ được chia, hay còn gọi là động từ biến ngôi (finite verb), thứ sáu là sự
đồng thuận của các đặc tính của trạng từ. Không có đặc tính nào được đề cập bên trên
vừa thỏa mãn điều kiện cần và điều kiện đủ để đáp ứng các tiêu chí của trạng từ. Tuy

nhiên một vài trường hợp được nói đến bên trên có thể đáp ứng tính điển hình của trạng
từ, thứ bảy là phổ niệm (universality) hay tính phổ biến về trạng từ.
2.1.1. Cấu tạo của trạng từ tiếng Anh
Người ta thường nhận diện trạng từ bởi phần đuôi –ly, nghĩa là bất cứ từ nào có
đuôi –ly thì đều được xem là trạng từ. Nhưng thật ra một số trạng từ khác xa so với sự
nhận diện này. Có 4 kiểu trạng từ:
a. Trạng từ đơn (Simple adverbs) Những trạng từ đơn là những từ đơn không
được hình thành bằng cách ghép nối hay bằng cách thêm phụ tố. Chẳng hạn như là often
(thường xuyên), well (khỏe), fast (nhanh)…
b. Trạng từ láy Những trạng từ láy là những trạng từ được hình thành bằng
phương thức láy. Số lượng trạng từ láy trong tiếng Anh không nhiều, chỉ có vài từ. Các
dạng láy của trạng từ như là láy thường: pitter-patter (có tiếng bước, có tiếng rộn rã),láy
âm đầu như là: pitapat (lộp độp, thình thịch), láy vần như là: holus-bolus (một hơi, một
mạch), willy-nilly (dù muốn dù không)
13
c. Trạng từ kép/trạng từ ghép (compound adverbs) Những trạng từ kép được
hình thành bằng cách kết nối hai hay nhiều hơn hai yếu tố thành một từ. Những ví dụ về
trạng từ kép như là anyway (any + way) (dù sao đi nữa).
d. Trạng từ được hình thành bằng cách thêm hậu tố (-ly) Nhiều trạng từ được
hình thành bằng cách thêm hậu tố -ly vào tính từ chẳng hạn như là trạng từ clearly được
hình thành từ tính từ clear.
Phần lớn những trạng từ được hình thành từ những danh từ bằng cách thêm những
hậu tố -wise, -ways,-ward, -wards, -wide vào sau những danh từ này. Ví dụ:
“homeward” (hướng về nhà), nationwide (rộng khắp cả nước).
e. Trạng từ được hình thành bằng cách thêm tiền tố Một số trạng từ tiếng Anh
được hình thành bằng cách thêm tiền tố a-, in/out- vào trước một danh từ, ví dụ: A +
head → ahead (ở bên trên), In + side → inside (bên trong). Tuy nhiên số lượng trạng từ
được hình thành theo cách này chiếm số lượng không nhiều trong tiếng Anh.
f. Những cụm từ cố định làm trạng từ Ngòai những cách hình thành trạng từ
nêu trên còn có những cụm từ cố định được sử dụng như những trạng từ, những cụm từ

này có cấu tạo là bất biến, không thay đổi, và những từ cấu thành hiếm khi giữ lại nghĩa
ban đầu của nó. Một số ví dụ dạng này đó là of course (dĩ nhiên), kind of (đại khái là),
và at last (cuối cùng).
2.1.2. Chức năng của trạng từ tiếng Anh
Theo Sidney Greenbaum và Randolph Quirk [138] thì trạng từ trong tiếng Anh có các
chức năng: bổ nghĩa cho tính từ (adjective) (ví dụ: awfully hungry (đói kinh khủng), cho
trạng từ (adverb) (ví dụ: awfully quickly (nhanh dễ sợ)), cho động từ (verb) (ví dụ:
quickly jumped(nhanh chóng nhảy)) và giới từ (preposition) (ví dụ: since then (kể từ khi
đó), cho đại từ (pronoun), cho chỉ định từ (predeterminer) (ví dụ: almost every body
(hầu hết mọi người)), cho các số từ (numeral) (ví dụ: exactly five men (chính xác 5
người đàn ông)) và cho cụm danh từ (noun phrase) (ví dụ: The concert tomorrow (Buổi
hòa nhạc ngày mai))
2.1.3. Vị trí của trạng từ tiếng Anh
Trạng từ trong tiếng Anh có thể bổ nghĩa cho động từ, tính từ và những trạng từ
khác. Vì chúng có quá nhiều chức năng và chúng có xu hướng bổ nghĩa cho những từ
14
đứng ở vị trí gần chúng nhất, nên thỉnh thoảng chúng được đặt ở những vị trí khác nhau
để truyền đạt chính xác ý mà người nói muốn truyền đạt.
Trạng từ có thể được thấy ở bất kỳ vị tri nào trong câu, trong mệnh đề. Không có một
quy tắc xác định nào cho vị trí của trạng từ. Tuy nhiên Dixon [118] khi nghiên cứu chi tiết về
chức năng của trạng từ thì đã chỉ ra rằng mỗi chức năng có một hoặc vài vị trí “ưa thích”
trong câu. Dixon [118] đã đưa ra 5 chức năng chính của trạng từ. Đó là:
(1) Bổ nghĩa cho một mệnh đề hoặc một câu
(2) Bổ nghĩa cho động từ (và tân ngữ-nếu có)
(3) Bổ nghĩa cho một danh ngữ
(4) Bổ nghĩa cho một tính từ
(5) Bổ nghĩa cho một trạng từ khác
Trong 5 chức năng trên ông đã nghiên cứu về vị trí 2 loại trạng từ là: trạng từ câu
(sentential adverb) và trạng từ cách thức (manner adverb). Theo Dixon thì có 3 vị trí
điển mẫu (prototypical position) mà trạng từ câu có thể xuất hiện, và 2 vị trí điển mẫu

