Tải bản đầy đủ (.doc) (21 trang)

Vấn đề quyền nữ giới trong quốc triều hình luật

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (201.03 KB, 21 trang )

VẤN ĐỀ QUYỀN NỮ GIỚI TRONG QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT
Trịnh Thị Hà
*

Quyền con người hay nhân quyền (human rights) là phạm trù chỉ các
quyền tự do của con người, đó là “những quyền tự nhiên của con người và không
bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào”
1
. Nghĩa là khi mọi người sinh ra,
đã được tạo hóa ban cho các quyền tất yếu không thể tước bỏ như quyền sống,
quyền tự do ngôn luận, quyền làm giàu, quyền mưu cầu hạnh phúc; chính họ có
quyền bình đẳng trong việc được hưởng các quyền đó.
Thuật ngữ Quyền con người xuất hiện chính thức từ nửa sau thế kỷ XVIII,
và nó được ghi nhận trong những văn bản pháp lý quan trọng, mở đầu là bản
Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ, tiếp đến là bản Tuyên ngôn Nhân
quyền và Dân quyền của nước Pháp năm 1791; tuyên ngôn thế giới về quyền con
người năm 1948 của Liên hợp quốc và sau đó một loạt Hiến pháp của nhiều quốc
gia đã ghi nhận các quyền con người như một bộ phận cấu thành của hiến pháp,
như mục tiêu cần phải thực hiện của chính nhà nước đó.
Quyền nữ giới là một trong những nội dung quan trọng dung quyền con
người. Năm 1979 cộng đồng quốc tế đã thông qua bản Công ước xoá bỏ mọi hình
thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ nhằm quy định những biện pháp đảm bảo
cho phụ nữ ở mọi nơi có thể được hưởng thụ các quyền mà họ được ghi nhân,
đồng thời từng bước xóa bỏ sự phân biệt trong đối xử, tạo ra sự bình đẳng người
phụ nữ như chính bản công ước đã khẳng định:
“Quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái là không thể chuyển nhượng
và là cấu phần không thể tách rời của các quyền con người phổ quát. Sự tham gia
bình đẳng và đầy đủ của phụ nữ vào đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và
văn hoá hoá ở cấp độ quốc gia và khu vực quốc tế, và việc xoá bỏ tất cả các hình
thức phân biệt đối xử… là những mục tiêu ưu tiên của cộng đồng quốc tế”
2


.
Ở nước ta, năm 2006 Luật bình đẳng giới chính thức ra đời; đây vừa là cơ
sở pháp lý quan trọng trong việc thừa nhận và bảo vệ các quyền của phụ nữ, vừa
*
Thạc sỹ, Viện Sử học - Viện Khoa học xã hội Việt Nam
1
Dẫn theo Võ Khánh Vinh (chủ biên), Quyền con người tiếp cận đa ngành và liên ngành, Nxb
KHXH, Hà Nội, 2009, tr.35.
2
Dẫn theo Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Luật, Quyền con người (Tập tài liệu chuyên đề của
Liên hợp quốc), Nxb Công an nhân dân, 2010, tr. 400.
có ý nghĩa như sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho quá trình thực hiện bình đẳng giới vì phụ
nữ, vì sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Song nội hàm ý nghĩa và những mặt biểu
hiện của nó đã được thể hiện trên một số bình diện của đời sống xã hội từ khi có
nhà nước, đặc biệt là khi có luật pháp.
Quốc triều hình luật thời Lê hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức ra đời trong
thế kỷ XV khi Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống và giữ vai trò chủ đạo
chi phối mọi mặt của đời sống xã hội. Mặc dù vậy các nhà lập pháp thời Lê đã biết
kết hợp những ưu điểm của Nho giáo với những giá trị truyền thống của dân tộc để
tạo ra một bộ luật mà cho đến ngày nay vẫn còn nhiều giá trị. Một trong những giá
trị cơ bản và quan trọng của bộ luật là quyền con người. Quyền con người được
phản ánh ở nhiều góc độ với nhiều đối tượng khác nhau: quyền bình đẳng thực thi
pháp luật của các thành viên trong xã hội, quyền bình đẳng nam - nữ, bình đẳng vợ
- chồng; quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, người già, người tàn tật;
quyền được giáo dục học tập Ở bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới vấn đề
quyền phụ nữ thông qua việc tìm hiểu các điều luật của Quốc triều Hình luật thời
Lê sơ. Từ đó góp phần khẳng định, ngay từ thế kỷ XV nhà nước phong kiến thời
Lê sơ đã đặc biệt quan tâm tới vấn đề quyền của con người, trong đó có quyền
của phụ nữ.
Quyền nữ giới được thể hiện qua những nội dung nào?

Cũng như bản Công ước xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại
phụ nữ của Hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1979, luật Bình đẳng giới của
Việt Nam ra đời dựa trên cơ sở những điều khoản của bản công ước trên, đều
nhằm mục đích cuối cùng là đảm bảo quyền bình đẳng của nam và nữ trong việc
hưởng thụ tất cả các quyền con người, loại bỏ các hành vi bất bình đẳng đảm bảo
cho phụ nữ các quyền trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ở cấp quốc gia, cấp
khu vực và quốc tế. Như bản Tuyên ngôn về quyền phụ nữ và công dân nữ do bà
Olympe de Gouges (người Pháp) soạn thảo năm 1789 đã khẳng định: “Phụ nữ
sinh ra được tự do và hưởng các quyền bình đẳng như nam giới trong mọi lĩnh
vực”
3
.
Cụ thể: phụ nữ có quyền bình đẳng trong đời sống chính trị và công cộng ở
cấp quốc gia cũng như cấp độ quốc tế, bình đẳng về luật định, về giáo dục, về
quyền trong lao động - việc làm; có quyền bình đẳng trong việc tiếp cận với các
3
Dẫn theo Tìm hiểu về quyền con người (Tài liệu hướng dẫn về giáo dục quyền con người, Nxb
Tư pháp, Hà Nội, 2008, tr. 158
dịch vụ y tế, về đảm bảo xã hội và tài chính, các vấn đề dân sự và pháp lý và trong
mối quan hệ gia đình
4
.
Thực tiễn hiện nay đã khẳng định, ở Việt Nam không chỉ nam giới mà vị
thế của người phụ nữ ngày càng được khẳng định ở tất cả các mặt này, nhất là về
chính trị, kinh tế và giáo dục. Đó là kết quả của cả một quá trình đấu tranh lâu
dài và bền bỉ nhằm loại bỏ những giáo lý khắt khe và tồn dư của xã hội phong
kiến đối với người phụ nữ, tạo cơ hội cho họ được phát triển toàn diện.
Đặt những tiêu chí này vào trong bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam cách
đây hơn 600 năm trước có thể chưa thật đầy đủ, nhưng phân tích kỹ thì những nội
dung này ở xã hội nào cũng tồn tại, chỉ khác là ở mỗi xã hội cụ thể, vấn đề này có

