Tải bản đầy đủ (.doc) (22 trang)

Chuyên đề Atlat Địa lí

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.82 MB, 22 trang )

Chuyên đề :
SỬ DỤNG ATLAT ĐỊA LÍ VIỆT NAM TRONG DẠY HỌC
MÔN ĐỊA LÍ THCS
Năm học 2008-2009 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc
triển khai chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới. Để phù hợp
với chương trình và sách giáo khoa mới, năm 2009 Công ty Cổ phần
Bản đồ và Tranh ảnh giáo dục tái bản cuốn Atlát Địa lí Việt Nam trên
cơ sở chỉnh lí và bổ sung cuốn Atlat Địa lí Việt Nam đã sử dụng từ
năm 1994 đến năm học 2008-2009 các nội dung như sau:
- Thay đổi hệ thống số liệu mới trên toàn cuốn Atlát để cập nhật;
- Điều chỉnh nội dung một số trang bản đồ trong Atlát;
- Tách trang bản đồ Đất, thực vật và động vật thành 02 trang: Các
nhóm và các loại đất chính; Động vật và thực vật;
- Bổ sung thêm 03 trang bản đồ: Các hệ thống sông; Kinh tế
chung; Các vùng kinh tế trọng điểm. Yêu cầu các địa phương hướng
dẫn giáo viên và học sinh sử dụng cuốn Atlat Địa lí Việt Nam tái bản
có chỉnh lí và bổ sung do Công ty Cổ phần Bản đồ và Tranh ảnh giáo
dục xuất bản năm 2009 trong học tập, kiểm tra và đánh giá bộ môn Địa
lí”.
Trên tinh thần chỉ đạo của sở GD. Phòng GD Tuy Phong tổ chức
cho GV môn địa trên toàn huyện tập huấn chuyên đề này: Nghiên cứu
kĩ phương pháp sử dụng Atlat trong dạy học môn Địa lí để thu được
kết quả cao tránh lãng phí một nguồn tư liệu đa dạng, phong phú, một
kho tàng kiến thức địa lí, phát huy phương pháp tư duy lozic, nâng
hiệu quả của việc giảng dạy và học tập môn Địa lí.
ĐỂ SỬ DỤNG ATLAT ĐỊA LÍ VIỆT NAM ĐẠT HIỆU QUẢ
GV CẦN CHÚ Ý ĐẾN MỘT SỐ VẤN ĐỀ SAU:
1- Khi hướng dẫn học sinh sử dụng Atlat địa lí Việt Nam để phân
tích cần đảm bảo những yêu cầu sau:
- Sử dụng những bản đồ phải có nội dung phù hợp với kiến thức
cần tìm hiểu trong bài .


- Khi phân tích bản đồ cần phải chú ý đọc đúng tên, các ước
hiệu, ký hiệu, màu sắc, và hình dáng kích thước để phân tích mới đảm
bảo tính chính xác, khoa học. Phải tìm tòi các chi tiết, không bỏ sót
một dữ kiện nào có liên quan trên bản đồ.
- Cần chú ý nghiên cứu kỹ các biểu đồ, xem xét từng số liệu và
các chú thích kèm theo để nắm vững cả những chi tiết nhỏ nhất.
- Khi hướng dẫn học sinh sử dụng Atlat phải yêu cầu các em sử
dụng bản đồ nào, trang nào cho phù hợp với nội dung bài học? Phải
phân tích từng dữ kiện có đặc điểm gì nổi bật? Cần khai thác bản đồ,
lược đồ hay biểu đồ, hình ảnh nào để tìm hiểu kiến thức của bài? `
2- Trình tự khi khai thác bản đồ trong Atlat là:
- Dựa vào bản đồ nào? Tên bản đồ? Trang nào của Atlat?
- Nhận biết và đọc được các ký hiệu, ước hiệu ở bảng chú giải. -
Phân tích các ký hiệu, ước hiệu, số liệu trên bản đồ để rút ra nhận xét.
- Thông qua việc phân tích mối quan hệ giữa các yếu tố tự nhiên
với kinh tế, xã hội, giữa các yếu tố kinh tế với nhau, từ đó rút ra kết
luận…
3- Giáo viên cần hình thành thói quen cho học sinh khi sử dụng
Atlat biết khai thác kiến thức nào trước, kiến thức nào sau. Hệ thống
câu hỏi dẫn dắt học sinh, phân tích giải thích phải ngắn gọn, rõ ràng,
chính xác, tránh rườm rà hoặc vụn vặt, gây tâm lí nhàm chán cho học
sinh .
4- Muốn có hiệu quả bài giảng cao, chất lượng tốt, người thầy
phải chuẩn bị kỹ nội dung, các thiết bị phục vụ cho bài, những tình
huống đột xuất có thể xảy ra, cách xử lí
5- Khi sử dụng Atlát trên lớp có thể kết hợp với các bản đồ trong
sách giáo khoa; bản đồ treo tường và lược đồ nhằm giúp giáo viên
truyền đạt kiến thức mới, ôn tập và kiểm tra đánh giá học sinh một
cách hiệu quả hơn. Với các bản đồ, biểu đồ, hình ảnh trong Atlát, giáo
viên có thể hướng dẫn học sinh so sánh đối chiếu, khái quát những

