1
Tên đề tài: PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC CỦA HỌC SINH
TRONG GIẢNG DẠY MÔN TIẾNG ANH 8, 9
Tác giả: Trần Thanh Dũng
Đơn vị: Trường THCS Hoài Hương-Hoài Nhơn-Bình Định
A. PHẦN MỞ ĐẦU
I. ĐẶT VẤN ĐỀ :
1. Thực trạng:
Qua thực tế giảng dạy và dự giờ nhiều giáo viên tôi nhận thấy học sinh
ở các lớp 8, 9 học rất trầm, ít phát biểu, trình độ các em khá chênh lệch, trong
những tiết học đầu tiên, chỉ những em khá trở lên hay phát biểu xây dựng bài
còn lại thì không tham gia các hoạt động, vì vậy giờ dạy không đạt được mục
tiêu như mong muốn. Qua quá trình tìm hiểu học sinh khối 8, 9 tôi đã tìm ra
một số nguyên nhân:
1.1. Sự thay đổi về cấu trúc, nội dung sách giáo khoa.
Cấu trúc sách giáo khoa lớp 8, 9 có nhiều thay đổi. Trước đó, ở lớp 6, 7
các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết được phối hợp thường xuyên trong các tiết
học; lượng kiến thức còn ít, đơn giản (từ vựng và ngữ pháp), các em ít gặp
khó khăn khi thực hiện các yêu cầu học tập của giáo viên. Đối với lớp 8, 9 các
kỹ năng này bắt đầu được rèn luyện chuyên sâu hơn qua các kĩ năng nghe,
nói, đọc, viết. Tuy bài khóa trong chương trình sách giáo khoa tiếng Anh 8, 9
được xây dựng theo các chủ điểm có nội dung gần gũi với cuộc sống hằng
ngày của học sinh, nhưng cũng có một số bài nội dung chưa thật sự phù hợp
hoặc một số bài khóa tương đối dài, chứa đựng một lượng lớn từ mới, một số
bài bài tập tương đối khó với học sinh; một số bài tập trong sách giáo khoa
thiết kế quá dễ không phù hợp với tất cả các đối tượng học sinh. Điều này đòi
hỏi giáo viên linh hoạt thiết kế các bài tập, các hoạt động luyện tập sao cho
phù hợp với đối tượng học sinh hơn.
1.2. Về phía học sinh :
2
-Đa số học sinh còn học một cách thụ động và chưa tích cực trong quá
trình học, còn chờ đợi kết quả của thầy cô, bạn bè đưa ra.
-Vốn từ vựng của học sinh quá ít, đặc biệt vốn hiểu biết về lịch sử, đất
nước con người, về kiến thức văn hóa - xã hội còn hạn hẹp.
-Kiến thức ngữ pháp của học sinh còn yếu kém, việc hiểu bản chất của
một vấn đề và vận dụng ngữ pháp theo ngữ cảnh thường bị nhầm lẫn.
-Đa số học sinh còn bị ảnh hưởng bởi tiếng mẹ đẻ dẫn đến hiểu sai và
sử dụng sai tiếng Anh, khả năng nhận thức tư duy trừu tượng còn hạn chế.
-Một số học sinh chưa đủ tự tin về năng lực cá nhân nên ngại phát biểu,
một số khác thì có năng lực nhưng ngại tham gia vào các hoạt động vì sợ sai,
sợ xấu hổ với thầy cô và bạn bè, nhất là bạn khác giới. Một số em thì có cảm
giác chán nản trong việc luyện tập các kĩ năng phức tạp như kĩ năng đọc hiểu,
nghe hiểu vì gặp nhiều từ mới, trừu tượng và khó đoán nghĩa, hoặc như kĩ
năng viết thì cảm thấy khó diễn đạt ý tưởng cá nhân bằng vốn tiếng Anh của
mình, cấu trúc ngữ pháp nắm không chắc.
-Đa số các em không có điều kiện về môi trường học tiếng Anh.
-Do áp lực khối lượng kiến thức các môn học quá nhiều nên việc đầu tư
học tập ở nhà còn hạn chế.
1.3. Về phía giáo viên :
-Một số giờ dạy, giáo viên chưa thu hút được học sinh vì hạn chế về
chuyên môn, phương pháp, nghệ thuật giảng dạy và cả sự nhiệt tình.
-Một số hoạt động học tập mà giáo viên thiết kế quá nhàm chán thường
quá khó hoặc quá dễ nên chưa thu hút được tính tò mò, sáng tạo của học sinh.
-Một số giáo viên quá nghiêm khắc chưa tạo được hưng phấn cho học
sinh thậm chí còn tạo ra tâm lí căng thẳng, mệt mỏi, sợ hãi cho học sinh làm
cho học sinh cảm thấy không thích thú tham gia vào các hoạt động học tập.
-Một số giáo viên ít đầu tư, không sử dụng đồ dùng dạy học hoặc chưa
phát huy hết hiệu quả của đồ dùng dạy học, việc ứng dụng công nghệ thông
tin trong giảng dạy còn hạn chế
3
-Một số giáo viên dạy theo lối mòn rập khuôn không sáng tạo, một số
chưa chịu khó thiết kế các hoạt động giúp học sinh thực hành hoặc áp đặt kiến
thức làm cho học sinh không có cơ hội để thể hiện ý kiến của mình. Bên cạnh
đó giáo viên còn chưa quan tâm đến các đối tượng yếu-kém vì sợ không hoàn
thành các nội dung bài trong một tiết dạy. Việc hướng dẫn học sinh học ở nhà
của giáo viên chưa thực sự chú trọng nên dẫn đến tình trạng học sinh không
biết làm gì hoặc khó quá làm không ra.
-Ít tổ chức các hoạt động cặp, nhóm dẫn đến học sinh không có cơ hội
để rèn luyện và vận dụng sáng tạo vào các tình huống giao tiếp.
2. Ý nghĩa và tác dụng của giải pháp mới:
Tăng cường sự tham gia tích cực của học sinh vào các hoạt động học
tập, từ đó học sinh chủ động tiếp thu kiến thức và vận dụng kiến thức trong
các tình huống giao tiếp cũng như huy động kiến thức để làm các bài kiểm tra,
các bài thi đạt kết quả cao nhất.
3. Phạm vi nghiên cứu:
Tìm hiểu, vận dụng các phương pháp dạy học tích cực qua quá trình
giảng dạy môn Tiếng Anh 8, 9 tại trường THCS Hoài Hương.
II. PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH:
1. Cơ sở lý luận và thực tiễn:
1.1. Cơ sở lý luận:
Mục tiêu giáo dục hiện nay đang tập trung hướng vào việc phát triển
tính năng động , sáng tạo và tích cực của học sinh nhằm tạo khả năng nhận
biết và giải quyết vấn đề cho học sinh. Để đạt được mục tiêu này, việc đổi
mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh là chủ thể hoạt động,
khuyến khích các hoạt động học tập tích cực, chủ động, sáng tạo của các em
trong quá trình dạy học là rất cần thiết.