trạng từ cách thức có khả năng xuất hiện. Ông đã dùng các chữ cái viết hoa để biểu thị
những vị trí đó.
• Vị trí “A” là vị trí ở ngay sau trợ động từ (auxiliary) đầu tiên (nếu có) nếu không có
trợ động từ thì là vị trí ngay trước động từ. Còn nếu động từ trong câu là một động
từ nối (linking verb) thì trạng từ sẽ đứng ngay sau nó,
• Vị trí “F” là vị trí cuối mệnh đề, cuối câu, ví dụ:
• Vị trí “I” là vị trí đầu mệnh đề, đầu câu, ví dụ:
• Vị trí “V” là vị trí ở ngay trước động từ, ví dụ:
• Vị trí “O” là vị trí ở ngay sau động từ, hay ở ngay sau động từ và tân ngữ (object), 2.1.4.
Những từ loại và những dạng cấu trúc thực hiện chức năng như một trạng từ
Trong tiếng Anh có những dạng cấu trúc thực hiện chức năng như một trạng từ như là: cụm
giới từ ( prepositional phase) như là I came here by bus. (Tôi đến đây bằng xe buýt.),
cụm động từ nguyên mẫu (infinitive phrase) ví dụ: We was playing to win. (Chúng tôi
chơi để giành chiến thắng.), danh từ và cụm danh từ ví dụ: I went downtown yesterday.
(Hôm qua tôi đã đến khu trung tâm.), mệnh đề ví dụ: He was playing well, although he
was very tired. (Anh ấy chơi rất tốt mặc dầu anh ấy rất mệt.), mệnh đề không hạn định,
15
ví dụ: Being captain of the team, he plays to win. (Là đội trưởng, anh ta chơi để giành
chiến thắng), mệnh đề không có động từ ví dụ: He was playing, unaware of the danger.
(Anh ấy chơi mà không nhận thấy nguy hiểm.)
2.3. Những yếu tố trong tiếng Việt tương đương với trạng từ tiếng Anh
Trong tiếng Việt có những yếu tố tương đương về chức năng với trạng từ tiếng Anh.
Đó là tính từ, phụ từ và trạng ngữ. Tuy nhiên những yếu tố này không hòan tòan giống trạng
từ, chúng vẫn có những nhiệm vụ, chức năng khác với trạng từ tiếng Anh.
Khi so sánh tính từ tiếng Việt và trạng từ tiếng Anh chúng ta thấy chúng giống
nhau ở chỗ cả hai đều là thực từ, chúng bổ nghĩa cho động từ, cung cấp nhận xét của
người nói, người viết về thông tin được chứa trong phần còn lại của mệnh đề, và cung
cấp nguyên nhân, trạng thái, cách thức một sự việc hay hành động nào đó. Tuy nhiên nó
có điểm khác là tính từ tiếng Việt có thể bổ nghĩa cho danh từ, còn trạng từ tiếng Anh thì
không. Tính từ tiếng Việt có thể là thành phần chính của câu: vị ngữ, còn trạng từ tiếng

