Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Năm 1972 trong lịch sử cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (82.27 KB, 7 trang )

NĂM 1972 TRONG LỊCH SỬ CUỘC KHÁNG CHIẾN
CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

HÀ MINH HỒNG

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), mỗi năm
tháng, mỗi sự kiện đều có vị trí, ý nghĩa riêng của nó và chỉ có sự hợp thành
của chúng theo phương pháp lịch sử và logic mới giúp ta hiểu đầy đủ cuộc
kháng chiến thần thánh này. Năm 1972 nằm vào nửa cuối của cuộc kháng
chiến ấy có nhiều nét đặc thù, nó cần được đánh giá đầy đủ hơn bởi đây là
một trong mốc son quan trọng nhất.

Những diễn biến chủ yếu chủa cuộc kháng chiến trong năm 1972:
Sau 15 năm theo đuổi chiến tranh không thể kết thúc thắng lợi được,
từ năm 1969 Mỹ áp dụng chiếc lược chiến tranh Việt Nam hoá. Chiến lược
mới này lấy bình định nông thôn làm biện pháp chiến lược, để kết thúc chiến
tranh theo kiểu nó “tự tàn lụi”. Đến trước năm 1972 địch đã đạt đến đỉnh cao
của cố gắng chiến tranh và tạm thời thu được một số kết quả, trước hết là về
bình định; trong khi các lực lượng cách mạng ở miền Nam bị đẩy lùi. Nhưng
vượt qua những khó khăn ác liệt của tình hình, từ năm 1971, nhất là từ sau
chiến thắng Đường 9- Nam Lào, các lực lượng cách mạng của ba nước Việt
Nam, Lào, Campuchia phối hợp giáng cho chính sách Việt Nam hóa chiến
tranh và Đông Dương hoá chiến tranh của Mỹ những đòn đích đáng. Chỉ thị
01/CT72 của Trung ương cục miền Nam đánh giá thắng lợi của năm 1971:
“Chẳng những ta đã vượt qua những thử thách lớn nhất mà còn làm cho
chính sách Việt Nam hoá liên tiếp bị những thất bại nghiêm trọng, tạo ra
được thế mới, lực mới ngày càng thuận lợi…So sánh lực lượng giữa ta và
địch đã có bước chuyển biến lớn. Thời cơ thất bại của địch và thắng lợi của
ta đã rõ. Tình hình đã chín muồi để ta chuyển phong trào lên một bước phát
triển nhảy vọt, phát động toàn Đảng toàn quân ta xốc tới đánh bại về cơ bản
chính sách Việt Nam hoá chiến tranh, giành thắng lợi lớn nhất”.


