Tải bản đầy đủ (.doc) (160 trang)

Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (743.32 KB, 160 trang )

1
MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1.1. Bàn về vai trò của yếu tố thực tiễn đối với hoạt động nhận thức, Mác cho
rằng “Vấn đề tìm hiểu xem tư duy của con người có thể đạt tới chân lí khách quan
hay không, hoàn toàn không phải là vấn đề lí luận mà là một vấn đề thực tiễn. Chính
trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lí”. Lênin cũng đã viết “Quan
điểm về đời sống, về thực tiễn phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lí luận về
nhận thức”. Như thế trong bất kì hoạt động nhận thức nào, yếu tố thực tiễn cũng đóng
vai trò là cơ sở, động lực, mục đích của nhận thức đồng thời là thước đo giá trị của
chân lí. Nhận thức rõ quan điểm này, từ trước đến nay những người làm công tác
nghiên cứu khoa học không chỉ vận dụng khoa học để giải thích thực tế mà còn tác
động đối với thực tế theo hướng phục vụ tốt cho đời sống con người. So với các
ngành khoa học kĩ thuật, các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong đó có ngôn
ngữ học hướng tác động đối với thực tế thì có phần khó khăn hơn. Muốn tác động
đến thực tế có kết quả cần phải có một hệ thống lý thuyết đúng đắn để chỉ đạo quá
trình nghiên cứu. Ngành ngôn ngữ học Việt Nam trong những năm gần đây cũng cố
gắng hướng các đề tài nghiên cứu gắn với thực tiễn Việt Nam. Nhiều công trình ngôn
ngữ học đã ra đời giải quyết được những vấn đề ngôn ngữ trong đời sống xã hội cũng
như những vấn đề ngôn ngữ của các ngành, các chuyên ngành khác nhau.
1.2. Sau khi đất nước thống nhất (1975), nhất là từ khi Đảng và Nhà nước ta bắt
đầu công cuộc đổi mới (1986), đất nước ta đã có sự chuyển mình phát triển rõ rệt về
mọi mặt. Với phương hướng chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị
trường định hướng XHCN, mở cửa giao lưu văn hóa, trao đổi kinh tế, từng bước hội
nhập với nền kinh tế toàn cầu, nhiều ngành kinh tế mới xuất hiện và phát triển, khơi
dậy những tiềm năng, tiềm lực của đất nước. Bên cạnh những ngành kinh tế có tính
chất truyền thống như nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng còn xuất
hiện các ngành kinh tế thuộc khu vực dịch vụ như tài chính, du lịch, ăn uống, giải trí…
Sự thay đổi và phát triển về kinh tế đòi hỏi phải có những công dân kinh tế, lối tư duy
2
kinh tế và hệ thống ngôn ngữ ngành kinh tế đáp ứng sự phát triển toàn diện của đất


nước trong giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
1.3. Ngôn ngữ tồn tại, biến đổi và phát triển luôn gắn liền với sự biến đổi và
phát triển của xã hội. Quy luật này cho thấy tiếng Việt phải thích ứng với sự phát triển
của xã hội Việt Nam không những về chức năng xã hội mà còn cả về cấu trúc nội bộ.
Chúng tôi nhận thấy trong quá trình phát triển toàn diện của đất nước, hệ thống từ ngữ
trong các ngành kinh tế đang phát triển rất mạnh. Sự phát triển này nằm trong sự phát
triển chung của hệ thống ngôn ngữ Việt. Hướng tới xây dựng hệ thống từ ngữ trong các
ngành kinh tế đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế đó, chúng tôi mạnh dạn
đi sâu xem xét và nghiên cứu vận động tạo từ và tạo nghĩa của từ ngữ ngành kinh tế.
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu này, đề tài của chúng tôi hướng tới xác định
những quy tắc điều khiển sự phát triển hệ thống từ ngữ, hướng tới lựa chọn, thống
nhất, chuẩn hóa từ ngữ cho các ngành kinh tế và góp phần xây dựng từ điển từ ngữ mới
ngành kinh tế.
2. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
2.1. Từ vựng là một hệ thống bao gồm hàng trăm vạn đơn vị lớn nhỏ khác nhau.
Các đơn vị từ vựng này tồn tại trong mối quan hệ quy định lẫn nhau. Ngoài mối quan
hệ về ngữ nghĩa trong hệ thống, các từ ngữ còn có những quan hệ với xã hội, lịch sử,
người dùng Chính những quan hệ này đã tách thành những lớp từ vựng khác nhau.
Những từ ngữ thuộc khu vực kinh tế từ lâu đã họp thành một lớp từ vựng riêng. Đó là
những thuật ngữ kinh tế, những từ nghề nghiệp cũng như những từ ngữ đời sống được
sử dụng trong những văn bản kinh tế. Lớp từ vựng này có phạm vi sử dụng hạn chế về
mặt xã hội tức là nó thường được những người trong ngành nghề nhất định nhận biết.
2.2. Các công trình nghiên cứu về từ vựng tiếng Việt từ trước đến nay phần lớn
đều dành những trang viết về các thuật ngữ ngành kinh tế cũng như những từ ngữ được
sử dụng trong văn bản kinh tế.
Trong công trình đầu tay của mình “Giáo trình Việt ngữ” tập 2 phần Từ hội học
(1962), Đỗ Hữu Châu có xếp nhóm từ nghề nghiệp và thuật ngữ ở mục “Các lớp từ hội
3
trong Việt ngữ”. Nhóm từ nghề nghiệp là nhóm từ có tính chất “dân gian”, được sử dụng
trong những ngành nghề thủ công, cổ truyền như cày úp, cày ải, cày lật, cày vỡ, lúa nếp

hoa vàng, lúa hương, lúa chiêm chanh, xếp ải… (từ ngữ nông nghiệp); thợ cả, thợ bạn,
dui, kèo, mè, bào, đục, mực, thước… (từ của thợ mộc) ; chài, lưới, mối, giềng, nghề bông,
nghề khơi, mảng, lưới te, lưới dạ, lưới vét… (từ của nghề đánh cá); tầng, trục, ben, tớp
máy, cặm…(từ của công nhân mỏ). Đây là những từ có tính cụ thể, gợi hình ảnh cao. Nó là
sự sáng tạo về ngôn ngữ của quần chúng nhân dân lao động. Nhiều từ ngữ sẽ được chuyển
lên thành thuật ngữ khoa học kỹ thuật khi các ngành nghề này được công nghiệp hóa và
hiện đại hóa. Về các thuật ngữ khoa học, tác giả cũng đã thu thập và trình bày thuật ngữ
của một số ngành khoa học kỹ thuật như Toán học (hình tròn, đường thẳng, mặt phẳng,
góc, cạnh, biên…), Vật lý, Hóa học (pit- tông, xi lanh, dung môi, dung dịch, điện phân,
tích điện…) và một số ngành khoa học xã hội khác (triết học, ngữ ngôn, thành tố, giá trị,
kinh tế, ngoại giao, duy vật…). Hai mươi năm sau, trong giáo trình “Từ vựng – ngữ nghĩa
tiếng Việt” (1981), phần viết về từ nghề nghiệp và thuật ngữ khoa học kỹ thuật, tác giả đã
tập hợp thêm những từ ngữ của ngành giấy, nghệ thuật hát bội, ngành văn thư… Riêng ở
phần viết về thuật ngữ, tác giả đưa ra một số từ ngữ của những ngành khoa học kỹ thuật
mới xuất hiện như ngành dệt, ngành luyện kim đen, ngành sinh học: tai thỏ, đuôi lợn, mai
rùa… lò chõ, thép gió, thép hợp kim, cán, buồng lửa, buồng sinh khí, quặng thiêu kết, liệu
sống, liệu chín , dập nóng… tế bào, mô, gien, kháng thể, di truyền, tính trội, tính lặn v.v.
Đồng thời tác giả cũng phân tích kỹ các đặc trưng của thuật ngữ và chỉ ra phương hướng
xây dựng thuật ngữ khoa học tiếng Việt dựa trên tính hệ thống về ngữ nghĩa của kiểu cấu
tạo từ tiếng Việt.
Nguyễn Văn Tu trong giáo trình “Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại” (1976) cũng
đã nói đến và tập hợp các từ vựng thuật ngữ ở phần “Thuật ngữ và từ thường”, trong đó
chú ý tới thuật ngữ của các ngành y học, hóa học, vật lý và một số ngành khoa học xã
hội nhân văn khác như chính trị, triết học, kinh tế…
Nguyễn Thiện Giáp trong giáo trình “Từ vựng học tiếng Việt” xuất bản năm 1985
đã dành một số trang nhất định để phân tích từ vựng tiếng Việt về mặt phạm vi sử dụng và
4
mức độ sử dụng. Bằng phương pháp thống kê, phân loại tỉ mỉ, tác giả đã tập hợp một loạt
các từ ngữ nghề nghiệp. Thuộc nghề nông có cày vỡ, cày ải, bón lót, bón thúc, gieo thẳng,
gieo vãi, lúa chia vè, lúa con gái… Thuộc nghề dệt có xa, ống, suốt, thoi, cữ, go, trục,

