MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1. Liên văn bản là một trong những khái niệm được sử dụng rộng rãi
nhất trong phê bình văn học thế giới nửa cuối thể kỉ XX và những năm đầu
thế kỉ XXI. Được khơi nguồn từ M. Bakhtin qua những công trình quan
trọng của ông và chính thức được Julia Kristeva “khai sinh”, liên văn bản
nhanh chóng được các nhà cấu trúc luận, giải cấu luận phát triển và tiến tới
hoàn thành một phương pháp phê bình văn học. Có thể nói việc phát hiện ra
liên văn bản đã tạo nên một cuộc “cách mạng” trong tư duy văn học, thay
đổi một cách mạnh mẽ các quan niệm về văn chương.
Với tầm ảnh hưởng như vậy, liên văn bản được xem là hướng tiếp
cận khả quan không chỉ trong văn học mà còn có thể vận dụng vào phê bình
các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau như: điện ảnh, âm nhạc
2. Trên thực tế của phê bình văn học Việt Nam, lý thuyết về liên văn
bản vẫn chưa thực sự thể hiện được đúng tầm quan trọng của nó. Việc
nghiên cứu về vấn đề này vẫn còn hạn hẹp. Quan niệm mỗi tác phẩm văn
học là một “hòn đảo cô độc”, nhà văn là người có quyền năng vô hạn trong
vai trò “độc sáng” của mình vẫn ăn sâu vào tâm lý của độc giả. Trong phê
bình và tiếp nhận văn học vẫn chưa thật sự cởi mở với lý thuyết này. Đặc
biệt với những tác phẩm đương đại, chúng ta thật sự cần những phương tiện
mới như liên văn bản để mở “ổ khóa bí ẩn” của tổ chức tác phẩm. Đây là
một trong những đòi hỏi khá thời sự với lý luận phê bình và nghiên cứu văn
học của chúng ta hiện nay.
3. Trên văn đàn văn học Việt Nam đương đại, Hồ Anh Thái nổi lên
như một hiện tượng độc đáo. Từ những tiểu thuyết và truyện ngắn đầu tay
ông đã thể hiện mình là một “cơn gió lạ” khao khát tìm cái mới. Đặc biệt
trong các tiểu thuyết gần đây, Hồ Anh Thái đã thể hiện sự đột phá vượt
bậc trong lối viết cũng như quan niệm nghệ thuật. Việc tiếp thu nhiều
1
luồng văn hóa, đặc biệt là Phật giáo và các tôn giáo khác của Ấn Độ, đã
giúp tác giả tạo được mạch nguồn riêng cho sáng tác của mình khiến cho
hầu hết những người đọc đều thấy tác phẩm của Hồ Anh Thái có bề dày và
chiều sâu văn hóa, có cái gì đó còn rộng hơn cả quan niệm lâu nay chúng
ta vẫn gọi là văn học.
Xuất phát từ những vấn đề lý thuyết và thực tế văn học hiện nay, cụ
thể là các sáng tác của Hồ Anh Thái, chúng tôi nhận thấy việc sử dụng lý
thuyết liên văn bản để tìm hiểu tác phẩm của ông là một hướng khám phá
khả quan. Bởi vậy, người viết muốn qua đề tài Liên văn bản trong tiểu
thuyết Hồ Anh Thái đóng góp ít nhiều về một hướng tiếp cận mới trong
văn học.
2. Lịch sử vấn đề
Hồ Anh Thái, cái tên đã quá quen thuộc với độc giả Việt Nam. Nổi
lên như một hiện tượng qua những tác phẩm đầu tay, nhà văn sớm khẳng
định được tên tuổi của mình trên văn đàn cả ở truyện ngắn và tiểu thuyết.
Đặc biệt trong thời gian gần đây, mỗi tác phẩm của ông đều để lại trong dư
luận nhiều ấn tượng với những đột phá về nghệ thuật cũng như nội dung.
Hồ Anh Thái viết “khỏe” và còn đang sung sức. Với tuổi đời như vậy
trong nghiệp văn chương vẫn được coi là trẻ nhưng nhà văn đã có hàng
chục đầu sách được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng. Hồ Anh Thái đã tạo ra
một “thương hiệu” của riêng mình, không thể lẫn với ai. Đặc biệt, giọng văn
hết sức linh hoạt của ông dường như có thể chiếm lĩnh nhiều đối tượng, đi
vào rất nhiều không gian sống. Điều này thể hiện rõ ở cả hai “khung trời”
truyện ngắn và tiểu thuyết. Chúng ta bắt gặp một Hồ Anh Thái bông đùa,
sẵn sàng giễu nhại cuộc đời trong Bốn lối vào nhà cười (tập truyện) Mười
lẻ một đêm (tiểu thuyết), có khi ông lại hối hả, vội vã trong Cõi người rung
chuông tận thế (Tiểu thuyết) hay trầm tư suy tưởng với văn hóa Ấn Độ
cũng như hồi quang Đức Phật như trong Tiếng thở dài qua rừng kim tước
2
(tập truyện); Đức Phật, nàng Savitri và tôi (Tiểu thuyết)… Nhưng dù ở
giọng điệu nào, tác phẩm của ông vẫn toát lên những ý vị sâu xa, chiêm
nghiệm về lẽ đời. Đặc biệt, trong hai tiểu thuyết gần đây nhất là Mười lẻ
một đêm và Đức Phật, nàng Savitri và tôi, nhà văn dường như đã bước
sang một thế giới khác: Huyền ảo hơn, rộng lớn hơn những cũng ý vị hơn.
Và những tác phẩm đó luôn được độc giả đón nhận và các nhà nghiên cứu
quan tâm sâu sắc.
Đã có hàng loạt bài báo cũng như luận văn tìm hiểu về sáng tác của
Hồ Anh Thái. Các luận văn đã phần nào tập trung vào các cách tân nghệ
thuật, đổi mới thi pháp tiểu thuyết của nhà văn. Xin điểm qua một số nghiên
cứu tiêu biểu:
Nguyễn Hữu Tâm trong luận văn Nghệ thuật trần thuật trong tiểu
thuyết Hồ Anh Thái đã tập trung vào các phương thức trần thuật của nhà
văn ở một vài tiểu thuyết để đi đến kết luận “việc lựa chọn và thay đổi linh
hoạt các điểm nhìn (vị trí mà từ đó chủ thể sáng tạo quan sát sự vận động
của thế giới xung quanh) của tác giả Hồ Anh Thái đã giúp cho ông có thể
cảm nhận và phản ánh về hiện thực ở những tầng sâu nhất thông qua tác
phẩm của mình. Hiện thực đời sống luôn được nhìn trong một sự vận động
đa chiều do vậy tính khách quan trong phản ánh là điều tác giả đưa lại
trong người đọc”.
Cũng đi vào những vấn đề về nghệ thuật tiểu thuyết, Hoàng Thu
Thủy trong Điểm nhìn trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái đã khái quát những
đặc trưng về điểm nhìn và cấu trúc lời nói nghệ thuật trong các tác phẩm
của nhà văn: “Người kể chuyện hàm ẩn với điểm nhìn bên trong chiếm ưu
thế vượt trội trong các tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, kéo theo kết quả là
kiểu không gian- thời gian đồng hiện, đan xen được tác giả cho ẩn vào
những dòng tâm tư, dòng hồi ức của nhân vật xuất hiện với tần số cao
trong tác phẩm” [53, 119].