Hiện nay trong nhà trường phổ thông, cũng giống như các bộ môn
khác, việc dạy và học tiếng Anh đang diễn ra cùng với sự đổi mới phương
pháp giảng dạy, áp dụng các kĩ thuật dạy học mới, thực hiện giảm tải nội
4
dung chương trình học nhằm làm phù hợp với nhận thức của học sinh. Việc
đổi mới sách giáo khoa và phương pháp dạy học là một yêu cầu khách quan
nhằm giúp cho người học hệ thống được kiến thức, năng động hơn, sáng tạo
hơn, phát triển năng lực trí tuệ ở một mức cao hơn. Trong khi đó, đối tượng
học sinh ở nhiều vùng miền chưa cân đối về điều kiện và khả năng học tập,
chẳng hạn như ở nông thôn, các em chưa có điều kiện để tham gia vào các
khoá học tiếng Anh, chưa có điều kiện để giao tiếp với người nước ngoài,
thông tin báo chí, sách tham khảo cần thiết còn ít. Để đáp ứng được yêu cầu
trên, người dạy học phải sớm tìm ra giải pháp phù hợp để khắc phục những
khó khăn và đem lại hiệu quả cao cho việc dạy và học môn tiếng Anh.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện việc đổi mới phương pháp, nhiều
giáo viên chỉ chú trọng đến việc đổi mới trong tổ chức các hoạt động học tập
của học sinh, hoàn thiện các bước dạy theo hướng đổi mới, chứ chưa chú
trọng đến sự tham gia tích cực của các đối tượng học sinh và đối tượng tiếp
cận với sự đổi mới này chủ yếu là học sinh khá giỏi, còn đại bộ phận học sinh
vẫn chưa theo kịp và vẫn thụ động chờ kết quả của bạn mình đưa ra.
Vậy làm thế nào để việc giảng dạy và học tập môn Tiếng Anh đạt hiệu
quả? Theo tôi, ngoài việc giáo viên phải tích cực đổi mới phương pháp giảng
dạy để đạt được mục tiêu bài dạy, giáo viên cần có biện pháp phát huy sự
tham gia tích cực của học sinh, có như vậy học sinh mới chủ động rèn luyện
kiến thức sẵn có đồng thời tiếp thu kiến thức mới một cách vững chắc, vận
dụng sáng tạo vào các tình huống giao tiếp .
1.2. Cơ sở thực tiễn:
Tính tích cực trong học tập của học sinh được thể hiện ở các đặc điểm, hành
vi như: nhịp độ, cường độ học tập cao, học sinh rất năng động, hoàn thành
những công việc được giao với sự chú ý cao độ.
Cụ thể tính tích cực của học sinh được thể hiện ở các điểm sau:
-Xác định rõ mục đích, yêu cầu của hoạt động học tập, nắm vững biện
pháp để đạt được mục đích đó.
5
-Học sinh phải tự giác, chủ động, độc lập trong học tập, có nhu cầu nhận
thức cao. Điều đó có nghĩa là học sinh phải luôn thực hiện tốt nhiệm vụ học
tập của mình, hăng hái tham gia vào các hoạt động học tập, chủ động tiếp thu
kiến thức, chỉ tìm đến sự giúp đỡ của giáo viên khi thực sự bế tắc.
-Có động cơ học tập đúng đắn: học để chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng, kĩ xảo
và hoàn thiện nhân cách theo yêu cầu xã hội.
-Chăm chú nghe giảng, hăng hái xây dựng phát biểu bài; đào sâu suy
nghĩ, đặt ra những câu hỏi, lật lại vấn đề nếu chưa thấy hài lòng với những
kiến thức giáo viên truyền đạt; học sinh luôn luôn có óc hoài nghi khoa học,
thích tìm hiểu, khám phá, không thụ động chấp nhận một cách máy móc
những gì thầy cô dạy; vì “hỏi một câu chỉ dốt trong chốc lát, nhưng nếu không
hỏi sẽ dốt suốt đời” (ngạn ngữ phương Tây).
-Học sinh phải biết lập ra kế hoạch học tập phù hợp: phải đặt cho mình
một chương trình làm việc hàng ngày, hàng tuần, tháng, năm. Có những hình
thức tự học phù hợp (ngoài yêu cầu tự học của giáo viên), tích cực tham gia
các hoạt động học tập tích cực như: hoạt động cặp, nhóm, thảo luận, nghiên
cứu …
-Có ý chí vượt qua những khó khăn bên ngoài và khó khăn bên trong;
biết chủ động tìm ra cái mới, thiết lập mối quan hệ giữa tri thức cũ và tri thức
mới bằng cách: lập đề cương, hệ thống hóa kiến thức, tóm tắt… để từ đó có
thể dễ dàng vận dụng một cách linh hoạt trong việc giải quyết các tình huống,
nhiệm vụ lý luận, thực tiễn trong học tập cũng như cuộc sống hằng ngày.
-Bên cạnh đó, một điều quan trọng là học sinh phải luôn biết tự kiểm tra
đánh giá việc học của mình để có hướng phấn đấu và rèn luyện.
Mỗi học sinh thể hiện tính tích cực khác nhau, tuy nhiên nếu huy động
hết khả năng và mức độ tích cực tối đa của bản thân thì chắc chắn sẽ đạt được
những kết quả tốt đẹp.
Để phát huy tốt tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh trong học
tập, thì chúng ta cần tổ chức quá trình dạy học theo hướng tích cực hoá hoạt
6
động của học sinh; trong quá trình dạy và học, giáo viên chỉ là người truyền
tải kiến thức đến học sinh, học sinh muốn lĩnh hội tốt những kiến thức đó thì
các em phải tự học bằng chính các hoạt động của mình. Vì vậy, trong giảng
dạy tiếng Anh, tiêu chí cơ bản của phương pháp mới là hoạt động tự lập, tích
cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong việc giải quyết các nhiệm vụ giao
tiếp bằng tiếng Anh. Như vậy để đạt được mục tiêu của bài học, giáo viên
ngoài việc vận dụng tính ưu việt của phương pháp mới, các kĩ thuật dạy học
mới, học sinh cần phải biết cách vận dụng, rèn luyện kiến thức ngôn ngữ của
mình bằng việc tích cực tham gia vào các hoạt động trên lớp, chủ động tiếp
thu và vận dụng kiến thức.
2. Biện pháp tiến hành và thời gian tạo ra giải pháp:
2.1. Biện pháp tiến hành:
2.1.1. Quan sát, tổng hợp:
Qua dự giờ một số giáo viên và việc tham gia vào các hoạt động học
tập của học sinh.