Thực ra từ tháng 5-1971, Đảng ta đã nhận thấy có “thời cơ lớn” và
phải “kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, trên cơ sở phương châm chiến lược đánh
lâu dài, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao, phát triển thế
tiến công chiến lược mới trên toàn chiến trường miền Nam…giành thắng lợi
quyết định trong năm 1972”. Sau đó trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung
ương lần thứ 20 (đầu năm 1972), Đảng đã nêu quyết tâm giáng cho địch “ba
đòn chiến lược”: “đòn chiến lược của bộ đội chủ lực trên những chiến
trường có lợi; đòn chiến lược tiến công và nổi dậy ở vùng nông thôn đồng
bằng; đòn đấu tranh cách mạng của quần chúng ở các thành thị” (2).
Địch không bất ngờ trước cuộc tấn công năm 1972 của ta nhưng
chúng không phán đoán hết khả năng của ta và quy mô cuộc tiến công.
Tháng 2-1972 Tổng thống Mỹ Nixon đi thăm Trung Quốc và ký “Thông cáo
chung Thượng Hải”. Mưu toan của Mỹ trong chính sách ngoại giao nước lớn
là buộc Trung Quốc cắt giảm viện trợ cho Việt Nam, hòng ngăn chặn cuộc
chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam. Nhưng Đảng ta vẫn
khẳng định: “Trong bất cứ tình huống nào toàn Đảng, toàn dân và toàn quân
ta cũng tin tưởng và nắm vững đường lối cách mạng đúng đắn và độc lập tự
chủ của Đảng ta, phát huy truyền thống tự lực, tự cường và đoàn kết quốc tế,
tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu
nước vĩ đại của nhân dân ta”, “quyết tâm không có gì thay đổi là phải đánh
bại về cơ bản chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, đánh bại mọi âm mưu
và thủ đoạn đối phó của địch làm chuyển biến cục diện chiến tranh”.
Kế hoạch tiến công chiến lược Xuân –Hè 1972 vẫn được thi hành.
Trưa ngày 30-3-1972 ta bắt đầu nổ súng mở màn việc thực hiện quyết tâm
ấy. Lực lượng vũ trang quân giải phóng dùng lối đánh phối hợp binh chủng
hiện đại, tiến công mãnh liệt vào các vị trí có ý nghĩa chiến lược của địch,
chọc thủng hệ thống phòng thủ vòng ngoài của chúng ở các chiến trường Trị
Thiên, Khu V, Tây nguyên và miền Đông Nam bộ. Phối hợp với tiến công
của bộ đội chủ lực ở rừng núi, quân dân ta ở đồng bằng cũng mở cuộc tấn
công và nổi dậy chống phá bình định nông thôn. Tại đây ta sử dụng lực

lượng ba mũi giáp công, kết hợp chặt chẽ hoạt động của lực lượng vũ trang
quần chúng, với tiến công quân sự của lực lượng vũ trang khu, tỉnh, huyện,
diệt ác, phá bộ máy kềm kẹp, gỡ đồn, nhổ bót, giành quyền làm chủ cho
nhân dân.
Chỉ 2 tháng tiến công, quân dân miền Nam đã tiêu diệt, làm bị thương
32, 241 tên địch, loại khỏi vòng chiến đấu 294 tên Mỹ và chư hầu. Ta đã thu
và phá hủy 356 khẩu pháo, 48.515 súng bộ binh, 6.679 máy truyền tin, 63
chiến xa M41, 258 xe M113, 131 xe bọc thép khác, 2.423 xe cơ giới. Hệ
thống phòng thủ vòng ngoài của địch bị phá vỡ. Ta đã có 10 sư đoàn chủ lực
Quân Giải phóng đứng vững trên chiến trường miền Nam, lực lượng vũ
trang 3 thứ quân ở miền Nam được bố trí lại trong thế vững chắc. Điều đó
khiến cho quân nguỵ khó lòng đảo ngược được tình thế đang có lợi cho ta
bất lợi cho chúng.
Mỹ bị bất ngờ với sự chuyển biến nhanh của tình hình và chúng kiên
quyết trả đũa cuộc tiến công Xuân –Hè của ta. Đầu tháng 4-1972 Mỹ cho tập
trung về vùng biển miền Nam và các căn cứ Thái Lan một lực lượng lớn
không quân và hải quân, gồm 1.400 máy bay chiến đấu, 193 máy bay B52,
62 tàu chiến (bằng 40% máy bay chiến thuật, gần 50% máybay chiến lược
của cả nước Mỹ, 73% tàu chiến của hạm đội 7). Lực lượng này vừa phục vụ
cho nguỵ phản kích ở miền Nam, vừa gây lại chiến tranh phá hoại ở miền
Bắc. Từ ngày 9-5-1972 Mỹ cho phong tỏa toàn bộ bờ biển miền Bắc Việt
Nam, đợt đầu là 7.963 quả thuỷ lôi và sau đó còn hàng ngàn quả thuỷ lôi
khác giăng kín bờ biển, các tuyến vận chuyển đường biển đường sông miền
Bắc. Quốc hội Mỹ viện trợ bổ sung khẩn cấp cho nguỵ Sài Gòn 3 tỷ dollar.
Tổng thống Nixon tuyên bố hoãn cuộc hoà đàm ở Paris. Từ tháng 5-1972
cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam đã chuyển sang “Mỹ hóa” trở lại chứ không
còn nguyên vẹn Việt Nam hoá nữa.
Số phận của Việt Nam hoá chiến tranh đến giữa năm 1972 đã có thể
được định đoạt khi chúng bị giáng những đòn thất bại nặng nề ở miền Nam.
Nhưng hiện đang tồn tại 2 khả năng.