Anh thì không. Vị trí của tính từ tiếng Việt thường đứng sau danh từ và sau động từ còn
trạng từ tiếng Anh thì đứng ngay trước hoặc ngay sau từ mà chúng bổ nghĩa.
Khi so sánh phụ từ tiếng Việt và trạng từ tiếng Anh chúng có điểm giống nhau là
biểu thị các ý nghĩa về thời gian, thể trạng, về mức độ. Tuy nhiên nó có điểm khác là
trạng từ tiếng Anh là thực từ còn phụ từ tiếng Việt là hư từ. Số lượng trạng từ tiếng Anh
nhiều hơn phụ từ tiếng Việt nhiều lần. Trạng từ tiếng Anh là thành tố chính trong những
cụm trạng từ. Trong khi đó phụ từ trong tiếng Việt về mặt ngữ pháp thì không thể làm
thành tố chính của cụm từ mà nó chỉ làm thành tố phụ trong cụm từ và nó không thể
dùng làm thành phần chủ ngữ hay vị ngữ trong câu. Về chức năng trạng từ tiếng Anh bổ
nghĩa cho động từ, tính từ và những trạng từ khác. Còn phụ từ tiếng Việt không có ý
nghĩa thực, ý nghĩa từ vựng để biểu thị tên gọi, hoạt động, trạng thái hay tính chất, số
lượng của sự vật và nó cũng không có ý nghĩa xưng hô, chỉ định hay thay thế tên gọi của
sự vật, hiện tượng mà phụ từ chỉ mang ý nghĩa ngữ pháp nào đó tùy theo từ loại mà
chúng đi kèm, bổ nghĩa là từ biểu thị các ý nghĩa ngữ pháp về thời gian, thể trạng, về
mức độ. Về vị trí thì cả hai loại này đều đứng trước từ mà chúng bổ nghĩa. Nhưng trạng
từ tiếng Anh có thể đứng sau từ mà chúng bổ nghĩa. Về phân loại thì trạng từ tiếng Anh
có những loại tương đương với phụ từ tiếng Việt (như là: trạng từ năng diễn tiếng Anh
tương đương vói phụ từ so sánh tiếng Việt, trạng từ mức độ tiếng Anh tương đương với
16
phụ từ mức độ tiếng Việt) và có những loại không tương đương như là phụ từ thời gian
không giống với trạng từ thời gian, phụ từ thời gian khi dịch sang tiếng Anh sẽ là các thì
của các động từ, ví dụ để diễn tả phụ từ thời gian “đã” thì có thể sử dụng thì quá khứ
đơn (simple past), quá khứ tiếp diễn (past continuous) hoặc quá khứ hoàn thành (past
perfect) hoặc hiện tại hoàn thành (present perfect)… hoặc trạng từ cách thức khi dịch
sang tiếng Việt sẽ trở thành tính từ, hoặc những cụm từ “một cách+tính từ”. Một điểm
khác biệt nữa là trạng từ trong tiếng Anh có thể bổ nghĩa cho trạng từ khác còn những
phụ từ tiếng Việt khi đứng kế cận nhau thì không có chức năng bổ nghĩa cho nhau,
không chi phối nhau và có thể đổi chỗ cho nhau, nó có chức năng ngang nhau là cùng bổ
nghĩa cho động từ và tính từ và ý của cụm trạng từ đó thường là nhấn mạnh cho động từ
hoặc tính từ. Những phụ từ khác loại thường được đặt theo một trật tự nhất định. Những

phụ từ đứng trước thường chi phối những phụ từ đứng sau. Trật tự thường thấy đó là:
phụ từ so sánh → phụ từ thời gian → phụ từ phủ định, khẳng định. Còn trong tiếng Anh
trạng từ cùng loại không đặt liền kề nhau và những trạng từ khác loại khi đứng trong câu
cũng phải theo một trật tự nhất định: trạng từ năng diễn → trạng từ cách thức → trạng từ
địa điểm → trạng từ thời gian.
Điểm khác biệt lớn nhất là trạng từ trong tiếng Anh có thể bổ nghĩa cho trạng
từ khác còn những phụ từ trong tiếng Việt khi đứng kế cận nhau thì không có chức
năng bổ nghĩa cho nhau, mà nó có chức năng ngang nhau là cùng bổ nghĩa cho động
từ và tính từ và ý của cụm phụ từ đó thường là nhấn mạnh cho động từ hoặc tính từ.
Khi so sánh trạng ngữ tiếng Việt và trạng từ tiếng Anh chúng ta thấy chúng
giống nhau ở chỗ cho chúng ta biết về thời điểm, nơi chốn, nguyên nhân hoặc là trong
hoàn cảnh nào mà một điều gì đó đã xảy ra và vị trí của nó có thể ở đầu câu, giữa câu
hoặc cuối câu. Tuy nhiên nó có điểm khác là trạng từ tiếng Anh là thực từ, trong khi
đó trạng ngữ tiếng Việt là thành phần phụ của câu. Trạng từ là một từ trong khi đó
trạng ngữ có thể là một từ, một ngữ, hoặc một mệnh đề. Một điểm khác biệt nữa là
trạng từ thời gian tiếng Anh thường được đặt ở cuối câu trong khi trạng ngữ thời gian
thường được đặt ở đầu câu.
CHƯƠNG 3
SỰ CHUYỂN DỊCH TRẠNG TỪ TIẾNG ANH SANG TIẾNG VIỆT
3.1. Các cách dịch trạng từ trong tác phẩm Harry Potter
17
Trong quá trình dịch thuật từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, do sự khác biệt
về loại hình ngôn ngữ, về văn hóa, phong tục tập quán cho nên việc dịch không hoàn
toàn là 1:1 mà trong đó luôn có sự thay đổi. Khi dịch trạng từ tiếng Anh sang tiếng Việt
thì có những thay đổi về từ loại và thay đổi về vị trí.
3.1.1. Thay đổi từ loại khi dịch (qua ngữ liệu Harry Potter)
Từ những khảo sát bên trên, chúng tôi thấy rằng số lượng trạng từ trong tiếng Anh
nhiều hơn số lượng phụ từ tiếng Việt. Chính vì thế khi chuyển dịch sang tiếng Việt thì
trạng từ tiếng Anh có thể thành các từ loại khác. Chúng tôi đã khảo sát tác phẩm Hary
Potter nhận thấy rằng trạng từ trong câu tiếng Anh khi chuyển sang tiếng Việt thì sẽ thay

