Tải bản đầy đủ (.doc) (10 trang)

skkn đổi mới dạy và học môn ngữ văn qua việc tạo hứng thú ở phần dẫn vào bài học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (151.15 KB, 10 trang )

ĐỔI MỚI DẠY VÀ HỌC MÔN NGỮ VĂN QUA VIỆC TẠO
HỨNG THÚ Ở PHẦN DẪN VÀO BÀI HỌC
______________________
I. LÍ DO CHỌ ĐỀ TÀI
Hứng thú là một trạng thái tâm lí rất cần thiết trong đời sống con người. Bởi
có hứng thú, con người học tập, lao động và vui chơi mới hăng say, nhiệt tình. Đặc
biệt, trong hoạt động dạy và học nói chung và dạy và học môn Ngữ văn nói riêng,
hứng thú không chỉ giúp người học vui học, sáng tạo mà còn giúp người dạy nhập
tâm, truyền hết cái thần của bài học. Trong một tiết học mà cả thầy và trò đều hứng
thú, say mê đi chiếm lĩnh bầu trời tri thức thì tiết học ấy sẽ sinh động đến nhường
nào.
Hoạt động dạy và học môn Ngữ văn quả thực rất cần có hứng thú, mà một
trong những khâu cần tạo hứng thú nhất là phần dẫn vào bài học. Bởi lẽ, bất kì một
hoạt động nào cũng đều cần có sự mở đầu, dẫn dắt. Trong mỗi tiết học môn Ngữ
văn, phần dẫn vào bài học là một khâu quan trọng góp phần quyết định đến hiệu
quả của cả giờ học. Đây là thời điểm “dạo đầu” để giáo viên tìm cách tạo động cơ
học tập cho học sinh.
Vì thế, hòa vào xu hướng đổi mới phương pháp dạy và học nói chung và dạy
và học môn Ngữ văn nói riêng, người viết xin được đưa ra những kiến giải về vấn
đề “Đổi mới dạy và học môn Ngữ văn qua việc tạo hứng thú ở phần dẫn vào bài
học” cho những bước đầu tập nghiên cứu của mình.
Có nhiều cách dẫn vào bài học tùy theo mục tiêu, nội dung của tiết học, năng
lực, thiên hướng của học sinh và năng lực của bản thân giáo viên. Trong phạm vi
sáng kiến kinh nghiệm này, người viết bước đầu đưa ra một số kĩ thuật dẫn vào bài
học hiệu quả, tạo hứng thú học tập cho học sinh trong môn Ngữ văn (có minh họa
cụ thể áp dụng cho một số loại bài học, đối tượng học sinh). Thiết nghĩ, đây là một
vấn đề có giá trị thực tiễn đối với dạy và học môn Ngữ văn ở trung học phổ thông
nên rất mong nhận được sự góp ý của nhiều đồng nghiệp để người viết hoàn thiện
đề tài.
II. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1. Cơ sở lí luận


- Người viết đã tìm hiểu khái niệm “hứng thú” để làm cơ sở cho việc nghiên
cứu đề tài của mình. Đã có nhiều học giả định nghĩa về hứng thú, sau đây người
viết xin đưa ra một số định nghĩa về khái niệm này như sau:
+ Hứng thú là tâm trạng ham thích, cảm thấy có hào hứng. Ví dụ: Tác
phẩm gây được hứng thú cho người đọc (theo nhóm tác giả Hoàng Phê, Từ điển
tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2004, trang 473).
Trang 1
+ Hứng thú là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với đối tượng nào đó, vừa có
ý nghĩa đối với cuộc sống, vừa có khả năng mang lại khoái cảm cho cá nhân trong
quá trình hoạt động (theo Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Quang Uẩn).
Như vậy, hứng thú biểu hiện ở sự tập trung chú ý cao độ, ở sự say mê hấp
dẫn bởi nội dung hoạt động, ở bề rộng và cả chiều sâu. Hứng thú làm nảy sinh khát
vọng hành động, làm tăng hiệu quả của hoạt động nhận thức, tăng sức làm việc. Vì
thế cùng với nhu cầu, hứng thú là một trong những hệ thống động lực của nhân
cách.
Theo cách định nghĩa khái niệm “hứng thú” trên, chúng ta cũng đã hiểu vì
sao việc tạo hứng thú lại rất cần thiết trong giờ học môn Ngữ văn, đặc biệt là ở
phần dẫn vào bài học.
- Người viết cũng chú ý vào các câu thành ngữ Việt Nam như “Vạn sự khởi
đầu nan”, “Đầu xuôi đuôi lọt”,… để chiêm nghiệm và góp phần kiến giải cho đề tài
của mình. Qua việc chiêm nghiệm những câu thành ngữ này, chúng ta có thể thấy
được sự khởi đầu có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong mọi công việc, mọi hoạt
động. Và với cương vị là người giáo viên dạy môn Ngữ văn, chiêm nghiệm những
câu thành ngữ trên, người viết không khỏi suy nghĩ về việc tạo hứng thú trong các
giờ học của môn học này, đặc biệt là phần dẫn vào bài học. Bởi lẽ, giống nhưng
mọi công việc, một hoạt động khác, dạy và học môn Ngữ văn cũng thường gặp
nhiều khó khăn ở phần khởi đầu để từ đó lôi cuốn học sinh tham gia một cách tích
cực vào bài học.
Vì vậy, việc tạo hứng thú ở phần dẫn vào bài học, đặc biệt ở môn Ngữ văn là
rất cần thiết. Dẫn vào bài học tốt, gây được hứng thú để học sinh tập trung hướng

