1
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ - VIỆN KHOA HỌC THỐNG KÊ
Đề tài khoa học
Nghiên cứu lựa chọn và tính toán thử nghiệm một số chỉ số phản ánh mức độ
hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam
CHUYÊN ĐỀ 6
HỆ THỐNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ PHẢN ÁNH
LĨNH VỰC HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA
VIỆT NAM
HÀ NỘI, 9 - 2009
2
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ - VIỆN KHOA HỌC THỐNG KÊ
Đề tài khoa học
Nghiên cứu lựa chọn và tính toán thử nghiệm một số chỉ số phản ánh mức độ
hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam
CHUYÊN ĐỀ 6
HỆ THỐNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ PHẢN ÁNH
LĨNH VỰC HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA
VIỆT NAM
Từng bước hội nhập vào đời sống quốc tế nói chung,
đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, song vẫn
đảm bảo độc lập và quyền tự chủ, tự quyết thiêng liêng
của dân tộc là một đường lối nhất quán và đúng đắn
trong bối cảnh toàn cầu hoá không thể đảo ngược được
hiện nay để tiến tới xây dựng nước ta là một quốc gia
công nghiệp hoá và hiện đại hoá, xã hội công bằng, dân
chủ, văn minh.
Chuyên đề khoa học này nhằm đưa ra một hệ thống chỉ
tiêu thống kê phản ánh lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế
của Việt Nam. Hệ thống này gồm các chỉ tiêu đã có sẵn
trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và thống kê
các bộ ngành, đồng thời cũng bao gồm một số chỉ tiêu
khác mà lâu nay chúng ta chưa quan tâm thu thập,
nhằm phục vụ cho đề tài nghiên cứu lựa chọn và tính
toán thử nghiệm một số chỉ số phản ánh mức độ hội
nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
HÀ NỘI, 9 - 2009
3
CÁC CHỮ VIẾT TẮT
ASEAN
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam châu Á
FDI
Đầu tư trực tiếp nước ngoài
GDP
Tổng sản phẩm trong nước
HDI
Chỉ số phát triển con người
IEI
Chỉ số HNKTQT
IMF
Quỹ tiền tệ quốc tế
GDI
Chỉ số phát triển liên quan đến giới
GNI
Tổng thu nhập quốc gia
HDI
Chỉ số phát triển con người
HNKTKV
Hội nhập kinh tế khu vực
HNKTQT
Hội nhập kinh tế quốc tế
HNQT
Hội nhập quốc tế
ODA
Hỗ trợ phát triển chính thức
OECD
Tổ chức hợp tác các nước phát triển
TCTK
Tổng cục Thống kê
UNDP
Chương trình phát triển Liên hợp quốc
WB
Ngân hàng thế giới
WTO
Tổ chức thương mại thế giới
4
MỤC LỤC
Mục
Trang
Danh mục các từ viết tắt
3
Mở đề
5
I. Tổng quan về hội nhập kinh tế quốc tế: các quan điểm hiện nay
6
1.1. Trên thế giới
6
1.2. Ở Việt Nam
7
II. Các chỉ tiêu, chỉ số phản ánh hội nhập kinh tế quốc tế
8
2.1. Khái niệm về chỉ tiêu và hệ thống chỉ tiêu thống kê
8
2.1.1. Chỉ tiêu thống kê
9
2.1.2. Hệ thống chỉ tiêu thống kê
10
2.2. Các chỉ tiêu hội nhập kinh tế thương mại tổng hợp
11
2.3. Các chỉ tiêu hội nhập kinh tế quốc tế trong một số lĩnh vực
19
2.3.1. Lĩnh vực du lịch
19
2.3.2. Lĩnh vực tự do đi lại và tự do đầu tư
20
2.3.3. Một số chỉ tiêu tổng hợp khác
21
Tài liệu tham khảo
22
5
MỞ ĐỀ
Việt Nam đã gia nhập WTO, và đang từng bước hôị nhập ngày
càng sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế. Các phương tiện thông tin đại
chúng, các báo cáo tổng kết phát triển từng địa phương, từng Bộ/ngành,
từng lĩnh vực, kể cả các đơn vị sản xuất kinh doanh hay các đơn vị quản
lý kinh tế - xã hội nói chung, hầu như thường xuyên đều đề cập đến kết
quả công tác của mình trong lĩnh vực hội nhập quốc tế (HNQT). Về khía
cạnh tổ chức, Nhà nước đã thành lập Uỷ ban quốc gia về Hợp tác kinh tế
với nước ngoài, trong đó có Bộ phận Hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, chưa hẳn tất cả đều hiểu thấu đáo khái niệm “hội nhập
quốc tế”, hầu như bức tranh về “hội nhập quốc tế” qua các con số thống
kê vần chưa được vẽ ra và trình bày một cách đầy đủ. Vẫn chưa có được
một tiêu chí đo lường và đánh giá mức độ HNQT của đất nước, cơ sở để
đánh giá sự tiến bộ trong quá trình HNQT, trước hết là hội nhập kinh tế
quốc tế vẫn còn mờ nhạt.
Do vậy, cần thiết phải xây dựng hệ thống các chỉ tiêu thống kê
phản ánh lĩnh vực hội nhập quốc tế về kinh tế của Việt Nam, để lột tả hết
các khía cạnh cơ bản trong lĩnh vực này, đồng thời phục vụ cho công tác
quản lý của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, phục vụ
cho việc đánh giá, phân tích, cho nhu cầu sử dụng thông tin của tất cả các
đối tượng, kể cả trong nước và quốc tế, tổ chức và cá nhân, các nhà
nghiên cứu cũng như các nhà hoạch định chính sách.
Chuyên đề khoa học này nhằm đưa ra một hệ thống chỉ tiêu thống
kê phản ánh lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Hệ thống
này gồm các chỉ tiêu đã có sẵn trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia
và thống kê các bộ ngành, đồng thời cũng bao gồm một số chỉ tiêu khác
mà lâu nay chúng ta chưa quan tâm thu thập, nhằm phục vụ cho đề tài
nghiên cứu lựa chọn và tính toán thử nghiệm một số chỉ số phản ánh mức
độ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
6
I. TỔNG QUAN VỀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ: CÁC
QUAN ĐIỂM HIỆN NAY
1.1. Trên thế giới
Theo Từ điển tường giải kinh tế xã hội “Cẩm nang chính sách kinh
tế”, [Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, trang 251, Hà Nội 2005, do Rolf
H. Hass thuộc Viện Quốc tế Konrad-Adenauer biên soạn, Tiến sỹ khoa
học Lương Văn Kế biên dịch], thì:
(i) Hội nhập kinh tế được định nghĩa là sự mở cửa các nền kinh tế
quốc dân cho hợp tác xuyên biên giới với các nước khác, mà chủ yếu là
các nước láng giềng. sự thoả thuận của các Nhà nước thể hiện ở chỗ, đẩy
mạnh thương mại giữa các quốc gia (xây dựng thương mại) và điều chỉnh
việc trao đổi hàng hoá và dịch vụ với các quốc gia thứ ba (những quốc gia
không tham gia hội nhập) để dành ưu tiên cho trao đổi giữa các quốc gia
cùng tham gia hội nhập (điều chỉnh thương mại);
(ii) Hội nhập của các nền kinh tế quốc dân cũng thể hiện rõ ở chỗ
mạng lưới quan hệ qua lại trong lưu thông vốn ngắn hạn và dài hạn trở
nên được sàng lọc ngặt nghèo;
(iii) Chừng nào các điều kiện thể chế và pháp luật còn tồn tại, thì
sự hội nhập còn được thể hiện bằng những khả năng chuyển động lâu dài
của các lực lượng lao động và bằng sự trao đổi tri thức được bảo vệ trong
thương mại và được vận dụng trong kinh tế.