2.1.2. Trao đổi, thảo luận:
Sau khi dự giờ của đồng nghiệp, trao đổi, thảo luận để từ đó rút ra
những kinh nghiệm cho tiết dạy.
2.1.3. Thực nghiệm, đối chiếu, phân tích, so sánh.
Áp dụng vào các lớp đang giảng dạy, phân tích, đối chiếu, so sánh với
kết quả đạt được.
2.1.4. Tổng kết rút kinh nghiệm:
Rút kinh nghiệm qua việc áp dụng vào đối tượng học sinh đã và đang
giảng dạy.
2.2. Thời gian tạo ra giải pháp:
Qua quá trình giảng dạy bộ môn tiếng Anh lớp 8, 9 năm học 2010 -
2011 và học kì I năm học 2011-2012 tại Trường THCS Hoài Hương.
7
B. NỘI DUNG
I. Mục tiêu:
Đề tài này tập trung vào một số giải pháp cơ bản mà giáo viên cần thực
hiện nhằm kích thích học sinh tham gia luyện tập trên lớp một cách tích cực
và chủ động để giúp học sinh cảm thấy thoải mái, hứng thú hơn, tự tin hơn
trong việc thực hành ngôn ngữ tại lớp và chủ động huy động vốn kiến thức đã
tích luỹ được để bắt chước, tìm tòi cách ứng xử và ứng xử sáng tạo trong các
tình huống giao tiếp cũng như vận dụng trong kiểm tra, thi cử.
II. Mô tả giải pháp của đề tài:
1. Thuyết minh tính mới:
1.1. Để tăng cường tính tích cực của học sinh, giáo viên cần phải tích cực:
Để phát huy được tính tích cực của học sinh trong giảng dạy, trước hết
giáo viên phải có tâm huyết, phải tích cực. Tính tích cực của giáo viên thể
hiện ở các việc làm sau:
- Tạo ra các tình huống dạy học hợp lí. Giáo viên không phải truyền
giảng nữa mà là dẫn dắt học sinh vào các tình huống dạy học để học sinh tự
giải quyết vấn đề học tập.
- Luôn gợi ý cho học sinh tranh luận, suy nghĩ, phải đặt vấn đề cho
chính học sinh là người tự phát hiện ra tri thức cần chiếm lĩnh thông qua việc
giải quyết vấn đề. Do đó, để thực hiện được tính tích cực này, giáo viên phải
đầu tư nhiều thời gian xây dựng các hệ thống câu hỏi, các hoạt động học tập
kích thích tư duy, tính tích cực của học sinh.
- Trong quá trình tranh luận để giải quyết vấn đề thì giáo viên phải luôn
tôn trọng các ý kiến của học sinh; không coi mình là nhất, luôn luôn đúng.
Giáo viên chỉ là người bên cạnh học sinh trong lúc giải quyết vấn đề cũng như
tranh luận, không phê phán bất kì ý kiến nào của học sinh mà chỉ nhẹ nhàng
dẫn dắt học sinh đi đúng hướng.
- Giáo viên phải luôn tìm tòi những ví dụ minh họa thực tiễn, dễ hiểu,
gần gũi với cuộc sống học sinh. Điều đó đòi hỏi giáo viên phải sưu tầm sách
8
báo, tranh ảnh, tài liệu đủ loại có tính cách thực tế, có liên quan thực sự đến
hoàn cảnh xã hội thực tại.
- Để bài giảng thêm sinh động hơn, giáo viên cũng nên kết hợp với các
phương tiện kĩ thuật hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin nhưng tránh lạm
dụng, cần khai thác các phần mềm dạy học đúng chỗ, đúng lúc, đúng liều
lượng.
- Để kích thích hoạt động tự học của học sinh, giáo viên cần hướng dẫn
cho học sinh cách tự học (phương pháp đọc sách, tìm tài liệu, phương pháp
làm việc nhóm hiệu quả….), rèn luyện kĩ năng tự đánh giá kết quả học tập.
-Tích cực đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức hoạt động dạy học
theo hướng dạy học tích cực, thiết kế bài giảng khoa học, sắp xếp hoạt động
của giáo viên và học sinh hợp lý, tập trung vào trọng tâm, sát đối tượng, huy
động tất cả kiến thức sẵn có về văn hóa, xã hội cũng như ngôn ngữ của học
sinh trong luyện tập ngôn ngữ, liên hệ thực tế trong giảng dạy phù hợp với nội
dung từng bài, thúc đẩy động cơ học tập, phát huy tính tích cực, chủ động
sáng tạo trong học tập ngoại ngữ cho học sinh, đặc biệt coi trọng rèn luyện kỹ
năng giao tiếp, kỹ năng trình bày trước lớp, trước tập thể bằng tiếng Anh.
-Cập nhật nội dung kiến thức và phương pháp dạy học.
Dạy theo phương pháp lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính sáng
tạo, tích cực của học sinh, đặc biệt là trong khâu chuẩn bị bài mới giáo viên
cần phải xác định mục tiêu, nội dung rõ ràng; xây dựng và bồi đắp niềm đam
mê học ngoại ngữ, rèn luyện cho học sinh tư duy phản biện thông qua hệ
thống câu hỏi mở; đa dạng hóa các hoạt động trong lớp. Giáo viên nên tạo yếu
tố mới bất ngờ trong mỗi giờ học; sử dụng có hiệu quả các phương tiện hỗ trợ
dạy học, các thiết bị nghe nhìn phục vụ việc rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ. Để
tiết dạy đạt được mục tiêu như mong muốn, giáo viên cần phải đầu tư rất
nhiều công sức và thời gian để sưu tầm tài liệu, hình ảnh liên quan đến chủ
đề, không ngừng cập nhật thông tin để hỗ trợ cho bài giảng. Trước khi chuẩn
bị cho một tiết dạy, giáo viên phải nghiên cứu kĩ nội dung trong bài, sau đó bổ
9
sung và mở rộng kiến thức của mình về nội dung cần giảng, chuẩn bị một số
đồ dùng dạy học theo hướng mà giáo viên muốn phát triển bài. Ngoài ra, giáo
viên có thể sử dụng các phương tiện khác dễ tìm kiếm trong học đường, gia
đình hay có thể tự làm để dùng vào việc dạy học. Có như vậy thì giáo viên
mới có thể thực hiện bài lên lớp với vai trò là người gợi mở, xúc tác, động
viên, cố vấn, trọng tài trong các hoạt động tìm tòi hào hứng, tranh luận sôi nổi
của học sinh.