3
Nguyễn Thị Ngọc Hà trong luận văn Kết cấu tiểu thuyết hiện đại qua
tiểu thuyết Hồ Anh Thái lại khảo sát các cấp độ hình tượng của kết cấu và
cấp độ văn bản của kết cấu: “Tiểu thuyết Hồ Anh Thái luôn có sự đan xen,
pha trộn giữa kết cấu được hình thành trên những tọa độ không gian - thời
gian phi tuyến tính và kết cấu tầng bậc, đa tuyến, đa phương”[21, 111].
Đi tìm những cách tân nghệ thuật ở nhiều bình diện hơn, Phạm Lan
Anh trong luận văn Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Hồ Anh
Thái cũng đi vào những đặc điểm về thế giới nhân vật, cốt truyện và kết cấu
cũng như giọng điệu và ngôn ngữ.
Cũng theo hướng nghiên cứu thế giới hình tượng nghệ thuật và kết
cấu, ngôn ngữ và giọng điệu, Hoàng Thị Xuân trong luận văn: Hồ Anh
Thái và những nỗ lực các tân tiểu thuyết đã khẳng định: “Không thể phủ
nhận, Hồ Anh Thái đã bền bỉ tạo nên một dòng chảy, đủ để lại những ấn
tượng khó phai trong lòng người đọc. Mỗi cuốn tiểu thuyết được viết ra là
một minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực thể nghiệm, cách tân miệt mài
và nhiệt thành của tác giả, đồng thời đó là minh chứng hiện hữu cho nỗ lực
vượt thoát chính mình” [55, 123].
Khảo sát một nhóm tác giả đương đại trong đó có Hồ Anh Thái,
Nguyễn Thị Kim Lan trong Nghệ thuật kết cấu trong một số tiểu thuyết
huyền ảo triết luận của Tạ Duy Anh, Châu Diên, Hồ Anh Thái cũng đã
nghiên cứu tổ chức cốt truyện và trần thuật, nghệ thuật tổ chức không gian -
thời gian và tổ chức nhân vật trong sáng tác của các tác giả nói trên.
Bên cạnh những luận văn đã nghiên cứu về sáng tác của Hồ Anh Thái
kể trên, tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi cũng nhận được khá
nhiều đánh giá qua các bài báo. Tuy những bài viết này không trực tiếp
dùng lý thuyết liên văn bản để đi sâu vào tác phẩm nhưng cũng đã có đề cập
đến vấn đề viết lại Phật sử và so sánh với các văn bản khác. Chẳng hạn như
tác giả Võ Anh Minh đã so sánh hình tượng Đức Phật trong sáng tác của Hồ
4
Anh Thái với Phật học khải luận để đưa ra nhận định: “Hồ Anh Thái cũng
cho thấy con người ấy bình dị bao nhiêu thì anh cũng biết chọn lọc và móc
nối rất nhiều chi tiết lấy từ Phật sử lại với nhau để cùng lúc cho người đọc
chiêm ngưỡng một tư tưởng minh triết siêu việt trong cái vỏ bọc giản dị
khiêm nhường”[37].
Tác giả Hoàng Công Danh trong bài viết Tái hiện Phật sử, đồng
hiện nghệ thuật, tương hợp đạo và đời cũng đánh giá: “Cái mới của cuốn
sách ngoài việc dựng lại hình ảnh Đức Phật từ lúc sơ sanh đến khi xuất gia
thành đạo và nhập điệt còn là góc nhìn mới thông qua lối kể chuyện”[11].
Tác giả Lê Thị Oanh cũng theo hướng so sánh các tác phẩm về Đức
Phật để nhận định: “Đó là những tác phẩm được nhiều thế hệ độc giả ghi
nhớ, thuộc thể loại truyện dài. Vậy về mặt thể loại, nếu như độc giả Việt
Nam vẫn luôn mong có một cuốn tiểu thuyết về Phật và thời đại của Người
thì Đức Phật, nàng Savitri và tôi là cuốn tiểu thuyết được trông đợi ấy”.
[41]
Tác giả Nguyễn Danh Lam trong bài viết Vững chắc trên cây cầu
phiêu lưu cũng đã phần nào nói lên được mối liên hệ văn hóa trong tác
phẩm: “Ở nàng Savitri, một bữa tiệc hoành tráng của lịch sử văn hóa Ấn
Độ. Tác giả thỏa sức vùng vẫy với những kiến thức về Bà La Môn giáo, về
Veda, Upanishad, Ramayana, Mahabharata và cả Kamasutra”[33].
Tiếp nối những nhận định trên, với luận văn Liên văn bản trong tiểu
thuyết Hồ Anh Thái (qua Đức Phật, nàng Savitri và tôi) chúng tôi cũng
muốn đóng góp thêm một hướng tiếp cận những tác phẩm của nhà văn này.
Hy vọng rằng nó sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về tính phức hợp, đặc thù
nghệ thuật tiểu thuyết của ông.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1 Đối tượng nghiên cứu
5
Thực hiện luận văn, chúng tôi không nghiên cứu toàn bộ các tiểu
thuyết của Hồ Anh Thái mà chủ yếu tập trung vào Đức Phật, nàng Savitri
và tôi. Thêm nữa ngay với tiểu thuyết này chúng tôi cũng chỉ tập trung
nghiên cứu phương diện liên văn bản. Tất nhiên trong những trường hợp
cần thiết chúng tôi cũng sẽ có liên hệ với các tiểu thuyết khác của nhà văn.
Nói chung, luận văn này nhằm hướng đến việc tìm hiểu mối liên hệ của tác
phẩm với các văn bản văn hóa và văn học khác trong sự đối thoại liên kết
nhằm mở rộng ý nghĩa của tác phẩm. Đồng thời, người viết cũng muốn
khảo sát sự tồn tại của các kiểu văn bản cụ thể được sử dụng trong tác phẩm
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi khảo sát của luận văn là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Hồ
Anh Thái: Đức Phật, nàng Savitri và tôi trong mối liên hệ với các hiện
tượng văn hóa, văn học khác ngoài nó.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu và đóng góp mới của luận văn
4.1. Nhiệm vụ
1) Tổng hợp các quan niệm lý thuyết về liên văn bản, đưa ra khái
niệm liên văn bản và các cấp độ nghiên cứu của vấn đề
2) Đi tìm mối liên hệ giữa các văn bản trong tiểu thuyết Đức Phật,
nàng Savitri và tôi và sự cộng hưởng ý nghĩa của chúng.
4.2. Đóng góp mới của luận văn
Thử đưa ra một hướng tiếp cận về tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
Khẳng định cá tính sáng tạo độc đáo và đóng góp của nhà văn Hồ Anh Thái
vào quá trình hiện đại hóa văn học nói chung và tiểu thuyết Việt Nam
đương đại nói riêng.
5. Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài, chúng tôi vận dụng đồng bộ các phương pháp sau:
- Phương pháp tiếp cận văn hóa học: Văn hoá học hình thành trên
vùng tiếp giáp của các tri thức xã hội và nhân văn về con người và xã hội,
nghiên cứu văn hoá như một chỉnh thể toàn vẹn với một phạm vi rộng khắp,
6
trong đó văn hóa học, văn học nghệ thuật như một tiểu hệ thống. Từ cái
nhìn văn hóa, chúng tôi sẽ tìm thấy những mối quan hệ tương hỗ, biện
chứng giữa văn hóa và văn học.