vào bài học có thể nói là người dạy môn Ngữ văn đã thành công được một nửa
trong tiết dạy đó.
- Người viết cũng luôn suy nghĩ về câu nói của Longfellow – một nhà thơ
Mĩ: “Mở đầu là một nghệ thuật vĩ đại” với mong muốn những kiến giải cho đề tài
của mình được đầy đủ hơn.
Thật vậy, ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng là rất quan trọng. Mỗi bài học nếu
có phần mở đầu bài học thuyết phục thì chỉ với vài ba phút mở đầu thôi sẽ dẫn dắt
được cả tiết học. Phần mở đầu bài học là một trong những yếu tố quyết định tính
toàn vẹn của bài học, có tác dụng phát huy tính tích cực, sáng tạo cho học sinh, tạo
không khí hứng khởi cho các em khi bắt đầu vào bài học mới.
Cũng vì “Không có lần thứ hai cho sự mở đầu”, như nhiều người khẳng
định, nên việc tạo hứng thú ở phần dẫn vào bài học cần phải được người dạy chuẩn
bị chu đáo. Bởi lẽ, chỉ có chuẩn bị chu đáo người dạy mới thể hiện được cái “nghệ
thuật vĩ đại” ở phần mở đầu bài học. Và chỉ có chuẩn bị chu đáo người dạy mới
thấy tự tin, tạo hứng thú cho phần dẫn vào bài học một cách tự nhiên, không khiên
cưỡng.
2. Cơ sở thực tiễn
Trang 2
Thực tế cho thấy, nhiều giáo viên còn xem nhẹ vai trò việc tạo hứng thú ở
phần dẫn vào bài học, chưa chú ý nhiều đến việc phải bắt đầu tiết học như thế nào
để học sinh cảm thấy hào hứng và tham gia vào bài học một cách tích cực nhất.
Nhiều khảo sát gần đây cho thấy thực trạng học tập các môn học nói chung
và học tập môn Ngữ văn nói riêng của học sinh trung học phổ thông chưa thực sự
hiệu quả. Một phần là học sinh chưa có khả năng tự học, còn lười học, mang tính
chất học vẹt, học thuộc nhưng không hiểu sâu; một phần là giáo viên sử dụng các
phương pháp chưa thực sự phù hợp và chưa tác động hiệu quả tới từng đối tượng
học sinh, tạo ra cảm giác nhàm chán và thái độ học tập thụ động. Vấn đề đặt ra là
cần phải có những đổi mới nhất định trong phương pháp dạy học.
Vì thế, người viết đưa ra giải pháp “Đổi mới dạy và học môn Ngữ văn qua
việc tạo hứng thú ở phần dẫn vào bài học” để nâng cao hiệu quả cho học sinh trong