được quan tâm và chú trọng hay không mà thôi. Vì điều này nó phụ thuộc rất
nhiều vào ý thức hệ của giai cấp thống trị.
Quyền nữ giới thể hiện qua luật Quốc triều hình luật như thế nào?
Quốc triều hình luật (hay còn gọi là Lê triều hình luật) được xây dựng, bổ
sung, hoàn chỉnh trong các triều vua thời Lê sơ. Bộ luật này được vua Lê Thánh
Tông ban hành năm 1483 vào niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), nên còn gọi là bộ
Luật Hồng Đức. Mặc dù bộ luật ra đời phục vụ chủ yếu cho quyền lợi của giai cấp
phong kiến, nhưng nội dung của nó đã chứa đựng nhiều yếu tố tiến bộ bảo vệ
quyền lợi của người dân, của các tầng lớp dưới của xã hội, đặc biệt là bênh vực,
bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Đây là một trong những biểu hiện cụ thể và
sinh động của quyền con người.
Luật Hồng Đức có 12 chương, 722 điều gồm nhiều điều luật quy định về
các mặt khác nhau của đời sống xã hội. Cũng như các triều đại Lý Trần, dưới thời
Lê khi xây dựng pháp luật đều có tham khảo các bộ luật của Trung Quốc nhưng
đều giữ tính độc lập không sao chép. Điều này càng thể hiện rất rõ trong Quốc
triều hình luật. Các nhà luật học nước ta và nhiều nước khác khi nghiên cứu đều
thấy ở bộ luật Hồng Đức nhiều điều hoàn toàn là của Việt Nam, không có hoặc
không hoàn toàn như thực định trong luật của Trung Quốc. Năm 1990, Ynsun Yu
(người Hàn Quốc, chủ nhiệm khoa lịch sử Á Châu, Đại học Quốc gia Sêun trong
cuốn sách “ Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII –XVIII” đã cho thấy trong 722
4
Dẫn theo Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Luật, Quyền con người (Tập tài liệu chuyên đề của
Liên hợp quốc), Nxb Công an nhân dân, 2010, Các điều luật 7, 8 (tr. 412); điều 9, 10 (tr.413
-414); điều 11 (tr.416); điều 12 (tr. 418 -419); điều 13 (tr. 421); điều 15 (tr.423); điều 16 (tr.424).
điều luật của Hồng Đức có 422 điều hoàn toàn Việt Nam. Riêng về vấn đề quyền
nữ giới, bộ luật cũng đã dành khá nhiều điều luật trên nhiều góc độ khác nhau,
trong đó vấn đề này được cụ thể hoá rất rõ ở hai chương “”Hộ hôn” và “Điền sản’
với những quy định về hôn nhân, hương hỏa, tế lễ, thừa kế và sở hữu tài sản.
1.Quyền nữ giới trong quan hệ hôn nhân gia đình
Trong xã hội Việt Nam trước khi xuất hiện bộ Quốc triều hình luật thì

người phụ nữ chưa được xã hội, nhất là những nhà lập pháp nhìn nhận một cách
thích đáng bởi tư tưởng“trọng nam khinh nữ”.Trong hôn nhân, họ không được tự
do yêu đương và kết hôn; vì vậy hiện tượng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã trở
thành phổ biến trong xã hội. Hiện tượng này phản ánh sự bất bình đẳng giữa nam
và nữ; nam thì có quyền “năm thê bảy thiếp”, nhưng “gái chính chuyên chỉ có một
chồng” hoặc “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (sinh một con trai thì coi là có,
sinh 10 con gái cũng coi như không có). Vì rất nhiều những trói buộc ấy nên người
phụ nữ trong xã hội phong kiến hầu như không có vai trò gì.
Từ khi bộ luật Hồng Đức ra đời, đã có khá nhiều điều luật thể hiện sự nới
lỏng những ràng buộc đối với người phụ nữ mà trước kia họ chưa được hưởng.
Với bộ luật này thì người phụ nữ đã ít nhiều có vai trò, quyền hạn nhất định trong
việc lựa chọn, định đoạt và bảo vệ hôn nhân cũng như hạnh phúc của mình; họ có
quyền có tài sản riêng, có quyền xin ly hôn (ở một số trường hợp nhất định), có
quyền được tái hôn, được pháp luật bảo vệ không bị cưỡng ép mà những quyền
này chỉ thực sự phổ biến trong xã hội hiện nay.
a. Quyền được lựa chọn, định đoạt hôn nhân
Trong xã hội phong kiến nói chung và xã hội thời Lê nói riêng, quan hệ hôn
nhân của con cái là do cha mẹ sắp đặt và định đoạt. Song theo quy định của luật
Hồng Đức, trong trường hợp người con trai bị ác tật, hoặc phá tán gia sản thì
người con gái được quyền huỷ hôn:
“ Người con gái nào đã hứa gả chồng mà chưa thành hôn, nếu người con
trai bị ác tật hay phạm tội hoặc phá tán gia sản thì cho phép người con gái được
kêu quan mà trả đồ lễ…” (điều 322; chương Hộ Hôn)
5
5
Từ điều luật này đến các điều luật trích dẫn về sau chúng tôi trích ra từ cuốn Quốc triều hình
luật (luật hình triều Lê), do tập thể cán bộ Viện Sử học Việt Nam dịch,Nxb Pháp lý, Hà Nội,
1991. Chúng tôi xin không chú trích thêm số trang của các điều luật nữa, Điều tr. 123.
Quy định của điều luật này tuy xuất phát từ lợi ích của gia đình phong kiến
song nó phần nào thể hiện quan điểm tiến bộ của nhà lập pháp vì đã dành cho

người con gái cũng có quyền từ hôn như người con trai nên đã ít nhiều bảo vệ
được lợi ích của người con gái. Đặc biệt là người con gái khi đã thoái hôn vẫn
không bị đối xử phân biệt như các quy định của luật pháp Trung Hoa, “đây là
điểm tiến bộ của pháp luật triều Lê so với luật pháp nhà Đường chỉ quy định hình
phạt cho bên nhà gái, hình phạt là 60 trượng”
6
Để bảo vệ quyền tự do hôn nhân, hạnh phúc của người phụ nữ, các nhà lập
pháp thời Lê sơ còn đưa ra nhiều điều luật nhằm nghiêm trị những đối tượng có
hành vi xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm hoặc cậy quyền thế cưỡng ép, ức hiếp
hôn nhân: “Những nhà quyền thế mà ức hiếp để lấy con gái kẻ lương dân, thì xử
tội phạt, biếm hay đồ*
7
” (Điều 338; chương Hộ hôn).
Những tôi tớ của công hầu, công chúa cậy quyền thế bắt ép lấy con gái nhà
dân thì bị xử tội đồ. Chủ nhà dung túng thì tội biếm tuỳ theo việc nặng nhẹ (điều
336; chương Hộ hôn)
Đối với trường hợp cưỡng ép phụ nữ kết hôn cũng bị tội, điều 320 quy định
như sau:
“Mãn tang chồng nhưng người vợ thủ tiết, nếu ngoài ông bà, cha mẹ, kẻ
nào khác gả ép người phụ nữ đó thì bị biếm ba tư và buộc phải ly dị, trả người
đàn bà về chồng cũ ” (chương Hộ hôn)
Hoặc kẻ nào có hành vi hiếp dâm thì bị xử tội “ lưu hay chết. Phải nộp
tiền tạ tội hơn một bậc đối với tiền tạ tội gian dâm thường. Nếu gây thương tích
cho người đàn bà thì xử nặng hơn một bậc đánh người bị thương Nếu làm chết
người đàn bà thì điền sản kẻ phạm tội phải giao cho người bị chết” (điều 403;
chương Thông gian); hoặc “gian dâm với con gái nhỏ 12 tuổi trở xuống, dù nó
thuận tình thì vẫn xử như tội hiếp dâm” (điều 404; chương Thông gian).
Ngoài những điều luật cấm quan lại, người có quyền thế bắt ép để lấy con
gái của lương dân, ngăn cấm người ngoài nài ép những người vợ thủ tiết như trên,
Luật Hồng Đức còn nghiêm cấm anh, em, học trò lấy vợ của em, của anh, của thầy

