Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

nguyên lí bất định và lí thuyết vị thế - chất lượng triển vọng ứng dụng trong nghiên cứu quản lí đất đai

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (387.08 KB, 10 trang )



Hội nghị KHCN lần 2 “Tài nguyên, Năng lượng và Môi trường vì sự Phát triển bền vững”

1
NGUYÊN LÍ BẤT ĐỊNH VÀ LÍ THUYẾT VỊ THẾ - CHẤT LƯỢNG:
Triển vọng ứng dụng trong nghiên cứu quản lí đất đai
Trần Thanh Hùng
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, 236B Lê Văn Sỹ, Q. Tân Bình, Tp.HCM
Email:
Đến Tòa soạn: 11/08/2014; Chấp nhận đăng: 25/09/2014
TÓM TẮT
Tại Việt Nam lí thuyết quản lí đất đai chính thống hiện nay chưa đề cập giải quyết một số
vấn đề mới phát sinh liên quan đến tính chất xã hội vô hình của đất đai và cách thức hành xử
mang tính ngẫu nhiên, phi lí trí của người sử dụng đất, mà chỉ xem xét đất đai ở góc độ vật chất
hữu hình và các hành vi ứng xử liên quan đến đất đai là những hành vi tất định có lí trí, theo
đuổi các lợi ích vật chất mang tính ích kỉ cá nhân. Bài viết này đề xuất một hướng tiếp cận mới
trong nghiên cứu quản lí đất đai từ thế giới quan của nguyên lí Bất định và lí thuyết Vị thế -
Chất lượng để giải quyết những vấn đề nêu trên.
Từ khóa: vị thế, chất lượng, bất định, tất định, ngẫu nhiên, hỗn độn, hợp trội, đất đai, đất và
người, giá trị, sở hữu, vô hình, hữu hình, hành vi, duy lí, có lí trí, phi duy lí, phi lí trí.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay, lí thuyết quản lí đất đai tại Việt Nam được phát triển dựa trên các quan điểm
nhận thức về đất đai và giá trị đất đai, về hành vi ứng xử của con người dựa trên quyền sở hữu
và tự do trong khuôn khổ thế giới quan của nguyên lí Tất định, cụ thể như sau:
- Quan điểm về đất đai và giá trị đất đai: Đất đai là vật thể tự nhiên không phải là do con
người tạo ra, chỉ có các tính chất vật lí hữu hình và vì vậy, đất đai không có giá trị, được hiểu là
sức lao động của con người kết tinh vào đất đai [1].
- Quan điểm về hành vi ứng xử của con người dựa trên quyền sở hữu và tự do: Quyền sở hữu
là điều kiện và phương tiện đảm bảo cho quyền tự do của con người được tồn tại và phát triển.
Có nghĩa là con người dựa vào quyền sở hữu này thực hiện các hành động theo ý mình muốn,


chỉ chịu trách nhiệm trước lương tâm và pháp luật. Con người tự do là con người có lí trí và
ý chí thực hiện các mục tiêu theo mục đích đã định. Tự do ý chí lại được hiểu theo tư tưởng
“Tất định luận”, tự do là cái tất yếu được nhận thức [1]. Hơn nữa, con người tự do thường được
quy giản là con người ích kỉ có lí trí theo khuôn mẫu con người kinh tế trong lí thuyết kinh tế
học tân cổ điển [2].
Các quan điểm lí luận này trong bối cảnh ngày hôm nay không giải thích được các vấn đề
mới phát sinh sau đây:


Trần Thanh Hùng

2
Thứ nhất, đất đai không chỉ là một vật thể tự nhiên hữu hình, mà còn có tính chất vô hình,
như được khẳng định qua câu thơ: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”;
vì vậy, bên cạnh giá trị sử dụng hữu hình, đất đai còn có giá trị vô hình.
Thứ hai, hành vi ứng xử của con người lại thường là không tự do, phụ thuộc vào bối cảnh,
“Đi với bụt mặc áo cà sa, Đi với ma mặc áo giấy, Đi với quân vương nói lời quân tử”; không
nhất quán chuẩn mực, “Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, Quân tử nói lại là quân tử khôn”;
không rõ ràng xác định, nhập nhằng nước đôi, “Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa
mừng nửa lo”; vì vậy có tính phi duy lí, ngẫu nhiên và bất định.
Những vấn đề nêu trên đòi hỏi phải tìm kiếm một hướng tiếp cận khác trong nghiên cứu
quản lí đất đai, có thể từ thế giới quan của nguyên lí Bất định và lí thuyết Vị thế - Chất lượng.
2. NGUYÊN LÍ BẤT ĐỊNH
Tính bất định trước tiên được phát hiện trong thế giới vi mô bởi Werner Heisenberg khi
nghiên cứu xác định vị trí và vận tốc của một hạt lượng tử. Khác với nguyên lí Tất định của cơ học
cổ điển Newton trong thế giới vĩ mô, ở thế giới vi mô thì không thể biết chính xác đồng thời
cùng một lúc vị trí và vận tốc của một hạt lượng tử, vì vậy sau một khoảng thời gian nhất định
thì không thể biết chính xác hạt này sẽ ở đâu. Bởi vì để biết vị trí và vận tốc của nó cần phải
chiếu một tia sáng vào hạt này với bước sóng và xung lượng nhất định. Khi chiếu tia sáng có
bước sóng lớn tương ứng với xung lượng nhỏ thì xác định vận tốc càng chính xác, nhưng vị trí