Theo Từ điến Oxford Dictionary of Economics, xuất bản lần thứ
hai năm 2002 của John Black, trang 241, Nhà xuất bản Oxford
University, New York, thì hội nhập kinh tế là tổ hợp các hoạt động kinh tế
khác nhau dưới cùng một cơ chế điều khiển, kiểm soát thống nhất. Hội
nhập kinh tế còn có nghĩa là tổ chức các hoạt động kinh tế ở mức mà
gianh giới quốc gia không còn mang nhiều ảnh hưởng. Hội nhập kinh tế
hoàn toàn có nghĩa là việc lưu thông và thương mại hàng hoá và dịch vụ
được tự do hoàn toàn; việc huy động các nguồn vốn từ mọi nơi được
hoàn toàn tự do; tự do hoàn toàn trong việc di cư tìm kiếm công ăn việc
làm; tự do hoàn toàn trong việc thành lập các doanh nghiệp hay cơ sở sản
xuất; luồng thông tin và tư duy hoàn toàn không bị gây cản trở. HNKTQT
còn có nghĩa là không còn sự khác biệt giữa các quốc gia về mặt đánh
thuế, cấp vốn hoạt động cho các dịch vụ xã hội, không còn khác biệt
trong chính sách quản lý cạnh tranh và độc quyền, chính sách về các vấn
đề môi trường cũng như lưu thông tiền tệ. Một thế giới đại đồng như vậy
còn xa mới có thể đạt tới, song trước mắt đã có một số khối quốc gia có
7
sự nhất thể tương đối về kinh tế, như EU, NAFTA, và một số quốc gia có
những nền văn hoá tương đồng.
Như vậy, HNQT là một trong những xu thế tất yếu của toàn cầu
hoá. Người ta tính rằng, có ba làn sóng về toàn cầu hoá kinh tế diễn ra từ
năm 1870 đến nay, đó là:
(i) Làn sóng thứ nhất (1870 - 1914) với đặc trưng là sự di chuyển
mạnh mẽ lao động từ châu Âu sang các miền đất chưa được khai phá ở
Mỹ La-tinh, châu Á;
(ii) Làn sóng thứ hai (1945 - 1980) với đặc trưng là sự phát triển
vận tải hàng không, cước vận tải biển hạ thấp và mạng điện thoại quốc tế
mở rộng, dòng vốn di chuyển nhanh hơn và rộng hơn đã tạo ra nhóm
công ty chuyên chế tạo cùng chủng loại sản phẩm và kết nối với nhau
theo chiều dọc trên thế giới;
(iii) Làn sóng thứ ba (từ 1980 đến nay) được đặc trưng bởi sự phát
triển vũ bão của công nghệ thông tin và liên lạc viễn thông. Dựa trên nền
tảng quan trọng này, các nền kinh tế đã kết nối tạo thành một thế giới liên
thông khổng lồ, theo đó, lợi ích cũng như rủi ro luôn song hành.
(Nguồn: Tạp chí Cộng Sản, số 800, tháng 6-2009, trang 105: "Vai trò
quản trị toàn cầu trước những thách thức hiện nay").
1.2. Ở Việt Nam
Từng bước hội nhập vào đời sống quốc tế nói chung, đặc biệt là hội
nhập kinh tế quốc tế nói riêng, song vẫn đảm bảo độc lập và quyền tự
chủ, tự quyết thiêng liêng của dân tộc là một đường lối nhất quán và đúng
đắn trong bối cảnh toàn cầu hoá không thể đảo ngược được hiện nay để
tiến tới xây dựng nước ta là một quốc gia công nghiệp hoá và hiện đại
hoá, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình chủ động gắn kết nền kinh tế
của một nước vào các tổ chức hợp tác kinh tế khu vực hoặc toàn cầu;
trong đó, các thành viên quan hệ với nhau theo những quy định chung
như: Liên minh châu Âu, AFTA, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)
Trước kia, khái niệm hội nhập kinh tế quốc tế được hiểu đơn thuần là
những hoạt động giảm thuế, mở cửa thị trường. Hội nhập kinh tế quốc tế
ngày nay được hiểu là việc một quốc gia thực hiện chính sách kinh tế mở,
tham gia các định chế kinh tế, tài chính quốc tế, thực hiẹn tự do hoá và
thuận lợi hoá thương mại, đầu tư nhằm mục tiêu mở cửa thị trường cho
hàng hoá và dịch vụ, loại bỏ các rào cản đối với trao đổi thương mại.
8
Thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà
nước; chủ động, tích cực hội nhập kinh tế sâu hơn và đầy đủ hơn với khu
vực và thế giới. Thực hiện có hiệu quả các cam kết với các nước, các tổ
chức quốc tế về thương mại, đầu tư, dịch vụ và các lĩnh vực khác. Thực
hiện các cam kết của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN và tích cực tham
gia quá trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN. Chuẩn bị tốt các điều
kiện để bảo đảm thực hiện các cam kết khi nước ta đã gia nhập WTO.
Khẩn trương đổi mới thể chế kinh tế, hoàn chỉnh hệ thống pháp
luật bảo đảm lợi ích quốc gia và phù hợp với các quy định, thông lệ quốc
tế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng cải cách hành chính,
đào tạo nguồn nhân lực, tạo lập những điều kiện thuận lợi hơn nữa để
khai thác lợi thế của đất nước và khắc phục những vướng mắc ảnh hưởng
đến việc thu hút vốn ODA, FDI và các nguồn vốn quốc tế khác.
Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng lĩnh vực, địa
bàn và hình thức thu hút FDI, hướng vào những thị trường giàu tiềm năng
và các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về
số lượng và chất lượng, hiệu quả nguồn FDI; tranh thủ nguồn vốn ODA
đi đôi với việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng và
có kế hoạch đảm bảo trả nợ. Từng bước mở rộng đầu tư gián tiếp của
nước ngoài và có chính sách hiệu quả hơn để thu hút kiều hối vào phát
triển kinh tế. Tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế khuyến khích các hoạt
động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam.
Đẩy mạnh xuất khẩu, chủ động về nhập khẩu, kiềm chế và thu hẹp
dần nhập siêu. Tăng nhanh tỉ trọng xuất khẩu các sản phẩm chế biến có
giá trị gia tăng cao, giàu hàm lượng công nghệ, có sức cạnh tranh, tạo
thêm các sản phẩm xuất khẩu chủ lực mới, hết sức hạn chế và tiến tới
chấm dứt xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và nông sản chưa qua chế
biến. Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thị trường ổn định
cho các mặt hàng có khả năng cạnh tranh; tăng thêm thị phần ở các thị
trường lớn và khai mở các thị trường còn nhiều tiềm năng. Phấn đấu đưa
tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm tới lên hơn hai lần 5 năm trước.
Phát huy tính năng động của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần
kinh tế trong HNKTQT. Từng doanh nghiệp phải khẩn trương đổi mới từ
tư duy đến phong cách quản lý, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao
hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh. Xúc
tiến mạnh thương mại và đầu tư, phát triển thị trường mới, sản phẩm mới
và thương hiệu mới.
9
II. CÁC CHỈ TIÊU, CHỈ SỐ PHẢN ÁNH HỘI NHẬP KINH TẾ
QUỐC TẾ
Trong chuyên đề này chúng ta phân biệt các chỉ số, chỉ tiêu, sau
đây gọi chung là chỉ tiêu, có tính cá biệt và có tính tổng hợp. Các chỉ tiêu
cá biệt phản ánh một khía cạnh cụ thể nào đó trong một lĩnh vực nhất
định. Còn các chỉ số tổng hợp phản ánh chung sự HNKTQT của nước ta
trong một lĩnh vực cụ thể.
