VAI TRÒ CỦA GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM VỚI VIỆC GIÁO DỤC KỸ
NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH
Trong nhà trường phổ thông, việc giáo dục kỹ năng sống cho HS được thể hiện ở
nhiều mặt, từ hoạt động trên lớp, hoạt động ngoại khóa và các hình thức giáo dục khác.
Vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho HS không phải là mới, song nội dung nào được đưa
vào giáo dục trong nhà trường và giáo dục như thế nào để mang lại hiệu quả lại đang là
vấn đề cần quan tâm.
Vậy kỹ năng sống là gì?
Hiện nay chưa có một khái niệm nào thống nhất trên toàn thế giới về kỹ năng
sống. Kỹ năng sống được tiếp cận theo nhiều quan điểm khác nhau, và điều này cũng
ảnh hưởng đến cách phân loại các kỹ năng sống.
Quan niệm rộng nhất là quan niệm do Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục
của Liên hiệp quốc (UNESCO) đưa ra, dựa trên cơ sở là 4 mục tiêu cơ bản của việc
học: Học để biết - Học để làm - Học để là chính mình - Học để cùng chung sống. Dựa
vào đó, UNESCO định nghĩa “Kỹ năng sống là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ
các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày”.
Như vậy kỹ năng sống là tập hợp các kỹ năng được rèn luyện hoặc kinh nghiệm
thực tế được sử dụng để xử lý những vấn đề trong cuộc sống.
Hiện nay ở trường ta đã và đang quan tâm nhiều đến việc giáo dục kỹ năng sống
cho HS qua các hình thức như: Thành lập nhóm giáo viên chuyên trách việc giáo dục kỹ
năng sống cho HS lớp 10 mới vào trường, lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho HS
trong một số môn học, giáo dục kỹ năng sống cho HS thông qua các hoạt động ngoại
khóa và các giờ sinh hoạt tập thể, bước đầu đã thu được một số kết quả khả quan. Tuy
nhiên, do nội dung, phương pháp, cách thức truyền tải chưa phù hợp với tâm sinh lý của
HS, chưa diễn ra thường xuyên liên tục, thiếu tài liệu phục vụ giảng dạy nên hiệu quả
chưa cao. Bên cạnh đó, ngành giáo dục vẫn chưa có tài liệu, chưa có giáo trình phục vụ
giáo dục kỹ năng sống, chủ yếu giáo viên tự sưu tầm, do đó chất lượng nội dung tài liệu
còn hạn chế; hơn nữa, thời gian để HS thực hành là rất ít dẫn đến kết quả mang lại chưa
khả quan.
Vì vậy, theo tôi đội ngũ giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất quan trọng trong việc
giáo dục kỹ năng sống cho HS. Giáo viên chủ nhiệm là người tổ chức cho HS những giờ
học kỹ năng nhằm giúp các em hoàn thiện và phát triển nhân cách của mình. Với giáo
viên chủ nhiệm việc giáo dục kỹ năng sống cho HS phần lớn được thực hiện thông qua
giờ sinh hoạt lớp, giờ sinh hoạt dưới cờ. Do áp lực của chương trình dạy nên thực tế hiện
nay ở trường ta chỉ có 2 tiết sinh hoạt tập thể mà một tiết đã dành cho giờ chào cờ đầu
tuần, các lớp luân phiên thực hiện nên mỗi giáo viên chủ nhiệm chỉ có từ 3 đến 4 “Cơ
hội” cố vấn, xây dựng chương trình cho một số em thể hiện; còn một tiết sinh hoạt dành
cho việc phổ biến kế hoạch, kiểm điểm nhắc nhở HS vi phạm trong tuần,… và nhiều
công việc khác nữa. Vì vậy giáo viên chủ nhiệm chỉ có thể tổ chức các hoạt động giáo
dục kỹ năng sống cho HS hàng tuần bằng cách lồng ghép trong giờ sinh hoạt lớp.
