Tải bản đầy đủ (.doc) (24 trang)

skkn xây dựng hệ thống câu hỏi và bài tập nhằm phát huy năng lực đọc văn cho học sinh trong dạy tác phẩm văn chương ở trường thpt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (16.02 MB, 24 trang )

XÂY DỰNG HỆ THỐNG CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP NHẰM PHÁT HUY
NĂNG LỰC ĐỌC VĂN CHO HỌC SINH TRONG DẠY TÁC PHẨM
VĂN CHƯƠNG Ở TRƯỜNG THPT
I. MỞ ĐẦU
1 Lí do chọn đề tài
“Đọc hiểu văn bản” được xem là một bước đột phá trong đổi mới phương
pháp giảng dạy ngữ văn so với phương pháp giảng văn truyền thống. Học văn
học là phải đọc và đọc hiểu văn bản văn học. Nghiên cứu phương pháp dạy học
văn, giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: “Văn học sáng tác ra cho người đọc đọc, do
đó môn học tác phẩm văn học phải là môn dạy HS sinh đọc văn, giúp học sinh
hình thành kĩ năng đọc văn, trưởng thành thành người đọc có văn hoá, chứ
không phải là người biết thưởng thức việc giảng bài của thầy.”. Đọc văn được
hiểu là quá trình hoạt động tâm lí nhằm nắm bắt ý nghĩa của văn bản của người
đọc. Đọc văn bao gồm phương diện đọc là đọc thành tiếng, đọc thầm, đọc lướt,
đọc kĩ, đọc diễn cảm và phương diện hiểu là giải mã văn bản, tức là hiểu những
thông tin chứa trong ngôn từ, hình ảnh, chi tiết nghệ thuật từ đó cảm thụ được
cái hay cái đẹp của văn chương. Như vậy, dạy tác phẩm văn chương không phải
là phân tích hay giảng văn mà là dạy hs đọc hiểu văn bản văn học. Nhiệm vụ của
việc dạy đọc văn là giáo viên (Gv) hướng dẫn Hs thông qua hoạt động học tự
mình đọc văn bản, hình dung ra thế giới nghệ thuật trong văn bản và nhận biết
các tầng ý nghĩa phong phú từ văn bản. Với quan niệm này, việc Gv chỉ chú
trọng vào việc bình giảng cho thật hay, thật truyền cảm, đọc văn cho Hs chép sẽ
khó mang lại một giờ học văn hiệu quả vì lối dạy đó không đem lại sự cảm thụ
văn chương thật sự ở Hs. Hs sẽ dễ dàng quên những lời thầy cô dạy sau khi tiết
học kết thúc.
Để giúp Hs đọc hiểu tác phẩm văn học, Gv phải vận dụng phương pháp
dạy học tích cực, nghĩa là phải xem Hs phải là người chủ thể trong các hoạt
động học tập, là người chủ động kiến tạo các kiến thức còn mình chỉ là người tổ
chức các hoạt động học tập cho HS. Và như vậy, thiết nghĩ với vai trò là người
tổ chức hoạt động học, Gv cần phải xây dựng được hệ thống câu hỏi và bài tập
thích hợp để định hướng cho Hs tự tìm tòi kiến thức, tự giải mã tác phẩm. Xây


dựng được một hệ thống câu hỏi và bài tập nhằm tăng cường hoạt động đọc văn
của Hs không phải đơn giản, làm được ngay. Làm được điều này đòi hỏi Gv
phải suy nghĩ, tìm tòi, đúc rút từ quá trình giảng dạy lâu dài của mình. Đây
chính là vấn đề mà tôi quan tâm nghiên cứu.
2. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu xây dựng hệ thống câu hỏi và bài tập sẽ giúp người viết tìm
hiểu sâu hơn về phương pháp giảng dạy hiệu quả môn ngữ văn. Kết quả nghiên
cứu có thể ứng dụng vào giảng dạy tác phẩm văn học cho học sinh phổ thông.
3. Phạm vi nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu
Trong khuôn khổ của một đề tài sáng kiến kinh nghiệm, bài viết chỉ tập
trung xây dựng một số dạng câu hỏi, bài tập cơ bản nhằm nâng cao năng lực đọc
văn cho Hs.
Thực hiện đề tài này, tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu khoa học
chủ yếu như phương pháp phân tích, tổng hợp, thống kê, thực nghiệm.
II. Thực trạng của hoạt động đọc văn của học sinh và việc xây dựng câu
hỏi, bài tập định hướng của giáo viên hiện nay
Hiện nay, ở một số trường thpt vẫn còn tồn tại hiện tượng Hs học văn
nhưng không đọc tác phẩm, Gv dạy văn không chú trọng đưa ra những phương
pháp hướng học sinh tự đọc hiểu tác phẩm mà chủ yếu đi sâu vào phân tích
giảng bình, thậm chí có một số Gv đọc cho hs chép bài phân tích mẫu để đối phó
các kì thi, kiểm tra. Điều này dẫn đến Hs thờ ơ, lãnh đạm với môn học văn là
điều có thể lí giải được bởi vì cái hay, cái đẹp của văn chương là do Gv khám
phá, giới thiệu chứ không phải là kết quả khám phá của bản thân Hs.
Ở khâu hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài, nhiều Gv không đưa ra những
câu hỏi, những bài tập hướng dẫn cụ thể việc chuẩn bị bài nhằm khơi gợi sự
hứng thú cho Hs đối với tác phẩm và định hướng Hs vào những vấn đề then chốt
mà Gv sẽ hướng dẫn Hs đi sâu tìm hiểu trên lớp. Mấy phút còn lại của giờ học,
Gv chỉ dặn dò Hs soạn những câu hỏi trong sách giáo khoa và kết quả Hs soạn
như thế nào Gv chưa thật sự quan tâm, thậm chí một số Gv không cần cho Hs
soạn bài. Hs chuẩn bị bài trên cơ sở câu hỏi hướng dẫn học bài trong sách giáo