gằm, guồng cửi, hồ sợi, lấy go, đánh ống… Thuộc nghề làm trống có nạo da, văng da,
néo, sảm, chạy mực, lại rủ… Thuộc nghề sơn mài có bay, thép, đá ngói, nái, vét, xịt…
Thuộc nghề giấy có bìa, bo cánh, dó chuột, dướng… dưới manh, giấy lệnh, giấy nến, giấy
pháo… bin, bồi vạc, cây ép cuốn, đòn cách… nấu dó, nhặt bìa, ngâm bìa, kéo tàu… tàu
cúp, tàu dầm, tàu nở, tàu ráp, tàu trơn… Đây là những tư liệu quý về từ ngữ của các
ngành nghề cũng sẽ là những tư liệu cung cấp cho hệ thống thuật ngữ khi các ngành nghề
này tiến lên công nghiệp và hiện đại. Ở phần thuật ngữ, bên cạnh việc nêu lên những đặc
điểm cơ bản của thuật ngữ như tính chính xác, tính hệ thống, tính quốc tế, tác giả còn đưa
ra những hiện tượng thiếu chính xác, thiếu tính dân tộc, thiếu thống nhất và chưa chuẩn
mực của thuật ngữ khoa học Việt Nam. Trong giáo trình này, tác giả cũng đã dự báo xu
hướng phát triển của từ ngữ mới và ý nghĩa mới – những sáng tạo ngôn ngữ của người sử
dụng trên báo chí, đài phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Đó là
những từ ngữ như chuyển giao công nghệ, cổ đông, cổ phần, cổ phiếu, cơ chế thị trường,
kì phiếu, tiếp thị, thị trường…
2.3. Tiếp nối các công trình nghiên cứu tiêu biểu về từ vựng tiếng Việt của các
tác giả đi trước, hàng loạt các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, các nghiên cứu sinh, học
viên cao học, sinh viên đại học đã hướng các đề tài nghiên cứu của mình vào thực tế
ngôn ngữ để xem xét, đặc biệt là sự nghiên cứu về những từ ngữ mới trong các ngành
nghề hiện nay, trong đó có các từ ngữ ngành kinh tế.
Luận án tiến sĩ của Trần Nhật Chính “Sự phát triển của từ vựng tiếng Việt hiện
đại (30 năm đầu thế kỉ XX: 1990 – 1930)” đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về sự phát
triển từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt cả về số lượng lẫn chất lượng trong một thời gian
cụ thể 1990 – 1930. Công trình tiến hành phân tích, miêu tả các con đường cơ bản làm
giàu vốn từ vựng nói chung, qua đó chỉ ra một số đặc điểm cơ bản về nghĩa, về mô
thức cấu tạo của các từ ngữ mới.
5
Đặc biệt hệ thống những bài tham gia vào “Dự án điều tra cơ bản các ngôn ngữ
ở Việt Nam, nhánh điều tra tiếng Việt giai đoạn 2001 – 2004, phần: Từ ngữ mới xuất
hiện trên các báo” cũng đã bổ sung nguồn từ ngữ mới trên các lĩnh vực góp phần khẳng
định sự biến đổi của ngôn ngữ như là quy luật tất yếu trong sự phát triển chung của đời

sống kinh tế, chính trị - xã hội, văn hóa Việt Nam. Bài báo “Bước đầu nhận xét về cách
sử dụng từ ngữ mới trên báo Nhân dân từ 1986 – 2000” của Bùi Thị Thanh Lương đã
phân tích 1144 từ mới về nguồn gốc (từ thuần Việt, từ vay mượn) và cấu tạo (từ ghép,
từ láy, từ đơn, cụm từ cố định) từ đó đưa ra một số nhận xét sơ bộ về mặt định lượng
và định tính đồng thời chỉ ra nét riêng biệt, đặc điểm mang tính đặc trưng của báo
Nhân dân. Bài báo “Một số nhận xét về cách sử dụng từ ngữ mới trong báo Sài Gòn
giải phóng (qua các số báo phát hành từ năm 1985 đến nay)” của tác giả Chu Bích Thu,
Nguyễn Thu Huyền cũng dựa trên các tiêu chí về nguồn gốc, phương thức cấu tạo và
cách sử dụng từ ngữ trong Sài Gòn giải phóng để xem xét, phân tích 1212 từ ngữ mới.
Cách khảo sát tư liệu và những tiêu chí chủ đạo trong việc phân tích và miêu tả tư liệu
như trên cũng được áp dụng cho hàng loạt bài báo tham gia dự án này như “Một số
nhận xét về cách sáng tạo và sử dụng từ ngữ mới trên báo Hà Nội mới” của Chu Bích
Thu và Ngô Thị Thu Hương, “Một số nhận xét về cách sử dụng từ ngữ mới trên tư liệu
báo Đại đoàn kết (giai đoạn 1986 – 2000)” của nhóm tác giả Chu Bích Thu, Bùi Thị
Thanh Lương, Phạm Anh Tú, Nguyễn Thị Huyền, Trần Hương Thục, “Một số nhận xét
về cách sử dụng từ ngữ mới trong báo Lao động (nguồn tư liệu dựa vào một số báo
phát hành từ năm 2000 đến 2004) của Nguyễn Thúy Khanh và Nguyễn Thị Lan
Hương… Về cơ bản, tất cả những bài báo tham gia dự án này đều có chung một số
nhận xét: 1/ Về cấu tạo, từ ngữ mới trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2004 chủ yếu là
từ ghép có cấu tạo chính phụ “đi vào chi tiết hóa những sự vật, hiện tượng trong cuộc
sống mới nảy sinh”. 2/ Vay mượn từ các ngôn ngữ khác để làm phong phú thêm ngôn
ngữ của mình là một xu hướng phát triển tất yếu hợp với thời đại. 3/ Bản chất cách
sáng tạo và sử dụng từ ngữ mới trên các báo vẫn nằm trong xu hướng phát triển chung
của tiếng Việt. Cũng phải nói rằng, trong hệ thống những từ ngữ mới được khảo sát
6
trên các báo Nhân dân, Lao động, Hà Nội mới, An ninh thủ đô, Công an nhân dân,
Quân đội nhân dân… những từ ngữ chuyên ngành kinh tế chiếm một số lượng nhất
định (tùy theo đặc trưng của từng loại báo). Thí dụ: công ty mẹ, công ty con, biểu phí,
lương cứng, khớp lệnh, sàn giao dịch, áp giá, vốn đối ứng, thị phần, ứng xuất, gói dịch
vụ, thẻ tín dụng, dòng thuế… (Lao động); cảnh sát kinh tế, nợ đọng, tồn đọng, sức đầu

tư, gói thầu, mời thầu, đóng thầu, phí thẩm định, hậu mãi… (Đại đoàn kết); chặn bắt,
đánh hàng, hàng chính hãng, hàng xách tay, bán kí gửi, đình nã, hậu kiểm, giải phóng
mặt bằng, tái nợ, tiền chênh lệch… (An ninh thủ đô); chủ đầu tư, chợ cóc, công nghệ
sạch, giải ngân, tín chấp, tồn đọng, thu gom… (Công an nhân dân)… Sự xuất hiện của
những từ ngữ này góp phần khẳng định sự phát triển của từ ngữ kinh tế nói riêng và sự
phát triển của từ ngữ thuộc các lĩnh vực nói chung.
Một luận án có thể được gọi là tiếp nối “mạch” tìm hiểu về cách sáng tạo và sử
dụng từ ngữ mới là luận án “Từ ngữ mới tiếng Việt (trên tư liệu giai đoạn từ năm 1986
đến nay)” của Bùi Thị Thanh Lương. Luận án đã khảo sát các đơn vị từ ngữ mới thuộc
lớp từ toàn dân xuất hiện trên một số ấn phẩm báo chí giai đoạn từ năm 1986 đến 2005.
Từ đó luận án đã phân tích và miêu tả các từ ngữ mới về các mặt nguồn gốc, cấu tạo,
ngữ nghĩa… nhằm hệ thống hóa, tìm hiểu đặc điểm của các từ ngữ mới trong giai đoạn
này và xác định những khuynh hướng cơ bản của sự phát triển từ vựng tiếng Việt trong
mối quan hệ với sự phát triển về chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội của nước ta
trong gần hai thập kỉ. Lớp từ ngữ chuyên ngành kinh tế xuất hiện rải rác trong luận án
và về cơ bản cũng nằm trong khuynh hướng vận động nói chung của từ ngữ mới:
khuynh hướng cấu tạo từ ngữ, khuynh hướng phát triển ý nghĩa mới của từ, khuynh
hướng phát triển từ ngữ bằng con đường vay mượn. Đặc biệt bài báo “Mấy nhận xét về
đặc điểm thuật ngữ thương mại tiếng Việt” của Nguyễn Thị Bích Hà đăng trên Tạp chí
Ngôn ngữ số 6/1999 và sau này là luận án tiến sĩ “Đặc điểm thuật ngữ thương mại
tiếng Việt trong sự đối chiếu với tiếng Nhật” cũng đã đưa ra những phân tích cụ thể về
thuật ngữ thương mại tài chính trên cơ sở thống kê ngữ liệu thuật ngữ. Tác giả xem xét
các thuật ngữ thương mại tài chính trên các phương diện như hình thức cấu tạo thuật
7
ngữ, phương pháp cấu tạo thuật ngữ, nguồn gốc của thuật ngữ từ đó hướng tới việc
chuẩn hóa thuật ngữ thương mại nhằm phục vụ cho hoạt động giao tiếp thương mại.
Ngoài ra, việc xem xét và nghiên cứu từ ngữ thuộc lĩnh vực kinh tế ở bộ phận từ ngữ
của các ngành nghề cũng được các tác giả chú ý tìm hiểu như từ ngữ ngành đường sắt,
từ ngữ ngành phân bón – hóa chất, từ ngữ ngành luyện kim, từ ngữ ngành giấy…
Những nghiên cứu về sự phát triển của từ ngữ nói chung, từ ngữ ngành kinh tế nói