6
Dẫn theo Lê Thị Sơn (chủ biên), Quốc triều hình luật lịch sử hình thành, nội dung và giá trị,
Nxb KHXH, Hà Nội, 2004, tr. 412.
7
Theo Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, phần Hình luật, quyển XXXIIII, tr. 191:
Biếm: tức là giáng thấp tư cách; Đồ: đồ hình, tội giam cấm bắt làm việc khổ sai
đã chết (điều 324; chương Hộ Hôn); hoặc điều 319 quy định việc trừng trị những
kẻ loạn luân, cùng tất cả những hành động gả, bán vợ cho người khác khi không
được sự đồng ý của người phụ nữ.
Những điều luật trên phần nào thể hiện thái độ của các nhà làm luật thời Lê
trừng phạt nghiêm khắc các hành vi cậy quyền, cậy thế để lộng hành, ức hiếp
người dân đặc biệt là người phụ nữ; từ đó nhằm bảo vệ lợi ích và tôn trọng nhân
phẩm của người phụ nữ.
Pháp luật nhà Lê rất coi trọng việc đính hôn, do đó trong trường hợp không
chuẩn bị chu đáo cho hôn ước, thì sẽ bị xử phạt. Tại điều 314 (chương Hộ hôn)quy
định khi người kết hôn (người con trai) mà không đủ sính lễ đến nhà cha mẹ để
xin, mà thành hôn với nhau một cách cẩu thả thì phải biếm một tư và theo lệ sang
hèn, bắt phải nộp tiền tạ cho cha mẹ, người con gái phải phạt 50 roi. Ngược lại,
trong trường hợp cha mẹ (người con gái) đã nhận đồ lễ cuới mà lại thôi không gả
nữa thì người cha mẹ đó “phải phạt 80 trượng”; hoặc đem người con gái đã thành
hôn cho người khác thì bị “xử tội đồ làm khao đinh”. Còn người con gái phải lấy
người hỏi trước và sẽ phải bồi thường sính lễ gấp hai lần cho nhà trai khi người
con trai không muốn lấy (điều 315; chương Hộ hôn).
Trong trường hợp cha mẹ đã gả con gái rồi nhưng vì thấy người chồng
nghèo khó mà bắt con gái về thì “bị xử phạt 60 trượng, biếm hai tư, con gái phải
bắt trở về nhà chồng” (điều 333; chương Hộ hôn).
Luật Hồng Đức cũng nghiêm cấm các hành vi gây ảnh hưởng tới sức khỏe,
tới thiên chức làm mẹ của người phụ nữ; nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt mà mức
phạt cao nhất là bị chém đầu:
“Đem thuốc đọa thai làm cho người đọa thai, hay là người xin thuốc đọa

thai, cũng đều bị xử tội đồ. Vì bị đọa thai mà chết thì kẻ cho thuốc phải tội giết
người” (điều 424; chương Đạo Tặc).
Nếu người phụ nữ phạm tội đang trong quá trình thi hành án nhưng lại đang
mang thai, sẽ được hoãn thời gian thi hành như điều luật 680 quy định:
“Đàn bà phải tội tử hình trở xuống, nếu đang có thai, thì phải để sinh đẻ
sau một trăm ngày mới đem hành hình. Nếu chưa sinh mà đem hành hình, thì ngục
quan phải xử biếm hai tư ”(chương Đoán ngục)
Các quy định này đã phản ánh tính nhân đạo, nhân văn của luật Hồng Đức
trong việc bảo vệ người phụ nữ. Đó là những giá trị mà chúng ta cấn kế thừa.
Ngày nay, ngoài việc khẳng định quyền của phụ nữ, chúng ta còn phải quan tâm
tới những quyền thiên chức đặc biệt cửa họ.Thông qua chính sách xã hội có chế độ
đãi ngộ thỏa đáng mà điều kiện xã hội cho phép để họ thực hiện quyền thiên chức
của mình như được chăm sóc y tế khi mang thai, quyền làm mẹ, chăm sóc trẻ thơ.
b. Quyền và nghĩa vụ nhân thân trong mối quan hệ vợ chồng
Mặc dù thiên về quyền lợi pháp lý của người chồng với tư cách là gia
trưởng, nhưng bộ luật Hồng Đức cũng có một số quy định nhằm ràng buộc trách
nhiệm của người chồng đối với gia đình. Theo quy định của luật Hồng Đức, vợ
chồng phải có nghĩa vụ cùng chung sống với nhau tại một nơi, đã kết hôn với
nhau thì người vợ không được tự ý rời bỏ nhà chồng, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt
như quy định của điều 321:
“Vợ cả, vợ lẽ tự tiện bỏ nhà chồng đi thì xử tội đồ làm xuy thất tỳ; đi rồi lấy
chồng khác thì phải đồ làm thung thất tỳ; người và gia sản phải trả về nhà chồng
cũ ” (chương Hộ hôn).
Người chồng trong gia đình không chỉ là trụ cột chính trong việc nuôi sống
gia đình, mà còn phải có nghĩa vụ chăm lo tới vợ con đặc biệt là đối với người vợ
cả; vì vậy để bảo vệ quyền lợi của nguời vợ cả, pháp luật quy định:
“Ai lấy nàng hầu lên làm vợ thì xử tội phạt; vì quá say đắm nàng hầu mà
thờ ơ với vợ thì xử tội biếm”(Điều 309; chương Hộ hôn).
Đây là những quy định đặc biệt chỉ có trong bộ luật thời Lê mà không có
trong những văn bản cổ luật khác. Những quy định này đã ràng buộc người chồng

phải có trách nhiệm với gia đình đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của người vợ.
Cũng như các bộ luật cổ khác, luật Hồng Đức rất đề cao sự chung thủy của
vợ chồng. Vì thế khi người vợ hoặc người chồng có hành vi quan hệ hôn nhân bất
chính thì bị pháp luật quy định hình thức xử phạt rất nặng. Theo điều 401(chương
Thông gian), những người đàn ông “gian dâm vợ người khác thì sẽ bị xử tội lưu
8
hoặc chết ”, còn phụ nữ phạm tội này sẽ bị lưu đày, điền sản trả lại cho chồng, có
trường hợp để cho chồng đem bán hoặc bắt làm nô lệ trong nhà. Trong trường
hợp người đàn ông đã đi lại với vợ người khác nhưng chưa bị bắt được gian dâm
thì sẽ bị xử phạt ở mức nhẹ hơn như điều 405 chỉ rõ:
8
Quốc triều hình luật, Sách đã dẫn, tr 33 thì Lưu: lưu phóng, đày người có tội đi nơi xa
“Thông gian với vợ người, thì xử phạt 60 trượng, biếm hai tư bắt nộp tiền
tạ nhiều ít theo bậc cao thấp [của người đàn bà] nếu sang hèn cách nhau xa, thì
lại xử khác” (chương Thông gian)
Mặc dù những điều luật này chưa phản ánh một cách đầy đủ các góc độ
khác nhau của quan hệ hôn nhân trong gia đình nhưng đây lại là một bước tiến bộ
của bộ luật Hồng Đức trong việc bảo vệ và bênh vực người phụ nữ, đảm bảo sự
bình đẳng về vị trí của người vợ trong gia đình, là cơ sở pháp lý buộc người chồng
sống phải có trách nhiệm với gia đình, với vợ con. Tuy nhiên, khi người phụ nữ,
người vợ có những hành vi không chung thủy, trái với những giá trị truyền thống
tốt đẹp của dân tộc thì họ cũng bị pháp luật xử phạt rất nặng, có thể bị “xử tội
chém” như điều 408 đã quy định: “Đương có tang cha mẹ hay tang chồng mà gian
dâm cũng xử tội chém” (chương Thông gian).
Các quy định xử phạt trên đây của pháp luật đối với người vợ và người
chồng khi có hành vi ngoại tình, hành vi gian dâm hay thông gian có ý nghĩa quan
trọng trong việc bảo vệ quyền lợi, hạnh phúc của gia đình, của người vợ cũng như
nhằm ngăn chặn hành vi đó tiếp diễn trong tương lai, như Tiến sĩ Lê Thị Sơn đã
đánh giá: “việc áp dụng chế tài hình sự nghiêm khắc trong các trường hợp này có
tác dụng răn đe thiết thực, có hiệu quả trong việc ngăn chặn tệ nạn ngoại tình”