từng bài học. Đây là giải pháp được cải tiến từ những giải pháp đã có.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP
1. Giải pháp 1: Dẫn vào bài học trực tiếp bằng lời dẫn của giáo viên
- Dẫn vào bài học trực tiếp bằng lời dẫn của giáo viên là hình thức giáo viên
đi thẳng vào vấn đề cần trình bày bằng lời dẫn dắt của mình. Đây là cách dẫn vào
bài học phổ biến nhất vì giáo viên không cần phải đầu tư, nghiềm ngẫm nhiều mà
vẫn giới thiệu được bài học và những nội dung chính của tiết học, xác định được
ngay định hướng mà không bị “lạc đường”.
Tuy nhiên cách dẫn vào bài học này không tạo được “thử thách” với người
học mà người học phải tự đặt ra “thử thách” cho mình sau khi đi vào bài học.
Chính vì thế, khi sử dụng cách này, người dạy cần khéo léo tạo hứng thú, tránh sự
nhàm chán làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập.
Đối tượng áp dụng cho giải pháp này thường là lớp học với những học sinh
trung bình – yếu hoặc không yêu thích môn Ngữ văn. Đây là loại đối tượng tương
đối nhiều trong các cấp học, đặc biệt là cấp học trung học phổ thông hiện nay vì
các em học trung bình – yếu hoặc có xu hướng học lệch để hướng tới học các môn
cho việc chọn ngành nghề của mình sau này. Nhưng không phải vì các em học
trung bình – yếu hay học lệch (không thích môn học của mình) mà người dạy
không chú ý tạo hứng thú cho các em, đặc biệt ở phần dẫn vào bài học. Đối với
loại đối tượng này, người dạy có thể chỉ cần dừng lại ở cách dẫn vào bài học trực
tiếp bằng lời dẫn của mình nhưng ở mỗi bài học cần đổi mới cánh cửa vào bài bằng
“màu sơn” khác nhau qua giọng nói, cử chỉ, điệu bộ,… Và chỉ có làm như vậy mới
dần dần thu hút được sự chú ý, tạo được hứng thú học tập cho những người học
thuộc loại đối tượng này.
- Qua thực tiễn áp dụng giải pháp này vào giảng dạy tại đơn vị mình, người
viết xin đưa ra một số dẫn chứng minh hoạ đã thực hiện có hiệu quả trong việc tạo
hứng thú ở phần dẫn vào bài học trong một số bài học như sau:
+ Dạy kiểu bài văn thuyết minh (Ngữ văn 10), người dạy nên dẫn vào bài
học như sau sẽ tạo được sự hứng thú cho người học: Các em đã học xong văn tự
sự. Văn tự sự không cần độ chính xác cao vì bên cạnh yếu tố thực lại có cả yếu tố

Trang 3
hư cấu, thậm chí là rất hoang đường. Khác với văn tự sự, có một dạng văn mà khi
các em đi mua thuốc bệnh, thuốc bổ đều có tờ “Hướng dẫn sử dụng” thuộc dạng
văn này, đó là văn thuyết minh. Vậy, yêu cầu số 1 của văn thuyết minh là tính
chính xác. Bây giờ, thầy mời cả lớp đi tìm hiểu cách làm của dạng văn này.
+ Dạy bài “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão (Ngữ văn 10), người dạy có thể
dẫn vào bài học bằng cách sau: Đất nước ta đã trải qua mấy nghìn thu chiến đấu
và đổi mới, nay đã được bình yên, nhân dân ấm no, bờ cõi vững vàng. Có được
như thế là nhờ công lao to lớn của người đời trước. Trong đó, tiêu biểu là Phạm
Ngũ Lão – một danh tướng đời Trần. Mà “Tỏ lòng” là một trong hai bài thơ còn
lại của vị danh tướng này đã nêu bật “hào khí Đông A” mạnh mẽ của thời đại
ấy… Để hiểu bài thơ “Tỏ lòng”, thầy mời cả lớp đi vào tìm hiểu tiết học ngày hôm
nay.
+ Dạy bài Hồi trống Cổ Thành (Ngữ văn 10), người dạy có thể dẫn vào bài
học bằng cách sau sẽ tạo được hứng thú cho người học: Chắc trong lớp chúng ta
có em đã xem hoặc về bộ phim “Tam quốc diễn nghĩa” trên các phương tiện thông
tin đại chúng. Nhưng các em có biết bộ phim này đã được chuyển thể từ bộ tiểu
thuyết chương hồi cùng tên của nhà văn La Quán Trung. Và hôm nay, chúng ta sẽ
đi tìm hiểu một hồi tiêu biểu trong 120 hồi của bộ tiểu thuyết này, đó là hồi thứ 28
có một nhân vật xuất hiện trong thành ngữ sau: “nóng như Trương Phi, đa nghi
như Tào Tháo”. Mời các em cùng mở sách giáo khoa trang 74.
+ Dạy bài “Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân” (Ngữ văn 11), người
dạy có thể dẫn vào bài bằng lời dẫn sau để tạo hứng thú cho người học: Mỗi người
Việt Nam đã, đang và sẽ mãi mãi sử dụng kho tài sản quý báu của cha ông ta ngàn
đời truyền lại. Khác với những loại tài sản khác, loại tài sản này, chúng ta càng sử
dụng càng làm cho nó phong phú và giàu có thêm. Đó là ngôn ngữ của dân tộc.
Mỗi lời nói của chúng ta hằng ngày cũng chính là biểu hiện của việc sử dụng tài
sản chung đó vào đời sống cá nhân của mỗi con người. Vậy, ngôn ngữ chung và
lời nói cá nhân có mối quan hệ như thế nào? Để giải đáp thắc mắc trên, thầy mời
cả lớp cùng đi vào tìm hiểu bài học ngày hôm nay.