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Để thực hiện đề tài này, luận
văn cần kết hợp phương pháp nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn hóa, Cái
nhìn liên ngành sẽ giúp luận văn giải quyết thỏa đáng vấn đề cần nghiên cứu.
Ngoài ra chúng tôi sử dụng các thao tác nghiên cứu khác như phân
tích thi pháp tác phẩm và các thao tác tổng hợp, so sánh…
6. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và thư mục Tài liệu tham khảo, luận
văn được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1: Những vấn đề lý thuyết về liên văn bản
Chương 2: Đối thoại văn hóa trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi
Chương 3: Các kiểu văn bản trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi
7
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ THUYẾT VỀ LIÊN VĂN BẢN
1.1. Khái niệm liên văn bản
Liên văn bản (intertextuality) là một khái niệm thường xuyên gắn bó
với chủ nghĩa hậu hiện đại. Được“khởi nguồn” từ D.Sausurre và
M.Bakhtin, khái niệm này, lần đầu tiên, chính thức được giới thiệu bởi J.
Kristeva và nó nhanh chóng trở nên hữu dụng với khả năng nêu bật những
quan niệm về tính liên hệ trong đời sống văn hóa hiện đại.
Tuy được sử dụng một cách phổ biến trong nhiều lĩnh vực triết học, nghệ
thuật và đặc biệt là phê bình văn học nhưng xem ra khái niệm liên văn bản đang
có nguy cơ trở nên vô nghĩa. Vì sự sử dụng tràn lan làm mất hết sự khu biệt nội
hàm nghĩa khoa học của khái niệm. Liên văn bản được sử dụng quá phổ biến và
hầu như ai cũng muốn gán cho nó thêm một ý nghĩa nào đó. Nhiệm vụ của luận
văn là góp phần xác định, khu biệt hóa nội dung khái niệm này.
Liên văn bản là một trong những ý tưởng trọng tâm của lí thuyết văn
học đương đại. Cái khó trong việc tiếp nhận lý thuyết này là do nội hàm của
nó quá rộng, không hề dễ hiểu rõ ràng và minh bạch. Với năng lực nghiên
cứu còn hạn chế, người viết cũng chỉ mong muốn đưa ra cách hiểu một vài
khía cạnh của khái niệm này, bởi như Graham Allen cũng từng thừa nhận
trong công trình về lý thuyết liên văn bản của mình: “Cuốn sách này không
tìm kiếm để điều chỉnh những nhầm lẫn này bằng việc đề xuất một định
nghĩa thiết yếu về thuật ngữ đó. Một dự án như thế tất phải thất bại. Cái
chúng ta được đòi hỏi là trở lại với lịch sử của thuật ngữ và để gợi nhắc
bản thân chúng ta về việc như thế nào và tại sao nó lại mang chính những ý
nghĩa và sự áp dụng hiện hành.” [1,3]
8
Muốn hiểu về liên văn bản, có lẽ chúng ta cần tìm hiểu về văn bản và
các quan niệm về văn bản khi thuật ngữ liên văn bản còn chưa xuất hiện.
Cho đến nay, văn bản được dùng với nhiều phạm vi, góc độ khác nhau. Với
nghĩa thông thường, văn bản là tên gọi chỉ những tài liệu, bài viết được in
ấn, lưu hành hàng ngày trong giao tiếp (một bài báo, một công văn, một tập
tài liệu, một quyết định,…). Với nghĩa là một thuật ngữ ngôn ngữ học, văn
bản là một trong những đơn vị phức tạp, có nhiều cách hiểu và định nghĩa
khác nhau. Tuy nhiên có thể dẫn giải theo lối một định nghĩa như sau: “1,
Bản ghi bằng chữ viết hay chữ in, một phát ngôn hoặc một thông báo ngôn
từ (phân biệt với thực hiện phát ngôn hoặc thông báo ấy bằng nói miệng);
2) Phương diện tri giác cảm xúc của tác phẩm được biểu đạt và ghi nhận
bằng kí hiệu ngôn ngữ; 3) Đơn vị nhỏ nhất tương đối (có tính thống nhất
tương đối và tính độc lập tương đối) của giao tiếp bằng ngôn từ.” [24, 395]
Quan niệm truyền thống về văn bản và nghiên cứu văn bản có khuynh
hướng nghiên cứu riêng lẻ văn bản như một cơ thể, một thực thể khép kín.
Và đây cũng chính là nhược điểm của Chủ nghĩa cấu trúc và kí hiệu học. Chủ
nghĩa cấu trúc nghiên cứu văn bản như một “thể” - tập hợp thống nhất - trong
ranh giới xác định. Văn bản được xem như “một hòn đảo cô độc” bị tách ra
khỏi những mối liên hệ khác bên ngoài với mong muốn của các nhà cấu trúc
rằng theo cách đó phê bình văn học sẽ trở nên khách quan hơn.
Cùng với quan niệm như vậy về văn bản, phê bình văn học trước đây
coi tác giả trở thành người “độc sáng”, là “đấng quyền năng” chi phối toàn
bộ tác phẩm của mình. Trên “hòn đảo” văn bản đó, nhà văn là một “vị chúa”
sáng tạo nên tất cả, còn người đọc với tác phẩm chỉ giữ vai trò tiếp nhận thụ
động. Việc tiếp cận văn bản đơn chiều như vậy làm cho ý nghĩa của tác phẩm
bị hạn chế, có phần cứng nhắc, làm mất đi nhiều giá trị hàm ẩn của nó.
9
Với sự xuất hiện của khái niệm liên văn bản, phê bình văn học đã
được mở ra theo một hướng mới, khả quan và linh hoạt hơn. Liên văn bản
không chỉ dừng ở ảnh hưởng của người viết đối với văn bản mà nó đặt văn
bản trong tất cả những mối quan hệ nội tại và ngoại tại. Chủ nghĩa cấu trúc
đã nhìn thấy ở khái niệm này sự chống lại những gì họ đã thấy như một “hố
sâu” tồn tại trong lý thuyết và thẩm mĩ của họ. Với sự xuất hiện của liên văn
bản, tính độc trị của văn bản và tác giả đã đánh mất vị trí của mình.
Như đã nói ở trên, khái niệm liên văn bản được sử dụng rất phổ biến
trong những nửa cuối của thế kỉ XX với nhiều định nghĩa, nhiều cách ứng
dụng trong nhiều lĩnh vực. Nhưng có lẽ cách hiểu về liên văn bản lần đầu
tiên khi nó xuất hiện bởi J.Kristeva là rõ ràng hơn cả: “Chiều ngang (chủ
thể - người nhận) và chiều dọc (văn bản - văn cảnh) cùng hiện diện làm
sáng tỏ một thực tế quan trọng: mỗi từ (văn bản) là một giao tuyến của từ
(các văn bản) nơi mà ít nhất một từ khác (văn bản khác) có thể đọc được”
[1, 34]. Kristeva quy cho văn bản trong giới hạn của hai trục: một trục
ngang kết nối giữa tác giả và người đọc văn bản, và một trục dọc được kết
nối giữa văn bản với các văn bản khác. Ở đây người viết xin được sơ đồ hóa
quan niệm này như sau:
10
Văn bản
Tác giả Văn bản Độc giả
Văn bản
Như vậy, Kristeva đã tuyên bố rằng mỗi văn bản được bắt đầu dưới
quyền lực của những cuộc đối thoại. Quan niệm về liên văn bản nhắc chúng
ta mỗi văn bản luôn tồn tại trong mối quan hệ với những văn bản khác, với
người đọc và tác giả. Liên văn bản thường được định nghĩa như nơi một văn
bản ám chỉ tới một văn bản khác. Nó tạo thành một chuỗi bất tận và văn bản
trở nên vô biên trong sự ám chỉ đó.