riêng tuy còn nhiều yếu tố chưa được đề cập nhưng cũng đã giúp cho người nghiên cứu
ngôn ngữ có một cái nhìn tương đối toàn diện về “bức tranh” từ vựng hiện nay đặc biệt
là vốn từ vựng trong những chuyên ngành hẹp.
Đề tài “Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại”
của chúng tôi tiếp tục theo hướng nghiên cứu gắn với thực tế sử dụng từ ngữ kinh tế.
Chúng tôi tập trung phân tích hệ thống những từ ngữ đang được sử dụng, những từ ngữ
“sống” trong lĩnh vực này về đặc điểm cấu tạo và đặc điểm ngữ nghĩa. Khẳng định
những phương thức cấu tạo từ, những kiểu cấu tạo từ của tiếng Việt có tính năng sản từ
ngữ cao cũng như những chuyển đổi, chuyển hóa về mặt ngữ nghĩa của từ để tạo ra
những từ ngữ mới trong kinh tế, từ đó hướng tới việc lựa chọn, xây dựng, thống nhất,
chuẩn hóa hệ thống từ ngữ ở lĩnh vực này.
3. MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
3.1. Mục đích nghiên cứu
Đề tài khảo sát các từ ngữ trong lĩnh vực kinh tế trong khoảng mươi lăm năm lại
đây nhất là những năm đất nước ta đang trên đà đổi mới, mở cửa, hội nhập và phát triển.
Trên cơ sở những ngữ liệu đã thống kê được, đề tài tập trung miêu tả và phân loại các từ
ngữ kinh tế về phương diện cấu tạo cũng như về đặc điểm ngữ nghĩa nhằm góp phần
khẳng định sự ý thức hóa vận động tạo từ cũng như sự chuyển đổi về ngữ nghĩa của từ
trong quá trình tạo lập các thuật ngữ khoa học. Từ đó, đề tài cũng góp một phần nhỏ
hướng tới việc chuẩn hóa thuật ngữ khoa học tiếng Việt, biên soạn các cuốn từ điển từ mới
tiếng Việt cũng như nghiên cứu sự phát triển của từ vựng tiếng Việt nói chung.
8
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Nghiên cứu lý luận về vấn đề cấu tạo từ và ý nghĩa của từ trên cơ sở tập hợp và
lý giải những ý kiến nhận xét tiêu biểu của các nhà Việt ngữ học về từ vựng tiếng Việt.
Đồng thời xem xét và tìm hiểu về sự phát triển của từ vựng tiếng Việt và tình hình
nghiên cứu từ vựng tiếng Việt hiện nay.
- Tiến hành thu thập và thống kê tư liệu nghiên cứu. Tư liệu này là những từ ngữ
đang được sử dụng trong ngành kinh tế xuất hiện trong khoảng mười lăm năm lại đây.
Những từ ngữ này được thu thập từ sách vở, báo chí, các phương tiện thông tin đại

chúng và thu thập từ thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội.
- Phân tích, miêu tả các khuynh hướng phát triển của từ ngữ kinh tế trong sự vận
động phát triển của từ ngữ tiếng Việt.
4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Quá trình vận động cấu tạo từ ngữ, vận động tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế là đối
tượng nghiên cứu của đề tài này. Vận động ở đây được hiểu là sự tồn tại, biến đổi và
phát triển của từ ngữ, cụ thể là những cách thức tạo ra từ ngữ kinh tế cho hệ thống
trong một thời đoạn lịch sử cụ thể. Nói rộng hơn nó được xem xét như là những con
đường để làm giàu vốn từ vựng kinh tế nói riêng và từ vựng tiếng Việt nói chung.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
4.2.1. Ngành kinh tế là một bộ phận của nền kinh tế chuyên tạo ra hàng hóa và
dịch vụ. Việc phân loại các ngành kinh tế là “một cơ sở để nghiên cứu và xác định
phương hướng tổ chức của từng ngành, để nghiên cứu và xác định đúng đắn quan hệ tỷ
lệ phát triển giữa các ngành và giữa các bộ phận trong từng ngành của nền kinh tế quốc
dân” (trích Thông tư giải thích nghị định số 82 – CP ngày 03/6/1963 của Hội đồng
chính phủ về việc phân chia các ngành trong nền kinh tế quốc dân).
Để phân loại các ngành kinh tế, người ta dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau như
phân loại theo vốn (vốn tài chính, vốn thiên nhiên, vốn cơ sở hạ tầng…), phân loại theo
sản phẩm (ngành hóa chất, ngành dầu mỏ, ngành thực phẩm, ngành cá, ngành giấy,
9
ngành tài chính, ngành phần mềm, ngành quảng cáo, ngành giải trí…)… và mỗi một
quốc gia lại có sự phân loại không giống nhau (Hoa Kỳ có 443 ngành, Anh có 17 nhóm
ngành, Nhật Bản có 5 nhóm ngành…). Ở Việt Nam, theo Quyết định số 10/2007/QĐ –
TTg ngày 23 tháng 1 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống ngành kinh tế Việt
Nam bao gồm 21 nhóm ngành cấp 1, 88 ngành cấp 2, 242 ngành cấp 3, 437 ngành cấp
4, 642 ngành cấp 5. Như thế hoạt động kinh tế nói chung có thể chia thành 4 khu vực
1. Khu vực sản xuất sơ khai gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khai mỏ
và khai khoáng
2. Khu vực công nghiệp và xây dựng

3. Khu vực dịch vụ: giao thông, tài chính, ăn uống, du lịch, giải trí…
4. Khu vực tri thức
4.2.2. Từ ngữ kinh tế là những từ, những cụm từ phản ánh đối tượng kinh tế, đặc
trưng của hoạt động kinh tế trong các khu vực, các ngành kinh tế. Trong đề tài này,
chúng tôi ưu tiên xem xét những từ ngữ thuộc khu vực dịch vụ, khu vực thứ ba của nền
kinh tế với một số ngành cơ bản như xây dựng, thương mại, tài chính, ngân hàng… (tất
nhiên trong tư liệu thu thập cũng có một số từ ngữ thuộc các khu vực kinh tế khác).
Bởi đây là những ngành có sự tăng trưởng lớn trong nền kinh tế nước ta nói riêng và
các quốc gia công nghiệp tiến tới xã hội hậu công nghiệp nói chung.
Từ ngữ kinh tế được xem xét trong đề tài này cũng là những từ ngữ xuất hiện
trong khoảng mười lăm năm lại đây. Lựa chọn giai đoạn phát triển về từ ngữ kinh tế
trong khoảng mười lăm năm (từ năm 2000) là bởi từ những năm 2000 Việt Nam tiếp
tục có các bước tiến mới trong công cuộc cải cách nền kinh tế như việc thúc đẩy tiến
trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hình thành Sở giao dịch chứng khoán, ban
hành Luật doanh nghiệp…
4.2.3. Để xây dựng bảng từ ngữ trong các ngành kinh tế, chúng tôi đã khảo sát
ngữ liệu trên báo chí, các phương tiện thông tin và thực tiễn đời sống xã hội. Nguồn
ngữ liệu chính của đề tài được lấy từ báo chí với tổng số 200 số báo viết trên một số
đầu báo về kinh tế như Thời báo kinh tế Việt Nam, Thời báo Ngân hàng, Công thương,
10
Tiền tệ và đầu tư, Nông nghiệp Việt Nam… và các tờ báo mạng như vneconomy.com,
baodautu.vn, dantri.com.vn, thoibaonganhang.vn, vnexpress.net, tin180.com,
vietnamnet.vn… được xuất bản từ năm 2000 (đặc biệt là từ năm 2005 trở lại đây).
Nguồn ngữ liệu thứ hai có tác dụng bổ trợ cho nguồn ngữ liệu chính là những từ
ngữ được thu thập trên các bản tin truyền hình như bản tin Việt Nam và các chỉ số, bản tin
Tài chính và các bản tin về kinh tế trên đài phát thanh. Thêm vào hai nguồn ngữ liệu này là
một số từ ngữ về kinh tế được sử dụng trong thực tế đời sống. Đây là những ngữ liệu sinh
động, sống động. Trong những từ ngữ kinh tế này, chúng tôi cũng thu thập một số từ ngữ
trong các cuốn từ điển kinh tế được dùng trong thực tế với tần suất cao.
5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