khoa chỉ để đối phó chiếu lệ, chép nguyên xi câu trả lời ở sách tham khảo, sách
học tốt và nhiều Hs không đọc tác phẩm ở nhà.
Ở khâu đọc hiểu trên lớp, đa phần Hs không chủ động tham gia vào hoạt
động học, có một số Gv chưa dành nhiều công sức cho việc xây dựng hệ thống
câu hỏi và bài tập, vốn là một biện pháp có khả năng dẫn dắt Hs tham gia vào
giờ học một cách hứng thú, hướng dẫn Hs thâm nhập, khám phá tác phẩm. Dù
đã có chủ trương đổi mới phương pháp dạy học văn theo hướng tích cực, chủ
động, tăng thực hành, gắn với thực tế nhưng việc dạy học văn ở trường THPT
hiện nay vẫn còn nhiều tiết học Gv chỉ đặt vài câu hỏi rồi chú trọng dành thời
gian vào việc đọc cho Hs ghi chép nội dung bài học. Vẫn còn nhiều Gv có gắng
diễn giảng cho hay rồi truyền cái hay đó cho Hs chép và học thuộc những thông
tin đó dùng làm bài, và như vậy, thực tế Hs không đọc văn, không tự mình hiểu
văn. Nếu không tự mình đọc hiểu văn thì Hs không thể viết văn hay được.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là: hiện nay Hs chạy theo xu thế
chung là học lệch. Hs chỉ chú trọng các môn mà mình dự thi đại học, đa phần
coi trọng học môn tự nhiên, xem nhẹ các môn xã hội nên không tích cực chú
tâm vào môn hoc này khiến Gv dạy chán nản, buông xuôi không dành thời gian
đầu tư vào xây dựng bài tập định hướng giúp Hs đọc hiểu văn bản. Chương trình
học nặng nề, nhiều tác phẩm giàu giá trị văn chương nhưng vượt quá tầm đón
nhận của học sinh nên Gv và Hs chạy đua với thời gian hoàn thành nội dung bài
học để đối phó thi cử. Nội dung thi cử phần lớn vẫn đóng khung trong bài học
sách giáo khoa, sách chuẩn kiến thức, sách giáo viên mà không đề cao tính sáng
tạo nên một số Gv cho Hs chép thuộc lòng những kiến thức đó là đảm bảo yêu
cầu mà không cần chú trọng đến việc năng cao năng lực đọc hiểu sáng tạo cho
Hs.
Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và khắc phục thực trạng trên, tôi
cho rằng Gv dạy ngữ văn cần chú trọng nghiên cứu xây dựng hệ thống câu hỏi
và bài tập tăng cường khả năng đọc hiểu văn cho Hs để việc dạy học văn đạt
hiệu quả thật sự.


III. Xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập nâng cao năng lực đọc hiểu văn
cho học sinh
Việc đặt câu hỏi và xây dựng bài tập cho Hs thực hiện sẽ dẫn dắt tư duy,
gợi mở kích thích học sinh động não suy nghĩ tìm hiểu, lí giải các thông tin chứa
trong ngôn từ, hình ảnh, chi tiết nghệ thuật từ đó cảm thụ được cái hay cái đẹp
của văn bản văn chương, đồng thời rèn luyện khả năng xây dựng đoạn văn hoàn
chỉnh, tự mình có thể diễn đạt những đoạn văn hay và tốt. Mặt khác, cách làm
này khắc phục được tình trạng học thụ động của học sinh.
1. Một số dạng câu hỏi, bài tập mang tính tích cực thường được vận dụng
trong dạy đọc hiểu tác phẩm văn chương
1.1 Hệ thống câu hỏi
Câu hỏi là công cụ hiệu quả nhất trong hoạt động dạy học. Hệ thống câu hỏi
vừa đúng vừa hay sẽ khơi gợi được khả năng tự học, sáng tạo của Hs. Thông qua
câu hỏi, Hs có thể tự làm việc với văn bản, giải mã được tác phẩm, lĩnh hội được
nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Gv không nên tùy tiện đật câu hỏi. Câu hỏi
trong bài dạy không phải là cộng lại từng câu hỏi rời rạc mà phải là sự kết hợp
thành hệ thống. Câu hỏi có hệ thống sẽ giúp học sinh lĩnh hội tri thức một cách
có hệ thống, tránh được tình trạng ghi nhớ máy móc. Câu hỏi hay sẽ là tiền đề tạo
ra câu trả lời hay và tạo được không khí học tập sôi nổi. Câu hỏi không gây hứng
thú với Hs sẽ không đánh thức được tư duy, tìm tòi khám phá của Hs. Tuy nhiên,
Gv cần chú ý đến tính vừa sức của Hs. Câu hỏi quá khó sẽ khiến Hs chán nản,
buông xuôi.
Những câu hỏi thường được vận dụng góp phần nâng cao năng lực đọc hiểu
cho học sinh trong dạy học văn:
1.1.1 Câu hỏi câu hỏi phát hiện, phân tích (nêu chi tiết và phân tích chi tiết)
Đây là dạng câu hỏi đi thẳng vào những khía cạnh, những mặt khác nhau
của đối tượng đang khảo sát để tìm hiểu ý nghĩa của từng khía cạnh đó. Câu hỏi
này là cơ sở để hướng Hs đi vào giải quyết câu hỏi khái quát lên chủ đề, tư tưởng
của tác phẩm.
Ví dụ: Đoạn thơ đầu giúp em hình dung như thế nào về con đường hành

quân mà đoàn binh Tây Tiến phải trải qua? Quang Dũng dùng những thủ pháp
nghệ thuật gì để gợi tả? Phân tích chỉ ra những đặc sắc trong nghệ thuật miêu
tả?
Khi sử dụng câu hỏi phát hiện, phân tích, Gv cần chọn những điểm cốt yếu
trong tác phẩm để đặt câu hỏi, tránh nêu câu hỏi vụn vặt.
Ví dụ: Trong tác phẩm Vợ chồng A phủ - Tô Hoài, để giúp Hs phát hiện,
phân tích sức sống tiềm tàng và khát vọng hạnh phúc của nhân vật Mị, Gv đặt
câu hỏi: “Nêu những diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình
mùa xuân? Từ những suy nghĩ và hành động của Mị, em hãy rút ra nhận xét về
nhân vật này?” không nên đặt câu hỏi: “Trong đêm mùa xuân, khi nghe tiếng
sáo Mị đã làm gì? Cách Mị uống rượu như thế nào? Sau khi uống rượu Mị đã
nghĩ gì và làm gì? Việc Mị muốn đi chơi có ý nghĩa gì?”
Hoặc: Với tác phẩm Vợ Nhặt – Kim Lân, Gv hỏi: “Câu chuyện “Vợ Nhặt”
diễn ra trong bối cảnh xã hội như thế nào?” và không nên đặt câu hỏi “Không
khí ngày đói như thế nào? Có những âm thanh gì? Con người được miêu tả như
thế nào?” Bởi vì, cách đặt câu hỏi phát hiện cần phải chú trọng kiểm tra năng lực
lựa chọn và trình bày dẫn chứng của học sinh. Hỏi vụn vặt vừa mất thời gian vừa
không đánh giá được khả năng này.
1.1.2 Câu hỏi khái quát vấn đề
Câu hỏi khái quát là câu hỏi giúp Hs hệ thống hóa bài học. Hs tiếp thu kiến
thức không chỉ dừng lại ở mức đô hiểu biết những vấn đề riêng lẻ bên ngoài mà
phải đi sâu nắm được bản chất của vấn đề. Trong quá trình tìm hiểu tác phẩm,
sau khi hướng dẫn Hs tìm hiểu các hình ảnh, chi tiết tiêu biểu, nhân vật, thủ pháp
nghệ thuật… Gv cần đưa ra câu hỏi khái quát để Hs khái quát bản chất của vấn
đề và rút ra chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.
Ví dụ: Việc “Mị sống lâu trong cái khổ Mị quen khổ rồi” và “Mị nghĩ mình
là con trâu con ngựa” nói lên điều gì? Từ nỗi khổ nhục của Mị, em hãy nêu giá
trị hiện thực của tác phẩm?
Hoặc, Từ nỗi đau bị từ chối quyền làm người của Chí Phèo, em hãy làm rõ
chiều sâu chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao?