9
.
Có lẽ khi hiện tượng ngoại tình và vi phạm chế độ một vợ một chồng còn tồn tại
khá phổ biến như hiện nay, thì đây là biện pháp đáng để suy nghĩ và có thể cần kế
thừa trong việc xây dựng pháp luật nhằm ngăn chặn hiện tượng này.
Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có thịnh vượng, hạnh phúc thì xã hội
mới thực sự ổn định và phát triển. Vì thế bộ luật thời Lê sơ còn đề ra những hình
phạt đối với các trường hợp vợ chồng có hành vi làm tổn hại tới sức khỏe, danh dự
và nhân phẩm của nhau.
Trong gia đình, dù người chồng giữ quyền gia trưởng nhưng không được
tùy tiện đánh đập, đối xử tàn bạo đối với vợ; nếu có hành vi đó, người chồng sẽ
bị xử phạt. Theo điều 482 của luật Hồng Đức thì hành vi chồng đánh chết vợ là
bất mục – một trong mười tội ác nặng nhất trong xã hội phong kiến nhưng mức
hình phạt thấp hơn ba bậc so với các trường hợp phạm tội thông thường:
“Chồng đánh vợ bị thương, thì xử nhẹ hơn tội đánh bị thương người
thường ba bậc; nếu đánh chết thì xử nhẹ hơn tội đánh giết người ba bậc, tiền đền
mạng được bớt ba phần ” (chương Đấu tụng)
9
Lê Thị Sơn, Sđd, tr. 423.
Các quy định xử phạt của pháp luật đối với người chồng khi có những hành
vi xâm phạm quyền được bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nguời vợ là một cách
thức nhằm hạn chế quyền gia trưởng của người chồng, bảo vệ được quyền của
người vợ và đó là “đòi hỏi tất yếu, rất cần thiết không chỉ trong xã hội phong kiến
thời Lê mà ngay trong hoàn cảnh xã hội hiện nay để chống bạo lực trong gia
đình”
10
. Tuy nhiên khi người vợ có các hành vi tương tự đối với người chồng cũng
không tránh khỏi những hình thức xử phạt nghiêm khắc (hành vi nhẹ thì bị lưu
đày, hành vi gây chết người thì cũng bị hình phạt cao nhất là tử hình) như các điều
luật 481 và 504 đã quy định:

“… Vợ tố cáo chồng thì bị xử tội đi châu xa ” (Điều 504;chương Đấu
tụng)
“Nếu vợ đánh chồng thì xử đi châu ngoài
11

đánh bị thương, què gãy thì lưu
đi châu xa
12
; điền sản trả lại cho chồng (chồng cáo quan mới bắt tội). Vợ lẽ mà
phạm tội trên, thì xử nặng hơn một bậc. Đánh chết thì đều phải tội giảo
13
; điền sản
trả lại cho con cháu hay người thừa tự của chồng. Nếu vợ lẽ mà đánh vợ cả thì
cũng bị xử như tội đánh chồng” (điều 481; chương Đấu tụng).
Trong bối cảnh xã hội phong kiến đương thời, những điều luật này có ý
nghĩa vô cùng quan trọng, nó là những căn cứ pháp lý để bảo vệ người phụ nữ
trước nạn bạo hành trong gia đình, góp phần duy trì sự ổn định của mỗi gia đình;
thông qua đó chúng ta thấy chủ trương xây dựng một xã hội bình đẳng, không có
bạo lực gia đình bắt đầu được nhen nhóm ngay trong lòng chế độ xã hội phong
kiến. Có lẽ trong hoàn cảnh bạo lực gia đình đang trở thành vấn đề nóng bỏng của
xã hội như hiện nay thì những quy định trên đây của bộ luật Hồng Đức vẫn còn
nguyên giá trị lịch sử.
c. Quyền được xin ly hôn (quyền bỏ chồng)
Theo quy định của Bộ luật Hồng Đức, người vợ có quyền chủ động được
xin ly hôn trong một số trường hợp sau: thứ nhất: người chồng không thực hiện
đúng nghĩa vụ của mình, người chồng không quan tâm, chăm nom, bỏ bê vợ trong
một thời gian dài:
10
Lê Thị Sơn, Sđd tr. 422
11

Theo Quốc triều hình luật, SđdChâu ngoài: Đánh 90 trượng, thích vào mặt 8 chữ, bắt đeo xiềng 2 vòng,
đày đi việc ở những xứ Bồ chính (nay là Quảng Bình), tr.35
12
Châu xa: Đánh 100 trượng, thích vào mặt 10 chữ, bắt đeo xiềng 3 vòng, đày đi việc ở những xứ Cao Bằng,
tr.35
13
Theo Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, phần Hình luật, quyển XXXIIII, tr.193. Giảo: thắt cổ
chết
“Phàm chồng đã bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại (vợ được trình với quan
sở tại và xã quan làm chứng) thì mất vợ. Nếu vợ đã có con, thì cho hạn một
năm…” (Điều 308; chương Hộ hôn).
Điều luật này đã thể hiện địa vi tương đối bình đẳng giữa chồng và vợ trong
gia đình. Người vợ không bị buộc phải lệ thuộc nhiều vào người chồng, nếu người
chồng không làm tròn trách nhiệm của mình thì người vợ không cần thiết phải làm
tròn nghĩa vụ đối với người chồng. Quy định này không có trong bất kỳ bộ luật
nào của Trung Quốc cũng như các văn bản cổ luật trước hay sau triều Lê. Ở bộ
luật Gia Long cũng cho phép người vợ được ly hôn khi người chồng bỏ phế họ
nhưng thời gian người chồng không đi lại với vợ phải là ba năm. Như vậy, so với
Bộ luật nhà Lê thì bộ luật nhà Nguyễn là sự thụt lùi trong việc bảo vệ quyền lợi
pháp lý của người vợ.
Trường hợp thứ hai: Khi người chồng vượt quá quyền của mình, vô phép
đối với cha mẹ vợ thì hành động đó không chỉ được coi là bất hiếu mà còn bất
nghĩa với vợ, vì thế người vợ có quyền xin ly hôn: “Nếu con rể lấy chuyện phi lý
mà mắng nhiếc cha mẹ vợ, đem việc thưa quan sẽ cho li dị” (điều 333; chương Hộ
hôn)
Trường hợp thứ ba: Khi cả hai bên gia đình đã đồng ý hôn ước nhưng lại tự
ý hủy hôn: “nhà trai đã có sính lễ rồi mà không lấy nữa thì phải phạt 80 trượng
và mất đồ sính lễ” (điều 315; chương Hộ hôn) thì người con gái có quyền hủy
hôn.
Cuối cùng, nếu cuộc hôn nhân ấy vi phạm một trong các trường hợp cấm

kết hôn theo quy định của pháp luật thì đều phải li hôn. Đó là các trường hợp khi
cả hai người nam nữ đang có tang cha mẹ, hoặc cha mẹ bị giam cầm:
“Người nào đang có tang cha mẹ hoặc tang chồng mà lại lấy chồng hoặc
cưới vợ thì xử tội đồ” (điều 317; chương Hộ hôn).
Điều 318 quy định: “Trong khi ông bà, cha mẹ bị giam cầm tù tội, mà lấy
vợ lấy chồng thì đều xử biếm ba tư và đôi vợ chồng phải ly dị ”
Hoặc ở trường hợp: “Là anh, là em, là học trò mà lấy vợ của em, của anh,
của thầy học đã chết đều phải ly dị” (điều 324; chương Hộ hôn)
Bên cạnh đảm bảo cho người phụ nữ có quyền được xin ly hôn khi người
chồng phạm lỗi, pháp luật thời Lê còn bảo vệ cuộc hôn nhân cho người phụ nữ khi
họ phạm lỗi mà theo lẽ thông thường phải ly hôn. Điều 310 (chương Hộ hôn) quy
đình “Vợ cả, vợ lẽ đã phạm vào điều “thất xuất”
14
mà người chồng ẩn nhẫn không
bỏ thì phải tội biếm tùy theo nặng nhẹ”. Tuy nhiên, sẽ không thể ly hôn được nếu
như khi phạm vào điều thất xuất người vợ đang ở trong ba trường hợp (tam bất
khứ): đã để tang nhà chồng 3 năm; khi lấy nhau nghèo mà sau giàu có; khi lấy
nhau có bà con mà khi bỏ lại không có bà con để trở về (Điều 165)
15
. Đồng thời
khi hai bên vợ chồng đang có tang cha mẹ thì vấn đề ly hôn cũng không được đặt
ra. Khi ly hôn, con cái thường thuộc về chồng, nhưng nếu muốn giữ con, người
vợ có quyền đòi chia một nửa số con. Mặt khác, pháp luật cũng bảo vệ quyền của
người vợ sau khi li hôn. Mỗi người đều có quyền kết hôn với người khác. Điều
308 (chương Hộ hôn) quy định:“ Nếu đã bỏ vợ mà lại ngăn cản người khác lấy
vợ cũ thì phải tội biếm”.
Những quy định này đã góp phần ngăn chặn sự thiếu trách nhiệm của người
chồng với vợ và tạo cho người phụ nữ cơ hội để có thể tự giải phóng mình. Đồng
thời với các quy định đó nó còn góp phần làm lung lay quan niệm “Xuất giá tòng
phu, phu tử tòng tử” vốn đã tồn tại dai dẳng từ lâu trong xã hội phong kiến. Đến