kiến thức mới tiếp thu được qua bài giảng, và những tư liệu được minh
hoạ trong Atlát.
6- Để việc sử dụng Atlat địa lí Việt Nam được hiệu quả, giáo viên
không nhất thiết chỉ hướng dẫn tìm hiểu trong tiết học đó, mà có thể
hướng dẫn cho học sinh từ cuối bài trước về cách thức khai thác bản
đồ, biểu đồ chuẩn bị cho bài sau, nêu những yêu cầu cụ thể cần đạt
được, nhất là những bài cần sử dụng nhiều trang bản đồ. Như vậy các
em có định hướng sẵn, dễ dàng thực hiện có hiệu quả những vấn đề
cần thiết cho bài học, tiết học sinh động hơn, hiệu quả cao hơn.
7- Không nên lạm dụng một phương pháp, mà cần phối hợp việc
sử dụng các phương tiện dạy học truyền thống, cùng những thiết bị
hiện đại và Atlat thì hiệu quả của bài sẽ cao hơn.
MỘT SỐ VÍ DỤ VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN HS KHAI THÁC
KIẾN THỨC TỪ ATLAT VÀ VẬN DỤNG TRONG GIẢNG DẠY
Ở môn địa lí lớp 8 HKII :
* Bài: Đất Việt Nam
Phân tích bản đồ “Các nhóm và các loại đất chính” trang 11
- Giáo viên hướng dẫn học sinh nghiên cứu kĩ màu sắc các nhóm
đất, vị trí từng nhóm đất, tỷ lệ loại đất nào chiếm nhiều nhất.
Đọc tên từng loại đất, tìm hiểu vai trò của đất, sau đó rút ra kết
luận:
+ Đất là tài nguyên quý giá, tư liệu sản xuất không thể thay thế
được của ngành nông nghiệp.
+ Đất phù sa tập trung ở lưu vực sông Hồng và sông Cửu Long,
miền Duyên hải Trung Bộ, phù hợp trồng lúa nước và các cây công
nghiệp ngắn ngày.
+ Đất feralit tập trung chủ yếu ở miền núi và trung du, phù hợp
với việc phát triển các cây công nghiệp dài ngày như: chè, cà phê, cao
su, hồ tiêu…

*Bài: Sinh vật Việt Nam
- Phân tích bản đồ “Thực vật và động vật” trang 12: Cần quan sát
kĩ màu sắc chỉ các thảm thực vật, hình tượng các loài động vật, biểu
tượng khu dự trữ sinh quyển và vườn quốc gia, các sông hồ. Từ đó rút
ra kết luận: Tài nguyên sinh vật nước ta phong phú và đa dạng, là cơ
sở thuần dưỡng, lai tạo nên giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt,
thích nghi cao với điều kiện sinh thái nước ta. Bên cạnh đó còn tạo nên
phong cảnh thiên nhiên kì thú giúp cho việc phát triển ngành du lịch.