1.1.3 Câu hỏi nêu vấn đề
Câu hỏi có tính vấn đề là câu hỏi chứa đựng mâu thuẫn (giữa cái đã biết và
cái chưa biết) tạo nên tình huống có vấn đề, đồng thời kích thích được tính tích
cực, chủ động và phát huy tư duy sáng tạo trong hoạt động cảm thụ văn học của
học sinh.
Ví dụ: (1)
a/ Theo em, tại sao Nguyễn Tuân gọi cảnh cho chữ là “cảnh tượng
xưa nay chưa từng có”?
b/ So với những tác phẩm cùng viết về đề tài viết về người nông dân
nghèo như “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan và “Tắt đèn” của Ngô
Tất Tố, tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao có gì mới mẻ?
Mâu thuẫn giữa cái đã biết và cái chưa biết trong ví dụ 1 là: “cái đã biết” ở
ví dụ 1.a là hoàn cảnh cho chữ thông thường và ở 1.b là viết về người nông dân,
Nguyễn Công Hoan với “Bước đường cùng” và Ngô Tất Tố với “Tắt đèn” đều đề
cập đến quá trình bần cùng hóa của người nông dân còn “cái chưa biết” là cảnh
cho chữ trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân (1.a) và hướng đi
mới của Nam Cao khi viết về người nông dân trong tác phẩm “Chí Phèo” (1.b).
Câu hỏi có vấn đề không nhằm mục đích tái hiện tri thức đã có mà yêu cầu
học sinh phải biết sử dụng “cái đã biết” để làm phương thức tìm tòi, nghiên cứu
những giá trị tri thức mới.
Cần lưu ý, vấn đề được nêu trong tác phẩm văn chương không phải có từ ý
định chủ quan của giáo viên mà vấn đề phải được đặt ra từ bản thân của tác phẩm
văn chương có nhiều ẩn số cần được giải mã về nội dung và hình thức và từ vấn
đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ tầm đón nhận của học sinh trong quá trình
tiếp nhận tác phẩm.Vấn đề trong tác phẩm văn chương thường là tư tưởng chủ
đề, ý nghĩa tác phẩm hoặc tính hiệu quả của nghệ thuật xây dựng hình tượng, xây
dựng tính cách, kết cấu phi logic, sử dụng chi tiết như một điểm sáng thẩm mĩ,
các biện pháp tu từ…
Ví dụ, dựa vào đặc điểm thi pháp để đưa ra vấn đề: với tác phẩm “Chí
Phèo” – Nam Cao, chúng ta dựa vào đặc điểm kết cấu của truyện là kết cấu tâm

lí, kết cấu vòng tròn đưa ra câu hỏi thảo luận “Kết cấu của truyện có gì độc đáo,
ý nghĩa của kết cấu đối với truyện?” hoặc dựa vào đặc điểm nhân vật – Chí Phèo
là nhân vật điển hình xây dựng câu hỏi “Ý nghĩa khái quát điển hình của hình
tượng nhân vật Chí Phèo là gì?”.
1.1.4 Câu hỏi liên tưởng, tưởng tượng
Theo Nguyễn Trọng Hoàn, câu hỏi phát huy liên tưởng, tưởng tượng nghệ
thuật của Hs là câu hỏi dựa trên đặc trưng của tư duy văn học, hướng vào mục
đích khai thác tính nghệ thuật của tác phẩm, tính logic khoa học của kiến thức.
Câu hỏi này giúp Hs liên tưởng hiện thực của tác phẩm với hiện thực đời sống,
mối quan hệ giữa các nhân vật và hoàn cảnh, khả năng phát triển của hình
tượng, hình tượng trong tác phẩm này với tác phẩm khác, thái độ, tư tưởng của
tác giả
Ví dụ: Gv đặt câu hỏi giúp Hs từ một chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm
Người lái đò sông Đà liên tưởng đến thái độ và quan điểm nghệ thuật của
Nguyễn Tuân trước và sau CMT8: Nguyễn Tuân “thèm giật mình vì một tiếng
còi xúp-lê của chuyến xe lửa” và cảm nhận tiếng nói của đàn hươu “Hỡi ông
khách sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?” trong
khi ở Tây Bắc chưa có xây dựng đường tàu nói lên điều gì?
Hoặc: Nêu cảm nhận của em về cách kết thúc truyện Vợ Nhặt của Kim Lân
có gì khác so với cách kết thúc truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao?
1.2 Một số dạng bài tập
1.2.1 Đóng vai nhân vật
Đóng vai là phương pháp tổ chức cho học sinh thực hành một số cách ứng
xử nào đó trong một tình huống giả định. Khi nhập vai diễn xuất, học sinh luôn
có xúc cảm với vai cuả một nhân vật nào đó cho nên đây là phương pháp dạy
học đặc biệt gây hứng thú học tập cho học sinh khi dạy tác phẩm truyện. Hs
được xâm nhập vào thực tế để tìm ra cách giải quyết các vần đề nên tập dượt
được kỹ năng giải quyết vấn đề hoặc đánh giá được những tích cách của các
nhân vật. Đây là dạng hoạt động học tập mang tính sáng tạo cao và kích thích
phát triển khả năng tư duy ở Hs.

Với bài tập đóng vai, Gv dựa vào bài học mà giao tình huống “đóng vai”
cho Hs và quy định rõ thời gian chuẩn bị, thời gian đóng vai. Gv yêu cầu Hs
thảo luận xây dựng kịch bản chuẩn bị đóng vai. Hs tiến hành đóng vai, tuân thủ
theo kịch bản đã chuẩn bị. Sau khi Hs trình diễn xong, Gv tổ chức cho lớp thảo
luận, nhận xét : Cách ứng xử của các vai phù hợp hay chưa phù hợp? Vì sao?
Qua tình huống này rút ra được bài học gì?
Ví dụ: Khi dạy tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (ngữ văn 12), Gv cho hs
đóng vai các nhân vật tái hiện lại câu chuyện người đàn bà ở tòa án huyện. Gv
yêu cầu hs lựa chọn trình diễn các hành động và lời thoại tiêu biểu của các nhân
vật: người đàn bà, Phùng, chánh án Đẩu.
Gv chọn một nhóm trình bày, yêu cầu các nhóm còn lại tìm hiểu kĩ các
nhân vật, nhận xét vai diễn của bạn và trả lời câu hỏi: Việc lựa chọn các chi tiết
trong tác phẩm đưa vào kịch bản đã làm rõ được vấn đề chưa? Nhận xét các
biểu hiện về lời nói, thái độ, suy nghĩ của nhân vật người đàn bà hàng chài khi
từ chối sự giúp đỡ của Đẩu và đưa ra kết luận về nhân vật này? Phùng và Đẩu
lặng im và suy nghĩ sau câu chuyện của người đàn bà nói lên được điều gì? Bài
học đời sống rút ra từ đoạn kịch?
Bài tập này có thể giúp Hs nhớ dẫn chứng thông qua việc nhớ lời thoại của
nhân vật, nắm được tính cách nhân vật, cách giải quyết vấn đề của nhân vật. Bên
cạnh đó, Gv kiểm tra được khả năng lựa chọn dẫn chứng và trình bày dẫn
chứng, tạo được hứng thú khi tham gia vào đọc hiểu văn bản cho Hs. Bài tập
này không mất nhiều thời gian so với việc Gv gọi Hs đọc văn bản và đặt câu hỏi
cho tìm dẫn chứng rồi nhận xét, lí giải, rút ra bài học. Làm như vậy cũng sẽ mất
thời gian tương đương mà không tạo được hứng thú cho Hs.
1.2.2 Vẽ tranh minh họa
Vẽ tranh minh hoạ cho tác phẩm là tái hiện một phần nội dung tác phẩm
hoặc chân dung nhân vật bằng hình ảnh, giúp người xem hình dung đầy đủ hơn
về sự việc, thời gian, không gian và nhân vật…một cách trực quan sinh động.
Bài tập vẽ tranh minh họa sẽ tạo cho Hs có điều kiện thâm nhập tìm hiểu kĩ các
chi tiết trong tác phẩm để có thể tái hiện chính xác góp phần làm cho tác phẩm

