Tải bản đầy đủ (.doc) (24 trang)

skkn truyện cười và việc phân tích truyện cười trong trường phổ thông thpt hai bà trưng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (213.21 KB, 24 trang )

MỤC LỤC
ĐẶT VẤN ĐỀ Trang
1 Lý do chọn đề tài 2
1.1 Ý nghĩa khoa học 2
1.2 Ý nghĩa thực tiễn 2
2 Mục đích nghiên cứu 3
3 Đối tượng nghiên cứu 3
4 Phương pháp nghiên cứu 3
PHẦN NỘI DUNG
I - NHỮNG ĐẶC TRƯNG CỦA THỂ LOẠI TRUYỆN CƯỜI
1 Khái niệm 4
2 Những đặc trưng của thể loại truyện cười 5
2.1 Đề tài của truyện cười 5
2.2 Chức năng của truyện cười 6
2.3 Nội dung của truyện cười 6
2.4 Thi pháp truyện cười 7
2.4.1 Về kết cấu 7
2.4.2 Về nhân vật 7
2.4.3 Biện pháp nghệ thuật gây cười 12
II - PHÂN TÍCH TRUYỆN CƯỜI TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG
1 Định hướng phân tích 13
2
3
Hoạt động phân tích văn bản
Áp dụng sáng kiến vào thực tiễn
14
17
PHẦN KẾT LUẬN 22


1


ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Ý nghĩa khoa học:
Tiếng cười cùng với nước mắt là biểu hiện những trạng thái
phong phú của tâm hồn con người. Nhà nhân văn chủ nghĩa Rabơle vì
thế đã cho rằng: “Cười là một đặc tính của người”. Tiếng cười có tính
chất tâm lí đã luôn là người bạn đồng hành của con người trên mọi
nẻo đường của cuộc sống đầy chông gai. Trên cơ sở ấy, truyện cười
dân gian đã ra đời như là một nhu cầu tất yếu của cuộc sống.
Truyện cười là thể loại tự sự dân gian đóng vai trò quan trọng
trong đời sống tinh thần của nhân dân lao động. Trong bản tham luận
đọc tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ ba, nhà văn Nguyễn Tuân
nói “ Tổ tiên ta thật là những người nghệ sĩ tạo hình cho tiếng cười
Việt Nam, tạo nên cho tiếng cười ta bao nhiêu là bóng dáng và có cả
cái gì như là một biên chế đầy đủ thang bậc về tiếng cười” (Cần cười.
“ Những nhiệm vụ mới của văn học”. Nxb Văn học, Hà Nội 1963).
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, truyện cười là thể
loại mang những nét đặc trưng độc đáo. Truyện thường rất ngắn. Dài
cũng chỉ từ 15 đến 20 câu, ngắn thì 5, 7 câu, trung bình khoảng trên
dưới 10 câu. Tuy rất ngắn nhưng mỗi chuyện đều có mở đầu, có diễn
biến, có kết thúc. Nhân vật trong truyện cười phần lớn là nhân vật độc
đáo, có nét khó quên. Toàn bộ các yếu tố thi pháp của truyện cười như
kết cấu, nhân vật, ngôn ngữ kể chuyện, đều phục vụ mục đích gây
cười. Bên cạnh chức năng gây cười, truyện cười còn mang chức năng
giáo dục: nó giúp con người mài sắc tư duy suy lí, nó làm giàu óc phê
phán, bồi dưỡng tinh thần lạc quan, giúp trau dồi khả năng ngôn
ngữ… Bởi vậy, đọc truyện cười để cười không khó. Nhưng để có thể
hiểu được hết cái thâm thúy của tác giả dân gian thực không dễ.
Vì những lí do trên, tìm hiểu truyện cười là công việc mang ý
nghĩa khoa học. Nó không chỉ giúp ta hiểu hơn về đời sống tâm hồn,

những nghĩ suy của ông cha thời xưa mà còn giúp ta cảm được tài
năng nghệ thuật độc đáo, tư duy sắc sảo của người nghệ sĩ dân gian
nhờ đó sống tốt hơn, sống lạc quan hơn.
1.2. Ý nghĩa thực tiễn
2
Hiện nay, trong chương trình sách giáo khoa (SGK) THCS và
THPT, truyện cười xuất hiện ở cả hai cấp học nhưng với số lượng văn
bản ít. SGK Ngữ văn 6 có hai truyện: Treo biển và Lợn cưới, áo mới.
SGK lớp 10 cũng chỉ có hai truyện là Tam đại con gà và Nhưng nó
phải bằng hai mày. Ở mỗi khối hai văn bản truyện cười chỉ được học
trong 1 tiết, như vậy tổng số tiết học dành cho truyện cười trong
trường phổ thông là 2 tiết.
Số lượng văn bản và thời lượng như vậy dễ khiến người dạy và
người học cho rằng đây không phải là kiến thức trọng tâm nên xem
nhẹ việc dạy học. Điều này dẫn đến tình trạng học qua quýt, cưỡi ngựa
xem hoa hoặc thiếu giờ, cháy giáo án.
Không ít giáo viên có ý thức nghiêm túc trong dạy - học truyện
cười song thực tế chất lượng các giờ dạy truyện cười chưa cao do
khuynh hướng phân tích đơn giản, không xuất phát từ những đặc
trưng thi pháp của truyện cười dẫn đến kết quả là học sinh không hiểu
hết cái hay, cái đẹp của truyện cười và không yêu thích truyện cười.
Vì những lí do trên, chúng tôi chọn đề tài “Truyện cười và việc
phân tích truyện cười trong trường phổ thông” nhằm góp một tiếng
nói giải quyết khó khăn cho những người đứng lớp khi dạy - học
truyện cười . Bài viết chắc chắn không tránh khỏi những khiếm
khuyết. Rất mong sẽ nhận được những ý kiến góp ý chân thành của
các thầy cô giáo !
2- Mục đích nghiên cứu
Qua việc tìm hiểu các đặc trưng của thể loại truyện cười,
chúng tôi đề xuất một phương án dạy - học có hiệu quả các văn bản

truyện cười trong SGK Ngữ văn lớp 6, lớp 10.
3- Đối tượng nghiên cứu:
- Những đặc trưng của thể loại truyện cười.
- Phương pháp dạy - học các văn bản truyện cười trong SGK
Ngữ văn lớp 6, lớp 10 nhìn từ góc độ thi pháp.
4- Phương pháp nghiên cứu
Trong chuyên đề này, người viết trình bày vấn đề trên cơ sở
tổng hợp các phương pháp nghiên cứu:
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu.
- Phương pháp so sánh, phân tích.
- Phương pháp tổng hợp.
- Phương pháp thực nghiệm giảng dạy.
3
PHẦN NỘI DUNG
I- NHỮNG ĐẶC TRƯNG CỦA THỂ LOẠI TRUYỆN CƯỜI
1. Khái niệm
Cái cười, xét chung có ba loại: 1/ cái cười có nguyên nhân về
mặt thể xác ( do có cảm giác nhột ) ; 2/ cái cười có nguyên nhân về
mặt tâm lý, tình cảm ( do sự vui sướng ) ; 3/ Cái cười do hiện tượng
buồn cười gây ra.
Và hiện tượng buồn cười này được kể thành truyện cười nhằm mục
đích tạo ra tiếng cười (cái cười).
“Hiện tượng buồn cười là hiện tượng về bề ngoài có vẻ hợp
tự nhiên, hợp lẽ thường, nhưng thực chất thì trái tự nhiên, trái lẽ
thường” (Đỗ Bình Trị- Những đặc điểm thi pháp của các thể loại văn
học dân gian- Nxb Giáo dục- 1999). Tiếng cười hài hước có cơ sở ở
một loại mâu thuẫn đặc biệt, một loại mâu thuẫn trong đó hai mặt trái
ngược không mặt nào muốn nhường mặt nào. Người ta bật cười vì
chợt nhận thấy mình suýt nữa bị đánh lừa bởi hình thức của hiện
tượng. Người ta bật cười vì chợt nhận thấy mình khám phá được bản