1. Nếu Việt Nam hoá chiến tranh tiếp tục bị đánh bại thêm một bước
trên chiến trường thì địch có thể kết thúc chiến tranh nhằm phục vụ cho cuộc
tranh cử của Nixon.
2.Ngược lại, nếu Việt Nam hoá chiến tranh chưa có nguy cơ đổ vỡ lớn
hơn, Mỹ tiếp tục tìm được biện pháp khắc phục khó khăn trong nước để
Nixon thắng cử thì chiến tranh còn tồn tại.
Như vậy, ta phải tranh thủ khả năng thứ nhất để đi đến giải pháp chính
trị, đồng thời chủ động, sẵn sàng đánh thắng địch trong trường hợp chiến
tranh tiếp tục. Theo đó ta vừa đẩy mạnh tiến công và nổi dậy trên chiến
trường, vừa đẩy mạnh đấu tranh trên bàn hội nghị, tranh thủ thời điểm chính
trị của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ để buộc Mỹ ký kết một hiệp định hoà
bình kết thúc chiến tranh vào tháng 10-1972. Lực lượng vũ trang nhân dân
được tăng nhanh theo yêu cầu của mặt trận, cuộc chiến tranh nhân dân chống
chiến tranh phá hoại ở miền Bắc đã vươn tới đỉnh cao mới. Hàng trăm máy
bay hiện đại của Mỹ đã phải bỏ xác ở khắp nơi trên miền Bắc. Chỉ 1 tháng từ
ngày 6-4-1972 đến ngày 8-5-1972 ta đã bắn rơi 90 máy bay địch. Luồng
hàng vận chuyển ở miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam vẫn thông suốt
(lượng hàng vận chuyển vào các chiếnt rường năm 1972 tăng hơn 1,7 lần so
với năm 1971).
Trung ương cục trong Chỉ thị 16/CT72 đã chủ trương chỉ đạo các địa
phương giương cao khẩu hiệu Hoà bình- Độc lập-Dân chủ-Hoà hợp dân tộc,
tăng cường các mặt tấn công buộc đế quốc Mỹ phải ký kết hiệp định và sẵn
sàng đối phó với khả năng chiến tranh còn tiếp tục, “nếu ta kịp thời chớp lấy
cơ hội thuận lợi này để đẩy mạnh các mặt tấn công quân sự, chính trị, ngoại
giao thì có thể buộc địch phải chịu ký kết nghiêm chỉnh. Nếu địch còn ngoan
cố tiếp tục chiến tranh thì thế của chúng sẽ suy yếu hơn trước, ta càng có
điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến tiến lên giành thắng lợi mới”.
Mỹ đã ngoan cố và lắt léo đánh lừa dư luận. Mỹ không muốn chấp
nhận việc ký hiệp định bất lợi cho Mỹ và nguỵ nên chủ trương đánh đòn
quân sự để ép ta phải nhượng bộ chúng. Chúng cho rằng “đe dọa phải…kết