đổi thành
Về thay đổi từ loại thì trạng từ tiếng Anh khi dịch san gtieesng Việt có thể được
dịch thành tính từ, động từ (động từ này bao hàm ý nghĩa của động từ và trạng từ tỏng
câu tiếng Anh, , danh từ, phụ từ thời gian, phụ từ so sánh, cụm từ.
3.1.2. Thay đổi vị trí
Người ta thường thấy trạng từ cách thức xuất hiện ở nhiều vị trí trong câu. Tuy
nhiên không phải mọi trạng từ cách thức có thể đứng ở mọi nơi trong câu và không phải
trạng từ ở vị trí nào trong câu cũng đều có ý nghĩa giống nhau. Những trạng từ tiếng
Anh khi được dịch sang tiếngViệt thì có một số trường hợp vị trí của nó được giữ
nguyên, nhưng một số trường hợp khác thì vị trí của nó có sự thay đổi.
3.1.3. So sánh cách chuyển dịch trạng từ cách thức trong tác phẩm Harry
Potter với cách chuyển dịch thường gặp
Trạng từ cách thức là loại trạng từ có số lượng lớn nhất trong số các loại trạng
từ. loại trạng từ này thường được nhận diện là những trạng từ có hậu tố -ly. theo như
thống kê trên thì trạng từ cách thức (là những trạng từ có hậu tố -ly) là 5645 trạng từ
trên tổng số 6502 trạng từ tất thảy, chiếm 86,8% số lượng trạng từ. Vì loại trạng từ
này có số lượng lớn, tần số xuất hiện nhiều trong tiếng Anh và khi dịch sang tiếng
Việt có nhiều cách cho nên chúng tôi chọn loại trạng từ này để khảo sát cách dịch. Từ
những khảo sát về cách dịch trạng từ cách thức của sinh viên chúng tôi đã tiến hành
cuộc khảo sát này. Mục đích chính của khảo sát này là chọn ra cách dịch được nhiều
người đồng tình nhất, cho là tự nhiên nhất, phù hợp với cách nói của người Việt. Từ
đó có thể làm cơ sở cho việc tạo lập lý thuyết dịch và về việc sử dụng trạng từ.
18
Như đã nói ở bên trên trong giới hạn phạm vi nghiên cứu của luận án, chúng tôi
không thể bao quát mọi vấn đề về trạng từ. Cụ thể là trong phần này chúng tôi không so
sánh cách chuyển dịch của tất cả các loại trạng từ mà chỉ so sánh cách dịch trạng từ cách
thức trong phẩm Harry Potter với cách chuyển dịch thường gặp (của sinh viên và giáo
viên). Từ đó đề ra cách dịch hợp lý cho loại trạng từ này.
Về cách dịch trạng từ cách thức, theo như khảo sát thì chúng tôi thấy sinh viên có ba
cách dịch như sau: (1). Được dịch sang tiếng Việt thành cụm từ “một cách+ tính từ”, (2).

Được dịch sang tiếng Việt thành cụm từ “thật/rất + tính từ” (3) Được dịch sang tiếng Việt
thành thành tính từ đứng sau động từ. Chúng tôi cũng đã thống kê ý kiến của những người
có kinh nghiệm trong giảng dạy về cách dịch trạng từ cách thức và kết quả là có 3 cách dịch
như sau: (1). Được dịch sang tiếng Việt thành cụm từ “một cách+ tính từ”, (2). Được dịch
sang tiếng Việt thành tính từ đứng trước động từ (3) Được dịch sang tiếng Việt thành thành
tính từ đứng sau động từ. khảo sát cách dịch loại trạn gtuwf này trong tiasc phẩm Harry
Potter thì chúng tôi thống kê có 7 cách dịch: (1) Một cách + tính từ tương ứng, (2) rất/thật +
tính từ tương ứng trạng từ, (3) dịch như tính từ đứng trước động từ, (4) trạng từ bị loại bỏ,
không được dịch, (5) thêm từ khi dịch, (6) trạng từ và động từ được thay bằng một động từ
khác, (7) cụm từ. Cách dịch trạng từ cách thức trong bản tiếng Việt của tác phẩmm Harry
Potter phong phú hơn so với cách dịch của giáo viên và học sinh có hai lý do: thứ nhất,
người dịch Harry Potter khi dịch không những chú trọng đến “tín” mà còn quan tâm cái
“đạt” và cái “nhã”. Thứ hai, người dịch hiểu nội dung câu truyện (do dịch từ đầu đến cuối
tác phẩm), hiểu dụng ý tác giả nên có cách hành văn phù hợp, dùng nhiều cách diễn đạt để
tránh lặp từ và làm cho câu văn hay hơn, bóng bẩy hơn.
Chúng tôi làm bảng tóm tắt sau để thấy sự giống và khác nhau trong cách dịch
trạng từ cách thức trong tác phẩm Harry Potter với cách cách chuyển dịch của giảo
viên và học sinh.
CHƯƠNG 4
ỨNG DỤNG CÁC KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀO
DỊCH THUẬT VÀ GIẢNG DẠY
4.1. Ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào dịch thuật
Do trong tiếng việt không có từ loại trạng từ mà chỉ có những yếu tố tương đương
với trạng từ về chức năng đó là phụ từ, tính từ và trạng ngữ cho nên khi dịch những câu
19
có trạng từ thì không thể dịch tương đương theo kiểu một đối một trong mô hình về câu.
Nếu dịch tương đương về hình thức thì câu dịch nghe lạ tai hoặc khó hiểu. Vì thế để bảo
tồn nội dung, thông điệp và sắc thái biểu cảm của nó thì hình thức nhiều khi phải thay
đổi. Mức độ thay đổi thì tùy thuộc vào tình huống, trạng thái, văn hóa. Vì tiếng Việt và
tiếng Anh thuộc hai loại hình ngôn ngữ khác nhau và văn hóa cũng khác nhau nên việc

