BÁO CÁO HỘI THẢO KHOA HỌC KHOA NGỮ VĂN
Đề tài:
Thời gian nghệ thuật trong “Xứ tuyết” của
Y.Kawabata
Sinh viên thực hiện: Lê Thị Phương Thảo – K35A Ngữ văn
Giảng viên hướng dẫn: TS.Nguyễn Thị Bích Dung
I. Lí do chọn đề tài
Y.Kawabata ( 1899- 1972) được đánh giá là một hiện tượng kỳ lạ của văn
học Nhật Bản thế kỷ XX, ông không những là nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản mà
còn cả trên thế giới. Cả thế giới biết đến Y.Kawabata, biết đến một tâm hồn tiêu
biểu của Nhật Bản luôn tôn thờ, trân trọng và giữ gìn cái đẹp. Yêu cái đẹp là truyền
thống của Nhật Bản có từ thời Heian (794-1185). Đến cả sau này khi Nhật Bản trở
thành nước công nghiệp hiện đại thì vẻ đẹp ấy vẫn luôn được chắt chiu, nâng niu
và bảo vệ trong sáng tác của Y.Kawabata. Chính vì vậy, ông được coi là “ Người
lữ hành muôn đời đi tìm cái đẹp” “Người cứu rỗi cái đẹp”.
Y.Kawabata là nhà văn Nhật Bản đầu tiên nhận giải Nobel văn học vào năm
1968 với bộ ba tiểu thuyết: “Xứ tuyết” (1947), “Ngàn cánh hạc” (1951), “Cố đô”
(1962). Với sự kiện này ông được các nhà nghiên cứu tôn vinh như người “Mở
cánh cửa tâm hồn Nhật Bản” ra thế giới.
Trong ba tác phẩm đạt giải Nobel thì “Xứ tuyết” được xem là một trong
những tác phẩm toàn bích của nền văn học Nhật Bản, là quốc bảo của văn học
Nhật Bản thế kỷ XX. Mỗi tác phẩm của Y.Kawabata đều cho thấy nghệ thuật viết
văn tuyệt vời và tình cảm lớn lao, thể hiện được bản chất của cách tư duy Nhật Bản
qua bút pháp sáng tác bậc thầy- một kiểu sáng tác lãng mạn mà thời gian nghệ
thuật là một yếu tố rất quan trọng trong đó.
Thời gian là sản phẩm sáng tạo để nhà văn thể hiện quan niệm nhất định về
con người, cuộc sống. Vì vậy, việc tìm hiểu về thời gian nghệ thuật là điều thú vị,
là sự quan tâm của nhiều người, là một bước quan trọng để tiếp nhận tác phẩm
nghệ thuật.
Y.Kawabata là một trong những nhà văn góp phần làm phong phú các giá trị
văn chương của nhân loại trong thế kỷ XX. Sáng tác của ông luôn thu hút được sự
quan tâm của giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Đã có một vài nghiên cứu, bài
viết đề cập đến vẫn đề “Thời gian nghệ thuật trong Xứ tuyết của Y.Kawabata”
nhưng chưa được khai thác sâu mà chủ yếu chỉ tập trung làm nổi bật cái đẹp trong
tác phẩm của ông.
Trong bài báo cáo này, người viết muốn tìm hiểu, khám phá sâu hơn phương
diện “Thời gian nghệ thuật trong Xứ tuyết của Y.Kawabata”.
II. Nội dung đề tài
1. Khái niệm thời gian nghệ thuật
Trong triết học người ta xem thời gian là hình thức (phương thức) tồn
tại của vật chất, trong đó có cuộc sống con người. Không một vật chất nào có thể
tồn tại ngoài thời gian. Mọi dạng tồn tại của vật chất đều có thời gian của riêng
mình.
Khoa học và thực tiễn cho thấy: Có một thời gian vật lý tuyệt đối vận
động không theo ý muốn của con người. Đó là thời gian diễn ra từng giây, từng
phút, từng giờ và được đo bằng mặt trời, bằng đồng hồ… Thời gian này được hiểu
là hình thái tồn tại của vật chất diễn biến theo ba trạng thái: Quá khứ, hiện tại.
tương lai. Nó vận động và phát triển một chiều tuyến tính và khách quan không
theo ý muốn của con người.
Tuy nhiên thời gian đó chưa phải là thời gian nghệ thuật. Trong cuốn “Từ
điển thuật ngữ văn học”, các tác giả lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử
nêu ra rằng: “Thời gian nghệ thật trong tác phẩm văn học chính là hình thức nội tại
của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó”. Các tác giả còn khẳng
định: “thời gian nghệ thuật phản ánh sự cảm thụ thời gian của con người trong
từng thời kỳ lịch sử, từng giai đoạn phát triển, nó cũng thể hiện sự cảm thụ độc đáo
của tác giả và phương thức tồn tại của con người trong thế giới”.
Thời gian nghệ thuật thể hiện sự tự cảm thấy của con người trong thế giới.