+ Dạy bài “Chiều tối” của Hồ Chí Minh (Ngữ văn 11), người dạy có thể
dẫn vào bài học bằng lời dẫn sau có thể tạo được hứng thú cho học sinh: Hồ Chí
Minh là bậc ĐẠI NHÂN, ĐẠI TRÍ, ĐẠI DŨNG như Quách Mạt Nhược – một học
giả Trung Quốc – đã từng nhận định khi đọc tập “Nhật kí trong tù” của Người.
Quả thực, qua tập thơ này, chúng ta có thể hiểu thêm về bản lĩnh phi thường và
tinh thần lạc quan đáng kính của Người (“Thân thể ở trong lao – Tinh thần ở
ngoài lao”). Một trong những bài thơ tiêu biểu của tập “Nhật kí trong tù” là bài
“Chiều tối”. Bài thơ này lấy cảm hứng trên đường chuyển lao của Bác từ Tĩnh
Tây đến Thiên Bảo vào cuối mùa thu năm 1942. Để hiểu bản lĩnh và tinh thần lạc
quan của Bác thể hiện trong bài thơ này, thầy mời cả lớp đi vào tiết học ngày hôm
nay.
+ Dạy bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường
(Ngữ văn 12), người dạy có thể dẫn vào bài học bằng lời dẫn sau:“Ai đã đặt tên
cho dòng sông?” ban đầu có tên là “Hương ơi, e phải mày chăng?” là bài bút kí
của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết ở Huế vào năm 1981. Đây là một một
Trang 4
áng văn xuôi súc tích và đầy chất thơ về sông Hương. Bài kí này khám phá về thủy
trình của sông Hương ở phía thượng nguồn và ở ngoại vi thành phố Huế, đặc biệt
là đoạn miêu tả về sông Hương ở thành phố Huế, trước khi từ biệt Huế và mối
quan hệ của nó với lịch sử, cuộc đời và thi ca…Để tìm hiểu bài kí này và thuỷ
trình của dòng sông Hương, thầy mời cả lớp cùng đi vào bài học ngày hôm nay.
- Như vậy, dẫn vào bài học trực tiếp bằng lời dẫn của giáo viên sẽ không có
thời gian chết gây gián đoạn làm giảm hoặc mất hứng thú cho cả người dạy lẫn
người học. Cách dẫn vào bài học này đơn giản nhưng vẫn đảm bảo đủ hai nhiệm
vụ của phần dẫn nhập: vừa định hướng học tập cho học sinh vừa tạo sự chú ý, lôi
cuốn học sinh hướng vào bài học.
2. Giải pháp 2: Dẫn vào bài học gián tiếp thông qua một số hoạt động
- Dẫn vào bài học gián tiếp thông qua một số hoạt động là hình thức thông
qua những hoạt động như xem phim, nghe nhạc, ngâm thơ, chơi trò chơi, nêu vấn
đề,… rồi hướng học sinh vào bài học. Cách này sẽ khiến học sinh vừa thư giãn vừa

