Xây dựng hệ thống và hướng dẫn giải bài tập
chương "Dòng điện xoay chiều" Vật lý 12
trung học phổ thông, chương trình Nâng cao
dành cho học sinh lớp chọn
Nguyễn Văn Nhiệm
Trường Đại học Giáo dục. Đại học Quốc gia Hà Nội
Luận văn ThS. Giáo dục học : 60 14 10
Người hướng dẫn : GS. TS. Nguyễn Huy Sinh
Năm bảo vệ: 2013
109 tr .
Abstract. Nghiên cứu một số lý luận về phương pháp dạy học. Đặc biệt quan tâm đến
phương pháp dạy học tích cực. Nghiên cứu lý luận về bài tập trong dạy và học vật lí:
khái niệm, phân loại, vai trò, ý nghĩa, nguyên tắc, phương thức và biện pháp sử dụng
bài tập trong dạy học vật lí nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Nghiên cứu nội dung kiến
thức và bài tập phần “Dòng điện xoay chiều” trong sách giáo khoa Vật lí lớp 12 Nâng
cao và một số tài liệu vật lí khác nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản cho học sinh
(HS) và các kĩ năng giải bài tập cơ bản HS cần rèn luyện. Xây dựng hệ thống bài tập
về nội dung kiến thức phần Dòng điện xoay chiều, phù hợp với đặc trưng lớp chọn,
đồng thời đưa ra phương pháp giải theo từng dạng bài tập và đề xuất tiến trình hướng
dẫn HS giải bài tập theo hệ thống bài tập đã xây dựng. Kiểm tra, khảo sát và đánh giá
tính hiệu quả và tính khả thi của việc áp dụng hệ thống bài tập xây dựng được. Xử lý
kết quả thực nghiệm bằng toán học thống kê.
Keywords.Phương pháp dạy học; Dòng điện xoay chiều; Vật lý
Content.
1. Lý do chọn đề tài
Trong mọi thời đại, giáo dục luôn là động lực quan trọng cho sự phát triển xã hội.
Giáo dục sẽ tạo ra nguồn nhân lực dồi dào với chất lượng cao. Muốn làm được điều đó,
mục tiêu giáo dục cần được thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của xã hội. Ví dụ: Từ mục
tiêu chủ yếu đào tạo kiến thức và kỹ năng sang chủ yếu đào tạo năng lực. Như vậy, quá
trình dạy học không chỉ nhằm mục đích trang bị kiến thức mà cần hướng đến phát huy hết
tiềm năng của người học. Người học luôn tích cực, chủ động tìm hiểu, chiếm lĩnh kiến
thức, đặc biệt họ được tự do sáng tạo, tự do tư duy dưới sự định hướng của người thầy. Từ
đó họ có thể phát huy khả năng tự học và duy trì việc học lâu dài. Tính tích cực trong học
tập là tích cực trong nhận thức, được thể hiện bằng động cơ, hứng thú học tập - tiền đề
của tự giác, độc lập và sáng tạo. Để người học tích cực chủ động trong học tập thì người
thầy cần có phương pháp dạy học tích cực, nghĩa là tập trung vào việc phát huy tính tích
cực của người học. Muốn đổi mới cách học phải đổi mới cách dạy. Cách dạy chỉ đạo cách
học, nhưng ngược lại thói quen học tập của trò cũng ảnh hưởng tới cách dạy của thầy.
Trong đổi mới phương pháp dạy học phải có sự hợp tác cả của thầy và trò, sự phối hợp
nhịp nhàng hoạt động dạy với hoạt động học thì mới thành công.
Trong các phương pháp dạy học tích cực thì việc sử dụng hệ thống bài tập cũng là
một phương pháp phổ biến, được sử dụng thường xuyên và mang lại hiệu quả cao. Đặc
biệt môn Vật lí là một môn khoa học tự nhiên thì điều đó lại càng được thể hiện rõ nét. Bài
tập chính là một phương tiện để tiếp cận kiến thức, rèn luyện khả năng tư duy và nâng cao
kĩ năng thực nghiệm trong dạy học môn Vật lí ở trường phổ thông.
Hiện nay tài liệu về hệ thống bài tập môn Vật lí ở trường phổ thông rất phong phú.
Tuy nhiên, nhiều tài liệu chưa phù hợp với đối tượng HS, đặc biệt là trong các trường
THPT, thường tổ chức riêng những lớp chọn mà ở đó là nguồn cung cấp các HS đi thi HS
giỏi các cấp – kể cả HS giỏi cấp quốc gia và quốc tế. Mặc dù hình thức lớp chọn đã được
hình thành và tổ chức dạy nhiều năm ở nhiều trường trên toàn quốc, nhưng chưa có những
tài liệu riêng phù hợp đào tạo cho các đối tượng này. Mặt khác các tài liệu hiện có chưa
tạo thuận lợi cho GV và HS khi tiến hành các giờ dạy học tích cực, do đó hiệu quả mang
lại chưa cao. Vì vậy việc xây dựng hệ thống bài tập và hướng dẫn giải nhằm đạt kết quả
cao trong việc bồi dưỡng HS lớp chọn là rất cần thiết cho các GV và HS ở các trường
THPT hiện nay.