Có thời gian nghệ thuật không tách rời với chuỗi biến cố cốt truyện, có thời gian
nghệ thuật xây dựng trên dòng tâm trạng và ý thức. Thời gian nghệ thuật phản ánh
sự cảm thụ thời gian của con người trong từng thời kì lịch sử, từng giai đoạn phát
triển, nó cũng thể hiện sự cảm thụ độc đáo của tác giả về phương thức tồn tại của
con người trong thế giới.
Thời gian nghệ thuật cho thấy đặc điểm tư duy của tác giả. Gắn với phương
thức, phương tiện thể hiện, mỗi thể loại văn học có kiểu thời gian riêng.
2. Thời gian nghệ thuật trong “Xứ tuyết”
Tác phẩm “Xứ tuyết” của Y.Kawabata là một tác phẩm có cốt truyện đơn
giản nhưng mang ý nghĩa sâu xa. Nó thể hiện đỉnh cao mỹ học của Kawabata.
Đánh giá về tác phẩm “Xứ tuyết”, một dịch giả người Pháp cho rằng: “Đó là một
tác phẩm thuần túy Nhật Bản không thể tư duy bằng ngôn ngữ phương Tây chật
hẹp theo sự duy lí. Đó là nghệ thuật mờ ảo, Cái Đẹp tinh tế, sự trào dâng cao quý,
sự cấu tạo như vô hình”. Song điều làm nên thành công cho tác phẩm không chỉ
dừng lại ở đó mà nó còn được thể hiện ở cách xây dựng thời gian nghệ thuật mang
đậm phong cách riêng của nhà văn.
2.1. Thời gian được trần thuật
Nếu trong mỗi lời nói ta đều phân biệt thành sự kiện nói và cái được nói tới,
thì trong văn học, ta phân biệt thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật.
Thời gian được trần thuật là thời gian của các sự kiện được nói tới. Đây là cơ sở
của thời gian trần thuật.
Khảo sát tác phẩm cho ta thấy thời gian được trần thuật trong Xứ tuyết thể
hiện ở thời gian gắn với những thời điểm cụ thể và thời gian tính theo mùa.
2.1.1. Thời gian gắn với những thời điểm cụ thể
Để cụ thể hoá hơn chi tiết câu chuyện, chuyển tải tinh tế nội dung tác phẩm
Y.Kawabata đã xây dựng bố cục thời gian trong Xứ tuyết gắn với những thời điểm
cụ thể là: Ngày, giờ, phút. Thời gian này tuy không đóng vai trò chủ đạo nhưng có
vị trí rất quan trọng trong tác phẩm. Nó cho thấy trong việc xây dựng thời gian
nghệ thuật tác giả luôn tôn trọng thời gian, tuân theo quy luật khách quan đồng thời
vẫn nhấn mạnh được dụng ý nghệ thuật của mình.
Khi tìm hiểu thời gian trong Xứ tuyết gắn với những thời điểm cụ thể, qua
một số tài liệu nghiên cứu của người đi trước và khảo sát của cá nhân chúng tôi
thống kê được trong tác phẩm có tới 81 lần nhắc tới thời gian về đêm với các từ:
Đêm nay, đang đêm, màn đêm đang đổ xuống, đêm hội đã tan, ban đêm, đêm tối,
tối đầu tiên,…; 23 lần nhắc tới thời gian về sang với các từ: ánh sáng buổi mai,
sáng hôm ấy, lúc sớm tinh mơ, sáng nay, lúc sáng sớm, trời đã sáng,…và 8 lần
nhắc tới buổi chiều với các từ: Chiều nay, bóng chiều, buổi chiều…
Thời gian Shimamura ở xứ tuyết là những khoảng thời gian khác nhau
nhưng tác giả vẫn dùng đến những thời điểm giờ giấc gần như cụ thể để miêu tả:
Lần đầu tiên đến xứ tuyết “Anh nhờ gọi cho mình một geisha… nhưng kìa
khoảng một tiếng đồng hồ sau cô hầu đã dẫn về cô gái ở trọ nhà bà dạy nhạc”
“… tối hôm ấy, có lẽ khoảng 10 giờ cô gái gọi tên Shimamura rất to ở ngoài
hành lang” cô đến để trò chuyện vài câu với Shimamura rồi lại quay đi “…cô lảo
đảo bước ra. Khoảng gần 1 giờ đồng hồ sau đó, Shimamura nghe thấy những bước
chân như chệnh choạng đang tiến một cách ngặng nhọc dọc theo hành lang.
Lần thứ hai đến xứ tuyết, Shimamura đã có cơ hội “đến thăm” nhà Komako.