tư duy, nghĩa là người dạy đã tạo được một “thử thách” nhất định cho người học.
Như vậy, giải pháp này đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu kĩ bài học, tìm
hiểu kĩ những hoạt động liên quan đến bài học, sau đó lựa chọn ra một hoạt động
thú vị để đưa vào phần dẫn vào bài học nhằm tạo hứng thú, lôi cuốn học sinh vào
bài học. Tuy nhiên, ở giải pháp này, giáo viên chú ý những hoạt động gián tiếp để
đưa học sinh vào bài học phải tương đối ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, đặc biệt là có
sự lôi cuốn, hấp dẫn, tạo được hứng thú cho số đông học sinh.
Đối tượng áp dụng cho giải pháp này là lớp học có học sinh khá và yêu thích
môn Ngữ văn. Đây là loại đối tượng không nhiều nhưng không phải không có
trong các lớp học. Nếu đã xác định được trong lớp học ấy có một số em yêu thích
môn Ngữ văn thì người dạy, bên cạnh dẫn vào bài học trực tiếp bằng lời dẫn của
mình, cũng nên kết hợp với dẫn vào bài học gián tiếp thông qua một số hoạt động,
để lôi cuốn những học sinh này tham gia vào nhằm tạo hứng thú, làm cho lớp học
trở nên sôi nổi, hào hứng.
- Qua thực tiễn áp dụng giải pháp này vào giảng dạy tại đơn vị mình (chủ
yếu là phát vấn nêu vấn đề và chơi trò chơi nhỏ), người viết xin đưa ra một số dẫn
chứng minh hoạ đã thực hiện có hiệu quả trong việc tạo hứng thú ở phần dẫn vào
bài học trong một số bài học như sau:
+ Cũng là dạy kiểu bài văn thuyết minh (Ngữ văn 10), người dạy, bên cạnh
dùng lời dẫn (như dẫn vào bài học trực tiếp), cần phát vấn sẽ tạo được sự hứng thú
cho người học. Chẳng hạn có thể đặt các câu hỏi sau: Văn tự sự có cần độ chính
xác cao không các em? (hỏi một học sinh). Các tờ “Hướng dẫn sử dụng” thuốc là
dạng văn thuyết minh; vậy, yêu cầu số 1 của văn thuyết minh là gì? Vì sao? (tính
chính xác vì “Hướng dẫn sử dụng” thuốc mà không chính xác thì sẽ gây ra hậu
quả khôn lường cho người sử dụng thuốc).
+ Cũng là dạy bài Hồi trống Cổ Thành (Ngữ văn 10), người dạy có thể dẫn
vào bài học bằng cách kết hợp lời dẫn (như dẫn vào bài học trực tiếp) với việc yêu
cầu học sinh điền tên của hai nhân vật vào dấu ba chấm trong câu thành ngữ “nóng
như…, đa nghi như…”. Học sinh nào trả lời đúng sẽ được khen ngợi hoặc được
Trang 5

cộng điểm khuyến khích. Như thế các em sẽ có hứng thú ngay từ phần dẫn vào bài
học.
+ Dạy đoạn trích “Chí khí anh hùng” (trích “Truyện Kiều” – Ngữ văn 10),
người dạy có thể đọc một số câu thơ miêu tả nhân vật Từ Hải để học sinh nhận
diện nhân vật tạo không khí vào bài.
Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
Khi học sinh nhận ra đây là những câu thơ miêu tả nhân vật Từ Hải, giáo
viên có thể hướng vào bài bằng lời dẫn như sau: Trong “Truyện Kiều”, nhân vật
Từ Hải có vai trò quan trọng trong cuộc đời Kiều. Đó là người đã cứu Kiều khỏi
lầu xanh, đem đến cho Kiều những tháng ngày hạnh phúc. Từ Hải vốn là người
phi thường nên có những khát vọng, chí hướng lớn lao. Trong tiết học ngày hôm
nay, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.
+ Cũng dạy bài “Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân” (Ngữ văn 11),
người dạy có thể thông qua hoạt động sau để dẫn vào bài học nhằm tạo hứng thú
cho học sinh:
Giáo viên viết lên bảng hai câu thơ trong bài “Tự tình” (bài II) của Hồ
Xuân Hương và yêu cầu học sinh xác định chủ ngữ, vị ngữ.
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Sau khi học sinh xác định đúng chủ ngữ, vị ngữ, giáo viên phát vấn để đặt
học sinh vào “thử thách”: Ngữ pháp của câu mà Hồ Xuân Hương sử dụng có
giống với ngữ pháp của câu mà chúng ta được học và mọi người thường sử dụng
hay không? Vì sao? Cách sắp đặt từ ngữ như thế tạo được hiệu quả giao tiếp như
thế nào?
Giáo viên kích thích học sinh trả lời. Khi thấy không khí lớp học có dấu
hiệu trùng xuống, giáo viên hướng vào bài học để có đủ kiến thức giải quyết vấn
đề đã đặt ra: Để giải đáp hết những câu hỏi trên, không có cách nào khác là các

em phải chú ý vào bài học ngày hôm nay.
+ Dạy bài “Từ ấy” của Tố Hữu (Ngữ văn 11), người dạy có thể sẽ tạo được
hứng thú cho người học bằng cách dẫn vào bài học như sau: Các em hãy tìm từ
đúng điền vào chỗ trống (…) trong đoạn thơ sau ở bài “Một nhành xuân” của Tố
Hữu:
Năm … của thế kỉ hai mươi
Tôi sinh ra. Nhưng chưa được làm người
Nước đã mất. Cha đã làm nô lệ.
Trang 6
Bước 1: Người dạy yêu cầu học sinh điền khuyết vào câu thơ mà không cần
cung cấp bốn phương án. Nếu học sinh trả lời là 1920 thì giáo viên tạo hứng thú
bằng câu kích thích sự tò mò: “Trúng mà chưa đúng”. Bởi lớp học có em yêu thích
Ngữ văn nên sẽ có nhiều ý kiến phát biểu, không có thời gian chết, nên mặc dù các
câu trả lời chưa đúng vẫn tạo được sự hưng phấn cho các em.
Bước 2: Nếu 2 – 3 học sinh trả lời vẫn chưa đúng, không khí lớp học có
phần trùng xuống thì giáo viên nên đưa ra bốn phương án để các em lựa chọn:
a. Hai mươi b. Hai mốt c. Hai ba d. Hai tư
Sau khi các em chọn đúng đáp án, giáo viên hướng học sinh vào tìm hiểu bài học:
Như vậy, Tố Hữu sinh năm 1920, là nhà thơ của trào lưu cách mạng. Đường thơ
của ông gắn liền với đường cách mạng của dân tộc và tạo nên một giọng thơ mang
phong cách rất Tố Hữu: phong cách trữ tình – chính trị sâu sắc, mà tiêu biểu cho
phong cách này là bài thơ “Từ ấy”.
+ Dạy bài “Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân (Ngữ văn 12), giáo
viên có thể cho học sinh chơi trò chơi trước khi hướng vào bài học nhằm tạo sự
hứng thú cho học sinh, cụ thể như sau: Đây là nhà văn nào? Gợi ý 1: Nhà văn ấy
có bút danh Tuấn Thừa Sắc. Gợi ý 2: Chữ Tuấn mà bỏ dấu sắc đi thì thành chữ
gì? (sau 2 gợi ý chắc chắn học sinh sẽ nhận ra đó là nhà văn Nguyễn Tuân).
Như vậy, ngay đến bút danh của mình Nguyễn Tuân cũng đã có sự chơi
chữ thật độc đáo. Điều này càng chứng tỏ Nguyễn Tuân là một nhà văn tài hoa –
uyên bác. Trong sáng tác của mình, ông thường nhìn thiên nhiên ở phương diện

thẩm mĩ và nhìn con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ. Một trong những tác
phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân là tuỳ bút “Người lá đò
Sông Đà”. Để thấy rõ sự tài hoa – uyên bác của Nguyễn Tuân thể hiện trong bài
tuỳ bút này, thầy mời cả lớp cùng đi vào tìm hiểu bài học ngày hôm nay.
+ Cũng là dạy bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc
Tường (Ngữ văn 12), người dạy có thể dẫn vào bài học thông qua một số hoạt
động sau để tạo hứng thú cho người học: Hỏi trong lớp có bạn nào gốc Huế,
những bạn nào đã sống ở Huế, những bạn nào đã từng đến Huế,… Nếu có thì mời
một học sinh giới thiệu những gì em ấy đã thấy ở Huế rồi người dạy bắt vào giới
thiệu về bài kí đặc sắc này viết về dòng sông Hương. Nếu không có ai đã từng đến
Huế thì giáo viên khéo léo mời cả lớp cùng đến thăm Huế, đặc biệt thăm dòng
sông Hương của Huế qua bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ
Ngọc Tường, rồi giáo viên hướng vào nội dung khái quát của bài kí này.
+ Để dẫn vào bài học “Thuốc” của Lỗ Tấn (Ngữ văn 12), người dạy có thể
cho học sinh chơi trò chơi bằng những gợi ý từ xa đến gần: Gợi ý 1: Người Trung
Quốc cuối XIX – đầu XX thường bị người nước ngoài gọi bằng cái tên nào? Gợi ý
2: Cái tên này gồm bốn tiếng. Gợi ý 3: Cung cấp cái tên ấy bằng chữ Trung Quốc
(東 東 東 東) . Gợi ý 4: Cái tên ấy bắt đầu bằng hai tiếng: “Đông Á…”.
Sau khi chơi xong trò chơi, người dạy có thể hướng học sinh vào bài học
bằng lời dẫn sau: Cuối thế kỉ XIX – đầu XX, xã hội Trung Quốc càng ngày càng
rối ren: chế độ phong kiến xuống cấp, nhiều nước đế quốc xâu xé. Nhưng người
Trang 7
dân Trung Quốc vẫn tự cao về bề dày lịch sử của đất nước mình. Điều này khiến
họ bị coi thường là “Đông Á bệnh phu”. Đây cũng là căn bệnh mà nhà văn Lỗ
Tấn luôn trăn trở về người dân nước mình ở nhiều tác phẩm, trong đó có truyện
ngắn “Thuốc”. Để hiểu rõ hơn điều này, thầy mời cả lớp đi vào tìm hiểu bài học.
+ Dạy đoạn trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ (Ngữ
văn 12), người dạy có thể dẫn vào bài học bằng cách đọc những câu thơ của
Nguyễn Vũ Tiềm rồi phát vấn học sinh, sau đó hướng học sinh vào bài học, cụ thể
như sau: Nguyễn Vũ Tiềm đã viết những câu thơ sau trong bài “Gửi hồn vào