2.1 Khái niệm về chỉ tiêu và hệ thống chỉ tiêu thống kê
2.1.1 Chỉ tiêu thống kê
Chỉ tiêu thống kê là tiêu chí mà biểu hiện bằng số của nó phản ánh
quy mô, tốc độ phát triển, cơ cấu, quan hệ tỷ lệ của hiện tượng kinh tế -
xã hội trong điều kiện không gian và thời gian cụ thể (Luật Thống kê,
Điều 3. Giải thích từ ngữ, Mục 2)
Chỉ tiêu thống kê được biểu hiện bằng những trị số cụ thể, khác
nhau tùy theo các điều kiện thời gian và không gian, đơn vị đo lường và
phương pháp tính toán đã quy định.
Theo nội dung phản ánh của chỉ tiêu, có chỉ tiêu khối lượng và chỉ
tiêu chất lượng. Chỉ tiêu khối lượng phản ánh quy mô, khối lượng của
hiện tượng nghiên cứu. Chỉ tiêu chất lượng phản ánh các đặc điểm về mặt
chất của hiện tượng (tốc độ phát triển, hiệu quả, hiệu suất). Tuy nhiên sự
phân biệt 2 loại chỉ tiêu trên đây chỉ có ý nghĩa tương đối.
Theo hình thức biểu hiện của chỉ tiêu, có thể phân biệt thành chỉ
tiêu hiện vật và chỉ tiêu giá trị. Chỉ tiêu hiện vật biểu hiện bằng đơn vị tự
nhiên. Chỉ tiêu hiện vật phản ánh khối lượng hiện vật của sản phẩm,
nhưng không cho phép tổng hợp các sản phẩm có đơn vị tính cũng như
giá trị sử dụng khác nhau lại với nhau. Chỉ tiêu giá trị biểu hiện bằng đơn
vị tiền tệ. Chỉ tiêu giá trị cho phép tổng hợp tất cả các loại sản phẩm,
hàng hoá lại với nhau, nhưng phải trên cùng một đơn vị giá trị.
Đối với các chỉ số tổng hợp thường là không có đơn vị đo lường cụ
thể dưới dạng tiền hay hiện vật, ví dụ Chỉ số phát triển con người, chỉ số
năng lực cạnh tranh, chỉ số phát triển giới mà chúng thường chỉ được đo
bằng "điểm" hoặc "điểm phần trăm".
10
Theo đặc điểm về thời gian của chỉ tiêu nghiên cứu, có chỉ tiêu thời
điểm và chỉ tiêu thời kỳ. Chỉ tiêu thời điểm: có quy mô của chỉ tiêu không
phụ thuộc vào độ dài thời gian nghiên cứu. Chỉ tiêu thời kỳ: có quy mô
của chỉ tiêu phụ thuộc vào độ dài thời gian nghiên cứu.
2.1.2 Hệ thống chỉ tiêu thống kê:
Hệ thống chỉ tiêu thống kê là tập hợp nhiều chỉ tiêu thống kê có
quan hệ mật thiết với nhau, phản ánh nhiều mặt của hiện tượng hay quá
trình kinh tế xã hội trong điều kiện thời gian và địa điểm cụ thể.
Hệ thống chỉ tiêu thống kê là một công cụ quan trọng trong hệ
thống quản lý. Đối với hoạt động thống kê, hệ thống chỉ tiêu là kết quả, là
“sản phẩm” đầu ra chi phối cả quá trình hoạt động nghiệp vụ và cách thức
tổ chức thống kê.
Nhờ có hệ thống chỉ tiêu thống kê ta có thể quan sát chuyển động
của hiện tượng nghiên cứu nói riêng và toàn bộ tổng thể tình hình kinh tế
- xã hội nói chung trên các phương diện quy mô, tốc độ, cơ cấu, quan hệ
cân đối, mặt bằng của nền kinh tế cũng như mọi vấn đề của xã hội; từ đó
rút ra những kết luận xác đáng về chiều hướng phát triển, về quy luật
trong sự phát triển Nếu so sánh với các nước, ta có thể đánh giá được vị
trí cũng như trình độ phát triển của quốc gia trên trường quốc tế. Hệ
thống chỉ tiêu thống kê thay đổi tuỳ thuộc vào nhu cầu thông tin và điều
kiện kinh tế xã hội của mỗi thời kỳ.
Trong thống kê kinh tế xã hội có nhiều hệ thống chỉ tiêu: hệ thống
chỉ tiêu của từng ngành, từng lĩnh vực và hệ thống chỉ tiêu chung của
toàn nền kinh tế xã hội. Hệ thống chỉ tiêu toàn nền kinh tế xã hội là hệ
thống chỉ tiêu rộng nhất, phản ánh một cách toàn diện về các mặt sản
xuất, dịch vụ, đời sông, văn hoá, xã hội. Ngoài ra còn có các hệ thống chỉ
tiêu phản ánh từng lĩnh vực, từng khía cạnh, ví dụ hệ thống chỉ tiêu thống
kê khoa học kỹ thuật, hệ thống chỉ tiêu thống kê y tế, hệ thống chỉ tiêu
thống kê giáo dục, hệ thống chỉ tiêu thống kê du lịch, và đương nhiên
phải kể tới hệ thống chỉ tiêu phản ánh quan hệ quốc tế của nước ta nói
chung, hay phản ánh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng.
Nói rộng ra, ngoài hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội còn có hệ
thống chỉ tiêu thống kê thành phần mô tả từng lĩnh vực cấu thành nên cả
một tổng thể lớn của xã hội.
11
2.2. Các chỉ tiêu hội nhập kinh tế - thương mại tổng hợp
(1) Số Hiệp định song phương về hợp tác kinh tế, thương mại với
nước ngoài mà nước ta đã ký kết: Chỉ tiêu này thể hiện phạm vi hợp tác kinh
tế, thương mại của nước ta với các quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Chỉ tiêu
này bao gồm cả các hiệp định với các tên gọi là Hiệp định Hợp tác kinh tế –
thương mại song phương, Hiệp định thương mại song phương (BTA), Hiệp
định Hợp tác kinh tế song phương, Hiệp định đối tác kinh tế song phương
Con số này càng cao, chứng tỏ khả năng hợp tác về kinh tế và thương mại của
Việt Nam càng lớn, và ngược lại. Trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế và hội
nhập quốc tế ngày càng sâu rộng này, thì chúng ta phấn đấu để con số này
ngày càng cao. Riêng việc ký kết BTA giữa nước ta và Hoa Kỳ, hoặc đang đàm
phán ký kết với Nhật Bản Hiệp định Đối tác kinh tế, đã làm cho thị trường xuất
nhập khẩu của Việt Nam khởi sắc rất nhiều. (Hiện nay chúng ta đã ký BTAs với
trên 80 đối tác).
(2) Số Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà nước ta tham gia:
Chỉ tiêu này còn được gọi là số Hiệp định mậu dịch tự do. Hiệp định thương
mại tự do, đối với nhiều quốc gia, còn là một công cụ chính trị. Hoa Kỳ là quốc
gia điển hình trong việc sử dụng công cụ thương mại này. Gia nhập WTO để có
khung pháp luật, có tư cách bình đẳng, còn việc buôn bán vẫn phải tiến hành
qua quan hệ song phương. Vì vậy các nước đều mong muốn ký được nhiều
Hiệp định thương mại tự do với các nước thành viên WTO và các nước phát
triển. Khi đã vào WTO rồi, các nước vẫn rất coi trọng việc phát triển các quan
hệ kinh tế và thương mại song phương với các đối tác chọn lọc, có trình độ
phát triển cao hơn, cơ cấu kinh tế tốt hơn và có khả năng bổ sung kinh tế lẫn
nhau nhiều hơn. Chỉ tiêu này thể hiện sự hội nhập và liên kết kinh tế của nước
ta trong khu vực và toàn cầu. Con số này càng lớn, chứng tỏ chúng ta đã hội
nhập càng sâu vào xu thế toàn cầu hoá kinh tế, càng có nhiều cơ hội làm ăn,
song cũng càng nhiều thách thưc phải đối mặt.