*Bài : Các hệ thống sông lớn ở nước ta
- Phân tích bản đồ “Các hệ thống sông” trang 10, GV hướng dẫn
HS chú ý tìm hiểu màu sắc chỉ lưu vực các sông, chiều dài các sông;
biểu đồ tỉ lệ lưu vực các hệ thống sông và lưu lượng nước trung bình
của sông Hồng, sông Đà Rằng, sông Mê Công, đại diện 3 miền Bắc,
Trung, Nam. Tìm hiểu thêm thực tế về những thuận lợi, khó khăn do
sông ngòi gây ra, biện pháp khắc phục. Qua đó rút ra kết luận:
+ Tài nguyên nước của nước ta rất phong phú do có hệ thống sông
ngòi chằng chịt và nhiều đầm hồ, nguồn nước ngầm phong phú, thuận
lợi cho việc tưới tiêu trong nông nghiệp, giao thông đường thuỷ.
Nhưng lại có lũ lụt, hạn hán ảnh hưởng đến nông nghiệp.
+ Thuỷ lợi là biện pháp hàng đầu trong thâm canh nông nghiệp, tạo
ra năng suất cây trồng cao. Bên cạnh đó phải tăng cường giữ vệ sinh
nguồn nước, phòng tránh ô nhiễm môi trường.
Ở MÔN ĐỊA LÍ 9:
Thí dụ 1:- Dùng Atlat địa lí Việt Nam để học sinh tìm hiểu sự
phân bố lâm nghiệp và thuỷ sản của nước ta (Bài 9 “Sự phát triển và
phân bố lâm nghiệp, thuỷ sản”)
- Để trình bày được nội dung trên ta hướng dẫn học sinh
khai thác kiến thức qua các bản đồ, biểu đồ trang 20 của Atlat. Cụ
thể là:

- Phần 1. “Lâm nghiệp”: yêu cầu học sinh quan sát kĩ màu sắc
chỉ tỉ lệ rừng, biểu đồ giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2000 của từng
tỉnh và diện tích rừng cả nước năm 2000. Tác động của rừng đến
lâm, nông nghiệp?

- Qua đó rút ra kết luận:
+ Tài nguyên rừng nước ta đang cạn kiệt, do khai thác bừa
bãi và nạn phá rừng bừa bãi, làm cho độ che phủ thấp ảnh hưởng
đến sản xuất lâm, nông nghiệp.
+ Quy mô giá trị sản xuất lâm nghiệp của các tỉnh trong cả
nước thấp.
+ Cần tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng và trồng rừng.
- Phần 2. “Ngành thuỷ sản”: - Căn cứ vào màu sắc biểu thị giá
trị sản xuất thuỷ sản trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản.
Quan sát các các ngư trường. Từ đó cho học sinh phân tích các hoạt
động về thuỷ sản của nước ta.
- Phân tích các biểu đồ thể hiện sản lượng thuỷ sản khai thác và
nuôi trồng của các tỉnh năm 2007, quan sát số liệu chỉ sản lượng
thuỷ sản cả nước qua các năm 2000; 2005; 2007. Liên hệ kiến thức
đã học, tìm thuận lợi và khó khăn của ngành thuỷ sản.
Qua đó rút ra kết luận:
+ Nước ta có nhiều điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho sự
phát triển của ngành thuỷ sản nước mặn, nước ngọt, nước lợ; do có
bờ biển dài, bốn ngư trường lớn, sông ngòi chằng chịt, nhiều đầm
hồ
+ Tuy nhiên do trình độ kĩ thuật thấp, quy mô sản xuất nhỏ,
nguồn vốn ít, đánh bắt không khoa học, nên môi trường một số tỉnh
suy thoái, nguồn lợi thuỷ sản giảm mạnh.
Thí dụ 2:- Sử dụng Atlat địa lí Việt Nam để học sinh tìm hiểu