dịch thay đổi trong hình thức để giữ nội dung là rất đáng kể.
4.1.1. Đề xuất phương pháp dịch trạng từ
Để dịch trạng từ thì người ta có thể dùng cách tổ hợp nghĩa vị của các hình vị
của trạng từ. Từ tiếng Anh và tiếng Việt thể hiện ở 3 hình thức cấu tạo: từ đơn, từ
ghép, từ láy. Trạng từ tiếng Anh thì thể hiện ở hai hình thức cấu tạo là từ đơn và thừ
ghép (trạng từ có dạng láy nhưng số lượng không đáng kể). Việc dịch một trạng từ
tiếng Anh sang tiếng Việt không phải lúc nào cũng tương đương về mặt cấu tạo nghĩa
là từ đơn được dịch thành từ đơn, từ ghép được dịch thành từ ghép mà dịch trạng từ là
một quá trình tổ hợp các mặt nghĩa vị của các hình vị của trạng từ, và thể hiện thành
dạng tương đương nhất ở ngôn ngữ đích mà cụ thể ở đây là tiếng Việt. Tùy theo cách
tái tổ hợp nghĩa vị nếu các mặt nghĩa vị “nén chặt”, trạng từ sẽ được chuyển ngữ
được dịch thành từ đơn, còn nếu các mặt nghĩa vị tái tổ hợp “lỏng” thì thuật ngữ sẽ
được chuyển ngữ dài hơn thành từ phức hay ngữ tương đương.
ví dụ: fast (trạng từ) → nhanh
slow → chậm
Trong ví dụ trên cho thấy trạng từ là những từ đơn, các nghĩa vị của từ đều giao
nhau (hay phần giao nhau rỗng) thì trạng từ đơn này sẽ chuyển ngữ sang từ đơn tương
ứng ở tiếng Việt.
Trong trường hợp một trạng từ là một từ phái sinh nếu các nghĩa thành tố liên kết
chặt với nhau thì sẽ chuyển ngữ thành từ ở ngôn ngữ đích. Có những phụ tố không có
nghĩa khi được ghép vào từ gốc (root) thì không làm thay đổi nghĩa của từ gốc như là:
-ly, -al,
Ví dụ:
Quickly → Quick + ly → nhanh
(nhanh) (ф)
Assuredly → Assure + -ed + -ly → chắc chắn
20
(chắc chắn) (ф) (ф)
Trong trường hợp một trạng từ là một từ phái sinh thì nếu các nghĩa thành tố liên kết
chặt với nhau thì sẽ chuyển ngữ thành từ phức hay ngữ ở ngôn ngữ đích, ví dụ:

Homeward → Home + ward→ hướng về nhà
(nhà) (hướng về)
Carelessly → Care + less + ly → không cẩn thận
(cẩn thận) (không) (ф)
Trong trường hợp sau một trạng từ là một từ phái sinh các nghĩa thành tố không liên kết
chặt với nhau thì sẽ chuyển thành từ phức hay ngữ (cụm từ) ở ngôn ngữ đích.
ví dụ: nowhere
(no + where) → không nơi nào
Không nơi/chỗ
Ngoài cách tổ hợp nghĩa vị người ta còn dùng các cấp độ tương đương để dịch. Có 4 cấp
độ tương đương là: tương đương hoàn toàn, tương đương một phần, quan hệ thượng danh-
hạ danh và không tương đương. (dẫn theo Lưu Trọng Tuấn [94])
a. Tương đương hoàn toàn nghĩa là dịch sát từng từ (word-for-word translation), ví
dụ trạng từ half-price (half: một nửa, price: giá) được dịch là “nửa giá tiền”, trạng từ
overeagerly (over: quá; eagerly: hăm hở) được dịch là “quá hăm hở”
b. Tương đương một phần là chuyển ngữ các từ chỉ tương đương một phần. Các
thành tố trong ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích chỉ giống nhau một phần về nghĩa, ví
dụ trạng từ highmindedly nghĩa là “cao thượng”, trong đó hai từ này chỉ giao nhau thành
tố “high-“ , nghĩa là “cao”, còn thành tố “-mindedly” không có nghĩa là “thượng”.
c. Quan hệ thượng danh-hạ danh (hypernym-hyponym) giữa ngôn ngữ nguồn và
ngôn ngữ đích là cách dịch mà từ ở ngôn ngữ nguồn là hạ danh ứng với ngôn ngữ đích là
thượng danh, hay ngược lại, ví dụ trạng từ heavy-heartedly có thành tố heart trong tiếng
Việt có nghĩa là “tim” là một bộ phận của nội tạng (lòng) nhưng từ này được dịch là “lòng
nặng trĩu”chứ không dịch là “tim nặng trĩu”.
d. Dịch không tương đương là cách dịch ngôn ngữ đích mang ý nghĩa khác ngôn
ngữ nguồn mà ý nghĩa này thông dụng hơn so với ngôn ngữ đích. Cách dịch này xét về
21
gốc từ thì không tương đương hoàn toàn nhưng nếu nhìn vào định nghĩa thì sự chuyển
ngữ là hoàn toàn tương đương, ví dụ trạng từ lightfootedly dịch sát nghĩa là “nhẹ chân”
nhưng tiếng Việt tương ứng là “nhanh nhẹn”, piggyback dịch sát nghĩa là “lưng heo”

nhưng tiếng Việt tương ứng là “trên lưng, trên vai”.
Từ cách thức nêu trên thì tương ứng với 6 kỹ huật dịch của Vinay & Darbelnet
(dẫn theo Lưu Trọng Tuấn [94] là: vay mượn trực tiếp (direct borrowing), sao phỏng
(loan translation), dịch sát nghĩa (literal translation), chuyển vị (transposition), biến điệu
(modulation). Trong 6 kỹ thuật dịch này thì chúng tôi thấy các kỹ thật sau có thể áp dụng
để dịch trạng từ:
a. Vay mượn trưc tiếp
là cách dịch dùng từ bản ngữ của ngôn ngữ nguồn. Ngôn ngữ nguồn theo Fromkin
[127] từ bản ngữ “là từ mà lịch sử và nguồn gốc của nó có thể truy nguyên từ những giai
đoạn sơ khai nhất của ngôn ngữ đó”
Ví dụ: soon → sớm, here → ở đây
b. Sao phỏng (mượn dịch) (loan translation) là cách dịch mượn nghĩa các thành
tố: mỗi hình vị hay mỗi từ được dịch thành hình vị hay từ tương đương trong ngôn ngữ
đích, và các thành tố đó được sắp xếp theo trật từ tương tự hay gần như tương tự với các
thành tố trong ngôn ngữ nguồn.
ví dụ: inside → in + side → bên trong
trong bên
northward → north + ward → về phương bắc
phía bắc hướng về
c. Dịch sát nghĩa
là cách dịch mà trật tự tổ hợp nghĩa vị của từ trong ngôn ngữ nguồn tương đương
tổ hợp nghĩa các thành tố trong ngôn ngữ đích.
Ví dụ: Downhill → down + hill → dưới đồi
dưới đồi
Trật tự nghĩa vị down+ hill rất giống với trật tự cú pháp tiếng Việt dưới đồi
d. Chuyển vị (transposition)
22
là cách dịch có sự thay đổi về ngữ pháp từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích.
Dịch chuyển vị có thể là chuyển dạng cấu tạo từ, ví dụ từ đơn được dịch thành từ ghép
hay ngữ, và ngược lại.

ví dụ: tomorrow (từ đơn) → ngày mai (từ ghép)
high-handedly (từ ghép) → kiêu (kiêu căng) (từ đơn)
Chuyển vị còn là dịch trạng từ từ ngôn ngữ nguồn thành danh từ, động từ, tính từ
ở ngôn ngữ đích
ví dụ: carefully (adverb) → cẩn thận (tính từ)
scientifically (adverb) → một cách khoa học (ngữ danh từ)
e. Biến điệu
Là một dạng chuyển vị ở mức độ toàn thể, biểu thị sự khác biệt ở tư duy. Cách dịch này
được sử dụng khi có sự khác biệt trong cách nhìn của ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích.
Khảo sát cách dịch trạng từ trong Từ điển Anh-Việt, (Engish-Vietnamese dictionary
của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2007) chúng tôi nhận thấy việc dịch trạng từ tiếng
Anh sang tiếng Việt thể hiện ở những dạng sau:
(1) Trừu tượng → cụ thể
Cụ thể → trừu tượng
Weakmindedly → thiếu quyết tâm
(Yếu trí não)
Narrow-eyedly → thiển cận
(Hẹp mắt)
Wholeheartedly → toàn tâm toàn ý
Toàn quả tim
(2) Một phần → toàn thể Heavy-heartedly → lòng nặng trĩu
(Nặng tim)
(3) Phủ định của phủ định
→ khẳng định
Incorruptibly → thanh liêm
(không tham nhũng)
(4) Ẩn dụ → không ẩn dụ
Không ẩn dụ → ẩn dụ
Pigheadedly → cứng đầu
(Con heo đầu)

