Tải bản đầy đủ (.pdf) (107 trang)

Truyện ngắn Đoàn Lê luận án thạc sĩ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (842.46 KB, 107 trang )




ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM





BÙI VŨ NGỌC TRÂM





TRUYỆN NGẮN ĐOÀN LÊ






LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN









THÁI NGUYÊN - 2012

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 1



ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM





BÙI VŨ NGỌC TRÂM




TRUYỆN NGẮN ĐOÀN LÊ


Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60.22.34


LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN


Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS NGUYỄN BÍCH THU






THÁI NGUYÊN - 2012

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 2


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi. Các nội
dung nêu trong luận văn là kết quả làm việc của tôi và chưa được công bố
trong bất cứ một công trình nào khác.
Thái Nguyên, tháng 8 năm 2012
Tác giả luận văn




Bùi Vũ Ngọc Trâm



Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 3


LỜI CẢM ƠN
Bằng sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc, em xin chân thành cảm ơn
PGS.TS Nguyễn Bích Thu, người đã tận tình hướng dẫn và giúp đỡ em trong

suốt quá trình thực hiện đề tài.
Xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo khoa Ngữ văn, khoa Sau đại
học, cán bộ phòng quản lý khoa học trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái
Nguyên đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt quá trình học tập, nghiên
cứu tại trường.
Tôi cũng xin được bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới BGH, bạn bè, đồng
nghiệp trường THPT Thác Bà, Sở GD & ĐT tỉnh Yên Bái cùng gia đình và
những người thân yêu đã động viên, quan tâm chia sẻ và tạo mọi điều kiện
giúp tôi hoàn thành tốt khoá học này.
Thái Nguyên, tháng 8 năm 2012
Tác giả luận văn




Bùi Vũ Ngọc Trâm


Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 4

i

MỤC LỤC
Trang
Trang bìa phụ
Lời cảm ơn
Lời cam đoan
Mục lục i
MỞ ĐẦU 1


NỘI DUNG 10

Chương 1. TRUYỆN NGẮN ĐOÀN LÊ TRONG DÒNG CHẢY
TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM SAU 1975 10

1.1. Khái lược truyện ngắn Việt Nam sau 1975 10

1.1.1. Một số vấn đề lý thuyết thể loại 10

1.1.2. Bối cảnh lịch sử - thẩm mĩ của văn học Việt Nam sau 1975 13

1.1.3. Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 16
1.2. Khái lược về thế hệ nhà văn nữ Việt Nam sau 1975 18

1.2.1. Sự nối tiếp của nhiều thế hệ cầm bút 18

1.2.2. Một số biểu hiện của “đặc điểm giới” trong tác phẩm của các
nhà văn nữ 1975 20

1.3 Đoàn Lê - một cây bút nữ độc đáo của văn học Việt Nam sau 1975 22

1.3.1. Người phụ nữ đa tài, đa đoan 22

1.3.2. Sự nghiệp sáng tác phong phú 27

1.3.3. Vị trí truyện ngắn trong sáng tác của Đoàn Lê 30

Chương 2. BỨC TRANH HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG TRONG
TRUYỆN NGẮN ĐOÀN LÊ 34


2.1. Ý thức của nhà văn với hiện thực đời sống 34

2.1.1. Đi sâu khai thác mảng đề tài thế sự 34

2.1.2. Ý thức đối thoại ngầm với những quan niệm sáng tạo đương đại 41

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 5

ii

2.2. Hình tượng xóm Chùa và các vấn đề đạo đức – xã hội đương đại . 46

2.2.1. Tác động của nền kinh tế thị trường và sự băng hoại các giá trị
đạo đức 46

2.2.2. Chân dung nhân cách méo mó, bi hài 52

2.2.3. Thân phận người phụ nữ trong xã hội hiện đại 58
2.3. Thế giới tưởng tượng trong truyện ngắn Đoàn Lê 63

2.3.1. Thế giới cõi âm, giấc mơ, sự biến hình 63

2.3.2. Tưởng tượng – một cách nhận thức về thực tại 73

2.4. Yếu tố tự truyện trong truyện ngắn Đoàn Lê 74

2.4.1. Nét riêng của yếu tố tự truyện trong sáng tác Đoàn Lê 74

2.4.2. Những trải nghiệm và tâm tư của Đoàn Lê 76


Chương 3. MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN NGHỆ THUẬT
TRONG TRUYỆN NGẮN ĐOÀN LÊ 78

3.1. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện 78

3.1.1. Tình huống hiện thực 78

3.1.2. Tình huống giả tưởng – hài hước 79

3.1.3. Tình huống giả tưởng – kinh dị 81

3.1.4. Sự đan xen các tình huống 82

3.2. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật 83

3.2.1. Nắm bắt nhanh các trạng thái tâm lý nhân vật 83

3.2.2. Sắc sảo và hài hước trong cách sử dụng các chi tiết mô tả 86

3.3. Ngôn ngữ, giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Đoàn Lê 87

3.3.1. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Đoàn Lê 87

3.3.2. Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Đoàn Lê 89

KẾT LUẬN 94

TÀI LIỆU THAM KHẢO 96

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 6




CHÂN DUNG NHÀ VĂN ĐOÀN LÊ
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 7