1.2. Tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa giáo viên và học sinh:
Việc quan trọng mà người giáo viên cần phải làm đó là: luôn tìm hiểu
tâm lý, khả năng tiếp thu và trình độ phát triển của học sinh, kể cả hoàn cảnh
của các em. Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh cần được cải thiện một
cách gắn bó, thân mật để giáo viên có thể hiểu học sinh hơn. Bởi mỗi học sinh
là một chủ thể khác nhau về tâm–sinh lý, trình độ và hoàn cảnh, nên giáo viên
không thể áp dụng mọi hình thức dạy học giống nhau. Cũng thông qua mối
quan hệ gắn bó này mà giáo viên dễ dàng thu được các tín hiệu ngược từ học
sinh, biết được các em tiếp thu kiến thức ở mức độ nào, từ đó điều chỉnh nội
dung, phương pháp dạy học,… phù hợp hơn.
Thêm vào đó giáo viên phải luôn rèn luyện nhân cách của mình để làm
gương tốt cho học sinh: từ tác phong, ngôn từ cho đến tính cách… Bởi mối
quan hệ gắn bó, nhân cách tốt sẽ tạo cho các em niềm tin tưởng và hứng thú
để tích cực học tập. Cần phải tạo một không khí lớp học thân thiện và hợp tác
lấy “động viên, khuyến khích” làm trọng. Giáo viên cần có thái độ tích cực
đối với lỗi ngôn ngữ của học sinh, giúp học sinh học tập từ chính lỗi học sinh
và bạn bè.
1.3. Điều chỉnh một số bài tập trong sách giáo khoa, bổ sung các bài tập
thực hành phù hợp với chương trình nhằm đáp ứng các đối tượng học
sinh đang giảng dạy:
Một số bài tập trong sách giáo khoa được thiết kế quá dễ hoặc quá khó
đối với học sinh. Vì vậy, khi chuẩn bị cho một tiết dạy giáo viên cần điều
10
chỉnh, bổ sung sao cho phù hợp với đối tượng học sinh đang giảng dạy, tuy
nhiên phải đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng và phát huy được tính tích cực
của học sinh trong học tập.
Ví dụ 1: Phần Listen-Unit 2 lớp 9, sách giáo khoa thiết kế quá đơn
giản, không phù hợp với các đối tượng học sinh. Tôi điều chỉnh lại như sau:
Listen to the announcement about a lost little girl called Mary and
choose the best answer:
1. How old is Mary?
A. 4 B. 5 C. 6
2. When was she last seen?
A. 15 minutes ago B. 20 minutes ago C. 30 minutes ago
3. What color is her hair?
A. brown B. yellow C. dark
4. What is she wearing?
A. blue shorts, a long-sleeved white blouse and brown shoes
B. yellow pants, a short-sleeved white blouse and blue sandals.
C. a pink skirt, a short-sleeved pink blouse and red boots
Qua việc điều chỉnh như vậy, tôi thấy rất phù hợp với các đối tượng
học sinh, phát triển kĩ năng nghe cho các em tốt hơn, đồng thời học sinh luyện
tập tốt hơn ở phần post-listening (make a short description about Mary)
Ví dụ 2: Phần Listen and Read -Unit 3 lớp 8, tôi bổ sung thêm một số
câu hỏi để học sinh nắm nội dung bài học một cách chắc chắn hơn.
Questions: 1. Why is Mrs. Vui going to be home late?
2. When will she be home?
3. What does Nam has to do himself?
4. What does she ask Nam to do at the end of the conversation?
Tóm lại, giáo viên cần linh hoạt, sáng tạo, điều chỉnh, bổ sung các bài
tập cho phù hợp với nội dung và phù hợp với các đối tượng học sinh đang
giảng dạy.
11
1.4. Tạo môi trường tiếng Anh trong lớp học:
Tạo môi trường học tiếng Anh trong trường và lớp học để học sinh có
nhiều cơ hội luyện tập sử dụng ngôn ngữ trong các giờ học. Để dạy, học và sử
dụng tiếng Anh có hiệu quả cần phải có “môi trường sử dụng”. Nếu học tiếng
Anh mà không có môi trường sử dụng thì tiếng Anh như là một ngôn ngữ
chết. Muốn tạo được một môi trường học tập năng động và hấp dẫn, trong đó
có sự phối hợp tích cực giữa thầy và trò, vai trò của giáo viên là phải tạo ra
mọi tình huống, mọi khả năng để hướng dẫn các hoạt động của học sinh trong
giờ học tùy theo mục tiêu, nội dung bài học. Thường xuyên sử dụng tiếng
Anh trong lớp học để đặt học sinh vào tình huống bắt buộc phải sử dụng tiếng
Anh. Đồng thời, giáo viên cần vận dụng mọi thao tác, phương tiện và cử chỉ
điệu bộ để tăng cường thúc đẩy các hoạt động giao tiếp. Bên cạnh đó phải biết
cách phát huy triệt để các phương tiện dạy học.
1.5. Thường xuyên tổ chức các hoạt động cặp, nhóm:
Hoạt động cặp, nhóm làm tăng sự tham gia của học sinh, sự tham gia
nhiều không những cuốn hút được những học sinh tích cực mà còn cả những
học sinh rụt rè nữa. Học sinh sẽ thấy thoải mái hơn khi giao tiếp trong các
nhóm nhỏ vì vậy, có thể tự diễn đạt ngôn ngữ một cách tự nhiên hơn.
Thông thường học sinh thích hoạt động theo nhóm hơn là phải trả lời
giáo viên trước lớp bởi vì khi giao tiếp trong nhóm nhỏ kiểu ngôn ngữ các em
dùng để diễn đạt thường cụ thể, thân mật và các em có điều kiện để thử
nghiệm ngôn ngữ mà không bị áp lực từ bên ngoài.
Mặc khác khi được hoạt động cặp, nhóm học sinh có nhiều điều kiện để
giúp đỡ nhau hơn, các em sẽ học nhau một cách hữu thức hay vô thức thông
qua việc chữa lỗi cho nhau và bổ sung kiến thức cho nhau và cùng nhau phát
triển các kĩ năng.
Khi tổ chức cho học sinh hoạt động cặp, nhóm, giáo viên cần lưu ý một
số vấn đề sau:
12
-Thứ nhất, giáo viên cần chuẩn bị kỹ nội dung để học sinh thảo luận
bằng cách thành lập hệ thống những câu hỏi và cả những đáp án gợi ý có thể.
-Thứ hai, giáo viên cần đưa ra những ví dụ và phân tích ví dụ thật cụ
thể để đảm bảo tất cả học sinh đều biết và hiểu rõ nhiệm vụ mình cần làm.
