Tải bản đầy đủ (.docx) (15 trang)

Thiên giang trần kim bảng nhà văn tranh đấu miền nam giai đoạn 1945 1954

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (156 KB, 15 trang )

Trích yếu luận văn :
“Thiên Giang Trần Kim Bảng - nhà văn
tranh đấu miền Nam giai đoạn 1945
– 1954”
Thiên Giang - Trần Kim Bảng là chiến sĩ - nhà văn - nhà giáo và cũng là
chứng nhân lịch sử của thế kỷ XX. Ông đã dùng văn chương như vũ khí để đấu
tranh trong cuộc chiến đấu chung của toàn dân. Những sáng tác, nghiên cứu và
dịch thuật của ông có những tiến bộ nhất định, tạo nên hiệu ứng tích cực trong đời
sống xã hội bấy giờ.
Văn học Nam Bộ giai đoạn 1945-1954 phát triển mạnh với sự xuất hiện của các
nhóm văn học. Một trong nhưng nhóm văn học có nhiều ảnh hưởng và đóng góp là
nhóm Chân trời mới. Nhóm Chân trời mới với bộ ba chủ chốt: Thiên Giang, Tam
Ích và Thê Húc. Góp phần vào tiếng nói chung của văn chương tranh đấu ở Nam
Bộ giai đoạn 1945-1954, tác giả Thiên Giang Trần Kim Bảng tuy không tạo nên
một sự nghiệp văn học bề thế, nhưng đã tạo được một vị trí quan trọng trong giới
cầm bút và tình cảm của độc giả. Những sáng tác, nghiên cứu và dịch thuật của
ông có những tiến bộ nhất định, tạo nên hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội
bấy giờ.
1. Cuộc đời Thiên Giang Trần Kim Bảng
Trần Kim Bảng sinh ngày 10/5/1911 tại huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam,
là con trai cả trong gia đình gồm 5 anh em. Trong quá trình hoạt động văn học,
Trần Kim Bảng sử dụng các bút danh: Hải Vân, Bảy Phong, Dã Hoa, Trần Thiện
Phong, Nguyên Phương, và được biết đến nhiều nhất là Thiên Giang.
Những năm đầu của thập niên 20 thế kỷ XX, ông bắt đầu đi học tại Đà Nẵng. Gia
cảnh khó khăn, ông cố gắng chăm chỉ học tập và sớm có ý thức cách mạng. Năm
1926, ông tham gia phong trào cách mạng tại Huế, hoạt động tích cực trong các
cuộc bãi khóa, biểu tình của học sinh. Năm 1929, ông gia nhập vào “Sinh hội đỏ”
tại trường Quốc học Huế và tiếp tục hoạt động cho đến khi nghỉ học vì bị bọn tay
sai mật thám Pháp truy nã.
Chọn con đường chông chênh nguy hiểm và không được cha ủng hộ, nhưng Thiên
Giang vẫn giữ vững lập trường, quyết đấu tranh chống lại kẻ thù. Năm 1930, sau