chất của hiện tượng. Chừng nào ta chưa tự mình phát hiện ra thực chất
trái tự nhiên, trái lẽ thường của hiện tượng thì ta chưa thể cười được.
Như vậy, “cái cười là hành động cười nảy sinh khi ta phát
hiện ra thực chất trái tự nhiên, trái lẽ thường dưới vẻ bề ngoài có vẻ
hợp tự nhiên, hợp lẽ thường, khiến ta thoạt tiên tưởng lầm, của một
hiện tượng.” ( Đỗ Bình Trị- Những đặc điểm thi pháp của các thể loại
văn học dân gian- Nxb Giáo dục- 1999 )
Cái cười vì thế là sản phẩm của hoạt động trí óc, mà cụ thể là óc
suy lý. Chính tư duy suy lý, tư duy lôgíc phát hiện ra thực chất trái tự
nhiên, trái lẽ thường của hiện tượng mà bề ngoài của nó có vẻ hợp tự
nhiên, hợp lẽ thường. Sự phát hiện ấy, do đó tự nó đã bao hàm ý nghĩa
phê phán. Đó trước hết là sự phê phán của lý tính, là phản ứng của lý
trí trước những hiện tượng buồn cười muốn “qua mặt” nó. Vì ý nghĩa
này mà cái cười ở đây được coi là người trung gian lớn trong việc
phân biệt sự thật và điều dối trá. Tiếng cười hài hước thể hiện sự thắng
lợi của trí tuệ. Đồng thời sự phát hiện ấy cũng đem lại cho người ta sự
vui vẻ, sự sảng khoái trước những phát hiện thú vị của một lý trí tỉnh
4
táo. Tiếng cười trong truyện cười dân gian vì thế vừa mang bản chất
nhận thức - phê phán vừa có tác dụng mua vui, giải trí.
Trong truyện dân gian của người Việt, khu vực được gọi là
truyện cười khá rộng lớn và đa dạng. Nó tiếp giáp với nhiều loại
truyện truyền miệng khác, như truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích ( đặc
biệt là truyện cổ tích sinh hoạt ). Khoảng bốn thập kỉ nay, danh từ
truyện cười được giới nghiên cứu nước ta dùng làm thuật ngữ chuyên
môn chỉ hình thức truyện kể dân gian có tác dụng gây cười và lấy
tiếng cười làm phương tiện chủ yếu để khen, chê và mua vui, giải trí.
Bởi vậy, Truyện cười là truyện kể về hiện tượng buồn cười, thể hiện
ở hành vi của nhân vật ( bao gồm cả hành động nói năng ), nhằm
gây cười. ( Đỗ Bình Trị- Những đặc điểm thi pháp của các thể loại

văn học dân gian- Nxb Giáo dục- 1999 )
2. Những đặc trưng của thể loại truyện cười
2.1. Đề tài của truyện cười:
Trong truyện cười, đề tài của cái cười rất rộng. Người ta tìm cái
cười ở mọi lĩnh vực, mọi ngóc ngách của cuộc sống. Nhưng nhìn
chung, truyện cười dân gian Việt Nam thường xoay quanh những đề
tài sau:
- Những thói xấu thuộc về bản chất, bộc lộ chủ yếu trong những
hành vi buồn cười của các nhân vật tiêu biểu của xã hội phong kiến:
vua chúa, quan lại, hào lí, địa chủ, phú ông và các loại “thầy bà”, thậm
chí cả thánh thần.
- Những thói xấu “thông thường” ở những người bình dân bộc
lộ ở những hành vi buồn cười trong sinh hoạt của họ.
- Những hiện tượng buồn cười do hiểu lầm, do lầm lỡ, hớ hênh,
… mà thường tình, ai cũng có lúc mắc phải hoặc do những nhược
điểm, những khuyết tật không gây tổn hại cho ai.
2.2. Chức năng của truyện cười
Xét về chức năng thể loại thì truyện cười có hai chức năng.
Một là chức năng giải trí, gây cười. Đây là tiếng cười hài hước nhằm
mục đích mua vui, nó không tố cáo một cái gì lạc hậu, xấu xa, phản
động. Những truyện cười này đơn giản để giải trí, chẳng khác gì
những câu ca dao:
- Chồng còng mà lấy vợ còng,
Nằm phản thì chật, nằm nong thì vừa.
- Chồng què lấy vợ khiễng chân,
Nuôi được đứa ở đứt gân cũng què.
5
Những truyện cười thực hiện chức năng giải trí, gây cười như
vậy được gọi là truyện khôi hài. Truyện khôi hài là một thứ thể dục trí
tuệ. Người ta cười cho vui cửa vui nhà, vui anh, vui em. Ở đó không

có nhiều triết lý. Nó vui tươi, nhẹ nhàng, có khả năng giáo dục những
tình cảm trong sáng, tốt lành, bồi dưỡng tinh thần sảng khoái, mang lại
cho con người niềm lạc quan, yêu đời.
Tuy nhiên chức năng chủ yếu của truyện cười là chức năng
nhận thức, đấu tranh xã hội. Trong kho tàng truyện cười dân gian,
những truyện mang ý nghĩa đấu tranh xã hội có số lượng lớn hơn
những truyện cười có mục đích mua vui thuần tuý. Trong những
truyện ấy, tác giả dân gian không những làm chúng ta cười mà còn tác
động vào nhận thức, vào tình cảm của chúng ta, làm cho ta có thể vui,
có thể buồn, có thể phẫn nộ, căm ghét, khinh bỉ, đau xót Truyện phê
phán, đả kích mọi thói hư, tật xấu trong xã hội. Bộ phận truyện cười
này được gọi là truyện trào phúng.
Trong truyện trào phúng có hai loại nhỏ. Một là truyện trào
phúng bạn, phê phán những thói hư tật xấu trong nội bộ nhân dân và
có ý nghĩa giáo dục. Hai là những truyện cười chễ giễu, đả kích mạnh
mẽ giai cấp phong kiến, kẻ thù của nhân dân lao động, được gọi là
trào phúng thù.
2.3. Nội dung của truyện cười
Về nội dung, kho tàng truyện cười của ta có nội dung rất phong
phú mang những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.
Truyện cười nào cũng có tác dụng mua vui giải trí và ít nhiều
đều đáp ứng nhu cầu tiêu khiển của nhân dân. Tiếng cười ở bộ phận
truyện khôi hài thường kể về những nhân vật không có tên riêng, cũng
ít khi có thành phần, địa vị xã hội cụ thể, mà chỉ được định danh bằng
những khuyết tật, nhược điểm hay tính cách đáng cười ( như anh sợ
vợ, anh mê ngủ, anh cận thị, anh chàng tham ăn, chàng ngốc làm theo
lời vợ dặn ) Các nhân vật đều có nhược điểm, nhưng đó là những
nhược điểm thông thường, phổ biến có thể thông cảm và châm chước
dễ dàng.
Bộ phận truyện cười trào phúng bạn là tiếng cười phê bình giáo