thì lại càng không chính xác. Ngược lại để xác định càng chính xác vị trí thì bước sóng phải
càng ngắn, nhưng xung lượng tương ứng lại càng lớn, vì vậy vận tốc lại càng không chính xác.
Tóm lại, nguyên lí Bất định phát biểu rằng ta không bao giờ có thể xác định chính xác cả vị trí
lẫn vận tốc (hay động lượng, hoặc xung lượng) của một hạt vào cùng một lúc.
Nguyên lí Bất định được phát biểu bởi Werner Heisenberg cũng ngầm ý là một hạt lượng tử
cũng đã có vị trí và vận tốc xác định, sự bất định của vị trí và vận tốc là do hành động quan sát
của con người gây ra. Điều này không được Niels Bohr chấp nhận, theo ông nguyên lí Bất định
phải phản ánh sự bất định của thế giới tự nhiên. Tức là các hạt lượng tử tự bản thân nó cũng
không có vị trí và vận tốc xác định trước khi có người quan sát. Vì vậy nguyên lí Bất định được
phát biểu theo cách khác bởi Niels Bohr: “Tính chất của các hạt “không tồn tại” trước khi các
tính chất đó được quan sát bởi một thiết bị đo đạc” [3]. Có nghĩa là bản chất của sự vật chỉ tồn
tại trong mối quan hệ giữa người quan sát với sự vật đó.
Những điều nêu trên thực sự là khó hiểu, ngay cả Einstein cũng đã phát biểu: “Mặt trăng
còn đó hay không nếu chẳng ai nhìn nó?”. Vậy ai đúng? Bohr đúng hay Einstein đúng? Điều này
đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhưng lời giải bài toán 3 vật thể của Henry Poincare cho thấy
quỹ đạo của n vật thể tương tác với nhau trong không gian không phải là nhất quán, mà hỗn loạn
ngẫu nhiên. Có thể nói rằng, vào thời điểm hiện nay tại vị trí trái đất chúng ta nhìn thấy mặt
trăng xoay quanh trái đất theo quy luật trật tự, nhưng vào một thời điểm khác thì có thể không có
mặt trăng.
Tính bất định không chỉ tồn tại trong thế giới tự nhiên, mà còn xuất hiện trong các quan hệ
xã hội, cách cư xử của mỗi một con người thì thường tùy thuộc vào từng bối cảnh xã hội cụ thể
của người đó. Sự bất định cũng được phát hiện trong những sản phẩm tư duy trừu tượng của
chính con người, trong toán học, ngôn ngữ, văn chương và mĩ thuật [3].
- Trong toán học, tính bất định được khẳng định bởi Định lí Bất toàn của Kurt Godel, trong
đó chỉ ra rằng toán học chứa đựng những chân lí không thể quyết định được (không thể chứng
minh và cũng không thể phủ nhận).


Nguyên lí Bất định và lí thuyết Vị thế - Chất lượng: Triển vọng ứng dụng trong nghiên cứu QLĐĐ