khi được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, ông thoát ly gia đình đi theo
tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Thời gian đầu, ông chuẩn bị các điều kiện để
xây dựng chi bộ đầu tiên tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau đó ông vào Hội An đảm
nhận vị trí phó bí thư tỉnh ủy, hoạt động tổ chức phong trào quần chúng ở Quảng
Nam, hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và phong trào đấu tranh ở Quảng
Ngãi. Ngày 4/8/1930, cùng với một số đồng chí khác, Thiên Giang đã đánh một
đòn bất ngờ gây choáng váng cho giặc khi treo cờ đỏ búa liềm và mở cuộc diễn
thuyết công khai tại thị xã Hội An, tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình ở huyện
Duy Xuyên. Tại miền trung, nhà văn hoạt động chủ yếu trên địa bàn Huế, Hội An
và Đà Nẵng, dùng nhiều phương thức để tuyên truyền chính trị, vận động quần
chúng giác ngộ và xây dựng lực lượng cách mạng.
Năm 1931, ông bị Thượng thư Bộ Hình của triều đình Huế là Ngô Đình Khôi kết
án 7 năm tù, bắt đi đày tại Lao Bảo. Tuy nhiên nhà tù không giam hãm được chí
lớn, các chiến sĩ trong đó có Trần Kim Bảng đã biến lao ngục thành trường học.
Chính trong thời gian này, nhà văn được các đồng chí lão thành giúp hiểu sâu về
cách mạng. Ông học chữ Hán với ông Tú Nguyễn Đình Kiên, học chữ Pháp với
đồng chí Nguyễn Sĩ Sách, Hồ Sĩ Thiều. Năm 1935, ông được thả khỏi Lao Bảo
nhưng vẫn bị quản thúc tại nơi cư trú. Năm 1936, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị
Thái, người con gái ở phố cổ Hội An.
Trần Kim Bảng đánh dấu hoạt động văn học bằng việc thành lập nhóm Tứ
Hải (1936-1939) gồm Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Hải Khách (Trần Huy Liệu),
Hải Trần (Nguyễn Văn Khai), Hải Vân (Trần Kim Bảng). Nhà văn đã tham gia tích
cực trong Phong trào Mặt trận Bình dân và cuộc bút chiến Nghệ thuật vị nghệ thuật
và Nghệ thuật vị nhân sinh, viết nhiều bài đả kích văn học lãng mạn. Năm 1940,
ông bị thực dân Pháp bắt lần thứ 2 tại Sài Gòn sau sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa,
tiếp tục bị lưu đày tại trại tù Dakgley. Là một chiến sĩ cộng sản được giặc đánh giá
là nguy hiểm, vì vậy dù mãn hạn tù nhưng ông bị cấm lưu trú tại Sài Gòn và phải
chịu sự quản thúc tại Cần Thơ. Tuy nhiên ông vẫn nhiều lần bí mật quay về Sài
Gòn hoạt động, lưu trú tại nhà của Hoàng Đôn Vân. Trong khoảng thời gian này
ông thường đọc sách tại nhà sách Tân Sinh, số 116 Đinh Tiên Hoàng, tại đây ông

đã gặp gỡ cô bán sách Nguyễn Thị Trang (nhà văn Vân Trang), sau này là người
bạn đời, bạn văn chương của nhà văn.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám bùng nổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản,
xứ ủy Nam Kỳ đứng đầu là bí thư Trần Văn Giàu đã cùng với nhân dân Nam Bộ
kịp thời vùng lên cướp chính quyền. 29 ngày sau khi Pháp tái chiếm Sài Gòn, ông
đưa gia đình Hoàng – Trần về lánh nạn tại Rạch Bần. Tại đây ông bị lầm tưởng là
Việt gian nên bị bắt và hành hình bằng cách cột đá nhấn xuống sông. May mắn có
một đồng chí là thân tộc của nhà thơ Tố Hữu nhận ra nên ông thoát chết. Giai đoạn
1946-1947, Thiên Giang trở về Sài Gòn tham gia Mặt trận Báo chí thống nhất, đặc
biệt năm 1947 tham gia vận động thành lập nhóm Chân trời mới, lần lượt cho ra
đời nhiều tác phẩm lý luận, văn học, chính trị và sử học có giá trị.
Khi văn học tranh đấu không còn tạo được không khí sôi động trên văn đàn và
cảm hứng sáng tác không còn dồi dào như trước, với sự giúp đỡ của bạn bè: Phạm
Xuân Thái (Nxb Tứ Hải), Hồ Tấn Nghĩa (Nxb Dân tộc), Sơn Khanh (Nxb Sống
chung), Đinh Xuân Hòa (Nxb Nam Việt), Đinh Xuân Tiếu (chủ nhà in Sông Gianh)
và các thân hữu trong nhóm Chân trời mới, tháng 7 năm 1949 nhà văn đã đáp tàu
Marechal Joffre sang Pháp để khảo cứu nghề in. Trong suốt thời gian này, ông có
điều kiện thâm nhập vào cuộc sống của người dân Pháp và Việt Kiều. Chuyến đi là
nguồn cảm hứng để nhà văn viếtPháp du hồi kí. Sau hơn nửa năm sống trên đất
Pháp, tác giả trở về Sài Gòn và bị bệnh lao phổi kéo dài nhiều năm. Dù tình hình
sức khỏe không tốt, nhưng tấm lòng dành cho đồng bào, đất nước luôn trọn vẹn,
trước âm mưu nô dịch văn hóa của Mỹ - Diệm, Thiên Giang lại tiên phong phát
khởi trào lưu tân giáo dục trong suốt giai đoạn 1954-1960. Cũng trong thời gian
này, ông cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê cho ra đời bộ Lịch sử thế giới toàn
tập gồm bốn tập, trong đó nhà văn viết tập 2 và 3 với cách viết và góc nhìn tiến bộ
theo hướng biện chứng và duy vật lịch sử. Trước hiện trạng đất nước vẫn còn hình
bóng quân thù, song hành cùng vấn đề về giáo dục, ông lại tiếp tục công cuộc đấu
tranh chính trị thông qua tổ chức cách mạng. Sau khi Phong trào Dân tộc tự quyết
bị đàn áp, Thiên Giang chuyển sang làm nòng cốt tổ chức Lực lượng Bảo vệ Văn
hóa dân tộc và Phong trào Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ Việt Nam.