tình hình phát triển và phân bố công nghiệp ở nước ta (bài 11– 12
SGK Địa lí 9 ).
- Bài 11 “Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố
công nghiệp”.
- Khi giảng dạy nội dung về ngành công nghịêp ta phải hướng
dẫn cho học sinh biết sử dụng bản đồ “Công nghiệp chung” trang 21
Atlat, bản đồ “Địa chất và khoáng sản” trang 8; cách thực hiện như
sau: học sinh đọc kỹ bản đồ, biểu đồ, tìm hiểu về các nhóm ngành
công nghiệp, hình ảnh sản xuất công nghiệp, các trung tâm công
nghiệp trong phần chú thích. Các mỏ khoáng sản, vị trí mỏ… đồng
thời khai thác kiến thức trên lược đồ SGK, thấy rõ đặc điểm phân
hoá công nghiệp nước ta.
Qua phần hướng dẫn kỹ năng sử dụng Atlat, học sinh nhanh
chóng nhận xét và rút ra kết luận:
+ Sự phân bố tài nguyên khoáng sản trên lãnh thổ đã tạo nên
thế mạnh khác nhau cho các vùng. Do nguồn tài nguyên phong phú
tạo nên nền công nghiệp đa ngành.
+ Nguồn tài nguyên thiên nhiên có trữ lượng lớn, tạo cơ sở
phát triển những ngành công nghiệp trọng điểm.
+ Công nghiệp nước ta phân bố không đều trên khắp lãnh thổ
mà tập trung theo từng khu vực, từng vùng như: đồng bằng sông
Hồng và Đông Nam Bộ.
- Bài 12: “Sự phát triển và phân bố công nghiệp”: cho
học sinh phân tích bản đồ “Các ngành công nghiệp trọng điểm”
trang 22. Trong mỗi bản đồ nhóm ngành lại tìm hiểu kĩ kí hiệu
biểu diễn từng ngành công nghiệp. Xác định trên bản đồ được
một số ngành công nghiệp trọng điểm. Cần phân tích kĩ các biểu
đồ thể hiện giá trị, sản lượng, tỉ trọng của 3 nhóm ngành công
nghiệp năng lượng, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất

hàng tiêu dùng.
- Qua đó học sinh có thể nhận biết và rút ra kết luận:
+ Nước ta có đủ các ngành công nghiệp thuộc các lĩnh vực
đang phát triển mạnh dựa trên thế mạnh về tài nguyên và lao động,
đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
+ Cơ cấu đủ các ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta,
giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp chiếm tỉ trọng lớn.
+ Công nghiệp khai thác nhiên liệu than ở Quảng Ninh, dầu khí
ở thềm lục địa phía Nam
+ Công nghiệp điện gồm các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện
đang phát triển mạnh cung cấp điện năng cho đất nước.
+ Các ngành công nghiệp nặng như: cơ khí luyện kim, điện tử,
hoá chất, vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp
chế biến lương thực thực phẩm…đang phát triển.
+ Hai trung tâm công nghiệp lớn nhất là thành phố Hồ Chí
Minh và Hà Nội.
• Như vậy qua việc khai thác kiến thức trên bản đồ, biểu
đồ, học sinh nhận thức kiến thức địa lí một cách nhẹ nhàng, đơn
giản, tăng thêm hứng thú, trên cơ sở đã mã hoá các thông tin bằng
ký hiệu, màu sắc, kích thước góp phần làm cho học sinh say mê
học môn Địa lí hơn.
* Hướng dẫn HS phân tích bản đồ, biểu đồ trong Atlat địa lí Việt
Nam để rút ra nhận định về tình hình phát triển kinh tế của các
vùng kinh tế nước ta:
Nội dung kiến thức quan trọng của chương trình Địa lí 9 là
nghiên cứu các vùng kinh tế. Vấn đề phát triển kinh tế của mỗi
vùng vừa thể hiện đặc điểm chung của cả nước, vừa thể hiện tính
chất đặc thù riêng của từng vùng. Vì vậy khi trình bày nội dung
kiến thức của vùng đòi hỏi phảỉ có kỹ năng sử dụng nhiều trang
Atlat để tìm hiểu kiến thức. Giáo viên cần hướng dẫn học sinh