hấp dẫn hơn, lôi cuốn hơn Tranh minh hoạ thường có màu sắc, hình ảnh mang
đậm tính trang trí nên dễ tác động vào tâm trí người xem nhờ đó mà Hs dễ nhớ
những hình ảnh, chi tiết trong tác phẩm hơn. Bài tập này còn phát huy được khả
năng sáng tạo và tưởng tượng của Hs. Hs có thể tạo ra những tác phẩm đầy màu
sắc trong cách thể hiện tích cách của các nhân vật.
Ví dụ: Dạy tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam (Ngữ văn 11), Gv cho Hs
vẽ ba bức tranh tái hiện cảnh phố huyện lúc chiều tàn với cảnh chợ tàn, phố
huyện lúc về đêm xung quanh hàng nước của chị Tí và phố huyện vào thời điểm
chuyến tàu đêm đi qua. Để vẽ được ba bức tranh này, Hs phải đọc tác phẩm
nhiều lần tìm kiếm những hình ảnh, chi tiết tiêu biểu đưa vào tranh, lựa chọn
màu sắc trùng khớp với sự miêu tả của tác giả. Những Hs thực hiện vẽ tranh
chắc chắn sẽ nắm vững được những chi tiết trong tác phẩm. Trong quá trình tổ
chức tiết học trên lớp, Hs sẽ rất khó tìm dẫn chứng về sự tương phản giữa ánh
sáng và bóng tối, sự tương phản giữa hình ảnh đoàn tàu và phố huyện nếu chỉ
dựa vào sách giáo khoa vì những chi tiết này nằm rải rác suốt tác phẩm nhưng
các em sẽ dễ dàng nhận ra những chi tiết này từ hình ảnh minh họa.
Hs dễ dàng trả lời những câu hỏi:
“Phố huyện được cảm nhận bằng những hình ảnh nào? Liệt kê những chi
tiết miêu tả bóng tối và ánh sáng? Em có nhận xét gì về sự tương phản giữa
bóng tối và ánh sáng? Theo em bóng tối và ánh sáng biểu trưng cho điều gì?”
(Tranh minh họa tác phẩm Hai đứa trẻ - Hs lớp 11a4 vẽ)
1.2.3 Thiết lập sơ đồ tư duy và sơ đồ hóa kiến thức
Bản đồ tư duy là phương pháp được đưa ra như là một phương tiện mạnh
để tận dụng khả năng ghi nhận hình ảnh của bộ não. Đây là cách để ghi nhớ chi
tiết, để tổng hợp, hay để phân tích một vấn đề ra thành một dạng của lược đồ
phân nhánh. Khi thiết lập sơ đồ tư duy cho một tác phẩm văn học, Hs dùng màu
sắc, hình ảnh, kí hiệu, từ khóa để phân tích vấn đề, ghi nhớ chi tiết quan trọng
trong tác phẩm. Việc thiết lập sơ đồ tư duy trong học tập sẽ kích thích trí nhớ,
phát huy năng lực tự học và sự sáng tạo của Hs.
Ví dụ 1: Vẽ sơ đồ tư duy mô tả nội dung và nghệ thuật bài thơ Tây Tiến –

Quang Dũng (Bài làm của nhóm Hs tổ 2 – lớp 12b6)
Ví dụ 2: Sơ đồ tư duy hình tượng con sông Đà
Sơ đồ hóa kiến thức là thao tác mã hóa kiến thức cơ bản của bài học, giúp
người học ghi nhớ kiến thức một cách lôgíc, biết nhận diện, lý giải mối quan hệ
nội tại của vấn đề, vận dụng các kỹ năng phân tích đối chiếu, tổng hợp kiến thức
để thực hành giải quyết các vấn đề thực tiễn. Các dạng sơ đồ hóa: hình tròn đồng
tâm (nhiều hình tròn xoay quanh nội dung cơ bản), hình vuông thứ bậc, mũi tên
tịnh tiến, bảng biểu…
Ví dụ 1: Sơ đồ tóm tắt khái quát nội dung bài học: Trình bày một vấn đề
(Ngữ văn 10)
Ví dụ 2: Sơ đồ kiến thức niềm hạnh phúc của đám con cháu trước cái chết cụ
Tổ trong chương trích “Hạnh phúc một tang gia”.
1.2.4 Xây dựng bài học theo dự án
Học theo dự án là phương pháp học tập tích cực, trong đó Hs học tự xây
dựng kiến thức và kĩ năng của mình thông qua việc thực hiện một dự án cụ thể.
Hs chủ động tham gia hoạt động học dưới sự hướng dẫn của người dạy, để tạo ra
một sản phẩm hay vận dụng các kiến thức đã học để tìm hiểu, thực hành nghiên
cứu một vấn đề trong học tập, giải quyết một vấn đề trong cuộc sống. Học theo
dự án còn là một hoạt động học tập nhằm tạo cơ hội cho Hs tổng hợp kiến thức
liên môn vào giải quyết vấn đề và áp dụng một cách sáng tạo vào thực tế cuộc
sống. Quá trình học theo dự án giúp Hs củng cố kiến thức, xây dựng các kỹ năng
hợp tác, giao tiếp và học tập độc lập.
Để thực hiện một dự án, Gv cần thành lập các nhóm dự án có khoảng 4-6
học sinh. Từ văn bản văn chương, Gv hướng dẫn các nhóm Hs xây chủ đề và
các tiểu chủ đề, tìm kiếm thông tin, nghiên cứu, luyện tập cách trình diễn HS
thực hiện nghiên cứu, khám phá các ý tưởng theo sở thích, tự tìm hiểu và xây
dựng kiến thức. HS có thể sử dụng kiến thức của nhiều môn học vào giải quyết
vấn đề. Thời gian thực hiện một dự án thường từ vài tuần đến vài tháng. Khi kết
thúc dự án, các nhóm tổng hợp kết quả, xây dựng sản phẩm và sẽ trình bày kết
quả học tập bằng việc trình chiếu trên Power Point, viết báo cáo, quay phim,