bộ luật này không chỉ người chồng được tự ý bỏ vợ, được quyền “năm thê bảy
thiếp” mà người vợ cũng có quyền được bỏ chồng, có quyền hủy hôn, quyền được
tái giá, nhưng những quyền đó chỉ được thực hiện ở một số trường hợp cụ thể theo
quy định của pháp luật mà thôi.
Qua tìm hiểu nội dung các điều luật trên, có thể thấy bước tiến căn bản của
bộ luật Hồng Đức trong việc xác lập quyền, vị thế tương đối bình đẳng giữa vợ và
chồng cũng như bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của người vợ. Trong một
xã hội mà Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chi phối mọi mặt với nền tảng cốt lõi
của nó là sự phân biệt đẳng cấp, phân biệt coi rẻ và khinh thường người phụ nữ…
thì thái độ quan tâm, bảo vệ và tôn trọng đại vị độc lập đối với người phụ nữ với
tư cách là người vợ của các nhà lập pháp thời Lê có giá trị và ý nghĩa lớn lao,
không chỉ đối với xã hội đương đại mà nó còn có một sức sống mãnh liệt cho đến
14
Thất xuất: Theo Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1990, tr.63: “Đàn bà ở với
chồng bảy điều phải đuổi gọi là thất xuất: 1. Không con; 2. Dâm đãng; 3. Không thờ cha mẹ chồng; 4.Lắm
điều; 5. Trộm cắp; 6.Ghen tuông; 7. Có ác tật”
15
Vũ Văn Mẫu (đề tựa), Hồng đức thiện chính thư, Nxb Sài Gòn, 1959, tr. 69.
ngày nay. Có được điều đó là do các nhà làm luật thời Lê đã biết tôn trọng, kế thừa
cũng như “phát huy những phong tục tập quán độc đáo của dân tộc vốn đã tồn tại
và được ưa chuộng từ bao đời nay, hoà nhập chúng vào hệ thống pháp luật của
triều đình”
16
.
16
Lê Thị Sơn, Sđd, tr. 427.
2. Quyền bình đẳng về sở hữu tài sản
Ở bộ luật Hồng Đức, người phụ nữ không chỉ có quyền được bỏ chồng mà
họ ít nhiều vẫn có một số quyền về sở hữu tài sản như người chồng, nội dung này
được phản ánh ở các điều 374, 375 và 376 của chương Điền sản

Qua ba điều luật này có thể thấy, sau khi ly hôn hoặc sau khi chồng chết
trước, người phụ nữ có quyền sở hữu đối với tài sản riêng (của hồi môn) và được
hưởng một phần giá trị tài sản do hai vợ chồng cùng gây dựng nên trong thời kì
hôn nhân.Về chế độ tài sản giữa vợ chồng, bộ luật Hồng Đức thừa nhận có ba loại
tài sản ruộng đất cùng song song tồn tại: tài sản của chồng, tài sản của vợ, tài sản
của hai vợ chồng tạo nên trong thời kì hôn nhân. Tuy nhiên việc phân loại đó chỉ
được đặt ra khi hôn nhân chấm dứt do vợ hoặc chồng chết hoặc do li hôn do lỗi
của người vợ. Đối với trường hợp sau ly hôn: nếu ly hôn không do lỗi của người
vợ và cả hai vợ chồng không có con thì vợ chồng mỗi người có quyền sở hữu số
tài sản ruộng đất riêng của mình có trước thời kì hôn nhân và một nửa số tài sản
ruộng đất do hai vợ, chồng tạo nên trong thời kì hôn nhân.
Riêng về vấn đề quyền thừa kế tài sản ruộng đất giữa vợ chồng, bộ luật
cũng quy định khá rõ: khi một bên chết, bên còn sống vẫn giữ nguyên quyền sở
hữu cá nhân đối với tài sản ruộng đất của riêng mình. Còn tài sản ruộng đất của vợ
chồng tạo nên trong thời kì hôn nhân được chia làm hai phần bằng nhau, vợ và
chồng mỗi người được một phần, phần của người chết được chia cho những người
được thừa kế cùng với tài sản riêng của người chết (điều 374). Trong tất cả các
trường hợp thừa kế đó, vợ hoặc chồng đều ở hàng thừa kế thứ nhất. Tuy nhiên
người vợ sẽ mất quyền chiếm dụng quyền thừa kế của chồng khi đi lấy chồng khác
(quy định tại điều 376), trong khi người chồng vẫn được quyền chiếm dụng phần
thừa kế của vợ khi lấy vợ khác (điều 375).
Như vậy, luật Hồng Đức đã phân định rõ ràng về nguồn gốc tài sản của vợ
chồng, việc phân định này góp phần xác định việc phân chia thừa kế cho các con
khi cha mẹ đã chết hoặc chia tài sản cho bên còn sống nếu một trong hai vợ chồng
chết trước; đây là một nét nổi bật nhất của luật pháp triều Lê so với các bộ khác và
nhất là với bộ luật Gia Long thời Nguyễn. Đồng thời, nó cũng phần nào thể hiện
nhà nước thừa nhận quyền bình đẳng về tài sản giữa vợ và chồng. Đây là một
điểm tiến bộ nhất của bộ luật Hồng Đức so với các văn bản cổ luật không chỉ của
Việt Nam mà ngay cả với Trung Quốc.Bởi quyền sở hữu tài sản là quyền có ý
nghĩa đặc biệt quan trọng, nó là “ cơ sở để hiểu những quyền lợi và nghĩa vụ của

từng các nhân thành viên trong một gia đình và địa vị tương ứng của họ trong
đó…”
17
. Qua nội dung về quyền sở hữu tài sản của vợ chồng trong Quốc triều hình
luật, có thể nhận thấy tính độc lập, tự chủ của các nhà lập pháp thời Lê ở chỗ đã
phản ánh “trung thực những đặc trưng cơ bản của quan hệ sở hữu tài sản trong xã
hội Việt Nam mà không bị phụ thuộc vào các quy định của pháp luật Trung
Quốc”
18
. Tại các gia đình Trung Quốc truyền thống, tài sản gia đình thuộc về mọi
thành viên của gia đình như nhau, mỗi người đều có quyền làm chủ sở hữu đối với
tài sản gia đình. Trong khi đó, ở bộ luật nhà Lê, mọi tài sản trong gia đình đều
thuộc sở hữu vợ chồng, vợ chồng với tư cách là cha mẹ, giữ quyền làm chủ tài sản
gia đình, được hưởng các lợi tức từ các tài sản đó; còn con cái chỉ được hưởng lợi
nhuận từ tài sản của cha mẹ khi cha mẹ mất.
Nhưng chính sự phân định đó cùng với cách phân chia tài sản theo quy định
của nhà nước như trên lại phản ánh sự bất bình đẳng về quyền giữa vợ chồng, một
mặt của bất bình đẳng nam nữ. Đó là sự tất yếu của chế độ phong kiến khi Nho
giáo đã trở thành quốc giáo. Song khi đối sánh vào điều luật khác, và so sánh với
các điều luật từ Đường, Minh, Thanh của Trung Hoa, trong đó người vợ ở địa vị
thấp kém nhất trong gia đình hầu như không có các quyền dân sự và bị phụ thuộc
hoàn toàn vào người chồng, thì “thấy được sự tiến bộ, tính nhân dân, tính dân tộc
của bộ luật Hồng Đức khi ghi nhận quyền đồng sở hữu của người vợ đối với tài
sản chung của gia đình”
19
(tuy quyền đồng sở hữu đó còn ở mức hạn chế).
Dưới góc độ gia đình, quyền được sở sữu tài sản của nữ giới còn được thể
hiện ở việc phân chia tài sản thừa kế và quyền hương hỏa cho người con trai và
con gái. Theo đó, người con gái sẽ được thừa kế tài sản và có quyền trông nom
phần ruộng hương hoả trong các trường hợp sau khi cha mẹ chết chia cho các con,