1


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
Truyện ngắn Việt Nam từ sau 1975 đến nay phát triển mạnh mẽ cả về
số lượng và chất lượng. Đặc biệt sau 1986, trong không khí dân chủ hóa của
đời sống văn học, truyện ngắn Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể.
Hòa vào dòng chảy ấy không thể không kể đến những đóng góp của các nhà
văn nữ thời kỳ đổi mới. Trên văn đàn, sự hiện diện truyện ngắn của những
cây bút nữ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc như Phan Thị Vàng
Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Võ Thị Hảo, Nguyễn Ngọc Tư,…Trong
số đó, sáng tác của Đoàn Lê dù không ồn ào gây “sốc” như một số tác giả nữ
trẻ khác nhưng đọc tác phẩm của chị, độc giả dễ ấn tượng với con người, cuộc
sống, với cảm hứng và cách viết của nữ sĩ. Sáng tác của Đoàn Lê thực sự đã
làm sinh động, phong phú thêm cho đời sống văn xuôi nói riêng và văn học
nước nhà nói chung.
Đoàn Lê tên thật là Đoàn Thị Lê, sinh ngày 15.04.1943 ở thành phố
Bengich (nay là phố Lê Lợi – Hải Phòng). Không riêng gì ở Hải Phòng mà
đối với giới văn nghệ sĩ cả nước tên tuổi nữ sĩ Đoàn Lê đã trở nên quen thuộc.
Gọi chị là nhà văn, họa sĩ, nhà biên kịch, diễn viên hay đạo diễn đều đúng cả.
Những “cầm kỳ thi họa” đem lại cho Đoàn Lê một danh tiếng tài hoa. Học vẽ
từ bậc thầy như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên. Học điện ảnh từ các bậc
thầy của Nga và Việt Nam. Khởi nghiệp biên kịch điện ảnh với những tác

phẩm được đồng nghiệp đánh giá tốt. Nhưng cuối cùng, văn xuôi mới là sở
trường của người đàn bà thành phố cảng, vẻ thùy mị duyên dáng song hành
với tính cách một người đàn bà quyết đoán, sắc sảo. Những điều dường như
xung khắc ấy cùng lúc tồn tại trong một con người, dệt nên những trang văn
xuôi tài hoa, vừa dịu dàng, vừa quyết liệt, lôi cuốn sự chú ý của người đọc
cũng như giới nghiên cứu, giảng dạy văn học Việt Nam đương đại. Nói như
Đoàn Lê: “tôi đặc biệt thích viết truyện ngắn, chỉ những gì không thể viết
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 8

2

ngắn được thì tôi đành chịu”. Hơn thế nữa, ở nữ nhà văn này, người đọc nhận
ra sự hội tụ các yếu tố của nhiều loại hình nghệ thuật: điện ảnh, hội họa, thi ca
qua các trang văn của chị.
Những tiểu thuyết đầy trăn trở tâm huyết của chị như Cuốn gia phả để
lại, Lão già tâm thần, Người đẹp và đức vua, Tiền định gây được nhiều thiện
cảm với bạn đọc. Cuốn gia phả để lại ngay khi mới ra mắt công chúng đã
được nhận giải thưởng văn học của Hội nhà văn Việt Nam (1990). Song phải
kể đến thành quả chị nhận được ở truyện ngắn. Truyện của chị được dịch tại
Mỹ, Thụy Điển, Đức và ở đâu cũng được hoan nghênh. Có thể kể tên những
tập truyện ngắn của Đoàn Lê như Thành hoàng làng xổ số, Trinh tiết xóm
Chùa, Người khách đêm giao thừa, Nghĩa địa xóm Chùa, …Và Sex. Đọc văn
chị, ta bị cuốn hút bởi cách viết dung dị, những nhận xét hóm hỉnh và sâu sắc
về nhân tình thế thái, về những buồn vui ấm lạnh của cuộc đời. Truyện ngắn
của Đoàn Lê là một tiếng nói quen thuộc mà mới lạ, mang đậm dấu ấn sáng
tạo của nhà văn.
Đến nay, tuy đã có một số bài giới thiệu, bình luận, đánh giá về tác
phẩm Đoàn Lê của một số nhà văn, nhà nghiên cứu nhưng vẫn chưa phải là
những công trình mang tính hệ thống, khẳng định vị trí của Đoàn Lê trong dòng
văn học nữ đương đại và rộng ra trong nền văn xuôi Việt Nam đương đại.

Trên đây là những lý do để chúng tôi chọn đề tài cho luận văn của mình
là TRUYỆN NGẮN ĐOÀN LÊ. Tìm hiểu đề tài này, chúng tôi muốn tiếp cận
và nhận diện những thành tựu về nội dung cũng như về nghệ thuật của truyện
ngắn Đoàn Lê, đồng thời đặt sáng tác của chị trong sự vận động và đổi mới
của văn xuôi Việt Nam đương đại.
2. Lịch sử vấn đề
Đam mê và miệt mài, viết văn, làm thơ, biên kịch, đạo diễn phim và vẽ
tranh, một Đoàn Lê vẫn tiếp diễn trên con đường văn học nghệ thuật với
nhiều chữ “sĩ”. Cuộc đời chị là vậy, đa mang, truân chuyên nhưng những đứa
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 9

3

con tinh thần của người đàn bà mảnh mai và cương nghị này lại có sức hấp
dẫn, cuốn hút độc giả và giành được những giải thưởng danh giá.
Trong quá trình tìm hiểu về Đoàn Lê và tác phẩm của chị, chúng tôi thu
thập được một số bài viết để tạo cơ sở cho một cái nhìn bao quát về truyện
ngắn Đoàn Lê.
2.1. Những ý kiến, những bài viết có tính chất khái quát về truyện ngắn
Đoàn Lê.
Trong các bài viết về sáng tác của Đoàn Lê, chúng tôi để ý nhiều đến
những bài viết của nhà văn Hồ Anh Thái – một nhà văn đã có cả một quá
trình theo dõi những sáng tác của chị. Với số lượng bài viết về Đoàn Lê nhiều
hơn cả, ông đã nắm được cái “thần” rất riêng, độc đáo trong giọng văn của
chị: “ Một giọng văn được nhớ, nền nã, dung dị bao giờ cũng kèm theo chất
hài hước ngấm ngầm” [60]. Hồ Anh Thái đã rất chú ý đến nghệ thuật sử dụng
những yếu tố kì ảo của nữ văn sĩ này. Ông cho rằng yếu tố kì ảo của Đoàn Lê
trong những truyện tiêu biểu nhất ấy là “cái thực lẫn với cái ảo chỉ làm lạ
hóa, chỉ thay đổi một góc nhìn hiện thực chứ không phải yếu tố xoay chuyển
và quyết định hiện thực nghệ thuật ” [59].