dục hướng vào những thói hư tật xấu trong sinh hoạt thường ngày của
nhân dân (như lười nhác, tham lam, ăn vụng, khoe khoang, khoác lác,
hà tiện, hèn nhát, sợ vợ, chanh chua, ). Xung quanh mỗi thói hư, tật
xấu thường xuất hiện nhiều truyện cười khác nhau. Tuy không gay gắt
và quyết liệt như tiếng cười trào phúng dành cho giai cấp thống trị
nhưng xét về tác dụng và sức sống thì bộ phận truyện cười mang tính
6
phê bình nội bộ này còn quan trọng và trường tồn hơn cả bộ phận
truyện cười đấu tranh giai cấp.
Tiếng cười đả kích, châm biếm ở bộ phận truyện cười trào
phúng thù là tiếng cười đả kích, châm biếm đối với kẻ thù. Nó có nội
dung đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp rất rõ rệt. Đối tượng của
tiếng cười đả kích trong truyện cười dân gian Việt Nam thời phong
kiến khá đông, có thể quy vào bốn loại chính: Những tên nhà giàu
(phú ông, trưởng giả, phú thương) ở nông thôn và thành thị (chủ yếu
là ở nông thôn) ; Bọn hào lí, quan lại ; Các loại thầy trong xã hội
phong kiến (thầy đồ, thầy bói, thầy địa lí, thầy cúng, thầy sư ) ; Một
số nhân vật thần thánh (ông Công, Thiên Lôi, Diêm Vương, Ngọc
Hoàng )
Trong công việc sáng tác cũng như trong tiếp nhận và nghiên
cứu truyện cười, sự phân biệt tiếng cười hài hước và tiếng cười châm
biếm là một vấn đề có ý nghĩa nguyên tắc. Tuy nhiên, trên thực tế,
ranh giới giữa cái cười hài hước và cái cười châm biếm không phải lúc
nào cũng rõ ràng.
2.4. Thi pháp truyện cười
Đã là truyện cười dân gian thì phải làm thế nào gây được tiếng
cười giòn giã nhất. Nghệ thuật của truyện cười dân gian trước hết là
nghệ thuật gây cười.
2.4.1. Về kết cấu
Mấu chốt của nghệ thuật gây cười là ở chỗ phải làm sao cho cái

đáng cười tự nó bộc lộ ra một cách cụ thể, sinh động, nực cười và bất
ngờ nhất. Truyện cười không tự đặt ra cho mình nhiệm vụ kể lại số
phận, cuộc đời của nhân vật như trong truyện cổ tích. Nó chỉ là một lát
cắt ngang trong cuộc đời của nhân vật. Khi tiếng cười nổ ra là lúc
chuyện kết thúc. Vì thế truyện cười dân gian thường được cấu tạo hết
sức chặt chẽ và giàu kịch tính. Ta thấy nó có dáng dấp như một màn
hài kịch nhỏ gồm ba phần:
- Giới thiệu màn kịch có mâu thuẫn tiềm tàng.
- Mâu thuẫn tiềm tàng phát triển tới đỉnh điểm.
- Giải quyết mâu thuẫn.
2.4.2. Về nhân vật
Theo tác giả Đỗ Bình Trị, trong truyện cười, nhân vật có hành
vi buồn cười (nhân vật gây cười) cũng là đối tượng của cái cười (nhân
vật bị cười). Tuy nhiên cũng có truyện cười, chủ yếu là truyện châm
biếm, trong đó nhân vật gây cười lại không phải là đối tượng thực sự
của cái cười. Trong trường hợp này, nhân vật trực tiếp đóng vai trò
7
chính yếu trong diễn biến câu chuyện nhưng chỉ là nhân vật phụ, còn
nhân vật không trực tiếp gây ra hành vi buồn cười tuy chỉ đóng vai trò
thứ yếu trong diễn biến câu chuyện nhưng lại là nhân vật chính, vì nó
là đối tượng thực sự của cái cười. Tác giả nói rõ thêm, ở đây nhân vật
phụ là đối tượng của cái cười hài hước, còn nhân vật chính là đối
tượng của cái cười châm biếm. Đây là trường hợp trong truyện có cả
hai loại nhân vật: nhân vật- đối tượng của cái cười hài hước (nhân vật
phụ) và nhân vật- đối tượng của cái cười châm biếm (nhân vật chính),
trong đó, nhân vật - đối tượng của cái cười hài hước có chức năng làm
lộ ra cái cười tiềm ẩn nơi hành vi của nhân vật chính, biến nó thành
nhân vật - đối tượng của cái cười châm biếm.
* Nhân vật ( chính ) của truyện cười thường mang những đặc
điểm sau:

- Nhân vật trong truyện cười cũng giống nhân vật trong truyện
ngụ ngôn, chỉ xuất hiện trong một tình huống nhất định, với một
hành vi nhất định ( truyện kết thúc khi hành vi gây cười của nhân vật
đã biểu lộ trọn vẹn , không ai quan tâm đến phần đời trước hay sau
của nhân vật ấy ). Ví dụ, truyện Ba quan thôi. Truyện kể về hành vi
của một gã hà tiện. Hành vi ấy được đặt trong một hoàn cảnh đặc biệt:
gã hà tiện sắp chết đuối. Trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc ấy, gã
hà tiện còn cố ngoi lên mặt nước, nói một câu để hạ cái mức tiền
thưởng từ năm quan xuống ba quan cho ai vớt được mình, điều đó làm
tiếng cười phê phán, chễ giễu bật lên. Anh ta đang mặc cả trước mạng
sống của chính mình. Chết đến nơi mà còn tính toán hơn thiệt, con
người này không còn là con người nữa khi đã coi của cải quý hơn sự
sống của mình. Sự hà tiện ở đây đã lên đến đỉnh điểm nhờ thủ pháp
nghệ thuật phóng đại của tác giả dân gian.
Truyện cười là như vậy, mỗi câu chuyện là một lát cắt ngang
cuộc đời của nhân vật bởi chức năng thể loại của truyện cười là
nhằm gây cười, khi tiếng cười mua vui, giải trí hay tiếng cười trào
phúng cất lên là lúc truyện cười kết thúc.
Đặc điểm này hoàn toàn khác so với nhân vật trong truyện cổ
tích. Nhân vật trong mỗi truyện cổ tích có cả một cuộc đời, một số
phận với những biến cố thăng trầm vì chức năng truyện cổ tích là
phản ánh số phận của những con người bị đè nén, áp bức trong xã hội
có giai cấp. Truyện Tấm Cám là một truyện cổ tích dài với diễn biến
cốt truyện phức tạp kể về cuộc đời khổ đau của cô Tấm và một sự đổi
đời trong mơ ước.
- Nhân vật của truyện cổ tích thực hiện những hành động phi
thường trong những hoàn cảnh, những tình huống khác thường ( câu
8
chuyện diễn ra trong thế giới cổ tích, thế giới “ngày xưa”, nhân vật có
thể ở hạ giới, lên thiên đình hay xuống thuỷ cung, có thể lướt đi trên