Văn bản không còn đơn độc mà ẩn sau nó là những văn bản khác
được tác giả trích dẫn sử dụng trong quá trình viết của mình một cách ý
thức hay vô thức. Và đến người đọc cũng vô thức hay ý thức sử dụng những
văn bản cũ để khám phá tác phẩm và tạo ra văn bản mới cho mình. Trong
quá trình đối thoại với văn bản, tác giả và người đọc đã đối thoại với nhau
một cách gián tiếp. Và có lẽ, nếu hiểu về liên văn bản cụ thể hơn như vậy
thì sơ đồ về nó cần được thể hiện như sau:
Có thể nói, liên văn bản đã mở ra nhiều chiều khám phá cho văn bản.
Trong mỗi mối quan hệ nó lại có khả năng tạo ra thêm một tầng ý nghĩa. Ý
nghĩa trong mỗi tác phẩm có lẽ trở nên vô hạn. Ngay cả tác giả cũng không
biết được hết tác phẩm của mình có những ý nghĩa gì. Ý nghĩa trở nên vượt
ra ngoài ảnh hưởng của tác giả và ở bên kia sự sáng tạo, hiểu biết. Văn bản
11
Văn bản
Tác giả Văn bản
Người đọc
Văn bản
trở thành “một không gian nhiều chiều” và việc đi tìm nguồn gốc của nó là
không tưởng bởi nó là những “mảnh ghép” trong “kí ức” của nhà văn và
người đọc.
Để có một định nghĩa đầy đủ về liên văn bản là điều rất khó, ít ra là
với người viết. Ở trên tôi chỉ xin trình bày cách hiểu về liên văn bản theo
quan niệm của Kristeva: Liên văn bản là liên kết các văn bản trong một văn
bản qua sự sáng tạo và tiếp nhận của người đọc với tính đối thoại một cách
ý thức hay vô thức.
Tuy nhiên, chỉ một vài dòng “định nghĩa” khó có thể khái quát được
hết nội hàm của nó, tốt hơn cả là điểm qua lịch sử vấn đề liên văn bản có lẽ
sẽ làm sáng tỏ thuật ngữ này hơn.
1.2. Lịch sử vấn đề liên văn bản
Thuật ngữ liên văn bản lần đầu xuất hiện ở Pháp trong công trình của
Kristeva nửa cuối những năm 1960. Và Kristeva được xem là người khai sinh ra
thuật ngữ này. Tuy nhiên vấn đề liên văn bản đã được hình thành từ trước đó.
Lý luận văn học và văn hóa luôn được xem xét là có nguồn gốc từ sự
khai sinh của ngôn ngữ học hiện đại: một hệ thống nguyên tắc mà có thể nói
đã xuất hiện trong tác phẩm của Ferdinand de Sausurre. Sausurre mất năm
1913 mà không để lại một dòng nào về lý thuyết của mình. Sau khi
Sausurre mất, những bài viết được dùng để ông dạy cho sinh viên mới được
Charles Bally và Albert Riedlinger xuất bản năm 1916. Giáo trình Ngôn
ngữ học đại cương này thực chất là những bài giảng mà Sausurre đã dạy ở
Đại học Geneva suốt giai đoạn 1906 đến 1911. Sausurre vì thế không viết
mà cũng không hề đọc cuốn sách mang tên ông. “Trong Giáo trình,
Sausurre hình dung một khoa học mới sẽ nghiên cứu “đời sống xã hội của
các kí hiệu”, cái mà ông gọi là semiology (ký hiệu học). Chủ nghĩa cấu
trúc, một phong trào phê bình, triết học và văn hóa dựa trên những quan
niệm kí hiệu học của Sausurre theo đuổi từ những năm 1950 trở về sau, đã
12
thực hiện một sự tái miêu tả mang tính cách mạng về văn hóa loài người
trong phạm vi của những hệ thống kí hiệu và cấu trúc ngôn ngữ của
Sausurre. Cuộc cách mạng này về bản chất là sự “trở về với ngôn ngữ
học” trong các khoa học nhân văn, có thể được hiểu như một nguồn gốc
của lý thuyết về liên văn bản” [1,10].
Tuy nhiên, để trích dẫn Sausurre như là nguồn gốc của những ý
tưởng liên quan đến liên văn bản không phải là không có vấn đề của nó vì
ông hầu như không đề cập trực tiếp đến vấn đề này. Chỉ với những công
trình của Bakhtin thì những quan điểm cụ thể về ngôn ngữ mới giúp cho
việc phát triển rõ ràng lý thuyết này. Xuất phát điểm cho vấn đề liên văn
bản được tìm thấy trong công trình của Bakhtin những năm 1920 trong
cuốn sách về Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ, phổ biến ở Nga năm
1929 dưới tên tác giả V.Voloshinov. Sau đó, tác phẩm này được cho là của
Bakhtin. Và ai là tác giả của cuốn sách này đến nay vẫn còn là vấn đề gây
tranh cãi.
Thực sự, trong tác phẩm này của Bakhtin, chúng ta thấy một khả
năng để đến với lý luận ngôn ngữ khác với lối đi của trường phái Sausurre.
Nếu Sausurre nhấn mạnh đến tính “đồng đại” của ngôn ngữ, chỉ ngôn ngữ
trong ý nghĩa trừu tượng của nó, chỉ những quy tắc và quy ước cấu trúc một
ngôn ngữ tại bất kì thời điểm nào có tính lịch sử thì mới có thể trở thành đối
tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học thì Bakhtin cho rằng đánh giá như vậy
làm mất đi trên thực tế tầm nhìn về tính xã hội cụ thể của ngôn ngữ và giam
hãm nó trong cái gì đó cũng trừu tượng như một cuốn từ điển cổ xưa hoặc
hiện đại. Bakhtin biện luận chống lại Sausurre rằng: “Không có thời khắc
hiện thời thực sự trong thời gian khi hệ thống đồng đại của ngôn ngữ có thể
được kiến tạo. Điều này là bởi ngôn ngữ luôn luôn trong một “dòng chảy
không ngừng” [1,16]
13
“Phương diện cốt yếu nhất của ngôn ngữ từ góc độ này là ở chỗ
toàn bộ ngôn ngữ được đáp lại những phát ngôn có trước đó và những
khuôn mẫu ý nghĩa và giá trị đã hiện diện trước đó cùng những xúc tiến và
tìm kiếm để xúc tiến những sự hồi đáp sau đó. Người ta không thể hiểu
được một phát ngôn hay thậm chí một tác phẩm đã được viết ra cứ như là
nó đã độc nhất về ý nghĩa, không quan hệ đối với những tác phẩm hay
những phát ngôn trước đó và tương lai. Không một phát ngôn hoặc tác
phẩm nào, như Bakhtin/Volosinov biện luận, là độc lập tuyệt đối”. [1,17]
Quan niệm này hướng tới tính “lịch đại” của ngôn ngữ. Nó nhắc
chúng ta rằng mỗi văn bản tồn tại trong mối quan hệ với văn bản khác. Tuy
nhiên, để tìm nguồn gốc của liên văn bản trong các công trình của Bakhtin,
có lẽ, chính xác hơn cả là từ tính đối thoại (Dialognism) trong ngôn ngữ mà
ông đã chứng minh, về cuộc đấu tranh diễn ra giữa những lực ly tâm và lực
hướng tâm của ngôn ngữ. Chúng có thể được biểu tượng hóa bằng sự đối
lập giữa phát ngôn độc thoại và đối thoại. Chẳng hạn như công trình của
Bakhtin về Rabelais nghiên cứu phương thức, nơi mà những truyền thống
cổ xưa của hoạt động Carnaval như một lực hướng tâm thúc đẩy những
chiều kích “phi quan phương” của đời sống xã hội con người, và điều đó
xuyên suốt từ đầu đến cuối với một ngôn ngữ trần tục và kịch tính của “giai
tầng thân xác”. Những hình ảnh Carnaval như: thân xác khổng lồ, bộ phận
cơ thể được phóng đại, những kẻ say sưa, trác táng nhằm ca tụng thân xác
tập thể có tính phi quan phương của con người, đứng lên chống lại ý thức
hệ quan phương và diễn ngôn của các tôn giáo, quyền lực nhà nước. Đó
chính là truyền thống đối thoại mang tính chất Carnaval.
