Tải bản đầy đủ (.doc) (16 trang)

TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA ARIXTỐT GIÁ TRỊ VÀ HẠN CHẾ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (215.65 KB, 16 trang )

TIỂU LUẬN TRIẾT HỌC
TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA ARIXTỐT
VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ
Người thực hiện : Nguyễn Phi Hùng
STT : 64
Lớp : CHKT K21 – Đêm 5
GVHD : TS. Bùi Văn Mưa
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
PHÒNG QUẢN LÝ ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU 2
TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA ARIXTỐT TRONG CÁC LĨNH VỰC 3
GIÁ TRỊ VÀ HẠN CHẾ CỦA TƯ TƯỞNG ARIXTỐT 9
KẾT LUẬN 14
TÀI LIỆU THAM KHẢO 15
PHẦN MỞ ĐẦU
Trong nền triết học và khoa học cổ Hy Lạp, Arixtốt được đánh giá là nhà triết
học và là nhà bách khoa toàn thư vĩ đại nhất. Ông viết nhiều tác phẩm về mọi đề tài,
về mọi lĩnh vực khoa học đương thời, đã để lại cho nhân loại một hệ thống tri thức
đồ sộ và có ảnh hưởng sâu rộng về nhiều mặt đến đời sống của nhân loại, đặc biệt là
lôgích học. Sự nổi bật về các nghiên cứu khoa học sáng tạo và thực tiễn đã đưa
Arixtốt trở thành một trong những triết gia tầm cỡ thế giới, có ảnh hưởng sâu rộng
đến nền học thuật của nhân loại.
Bằng những kiến thức đúc kết trong quá trình học tập cùng việc tìm tòi tổng
hợp những tư liệu về lịch sử triết học đặc biệt là triết học phương Tây, các luận đề,
về triết học Mác – Lênin và quan trọng hơn cả là về tư tưởng triết học Arixtốt với
phương pháp khảo cứu và trích dẫn, người viết đã khái quát “Tư tưởng triết học
của Arixtốt và những giá trị, hạn chế”, thông qua đó nêu bật lên những ưu điểm
trong tư tưởng của Arixtốt về siêu hình học, về sự vận động, nhận thức luận, lôgích
học, nhân bản học, chính trị - xã hội, đạo đức, thẩm mỹ, kinh tế học và giá trị đóng


góp của những tư tưởng ấy cho tri thức nhân loại. Phương pháp luận và khả năng tư
duy cao siêu của ông đã đặt nền móng cho triết học thế giới, đồng thời đã mở ra
hướng nghiên cứu cho nhiều ngành khoa học, có giá trị đóng góp không chỉ ở đương
thời mà còn ở hiện tại và tương lai. Bên cạnh đó, đề tài cũng đã nêu lên những hạn
chế trong tư tưởng của Arixtốt như sự dao động giữa lập trường duy vật và duy tâm
trong các quan niệm, một số tư tưởng của ông còn mang tính cảm tính hay ông vẫn
quan niệm nô lệ không phải là con người mà chỉ là công cụ sống biết nói…, một số
hạn chế trong đó là do hoàn cảnh lịch sử tác động.
Thông qua đề tài, người viết bày tỏ sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn đối với triết
gia Arixtốt và lòng yêu mến đối với sự minh triết của nhân loại. Dù có những hạn
chế nhất định nhưng không ai phủ nhận trí tuệ bách khoa và sự đóng góp vĩ đại của
ông đối với triết học nói riêng và tri thức nhân loại nói chung.
CHƯƠNG 1
TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA ARIXTỐT TRONG CÁC LĨNH VỰC
1.1. Thuyết nguyên nhân – cơ sở siêu hình học
Siêu hình học theo Arixtốt là sự tiếp tục của sinh lý học, tất cả mọi vật trong
vũ trụ đều tiến hóa do một sức mạnh nội tâm, mỗi một thực thể có thể được xem như
một hình thể do một nguyên thể mà phát sinh ra. Nếu chúng ta lần mãi vào nguồn
gốc của nguyên thể sẽ tìm thấy một ý niệm về nguyên thể mà không có hình thể (tức
là Thiên chúa).
Trong tác phẩm nhan đề Siêu hình học của mình, Arixtốt tập trung khai triển
một loại tri thức mà ông gọi là Minh triết (hay sự khôn ngoan). Theo ông tri thức có
những cấp bậc khác nhau, và Siêu hình học nghiên cứu về cấp trừu tượng cao nhất.
Đây là tri thức trừu tượng vì nó nói về cái phổ biến chứ không nói về cái riêng.
Trong khi các khoa học khác đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Các nguyên lý và
nguyên nhân đầu tiên của sự vật như thế nào và tại sao?” thì Siêu hình học của
Arixtốt lại quan tâm đến vấn đề “Tồn tại nghĩa là gì?”.
Arixtốt cho rằng, tồn tại nói chung phải xuất phát từ bốn nguyên nhân cơ
bản: (1) vật chất (vật liệu), (2) hình thức (hình dạng), (3) vận động (thao tác) và (4)
mục đích (cứu cánh); trong đó, hình thức và vật chất giữ vai trò quan trọng nhất (nhị

nguyên luận), và “thực thể là sự tổ hợp của vật chất và hình thức”
1
. Tuy nhiên, ông
cho rằng hình thức có vai trò quyết định hơn so với vật chất, hình thức là thực chất
của tồn tại, là bản chất tích cực của sự vật; nó chứa trong mình vận động và mục
đích. Nhờ tính tích cực của hình thức mà mọi sự vật vận động được; còn vận động
của sự vật là một quá trình khách quan diễn ra theo những trình tự xếp đặt trước.
1.2. Thuyết vận động – cơ sở vật lý học
Arixtốt cho rằng giới tự nhiên là toàn bộ các sự vật, quá trình luôn vận động
có liên hệ với nhau và được cấu thành từ một bản thể vật chất. Vận động không thể
bị tiêu diệt và cũng không thể tách ra khỏi sự vật, quá trình tự nhiên. Ông cho rằng
nguyên nhân của sự vận động nằm ở bên ngoài sự vật, ban bố cho sự vật những sinh
lực khởi động ban đầu. “Có 6 hình thức vận động là (1) phát sinh, (2) tiêu diệt, (3)
thay đổi trạng thái, (4) tăng, (5) giảm và (6) di chuyển vị trí. Arixtốt đã dừng lại
1
SAMUEL ENOCH STUMPF, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy (dịch), “Lịch sử triết học và các
luận đề”, Hà Nội, nhà xuất bản Lao Động, 2006, Tr. 79.
trước quan niệm vận động tự thân của vật chất mà thừa nhận cái hích đầu tiên của
Thượng đế nằm bên ngoài giới tự nhiên là nguồn gốc thần thánh của mọi vận động
xảy ra trong giới tự nhiên”
2
.
Theo Arixtốt, vũ trụ là hữu hạn, liên tục và khép kín trong không gian nhưng
vĩnh viễn về thời gian. Ông quan niệm có một loại nguyên tử thứ 5 mà ông gọi là ete
(éther) cùng kết hợp với 4 hành chất: đất, nước, lửa và không khí cùng cấu tạo nên
sự vật. Như vậy Vật lý học của Arixtốt là sự trộn hoà giữa duy tâm và duy vật. Ông
đã đặt nền móng cho thuyết vũ trụ địa tâm.
1.3. Nhận thức luận
Học thuyết của Arixtốt về tri thức được xây dựng trên nền tảng quan niệm về
thế giới của ông. Tác phẩm Siêu hình học mở đầu bằng luận điểm “tất cả mọi

người, về bản tính đều khát vọng tới trí thức”. Lý luận nhận thức của Arixtốt là đỉnh
cao của sự phát triển các tư tưởng nhận thức luận thời cổ đại. Ông coi nhận thức là
quá trình khám phá ra chân lí đích thực về bản chất sự vật.
Arixtốt đề cao vai trò của nhận thức cảm tính, nó đem lại cho ta những hiểu
biết xác thực và sinh động về sự vật đơn nhất. Ông khởi xướng nguyên lý
Tabularasa (nguyên lý tấm bảng sạch) – coi linh hồn con người khi mới sinh ra hoàn
toàn không có tri thức – đối lập với tư tưởng của Platông coi nhận thức là quá trình
hồi tưởng lại. Theo Arixtốt nhận thức cảm tính là giai đoạn đầu tiên, là điểm xuất
phát của mọi quá trình nhận thức.
Tiếp sau là nhận thức kinh nghiệm. Đó là hàng chuỗi những liên tưởng về
cùng một sự vật hay nhóm các sự vật nhất định. Và cao hơn kinh nghiệm là nhận
thức nghệ thuật mà nền tảng của nó là thực tiễn của con người. Nó đem lại những tri
thức mang tính khái quát hơn so với các dạng nhận thức trên.
2
Bùi Văn Mưa (chủ biên), “Triết học phần 1: Đại cương về lịch sử triết học”, thành phố Hồ Chí
Minh, Tiểu ban Triết học trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, 2011, Tr. 111 – 112.
Dạng nhận thức cao nhất là nhận thức khoa học, trong đó triết học là tối cao.
Nó là hoạt động trí tuệ đem lại cho chúng ta những tri thức lý luận có tính khái quát
cao. Dưới con mắt của Arixtốt, khoa học là một hệ thống tri thức phức tạp. Ông là
người đầu tiên khởi xướng vấn đề phân loại các khoa học – điều vô cùng cần thiết
trong sự phát triển của nhận thức con người.
1.4. Lôgích học
Arixtốt là người sáng lập ra lôgích học hình thức và là người khám phá ra các
qui luật cơ bản của tư duy lôgích như qui luật đồng nhất (A = A), qui luật cấm mâu
thuẫn (A # > A), qui luật loại trừ cái thứ ba (hoặc A hoặc > A).
Trong lôgích học của mình, Arixtốt quan niệm để chuyển những suy tư của
chúng ta về sự tồn tại và hoạt động của sự vật thì ngôn từ chính là phương tiện
truyền tải quan trọng nhất. Ngôn ngữ là công cụ để phát biểu những tư duy khoa
học. Vì thế lôgích học là sự phân tích về ngôn ngữ, về tiến trình suy luận và về cách
thức mà ngôn ngữ và suy luận liên quan đến thực tại. Do rất quan tâm đến sự chặt

chẽ của hệ thống lý luận và “thích thú với cắt nghĩa chứng minh”
3
, Arixtốt đã khai
triển cách suy luận diễn dịch và xây dựng nên học thuyết Tam đoạn luận nổi tiếng
(nếu A thuộc B, B thuộc C, thì A thuộc C).
Lôgích học của Arixtốt không chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp mà còn bao
hàm cả học thuyết của ông về các phạm trù, thể hiện như là phương pháp luận xuyên
suốt mọi lĩnh vực thế giới quan của ông. Bản thân Thượng đế, dưới con mắt của
Arixtốt là một nhà lôgích lý tưởng. Arixtốt đã xây dựng nên hệ thống các phạm trù
như những hình thức của tư tưởng: (1) bản chất, (2) số lượng, (3) chất lượng, (4)
quan hệ, (5) vị trí, (6) thời gian, (7) tình trạng, (8) chiếm hữu, (9) hành động và (10)
chịu đựng.
1.5. Nhân bản học
3
TED HONDERICH (chủ biên), Lưu Văn Hy (dịch), “Hành trình cùng triết học”, Hà Nội, nhà xuất
bản Văn Hóa Thông Tin, 2006, Tr. 80.
Khi nhắc đến con người thì Arixtốt cho rằng đó là sự gắn kết của linh hồn và
thể xác, trong sự kết hợp này thì linh hồn giữ vai trò chủ đạo. Theo Arixtốt cả linh
hồn và thể xác không thể tồn tại thiếu nhau, nhưng không đồng nhất là một.
Arixtốt phân biệt ba loại linh hồn để diễn tả ba cách tổ chức khác nhau của
một cơ thể là Thảo hồn (linh hồn thực vật), Giác hồn (linh hồn động vật) và Linh
hồn (linh hồn lý tính). Chúng biểu hiện các khả năng hoạt động khác nhau của một
cơ thể: Thảo hồn chỉ là chức năng sống đơn thuần, có khả năng tự nuôi dưỡng và
sinh sản; Giác hồn là sống bằng cảm giác, có khả năng cảm ứng đối với môi trường
xung quanh thông qua các biểu tượng cảm tính, qua nhu cầu và vận động; Linh hồn
là linh hồn lý tính, có khả năng nhận thức, làm chủ được các quá trình tư duy của
nó, là dạng linh hồn cao nhất và chỉ có duy nhất ở con người. Arixtốt cho rằng trong
thể xác con người có đủ ba loại linh hồn trên, khi con người chết đi linh hồn thực vật
và linh hồn động vật mất đi cùng với sự tan rã của thể xác nhưng linh hồn lý tính
chứa tri thức vẫn tồn tại bất diệt. Theo ông, con người là một sinh thể có lý trí.

1.6. Học thuyết chính trị - xã hội
Arixtốt coi chính trị là sự khai triển đạo đức vào trong đời sống xã hội, ông
vận dụng thuyết trung dung xây dựng lý luận về nhà nước. Cũng như trong đạo đức
học, Arixtốt lại một lần nữa nhấn mạnh yếu tố mục đích. Nhà nước cũng như con
người được Arixtốt gắn với nhau rất chặt chẽ, nhà nước là một hình thức giao tiếp
cộng đồng cao nhất, trên cả gia đình, dòng họ, làng xã. Con người về bản chất phải
thuộc về nhà nước, chỉ có động vật thuần túy hay Thượng đế mới tồn tại bên ngoài
nhà nước. Nhà nước không phải là hiện thân của sự thống trị mà sứ mệnh của nhà
nước là đảm bảo hạnh phúc và công lý cho mọi người, trừ nô lệ.
Trong các hình thức nhà nước, Arixtốt ủng hộ chế độ quân chủ, theo ông đó
là nhà nước thần thánh và ưu việt. Ngược lại ông lên án nhà nước của bạo chúa là
nhà nước trái với bản chất con người. Với Arixtốt, xét đoán một nhà nước không
phải ở hệ thống tổ chức của nó mà ở những phúc lợi mà nó mang lại cho toàn thể xã
hội. Bởi thế bản thân Arixtốt vẫn thích chế độ quí tộc hơn. Trong chế độ quý tộc,
việc cai trị do một nhóm người có trình độ, tài năng và của cải khiến họ có trách
nhiệm và năng lực lãnh đạo hơn. Về mặt chính trị, ông bảo vệ lợi ích cho tầng lớp
chủ nô trung lưu của chính mình.
1.7. Đạo đức học và bản chất của hạnh phúc
Arixtốt coi đạo đức học là sự mở rộng nhận thức vào lĩnh vực hành vi con
người. Ông nhấn mạnh con người là một sinh vật như mọi sự vật khác trong thiên
nhiên chứ không phải thần thánh, nó có bản năng sống của nó, có một “mục đích”
đặc trưng phải đạt tới hay một chức năng phải hoàn thành, vì vậy hạnh phúc của nó
ở ngay trần gian này chứ không phải ở một thế giới vĩnh viễn, siêu cảm đầy thần bí
như của Platông.
Đạo đức là cái vốn có của con người, trong đó quan trong nhất là phẩm hạnh.
Arixtốt cho rằng: ngu dốt, sai lầm là nguồn gốc của cái ác; lý trí và lẽ đời thường là
cơ sở của điều thiện, là nền tảng của phẩm hạnh của con người. Phẩm hạnh của mỗi
con người được biểu hiện trong quan niệm và thái độ đối với hạnh phúc cũng như
những hành động trong điều kiện không có sự giám sát của người khác, ông chia
phẩm hạnh ra làm hai loại:

(1) Phẩm hạnh lý tính (phẩm hạnh trí tuệ): là sự khôn ngoan triết học và hiểu
biết, phát sinh và tăng trưởng nhờ dạy dỗ và học tập. Người có phẩm hạnh lý
tính là người có tri thức kinh nghiệm, định hướng và làm chủ được đời sống
của mình.
(2) Phẩm hạnh luân lý: phát sinh do tập quán. Mọi phẩm hạnh luân lý phải được
học và thực hành, và trở thành đức hạnh qua hành động. Các phẩm hạnh luân
lý cốt yếu là: can đảm, tiết độ, công bằng, khôn ngoan, cao thượng, hào
phóng, bằng hữu và tự trọng.
“Arixtốt cho rằng hạnh phúc là sự phát triển hoàn toàn đầy đủ các đức tính
của con người. Đức tính nổi bật của loài người là khả năng suy luận, chính nhờ đức
tính này mà loài người đứng trên tất cả loài vật khác. Chính vì vậy mà khả năng suy
luận một khi được phát triển hoàn toàn đầy đủ sẽ đem đến hạnh phúc hoàn toàn cho
con người”
4
.
1.8. Thẩm mỹ học và những tư tưởng kinh tế học của Arixtốt
Cơ sở lý luận của Mỹ học Arixtốt là quan niệm về sự thống nhất giữa vật chất
và hình dạng. Nghệ thuật không phải là ý niệm mà là toàn bộ hoạt động vật chất và
sản phẩm tạo ra trong quá trình hoạt động đó của con người. Do vậy nhiệm vụ của
nghệ thuật là phản ánh hiện thực thông qua sự mô phỏng, bắt chước. Ông khẳng
định nghệ thuật mô phỏng thiên nhiên và truyền đạt thông tin về thiên nhiên. Mỗi
dạng nghệ thuật có cách mô phỏng và bắt chước riêng. Trong nghệ thuật, ông đề cao
thơ ca.
Về kinh tế học: Arixtốt lần đầu tiên trong lịch sử đã hiểu được hình thức giá
trị của trao đổi. Ông cũng đã nghiên cứu những hiện tượng của đời sống xã hội như:
phân công lao động, hàng hóa, trao đổi, phân phối và tìm ra mối liên hệ giữa trao
đổi với phân công lao động, sự phân ra gia đình nguyên thủy thành những gia đình
nhỏ. Khi nghiên cứu trao đổi, Arixtốt đã tiếp cận đến hai hình thức sở hữu: tự nhiên
và không tự nhiên; đồng thời cũng phát hiện ra tính hai mặt của giá trị. Tư tưởng
độc quyền và giá cả độc quyền cũng đã xuất hiện trong học thuyết về kinh tế của

ông.
CHƯƠNG 2
GIÁ TRỊ VÀ HẠN CHẾ CỦA TƯ TƯỞNG ARIXTỐT
2.1. Những giá trị của tư tưởng Arixtốt
Arixtốt trở thành người đầu tiên tổng kết và hệ thống hóa tư tưởng triết học
trong lịch sử triết học Hy Lạp cổ đại theo nghĩa rộng của từ này. Còn theo nghĩa
hẹp, Arixtốt là người đầu tiên phân loại tri thức khoa học, mặc dù đó mới chỉ là ban
4
WILL JAMES DURANT, Trí Hải và Bửu Đích (Dịch) “Câu chuyện triết học”, thành phố Hồ Chí
Minh, Viện Đại học Vạn Hạnh, 1971, Tr. 36.
đầu, còn rất sơ khai. Xét ở quan hệ này, có thể nói, Arixtốt là bậc tiền bối của
Hêghen. Bởi vì, những điểm cơ bản trong quan điểm lịch sử triết học của Hêghen
không phải là cái gì khác, mà chính là sự hoàn thiện những ý tưởng của Arixtốt đã
phác thảo 23 thế kỷ trước đó.
Arixtốt là người sáng lập lịch sử triết học Hy Lạp cổ đại, các tác phẩm của
ông là nguồn gốc để nghiên cứu lịch sử triết học thời ấy. Arixtốt đã định nghĩa triết
học là khoa học, đánh giá cao ý nghĩa và giải thích khá sâu sắc nguồn gốc nhận thức
và nguồn gốc xã hội của triết học. Sự giải thích của ông về vấn đề này cho đến tận
ngày nay có nhiều luận điểm vẫn còn hợp lý, có giá trị thời sự. Hêghen và sau này là
C. Mác, Ăngghen, Lênin đều đánh giá cao vai trò và ý nghĩa triết học của Arixtốt.
Lôgích phát triển triết học của Cantơ, Hêghen, của Mác, Ăngghen và Lênin đều xuất
phát từ các bậc tiền bối như Arixtốt. Vượt lên những người đương thời, Arixtốt đã
sử dụng phương pháp lôgích để diễn đạt quan điểm của mình.
Arixtốt là người đầu tiên đã đưa ra một hệ thống các phạm trù. Đây là điểm
khởi đầu cho tất cả các học thuyết tiếp theo về phạm trù. Nó chiếm một vị trí rất
quan trọng trong lịch sử triết học và ngày nay nhiều phạm trù của nó vẫn còn giữ
nguyên giá trị bởi vì đó là những phạm trù cơ bản nhất trong tư duy của nhân loại.
Nhằm hệ thống hóa và phân loại tri thức khoa học, Arixtốt đã thu thập một
khối lượng lớn các tài liệu lịch sử triết học, kể cả tài liệu của chủ nghĩa duy vật và
của chủ nghĩa duy tâm, đồng thời sử dụng phương pháp lôgích – lịch sử để tổng hợp

và phân loại các tài liệu ấy. Công lao của Arixtốt không chỉ là tổng kết lịch sử triết
học thời ấy, mà quan trọng hơn là tìm ra một phương pháp mới phương pháp thống
nhất lôgích – lịch sử trong nghiên cứu lịch sử triết học. Arixtốt không chỉ nghiên
cứu những quy luật lôgích của tư duy con người, mà còn xác lập phong cách khoa
học để xem xét các vấn đề triết học, phê phán những sai lầm trong học thuyết “Con
số” của Pytago, học thuyết “Ý niệm” của Platông, chống lại sự đồng nhất cái tồn tại
và cái không tồn tại của Pắcmênít. Tên tuổi của Arixtốt gắn liền với việc nghiên cứu
các hiện tượng và những sự kiện diễn ra ở những điểm khác nhau trong mối quan hệ
với không gian và vận động như một quá trình tạo lập và huỷ diệt, sáng tạo và phá
huỷ. Quan niệm của ông là đúng, bởi sự sinh thành, phát triển và diệt vong của vạn
vật đều tuân theo quy luật khách quan, không ai có thể làm trái quy luật hoặc đi
ngược lại lịch sử.
Nhìn chung nhận thức luận của Arixtốt chứa đựng các yếu tố cảm giác luận
và kinh nghiệm luận có khuynh hướng duy vật.
Nghiên cứu “Siêu hình học” của Arixtốt, chúng ta thấy ông coi lịch sử của tư
tưởng triết học chính là lịch sử con người đi tìm chân lý. Theo ông, tìm chân lý
trong một mối quan hệ là rất khó, nhưng trong nhiều mối quan hệ thì dễ hơn. Việc
tìm chân lý trong lịch sử xã hội không thể dựa vào một vài sự kiện, mà cần phải có
sự khảo sát công phu từ nhiều góc độ khác nhau với nhiều sự kiện khác nhau.
Arixtốt là người đại diện cho điểm khởi đầu với tư cách là người sáng lập ra
triết học, mặc dù đó chỉ là sự mở đầu với nội dung chưa thật rõ ràng và hình thức
còn rất sơ khai.
Nhiều nhà triết học Macxít đã coi Arixtốt là người mở đầu lịch sử tư duy triết
học, là người đã giải phóng triệt để tư duy tiền khoa học, là người đầu tiên đã tổng
kết, khái quát lịch sử tri thức nhân loại và đưa triết học phát triền lên tầm cao mới.
Tư tưởng giáo dục của ông có nhiều tiến bộ, hệ thống giáo dục hướng tới là
một nền giáo dục thường trực, thường xuyên, liên tục, bao trùm và kéo dài suốt đời
người.
Ông còn có nhiều tư tưởng biện chứng sâu sắc về mối quan hệ giữa vật chất
và hình dạng, khả năng và hiện thực, thực thể và cơ chất…; coi các sự vật đang tồn

tại và bản chất được cấu thành từ các mặt đối lập. Lênin đã coi lôgích của Arixtốt là
nhu cầu, sự cố gắng tìm tòi, là sự đến gần với lôgích của Hêghen. Arixtốt là người ở
bất cứ nơi nào, cứ mỗi bước, đều đặt ra chính vấn đề phép biện chứng.
V. Gátpi – nhà nghiên cứu triết học cổ đại nổi tiếng – cho rằng, hơn các nhà
triết học cùng thời, Arixtốt có bộ óc bách khoa, ông không những kế thừa được
những tinh hoa tư tưởng triết học thời ấy, mà còn tổng kết, tìm ra những giá trị tiến
bộ của tư tưởng văn hóa, triết học và nâng chúng lên tầm cao mới. Khác với các nhà
triết học trước đó, Arixtốt không chỉ tổng kết, hệ thống hóa, phân loại các tài liệu
lịch sử triết học, mà còn giải thích, làm rõ thêm nhiều luận điểm triết học của các
bậc tiền bối. Gátpi đã làm rõ ý nghĩa triết học và vai trò của Arixtốt với tư cách là
người đầu tiên nghiên cứu lịch sử triết học và sáng lập ra môn học này.
Đanhenlia – nhà triết học Grudia nổi tiếng, đã nghiên cứu rất công phu các tài
liệu, tìm được phương pháp tiếp cận phù hợp để nghiên cứu và hiểu được ý đồ tổng
kết lịch sử triết học của Arixtốt. Trong kết quả nghiên cứu của mình, ông đã đưa ra
những kết luận xác đáng:
- Arixtốt là người đã có công hệ thống hóa triết học trong thế giới cổ đại với một
sự chính xác đến mức kinh ngạc, là người đã vạch ra cả cấu trúc lôgích của các
quan điểm, các học thuyết triết học trước đó, đem lại sự tường minh cho các vấn
đề phức tạp.
- Arixtốt không chỉ là người đã có công tổng kết tư tưởng triết học, làm sống lại
những tư tưởng của các bậc tiền bối, mà còn là người tổ chức, định hướng cho
công tác nghiên cứu và phát triển triết học của những người kế tục ông.
- Trong đi sản triết học của Arixtốt đã có những tuyển tập các công trình, luận văn
nghiên cứu về lịch sứ triết học. Chúng ta có thể tìm thấy nó trong các tác phẩm
của Arixtốt và trong các tài liệu triết học kể từ sau Arixtốt cho đến nay.
2.2. Những hạn chế của tư tưởng Arixtốt
Các quan niệm của ông không nhất quán, giao động giữa lập trường duy vật
và duy tâm. Sai lầm có tính chất duy tâm của Arixtốt ở đây là thần thánh hóa nhận
thức lý tính, coi nó như là chức năng của linh hồn, của Thượng đế.
Từ chỗ chưa hiểu đúng mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, vật chất và

hình dạng, Arixtốt chưa hoàn toàn thoát khỏi lập trường duy tâm trong quan niệm về
vật chất và tinh thần.
Triết học Arixtốt thể hiện thế giới quan và ý thức hệ của giai cấp chủ nô
thống trị. Điểm bất hợp lý trong triết học của Arixtốt là khi đứng trên lập trường giai
cấp ông đã không coi nô lệ là người và ông khẳng định đạo đức của họ không giống
với đạo đức của chủ nô.
Do hạn chế lịch sử, việc phân loại các khoa học ở Arixtốt mang nặng tính thơ
ngây và cảm tính. Vì thế không nhìn thấy mối liên hệ giữa các dạng khoa học, coi
thường khoa học thực tiễn, đề cao các khoa học tự biện.
Học thuyết của Arixtốt về các phạm trù còn mang tính trực quan và cảm tính,
số lượng các phạm trù được ông xem xét còn rất hạn chế.
Vật lý học và vũ trụ học của Arixtốt có nhiều tư tưởng duy tâm và sai lầm
như ông cho rằng vũ trụ là hữu hạn trong khi thực tế vũ trụ là vô hạn; ông còn cho
rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ trong khi khoa học ngày nay đã chứng minh
trong Thái Dương Hệ (một phần rất nhỏ bé của vũ trụ), Mặt Trời mới là tâm.
“Chúng ta có thể bất đồng ý kiến với Arixtốt về một vài điểm chẳng hạn như
Arixtốt cho rằng tam đoạn luận là một lối suy luận thông thường và chính xác trong
khi ngày nay chúng ta có khuynh hướng coi rằng tam đoạn luận cũng chỉ là một
mánh lới để thuyết phục kẻ khác. Ông tưởng rằng tư tưởng con người đi từ các
nguyên đề để tìm đến kết luận trong khi trên thực tế có rất nhiều trường hợp con
người đi tìm kết luận trước rồi mới cố đặt ra những nguyên đề để chứng minh kết
luận của mình”.
“Những nhận xét của Arixtốt về thiên nhiên chứa rất nhiều sai lầm quan
trọng. Ông thường để cho các tư tưởng siêu hình ảnh hưởng đến các nhận xét khoa
học. Đây cũng là một đặc điểm của nền văn hóa Hy Lạp: các học giả thời ấy thường
đi đến kết luận một cách quá hấp tấp. Trong thế giới hiện nay chúng ta lại gặp một
trường hợp trái ngược: chúng ta có quá nhiều nhận xét đến nỗi chúng ta cảm thấy vô
cùng bối rối khi phải đi đến một kết luận vì các sự kiện, các con số, các nhận xét
không ăn khớp nhau”.
“Công trình nghiên cứu của Arixtốt về đạo đức học bị ảnh hưởng quá nhiều

của luận lý học. Kết quả là một công trình quá khô khan không đủ sức thúc đẩy con
người tự cải thiện. Lý tưởng của Arixtốt thiên về một đời sống quá bình thản, quá ôn
hòa, một đời sống mà người ta thường gán cho giai cấp thượng lưu ở Anh”
5
.
KẾT LUẬN
Sự xuất hiện của triết học và các triết gia đã tạo nên một bước rẽ trong sự
phát triển của thần thoại, niềm tin thơ ngây và chất phát vào sự tồn tại của thần thoại
được thay thế bằng những luận giải sâu sắc của lý tính và sự thông thái.
Arixtốt được C. Mác đánh giá là “nhà tư tưởng vĩ đại nhất thời cổ đại”;
Hêghen nhận xét những tác phẩm của Arixtốt “bao chứa toàn bộ các quan niệm của
con người, trí tuệ của Arixtốt đề cập đến mọi mặt và mọi lĩnh vực của thế giới hiện
thực”; còn theo Ăngghen là “khối óc toàn diện nhất” trong số các triết gia cổ Hy
Lạp. Arixtốt đã mạnh dạn phê phán tư tưởng của người thầy là Platông, ông đứng
5
WILL JAMES DURANT, Trí Hải và Bửu Đích (Dịch) “Câu chuyện triết học”, thành phố Hồ Chí
Minh, Viện Đại học Vạn Hạnh, 1971, Tr. 43.
trên lập trường của tri thức có luận cứ khoa học và hoàn toàn dựa vào lôgích học để
giải thích. Với sự yêu mến minh triết và tôn trọng chân lý, Arixtốt đã nói “Platông
là thầy nhưng chân lý còn quý hơn nhiều”
6
. Arixtốt đã xây dựng hệ thống triết học
của riêng mình vô cùng phong phú .
Mặc dù các quan niệm của Arixtốt không hoàn toàn nhất quán, dao động giữa
lập trường duy vật – duy tâm, và vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định trong tư tưởng
và nhận thức, nhưng ông đã đặt nền móng cho triết học châu Âu và thế giới, đồng
thời mở ra hướng nghiên cứu cho một loạt các khoa học xã hội và nhân văn chuyên
ngành như: chính trị học, kinh tế học, đạo đức học, thẩm mỹ học, tâm lý học… và
đặc biệt là khoa học lôgích học hình thức cho đến ngày nay và sau này vẫn còn
nguyên giá trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. Bùi Văn Mưa (chủ biên), “Triết học phần 1: Đại cương về lịch sử triết học”,
thành phố Hồ Chí Minh, Tiểu ban Triết học trường Đại học Kinh tế thành phố
Hồ Chí Minh, 2011.
2. Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Thanh, Nguyễn Anh Tuấn, “Đại cương lịch sử triết học
Phương Tây”, thành phố Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Tổng Hợp, 2006.
3. Nguyễn Ngọc Long, Nguyễn Hữu Vui, “Giáo trình triết học Mác – Lênin”, Hà
Nội, nhà xuất bản Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2007.
4. Nguyễn Tiến Dũng, “Lịch sử triết học phương Tây”, thành phố Hồ Chí Minh,
nhà xuất bản Tổng Hợp, 2006.
6
Bùi Văn Mưa (chủ biên), “Triết học phần 1: Đại cương về lịch sử triết học”, thành phố Hồ Chí
Minh, Tiểu ban Triết học trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, 2011, Tr. 110.
5. SAMUEL ENOCH STUMPF, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy (dịch), “Lịch sử
triết học và các luận đề”, Hà Nội, nhà xuất bản Lao Động, 2006
6. TED HONDERICH (chủ biên), Lưu Văn Hy (dịch), “Hành trình cùng triết học”,
Hà Nội, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, 2006.
7. WILL JAMES DURANT, Trí Hải và Bửu Đích (Dịch) “Câu chuyện triết học”,
thành phố Hồ Chí Minh, Viện Đại học Vạn Hạnh, 1971.
Website
1. Hội Văn Khoa, “Sự ra đời của triết học”, />p=170371 [18/04/2008]
2. Sinh viên Sư phạm, “Về vai trò sáng lập lịch sử triết học của Arixtốt”,
[22/05/2009]

×