Trong khuôn khổ đề tài này, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hệ thống
và hướng dẫn giải bài tập sao cho phù hợp với các đối tượng là HS lớp chọn. Với kinh
nghiệm qua một số năm tham gia giảng dạy ở trường THPT, chúng tôi chọn chương
“Dòng điện xoay chiều” trong chương trình Vật lí 12 Nâng cao THPT là đề tài nghiên
cứu. Đối với HS phổ thông đây là nội dung kiến thức rất quan trọng, với khối lượng khá
lớn và trừu tượng, có nhiều vấn đề liên quan đến thực tế đời sống, đặc biệt là chiếm một
phần không nhỏ trong các đề thi quốc gia. HS thường thụ động, gặp nhiều khó khăn khi
học nội dung kiến thức này.
Trên cơ sở đó, chúng tôi chọn đề tài: Xây dựng hệ thống và hướng dẫn giải bài
tập chương "Dòng điện xoay chiều" Vật lý 12 trung học phổ thông, chương trình
Nâng cao dành cho HS lớp chọn.
2. Mục đích nghiên cứu
Dựa trên nhu cầu thực tiễn hiện nay, chúng tôi xây dựng hệ thống bài tập chương
“Dòng điện xoay chiều” thuộc chương trình Vật lí 12 Nâng cao THPT dành cho HS lớp
chọn. Áp dụng cho trường THPT Vũ Tiên, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Nghiên cứu một số lý luận về phương pháp dạy học. Đặc biệt quan tâm đến
phương pháp dạy học tích cực
- Nghiên cứu lý luận về bài tập trong dạy và học vật lí: khái niệm, phân loại, vai
trò, ý nghĩa, nguyên tắc, phương thức và biện pháp sử dụng bài tập trong dạy học vật lí
nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
- Nghiên cứu nội dung kiến thức và bài tập phần “Dòng điện xoay chiều” trong
sách giáo khoa Vật lí lớp 12 Nâng cao và một số tài liệu vật lí khác nhằm cung cấp
những kiến thức cơ bản cho HS và các kĩ năng giải bài tập cơ bản HS cần rèn luyện.
- Xây dựng hệ thống bài tập về nội dung kiến thức phần Dòng điện xoay chiều,
phù hợp với đặc trưng lớp chọn, đồng thời đưa ra phương pháp giải theo từng dạng bài
tập và đề xuất tiến trình hướng dẫn HS giải bài tập theo hệ thống bài tập đã xây dựng.
- Kiểm tra, khảo sát và đánh giá tính hiệu quả và tính khả thi của việc áp dụng
hệ thống bài tập xây dựng được. Xử lý kết quả thực nghiệm bằng toán học thống kê.
4. Khách thể và đối tượng nghiên cứu
- Khách thể: Quá trình dạy học môn vật lí lớp 12 THPT.
- Đối tượng: Hệ thống bài tập phần “ Dòng điện xoay chiều” lớp 12 Nâng cao
THPT để giảng dạy và học tập.
5. Vấn đề nghiên cứu
Đề tài tập trung vào nghiên cứu hai vấn đề cơ bản sau:
- Lý luận về bài tập trong dạy học vật lí và phương pháp sử dụng bài tập
trong dạy học tích cực.
- Xây dựng hệ thống và hướng dẫn giải bài tập phần “Dòng điện xoay chiều”
trong chương trình Vật lí 12 Nâng cao THPT.
6. Giả thuyết khoa học
Xây dựng hệ thống và hướng dẫn giải bài tập phần “Dòng điện xoay chiều”
thuộc chương trình Vật lí lớp 12 Nâng cao, đúng trọng tâm, phù hợp với trình độ HS,
kết hợp với việc đổi mới phương pháp dạy học của GV nhằm nâng cao hiệu quả học
tập và phát huy tính sáng tạo của HS.
7. Giới hạn và phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng hệ thống bài tập phần “Dòng
điện xoay chiều” thuộc chương trình vật lí lớp 12 Nâng cao, phù hợp với HS lớp chọn.
Trên cơ sở đó sử dụng hệ thống bài tập trong giảng dạy và học tập nhằm đạt hiệu quả
cao.
8. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
- Ý nghĩa lý luận:
Đánh giá vai trò và mức độ phù hợp của việc sử dụng hệ thống bài tập đã xây
dựng trong dạy và học môn Vật lí lớp 12 ở trường THPT cho đối tượng HS lớp chọn.