Khi từ nhà nàng trở về, anh gọi bà tẩm quất mù đến tẩm quất, lúc này là “2giờ 35
phút” anh đã có cuộc nói chuyện với bà và biết rõ thêm về một phần đời Komako-
một cô gái chỉ biết hi sinh không mong đền đáp. Sẵn sàng trở thành geisha chuyên
nghiệp để cứu con trai bà giáo dạy nhạc…
“Shimamura chuẩn bị đi chuyến tàu 3 giờ”… dù sao ở đây người ta luôn
tính theo giờ: “rời nhà trọ lúc 5 giờ” hoặc “rời nhà trọ lúc 12 giờ đêm…” sau khi
đã mua mấy món quà nhỏ để đem về Tokyo, “anh còn dư khoảng 20 phút. Anh
cùng Komako đi dạo trên khoảng đất nhỏ trước nhà ga”.
Và khi Shimamura trở lại xứ tuyết lần thứ 3 cũng có hàng loạt thời gian gần
như cụ thể xuất hiện.
Trở lại lần này : “Tính ra từ lần đầu tiên anh tới đây, cũng được hai năm
rồi.”
“Đêm trước. Komako đã ngủ lại với anh và giờ một mình trong phòng, anh
chỉ còn một nước là chờ đợi” “sáng ra, khi choàng thức, anh nhìn thấy Komako
đàng hoàng…Shimamura nhìn khắp lượt căn phòng. Komako đến từ đêm chăng?
Sao anh không hay nhỉ ! Anh lôi chiếc đồng hồ đeo tay từ dưới gối: 6 giờ 30 phút”.
Lại một lần nữa Komako tới với Shimamura: “3 giờ sáng, Shimamura nhỏm
dậy và tiếng đập cửa mạnh, anh cảm thấy sức mạnh của thân hình Komako dội vào
ngực anh”, “buổi sáng nay trước 7 giờ, còn giờ đây là 3 giờ đêm…”. Komako than
thở “Đêm qua về đến nhà em, chẳng còn một giọt nước nóng để pha trà…và
lạnh lạnh quá thể! Sáng nay, chẳng ma nào gọi em dậy, em ngủ đến tận 10 giờ
rưỡi sáng mà em thì muốn đến thăm anh lúc 7 giờ”.
Việc nhấn mạnh các thời điểm cụ thể này giúp người đọc có những cảm
nhận chân thực hơn với nội dung câu chuyện. Ngoài ra nó còn giúp ta thấy rõ hành
trình của Shimamura ở xứ tuyết. Shimamura tìm về với xứ tuyết miền đất xa xôi
mà thiên nhiên còn lưu giữ tinh thần Nhật Bản trong xu thế rời bỏ thế giới thực tại
đầy xô bồ, ồn ã của Tokyo.
Kiểu thời gian tự nhiên được xác định cụ thể theo ngày, giờ, phút đã được
Y.Kawabata dụng công xử lý với những ý đồ nghệ thuật để tạo ra giá trị nghệ thuật
cho tác phẩm. Khi đưa khoảng thời gian cụ thể và chính xác này vào câu chuyện
thì nó trở nên vừa có tính thuyết phục người đọc vừa chiếm được lòng tin của
người đọc.
2.1.2. Thời gian tự nhiên được tính theo mùa
Cảm nhận và kế thừa những giá trị sâu sắc của văn chương cổ điển, tác
phẩm của Y.Kawabata có âm hưởng riêng với dòng thời gian luân chuyển theo
mùa. Trong văn học truyền thống phương Đông, cảm thức mùa là một trong những
yếu tố quan trọng, đặc biệt là với thơ Đường Trung Quốc và thơ Haikư Nhật Bản.
Đó chính là anh đào mùa xuân, tiếng ve mùa hè, hoa cúc mùa thu và tuyết mùa
đông. Trong các tác phẩm của Kawabata cảm thức mùa mà chúng tôi nhận thấy
không chỉ là việc nhắc đến các mùa trong sự luân chuyển của thời gian kể chuyện
mà chính là biểu tượng mùa thông qua các sự vật hiện tượng, các sự việc.
Trong “Xứ tuyết”, Kawabata đã miêu tả ba mùa: Mùa xuân, mùa đông và
mùa thu. Đây là ba mùa mà Shimamura đã đến với xứ tuyết.
Trong khoảng hai năm, Shimamura đến với xứ tuyết ba lần và mỗi lần chàng
đến nơi đây lại là một mùa khác nhau, ở mỗi mùa thiên nhiên lại có vẻ khác biệt.
Lần thứ nhất: “Đó là thời điểm mở đầu mùa leo núi, khi không còn nguy cơ
tuyết lở nữa, khi núi cao lại một màu xanh mới và ngào ngạt những hương thơm
tuyệt diệu của mùa xuân”. Hình như ảnh đẹp nhất của mùa xuân Nhật Bản- hoa
anh đào lại không hề được nhắc tới. Dấu hiệu để độc giả nhận biết mùa xuân là
hình ảnh “Anh vẫn không rời mắt khỏi cây cỏ đang đâm chồi nảy lộc xanh tươi
trên sườn núi qua ổ cửa sổ phía sau cô gái” và “ bước qua ngưỡng cửa phòng trọ
thì núi non và làn không khí ngát hương thơm của cành non lá mới đã cuốn lấy anh
đi”. Mùa xuân chỉ được miêu tả qua hình ảnh núi non, của cành non, lá mới.