những chiếc thảm biết bay hay đôi giày đi vạn dặm, có thể thiếp đi
trong giấc ngủ dài hàng thế kỉ hay xây cả một toà lâu đài chỉ sau có
một đêm ) ; Nhân vật trong truyện cười chỉ biểu lộ một hành vi ứng
xử trái lẽ thường trong một tình huống bình thường của cuộc sống
thường nhật. Đó là hành vi kì quặc của một người chồng tham ăn khi
bị vợ bắt gặp ăn vụng ngô rang, là lời vụng chèo khéo chống của anh
chàng sợ vợ, là lời nói chướng tai của anh chàng khoác lác
- Nhân vật của truyện cổ tích là đối tượng của sự lý tưởng hoá,
sự ca ngợi. Tấm, anh Khoai, Thạch Sanh, Sọ Dừa là những người
dân lao động chăm chỉ, hiền lành, thật thà, thậm chí thật thà đến mức
ngốc nghếch. Họ là đại diện chân chính nhất của cái đẹp, cái thiện, là
đứa con tinh thần của nhân dân lao động. Tác giả dân gian ngợi ca họ
và gửi gắm ở họ bao mơ ước ; Nhân vật của truyện cười lại là đối
tượng của sự cười cợt, phê phán. Điều này thực rất hiển nhiên bởi
chức năng thể loại của truyện cười là nhằm mục đích mua vui, giải trí
hay trào phúng, phê phán vì thế tác giả dân gian tập trung khai thác
những lời nói, hành động trái lẽ thường của nhân vật để tiếng cười giải
trí, phê phán được cất lên.
* Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện cười:
a. Nhân vật được đặt vào trong tình huống gây cười:
Nhân vật trong cả truyện hài hước và nhân vật của truyện châm
biếm đều được đặt vào cùng một loại hoàn cảnh - đó là hoàn cảnh
sinh hoạt đời thường, nhưng là hoàn cảnh đáng cười. Đó là loại
hoàn cảnh chứa mâu thuẫn, là môi trường để nuôi dưỡng và làm bật
lên tiếng cười.
Ở nhiều truyện cười, hoàn cảnh đáng cười được giới thiệu vắn
tắt ngay ở đầu truyện. Đây là hoàn cảnh ẩn chứa mâu thuẫn, là nguyên
nhân dẫn nhân vật đến với tình huống đáng cười trong truyện. Truyện
Tam đại con gà là một ví dụ. Có anh học trò, học thì dốt, nhưng lạ gì
cái trò “dốt hay nói chữ” nên đi đến đâu anh ta cũng khoe khoang là

mình nào chữ tốt nào văn hay. Trong vùng, có người tưởng anh hay
chữ thật, mới đón về dạy trẻ. Nhân vật chính trong truyện này được
đặt vào hoàn cảnh đáng cười: anh học trò dốt nhưng lại hay khoe
khoang là văn hay, chữ tốt, vì thế được người đón về dạy trẻ. Hoàn
cảnh này ẩn chứa một mâu thuẫn: học trò dốt lại trở thành thầy đồ.
Nghịch lí này dẫn người đọc, người nghe tới một suy nghĩ rằng tất yếu
sẽ có trò cười thú vị nếu để tâm theo dõi việc dạy học của “ông thầy”
này.
9
Song, thường thì trong truyện cười hoàn cảnh đáng cười chính
là tình huống đáng cười trong đó diễn ra toàn bộ câu chuyện. Trong
truyện cười, tình huống gây cười là tình huống quan trọng nhất để tạo
ra tiếng cười. Tình huống gây cười là tình huống cái đáng cười phải
được đặt trong các dạng cụ thể, sinh động và đáng cười nhất để làm
tiếng cười bật ra. Tình huống gây cười càng căng thẳng, khả năng gây
cười càng lớn. Truyện Cháy ! là một truyện như thế. Một người sắp đi
chơi xa dặn con rằng ở nhà có ai đến chơi thì nói rằng bố đi vắng lâu
mới về. Nhưng anh ta sợ con mải chơi quên mất lời dặn, lại cẩn thận
lấy bút viết câu trả lời khách vào một mảnh giấy rồi đưa con mà bảo
rằng hễ có ai hỏi thì cứ đưa giấy ra. Chú bé bỏ giấy vào túi, đợi suốt
cả ngày không có ai đến chơi. Tối đến, bé ta mới tò mò giở mảnh giấy
ra đọc trước đèn, chẳng may thế nào làm cháy mất. Hôm sau, có người
tới chơi hỏi rằng : “ Bố cháu có nhà không ?”. Bé ta ngơ ngác hồi lâu,
sờ vào túi không thấy mảnh giấy liền đáp: “ Mất rồi”. Khách giật
mình, vội hỏi: “ Mất bao giờ ?”. Bé ta khi đó sực nhớ ra , trả lời: “ Tối
hôm qua”. Khách hỏi dồn : “ Tại sao mà mất ?”. Bé ta đáp lại : “ Cháy
!”. Truyện đặt nhân vật vào trong tình huống trong đó mỗi người đều
suy nghĩ và hành động hợp với logic. Nhưng lời nói của hai người
ghép lại với nhau trong tình trạng “ ông nói gà, bà nói vịt”. Chính điều
này đã gây ra tiếng cười hài hước.

Truyện cổ tích sinh hoạt có điểm tương đồng với truyện cười là
nhân vật cùng được đặt vào trong hoàn cảnh sinh hoạt đời thường.
Nhưng ở truyện cổ tích sinh hoạt, đó là cuộc sống đời thường với bộn
bề những lo toan, với trăm ngàn vất vả. Hoàn cảnh sinh hoạt ấy rất
quen thuộc, bình dị như chính cuộc sống vậy, vì nhân vật trong truyện
là nhân vật của đời thường và qua những nhân vật ấy tác giả dân gian
nhằm khắc hoạ bức tranh chân thực về cuộc sống khổ đau của con
người. Còn ở truyện cười, tác giả dân gian chỉ khai thác khía cạnh
đáng cười của cuộc sống để cất lên tiếng cười giải trí hay đả kích nên
nhất thiết nhân vật phải được đặt vào trong tình huống đáng cười.
Đây là điểm gặp gỡ của truyện cười và một số truyện ngụ ngôn ( ví dụ
truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi )
b. Lời nói, cử chỉ và hành động đáng cười:
Nhân vật trong truyện ngụ ngôn không được đặc tả lời nói, cử
chỉ, hành động như nhân vật trong truyện cổ tích, truyện cười. Trong
truyện cổ tích, lời nói, hành động của nhân vật có thể bình thường
hoặc phi thường nhưng không buồn cười (trừ nhân vật chàng Ngốc).
Truyện cười nhằm mục đích gây cười nên chú trọng miêu tả, dù rất
vắn tắt, lời nói, cử chỉ, hành động đáng cười của nhân vật.
10
Lời nói, cử chỉ, hành động của nhân vật ở điểm mở nút luôn có
tính chất kỳ quặc, trái tự nhiên nhưng lại được cắt nghĩa bằng một lý
lẽ có vẻ phù hợp.
Một số truyện cười đã lấy một lời nói không hợp lẽ thường để
gây cười. Ví dụ truyện Đánh chết nửa người. Có người bảo người ăn
mày: “Tao cho mày một nghìn quan mà tao đánh chết mày thì mày có
bằng lòng không ?”. Người ăn mày trả lời, mặc cả: “ Ông cứ cho tôi
năm trăm thôi, rồi tôi bằng lòng để ông đánh chết nửa người.” Câu nói
của tên ăn mày bề ngoài có vẻ có lí lắm vì trả lời theo điều kiện người
ta nêu lên. Nhưng xét kĩ thì thấy vô lí đến nực cười vì tiền có thể chia