tiến hành các bước như sau:
- Trước hết phải xác định vị trí, ranh giới của vùng. Dựa vào
bản đồ trong Atlat xác định vị trí: phía bắc, phía nam, phía đông,
phía tây giáp đâu?
- Xác định đặc điểm tự nhiên: địa hình, khí hậu, sông ngòi,
đất đai, sinh vật…
- Từ những đặc điểm trên, tìm thuận lợi khó khăn cho việc
phát triển kinh tế của vùng. Sau đó dựa vào bản đồ để phát hiện
được các tiềm năng. So sánh với các vùng để tìm nét nổi bật, thế
mạnh của vùng đó. Tìm hiểu tình hình dân cư, đời sống văn hoá
– xã hội.
Thí dụ: - Phân tích bản đồ “Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng
Đồng bằng sông Hồng” và biểu đồ trang 26 dạy bài 17 và 18. a- Bài
17: “Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ”. Theo cách phân tích trên,
cho học sinh quan sát tìm vị trí địa lí, địa hình. Căn cứ vào các bản đồ
địa chất khoáng sản, sông ngòi, khí hậu, các nhóm và các loại đất, dân
số… (như đã trình bày ở các phần trên). Dựa vào đó tìm hiểu thêm về
khí hậu, đất đai, khả năng phát triển kinh tế… rút ra kết luận:
+ Vị trí địa lí: nằm hoàn toàn ở miền Bắc nước ta, phía bắc
giáp Trung Quốc, phía tây giáp Lào, phía đông giáp biển (vịnh Bắc
Bộ), phía nam giáp Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Đây là
vùng có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng và an ninh quốc
gia, có truyền thống lịch sử vẻ vang về chống phong kiến phương
Bắc giành độc lập dân tộc.
+ Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên: là vùng có đặc
trưng địa hình cao nhất nước ta, với dãy Hoàng Liên Sơn và đỉnh
Phan xi Păng hùng vĩ; đặc biệt có vùng trung du dạng đồi bát úp có
giá trị kinh tế lớn về trồng cây công nghiệp. Khí hậu nhiệt đới ẩm,
có mùa đông lạnh thích hợp cho cây công nghiệp cận nhiệt và ôn

đới phát triển, đa dạng sinh học. Tài nguyên khoáng sản phong phú,
đa dạng. Tiềm năng thuỷ điện lớn.
+ Đặc điểm dân cư - xã hội: vùng là địa bàn cư trú chính của
dân tộc ít người: Thái, Mường, Dao, Mông, Tày, Nùng… Đời sống
văn hoá thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao so với cả nước.
- Bài 18: - Từ các đặc điểm ở bài 17, cho phân tích tiếp bản đồ
“Kinh tế” trang 26 và các bản đồ nông nghiệp, công nghiệp (đã nêu
ở phần trên). Nhận xét tiếp đặc điểm địa hình, khí hậu, tiềm năng
phát triển các ngành kinh tế, các tác động đến sản xuất công- nông
nghiệp, các trung tâm kinh tế trong vùng. Phân tích biểu đồ GDP
của vùng so với cả nước, GDP theo khu vực kinh tế của các vùng.
Rút ra kết luận về tình hình phát triển kinh tế :
+ Công nghiệp : Công nghiệp khai thác và năng lượng (nhiệt
điện, thuỷ điện) phát triển, gắn liền với công nghiệp chế biến, phục
vụ đời sống nhân dân, một phần xuất khẩu.
+ Nông nghiệp: Khí hậu nhiệt đới ẩm có mùa đông lạnh thích
hợp cho cây công nghiệp cận nhiệt và ôn đới phát triển. Cây chè là
thế mạnh của vùng chiếm tỉ trọng lớn nhất, có thương hiệu nổi tiếng
trong và ngoài nước. Ngô là nguồn lương thực chính của người dân
vùng núi cao phía Bắc. Nghề rừng phát triển mạnh theo hướng nông
lâm kết hợp. Đàn trâu chiếm tỉ trọng lớn nhất cả nước (57,3%) Phát
triển công nghiệp gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp (núi cao,
vực sâu) giao thông không thuận tiện.
+ Dịch vụ: Hoạt động du lịch là thế mạnh của vùng, có nhiều
điểm du lich, đặc biệt là vịnh Hạ Long - một di sản thiên nhiên thế
giới. Các cửa khẩu quốc tế quan trọng: Móng Cái, Hữa Nghị, Lào
Cai, Tây Trang, tạo điều kiện giao lưu và phát triển kinh tế trong và
ngoài nước. Các thành phố có vị trí quan trọng: Thái Nguyên, Việt
Trì, Hạ Long, Lạng Sơn. Mỗi trung tâm có một chức năng riêng.
* Tóm lại khi phân tích tình hình phát triển kinh tế - xã hội mỗi