hợp với hành động thực thì mới có hiệu quả thuyết phục đối phương”.
Johnson năm 1965 đã dùng biện pháp leo thang đánh phá ra miền Bắc để
thực hiện ý đồ chiến lược ở miền Nam; còn Nixon năm 1972 dùng biện pháp
leo thang để gây một sức ép cuối cùng theo cách tính toán “được ăn cả, ngã
về không”.
Đêm 18/12/1972 cuộc tập kích chiến lược của chúng bắt đầu. Mỹ hy
vọng đây là biện pháp có tính quyết định chứ không còn là biện pháp hỗ trợ
như trước nữa, để bắt đối phương phải khuất phục và chấm dứt chiến tranh
theo ý muốn của Mỹ. Nhưng điều bất ngờ là hành động điên cuồng của Mỹ
chỉ càng làm cho loài người tiến bộ, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ công phẫn,
lên án và đòi chính quyền Nixon phải chấm dứt chiến tranh. Hành động điên
cuồng của Mỹ phản kích ở miền Nam và đánh phá miền Bắc càng làm cho
người Việt Nam thêm căm thù và quyết tâm đánh chúng.
Chúng ta đã kết thúc năm 1972 bằng chiến thắng liên tiếp trong 12
ngày đêm (từ 18 đến 29-12-1972) bắn rơi 81 máy bay không lực Huê Kỳ,
trong đó có 34 chiếc B52 và 5 chiếc F111. Mỹ đã kết thúc năm 1972 bằng
tuyên bố sáng sớm ngày 30-12-1972 ngừng ném bom miền Bắc không điều
kiện và nối lại đàm phán ở Paris. Mỹ muốn giáng cho đối phương một đòn
quân sự mạnh thì lại gặp một trận “Điện Biên Phủ trên không”; muốn tỏ rõ
sức mạnh không thể tưởng tượng nổi của không quân chiến lược Hoa Kỳ thì
những biểu tượng của sức mạnh răn đe bị mất uy thế. Tổng thống Nixon vừa
tái cử đã bị một trận “phản đòn”, muốn đàm phán trên thế mạnh đã phải trở
lại Paris khẩn cấp và chấp thuận tất cả những gì đã chối từ kể cả việc ký kết
một hiệp định kết thúc chiến tranh.
Như vậy năm 1972 đã đi vào lịch sử với hàng loạt chiến công có ý
nghĩa định đoạt cho quá trình đi đến kết thúc cuộc kháng chiến. Và vì thế nó
có vị trí đặc biệt đối với toàn bộ cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Mấy đánh giá về năm 1972
Cuộc kháng chiến 21 năm có thể chia ra nhiều bước phát triển, trong
đó giai đoạn 1969-1972 là giai đoạn có tính chất bản lề. Cuộc chiến trong

giai đoạn này đầy những bất ngờ. Năm 1972 là năm “đảo ngược thế cờ”,
năm bản lề của giai đoạn bản lề. Sau những cố gắng giành lại thế trận và xây
dựng, củng cố, tích luỹ lực lượng, đến năm 1972 ta đã chớp lấy thời cơ liên
tục tiến công, liên tiếp giành thắng lợi trên các mặt trận, cuối cùng đánh gục
ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi quyết định cho cuộc kháng
chiến. Năm 1972 là năm chín muồi của quá trình phát triển của cả giai đoạn
1969-1972. Có thể nêu lên những vấn đề chính:
1. Thành công lớn của ta năm 1972 là việc nắm bắt tình hình, sử dụng
thời cơ đã đạt trình độ nghệ thuật cao. Mỹ không bất ngờ như năm 1968 khi
biết ta sẽ lợi dụng thời điểm chính trị năm 1972, nhưng chúng hoàn toàn bị
động với những diễn biến của chiến tranh mà ta tạo ra trong năm này, hoặc
không lường hết được hậu quả của những bước phiêu lưu của chúng khi theo
đuổi chiến tranh. Chính sách ngoại giao nước lớn của Mỹ tuy có thành công
bước đầu trong quan hệ với Trung Quốc, Liên Xô, nhưng sức chi phối của
nó đến các nước nhỏ là rất ít. Vì thế Mỹ không thể buộc đối phương rơi vào
tình thế hoàn toàn bị động trong chiến tranh. Ngược lại ta tận dụng được
những điều kiện khách quan còn thuận lợi để kiên trì theo đuổi đường lối
độc lập tự chủ từ đầu đến cuối. Thời điểm năm 1972 đối với ta có “éo le” và
ngặt nghèo, nhưng không còn ở đỉnh cao của những khó khăn phức tạp như
3 năm 1969-1971. Trong khi thời điểm này đối với nước Mỹ rất nhạy cảm
chính trị và ta đã khai thác thành công tình hình chính trị trong ngoài nước,
Mỹ phục vụ cho ý đồ chiến tranh cách mạng của mình.
2.Từ năm 1969 địch tiến hành Việt Nam hoá chiến tranh khi chúng đã
tạm thời giành được một số kết quả trong biện pháp bình định ở miền Nam,
năm 1970 mở rộng chiến tranh sang Campuchia, đẩy mạnh chiến tranh đặc
biệt ở Lào. Chúng muốn củng cố kết quả ấy và đẩy mạnh hơn nữa Việt Nam
hoá chiến tranh, tạo cho nguỵ Sài Gòn thêm những “đồng minh” và thử
thách chúng ở các chiến trường 3 nước Đông Dương. Nhưng điều ấy cũng
có nghĩa là từng bước chúng đẩy nhân dân các nước Đông Dương vào cùng
một hoàn cảnh, về cùng một phía trong trận tuyến chính trị ở đây, sự phát