5.1. Phương pháp phân tích thành tố trực tiếp
Phương pháp phân tích thành tố trực tiếp (Nguyễn Thiện Giáp gọi là thủ pháp
phân tích thành tố trực tiếp) được dùng để xem xét cấu trúc của các đơn vị định danh
trong kinh tế, phân chia cấu trúc thành những bộ phận tối đa, nhằm xác định các đơn vị
cấu tạo. Từ đó tìm ra các nguyên tắc tạo thành từ ngữ kinh tế, các mô hình cấu tạo của
chúng và các quy luật cấu tạo nên các từ ngữ này.
5.2. Phương pháp phân tích nghĩa tố
Là đơn vị ngữ nghĩa cơ bản của ngôn ngữ phản ánh các đặc điểm riêng biệt của
sự vật, hiện tượng hay quan hệ trong thực tế, nghĩa tố có vai trò quan trọng trong quá
trình xem xét cấu trúc ý nghĩa của từ. Phương pháp phân tích nghĩa tố (Nguyễn Thiện
Giáp gọi là thủ pháp phân tích nghĩa tố) phân xuất ý nghĩa của từ ngữ kinh tế thành các
nghĩa tố, từ đó nhận diện về sự biến đổi ý nghĩa hướng đến việc tạo từ ngữ mới cho hệ
thống từ vựng. Phương pháp này cũng là phương pháp nghiên cứu chính trong luận án.
5.3. Phương pháp miêu tả
Dựa vào lý thuyết cấu tạo từ cũng như những tri thức về ngữ nghĩa của từ, luận
án miêu tả từ ngữ trong các ngành kinh tế (từ ngữ vay mượn trong quá trình giao lưu,
tiếp xúc, hội nhập; từ ngữ mới được tạo ra hoặc chuyển đổi về ngữ nghĩa trong hệ
thống ngôn ngữ); miêu tả đặc điểm của các thành tố cấu tạo từ, những kiểu cấu tạo từ
11
có sức tạo từ cao, các nét nghĩa chi phối quá trình chuyển đổi ý nghĩa và các quy luật
chi phối quá trình tạo nghĩa và tạo từ cho các từ ngữ thuộc các ngành này.
5.4. Phương pháp thống kê
Phương pháp thống kê được sử dụng để tìm hiểu số lượng, tỷ lệ phần trăm của
các phương thức tạo thành từ ngữ, các kiểu cấu tạo từ ngữ… Các kết quả thống kê sẽ
được tổng hợp lại dưới hình thức các bảng biểu giúp người đọc hình dung rõ các đặc
trưng cơ bản về vận động tạo từ và tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế.
Danh sách 1011 từ ngữ thu thập trong ngành kinh tế cũng được nhập vào máy
trên chương trình Microsofl Excel với các thông tin:
STT Từ, ngữ Văn cảnh Xuất xứ
1 xx xx xx

Những thông tin này đảm bảo tính chính xác về mặt xuất xứ cũng như sự rõ
ràng về mặt ngữ nghĩa.
Quá trình nghiên cứu được tiến hành cụ thể theo các bước sau:
Bước 1: Nghiên cứu lý luận để nắm chắc những vấn đề về cấu tạo từ của tiếng
Việt như đơn vị cấu tạo từ, phương thức cấu tạo từ, các kiểu loại từ; những vấn đề về ý
nghĩa của từ như các thành phần ý nghĩa trong từ, nét nghĩa, hiện tượng nhiều nghĩa, sự
chuyển biến ý nghĩa cũng như trường nghĩa và hiện tượng chuyển trường nghĩa của từ.
Bước 2: Tiến hành thu thập, thống kê tư liệu nghiên cứu. Đây là các từ ngữ
được sử dụng trong ngành kinh tế hiện nay (số lượng xuất hiện, nghĩa các từ ngữ, ghi
chú xuất xứ, nguồn tư liệu của các từ ngữ).
Bước 3: Tiến hành nghiên cứu, xử lý các tư liệu thống kê trên các mặt: số lượng
từ ngữ xuất hiện trong các loại và các nhóm nhỏ trong loại; miêu tả các từ ngữ đó trên
cơ sở của đặc điểm cấu tạo và đặc điểm ngữ nghĩa; xác định những kiểu tạo nghĩa và
tạo từ có tính chất năng động sản sinh cao; chỉ ra những xu hướng phát triển hiện nay
và từ nay về sau.
Bước 4: Tiến hành viết luận án và tóm tắt.
12
6. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN
6.1. Về mặt lí luận
Luận án góp phần phát hiện thực tế, giải thích thực tế ngôn ngữ và phát triển lý
luận cấu tạo từ và tạo nghĩa của từ. Những kết quả nghiên cứu cũng là một minh chứng
hùng hồn cho sức sống của tiếng Việt, khả năng thích ứng của nó với những nhu cầu
xã hội đặc biệt ở những khu vực thực tế ngôn ngữ trước kia chưa có ở Việt Nam do đó
khả năng của tiếng Việt chưa được thử thách.
6.2. Về mặt thực tiễn
Luận án cung cấp một hệ thống từ ngữ kinh tế hiện nay, phân tích và chỉ ra
những vận động để làm giàu hệ thống từ ngữ kinh tế. Từ đó mong muốn góp phần
hướng tới việc xây dựng hệ thống thuật ngữ kinh tế nước nhà.
7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, danh mục các công trình nghiên cứu, tài liệu

tham khảo và phần phụ lục bảng số liệu thống kê từ ngữ kinh tế, luận án gồm ba
chương:
Chương 1: Cơ sở lí luận
Chương 2: Vận động tạo từ của từ ngữ kinh tế
Chương 3: Vận động tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế
13
CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÍ LUẬN
1.1. VẬN ĐỘNG TẠO TỪ
Vận động là một phạm trù của triết học bao hàm tất cả những quá trình diễn ra
trong tự nhiên và trong xã hội. Có thể coi đó là sự biến đổi nói chung, là tác động qua
lại giữa các khách thể vật chất và quyết định quá trình phát triển của hệ thống.
Ngôn ngữ nói chung và từ vựng nói riêng là một hệ thống luôn tồn tại sự vận động.
Vận động ấy được xem xét ở phương diện lịch đại cũng như đồng đại. Về mặt lịch đại,
vận động được thể hiện ở quá trình biến chuyển qua từng mốc thời gian cụ thể. Điều
này có nghĩa là hệ thống từ ngữ được xem xét qua từng chặng đường của lịch sử về
mặt số lượng, chất lượng qua đó để thấy được sự tác động của xã hội đến ngôn ngữ ở
từng thời điểm cũng như đánh giá được tốc độ phát triển và khuynh hướng phát triển
cơ bản của từ vựng. Về mặt đồng đại, vận động lại được nhìn nhận như một quá trình
sản sinh từ ngữ trong lòng hệ thống ở một thời đoạn lịch sử cụ thể. Quá trình sản sinh
này chính là những cách thức tạo từ ngữ mới cho hệ thống, từ đó khái quát lên diện
mạo ngôn ngữ của một thời kì và đặt trong thế đối sánh với những thời kì trước hoặc
sau đó. Như thế, xem xét quá trình vận động dù ở phương diện lịch đại hay đồng đại thì
vẫn phải sử dụng phù hợp thao tác nghiên cứu lịch đại và thao tác nghiên cứu đồng đại.
Xem xét quá trình vận động tạo từ của từ ngữ kinh tế chúng tôi nhấn mạnh ở phương
diện đồng đại. Cụ thể là xem xét cách thức tạo từ của từ ngữ kinh tế trong khoảng mười
lăm năm lại đây từ đó khái quát hướng phát triển của từ ngữ kinh tế theo quy luật phát
triển nội tại của hệ thống từ vựng tiếng Việt. Việc nghiên cứu trên phương diện lịch đại về
sự phát triển của từ ngữ kinh tế, chúng tôi sẽ trình bày ở một thời điểm khác.
Vận động tạo từ của từ ngữ kinh tế nói riêng và từ vựng tiếng Việt nói chung có hai