hoặc gia đình không có con trai trưởng. Điều 391 và 395 luật Hồng Đức quy định:
“Người giữ hương hỏa có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không
có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng, ruộng đất hương hỏa thì cho lấy một
phần hai mươi” (điều 391; chương Điền sản).
Hoặc “Cha mẹ sinh được hai con trai, người con trai trưởng chỉ sinh
được người con gái, con thứ lại có con trai, thì phần hương hỏa giao cho người
con trai người con thứ; nhưng con trai người con thứ chỉ sinh cháu gái, thì phần
17
Insun Yu, Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII –XVIII, Nxb KHXH, Hà Nội, 1994, tr.160.
18
Lê Thị Sơn, Sđd, tr.416
19
Dẫn theo: Bách khoa thư Hà Nội, phần 4: Pháp luật, Nxb Từ điển Bách khoa, HN, 2000, tr. 36.
hương hỏa trước kia lại phải giao trả cho con gái người con trưởng” (Điều 395;
chương Điền sản).
Như vậy trong quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại, pháp luật nhà Lê
không phân biệt con trai – con gái. Đây cũng là một điểm tiến bộ của luật Hồng
Đức trong việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản của người phụ nữ.
3. Quyền bình đẳng trong việc xử phạt các hành vi phạm tội
Khi cả người phụ nữ và người đàn ông có những hành vi liên quan đến kiện
tụng, có các hành động và việc làm trái với quy định luật pháp đều bị xử phạt, và
tuỳ theo mức độ phạm tội khác nhau mà có hình thức xử phạt tương ứng. Song để
bảo vệ người phụ nữ, pháp luật bao giờ cũng ưu ái và giảm nhẹ mức độ hình phạt
cho người phụ nữ.
Trong việc áp dụng hình phạt “ngũ hình”, luật Hồng Đức có sự phân biệt
giữa đàn ông và đàn bà: không áp dụng hình phạt ‘trượng” cho đàn bà và áp dụng
riêng từng loại tội “đồ” cho đàn ông và đàn bà như Điều 1 của chương Danh lệ đã
quy định.
Nếu cả nam và nữ có các hành vi có liên quan đến việc buôn bán trẻ em,
phụ nữ thì “ đàn bà đánh 50 roi, đàn ông đánh 80 trượng” (điều 313; chương

Hộ hôn). Nếu đó là tội ăn trộm, ăn cướp mà mà cố ý gây chết người thì người đàn
ông bị xử như tội giết người, còn người đàn bà được giảm tội (điều 429; chương
Đạo tặc). Trong trường hợp đầy tớ ăn trộm đồ của chủ, nếu là đầy tớ nam thì bị
“xử nặng hơn tội ăn trộm thường một bậc”, nếu là đầy tớ gái “thì được giảm tội”
(điều 441; chương Đạo tặc); hoặc khi có “ Kẻ lạ vào vườn người ta thì xử biếm,
đàn bà được giảm một bậc” (điều 450; chương Đạo tặc).
Ở góc độ gia đình, Luật Hồng Đức còn quy định xử phạt nghiêm minh với
các trường hợp người phụ nữ và người đàn ông có thái độ đối xử không tốt, lăng
mạ hoặc có hành vi đánh đập, giết hại các thành viên gia đình hai bên nội, ngoại
(ông bà bố mẹ chồng/vợ, anh em, cô chú, bác của bên vợ hoặc của chồng).Đối với
phụ nữ, nếu phạm tội giết người thì chịu hình phạt cao nhất là chém đầu:
“Những kẻ mưu giết bậc tôn trưởng vào hạng cơ thân, ông bà ngoại, chồng
và ông bà, cha mẹ chồng, đều phải tội chém…” (Điều 416; chương Đạo tặc).
Nếu có hành vi ở mức độ nhẹ hơn như lăng mạ, đánh đập người thân trong
gia đình nhà chồng, các bậc tôn trưởng của bên chồng thì bị xử theo các hình phạt
phù hợp với mức độ vi phạm, như quy định sau:
“ Vợ cả, vợ lẽ mà lăng mạ ông bà cha mẹ chồng thì xử tội lưu (cha mẹ
chồng thưa kiện mới xử tội); đánh thì xử lưu châu ngoài; đánh bị thương thì xử
lưu đi châu xa; đánh chết thì xử tội giảo; ngộ sát thì xử tội đồ làm thung thất tỳ;
lỡ đánh bị thương xử tội đồ làm xuy thất tỳ…” (Điều 476; chương Đấu tụng).
Hoặc “Vợ đánh chửi những bậc tôn trưởng nhà chồng từ hàng cơ thân trở
xuống, ty ma trở lên, thì xử nhẹ hơn tội đánh chồng một bậc (tội nhẹ thì nặng hơn
tội đánh người thường một bậc). Vợ lẽ phạm tội trên, thì không được giảm; đánh
chết thì đều xử giảo…” (Điều 483; chương Đấu tụng). Nếu vợ đánh các em của
chồng thì “ xử tội như đánh người thường…” (Điều 484; chương Đấu tụng). Nếu
người phụ nữ có hành vi tố cáo ông bà cha mẹ bên chồng sẽ bị phạt biếm một tư,
và khi bản kiện đó không đủ lẽ sẽ xử thêm tội một bậc (điều 511; chương Đấu
tụng).
Khi người chồng có hành vi lăng mạ, đánh làm bị thương hoặc sát ngộ
người thân gia đình bên vợ cũng bị xử theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, nếu

người chồng cố ý gây chết người (anh em ruột của vợ), thì họ cũng chỉ bị xử tội
xử đồ và bị lưu đi châu ngoài như điều luật 477 đã quy định:
“…Đánh chết em trai, em gái, cùng là con cháu gái, con rể, con cháu của
anh em, thì xử đồ làm chủng điền binh; đánh chết bằng đồ nhọn sắc và cố ý giết
thì xử tội lưu đi châu ngoài; ngộ sát thì không phải tội; đánh vợ của anh thì xử
nặng hơn tội đánh người thường một bậc” (chương Đấu tụng).
Điều luật này phần nào phản ánh sự bất bình đẳng của luật pháp thời Lê
trong việc phân biệt đối xử với người phụ nữ. Trong khi cả người nam và người
nữ đều có một hành vi phạm tội như nhau (giết người thân trong gia đình), thì
người phụ nữ bị xử tội với mức hình phạt cao nhất là chém đầu, còn người đàn
ông bị xử với mức độ nhẹ hơn.
Như vậy, quyền nữ giới trong bộ luật Hồng Đức không chỉ được cụ thể hóa
ở những điều luật nhằm bênh vực, bảo vệ địa vị thân thể và danh dự của người phụ
nữ trong xã hội, trong gia đình mà nó còn được phản ánh gián tiếp qua sự nới lỏng
những hình thức xử phạt của nhà nước khi người phụ nữ có hành vi phạm tội.
4. Quyền nữ giới trước thời kì hôn nhân
Trong bộ luật Hồng Đức, không có điều luật nào phản ánh trực tiếp các nội
dung về người phụ nữ trước thời kỳ kết hôn, chỉ có một vài điều luật phản ánh
gián tiếp về quyền được hủy hôn ước như điều 322 đã trình bày. Tuy nhiên, khi
tham khảo bộ Hồng Đức thiện chính thư của nhà xuất bản Sài Gòn giới thiệu năm
1959, chúng tôi nhận thấy có một số điều luật liên quan đến vấn đề này, với nội
dung chính là thái độ bảo vệ của nhà nước tới danh dự, nhân phẩm của người nữ
giới; đề cao đức hạnh, phẩm giá của người con gái trước khi kết hôn.
Trong xã hội phong kiến, do chịu ảnh hưởng tư tưởng “Nam nữ thụ thụ bất
thân” nên mối quan hệ nam nữ trước thời kì hôn nhân được các văn bản cổ luật
quy định rất chặt chẽ nhằm giữ gìn trinh tiết và phẩm hạnh của người con gái.
Điều 99 của luật Hồng Đức thiện chính thư quy định: “Lời răn bảo các con trai
con gái, ngồi không được cùng một chiếu, tắm không được cùng một bến sông, tay
không được trao liền cho nhau, trái lệnh này thì chiếu luật trị tội”
20