hương cây”:
“Đã là hồn Trương Ba
Sao còn da hàng thịt?
Đứng khuất sau cánh gà
Ngậm cười ra nước mắt…”
Vậy, các em có biết những câu thơ trên nói đến tác phẩm kịch nào không? Tại sao
Nguyễn Vũ Tiềm lại “ngậm cười ra nước mắt” khi xem vở kịch “Hồn Trương Ba,
da hàng thịt”? (giáo viên lấy câu trả lời của học sinh – kể cả đúng hay sai – để nêu
vấn đề cho bài học). Để giải đáp cho thắc mắc trên, thầy mời cả lớp đi tìm hiểu
đoạn trích cảnh VII và đoạn kết của vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Mời
các em mở sách giáo khoa trang 142.
IV. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI
- Những lợi ích trực tiếp thu được do áp dụng sáng kiến kinh nghiệm này
vào dạy học bộ môn Ngữ văn như sau:
+ Người dạy đã ý thức nhiều hơn về vai trò của phần dẫn vào bài học trong
mối quan hệ với toàn bộ bài dạy cho nên đã chú ý đầu tư nhiều hơn cho phần này
như tìm ra cách vào bài sinh động nhất, hấp dẫn nhất nhằm tạo hứng thú, lôi cuốn
học sinh trong mỗi bài dạy ngay từ phần dẫn vào bài.
+ Phần dẫn vào bài tạo được hứng thú, các em hăng hái phát biểu xây dựng
bài làm cho không khí lớp học trở nên sôi nổi, cho nên người dạy cũng cảm thấy
hứng khởi, hăng say cùng các em học sinh đi chiếm lĩnh tri thức suốt bài học.
+ Đa số học sinh có thái độ tích cực trong giờ học văn, nhiều học sinh có sự
tiến bộ về điểm số và một số học sinh có tình yêu văn học.
- Thống kê tỉ lệ 2 lớp 10 và 2 lớp 12 làm căn cứ đối sánh:
* Năm học 2012 – 2013 (Trước khi thực hiện các giải pháp của đề tài):
Lớp
Mức độ
10A10 10A13 12B7 12B11
Biết 55,4% 58,2% 50,7% 47,9%
Hiểu 32,5% 33,5% 33,2% 36,9%