biểu diễn, vẽ tranh hoặc đóng kịch…
Ví dụ: Dạy tác phẩm Chí phèo – Nam Cao (Ngữ văn 11), nhằm giúp Hs tìm
hiểu bi kịch tha hóa của nhân vật Chí Phèo, Gv tổ chức cho hs thực hiện dự án:
Văn học và đời sống: Ai sinh ra con quỷ dữ làng Vũ Đại?
Thời gian thực hiện 2 tuần.
Gv phân chia lớp thành các nhóm để thực hiện các tiểu chủ đề sau:
a/ Sự ảnh hưởng của môi trường sống đến sự hình thành và phát triển nhân
cách con người (môi trường tự nhiên như đất đai, sông núi, nắng mưa, hạn hán,
lũ lụt… và môi trường xã hội như bạn bè, gia đình, nhà trường, khu phố, tình
hình kinh tế, văn hóa, chinh trị, xã hội…)
b/ Quá trình phát triển tâm lí tự nhiên của con người (quá trình phát triển tư
duy từ bản năng đến hình thành kĩ xảo, trí tuệ).
c/ Hoàn cảnh xuất thân và quá trình tha hóa của nhân vật Chí Phèo.
Từ các tiểu chủ đề, các nhóm Hs hoàn thành chủ đề lớn: Ai sinh ra con quỷ
dữ làng Vũ Đại?
Gv định hướng yêu cầu Hs trình bày sản phẩm trước lớp bằng hình thức
đóng các vai với thời gian là 15 phút. Các Hs thực hiện một chương trình văn
học và đời sống. Hs dẫn chương trình sẽ giới thiệu một buổi phỏng vấn, tranh
luận giữa ba Hs đóng các vai nhà xã hội học, nhà tâm lí học và nhà phê bình văn
học về vấn đề: các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách con
người.
Nhà xã hội học cho rằng môi trường sống xã hội là nhân tố quyết định sự
hình thành nhân cách con người. Nhà tâm lí học trình bày khả năng thích ứng và
cải tạo hoàn cảnh xã hội của con người trong sự phát triển của tư duy là yếu tố
làm nên nhân cách. Nhà phê bình văn học bàn luận về quá trình tha hóa của
nhân vật Chí Phèo và cùng người đọc rút ra những nguyên nhân dẫn đến sự tha
hóa của Chí phèo (Tập thể Hs ngồi bên dưới dóng vai người đọc). Cuối cùng,
nhóm Hs rút ra vấn đề học tập:
+ Chí Phèo từ một nông dân hiền lành đã bị hoàn cảnh xã hội (gia đình, Bá
Kiến, nhà tù thực dân, làng Vũ Đại) làm cho tha hóa biến thành quỷ dữ, bị tàn

phá thể xác, bị hủy diệt tâm hồn và bị cự tuyệt quyền làm người. Tuy nhiên,
chính bản thân của Chí Phèo cũng có phần trách nhiệm là thiếu sáng suốt khi
chống trả bằng con đường lưu manh, để cho người khác lợi dụng.
+ Liên hệ thực tế: Có hai yếu tố tác động đến việc hình thành nhân cách
con người là sự tác động của môi trường và khả năng nhận thức của bản thân.
Chính sự nhận thức của bản thân sẽ làm nên bản lĩnh sống.
Bài tập này có phần mất thời gian nhưng khơi gợi được khả năng sáng tạo
và sự hứng thú chủ động học tập ở Hs, giúp Hs có được kĩ năng vận dụng kiến
thức liên môn vào giải mã tác phẩm văn học. Bên cạnh đó nó còn thưc hiện
được nhiệm vụ tích hợp kĩ năng sống vào môn học, bồi dưỡng kĩ năng sống cho
Hs.
Trên đây là một số dạng câu hỏi và bài tập phát huy được tính chủ động,
sáng tạo của học sinh trong dạy học đồng thời có hiệu quả cao trong việc nâng
cao năng lực đọc văn cho Hs. Tuy nhiên, đây không phải là tất cả, để nâng cao
năng lực đọc văn cho Hs còn có những dạng bài tập khác như viết một kết thúc
khác cho văn bản truyện, kể chuyện theo tuyến nhân vật hoặc hệ thống các bài
tập trắc nghiệm Tùy thuộc vào từng văn bản văn học mà Gv xây dựng hệ
thống câu hỏi và bài tập cho phù hợp.
2. Thực nghiệm soạn giảng minh họa
2.1 Bài soạn:
HAI ĐỨA TRẺ
Thạch Lam
A. Mục tiêu cần đạt
- Kiến thức
+ Bức tranh phố huyện với cảnh ngày tàn, chợ tàn, những kiếp người tàn
qua cảm nhận của hai đứa trẻ.
+ Niềm xót xa, thương cảm của Thạch Lam đối với cuộc sống quẩn quanh,
buồn tẻ, tù đọng của những người lao động nghèo nơi phố huyện và sự trân
trọng, nâng niu những khát vọng nhỏ bé nhưng tươi sáng hơn của họ.
+ Thấy được vài nét độc đáo trong bút pháp nghệ thuật của Thạch Lam:

đậm đà yếu tố hiện thực, phản phất chất lãng mạn, chất thơ, lối kể thủ thỉ như lời
tâm sự
- Kĩ năng
+ Đọc hiểu tác phẩm theo đặc trưng thể loại.
+ Phân tích tâm trạng nhân vật trong tác phẩm tự sự.
B. Thiết kế bài học
I. Chuẩn bị của Gv và Hs
- Gv phân chia Hs trong lớp thành các tổ nhóm và yêu cầu nhóm
trưởng phân công các thành viên trong nhóm thực hiện một số bài tập
chuẩn bị sau:
Bài tập 1: Tìm kiếm tư liệu về tác giả Thạch Lam, tìm đọc và giới thiệu
trước lớp một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách văn chương Thạch Lam (ngoài
tác phẩm Hai đứa trẻ).
Bài tập 2: Dựa vào văn bản truyện, vẽ ba bức tranh tái hiện cảnh phố huyện
lúc chiều tàn với cảnh chợ tàn, phố huyện lúc về đêm xung quanh hàng nước của
chị tí và phố huyện vào thời điểm chuyến tàu đêm đi qua (mỗi nhóm chỉ vẽ một
bức tranh).
Bài tập 3: Lập bảng biểu: tìm những từ ngữ, chi tiết thể hiện chất thơ bình
dị của cảnh vật và tâm trạng của Liên toát ra từ ngoại cảnh.Ví dụ:,
Phố huyện Ngoại cảnh Tâm trạng Liên
Chiều tàn Tiếng trống thu không gọi buổi chiều,
chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch
nhái
Chợ vãn, mùi ẩm bốc lên, trẻ em nghèo
nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre
Cái buồn của buổi chiều quê thấm vào
tâm hồn ngây thơ, Liên cảm thấy lòng
buồn man mác
Liên cảm thấy quen thuộc quá, tưởng
mùi riêng của đất, của quê hương này