Năm 1964, ông chủ trương tờ báo Hồn trẻ, đây là cơ quan ngôn luận giới thiệu
truyền bá những tư tưởng nhân đạo và tiến bộ, trụ sở được đặt tại đình Nam Chơn,
số 29 Trần Quang Khải. Cùng với vợ là nhà văn Vân Trang, Thiên Giang đã sáng
tác nhiều truyện ngắn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Được sự chỉ đạo bí mật của
Ban Trí vận, năm 1966, ông giữ vị trí chủ chốt cùng với hàng trăm trí thức, nhân sỹ
yêu nước tích cực tổ chức nhiều hội đoàn đấu tranh công khai và bán công khai để
bảo vệ văn hóa dân tộc. Trong thời gian này, ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội Bạn trẻ
em Việt Nam. Năm 1968 ông vào chiến khu, giữ chức Ủy viên thường trực của Ủy
ban Liên minh Khu Sài Gòn - Gia Định.
Trước những trọng trách được giao, chiến sĩ - văn sĩ Thiên Giang đã không ngừng
cống hiến sức mình, nhưng do tuổi tác, bệnh tật và cường độ công việc nên khoảng
năm 1971 lâm bệnh nặng, được Trung ương cho qua Đức điều trị. Cuối năm 1972
ông trở về Hà Nội.
Ngày 2 tháng 5 năm 1975, Thiên Giang được điều động vào Sài Gòn. Những năm
tháng tiếp theo hai vợ chồng Thiên Giang - Vân Trang tiếp tục làm công tác mặt
trận tại Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 6/4/1985, nhà văn
qua đời tại nhà riêng.
2. Hoạt động văn học
Trong suốt quá trình dựng nước, dân tộc ta luôn phải chống giặc ngoại xâm. Văn
học có sự đóng góp xứng đáng trong từng chặng đường tranh đấu đó. Cùng với
tinh thần nhân đạo, lòng yêu nước đã trở thành cơ sở tư tưởng tình cảm cho văn
học dân tộc. Là một chiến sĩ đồng thời là nhà văn, Thiên Giang ý thức được sứ
mệnh của người cầm bút. Cả cuộc đời ông là hành trình chiến đấu không ngừng
nghỉ trên khắp các mặt trận chính trị và văn hóa. Đặc biệt trong giai đoạn 1936-
1939 và 1945-1954 ông có nhiều sáng tác, phê bình, dịch thuật tạo được tiếng vang
trên văn đàn. Gắn với từng giai đoạn, Thiên Giang cùng với bạn hữu lập nên hai
nhóm Tứ Hải (1936-1939) và Chân trời mới (1947-1949).
Nhóm Tứ Hải: Năm 1936 Mặt trận Bình dân giành thắng lợi tại Pháp đã tạo
điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Tình thế chính trị đổi khác, ngày
càng có lợi cho cách mạng, vì vậy Thiên Giang có thời gian để viết và tham gia các