Chú ý đến bút pháp và giọng điệu, tạp chí Kirkus Peviews nhận xét:
“Thảng hoặc Đoàn Lê có xu hướng ngụ ngôn kiểu Kafka như Lên ruồi…ở chỗ
khác, những truyện ngắn đạt tới giọng điệu riêng tư thấm thía như trong
Giường đôi xóm Chùa…” [60].
Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Hiền – một người bạn của nhà văn, cũng có tới hai
bài viết về chị. Ở Đoàn Lê – những cung bậc cuộc đời (
)
đã đưa những nhận định không thể phủ nhận: “…Có lẽ nếm trải cuộc đời với
đầy đủ những cung bậc buồn vui, những hạnh phúc và bất hạnh đã qua của
người đàn bà đa đoan này đã làm nên những trang viết mang màu sắc Đoàn
Lê”. Và thực sự là như thế, “không phải ngẫu nhiên mà những tác phẩm gan
ruột của chị, chị đã có chỗ đứng thật đẹp trong trái tim người đọc” [27].
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 10

4

Về nghệ thuật xây dựng nhân vật, Việt Hà với bài viết Người khách
đêm giao thừa – phút trải lòng của Đoàn Lê nêu đặc điểm: “nhân vật trong
truyện ngắn Đoàn Lê thường có những thiệt thòi về ngoại hình…Chính từ nhân
vật kia nhà văn phát hiện ra vẻ đẹp bất tử của tình yêu nguyên vẹn…” [35].
Trong bài Thấp thoáng Đoàn Lê (Báo Văn nghệ số 31 ra ngày
4/8//2012), tác giả Vũ Quốc Văn đã nhận xét về truyện ngắn Đoàn Lê: “Nó
(Truyện ngắn Đoàn Lê – Bùi Vũ Ngọc Trâm) như gió, như nước, hư thực hữu
hình, vô ảnh cuốn người ta, mê hoặc người ta khôn cưỡng lại để cười, buồn
thương, xót xa rồi mở mắt mà thức ngộ, mà nhận chân cuộc sống” [71].
2.2. Những ý kiến, những bài viết về một tập truyện, một tác phẩm cụ thể.
Ý kiến của tác giả Bonnier Crown (NewYork) trên tờ WorldLiterature
Today về tập truyện ngắn Nghĩa địa xóm Chùa (The cemetery of Chua
village) – tập truyện được nhà xuất bản Curbtone Press ấn hành và có mặt
trong hệ thống hiệu sách toàn nước Mỹ, được giới thiệu và bán trên mạng

amazon.com. Trong bài viết, tác giả nói lên cảm nhận chung của mình khi đọc
tập truyện này: “ Đoàn Lê đã viết những truyện ngắn như những viên đá quý,
những truyện ngắn có thể đọc như truyện phúng dụ, châm biếm, huyễn tưởng.
Dù thuộc loại gì đi nữa, “Nghĩa địa xóm Chùa” cũng khiến người đọc bật
khóc bật cười… tập truyện ngắn phản ánh sự suy sụp các giá trị truyền thống
trước sự tham lam, hám lợi, quan liêu, đua đòi, sự áp bức giai cấp và tình
dục, sự tham nhũng và vi phạm nhân quyền…tác phẩm này của Đoàn Lê rất
đáng được giới thiệu vì văn phong tinh tế, linh hoạt, nó không chỉ là một sự
lựa chọn tốt cho văn học châu Á, mà còn cho các lớp học viết văn” [73].
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú khi biên tập để in truyện ngắn Nghĩa địa
xóm Chùa trên tạp chí Tác phẩm mới đã nói về cảm xúc của mình khi đọc:
“hay Đoàn Lê nghi có mầm bệnh trong người? Chỉ có người ốm mới dám viết
về những truyện khủng khiếp như vậy” [40]. Cùng chia sẻ với cảm nhận ấy,
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 11

5

tác giả Mai Ngọc bàn thêm: “Truyện ngắn này có phong cách rất mới. Nhân
vật trong truyện là những người đã chết. Chết nhưng vẫn sống trong thế giới
riêng, song song với thế giới của những người sống. Ở đây, những người chết
nhìn, nghe ngóng và phê phán chuyện của người sống, y hệt như khi họ còn
sinh thời”. Qua tình huống nhầm lẫn “ khiến người đọc ám ảnh cho xã hội mà
họ đang sống, nơi chỉ cần chút tiền “lót tay tiêu cực phí” là có thể thay đổi
được cục diện” [35]. Để có được lời đánh giá cao như vậy của đồng nghiệp là
điều mà không phải ai cũng có được.
Tạp chí Nghiệp đoàn phát hành (Consotium Distributorn) khi giới thiệu
tập truyện ngắn Trinh tiết xóm Chùa có viết: “Đoàn Lê được ghi nhận ở
phong cách đa dạng và sức sáng tạo tươi mới. Với học giả, những truyện
ngắn này cho một cái nhìn vào bên trong văn hóa Việt Nam sau đổi mới. Với
người đọc nói chung, đây là những tác phẩm bao quát và đầy nhân văn về

những đề tài như lòng tham, hôn nhân, ly dị, tuổi già; đó là những tác phẩm
về quyền con người, khảo sát tất cả những gì bí ẩn tinh tế của trái tim con
người” [41]. Cũng bàn về tập Trinh tiết xóm Chùa, giáo sư Nguyễn Lân
Dũng, một người “ngoại đạo” với văn chương cũng phải thốt lên: “Đọc xong
16 truyện trong tập sách này lòng tôi đau xót quá. Đành rằng không phải chỗ
nào cũng như xóm Chùa này, nhưng rõ ràng ở nhiều nơi nông thôn hiện đã
không còn bình yên nữa…Những xóm Chùa vẫn hiện diện nơi này nơi nọ với
những biến tướng khác nhau, nhưng đều giống nhau ở sự tha hóa” [18].
Trong bài viết Cảm hứng trào lộng trong văn xuôi sau 1975, tác giả
Nguyễn Thị Bình đã đề cập đến cảm hứng trào lộng biểu hiện thông qua việc
xây dựng các tình huống trào phúng trong văn xuôi sau 1975, tác giả nêu ví
dụ: “Các tác phẩm Thành hoàng làng xổ số, Đất xóm Chùa của Đoàn Lê…
đầy rẫy những tình huống trào phúng” [14] và trong chuyên luận Văn xuôi
Việt Nam 1975 – 1995. Những đổi mới cơ bản, tác giả nhận xét: “…Thành
hoàng làng xổ số, Đất xóm Chùa… là sự phóng đại hiện thực theo con mắt
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 12