Về đêm Một đêm mùa hạ êm như nhung… Liên buồn bả, yên lặng dõi theo những
mảnh đời… nhớ Hà Nội…
Bài tập 4: Lập sơ đồ đối chiếu để thấy được ý nghĩa của chuyến tàu đêm
trong sự tương quan so sánh với bức tranh phố huyện.
II. Tiến trình bài học
Hoạt động của Gv và Hs Nội dung kiến thức cần đạt
* Hoạt động đọc hiểu tiểu dẫn
- Gv tổ chức cho Hs trình bày
bài tập 1:
+ Giới thiệu tiểu sử cuộc đời của
Thạch Lam.
I. Đọc hiểu tiểu dẫn
1. Tác giả: Thạch Lam (1910-1942
a. Cuộc đời
- Tên khai sinh Nguyễn Tường Vinh, sau đổi
là Nguyễn Tường Lân, là một trong những
cây bút chủ lực của nhóm Tự lực văn đoàn.
- Xuất thân trong gia đình gốc quan lại, anh
em đều thành đạt, có nhiều người theo nghiệp
văn chương.
- Sinh ra ở Hà Nội, thuở nhỏ sống ở quê
ngoại Hải Dương. Cuộc sống miền quê đi
vào trang viết của ông tự nhiên, sâu lắng.
- Học ở Hà Nội, sau khi đỗ tú tài ra làm báo,
+ Nêu những nét chính về phong
cách nghệ thuật của Thạch Lam
và minh chứng bằng một tác
phẩm tiêu biểu.
- Hs thực hiện bài tập chuẩn bị 1
- Gv ghi nhận kiến thức đúng, bổ

sung quan điểm văn chương
lành, giới thiệu tóm tắt một
truyện ngắn tiêu biểu cho phong
cách văn chương Thạch Lam.
- Gv yêu cầu Hs giới thiệu xuất
xứ tác phẩm.
* Hoạt động đọc hiểu văn bản
Hoạt động 1: hướng dẫn Hs
đọc và tóm tắt văn bản
- Gv yêu cầu các nhóm trình
bày sản phẩm tranh vẽ minh
họa của mình lên bảng lớn (bài
tập 2). Dựa vào tranh vẽ tóm tắt
sơ lược nội dung.
- Hs thực hiện bài tập 2
- Gv tổ chức cho Hs đọc minh
họa một đoạn văn bản, hướng
dẫn Hs đọc với giọng điệu trữ
tình, tha thiết, sâu lắng.
Hoạt động 2: đọc, cắt nghĩa
văn bản
- Gv cho Hs phối hợp văn bản
sgk và tranh vẽ trả lời các câu
hỏi phát hiện, phân tích sau:
+ Hãy chỉ ra nét đặc sắc về cách
viết văn.
- Là người đôn hậu, tinh tế. 33 tuổi qua đời vì
bệnh lao.
b. Văn chương
- Ông có quan niệm văn chương lành mạnh

và có biệt tài về truyện ngắn: loại truyện tâm
tình, không có cốt truyện. Hai yếu tố hiện
thực và lãng mạn trữ tình luôn đan cài, xen
kẽ vào nhau tạo nên nét đặc thù khó lẫn trong
phong cách nghệ thuật của ông.
- Thế giới nhân vật thường là tầng lớp tiểu tư
sản nghèo, nông dân nghèo với cuộc sống vất
vả, cực nhọc, bế tắc
- Thạch Lam là người đem chất thơ vào văn
xuôi. Hầu hết các tác phẩm của ông đều được
viết với tấm lòng đôn hậu, nhạy cảm, tinh tế
với mọi biến thái tâm trạng của lòng người.
- Tác phẩm tiêu biểu: SGK
2. Tác phẩm: Hai đứa trẻ
- Xuất xứ: In trong tập Nắng trong vườn
1938
- Bút pháp: Hiện thực và lãng mạn trữ tình.
IV. Đọc hiểu văn bản
1. Bức tranh phố huyện qua cảm nhận của
nhân vật Liên
a) Khung cảnh phố huyện
- Không gian, thời gian:
Phố huyện nhỏ trong thời khắc chiều tàn,
trong đêm và về khuya
- Chợ tàn:
miêu tả không gian, thời gian
truyện?
+ Buổi chiều được đặc tả bằng
những hình ảnh nào?
+ Chợ là bộ mặt kinh tế của đời

sống người dân, hãy nêu những
suy nghĩ của em đời sống người
dân nơi đây qua hình ảnh chợ
tàn
+ Gam màu chủ đạo trong bức
tranh phố huyện là màu gì?
+ Bóng tối được miêu tả như
thế nào? Bóng tối biểu trưng cho
điều gì?
(Chuyển ý: Trong bóng tối dày
đặc tưởng như phố huyện đã
chìm vào giấc ngủ, dấu hiệu cho
thấy phố huyện vẫn hoạt động
đó là ánh sáng và âm thanh.)
+ Hãy phát hiện những chi tiết
miêu tả ánh sáng? Ánh sáng nào
được lặp lại nhiều lần?
+ Nếu bóng tôi 1 biểu trưng cho
sự tăm tối ngèo khổ thì ánh sáng
yếu ớt đó biểu trưng cho điều gì?
+ Em hãy liệt kê một vài âm
thanh tiêu biểu xuất hiện ở phố
huyện? Nêu cảm nhận của em
về âm thanh nơi phố huyện?
(Gv giảng bình về cách đối thoại
của con người và tiếng cười của
cụ Thi)
+ Chợ đã vãn từ lâu, người về hết, tiếng ồn
ào cũng mất, chỉ còn một vài người bán hàng
về muộn.

+ Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị và
lá nhãn…
+ Mấy đứa trẻ con nhà nghèo nhặt nhạnh
thanh nứa, thanh tre
→ Chợ nghèo nàn, xơ xác, tiêu điều.
- Bóng tối
+ Bóng tối đến với những đám mây ánh hồng
như hòn than sắp tàn.
+ Bóng tối làm cho dãy tre làng đen lại.
+ Bóng tối bao trùm lên đường phố, ngõ phố;
các con đường ra sông, ra chợ, vào làng.
→ Bóng tối như ma lực hãi hùng đang thâm
nhập, luồn lách, bao trùm lên mọi cảnh vật,
mọi trạng thái hoạt động của con người.
Cuộc sống tăm tối đang bao trùm người dân
phố huyện.
- Ánh sáng
• Ánh sáng dưới mặt đất:
+ Đèn của nhà bác phở Mĩ, nhà ông Cửu,
hiệu khách, những nhà còn thức: khe sáng
+ Ngọn đèn con chị Tí: quầng sáng
+ Ngọn đèn của Liên: hột sáng
+ Bếp lửa bác Siêu: chấm lửa nhỏ
• Ánh sáng trên bầu trời:
+ Hàng ngàn ngôi sao lấp lánh
+ Vệt sáng của những con đom đóm
→ Ánh sáng lẻ loi, yếu ớt không đủ sức xé
rách màng đêm mà càng làm cho bóng tối
mênh mông và hiu quanh hơn.
→ Ánh sáng gợi niềm hi vọng nhỏ nhoi về