Giáo viên cũng có thể làm mẫu cùng một vài học sinh hoặc gọi một số học
sinh khá giỏi đứng lên làm mẫu để đảm bảo tất cả học sinh đều có thể bắt đầu
làm việc sau khi đã giao nhiệm vụ và hướng dẫn kĩ cách làm. Ngoài ra giáo
viên cũng cần quy định rõ thời gian tiến hành hoạt động để học sinh chủ động
trong khi tiến hành hoạt động.
-Thứ ba, trong khi học sinh tiến hành thảo luận theo cặp- nhóm, giáo
viên có thể đi quanh lớp để kiểm tra việc thực hiện hoạt động của học sinh
trong lớp. Giáo viên cũng có thể dừng lại ở một số nhóm để theo dõi và đưa ra
những hướng dẫn cho học sinh nếu thấy cần thiết.
Sau khi học sinh kết thúc việc thảo luận theo cặp, nhóm giáo viên có
thể yêu cầu một vài nhóm nhắc lại những gì các em đã thảo luận trước lớp.
Những học sinh khác nghe và bổ sung hoặc nhận xét ý kiến. Với hoạt động
nhóm, giáo viên có thể kiểm tra bằng việc gọi một vài đại diện của từng nhóm
thông báo kết quả thảo luận trước lớp. Các nhóm khác nghe và cho ý kiến
nhận xét.
Một số hoạt động giáo viên nên cho học sinh thực hiện cặp, nhóm:
- Warm- up: Đây là phần trước khi đi vào nội dung bài học, là những
hoạt động đơn giản giúp học sinh làm quen với nội dung bài cũng như huy
động vốn kiến thức có sẵn để phục vụ cho bài học mới.
-Read the text and do the exercises: Cho học sinh đọc thầm bài đọc sau
trao đổi bài tập theo cặp, nhóm.
-Practice speaking: Hoạt động cặp nhóm đặc biệt hiệu quả trong các
tiết Speak vì đây là giờ học đặc trưng của phương pháp giao tiếp.
-Write: giáo viên có thể tổ chức hoạt động cặp-nhóm để thảo luận trước
khi viết và cho học sinh trao đổi bài sau khi viết để các em tự chữa lỗi.
13
-Doing exercises: Những bài tập ngữ pháp cũng có thể đạt hiệu quả cao
khi cho học sinh thảo luận theo nhóm hoặc cặp sau đó so sánh kết quả với
những cặp, nhóm khác để đi tới đáp án đúng nhất.
1.6. Phát huy tính tích cực của học sinh trong giảng dạy các kĩ năng.
1.6.1. Giới thiệu ngữ liệu mới.
Giới thiệu ngữ liệu có thể là giới thiệu nội dung có liên quan chủ đề bài
học, có thể là giới thiệu từ vựng, ngữ pháp, hay chức năng ngôn ngữ thông
qua bài hội thoại, đoạn văn. Giáo viên cần phối hợp với tranh, giáo cụ trực
quan để làm rõ tình huống, ngữ cảnh của bài hội thoại, chủ đề đoạn văn thông
qua đó làm rõ nghĩa của từ mới hay chức năng, cách sử dụng của cấu trúc
mới. Chú ý tạo điều kiện cho học sinh tự khám phá thông tin mới qua các thủ
thuật gợi mở nhằm giúp học sinh hiểu bài một cách chủ động và tích cực hơn.
Tăng cường sự tham gia của học sinh ở bước giới thiệu ngữ liệu mới
Như đã đề cập, điểm nổi bật ở phương pháp mới là tạo cho học sinh
được tham gia vào quá trình giới thiệu ngữ liệu mới.
Trong giai đoạn giới thiệu ngữ liệu mới, thông thường giáo viên đóng
vai trò chính, vai trò truyền thụ, học sinh đóng vai tiếp nhận, thụ động là chủ
yếu. Tuy nhiên, nếu giáo viên tạo được điều kiện cho học sinh tham gia vào
quá trình này, kết quả tiếp thu bài của các em sẽ tốt hơn nhiều.
Để làm được điều đó, giáo viên cần tìm kiếm và sử dụng những thủ
thuật phát huy sự chủ động suy đoán, tự phát hiện của học sinh. Ví dụ, phát
hiện và nhận biết cấu trúc hay từ mới và tự rút ra mẫu cấu trúc của các mục
ngữ pháp, hoặc đoán nghĩa từ trong ngữ cảnh, tự giải thích nghĩa từ bằng vốn
từ có sẵn, cho từ đồng nghĩa, hoặc trái nghĩa,v.v.
Sử dụng phối hợp các kỹ năng trong khi giới thiệu ngữ liệu mới
Trong quá trình giới thiệu ngữ liệu, giáo viên nên phối hợp nhiều các
kỹ năng với nhau để giới thiệu mục dạy về từ vựng, cấu trúc , ví dụ giới thiệu
qua nói, sau đó học sinh nghe và nhắc lại; học sinh nhìn mẫu được viết trên
bảng, học sinh tái tạo qua nói, nghe, viết, đọc; học sinh xây dựng các bài hội
14
thoại theo mẫu qua nói nghe trong nhóm sau đó viết lại hoặc ngược lại, chuẩn
bị qua viết, sau đó nói lại; học sinh viết các câu trả lời trên giấy, sau đó đưa ra
trước lớp để được nhận xét, v.v.
Ví dụ: Để giới thiệu thì Hiện tại hoàn thành với since và for Unit 7 lớp
8 tôi gợi mở cho học sinh câu hỏi sau:
-When did you learn English?-Three years ago.
-Do you learn English now?-Yes.
=>You have learned English for three years.
=>You have learned English since 2009.
Qua đó những em khá, giỏi có thể rút ra cách dùng và cấu tạo của thì
Hiện tại hoàn thành dùng với since và for và có thể đưa ra một số ví dụ tương
tự và qua những ví dụ đó những em trung bình và yếu có thể nắm được thì
Hiện tại hoàn thành. Như vậy cấu trúc được đưa ra một cách nhẹ nhàng và
hầu hết học sinh đều nắm được.
1.6.2. Dạy kĩ năng nghe (Listen)
Giáo viên cần phải thực hiện ba bước dạy nghe (trước khi nghe, trong
khi nghe và sau khi nghe). Khó khăn lớn nhất của học sinh khi học phần
Listen là vốn từ vựng. Vì vậy trước khi cho các em nghe, giáo viên cần giúp
các em tái hiện lại vốn từ vựng liên quan đến chủ đề bài nghe, có thể điều
chỉnh lại một số bài tập cho phù hợp với các đối tượng học sinh. Có như vậy
học sinh mới nắm được nội dung bài nghe, tránh tình trạng nghe không biết gì
cả.
Ví dụ: Phần Listen- Unit 6- Anh 9
Listen to the report on how our oceans are polluted. Then complete the
notes.
How the oceans are polluted
Firstly: raw sewage pumped directly into the sea.