Highhandedly → hống hách
(Cao bàn tay)
Hair-raisingly → dựng tóc gáy
(Tóc mọc)
f. Dịch thoát
23
Là trường hợp dựa vào tổ hợp nghĩa vị và sử dụng từ tương đương với tổ hợp này
ở ngôn ngữ đích. Chẳng hạn như tổ hợp trạng từ đi kèm với động từ thường làm thay đổi
ý nghĩa của động từ. Trong những câu sau đây động từ say (dạng quá khứ là “said”) có
nghĩa là “nói” nhưng khi có trạng từ đi kèm thì tổ hợp này được dịch thành một từ khác
tương đương ở tiếng Việt. Từ tương đương này là sự kết hợp ý nghĩa của động từ said và
trạng từ đi cùng nó, ví dụ:
- “we can all go,”said Hermione pointedly. (HP q4)
(Hermione nhấn mạnh “vậy tất cả tụi mình đi đi”)
Đối với công tác dịch thuật việc nắm vững phương pháp dịch trạng từ nói
chung và cách dịch trạng từ cách thức nói riêng sẽ giúp ích rất nhiều. Trong chương
này chúng tôi cũng đã minh họa những cách dịch trạng từ. Tuy nhiên ngoài việc
dịch các yếu tố bên trong của trạng từ người dịch cũng cần phải xét trạng từ trong
tương quan với các thành phần của câu, với chủ đích người nói (như nhấn mạnh
điều gì, thái độ như thế nào) để có cách dịch phù hợp.
4.2. Đề xuất ý kiến giảng dạy
4.2.1. Những lỗi sai về trạng từ mà sinh viên hay mắc phải
Tiếng Việt không có từ loại trạng từ cho nên khái niệm trạng từ, vai trò, chức năng,
vị trí của trạng từ và cách sử dụng trạng từ rất ít được người học Việt Nam quan tâm. Chính
vì vậy khi học tiếng Anh trạng từ rất ít được sử dụng và khi được sử dụng thì gây ra ra
những khó khăn nhất định cho học viên. Các lỗi thường thấy của sinh viên khi sử dụng
trạng từ là:
(1). Lỗi do khái quát hoá quá mức (Overgeneralization) thể hiện ở 2 vấn đề. Thứ
nhất là nhầm lẫn trạng từ và tính từ: nhầm lẫn về hình thức và nhầm lẫn về vị trí. Thứ hai
là nhầm lẫn trạng từ với các từ loại khác: nhầm lẫn về hình thức

(2). Lỗi dùng tính từ thay cho trạng từ
(3). Lỗi không đặt tính từ theo sau động từ cảm giác (verbs of sense/sense verbs)
và động từ tri giác (verb of perception)
4.2.2. Một số đề xuất về giảng dạy trạng từ tiếng Anh
Để giúp sinh viên hạn chế những lỗi sai về trạng từ tôi xin đưa ra môt số đề xuất
như sau:
24
Khi dạy trạng từ tiếng Anh thì cần làm cho người học hiểu rõ về chức năng, vị trí,
cấu tạo của trạng từ và cũng cần giúp người học phân biệt trạng từ và những từ dễ nhầm
lẫn với nó là tính từ. Thông qua việc giải thích và các bài tập thực hành sẽ giúp người
học hiểu rõ hơn về trạng từ cũng như hạn chế lỗi sai về nó. Để thực hiện điều này thì có
thể làm theo các bước sau:
Trước hết, khi giảng dạy tiếng Anh phải giải thích cho người học hiểu rõ về chức
năng vị trí, cấu tạo và các loại trạng từ, cách dùng trạng từ trong câu. Vì khi không hiểu và
không nắm rõ về trạng từ thì người học sẽ ngại và sợ dùng trạng từ tiếng Anh. Như vậy thì
khi dạy cần phải giải thích từ loại, cho những ví dụ, các câu và tình huống có sử dụng
trạng từ để người học làm quen, hiểu, bắt chước sử dụng.
Kế tiếp là cần phân biệt từ loại trạng từ với các từ loại khác mà cụ thể ở đây là từ
loại tính từ. Để phân biệt hai từ loại này thì cần phải giải thích về hình thức, cấu tạo,
chức năng và cách dùng và cho những ví dụ cụ thể để so sánh và có những bài tập liên
quan đến sự phân biệt để người học làm quen và hiểu rõ chúng.
Sau cùng, cần cho người học nắm rõ các hình thức của trạng từ như là hình thức
so sánh: so sánh hơn và so sánh nhất, hình thức so sánh tịnh tiến và các loại cấu trúc
được sử dụng cùng với trạng từ. Như thế người học khi hiểu rõ về trạng từ và phân biệt
trạng từ và từ loại khác thì sẽ hạn chế lỗi sai.
KẾT LUẬN
Sau khi tìm hiểu về trạng từ tiếng Anh: về chức năng, vị trí, cấu tạo và nghiên
cứu về việc phạm lỗi trạng từ và cách thức chuyển dịch trạng từ tiếng Anh chúng tôi có
những nhận xét và đề xuất sau:
1. Trong tiếng Anh trạng từ được cho là thuộc về nhóm thực từ, là nhóm từ loại