cuộc sống tốt đẹp.
- Âm thanh
+ Trống thu không từng tiếng một vang xa
+ Muỗi vo ve, ếch nhái kêu ran, chó sửa ma,
tiếng đàn bầu
+ Tiếng người đối thoại rời rạc, thưa thớt, có
một tiếng cười khanh khách của bà cụ Thi
hơi điên
+ Tiếng vang động chốc lát của đoàn tàu
→Những âm thanh đơn điệu, hoang vắng,
dẫu có cất lên cũng chìm ngay vào bóng tối
(Chuyển ý: Hiện ra trong khung
cảnh bóng tối tràn ngâp là những
mảnh đời tội nghiệp đang tựa
lưng vào bóng tối.)
+ Em hãy mô tả công việc của
từng người?
+ Em có cảm nhận gì về cách
sinh hoạt của họ, cách họ cư xử
vói nhau? Họ có mơ ước gì?
- Gv đặt câu hỏi nêu vấn đề:
thông thường các nhân vật trong
truyện ngắn xuất hiện vào nhiều
thời điểm khác nhau, nhưng
trong truyện này, tất cả các nhân
vật đều xuất hiện trong đêm và
hoạt động của họ diễn ra trong
đêm và tất cả những người này
đều thức chờ tàu không vì mục
đích đi tàu hoặc bán hàng. Mục

đích của tác giả là gì khi miêu tả
như vậy?
( Hs thảo luận theo nhóm nhỏ trả
lời)
+ Bức tranh phố huyện có sự
pha trộn giữa hình ảnh giữa hình
ảnh nghèo khổ và hình ảnh thi vị
em đềm. Dựa vào bài tập chuẩn
bị 3, nêu ra một vài chi tiết thể
hiện chất thơ bình dị của cảnh
vật?
+ Thủ pháp nghệ thuật miêu tả
chủ yếu?
- Gv đặt câu hỏi liên tưởng,
tịch mịch.
b) Con người phố huyện
- Công việc:
+ Liên – An: trông coi của hàng tạp hóa nhỏ
xíu, buôn bán ế ẩm, sáng dọn ra, chiều dọn
vào, tối thức chờ tàu.
+ Mẹ con chị Tí: ngày mò cua bắt ốc, tối bán
hàng nước, bán chẳng được bao nhiêu nhưng
ngày nào cũng dọn hàng từ chập tối đến đêm
+ Gia đình bác Xẩm: hát xin tiền.
+ Bác Siêu: bán phở, lặng lẽ gánh ra, lầm lũi
gánh vào.
+ Những đứa trẻ nghèo: nhặt rác.
- Sinh hoạt:
+ Thờ ơ với thời gian sớm – tối “sớm muộn
mà có ăn thua gì”

+ Lãnh đạm với công việc “mai làm một
thể”.
+ Hành động lặp đi lặp lại những việc quen
thuộc “ngày nào cũng dọn hàng…”.
+ Thường im lặng ngồi nhìn, mong đợi và
mơ tưởng xa xôi “chừng ấy người trong bóng
tối mong đợi một cái gì đó tươi sáng”.
+ Cư xử với nhau dịu dàng, nhân hậu.
→ Người dân phố huyện có cuộc sống lam
lũ, nghèo khổ, chìm khuất trong mỏi mòn, tối
tăm, quẩn quanh nhưng họ có tâm hồn nhân
hậu, dịu dàng và không nguôi hy vọng.
* Tiểu kết:
Bức tranh phố huyện có sự pha trộn giữa
hình ảnh êm đềm thi vị và hình ảnh gợi cái
nghèo khổ, sa sút. Với các hình ảnh chiều
tàn, chợ tàn, bóng tối, ánh sáng, âm thanh và
con người , cùng với thủ pháp tương phản,
đối lập giữa bóng tối và ánh sáng, giữa âm
thanh và sự tĩnh lặng, tác giả một mặt gợi
không khí êm đềm, tĩnh lặng cùng chất thơ
riêng của phố huyện, mặt khác cũng cho thấy
cuộc sống chìm khuất, tăm tối, lay lắt của
người dân phố huyện, đồng thời bộc lộ tấm
lòng cảm thông, chia sẻ, trân trọng nâng niu
khái quát: Qua khung cảnh và
con người phố huyện, em hãy
chỉ ra mối liên hệ giữa tuổi thơ
của Thạch Lam và truyện và giá
trị hiện thực, nhân đạo của tác

phẩm?
(Chuyển ý: truyện không có cốt
truyện mà chủ yếu khai thác
những cảm nhận, chiều sâu tâm
trạng của nhân vật Liên)
- Gv yêu cầu Hs trình bày diễn
biến tâm trạng nhân vật Liên
toát ra từ ngoại cảnh (bài tập
3).
- Hs thực hiện bài tập 3 trên
bảng phụ hoặc giấy khổ lớn, treo
sản phẩm lên bảng và thuyết
trình.
- Gv nhận xét mức độ hoàn thiện
của bài tập và phần thuyết trình
của Hs trước lớp.
- Gv đặt câu hỏi liên tưởng,
phân tích: Theo em Liên có
ước mơ không? Ước mơ và
khao khát của Liên thể hiện qua
chi tiết nào? Phân tích cụ thể?
- Gv đặt câu hỏi nêu vấn đề:
Tâm trạng đợi tàu của Liên có gì
khác so với người dân phố
huyện? Tại sao Liên lại có tâm
trạng như vậy?
- Gv đặt câu hỏi khái quát: Em
hãy rút ra nhận xét, đánh giá về
nhân vật Liên? Qua nhân vật
này, Thạch Lam muốn gửi đến

người đọc điều gì?
những vẻ đẹp tâm hồn của nhà văn giành cho
những người nghèo khổ. → Giá trị hiện thực
và nhân đạo
2. Tâm trạng nhân vật Liên
- Trước sự bình lặng của buổi chiều quê,
cảnh chợ tàn, Liên cảm thấy lòng buồn man
mác, cảm nhận được mùi riêng của đất, của
quê hương.
- Về đêm, Liên buồn bã, yên lặng dõi theo
những cảnh đời nhọc nhằn, kiếp người tàn tạ
và cảm nhận được cuộc sống tù đọng trong
bóng tối của họ và hồi tưởng về những ngày
tươi đẹp khi còn sống ở Hà Nội.
Ví dụ:
+ Thương những đứa trẻ nghèo
+ Ân cần hỏi thăm chị Tí
+ Rót đầy rượu cho cụ Thi
+ Tuổi thơ được sống sung sướng ở Hà Nội,
được đi chơi bờ hồ
- Cảm xúc buồn vui khó tả trước, trong và
sau khi chuyến tàu đêm đi qua:
+ Tàu chưa đến: khắc khoải, háo hức chờ
mong.
+ Tàu đến: hân hoan, ngây ngất ngắm nhìn,
thu vào tâm trí tất cả sự huyên náo, rực rỡ
của đoàn tàu.
+ Tàu đi: bâng khuâng, ngậm ngùi, nuối tiếc
và lặng theo mơ tưởng về Hà Nội đầy màu
sắc và ánh sáng.