Secondly: dropped into the sea.
Thirdly: oil spills
Next:
Finally:
15
Tôi đã gợi mở cho học sinh nêu các nguyên nhân làm ô nhiễm đại
dương theo ý kiến riêng của các em (có thể nói bằng Tiếng Việt nếu cần), sau
đó tôi cung cấp cho các em một số từ mới cần thiết. Với sự chuẩn bị này, học
sinh có thể biết nội dung bài học hôm nay là gì và lôi cuốn các em ngay vào
bài mới một cách nhẹ nhàng.
1.6.3. Dạy kĩ năng nói (Speak)
Không giống như các kĩ năng khác, việc giúp học sinh rèn luyện kĩ
năng nói thường gặp một số khó khăn sau:
-Học sinh gặp khó khăn khi phải trình ý kiến bằng ngoại ngữ, lo lắng vì
sợ sai, sợ bị phê bình, cảm thấy ngượng
-Học sinh không biết nói gì vì vốn từ vựng quá ít.
-Một số học sinh tham gia hoạt động, số còn lại không nói gì cả.
Vì vậy khi dạy kĩ năng nói, giáo viên cần tổ chức các hoạt động nhằm
giúp học sinh ôn lại từ vựng cũng như cung cấp một số từ cần thiết để giúp
các em tự tin hơn khi luyện tập, đồng thời giáo viên cần phối hợp sử dụng
thường xuyên các hình thức luyện tập nói theo cặp (pairs) hoặc theo nhóm
(groups) để các em có nhiều cơ hội sử dụng tiếng Anh trong lớp. Tuy nhiên
khi tổ chức hoạt động cặp, nhóm giáo viên cần lưu ý những điều đã trình bày
ở trên. Ngoài ra, giáo viên cần tổ chức các hoạt động để có sự thi đua giữa các
nhóm, tạo không khí học tập sôi nổi. Với từ ngữ nào học sinh muốn diễn đạt
bằng tiếng Anh nhưng không được, có thể cho phép học sinh dùng tiếng Việt
đặc biệt khi học sinh nói sai, phát âm không đúng thì giáo viên không nên
ngắt lời cứ để học sinh nói tự nhiên, sau đó mới sửa lỗi, đối với học sinh trung
bình yếu, giáo viên cần đặt nhiều gợi ý, câu hỏi đơn giản hoặc chẽ nhỏ vấn đề
để học sinh không mất tự tin khi luyện tập.
Ví dụ: Phần Speak ở Unit 2- Anh 9
Vì kênh hình trong sách giáo khoa chỉ hạn chế một số loại quần áo nhất
định, vì vậy tôi đã sưu tầm thêm một số tranh ảnh và tên gọi về những loại
quần áo khác để giúp các em luyện tập đa dạng hơn và hiệu quả hơn.
16
1.6.4. Dạy kĩ năng đọc hiểu (Read)
Khi dạy đọc hiểu không chỉ đơn thuần giúp học sinh hiểu được ngữ liệu
trong một đoạn văn nào đó mà còn phải tạo ra những hoạt động luyện tập giúp
học sinh thực hành các kỹ năng đọc. Đó là những kỹ năng có thể giúp học
sinh hiểu được những đoạn văn khác nhau theo những mục đích khác nhau.
Vì vậy giáo viên áp đặt nội dung mà học sinh phải tự đọc để nắm bắt nội
dung, vai trò của giáo viên chỉ là hỗ trợ, gợi ý, hướng dẫn, ra yêu cầu.
Trong giai đoạn dạy Pre-reading, yếu tố cần thiết và quan trọng để làm
nổi bật chủ đề cần dạy, giờ đọc hiểu đạt hiệu quả, có sức cuốn hút học sinh là
phần Warm-up. Đây là phần không thể thiếu trong bài vì từ phần Warm-up
chủ đề của bài học mới được dẫn dắt và có thể khai thác ngữ liệu phục vụ bài
đọc.
Giáo viên cũng thực hiện ba bước dạy đọc (trước khi đọc, trong khi đọc
và sau khi đọc). Giáo viên nên đơn giản hoá bài đọc khó bằng cách đưa ra
một số bài bài tập đơn giản như đưa ra một số câu nhận định đúng sai (T/F
statements), sắp xếp lại vị trí các câu theo đúng trình tự nội dung câu chuyện
(Ordering), dùng tranh và đặt câu hỏi để học sinh đoán nội dung, yêu cầu học
sinh đặt một số câu hỏi mà các em hy vọng bài đọc sẽ trả lời Để tránh sự
nhàm chán, giáo nên thay đổi các thủ thuật sao cho phù hợp với nội dung và
kiểu bài. Các bài đọc trong sách lớp 8,9 tương đối dài với lượng từ mới phong
phú nên khâu chuẩn bị bài nhà của học sinh là vô cùng quan trọng, giáo viên
nên hướng dẫn cụ thể học sinh phải làm những công việc gì trước khi học bài
mới theo ý đồ của giáo viên như : soạn từ mới theo từ loại, tìm chủ đề bài đọc,
liên hệ thực tế.
Cách khai thác bài đọc:
Tùy theo từng mục đích của bài đọc chú trọng vào dạy ngữ hay dạy kỹ
năng đọc hiểu mà giáo viên có những cách khai thác bài đọc khác nhau.
Thường có các bước khai thác bài đọc như sau:
17
-Giới thiệu bài đọc: Dùng các thủ thuật thích hợp để vào bài, giới thiệu
chủ đề bằng các câu hỏi gợi mở, hỏi để khai thác kiến thức sẵn có của học
sinh hay ôn lại bài cũ có liên quan tới bài mới rồi dẫn dắt vào bài mới.
-Trình bày, giới thiệu nội dung bài đọc thường kèm theo tranh minh
họa, đồng thời phối hợp giới thiệu cấu trúc mới, từ mới, sử dụng các thủ thuật
giới thiệu ngữ liệu mới Nếu bài đọc dài có thể phân thành từng phần nhỏ để
giải quyết.
-Hướng dẫn, yêu cầu học sinh rèn các loại kỹ năng đọc như đọc lướt, để
lấy thông tin, đọc kỹ để lấy thông tin chi tiết
-Đọc to để luyện phát âm một số từ vựng hoặc ngữ liệu nếu cần.
-Học sinh thực hành ngữ liệu mới tức là thực hành các tasks trong sách
giáo khoa sau khi được giáo viên hướng dẫn kỹ năng đọc.
-Củng cố, tóm tắt, xây dựng lại bài đọc như thiết kế thêm các tasks mới
có nội dung không trùng lặp với các tasks của sách giáo khoa dưới nhiều dạng
khác nhau sao cho phù hợp với đối tượng học. Đây là phần rất cần thiết và
quan trọng tuy nhiên phải lựa chọn các tasks mới phù hợp, vừa sức học sinh.