triển mới của liên minh đặc biệt Việt Nam-Lào-Campuchia là bước phát
triển tất yếu khi Mỹ trở thành kẻ thù chung. Như vậy, trận tuyến chống Mỹ ở
miền Nam cũng như trên cả 3 nước Đông Dương, đến năm 1972 cùng có
thêm những vận hội mới để cùng phát triển.
3.Những năm 1969-1971 ta đã có nhiều cố gắng nỗ lực vượt ra khỏi
những khó khăn phức tạp của tình hình, từng bước giành thắng lợi, xây dựng
củng cố thế và lực. Nhờ vậy đến xuân hè 1972, ta đã đủ sức mở cuộc tiến
công chiến lược đánh vào các căn cứ sào huyệt địch, khi chúng đã có nhiều
kinh nghiệm trong phản công và phòng thủ, nhưng chúng lại rất chủ quan
với thắng lợi tạm thời của chúng và tình hình còn nhiều khó khăn của ta.
Quả đấm chiến lược của quân giải phóng miền Nam trên 3 chiến trường lựa
chọn ấy, vừa phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch và tạo lại áp lực
đối với các chiến trường vòng trong, vừa tạo ra thế mới cho các hoạt động
đấu tranh khác trên chiến trường miền Nam, trực tiếp là trận tuyến chống
phá bình định đã nhanh chóng vượt qua bước một, chuyển sang bước hai.
4. Những năm 1969-1971 ta cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa đấu
tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, chỉ trên cơ sở đó đến năm 1972, sự phối
hợp này mới đạt đến đỉnh cao, khi nắm bắt lấy thời điểm chính trị của nước
Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống. Đó là thời điểm mà nước Mỹ không thể
đủ kiên trì với bất kỳ một sự ngoan cố nào. Giải pháp chính trị cho cuộc
chiến tranh Việt Nam, thôi thúc các giới hiếu chiến Mỹ phải nhanh chóng có
những quyết định. Những đòn tấn công quân sự, chính trị, ngoại giao của ta
trong năm 1972 cuối cùng đã đánh gục ý chí xâm lược của Mỹ. Sự chuyển
biến nhanh của tình hình thuận lợi ấy của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu
nước, khác hẳn với những khó khăn tưởng như không vượt qua nổi những
năm 1969-1970. Trên trận tuyến chống phá bình định, dù còn nhiều khó
khăn phức tạp đòi hỏi phải có nỗ lực lớn, song từ cuối năm 1971 sang đầu
năm 1972 ta đã vượt ra khỏi thời kỳ khó khăn nhất để trỗi dậy theo phương
thức mới. Có thể nói trên lĩnh vực này, ta đã có nhiều cố gắng, kiên trì để
nắm bắt tình hình, nhận thức rõ hơn sai lầm, khuyết điểm của mình, vì thế ta