Trong công trình Những vấn đề về thi pháp Dostoevski (Bakhtin),
chúng ta bắt gặp sự chứng minh kiên trì nhất của ông liên quan đến đặc
trưng đối thoại của tiểu thuyết: những khái niệm khác như “đa thanh”
(poliphoni), “giọng khác” (heteroglossia), “diễn ngôn hai giọng” (Double-
14
voice discourse) và những sự biện luận của ông về tiểu thuyết có thể đưa
chúng ta đến việc hiểu biết quan niệm về ngôn ngữ và về bản chất liên văn
bản của nó.
Hạt nhân của vấn đề liên văn bản được tìm thấy trong công trình của
Bakhtin là các khía cạnh trong tính đối thoại của ngôn ngữ. Quan niệm này
về cơ bản đe dọa bất kì cái gì đơn nhất, độc đoán và những quan niệm mang
tính tôn ti thứ bậc về xã hội, nghệ thuật và đời sống. Quan niệm này đứng
đằng sau liên văn bản do Kristeva đặt ra như một phần mô tả khi bà nói về
tác phẩm của Bakhtin. Và đây là một quan niệm được kết hợp vào trong hệ
thống và phương pháp luận nghiêm ngặt của lí luận cấu trúc chủ nghĩa.
Vào nửa cuối những năm 1960, thuật ngữ liên văn bản mới chính
thức được ra đời bởi J.Kristeva. Trong tiểu luận của mình, Kristeva giới
thiệu tác phẩm của nhà lí luận người Nga Bakhtin với phần thế giới nói
tiếng Pháp. Trên cơ sở kế thừa đó, Kristeva bắt đầu xác định một mô hình
mới của kí hiệu học. Bà cố gắng đạt được trong phương pháp tiếp cận này
một quan niệm về việc những văn bản luôn luôn trong một trạng thái của sự
năng sản (production), hơn là trở thành những thứ hàng hóa để được tiêu
thụ mau chóng. Kristeva nhấn mạnh rằng, đối tượng nghiên cứu không chỉ
là “tính quá trình”, quá trình tạo ra sản phẩm, mà còn là chủ thể tác giả, độc
giả hay người phân tích. Kristeva ngụ ý rằng những ý tưởng không được
biểu hiện như đã hoàn tất, như những hàng hóa có thể tiêu thụ được, mà
biểu hiện trong một cách khuyến khích chính các độc giả bước vào trong sự
năng sản của ý nghĩa.
Kristeva là người đưa ra thuật ngữ liên văn bản, tuy nhiên R.Barthes
mới chính là người phát biểu rõ ràng nhất quan niệm về liên văn bản so với
tất cả các nhà văn khác. Vào năm 1968, Barthes công bố “cái chết của tác
giả” và “sự ra đời của người đọc”. Ông đề xuất một quan niệm diễn giải về
mối quan hệ tác giả - tác phẩm và độc giả - nhà phê bình khi mà sự đọc là
15
một hình thức của sự tiêu thụ: “Phê bình văn học cổ điển xưa nay không
dính dáng gì đến người đọc; đối với nó, trong văn học chỉ tồn tại người
viết. Giờ đây chúng ta không còn bị lừa dối thêm nữa bởi những loại lời
sáo rỗng mà cái xã hội đáng kính với cơn phẫn nộ cao thượng đã sử dụng
để bảo vệ kẻ mà trên thực tế bị nó chèn ép, coi thường, áp bức, tiêu diệt.
Giờ đây chúng ta biết: để đảm bảo tương lai cho cái viết cần phải lật đổ cái
huyền thoại về nó - sự ra đời của Người đọc phải trả giá bằng cái chết của
Tác giả”. [6] Tác giả xác lập ý nghĩa trong tác phẩm và người đọc - nhà phê
bình tiêu thụ ý nghĩa đó. Một tiến trình như vậy được hoàn tất và người đọc
được tự do chuyển qua tác phẩm kế tiếp. Quan niệm mới của Barthes đã
phủ nhận tính độc sáng, quyền lực tối cao của tác giả khi sáng tạo lên tác
phẩm. Và như vậy, “cái chết của tác giả” đã “khai sinh ra người đọc”, đối
tượng luôn bị xem nhẹ đã đứng trên vị trí mới. “Một văn bản được tạo ra
từ vô số sự viết, vẽ từ nhiều nền văn hóa và đi vào trong các quan hệ lẫn
nhau của đối thoại, giễu nhại, tranh luận, như có một không gian nơi chúng
được hội tụ đồng đại và không gian đó là người đọc, không phải như lâu
nay người ta vẫn nói là tác giả. Người đọc là không gian trên đó mọi trích
dẫn được tạo ra, sự viết được ghi khắc mà không bất kì cái gì trong chúng
biến mất. Sự thống nhất của văn bản không nằm ở nguồn gốc của nó mà ở
trong đích đến của nó. Tuy nhiên đích đến này cũng không còn có được tính
cá nhân: người đọc thiếu vắng lịch sử, tiểu sử, tâm lí; anh ta đơn giản chỉ
là một ai đó nắm giữ đồng thời trong một chuyên môn đơn độc mọi vết tích
mà bởi chúng văn bản đã viết được cấu thành Sự khai sinh của người đọc
phải trả giá bằng cái chết của tác giả” [6]
Sự mô tả của R.Barthes về văn bản và liên văn bản đã làm đảo lộn
trật tự phụ quyền, mối quan hệ huyết thống giữa tác giả và người đọc trước
đây. Lý thuyết về liên văn bản không khẳng định chắc chắn về “thân phận
của tác giả”. Văn bản trở thành một không gian nhiều chiều của lối viết với
16
những pha trộn và xung đột. Nó chỉ là một “mảnh” của trích dẫn. Điều này
dẫn đến quan niệm nhà văn chỉ là người pha trộn lối viết, mô phỏng, đảo
lộn những điều đã có trước đó. Claude Levi-Strauss cũng từng tuyên bố
rằng: “Tôi không có cảm nhận rằng những cuốn sách của tôi được viết bởi
tôi ” (khi khẳng định rằng “tác giả đã chết”) theo cách nói của Barthes thì
có vẻ cực đoan nhưng thực sự người đọc trong một vài trường hợp đã tạo
nên ý nghĩa tác phẩm. Tác phẩm không còn bị lệ thuộc hoàn toàn vào tác
giả nữa hay nói cách khác, tác giả không phải “đấng tối cao” toàn quyền tạo
nên ý nghĩa cho “đứa con tinh thần” của mình nữa. Người đọc trở thành
người đồng sáng tạo, góp phần tạo ra ý nghĩa của tác phẩm. Rõ ràng, với
khái niệm về liên văn bản, những quan niệm thống trị trong văn học trước
đây bị rạn vỡ nghiêm trọng. Việc đi tìm tác giả trong những tác phẩm văn
học trở nên gần như vô nghĩa. Tuy nhiên, việc thủ tiêu hoàn toàn vai trò của
tác giả là không đúng đắn. Tác giả vẫn tồn tại nhưng không còn là “đấng
toàn tri”. Người đọc tham gia vào quá trình đồng sáng tạo với tác giả. Quá
trình tiếp nhận và sáng tạo có lẽ nên đặt ngang hàng với nhau để tránh
những quan niệm cực đoan trong việc khám phá tác phẩm văn học.