-Mở rộng các hoạt động, bài tập nối tiếp phối hợp với các kỹ năng khác
(follow-up activities with other skills) như nghe –nói- đọc- viết ở mức độ có
thể.
(Phương pháp dạy tiếng Anh-Nguyễn Hạnh Dung)
Khi hướng dẫn học sinh khai thác các tasks, giáo viên cần giúp học sinh
thường xuyên liên hệ với nội dung bài đọc để khẳng định ý kiến của mình, rèn
kĩ năng đọc hiểu cho học sinh, không nên áp đặt kiến thức cho học sinh.
1.6.5. Dạy kĩ năng viết (Write)
Nhìn chung các bài viết ở lớp 8,9 thường bắt đầu bằng một outline (dàn
ý), một bài viết mẫu, hoặc những từ, cụm từ gợi ý. Giáo viên giới thiệu từ
vựng hoặc tình huống thông qua tranh ảnh hoặc qua hoạt động đọc hiểu, học
sinh nắm bắt cách trình bày một bài viết theo mục đích hay yêu cầu nhất định.
Sau đó học sinh sẽ thực hiện bài viết theo yêu cầu đề ra, có hướng dẫn, gợi ý
18
cụ thể đối với học sinh yếu, trung bình hoặc viết mở rộng mang tính tự do
sáng tạo đối với học sinh khá giỏi.
Hướng dẫn thông qua outline:
- Học sinh đọc yêu cầu của bài viết.
- Đưa tình huống của bài viết.
- Thiết lập một hệ thống câu hỏi hợp lý theo outline để học sinh trả lời
miệng hoặc viết câu trả lời lên bảng.
- Cùng học sinh viết bài mẫu lên bảng, sử dụng các câu trả lời và từ nối
làm nội dung bài viết.
- Gạch chân từ, cụm từ hoặc câu có thể thay thế đối với học sinh yếu,
trung bình.
- Viết một bài tương tự, có thể thêm hoặc thay đổi một số thông tin đối
với học sinh khá giỏi.
Ví dụ: Tiết WRITE của UNIT 1 (Lớp 9)
- Học sinh đọc yêu cầu bài tập.
- Giáo viên giải thích yêu cầu của bài tập: Imagine you are visiting your
relatives or friends in another part of Viet Nam, for example: in Ha Long or in
Ho Chi Minh City or in a different country, for example: in England or in
Malaysia. Write a letter to your family.
T(points at her/his head):What are you doing?
S: I'm visiting my relatives (or friends).
T: Where?
S: In Ha Long.
T: What are you going to do?
S: Write a letter to my family.
- Thiết lập một hệ thống câu hỏi hợp lý theo outline:
T: When did you arrive at the bus station?
S: I arrived at the bus stop at 10 am.
T: Who did you meet there?
19
S: I met my aunt, Mrs. Lien.
T: What have you visited?
S: I've visited magnificent caves, limestones and beautiful beaches.
etc.
- Viết bài mẫu với hệ thống câu trả lời trên, sử dụng mẫu viết thư đã
học ở lớp 8 và các từ nối cần thiết (giáo viên có thể gợi ý).
- Yêu cầu với từng đối tượng học sinh (chia nhóm):
+ Với học sinh yếu, trung bình: Use other words instead of the
underlined ones to write your letter.
+ Với học sinh khá giỏi: Write a similar letter to your family. Add more
information.
Hướng dẫn thông qua bài viết mẫu:
- Học sinh đọc yêu cầu của bài viết.
- Giáo viên giải thích yêu cầu của bài.
- Học sinh đọc bài viết mẫu (a).
- Giáo viên đặt câu hỏi kiểm tra mức độ hiểu bài của học sinh.
- Yêu cầu học sinh tìm những từ, câu có thể thay thế.
- Giải thích yêu cầu của bài viết (b).
- Phân đối tượng học sinh và yêu cầu viết bài.
Việc chữa lỗi bài viết đóng vai trò qua trọng trong việc phát triển kĩ
năng viết cho học sinh. Vì vậy giáo viên không nên chữa lỗi theo kiểu chấm
bài mà cần phải giúp học sinh tự chữa lỗi cho nhau về từ vựng, cấu trúc để
các em khắc phục trong các bài viết sau.
1.7. Thúc đẩy sự tham gia tích cực của học sinh.
Học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động khi các em cảm thấy
hứng thú đối với môn học và thấy được sự tiến bộ của mình. Do vậy, ngoài
việc sử dụng các tình huống thách đố nhằm hấp dẫn, lôi cuốn học sinh vào
những hoạt động trên lớp, giáo viên còn phải biết khích lệ, động viên các em
trong học tập.
20
Để giúp các em nhận thấy được sự tiến bộ trong học tập, giáo viên cần
phải chú ý đến tính vừa sức trong dạy học, không nên đưa ra những yêu cầu
quá cao hoặc quá thấp đối với học sinh. Ngoài ra giáo viên cần khuyến khích
học sinh học theo phương châm thử nghiệm và chấp nhận mắc lỗi trong quá
trình thực hành. Thực tế cho thấy, có những học sinh biết nhưng không dám
nói vì sợ bị mắc lỗi. Một số em khác không dám phát biểu vì sợ nói sai bị các
bạn cười, thầy giáo chê. Theo tôi đây chính là yếu tố tâm lí mà giáo viên dạy
tiếng Anh cần phải xem xét để giúp các em có được hứng thú học tập hay ít ra
là tích cực hơn trong các giờ học. Trong quá trình dạy, giáo viên không nên
quá khắt khe với những lỗi mà học sinh mắc phải để tránh cho các em tâm lí
sợ mắc lỗi khi thực hành. Thay vì ngắt lời các em để sửa lỗi, giáo viên có thể
để cho học sinh trả lời xong, giáo viên khích lệ hay cổ vũ các em bằng
những câu như: “Very good”, “Thank you” or “ Not bad”, … sau đó giáo viên
gọi học sinh khác nhận xét và sửa lỗi cho bạn hoặc giáo viên sửa lỗi để tránh
làm cho các em nhụt chí hay mất hứng thú luyện tập.
1.8. Sử dụng các trò chơi hợp lí, có hiệu quả.
Việc sử dụng các trò chơi trong giảng dạy ngoại ngữ nhằm tạo cho học
sinh có hứng thú trong học tập đối với môn học. Sử dụng trò chơi để hình
thành kiến thức, kỹ năng mới hoặc củng cố kiến thức, kỹ năng đã học. Trong
thực tế dạy học, giáo viên thường tổ chức trò chơi để củng cố kiến thức, kỹ
năng. Tuỳ vào từng bài cụ thể mà giáo viên có thể chọn ra trò chơi phù hợp
với mục đích của bài học để cho học sinh “ học mà chơi, chơi mà học”, phát
huy sự tham gia tích cực của tất cả các đối tượng học sinh.