hoạt động.
Cùng với các đồng chí Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Hải Khách (Trần Huy Liệu),
Hải Trần (Nguyễn Văn Khai), Hải Vân (Trần Kim Bảng) đã cùng nhau thành lập
nhóm Tứ Hải. Nhiều sách báo ra đời trên mặt trận đấu tranh công khai được phát
hành rộng rãi nhằm tuyên truyền cách mạng. Trong giai đoạn đó, văn đàn trở nên
sôi động do cuộc bút chiến nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh.
Cùng với những thành viên trong nhóm Tứ Hải, ông đã viết nhiều bài báo “phê
phán kịch liệt phái nghệ thuật vị nghệ thuật dựa trên những quan điểm của chủ
nghĩa Mác-Lênin về văn hóa văn nghệ, góp phần đẩy lùi khuynh hướng phi chính
trị hóa đã tách văn hóa văn nghệ ra khỏi cuộc đấu tranh của dân tộc”
(1)
.
Với bút hiệu Hải Vân (có khi ký Thạch Vân), Trần Kim Bảng đã luôn đứng về phái
chủ trương nghệ thuật vị nhân sinh. Ông kịch liệt phản đối những tác phẩm, tác giả
lãng mạn. Cuộc tranh luận đã tạo được ảnh hưởng khá sâu rộng trong giới cầm bút
và công chúng, “đã khẳng định tính ưu việt của mỹ học Mác xít trong khả năng
tiếp nhận chân lý đời sống và chân lý nghệ thuật”
(2)
. Trong những bài viết thời kỳ
này, có thể kể: Nguyên nhân phát sinh của hai trào lưu văn nghệ ở xứ này, (Tiến
bộ, số 1, 9/2/1936); Sự xung đột của hai tư tưởng hay là sự xung đột của hai thế
giới (Tiến bộ, Số 6, 15/3/1936); Văn chương trong xã hội giai cấp, (Hồn trẻ, số ra
ngày 11/7 và 18/7/1936). Những bài viết này đã thể hiện rõ lập trường và tư tưởng
của nhà văn, chi phối hoạt động văn học và giáo dục của ông sau này.
Có thể thấy, cả bốn thành viên đều là những nhà văn, nhà báo và chiến sĩ yêu nước,
có nhiều bài viết đăng trên các tờ báo tiến bộ, nêu cao tinh thần chiến đấu cho giới
văn nghệ sĩ cũng như thanh niên. Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan, nhóm
không có tác phẩm viết chung mà chỉ là tập hợp những cộng tác chung chí hướng.
Cùng gắn kết trong cuộc bút chiến, những gì họ làm được chưa thực sự công minh
vì còn quá cực đoan khi công kích văn học lãng mạn. Nhưng xét trong hoàn cảnh

xã hội lúc bấy giờ thì có thể chấp nhận được. Không “đứng mũi chịu sào” như Hải
Triều, nhưng với sự nhiệt thành, Hải Vân đã phần nào thể hiện được tấm lòng vì
dân vì nước trong ý thức sống của người trí thức.
Nhóm Chân trời mới: Nhóm Chân trời mới là tập hợp những trí thức có lập
trường yêu nước, tiến bộ. Nhóm gồm có bộ ba Tam Ích (Lê Nguyên Tiệp), Thê
Húc (Phạm Văn Hạnh), Thiên Giang (Trần Kim Bảng), ngoài ra còn có sự giúp đỡ
và cộng tác của bạn hữu văn sĩ như Thiếu Sơn, Hợp Phố, Bách Việt…
Hoạt động của nhóm gắn liền với giai đoạn văn học tranh đấu (1947-1949) ở đô thị
Sài Gòn với mục đích “kiểm điểm lại những giá trị cũ để vạch một đường hướng
dẫn về tương lai”. Nhóm đã gây được tiếng vang trên văn đàn Nam Bộ bởi sự nhất
trí trong đường lối và tác phẩm. Tác phẩm của họ phong phú và được viết trên
nhiều lĩnh vực: văn học, lịch sử, giáo dục với nhiều thể loại gồm hồi ký, truyện
ngắn, tiểu thuyết, dịch, biên khảo… Theo quan điểm của nhóm, nhà văn phải biết
hòa mình sống cùng với quần chúng, phải biết ý thức sứ mệnh lịch sử của mình là
góp sức cho tranh đấu. Chính vì vậy mà họ đề cao những tác phẩm tả chân xã
hội: Gót sắt (Jack London), Người mẹ (Marxim Gorky), Túp lều bác Tôm (Howard
Fast), bên cạnh đó kịch liệt phản ánh những nhà văn, nhà phê bình lãng mạn vì cho
rằng “quần chúng đối với họ chỉ là sự xa lạ”.
Là một trong ba cây bút chủ chốt của nhóm, Thiên Giang - Trần Kim Bảng hoạt
động sôi nổi với các lĩnh vực sáng tác, phê bình, dịch thuật. Phần lớn sự nghiệp
văn học của nhà văn tập trung trong giai đoạn này: hồi ký Lao tù, Lao tù II, Bộ
xích sắt, Bứt xiềng, Văn chương và xã hội, Nghệ thuật và nhân sinh, Thi văn hiện
đại, Giữa chốn ba quân (dịch), Qua lớp bụi đời(dịch). Việc chọn lựa hòa nhịp theo
dòng chảy của văn chương tranh đấu và ủng hộ những sáng tác tả chân dù có phần
khiên cưỡng và chưa hoàn toàn thống nhất từ tư tưởng đến tác phẩm, tuy nhiên có
thể nhận thấy ở ông tấm lòng vì dân vì nước.
Dù chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng nhóm Chân trời mới đã tạo nên sự
ảnh hưởng trên văn đàn. Những sáng tác, biên khảo, phê bình và dịch thuật của
nhóm nhìn chung vẫn hướng về mục đích chung của toàn dân là chống giặc. Hiện
nay, việc giới thiệu những công trình của nhóm nói riêng, các tác giả miền Nam