đôi một nghìn thành năm trăm còn như sự chết thì không thể chia đôi
được. Lời nói đó vô lí ở chỗ đã gán ghép đặc tính phân chia được cho
một sự việc không thể phân chia được. Và vì thế nó máy móc, tức
cười. Những truyện như Sao văn tế; Sang cả mình con; Giấu đầu hở
đuôi; Lợn cưới, áo mới; Thợ may là những truyện chủ yếu đã dùng
lời nói đáng cười.
Lại có những truyện lấy một cử chỉ, một tư thế hay một hành
động trái lẽ thường để gây cười.Truyện Kén rể lười là một ví dụ. Một
ông già tính vốn lười, muốn kén rể lười. Nhiều chàng trai đã đến xin
làm rể. Nhưng qua sự thử thách của ông già thì mãi chẳng có ai lười
“đủ mức” để xứng đáng là con rể ông. Một hôm, có một người đến xin
làm rể. Ông già lấy làm lạ vì thấy anh ta quay lưng vào nhà đi thụt lùi,
bèn hỏi tại sao lại đi như vậy. Anh ta nói : “Tôi đi như vậy để nếu cụ
không cho tôi làm rể thì lúc ra về đỡ phải quay người lại, mệt sức
lắm !”. Ông già mừng quá nói rằng: “Lười đến như vậy quả xứng đáng
là rể ta”. Hành động đi giật lùi của nhân vật quá tức cười, kì quặc, trái
tự nhiên.Vì thế tiếng cười phê phán thói lười biếng được bật lên thật
giòn giã. Những truyện như Con ruồi và quan huyện, Đẻ ra sư, Thày
đồ liếm đĩa, Được một bữa thả cửa, To hơn cái nồi này đều thuộc
loại truyện trong đó cái đáng cười chủ yếu là ở cử chỉ máy móc trái
với tự nhiên.
c. Tính cách đáng cười:
Truyện cười không chỉ nêu lên những hoàn cảnh, những lời nói,
những cử chỉ của nhân vật mà có khi còn lấy một tính cách để gây
cười. Đó là những tính xấu của con người thường bộc lộ trong cuộc
sống được tác giả dân gian phát hiện ra và thể hiện dưới con mắt hài
hước, hóm hỉnh nhằm mục đích phê phán.Tất nhiên những tính cách
đáng cười này cũng được thể hiện cụ thể bằng những lời nói và hành
động máy móc, trái tự nhiên có khả năng gây cười. Ví dụ như các
truyện Anh keo kiệt, Thà chết còn hơn, Anh sợ vợ, Giàn lí đổ, Mua

11
kính, Cá gỗ, Ai nuôi tôi, Con rắn vuông, May không đi giày
Truyện Lợn cưới, áo mới kể về hai anh chàng cùng thích khoe
khoang, đã mất lợn thì chỉ cần hỏi: “ có thấy con lợn nào vừa chạy qua
đây không ?” là đủ, nhưng anh ta lại hỏi: “ Anh có nhìn thấy con lợn
cưới nào chạy qua đây không ?” để gài ý khoe mình sắp cưới. Lợn nào
chẳng là lợn, làm gì có lợn cưới với lợn không cưới. Thông tin này
không hề phục vụ mục đích tìm lợn mà chỉ nhằm khoe khoang. Còn
anh trả lời nhẽ ra chỉ cần nói: “Tôi không thấy con lợn nào chạy qua”,
nhưng anh ta lại nói: “ Từ lúc mặc áo mới này, tôi không thấy có con
lợn nào chạy qua”. Chẳng phải là anh cố tình khoe chiếc áo mới hay
sao. Việc sắp cưới và việc có áo mới đều đáng để khoe nhưng có điều
khoe vào lúc chẳng đáng để khoe, cả người hỏi và người trả lời đều
thực hiện một hành vi giao tiếp đầy mâu thuẫn: hỏi và trả lời không
nhằm mục đích thông tin mà nhằm mục đích khoe khoang. Rõ ràng là
“kẻ cắp, bà già gặp nhau”. Thật khó phân định được anh nào khoe
khoang hơn anh nào !
Cũng có những truyện ngụ ngôn đặc tả hành vi buồn cười, lời
nói ngộ nghĩnh của nhân vật ( truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi,
Phù du và đom đóm, ) nhưng sự miêu tả này ở truyện ngụ ngôn chỉ
là phương tiện, chỉ là cách thức để qua đó tác giả dân gian gửi gắm
những bài học triết lý. Vì thế, để phục vụ mục đích này, người ta cũng
có thể sử dụng những cách thức thể hiện khác. Hầu hết các truyện ngụ
ngôn không chứa yếu tố gây cười trong lời nói, hành động của nhân
vật. Trong khi đó, ở truyện cười, gây cười là mục đích của mỗi bản kể
nên việc đặt nhân vật vào trong tình huống gây cười, đặc tả lời nói,
hành động thậm chí tính cách gây cười của nhân vật là yếu tố quyết
định để tạo nên tiếng cười.
2.4.3. Biện pháp nghệ thuật gây cười
Truyện cười phản ánh hiện thực bằng cách phóng đại sự thực.

Lời nói, cử chỉ, hoàn cảnh, tính cách càng trái tự nhiên, máy móc bao
nhiêu, càng ngộ nghĩnh, khác thường bao nhiêu thì tiếng cười vang lên
càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Việc phóng đại, thậm chí bịa đặt ra những
cảnh thực là éo le, những nhân vật thực là ngộ nghĩnh, không ảnh
hưởng gì đến chất hiện thực của tác phẩm. Nếu như không có ai đi
đứng một cách trái tự nhiên như anh chàng lười trong truyện Kén rể
lười, thì nhất định có những kẻ vì lười biếng mà có những hành động,
cử chỉ chướng tai, gai mắt hơn cả kiểu đi giật lùi ấy. Nếu như không
có ai mặc cả số tiền vớt mình trong hoàn cảnh nguy cấp như gã hà tiện
trong truyện Ba quan thôi, thì nhất định có những kẻ keo kiệt quý của
hơn người, coi sinh mạng rẻ hơn tiền, làm nô lệ cho đồng tiền.
12
Cho nên, xét đến cùng, nếu như cái sự việc cụ thể ở trong
truyện cười không có thực, thì cái bản chất của vấn đề lại rất thực. Tác
giả dân gian đã nhờ nghệ thuật phóng đại để phản ánh hiện thực một
cách nghệ thuật giống như nghệ thuật biếm họa trong hội họa vậy.
Để gây tiếng cười thực là giòn giã, truyện cười dân gian còn
thường dùng yếu tố bất ngờ. Sự bất ngờ có thể gây cảm xúc mạnh.
Trong truyện cười, đó là niềm vui đột ngột vì khám phá ra thực chất
của một hiện tượng muốn đánh lừa ta. Đó là chiến thắng của lí trí, của
nhận thức trước hiện thực. Vì thế, sự bất ngờ càng lớn, chiến thắng
càng to, tiếng cười càng giòn giã.
Trong truyện cười, yếu tố bất ngờ thường gắn với việc đột
nhiên bộc lộ mâu thuẫn ở trong hiện tượng. Truyện Tao thèm quá kể
rằng khi oan hồn con lợn xuống âm phủ gặp Diêm Vương để tố cáo
bọn đồ tể, Diêm Vương bảo nó khai rõ đầu đuôi sự việc. Khi Diêm
Vương hỏi vặn để biết sau khi lợn bị dội nước sôi và cạo lông rồi thì
bọn đồ tể còn làm gì nữa. Người đọc thấy rằng ông vua ở cõi âm này
quả là quan tâm đến số phận đáng thương của con lợn kia. Ông hỏi
cặn kẽ đến như thế chắc để biết cho hết tội ác mà quyết định một sự

trừng phạt nghiêm khắc. Thế rồi, lợn kể tiếp, hết sức tin tưởng rằng lời
khai của mình sẽ giúp cho Diêm Vương cầm cân nảy mực chính xác
hơn. Vì thế, lợn kể kĩ lưỡng, miêu tả tỉ mỉ công việc nấu nướng của
bọn người độc ác. Kể đến đoạn “bắc chảo lên, phi hành mỡ cho thơm,
cho mắm muối vào xào …” thì Diêm Vương vội ngăn lại: “Thôi, thôi!
Đừng nói nữa!”. Người đọc, người nghe những tưởng ngài không đủ
can đảm nghe những điều thương tâm ấy. Nhưng không, thật bất ngờ,
Diêm Vương phán: “… tao thèm quá!”. Đến đây, lợn bị chưng hửng
còn chúng ta thì chợt nhận ra bản chất của Diêm Vương để phá lên
cười. Đó là sự bất ngờ mà bố cục “gói kín, mở nhanh” mang lại.
Dầu bố cục theo cách nào thì truyện cười dân gian cũng thường
nhằm đạt được kịch tính cao nhất. Vì thế, để gây ra tiếng cười giòn
giã, truyện cười phải tập trung vào những yếu tố gây cười, vào những
nét phóng đại, những yếu tố bất ngờ, kịch tính.