Hiệp định mậu dịch tự do song phương rộng cửa hơn Hiệp định thương
mại song phương bởi nghĩa “tự do” và “chưa tự do”. Mức thấp nhất là Hiệp
định mậu dịch tự do song phương FTA ký kết giữa 2 quốc gia hay 1 nhóm quốc
gia, ví dụ Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN - AFTA, mức cao hơn là Hiệp định
mậu dịch tự do khu vực RTA là do các nhóm nước ký kết với nhau, ví dụ
ASEAN đang chuẩn bị ký với Đông Bắc Á, , cao hơn nữa, tức cao nhất, là
WTO. Tuỳ theo thoả thuận giữa các đối tác tham gia hiệp định mà phạm vi và
độ sâu của các hiệp định có thể khác nhau, nhưng nội dung cơ bản của các
hiệp định này là các cam kết mở cửa thị trường về thương mại hàng hoá, dịch
vụ, đầu tư và những nguyên tắc, luật lệ phải được tuân thủ để đảm bảo mở cửa
thị trường một cách thực chất và công bằng. Sau khi ký kết, cả FTA và RTA
đều phải được thông báo đến WTO.
Thực tiễn cho thấy hiện nay xu hướng tăng cường hợp tác song phương,
liên kết khu vực, hợp tác liên khu vực và đẩy mạnh hợp tác đa phương đang
12
diễn ra sôi động, và là biểu hiện cơ bản của quá trình hội nhập kinh tế. (Đến
năm 2005, trên thế giới, đã có 312 FTA và RTA được ký kết và được thông báo
đến WTO, trong đó 170 hiệp định còn hiệu lực. VN đã ký tham gia AFTA cam
kết tiến trình loại bỏ hàng rào phi quan thuế Non-Tariff Barrier NTB, giảm
thuế nhập khẩu, đến 2006, có 10.283 dòng thuế chiếm 99,43% biểu thuế nhập
khẩu ASEAN có thuế suất chỉ ở mức 0-5%. Cho đến nay, hầu hết các nước và
lãnh thổ trên thế giới đều đã là thành viên của ít nhất một FTAs hoặc RTAs, và
trên 50% tổng giá trị giao dịch thương mại toàn cầu được tiến hành thông qua
các RTAs. VN là thành viên của ASEAN đã ký 4 RTA là ASEAN-Trung Quốc,
ASEAN-Ấn Độ, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN –Auxtrâylia-Niuzilân).
(3) Số Khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam: Chỉ tiêu này thể hiện
việc mở rộng điều kiện và khả năng giao lưu kinh tế với các nước láng riềng,
và thông qua đó là với các nước khác không chung biên giới với nước ta. Càng
nhiều khu kinh tế cửa khẩu (tất nhiên về góc độ pháp lý do Nhà nước quyết
định thành lập các khu như vậy dựa trên điều kiện tự nhiên, tiềm năng kinh tế
và khả năng thị trường, khả năng quản lý và vận hành), thì thị trường và phạm
vi không gian thông thương càng lớn.
(4) Số văn phòng đại diện kinh tế, thương mại nước ngoài tại Việt
Nam: Những văn phòng này có thể là đại diện kinh tế, đại diện thương mại
(thương vụ), hay đại diện hỗn hợp cả kinh tế và thương mại, do Sở Thương mại
cấp giấy phép và quản lý. Các văn phòng đại diện kinh tế thường gắn luôn với
thương mại, làm đầu mối cho nước ngoài (quốc gia, địa phương), ví dụ Đại
diện Thương mại Cộng hoà Liên bang Nga tại Hà Nội, hay đầu mối cho một
tập đoàn, Công ty, hay một thể chế kinh tế nào đó trong việc trao đổi, tìm hiểu
các thông tin liên quan tới thị trường Việt Nam, chuẩn bị thông tin cho các
đoàn từ nước ngoài sang ký kết làm ăn với Nhà nước, tổ chức hay doanh
nghiệp, cá nhân ở nước ta. Chính qua những đầu mối này mà chúng ta có thể
mở rộng thị trường buôn bán của mình. càng nhiều Văn phòng đại diện kinh tế
– thương mại nước ngoài ở nước ta, thì chứng tỏ phạm vi quan hệ của nước ta
với thế giới bên ngoài càng rộng mở. Nhiều khi các Văn phòng như vậy không
chỉ làm về các vấn đề kinh tế – thương mại, mà họ còn được uỷ thác làm đầu
mối giao lưu về thông tin trong các lĩnh vực khác như văn hoá, thể thao, khoa
học kỹ thuật, (Riêng Quý I năm 2007, Sở Thương mại Hà Nội đã cấp mới 22
giấy phép thành lập Văn phòng đại diện nước ngoài, gia hạn 2 giấy phép,
chấm dứt hoạt động 19 Văn phòng đại diện nước ngoài).
(5) Số cơ quan đại diện thương mại của Việt nam ở nước ngoài:
Chỉ tiêu này đo lường chính sách ngoại giao phục vụ kinh tế của Đảng ta.
Mạng lưới các cơ quan đại diện thương mại của nước ta trên thế giới chính là
các cơ quan tham mưu chủ yếu cho Đảng và Nhà nước trong việc đi đầu phân
tích, đánh giá thế mạnh của từng đối tác để Nhà nước có các chính sách hợp
tác phù hợp nhằm khai thác tối đa thế mạnh của họ phục vụ nhu cầu an ninh và
phát triển của Việt Nam, phát huy lợi thế so sánh của Việt Nam trong hợp tác
quốc tế, qua đó tạo sự gắn bó, đan xen lợi ích với các đối tác.
13
(6) Số đối tác tài trợ ODA cho Việt Nam: Chỉ tiêu này bao gồm cả
các nhà tài trợ song phương và đa phương. Số nhà tài trợ càng nhiều, chứng tỏ
uy tín của nước ta càng cao trên trường quốc tế. (Hiện nay Việt Nam đã xây
dựng được quan hệ đối tác với trên 50 nhà tài trợ song phương và đa phương.
Sở dĩ nhiều như vậy vì Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện “nội
địa hoá” Tuyên bố Pa-ri bằng Cam kết Hà Nội về hiệu quả viện trợ vốn ODA).
(7) Tổng ODA cho quốc gia: Hiện ODA đang là nột trong những
nguồn lực khá quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt
với gần một nửa nguồn vốn ODA để ưu tiên cho phát triển nong nghiệp và
nông thôn, chú trọng vào các chương trình xoá đói giảm nghèo, phát triển hạ
tầng cơ sở, hạ tầng kinh tế, ODA đã góp một phần không nhỏ trong việc làm
đổi thay bộ mặt kinh tế của đất nước. Lượng ODA tăng thể hiện rõ nhất thành
công của chính sách quan hệ quốc tế đúng đắn góp phần phát triển đất nước.
