Tải bản đầy đủ (.doc) (26 trang)

một vài suy nghĩ nhỏ khi dạy bài ông đồ của vũ đình liên

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (515.65 KB, 26 trang )

A. MỞ ĐẦU
LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Trong chương trình ngữ văn ở bậc THCS, học sinh được tiếp cận nhiều tác phẩm
thơ (Dân gian, Trung đại, Hiện đại). Chúng ta biết rằng phương thức chủ yếu của thơ
là phương trữ tình, nếu văn xuôi phản ánh cuộc sống qua cốt truyện và nhân vật, thì
thơ phản ánh những vấn đề xã hội thông qua đời sống tâm thế của người nghệ sỹ -
qua cảm xúc của nhà thơ. Vậy, giảng dạy một tác phẩm thơ, giáo viên không có con
đường nào khác là phải tiếp cận với cách cảm, cách nghĩ, cách giải quyết cuộc sống
thông qua cảm hứng chủ đạo của nhà thơ thể hiện một cách sáng tạo trong từng tác
phẩm. Rõ ràng, trách nhiệm của giáo viên Ngữ văn từ cách cảm, cách nghĩ của mình
mà định hướng giúp học sinh vừa thẩm nhận giá trị thẩm mỹ vừa thu hoạch lí tưởng
nhân văn của tác giả. Qua đó giúp các em đồng sáng tạo với người nghệ sỹ để các em
trải qua một qui trình tự nhận thức để hướng thiện, hướng mỹ trong quá trình thu
gom hành trang cuộc sống.
Nhà thơ Vũ Đình Liên xuất hiện trong thời kì đầu của phong trào Thơ mới bên
cạnh những tác giả có tên tuổi khai sáng như: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông,
Nguyễn Nhược Pháp…. Bài thơ “Ông đồ” là tác phẩm đặc sắc nhất trong sự nghiệp
sáng tạo thi ca của Vũ Đình Liên. Ngay từ khi ra đời tác phẩm được hai nhà nghiên
cứu phê bình Hoài Thanh, Hoài Chân đánh giá là “bài thơ kiệt tác”.
Trong chương trình Ngữ văn 8 cả cũ và mới đều đưa bài thơ “Ông đồ” vào
chương trình chính khóa vừa thấy được vai trò cũng như giá trị giáo dục, giáo dưỡng
của bài thơ trong chương trình cấp học. Trong bài thơ với một tấm lòng giàu trắc ẩn,
nhà thơ đã nhận ra một sự thật là phần đông các nhà nho còn sót lại chỉ đáng thương
(Nhà thơ từng tâm sự khi viết về bài thơ này: hình tượng ông đồ “chính là cái di tích
tiều tụy của một thời tàn”) và gián tiếp Vũ Đình Liên chỉ cho ta thái độ hợp lí hơn đối
với một lớp người trí thức đi trước. Bài thơ được xem là một nghĩa cử. Đưa bài thơ
vào chương trình cấp học có ý nghĩa giáo dục sâu sắc: thông qua hình tượng ông đồ
nhắc nhủ học sinh có thái độ ứng xử đúng đắn với nhà nho, đạo Nho và rộng hơn là
với nền văn hóa của dân tộc đồng thời bồi dưỡng tâm hồn các em về tình nhân ái cao
đẹp.
1


Điều đáng quan tâm bài thơ “Ông đồ” là một bài thơ trữ tình sâu sắc, giàu sức ám
ảnh nhưng lại là một bài dạy khó. Bởi, những vấn đề trong bài thơ không gần gũi,
thậm chí xa lạ với học sinh thời nay. Hơn thế, bài thơ có sự dồn nén về ngôn từ, lẫn
tứ thơ, có rất nhiều khoảng lặng, gợi ra nhiều cách hiểu. Nên khi giáo viên tiếp cận
với bài thơ để tìm một mạch đi đúng quả là một thách thức.
Từ cơ sở lí luận và thực tiễn đó, tôi nghiên cứu về tác giả, tác phẩm, đặt tác phẩm
trong quá trình sáng tác của tác giả, đặt tác giả trong thi pháp chung của trào lưu lãng
mạn mà cụ thể là của phong trào Thơ mới để thể nghiệm trong quá trình định hướng
khai thác bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên.
B.NỘI DUNG:
I. THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY
1. Khảo sát yêu cầu và định hướng của sách giáo khoa và sách giáo viên của
lớp 8 cũ và mới:
Sự gợi ý và định hướng của sách giáo khoa và sách giáo viên cũ và mới đều có
chung một quan điểm:
+ 4 khổ thơ đầu của bài thơ đều miêu tả hình ảnh ông đồ ngồi viết câu đối bán trên
hè phố ngày Tết qua cảm nhận của nhà thơ, nhưng ông đồ ở 2 khổ đầu và hình ảnh
ông đồ ở 2 khổ sau là hai số phận, hai tâm trạng hoàn toàn khác nhau:
- Hai khổ thơ đầu là hình ảnh ông đồ trong thời đắc ý của mình. Tết đến hoa
đào nở lại thấy ông đồ cùng mực tàu, giấy đỏ bên hè phố, góp mặt vào sự đông vui,
náo nhiệt của phố phường. Ông trở thành trung tâm của mọi sự chú ý, là đối tượng
của sự ngưỡng mộ của mọi người.
- Hai khổ thơ tiếp theo: hình ảnh ông đồ thời tàn. Vẫn là hình ảnh ông đồ với
mực tàu giấy đỏ bên hè phố ngày Tết, nhưng tất cả đã khác xưa. Đường phố vẫn
đông người qua nhưng không ai biết đến sự có mặt của ông. Ông vẫn cố bám lấy sự
sống, vẫn muốn có mặt với cuộc đời nhưng cuộc đời thì đã quên hẳn ông.
2
+ Qua sự tương phản giữa hai cảnh tượng cùng miêu tả ông đồ ngồi viết câu đối
ngày Tết và khổ cuối để thấy rõ tâm tư của nhà thơ: Tâm tư ấy được bộc lộ kín đáo
qua những chi tiết miêu tả, nhưng có khi được nhà thơ trực tiếp phát biểu ( 2 câu thơ