Cũng từ thuật ngữ liên văn bản, Barthes đã đặt ra vấn đề văn bản đọc
dễ (lisible text) và văn bản đọc khó (scriptable). Văn bản đọc dễ đã được
định hướng diễn giải và trong cách trình bày của Barthes được kết hợp với
tiểu thuyết hiện thực thế kỉ XIX. Barthes thường xếp bó như là văn bản “cổ
điển” đối chọi với văn bản “hiện đại”. Văn bản đọc dễ dẫn dắt người đọc
hướng đến một ý nghĩa. Nó tạo ra ảo tưởng rằng nó được tạo bởi một giọng
đơn nhất và tỏ ra quá xem thường sức mạnh của liên văn bản. Barthes nhấn
mạnh: gọi một văn bản là đọc dễ như vậy là để nêu bật phương thức nơi mà
chính người đọc bị đặt vào vị trí như người tiếp nhận thụ động. Barthes cho
rằng: văn bản đọc dễ sẽ tiêu tan trong tính đa nguyên.
17
Trong khi khảo sát các tác phẩm văn học, Barthes chia cắt văn bản
thành đơn vị đọc, những mảnh nhỏ có thể có từ một mẫu hành động, một câu
hoặc nhóm nhỏ các câu. Mỗi đơn vị đọc bao gồm một số lượng nghĩa hạn
chế, đôi khi chỉ một, không bao giờ nhiều hơn bốn. Barthes chia văn bản
thành những đơn vị đọc nhưng thay vì giải thích chúng, tập hợp chúng lại ở
cấp độ cao hơn và do đó khép kín ý nghĩa của chúng. Ông cố gắng làm nổ
tung ý nghĩa của chúng mà không nghĩ rằng những ý nghĩa đó có thể được
gộp lại ở vài cấp độ cao hơn của việc phân tích. Văn bản, sau tất cả, là một
hiện tượng đa nguyên, nó có cấu trúc, và cũng là một sự vô hạn về ý nghĩa.
Qua lịch sử vấn đề của thuật ngữ liên văn bản có thể thấy đây là một
khái niệm có lịch sử phức tạp với hàng loạt những đối lập giữa các quan
niệm mà chúng ta không thể đánh giá một cách đơn giản. Graham Allen đã
đặt ra hàng loạt câu hỏi về vấn đề này:
“Liên văn bản là một khái niệm có tính lịch sử hay về cơ bản là phi
lịch sử?
Liên văn bản có mở rộng văn bản đến lịch sử hoặc nhiều văn bản
hơn không?
Liên văn bản là một thuật ngữ có thể điều chỉnh được hay về cơ bản
không thể điều chỉnh được, quan hệ có giới hạn hay vô hạn, và có chiều
kích làm chôn vùi ý nghĩa không?
Liên văn bản có cung cấp cho chúng ta một hệ hình kiến thức hay nó
phá hủy cái đã được xác nhận là tri thức trước đó không?
Trọng tâm của liên văn bản ở tác giả, người đọc, hay chính văn bản?
Liên văn bản có giúp thực hành sự diễn giải hay nó chống lại quan
niệm về diễn giải”[1,50].
Nhiệm vụ của luận văn không phải trả lời tất cả những câu hỏi đó mà
xác định một cách phân tích văn học dựa theo tư tưởng liên văn bản dù tư
tưởng này chưa chắc là đầy đủ. Cụ thể nhiệm vụ của chúng ta là vận dụng
18
nó như một khái niệm phân li, đa bội, đặt những câu hỏi và những đòi hỏi
để làm việc với nó nhiều hơn là bắt buộc phải tạo ra những câu trả lời xác
định. Không có chân lý nào là tuyệt đối. Mỗi khía cạnh của lý thuyết hay
mỗi lý thuyết cũng chỉ phù hợp trong những trường hợp nhất định. Với
quan điểm liên văn bản, ở đây chúng ta xác lập các cấp độ nghiên cứu thuật
ngữ này.
1.3. Các cấp độ nghiên cứu liên văn bản
Từ khi liên văn bản xuất hiện năm 1960 bởi J. Kristeva, nó đã tạo nên
một bước ngoặt lớn lao đối với lý thuyết văn học. Thuật ngữ này này đã làm
nảy sinh nhiều hướng nghiên cứu khác nhau đối với nghệ thuật nói chung
và văn học nói riêng.
Một đại biểu cho cách tiếp cận cấu trúc luận là Gerard Genette được
coi là “người thám hiểm phức tạp và kiên trì nhất trong thời đại của chúng
ta về mối quan hệ giữa phê bình và thi pháp”. G. Genette đã thúc đẩy sự
phát triển của thi học cấu trúc vào trong một lĩnh vực mà có thể được gọi là
liên văn bản. Ông không những tạo ra những phương pháp tiếp cận thực
tiễn thi học mà ông còn tạo ra một lý thuyết và mô hình quan trọng về cái
ông gọi là “Xuyên văn bản”; cái mà có lẽ nên gọi là “Liên văn bản từ quan
niệm của thi học cấu trúc”.
Trong công trình của mình G. Genette đã đề xuất dạng xuyên văn bản
(transtextuality) trong đó bao gồm cả dạng liên văn bản. Nó bao gồm những
vấn đề về sự mô phỏng (imitation), sự biến dịch (transformation) sự phân
loại các kiểu diễn ngôn, cùng với chủ đề, mô thức thể loại và những phạm
trù hình thức và những phạm trù của thi học truyền thống. Với Xuyên văn
bản (transtextuality), G. Genette hy vọng dùng thuật ngữ này để lập sơ đồ
những con đường để những văn bản có thể hiểu và được giải thích một cách
có hệ thống: “Mọi tập hợp văn bản trong một mối quan hệ, hoặc là rõ ràng,
hoặc bị che đậy với các văn bản khác” [1, 84]
19
G. Genette đã chia Liên văn bản thành năm kiểu. Đầu tiên là liên văn
bản (intertextuality). Tuy nhiên đây không phải là liên văn bản “dùng trong
chủ nghĩa hậu cấu trúc”, vì ông giản lược nó đến “một mối quan hệ cùng
hiện diện (conpresence) giữa hai văn bản hay giữa một vài văn bản” và như
là “sự hiện diện trên thực tế của một văn bản bên trong văn bản khác”
[1,85]. Hay nói cách khác, liên văn bản giờ đây được giản lược đến những
vấn đề về sự trích dẫn, đạo văn và ám chỉ. Nói như vậy, liên văn bản của
G.Genette có phần giống với việc sử dụng điển tích, điển cố của văn học
phương Đông.