cách cơ bản. Thứ nhất là vận động tạo từ bằng các phương thức cấu tạo từ của tiếng Việt
tức là vận động trên các nguyên liệu và phương thức cấu tạo từ, “nguồn nội lực” của tiếng
14
ta. Thứ hai là vận động vay mượn từ của các ngôn ngữ tiếp xúc với tiếng Việt tức là sử
dụng những từ ngữ vay mượn để làm phong phú hệ thống từ ngữ.
1.1.1. Vận động tạo từ bằng các phương thức cấu tạo từ của tiếng Việt
Xem xét về quá trình vận động cấu tạo từ ngữ tiếng Việt, chúng ta cần phải nhìn lại
một cách tổng thể bức tranh cấu tạo từ ngữ nói chung và từ ngữ tiếng Việt nói riêng. Cấu
tạo từ là một bộ môn nghiên cứu các vận động trong lòng hệ thống để tạo ra các đơn vị của
hệ thống. Theo Yu Stepanov có thể coi bộ môn cấu tạo từ là một địa hạt giúp ngôn ngữ
học trả lời câu hỏi “những từ mới được tạo như thế nào trong ngôn ngữ”.
Tiếp thu những thành tựu nghiên cứu về cấu tạo từ trên thế giới, các nhà Việt ngữ
học cũng đi sâu xem xét cấu tạo từ của tiếng Việt hiện nay trong các công trình viết về
từ vựng học tiếng Việt. Có thể kể tới Đỗ Hữu Châu với “Giáo trình Việt ngữ” tập 2
phần Từ hội học (1962), “Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt” (1981), “Các bình diện của
từ và từ tiếng Việt” (1986); Nguyễn Tài Cẩn với “Ngữ pháp tiếng Việt tiếng – từ ghép
– đoản ngữ” (1975), Nguyễn Văn Tu với “Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại” (1976), Hồ
Lê với “Vấn đề cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại” (1976), Nguyễn Thiện Giáp với “Từ
vựng học tiếng Việt” (1985), “Từ và nhận diện từ tiếng Việt” (1996), “Vấn đề từ trong
tiếng Việt” (2011)… Sự nghiên cứu về cấu tạo từ của từ vựng tiếng Việt ở các tác giả
này theo chúng tôi có thể chia thành hai khuynh hướng lớn: khuynh hướng dựa vào
quan hệ ngữ pháp giữa các hình vị và khuynh hướng dựa vào tính chất của các hình vị.
Khuynh hướng thứ nhất có các tác giả Đỗ Hữu Châu (1962), Nguyễn Văn Tu (1976),
Nguyễn Tài Cẩn (1975). Khuynh hướng thứ hai có các tác giả Hồ Lê (1976), Đỗ Hữu
Châu (1981, 1986). Tuy có những khác nhau về việc xem xét các từ ngữ về phương
diện cấu tạo nhưng các tác giả nghiên cứu đều có những điểm thống nhất ở một số khái
niệm như đơn vị cấu tạo, kiểu cấu tạo, các loại từ được phân chia về cấu tạo.
Khi xem xét về vấn đề cấu tạo từ của tiếng Việt, chúng tôi đặc biệt chú ý đến quan
điểm, tư tưởng của Đỗ Hữu Châu trong“Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt” (1981), “Các
bình diện của từ và từ tiếng Việt” (1986). Theo Đỗ Hữu Châu “từ - cấu tạo, xét ở mặt

tĩnh là cái đã có, đã tồn tại trong từ nhưng xét về mặt hoạt động, nó là kết quả của quá
15
trình ngôn ngữ sử dụng các tài liệu sẵn có để tạo ra các từ nhằm đáp ứng những yêu
cầu của giao tiếp” [7, 45] “về nguyên tắc, cấu tạo từ là những vận động trong lòng một
ngôn ngữ để sản sinh ra các từ cho ngôn ngữ, phục vụ những nhu cầu mới về mặt diễn
đạt mà xã hội đặt ra” [5,27]. Cho nên nghiên cứu cấu tạo từ trước hết là phát hiện “các
quá trình”, “các vận động cấu tạo” tức là phát hiện các “nguyên liệu” và “phương thức
sử dụng để tạo từ”[7,45] bởi “tất cả các sự kiện cấu tạo từ cần được lý giải dưới ánh
sáng của vận động đó” [5, 27].
Dưới ánh sáng của quan điểm “động” về cấu tạo từ, khi xem xét cấu tạo từ tiếng
Việt, người ta chú ý đến ba mặt: đơn vị cấu tạo từ, phương thức cấu tạo từ và các từ
mới được tạo ra.
1.1.1.1. Đơn vị cấu tạo từ
a) Khái niệm
Để tạo ra từ mới cho hệ thống từ vựng, người ta phải sử dụng các đơn vị cấu tạo từ.
Trong thuật ngữ ngôn ngữ học, đơn vị cấu tạo nên từ được gọi là morpheme. Thuật ngữ
này được các nhà nghiên cứu dịch và sử dụng khác nhau. Có tác giả gọi là từ tố (Đỗ
Hữu Châu (1962), Nguyễn Kim Thản (1963), Nguyễn Văn Tu (1976), có tác giả gọi là
tiếng (Nguyễn Tài Cẩn 1975), có tác giả gọi là nguyên vị (Hồ Lê 1976) và nếu căn cứ
vào ý nghĩa của từ morpheme, thuật ngữ này được dịch là hình vị (hình: hình thái, vị:
đơn vị, hình vị: đơn vị về hình thái) (Đỗ Hữu Châu (1981, 1986), Nguyễn Thiện Giáp
(1985)). Ở đây, chúng tôi sử dụng thuật ngữ phổ biến là hình vị.
Về khái niệm hình vị, trong ngôn ngữ học có ba quan niệm khác nhau [25,61].
Quan niệm thứ nhất coi hình vị là bộ phận có nghĩa nhỏ nhất của từ. Quan niệm thứ hai
coi hình vị là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của ngôn ngữ. Quan niệm thứ ba coi hình vị là
đơn vị nhỏ nhất có nghĩa không độc lập về cú pháp. Đối với hình vị tiếng Việt, các nhà
Việt ngữ học cũng có những cách hiểu khác nhau trên cơ sở ba quan niệm này. Đỗ Hữu
Châu, Hồ Lê, Nguyễn Kim Thản… là những đại diện theo quan niệm thứ nhất. Đỗ Hữu
Châu định nghĩa hình vị “là những hình thức ngữ âm có nghĩa nhỏ nhất tức là những
yếu tố không thể phân chia thành những yếu tố nhỏ hơn nữa mà cũng có nghĩa, được

16
dùng để cấu tạo ra các từ theo các phương thức cấu tạo từ của tiếng Việt” [5, 28]. Hồ
Lê cho rằng “Trong các ngôn ngữ, ở cấp độ tín hiệu, đều có một loại đơn vị có tôn ti
dưới từ. Đó là những đơn vị có nghĩa nhỏ nhất, có chức năng trực tiếp cấu tạo từ. Tôi
đã từng gọi đó là nguyên vị” [56, 17]. Nguyễn Kim Thản thì viết “Từ tố là yếu tố có ý
nghĩa (từ vựng) nhỏ nhất của ngôn ngữ. Từ tố tuy là đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ,
nhưng không quan trọng cho việc đặt câu bằng từ” [92,82]. Quan niệm thứ hai là quan
niệm của đa số các nhà Việt ngữ học khi cho rằng hình vị tiếng Việt là đơn vị nhỏ nhất
có nghĩa của ngôn ngữ. Quan niệm này cũng chính là quan niệm về hình vị của L
Bloomfield “Hình vị là hình thái (mang ý nghĩa) lặp đi lặp lại. Nó không thể lại được
phân chia thành những hình thái (mang ý nghĩa) nhỏ hơn”. Nguyễn Tài Cẩn cũng nhất
quán với quan niệm này khi cho rằng ““Hình vị là đơn vị nhỏ nhất, đơn giản nhất về
mặt tổ chức mà lại có giá trị về mặt ngữ pháp” [3, 11]. V.M. Solncev và Trần Ngọc
Thêm theo quan niệm thứ ba về hình vị. V.M. Solncev viết “Hình vị được hiểu là đơn
vị hai mặt, không phân nhỏ thành những bộ phận có nghĩa và không có tính độc lập cú
pháp” [89, 10]. Trần Ngọc Thêm cũng khẳng định “Hình vị là một đơn vị ngôn ngữ, có
nghĩa, nhỏ nhất và không độc lập về cú pháp” [98, 54].
Với cách tiếp cận coi từ là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ như truyền thống ngôn ngữ
học đã làm, chúng tôi lựa chọn quan niệm thứ nhất về hình vị với chức năng cơ bản của
nó là chức năng cấu tạo từ.
b) Đặc trưng cơ bản của hình vị tiếng Việt
Khác với các ngôn ngữ Ấn Âu, đại bộ phận hình vị trong tiếng Việt trùng với âm
tiết, tiếng (theo truyền thống ngữ văn Việt Nam) và từ đơn. Nói khác đi ranh giới của
hình vị cũng là ranh giới của âm tiết, của tiếng và từ đơn. Đặc điểm này là kết quả của
đặc trưng gốc về loại hình đơn lập của từ tiếng Việt – sự phân tiết tính. Nguyễn Tài
Cẩn viết “Ở tiếng Việt, giữa hình vị và âm tiết có một mối tương quan rõ rệt… trên đại
thể, hình vị kiểu Việt Nam trùng với âm tiết” [3, 38]. Cao Xuân Hạo cũng khẳng định
“Trong tiếng Việt, tiếng vừa là âm vị, vừa là hình vị, vừa là từ và nếu ta có thể hình
dung một ngôn ngữ Âu châu như một cơ chế hoạt động trên ba cái trục chính – âm vị,
17