Trang 8
Vận dụng 12,1% 8,3% 16,1% 15,2%
* Năm học 2012 – 2013 (Sau khi thực hiện các giải pháp của đề tài):
Lớp
Mức độ
10B12 10B15 12C12 12C13
Biết 52,3% 43,7% 48,5% 47,5%
Hiểu 34,3% 35,8% 34,6% 36,1%
Vận dụng 13,4% 20,5% 16,9% 16,4%
- Từ bảng thống kê trên, ta thấy:
+ Sau khi thực hiện các giải pháp của đề tài, mức độ tư duy môn Ngữ văn
của học sinh đã có sự tiến triển (mức độ hiểu và vận dụng tăng lên) so với trước
khi thực hiện các giải pháp của đề tài. Điều này chứng tỏ các giải pháp của đề tài
đã góp phần nâng cao trình độ học môn Ngữ văn của học sinh.
+ Các giải pháp của đề tài đã tác động tích cực đến thái độ học tập môn
Ngữ văn của học sinh, đặc biệt có hiệu quả cao đối với khối lớp thuộc ban Khoa
học tự nhiên (10B15) ở chỗ người dạy thường xuyên áp dụng giải pháp 2 đối với
lớp học thuộc khối lớp này.
V. ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG
- Qua việc thực hiện các giải pháp trên của đề tài vào các bài dạy môn Ngữ
văn, người viết đã rút ra một số những kinh nghiệm sau:
+ Cần tạo hứng thú nhiều hơn nữa cho học sinh trong giờ học môn Ngữ
văn, đặc biệt là phần dẫn vào bài học.
+ Tuỳ vào đối tượng học sinh của lớp học mà người dạy chọn giải pháp tạo
hứng thú ở phần dẫn vào bài học cho phù hợp, nhưng luôn có hướng từ dẫn vào bài
trực tiếp bằng lời dẫn của giáo viên đến dẫn vào bài gián tiếp thông qua một số
hoạt đông. Nếu lớp học không thuận lợi cho việc áp dụng giải pháp 2 buộc người
dạy chỉ dừng lại ở giải pháp 1 thì người dạy cũng nên có những điểm nhấn gây ấn
tượng thông qua giọng điệu và cử chỉ trong lời dẫn của mình để học sinh dễ có
cảm hứng hơn trong thời điểm “dạo đầu” này.

- Người viết cũng xin đưa ra một số khuyến nghị để tăng khả năng áp dụng
các giải pháp của đề tài vào thực tiễn, cụ thể như sau:
+ Đối với loại bài học tiếng Việt, việc tạo hứng thú ở phần mở đầu là tương
đối khó nhưng không phải là không có cách. Người dạy nên soạn giảng xong xuôi,
sau đó mới chuẩn bị cho việc tạo hứng thú ở phần mở đầu bài học. Bởi lẽ, loại bài
học này chủ yếu là cung cấp kiến thức và áp dụng vào bài tập. Cho nên, soạn giảng
trước, người dạy sẽ thấy có những đơn vị kiến thức, có những bài tập kích thích
được sự tò mò của học sinh.
Trang 9
+ Đối với loại bài học làm văn, việc tạo hứng thú cho người học ở phần mở
đầu bài học càng khó khăn hơn vì nó thiên nhiều đến kĩ năng trình bày. Mỗi bài
học loại này phải được kết luận bằng một dàn bài chung công thức khô khan. Vì
thế, việc tạo hứng thú phải chú ý đến sự so sánh giữa các kiểu bài văn, so sánh
giữa các thao tác lập luận trong văn nghị luận.
+ Loại bài học đọc – hiểu văn bản chiếm số lượng lớn trong chương trình
học và cũng là loại bài trọng tâm để học sinh kiểm tra, thi cử. Vì vậy, việc tạo
hứng thú ngay ở phần dẫn vào bài học là rất cần thiết để học sinh dễ dàng nắm bài.
Và người dạy cũng nên dẫn vào bài học một cách linh hoạt theo nhiều cách khác
nhau để tạo hứng thú cho người học như dẫn dắt, kể chuyện, ngâm thơ, nghe nhạc,
xem phim, đố vui, chơi trò chơi, nêu vấn đề,…
VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. SGK Ngữ văn 10, 11, 12 Cơ bản (tập 1 và 2), Phan Trọng Luận (Tổng Chủ
biên), Nhà xuất bản Giáo dục, 2008.
2. Từ điển tiếng Việt, nhóm tác giả Hoàng Phê, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2004.
3. Một số kỹ thuật mở đầu bài giảng hiệu quả môn Hoá học ở THPT theo quan
điểm sư phạm tương tác, Nguyễn Thị Hoàng Anh, đăng trên Tài liệu – Ebook
( />qua-mon-hoa-hoc-o-thpt-theo-quan-diem-su-pham-tuong-tac-52066/).
4. Mở đầu bài giảng, Thái Xuân Sang, Trang thông tin điện tử trường chính trị
Nghệ An ( />5. 4 chiêu mở đầu bài thuyết trình, Quách Tuấn Khanh, diễn đàn Diễn thuyết.vn
( />6. Cách mở đầu bài thuyết trình ấn tượng, Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, trang

blog ( />trinh-an-tuong/).
NGƯỜI THỰC HIỆN
(Kí tên và ghi rõ họ tên)
Nguyễn Quang Thêm
Trang 10

×