Ban hành quy định này, các nhà lập pháp thời Lê còn có mục đích khác nữa
là nhằm giữ gìn danh tiếng cho gia đình người con gái, nhất là người cha trong gia
đình. Bởi theo quan niệm xưa, người đàn ông rất coi trọng chữ tín, coi trọng danh
dự, danh tiếng “trai thời chữ tín làm đầu”. Song quan trọng nhất,vẫn là để bảo vệ
trinh tiết người con gái, là cơ sở pháp lý để ngăn chặn các hiện tượng quan hệ tình
dục trước hôn nhân hoặc không chồng mà chửa như thực tế trong xã hội thời đó
vẫn xảy ra. Vì trong Hồng Đức thiện chính thư có đề cập đến việc pháp luật phái
xử lý hai trường hợp người conn gái chưa có chồng mà chửa: trường hợp thứ nhất
là “Hai người con gái cùng ở với nhau, một người có thai rồi đẻ con” (điều 261)
21
,
và trường hợp “không chồng mà có chửa”(điều 262)
22
.
Dưới thời phong kiến, xã hội rất đề cao bốn đức tính : “công, dung, ngôn,
hạnh”của người phụ nữ, và coi đó là tiêu chuẩn xã hội mẫu mực cần phải có của
bất kì người phụ nữ nào. Vì vậy ngay từ khi còn nhỏ, người con gái cần phải được
dạy dỗ, chỉ bảo từ lời ăn tiếng nói, hành động cho đến các công việc nội trợ để sau
này trở thành người mẹ hiền vợ đảm trong gia đình. Tư tưởng này đã ảnh hưởng
khá sâu sắc tới pháp luật thời Lê sơ, do đó tại điều 117 của luật Hồng Đức thiện
chính thư quy định: “ con gái giữ gìn trong khuê môn, nói phải chọn lời, làm
phải chọn việc, không được lắm điều lớn tiếng, chửi càn mọi người. Ai trái lệnh
20
Vũ Văn Mẫu, Sđd, tr.45.
21
Vũ Văn Mẫu, Sđd, tr.106.
22
Vũ Văn Mẫu, Sđd, tr.107.
này, cho phép xã trưởng bắt nộp quan con gái sẽ phạt 50 roi và nộp tiền theo
luật”

23
.
Vì vậy theo Hồng Đức thiện chính thư. Khi bàn tính đến việc hôn nhân, gia
đình nhà trai nên “xét tính hạnh người con gái và tính hạnh người cha, cùng là gia
pháp nhà cha mẹ người con gái ấy thế nào; chớ nên hâm mộ cái phú quý của nhà
ấy. Nếu người con gái mà hiền, bây giờ dẫu nghèo hèn, biết đâu ngày sau không
giàu sang? Nếu là người hư, bấy giờ dẫu giàu sang, biết đâu ngày sau không
nghèo khổ? Vì rằng con dâu quan hệ cho sự thịnh suy trong gia đình (Điều
255)
24
.
Rõ ràng, không chỉ xã hội mà pháp luật thời Lê rất đề cao đức tính hiền
thục, phẩm hạnh và trinh tiết của người con gái. Chính vì thế, trong các điều luật
xung quanh vấn đề này bên cạnh những quy định chung dành cho người phụ nữ
bao giờ cũng có những quy định mang tính chế tài đối với các hành vi gây tổn hại
tới danh dự và sức khoẻ người phụ nữ.
Nhận xét
Vấn đề quyền nữ giới trong Quốc triều hình luật được phản ánh qua 54
điều (Quốc triều hình luật gồm 47 điều, Hồng Đức thiện chính thư gồm 7 điều);
trong đó có 46 điều phản ánh trực tiếp các quy định của nhà nước về việc bảo vệ
quyền lợi của người vợ trong gia đình và xác lập vị thế tương đối bình đẳng giữa
vợ chồng trong mối quan hệ hôn nhân và quyền sở hữu tài sản, cũng như sự bảo vệ
người phụ nữ liên quan đến các hành vi dân sự. Có 9 điều phản ánh gián tiếp tới
quyền nữ giới liên quan tới vấn đề bình đẳng trong việc xử phạt hành vi dân sự. So
với tổng số điều luật (54/722), thì các quy định về quyền nữ giới chiếm tỷ lệ chưa
nhiều (chiếm 7,5 %). Nhưng qua đó chúng ta thấy pháp luật thời Lê đã thực sự
quan tâm tới quyền của người phụ nữ, không chỉ trong mối quan hệ gia đình với tư
cách là người vợ mà còn quan tâm tới địa vị người phụ nữ trước thời kì hôn nhân;
đồng thời thấy được bước tiến bộ, tính nhân văn của Quốc triều hình luật so với
các bộ luật đương thời trong việc quan tâm, bảo vệ quyền lợi, danh dự, nhân phẩm

của người phụ nữ; từng bước cải thiện và nâng cao địa vị của họ trong gia đình và
ngoài xã hội.Nó cho thấy người phụ nữ - người vợ đã được xác lập quyền bình
đẳng về tài sản với người chồng trong gia đình, họ được quyền thừa kế như nam
giới và quản lý tài sản sau khi chồng chết (mặc dù sự bình đẳng này còn rất hạn
chế). Người phụ nữ được pháp luật bảo vệ trước các hành vi xâm phạm tới sức
23
Vũ Văn Mẫu, Sđd, tr.55.
24
Vũ Văn Mẫu, Sđd, tr.95
khoẻ, nhân phẩm và khi chính họ mắc lỗi, phạm tôi thì pháp luật luôn có sự giảm
nhẹ mức độ hình phạt hơn người nam giới.
Như vậy ở góc độ pháp luật, quyền nữ giới đã được ghi nhận thành những
điều luật cụ thể, còn thực tế ngoài xã hội dưới thời Lê vấn đề quyền nữ giới được
thực hiện như thế nào. Qua tìm hiểu bộ Đại Việt sử ký toàn thư, chúng tôi nhận
thấy các sử gia phong kiến cũng có đề cập đến sự quan tâm của nhà nước tới
người phụ nữ ở một số khía cạch nhất định. Nhà nước có chế độ biểu dương
những người phụ nữ có tiết hạnh, trinh tiết: “Năm 1437, Vua Lê ra chỉ dụ nêu biểu
dương liệt nữ Lê thị. Lê thị tên là Liễn người làng Phúc Lâm, lộ Quốc Oai trung,
là vợ của Túc vệ Lương Thiên Tích đời Hồ, có nhan sắc, góa chồng sớm, không có
con, thờ phụng nhà chồng, cúng lễ chồng khi đến chết. Thiếu bảo Lê Quốc Hưng
bèn đem việc ấy tâu lên, nên được biểu dương”
25
. Hoặc vào năm 1463 niên hiệu
Quang Thuận đời vua Lê Thánh Tông đã “Ban biển ngạch cho người phụ nữ trinh
tiết là Nguyễn Thị Bồ ở ở xã Đại Hức Lệ, huyện Thanh trì để nêu khen với việc
xóm làng, cho một người con hay cháu được miễn phu dịch để nuôi nấng”
26
. Để
bảo vệ hạnh phúc gia đình cho người phụ nữ, buộc người chồng sống phải có trách
nhiệm với người vợ, nhà nước cũng nghiêm khác trị tội.Tiêu biểu có trường hợp