3
- Trong ngôn ngữ, Ludwig Wittgenstein phát hiện ra rằng “Chúng ta không bao giờ có thể
hoàn toàn tránh khỏi tính mơ hồ nhập nhằng trong khi nói”.
- Trong văn chương, tính cách của nhân vật xuất hiện trong mối quan hệ giữa cốt truyện với
người đọc.
- Trong mĩ thuật, vẻ đẹp của bức tranh xuất hiện trong mối quan hệ giữa bức tranh đó với
người chiêm ngưỡng.
Như vậy, cần phải thay đổi thế giới quan từ nguyên lí Tất định sang nguyên lí Bất định, như
sự khẳng định của nhà triết học Osho: “Cõi giới biết chỉ có một thứ không thay đổi, đó chính là
sự thay đổi”.
Và điều gì làm cho mọi thứ trở nên bất định trong đời sống xã hội? Đó chính là sự tương đối.
Con người ra quyết định lựa chọn thường dựa trên việc so sánh các phương án với nhau và đặt
các phương án lựa chọn này trong một bối cảnh nhất định [4].
Làm thế nào xác định được cái trật tự tất định trong thế giới hỗn độn và bất định? Điều này
có thể thực hiện được bằng lí thuyết Vị thế - Chất lượng.
3. LÍ THUYẾT VỊ THẾ - CHẤT LƯỢNG VÀ CÁC HỆ QUẢ ỨNG DỤNG
3.1. Nội dung của lí thuyết Vị thế - Chất lượng
Lí thuyết Vị thế - Chất lượng do Hoàng Hữu Phê và Patrick Wakely phát triển và công bố
tại Vương quốc Anh vào năm 2000 trên Tạp chí Đô thị học (Urban Studies), có nội dung chính
về động học dân cư đô thị, lí giải sự dịch chuyển của người dân trong không gian đô thị hoàn
toàn khác biệt so với lí thuyết được chấp nhận rộng rãi hiện nay phát triển bởi W. Alonso vào
năm 1964.
Theo W. Alonso động học dân cư đô thị là một sự dịch chuyển của người dân dựa trên lựa
chọn đánh đổi giữa chi phí nhà ở và chi phí đi lại trong không gian đô thị [5]. Đến nay, có thể
khẳng định, sự đánh đổi này không còn đúng, vì với sự phát triển của hệ thống giao thông và các
phương tiện vận tải cùng với mạng lưới thông tin liên lạc thì chi phí đi lại ngày càng giảm không
còn là nhân tố quyết định đến sự lựa chọn của người dân về nơi ở. Theo E. Glaeser, ngoài các
yếu tố thị trường còn có những quan hệ phi thị trường, là những quan hệ tình cảm, hay là những
quan hệ xã hội không dựa trên sự trao đổi tiền tệ. Những tương tác phi thị trường này là những
yếu tố quyết định đến sự dịch chuyển của dân cư trong đô thị [6].

Những quan hệ xã hội hình thành từ các tương tác phi thị trường và thị trường được hiểu
như thế nào? Cơ chế tác động của chúng đến sự lựa chọn của người dân về nơi ở diễn ra như thế
nào? Điều này sẽ được làm rõ trong lí thuyết Vị thế - Chất lượng.
Theo lí thuyết Vị thế - Chất lượng, động học dân cư đô thị được hiểu là một sự dịch chuyển
đồng thời dọc theo hai chiều vị thế nơi ở và chất lượng nhà ở từ đó tạo thành một đường ngưỡng
mong muốn [7].
Để hiểu được lí thuyết này phải làm rõ ba khái niệm: Chất lượng nhà ở, Vị thế nơi ở và
Đường ngưỡng mong muốn.
- Chất lượng nhà ở: Là những đại lượng vật lí hữu hình đo đếm được như diện tích thửa đất,
diện tích xây dựng, số tầng cao, số phòng, số toilet, kết cấu công trình, nguyên vật liệu xây dựng,…
Các đại lượng này tồn tại độc lập với thành phần vị thế của nhà ở.


Trần Thanh Hùng

4
- Vị thế nơi ở: Là một hình thức đo sự mong muốn về mặt xã hội gắn với nhà ở tại một vị trí
xác định. Có nghĩa đấy là sự mong muốn của con người về con người với các đặc điểm văn hóa -
xã hội và kinh tế tương ứng. Từ sự mong muốn này tiến tới thiết lập các mối quan hệ xã hội giữa
con người với con người khi có sự phù hợp về mặt văn hóa - xã hội và kinh tế. Vị thế hình thành
bắt đầu từ sự mong muốn bên trong con người và biểu hiện ra bên ngoài là các quan hệ xã hội.
Vì vậy, vị thế được hiểu là tổng hòa các quan hệ xã hội được hình thành từ các tương tác
thị trường và phi thị trường. Người có vị thế cao hay thấp thì có nhiều hay ít quan hệ xã hội, điều
này đồng nghĩa với có nhiều hay ít người mong muốn thiết lập quan hệ.