- Ý nghĩa thực tiễn:
Bước đầu xây dựng hệ thống bài tập phần “Dòng điện xoay chiều” thuộc
chương trình vật lí lớp 12 THPT phong phú, đa dạng và phù hợp với trình độ HS, giúp
GV có thêm tư liệu giảng dạy, HS có thêm tài liệu để học tập và sáng tạo.
9. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu:
9.1. Phương pháp nghiên cứu lí luận
- Nghiên cứu lí luận về phương pháp sử dụng bài tập trong dạy học môn Vật lí.
- Nghiên cứu lí luận về việc xây dựng hệ thống bài tập tự luận và trắc nghiệm khách
quan môn Vật lí dựa trên quan điểm lí luận về quá trình nhận thức.
- Tìm hiểu tài liệu có liên quan đến đề tài: Sách giáo khoa Vật lí 12, tài liệu
tham khảo Vật lí, tạp chí Vật lí, các đề thi Vật lí THPT.
9.2. Phương pháp điều tra, khảo sát thực tiễn
- Tìm hiểu thực tiễn việc dạy của GV và học của HS về phần “Dòng điện xoay
chiều”.
- Trao đổi ý kiến với các GV có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy môn
Vật lí về nội dung, số lượng, hình thức của các loại bài tập, đề thi tự luận và trắc nghiệm
khách quan; đồng thời xem xét bài giảng và phương pháp sử dụng và hiệu quả của hệ
thống các bài tập trong quá trình dạy học môn Vật lí nói chung và phần “Dòng điện xoay
chiều” nói riêng.
9.3. Phương pháp thực nghiệm sư phạm
- Nhằm đánh giá hệ thống bài tập được biên soạn khi áp dụng vào thực tế giảng
dạy cho HS các lớp chọn và bồi dưỡng HS giỏi tham dự các kì thi cấp tỉnh và quốc gia.
- Xử lý kết quả thực nghiệm bằng toán học thống kê.
10. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và khuyến nghị, tài liệu tham khảo và phụ lục,
luận văn dự kiến được trình bày theo 3 chương:
Chương 1: Một số vấn đề về cơ sở lí luận và thực tiễn của đề tài.
Chương 2: Xây dựng hệ thống và hướng dẫn giải bài tập phần “Dòng điện xoay
chiều” chương trình vật lí lớp 12 Nâng cao trung học phổ thông dành cho HS lớp chọn.
Chương 3: Thực nghiệm sư phạm
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2005). Luật Giáo dục. Nhà xuất bản Tư pháp.
2. DS. Dương Trọng Bái (2003). Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi vật lí trung học
phổ thông. Nhà xuất bản Giáo dục.
3. Dương Văn Cẩn(Chủ biên) – Hà Duyên Tùng – Nguyễn Xuân Trường –
Nguyễn Văn Hóa – Nguyễn Xuân Trung(2010). 1000 bài trắc nghiệm trọng tâm và
điển hình Vật lí 12. Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm, Hà Nội.
4. Bùi Quang Hân, Trần Văn Bồi, Nguyễn Văn Minh, Phạm Ngọc Tiến (2003).
Giải toán Vật lí 12 – Tập 2. Nhà xuất bản Giáo dục.
5. Nguyễn Cảnh Hòe (2009). Vật lí 12 Những bài tập hay và điển hình. Nhà xuất bản
Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Nguyễn Cảnh Hòe, Phạm Huy Thông (2006). Tài liệu Vật lí 12 Nâng cao – Tập 1.
Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội.
7. Vũ Thanh Khiết (2008). Phương pháp giải toán Vật lí 12. Nhà xuất bản Giáo dục.
8. Vũ Thanh Khiết, Tô Giang (2009). Bồi dưỡng HS giỏi Vật lí THPT – Điện học 2.
Nhà xuất bản Giáo dục.
9. Đỗ Hương Trà, Phạm Gia Phách (2009). Dạy học bài tập vật lí ở trường THPT.
Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm, Hà Nội.
10. Nguyễn Đức Thâm, Nguyễn Ngọc Hưng (2001). Tổ chức hoạt động nhận thức
cho HS trong dạy học Vật lí ở trường phổ thông. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà
Nội.
11. Phạm Hữu Tòng (2007). Dạy học vật lí ở trường phổ thông theo định hướng phát
triển hoạt động học tích cực, tự chủ, sáng tạo và tư duy khoa học. Nhà xuất bản Đại
học Sư phạm, Hà Nội.
12. Lê Gia Thuận – Hồng Liên (2007). Trắc nghiệm Vật lí Điện xoay chiều. Nhà xuất
bản Đại học Quốc gia Hà Nội