Kiểu thứ hai mà G. Genette nói đến là Cận văn bản (paratextuality).
Nó chỉ là sự liên hệ giữa một văn bản và những văn bản tương đương với
nó - bao quanh cơ thể văn bản chính - như đầu đề, đề mục, lời tựa, đề từ, lời
đề tặng, lời biết ơn, chú thích, minh họa, bìa sách Theo G. Genette, bản
thiết kế của bìa sách không phải không có ý nghĩa. Nó được thiết kế để
được trợ giúp người đọc thiết lập loại văn bản nào mà chúng đang được thể
hiện và làm thế nào để đọc nó. Đối với Genette, cận văn bản biểu thị vô số
chức năng, chúng hướng dẫn độc giả của văn bản và có thể hiểu một cách
thực dụng trong giới hạn của vô số câu hỏi đơn giản, tất cả liên quan tới
cách thức tồn tại của văn bản. Xuất bản khi nào? Bởi ai? Vì mục đích gì?
Những yếu tố bàng văn bản như vậy cũng giúp củng cố những ý đồ của văn
bản: nó nên/không nên được đọc như thế nào.
Kiểu thứ ba được giới thiệu ở đây là Kiến trúc văn bản
(Architexttuality). Nó là sự định rõ một văn bản như một bộ phận của một
thể loại hay nhiều thể loại hay được hiểu như mối quan hệ thể loại giữa các
văn bản
Kiểu thứ tư là Siêu văn bản (metatextuality) sự phê bình dẫn giải rõ
ràng hay ẩn tàng của một văn bản trong những văn bản khác, sự chú giải
hoặc viện dẫn văn bản trước đó một cách có phê phán.
20
Kiểu cuối cùng được G.Genette nói đến là Ngoa dụ văn bản hay cực
đại văn bản (Hypotexttuality). Ngoa dụ văn bản đánh dấu một khu vực các
tác phẩm văn học mà chất thể loại của chúng nằm trong mối quan hệ với
các tác phẩm trước đó. Nó như sự cười cợt hay giễu nhại của văn bản này
với văn bản khác. Về cơ bản, theo Genette, các văn bản có thể được biến
đổi bởi quá trình tự gạn lọc, cắt bỏ, rút gọn mở rộng
Có thể nói Xuyên văn bản theo cách hiểu của Genette chính là kiến
trúc văn bản - những khuôn hình xây dựng, nền tảng, ít biến đổi, chống đỡ
toàn bộ hệ thống văn học. Nó bắt nguồn từ khao khát xây dựng một thi học
khả thể và ổn định về chủ đề, thể loại và thể thức của G. Genette.
Nói đến vấn đề liên văn bản, chúng ta cũng không thể không nhắc
tới Harold Bloom (giáo sư, nhà phê bình văn học Hoa Kỳ. Ông giảng dạy
tại Đại học Yale và Đại học New York) với cống hiến rõ ràng cho một sự
giải thích về lí thuyết và thực tiễn liên văn bản. Với sự quan tâm đặc biệt
đến thơ ca thế kỉ XIX, mà cụ thể là thơ ca lãng mạn, Bloom đi tìm nguyên
nhân các nhà thơ lãng mạn không thể giải thoát dứt khoát thơ ca của họ
khỏi thơ ca của tiền nhân: “Một nhà thơ không dám đương đầu với bản
thân mình vì là người đến sau”[1,112]. Bloom đã dùng phân tâm học của
Freud mà cụ thể là mặc cảm Oedipuf để nói về “ người cha thơ ca”. Với
thuật ngữ “những xung động tình dục” của Freud, Bloom đã quy cho thơ
ca có nguồn gốc từ hai động cơ: động cơ đầu liên quan đến khao khát mô
phỏng thơ của “người cha”. Động cơ thứ hai liên quan đến khao khát là
người sáng tạo đầu tiên. Quan niệm của Bloom về thi ca như vậy cũng là
liên văn bản. Nó chứng minh rằng thi ca, mà thực ra là văn chương nói
chung, có thể chỉ mô phỏng những văn bản trước đó trước khi sáng tạo ra
những gì của riêng mình.
Bloom cho rằng các nhà thơ đã viết bằng sự hiểu sai và đọc sai các
bài thơ của “nhà thơ cha” hay có thể gọi là nhà thơ tiền bối. Những nhà thơ
21
hậu bối phải làm hai điều: họ phải viết lại các bài thơ của nhà thơ tiền bối,
và trong khi làm việc đó họ phải bảo vệ tri thức của chính họ. Họ chỉ được
để hết tâm trí vào tiến trình viết lại, hay cái Bloom gọi là sự đọc sai. Theo
cách hiểu của Bloom, các nhà thơ “sinh sau, đẻ muộn” đã biến hóa, đề tên
khác, sử dụng lại những hình ảnh hầu như đã được viết rồi của thơ ca trước
đó. Trong sự làm mới đó, ảo tưởng rằng thơ của họ không bị ảnh hưởng
được sinh ra.
Bloom phát triển một “bản đồ đọc sai” mở rộng trong công trình của
ông những năm 1970. Bản đồ này muốn liệt kê và cụ thể hóa những kiểu
đọc sai biểu trưng thống ngự trong thi ca hiện đại. Bản đồ đọc sai gồm sáu
giai đoạn, mỗi giai đoạn liên quan đến cái Bloom gọi là “một tỉ lệ đọc sai”.
Qua đó, Bloom muốn khẳng định rằng: “thơ ca, và thực ra là văn học liên
quan đến cả ngôn ngữ hình tượng và những cơ chế tự vệ có tính chất tâm lý
(phản ứng của cơ thể chống lại bệnh tật) ”. “Sự tự vệ” liên quan đến việc
di chuyển các yếu tố bị ẩn ức trong vô thức vào người khác hoặc một vài
hiện tượng bên ngoài khác” [1,114]. Sự kết hợp phương pháp tu từ học và
phương pháp phân tâm học đối với liên văn bản là một phần đóng góp của
Bloom với phong trào lí luận văn học đương đại. Lí thuyết về sự đọc sai
trên thực tế là một sự bảo vệ tính đa nguyên và cùng với nó là sự hỗ trợ việc
nhận thức rằng văn học không tồn tại trong một thế giới giải thích kín mít.
Liên văn bản cũng liên quan đến phong trào văn học nữ quyền. Các
nhà phê bình nữ quyền cần có sự phân tích cả hai mối quan hệ liên văn bản
giữa các nhà văn nữ và giữa nhà văn nữ với nhà văn nam. Có thể thấy trong
phương pháp phê bình nữ quyền một hình dung về truyền thống văn học nữ
giới, mối quan hệ giữa các nhà văn nữ và liên văn bản. Quan niệm của
Elaine Showater, một nhà phê bình nữ quyền rằng một tập hợp của những
“hình ảnh, hình tượng, những ẩn dụ, những chủ đề và những cốt truyện” kết
nối lối viết của phụ nữ qua các thời đại và những ranh giới quốc gia - dân
22
tộc và xây dựng thành thứ gì đó như sự liên kết và như sự phong phú của
tính liên văn bản.