Hình 1. Mô hình về động học dân cư đô thị theo vị thế và chất lượng nhà ở.
Vị thế nơi ở khác với chất lượng nhà ở. Vị thế nơi ở có bản chất vô hình vì nó tồn tại trong
tâm tư, nguyện vọng, ước muốn của con người [8]. Do bản chất vô hình của vị thế làm cho vị thế
rất khó định hình, thường chỉ đo đếm được thông qua các yếu tố vật thể hữu hình trung gian là
biểu tượng của vị thế, mà trong mối quan hệ với các biểu tượng đấy có sự thay đổi trong hành vi

ứng xử của con người.
Ví dụ, tôn giáo tồn tại trong tâm trí con người, nhưng lại biểu hiện thông qua nhà thờ, cây
thánh giá, sách kinh thánh, hay chùa chiền, kinh phật, lễ nghi tôn giáo,… trong sự tương tác với
các biểu tượng này thì có sự khác biệt về cách cư xử của những người có tôn giáo khác nhau.
Vị thế nơi ở có phải là vị trí nơi ở không? Vị thế có đồng nhất với vị trí hay không? Vị trí là
đặc điểm của không gian tự nhiên xác định theo một hệ tọa độ (x, y, z) quy ước nào đấy. Vị trí
không phải là vị thế, không đồng nhất với vị thế, như câu nói “Đồng sàng dị mộng”.
Vị thế nơi ở và chất lượng nhà ở đáp ứng những nhu cầu cụ thể nào của con người?
Theo lí thuyết Tháp nhu cầu của A. Maslow trong mỗi con người có 5 loại nhu cầu từ bậc thấp
đến bậc cao:
(1) Nhu cầu bản năng sinh tồn;
(2) Nhu cầu an toàn và an ninh;
(3) Nhu cầu gia nhập hay hội nhập;
(4) Nhu cầu được ngưỡng mộ hay có được uy thế;
(5) Nhu cầu có được vị thế mà xã hội tôn vinh hay nhu cầu hoàn thiện bản thân.
Các nhu cầu bậc thấp được đáp ứng thì mới xuất hiện nhu cầu bậc cao hơn. Trước tiên phải
đáp ứng được nhu cầu bản năng sinh tồn rồi xuất hiện nhu cầu an toàn và an ninh và cứ như thế,
5 loại nhu cầu trên có thể được phân thành 2 nhóm: nhu cầu vật chất mang tính cá nhân và nhu
cầu tinh thần mang tính xã hội [8].


Nguyên lí Bất định và lí thuyết Vị thế - Chất lượng: Triển vọng ứng dụng trong nghiên cứu QLĐĐ

5
Các nhu cầu này chính là động lực của hành vi con người, như câu ngạn ngữ dân gian
“Khi đói đầu gối cũng phải bò”, là động lực của hành vi lựa chọn các yếu tố đặc điểm chất lượng
và vị thế để thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của mình. Chất lượng nhà ở đáp ứng
nhu cầu vật chất, vị thế nơi ở đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người.
Vấn đề đặt ra là cả hai loại nhu cầu được đáp ứng cùng một lúc thì mức độ thỏa mãn cao
hơn, hay là khi các nhu cầu được đáp ứng riêng lẻ? Khi cả hai loại nhu cầu được đáp ứng cùng

một lúc, vật chất và tinh thần được đáp ứng đồng thời cùng lúc thì mức độ thỏa mãn cao hơn,
như ông bà ta thường nói “Rượu ngon nhờ có bạn hiền”, khác với “Ăn một mình đau tức, làm
một mình cực thân”.
Như vậy, để thỏa mãn nhu cầu của con người luôn có sự kết hợp của chất lượng và vị thế
theo một tỉ lệ nhất định. Tỉ lệ này được xác định như thế nào? Được xác định theo quy luật
đường ngưỡng mong muốn, hình thành từ sự lựa chọn chất lượng và vị thế của các cá nhân trong
xã hội trong sự tương tác so sánh với những người xung quanh. Ứng với mỗi một vị trí có vị thế
cụ thể thì có một mức chất lượng nhà ở tương ứng nhất định, mà dưới mức này thì chất lượng
nhà ở được cho là không mong muốn hay kém phẩm chất [7]. Đường ngưỡng này phản ánh mối
quan hệ giữa chất lượng nhà ở và vị thế nơi ở, chia quỹ nhà ở trong không gian đô thị thành các
phần khác nhau. Phần trên đường ngưỡng là phần thượng lưu, phần dưới đường ngưỡng là hạ lưu,
phần ngay đường ngưỡng là trung lưu.
Từ góc độ thống kê học đường ngưỡng này là đường trung bình. Từ góc độ xã hội học, là
đường tối thiểu, bởi vì mong muốn tối thiểu của con người là phải thuộc về thành phần trung lưu
của xã hội. Từ góc độ kinh tế học thì đường ngưỡng là đường tối đa, là quỹ tích các điểm kết
hợp tối ưu giữa chất lượng và vị thế, mà tại đó đạt được sự thỏa mãn cao nhất với mức chi phí
nhất định cho các yếu tố đặc điểm của chất lượng và vị thế [9].
3.2. Các hệ quả ứng dụng của lí thuyết Vị thế - Chất lượng
Hệ quả 1:
Khái niệm vị thế bổ sung cho khái niệm vị trí của đất đai. Vị thế là nội dung văn hóa - xã hội
và kinh tế ẩn chứa đằng sau vị trí làm cho vị trí có vai trò quyết định trong việc lựa chọn vị trí
đầu tư phát triển bất động sản.
Trong ngành bất động sản tất cả đều khẳng định vị trí là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng lại
không làm rõ được nội dung vị trí là gì? Cần phân biệt vị trí trong không gian tự nhiên, vị trí trong
không gian kinh tế - xã hội và vị trí trong không gian tâm lí. Vị thế ở đây chính là phản ánh
các vị trí trong không gian tự nhiên và không gian kinh tế - xã hội vào trong không gian tâm lí.
Như vậy, có thể nói, vị thế cũng là vị trí trong không gian tâm lí.
Hệ quả ứng dụng trong nghiên cứu quản lí đất đai:
Vị thế là thuộc tính xã hội của đất đai, có bản chất vô hình vì nó tồn tại trong tâm trí – tâm tư,
nguyện vọng và ước muốn của con người. Vị thế là thuộc tính chưa được quan tâm nghiên cứu