ODA gồm có các phạm trù: lượng cam kết (các nhà tài trợ cam kết sẽ
thực hiện ODA); lượng ký kết, tức là các nhà tài trợ thực hiện cam kết của
mình thông qua ký kết chính thức với Chính phủ Việt Nam, trong lượng ký kết
này thường gồm các khoản cho vay và viện trợ không hoàn lại. Lượng ký kết ấy
chỉ được thực hiện khi đã giải ngân, tức là lượng ký kết ODA gồm đã giải ngân
và chưa giải ngân. Thực tế những năm qua tỷ lệ giải ngân vốn ODA của nước
ta thấp, thậm chí thấp hơn mức bình quân của khu vực (2007 lượng vốn ODA
cam kết 4.445 triệu USD, năm 2006 là 3.750 Triệu USD. Trong năm 2006,
lượng ODA ký kết là 2.666 triệu USD, trong đó vốn vay 2.412 và vốn viện trợ
không hoàn lại 254 triệu USD. Lượng ký kết đã được giải ngân năm 2006 là
1.780 triệu USD tăng 101% so với năm 2005. Riêng EU năm 2005 cam kết viện
trợ không hoàn lại cho nước ta 722,5 triệu ơ-rô; năm 2006 936,2 triệu ơ-rô).
(8) Số chương trình hợp tác phát triển đa phương: Số chương trình
này càng nhiều thể hiện sự hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng.
Trước kia có một số chương trình song phương và đa phương với hệ thống các
nước xã hội chủ nghĩa, nhưng hệ thống này đã sụp đổ, các chương trình đó đã
chấm dứt hoạt động trừ một vài chương trình hợp tác với Nga. Hiện nay các
chương trình loại này chủ yếu là trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam, Lào và
Cam-pu-chia CLV, hợp tác tiểu vùng sông Mê-kông ACMECS, ASEAN,
ASEAN+1, ASEAN+3, APEC, ASEM, hợp tác Đông Á
(9) Số dự án nhận ODA: Trong khi lượng ODA phản ánh quy mô trợ
giúp, còn chỉ tiêu này lại phản ánh tính phong phú và đa dạng của sự trợ giúp
đó, đồng thời cũng là phản ánh phạm vi rộng hẹp của vấn đề hội nhập kinh tế
quốc tế của nước ta. Khái niệm "dự án" ở đây còn bao hàm cả khái niệm
"chương trình". Do đó chỉ tiêu này bao gồm tất cả các dự án và chương trình
có nguồn vốn ODA, dù toàn bộ hay một phần.
14
(10) Lượng kiều hối chuyển về: Đây là chỉ tiêu chất lượng đo lường
kết quả của những nỗ lực trong chính sách khuyến khích kiều bào về nước
đóng góp xây dựng quê hương. Lượng kiều hối này có ý nghĩa không nhỏ trong
việc đầu tư phát triển, xoá đói giảm nghèo và nhiều mục tiêu phong phú khác.
Dĩ nhiên lượng kiều hối chuyển về càng nhiều, ý nghĩa của nó càng thiết thực
và lớn lao (năm 2005 số kiều hối chuyển về là 2500 triệu).
(11) Số Tổ chức Phi chính phủ (NGO) quốc tế hoạt động tại Việt
Nam: NGO là những tổ chức không núp dưới tư cách chính phủ hay Nhà nước
cũng là một nguồn vốn quan trọng bên cạnh ODA nhằm phục vụ quá trình phát
triển đất nước. Số lượng NGO tăng, có nghĩa là uy tín quốc gia cao, nhiều Tổ
chức Phi chính phủ muốn đến hoạt động tại nước ta. Có những NGO hoạt động
nhằm thu lợi nhuận, song cũng có nhiều NGO đến hoạt động không vì lợi
nhuận mà chủ yếu mang mục đích trợ giúp nhân đạo hoặc làm từ thiện. Số
lượng NGO nhiều còn thể hiện nỗ lực của Nhà nước trong chính sách ngoại
giao nhân dân (Theo Uỷ ban công tác về các tổ chức phi chính phủ: Đến năm
2005, số NGO nắm được đang hoạt động tại VN là 250, năm 1996, số NGO
đăng ký xin cấp giấy phép là 400, và năm 2006 lên khoảng 650).
(12) Số vốn viện trợ từ NGO quốc tế hoạt động tại Việt Nam: Số
lượng NGO thể hiện phạm vi, song nguồn vốn do NGO đem lại để phục vụ
phát triển đất nước mới thực chất là sức mạnh do NGO đem lại. Nguồn vốn
này tăng là dấu hiệu tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước và
nỗ lực của Nhà nước trong chính sách ngoại giao nhân dân (Hiện nay Việt
Nam đã có trên 600 NGO đang hoạt động. Giá trị viện trợ của NGO năm 2004
là 140 triệu USD, 2005 là 175 triệu USD, 2006 là 216 triệu USD. Mức viện trợ
của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong năm 2006 đã giải ngân
khoảng 216 triệu USD, tăng 41 triệu USD so với năm 2005).
(13) Số vụ tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài: Trong hợp
tác làm ăn và sản xuất kinh doanh, việc tuân thủ các điều đã cam kết là rất
quan trọng. Song có thể vì những lý do khách quan, thường chủ yếu lý do chủ
quan từ phía này hay phía khác, những điều cam kết không được tuân thủ, từ
đó nảy sinh các tranh chấp thương mại. Số vụ tranh chấp càng nhiều, càng làm
mất uy tín của đất nước nếu đó là lỗi chủ quan của chúng ta, chứng tỏ sự hợp
tác càng yếu kém, do năng lực hội nhập yếu, do kiến thức về luật pháp quốc tế
chưa cao, hoặc do cố tình làm ăn thiếu trung thực.
(14) Số thiệt hại do tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài:
Thống kê cho thấy trong 20 năm qua kể từ khi mở cửa nền kinh tế, nhiều vụ
tranh chấp thương mại đã xảy ra liên quan tới các đối tác nước ngoài mà các
doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trên thương trường quốc tế, với những
tổn thất lớn về uy tín cũng như thiệt hại về kinh tế. Công ty Vinafood II năm
1995 phải đền 5 triệu USD do không thực hiện được việc giao gạo cho đối tác
phương Tây; Công ty Centrimex năm 2000 thua kiện 1,2 triệu USD vì từ chối
15
không nhận lô phân bón Đức, VFF thua kiện 200 nghìn USD vì huỷ hợp đồng
với huấn luyện viên; .v.v. các doanh nghiệp nước ta chưa có thói quen tuân thủ
và thượng tôn pháp luật, coi nhẹ yếu tố pháp lý trong kinh doanh, không hiểu
biết thấu đáo pháp luật của nước ngoài, pháp luật và thông lệ quốc tế; không
có sự chuẩn bị cần thiết hoặc thiếu kinh nghiệm trong thương thảo hợp đồng;
chưa có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý, bỏ qua ý kiến tư vấn của luật sư;
khi bị kiện, nhiều doanh nghiệp bỏ mặc mà không tham dự phiên toà xét xử ở
nước ngoài; .v.v. Chỉ tiêu này cũng thể hiện khả năng cạnh tranh của các
doanh nghiệp, của các sản phẩm xuất khẩu của nước ta trên thương trường
quốc tế. Thiệt hại càng cao, chứng tỏ khả năng cạnh tranh càng yếu kém.