* Tiểu kết:
Liên là cô bé có tâm hồn nhạy cảm, nhân
hậu, trong sáng; biết suy nghĩ trầm tư trước
cuộc đời và có khát khao vươn tới một tương
lai tốt đẹp. Qua tâm trạng Liên, tác giả như
muốn lay tỉnh những người đang buồn chán,
sống quẩn quanh, lam lũ và hướng họ đến
một tương lai tươi đẹp hơn. Đó là giá trị nhân
bản của truyện ngắn này.
(tích hợp: giáo dục ước mơ và
hoài bão cho Hs)
- Gv yêu cầu Hs trình bày bài
tập chuẩn bị 4
- Hs trình bày, Gv nhận xét, sửa
lỗi, bổ sung
- Gv đặt câu hỏi bổ sung:
+ Ý nghĩa của chuyến tàu đối
với người dân phố huyện?
+ Ý nghĩa của chuyến tàu đối
với chị em Liên?
* Hoạt động tổng kết
- Gv đặt câu hói khái quát:
+ Em hãy rút ra những đặc sắc
về nghệ thuật của tác phẩm?
+ Qua tác phẩm, hãy nêu bật
chủ đề, tư tưởng tác phẩm?
3. Hình ảnh chuyến tàu đêm
Đoàn tàu Phố huyện
Âm
thanh

Còi rít lên, tàu
rầm rộ đi tới
Đơn điệu, rời
rạc, hoang vắng
Ánh
sáng
Đèn áng trưng
chiếu xuống
đường, đồng và
kền lấp lánh…
Yếu ớt, leo lét
không đủ sức
xua tan bóng
đêm
Con
người
Lố nhố người,
sang trọng
một nhóm
người nghèo
khổ
ý
nghĩa
Chuyến tàu là biểu tượng của
một thế giới giàu sang, rực rỡ ánh
sáng. Nó đối lập với cuộc sống
nghèo nàn, tăm tối nơi phố
huyện. Dù tàu chỉ vụt qua như tia
chớp nhưng cũng đủ mang lai cho
Phố huyện chút khác lạ. Con tàu

mang theo ước mơ về một thế
giới khác sáng sủa hơn và đánh
thức trong Liên những hồi ức về
Hà Nội.
III. Tổng kết
1. Đặc sắc nghệ thuật
- Cốt truyện đơn giản, nổi bật là dòng tâm
trạng chảy trôi cùng cảm xúc mong manh mơ
hồ trong tâm hồn nhân vật.
- Bút pháp tương phản, đối lập.
- Miêu tả sinh động những biến đổi tinh tế
của cảnh và tâm trạng.
- Ngôn ngữ giàu hình ảnh, gọi cảm.
- Giọng điệu thủ thỉ thấm đượm chất thơ.
2. Ý nghĩa văn bản
Qua việc miêu tả bức tranh tâm trạng bâng
khuâng của hai đứa trẻ chờ đợi chuyến tàu
đêm trong không khí buồn tẻ, Thạch Lam thể
hiện niềm cảm thương chân thành của mình
đối với những kiếp sống nghèo khổ, chìm
khuất trong mỏi mòn, tăm tối,quẩn quanh nơi
phố huyện trước CMT8 và trân trọng với
những mong ước nhỏ bé của họ.
III. Củng cố: Diễn biến tâm trạng nhân vật Liên.
Truyện không có cốt truyện, lời văn mượt mà như một bài thơ trữ
tình đượm buồn
2.2 Đánh giá kết quả thực nghiệm
* Bảng kết quả khảo sát: lớp học 40 Hs
Các lĩnh vực
Đồng ý Không đồng ý Không có ý

kiến
Số HS % Số HS % Số
HS
%
Học sinh thích Gv cho bài tập định
hướng thay vì soạn bài theo câu hỏi
SGK
25 62,5 15 37.5 0 0
Sử dụng các câu hỏi và bài tập này
là cần thiết vì có tác dụng nâng cao
năng lực hiểu văn bản cho Hs.
35 87,5 5 12.5 0 0
Các câu hỏi và bài tập phát huy được
tính thích cực, chủ động, sáng tạo và
tinh thần tự học của học sinh.
40 100 0 0 0 0
Các bài tập này giúp Hs nhớ kiến
thức lâu hơn và viết được bài văn.
32 80 8 20 0 0
*Bảng thống kê điểm kiểm tra với đề bài: Phân tích diễn biến tâm trạng
nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
Lớp Số
H
S
Điểm/số học sinh đạt điểm Tổng
số
điểm
Điểm
trung
bình

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
Lớp thực
nghiệm 11a4
40 0 0 0 3 14 12 6 4 1 0 237 5.92
Lớp đối
chứng 11a3
41 0 1 3 8 15 9 4 1 0 0 208 5.07
Kết quả thực nghiệm giữa lớp thực nghiệm và lớp đối chứng có độ lệch
chuẩn là 0,85. Chúng ta có thể kết luận rằng việc vận dụng các câu hỏi và bài tập
trong bài dạy nêu trên đã phát huy được tính tích cực chủ động đọc hiểu văn bản
văn chương của học sinh. Học sinh cảm thụ tác phẩm sâu hơn, nhớ chi tiết bài
học tốt hơn và kĩ năng viết văn cũng được nâng cao hơn.
IV. Kết luận
Dạy tác phẩm văn học là dạy Hs chủ động, tích cực đọc hiểu văn bản văn
học từ đó hình kĩ năng đọc văn chứ không phải là người chỉ biết nghe và ghi
chép bài giảng của thầy. Gv dạy văn là người tổ chức, hướng dẫn Hs tự mình
đọc văn và nhận biết các tầng ý nghĩa phong phú từ văn bản. Hs tự mình hiểu
văn thì mới có thể viết văn hay. Công cụ để Gv dẫn dắt Hs tham gia vào hoạt
động đọc hiểu văn hiệu quả chính là hệ thống câu hỏi và bài tập mang tính tích
cực như câu hỏi khái quát, câu hỏi nêu vấn đề, câu hỏi liên tưởng, vẽ sơ đồ tư
duy, đóng kịch, vẽ tranh minh họa, thực hiện dự án…
Khi xây dựng hệ thống câu hỏi và bài tập cho Hs thực hiện, Gv căn cứ vào
nội dung, thể loại văn bản văn học và đối tượng Hs để đưa ra các câu hỏi và bài
tập phù hợp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Thành Hưng (2000), Dạy học hiện đại. Lí luận - biện pháp- kĩ
thuật, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Nguyễn Trọng Hoàn (2003), Rèn luyện tư duy sáng tạo trong dạy tác
phẩm văn chương, Nxb Giáo dục.
3. Trần Đình Sử (2013), “Vấn đề đổi mới phương pháp dạy học ngữ

văn” , website w.w.w. wordpress.com
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện
chương trình sách giáo khoa lớp 10, 11,12 THPT- Ngữ văn, Sách giáo khoa và
sách giáo viên ngữ văn 11,Chuẩn kiến thức kĩ năng lớp 11, Nxb Giáo dục.
5. Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Dạy học tác giả, tác phẩm văn học
Việt Nam hiện đại ở trường Đại học Sư phạm và trường THPT - Đề tài khoa học
cấp Bộ.

×