II- PHÂN TÍCH TRUYỆN CƯỜI TRONG TRƯỜNG PHỔ
THÔNG
1. Định hướng phân tích
Trong quá trình giảng dạy truyện cười dân gian, người giáo viên
cần giúp học sinh nắm được mục đích trực tiếp của truyện cười là gây
cười, vì vậy nhiệm vụ của bài học là hiểu được chúng ta đang cười cái
gì và vì sao mà cười.
13
Đối với học sinh đọc truyện cười thì vui, cười thì dễ nhưng để
trả lời câu hỏi “cười cái gì ?” và “vì sao mà cười ?” thì không đơn giản
song cũng không phải là điều quá khó. Chỉ cần giáo viên biết gợi ý để
các em tự mình phân tích, tự nhìn lại quá trình hình thành cái cười
trong óc các em.
Có nhiều cách thức để tiếp cận giá trị của truyện cười. Theo
chúng tôi, con đường hiệu quả nhất để lĩnh hội những giá trị của

truyện cười chính là con đường của thi pháp bởi bất cứ một tác
phẩm văn học nào đều được biểu hiện dưới dạng một hình thức nhất
định. Nghiên cứu thi pháp truyện cười là nghiên cứu hệ thống nguyên
tắc nghệ thuật nhằm biểu hiện nội dung của nó. Nghiên cứu thi pháp
truyện cười sẽ giúp ta tiếp cận tất cả các phạm trù thi pháp như nhân
vật, cốt truyện, kết cấu, các biện pháp gây cười … để khái quát đầy đủ
và chính xác nhất ý nghĩa của tác phẩm. Vì vậy, việc giảng dạy truyện
cười trong trường phổ thông cũng nên đi theo hướng này.
2. Hoạt động phân tích văn bản
Trước hết, công việc phân tích phải hướng vào yêu cầu làm rõ
cái đáng cười. Cái đáng cười trong truyện cười thường được dàn dựng
theo nguyên tắc “tự phơi bày” để người nghe “tự phát hiện” theo trình
tự: mở đầu - phát triển - kết thúc.
Phần mở đầu
Phần mở đầu của câu chuyện còn gọi là tình thế mở đầu.
Phân tích tình thế mở đầu là gợi cho học sinh nhận rõ hai nội
dung: giới thiệu nhân vật chính và nhân vật được đặt vào tình thế
“có mâu thuẫn tiềm tàng”, đang chờ dịp để bộc lộ.
Thường thì, ngay từ đầu câu chuyện, nhân vật có thói xấu hay
tính cách dẫn đến hành vi buồn cười đã được giới thiệu không úp mở:
- Có anh tính hay khoe của (Lợn cưới, áo mới).
- Xưa, có anh học trò học hành dốt nát (Tam đại con gà)
Cũng ngay từ đầu câu chuyện, nhân vật ấy được đặt vào một
tình thế khiến cho nó trở thành một hiện tượng “có mâu thuẫn tiềm
tàng”:
- Anh có tính hay khoe của may được cái áo mới, liền đem ra
mặc, đợi có ai đi qua người ta khen, nhưng đứng từ sáng tới chiều chả
thấy ai hỏi cả (Lợn cưới, áo mới).
- Anh học trò dốt nát đi đến đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt.
Có người tưởng anh ta hay chữ thật mới đón về dạy trẻ. (Tam đại con

gà)
14
Ở một số câu chuyện, trong phần mở đầu, hành vi buồn cười
của nhân vật chính không được giới thiệu cụ thể mà tác giả dân gian
chỉ đặt nhân vật vào tình huống làm nảy sinh mâu thuẫn:
- Một cửa hàng bán cá làm cái biển đề mấy chữ to tướng: “Ở
đây có bán cá tươi” (Treo biển)
- Làng kia, có một viên lí trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi. Ngô và
Cải đánh nhau rồi mang nhau đi kiện. Cả hai đều đút lót trước cho
thầy lí. (Nhưng nó phải bằng hai mày)
Phần phát triển
Đây là phần mà mâu thuẫn tiềm tàng phát triển mau lẹ tới điểm
nút.
- Anh có áo mới đang tức vì đứng hóng mãi chưa có ai để khoe
thì anh có lợn cưới chạy đến và khoe trước (Lợn cưới, áo mới).
Phần phát triển có thể được gọi là tình thế gay cấn (Đỗ Bình
Trị). Phân tích tình thế gay cấn là gợi cho học sinh điểm lại diễn tiến
của sự việc từ tình thế mở đầu đến điểm nút, nhận rõ mâu thuẫn cụ
thể ở tình thế gay cấn.
Ví dụ khi dạy truyện Tam đại con gà, chỉ cần xâu chuỗi những
từ ngữ đặc tả hành vi của nhân vật trong lời văn kể chuyện, diễn tiến
của sự việc hiện ra, bản chất của anh học trò dốt cũng hiện ra rõ nét.
Cái cười trong câu chuyện này được thể hiện nhiều lần.
* Lần 1:
-Thầy dốt không biết chữ “kê” là gà, thế là thầy nói liều “dủ dỉ
là con dù dì”.
Anh học trò này quả dốt nát thảm hại và liều lĩnh vô cùng.
* Lần 2:
- Thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai, bảo học trò đọc khẽ.
Lần này, ta cười vì sự dấu dốt và sĩ diện hão của anh học trò

dốt.
* Lần 3:
- Rồi thầy rón rén đến khấn thổ công.
- Thầy lấy làm đắc chí lắm, bảo trẻ đọc to lên.
Đến đây, cái dốt bị khuếch đại và được nâng lên. Mâu thuẫn cụ
thể ở tình thế gay cấn này là anh thầy đồ càng giấu dốt thì cái dốt càng
lộ ra.
Người nghe, người đọc cũng ở vào thế chờ xem đầy kịch tính.
Ở câu chuyện này, tiếng cười được bật lên nhiều lần, “điểm nút”
15
dường như cũng di động, nhưng “điểm nút” đích thực vẫn ở chỗ kết
thúc giống như tất cả các truyện cười khác.
Phần kết thúc
Nhân vật bị đặt vào tình thế có mâu thuẫn, giải quyết mâu thuẫn
ngay ở “điểm nút” bằng một hành vi, một lời nói bất ngờ làm bộc lộ
cái đáng cười. Vì vậy người giáo viên cần hướng cho học sinh phát
hiện và phân tích sự trái lẽ thường trong hành vi và lời nói bất ngờ
này.
- Anh “áo mới” vớ phải anh “lợn cưới”, bị một - không (tức là
đang lăm lăm khoe lại bị nó khoe trước). Người nghe những tưởng
anh “áo mới” sẽ bất ngờ mà ngây ra không biết trả lời ra sao. Không
ngờ anh đã lật ngược ván cờ. Anh ta vẫn trả lời người hỏi theo đúng
phép tắc, đúng nội dung được hỏi, đồng thời “tranh thủ cung cấp được
thông tin cần thiết”: “Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy
con lợn nào chạy qua đây cả!” (Lợn cưới, áo mới).
- Anh thầy đồ dốt bị chủ nhà chất vấn, thầy tái mặt, nhưng
nhanh trí thầy chống chế: “Tôi dạy thế là dạy cho cháu biết đến tận
tam đại con gà kia”. “Dủ dỉ là con dù dì”(Tam đại con gà).
Phân tích phần kết thúc cần gợi cho học sinh tự mình nhận ra
cái đáng cười, tự mình chỉ rõ hành vi, lời nói của nhân vật có gì ngược