hình vị và từ thì tiếng Việt dường như gộp ba cái trục ấy lại làm một: cái trục hợp nhất
ấy là tiếng” [33, 210]. Như thế, âm tiết, hình vị, từ đơn là những đơn vị được bàn đến
trong ngôn ngữ học đại cương thế giới, còn thuật ngữ tiếng chỉ được đặt ra trong tiếng
Việt. Thế nhưng dù cho có sự trùng làm một về ranh giới thì hình vị, tiếng, âm tiết, từ
đơn vẫn là những đơn vị có sự khác biệt, thuộc vào những cấp độ khác nhau. Gọi là
tiếng vì đây là đơn vị được phát âm bằng một luồng hơi, gọi là âm tiết vì âm tiết là đơn
vị phát âm tự nhiên nhỏ nhất của lời nói hay là đơn vị được chia tách trong lời nói. Âm
tiết là đơn vị thuộc cấp độ ngữ âm – âm vị học, có chức năng tạo vỏ vật chất cho ngôn
ngữ. Hình vị là đơn vị để cấu tạo từ, thuộc cấp độ hình vị còn từ đơn (những từ có vỏ
ngữ âm một âm tiết) thuộc cấp độ từ, có chức năng biểu nghĩa và tạo câu. Trong bốn
đơn vị này thì âm tiết và hình vị là hai đơn vị dễ lẫn hơn cả. Dù cho chỗ bắt đầu hay
kết thúc của âm tiết cũng là chỗ bắt đầu hay kết thúc của hình vị thì về nguyên tắc
không phải bất kỳ âm tiết nào cũng là hình vị. Người ta đã tiến hành tính đếm tổng số
lượng âm tiết trên lý thuyết và có được 11990 đơn vị (Hoàng Tuệ - Hoàng Minh),
19520 (Nguyễn Quang Hồng) hay 35328 (theo cấu trúc âm tiết do Đoàn Thiện Thuật
và Cao Xuân Hạo). Tuy nhiên trong thực tế, âm tiết được sử dụng chỉ có 6100 đơn vị
(Hoàng Tuệ - Hoàng Minh), 5890 (Nguyễn Quang Hồng) hay theo luận án “Dùng
thuyết Tâm và Biên cho khảo sát âm vị học tiếng Việt hiện đại” của Trần Thị Minh
Phương thì có 6142 đơn vị âm tiết hành chức. Bộ phận “âm tiết thực” này là bộ phận
có sự trùng làm một với hình vị còn số lượng âm tiết tiềm năng trên thực tế không
được sử dụng hoặc xuất hiện trong một vài trường hợp riêng lẻ trong tiếng Việt còn
khá nhiều, đây mới chính là bộ phận điển hình cho khái niệm âm tiết (11990 – 6100 =
5800 đơn vị (Hoàng Tuệ - Hoàng Minh), 19520 – 5890 = 13630 đơn vị (Nguyễn
Quang Hồng)). Về sự phân biệt giữa âm tiết và hình vị, cũng cần nói tới hai trường hợp
mà tác giả giáo trình “Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt” đã đưa ra. Trường hợp một trong
các từ láy như dễ dàng, dễ dãi, lúng túng… “Dễ” và “túng” là những âm tiết có nghĩa
vì thế chúng là các hình vị, điều đó bất tất phải bàn cãi. Nhưng “dàng”, “dãi”, “lúng” là
âm tiết không có nghĩa thì có phải là hình vị hay không? Tác giả cho rằng “chúng là
18
hình vị song không phải là hình vị cơ sở mà là sản phẩm được sinh ra từ hình vị cơ sở.

Xác định được hình vị cơ sở thì xác định được chúng” [5, 32]. Trường hợp hai trong
các từ như ốc bươu, diều hâu, bọ xít, sâu róm… “Ốc”, “diều”, “bọ”, “sâu” là âm tiết có
nghĩa cho nên là hình vị còn “bươu”, “hâu”, “xít”, “róm” ở trạng thái hiện nay tự thân
không có nghĩa, tuy nhiên vẫn coi là hình vị bởi có thể giả định rằng (những yếu tố
này) sau khi được sản sinh ra theo quy tắc chung thì trong quá trình sử dụng rất có thể
chịu tác động của những quy tắc khác như quy tắc lịch sử, quy tắc hành chức mà có sự
“chỉnh hình ngữ nghĩa” biến đổi và dẫn tới mất nghĩa.
Đặc trưng thứ hai của hình vị tiếng Việt theo chúng tôi là đặc trưng gắn liền với chức
năng cấu tạo từ. Muốn tạo ra các từ thì hình vị phải là đơn vị tự thân có nghĩa. Cái nghĩa
tự thân của hình vị chính là nghĩa từ vựng. Chính đặc trưng này đã loại bỏ tất cả những
hình vị có ý nghĩa bổ sung, nghĩa phân biệt trong từ láy (“đẽ” trong “đẹp đẽ”, “rãi” trong
“rộng rãi”, “dàng” trong “dễ dàng”…), trong từ ghép (“bươu” trong “ốc bươu”, “nẹt”
trong “bọ nẹt”, “núc” trong “bếp núc”…) và hình vị có ý nghĩa ngữ pháp. Nói khác đi
những hình vị này chỉ tồn tại trong những từ đã sinh ra còn từ nay về sau chúng không còn
có thể là “nguyên liệu” để tạo từ mới, chúng đã mất đi năng lực cấu tạo từ.
c) Phân loại hình vị tiếng Việt
Việc phân loại hình vị trong tiếng Việt từ trước đến nay đã được các nhà Việt ngữ học
đề cập và nghiên cứu khá tỉ mỉ (xem bảng 1.1 [23,23]). Phần lớn các nhà nghiên cứu đều
căn cứ vào tiêu chí chức năng – ngữ nghĩa để phân loại. Bởi xét đến cùng đây là tiêu chí
có tính bản chất, quyết định chức năng chung của hình vị, chức năng cấu tạo từ.
Xét về ý nghĩa, hình vị trong tiếng Việt được phân biệt thành hình vị thực (hay hình
vị từ vựng) và hình vị hư (hay hình vị ngữ pháp). Hình vị thực là những hình vị biểu
hiện các ý nghĩa từ vựng như người, nhà, cây, xe, đi, học, tốt, năm, quốc, thủy, sơn…
Hình vị hư là những hình vị biểu hiện các ý nghĩa ngữ pháp như đã, hãy, chớ, rất, vì…
Xét về năng lực cấu tạo từ, hình vị tiếng Việt được phân biệt thành hình vị độc lập và
hình vị không độc lập. Hình vị độc lập là hình vị có khả năng được từ hóa thành từ như
người, đi, chạy, tốt, sẽ, chứ… Hình vị không độc lập là hình vị cho đến nay chưa được từ
19
hóa thành từ tức là nó chỉ làm một bộ phận trong từ như hình vị láy trong từ láy (làm lụng,
đẹp đẽ, vất vả, lung tung…); hình vị gốc Hán mà mức độ Việt hóa còn thấp (lính thủy,

chiến binh, trường kỳ, sĩ số…); hình vị mờ nghĩa trong từ ghép (bếp núc, tre pheo, chó
má, xe cộ…). Giữa hai loại hình vị này có một loại hình vị mang tính trung gian hình vị
bán độc lập (“hình vị tuy không gắn bó chặt chẽ với một hình vị khác, vẫn có thể tách rời
khỏi các từ khác trong câu song chúng rất ít khi một mình làm thành phần chính và phụ
của câu” [5, 34]) như đã, sẽ, đang, vẫn, cứ, còn, hãy, đừng, chớ…
Trên đây là hai cách phân loại hình vị tiếng Việt được nhiều nhà Việt ngữ học sử
dụng. Tuy vậy tùy theo quan điểm nghiên cứu riêng, mỗi tác giả có những cách phân
chia cụ thể khác nhau. Nguyễn Tài Cẩn trong công trình “Ngữ pháp tiếng Việt (Tiếng –
Từ ghép – Đoản ngữ)” (1975) đã dựa trên hai phương diện để phân chia các loại tiếng
là phương diện ý nghĩa và phương diện cách dùng. Về phương diện ý nghĩa, “tiếng”
(hình vị) được chia thành hai loại tiếng tự thân có nghĩa và tiếng tự thân vô nghĩa. Về
phương diện cách dùng, tiếng cũng được chia thành hai loại tiếng độc lập và tiếng
không độc lập. Kết hợp hai hướng phân loại theo ý nghĩa và cách dùng, tác giả kết luận
“Tiếng vô nghĩa thì bao giờ cũng là tiếng không độc lập, tiếng có nghĩa thì có khi độc
lập có khi không” [3, 28]. Tác giả tiếp tục phân loại nhỏ hơn những tiếng có nghĩa
thành tiếng có ý nghĩa chân thực (tiếng thực) và tiếng có ý nghĩa ngữ pháp (tiếng hư).
Kết hợp hai loại độc lập và không độc lập đã chia ở trên, chúng ta có bốn trường hợp:
tiếng độc lập, thực (thực từ); tiếng độc lập, hư (hư từ); tiếng không độc lập, thực (yếu
tố trong từ ghép – căn tố); tiếng không độc lập, hư (phụ tố ở trong từ). Có thể hình
dung qua bảng sau:
Bảng 1.2: Bảng phân loại tiếng theo quan điểm của Nguyễn Tài Cẩn
Về cách
dùng
Về ý
nghĩa
Tiếng độc lập
Tiếng không độc lập
Thực Hư
Tiếng có nghĩa Học Sẽ Quốc (quốc kì), Giả (học giả)
Tiếng vô nghĩa Dãi (dễ dãi), Cộ (xe cộ)