của Lương Thế Vinh hặc tội Bùi Huấn vì: “ Nay Huân đương lúc còn tang vợ mà
đi lấy con gái của người về hàng bạn hữu, hơn nữa trước đã lấy con gái của người
ấy làm vợ cả rồi. Tệ bạc trong ân ái vợ chồng, khinh miệt đạo cương thường đến
thế; việc này quan hệ tới phong hóa, rối loạn nhân luân, xin cho pháp ty trị tôi.
Vua y theo”
27
. Tuy chưa có điều kiện thống kê hết, song qua đó chúng ta thấy
không chỉ đến khi luật Hồng Đức ra đời, mà ngay từ trước đó trong đời sống xã
hội đã có sự quan tâm, đề cao của nhà nước tới người phụ nữ.
Khi so sánh các bộ luật cổ Việt Nam
28
thì bộ luật Hồng Đức thời Lê và bộ
luật Gia Long thời Nguyễn là hai bộ luật vừa mang tính hệ thống hoàn chỉnh, vừa
có một số điều luật chú ý đến quyền lợi, thân phận của người phụ nữ, đều có
những quy định nghiêm cấm và hình phạt với các hành vi lừa gạt để kết hôn hoặc
có những điều luật quy định về quyền nhân thân giữa hai vợ chồng nhằm làm cho
người đàn ông sống có trách nhiệm với gia đình và người vợ
29
. Tuy nhiên, những
điều luật xác lập quyền của người phụ nữ nhất là quyền bình đẳng về tài sản trong
25, 26
Đại Việt sử ký toàn thư (dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội,
1993, Tr. 337; 398.
26
27
Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 418
28
Bộ luật cổ Việt Nam có: Hình thư, Hội điển nhà Lý; Thống chế, Hình luật nhà Trần; Lê triều hình luật
thời Lê; Hoàng Việt luật lệ nhà Nguyễn
bộ luật Gia Long còn rất hạn chế và có bước thụt lùi hơn so với quy định của luật

Hồng Đức.Bộ luật Hồng Đức quy định quyền sỏ hữu và thừa kế tài sản cho người
vợ gần ngang với chồng, còn ở luật Gia Long người vợ có địa vị rất thấp kém; bởi
bộ luật Gia Long bảo vệ tuyệt đối chế độ gia đình gia trưởng phong kiến, hôn nhân
không tự do cũng như chế độ nhiều vợ…Theo quy định của luật Gia Long, người
phụ nữ hầu như không thể có quyền được xin ly hôn, li hôn chỉ xảy ra khi xảy ra
hai trường hợp: thất xuất (lí do bỏ vợ) và nghĩa tuyệt (khi người vợ có lỗi có âm
mưu giết chồng; hoặc do lối của chồng khi đem vợ bán làm nô lệ, cầm cố vợ (điều
108 luật Gia Long), hoặc khi chồng thờ ơ với vợ với mức thời gian là 3 năm thì
người vợ mới được quyền xin li hôn. Chỉ so sánh một vài điều luật này cũng đủ
thấy với bộ luật Hồng Đức, người phụ nữ dưới thời lê được pháp luật nhìn nhận và
bảo vệ hơn, tuy mức độ bảo vệ đó còn ở mức hạn chế
Mặc dù đã có những quy định rất cụ thể trong việc đảm bảo quyền nữ giới
và nó có tiến bộ hơn rất nhiều so với bộ luật Gia Long nhưng Quốc triều hình luật
vẫn còn một số những hạn chế, sự bất bình đẳng giữa người chồng – người vợ,
người đàn ông – người phụ nữ xét ở phạm vi gia đình và xã hội vẫn còn rất nặng
nề, biểu hiện dưới nhiều khía cạnh khác nhau.
Qua bộ luật Hồng Đức, quyền của người phụ nữ được phản ánh chủ yếu
trong mối quan hệ gia đình về các quyền thân nhân, quyền sở hữu tài sản giữa hai
vợ chồng mà chưa quan tâm tới quyền của người phụ nữ trong các lĩnh vực chính
trị, kinh tế, văn hóa giáo dục và chăm sóc sức khoẻ Trong bộ luật Hồng Đức,
người phụ nữ vẫn còn bị xã hội đối xử phân biệt về địa vị, về các quyền lợi được
chăm sóc sức khỏe, được giáo dục, được tham gia vào các hoạt động chung của
cộng đồng xã hội. Những người phụ nữ làm nghề hát xướng không được pháp luật
nhìn nhận, vì vậy không chỉ con cái của những người này bị cấm không được đi
học, đi thi “Những con hát, phường chèo tuồng cùng cả con cháu đều không được
đi thi; trái luật thì xử tội biếm hay tội đồ ” (Điều 629)
30
; mà ngay chính bản thân
họ cũng không được phép kết hôn với những người có địa vị, quyền thế trong xã
hội như điều 323 quy định: “Các quan và thuộc hạ lấy đàn bà con gái hát xướng

29
Chúng tôi trích dẫn hai điều 12 và 15 của quyển 7 Hộ luật Hôn nhân trong luật Gia Long để làm rõ nhận
định này:
Điều 12 “Cưỡng đoạt vợ con gái nhà lành bán cho người khác làm thê thiếp, hay đem dâng cho
vương phủ, cho nhà huân công hào thích thì đều bị xử giam chờ thắt cổ”
Điều 15 “Nếu chồng bỏ vợ đi biệt 3 năm, trong thời gian ấy thông báo quan biết, rồi bỏ đi thì phạt
80 trượng, tự ý cải giá thì phạt 80 trượng”.
30
Quốc triều hình luật, Sđd, tr.215.
làm vợ cả, vợ lẽ, đều xử phạt 70 trượng, biếm ba tư; con cháu các quan viên mà
lấy những phụ nữ nói trên, thì xử phạt 60 trượng; và đều phải li dị”
Không những thế, ngay trong những điều luật thể hiện quyền bình đẳng
của nữ giới lại phản ánh sự bất bình đẳng. Đó là những điều luật liên quan đến
việc phân chia tài sản của vợ chồng (các điều 374, 375, 376, 377); hoặc các điều
liên quan đến vấn đề hành xử của nhà nước trước các hành vi phạm tội của cả hai
giới (rõ nhất ở điều luật 477) và một số các vấn đề khác.
Kết luận
Quốc triều hình luật – bộ luật của nhà nước Lê sơ ra đời trong thế kỷ XV là
sản phẩm của xã hội đạt tới đỉnh cao trong lịch sử pháp luật phong kiến Việt Nam.
Bộ luật đã đóng góp một phần quan trọng trong lịch sử phát triển lập pháp của
nước ta, chứa đựng nhiều điểm tiến bộ, tích cực của luật pháp hiện đại, phản ánh
đời sống phong phú của xã hội lúc bấy giờ, trong đó có chứa đựng những nội dung
về quyền phụ nữ - một vấn đề còn mang tính thời sự nóng hổi của xã hội hiện nay
Ngày nay, khi địa vị của người phụ nữ ngày càng được nâng cao trong mọi lĩnh
vực của đời sống xã hội thì các vấn đề về bất bình đẳng, về bạo hành gia đình . lại
đang trở thành những vấn đề mang tính thời sự của toàn xã hội. Do đó cuộc đấu
tranh về bình đẳng giới, về bênh vực và bảo vệ quyền phụ nữ vì sự tiến bộ của xã
hội ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp. Thiết nghĩ, trên chặng đường đấu tranh
giành lại quyền lợi và sự bình đẳng cho người phụ nữ như hiện nay thì những giá
trị và điểm tiến bộ của bộ luật Hồng Đức xưa về quyền nữ giới vẫn thực sự còn

nguyên giá trị lịch sử của nó.

×