vùng chúng ta phải xác định xem nên sử dụng bản đồ nào, từ đó ta
khai thác kiến thức gì theo trình tự: vị trí,đặc điểm tự nhiên, xã hội,
tình hình phát triển kinh tế văn hoá, thế mạnh của mỗi vùng. Mỗi
kiến thức địa lí tự nhiên, xã hội kinh tế của từng vùng nói riêng và
cả nước nói chung đều thể hiện trong các trang bản đồ của Atlat địa
lí Việt Nam. Mỗi ước hiệu đều nói lên một kiến thức địa lí. Do đó
giáo viên cần cho học sinh tìm hiểu kỹ ngôn ngữ của bộ môn Địa lí
mà các em cần ghi nhớ chính là các ký hiệu, ước hiệu thể hiện trên
từng trang của Atlat
* Phân tích hình ảnh trong Atlat địa lí Việt Nam để khắc
sâu kiến thức của bài học.
-Trong một số bài người thầy không những truyền thụ các kiến
thức trong sách giáo khoa, các bản đồ, biểu đồ, mà còn cần dùng
những hình ảnh của Atlat để minh hoạ hỗ trợ cho nội dung của bài.
Như vậy bài giảng sinh động, minh chứng rõ ràng, học sinh thêm tin
tưởng vào các kiến thức thực tế, khắc sâu vào tâm trí các em. Giáo
viên có thể cho học sinh tìm hiểu nội dung những hình ảnh đó như
sau: đọc tên bức ảnh, tìm giá trị nội dung bức ảnh là gì? xem con
người làm gì? địa điểm, giá trị nghệ thuật của nó. Liên hệ với kiến
thức đã học và thực tế để học sinh có thể tự rút ra nhận xét, rồi giáo
viên kết luận.
Thí dụ 1: Dạy bài 8 “Sự phát triển và phân bố nông nghiệp”,
hướng dẫn học sinh quan sát và phân tích hình ảnh (trang 18) rút ra
nhận xét:
- Mục I. Ngành trồng trọt:
o Khi dạy phần 1. Cây lương thực nên đưa: Ảnh 1: Đây là hình
ảnh “Thu hoạch lúa” thể hiện người nông dân đang phấn
khởi dùng máy gặt trên đồng lúa vàng bội thu. Đồng thời nói
lên trong sản xuất nông nghiệp cây lúa là cây chủ đạo cả về