20
Một sự phân loại khác cũng phải nói tới là sự phân loại của Hồ Lê trong công trình
“Vấn đề cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại” (1976). Tác giả gọi các hình thức ngữ âm
có nghĩa, nhỏ nhất là các nguyên vị (hình vị) và theo ông trong tiếng Việt có sáu loại
nguyên vị chính: nguyên vị thực, nguyên vị ngữ pháp, nguyên vị hệ thống, nguyên vị
tiềm tàng, nguyên vị tình cảm, nguyên vị mục đích. Từ sáu loại này, tác giả đưa ra các
loại nguyên vị trung gian: nguyên vị thực – ngữ pháp, nguyên vị thực – hệ thống,
nguyên vị ngữ pháp – hệ thống, nguyên vị thực – tiềm tàng và có hai loại chưa thật rõ
ràng là nguyên vị thực – tình cảm, nguyên vị thực – mục đích. Rõ ràng sự phân loại
này là sự phân loại dựa trên tính chất ngữ nghĩa của các nguyên vị tuy nhiên theo
chúng tôi đây chỉ là sự phân loại giúp chúng ta có được cái nhìn hệ thống chứ chưa làm
rõ chức năng cấu tạo từ của các nguyên vị (dẫu rằng trong khi phân loại tác giả cũng
gắn các nguyên vị với các mẫu cấu tạo từ). Đó là chưa kể sự phân loại này khá phức
tạp, nhiều chỗ chưa rõ ràng, vì thế chưa có tác dụng nhất định đối với thực tế ngôn
ngữ.
Nguyễn Thiện Giáp trong cuốn “Từ và nhận diện từ tiếng Việt”, “Vấn đề từ trong
tiếng Việt” phân loại cụ thể hơn tư cách từ của các tiếng. Theo tác giả, trong tiếng Việt
có 5 loại tiếng với những đặc điểm khác nhau:
-Những tiếng mang ý nghĩa thực, có tính độc lập cao về ngữ pháp như nhà,
đi, đẹp…
-Những tiếng mang ý nghĩa hư, có tính độc lập nhất định về ngữ pháp như
vì, tuy, nhưng, sẽ…
-Những tiếng Hán Việt có khả năng làm thành phần câu như vận, động,
gia, đình…
-Những tiếng mờ nghĩa và trống nghĩa có thể làm thành phần câu trong
điều kiện hạn chế như lè (xanh), chiền (chùa), mênh, mông…
-Những tiếng không độc lập về ngữ pháp như bồ, hóng, mặc, cả…
Ngoại trừ trường hợp cuối cùng được xếp vào những từ ngữ phản quy tắc, Nguyễn
Thiện Giáp cho rằng tiếng Việt chỉ gồm 4 kiểu tiếng, từ kiểu thứ nhất đến kiểu thứ tư
và mỗi kiểu tiếng cũng thỏa mãn tiêu chuẩn về từ ở những mức độ khác nhau.

21

Bảng 1.3: Các tiêu chuẩn đánh giá các kiểu tiếng trong tiếng Việt
Kiểu 1:
nhà, đi, tốt
Kiểu 2:
và, sẽ, đang
Kiểu 3:
gia, quốc,
thủy, hỏa
Kiểu 4:
xít (bọ xít), dãi
(dễ dãi)
1.Nhỏ nhất, có nghĩa + + + +
2.Có tính hoàn chỉnh + + + +
3.Có tính tách biệt + + + +
4.Có nghĩa sở biểu + - + +
5.Có nghĩa sở chỉ + + - -
6.Tự nghĩa + - + -
7.Độc lập cú pháp + - - -
8.Có chức năng định
danh
+ - - -
Với quan niệm đồng nhất tiếng là từ của tác giả, có thể thấy các tiếng kiểu 1 thỏa
mãn tất cả các tiêu chuẩn về từ tiếng Việt và đây chính là những từ điển hình trong hệ
thống từ vựng tiếng Việt. Các tiếng kiểu 2, 3, 4 là những từ không điển hình.
Dựa hẳn vào tính chất ngữ nghĩa của các hình vị trong chức năng cấu tạo từ, Đỗ
Hữu Châu trong hai công trình “Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt” (1981) và “Các bình
diện của từ và từ tiếng Việt” (1986) đã phân chia hình vị tiếng Việt theo khả năng cấu
tạo từ. Đó là những hình vị có khả năng cấu tạo từ cao và những hình vị có khả năng

cấu tạo từ thấp. Những hình vị có khả năng cấu tạo từ cao là những hình vị có thể đi
vào nhiều phương thức, nhiều kiểu cấu tạo để tạo ra được nhiều từ mới hơn như các
hình vị chỉ loại lớn cá (cá nục, cá mòi, cá ngừ, cá voi…), máy (máy bơm, máy may,
máy nổ, máy móc…), làm (làm thuê, làm mướn, làm duyên…)… Những hình vị có khả
năng cấu tạo từ thấp là những hình vị tạo ra số lượng các từ mới ít hơn như trườn,
lươn… Từ quan niệm như trên, các bước phân loại hình vị tiếng Việt của tác giả lần
lượt được vận dụng: bước 1 phân chia thành các hình vị có khả năng cấu tạo từ (hình vị
độc lập, thực, có nghĩa) và các hình vị không có khả năng cấu tạo từ (hình vị láy, hình
vị đã mất nghĩa trong từ ghép); bước 2 đến lượt các hình vị có khả năng cấu tạo từ
phân chia thành các hình vị có khả năng cấu tạo từ cao và các hình vị có khả năng cấu
tạo từ thấp như đã dẫn ở trên. Cách phân loại này bao quát được cả hai cách phân loại
phổ biến đã nói ở trên (độc lập / không độc lập, thực / hư). Từ đó Đỗ Hữu Châu khẳng
22
định “Phân loại hình vị theo khả năng cấu tạo từ thì mới có thể dùng sự phân loại đó để
lý giải các sự kiện cấu tạo từ”[5, 36]. Đây là cách phân loại tương đối đơn giản và dễ
ứng dụng vào thực tế, có khả năng lý giải thực tế. Chúng tôi chọn cách phân chia này
để xem xét những vấn đề tạo từ trong luận án.
1.1.1.2. Phương thức cấu tạo từ
Như đã nói, cấu tạo từ là một quá trình “động”, là “bộ máy chuyên chế tạo ra
các từ” [7, 66] cho nên nói đến cấu tạo từ không chỉ nói tới nguyên liệu tạo từ (hình
vị) mà còn phải nói tới các phương thức cấu tạo từ. Theo Đỗ Hữu Châu “Phương thức
cấu tạo từ là những cơ chế, những quá trình xử lý các nguyên liệu hình vị để cho ta các
từ của ngôn ngữ” [7, 66]. Phương thức cấu tạo từ không phải là một cỗ máy có tính
chất độc lập mà nó có mối quan hệ chặt chẽ với hình vị (tức nguyên liệu ở đầu vào) và
từ mới (tức sản phẩm ở đầu ra). Nói khác đi đây là mối quan hệ bộ ba chặt chẽ mà mỗi
thành tố đều có giá trị và sự tác động nhất định. Mỗi phương thức cấu tạo đòi hỏi
những hình vị thích hợp với mình cũng như biết hình vị thuộc loại nào thì cũng có thể
đoán biết phương thức xử lý chúng là phương thức nào (quan hệ phương thức – hình
vị). Nhờ phương thức cấu tạo xử lý hình vị mà các từ mới được tạo ra cho nên nhìn vào
các từ mới với những đặc trưng đồng nhất – khác biệt người ta có thể phân biệt từ sản

sinh theo phương thức này hay phương thức khác (quan hệ phương thức – từ mới). Vì
thế về nguyên tắc “nghiên cứu phương thức cấu tạo từ phải phát hiện ra các kiểu loại từ
- ngữ nghĩa (có tính tổng quát) mà một phương thức nhất định sản sinh ra” [7, 72].
Trong tiếng Việt, người ta thường nói đến ba phương thức chủ yếu để tạo từ: từ hóa
hình vị, láy hình vị và ghép hình vị.
Phương thức từ hóa hình vị là phương thức tác động vào bản thân một hình vị rời,
có nghĩa, chuyển hình vị đó từ cấp độ hình vị lên cấp độ từ mà không làm thay đổi vỏ
ngữ âm của hình vị. Phương thức này có thể hình dung như sau:
Hình vị Từ
A A
Từ hóa hình vị
23
Thí dụ những từ nhà, người, cây, đi, chạy, tốt, đẹp, xấu… là những từ được hình
thành từ phương thức từ hóa hình vị.
Phương thức láy hình vị là phương thức tác động vào một hình vị cơ sở (rời, có
nghĩa) làm xuất hiện một hình vị láy, hình vị láy tuy đã mất nghĩa nhưng giống hình vị
cơ sở toàn bộ hay một bộ phận âm thanh. Cả hình vị cơ sở và hình vị láy mới tạo thành
một từ láy. Có thể hình dung như sau:

Hình vị Từ láy
A AA'
Thí dụ phương thức láy tác động vào hình vị cơ sở “no” cho ta từ láy “no nê”.
Phương thức ghép hình vị là phương thức tác động vào hai hoặc hơn hai hình vị rời,
có nghĩa, kết hợp chúng với nhau theo một quy tắc ngữ pháp – ngữ nghĩa nhất định để
tạo thành một từ ghép. Có thể hình dung như sau:
2.
Hình vị Từ ghép
A, B (b) AB (b)
Thí dụ phương thức ghép tác động vào hai hình vị “nhà”, “cửa” có từ ghép “nhà
cửa”, tác động vào hai hình vị “xe”, “đạp” có từ ghép “xe đạp”.

Ba phương thức này tạo ra ba loại từ cơ bản cho tiếng Việt: từ đơn (phương thức từ
hóa hình vị), từ láy (phương thức láy hình vị) và từ ghép (phương thức ghép hình vị).
Xét ở trạng thái hiện nay, phương thức từ hóa hình vị đã làm xong nhiệm vụ của mình
tức là nó đã “từ hóa” hết các hình vị rời, có nghĩa vì thế phương thức này không còn
vai trò “tiên phong” trong việc sản sinh ra các từ, nếu có thì chỉ tác động ở một khu
vực hẹp hơn. Đó là “từ hóa” các yếu tố vay mượn của tiếng nước ngoài theo con đường
“âm tiết hóa” (ra – di- o, a – xít, ban – công, ti – vi…); từ hóa các yếu tố mô phỏng âm
thanh (cạch, đốp, đét, bịch…) và từ hóa các yếu tố của từ phức theo con đường rút gọn
(tổng số → tổng, phẫu thuật → phẫu, te - le - phon → phôn…). Cũng như từ hóa hình
vị, phương thức láy hình vị hiện nay tạo ra được ít từ láy cho hệ thống từ vựng vì
“nguyên liệu” của láy không dễ tìm mặc dù phương thức ấy vẫn còn tác dụng. Phương
Láy hình vị
A →A'; A + A'
Ghép hình vị
A + B (b)
24
thức ghép hình vị là phương thức hiện nay đang phát huy tác dụng tạo từ rất lớn. Nhờ
phương thức ghép, từ ngữ trong tiếng Việt đã tăng lên mạnh mẽ và phong phú đáp ứng
đòi hỏi của sự phát triển của thực tế khách quan và nhu cầu giao tiếp của con người.
Phương thức ghép với các kiểu ghép năng động đang sản sinh ra các từ mang tính thế
hệ rất cao đã góp phần bù đắp chỗ “bất cập” của phương thức từ hóa hình vị và phương
thức láy hình vị. Tất nhiên cũng phải nói rằng, về phương thức từ hóa hình vị, một
phương thức tạo từ mà Đỗ Hữu Châu đưa ra, sau này được Hoàng Văn Hành tán đồng,
một số nhà ngôn ngữ học chưa hoàn toàn nhất trí về sự tồn tại của nó. Nguyễn Đức
Tồn cho rằng “khi một âm tiết nào đó đã có thuộc tính bản thể là từ thì người ta chẳng
cần phải sử dụng phương thức tạo từ nào đó tác động vào bản thân âm tiết – hình vị ấy
để “làm cho nó có những đặc điểm ngữ pháp và ý nghĩa của từ, biến hình vị thành từ
mà không thêm bớt gì cả vào hình thức của nó” hay cũng không cần (trong trường hợp
âm tiết đã vốn là từ) và cũng không thể (trong trường hợp âm tiết chỉ là hình vị, không
thể là từ) “cấp (cho âm tiết là hình vị) những đặc trưng nào đó về ngữ âm, ngữ nghĩa và

ngữ pháp theo những quy tắc nhất định để thành từ đơn” [105, 8]. Chúng tôi không đi
sâu vào việc xem xét trong tiếng Việt có hay không cái gọi là phương thức từ hóa hình
vị mà chỉ nhận thấy rằng đây là một phương thức tồn tại ở góc độ lí thuyết còn trong
thực tiễn thì không có khả năng giải thích cao.
Như vậy, về cơ bản chúng tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm “động” về cấu tạo từ
của Đỗ Hữu Châu, quan điểm nhằm phát hiện ra các quá trình, các cơ chế tạo từ của
các phương thức tạo từ như đã nói. Các phương thức tạo từ sẽ được vận dụng triệt để
trong quá trình xem xét các từ ngữ trong ngành kinh tế.
1.1.1.3. Các kiểu từ tiếng Việt xét về mặt cấu tạo
Từ mới được tạo ra là sản phẩm của các phương thức xử lý hình vị cho nên nó
mang theo những đặc điểm nhất định của từng phương thức. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở
đây là cần phân chia các từ về mặt cấu tạo như thế nào để có thể giải thích được phần
lớn những trường hợp cụ thể và quan trọng hơn là phát hiện ra các cơ chế điều khiển
quá trình tạo từ cho hệ thống ngôn ngữ (xem bảng 1.4 [23,11]). Từ trước đến nay các
25
nhà Việt ngữ học đều căn cứ vào số lượng hình vị để phân chia từ trong tiếng Việt
thành hai loại lớn từ đơn và từ ghép (từ đa tiết, từ phức hợp). Từ đơn là từ chỉ gồm có
một hình vị, từ ghép là một đơn vị phức hợp do hai hình vị tổ hợp lại. Từ đơn là loại từ
đơn giản về cấu tạo vì thế có sự thống nhất về quan niệm của nhiều tác giả. Chỗ phức
tạp và có những ý kiến khác nhau thường xảy ra ở việc quan niệm về các từ ghép. Các
tác giả thường căn cứ vào ba tiêu chuẩn để phân chia từ ghép (từ đa tiết): phương thức
cấu tạo, tính chất và quan hệ giữa các yếu tố cấu tạo. Tuy nhiên do cách hiểu ba tiêu
chuẩn này khác nhau và thứ tự vận dụng khác nhau cho nên các kết quả phân loại cũng
không giống nhau. Dựa vào những kết quả phân loại này, chúng tôi thấy các nhà Việt
ngữ học có hai khuynh hướng phân chia nội bộ các từ ghép, khuynh hướng thiên về
hình thức (Đỗ Hữu Châu (1962), Nguyễn Văn Tu (1976), Nguyễn Tài Cẩn (1975)…)
và khuynh hướng thiên về ngữ nghĩa (Hồ Lê (1976), Đỗ Hữu Châu (1981,1986)…).
Trong công trình “Ngữ pháp tiếng Việt (Tiếng – Từ ghép – Đoản ngữ)” (1975),
Nguyễn Tài Cẩn đã dành gần 100 trang viết để phân tích những vấn đề về từ ghép.
Dựa trên cơ sở thành tố trực tiếp và quan hệ giữa các thành tố, tác giả đã chia các từ

ghép thành từ ghép nghĩa, từ ghép láy âm và từ ghép ngẫu hợp. Từ ghép nghĩa là từ
ghép trong đó các thành tố trực tiếp được kết hợp với nhau theo quan hệ ý nghĩa. Từ
ghép láy âm là từ ghép các thành tố trực tiếp được kết hợp lại với nhau theo quan hệ
ngữ âm. Còn từ ghép ngẫu hợp là từ ghép trong đó các thành tố trực tiếp được kết hợp
với nhau một cách ngẫu nhiên. Với việc phân chia thành ba loại từ như trên, tác giả
dường như đã xóa nhòa sự khác nhau cơ bản giữa các phương thức mà cho rằng đây
đều là sự ghép lại của các thành tố, mặc dù có chú ý tới tiêu chuẩn quan hệ giữa các
thành tố. Vì thế “nó đã không chú ý đầy đủ đến các cơ chế tạo nghĩa của các phương
thức tạo từ và của các kiểu nhỏ trong một phương thức, do đó tự nó đã không vạch
được hướng đi cho những sự tìm tòi về ngữ nghĩa cấu tạo” [7,148]. Điều đó cũng được
phản ánh trong việc phân chia các kiểu nhỏ trong loại như phân chia từ ghép nghĩa
thành từ ghép phụ nghĩa (tương đương với từ ghép có cấu tạo chính phụ) và từ ghép
láy nghĩa (tương đương với từ ghép có cấu tạo bình đẳng).

×