BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC KHU CÔNG
NGHIỆP
TRÊN ĐỊA BÀN TP HỒ CHÍ MINH
CẦN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
HOÀNG VĂN VY
THANH TRA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố (TP) cảng lớn nhất ở nước ta, với vị trí địa lý thuận
lợi, hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi về giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng
không, là đầu mối giao thông kinh tế lớn nối liền với các địa phương trong nước và quốc
tế. Những năm qua, TP luôn là động lực phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, là địa
phương đứng đầu về tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp nước ngoài. Hàng
năm, mức thu nộp ngân sách của TP chiếm 1/3 tổng thu ngân sách quốc gia; 1/3 tổng kim
ngạch xuất khẩu, GDP chiếm 20% cả nước và là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam.
Có được sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội kể trên là nhờ sự đóng góp quan trọng
của công nghiệp TP, trong đó phần lớn là của các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX
- KCN). Sau 15 năm phát triển, đến nay trên địa bàn TP đã có 13 KCN, 2 KCX, 1 khu
công nghệ cao và 1 công viên phần mềm được hình thành và đi vào hoạt động. Việc phát
triển nhanh chóng của các KCN - KCX đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và
ngoài nước vào đầu tư phát triển, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục vạn
lao động, kim ngạch xuất khẩu ngày càng cao. Các KCN - KCX đã thu hút được 1.062 dự
án với tổng số vốn đầu tư là 3,53 tỷ USD, chiếm 80% số dự án và 52% số vốn đầu tư của
TP, kim ngạch xuất khẩu trong các KCX - KCN đạt lũy kế 11.482 triệu USD.
Bên cạnh những mặt tích cực kể trên, do sự tăng dân số cơ học và tốc độ đô thị hóa nhanh
dẫn đến áp lực về môi trường cũng ngày càng lớn tỷ lệ thuận với phát triển. Nhiều KCN
tập trung trước đây quy hoạch ở ngoại thành nay đã nằm trong nội vi thành phố nên tình
trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước sông, nước ngầm đặc biệt nghiêm trọng. Một
thực tế mà ai cũng có thể nhận biết là càng đầu tư phát triển công nghiệp bao nhiêu thì
hiểm họa ô nhiễm môi trường càng gia tăng và càng tác động tiêu cực đến môi trường
sống của cộng đồng cư dân bấy nhiêu…
Thực trạng quản lý môi trường tại các KCN - KCX TP được đánh giá tương đối khái quát
thông qua kết quả thanh tra 5 KCN với 21 cơ sở được thanh tra trên địa bàn TP dưới góc
độ tuân thủ pháp luật và quản lý nhà nước.
Về tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT)
Qua kết quả thanh tra cho thấy, một số cơ sở được thanh tra đã có ý thức chấp hành pháp
luật về BVMT và tài nguyên nước, đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý giảm
thiểu ô nhiễm môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, khí thải, xin
cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước Bên cạnh những cơ sở thật sự quan tâm đến
công tác BVMT, coi đó như là mục tiêu quan trọng để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị
trường, là vấn đề không thể tách rời với phát triển sản xuất, còn không ít cơ sở được
thanh tra chỉ quan tâm đến lợi nhuận thu được mà chưa quan tâm đầu tư cho công tác
BVMT vì sức khỏe cộng đồng và chất lượng môi trường sống của toàn xã hội. Từ sự “vô
cảm” của các doanh nghiệp trước vấn đề ô nhiễm môi trường đã góp phần làm trầm trọng
thêm tình trạng ô nhiễm môi trường nước và môi trường không khí tại TP Hồ Chí Minh.
Theo quy hoạch và hiện trạng xây dựng hiện nay, khu vực thượng lưu sông Sài Gòn - con
sông cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân TP đã có những KCN nhưng khả năng xử lý
nước thải công nghiệp có hạn nên nguy cơ ô nhiễm nguồn nước rất cao. Trong 15 KCX -
KCN đã đi vào hoạt động, đến nay mới chỉ có 6 KCX - KCN có nhà máy xử lý nước thải
tập trung, một số KCN đang gấp rút xây dựng hệ thống xử lý nước thải để đảm bảo đưa
vào vận hành trước tháng 1/2008 theo đúng thời hạn mà UBND TP quy định. Một điều
đáng lưu tâm là chất lượng xả thải của các KCN - KCX có hệ thống xử lý nước thải cũng
vẫn vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP). Đối với các KCN chưa có hệ thống xử lý nước
thải tập trung, chất lượng xả nước thải còn đáng lo ngại hơn. Theo kết quả trưng cầu giám
định của Đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (6/2007) thì tại điểm xả cuối cùng
của 5 KCN có 3 KCN xả nước thải vượt TCCP trên 100 lần, 1 KCN xả nước thải vượt
TCCP trên 10 lần và 1 KCN được thanh tra xả nước thải vượt TCCP dưới 2 lần.