Lần thứ hai Shimamura đến xứ tuyết là vào mùa đông. “Vừa ra khỏi toa tàu
ấm áp, Shimamura chưa thể biết rõ. Vì đây là lần đầu tiên anh tới nếm thử mùa
đông ở xứ tuyết”.
Tiếp theo ta sẽ bắt gặp hàng loạt những dấu hiệu của thiên nhiên mà tác giả
xây dựng lên cho ta thấy được hình ảnh xứ tuyết trong mùa đông. Đó là “Cái lạnh
của tuyết ùa vào toa tàu”, “Shimamura thoáng nhìn những lớp băng mỏng viền
quanh mái chìa. Trong màu trắng của tuyết, phần lùi sâu của các cánh cửa ra vào
hình như càng sâu hơn một cách lặng lẽ”.
Khi trò chuyện với Komako về việc cô viết nhật ký, Shimamura “Ngập một
cảm giác thanh thản, một sự thoải mái tột độ chẳng khác gì anh để cho tiếng tuyết
rơi lặng lẽ nói thay anh”. Chi tiết “dường như có một tiếng ầm ầm trong lòng đất
đáp lại tiếng lao xao của tuyết đóng thành băng ở khắp mọi nơi” hình ảnh “các quả
núi đen sẫm nhưng vẫn rực sáng ánh tuyết”.
Vẻ đẹp của “tuyết” được miêu tả lặp đi lặp lại rất nhiều lần: “Vì tuyết bỗng
sáng rực thêm nữa trong gương, chẳng khác gì ở đó có một đám cháy băng giá”,
“những đám tuyết từ trên các cành bá hương rơi xuống mái nhà tắm”, “con đường
biến mất hẳn dưới tuyết, ngập lút trong các đồng tuyết”, “những đỉnh núi đầy tuyết
lấp loá dịu dàng trong ánh sáng”, “ những mảng băng đã bị đập vỡ… tuyết nằm
từng mảng trên mái nhà bị gồ lên bởi những thanh xà cong queo”, rồi “ tuyết trông
như những lớp kem mềm mại được bao phủ một làn khói nhẹ”.
Y.Kawabata đã xây dựng hình ảnh một Xứ tuyết ngập tràn trong sắc trắng
tinh khôi và không khí trong trẻo của tuyết. Theo thống kê sơ bộ chúng tôi có tới
hơn 100 lần những chi tiết liên quan tới “tuyết” được nhắc đi nhắc lại.
Nhắc tới “tuyết”- Biểu tượng của mùa đông Nhật Bản người đọc có thể nhận
ra niềm tự hào, xúc động của Y.Kawabata khi miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên: tuyết
rơi thay cho tiếng nói của lòng người, vẻ đẹp lấp loá dịu dàng trong ánh sáng của
tuyết… Không chỉ vậy mùa đông trong xứ tuyết còn gợi cho độc giả sự cô đơn
lạnh lẽo của mối tình tay ba: Komako vẫn chỉ có một khao khát dâng hiến trọn vẹn
cho người mình yêu nhưng chàng Shimamura lại đi tìm kiếm vẻ đẹp trong sáng,
thanh khiết của Yoko- một vẻ đẹp mà mãi chỉ là niềm khao khát không thể nắm
giữ được của Shimamura.
“Xứ tuyết” là bài ca về tình yêu tuyệt vọng của một nàng geisha – một tình
yêu được hình thành như tuyết và tan ra như tuyết.
Và trong lần thứ ba Shimamura tới xứ tuyết thì lúc này trời đã bước vào mùa
thu: “dãy núi phía sau, mùa thu đã phô ra những màu sắc phong phú giữa bóng
chiều đã ngả, thứ màu đỏ hung và màu rỉ sắt”.
Người Nhật Bản vốn rất yêu thiên nhiên, thích sống hoà hợp với thiên nhiên,
Y.Kawabata lại là nhà văn “tiêu biểu cho tâm hồn Nhật Bản” nên ông không hề bỏ
qua hình ảnh nào khi nói về thiên nhiên, vẻ đẹp thiên nhiên luôn hiện lên trong
trang sách của ông.
Nhắc tới mùa thu Nhật Bản người ta không thể không nhắc tới cây phong và
tiếng côn trùng. Mùa thu là mùa của lá phong, của “những trái hồng chín cây”, của
“tiếng côn trùng xập xoè ở chiếc đèn lồng, dưới mái hiên”, “những con bướm trên
lưới cửa sổ đã bay đi ngay khi ngọn gió Bấc đầu tiên thổi tới”.
Mỗi lần tới xứ tuyết, Shimamura đều có một cảm nhận mới mẻ hơn về nơi
đây “ Shimamura hào hứng ngắm nhìn phong cảnh trong sáng của mùa thu”.