đời.
Ý nghĩa của cái cười
Công việc phân tích truyện cười phải bắt đầu từ việc làm rõ cái
đáng cười nhưng không dừng lại ở đấy. Cần hướng dẫn học sinh suy
nghĩ tiếp về những vấn đề thuộc về ý nghĩa của cái cười trong truyện
(ý nghĩa nhân sinh, ý nghĩa xã hội) (Đỗ Bình Trị, Văn học dân gian -
Những công trình nghiên cứu, NXBGD 2003).
Để làm được điều này, người giáo viên cần gợi dẫn để học sinh
trả lời được câu hỏi: Tiếng cười hài hước (hay trào phúng) ấy nhằm
mục đích gì?
Nhìn chung kho tàng truyện cười của ta có nội dung phong phú,
nội dung đó ẩn chứa những ý nghĩa nhân sinh rất sâu sắc: Truyện trào
phúng có ý nghĩa chiến đấu mạnh mẽ. Nó vạch rõ những hoàn cảnh
oái oăm của cuộc sống, những hành động trái tự nhiên, ngược đời …
nảy sinh từ những tính cách xấu xa gắn liền với bản chất của một số
tầng lớp xã hội, một số loại người (như thói keo bẩn thường thấy ở
người giàu, bệnh tham nhũng chỉ có ở quan lại, tật nịnh hót của bọn
sai nha, lối học đòi của hạng người hãnh tiến …).
16
Truyện khôi hài có mục đích mua vui là chính nhưng xét đến
cùng thì tiếng cười mà nó tạo ra có tác dụng như hồi chuông cảnh báo,
tố cáo những gì đi ngược lại với qui luật chung của cuộc sống bình
thường. Bất kì trong trường hợp nào, tiếng cười hài hước chân chính
cũng là người bạn đường của lí trí sáng suốt, của tình cảm lành mạnh.
Truyện Treo biển mượn câu chuyện nhà hàng bán cá nghe ai
góp ý về cái tên biển cũng làm theo để tạo nên tiếng cười vui vẻ, có ý
nghĩa phê phán nhẹ nhàng những người thiếu chủ kiến khi làm việc,
không suy xét kĩ trước khi làm theo ý kiến người khác.
Truyện Lợn cưới, áo mới lại phê phán, chế giễu những người
hay khoe của. Đây là một tính xấu khá phổ biến trong xã hội.

Ở truyện Tam đại con gà ta thấy cái dốt bị chê thì ít, nhưng cái
sự dấu dốt bị cười thì nhiều.
Truyện Nhưng nó phải bằng hai mày chủ yếu vạch trần thói ăn
tiền khi xử kiện của quan lại đồng thời cũng phê phán người dân đã tự
đẩy mình vào tình cảnh vừa đáng thương vừa đáng trách.
Khi hướng dẫn học sinh tiếp cận ý nghĩa nhân sinh, ý nghĩa xã
hội của cái cười vì thế cần xuất phát từ quan điểm đạo đức, quan điểm
ý thức tư tưởng, quan điểm đấu tranh xã hội để hiểu đúng giá trị của
tác phẩm và có thể rút ra những bài học bổ ích cho cuộc sống.
Nhờ những kết quả của việc dạy - học truyện cười từ góc độ thi
pháp, học sinh sẽ hiểu đúng, hiểu sâu tác phẩm, nhờ đó các em sẽ dễ
dàng rút ra những ý nghĩa của văn bản.
Tóm lại, dạy - học truyện cười từ góc độ thi pháp là dựa vào
những đặc trưng thể loại, đặt truyện cười trong hình thức kết cấu
để tìm hiểu nhân vật với những hành động, lời nói trái tự nhiên
nhằm trả lời được câu hỏi “cười cái gì”, “vì sao cười?’ và “cười
nhằm mục đích gì”.
3. Áp dụng sáng kiến vào thực tiễn
Từ kết quả nghiên cứu trên người viết đã áp dụng vào thực tế
dạy – học truyện cười trong trường phổ thông. Sau đây, người viết xin
được trình bày cụ thể phần thiết kế một tiết giáo án dạy truyện cười
trong chương trình SGK Ngữ văn 10 nhìn từ góc độ thi pháp.
Ngày soạn:
Ngày giảng:
Tiết 24 TAM ĐẠI CON GÀ
17
NHƯNG NÓ PHẢI BẰNG HAI MÀY
A. Mục tiêu bài học
Giúp học sinh:
- Hiểu được mâu thuẫn trái tự nhiên trong cách ứng phó của

nhân vật thầy đồ và tiếng cười trào phúng của nhân dân trong truyện
“Tam đại con gà”.
- Thấy được thái độ phê phán của nhân dân đối với bản chất
tham nhũng của quan lại ở địa phương, đồng thời hiểu được tình cảnh
bi hài của người lao động khi lâm vào tình trạng kiện tụng ở nông
thôn Việt Nam ngày xưa trong truyện “Nhưng nó phải bằng hai mày”.
B. Phương tiện thực hiện
- Sách giáo khoa, sách giáo viên, giáo án.
C. Phương pháp dạy học
- Dạy học truyện cười nhìn từ góc độ thi pháp
- Dạy học truyện cười theo hướng tích hợp
- Phương pháp đọc sáng tạo, phân tích, thuyết giảng.
D. Tiến trình lên lớp
1. Ổn định lớp.
2. Kiểm tra bài cũ
3. Bài mới

Hoạt động của GV - HS Nội dung cần đạt
1. Hoạt động 1: Hướng
dẫn HS tìm hiểu chung.
Gọi HS đọc tiểu dẫn.
Nhắc lại khái niệm
truyện cười.
I. Tiểu dẫn
1. Khái niệm truyện cười
- Trong Từ điển tiếng Việt 2000 (Hoàng
Phê chủ biên), Truyện cười được định nghĩa
“Chuyện kể dân gian dùng hình thức gây
cười để giải trí, hoặc để phê phán nhẹ
nhàng”.

2. Phân loại truyện cười
- Truyện khôi hài
- Truyện trào phúng
Truyện “Tam đại con gà” và “Nhưng nó
phải bằng hai mày” thuộc loại truyện trào
phúng.
2. Hoạt động 2: Hướng
dẫn HS đọc hiểu văn
bản.
Gọi HS đọc văn bản.
Xác định nhân vật anh
thầy đồ được giới thiệu
như thế nào?
II. Đọc hiểu văn bản
A. Tam đại con gà
1. Đọc
2. Phân tích
a. Phần mở đầu: Giới thiệu nhân vật
+ Dốt, hay nói chữ, thích khoe khoang.
+ Được thuê dạy học.
18
Mâu thuẫn trái tự nhiên
ở đây là gì?
Thầy đồ đã giải quyết
những tình huống đó ra
sao?
Qua phần phân tích,
em thấy tác giả dân gian
đã dùng biện pháp nghệ
thuật gì để tạo nên tiếng

cười?
Tiếng cười trong truyện
có ý nghĩa gì?