Với những lớp tôi đã và đang làm công tác chủ nhiệm, khi cho lớp sinh hoạt phần
nhận xét về nề nếp của lớp tôi thường cho đội ngũ cán bộ lớp chuẩn bị trước nội dung
nhận xét về tình hình học tập, rèn luyện đạo đức của từng thành viên trong tổ, kết quả
đạt được, những yếu kém còn tồn tại và phương hướng phấn đấu trong tuần tiếp theo;
sau đó cho một số HS nhận xét về tình hình chung của lớp hoặc nêu ý kiến - thông qua
hoạt động này nhằm rèn luyện cho HS khả năng thuyết trình, khả năng sắp xếp và trình
bày một vấn đề nào đó trước đông người. Lúc đầu các em còn rụt rè, lúng túng nhưng
sau đó các em tự tin hơn, tham gia đóng góp ý kiến về tình hình lớp nhiệt tình hơn. Hàng
tháng, tùy thời điểm giáo viên chủ nhiệm có thể đưa ra các nội dung sinh hoạt theo chủ
đề, yêu cầu các em tìm hiểu sau đó tổ chức cho các em trình bày trước lớp hoặc tham gia
các trò chơi để thể hiện sự hiểu biết của mình. Qua đó giáo dục các em tình yêu, lòng
biết ơn với ông bà, cha mẹ, thầy cô, biết tránh xa các tệ nạn xã hội, thói hư tật xấu; biết
kìm chế cảm xúc của mình, tránh gây hại cho người khác và cho chính bản thân mình; có
những ứng xử đúng mực trong quan hệ với bạn bè, với thầy cô giáo, với gia đình và toàn
xã hội.
Bên cạnh đó, ngoài các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức, tôi còn tổ
chức cho HS các buổi sinh hoạt ngoại khóa như: Giao lưu bóng đá, chơi cờ giữa các
thành viên trong lớp và với lớp khác; tham quan du lịch các di tích lịch sử Côn Sơn, đền
thờ nhà giáo Chu Văn An, Văn miếu Mao Điền, Cố đô Hoa Lư,… Qua đó giáo dục cho
các em về truyền thống dân tộc, công ơn của các thế hệ trước với đất nước, và giáo dục
các em về tinh thần đoàn kết, tính tập thể, kỹ năng làm việc nhóm, biết chấp nhận và giải
quyết những tình huống phát sinh ngoài ý muốn,…
Thực ra, ở các nước phát triển, trẻ em sống rất độc lập, chúng được giáo dục,
được tiếp cận với các tình huống, các tai nạn có thể xảy ra trong cuộc sống vì thế chúng
tránh được nhiều rủi ro đáng tiếc. Ở Việt Nam, nội dung rèn kỹ năng sống cho HS được
đưa vào qua chỉ thị số 40/2008/Bộ GD&ĐT, vì nhận thấy có nhiều trẻ em bị tai nạn đuối
nước, bị xâm hại, bị lạm dụng chỉ vì thiếu kỹ năng sống. Thế nhưng, hiện nay không ít
giáo viên chủ nhiệm đã “bỏ rơi” nhiệm vụ này dẫn đến HS thiếu các kỹ năng tự bảo vệ
mình, kỹ năng ứng xử văn hóa, chung sống hòa bình,…khoảng cách giữa HS và giáo
viên chủ nhiệm ngày càng lớn. Và một điều tất yếu khi trò không “giải tỏa” được bức
xúc với ai nên đã có những hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức với nhau, với những người
xung quanh.
Thực tế trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc đáng tiếc xảy ra
có liên quan đến HS như bạo lực học đường, vi phạm đạo đức, có hành vi cấu thành tội
phạm xuất hiện ngày một nhiều. Do đó, việc giáo dục kỹ năng sống cho HS có ý nghĩa
hết sức quan trọng, góp phần rèn luyện, hình thành lối sống có trách nhiệm và biết lựa
chọn cách ứng xử phù hợp, ứng phó các sức ép, thách thức trong cuộc sống; thúc đẩy
hành vi mang tính tích cực, giảm bớt tỷ lệ phạm pháp. Giáo dục kỹ năng sống còn tạo
mối quan hệ thân thiện, cởi mở giữa thầy và trò, gợi nên sự hứng thú, tự tin, chủ động
sáng tạo trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. HS được giáo
dục kỹ năng sống sẽ xác định được bổn phận và nghĩa vụ của mình đối với bản thân, gia
đình và xã hội.
Trong thời gian tới, theo tôi để việc giáo dục kỹ năng sống cho HS đạt hiệu quả,
góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục con người phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ,
cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ như: Hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho
HS phải diễn ra thường xuyên, liên tục; chú trọng giáo dục tình thân ái và ứng xử văn
hóa; mỗi thầy giáo, cô giáo phải là tấm gương trong ứng xử, trong giáo dục nhân cách,
không nên xem việc giáo dục kỹ năng sống cho HS là tạo thêm gánh nặng công việc.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.