trong các lí thuyết quản lí đất đai hiện nay, nó có vai trò quyết định đến quá trình phân vùng sử dụng
đất đai trong không gian liên quan tới sự lựa chọn của con người về vị trí định cư và sản xuất
kinh doanh. Vai trò quyết định của yếu tố vị thế xã hội trong việc hình thành các phân vùng
chức năng đất đai ngày càng được cộng đồng khoa học thế giới xác nhận [10] và được đề cập
nghiên cứu trong dự án phát triển bền vững do Cộng đồng châu Âu thực hiện [11].
Hệ quả 2:


Trần Thanh Hùng

6
Quy luật đường ngưỡng, phản ánh mối quan hệ giữa chất lượng và vị thế của bất động sản,
là một cách thức hành xử mới, được hình thành từ sự lựa chọn của các cá nhân trong xã hội, và
vì vậy, là hành vi hợp trội của các hệ thống kinh tế - xã hội.
Tính chất hợp trội của các hành vi kinh tế - xã hội được phát biểu là vấn đề nghiên cứu của
khoa học mới trong các bài viết của Phan Đình Diệu (2002) [12] và được khẳng định trong các
nghiên cứu của Alan Kirman (2010) [13].
Hành vi hợp trội hay tính chất hợp trội là một tính chất của hệ thống chỉ tồn tại trong hệ thống
mà không tồn tại trong từng thành phần của hệ thống. Hành vi hợp trội là hành vi của hệ thống
được hình thành từ những hành vi ứng xử của từng cá nhân theo nguyên tắc đơn giản [11].
Một trong những biểu hiện của hành vi hợp trội là quy tắc ứng xử của nhóm, nội quy của một tập thể
nào đó, hay pháp luật của một xã hội.
Vậy tại sao nói đường ngưỡng là hành vi hợp trội? Nếu nó là hành vi hợp trội thì nó phải là
kết quả của sự tương tác qua lại giữa các cá nhân trong xã hội. Mức chất lượng nhà ở được hình
thành từ sự lựa chọn so sánh, (ganh đua) với những người hàng xóm xung quanh.
Theo lẽ đó các hành vi theo đường ngưỡng là hành vi duy lí phân biệt với các hành vi phi
duy lí mang tính ích kỉ cá nhân (theo trục O-CL) hay háo danh sĩ diện (theo trục O-VT).
Hành vi theo đường ngưỡng là duy lí vì là hành vi tuân thủ theo luật chơi, theo quy ước của
nhóm và cộng đồng, những hành vi không theo luật chơi là những hành vi vô lí, không có lí, phi
lí trí, phi duy lí. Như vậy, cái duy lí, cái có lí ở đây chỉ hình thành ở góc độ cộng đồng và xã hội,

tức là đứng ở đường ngưỡng thì chúng ta mới có quyền phán xét, phân biệt hành vi duy lí và
hành vi phi duy lí. Ở góc độ cá nhân mỗi hành vi ứng xử hà tiện hay hoang phí đều có căn cứ
biện hộ cho chính mình, chúng ta không có quyền phán xét hay phân biệt đâu có lí và đâu là
không có lí.
Về bản chất tâm lí hành vi của con người, trong mỗi con người luôn tồn tại trạng thái tình
cảm hai chiều lẫn lộn nhau, như là yêu thương và ghét bỏ, hấp dẫn và ghê sợ, tuân phục và bất
tuân phục, thiện và ác, Hai trạng thái dương tính và âm tính lẫn lộn nhau này có nguồn gốc từ
tình cảnh lưỡng nan của con người, vừa tự do và cũng vừa phụ thuộc không tách rời nhau. Chính
vì vậy mà hành vi của con người lúc thế này lúc thế khác, hai chiều lẫn lộn, biểu hiện ra ngoài
phụ thuộc vào từng bối cảnh cụ thể [2]. Từ đó, thấy được hành vi ứng xử của con người thay đổi
thất thường, lúc thì ích kỉ, lúc thì sĩ diện. Lúc yêu thương thì cho là tốt, lúc ghét bỏ thì lại là xấu
về mặt chất lượng, cho là cao hay là thấp về mặt vị thế.
Như vậy, chúng ta thấy bản chất hành vi con người là bất định, là mù mờ có nguồn gốc từ
tình cảm hai chiều lẫn lộn, nhưng cũng nhận thấy mặt dương tính và mặt âm tính của tình cảm
biểu hiện phụ thuộc vào bối cảnh bên ngoài. Đây là căn cứ để đưa ra những quyết định tác động
trong quản lí.
Hành vi ứng xử con người phụ thuộc vào bối cảnh dưới sự tác động của các quy tắc ứng xử,
của tâm lí đám đông, của sức ép cộng đồng, mà trong từng bối cảnh có cách ứng xử khác nhau,
lúc thì duy lí trí lúc thì phi duy lí [4].
Như vậy, ở cấp độ cá nhân hành vi ứng xử là ngẫu nhiên, không nhất quán, khó đoán định,
nhưng ở cấp độ xã hội các hành vi hợp trội là các hành vi tuân thủ theo các quy tắc ứng xử của
nhóm và cộng đồng, nên chúng là có lí, tức là các hành vi duy lí, nhất quán và dễ đoán định.
Thấy được mối quan hệ giữa tính bất định và tất định trong không gian Vị thế - Chất lượng.
Hành vi phi duy lí là hành vi không xác định, còn hành vi duy lí là hành vi xác định.
Hệ quả ứng dụng trong nghiên cứu quản lí đất đai:


Nguyên lí Bất định và lí thuyết Vị thế - Chất lượng: Triển vọng ứng dụng trong nghiên cứu QLĐĐ

7

Xác định các hành vi hợp trội là duy lí và thể chế hóa các hành vi này để làm căn cứ điều
chỉnh các hành vi phi duy lí trong các hoạt động sử dụng đất đai.
Vấn đề còn lại làm thế nào để xác định được hành vi hợp trội hay nói cách khác xu hướng
chung trong hành vi ứng xử của con người.
Như đã nói ở trên, đường ngưỡng mong muốn vừa là đường trung bình, vừa là đường tối
thiểu, vừa là đường tối đa. Đường xu hướng chung hay hành vi hợp trội là đường trung bình
(trung điểm, hay trung tâm). Ví dụ, trong quản lí đất đai xác định quy mô diện tích và thời hạn
sử dụng đất, giá đất và thuế đất,
Hệ quả 3:
Cơ sở hình thành và phát triển thị trường bất động sản là các hành vi lựa chọn vị thế và
chất lượng bất động sản [14], có tính đến các yếu tố duy lí và phi duy lí, vì vậy có thể nói một
cách tiên nghiệm rằng lí thuyết Vị thế - Chất lượng là cầu nối giữa kinh tế học hành vi và kinh tế
học tân cổ điển.
Kinh tế học tân cổ điển bao gồm các lí thuyết kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô. Các lí thuyết
này được xây dựng trên điều kiện giả thiết về hành vi của con người là duy lí tức là luôn luôn có
mục tiêu tối đa hóa lợi ích trên cơ sở của sự tự do lựa chọn và sở thích tương đồng, cùng với
khả năng tính toán không bị giới hạn về tri thức và thông tin.
Kinh tế học hành vi phê phán giả thiết hành vi duy lí kinh tế của kinh tế học tân cổ điển [15].
Theo các nhà kinh tế học hành vi, hành vi của con người không hoàn toàn thuần lí, mà thường
xuyên phi duy lí do bị tác động của đám đông, của tâm lí bầy đàn, của tính cố kết và của tính
tương đối (so sánh) [4]. Kinh tế học hành vi không công nhận hành vi duy lí. Thực tế cho thấy
hành vi con người cũng vừa duy lí và cũng vừa phi duy lí, vừa tiết kiệm vừa hoang phí, vừa có
và vừa không có mục tiêu tối đa hóa lợi ích. Cả hai vấn đề này cùng tồn tại trong không gian
Vị thế - Chất lượng. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, lí thuyết Vị thế - Chất lượng chính là cầu nối
giữa hai lí thuyết kinh tế nêu trên.
Hệ quả ứng dụng trong nghiên cứu quản lí đất đai:
Đường ngưỡng là đường hành vi duy lí tiên đề của kinh tế học tân cổ điển, là đường tụ hội
của cung và cầu, chi phí và lợi ích, vì vậy nó là đường giá cả thị trường của đất đai. Từ đó
giải quyết được vấn đề giá cả thị trường đất đai hiện nay còn nhiều tranh cãi, “Giá cả thị trường
đất đai như lá diêu bông”.

4. TRIỂN VỌNG ỨNG DỤNG NGUYÊN LÍ BẤT ĐỊNH VÀ LÍ THUYẾT VỊ THẾ -
CHẤT LƯỢNG TRONG NGHIÊN CỨU QUẢN LÍ ĐẤT ĐAI
4.1. Khách thể, đối tượng, chủ thể và nội dung quản lí đất đai
- Khách thể quản lí đất đai: Là đất đai, là sự vật mà các hoạt động quản lí hướng đến.
- Đối tượng quản lí đất đai: Là các mối quan hệ đất đai, hay chính xác hơn là các hành vi
ứng xử của người sử dụng đất đai, là quá trình chịu sự tác động trực tiếp của các hoạt động
quản lí đất đai. Đối tượng quản lí là một phần, một phương diện của khách thể quản lí.
- Chủ thể quản lí đất đai: Là những người quản lí với các tổ chức của mình thực hiện các
hoạt động quản lí hướng đến khách thể và tác động trực tiếp lên đối tượng quản lí. Hoạt động
quản lí trước tiên mang tính chủ quan của người quản lí, nhưng căn cứ vào sự hiểu biết và các tri
thức về các tính chất, quy luật của khách thể và đối tượng quản lí, vì vậy, hoạt động này mang tính


Trần Thanh Hùng

8
khách quan. Hoạt động quản lí bao gồm cả hai mặt chủ quan và khách quan không tách rời trong
mối quan hệ biện chứng với nhau.
- Nội dung quản lí đất đai: Là các hoạt động của chủ thể quản lí trong việc điều chỉnh phân
phối, sử dụng và bảo vệ quỹ đất đai quốc gia phù hợp với từng thời kì phát triển kinh tế - xã hội,
hướng đến mục tiêu sử dụng tài nguyên đất đai của quốc gia một cách tiết kiệm, hiệu quả và
hợp lí [1].
4.2. Các ứng dụng nguyên lí Bất định và lí thuyết Vị thế - Chất lượng trong nghiên cứu
quản lí đất đai
- Định nghĩa lại khái niệm đất đai. Đất đai được hiểu bao gồm đất và người, có các tính
chất tự nhiên và xã hội. Tính chất tự nhiên của đất đai là các đặc điểm về không gian, địa hình,
địa mạo, địa chất và địa chấn, cũng như các đặc điểm lí hóa sinh của môi trường đất. Tính chất
xã hội của đất đai là các đặc điểm văn hóa - xã hội và kinh tế của con người. Trong mối quan hệ
giữa con người với các tính chất đất đai xuất hiện các phạm trù chất lượng tự nhiên và vị thế
xã hội, có tính bất định bởi vì chúng được xác định trong mối quan hệ giữa con người với các

tính chất tự nhiên và xã hội của đất đai.

Hình 2. Mối quan hệ giữa khách thể, đối tượng và chủ thể quản lí đất đai.
- Làm rõ tính bất định và tính tất định trong hành vi ứng xử của người sử dụng đất đai theo
nguyên lí Bất định và lí thuyết Vị thế - Chất lượng.
- Xác định cách thức tác động lên đối tượng quản lí của nhà quản lí nhằm làm xuất hiện
mặt dương tính của tình cảm con người như sự tuân phục, tình thương yêu và tính thân thiện,
che lấp mặt âm tính của nó như sự bất tuân phục, ghét bỏ và tính tàn ác trong quá trình quản lí.
- Nghiên cứu các giải pháp nội dung quản lí đất đai, bao gồm đánh giá và định giá đất đai,
quy hoạch, chính sách và pháp luật đất đai căn cứ vào lí thuyết Vị thế - Chất lượng và thống nhất
với thế giới quan của nguyên lí Bất định.
5. KẾT LUẬN


Nguyên lí Bất định và lí thuyết Vị thế - Chất lượng: Triển vọng ứng dụng trong nghiên cứu QLĐĐ