6

trào lộng”, còn Người đẹp xóm Chùa “là số phận của nghệ thuật chân chính
trong môi trường phàm tục” [13].
Theo
, Hồ Anh Thái nhận thấy rằng ở Giường đôi
xóm Chùa có sự “xót xa thấm thía, sự hợp tan của một tổ ấm thường ở bên
ngoài ý chí của con người, có khi nó là bất khả tri”. Ở Người đẹp xóm Chùa,
ông phát hiện ra rằng “hiện tại chỉ trong thoáng chốc được đẩy về thành quá
khứ, khoảnh khắc hiện tồn bất chợt nhuốm màu trải nghiệm của cái đẹp đi
qua thời gian trong mối tương tác với thời gian”, còn ở Mẹ và con và thánh
thần, ta thấy “chị tự mổ xẻ theo kiểu không gây mê” [60].
Trên trang web của Tập đoàn tân tạo (Ita expess) có đăng bài viết bình

luận về tập truyện ngắn Người khách đêm giao thừa, trong đó có đoạn “Tập
truyện ngắn “Người khách đêm giao thừa” vẻn vẹn 12 truyện ngắn – 12 lần
tâm linh tác giả run lên dưới cái rét cuộc đời. Những khoảnh khắc tận cùng
của một giây cuối, một lần cuối và một con người đứng bơ vơ rồi đổ bóng
xuống lòng nhân thế. Từng trang văn xuôi xông lên mùi cát bụi, mùi nước
mắt, mùi mồ hôi nghe thật gần gũi thân quen” [35].
Ý kiến của Vũ Thị Huyền về tập truyện …và Sex cho rằng đây là
“mảnh ghép cuộc sống luôn được bà phụng dựng – theo phong cách nào –
vẫn cảm nhận được xã hội hiện đại với những mặt trái của thị trường. Những
gió độc làm tàn úa một vùng văn hóa (A Tourism xóm Chùa). Nền tảng xã
hội, tế bào xã hội – gia đình (Trinh tiết xóm Chùa) lung lay tận gốc. Và đặc
biệt trong chuyện “Mẹ và con và thánh thần” (với lời đề “Tặng con trai tội
nghiệp”), người đọc là tôi phải chùng lòng trước nỗi đau rứt ruột về tình mẫu
tử của người mẹ mất con vì tệ nạn xã hội thay cho một khát vọng vào một kiếp
sau mẹ lại là mẹ, con lại là con” [70].
Trên đây mới chỉ dừng lại ở phạm vi một bài báo hoặc những đánh giá
khái quát nằm trong các tiểu luận mang tính khái quát về văn học. Về cơ bản,
các bài viết, các ý kiến nêu trên đều đánh giá cao Đoàn Lê. Cho đến thời điểm
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 13

7

này vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống và hoàn
chỉnh về truyện ngắn Đoàn Lê. Các bài viết còn lẻ tẻ nhưng là những gợi dẫn
quý báu cho việc tiếp cận và triển khai luận văn của chúng tôi.
3. Mục đích nghiên cứu
Thông qua việc khảo sát, tìm hiểu truyện ngắn Đoàn Lê, luận văn nhằm
mục đích:
3.1. Nhận diện và miêu tả những đặc điểm truyện ngắn Đoàn Lê về nội dung
và nghệ thuật. Đồng thời chỉ ra những nét đặc sắc, riêng biệt của Đoàn Lê

trong cách thể hiện cuộc sống và con người.
3.2. Khẳng định vị trí của Đoàn Lê trong đời sống văn học đương đại và ghi
nhận đóng góp của cây bút nữ này với thể loại truyện ngắn.
4. Đối tượng và Phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đoàn Lê sáng tác nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, Tuy
nhiên, luận văn của chúng tôi chỉ tập trung vào thể loại truyện ngắn.
Trong thể loại truyện ngắn, chúng tôi tập trung khai thác các khía cạnh
về bức tranh hiện thực đời sống và một số phương thức thể hiện nghệ thuật
như: xây dựng tình huống truyện, ngôn ngữ, giọng điệu…
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Trong khuôn khổ của luận văn chúng tôi tập trung vào việc khảo sát 5
tập truyện ngắn sau của Đoàn Lê:
 Thành hoàng làng xổ số (Nhà xuất bản Phụ nữ, 1990)
 Nghĩa địa xóm Chùa (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 1999)
 Trinh tiết xóm Chùa (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2005)
 Người khách đêm giao thừa (Nhà xuất bản Phụ nữ, 2007)
 …và Sex (Nhà xuất bản Thanh niên, 2010)
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 14

8

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ chú ý tới một số truyện ngắn mới nhất,
chưa được tập hợp in thành tập truyện của tác giả như:
 Cụ ngoại và tôi (04 – 2010)
 Con mốc (09 – 2010)
 Vua gái (10 – 2010)
 Mỹ nhân mèo (02 – 2011)
 Tình muộn (05 – 2011)
 Người xiếc chữ (07 – 2011)