Các nhà phê bình nữ quyền cũng đã chỉ ra rằng những nhà văn nữ
chịu ảnh hưởng của văn hóa phụ quyền: lấy bút danh nam giới. Đây là một
sự sợ hãi khác với các nhà văn nam. Theo Bloom thì các nhà văn nam viết
trong sự sợ hãi những ảnh hưởng của nhà văn tiền bối. Thế nhưng với các
nhà văn nữ thì họ thiếu ý thức về một truyền thống có được, kinh nghiệm
của nhà văn nữ về bản chất là cô độc. Tuy nhiên, các nhà phê bình nữ quyền
quan tâm nhiều đến việc lần theo những mối liên hệ ẩn nấp trong sáng tác
của các nhà văn nữ hơn là đang phát triển một lý thuyết về một phương
pháp nữ giới hoặc nữ quyền đối với việc đọc.
Liên văn bản là một thuật ngữ không chỉ được vận dụng trong văn
học mà nó có khả năng chiếm lĩnh cả hội họa, điện ảnh, âm nhạc, kiến trúc,
nhiếp ảnh và hầu như mọi lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Với tính chất đối
thoại, liên văn bản dường như tạo ra cái nhìn đa chiều về các lĩnh vực nghệ
thuật hơn. Nó tìm thấy ở những hình thức nghệ thuật phi văn học sự liên hệ
với văn bản ngôn từ.
Có thể nói, một bức tranh hay một công trình xây dựng luôn có mối
quan hệ với ngôn ngữ, hay nói cách khác giữa các lĩnh vực nghệ thuật luôn
có mối liên hệ với văn bản văn học. Chúng đối thoại với nhau, tan loãng
vào nhau, ranh giới giữa các văn bản là “xuyên thấm nhau”. Mỗi văn bản
tồn tại bên trong một tập hợp những văn bản rộng lớn, trong những loại và
phương tiện khác nhau. không văn bản nào là một “hòn đảo” hoàn toàn cô
độc. Một văn bản có thể bao hàm nhiều mã. Chẳng hạn một báo ảnh phải có
đầu đề, một tấm ảnh có thể cho biết mối liên hệ giữa người trong ảnh với
những người khác. Ngôn ngữ điện ảnh, hội họa, kiến trúc liên quan đến sự
sản sinh các yếu tố phức tạp của việc lập mã, giải mã và ám chỉ.
23
Chúng ta có thể thấy điều này rõ ràng nhất qua những đoạn quảng
cáo. Nghề quảng cáo sớm sử dụng văn bản viết để trình bày thông điệp của
nó. Từ giữa những năm 1920, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, hình
ảnh và văn bản đã được sử dụng cùng với nhau trong quảng cáo. Văn bản
đã góp phần giải thích hình ảnh. Trong giai đoạn hậu chiến, đặc biệt từ đầu
những năm 1960, chức năng của văn bản không chỉ dừng ở việc giải thích
hình ảnh mà đối với nhiều đoạn quảng cáo khó hiểu, nó trở thành chìa khóa
để bóc tách ý nghĩa mà nhà quảng cáo muốn nói. Sự thấu hiểu nó phụ thuộc
vào liên kết nhiều yếu tố. Quảng cáo hiện đại tạo nên việc sử dụng rộng rãi
các liên văn bản.
Đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh, việc mô phỏng các văn bản văn học
liên quan đến một khu vực thẩm mĩ được thừa nhận phổ biến hay còn gọi là
kịch bản phi điện ảnh. Văn bản văn học và điện ảnh, trong liên kết của nó
trở thành sự cắt nghĩa cho nhau. Bởi vậy, trong phê bình nghệ thuật hiện
đại, sự liên kết giữa các lĩnh vực trở lên vô cùng quan trọng trong việc khai
thác tối đa các lớp ý nghĩa của chúng.
Quan niệm về văn bản cũng trở nên linh hoạt hơn với sự ra đời của
internet. Với internet, văn bản của chúng ta sẽ được phân chia thành các
đơn vị với những đường kết nối, hoặc có thể chứa đựng một dãy các văn
bản nối với nó qua các đường dẫn. Người đọc có thể nhanh chóng đọc tác
phẩm chỉ thông qua một thao tác bấm vào đường dẫn ấy, có thể đọc tác
phẩm bất cứ đoạn nào một cách dễ dàng. Các văn bản dạng này được xem
là siêu văn bản (hypertext). Tính ưu việt của nó làm người ta cho rằng trong
tương lai gần, siêu văn bản sẽ thay thế sách. Và sự thật là sách ở thời điểm
hiện tai đang bị lấn át. Umberto Eco, nhà văn nhà kí hiệu học người Italia
đã đặt ra vấn đề “Có thể nào siêu văn bản thay thế sách để đọc” [17,212] và
ông đã khẳng định luôn là: “Sách sẽ luôn thiết yếu không chỉ trong văn học,
mà cho cả bất cứ trường hợp nào một người đọc cẩn trọng, không chỉ để
24
nhận thông tin mà để phán đoán và suy nghĩ về nó” [17, 212] Ông còn đánh
giá thấp việc đọc sách qua các siêu văn bản ấy vì cho rằng ở thời điểm hiện
tại “rõ ràng là được viết bởi những tay ngốc nghếch vô trách nhiệm và yêu
sự thừa thãi”[17, 212]. Có lẽ không phải là tất cả nhưng trên một siêu văn
bản với tính chất mà ai cũng có thể đưa thông tin lên đó như internet thì tình
trạng “vàng thau lẫn lộn” là rất dễ xảy ra. Một lý do nữa mà U. Eco khẳng
định là các phương tiện truyền thông không thể thay thế hoàn toàn sách là
“Sau khi ngồi sử dụng không quá 12 giờ trước một trạm máy điện toán, đôi
mắt của tôi như hai quả banh tennis”[17, 212]. Đó chính là lý do sức khỏe.
Như vậy, giải pháp cho sự lựa chọn sách để đọc và các siêu văn bản là gì?
Đó là sử dụng linh hoạt cả hai tùy theo mục đích của người đọc. Thiên lệch
về bên nào cũng là bất hợp lý vì cái gì được tạo ra cũng có lý do của nó.
Chủ nghĩa hậu hiện đại giờ đây là một thuật ngữ quan trọng trong
nghiên cứu văn học, cả trong đời sống văn học nói chung. Ở thời điểm hiện
tại, bất kỳ thảo luận nào về địa vị của liên văn bản trong nghệ thuật cũng
dẫn chúng ta đến các vấn đề của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Trong văn hóa của chủ nghĩa tư bản đương đại, những quan niệm
truyền thống về bản sắc dân tộc và văn hóa được thay thế bằng những hình
thức toàn cầu xuất phát từ hợp tác xuyên quốc gia trong sự điều khiển của
phương tiện truyền thông đại chúng.
Các nhà lí luận hậu hiện đại cho rằng: hậu hiện đại là nơi dường như
không tồn tại một nguyên tắc văn hóa để chống lại, giễu nhại các quy tắc
thống trị nữa. Đặc biệt trong kiến trúc, các nhà hậu hiện đại khẳng định thay
vì kêu gọi “tạo ra cái mới của kiến trúc hiện đại, các kiến trúc sư hậu hiện
đại thực hiện cái mà chúng ta gọi là một kiến trúc liên văn bản. Kiến trúc
này chiếm hữu các phong cách thuộc những kỉ nguyên khác nhau. Trong
khi kiến trúc hiện đại chủ nghĩa tránh những hình thức đại chúng thì các nhà
kiến trúc hậu hiện đại đùa giỡn và pha trộn các phong cách với nhau.
25