Phân tích giấc mơ - Một kỹ thuật trị liệu tâm lý
(TV Hoàng Nhân) Trong cuộc sống hàng ngày, ai ai cũng có những giấc mơ diễn ra trong
giấc ngủ của mình. Có người có những giấc mơ đẹp diễn ra một cách nhẹ nhàng, khi tỉnh
dạy cho ta một cảm giác nhẹ nhõm thoải mái và tràn đầy hy vọng. Tuy nhiên, cũng có
người có những giấc mơ hỗn loạn, hãi hùng, chết chóc, bi thương, tang tóc và chứa đầy sự
sợ hãi lo âu.
Nhiều người sau khi tỉnh dạy thấy mình như người “mất hồn”, bị ám ảnh bởi những hình ảnh, âm
thanh trong giấc mơ được lưu lại trong trí nhớ. Những sự kiện đó có thể làm cho họ hoang mang,
không có phương hướng trong điều khiển hành vi và ý thức. Hậu quả này nếu không được giải
toả kịp thời sẽ nảy sinh ra rối nhiễu tâm lý, hoảng loạn tâm thần, và có nguy cơ tự sát.
Vậy khi gặp những tình huống như vậy, bạn sẽ phải làm gì?
Bạn hãy đưa người thân của mình tới các trung tâm tham vấn tâm lý để các chuyên gia trợ giúp
tìm ra nguyên nhân hoá giải các giấc mơ có hại. Tránh được các nguy cơ mang tính chất bệnh lý
làm hại đến bản thân. Đây là kỹ thuật Phân tích giấc mơ (giải mộng) mà các Nhà trị liệu thường
áp dụng trong tham vấn và trị liệu tâm lý.
Nhà trị liệu sẽ làm gì với Kỹ thuật phân tích giấc mơ?
Bằng năng lực chuyên môn của mình Nhà Trị liệu (NTL) sẽ thực hiện các công việc đối với thân
chủ(TC) của mình như sau:
-Giúp con người tìm lại những cội rễ vô thức của các vấn đề của mình nảy sinh những xung đột
bị dồn nén, bằng cách là sau khi giải phóng những cảm xúc có liên quan, bản thân con người sẽ
cấu trúc lại nhân cách của mình trên những cơ sở mới. Điều này cũng bao hàm việc loại trừ các
triệu chứng tâm bệnh.
Theo phân tâm học, nhân cách của con người được cấu tạo từ mối liên hệ phức tạp của năng lực
cá nhân và những trải nghiệm từ thời thơ ấu. Những hành vi của một cá nhân, do đó là kết quả
của những mẫu hành vi thơ ấu và có nguồn gốc vô thức. Nói cách khác, chúng ta có những nhu
cầu và ước muốn bị dồn nén và nhờ vào các mối quan hệ với những người khác trong thời thơ ấu
mà chúng ta học được những cách thức rõ ràng để thoả mãn những dồn nén này. Nếu mỗi cá
nhân mà không học được cách thoả mãn nhu cầu bị dồn nén thì cá nhân ấy sẽ trở thành những
người không bình thường.
Giấc mơ là nguồn gốc quan trọng chứa đựng thông tin về những động cơ vô thức của thân chủ.
Khi con người ngủ, siêu thức có vẻ yếu đi trong việc kiểm duyệt những xung đột không thể chấp
nhận được có nguồn gốc trong vô thức. Vì vậy, những động cơ không thể bộc lộ được trong khi
thức lại có thể được biểu hiện trong giấc mơ.
NTL có thể sử dụng phương pháp phân tích giấc mơ (giải mộng) để hiểu và xử lý những vấn đề
của TC. Cũng cần lưu ý rằng một vài động cơ không thể chấp nhận được bởi chính ý thức không
thể được bộc lộ một cách công khai, thậm chí cả trong giấc mơ, do vậy theo các cơ chế phòng vệ
chúng phải thể hiện dưới hình thức “trá hình” hoặc “tượng trưng”.
NTL cố gắng làm bộc lộ những động cơ bị che dấu này bằng cách sử dụng kỹ thuật giải mộng,
xem xét đánh giá nội dung của giấc mơ của TC nhằm phát hiện những động cơ vô thức, tượng
trưng hay trá hình và ý nghĩa của những mong muốn và những trải nghiệm quan trọng trong cuộc
sống.
S. Freud ông tổ của Phân tâm học cho rằng “giấc mơ là con đường huy hoàng dẫn tới vô thức”.
Do đó các NTL phải xem xét hai hình thức về nội dung của giấc mơ: nội dung rõ rệt (có thể
chiêm nghiệm được) và nội dung tiềm ẩn (mang tính che dấu). Nội dung rõ rệt là điều TC nhớ lại
khi thức khi thân chủ bộc lộ rõ những ham muốn của bản thân, nội dung tiềm ẩn bao gồm những
động cơ hiện tại đang tìm kiếm sự bộc lộ nhưng làm cho TC quá đau khổ hoặc không thể chấp
nhận được hoặc không muốn thừa nhận chúng.Vì vậy những xung đột đó hàng ngày không được
biểu lộ ra thì trong giấc mơ nó lại có cơ hội được phát triển. Từ đó NTL có thể phân tích giấc mơ
của TC để lý giải vấn đề của họ. Tất cả các giấc mơ đều có một ý nghĩa. Không những giấc mơ
có một ý nghĩa, mà ý nghĩa của giấc mơ là nguyên nhân của giấc mơ. Ý nghĩa của giấc mơ cho
phép tìm thấy nguyên nhân sâu xa của vấn đề thân chủ đang gặp phải những vướng mắc nào đó
trong tâm lý về cuộc sống mà họ đã và đang trải qua. Cái mà chúng ta nhớ lại từ giấc mơ là biểu
hiện của nó; cái gây ra giấc mơ là nội dung tiềm ẩn, hoặc bị dồn nén và vô thức của nó.
Tất cả các giấc mơ đều là sự thực hiện những ham muốn; nó nói lên những ham muốn của con
người trong cuộc sống, những ham muốn đó do nhiều nguyên nhân tác động đã làm cho thân chủ
không thể thực hiện được mong muốn của mình và dồn nén vào trong giấc mơ. Đó có thể là ham
muốn về tình dục, hoặc có thể là ham muốn quyền lực trong hoàn cảnh không thể hoàn thành
một công việc được giao. Phần lớn những giấc mơ của trẻ con là sự thực hiện những ham muốn
một cách trực tiếp, hoặc là sự bù đắp những ham muốn bị ngăn chặn, hẫng hụt, không thực hiện
được hay phải để lại sau này mới thực hiện, khi tỉnh dậy. Những giấc mơ của người lớn thì phức
tạp hơn, nói chung sự hạn chế của chúng thường đến từ nội tâm hay đã trải qua dồn nén. Trong
các giấc mơ, sự lo hãi cũng thường được gây ra do thực hiện một trá hình ẩn giấu ham muốn bị
dồn nén, nhất là khi cần có sự dồn nén để tránh cho người bệnh lo lắng, cảm thấy mình có tội hay
e sợ.
Việc phân tích giấc mơ không phải là một kỹ thuật hoàn hảo hoá giải tất cả những điều sâu kín
dồn nén trong tâm hồn của mỗi người nhưng nó là một kỹ thuật đưa bạn thoát ra khỏi các nguy
cơ làm tổn hại đến bản thân cũng như người khác.