(15) Số dòng thuế trong Danh mục loại trừ tạm thời: Danh mục loại
trừ tạm thời (TEL – Temporary Exclusive List) là danh mục chỉ áp dụng hiện
nay trong quan hệ với ASEAN khi chúng ta phải thực hiện lộ trình tiến tới thực
hiện đầy đủ theo Thoả thuận của Khu vực mậu dịch tự do Đông Nam Á
CEPT/AFTA (Hiệp định Thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung –– Common
Effective Preferential Tariff). Theo thoả thuận này, trên lộ trình tiến tới thực
hiện đầy đủ, một số quốc gia trình độ phát triển thấp hơn như Việt Nam, Lào,
Cam-pu-chia, Mi-an-ma có quyền được bảo lưu một số mặt hàng chưa phải
thực hiện ngay chế độ thuế quan chung (tức là được loại trừ), nhưng sau một
vài năm thì số lượng những mặt hàng đó phải giảm dần, và tiến tới không còn
mặt hàng nào được để lại trong TEL. Như vậy, số lượng những dòng thuế này
phải giảm dần hàng năm tiến tới bằng 0. Khi đó chỉ tiêu này sẽ mất dần ý
nghĩa. Điều đó có nghĩa là nếu chỉ tiêu này càng thấp, tốc độ và mức độ hội
nhập của chúng ta càng cao.
(16) Số dòng thuế trong Danh mục nhậy cảm: Danh mục nhậy cảm
(SL – Sensitive List) là danh mục chỉ áp dụng hiện nay trong quan hệ với
ASEAN khi chúng ta phải thực hiện lộ trình tiến tới thực hiện đầy đủ theo Thoả
thuận CEPT/AFTA. Theo thoả thuận này, trên lộ trình tiến tới thực hiện đầy
đủ, một số quốc gia trình độ phát triển thấp hơn như Việt Nam, Lào, Cam-pu-
chia, Mi-an-ma có quyền được bảo lưu một số mặt hàng chưa phải thực hiện
ngay chế độ thuế quan chung (tức là được coi là nhậy cảm), nhưng sau một vài
năm thì số lượng những mặt hàng đó phải giảm dần, và tiến tới không còn mặt
hàng nào được để lại trong SL. Như vậy, số lượng những dòng thuế này phải
giảm dần hàng năm tiến tới bằng 0. Khi đó chỉ tiêu này sẽ mất dần ý nghĩa.
Điều đó có nghĩa là nếu chỉ tiêu này càng thấp, tốc độ và mức độ hội nhập của
chúng ta càng cao.
(17) Số trái phiếu chính phủ phát hành ra nước ngoài: Chỉ tiêu này
phản ánh việc Nhà nước phát hành trái phiếu ra nước ngoài thu hút các nhà
đầu tư gián tiếp để Nhà nước đầu tư vào các cơ sở hạ tầng, dầu khí, mua sắm
đội tàu vận tải, … Lượng phát hành biểu thị độ tin cậy của các nhà đầu tư
nước ngoài đối với nền tài chính Việt Nam và đối với Nhà nước ta nói chung.
Khi đó Ngân hàng Việt Nam sẽ có lợi nhiều vì có khả năng vốn cao hơn, có
16
nhiều cơ hội tiếp cận tới các dịch vụ, phong cách quản trị của nước ngoài khoa
học hơn (Năm 2007 có thể bán được 1 tỷ USD).
(18) Lượng cổ phiếu và cổ phần bán ra nước ngoài: Chỉ tiêu này thể
hiện khả năng thu hút vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài, cũng là thể hiện
niềm tin và sự tín nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt
Nam. Vốn gián tiếp nước ngoài là một nguồn bổ sung quan trọng cùng với
nguồn vốn trực tiếp và vốn trong nước để phát triển nền kinh tế quốc dân (Năm
2007 khả năng thu hút 12 tỷ USD)
(19) Số Quốc gia/Lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam:
(Chỉ tiêu đã có trong ấn phẩm "Xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam" của
TCTK do Vụ Thống kê Thương mại, Dịch vụ và Giá cả chủ biên)
(20) Giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ: (đã có trong Niên
giám Thống kê và ấn phẩm hàng năm "Xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam"
của TCTK do Vụ Thống kê Thương mại, Dịch vụ và Giá cả chủ biên)
(21) Thời lượng bình quân cần có để giải phóng công-te-nơ ra khỏi
khu vực Hải quan: Chỉ tiêu này liên quan tới lĩnh vực hải quan, việc giải
phóng phương tiện vận tải ra khỏi khu vực Hải quan càng nhanh, thì càng tạo
điều kiện thuận lợi cho việc thông thương hàng hoá, càng thu hút đối tác nước
ngoài. Đây là vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính cũng như các thiết bị kỹ
thuật được sử dụng trong quá cảnh hàng hoá. Nhà nước đang thực hiện cải
cách hành chính để rút ngắn thời lượng này.
(22) Thời lượng bình quân cần có để hoàn tất thông quan hàng hoá:
Chỉ tiêu này có ý nghĩa giống như chỉ tiêu thời lượng giải phóng công-te-nơ ra
khỏi khu vực hải quan, liên quan tới lĩnh vực hải quan, việc thông quan càng
nhanh, thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương hàng hoá, càng
thu hút đối tác nước ngoài. Đây là vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính cũng
như các thiết bị kỹ thuật được sử dụng trong quá cảnh hàng hoá. Nhà nước
đang thực hiện cải cách hành chính để rút ngắn thời lượng này.
(23) Nợ nước ngoài: Chỉ tiêu này thể hiện sự phụ thuộc của nền kinh tế
quốc dân vào nước ngoài. Nếu nợ nhiều, một mặt thể hiện uy tín của đất nước
trên trường quốc tế (uy tín cao mới có thể vay nhiều), song nếu nợ nhiều, khả
năng chi trả kém, ảnh hưởng tới tính chất ổn định và bền vững của nền kinh tế,
đặc biệt khi có những biến động chính trị - xã hội trên thế giới.
(24) Tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP: Tổng nợ nước ngoài chưa thể
hiện hết chiều sâu của sự phụ thuộc, mà tỷ lệ so với GDP mới thể hiện chiều
sâu sự phụ thuộc của nền kinh tế quốc dân vào nước ngoài. Nếu tỷ lệ này tăng
lên, một mặt thể hiện uy tín của đất nước trên trường quốc tế (uy tín cao mới có
17
thể vay nhiều), song cũng là một dấu hiệu báo động cho việc điều hành quá
trình sản xuất và quản lý đất nước.
(25) Tỷ lệ nợ nước ngoài so với kim ngạch xuất khẩu: Tỷ lệ nợ nước
ngoài so với GDP chưa thể hiện hết chiều sâu của khả năng chi trả, mà tỷ lệ so
với kim ngạch xuất khẩu mới thể hiện chiều sâu sự chi trả của nền kinh tế quốc
dân cho nước ngoài. Nếu tỷ lệ nợ so với kim ngạch xuất khẩu giảm xuống, một
mặt thể hiện kết quả xuất khẩu cao, mặt khác thể hiện khả năng trả nợ nước
ngoài lớn.
(26) Số dự án có vốn FDI tính đến 31-12: Đây là chỉ tiêu kết quả của
đường lối chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút các nguồn vốn FDI
nhằm phát triển đất nước, tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người
lao động, tiếp nhận các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ tay
nghề cho lao động trong nước, thúc đẩy tăng trưởng nhanh tiến tới xây dựng
một nước Việt nam công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Chỉ tiêu này được công
bố đều đặn hàng năm trong Niên giám Thống kê của TCTK.
(27) Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tính đến 31-12
Giống như chỉ tiêu số lượng dự án có vốn FDI, chỉ tiêu này thực chất
thể hiện quy mô và chiều sâu của nguồn vốn FDI, kết quả của đường lối chính
sách hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút các nguồn vốn FDI nhằm phát triển đất
nước, tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tiếp nhận
các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ tay nghề cho lao động
trong nước, thúc đẩy tăng trưởng nhanh tiến tới xây dựng một nước Việt nam
công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Đặc biệt việc tách riêng số liệu theo các công
ty xuyên quốc gia vì nó cho thấy quan hệ của các công ty xuyên quốc gia (đôi
khi còn gọi là công ty đa quốc gia) trên thế giới đối với nền kinh tế nước ta, thể
hiện khả năng mở cửa và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư nước ta. Các
công ty này thường có tiềm năng lớn về mặt kinh tế, về năng lực sản xuất kinh
doanh, kinh nghiệm dồi dào, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Nhiều các công ty
loại này làm ăn ở nước ta sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng ta phát triển đất
nước theo hướng bền vững. Chỉ tiêu này được công bố đều đặn hàng năm trong
Niên giám Thống kê của TCTK.
(28) Số dự án FDI của Việt Nam ra nước ngoài: Tiềm lực kinh tế
nước ta đã mạnh lên nhiều sau những năm mở cửa, chủ động hội nhập quốc tế
và có những quyết sách thích hợp với xu thế toàn cầu hoá, nhiều doanh nghiệp
Việt Nam đã tính đến chuyện đầu tư ra nước ngoài nhằm tìm liếm cơ hội làm
ăn. Chỉ tiêu này kết quả của đường lối chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, tiến
sâu và mở rộng lối ra ngoài thị trường thế giới, thực hiện các dự án đầu tư và
sản xuất kinh doanh ở nước ngoài, cuối cùng vẫn là tìm nguồn thu đem về
nhằm phát triển đất nước, tăng trưởng kinh tế, tiến tới xây dựng một nước Việt
18
nam công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Chỉ tiêu này được công bố đều đặn hàng
năm trong Niên giám Thống kê của TCTK.
(29) Vốn FDI của Việt Nam ra nước ngoài: Giống như chỉ tiêu số
lượng dự án của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, chỉ tiêu này mới thực chất thể
hiện quy mô và chiều sâu của nguồn vốn đó, kết quả của đường lối chính sách
quan hệ hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực kinh tế, đẩy mạnh đầu tư ra
nước ngoài, tìm kiếm các thị trường thuận lợi phù hợp với trình độ và năng lực
của Việt nam. Chỉ tiêu này được công bố đều đặn hàng năm trong Niên giám
Thống kê của TCTK.
(30) Đầu tư cổ phiếu của nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng VN:
Khi nền kinh tế mở cửa theo thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự
quản lý của Nhà nước, nếu như quốc gia có được niềm tin và uy tín lớn từ phía
nước ngoài, thì mới có được sự đầu tư của họ và mua cổ phiếu trong lĩnh vực
ngân hàng tại Việt Nam. Như vậy, nếu chỉ tiêu này đạt cao, chứng tỏ hội nhập
quốc tế được mở rộng, và ngược lại.
(31) Tỷ lệ của khu vực có vốn FDI trong GDP: Đây là chỉ tiêu chất
lượng thể hiện hiêu quả của chính sách đối ngoại thu hút vốn FDI. Dù số dự án
nhiều, lượng vốn FDI cao, nhưng nếu không làm ra nhiều sản phẩm và dịch vụ
góp phần tăng trưởng kinh tế thì ý nghĩa của đầu tư trực tiếp nước ngoài, tức
là kết quả của công tác ngoại giao kinh tế chưa thể coi là có ý nghĩa thiết thực.
(32) Số dự án FDI được hưởng chế độ ưu đãi quốc gia: Chính sách
ưu đãi quốc gia là một công cụ hữu hiệu trong chính sách quan hệ quốc tế về
kinh tế của nước ta nhằm khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài
vào những lĩnh vực mà Nhà nước ta thấy cần phải có chế độ ưu đãi, hoặc là
một sự ưu đãi “có đi có lại” trong quan hệ với các đối tác nước ngoài. Chỉ tiêu
này là chỉ tiêu kết quả hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện chính sách thông
thoáng của quan hệ đối ngoại trong kinh tế quốc tế.
(33) Số dự án của Việt Nam theo Sáng kiến hội nhập ASEAN
(IAI): Thực ra đây là một dạng của ODA đa phương dưới hình thức trợ giúp
không hoàn lại của ASEAN-6 và các nước đối tác trợ giúp cho các nước thành
viên ASEAN còn lại CLMV được thực hiện theo Sáng kiến hội nhập ASEAN
(IAI), kể cả các trợ cấp song phương không hoàn lại từ các quốc gia ASEAN-6.
Thực hiện các dự án này là quyền lợi, song cũng là nghĩa vụ của tất cả các
quốc gia thành viên ASEAN với mục tiêu thúc đẩy hội nhập nhanh chóng, sâu
rộng và hiệu quả hơn nữa. Đối với mỗi quốc gia thành viên ASEAN, đây là chỉ
tiêu kết quả của hoạt động quan hệ quốc tế về hợp tác phát triển.
(34) Tổng giá trị tăng thêm của các địa phương nằm trong khu vực
Hành lang Đông - Tây của Việt Nam theo giá thực tế: Đây cũng là chỉ tiêu
kết quả của hội nhập kinh tế trong khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam
19
Á ASEAN. Khi chỉ tiêu này tăng lên, chứng tỏ dự án Hành lang Đông -Tây đã
có tác động tốt tới sự phát triển của nền kinh tế quốc dân ở mỗi quốc gia.
(35) Số điều kiện hạn chế về công suất, tần suất và chủng loại
phương tiện thực hiện vận tải tới Việt Nam từ các quốc gia khác: Chỉ tiêu
này thể hiện mức độ mở cửa của ngành giao thông vận tải quốc tế, cũng là kết
quả của hoạt động hội nhập quốc tế về giao thông vận tải. Số điều kiện đặt ra
càng nhiều, thì khả năng các hãng vận tải quốc tế đến với nước ta càng thấp.
(36) Lượng vận chuyển hàng hoá từ nước ngoài tới Việt Nam: Đây
là chỉ tiêu biểu thị kết quả của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông vận
tải, cụ thể số lượng vận chuyển càng nhiều, sự giao lưu quốc tế càng phong
phú, đa dạng và phát triển, tác động càng tích cực tới tất cả các ngành kinh tế
khác, nhất là ngành du lịch và thương mại, vì vận tải là phương tiện cầu nối để
chuyển hàng và người từ thế giới đến với nước ta, và ngược lại.
(37) Lượng vận chuyển hành khách từ nước ngoài tới Việt Nam:
(Giống như chỉ tiêu lượng vận tải hàng hoá).
2.3. Các chỉ tiêu hội nhập kinh tế trong một số lĩnh vực
2.3.1. Lĩnh vực du lịch
(38) Tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam: (Chỉ tiêu này đã
được công bố trong Niên giám thống kê hàng năm của TCTK, thậm chí cả
trong các Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng của Tổng cục. Điều đó
thể hiện tầm quan trọng của chỉ tiêu này đối với nền kinh tế nước ta trong thời
kỳ hội nhập, vì nó cho thấy sự quan tâm của bạn bè quốc tế đối với hình ảnh
một nước Việt Nam hoà bình, hữu nghị, mến khách, đẹp về cảnh quan, con
người, văn hoá, và an toàn về an ninh, phong phú về phong tục tập quán).
(39) Tổng doanh thu du lịch quốc tế: (Chỉ tiêu này đã được công bố
trong Niên giám thống kê hàng năm của TCTK).
(40) Tổng số lượt khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài: Thực ra
vấn đề người Việt Nam ra nước ngoài du lịch cũng chỉ phát triển trong những
năm gần đây, khi đất nước thực hiện chính sách mở cửa và chủ động hội nhập
quốc tế. Do vậy, Thống kê nước ta cũng chỉ những năm gần đây mới đề cập tới
lĩnh vực này, nhưng còn chưa đủ tầm chi tiết và sâu sắc. Chỉ tiêu này một mặt
thể hiện sự nâng cao của mức sống người dân, nhu cầu về mặt đời sống tinh
thần của người dân được thoả mãn. Đồng thời chỉ tiêu này còn thể hiện sự giao
lưu quốc tế, nhu cầu người dân muốn học hỏi, hiểu biết nhiều hơn về thế giới
quanh mình, cũng là thể hiện mức độ hội nhập quốc tế của chúng ta
20
(41) Số các quốc gia và Lãnh thổ đã ký hiệp định với nước ta về
miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn: Chỉ tiêu thể hiện mức độ và chất lượng
quan hệ quốc tế của nước ta với các nước và Lãnh thổ khác trên thế giới, tạo
điều kiện thuận lợi cho việc làm ăn buôn bán, thông thương du lịch, đi lại tìm
hiểu các nền văn hoá của nhau trong quá trình hội nhập. Số quốc gia và lãnh
thổ này càng nhiều, chứng tỏ chiều sâu của quan hệ quốc tế đã được cải thiện.
(42) Số đối tác đã ký Hiệp định về du lịch với Việt Nam: Chỉ tiêu
này thể hiện sự hội nhập của đất nước ta trong lĩnh vực du lịch. Những hiệp
định này sẽ là cơ sở pháp lý để chúng ta phát triển ngành du lịch một cách bền
vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khi mà du lịch đã trở thành ngành công
nghiệp không khói, và là một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế.
Trong số này thì các quốc gia lân cận và các quốc gia cùng khu vực đóng vai
trò rất quan trọng.
(43) Số điều kiện để tiếp cận thị trường và được phép tự do thương
mại trong du lịch tại Việt Nam: Đây là một chỉ tiêu phản ánh mức độ mở cửa
của thị trường du lịch nước ta. Nếu số điều kiện đặt ra nhiều, thì các nhà đầu
tư nước ngoài sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp cận thị trường du lịch Việt Nam.
Song nếu không có điều kiện gì, thì coi như thị trường mở hoàn toàn, và trong
quá trình hội nhập này, khó mà giữ gìn được bản sắc văn hoá dân tộc, cũng
như trong các vấn đề bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia. Do vậy, việc đặt
ra một số điều kiện là điều cần thiết, nhưng với một số lượng phù hợp để vừa
đảm bảo mục đích an ninh quốc phòng, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, vừa
đảm bảo mục tiêu hội nhập với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực du lịch, thu
hút các nguồn vốn FDI.
2.3.2. Lĩnh vực tự do đi lại và tự do đầu tư
(44) Số lượng các Thoả thuận công nhận lẫn nhau (MRAs - Mutual
Recognition Arrangements) đã được ký kết về trình độ để tạo điều kiện
cho các tài năng di chuyển tự do: chỉ tiêu càng cao, thể hiện sự hội nhập
càng sâu rộng; điều này đòi hỏi nền giáo dục và đào tạo ở nước ta phải theo
kịp trình độ chung của các nước tiên tiến.
(45) Số lao động có tay nghề cao từ nước ngoài được tuyển dụng
vào làm việc: Đây là chỉ tiêu kết quả của việc tự do đi lại tìm kiếm công ăn
việc làm giữa các quốc gia. Theo các thoả thuận đã ký kết giữa nước ta với
WTO, ngày càng nhiều người nước ngoài đến nước ta làm việc, cũng như ngày
càng nhiều người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo các tiêu chuẩn xuất
kẩu lao động có thời hạn.
(46) Lượng đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện tại Việt Nam:
phản ánh độ mở của nền kinh tế nước ta, độ thoáng trong chính sách cũng như
độ hấp dẫn của môi trường đầu tư;
21
(47) Lượng đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài: thể hiện
năng lực của nền kinh tế nước ta, của các doanh nhân Việt Namểtong môi
trường chung của thế giới;
(48) Tỷ lệ người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài so với dân số
trong lực lượng lao động: đây là chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu chiều sâu của
hội nhập quốc tế. Chỉ tiêu này càng cao, chứng tỏ mức hội nhập kinh tế quốc tế
ngày càng sâu rộng;
(49) Tỷ lệ người nước ngoài vào lao động ở nước ta so với dân số
trong lực lượng lao động: đây cũng là chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu chiều sâu
của hội nhập quốc tế. Chỉ tiêu này càng cao, chứng tỏ mức hội nhập kinh tế
quốc tế ngày càng sâu rộng;
(50) Tỷ lệ đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài so với tổng
đầu tư trong nước: đây cũng là một chỉ tiêu chất lượng thể hiện năng lực của
nền kinh tế nước ta, của các doanh nhân Việt Nam trong môi trường đầu tư
chung của thế giới;
(51) Tỷ lệ đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện tại Việt Nam
so với tổng đầu tư trong nước: chỉ tiêu chất lượng theo chiều sâu này phản
ánh độ mở của nền kinh tế nước ta, độ thoáng trong chính sách cũng như độ
hấp dẫn của môi trường đầu tư;
2.3.3. Một số chỉ số tổng hợp khác
(52) Tỷ lệ xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ so với GDP: chỉ tiêu chất
lượng theo chiều sâu này phản ánh độ mở của nền kinh tế nước ta, độ thoáng
trong chính sách cũng như độ hấp dẫn của môi trường xuất nhập khẩu;
(53) Tỷ lệ phần trăm thu nhập quốc gia so với GDP: chỉ tiêu chất
lượng theo chiều sâu này phản ánh độ mở của nền kinh tế nước ta, trong đó có
vấn đề chuyển nhượng quốc tế và thu nhập thuần sở hữu từ nước ngoài;
(54) Tỷ lệ phần trăm FDI so với GDP: chỉ tiêu chất lượng theo chiều
sâu này phản ánh độ mở của nền kinh tế nước ta, trong đó có vấn đề độ hấp
dẫn của môi trường đầu tư;
(55) Số người sử dụng internet tính trên 1.000 dân: chỉ tiêu này phản
ánh về sự lưu giao thông tin với thế giới bên ngoài, một lĩnh vực không thể bỏ
qua trong toàn cầu hoá và hpội nhập kinh tế quốc tế.
22
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tạp san “Thông tin khoa học Thống kê”, Viện nghiên cứu khoa
học thống kê, Tổng cục Thống kê, số 4 – 2006;
2. Tạp san “Thông tin khoa học Thống kê”, Viện nghiên cứu khoa
học thống kê, Tổng cục Thống kê, số 4 – 2009;
3. Các tài liệu họp AHSOM.
4. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X;
5. Ngô Văn Dụ - Hồng Hà - Trần Xuân Giá (Đồng chủ biên), Tìm
hiểu một số thuật ngữ trong văn kiện Đại hội X của Đảng, Nhà
xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006;
6. ASEAN Baseline Report, Measurements to Monitor Progress
Towards the ASEAN Community, Volume 1: Main Report, Part
2: System of Indicators (ABR Team Members: Mario B.
Lamberte; Heidi R. Arboleda; Celia M. Reyes), Jakarta:
ASEAN Secretariat, 7/2006.
7. ASEAN Baseline Report, Measurements to Monitor Progress
Towards the ASEAN Community, Volume 1: Main Report, Part
1: Analysis (ABR Team Members: Mario B. Lamberte; Heidi
R. Arboleda; Celia M. Reyes), Jakarta: ASEAN Secretariat,
7/2006.
8. ASEAN Baseline Report, Measurements to Monitor Progress
Towards the ASEAN Community, Volume 2: Data and
Metadata (ABR Team Members: Mario B. Lamberte; Heidi R.
Arboleda; Celia M. Reyes), Jakarta: ASEAN Secretariat,
7/2006.