giai đoạn 1945-1954 còn sơ lược và khiếm khuyết, chưa thật tương xứng với
những đóng góp của nó.
3. Tác phẩm của Thiên Giang Trần Kim Bảng
Sự nghiệp văn học của Thiên Giang hầu như tập trung trong hai giai đoạn
1936-1939 và 1945-1954. Tác phẩm của ông minh chứng cho quan niệm “nghệ
thuật là sản vật của xã hội, phát nguyên của nghệ thuật là ở xã hội mà cứu cánh của
nó cũng ở xã hội. Vì vậy nghệ sĩ và quần chúng là một. Giữa cuộc đời và quần
chúng họ sẽ tìm thấy sứ mạng lịch sử”.
Tác phẩm đã xuất bản: Tác phẩm đã xuất bản của Thiên Giang gồm có: Lao
tù, Thi văn hiện đại, Nghệ thuật và nhân sinh, Văn chương và xã hội, Bộ xích
sắt, Người mẹ sáng suốt (viết chung với nữ sĩ Vân Trang), Giữa chốn ba
quân(dịch), khoảng 20 truyện ngắn và các bài nghiên cứu về lịch sử, giáo dục đăng
trên báo Mới, Luận đàm và tạp chí Bách Khoa.
Trong sự nghiệp sáng tác, có thể nói tác phẩm gây ấn tượng và tạo được tiếng vang
nhất của nhà văn là hồi ký Lao tù - “hình ảnh truyền thần của chế độ thuộc địa”
(3)
.
Dù bị cắt bớt nội dung trong quá trình kiểm duyệt nhưng Lao tù đã đến với công
chúng và được bạn đọc phản hồi khá tích cực. Bằng chính những trải nghiệm trong
những năm bị đày tại Lao Bảo,Lao tù đã tái hiện lại chân thực, sống động chính
sách nhà tù dã man tàn bạo cũng như những hậu quả khốc liệt hủy hoại con người
về thể xác lẫn tinh thần. Cùng với các hồi ký viết về đề tài đi đày: Côn Lôn ký
sự của Thiết Hán, Tôi bị đày đi Bá Rá của Việt Tha, Lao tù của Thiên Giang đã làm
phong phú hơn “bộ phận ít ỏi của ký đô thị viết về thế giới của những con người đi
chiến đấu, góp phần thổi lửa vào lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu ở đô thị”
(4)
.
Chiếm số lượng khiêm tốn, ít được bạn đọc biết đến và hầu như chưa được giới
phê bình quan tâm, các truyện ngắn một mặt làm phong phú thêm sự nghiệp văn
học của nhà văn Thiên Giang; mặt khác mang lại những góc nhìn mới mẻ, những

suy tư trăn trở nơi ngòi bút này. Với hơn 20 truyện ngắn, Thiên Giang đã gợi nhắc
đến một số nét văn hóa truyền thống: trò chơi dân gian, tục gói bánh, tục thờ cúng
tổ tiên… Ông dành sự cảm thông và xót xa trong những trang văn của mình khi
viết về những thân phận con người: đứa trẻ nghèo làm việc nặng nhọc để mưu
sinh, người ở mướn, nhà giáo, từ đó đề ra những vấn đề đạo đức rất sâu sắc.
Không dày dặn và đều tay bằng sáng tác văn học nhưng những tác phẩm lý luận
phê bình của nhà văn Thiên Giang đã để lại dấu ấn nhất định. Có thể nói, với phê
bình văn học ở Nam Bộ 1945-1954, ông đã có những đóng góp quan trọng. Do
biến chuyển của cao trào lịch sử và ý thức của một chiến sĩ, Thiên Giang liên tiếp
cho xuất bản Văn chương xã hội, Nghệ thuật vị nhân sinh, Thi văn hiện đại (cùng
nhiều tác giả khác), cả ba đều tập hợp những trang viết mang tính tranh đấu và bàn
luận về các vấn đề bức thiết trong xã hội. Là cuốn sách thứ sáu của tủ sách Chân
Trời Mới, Nghệ thuật và nhân sinh đã chạm đến khá nhiều khía cạnh của văn học:
vấn đề tự do sáng tác, nghệ thuật Việt Nam đi về đâu, quá trình văn nghệ Việt
Nam, chung quanh khuynh hướng mới… với mong muốn “mở rộng vấn đề trên
khắp các ngành nghệ thuật ở trong nước và trên thế giới ngày nay hầu đem lại cho
độc giả một ý niệm tổng quát về tính chất và cứu cánh của nghệ thuật”
(5)
.
Tác phẩm dạng bản thảo: Ngoài số lượng tác phẩm đã xuất bản nhắc đến ở
trên, chúng tôi đã sưu tầm được ba hồi ký ở dạng bản thảo của Thiên Giang: Nảy
mầm, Pháp du hồi ký, Ông cháu. Ngoài ra còn có những sáng tác chưa đến được
với bạn đọc do chế độ kiểm duyệt: tiểu thuyết Bứt xiềng, hồi ký Trước cơn giông.
Những tác phẩm này càng làm sáng rõ phương châm sống và viết của nhà văn
Thiên Giang. Riêng Pháp du hồi ký đã mang lại màu sắc mới cho thể ký nói riêng
và văn học Việt Nam nói chung khi tái hiện sinh động cuộc sống của đồng bào Việt
kiều tại Pháp.
Kết luận
Thiên Giang - Trần Kim Bảng là chiến sĩ - nhà văn - nhà giáo và cũng là chứng
nhân lịch sử của thế kỷ XX. Trọn cuộc đời sống, chiến đấu, lao động vì đất nước,

ông đã dùng văn chương như vũ khí để đấu tranh trong cuộc chiến đấu chung của
toàn dân. Suốt cuộc đời mong muốn cho đất nước độc lập, giáo dục phát triển, văn
chương ích lợi, tác giả đã góp vào gia tài văn học, lịch sử nước ta một chân dung
bình dị, tuy “thô sơ da thịt” nhưng “lên đường không bao giờ nhỏ bé”. Nhìn chung,
dù là sáng tác hay lý luận, dịch thuât, nhà văn Thiên Giang đều thể hiện sự tranh
đấu với mong muốn hướng con người đến những điều tốt đẹp. Việc nghiên cứu sự
nghiệp văn học của nhà văn Thiên Giang - Trần Kim Bảng nhằm giới thiệu đầy đủ
hơn cuộc đời, sáng tác, lý luận - phê bình của ông - một tác giả còn khá lạ lẫm với
bạn đọc cũng như học sinh, sinh viên, để góp phần bổ khuyết cho những khoảng
trắng của văn học Nam Bộ, thiết nghĩ là một việc làm cần thiết.

Chú thích:
(1) Vu Gia (2002), Hải Triều - Nghệ thuật vị nhân sinh, Nxb Văn nghệ, TP Hồ Chí
Minh.
(2) Viện Văn học (2002), Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Chính trị Quốc
gia, Hà Nội, tr 637.
(3) Đề tài cấp Trọng điểm Đại học Quốc gia (2012), Sưu tầm, khảo sát và đánh giá
văn học Nam Bộ 1945 - 1954, TP. Hồ Chí Minh.
(4) Đề tài cấp Trọng điểm Đại học Quốc gia (2012), Sưu tầm, khảo sát và đánh giá
văn học Nam Bộ 1945 - 1954, TP. Hồ Chí Minh, tr.59.
(5) Tam Ích, Thê Húc, Thiên Giang (1948), Nghệ thuật và Nhân sinh, Nxb Nam
Việt, Sài Gòn, tr.8.

Tài liệu tham khảo
1. Đề tài cấp trọng điểm Đại học Quốc gia Sưu tầm, khảo sát và đánh giá
văn học Nam Bộ 1945 - 1954 do Võ Văn Nhơn làm chủ nhiệm (nghiêm thu
năm 2012).
2. Hoàng Đôn (2009), Giữa ngàn thác lũ, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
3. Thiên Giang (1949), Lao tù, Nxb Nam Việt, Sài Gòn.
4. Thiên Giang (1948), Nghệ thuật và nhân sinh, Nxb Nam Việt, Sài Gòn.

5. Thiên Giang, Tam ích, Thê Húc (1948), Văn chương và xã hội, Nxb Nam
Việt, Sài Gòn.
6. Vũ Hạnh, Nguyễn Ngọc Phan (2008), Văn học thời kỳ 1945 – 1975 ở
thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh.
7. Nhiều tác giả (1949), Thi văn hiện đại, Nxb Dân tộc, Sài Gòn.
8. Nguyễn Văn Sâm (1969), Văn chương tranh đấu miền Nam, Nxb Kỷ
Nguyên, Sài Gòn.
9. Nguyễn Văn Sâm (1972), Văn chương Nam Bộ và cuộc kháng chiến
chống Pháp 1945 – 1950, Nxb Lửa thiêng, Sài Gòn.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa & Du lịch, số 18 (72), tháng 7.2014, tr. 86 - 92

×