Khi sử dụng trò chơi, giáo viên cần chú ý một số điểm sau:
- Lựa chọn hoặc tự thiết kế trò chơi đảm bảo những yêu cầu:
+ Mục đích của trò chơi phải thể hiện mục tiêu của bài học hoặc một
phần của chương trình.
21
+ Hình thức chơi đa dạng giúp học sinh được thay đổi các hoạt động
học tập trên lớp, giúp học sinh phối hợp các hoạt động trí tuệ với các hoạt
động vận động.
+ Luật chơi đơn giản để học sinh dễ nhớ, dễ thực hiện. Cần đưa ra các
trò chơi có nhiều học sinh tham gia để tăng cường kỹ năng học tập hợp tác.
+ Các dụng cụ chơi cần đơn giản, dễ làm hoặc dễ tìm kiếm tại chỗ
- Chọn quản trò chơi có năng lực phù hợp với yêu cầu của trò chơi.
- Tổ chức chơi vào thời gian thích hợp của bài học để vừa làm cho học
sinh hứng thú học tập vừa hướng cho học sinh tiếp tục tập trung các nội dung
khác của bài học một cách có hiệu quả.
Ví dụ: Bài 3 phần Speak lớp 8, tôi sử dụng trò chơi Kim's Games.
Tôi cho học sinh quan sát tranh sau đó tổ chức hai nhóm thi viết tên các
đồ vật trong tranh để giúp học sinh ôn lại vốn từ vựng. Vì vậy học sinh vận
dụng vào việc luyện tập nói đạt hiệu quả, lôi cuốn được tất cả các đối tượng
tham gia.
22
2. Khả năng áp dụng:
-Thời gian áp dụng: Từ năm học 2010-2011.
-Khả năng thay thế giải pháp hiện có: Phát huy tính tích cực của học sinh
trong giảng dạy từng kĩ năng.
-Khả năng áp dụng: Các giải pháp mà tôi đưa ra có thể sử dụng trong tất cả
các tiết dạy ở các lớp 8, 9. Tùy vào từng kĩ năng mà giáo viên phải biết cách
vận dụng một cách linh hoạt và có hiệu quả.
3. Lợi ích kinh tế-xã hội:
-Giáo viên phát huy được vai trò thiết kế, tổ chức các hoạt động một cách
hiệu quả.
-Giáo viên tăng cường đổi mới phương pháp, áp dụng các kĩ thuật dạy học
mới kết hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin để có thể đạt được mục
tiêu các tiết dạy.
-Học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, chủ động tiếp thu kiến
thức, có khả năng vận dụng kiến thức vào các tình huống giao tiếp.
-Học sinh nắm chắc được kiến thức có khả năng vận dụng vào việc kiểm tra
và thi cử.
23
C. KẾT LUẬN
I. KẾT LUẬN:
Phát huy tính tích cực cho học sinh là một trong những nội dung cơ bản
trong đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. Muốn tạo được một môi trường
học tập tích cực thì người giáo viên đóng một vai trò hết sức quan trọng. Trên
lớp, học sinh hoạt động là chính, nhưng trước đó khi soạn bài, giáo viên phải
đầu tư nhiều công sức và thời gian để chuẩn bị đồ dùng dạy học, định hướng
các phương pháp, tổ chức các hoạt động học tập, thiết kế bài tập sao cho phù
hợp với từng đối tượng học sinh. Giáo viên cần chú trọng rèn luyện phương
pháp tự học cho học sinh; nếu rèn luyện cho học sinh có được kĩ năng,
phương pháp, thói quen tự học, biết linh hoạt ứng dụng những điều đã học
vào tình huống mới, biết tự lực phát hiện và giải quyết những vấn đề đặt ra thì
sẽ tạo cho học sinh lòng ham học, khơi dậy tiềm năng vốn có trong mỗi con
người. Bên cạnh đó giáo viên cần linh hoạt phối hợp tổ chức các hoạt động
học tập ở trên lớp, tăng cường học tập cá thể, phối hợp với học tập hợp tác;
cần kết hợp đánh giá của thầy với sự tự đánh giá của trò, hướng dẫn học sinh
phát triển năng lực tự đánh giá và tạo điều kiện để học sinh tham gia đánh giá
lẫn nhau. Có như vậy thì việc giảng dạy Tiếng Anh mới đạt được hiệu quả.
Qua quá trình đúc kết rút kinh nghiêm từ các bài dạy và một số kinh
nghiệm tích góp từ đồng nghiệp tôi đã có một số kinh nghiệm phát huy tính
tích cực học tiếng Anh cho học sinh lớp 8, 9 mà tôi đã áp dụng và đạt được
kết quả nhất định.
Kết quả học kì I năm học 2010-2011:
Khối lớp SL G K TB Y Kém
8 81 5
(6,2%)
16
(19,7%)
26
(32,1%)
29
(35,8%)
5
(6,2%)
9 121 12
(9,9%)
26
(21,5%)
35
(28,9%)
42
(34,7%)
6
(5,0%)
24
Kết quả học kì I năm học 2011-1012:
Khối lớp SL G K TB Y Kém
8 74 11
(14,9%)
25
(33,8%)
20
(27,0%)
15
(20,3%)
3
(4,0%)
9 116 19
(16,4%)
30
(25,8%)
32
(27,6%)
32
(27,6%)
3
(2,6%)
Tôi hy vọng sáng kiến này được đồng nghiệp có những bổ sung khả thi
hơn để nó được phát triển về nội dung và được áp dụng rộng rãi vào thực tế.
II. KIẾN NGHỊ:
1. Đối với giáo viên:
-Cần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, không ngừng trau dồi
kiến thức, phát huy tinh thần nhiệt tình vì học sinh thân yêu.
-Tích cực sử dụng đồ dùng dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ
thông tin để các tiết dạy sôi nổi hơn, hiệu quả hơn.
2. Đối với nhà trường:
-Tạo điều kiện về thời gian để giáo viên đầu tư sâu hơn vào việc chuẩn
bị cho các tiết dạy.
-Trang bị thêm các phương tiện dạy học để giáo viên có điều kiện ứng
dụng công nghệ thông tin.
-Cần tổ chức các hoạt động giúp học sinh có cơ hội sử dụng tiếng Anh
trong môi trường giao tiếp.
Tôi cam kết sáng kiến kinh nghiệm này là do tôi viết, không sao chép
của người khác. Nếu có gì sai sót tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Hoài Hương, ngày 22 tháng 2 năm 2012
Người viết
Trần Thanh Dũng
25
ĐÁNH GIÁ CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TRƯỜNG: