Tải bản đầy đủ (.docx) (27 trang)

bài tiểu luận về hiện tượng đồng tính luyến ái

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (380.4 KB, 27 trang )

Lời cam đoan
Nhóm chúng em xin cam đoan tiểu luận này là công trình nghiên cứu của riêng
chúng em, không sao chép của bất cứ ai.
Nhóm trưởng (kí tên)
Lời mở đầu
Giới tính luôn là đề tài được nhiều người bàn cãi và thắc mắc, đơn giản nhất là
câu hỏi: “Tại sao có những người có thể yêu người cùng phái?". Con người bản
chất vốn bị hấp dẫn bởi người khác phái, đó là một quy luật tự nhiên mang tính
khách quan để bảo đảm duy trì nòi giống, phát triển xã hội. Trong kinh thi có câu
“yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”, ta có thể hiểu ý của người xưa muốn nói khát
vọng tình dục bao giờ cũng hướng tới người khác giới, theo đuổi người khác giới
là bản chất của loài người, như trai gái tuổi xuân mơn mởn, hương sắc đương thì,
nhìn thấy nhau là bị cuốn hút. Lịch sử con người đã để lại biết bao những áng thơ
văn, câu chuyện, lời hát v.v ca ngợi tình yêu nam nữ. Tuy vậy, trong xã hội luôn
có người này người kia. Khi phần đông dân số là dị tính luyến ái, vẫn có một phần
nhỏ dân số khác biệt trong chuyện luyến ái, họ không đi theo quy luật bất biến vĩnh
hằng đó, đó là những người đồng tính luyến ái.
Đồng tính luyến ái đã trở thành một hiện tượng xã hội được quan tâm ở cả
phương Tây hay phương Đông. Hiện tượng này phổ biến khá rộng, có gốc rễ lâu
dài, xưa đã có, và nay vẫn còn, trong các nền văn hóa cổ kim đều có một vị trí nhất
định. Trong một xã hội phát triển về quyền con người như hiện nay, thì đồng tính
luyến ái đã có cơ hội phát triển mạnh hơn ngày xưa.
Nhận thấy đây là một đề tài có ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức cho mọi
người về hiện tượng “đồng tính luyến ái”, đặc biệt là cách nhìn nhận của xã hội
Việt Nam xưa và nay đối với vấn đề này. Vì vậy, nhóm em đã đầu tư thời gian và
công sức thực hiện đề tài một cách tốt nhất. Trong quá trình thực hiện, không thể
tránh khỏi sai sót, mong thầy và các bạn góp ý để đề tài ngày một hoàn thiện hơn.
Chúng em xin chân thành cảm ơn !
Phần 1
1. Lí do chọn đề tài
Ở Việt Nam, hiện tượng đồng tính luyến ái đã xuất hiện từ rất lâu nhưng chưa có


nhà nghiên cứu khoa học nào, hay tổ chức nào quan tâm đến vấn đề này. Những
người đồng tính luyến ái ở Việt Nam luôn mặc cảm với số phận của mình, sợ lên
án của xã hội nên không dám công khai.
Từ nhiều thông tin về đồng tính luyến ái ở nước ngoài, người đồng tính luyến ái ở
nước ta thấy có điều kiện để lên tiếng. Ở nước ta hiện nay tuy chưa có con số thống
kê cụ thể, nhưng số người đồng tính luyến ái không phải là ít và đây là một nhóm
đối tượng rất đáng quan tâm nghiên cứu.
Do sự thiếu hiểu biết về người đồng tính đã dẫn đến sự kỳ thị, thái độ, quan điểm
lệch lạc của cộng đồng xã hội. Những vấn đề liên quan đến đồng tình luyến ái còn
chưa được quan tâm đúng mực nên nhóm nghiên cứu nhận thấy việc tập trung vào
đối tượng này là thích hợp.
2. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu được tiến hành nhằm bổ sung những thiếu hụt thông tin xung quanh
người đồng tính. Trọng tâm của nghiên cứu hướng tới việc khắc hoạ những con
người thuộc thế giới thứ 3 trong bối cảnh của Việt Nam đang trên đà phát triển.
Qua đó, nghiên cứu hy vọng góp một phần nhỏ trong nỗ lực đưa người đồng tính
hòa nhập vào cộng đồng xã hội, nâng cao hiểu biết của cộng đồng và vận động các
tổ chức có liên quan xây dựng những chương trình nhằm can thiệp một cách hiệu
quả dành cho nhóm xã hội này.
3. Nội dung nghiên cứu
Chương 1 Khái niệm đồng tính luyến ái
1.1 Đồng tính luyến ái là gì?
1.2 Xu hướng tính dục là gì?
Chương 2 Thực trạng và các vấn đề liên quan đến đồng tính
2.1 Đồng tính trong lịch sử
2.2 Đồng tính và pháp luật
2.3 Đồng tính trong xã hội
2.3.1 Nỗi sợ đồng tính
2.3.2 Giao lưu
2.4 Đồng tính trong nghệ thuật

2.4.1 Âm nhạc
2.4.2 Văn học
2.4.3 Điện ảnh
2.5 Trong khoa học và nghiên cứu
2.6 Vấn đề con cái
Chương 3 Quan niệm xã hội
3.1 Thái độ của báo chí
3.2 Thái độ của mọi người
3.3 Thái độ của người thân
3.4 Sự kì thị và bạo hành
3.5 Tổ chức xã hội
Chương 4 Công khai – hạnh phúc là sống thật
4. Kết quả nghiên cứu
Hiện nay y học không xem đồng tính luyến ái (homosexuality) là bệnh. Họ không
bị tâm thần, không loạn dâm như nhiều người nghĩ.
Mặc dù những người đồng tính vẫn còn chịu nhiều áp lực và sự kỳ thị từ phía gia
đình, xã hội nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, sự nhìn nhận của mọi người
về vấn đề này đã có nhiều chuyển biến, từ chỗ kỳ thị, coi đó là hành vi lệch lạc,
bệnh hoạn cho đến ít kỳ thị và chấp nhận phần nào sự tồn tại của thế giới thứ ba
như một mảng màu trong bức tranh xã hội đa sắc. Sự thay đổi kể trên là một dấu
hiệu đáng mừng và cần thiết cho một xã hội công bằng và văn minh. Những thành
quả nói trên là nhờ sự nỗ lực của giới báo chí trong công tác tuyên truyền, định
hướng của các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội trong hoạt động hỗ trợ,
phòng ngừa giảm thiểu tác hại, của giới văn nghệ sĩ trong việc truyền tải các nội
dung này đến với công chúng, mà tiêu biểu là hai tác phẩm của nhà văn Bùi Anh
Tấn với “Thế giới không đàn bà” và “Les-vòng tay không đàn ông” được xuất bản
mới đây, và đặc biệt phải kể đến sự nỗ lực của chính những người đồng tính đã
dũng cảm lộ diện để bảo vệ cho thế giới của mình.
5. Kết luận – đề xuất
Đồng tính không phải là bệnh và không thể chữa được nhưng chúng ta có thể giúp

họ sống tốt hơn. Sự kỳ thị của cộng đồng chỉ làm cho họ bi quan hơn, điều này có
thể dẫn đến những hành vi nguy hiểm. Dù họ là ai thì cũng là Con Người, chúng ta
cần thông cảm và dành cho họ những ánh nhìn thiện cảm hơn. Cũng là con người
nên họ cũng sống, cũng yêu thương, cũng có thế giới riêng và các quyền tự do
riêng tư của mình, khác biệt chăng thì họ là thiểu số, còn những người bình thường
là đa số…
Mọi người nên có thái độ bình tĩnh, tìm cách thấu hiểu và hỗ trợ khi biết người
thân hoặc bạn bè là người đồng tính, đặc biệt là những người làm cha, làm mẹ khi
biết sự thật về con mình. Chính những người làm cha mẹ cũng cần thời gian để dần
dần chấp nhận việc này. Giáo viên cần tôn trọng sự riêng tư của học sinh đồng tính
và nên động viên họ để họ không tự đánh giá thấp bản thân, còn cha mẹ của những
học sinh này cũng cần được cung cấp kiến thức về vấn đề này để tạo mối quan hệ
gần gũi, thông cảm để bản thân người đồng tính không cảm thấy bị cô lập. Báo chí,
nhà trường, các đoàn thể và nhất là gia đình các em đóng vai trò rất quan trọng
trong việc tuyên truyền này để giúp các em có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vì thế bạn hãy đủ kiến thức và mở rộng lòng mình, để có cái nhìn thiện cảm hơn
với họ - những người bạn thuộc thế giới thứ 3 nhé.
Phần 2 Nội dung
Chương 1 Đồng tính luyến ái
1.1 Đồng tính luyến ái là gì?
Đồng tính luyến ái, hay đồng tính chỉ việc bị hấp dẫn trên phương diện tình yêu
hay tình dục hoặc việc yêu đương hay quan hệ tình dục giữa những người cùng
giới tính với nhau. Gay chỉ người đồng tính nam, lesbian hay đọc ngắn là les là chỉ
người đồng tính nữ.
Đồng tính luyến ái rất thường gặp ở động vật cao cấp (chẳng hạn như khỉ), thậm
chí có khi chiếm đa số. Người ta đã bắt gặp không ít những chàng đà điểu chỉ thích
cặp kè với kẻ cùng giới, còn những đôi chim hồng hạc đực thì giao phối, xây tổ và
cùng nhau chăm sóc con nuôi. Cá heo, chim cánh cụt, ong, cừu, hươu cao cổ và
nhiều loài động vật khác cũng không ngoại lệ.
Đồng tính luyến ái không trái với tự nhiên mà chỉ trái với quan niệm của phần

đông xã hội về tự nhiên mà thôi. Tự nhiên rất phong phú và hoàn toàn không phụ
thuộc vào quan niệm của con người. Dù con người quan niệm thế nào thì trong tự
nhiên bao giờ cũng có đa số và thiểu số khác biệt, dị biệt. Luôn luôn có đa số
người thuận tay phải và có một ít người thuận tay trái (mà đến bây giờ khoa học
vẫn chưa có lời giải đầy đủ).
Thường thì các loài cây muốn ra quả thì hoa cái phải được thụ phấn từ hoa đực.
Nhưng cũng có một ít loài cây lưỡng tính có thể tự kết trái. Động vật có vú thì
thường sống trên cạn, nhưng cá voi là động vật có vú lại sống dưới nước. Chẳng lẽ
như vậy là trái lẽ tự nhiên? Hiện tượng đồng tính luyến ái không chỉ xảy ra ở loài
người mà còn ở khá nhiều loài vật khác. Phải chăng những con vật đó cũng đua đòi
ăn chơi, vi phạm đạo đức?
Vấn đề là ở chỗ, con người thường quen coi những gì giống với số đông, thuộc về
số đông, được số đông thừa nhận như là "quy luật" (cả tự nhiên lẫn xã hội). Vì vậy
những gì khác với số đông thì bị coi là trái quy luật và thường không được chấp
nhận, nhất là ở những nơi có nhiều thành kiến. [hình ảnh 1]
Không nên nhầm mại dâm nam là đông tính nam. Thực tế những người bán dâm
làm việc này để kiếm tiền chứ không phải yêu thương tự nhiên. Có rất nhiều biến
thái trong hành vi của người đồng tính luyến ái. Tuy vậy, phần lớn những người
đồng tính nam đều muốn đóng một phần nào vai trò của phụ nữ nhưng không có
nghĩa họ thích mặc trang phục phụ nữ và hành động như phụ nữ.
1.2 Xu hướng tình dục là gì?
Xu hướng tình dục(XHTD) là một trong 4 yếu tố tạo nên tính dục người, là sự
hấp dẫn về mặt tình cảm và thể chất với một đối tượng thuộc giới nào đó. Có 3
XHTD thường gặp là: XHTD đồng giới (hấp dẫn với người cùng giới), XHTD
khác giới (hấp dẫn với người khác giới), xu hướng lưỡng tính dục (hấp dẫn với cả
hai giới).
Những người phát triển một XHTD nào đó thường có hành vi tính dục ổn định, ví
dụ: những người có XHTD khác giới thì thà sống một mình hoặc tìm bạn tình khác
giới chứ không thể chấp nhận thực hành tình dục với người cùng giới; còn những
người có XHTD đồng giới thì cũng chỉ tìm bạn tình đồng giới hoặc đành chịu sống

một mình. XHTD khác với hành vi tình dục. XHTD chỉ đề cập đến cảm xúc và sự
cảm nhận về chính mình. Có người biểu lộ cũng có người giấu kín XHTD trong
hành vi tình dục của họ.
XHTD đã hình thành từ rất sớm ở hầu hết mọi người ngay từ khi còn nhỏ tuổi do
những tác động qua lại phức tạp của các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội. Đa phần
định hướng đồng tính phát triển trong bào thai, rằng mô hình đồng tính đã được cố
định chắc chắn từ tuổi lên năm và nằm ngoài sự kiểm soát của cá nhân đó.
Như thế, mỗi người không thể tự ý lựa chọn cho mình một XHTD. XHTD hình
thành ở hầu hết mọi người ngay từ tuổi vị thành niên sớm khi chưa trải qua một
kinh nghiệm tính dục nào. Một số người đã cố gắng rất nhiều trong nhiều năm để
thay đổi XHTD từ đồng giới chuyển sang khác giới nhưng không thành công. Vì
những lý do đó, không nên coi XHTD là sự lựa chọn có ý thức mà người ta có thể
tùy ý thay đổi hay chọn lựa.
Mặc dù XHTD đồng giới không phải là một bệnh tâm thần và không có lý do
khoa học nào khiến phải tìm cách biến những người đồng tính nam hay nữ thành
những người có hành vi tình dục khác giới, một số người cũng tìm cách thay đổi
XHTD của chính mình hoặc của người khác (ví dụ bố mẹ tìm cách chữa trị để thay
đổi XHTD của con cái). Thay đổi XHTD của một người không chỉ đơn thuần là
thay đổi hành vi tình dục của người đó mà còn phải thay đổi cả cảm xúc, cảm nhận
về bản thân và giới tính của họ. Việc thay đổi XHTD không đem lại hiệu quả và có
hại nhiều hơn có lợi.
Không phải tất cả những người đồng tính nam / nữ tìm đến với trị liệu pháp là
muốn thay đổi XHTD của họ mà họ muốn được tư vấn như mọi người khác: được
giúp đỡ về mặt tâm lý để có thể bộc lộ bản thân hoặc để vượt qua những thành
kiến, kỳ thị và bạo lực từ phía những người khác. [hình ảnh 2]
Chương 2 Thực trạng và các vấn đề liên quan đến đồng tính
2.1 Đồng tính trong lịch sử
Ở thế kỉ 16-17 có một vài vị vua có thê thiếp là đàn ông. Sách sử còn ghi chép
rằng vua Khải Định tuy có tất cả 12 bà vợ nhưng bất lực hoặc không thích gần đàn
bà mà thích đàn ông.

Trong thời chiến tranh Việt Nam, tại Sài Gòn có 18 quán bar dành cho đồng tính
nam và 3 dành cho nữ. Có ít nhất 4 tổ chức “trai gọi” cho khách hàng là thương gia
Trung Quốc hoặc người nước ngoài mà hầu hết là Pháp. Đám cưới đồng tính nữ
không phải là hiếm. Báo Saigon Daily vào cuối thập niên 60 có đăng tin về một tổ
chức “gái gọi” cho phụ nữ phương tây đi du lịch và phụ nữ thượng lưu ở Sài Gòn.
Tổ chức này bị giải tán sau khi có chứng cớ liên quan đến trẻ em dưới 15 tuổi.
2.2 Đồng tính và luật pháp
Ở nước ta, luật Hôn nhân và Gia đình hiện nay quy định: “Kết hôn là việc nam và
nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và
đăng ký kết hôn”. Khoản 5 Điều 10 của luật này còn quy định nghiêm cấm kết hôn
giữa những người cùng giới tính. Các nhà khoa học đã nghiên cứu đồng tính là do
lẽ tự nhiên chứ không do ai mong muốn hay ép buộc. Do vậy, có thể xem đồng tính
là giới tính thứ ba chứ không nên mặc nhiên công nhận chỉ có hai giới là nam và
nữ.
Dù bộ phận người đồng tính không đông nhưng họ vẫn là con người, có cảm xúc.
Do vậy, họ cần được thực hiện các quyền đầy đủ của con người như được tự do
sinh sống, kết hôn, mưu cầu hạnh phúc Thực tế đã có những người đồng tính làm
đám cưới và chung sống. Họ đến với nhau vì tình yêu thật sự nhưng những quan hệ
khác phát sinh như tài sản chung, thừa kế, nuôi con… sẽ phải giải quyết ra sao khi
không được pháp luật điều chỉnh? Hoặc những người đã có vợ con nhưng vẫn chỉ
thích người cùng giới. Họ muốn ly hôn với vợ để kết hôn với bạn tình thì luật cũng
nên tôn trọng họ. Nếu Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi theo hướng cho phép kết
hôn giữa những người đồng tính, tin rằng cộng đồng người đồng tính sẽ yên tâm
sống đúng luật và sống có trách nhiệm.
Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khẳng định mọi người đều
có quyền bình đẳng, bất kể thiên hướng tình dục như thế nào. [Hình ảnh 3]. Đây là
lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết có liên quan đến quyền lợi
của những người đồng tính, song tính và chuyển giới (được gọi chung là LGBT).
Chính phủ Obama đã vận động hành lang cho nghị quyết suốt một thời gian dài.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã ca ngợi nghị quyết là “bước đi mang tính lịch sử”, trong khi

Đại sứ Mỹ tai Liên Hiệp Quốc Susan Rice gọi đây là “thắng lợi của những ai bảo
vệ cho quyền con người”. “Nghị quyết gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng nạn bạo
hành dựa trên thiên hướng tình dục và giới tính cần phải chấm dứt” [4]
2.3 Đồng tính trong xã hội
2.3.1 Nỗi sợ đồng tính
Cảm giác khi nhận ra mình đồng tính chưa bao giờ là cảm giác tích cực. Nó khiến
người ta hoang mang, rồi lo lắng, nếu không chế ngự được, nó sẽ biến thành sự
hoảng sợ và cuối cùng giết chết mọi cảm giác cũng như hi vọng. Một số người sẽ
sống trầm cảm, một số khác thì phá phách. Nếu ở trong tình trạng đó, điều quan
trọng bây giờ bạn phải giải toả được cảm giác hoang mang, chấp nhận sự thật thì từ
đó, bạn mới tìm được cách giải quyết.
Bạn không nên tự gây sức ép cho mình rằng bạn cần phải nói với người thân và
bạn bè rằng bạn là người đồng tính. Phản ứng của mọi người rất khác nhau và tỉ lệ
những người đồng thuận với bạn trên thế giới này chưa phải là số đông. Trừ phi lúc
đó bạn hoàn toàn cảm thấy thoải mái với giới tính của mình, cho dù người ta phản
ứng thế nào thì bạn cũng không hề xấu hổ rằng mình là người đồng tính, thì bạn
hãy nên nói. Lúc đó thì bạn mới tìm được lối thoát.
Việc công khai hay không công khai thường là việc khó khăn nhất của một người
đồng tính. Cho dù chấp nhận sống chung hay chiến đấu với đồng tính, bạn vẫn nên
lựa chọn thật kỹ người đầu tiên để nói ra bí mật này. Đó phải là người đáng tin cậy,
và phải chắc chắn, họ sẽ không có những phản ứng tiêu cực. Tuy nhiên, nếu không
thể tìm được một người như vậy, có thể gọi điện đến các trung tâm tư vấn để xin
lời khuyên, hay đơn giản chỉ là chỉ là để tìm được sự thông cảm và chia sẻ.
Chiến đấu với đồng tính là một việc rất khó, nếu không muốn nói là cực khó. Và
cho dù chấp nhận hay chiến đấu, bạn phải hiểu đó là cuộc chiến và cuộc sống của
bản thân bạn chứ không phải nhờ một ai khác. Có rất nhiều trường hợp nhận ra
mình là Gay, nhưng vẫn giấu giếm, cố lấy vợ và sinh con bình thường, mục đích là
muốn tìm lại “cảm giác chính đáng” hoặc vì sức ép của gia đình.
Nhưng rốt cuộc, họ vẫn không thể thoát khỏi ý nghĩ về một người đồng giới và
hậu quả là gia đình tan vỡ và làm tổn thương nặng nề những người khác. Muốn

chiến đấu với đồng tính, trước hết phải dám đối diện và chấp nhận nó đã.
2.3.2 Giao lưu
Những người đồng tính gặp gỡ nhau chủ yếu ở các vũ trường, quán karaoke, quán
cà phê. Những người kín đáo hơn thường làm quen với nhau thông qua các diễn
đàn. Các hoạt động như tổ chức thi viết truyện, giao lưu giữa các thành viên, hoạt
động từ thiện, radio online cũng thường được tổ chức ở một vài diễn đàn. Tuy
nhiên, chỉ một số lượng rất nhỏ thành viên của các diễn đàn dám tham gia các cuộc
gặp gỡ đông người. Ngoài ra, cũng có những người đồng tính có cuộc sống dị tính
luyến ái. Các tổ chức và hoạt động dành cho người đồng tính ở Việt Nam là khá
hiếm và không đa dạng. Một số câu lạc bộ dành cho người đồng tính được thành
lập như câu lạc bộ Hải Đăng ở Hà Nội, Ánh Sao Đêm ở Đà Nẵng, Muôn Sắc Màu
ở Khánh Hoà, Bầu Trời Xanh ở thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Xanh ở Cần Thơ.
Các câu lạc bộ này cung cấp cho những người đồng tính kiến thức cơ bản về
HIV/AIDS và tình dục an toàn, cũng như giúp các thành viên có cơ hội chia sẻ khó
khăn trở ngại để cùng tìm cách giải quyết. Ngoài ra còn có biểu diễn văn nghệ, thời
trang, hài kịch lồng ghép với các chủ đề về HIV/AIDS hay đánh giá hành vi tình
dục. Không chỉ những người đồng tính quan tâm mà thực tế có không ít người dân
đến xem. Bên cạnh đó, vận động chính quyền, các tổ chức để cung cấp thông tin
cho người dân để họ hiểu thêm về đồng tính luyến và có cái nhìn thiện cảm hơn.
Người tham gia cũng được tham vấn xét nghiệm HIV miễn phí, giấu tên. Đây là
một trong những hoạt động hiếm hoi được tổ chức một cách công khai.
Hiện nay thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, xã hội đã bớt kỳ thị với
người đồng tính luyến ái, nhiều người đã tỏ ra cảm thông với họ, những người
đồng tính luyến ái nên tìm đến các CLB của những người cùng cảnh ngộ để sinh
hoạt, có sự đồng cảm và khuyến khích nhau vượt qua những tủi hờn, mặc cảm
sống vui vẻ và có ích cho xã hội.
2.4 Đồng tính luyến trong nghệ thuật
2.4.1 Âm nhạc:
Chiếc bóng của nhạc sĩ Phương Uyên và Tìm lại chính tôi là những bài được công
khai là viết về đồng tính luyến ái. Có nhiều bài hát được viết về tình yêu

đồng tính trong đó có tác phẩm Tình tuyệt vọng của nhạc sĩ Thái Thịnh. Các
ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng nước ngoài như Cher, Madonna, Christina Aguilera,
Cyndi Lauper, đã đưa chủ đề người đồng tính vào những bài hát, video âm
nhạc, những màn biểu diễn của mình để góp phần lên tiếng ủng hộ quyền
lợi của giới đồng tính luyến ái.
2.4.2 Văn học
Một thế giới không có đàn bà của nhà văn Bùi Anh Tấn là cuốn tiểu thuyết đầu
tiên của Việt Nam viết về người đồng tính, đã nhận giải A cuộc thi viết tiểu
thuyết và ký "Vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên". Ngoài ra anh còn
viết Les–Vòng tay không đàn ông.
Một số tác phẩm khác về đề tài đồng tính là Bóng, tự truyện của Nguyễn Văn
Dũng do hai nhà báo Hoàng Nguyên, Đoan Trang viết, 198X của Quỳnh
Trang, Lạc giới của Thuỷ Anna, Không lạc loài, tự truyện của Thành Trung
do nhà văn Lê Anh Hoài viết, Xin lỗi em, anh đã yêu anh ấy, tiểu thuyết và
Chuyện tình của Lesbian và Gay của Nguyễn Thơ Sinh.
Ở nước ta, đề tài đồng tính không bị cấm, nhưng trước đây người viết hay né
tránh vì mức độ nhạy cảm của nó. Vì thiếu thông tin, nên hiểu biết của mọi
người về người đồng tính thường tiêu cực, đánh đồng giới đồng tính với sự
sa đọa, bệnh tật, là tệ nạn xấu xa. Hiểu sai dẫn đến ứng xử sai, khiến người
đồng tính trở nên mặc cảm, sống khép kín.
2.4.3 Điện ảnh:
Chơi vơi, phim nhựa đầu tiên của Việt Nam tham gia Liên hoan phim Venice, do
Bùi Thạc Chuyên đạo diễn, đã mô tả mối tình đồng tính kín đáo của hai nhân
vật nữ. Trong bộ phim Cô gái xấu xí phần 2, nhân vật Hùng Long, một nhà
thiết kế được thể hiện như một người khá nữ tính nhưng là một người có tài
năng và sống có tình cảm. Một thế giới không có đàn bà của nhà văn Bùi
Anh Tấn đã được dựng thành phim nằm trong loạt phim truyền hình Cảnh
sát hình sự. Bộ phim ít nhiều đã phản ánh được những giằng xé nội tâm,
những bi kịch giới tính của các nhân vật.
Tuy nhiên, hầu hết các phim có nhân vật người đồng tính ở Việt Nam đều khai

thác mẫu nhân vật này là những người có ngoại hình và tính cách ẻo lả giống đàn
bà, hoặc có những hành vi, cử chỉ theo đuổi những người đàn ông khác một cách lộ
liễu và thiếu nghiêm túc, hay có những đức tính tiêu cực như chua ngoa, đanh đá ,
thậm chí là "bệnh hoạn" nhằm mục đích gây cười và trở thành yếu tố "câu khách"
cho bộ phim. Tuy nhiên, việc này nhiều khi gây ra tác dụng ngược, làm cho khán
giả thấy phản cảm, thậm chí "ghê sợ". Trong khi đó, việc phản ánh đúng cuộc sống
thực tế, suy nghĩ và tình cảm, trăn trở và khát khao của những người đồng tính lại
không được coi trọng một cách thấu đáo. Điều này đã góp phần khiến dư luận xã
hội có cái nhìn sai lệch, thêm phần ác cảm và kỳ thị, thiếu tôn trọng đối với người
đồng tính.
Những Nụ Hôn Rực Rỡ là một bộ phim ca nhạc, phim có đề cập đến nhân vật Tô
Lâm, một nhân vật đồng tính vì sự kì thị của gia đình đã bỏ gia đình đi theo tiếng
gọi của ước mơ là một diễn viên múa. Tô Lâm đã giúp đỡ cô chủ của mình và cuối
phim đã được đền đáp xứng đáng bằng một nụ hôn với người mình yêu Cuối
tháng 04 năm 2010, Bộ phim truyện nhựa Để Mai Tính, một bộ phim gây được sự
chú ý của khán giả đã đề cập một khía cạnh khá mới của chủ đề đồng tính một
cách nhẹ nhàng, hài hước, cảm thông và cũng rất giàu tính nhân văn. Gần đây nhất
là bộ phim Hotboy nổi loạn, câu chuyện về thằng hề, cô gái điếm và con vịt của
đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã tạo được tiếng vang lớn trong giới điện ảnh Việt Nam
khi công chiếu vào tháng 10 năm nay.
2.5 Đồng tính luyến ái trong khoa học và nghiên cứu
Mặc dù rất cần thiết, nhưng chưa có nhiều nghiên cứu về đồng tính luyến ái ở
Việt Nam. Từ năm 1990, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã chính thức loại đồng tính
ra khỏi danh sách các bệnh và xem đây là sự đa dạng của xu hướng tính dục con
người. Với những quyết định đó, cuộc sống của những người đồng tính, lưỡng tính
và chuyển giới trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang ngày một có
nhiều thay đổi tích cực.
Đồng tính là vấn đề xã hội, cần phải được truyền thông một cách nghiêm túc và
khoa học.
2.6 Vấn đề con cái

Điểm hạn chế và được coi là thiệt thòi hơn những người bình thường là những
người ở giới thứ 3 không có khả năng sinh con. Nếu là đồng tính nữ (một trong 2
người) còn có thể sinh con được nhưng đồng tính nam thì không thể sinh con được.
Nhiều người đồng tính có thể trở thành cha hoặc mẹ bằng nhiều cách như xin con
nuôi thụ tinh nhân tạo hoặc nhận đỡ đầu hoặc có khi con là con riêng của một
người với vợ hoặc chồng cũ là dị tính luyến ái, nhờ sinh con hộ. Người đồng tính
làm cha mẹ nói chung và nhận con nuôi nói riêng là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều
nước phương Tây và thường được xem là cuộc chiến văn hóa giữa quan niệm bảo
thủ và tự do. Thực tế cho thấy rằng người đồng tính cũng thích hợp và có khả năng
làm cha, mẹ như người dị tính. Không có sự liên quan giữa thiên hướng tình dục
của cha, mẹ với sự điều chỉnh tình cảm, tâm lý và hành vi của đứa trẻ. Hôn nhân sẽ
nâng cao tình trạng tài chính, tâm lý, thể chất và việc được nuôi dưỡng bởi một cặp
được pháp luật công nhận sẽ tốt cho đứa trẻ.
Chương 3 Quan niệm xã hội
3.1. Thái độ của báo chí
Nhìn chung thái độ của báo chí với tình yêu của những người đồng tính có xu
hướng ngày càng khả quan. Song tỉ lệ kì thị, nhìn theo hướng phiến diện vẫn còn
khá cao. Khi nói về những người nổi tiếng, đồng tính được sử dụng là chi tiết để
gây sự chú ý cho người đọc cho thấy cách nhìn nhận vấn đề chưa đúng đắn. Điều
này khiến xã hội có cái nhìn phiến diện về đồng tính luyến ái.
Rất ít bài báo đề cập đến nguy cơ hành vi tình dục của người đồng tính và nếu có
đề cập, thông tin cũng mơ hồ và không đầy đủ. Nhiều bài viết thiên về quan niệm
hành vi tình dục của người đồng tính là đáng lên án, lệch chuẩn, là ăn chơi đua đòi,
sống trụy lạc… Quyền được kết hôn của người đồng tính được đề cập nhiều nhất.
Tuy nhiên, quyền yêu và được yêu, quyền có con, quyền nhận con nuôi, quyền tiếp
cận với các dịch vụ tư vấn thể hiện không nhiều trong các bài báo.
3.2. Thái độ của mọi người
Nhìn chung, ở Việt Nam thái độ của xã hội đối với đồng tính luyến ái là kỳ thị ở
các mức độ khác nhau hoặc không thể hiện thái độ rõ ràng như phớt lờ, không
quan tâm. Một tỉ lệ rất nhỏ người dân có thái độ cởi mở với người đồng tính. Nhiều

người bắt đầu kêu gọi nên có thái độ cởi mở hơn đối với người đồng tính. Chưa có
ghi nhận nào về sự khuyến khích, cỗ vũ việc đồng tính luyến ái.
Nhiều người cho rằng đồng tính luyến ái là do ảnh hưởng lối sống của phương Tây.
Tuy nhiên, điều này không đúng. Hơn nữa, hầu như các nước Đông Nam Á đều có
thành kiến nặng nề với người đồng tính trừ Thái Lan, đất nước không bị đô hộ bởi
phương Tây trong quá khứ. Nhiều người coi đồng tính luyến ái là không bình
thường thậm chí là bệnh hoạn đặc biệt là ở nông thôn. Do đó hành vi âu yếm của
hai người cùng giới có thể làm cho nhiều người cảm thấy ghê tởm. Phần lớn người
dân chưa hiểu biết nhiều và đúng về đồng tính luyến ái. Nhiều người không phân
biệt được những khái niệm người đồng tính luyến ái, người hoán tính, người lưỡng
tính mặc dù đây là những khái niệm khác nhau. Hơn nữa, đa số cho rằng đàn ông
nữ tính hoặc phụ nữ nam tính là những người đồng tính.
Tuy nhiên, một số ít người bắt đầu nhìn nhận người đồng tính cũng như khẳng định
đồng tính luyến ái không phải là bệnh. Thái độ đối với người đồng tính có xu
hướng cởi mở hơn. Bên cạnh đó, quan niệm cho rằng ngày nay càng có nhiều
người đồng tính là do đua đòi cũng khá phổ biến.
3.3. Thái độ của người thân
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy bị tổn thương, kinh ngạc, giận dữ, mắc cỡ hoặc hoang
mang khi biết con mình đồng tính. Một số người tìm cách thay đổi con mình, trong
khi một số người khác thì không quan tâm đến con nữa. Hầu hết các bậc cha mẹ
đều sốc khi biết con đồng tính. Khi đó, trong họ đan xen nhiều cảm xúc tiêu cực:
tức giận, thất vọng, hoảng sợ, chối bỏ Có người tự dằn vặt mình là nguyên nhân
gây “bệnh” cho con, người thì lo không có cháu nối dõi tông đường, đối mặt với sự
kỳ thị của cộng đồng Hành xử theo cảm xúc, họ đã đe dọa, chửi mắng, đánh đập,
cắt tài chính khiến đứa con không còn chỗ dựa.
Đáng buồn là rất nhiều bậc cha mẹ lại có thái độ chối bỏ sự thật giới tính của
con. Chính thái độ đó khiến một số người đồng tính sống che giấu bản thân và rồi
gây ra nhiều hậu quả tiêu cực khó lường.
Thực chất cha mẹ nào cũng yêu thương con, muốn làm tất cả để “cứu” con,
nhưng cách “cứu” con cái tốt nhất chính là chấp nhận và tôn trọng giới tính thật

của con. Bởi sự chấp nhận của cha mẹ chính là “thành lũy” an toàn ngăn con sa
chân xuống “địa ngục” của những hành vi nông nổi, của sự nghi kỵ còn trong xã
hội.
3.3 Sự kì thị và phân biệt đối xử
“Những người đồng tính chỉ làm cho xã hội thêm xấu xa nhơ nhớp…”
“Tôi không hiểu những người lệch lạc giới tính như họ thì có thể làm gì để giúp ích
cho cuộc đời ?”
“Họ chỉ làm suy thoái thêm đạo đức xã hội!”
“Thà con tôi lấy hai chồng còn hơn nó là một người đồng tính…”
“ Họ là những người sống ích kỷ, chỉ biết tới bản thân mình…”
“Họ chỉ hành động theo sự nông nổi của tuổi trẻ…”
Bạn sẽ nghĩ thế nào khi bạn nghe thấy, đọc được hay biết được những quan điểm
trên đây về người đồng tính? Đó là những chia sẻ của nhiều người trên đường dây
tư vấn dành cho người đồng tính nữ của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa
học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA).
Bên trong những lời nói, những nhận định này còn là cả một thái độ khó chịu, sự
bức xúc và cay nghiệt khi nhắc tới những người đồng tính. Nếu bạn là một người
theo xu hướng tình dục đồng giới bạn sẽ có cảm giác như thế nào khi nghe người
khác đánh giá về mình theo những cách trên? Có lẽ bạn sẽ khó tránh khỏi những
tổn thương.
Nếu bạn là những người đưa ra quan điểm, bạn tự cho mình quyền phán xét người
khác, có khi nào bạn biết sau mỗi lời nói hay nhận định của mình, điều gì có thể
xảy ra?
Tất cả những nhận định trên đây đều thể hiện sự kỳ thị đối với người đồng tính.
Trong cuộc sống, bạn sẽ bắt gặp sự kỳ thị này không chỉ ở lời nói, mà còn ở những
hành vi. Có thể bạn sẽ bắt gặp những sự phân biệt đối xử với người đồng tính: như
coi người đồng tính là những người bệnh hoạn và xa lánh họ, có thể gây cho họ
những khó khăn trong cả cuộc sống và công việc, có người bị ép quan hệ tình dục,
bị bạo lực, hoặc bị tống cổ ra khỏi nhà chỉ vì yêu người cùng giới. Họ bị kỳ thị, bị
nhiều người đánh giá một cách tiêu cực.Họ phải chịu những cái nhìn không mấy

thiện cảm của nhiều người chỉ vì họ khác biệt, những khác biệt mà bản thân họ
không thể tự quyết định hay chọn lựa, họ chỉ có thể lựa chọn cho mình cách sống
phù hợp với giới tính mà mình đang có.…
Vậy có đúng những người đồng tính là những người bỏ đi, không đáng được đối
xử công bằng? Nếu là người thân của người đống tính, bạn nên làm gì? Hay chính
bạn là mục tiêu của những sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người đồng tính, bạn
có thể làm gì để thoát khỏi?
Sự kỳ thị của cộng đồng không chỉ làm cho cuộc sống của chính những người
đồng tính rất khó khăn mà còn có thể làm ảnh hưởng đến những người không phải
là đồng tính và xã hội nói chung. Đa số những học sinh đồng tính thường có tâm
trạng hoang mang, cô độc. Điều này có thể dẫn đến nguy hiểm. Họ có thể sa sút
tinh thần, có thái độ bướng bỉnh, nhiều học sinh thường xuyên có ý định tự sát.
Bên cạnh đó, vì lý do sợ xã hội kỳ thị, nhiều người đồng tính nam đã lập gia đình
với phụ nữ

và sinh con tuy nhiên họ không cảm thấy hạnh phúc và gây ra đau khổ
cho người vợ của mình. Ngoài ra, vì không được xã hội công nhận, người đồng
tính thường giấu mình, sống cô độc, thu mình lại với xã hội.
Sự thực rất đáng buồn là những ngộ nhận về người đồng tính ái vẫn còn tồn tại
rộng rãi và sâu sắc ở khắp nơi, một khúc mắc chưa bao giờ thực sự được giải quyết
một cách triệt để, đó là một sự xấu hổ nhục nhã mà người đồng tính luyến ái bị bắt
buộc phải chịu đựng bởi những người ghét bỏ, chống đối họ.
Có thể nói, được sống với đúng bản thân mình, không bị kỳ thị và phân biệt đối xử
bởi gia đình, xã hội là mong muốn của tất cả những người đồng tính. Tuy nhiên,
ngay cả trong giới đồng tính cũng có rất nhiều người chưa dám chấp nhận bản
thân. Hay nói cách khác là họ sợ xu hướng tính dục của chính mình. Nỗi sợ này
của họ thể hiện dưới nhiều hình thức. Một số người sợ mình là đồng tính thì sẽ
không thể lấy chồng/lấy vợ, sinh con. Một số người khác thì sợ mình không phải là
cha mẹ tốt khi họ có con cái, sợ con cái ra đường có thể bị bạn bè trêu chọc hoặc
sợ chúng sẽ bị lây đồng tính từ mình.

Vấn đề này sẽ mãi tồn tại nếu những người đồng tính không tự bỏ thành kiến đối
với chính mình. Nếu như họ không tự trang bị cho mình những kiến thức liên quan
đến xu hướng tình dục của mình, không chấp nhận con người thực sự của mình,
thử hỏi làm sao họ có thể làm cho xã hội chấp nhận họ được?
Cuộc sống của mỗi người là do người đó quyết định. Sợ mình đồng tính nghĩa là
bạn đang kỳ thị chính mình. Không ai hiểu bạn bằng chính bản thân bạn. Vì vậy,
thay vì mong đợi một điều gì đó từ phía người khác hay từ phía xã hội, điều trước
tiên mà những người trong cuộc nên làm là hãy tìm điều đó ngay trong chính bản
thân mình.
3.5 Tổ chức xã hội
Trách nhiệm xã hội trong việc thúc đẩy thực hiện các quyền của những người
đồng tính và quyền không bị bạo hành và bị đối xử ngược đãi ở Việt Nam sẽ được
tăng lên thông qua dự án của một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam – Trung tâm
Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị Thành Niên
(CSAGA) với sự tài trợ của Thuỵ Điển. Trong khuôn khổ của hiệp định, phía Thuỵ
Điển đã cam kết đóng góp 2,7 triệu Kô-ron Thuỵ Điển (khoảng 340,000 đô-la Mỹ).
Phù hợp với chính sách mới ban hành của Chính phủ Thuỵ Điển, dự án này nằm
mục đích thúc đẩy việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh
đến các quyền của những người đồng tính luyến ái nữ, đồng tính nam, những
người lưỡng tính và những người đã chuyển giới tính.
Chương 4 Công khai - hạnh phúc là sống thật
Chỉ một tỉ lệ nhỏ người đồng tính công khai thiên hướng tình dục của mình,

trong
đó số người được công chúng biết đến công khai rất hiếm.
Cuối năm 2010, đám cưới đồng tính nữ của hai cô nàng trẻ măng diễn ra ở Hà
Nội đã tạo nên cơn sốt trên các trang mạng. [hình ảnh 4] Tháng 6 năm nay, lại đến
lượt đám cưới của cặp đôi đồng tính nam diễn ra tại Sài Gòn, cũng tạo nên cơn địa
chấn thông tin. [hình ảnh 5]. Trong cộng đồng người đồng tính Việt Nam, có nhóm
người ủng hộ việc công khai thiên hướng tình dục, có nhóm người phản đối. Nhóm

ủng hộ cho rằng không gì hạnh phúc hơn là sống với chính bản thân mình và việc
giấu giếm chỉ khiến thêm đau khổ, dằn vặt, lúc nào cũng cảm thấy lo sợ. Những
người phản đối thì cho rằng, người đồng tính không nên làm vậy bởi xã hội hiện
nay vẫn còn nhiều định kiến và nếu công khai sẽ khiến họ mất mát nhiều thứ, đồng
thời khiến người xung quanh cũng có cái nhìn khác về họ. Còn bản thân họ thì lại
lo sợ sẽ làm gia đình đau khổ và chính bản thân cũng chịu áp lực cao từ người
thân. Đa số trường hợp gia đình biết một người nữ là đồng tính là do bị "lộ chứ họ
không chủ động công khai."
Người đồng tính có ở nhiều tầng lớp khác nhau, làm nhiều nghề khác nhau

và có
nhiều lối sống khác nhau. Nhiều người đồng tính thành đạt trong công việc.

Nhiều
bài báo cũng như nghiên cứu, thống kê tập trung vào những người đồng tính có
hoạt động tình dục rộng rãi hoặc những người dễ dàng bộc lộ thiên hướng tình dục
có thể làm nhiều người đánh giá sai hoặc có ác cảm với người đồng tính nói chung.
Việc công khai thiên hướng tình dục của nhiều người là trí thức hoặc có địa vị
trong xã hội hoặc ở nhiều tầng lớp, nghề nghiệp, lối sống khác nhau có thể làm cho
người ta giảm bớt thành kiến hoặc ít ra có cái nhìn rộng rãi hơn về người đồng
tính. Tuy nhiên, khi xã hội còn nhìn nhận đồng tính còn khá khắt khe thì người
đồng tính trí thức hoặc có địa vị lại có xu hướng không công khai thiên hướng tình
dục của mình. Người đồng tính trẻ ở Việt Nam cũng như ở các nước Châu Á rất
mong muốn có được một môi trường thân thiện đồng tính như một số nước ở
phương Tây.
Kết luận
Cho dù xã hội đã phần nào cởi mở hơn, nhưng sự kỳ thị vẫn đang khiến nạn bạo
hành ở người đồng tính chưa được ngăn chặn. Họ rất cần sự chia sẻ và giúp đỡ của
cộng đồng.
Nhiều người đồng tính đã không đủ dũng cảm bước đi trên đường đời cô độc, họ

cảm thấy bế tắc, không có ngày mai. Do không chống lại được những định kiến về
một mô hình truyền thống “gia đình phải có bố, có mẹ, có con. Đàn ông phải lấy
đàn bà ”, rất nhiều người trong số họ đã chọn giải pháp lập gia đình để báo hiếu
với cha mẹ. Và chịu đựng sự dằn vặt của một hôn nhân không tình yêu, của một sự
đau đớn khi nghĩ về giới tính của mình.
Đồng tính luyến ái không chỉ đơn giản là ý muốn của cá nhân về cách sống.
Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là những yếu tố sinh học tự nhiên. Do áp
lực của gia đình, xã hội, phần lớn những người đồng tính luyến ái đều cố gắng thay
đổi mình để trở thành người "bình thường". Nhưng sau cùng, những cố gắng này
luôn thất bại vì chúng chống lại bản chất sinh học tự nhiên của họ. Nhiều người
thậm chí đã tự tử vì điều này.
Bởi vì có nhiều người có ấn tượng sai về những người đồng tính luyến ái, nên
chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, những người đồng tính luyến ái vẫn là những
người bình thường như bao người khác. Nếu bạn là một người có quan hệ tình dục
khác giới, thì bạn thường nghĩ là rất tự nhiên khi yêu một người khác giới, và bạn
không thể yêu người có cùng giới tính với bạn. Những người đồng tính luyến ái
cũng yêu như bạn. Chỉ có khác biệt là, họ yêu những người cùng giới. Đối với
những người đồng tính luyến ái, yêu một người cùng giới là sở thích theo bản năng
của họ. Nói cách khác, con người không có sự chọn lựa làm người có tình dục khác
giới hay người đồng tính luyến ái.
Xã hội văn minh phải là một xã hội cho phép tất cả mọi người sống thực với con
người của mình, không phân biệt màu da, chủng tộc, nguồn gốc gia đình và tình
trạng giới tính cá nhân. Nếu được sống đàng hoàng với tình trạng giới tính của
mình, người đồng tính luyến ái sẽ tránh được những khủng hoảng tinh thần. Điều
này cũng tốt hơn cho người thân và bạn bè của họ. Nếu một người đồng tính luyến
ái, vì áp lực của xã hội, phải lấy vợ, sinh con thì một gia đình như vậy chỉ đem lại
sự bất hạnh cho tất cả mọi người mà thôi. Những người đồng tính luyến ái hay
những người hoặc quan hệ tình dục cùng giới thì đều giống như tất cả mọi người,
có quyền được tôn trọng.
Tóm lại, nhân loại luôn tiến lên trên con đường xây dựng cuộc sống văn minh,

loại bỏ dần những điều lạc hậu, quyền sống ngày càng được tôn trọng. Nhóm
người thiểu số có xu hướng tình dục đồng giới cũng có quyền được sống bằng con
người của họ và không thể kết tội bản chất tự nhiên ấy.
Phụ lục
Phụ lục 1

Không còn khoảng cách (nguồn: ICS)
Phụ lục 2
Chúng ta là một cộng đồng gần gũi và thân thiết (nguồn: ICS)
Phụ lục 3
Một cuộc biểu tình ủng hộ người đồng tính ở Pháp (nguồn: CNN )
Phụ lục 4
Đám cưới đồng tính nữ ở Hà Nội (nguồn: kênh14)
Phụ lục 5
Đám cưới đồng tính nam ở Sài Gòn (nguồn: kênh14)

×