diện tích, sản lượng, năng suất, chất lượng. Phản ánh thế
mạnh trong nông nghiệp của nước ta là sản xuất lúa gạo,
không những đủ ăn mà còn xuất khẩu, hằng năm đứng thứ
hai thế giới.
o Khi dạy phần 2. Cây công nghiệp cần phân tích: Ảnh 2: Là
hình ảnh “Thu hoạch chè”, nói lên trên vùng đồi trung du, có
cây chè rất thích nghi với vùng đất chua này, những cô gái
đang hăng say hái những búp chè non tươi phục vụ ngành
công nghiệp chế biến. Cây chè là thế mạnh của vùng Trung
du và miền núi Bắc Bộ. Những thương hiệu chè nổi tiếng
trên thế giới như: chè Mộc Châu, chè San, chè Tân Cương
đã từ lâu được nhiều nước ưa chuộng.
o + Ảnh 3: “Chăm sóc cây hồ tiêu”, thể hiện trên vùng cao
nguyên đất đỏ bazan, những vườn tiêu xanh tốt thích hợp với
thổ nhưỡng của vùng… chứng tỏ rằng bên cạnh cây lúa và
cây chè, thì cây hồ tiêu là những cây công nghiệp mang lại
giá trị kinh tế rất cao, xuất khẩu đứng thứ hạng cao trên thế
giới, đem lại nguồn thu lớn cho đất nước…
Thí dụ 2: Dạy bài 12 “Sự phát triển và phân bố công nghiệp”.
Có 2 hình ảnh (trang 21). Cho học sinh quan sát, đọc tên hình ảnh
để nhận biết về các hoạt động công nghiệp nước ta. Qua đó giáo
viên có thể cho học sinh tìm hiểu giá trị nội dung từng hình ảnh, rút
ra nhận xét: - Mục II. Các ngành công nghiệp trọng điểm: giáo viên
cho học sinh phân tích:
+ Ảnh 2: “Dây chuyền sản xuất trong nhà máy dệt”, hình ảnh người
nữ công nhân đang chăm chú làm việc trong nhà máy dệt rất hiện
đại. Chứng tỏ rằng công nghiệp dệt và may mặc là ngành sản xuất
hàng tiêu dùng quan trọng của nước ta, đã xuất khẩu đi nhiều nước
trên thế giới, là thế mạnh của ngành công nghiệp nhẹ Việt Nam
Qua 2 bức ảnh trên thể hiện các ngành công nghiệp phát triển cả

trên đất liền và trên biển cả, trình độ phát triển công nghiệp Việt
Nam đã vươn cao, mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho đất nước.
Thí dụ 3: Dạy bài 15 “Thương mại và du lịch” cho học sinh
quan sát các hình ảnh (trang 25) để minh chứng cho ngành du lịch
nước ta. Qua đó các em nhận biết được địa danh trên bức ảnh, quan
sát kĩ cảnh trí trên 2 bức ảnh đối chiếu vị trí trên bản đồ và kiến thức
đã học, phân tích giá trị kinh tế của 2 địa danh, rút ra nhận định:
+Ảnh 1: “Cố đô Huế”, nằm ở dải đất hẹp miền Trung, vị trí ven
biển Đông, lại có rừng Trường Sơn bao bọc phía tây, quanh năm
hoa lá xanh tươi, nơi đô thị cổ kính thuộc thời Nhà Nguyễn (được
xây dựng từ đầu thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX). Đây là một khu di
tích lịch sử và văn hoá của Việt Nam, đã được UNESCO công nhận
là di sản văn hoá thế giới. Đây là trung tâm du lịch quốc gia rất nổi
tiếng.
+ Ảnh 2: “Sa Pa” là một thị trấn vùng cao, nổi tiếng thuộc
huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, được người Pháp phát hiện từ năm 1901
và xây dựng cho đến ngày nay. Nơi đây ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu
của tự nhiên, phong cảnh thiên nhiên với địa hình của núi đồi, màu
xanh của rừng cây, tạo nên bức tranh có bố cục hài hoà, có cảnh sắc
thơ mộng và hấp dẫn từ cảnh quan đất trời vùng đất phía Tây Bắc.
Là nơi đô thị sầm uất của vùng cao ít người miền Tây Bắc. Với độ
cao 1600m, quanh năm sương mù che phủ, mùa đông có băng tuyết,
mùa hè mát dịu, một điểm du lịch nổi tiếng. Hai địa điểm trên đều
được du khách trong và ngoài nước rất thích đến thăm. - Với lợi thế
về tiềm năng du lịch rất lớn của nước ta, nhưng thực tế các hạ tầng
cơ sở phục vụ cho du lịch còn yếu. Cần phát triển các dịch vụ du
lịch để phục vụ cho đời sống vật chất và tinh thần nhân dân trong
nước cùng du khách nước ngoài. Đó là mục tiêu của ngành công
nghiệp không khói, đồng thời góp phần đem lại nguồn lợi kinh tế rất
lớn cho đất nước.