hoàn toàn có khả năng đưa trận tuyến chống phá bình định lên bước phát
triển mới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc kháng chiến trong thời điểm quyết
định năm 1972.
Những vấn đề trên đây đan xen vào nhau, tạo ra những kết quả tác
động ảnh hưởng lẫn nhau. Chính sự tác động lẫn nhau ấy đã làm cho năm
1972 có tính chất đặc thù và những thắng lợi của năm 1972 có ý nghĩa chiến
lược đánh bại âm mưu thủ đoạn của Mỹ, kết thúc chiến tranh.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ có nhiều mốc lịch sử đánh dấu những
bước phát triển tuần tự xen kẽ với những bước phát triển nhảy vọt. Năm
1972 là kết quả phát triển của giai đoạn 1969-1972, giai đoạn của những thử
thách lớn và mở ra giai đoạn cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
còn phải giải quyết nhiều vấn đề không ít khó khăn. Song một khi đã “đánh
cho Mỹ cút”, mà năm 1972 có góp phần trực tiếp quyết định, thì việc “đánh
cho nguỵ nhào” cũng không còn là một bài toán khó nữa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết
kháng chiến chống Mỹ cứu nước-Thắng lợi và bài học. NXB Chính trị Quốc
gia, H.1995.
2.Ban tổng kết chiến tranh B2, Quá trình cuộc chiến tranh xâm lược
của đế quốc Mỹ và quy luật hoạt động của Mỹ nguỵ trên chiến trường B2
(Dự thảo). Phòng tổng kết địch. Lưu hành nội bộ 1984.
3. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (1954-1975) , tập II, Viện nghiên
cứu chủ nghĩa Mác Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc
gia. H.1995.
4.Quân giải phóng miền Nam, Báo cáo gửi Bộ tình hình tháng 1/1972.
5. Quân giải phóng miền Nam, Báo cáo tình hình địch Xuân hè 1972
(từ tháng 3-6/1972)
6. Quân giải phóng miền Nam, So sánh địch-ta trên các chiến trường
Đông Dương (cuối tháng 2/1972)
7. Quân giải phóng miền Nam, Số liệu năm 1973 của chiến trường B2.

8. Quân giải phóng miền Nam, Tổng kết mấy bài học kinh nghiệm
trong xây dựng các lực lượng vũ trang địa phương năm 1972.
9. Quân ủy Trung ương, điện chỉ thị tháng 6/1973 gửi Quân ủy
miền…
10. Quân ủy Trung ương, điện số 425 ngày 8/6/1972: Văn gửi anh
Mười Khang, Tư Chi, Bảy Cường…
11. Thành ủy Sài Gòn –Gia Định, thông báo tình hình từ 7/1972 đến
11/1972 của Sài Gòn- Gia Định.
12.Tình trạng dân, ấp tháng 9/1972 (theo H.L.A), Sài Gòn 1972.
13. Trung ương Cục miền Nam, Báo cáo trong hội nghị TWC mở
rộng đầu năm 1972: Phát huy thắng lợi to lớn của xuân hè, tranh thủ thời cơ
nỗ lực cao độ làm chuyển biến cục diện…
14. Trung ương Cục miền Nam, Chỉ thị 16/CT72 ngày 30-10-1972:
Tăng cường các mặt tấn công…sẵn sàng ứng phó với khả năng chiến tranh
còn tiếp tục.
15 .Trung ương Cục miền Nam, Chỉ thị số 01/CT72 ngày 3/1972:
Thời cơ đã chín muồi…
16. Trung ương Cục miền Nam, Chỉ thị số 09/CT72 ngày 16-10-1972:
Dưới khẩu hiệu hoà bình, độc lập, dân chủ, cơm áo, hoà hợp dân tộc, kiên
quyết đưa phong trào cách mạng tiến lên…


×