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi có sự đối sánh truyện ngắn Đoàn
Lê với một số tác phẩm của nhà văn nữ khác cùng thời.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để phục vụ cho mục đích nêu trên, luận văn này có kết hợp các phương
pháp nghiên cứu như:
5.1. Phương pháp hệ thống
5.2. Phương pháp thống kê, phân loại
5.3. Phương pháp phân tích tổng hợp
5.4. Phương pháp so sánh
6. Nhiệm vụ và đóng góp của luận văn
6.1. Nhiệm vụ
Luận văn triển khai nhằm khẳng định thành tựu của truyện ngắn Đoàn
Lê trên cả phương diện nội dung và nghệ thuật như: Bức tranh hiện thực đời
sống, phương thức xây dựng tình huống truyện, mô tả tâm lý nhân vật, giọng
điệu và ngôn ngữ trần thuật.
6.2. Đóng góp của luận văn
- Nhận diện những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật thể hiện trong
truyện ngắn Đoàn Lê. Từ đó đưa ra một cái nhìn hệ thống về truyện ngắn
Đoàn Lê.
- Ghi nhận vị thế của Đoàn Lê ở thể loại truyện ngắn.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 15

9

- Bước đầu minh chứng được sự phong phú, đa dạng của bức tranh
truyện ngắn nữ đương đại từ cái nhìn của một “mắt xích” truyện ngắn.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, phần Kết luận và Thư mục tham khảo, Nội dung
của luận văn gồm ba chương:
Chương 1: Truyện ngắn Đoàn Lê trong dòng chảy truyện ngắn nữ Việt

Nam sau 1975.
Chương 2: Bức tranh hiện thực đời sống trong truyện ngắn Đoàn Lê
Chương 3: Một số phương thức thể hiện nghệ thuật trong truyện ngắn
Đoàn Lê.



Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 16

10


NỘI DUNG
Chương 1
TRUYỆN NGẮN ĐOÀN LÊ TRONG DÒNG CHẢY
TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM SAU 1975

1.1. Khái lược truyện ngắn Việt Nam sau 1975
1.1.1. Một số vấn đề lý thuyết thể loại.
Văn học Việt Nam kể từ sau 1975 đã bước sang một thời kì mới, với sự
bừng nở của văn xuôi. Đặc biệt là từ giữa thập kỉ 80, khi ý thức văn hoá mới
hình thành, hệ hình giá trị biến đổi thì văn học đã thực sự chuyển sang một
hình thái khác trước, đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử văn học
dân tộc. Văn xuôi đóng vai trò chủ đạo trong bước ngoặt của dòng chảy hiện
đại ấy. Trong đó, truyện ngắn, một thể loại văn học được coi là “xung kích”
của đời sống văn học, một thể loại có tính chất “thuốc thử” đối với hầu hết
nhà văn trên con đường sáng tạo nghệ thuật của mình.
Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung thể loại của Truyện
ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự hay sử
thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn gọn. Bởi truyện ngắn được viết ra để

đọc liền một mạch. Tuy nhiên, mức độ dài ngắn chưa phải là đặc điểm chủ
yếu phân biệt truyện ngắn với các tác phẩm tự sự khác (các loại truyện kể dân
gian cũng có độ dài tương đương với truyện ngắn). Hình hài của truyện ngắn
hiện đại như ta thấy hiện nay là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn cuộc đời,
một cách nắm bắt cuộc sống rất riêng, mang tính chất thể loại. Khác với tiểu
thuyết là thể loại chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn vẹn
của nó, truyện ngắn thường chỉ hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát
hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con
người. Vì thế, trong truyện ngắn thường có ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 17

11

Nếu mỗi nhân vật của tiểu thuyết là một thế giới thì mỗi nhân vật của truyện
ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới ấy. Về cách nắm bắt cuộc sống của thể
loại, truyện ngắn không có tham vọng ôm vào mình một hiện thực rộng lớn,
hoành tráng. “Ngắn ở đây đồng nghĩa với hàm súc, tinh lọc và hay” [63].
Nguyên tắc chưng cất của truyện ngắn không cho phép “dồn ép” hoặc “nhồi
nhét” rút gọn nội dung của một truyện dài, hoặc một hình thức tương đương
như thế, thành truyện ngắn. Truyện ngắn hiện nay được hình thành từ mối
quan hệ con người với hoàn cảnh, mối quan hệ giữa thực chất sâu xa của hiện
tượng với biểu hiện bên ngoài, những mặt này đôi khi lẫn lộn với nhau khiến
người ta khó nhận ra một cách rành mạch.
Từ những sự kiện riêng lẻ trong cuộc sống, những trường hợp cá biệt,
người viết truyện ngắn phải tìm ra một cái gì chung, có ý nghĩa. Việc này
giống như cách làm của người thợ ngọc. Đá thì rất nhiều, nhưng không phải
đá nào cũng có ngọc. Người nghệ sĩ phải biết lựa chọn, rồi lại gia công thế
nào, để cuối cùng làm bật ra vẻ đẹp bấy lâu vẫn ẩn tàng trong đá chết. Các tác
giả truyện ngắn thường hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện
một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay trong đời sống tâm hồn con

người. Ám ảnh và đầy ấn tượng cũng là một trong những cách thức chiếm
lĩnh hiện thực và hấp dẫn người đọc của truyện ngắn. Về tác động của truyện
ngắn, do tính chất cô đúc, truyện ngắn có sức nén và sức công phá cao. Chỉ
cần một ít trang văn xuôi, người viết có thể làm “nổ tung trong tình cảm và ý
nghĩ của người đọc những điều rất sâu xa và da diết của con người, khiến người
đọc phải nhớ mãi, suy nghĩ mãi, đọc đi đọc lại mãi không chán” [38, tr. 148].
Trong truyện ngắn hiện đại, nhiều khi cốt truyện gồm nhiều đường dây
cùng tồn tại, liên quan tới các hiện tượng mà bề ngoài dường như không có gì
liên quan tới nhau. Trong thời đại hiện nay, khi kỹ thuật đã phát triển tới một
trình độ rất cao, nhân loại vẫn luôn luôn phải đối mặt với những vấn đề không
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 18

12

thể giải quyết, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Nhưng chính
trong một thế giới như vậy, văn học lại có điều kiện tìm ra mối quan hệ phức
tạp của các hiện tượng khác nhau. Với đặc trưng hết sức năng động, phản ứng
rất nhanh, dễ điều chỉnh và mau thu được kết quả, thể loại truyện ngắn có thể
dễ dàng theo dõi các qui luật sáng tạo của nhà văn, cùng là theo dõi việc giải
quyết những vấn đề được đề cập tới trong văn học. Bên cạnh đó truyện ngắn
cũng cho phép và khuyến dụ người viết thử nghiệm các phương pháp, hình
thức mới. So với việc phiêu lưu trong một thời gian gian dài với một cuốn
tiểu thuyết, việc “chơi” với một câu chuyện ngắn có lẽ có sức quyến rũ
hơn. Chính trong sự phát triển thể loại truyện ngắn người ta dễ cảm nhận
được sự uyển chuyển và khả năng thích nghi nhanh chóng của nó với thời đại,
với các trào lưu. Truyện ngắn hiện đại ngày nay đã cho thấy khá nhiều cách
tân và thể nghiệm táo bạo, vượt ra ngoài những giới hạn, phá vỡ cấu trúc năm
màn truyền thống, thậm chí truyện mà không có chuyện. Ở truyện ngắn, chi
tiết đóng vai trò rất quan trọng. Nó góp phần tạo dựng cảnh trí, không khí,
tình huống và khắc họa tính cách, hành động, tâm tư, nhân vật. Nhận xét về

điều này, nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định: “Truyện ngắn có thể có cốt
truyện, thậm chí cốt truyện li kì, gay cấn, kể được. Truyện ngắn cũng có thể
chẳng có cốt truyện gì cả, không kể được nhưng truyện ngắn không thể nghèo
chi tiết. Nó sẽ như nước lã” [58].
Sức hấp dẫn của truyện ngắn là ở chỗ nó không tự gói mình trong cái
áo chật hẹp của hình thức và của thể loại, mà luôn chứa đựng sức khai phóng
tiềm tàng. Ngay cả những truyện ngắn được cho là “không có gì để kể”, nó
vẫn có một độ căng hiện thực nhất định và khả năng bùng nổ.
Có thể gọi truyện ngắn là thể loại của thời hiện tại. Bởi cái chính, tác
động của truyện ngắn là tức thời và liền mạch. Nó tạo một lát cắt, bất ngờ đặt
người đọc vào đâu đó giữa lòng cuộc sống rồi cứ thế đẩy anh ta đi tiếp.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 19

13

Truyện ngắn không đòi hỏi người đọc phải bao quát được nhiều tầng của hiện
thực, nó chỉ là một khoảnh khắc được ngưng đọng, một tia sáng được soi
chiếu, thành ra người đọc dễ dàng đến với truyện ngắn trong bất cứ thời gian
nào, bối cảnh nào. Ký ức nó để lại bao giờ cũng tươi rói và đầy ấn tượng,
trong khoảnh khắc ấy, phút giây ấy. Cho nên, không đầy sự hoài vọng như
thơ hay tùy bút, không vươn mình kể những gì dài rộng như tiểu thuyết,
truyện ngắn thản nhiên bày biện một cách gọn ghẽ một hiện tại hiện tồn.
Dường như, truyện ngắn là thể loại thích hợp hơn cả để thể hiện những đoạn
cắt cuộc đời. Bởi quá khứ đã trôi qua, tương lai thì chưa tới, những mảnh vụn
tâm tình chỉ có thể dành cho hiện tại.
Hơn thế, trong nhịp sống hối hả ngày nay, con người có chút ít thời
gian để lật vội những trang báo, tạp chí hay kích chuột trên màn hình vi tính
để tìm đọc những sáng tác văn chương, truyện ngắn trở thành thể loại “hợp
thời” và cần thiết cho công cuộc duy trì văn hóa đọc của quần chúng.
1.1.2. Bối cảnh lịch sử - thẩm mĩ của văn học Việt Nam sau 1975

Mùa xuân năm 1975, chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh kết thúc cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chấm dứt sự chia cắt đất nước. Sự kiện này
mở ra một thời kỳ mới của xã hội và lịch sử dân tộc Việt Nam cùng những cơ
hội và thách thức mới ở phía trước.
Khi khúc khải hoàn vừa tấu xong, khi xúc cảm mãnh liệt về chiến công
tạm lắng xuống, thực trạng của đất nước sau chiến tranh với tất cả những đổ
nát, ngổn ngang, nhức nhối của nó đòi hỏi một sự nhận thức mới, sự đối mặt
với những vấn đề phức tạp đang diễn ra. Từ thời chiến bước sang thời bình,
hiện thực cuộc sống mở ra bao điều phức tạp, con người cũng có những thay
đổi trong tâm tư, tình cảm: trong kháng chiến, tất cả hướng về cái chung,
đồng lòng, đồng sức hướng về chiến thắng. Giờ đây, cuộc sống đầy lo toan,
tính toán buộc con người phải căng mình lên đối mặt với những khó khăn,
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 20

14

những vun vén cá nhân. Các giá trị cao cả về xã hội, đạo đức, lối sống trong
chiến tranh bền vững thì đến giờ ít nhiều đã bắt đầu lung lay, rạn nứt. Các
chuẩn mực giá trị mới đang phôi thai từng bước hình thành. Đời sống văn hóa
– tư tưởng vào những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ đứng trước diễn
biến không ổn định. Những tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường và việc
mở cửa, hội nhập làm nảy sinh tâm lý thực dụng, sùng ngoại, chạy theo lối
sống hưởng thụ vật chất, coi nhẹ các giá trị tinh thần của cộng đồng. Hiện
thực xã hội khiến con người chán nản, mất niềm tin, không có động lực để
phấn đấu.
Đứng trước những bất cập, những vấn đề nhức nhối, bức xúc của xã hội
hiện thực cuộc sống như muốn phá vỡ khuôn khổ vốn chật hẹp, bức bối của
nó. Đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế xã hội, như
PGS.TS Phan Trọng Thưởng nhận định: “Mười năm sau chiến tranh, cơ chế
quan liêu bao cấp đã đến lúc bộc lộ hết những hậu quả nặng nề của nó trên

mọi mặt của đời sống chính trị - xã hội. Hàng loạt chủ trương, chính sách đã
tỏ ra lỗi thời. Những quy luật đặc thù của đời sống chiến tranh đã hết hiệu
lực, không còn phù hợp với trạng thái phát triển của đất nước trong điều kiện
lịch sử mới”. Vậy nhu cầu đổi mới được đặt ra khẩn thiết và cấp bách.
Để khắc phục những sai lầm, khiếm khuyết, đưa đất nước vượt qua
cuộc khủng hoảng và đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đại
hội Đảng toàn quốc lần VI đã đề ra đường lối đổi mới đất nước trong thời kỳ
quá độ. Có thể xem đây là bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. “Đối với các
nước xã hội chủ nghĩa anh em, đổi mới là con đường vươn lên đáp ứng đòi
hỏi của thời đại, đối phó thắng lợi với mọi thử thách, đáp ứng những nhu cầu
ngày càng cao của nhân dân. Đối với đất nước ta, đổi mới có ý nghĩa sống
còn". (Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần VI 1987), với phương châm đổi
mới đồng bộ và toàn diện, và tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 21

15

sự thật, nói rõ sự thật, Đảng ta đã nghiêm khắc tự phê bình những chủ trương,
chính sách sai lầm, chủ quan, duy ý chí, đề ra đường lối phát triển nền kinh tế
hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ cơ chế
quản lý tập trung quan liêu bao cấp, hình thành cơ chế thị trường, kế hoạch
hoá theo phương châm hạch toán kinh doanh nhằm đưa đất nước ra khỏi
khủng hoảng, đi vào ổn định, phát triển. Giống như một cuộc lột xác đau đớn
để trưởng thành mạnh mẽ, đất nước ta đã chuyển mình để bắt kịp với quy luật
của sự phát triển. Những chuyển biến ấy đã tác động sâu sắc đến sự phát triển
của văn học nghệ thuật.
Văn học - hoạt động tư duy tinh tế, sâu sắc và mẫn cảm với hiện thực
đã được đặt lên hàng đầu trong công cuộc đổi mới. Tâm điểm của công cuộc
đổi mới là con người. Đáp ứng nhu cầu lịch sử, văn học đã tự nhận thức được
sứ mệnh của mình: công cụ quan trọng để hoàn thiện nhân cách con người.

Đổi mới văn học đã góp phần hình thành bộ mặt văn hóa xã hội trong thời kỳ mới.
Tư duy nghệ thuật cũ ngày càng tỏ ra không thích hợp với thời kỳ mới.
Sự chuyển đổi của tư duy nghệ thuật đã làm cho mối quan hệ giữa văn học và
hiện thực có sự thay đổi về chất. Suốt 30 năm chiến tranh, dường như nhà văn
chưa có điều kiện, thời gian để nghiền ngẫm, suy tư, để quan sát hiện thực từ
nhiều phía. Khi chiến tranh đã lùi lại phía sau, nhà văn mới có điều kiện để
quan sát, nhìn nhận nó trong tính toàn diện và nhiều mặt của sự kiện. Vấn đề
chiến tranh, số phận, đạo đức, nhân cách, những kiểu tư duy, làm ăn cũ đều
được nhìn nhận lại với ý nghĩa nhân văn mới. Và cùng với sự mở rộng giao
lưu, hội nhập văn hóa nhân loại, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công
nghệ, văn học cũng đã thực sự bước vào chặng đường đổi mới chính mình
theo xu hướng phát triển của thời đại.
Như vậy nhu cầu tự thân của văn học và nhu cầu xã hội đã dẫn đến đổi
mới văn học. Đổi mới văn học là một tất yếu lịch sử.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 22

16

1.1.3. Truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Truyện ngắn với ưu thế đặc biệt của thể loại luôn tỏ ra nhạy bén với cái
mới do tác động của điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội. Trong điều kiện hoàn
cảnh mới của đất nước sau 1975, thể loại nhạy cảm này chắc chắn có những
thay đổi quan trọng. Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng trong công trình Truyện
ngắn, những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại cũng khẳng định sự thành
công của truyện ngắn sau 1975: “ truyện ngắn phát triển mạnh mẽ cả về số
lượng và chất lượng”, “truyện ngắn có bước đột khởi nhờ vào ngọn gió lành
của công cuộc đổi mới” [64].
Khác với trước 1975, do tác động của điều kiện hoàn cảnh chiến tranh
và yêu cầu của Đảng về một nền văn nghệ cổ vũ, động viên cho hai cuộc
kháng chiến giải phóng dân tộc, văn học nói chung, truyện ngắn nói riêng

mang đặc trưng “ký hoá” và “sử thi hoá” rõ nét. Truyện ngắn Việt Nam sau
1975 tập trung nghiên cứu hiện trạng tinh thần xã hội sau chiến tranh – đó là
hiện trạng phức tạp và đa dạng đan xen các mặt tích cực và tiêu cực. Tính
chất phức tạp của đời sống tinh thần xã hội là kết quả tất yếu của hậu chiến
tranh, của đời sống kinh tế khó khăn, của sự xâm nhập các trào lưu tư tưởng
từ bên ngoài vào. Nhìn chung các nhà văn đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự
thật, không né tránh và viết về sự thật. Chuyện “đời thường” vì thế nổi trội
trong đa số truyện ngắn giai đoạn này, thậm chí đã hình thành một quan niệm
“văn học thế sự”. Nhà văn có thể viết tất cả mọi chuyện: Nỗi cô đơn, sự đau
khổ về thể xác và tinh thần của con người, niềm vui và sự đắng cay của cuộc
đời, sự trung thành và sự phản bội…
Truyện ngắn thời kỳ đổi mới đã xuất hiện một khuynh hướng khá nổi
bật là khuynh hướng nhận thức lại quá khứ. Sau chiến tranh, nhu cầu được nói
thẳng, nói thật đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết và điều này được cổ vũ bởi
tinh thần dân chủ của đời sống. Trong cảm quan sáng tác của các nhà văn lúc
này đã có ý thức lật xới lại vấn đề của lịch sử, hay nhìn thực tại với góc độ mới.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 23

17

Hiện thực chiến tranh và người lính thời kỳ này giống như một cỗ xe
khổng lồ đang chạy theo quán tính vượt qua ranh giới lịch sử vẫn được trở lại
tiếp tục khai thác nhưng với cách tiếp cận mới. Chất giọng sử thi nhạt dần và
có thêm những giọng điệu mới từ giọng điệu thâm trầm trong Cỏ lau (Nguyễn
Minh Châu), Bản lý lịch tự thuật (Y Ban), Thời gian (Cao Duy Thảo),… đến
chất giọng xót xa với Người sót lại của rừng cười (Võ Thị Hảo), Người ở bến
sông Châu (Sương Nguyệt Minh),… Từ nhiều góc nhìn và sự thể hiện khác
nhau về sự đa đoan của con người, sự đa sự của cuộc sống, các truyện ngắn
viết về chiến tranh đã có sự phối âm của nhiều chất giọng. Điều đó tạo nên
tính đa sắc cho bức tranh cuộc sống con người thời hậu chiến, với những

gương mặt như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Lê Lựu,
Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Thị Thu
Huệ, Phan Thị Vàng Anh,…
Không khí đổi mới - dân chủ tác động mạnh mẽ đến đời sống văn học
nghệ thuật, đến các chủ thể sáng tạo. Con người trở thành đối tượng hàng đầu
trong cảm hứng sáng tác của các văn nghệ sĩ. Con người được mô tả như một
thực thể của những cái đã biết và những cái chưa biết – những “cái con
người” trong con người. Con người nếm trải với những vấn đề đời tư, bản thể,
tự do luyến ái, đời sống tình dục được các nhà văn khai thác không né tránh,
ngại ngùng ở cả các mặt trái, góc khuất, phần chìm của hiện thực. “Chưa bao
giờ, con người với tất cả quan hệ xã hội của nó, thân phận và cuộc đời của nó
được phản ánh một cách sinh động và phong phú như trong giai đoạn hiện
nay” (Bích Thu). Con người được phản ánh trong văn học với cái nhìn đa
diện, đa chiều và được đặt trong mối quan hệ với các yếu tố xã hội phức tạp,
phong phú (Nhân vật của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải….). Trong văn
xuôi xuất hiện nhân vật tự thú (con người tự phê phán, khác giai đoạn trước:
con người bị phê phán), nhân vật trí thức (tự khám phá, mổ xẻ nội tâm của
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 24

18

mình)… Bên cạnh đó, nhà văn đã đặt con người trong đời sống tinh thần, tình
cảm, đời sống tự nhiên, bản năng, giúp con người hiện ra toàn vẹn hơn, chân
thực hơn không chỉ với những khát vọng cao cả mà cả những dục vọng tầm
thường… Cái nhìn nhiều chiều kích và nhân bản ấy giúp nhà văn có những
nhận thức mới mẻ về con người. Đó là quan niệm về thiện - ác (“Đôi lúc,
con người ta trở nên tàn ác một cách rất hồn nhiên” - Đứa ăn cắp - Nguyễn
Minh Châu); là sự phát hiện về con người bí ẩn (Thiếu phụ chưa chồng -
Nguyễn Thị Thu Huệ, Một khái niệm tình yêu - Chu Lai, Chuỗi hạt của con
cáo - Phạm Thị Ngọc Liên …), con người tự nhiên (Người sót lại của rừng

cười - Võ Thị Hảo, Tân cảng - Nguyễn Thị Thu Huệ…); con người cô đơn
(Tướng về hưu - Nguyễn Huy Thiệp, Lạc thời - Nguyễn Khải, Cam ngọt - Phạm
Sông Hồng,…); con người tâm linh (Dị hương – Sương Nguyệt Minh,…);…
Tóm lại truyện ngắn sau 1975 tuy có khác nhiều so với truyện ngắn giai
đoạn 1945 - 1975 nhưng nó vẫn phát triển trên cái nền của những thành tựu
truyện ngắn 1945 - 1975 đã đạt được. Ngay những nhược điểm, những hạn
chế không thể tránh khỏi của giai đoạn trước cũng giúp cho kinh nghiệm nghệ
thuật của giai đoạn sau. Nhìn tổng thể, sự vận động của truyện ngắn sau 1975
đã diễn ra giống như một cuộc “nhận đường” toàn diện và sâu sắc: từ ý thức
nghệ thuật đến hành vi sáng tạo, từ tư tưởng đến thi pháp. Sự vận động ấy
hướng mạnh mẽ đến những nỗ lực cách tân nhằm đổi mới thể loại. Về mặt
hình thức, truyện ngắn Việt Nam sau 1975 đổi mới rõ rệt ở các phương diện:
dạng thức cấu trúc cốt truyện, trần thuật và ngôn ngữ truyện. Những cách tân
ấy đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho truyện ngắn Việt Nam.
1.2. Khái lược về thế hệ nhà văn nữ Việt Nam sau 1975
1.2.1. Sự nối tiếp của nhiều thế hệ cầm bút
Văn học Việt Nam những năm gần đây xuất hiện một đội ngũ đông đảo
các nhà văn nữ như: Lê Minh Khuê, Đoàn Lê , Lý Lan, Nguyễn Thị Thu Huệ,
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 25

×