Kết quả phân tích 45 mẫu nước thải với tổng lượng nước thải là 5.750 m3/ngày đêm của
21 cơ sở được thanh tra (16 cơ sở trong KCN và 5 Công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng
KCN) cho thấy: Chỉ có 1 mẫu (tương đương với 5,2% lượng nước xả thải được phân tích
có các thông số ô nhiễm nhỏ hơn TCCP; 44 mẫu còn lại, tương đương với 94,8% lượng
nước xả thải được phân tích có một số thông số ô nhiễm vượt TCCP với mức độ như đã
nêu ở trên. Đặc biệt, tại thời điểm thanh tra còn phát hiện được 2 cơ sở có hệ thống xử lý
nước thải nhưng đang xả ngầm nước thải ra môi trường không qua hệ thống xử lý.
Việc quản lý chất thải nguy hại (CTNH) tại các KCN - KCX cũng rất đáng được quan
tâm. Quy chế quản lý CTNH được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 1999 kèm theo
Quyết định số 155/1999/QĐ-TTg và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có
Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ
đăng ký cấp phép hành nghề, mã số quản lý CTNH nhưng khá nhiều doanh nghiệp được
thanh tra thiếu các thủ tục quản lý CTNH, từ khâu đăng ký chủ nguồn thải CTNH đến
quản lý vận chuyển và xử lý CTNH. Trong số 17 cơ sở được thanh tra có 15 cơ sở có
phát sinh chất thải nguy hại nhưng chưa có hồ sơ đăng ký phát sinh CTNH, 7 cơ sở có
CTNH vi phạm về quản lý chất thải không đúng quy định chủ yếu là chuyển giao CTNH
cho đơn vị không có giấy phép quản
lý CTNH và không xử lý CTNH mà
dùng để san lấp mặt bằng.
Ý thức tuân thủ pháp luật và nhận
thức về BVMT của khá nhiều cơ sở
trong KCN - KCX còn yếu kém, vấn
đề BVMT tại các cơ sở chưa được
quan tâm đúng mức. Một số công ty
đầu tư hạ tầng chỉ tính đến việc xây
dựng hạ tầng và cho thuê, còn nước
thải công nghiệp tại đây thì bỏ mặc
doanh nghiệp tự xử lý. Các cơ sở
trong KCN chưa quan tâm lưu giữ
hồ sơ về BVMT, có tới 2/3 số doanh
nghiệp được thanh tra chỉ lưu giữ
Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc Phiếu xác nhận
đăng ký đạt Tiêu chuẩn môi trường (TCMT), không xuất trình được Báo cáo ĐTM hoặc
Bản đăng ký đạt TCMT; không nhận biết được doanh nghiệp cần phải tuân thủ nội dung
gì trong Báo cáo ĐTM hoặc Bản đăng ký đạt TCMT. Một số cơ sở có biểu hiện không
tuân thủ các quy định về BVMT, có hệ thống xử lý nước thải nhưng vận hành không
thường xuyên hoặc xả ngầm ra môi trường không qua xử lý hoặc có biểu hiện đối phó khi
Đoàn thanh tra đến làm việc. Thực tế kết quả thanh tra cho thấy, 10/21 cơ sở thực hiện
không đúng một trong các nội dung hoặc không thực hiện đầy đủ các nội dung Báo cáo
ĐTM hoặc Bản cam kết BVMT.
Công tác quản lý nhà nước về BVMT nói chung và BVMT các KCN - KCX
Thời gian qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến công tác BVMT nói chung
và BVMT KCN - KCX nói riêng; triển khai đồng bộ nhiều cơ chế chính sách buộc các cơ
sở gây ô nhiễm môi trường phải nỗ lực đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập
trung cho các KCN - KCX trên địa bàn TP; hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi
trường nghiêm trọng, ra hạn cho các KCN - KCX phải hoàn thành hệ thống xử lý nước
thải tập trung trong năm 2007; kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu các KCN -
KCX chậm trễ trong việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN
UBND và các cơ quan chuyên môn của TP như Sở TN&MT, Ban quản lý KCX - KCN
đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa công tác quản lý nhà nước và hướng dẫn thực hiện
các quy định của pháp luật về BVMT và tài nguyên nước trên địa bàn TP nên việc triển
khai Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước tương đối đồng bộ. Công tác quản
lý nhà nước về BVMT và tài nguyên nước đã dần đi vào nề nếp.
Sở TN&MT với chức năng giúp UBND trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT đã
thường xuyên phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm
tra xử lý các vi phạm pháp luật về BVMT và tài nguyên nước; tích cực tuyên truyền phổ
biến pháp luật về BVMT tại các KCN - KCX và các quận, huyện trên địa bàn TP; thu phí
BVMT đối với nước thải, thu thuế tài nguyên nước, quản lý CTNH
Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực kể trên, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh cần
quan tâm giải quyết một số nội dung sau:
Tình trạng các KCN - KCX không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, xả nước thải
vượt TCCP nhiều lần đang từng ngày tác động tiêu cực đến môi trường tiếp nhận nước
quanh KCN - KCX và môi trường nước lưu vực sông Sài Gòn. Có nhiều nguyên nhân
dẫn đến tình trạng trên nhưng trong đó, một phần cũng do quy định của UBND TP cho
phép các nhà đầu tư hạ tầng xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung khi diện tích
trong KCX - KCN đã cho thuê đạt 50% tổng diện tích, dẫn đến tình trạng nhiều công ty
đầu tư hạ tầng thiếu chủ động trong đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Đội ngũ cán bộ quản lý và thanh tra chuyên ngành BVMT của TP khá mỏng, kinh
nghiệm còn chưa nhiều nên mặc dù hàng năm triển khai nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra tại
các cơ sở nhưng không hướng dẫn kịp thời, đầy đủ những nội dung cụ thể về BVMT và
tài nguyên nước cần phải tuân thủ để doanh nghiệp nắm được và tự giác chấp hành.
Công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT tuy đã được thực hiện thường xuyên, hàng năm xử
phạt hàng tỷ đồng vi phạm hành chính về BVMT, nhưng còn nhiều vi phạm của các cơ
sở vẫn chưa được xử lý kịp thời. Kết quả thanh tra cho thấy, các cơ sở được thanh tra vi
phạm chủ yếu theo các nhóm hành vi sau: xả nước thải vượt TCCP (20/21); 10/21 cơ sở
không thực hiện đúng nội dung Báo cáo ĐTM hoặc Bản đăng ký đạt TCMT; chưa có hồ
sơ đăng ký chủ nguồn thải CTNH (15/17); vi phạm quy định quản lý CTNH (7/17); 1 cơ
sở không lập Báo cáo ĐTM bổ sung.
Qua đợt thanh tra tại TP Hồ Chí Minh, Đoàn thanh tra của Bộ TN&MT đã tiến hành lập
biên bản vi phạm hành chính 20/21 cơ sở được thanh tra, đề nghị xử phạt với tổng số tiền
gần 460 triệu đồng. Trong đó có 8 đơn vị thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND
TP, 12 đơn vị thuộc thẩm quyền xử phạt của Chánh thanh tra Sở TN&MT.
Một số giải pháp trước mắt và lâu dài
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và môi trường các KCN - KCX
tại TP Hồ Chí Minh, đề nghị UBND TP cần chỉ đạo triển khai ngay một số biện pháp cụ
thể sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT và tài nguyên
nước cho các tổ chức cá nhân để nâng cao nhận thức cộng đồng và ý thức tự giác tuân thủ
pháp luật về BVMT, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác quản lý cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, tăng
cường nghiệp vụ, năng lực để có thể thực hiện nhanh chóng việc xác nhận cam kết
BVMT của UBND cấp quận/huyện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2005.
Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật
về BVMT và tài nguyên nước; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác môi
trường tại Ban quản lý các KCX - KCN của TP, ở cấp quận/huyện, cấp phường/xã và
thanh tra chuyên ngành BVMT của Sở TN&MT.
Thứ tư, đối với các KCN - KCX được quy hoạch trong thời gian tới, cần quy định bắt
buộc các công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập
trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động.
Về lâu dài, việc thường xuyên cập nhật thông tin phản hồi để hoàn thiện văn bản quy
phạm pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động quản lý nhà nước về
BVMT. Nhìn chung, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã điều chỉnh khá toàn diện về công
tác BVMT trong tình hình mới, tăng cường phân cấp cho UBND các cấp. Tuy nhiên, bên
cạnh những nội dung được quy định chi tiết, dễ triển khai thực hiện cũng bộc lộ một số
bất cập cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp như: Việc xác nhận
cam kết BVMT của các dự án nằm trong KCN - KCX; quy định điều chỉnh đối với những
dự án đã đi vào hoạt động trước tháng 7/2006 mà không có Báo cáo ĐTM hoặc Bản đăng
ký đạt TCMT; quy định trách nhiệm kiểm tra, thanh tra theo phạm vi quản lý nhà nước
các cấp…
Với tinh thần luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu và điều chỉnh kịp thời những bất cập sau
một năm triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường, hiện nay Bộ TN&MT đang khẩn
trương hoàn thiện để trình Chính phủ Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị
định 80/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và tiếp
tục ban hành các văn bản để cụ thể hóa công tác quản lý BVMT.
Từ những kết quả đã đạt được cho thấy, do chỉ đạo quyết liệt của UBND TP, việc tăng
cường kiểm tra, đôn đốc của Sở TN&MT và nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước các
cấp trong việc hoàn thiện và giảm thiểu những bất cập về mặt pháp luật để tăng cường
hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT ở TW và tại địa phương. Trong thời gian
tới, công tác quản lý nhà nước về BVMT sẽ được triển khai đồng bộ; việc xử lý nhằm
giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông Sài Gòn sẽ từng bước được cải thiện,
chất lượng môi trường sống của nhân dân từng bước được nâng lên cùng với sự tăng
trưởng nhanh chóng về kinh tế - xã hội của TP. Với cách làm và hướng đi đúng đắn đó,
tin rằng trong thời gian không xa, mô hình quản lý phát triển KCN - KCX gắn liền với
công tác BVMT của TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành điển hình tốt để các địa phương trong
cả nước học tập.