mở, nhóm từ loại giữ vai trò quan trọng, mang nét nghĩa chính của câu. Số lượng của
nhóm từ loại này luôn gia tăng và phát triển không ngừng.
2. Tiếng Việt, thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, được phân chia thành hai loại
từ là thực từ và hư từ. Trong tiếng Việt không có từ loại trạng từ như tiếng Anh mà
chỉ có những yếu tố tương đương với nó. Từ loại gần giống với chức năng trạng từ
tiếng Anh nhất trong tiếng Việt là phụ từ. Phụ từ trong tiếng Việt thuộc loại hư từ.
Hư từ thiên về tính chất ngữ pháp, nó không phản ánh sự vật hiện tượng nhưng nó là
phương tiện để biểu thị các quan hệ ngữ pháp. Hư từ gần giống như nhóm từ loại
25
đóng trong các ngôn ngữ biến hình, số lượng hư từ ít, không có khả năng mở rộng.
Chính vì thế phụ từ trong tiếng Việt cũng là những từ ngữ pháp và số lượng không
nhiều.
3. Do tiếng Anh là ngôn ngữ biến hình, còn tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập nên
cấu tạo từ của hai ngôn ngữ này khác nhau. Mặc dù xét về phương thức cấu tạo từ thì
trong mỗi ngôn ngữ đều có những trường hợp cấu tạo từ thuộc cùng phương thức như
là phương thức ghép, phương thức chuyển từ loại. Tuy nhiên khi xét trên diện rộng,
tổng quát hơn thì chúng hoàn toàn không giống nhau. Trạng từ trong tiếng Anh khi
chuyển dịch sang tiếng Việt sẽ được dịch thành phụ từ, tính từ và trạng ngữ. Những
yếu tố tương đương này có những điểm giống và khác với trạng từ tiếng Anh.
4. Theo kết quả khảo sát chúng tôi thấy rằng cách hình thành trạng từ bằng
việc thêm hậu tố -ly vào sau tính từ là nhiều nhất, còn những cách hình thành khác là
có số lượng không đáng kể. Như vậy có thể xem cách hình thành trạng từ tiếng Anh
là thêm phụ tố vào sau tính từ và nếu chúng ta thấy tính từ mà có hậu tố -ly thì có thể
kết luận từ đó là trạng từ. Trong tiếng Việt phụ từ được hình thành bằng phương thức
ghép chiếm số lượng lớn trong khi đó những phụ từ được hình thành bằng phương
thức láy chỉ chiếm số lượng ít hơn, còn những phụ từ đơn và những phụ từ được hình
thành bằng phương thức khác có số lượng nhỏ.
Trong tiếng Anh số trạng từ có hậu tố -ly chiếm nhiều nhất trong số các trạng từ. Qua
khảo sát trong tác phẩm Harry Potter thì cũng đã chứng thực điều đó. Số lượng trạng từ trong
tiếng Anh nhiều hơn số lượng phó từ trong tiếng Việt, nên khi chuyển dịch từ tiếng Anh sang

tiếng Việt thì trạng từ tiếng Anh thường được chuyển dịch sang từ loại khác như là tính từ,
danh từ … Trong đó tính từ là từ được chuyển dịch nhiều nhất.
Về sự chuyển dịch thì những trạng từ thời gian trong tiếng Anh đứng ở vị trí cuối
câu khi được chuyển dịch sang tiếng Việt thì thường đứng ở vị trí đầu câu, và thường
được dịch thành danh từ, hoặc trạng ngữ. Về cách dịch trạng từ cách thức, theo như
khảo sát thì chúng tôi thấy có những cách dịch sau: 1. Được dịch sang tiếng Việt là
“một cách+ tính từ”, 2. Được dịch như tính từ còn cụm từ “một cách” được loại bỏ,
3. Trạng từ bị loại bỏ, không được dịch, 4. Thêm từ khi dịch, 5. Trạng từ và động từ
được thay bằng một động từ khác. Chúng tôi cũng đã thống kê ý kiến của những
người có kinh nghiệm trong công chúng tôing dạy và dịch thuật về các dịch trạng từ

×