9
Nguyên lí Bất định và lí thuyết Vị thế - Chất lượng cho phép hiểu rõ hơn các tính chất của
đất đai và cách thức hành xử của người sử dụng đất, cũng như nguyên nhân xuất hiện và vai trò
của quản lí đất đai có nhiệm vụ lập lại trật tự tất định trong sử dụng đất đai từ sự hỗn loạn
bất định bằng sự tham gia trực tiếp của chủ thể quản lí với các giải pháp hợp trội xác định ngay
trong mối quan hệ giữa chủ thể với khách thể và đối tượng quản lí.
Cách tiếp cận mới trong nghiên cứu quản lí đất đai xem xét chủ thể và khách thể quản lí
không tách rời, mà trong mối quan hệ tổng hòa với nhau, khi cho rằng các tính chất của đất đai
chỉ được xác định trong mối quan hệ này, các giải pháp và kết quả quản lí hình thành phụ thuộc
vào khả năng hợp trội của chủ thể và đối tượng quản lí.
Hơn nữa, khi nghiên cứu quản lí con người trong sử dụng đất đai, giải quyết vấn đề sở hữu
đất đai, thì không thể không đề cập đến vấn đề cốt lõi về sự tự do của con người. Có thể nói
một cách tiên nghiệm rằng, không gian Vị thế - Chất lượng là không gian tự do của Locke,
đường ngưỡng là đường tự do tất yếu của Hegel, không gian dưới đường ngưỡng là không gian

của con người công cụ, không gian trên đường ngưỡng là không gian của con người tự do./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chu Văn Thỉnh - Cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chính sách và sử dụng hợp lí quỹ
đất đai, Đề tài cấp nhà nước, Viện Nghiên cứu Địa chính, Hà Nội, 2000.
2. Neil J. Smelser - Cái hợp lí và tình cảm hai chiều trong khoa học xã hội, American
Sociolgical Review, Vol. 63, No.1 Feb 1998, pp 1-16, (Bản dịch của Bùi Thế Cường).
3. David Peat F. - Từ xác định đến bất định, NXB Tri thức, 2012.
4. Dan Ariely - Phi lí trí: Khám phá những động lực vô hình ẩn sau những quyết định của
con người, NXB Lao động - Xã hội, 2009.
5. Alonso William - Location and Land Use. Harvard University Press, Cambridge,
Massachusetts, 1964.
6. Edward Glaeser - Non-Market Interactions, Department of Economics, Harvard University,
2002.
7. Hoàng Hữu Phê và Patrick Wakely - Vị thế, chất lượng và sự lựa chọn khác: Tiến tới một
Lí thuyết mới về Vị trí Dân cư Đô thị, Tạp chí Đô thị học (Urban Studies) xuất bản tại
Vương quốc Anh, Vol. 37, No. 1, January 2000.
8. Tôn Thất Nguyễn Thiêm - Dấu ấn thương hiệu, Tập I, II, III, NXB Trẻ, 2005.
9. Trần Thanh Hùng - Lí thuyết Vị thế - Chất lượng: Triển vọng mô hình hóa toán học và
cầu nối giữa kinh tế học hành vi và kinh tế học tân cổ điển, Tập san HTKH, Trường Đại học
Xây dựng Hà Nội, 2013.
10. Kim Jeong Moon - Residential Location Decisions: Heterogeneity and the Trade-off
between Location and Housing Quality, Ohio State University, 2010.
11. SUME - Sustainable Urban Metabolism for Europe, Deliverable 4.1 DRAFT v2.2, Work
Package 4, October, 2009.
12. Phan Đình Diệu - Tư duy hệ thống và đổi mới tư duy, Thời Đại, số 6, năm 2002, trang 87-
116.
13. Alan Kirman - The Economic Crisis is a Crisis for Economic Theory, CESifo Economic
Studies, Vol. 56, April 2010, 498-535.



Trần Thanh Hùng

10
14. David Meen and Geoffrey Meen - Social Behaviour as a Basis for Modelling the Urban
Housing Market: A Review, The University of Reading, 2002.
15. Trần Hữu Dũng - Khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng trong kinh tế học, Thời báo Kinh tế
Việt Nam VnEconomy, ngày 4 tháng 1 năm 2010.
ABSTRACT
UNCERTAINTY PRINCIPLE AND THEORY OF STATUS – QUALITY: APPLICATION
PROSPECT IN LAND ADMINISTRATION RESEARCH
Tran Thanh Hung
Faculty of Land administration, HCMC University of Natural Resources and Environment,
236B Le Van Sy, Tan Binh District, HCMC
Email:
Formal land administration theories in Vietnam have not currently mentioned arising issues
related to land’s intangible nature and land users’ irrational behavior. They only study land’s
tangile and physical characteristics. And land users are supposed to have rational behavior, they
will pursue material interests that express their egoism. This paper proposes new approach in
land administration research from the viewpoint of uncertainty principle and theory of Status -
Quality to solve many problems mentioned above.
Keywords: status, quality, uncertainty, certainty, random, chaos, emergence, land, land and
human, value, property, tangible, intangible, behavior, rational, irrational.

×