* Tóm lại: Để phát huy được vai trò quan trọng của tập Atlat
địa lí Việt Nam cho học sinh học tập môn Địa lí, thì việc phân tích
khai thác phải có trình tự, biết khai thác những chi tiết nào, những
yếu tố nào trên bản đồ nào và quan sát hình ảnh nào là phù hợp nhất.
Tuỳ theo từng bài cụ thể ta có thể sử dụng một hay nhiều trang bản
đồ của Atlat địa lí Việt Nam để phục vụ cho việc tìm kiếm thông tin
thật khoa học, chính xác, mà bài học nhẹ nhàng, học sinh phấn khởi
học tập.
Việc hướng dẫn cho học sinh lớp 8-9 biết sử dụng Atlat địa lí
Việt Nam là rất quan trọng và hết sức cần thiết. Chứng tỏ rằng Atlat
không những là phương tiện tìm hiểu kiến thức mà còn giúp cho
việc phát huy được trí lực học sinh, đồng thời kích thích các em say
mê học tập môn Địa lí, vì nó rất hấp dẫn tính tò mò, ham hiểu biết
của tuổi trẻ. Không nên coi nhẹ Atlat địa lí Việt Nam, đó thực sự là
một tài liệu quý trong nhà trường.
* Phương pháp sử dụng Atlat địa lí Việt Nam là rất cần thiết và
quan trọng trong việc dạy và học môn Địa lí lớp 9. Đối với học sinh
THCS phương pháp này có tác dụng thúc đẩy tính tích cực, tự giác,
tư duy độc lập lozic trong học tập của học sinh, giúp các em chủ
động, sáng tạo, tự mình phân tích khai thác kiến thức qua các trang
bản đồ, biểu đồ trong Atlat. Học sinh nhận thức được các nội dung
trong Atlat không những là phương tiện trực quan sinh động mà còn
là bản mật mã ẩn chứa trong đó nhiều điều mới lạ, mang tính hấp
dẫn tuổi trẻ. Ngôn ngữ của nó là: các quy ước, ký hiệu, màu sắc,
hình ảnh và cả hình dáng kích thước của cả nước, một khu vực, hay
một vùng lãnh thổ giúp các em nắm bài nhanh, hiểu bài sâu sắc hơn.
- Trong công cuộc đổi mới phương pháp dạy học, đòi hỏi giáo
viên phải luôn luôn cải tiến các phương pháp giảng dạy so với các
phương pháp trước đây, để tăng tính hấp dẫn với học sinh. Ngược
lại, nếu giáo viên chỉ trình bày theo kiểu thuyết trình, vừa mệt thầy,

học sinh không thích nghe, hay mất trật tự, không thúc đẩy tính độc
lập sáng tạo của trò, hiệu quả bài dạy thấp. Đây là một phương pháp
dạy học phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh, rất
mong được các thầy - cô giáo hưởng ứng và áp dụng.
- Do giá thành Atlat còn cao so với đời sống học sinh ở vùng
nông thôn, các em chưa mua đủ Atlat để học tập nên mỗi trường cần
mua tối thiểu từ 15 – 20 quyển đưa vào thư viện cho học sinh sử dụng
trong việc hoạt động nhóm, nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học (chú
trọng các em diện chính sách).
Đối với những trường có điều kiện GV cần khuyến khích HS mua
để sử dụng nên mua từ HK2 của lớp 8 ( vì Atlat các em sử dụng từ cấp
2 đến cấp 3).
Các thầy - cô giáo cần tích cực hướng dẫn học sinh sử dụng Atlat
để việc học tập môn Địa lí chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Công văn số 8065/BGD&ĐT-GDTrH ngày 14-9-2009 của
BGD&ĐT “v/v sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam”. Chương trình giáo
dục phổ thông cấp THCS. (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ) - Rèn
luyện kỹ năng Địa lí cho học sinh. (Tác giả : Mai Xuân San - nhà xuất
bản Giáo dục Việt Nam ) - Sách giáo khoa Địa lí 9. (Nhà xuất bản
Giáo dục Việt Nam ). Sách giáo viên Địa lí 9 (Nhà xuất bản Giáo dục
Việt Nam ). - Atlat Địa lí Việt Nam. (Nhà xuất bản Giáo dục Việt
Nam, năm 2009). - Một số vấn đề về đổi mới phương pháp giảng dạy
ở nhà trường phổ thông. (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ). Các tài
liệu khác của sở GD.

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×