Gọi HS đọc văn bản
“Nhưng nó phải bằng hai
mày”.
Tác giả đã giới thiệu
như thế nào về nhân vật
và tình huống truyện?
-> Mâu thuẫn tiềm tàng: dốt >< dạy học
b. Phần phát triển
- Khi dạy học thầy đồ đã gặp tình huống khó
xử:
+ Dạy đến chữ “Kê”, thấy mặt chữ
nhiều nét rắc rối, thầy không biết chữ gì.
-> Thầy dốt đến mức chữ tối thiểu cũng
không biết.
+ Học trò hỏi gấp, thầy dốt không biết
nhưng tệ hơn là thầy lại tìm cách giấu dốt.
- Cách giấu dốt của thầy đồ.
+ Nói liều (Giảng giải không có cơ sở
khoa học).
+ Bảo học trò đọc nhỏ.
+ Xin đài âm dương.
c. Phần kết thúc
- Thầy đồ: “Dạy cho cháu biết đến tận tam
đại con gà”. “Dủ dỉ là…”
-> Tiếng cười bật lên nhờ sự “vụng chèo,
khéo chống” của ông thầy dốt. Tiếng cười

trào phúng bật ra vì càng ra sức che đậy, bản
chất dốt nát càng bị lộ tẩy.
-> Tác giả dân gian đã để cho cái dốt và sự
giấu dốt của ông thầy đồ tự bộc lộ qua lời
nói và hành động của mình.
d. Ý nghĩa tiếng cười.
- Cái đáng cười trong truyện không phải
là cái dốt, cái đáng cười chính là thái độ giấu
dốt của anh học trò, truyện phê phán sự giấu
dốt của anh học trò.
=> Truyện khuyên răn mọi người nhất là
những người đi học chớ nên giấu dốt, hãy
mạnh dạn học hỏi không ngừng.
B. Nhưng nó phải bằng hai mày
1. Đọc
2. Phân tích
a. Phần mở đầu: Giới thiệu nhân vật và
tình huống truyện:
- Nhân vật lí trưởng: nổi tiếng xử kiện giỏi
- Ngô và Cải đều đã đút lót trước cho thầy
lí.
-> Thầy lí được đặt vào tình huống mâu
19
Phân tích lời nói và
hành động của nhân vật
Cải và lí trưởng.
Phân tích hành động và
lời nói của thầy lí để thấy
được yếu tố bất ngờ của
truyện?

Tiếng cười trong truyện
có ý nghĩa gì?
thuẫn: công lý >< đồng tiền.
b. Phần phát triển:
- Thầy lí: phạt Cải một chục roi.
- Nhân vật Cải:
+ hành động: xòe 5 ngón tay
->Ý nhắc thầy lí số tiền anh ta đút lót trước.
Ở đây nhân vật lấy hành động thay lời nói.
+ lời nói: lẽ phải thuộc về con mà.
-> Lời nói của nhân vật thể hiện niềm tin
rằng có tiền là có lẽ phải.
c. Phần kết thúc:
- Nhân vật thầy lí:
+ hành động: 5 ngón tay trái úp lên 5 ngón
tay mặt.
+ Lời nói: nhưng nó phải bằng hai mày.
-> Nghệ thuật chơi chữ: “phải” là từ chỉ tính
chất nhưng lại được kết hợp với từ chỉ số
lượng.
-> Điều này rất hợp lí khi ta liên tưởng đến
số tiền đút lót của Cải và Ngô.
-> Lời nói này cho thấy, với lí trưởng lẽ phải
được đo bằng tiền.
-> Tiếng cười trào phúng bật lên trước cách
xử kiện tài tình của lí trưởng.
d. Ý nghĩa tiếng cười:
- Tiếng cười trong truyện là tiếng cười
phê phán, đấu tranh chống tệ nạn tham
nhũng.

- Truyện cũng chê trách, cảnh tỉnh người
nghèo khổ. Họ vừa là nạn nhân vừa là thủ
phạm, vừa đáng thương vừa đáng trách.
4.Củng cố
- Để tạo ra tiếng cười trong truyện cười, tác giả dân gian thường sử
dụng những yếu tố gây cười nào?
5. Dặn dò
- Học bài.
- Soạn bài “Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa”.

20
PHẦN KẾT LUẬN
“Nhân dân ngày xưa biết sử dụng tiếng cười như một vũ khí, và
với các truyện cười của mình, đã đánh và đã thắng giai cấp thống trị
nhiều keo, đã đánh và đã thắng những cái xấu xa trong xã hội. Xét cho
kĩ, xã hội cũ là một tấn bi kịch lớn mà đồng thời cũng là một tấn hài
kịch lớn. Xã hội cũ chứa đầy mâu thuẫn. Tác giả dân gian đã nhìn thấy
một cách sâu sắc những mâu thuẫn ấy, những mâu thuẫn sẽ đưa chế
độ xã hội ấy đến chỗ diệt vong.” ( Đinh Gia Khánh )
21
Ting ci trong truyn ci dõn gian s d tr thnh th v khớ
sc bộn giỳp ngi dõn lao ng chin u v chin thng k thự l
nh nú cú mt cỏch núi riờng, ht sc c ỏo. Thi phỏp th loi
truyn ci chớnh l cỏch núi riờng y. Ton b cỏc yu t thi phỏp
truyn ci nh kt cu, nhõn vt, ngụn ng, ngh thut gõy ci
u nhm phc v mc ớch to nờn ting ci. Lnh hi nhng giỏ tr
ca truyn ci dõn gian bng con ng thi phỏp l con ng ngn
nht, hu hiu nht.
Ta hiu vỡ sao truyn ci dõn gian luụn ng hnh cựng cuc
sng y vt v, gian lao ca con ngi. Hóy k cho nhau nghe nhng

truyn ci dõn gian truyn mói cho ti ngn sau ngn la ca tinh
thn lc quan, ca tỡnh yờu cuc sng m cha ụng ta ó nhúm lờn t
ngn xa
Phỳc Yờn, ngy 1 thỏng 1 nm 2013
Ngi vit: ng Th Thu Hin

Tài liệu tham khảo
1 Nguyn Chớ Bn Văn hoá dân gian - những suy nghĩ,
Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội 1999.
2 Nguyễn Văn Dân Phơng pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb
KH - XH, 2006.
3 Cao Huy Đỉnh Tỡm hiu tin trỡnh vn hc dõn gian Vit
Nam, Nxb KH- XH, H Ni 1974.
22
4 Nguyn Bớch H Giáo trình Văn học dân gian Việt Nam,
Nxb Đại học S phạm, 2008.
5 Nguyễn Xuân Lạc Văn học dân gian Việt Nam trong nhà
trờng, Nxb Giáo dục,1998.
6 Bựi Mnh Nh
( Chủ biên )
Văn học Việt Nam - Văn học dân gian-
Những công trình nghiên cứu, Nxb Giáo
dục, 2003.
7 Bựi Mnh Nh
( Chủ biên )
Văn học Việt Nam - Văn học dân gian-
Những tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục,
2000.
8 Đinh Gia Khánh
( Chủ biên )

Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo
dục, 2000.
9 V Ngc Phan
( Chủ biên )
Hợp tuyển thơ văn Việt Nam - Tập 1-
Văn học dân gian, Nxb văn học, 1977.
10 Lê Trờng Phát Thi pháp văn học dân gian, Nxb GD, Hà
Nội 2000.
11 Lờ Chớ Qu
( Chủ biên )
Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Đại học
Quốc gia Hà Nội, 1996.
12 Trần Đình Sử Mt s vn thi phỏp hc hin i, B
GD- T V giỏo viờn HN, 1993.
13 Hong Tin Tu Văn học dân gian Việt Nam ( Sách Đại
học S phạm ) - Tập II, Nxb giáo dục,
1990.
14 Hong Tin Tu Văn học dân gian Việt Nam ( Giáo trình
đào tạo giáo viên Trung học cơ sở hệ
Cao Đẳng S phạm ), Nxb Giáo dục, 1998.
15 Hong Tin Tựu My vn phng phỏp ging dy -
nghiờn cu vn hc dõn gian, Nxb Giỏo
dc,1997.
16 Hong Tin Tu Bình giảng truyện dân gian, Nxb Giáo
dục, 1996.
17 Bỡnh Tr Những đặc điểm thi pháp của các thể
loại văn học dân gian, Nxb giáo dục,
1999.
18 Đ Bỡnh Tr Phõn tớch tỏc phm Vn hc dõn gian,
Nxb Giỏo dc, H Ni 1995.

23
24

×