kết). Đó là niềm thương cảm chân thành đối với hoàn cảnh ông đồ đang tàn tạ trước
sự thay đổi của thời cuộc, đồng thời đó còn là niềm nhớ nhung luyến tiếc trước
những cảnh cũ người nay đã vắng bóng của nhà thơ.
Như vậy, theo định hướng của sách giáo viên văn 8 (cũ và mới) đều tập trung
phân tích hình tượng ông đồ qua cảm nhận của nhà thơ để từ đó thấy rõ tâm tư, tình
cảm của Vũ Đình Liên trước thân phận con người và sự đổi thay của thời cuộc. Đó là
một định hướng đúng.
Song, cách hiểu hình ảnh ông đồ trong hai khổ đầu là thời kì đắc ý của ông đồ e là
chưa thỏa đáng. Bởi, hình tượng ông đồ trong bài thơ ngay từ đầu đã là “di tích của
một thời tàn”. Sự xuất hiện của ông đồ đã gắn với một thời điểm: thời điểm ông đi
viết thuê, những nét chữ “phượng múa rồng bay” kia là để bày bán trên hè phố. Và
qua hình tượng ông đồ trong bài thơ, nhà thơ không chỉ thể hiện niềm thương cảm
cho số phận bất hạnh của một kiếp người mà còn là nỗi niềm hoài cổ lắng sâu. Trong
những vui buồn, được mất của đời sống dân tộc, niềm tiếc thương cho những giá trị
tinh thần của một thời vẫn là những ám ảnh day dứt với tất cả những tấm lòng biết
trân trọng nhữnh giá trị tinh hoa của dân tộc. Do vậy, bài thơ “ Ông đồ” rung cảm sâu
xa tâm hồn bao bạn đọc bởi nó gắn liền với một lớp người đáng kính, với một nét văn
hóa đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ người Việt. Như vậy, khi nhắc đến hình ảnh
ông đồ là “đánh động trong chúng ta nỗi buồn hoài cổ, sự tiếc nuối quá khứ vàng son,
lòng thương xót số phận hẩm hiu của những nhà nho…Nó chứa đựng cả một hệ vấn
đề: bi kịch của sự gặp gỡ Đông-Tây, sự suy vong và cáo chung của một thời đại, sự
biến mất vĩnh viễn của một lớp người”.
Như vậy, định hướng khai thác bài thơ “Ông đồ” của sách giáo viên chưa thể hiện
rõ mạch cảm xúc của chủ thể trữ tình và dường như là giảm đi sức ngân vang của thi
phẩm trong lòng người đọc.
2. Thực tiễn dạy học của giáo viên
Tuy định hướng chưa thật thỏa đáng như đã nói ở trên, nhưng trong cách trình bày
của sách giáo viên đã có sự gợi ý khá chi tiết, đầy đủ, tạo hệ thống mạch đi rõ, cộng
3
với quan niệm của đa số giáo viên: sách giáo viên bao giờ cũng đúng và chuẩn do

vậy giáo viên chủ yếu dựa vào định hướng khai thác và sự gợi ý ấy để tìm hiểu tác
phẩm mà chưa có sự trăn trở nhiều để tìm ra một hướng đi thích hợp cho bài dạy của
mình. Chính vì lệ thuộc vào những gợi ý và định hướng khai thác của sách giáo viên
nên giáo viên trực tiếp giảng dạy chưa chủ động đặt ra nhiều suy nghĩ: ông đồ trong
bài thơ biểu tượng cho điều gì? Sự thất thế tàn lụi của ông đồ nêu vấn đề gì? Để từ
đó thẩm thấu sâu sắc tình cảm và nỗi lòng của Vũ Đình Liên kí thác trong bài thơ.
Hơn nữa, điều đáng chú ý là bài thơ là tiếng lòng của một người thuộc thế hệ trí thức
Tây học trẻ tuổi ( Vũ Đình Liên sinh năm 1913, làm bài thơ này khi mới 23 tuổi – khi
đang còn rất trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm) đang lặng lẽ xót xa để viết, để ngậm
ngùi, thương cảm trước “cái cảnh thương tâm của một nền nho học lúc mạt vận”.
II.TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM GIẢNG DẠY BÀI THƠ “ÔNG ĐỒ”
1. Phần chuẩn bị
a. Một số yếu tố ngoài văn bản giáo viên cần nghiên cứu để hỗ trợ cho bài giảng
* Vài nét về phong trào thơ mới:
(1) Thơ mới thuộc trào lưu văn học lãng mạn 30 -45 (Ở giao đoạn này có sự phát
triển của nhóm Tự lực văn đoàn chuyên viết văn xuôi và phong trào thơ mới)
(2) Về khái niệm thơ mới:
+ Đây là khái niệm có tính chất qui ước do Phan Khôi dùng đầu tiên trong bài viết
“Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” (năm 1932). Trong bài viết này Phan
Khôi dùng khái niệm thơ mới để đối lập với thơ cũ.
+ Khái niệm thơ mới gắn với phong trào thơ mới – buổi bình minh của thơ ca Việt
Nam hiện đại.
+ Thơ mới là cuộc cách mạng về thơ ca. Cuộc cách mạng này không chỉ là nội dung
hay hình thức mà gồm cả hai gắn bó mật thiết với nhau “Thơ ta phải mới, mới về văn
thể, về ý tưởng”.
+ Thơ mới là một bước phát triển quan trọng thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền văn
học Việt Nam.
(3) Đặc điểm của thơ mới:
(a) Về nội dung cảm hứng:
4

+ Thơ mới là tiếng nói khẳng định của cái tôi cá nhân, cá thể. Cái tôi được đưa
lên bình diện đầu tiên – Cái tôi giàu khát vọng: khát vọng khẳng định bản thân trong đời
sống, khát vọng về một thế giới ước mơ lí tưởng.
Trước hết trong những bài thơ của thơ mới đã bộc lộ khát vọng được sống là mình
– một khát vọng rất nhân bản. Thơ mới là một cuộc đi tìm mình do vậy trong những bài
thơ mới xuất hiện nhiều định nghĩa về cái tôi “Tôi là người bộ hành phiêu lãng/ đường
trần gian xuôi ngược để vui chơi”, “Ta là một là riêng là thứ nhất/Chẳng có ai bè bạn nổi
cùng ta”…Chính lúc cái tôi được giải phóng, nó có quyền lựa chọn và tự lựa chọn. Lúc
ấy con người được tự do phơi trải lòng mình, nói cho hết nói cho nhiều mong một sự
cảm thông bù đắp Do vậy âm điệu buồn tràn ngập các bài thơ. Đó là cái buồn của thế
hệ trí thức tiểu tư sản lúc bấy giờ đang loay hoay với cái tôi bản ngã, thấy mình cô đơn,
buồn đau, bất lực. Với những thất vọng cô đơn buồn đau ấy, cái tôi thoát li thực tại tìm
đến thế giới ước mơ của cái đẹp. Những tâm hồn lãng mạn chạy trốn cuộc đời đã tìm
vào cõi tiên , thoát li vào tình yêu, thiên nhiên hay vào tôn giáo. Giấc mộng thoát li ấy
vừa cho ta thấy được vẻ đẹp của tâm hồn lãng mạn vừa hiểu hơn về tâm sự nỗi lòng của
những trí thức tiểu tư sản trong cảnh nước mất nhà tan.
Chính sự xuất hiện của cái tôi cá nhân đã làm nên cái mới của thơ ca lãng
mạn“với dáng dấp mới, nhịp đập mới, sinh khí mới, thơ mới đã trả lại linh hồn và sức
sống cho thơ ca”.
+ Như vậy, với sự khẳng định của cái tôi cá nhân thơ mới đã thể hiện được khát
khao dân chủ của thời đại
Bên cạnh đó Thơ mới còn thể hiện tinh thần dân tộc kín đáo nhưng sâu sắc (Yêu
Tiếng Việt, yêu quê hương đất nước, yêu những phong tục tập quán, nhớ tiếc thời vàng
son của dân tộc…)
Thơ mới còn bày tỏ lòng yêu thương những số phận vất vả, tình cảm xót xa trước
những biến đổi của cuộc đời… để rồi tự cảm thương mình. Và thể hiện tình yêu cuộc
sống, gắn bó với cuộc đời.
(b) Về hình thức nghệ thuật:
+ Phương thức trữ tình: trong thơ mới là cái tôi trực tiếp xưng danh. Cái tôi nhà
thơ là chủ thể do vậy cái nhìn nghệ thuật có dấu ấn cá thể hóa rất cao. Nó chi phối toàn

5
bộ cách sử dụng ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu, nhịp điệu trong việc xây dựng hình
tượng thơ.
+ Cũng chính vì vậy, thơ mới đã cởi bỏ những ràng buộc có tính qui phạm của thơ
cũ: vần, luật, số câu, số chữ, nhịp, giọng điệu… Thơ mới đã căn bản cải tạo thơ trữ tình
Tiếng Việt từ điệu ngâm sang điệu nói.
+ Thơ mới là một cuộc cách tân về thể loại. Thơ mới sử dụng thể thơ truyền
thống với những đổi mới về vần, nhịp và sáng tạo thể thơ mới (Thể thơ 8 chữ)
Thơ mới vừa biết cách tân, đổi mới vừa biết giữ gìn, khai thác những tinh hoa của
thơ truyền thống. “Thơ mới thực sự đã trả lại linh hồn và sức sống cho thơ ca”.
* Tác giả: Vũ Đình Liên sinh ngày 12 tháng 11 năm 1913- mất ngày 18 tháng 1 năm
1996 Ông sinh tại Hà Nội, quê gốc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình
Giang, tỉnh Hải Dương, đỗ tú tài trường Bưởi năm 1932.
Ông là một nhà thơ, nhà giáo nhân dân Việt nam
Ông từng dạy học ở các trường tư thục Thăng Long, Gia Long, Trường nữ sinh
Hoài Đức để kiếm sống, ông học thêm trường Luật. Ông tham gia giảng dạy nhiều
năm và từng là chủ nhiệm khoa tiếng Pháp trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông
được nhân danh hiệu nhà giáo nhân dân năm 1990.
Như đã nói ở phần mở đầu,Vũ Đình Liên tham gia phong trào thơ mới ngay từ
ngày đầu. Năm 1936 ông được biết đến với bài thơ "Ông đồ" đăng trên báo Tinh Hoa
Ông rất say mê thơ Bôđơle, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Bôđơle. Mọi người gọi ông
thân mến là “Bô đơ Liên”, “Bô đơ le Việt Nam”. Hai nguồn thi cảm chính là của ông
là lòng thương người và tình hoài cổ. Mặc dù được biết đến trong phong trào Thơ
mới nhưng Vũ Đình Liên chưa xuất bản một tập thơ nào. Những bài thơ hiếm hoi
được biết đến của ông đều mang nặng nỗi niềm hoài cổ, về luỹ tre xưa, về thành
quách cũ và "những người muôn năm cũ". Hoài niệm của ông cũng là nỗi niềm của
nhiều người và bức tranh bằng thơ về Ông Đồ vẫn sẽ còn tồn tại với thời gian.
Ngoài thơ ông còn hoạt động trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học và dịch
thuật. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt nam.
* Những tác phẩm chính

Một số bài thơ: Ông đồ, Lòng ta là những hàng thành quách cũ, Luỹ tre xanh,
Người đàn bà điên ga Lưu xá
6
- Đôi mắt (1957)
- Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (cùng Nhóm Lê Quý Đôn-1957)
- Nguyễn Đình Chiểu (1957)
- Thơ Baudelaire (dịch-1995)
b. Phần nghiên cứu văn bản
*) “Ông đồ” là bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ giàu thương cảm của Vũ Đình Liên.
Hội tụ hai nguồn thi cảm chính trong thơ Vũ Đình Liên “lòng thương người và tình
hoài cổ”. Và bài thơ “Ông đồ” đã có vị trí xứng đáng trong phong trào Thơ mới.
Được đánh giá là một kiệt tác.
*) Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ ra đời vào năm 1936 – được đăng trên báo Tinh hoa
+ Hoàn cảnh xã hội:
Những năm đầu của thế kỉ XX, với luồng gió mới ào ạt của văn hóa phương Tây,
với sự thay đổi của rường cột xã hội, nền Hán học và chữ Nho ngày càng mất vị thế
quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội Việt Nam. Chế độ khoa cử phong kiến bị
bãi bỏ (khoa thi hưong cuối cùng ở Bắc kì là vào năm 1915), cả thành trì văn hóa cũ
hầu như sụp đổ. Và các nhà nho từ chỗ là nhân vật trung tâm của đời sống văn hóa
dân tộc, được xã hội tôn vinh, bỗng trở nên lạc bước trong thời đại mới, bị cuộc đời
bỏ quên và cuối cùng là vắng bóng.
+ Hoàn cảnh tâm thế của nhà thơ:
Nhà thơ là một trí thức Tây học trẻ tuổi, có mặt ngay từ đầu trong phong trào Thơ
mới. Vũ Đình Liên với hồn thơ hồn hậu luôn sẵn có tấm lòng cảm thương, trắc ẩn
chân thành với những số phận con người bất hạnh. Ông tự nhận mình là “thi sỹ của
những thân tàn ma dại”.
*) Thể thơ: năm chữ ( ngũ ngôn) gồm nhiều khổ, mỗi khổ 4 câu ( khác với ngũ ngôn
tứ tuyệt) có khả năng diễn tả phong phú. Nhưng thích hợp nhất với việc diễn tả tâm
tình sâu lắng. Trong bài thơ này, thể thơ năm chữ (ngũ ngôn) rất phù hợp với việc
diễn tả cảm xúc, tâm tư của nhà thơ.

*) Hình tượng nghệ thuật trung tâm của tác phẩm là hình tượng “ông đồ”. Qua hình
tượng ông đồ, tác giả kí thác nỗi ngậm ngùi day dứt trước sự tàn tạ vắng bóng của
ông đồ - con người của một thời đã qua. “Ông đồ chính là di tích tiều tụy, đáng
thương của một thời tàn” như tác giả đã nói. Chọn hình tượng ông đồ là đối tượng trữ
7
tình đã chứa đựng cả một vấn đề lớn: số phận của nền văn hóa dân tộc và những
bước thăng trầm của lịch sử. Tự thân hình tượng ông đồ trong bài thơ cũng đã chở tải
nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ Vũ Đình Liên.
Trước khi phân tích bài thơ, giáo viên cần dành thời gian để giới thiệu về nhân
vật ông đồ trong đời sống văn hóa xã hội của người Việt Nam xưa: Ông đồ là người
Nho học nhưng không đỗ đạt, sống thanh bần bằng nghề dạy học. Những năm 30 của
thế kỉ XX thì vị trí của các thầy đồ dạy chữ nho hầu như không còn nữa. Và người ta
chỉ thấy ông khi tết đến với cái câu đối phong tục treo câu đối đỏ một năm một lần.
2. Định hướng khai thác:
Trong bài thơ, ông đồ là hình tượng nghệ thuật đặc sắc diễn tả thân phận bị chối
từ của một lớp người nho học trong những năm biến động văn hóa lớn lao đầu thế kỉ
XX. “Ông đồ là di tích tiều tụy của một thời tàn”, là một tứ thơ chở tải niềm thương
cảm chân thành trước số phận bi kịch của một lớp người trong cảm hứng hoài cổ tiếc
nuối cảnh cũ người xưa, ngậm ngùi sám hối trước cái cảnh thương tâm của một nền
nho học lúc mạt vận. Như vậy, ông đồ là đối tượng trữ tình để nhà thơ kí thác nỗi
niềm, tâm trạng. Để thẩm nhận được sâu sắc, trọn vẹn tư tưởng tình cảm của nhà thơ
ở trong bài thơ không thể tách rời cách hiểu về vai trò của ông đồ trong đời sống văn
hóa tinh thần của dân tộc gắn với nền nho học.
A. Mạch cảm xúc: Cảm nhận của tác giả về hình ảnh ông đồ qua thời gian
B. Mạch cảm xúc đó được thể hiện qua 3 tiết đoạn:
- Hai khổ thơ đầu (Khổ 1,2)
- Hai khổ thơ tiếp (Khổ 3,4)
- Khổ thơ cuối
(1). Khổ 1,2:
Ở khổ thơ 1,2 cần thấy rõ hình ảnh ông đồ được gắn với một thời điểm: ông đi viết

thuê, những nét chữ phượng múa rồng bay kia chỉ để bày bán trên hè phố. Trong khung
cảnh của dịp tết đến xuân về, hoa đào khoe sắc thắm, phố phường đông vui, tấp nập,
hình ảnh ông đồ xuất hiện bên hè phố bán chữ trên giấy điều cho những ai còn yêu lối
chữ tượng hình và âm hưởng của một thời xa đã cho ta thấy một bước suy tàn của nền
Nho học. Bởi, ông đồ từ thư phòng trang nghiêm đã phải lận đận ra tận hè phố để kiếm
sống bằng việc bán chữ. Bán chữ là cái cực của kẻ sỹ ở mọi thời.
8
Nhưng dẫu sao mọi người còn chuộng phong tục tết đến xuân về treo câu đối đỏ trên
vách để trang hoàng nhà cửa và ông đồ vẫn được mọi người tìm đến: “Bao nhiêu người
thuê viết / Tấm tắc ngợi khen tài”. Với mực tàu giấy đỏ, với những câu đối đỏ, hình ảnh
ông đồ gợi lại một phong tục đẹp của ngày tết cổ truyền. Người thuê viết lúc ấy cũng
còn đông đảo lắm, họ hào phóng khen ngợi tài của ông mà cụ thể là tài viết chữ như
“phượng múa rồng bay”. Những nét chữ thật sống động, dường như cái hồn của người
viết đang truyền lên từng con chữ. Lúc này người thuê viết lẫn người viết thuê đều biết
trọng cõi tinh thần, hướng đời sống vào những vẻ đẹp thanh cao. Có lẽ ông đồ cũng tìm
được cho mình một niềm vui nho nhỏ của kẻ viết thuê được công chúng mến mộ. Nền
nho học tuy đã suy tàn nhưng vẫn còn hiện diện trong một phong tục đẹp, chữ nho vẫn
còn tồn tại trong một góc của đời sống tinh thần của con người.
Như vậy, hình ảnh ông đồ gắn với phong tục đẹp chỉ là một sự an ủi cuối
cùng cho sự tàn tạ của một nền nho học. Nói một cách khác, ngay ở hai khổ thơ đầu
ông đồ cũng đã là “di tích của một thời tàn” tuy chưa lộ hết vẻ tiều tụy đáng thương.
Hiểu như vậy về hình ảnh ông đồ trong khổ thơ 1,2 để cảm nhận được trong cái
đông vui tấp nập của phố phường, trong cái niềm vui nho nhỏ của kẻ viết thuê cứ có
điều gì đó phảng phất nỗi buồn, ngậm ngùi của nhà thơ. Điều đó nó nén chặt trong
tứ thơ “ông đồ”, nó lắng trong âm điệu trầm buồn có ngay từ những câu thơ ngũ
ngôn đầu tiên của bài thơ, lắng trong từng câu chữ : Mỗi năm hoa đào nở / Lại thấy
ông đồ già, trong hình ảnh dường như đối lập: hoa đào nở, phố phường tấp nập,
cuộc sống sinh sôi với hình ảnh ông đồ già nua, đơn lẻ…
Hiểu như vậy để thấy được những đoạn sau chỉ là sự phát triển, lộ rõ tứ thơ đã
phảng phất ở đoạn trên mà thôi. Toàn bộ bài thơ kết cấu trên một âm hưởng ngày

một mở rộng, lan xa…
(2) Khổ 3,4:
Vẫn không gian của phố phường tấp nập, vẫn vào dịp tết đến xuân về, nhân vật,
cảnh vật vẫn chừng ấy (ông đồ, giấy, mực, phố phường). Nhưng phong tục treo câu
đối đỏ ngày tết đã không còn được người ta chuộng nữa. Từ “nhưng” với điệp từ
“mỗi” đánh dấu sự thay đổi trong bước đi chầm chậm của thời gian. Người tri âm
hôm qua nay đã là khách qua đường. Niềm vui nho nhỏ của ông là được thảo những
nét “phượng múa rồng bay” đem lại chút vui cho mọi người khi tết đến xuân về nay
9
cũng không còn. Nỗi buồn của lòng người như lan tỏa đến những vật vô tri “Giấy đỏ
buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu”. Giấy cũng thấm buồn mực cũng
nhuộm sầu. Biện pháp nhân hóa sử dụng thật đắc địa, nỗi đau của con người làm tái
tê cả cảnh vật. “Ông đồ vẫn ngồi đấy / Qua đường không ai hay”. Ông cô đơn, trơ
trọi, lạc lõng và hoàn toàn bị quên lãng giữa phố phường tấp nập. Xót xa thay, ông đồ
bị người đời lãng quên trong lúc còn hiện hữu. Phong tục đẹp của ngày tết cổ truyền
còn đâu nữa. Chút an ủi,vớt vát cuối cùng của nho học lúc mạt vận cũng tiêu tan.
Nho học đã hoàn toàn mất chỗ đứng trong đời sống tinh thần của con người.
Cần phân tích kĩ hai câu thơ tả cảnh ngụ tình tuyệt bút để thấy rõ nỗi niềm thương
cảm sâu sắc của nhà thơ đối với ông đồ: “Lá vàng rơi trên giấy / Ngoài trời mưa bụi
bay”. Lá vàng đã trút hết trên trang giấy nhạt phai như chấm hết sự sinh sôi. Mưa bụi
bay trong không gian tê tái nhạt hòa như khóc thương, tiễn biệt một số phận con
người, một thời đại đã dần khép vào dĩ vãng. Hiện thực trong thơ là hiện thực của nỗi
lòng. Chỉ là mưa bụi bay rất nhẹ vậy sao mà ảm đạm, lạnh lẽo tới buốt giá. Nó diễn tả
lòng người trĩu nặng sầu đau, dường như nỗi đau của người trong cuộc lẫn người
chứng kiến hòa chung trong một điệu, tràn ngập cả không gian. Chính nỗi lòng
thương cảm sâu sắc của nhà thơ về số phận của ông đồ đã cất lên những tiếng thơ nức
nở nghẹn ngào. Ông đồ quả thực là “di tích của một thời tàn”.
Như vậy, ở khổ 1,2 trong tương quan với khổ 3,4 không thể là thời đắc ý, huy
hoàng của ông đồ. Có chăng hình ảnh ông đồ gắn với phong tục đẹp của văn hóa
truyền thống là một sự níu kéo cuối cùng của nho học đã bước vào thời tàn. Có chăng

chỉ là cái tình của người đời đối với ông đồ vào thời mạt vận mà thôi.
Định hướng như vậy để thấy được lòng thương cảm của Vũ Đình Liên đối với
thân phận ông đồ thấm đẫm từ đầu đến cuối bài thơ, nó càng thấm sâu với bao xót
xa, day dứt ám ảnh. Khổ 3,4 chỉ để làm rõ hơn những điều đã hé lộ ở 2 khổ thơ đầu.
Và cũng để thấy rõ hơn cho tứ thơ “ông đồ” : thương cảm cho một kiếp người cũng
là bộc lộ nỗi niềm hoài cổ, nhớ tiếc cho một thời đã qua, gắn với những giá trị văn
hóa truyền thống tốt đẹp.
(3) Khổ thơ cuối:
10
Với kết cấu đầu cuối tương ứng (mở đầu: “Mỗi năm hoa đào nở / Lại thấy ông đồ
già” và kết thúc “Năm nay đào lại nở / Không thấy ông đồ xưa”) đã làm rõ cái mâu
thuẫn giữa cái vô hạn của thời gian, cứ luân chuyển theo chu kì bất biến và cái hữu
hạn của đời người, một đi không trở lại để bật ra cái bi kịch của một kiếp người trong
nỗi thương cảm da diết của nhà thơ. Đồng thời đó cũng là cái tứ cảnh cũ người đâu
thuờng gặp trong thơ xưa đầy gợi cảm: năm nay đào lại nở, tết đến, mùa xuân lại về,
nhưng ông đồ già đã thành “ông đồ xưa”, thành “người muôn năm cũ”. Cách dùng từ
đầy dụng ý và giàu sức gợi đã xoáy vào lòng người bao nỗi xót thương trắc ẩn về
hình bóng ông đồ già đã khuất nẻo dương gian, xót thương cho bao danh nho vang
bóng một thời nay đã hoàn toàn vắng bóng.
Hai câu thơ cuối là lời tự vấn của nhà thơ: “Những người muôn năm cũ / Hồn ở
đâu bây giờ?”. Nhà thơ tự hỏi mình, hỏi mọi người, hỏi vọng về quá khứ với bao nỗi
xót xa, thương tiếc ngậm ngùi…Ông đồ vắng bóng không chỉ là khép lại thân phận
của một kiếp người mà là sự biến mất vĩnh viễn của của một lớp người, sự suy vong
cáo chung của một thời đại, sự mai một, phôi pha của những nét đẹp văn hóa truyền
thống. Nỗi buồn về thân thế đã trở thành nỗi buồn cảm hoài về thời thế. “Những
người muôn năm cũ” không còn nữa nhưng linh hồn họ, những giá trị mà họ đã đóng
góp vào cuộc sống tinh thần của quê hương, đất nước này, giờ ở đâu? “Câu thơ dùng
chữ “hồn” – một cách nói rất Việt Nam đã chạm đến những rung cảm sâu xa nhất
trong tâm linh giống nòi, nó khắc khoải mãi, da diết mãi”.
Hơn nữa, bài thơ là tiếng lòng của một trí thức Tây học trẻ tuổi nhìn về quá khứ,

khi Nho học đã đi đến hồi kết. Đó là nỗi cảm thương, ngậm ngùi, tiếc nuối thoáng
chút ân hận của lớp người đương đại khi lòng mình không dủ thương đủ quí để níu
giữ những nét đẹp của văn hóa truyền thống, dẫu nhà thơ ý thức sâu sắc qui luật vận
động của cuộc đời và xã hội. Bởi thế, trong nỗi niềm hoài cổ của Vũ Đình Liên còn
là cái nhìn nhân hậu với quá khứ và với những gì đang trở thành quá khứ. Tiếng
lòng ấy dễ dàng tìm được tiếng nói tri âm.
11
3.Thực hành soạn giáo án:
Từ định hướng và lưu ý trên, kết hợp với thực tiễn giảng dạy, tôi xin đề xuất giáo
án bài dạy như sau:
Tiết 65,66:
ÔNG ĐỒ
(Vũ Đình Liên)
A. Mục tiêu cần đạt:
Giúp học sinh:
1. -Cảm nhận được hình ảnh tàn tạ của ông đồ - một con người đã và đang trở
nên lạc lõng và bị gạt ra ngoài lề cuộc sống lúc ấy – được thể hiện đầy ám ảnh
trong toàn bộ bài thơ
- Qua đó thấy được niềm cảm thương chân thành và nỗi nhớ tiếc ngậm ngùi của
tác giả đối với cảnh cũ người xưa gắn liền với một nét đẹp văn hóa cổ truyền.
- Hiểu và đánh giá được giá trị nghệ thuật đặc sắc của bài thơ
2. Giáo dục sự trân trọng đối với những nét đẹp văn hóa truyền thống
3. Rèn luyện kĩ măng phân tích, cảm thụ thơ ngũ ngôn.
B. Tiến trình thực hiện các bước lên lớp:
1. Bài cũ:
Cảm nhận về tâm sự của nhà thơ Tản Đà trong bài thơ “Muốn làm thằng Cuội”
2. Bài mới:
Theo dõi chú thích * và cho biết
những nét chính về tác giả?
I. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả:
- Vũ Đình Liên (1913 - 1996)
- Tham gia phong trào thơ mới ngay từ những
ngày đầu
- Cảm hứng thơ Vũ Đình Liên tập trung vào hai
nội dung chính: Lòng thương người và tình
hoài cổ
- Ngoài sáng tác thơ ông còn nghiên cứu, dịch
thuật, giảng dạy văn học. Năm 1990 ông được
12
Những hiểu biết của em về bài
thơ “Ông đồ”?
Baì thơ này nên đọc như thế nào?
Bài thơ viết theo thể thơ gì?Nêu
phương thức biểu đạt của bài thơ?
Nhân vật trữ tình trong bài thơ?
Dựa vào sự giải thích của SGK
em hiểu như thế nào về hình ảnh
ông đồ trong đời sống văn hóa xã
hội của người Việt nam xưa?
phong là nhà giáo nhân dân.
2. Tác phẩm:
- Bài thơ Ông đồ là bài thơ tiêu biểu cho hồn
thơ giàu thương cảm của Vũ Đình Liên.
- Bài thơ được đánh giá là một kiệt tác (Hoài
Thanh-> Vũ Đình Liên có vị trí xứng đáng
trong phong trào thơ mới.
II. Đọc và tìm hiểu chung :
1. Đọc: Bài thơ nên đọc với giọng chậm rãi,
trầm lắng để diễn tả nỗi lòng của nhà thơ.

2. Tìm hiểu chung :
a.Thể thơ: Ngũ ngôn
-> Rất quen thuộc rất phù hợp với việc diễn tả cảm
xúc, tâm tư của nhà thơ. Ngôn ngữ cô đọng, nhiều ý
nghĩa dư vang
b. Phương thức biểu đạt: Biểu cảm là chính xen tự
sự, miêu tả
c. Nhân vật trữ tình:
- Chủ thể trữ tình: tác giả
- Đối tượng trữ tình: Ông đồ
- Ông đồ: là người Nho học nhưng không đỗ đạt,
sống thanh bần bằng nghề dạy học. Những năm 30
thì vị trí của các thầy đồ dạy chữ nho hầu như không
còn nữa. Và người ta chỉ thấy khi ông khi tết đến
với cái câu đối phong tục treo câu đối đỏ một năm
một lần.
-> ông đồ trở thành một tứ thơ giàu sức nén của bài
thơ. Qua hình tượng ông đồ tác giả khái quát được
những bước thăng trầm của thời đại và số phận của
nền Nho học.
13
Tìm hiểu mạch cảm xúc? Mạch
cảm ấy được thể hiện như thế nào
trong bài thơ?
Hình ảnh ông đồ được tác giả
cảm nhận trong khung cảnh như
thế nào? Thể hiện qua hình ảnh từ
ngữ nào? Nhận xét về khung cảnh
đó?
Trong khung cảnh đó ông đồ hiện

lên qua những từ ngữ nào?
Nhận xét cách dùng từ? Qua đó
gợi lên điều gì?
Hãy nhớ lại phần tìm hiểu chung
đã cho ta biết ông đồ là ai. Vậy
hình ảnh ông đồ trong bài thơ
xuất hiện trong vị thế nào?Có còn
là thầy đồ dạy chữ? Hình ảnh ông
đồ viết thuê giúp em nhận ra điều
gì?
Thế nhưng, thái độ của mọi người
d. Mạch cảm xúc: Cảm nhận của tác giả về hình ảnh
ông đồ qua thời gian
- Triển khai qua 3 tiết đoạn:
- Khổ thơ 1,2
- Khổ thơ 3,4
- Khổ thơ cuối
III. Tìm hiểu chi tiết:
(+) Khổ 1,2:
- Khung cảnh: - Hoa đào nở
- Phố đông người qua
-> Gợi khung cảnh tết đến xuân về. hoa đào khoe
sắc thắm, phố phường tấp nập đông vui…
-> Cảnh đẹp tràn đầy sức sống, mọi vật dường như
tươi trẻ lại.
- Ông đồ: - Lại thấy
- mực tàu, giấy đỏ
Lại: phó từ chỉ sự tiếp diễn, lặp đi lặp lại.
- Tác dụng: - hình ảnh ông đồ xuất hiện nơi nơi phố
phường vào ngày tết đã trở nên quen thuộc

- Gợi một phong tục đẹp, một thú
vui tao nhã vào ngày tết cổ truyền với bánh chưng
xanh câu đối đỏ.
-Vị thế ông đồ không còn như xưa: Ông đồ đã phải
rời bỏ thư phòng trang nghiêm để lận đận ra hè phố
bán chữ.
-> Nền nho học đã bước vào thời tàn.
- Thái độ mọi người: - Bao nhiêu người thuê
14
đối với nghề viết chữ của ông lúc
ấy ra sao? Nhận xét cách dùng từ?
Qua đó em hiểu gì về thái độ của
mọi người?
Cảm nhận của tác giả về nét chữ
của ông đồ lúc ấy ra sao?
Từ đó, hình dung tâm trạng của
ông đồ lúc này?
Trong cảnh kẻ thuê người viết
mỗi độ xuân về ấy giúp em cảm
nhận rõ nét điều gì?
Hình dung về tâm trạng nhà thơ
lúc ấy?
Qua cách miêu tả hình ảnh ông đồ
trong khổ 1 và 2 em còn cảm
nhận được gì về nỗi lòng của nhà
thơ đối với ông đồ?(Gợi: hai khổ
thơ cất lên với giọng điệu như thế
nào? Tâm trạng ấy còn chất chứa
ở đâu nữa? )
- Tấm tắc ngợi khen

- Đại từ phiếm chỉ, chỉ số nhiều
->Khách tìm đến mua chữ nhiều không sao kể xiết
luôn miệng tấm tắc ngợi ca tài viết chữ của ông đồ
- Nét chữ: như phượng múa rồng bay -> sử dụng so
sánh + thành ngữ
-> Gợi nên nét chữ đẹp, sống động như có linh hồn.
Hồn của người vết chữ như truyền sang từng con
chữ. Người viết thuê trong cái thú chơi tao nhã như
một nhu cầu giao cảm với con người, đất trời mỗi độ
xuân về.
- Ông đồ vui khi còn được thể hiện vốn chữ tài hoa
của mình. Dường như lúc này ông đã tạm quên đi
nỗi buồn thân phận để kiếm tìm một chút tri âm,
một niềm an ủi cuối cùng cho nền nho học…
- Dẫu nền Nho học đã bước vào thời tàn, song
vẫn còn hiện diện trong một phong tục đẹp. Chữ nho
còn là thú vui tao nhã và vẫn còn tồn tại trong một
góc của đời sống tinh thần của con người.
+ Tâm trạng của nhà thơ:
- Yêu mến trân trọng, tự hào đối với ông đồ và
phong tục đẹp của dân tộc
- Giọng thơ cất lên trầm buồn ngay từ câu thơ
ngũ ngôn đầu tiên của bài thơ.
- Từ ngữ: Lại thấy
Ông đồ già
- Hình ảnh thơ: Hoa đào nở, phố phường tấp
nập >< ông đồ già nua, đơn lẻ
-> cảm nhận được trong cái đông vui tấp nập của
phố phường, trong cái niềm vui nho nhỏ của kẻ viết
thuê cứ có điều gì đó phảng phất nỗi buồn, ngậm

15
Vậy ở đây t/giả sử dụng cách biểu
cảm gì?
Cùng với sự tuần hoàn của thời
gian nhà thơ đã nhận ra sự thay
đổi trong số phận ông đồ như thế
nào? Thể hiện qua những từ ngữ,
biện pháp nghệ thuật nào? Hãy
phân tích?
Trước sự đổi thay của số phận
ông đồ, tác giả đã bày tỏ thái độ
qua câu thơ nào? Nhận xét về
nghệ thuật? Qua đó em hiểu thái
độ gì?
Nhà thơ đã diễn tả nỗi lòng của
ông đồ qua hình ảnh nào? Phân
tích giá trị biểu đạt?
Trong tình cảnh đó hình ảnh ông
đồ hiện lên như thế nào?
Từ hình ảnh đó của ông đồ em
cảm nhận được điều gì xót xa?
ngùi của nhà thơ.
-> Cách biểu cảm gián tiếp qua miêu tả, tự sự
(+). Khổ 3,4:
+ Sự đổi thay của số phận ông đồ qua thái độ của
mọi người:
-Từ “nhưng” mở đầu khổ 3: chỉ ý đối lập,
bước ngoặt của thời gian, đánh dấu sự đổi thay.
- Điệp từ mỗi: diễn tả bước đi chầm chậm
của của thời gian, nhịp độ khách thưa vắng dần.

Người tri âm hôm qua nay đã là khách qua đường.
+ Thái độ của tác giả: Thốt lên “Người thuê viết nay
đâu”?-> câu hỏi tu từ
-> Tâm trạng bàng hoàng thoảng thốt trước cảnh
vắng người vắng khách
+ Nỗi lòng của ông đồ: “ Giấy đỏ buồn / nghiên sầu
-> Hình ảnh nhân hóa
-> Làm cho cảnh vật vô tri trở nên có linh hồn, trĩu
nặng sầu đau.
-> Trang giấy có phải thấm nỗi buồn đau khôn tả
của lòng người mà không còn thắm đỏ. Mực tàu
trong nghiên bao ngày không được dùng đến nên
đặc quánh lại trong nỗi sầu đau.
-> Nỗi đau của lòng người làm tái tê cả cảnh vật.
+ Ông đồ vẫn ngồi đấy/ không ai hay…
- Phó từ “vẫn” -> ông đồ vẫn ngồi đấy giữa phố
phường tấp nập, trong khung cảnh tết đến xuân về
kiên nhẫn đợi chờ khách qua đường mà cô đơn,trơ
trọi, lạc lõng giữa dòng người xa lạ.
-> Ông đồ bị lãng quên ngay khi còn hiện hữu.
Phong tục đẹp của ngày tết cổ truyền còn đâu nữa.
Chút an ủi,vớt vát cuối cùng của nho học lúc mạt
16
Hai câu thơ cuối của khổ 3 đã
diễn tả sâu sắc tình cảnh của ông
đồ cũng như nỗi lòng của nhà thơ.
Em hãy phân tích làm rõ cái hay
của hai câu thơ đó?
Câu hỏi thảo luận nhóm để củng
cố kiến thức vừa học qua 4 khổ

thơ: Theo em từ sự thay đổi của
số phận ông đồ ở khổ 3,4 có thể
khẳng định có sự thay đổi trong
tình cảm của tác giả không? Vì
sao?
So sánh hai câu thơ mở đầu bài
thơ với 2 câu thơ của khổ cuối để
phát hiện nét nghệ thuật đặc sắc
gì? Tác dụng?
vận cũng tiêu tan. Nho học đã hoàn toàn mất chỗ
đứng trong đời sống tinh thần của người Việt.
+ “Lá vàng rơi trên giấy/ ngoài trời mưa bụi bay”
-> Hai câu thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc
=> Lá vàng đã trút hết trên trang giấy nhạt phai như
chấm hết sự sinh sôi. Mưa bụi bay trong không gian
tê tái nhạt nhòa như khóc thương, tiễn biệt một số
phận con người, một thời đại đã dần khép vào dĩ
vãng. Dường như nỗi đau của người trong cuộc lẫn
người chứng kiến hòa chung trong một điệu, tràn
ngập cả không gian.
=>Chính nỗi lòng thương cảm sâu sắc của nhà thơ
về số phận của ông đồ đã cất lên những tiếng thơ
trĩu nặng sầu đau. Ông đồ quả thực là “di tích của
một thời tàn”.
-> Củng cố qua thảo luận nhóm: Toàn bộ bài thơ
kết cấu trên một âm hưởng ngày một mở rộng, lan
xa… lòng thương cảm của Vũ Đình Liên đối với
thân phận ông đồ thấm đẫm từ đầu đến cuối bài thơ,
nó càng lúc càng thấm sâu với bao xót xa, day dứt
ám ảnh.

(+). Khổ thơ cuối
-Nghệ thuật đối lập: -Mở đầu: Mỗi năm hoa đào
nở /Lại thấy ông đồ già
- Kết thúc: Năm nay đào lại nở/ Không
thấy ông đồ xưa
-> kết cấu đầu cuối tương ứng
-> thời gian luân chuyển theo chu kì bất biến đặt bên
cạnh cái hữu hạn của đời người, một đi không trở lại
- Tác dụng: để bật ra cái bi kịch của một kiếp người
17
Cách dùng từ lại trong câu thơ
còn gợi ra điều gì?
Trong sự mất mát đó tác giả thốt
lên như thế nào? Nhận xét cách
diễn đạt? Tác giả hỏi ai? Hỏi về
điều gì?
Qua đó em hiểu được tâm trạng gì
của tác giả?
trong nỗi thương cảm da diết của nhà thơ.
- Từ lại: diễn tả vòng tuần hoàn của thời gian đồng
thời đó cũng là cái tứ “cảnh cũ người đâu” thuờng
gặp trong thơ xưa đầy gợi cảm: năm nay đào lại nở,
tết đến, mùa xuân lại về, nhưng ông đồ già đã thành
“ông đồ xưa”
-> Sự ra đi không tiễn biệt của một kiếp người, một
nền văn hóa.
+ “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây
giờ”?
- Câu hỏi tu từ: Hỏi mình, hỏi người, hỏi cả thời
đại, hỏi vọng về quá khứ

- Hồn của người muôn năm cũ:
- Hồn của ông đồ
-Hồn của lớp người đã
đóng góp vào cuộc sống tinh thần của quê
hương, đất nước này
- Hồn của một nét đẹp
văn hóa truyền thống
- Câu thơ dùng chữ “hồn” – một cách nói rất Việt
Nam đã chạm đến những rung cảm sâu xa nhất
trong tâm linh giống nòi, nó khắc khoải mãi, da diết
mãi.
=>Bộc lộ bao nỗi xót xa, thương tiếc, ngậm ngùi của
nhà thơ trước sự ra đi lặng lẽ của ông đồ, của các
bậc tiền nhân cùng với sự đổi thay giá trị của những
nét đẹp văn hóa truyền thống. -> Nỗi buồn về thân
thế đã trở thành nỗi buồn cảm hoài về thời thế.
=>GV: Hơn nữa, bài thơ là tiếng lòng của một trí
thức Tây học trẻ tuổi nhìn về quá khứ, khi Nho học
đã đi đến hồi kết. Đó là nỗi cảm thương, ngậm ngùi,
18
Đánh giá chung về giá trị nghệ
thuật của bài thơ?
Qua đó em cảm nhận gì về nội
dung gì của bài thơ?
tiếc nuối thoáng chút ân hận của lớp người đương
đại khi lòng mình không dủ thương đủ quí để níu
giữ những nét đẹp của văn hóa truyền thống, dẫu
nhà thơ ý thức sâu sắc qui luật vận động của cuộc
đời và xã hội. Bởi thế, trong nỗi niềm hoài cổ của
Vũ Đình Liên còn là cái nhìn nhân hậu với quá khứ

và với những gì đang trở thành quá khứ.
IV. Tổng kết:
1.Nghệ thuật:
- Thể thơ ngũ ngôn hàm súc cô đọng
- Giọng điệu chủ đạo của bài thơ là trầm lắng ngậm
ngùi, phù hợp với việc diễn tả tâm tư, cảm xúc của
nhà thơ
- Kết cấu bài thơ giản dị mà chặt chẽ: theo trình tự
thời gian bằng cái nhìn hướng ngoại từ tâm thức nhà
thơ; kết cấu đầu cuối tương ứng với những cảnh
tượng đối lập để thể hiện đầy ám ảnh sự thất thế của
ông đồ, nỗi buồn thương của tác giả.
- Ngôn ngữ, hình ảnh thơ rất trong sáng, bình dị
nhưng tinh tế giàu sức gợi -> có sức truyền cảm lớn.
2. Nội dung:
Bài thơ thể hiện niềm cảm thương chân thành trước
tình cảnh đáng thương của ông đồ, trước lớp người
đang tàn tạ cùng với nỗi niềm hoài cổ bâng khuâng
tiếc nhớ về một nét đẹp của văn hóa truyền thống
nay đã mai một phôi pha, về một nền văn hóa đã
từng vang bóng một thời.
V. Luyện tập: Cảm nhận về tấm lòng của nhà thơ Vũ Đình Liên qua bài thơ
C. Củng cố, dặn dò: Tìm đọc truyện ngắn “Ông đồ nho” của Thạch Lam xuất hiện cùng
thời với bài thơ “Ông đồ” để thấy được sự cộng hưởng cảm xúc và từ đó hiểu hơn về nỗi
lòng tâm trạng của nhà thơ Vũ Đình Liên.
19
4.Khảo sát:
a. Đề khảo sát: Cảm nhận về hình ảnh ông đồ trong hai khổ thơ đầu của bài thơ “Ông
đồ”
b. Kết quả:

SAU ĐÂY LÀ MỘT SỐ KẾT QUẢ GIẢNG DẠY THEO ĐỊNH HƯỚNG SÁCH GIÁO
VIÊN VÀ ĐỊNH HƯỚNG MỚI
NĂM HỌC LỚP SĨ SỐ ĐIỂM 9-10 ĐIỂM 7-8 ĐIỂM 5 -6 ĐIỂM
20
DƯỚI TB
2007-2008 8B 45 0
(0%)
16
(35,5%)
25
(55,5%)
4
(9 %)
2011-2012 8C 40 5
(12,5%)
25
(62,5%)
10
(25%)
0
(0%)
So sánh: Phương pháp mới đã đạt kết quả chất lượng cao hơn. Năm học 2007 – 2008 so
với năm 2011 – 2012:
1. Điểm dưới trung bình: Không có
2. Điểm 5-6: ít hơn 30,5%
3. Điểm 7-8: hơn 27%
4. Điểm 9 -10: hơn 12%
Sở dĩ cách dạy mới đạt hiệu quả hơn, bởi sự định vị kiến thức cơ bản về hình
tượng ông đồ ở hai khổ thơ đầu của sách giáo viên và thực tiễn giảng dạy của giáo viên
là không thỏa đáng (Hai khổ thơ đầu là thời kì đắc ý của ông đồ) nên giáo viên hướng

dẫn học sinh thẩm nhận hình tượng nghệ thuật không đúng ý đồ sáng tạo của tác giả.
Theo cách dạy mới, giáo viên đã giúp học sinh hiểu được hình tượng ông đồ ngay từ đầu
đã là “di tích của một thời tàn” và thấm trong từng câu chữ, hình ảnh, giọng điệu là nỗi
buồn thương phảng phất của tác giả - một trí thức trẻ có lương tâm lương tri, giàu lòng
trắc ẩn và luôn đau đáu trước những đổi thay của thời cuộc. Từ đó để thấy rõ toàn bộ bài
thơ kết cấu trên một âm hưởng ngày một mở rộng, lan xa…nỗi niềm của nhà thơ ngày
càng da diết, ám ảnh…Có như thế mới bật ra được nét độc đáo của bài thơ: là sự hội tụ
hai nguồn cảm hứng chính trong thơ Vũ Đình Liên: lòng thương người và tình hoài cổ.
C. KẾT LUẬN
Giảng dạy văn học là khó, dạy văn có hiệu quả lại càng khó hơn. Đăc biệt là giảng
dạy thơ. Bởi thơ là nghệ thuật của ngôn từ, là nơi gửi gắm của tâm hồn thi sỹ, ngoài việc
nắm bắt nền hiện thực đời sống (thời đại) thì ta còn phải nắm được một cách thấu đáo
đời sống tâm hồn của nhà thơ được thể hiện trong tác phẩm đưa vào chương trình trong
“phông” chung của hồn thơ tác giả.
21
Dạy văn nói chung và dạy thơ nói riêng phải nghiên cứu kĩ văn bản và yếu tố
ngoài văn bản (có liên quan đến văn bản) để tìm ra một định hướng khai thác chuẩn xác.
Từ mạch cảm xúc của tác giả kết hợp hệ thống tín hiệu nghệ thuật trong tác phẩm mà
tìm ra chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Với bài thơ “Ông đồ”, bằng cách dạy như trên, tôi xin đề xuất một số giải pháp
sau:
- Bám sát đặc trưng thơ trữ tình: không chỉ giúp học sinh khám phá vẻ đẹp của
ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ mà còn giúp các em cùng rung động với tâm tư tình cảm
của nhân vật trữ tình. Chọn hình ảnh ông đồ là đối tượng trữ tình đã tạo nên một tứ thơ
“nén”, do vậy, tiếp cận hình tượng thơ cần phải đi hết “tầng”, “vỉa” của nó, có như vậy
mới thẩm nhận được hết được lòng thương cảm sâu sắc của Vũ Đình Liên đối với một
kiếp người và hơn hết là nỗi niềm hoài cổ lắng sâu của một hồn thơ mới luôn có cái nhìn
đau đáu với quá khứ, thời cuộc.
- Khám phá được mạch cảm xúc của bài thơ có kết cấu trên một âm hưởng ngày
một mở rộng, lan xa… Nỗi ngậm ngùi thương cảm chân thành trước một lớp người

đang tàn tạ và nỗi nhớ tiếc cảnh cũ người xưa của nhà thơ là cảm hứng bao trùm từ đầu
cho đến cuối bài thơ và ngày càng da diết ám ảnh và hình tượng ông đồ trong bài thơ
ngay từ đầu đã là “di tích tiều tụy của một thời tàn” … Bài thơ không chỉ nói được số
phận của một kiếp người mà còn cho thấy được những bước thăng trầm của thời đại, của
nền văn hóa.
- Từ đó làm nổi bật được nét độc đáo trong hồn thơ của Vũ Đình Liên: Bài thơ
ông đồ là sự hội tụ hai nguồn thi cảm chính của ông: lòng thương người và tình hoài cổ.
- Cảm hứng hoài cổ nói chung trong thi ca thường gửi gắm thái độ của tác giả
trước các vấn đề của hiện thực. Mà cụ thể ở đây là nỗi niềm vọng về quá khứ vàng son
với bao day dứt, tiếc nuối. Bởi trong thực tại những giá trị tốt đẹp của quá khứ đã không
còn chỗ đứng trước cơn lốc đổi thay của thời cuộc. Đó chính là chiều sâu trong giá trị
nhân văn của tác phẩm và trong cảm hứng nhân đạo của Vũ Đình Liên.
- Thẩm thấu đầy đủ nền hiện thực tâm thế của nhân vật trữ tình trong bài thơ để có
thể phác họa được bức chân dung tâm hồn của cả một thế hệ trí thức trẻ có lương tâm
lương tri lúc bấy giờ. Đó cũng chính là lực lượng sáng tác chính của thơ mới đóng vai
trò quan trọng trong việc đổi mới thơ ca và hiện đại hóa nền văn học Việt Nam.
22
Tôi tự nhận thấy cách dạy này đã khắc phục được các nhược điểm của cách dạy
hiện nay của sách giáo khoa, sách giáo viên và số đông giáo viên đã vận dụng. Với định
hướng mới này bài giảng đã thu hút tình cảm và phát huy được tính tích cực của học
sinh, đáp ứng được việc đổi mới phương pháp giảng dạy.
Bài dạy của tôi chắc chắn còn có những hạn chế. Rất mong sự góp ý chân thành
và tận tình của đồng nghiệp.
Vinh, ngày 28 tháng 04 năm 2012
D. PHỤ LỤC
I. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ Văn học Việt Nam thế kỉ XX – Những vấn đề lịch sử và lí luận – Bùi Việt Thắng –
NXB Giáo dục, 2004
2/ Thi nhân Việt Nam – Hoài Thanh, Hoài Chân, NXB
3/ Tinh hoa thơ mới thẩm bình và suy ngẫm – Lê Bá Hán chủ biên, NXB Giáo Dục,

1998
23
4/ Bình giảng Ngữ văn 8 – Vũ Dương Quỹ, Lê Bảo, NXB Giáo dục
5/ Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường phổ thông – Lê Bảo tuyển chọn và biên soạn,
NXB Gáo dục, 1998
6/ Thơ với lời bình – Vũ Quần Phương, NXB Giáo dục, 1994
7/ Ngữ văn 8 tập II , NXB Giáo dục, 2008
8/ Bài giảng “Một số vấn đề của lịch sử văn học Việt Nam từ 1900 đến 1945” của TS
Đinh Trí Dũng, Trường ĐH Vinh, 2000
9/ Thơ mới những bước thăng trầm – Lê Đình Kị, NXB TP Hồ Chí Minh, 1993
10/ Văn học trên hành trình của thế kỉ XX – Phong Lê, NXB ĐHQG, 1997
11/ Con mắt thơ - Đỗ Lai Thúy Nxb Lao động, Hà Nội, 1994
12/ Sách giáo viên Ngữ văn 8, Tập II, NXB Giáo dục, 2008
13/ Sách giáo viên Ngữ văn 8, tập I, NXB Giáo dục, 2001
14/ Sổ tay văn học lớp 8 – Tạ Đức Hiền, NXB Hà Nội, 1999
15/ Phương pháp dạy học tác phẩm văn chương (theo loại thể) – TS Nguyễn Viết Chữ,
NXB ĐHQG Hà Nội
II. CHÂN DUNG NHÀ THƠ VŨ ĐÌNH LIÊN
“Mỗi năm hoa đào nở”
“Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài”
24
“Ông đồ vẫn ngồi đó
Qua đường không ai hay
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu”

“Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay”
25

×