Dấu hiệu miêu tả mùa thu tiếp tục hiện ra với “một bức tường nhỏ nhô lên
trùm đầy mạch dại mùa thu”, “những bông kaya bạc trắng, một màu trắng rực rỡ
trong ánh sáng buổi mai… sự nở bừng hùng vỹ thật tuyệt vời, mong manh, trôi nổi
cũng như vẻ trong sáng lạ kỳ, sự thanh khiết chưa từng thấy của bầu trời mùa thu
sáng láng”. “Trên mặt đất, dấu mình trong đám cỏ, những hạt giẻ đã rụng xuống”
Mỗi mùa của Nhật Bản đều gắn với loài hoa hay loài cây nào đó- và mùa thu
là mùa của lá phong. Khi những cây phong bắt đầu chuyển màu là mùa thu đã về.
Bắt đầu lễ hội ngắm cây phong mùa thu “khách thăm quan hẳn sắp tấp nập đến
ngoạn thưởng cảnh lá mùa thu. Người ta đã trang hoàng cổng vào các quán trọ với
những cành phong”, “ Những cành phong mới chặt còn tươi, khá dài, vươn tới tận
đầu mái hiên, lá màu rực sáng, bóng lên, mặt lá rộng khác thường”.
“Khi hơi lạnh nhuộm vào trời thu, lại thêm biết bao xác côn trùng ấy lăn
xuống sàn… màu đỏ sậm rỉ sắt và màu nâu đậm dần dần đã choán các triền núi và
trong phút chiều đổ nhanh, những đỉnh núi chỉ ngời lên thứ màu xám lạnh của đá.
Quán trọ luôn đầy ắp khách du lịch tới thưởng thức phong cảnh rừng phong”.
Xây dựng thời gian ở ba mùa khác nhau này, tác giả đã cho người đọc thấy
được sự cảm nhận tinh tế của mình trong bước đi của thời gian luân chuyển theo
mùa. Qua đó thấy được tâm hồn yêu thiên nhiên của nhà văn. Đây là điều đã được
Y.Kawabata phát huy, kế thừa từ trong truyền thống. Song nó cũng cho ta thấy
dụng ý nghệ thuật của nhà văn khi xây dựng kiểu thời gian này. Trong vòng hai
năm với ba lần trở lại, Shimamura rất muốn được chiêm ngưỡng cảnh sắc xứ tuyết
mùa hè nhưng chàng lại chọn mùa đông và mùa thu làm thời điểm trở lại. Cả ba
mùa đều gợi ra sự lạnh lẽo, chậm dãi, u buồn của thiên nhiên nơi đây, cả ba mùa
đều mang vẻ tinh khiết, tươi sáng của tuyết.
Với tài năng của mình Y.Kawabata đã khéo léo xây dựng một dòng thời gian
chuyển biến theo mùa đầy tinh tế và thành công. Thời gian ấy luôn có vẻ đẹp
truyền thống nhưng vẫn tạo ra sự độc đáo của riêng Y.Kawabata và cuốn hút người
đọc bởi vẻ đẹp trong sáng của một tâm hồn luôn hướng tới sự tinh khiết của cuộc
đời.
2.2. Thời gian trần thuật
Thời gian trần thuật (thời gian tự sự) còn được gọi là ‘thời gian giả” theo
cách nói của G.Genette, để phân biệt với thời gian của bản thân câu chuyện hoặc
thời gian được trần thuật. Đó là “thời gian của trật tự các sự kiện đã được phân bố
lại trong truyện do sắp xếp chủ quan của người kể chuyện” (Thời gian nghệ thuật
trong cấu trúc văn bản tự sự qua các truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1975 - 1995).
Thời gian trần thuật không tuân theo quy luật của thời gian vật lý thông thường mà
đã được tái tạo lại bởi chủ quan của người kể chuyện. Người kể chuyện bao giờ
cũng sử dụng thời gian như một phương tiện đặc trưng làm bối cảnh để kể chuyện,
thoát ra ngoài quy ước. Trình tự trần thuật sẽ bị đảo lộn bằng cách thuật lại những
việc đã qua hay chưa đến. Các thủ pháp rút gọn, tỉnh lược, kéo dài, ngừng nghỉ,
lặp…cũng thường được người kể chuyện sử dụng để tổ chức thời gian của trật tự
các sự kiện sao cho đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất.
Giữa thời gian tự sự và thời gian của bản thân câu chuyện có mối quan hệ
với nhau. Nói cách khác đó là mối quan hệ giữa thời gian trần thuật và thời gian
được trần thuật. Mối quan hệ này được G.Genette cụ thể hóa ở các cấp độ khác
nhau của thời gian nghệ thuật, bao gồm: trình tự kể chuyện, tốc độ - nhịp điệu kể,
tần suất kể chuyện. Trong Xứ tuyết của Y.Kawabat ta thấy đáng nói là vấn đề trình
tự kể và tốc độ - nhịp điệu kể.
2.2.1. Trình tự kể
Trình tự kể, theo G.Genette là “nghiên cứu mối quan hệ giữa trình tự thời
gian tiếp nối các sự kiện trong câu chuyện với trình tự thời gian giả được sắp xếp
trong trần thuật” (Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX). Nghĩa là trình
tự kể xác định mối quan hệ tiếp nối của các sự kiện trong câu chuyện và cái cách
mà chúng được sắp xếp trong truyện (sự sắp xếp thời gian giả). Trong tự sự cổ đại,
thường thì trình tự thời gian tiếp nối các sự kiện và trình tự thời gian giả đước sắp
xếp trong trần thuật là thống nhất, trùng khít với nhau; trần thuật trong văn bản
theo thời gian hình tuyến, việc xảy ra trước kể trước, việc xảy ra sau kể sau, không
có sự sai trật tự niên biểu. Nhưng về sau, trình tự biên niên của các sự kiện tong
câu chuyện thường bị xáo tung. Trình tự của cái được kể được ngắt ra bằng một số
cách khác nhau.
Thời sai (anachrony) là thuật ngữ mà G.Genette sử dụng để chỉ tất cả những
kiểu lệch pha, các độ chênh giữa trình tự thời gian của chuyện và thời gian của
truyện. Đảo thuật và dự thuật là hai biểu hiện cơ bản của thời sai.
Đảo thuật (analepse) là “thuật lại những việc đã qua”, nghĩa là kể lại các sự
kiện đã diễn ra trước hiện thời “bây giờ” của câu chuyện đang được kể.
Dự thuật (prolepse) là kể lại những sự việc chưa đến, sự kiện sẽ diễn ra sau.
Khảo sát tiểu thuyết Xứ tuyết của Y.Kawwabata ta thấy trình tự kể đã có độ
chênh giữa trình tự thời gian của chuyện và thời gian của truyện. Biểu hiện cụ thể
của thời sai trong tác phẩm chính là dự thuật.
Hành trình của Shimamura là ba lần đến thăm xứ tuyết trong hai năm. Lần
đầu là vào mùa xuân, lần hai là vào mùa đông và lần thứ ba là vào mùa thu. Tuy
vậy, trình tự kể không tuân theo trật tự tuyến tính thời gian như vậy mà có sự đảo
lộn. Mở đầu câu chuyện là cuộc hành trình đến xứ tuyết lần thứ hai của
Shimamura. Câu chuyện mở ra không phải xứ tuyết mùa xuân với “núi cao lại một
màu xanh mới và ngào ngạt những hương thơm tuyệt diệu của mùa xuân” mà là cái
lạnh buốt da thịt, là “màu trắng của tuyết biến mất trong màn đêm”… Khi đến đây,
gặp lại nàng geisha của mình chàng đã hồi tưởng lại lần đầu hai người gặp nhau.
Nàng đã đem đến cho chàng cảm giác có tình cảm bạn bè trong sạch, anh sung
sướng thấy cô xứng đáng được anh chia sẻ sự hứng khởi cao quý, thanh thản mà
anh có được ở vùng núi cao này. Khi trò chuyện với nàng Shimamura liên tưởng
tới mối quan hệ giữa nàng với người đàn bà trẻ trên tàu như cảm giác phi thực của
anh với nghệ thuật: Đang say mê âm nhạc và học chưa đến nơi đến chốn anh đã
chuyển sang nghiên cứu múa dân tộc rồi sau đó đột nhiên hứng thú của anh chuyển
hướng anh hoàn toàn chuyên tâm vào balê phương Tây. Khi gặp Komako,
Shimamura giật mình khi thấy cô đã trở thành một geisha chuyên nghiệp, anh nhớ
rằng “giữa hai người đã có rất nhiều điều nhưng anh đã không viết thư cho cô”
Shimamura biết anh phải xin lỗi cô vì sự vô tình trong con người mình. Anh nhớ
lại đêm đầu tiên hai người ở bên nhau, khi cô còn rụt rè thể hiện tình yêu với anh.
Lần thứ ba đến xứ tuyết: Ở quán trọ anh gặp một người đàn bà và nhận ra
“Đó là một geisha anh nhớ ra là đã chụp ảnh cô cùng với Komako trong quảng
cáo”. Cuộc hành trình lần thứ ba này là cuộc hành trình của hiện thực nhưng vẫn
chứa đựng nhiều ký ức, có sự luân chuyển giữa quá khứ và hiện tại. Cầm cuốn
sách chỉ dẫn về núi non trong vùng, Shimamura khám phá ra thêm những vùng đất
mới anh nhớ lại “anh đã từ trên núi ấy đi xuống, vào những mùa búp măng đầu tiên
xuyên thủng những làn tuyết cuối cùng để làm quen với Komako”…
Khi Shimamura đi thăm xứ sở của vải Chijimi ngay cạnh trạm suối nước
nóng, anh nhớ lại “khi anh nghe giọng Yoko làm sống lại bài hát thời thơ ấu, trong
lúc tắm anh vụt có ý nghĩ các cô gái ở thời xa xưa ấy cùng một lúc cũng cất tiếng
hát chăm chú vào nghề nghiệp, khom mình trên khung dệt, đưa thoi chạy vun vút
giữa hai làn sợi”. Thời gian tâm lý ào đến triền miên trong Shimamura. Xa
Komako anh lại nghĩ đến cô “ anh vấp phải bất thình lình hình ảnh Komako trở
thành người mẹ: Komako cho ra đời những đưa con của một người cha khác không
phải là anh…
Trình tự kể bị xáo trộn, đảo ngược đã đưa vào tác phẩm khoảng thời gian
đồng hiện giữa hiện tại – quá khứ - hiện tại và xen lẫn chút ít tương lai. Khoảng
thời gian này đã để lại dấu ấn khá sâu đậm, tạo ra một kiểu thời gian nghệ thuật
độc đáo, thời gian nhiều bình diện.
2.2.2. Tốc độ - nhịp điệu kể
Tốc độ kể chuyện là yếu tố thứ hai của thời gian tự sự. Nó có lien quan chặt
chẽ, chi phối, làm thành nhịp điệu kể.
Tốc độ kể chỉ ra mối liên hệ giữa thời gian có thể làm thay đổi của các phần
của câu chuyện với độ dài của văn bản mà trong đó các phần truyện được kể lại.
Chỉ cái khoảng cách giữa thời gian tư sự và thì gian câu chuyện, G.Genette
sử dụng thuật ngữ “phi đẳng thời”. Khoảng cách này không đồng đều giữa các
đoạn tình tiết của câu chuyện với nhau. Thời gian tự sự có khi gia tốc, có khi giảm
tốc so với thời gian của câu chuyện. Gia tốc ở những chỗ tỉnh lược, lược thuật,
giảm tốc ở nhưng chỗ ngừng nghỉ, “đặc tả”, miêu tả tỉ mỉ người và cảnh. Lại có
những chỗ không gia giảm gì cả, thoại gian câu chuyện và thời gian trần thuật là
bằng nhau, chẳng hạn như những đoạn thuật lại đối thoại giữa những nhân vật với
nhau.
Trong tiểu thuyết Xứ tuyết, ngoài những chỗ thuật lại đối thoại giữa những
nhân vật với nhau – những chỗ không gia giảm – thì tốc độ - nhịp điệu kể luôn có
sự gia giảm không đồng đều.
Cuốn tiểu thuyết hơn 100 trang, trong đó 59 trang đầu tiên là kể về hành
trình lần thứ nhất và thứ hai của Shimamura đến với xứ tuyết.
Dung lượng trang dành để kể về lần thứ nhất khi Shimamura đến xứ tuyết
vào mùa xuân chỉ có khoảng 19 trang. Câu chuyện được kể lại bằng hồi ức của
Shimamura với nhịp độ nhanh, các sự kiện liên tiếp nhau được kể lại: Shimamura
tới xứ tuyết sau nhiều ngày trên núi; Anh tới quán trọ và gọi một cô geisha;
Shimamura gặp Komako, ấn tượng về một người thiếu nữ trong sang, sạch sẽ; Vì
trân trọng Komako, Shimamura nhờ Komako tìm cho anh một cô geisha để thỏa
mãn ham muốn bản thân; Komako tức giận trước lời đề nghị của Shimamura và bỏ
đi nhưng sau đó cũng quay lại và gọi cho anh một cô geisha; Shimamura gặp cô
geisha mới nhưng anh chán nản vì vừa gặp mặt “long ham muốn của anh đã tắt
ngấm”; Komako và Shimamura đi dạo, đến đêm Komako trở lại quán trọ tìm
Shimamuara; Komako say, họ đã yêu nhau; Sáng hôm sau, Shimamura trở về
Tokyo.
Với hàng loạt sự kiện diễn ra, thời gian ở đây được gia tốc tối đa. Dường
như những yếu tố tả cảnh, thiên nhiên bị lược bớt rất nhiều. Ngay cả mùa xuân –
mùa của sự sinh sôi nảy nở, của hoa anh đào – biểu tượng của xứ Phù Tang cũng
không được lột tả tỉ mỉ mà chỉ hiện lên qua một vài miêu tả ngắn gọn cho người
đọc ấn tượng rằng đó là mùa xuân: “Đó là thời điểm mở đầu mùa leo núi, khi
không còn nguy cơ tuyết lở nữa, khi núi cao lại một màu xanh mới và ngào ngạt
những hương thơm tuyệt diệu của mùa xuân”. “…cây cỏ đang đâm chồi nảy lộc
xanh tươi trên sườn núi qua ổ cửa sổ phía sau cô gái” và “ bước qua ngưỡng cửa
phòng trọ thì núi non và làn không khí ngát hương thơm của cành non lá mới đã
cuốn lấy anh đi”. Mùa xuân chỉ được miêu tả qua hình ảnh núi non, của cành non,
lá mới.
Lần thứ hai, nhịp độ kể có phần giảm tốc nhờ số trang tăng lên, sự kiện ít
hơn: Shimamura gặp Yoko trên chuyến tàu trở lại xứ tuyết, ấn tượng về đôi mắt và
giọng nói trong trẻo của Yoko; Shimamura nghe câu chuyện về Komako từ bà tẩm
quất mù; Shimamura gặp lại Komako, nghe cô kể những việc cô làm trong thời
gian Shimamura không ở đây; Shimamura tới thăm nhà Komako; Komako đàn cho
Shimamura nghe; Shimamura trở về Tokyo.
Tốc độ kể chậm hơn là do trong khi kể về hành trình lần hai, có rất nhiều
chỗ miêu tả cảnh thiên nhiên xứ tuyết mùa đông rất tỉ mỉ. Hình ảnh của tuyết xuất
hiện dày đặc tới hơn 100 lần. Không chỉ vậy, xen vào các câu chuyện, sự kiện còn
có những đoạn độc thoại, những dòng suy tư cũng như kể lể của nhân vật: Kết thúc
cuộc viếng thăm căn phòng Komako lần thứ hai, bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà
Shimamura đã “hồi niệm đến buổi mai tuyết rơi ấy vào những ngày cuối năm”.
Hay trên con tàu về Tokyo, Shimamura đắm chìm trong mộng ảo và hư ảo của trí
tưởng tượng “dần dần anh như nghe thấy tiếng của cô gái anh vừa chia tay. Ngắt
quãng và đứt đoạn… và vì vẫn cảm thấy đau đau trong lòng khi nghe tiếng cô,
Shimamura biết rằng anh chưa quên cô”.
Lần thứ ba trở lại xứ tuyết, khoảng 12 trang đầu của cuộc hành trình, tốc độ -
nhịp điệu kể không có sự gia giảm bởi nó là sự thuật lại đối thoại những nhân vật
mà chủ yếu là của Shimamura và Komako khi hai người gặp lại nhau.
Các trang tiếp theo, tốc độ - nhịp điệu kể chậm lại bởi đây là chỗ ngừng
nghỉ, xuất hiện những đoạn miêu tả thiên nhiên – mùa thu ở xứ tuyết – rất tỉ mỉ.
Khung cảnh xứ tuyết vào thu hiện lên đầy đủ và rõ nét theo từng bước chân đi dạo
của Komako và Shimamura. Cùng với đó là những miêu tả về con người, cuộc
sống ở xứ tuyết, về công việc, về xứ vải Chimiji. Và có cả những suy tư, chiêm
nghiệm của nhân vật: Shimamura “suy ngẫm về sự lãnh cảm của mình, không thể
hiểu nổi làm sao mà cô có thể dễ dàng dâng hiến tự nguyện cho anh” và anh tự nhủ
rằng “Chắc hẳn anh sẽ không bao giờ quay lại khi đi khỏi nơi này”.
Cuối tác phẩm cũng là cuối cuộc hành trình, tốc độ - nhịp điệu kể được gia
tăng với sự kiện đám cháy ở kho kén và cái chết của Yoko. Ngọn lửa bốc lên, sự
khẩn trương của con người cứu cháy, sự hỗ độn của cảm xúc…Tất cả khiến cho sự
chậm rãi, nhẹ nhàng trước đó không còn mà thay vào đó là nhịp kể gấp gáp khẩn
trương như cuốn người đọc theo cái gấp gáp, hỗn loạn của câu chuyện.
Tốc độ - nhịp điệu kể không bằng phẳng mà có sự gia tốc, giảm tốc không
đồng đều, tạo ra cho tác phẩm sự hấp dẫn, lôi cuốn, uyển chuyển.
III. Kết luận
Thời gian nghệ thuật là hiện tượng của thế giới khách quan khi đi vào nghệ
thuật được soi rọi bằng tư tưởng tình cảm, được nhào nặn và tái tạo trở thành một
hiện tượng nghệ thuật độc đáo, thấm đẫm cá tính sáng tạo của nhà văn.
“Xứ tuyết” là một trong những tác phẩm đặc sắc của Y. Kawabata. “Một xứ
tuyết trong nước Nhật mà như một vương quốc riêng, nơi đó giữ nguyên được
cảnh sắc, con người, phong tục tập quán, lối sống của một vùng đất mà sự phồn
hậu, chất phác của trời- đất- người như còn được giữ nguyên” (Ngô Văn Phú). “Xứ
tuyết” lôi cuốn người đọc bởi chất trữ tình sâu lắng, nỗi buồn êm dịu trong phong
cách của Y. Kawabata. Có thể nói, trong “Xứ tuyết”, nhà văn đã xây dựng thời
gian nghệ thuật độc đáo và đến lượt mình, thời gian đã trở thành yếu tố quan trọng
bậc nhất làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm này.