Tải bản đầy đủ (.docx) (15 trang)

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC BỆNH VÔ CẢM TRONG GIỚI TRẺ HIỆN NAY

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (199.62 KB, 15 trang )

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
BỆNH VÔ CẢM TRONG GIỚI TRẺ HIỆN NAY
Nhóm: Biệt đội BQ – K50 - Khối 6 Kinh tế
Thành viên:
1. Nguyễn Quốc Cường
2. Nguyễn Mạnh Dũng
3. Lê Thúy Nga
4. Nguyễn Phượng Anh
5. Nguyễn Minh Yến
6. Lê Thùy Dung
7. Nguyễn Ngọc Hùng
8. Phan Tuấn Vũ
9. Đào Ngọc Huyền
10. Nguyễn Văn Lộc
CHƯƠNG I: TỔNG QUAN
1. Đặt vấn đề
Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên với rất nhiều thuận lợi
giúp cho con người, đặc biệt là giới trẻ có điều kiện học hỏi, trau dồi và tiếp cận
với nhiều phương tiện hiện đại. Tiếc thay, giá trị đạo đức lại bị xói mòn bởi chủ
nghĩa thực dụng, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến “bệnh vô cảm”.
Bệnh này thể hiện ở chỗ không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác,
cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội xảy ra trước mắt. Con người
hầu như trở nên vô tình trước cuộc sống của người khác, để “Mạnh ai nấy sống”,
“Phải ai tai nấy”. Lời cha ông ta đã dạy: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” hay
“Thương người như thể thương thân” từ lâu đã trở thành đạo lý của con người Việt
Nam. Truyền thống tốt đẹp ấy luôn được đồng bào ta giữ gìn và phát huy. Thế
nhưng ngày nay, bên cạnh những con người biết đồng cảm, chia sẻ, luôn nghĩ đến
người khác còn có những kẻ thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân. Đối với
những người mắc “bệnh vô cảm” này, chúng ta cần giúp họ hiểu rõ lời dạy của cổ
nhân:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,


Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Vấn đề vô cảm trong xã hội hiện nay đang là thách thức đối với các nhà giáo
dục, các bậc cha mẹ, cũng như những người có trách nhiệm. Tìm hiểu thực trạng và
nguyên nhân của “bệnh vô cảm”, chúng ta sẽ thấy tác hại ghê gớm của nó và tìm ra
phương cách để chống lại căn bệnh quái ác này.
2. Định nghĩa:
Trong y khoa không có bệnh vô cảm mà chỉ có trạng thái thờ ơ với ngoại cảnh
hay còn gọi là bệnh lãnh cảm (thường chỉ về tình dục).Với nghĩa chúng ta dùng
hiện nay, thì tên gọi đúng phải là thói vô cảm, nhưng khi nó trở nên quá phổ biến
thì lối sống, thói quen ấy dần dần chuyển hóa thành một “bệnh”.
Khái quát lại, bệnh vô cảm chính là sự dửng dưng, không rung động, không
xúc cảm; là sự vô tâm, vô tình; là chủ nghĩa cá nhân không lo chuyện đời, chuyện
người và chỉ nghĩ đến mình.
3. Lý do chọn đề tài nghiên cứu:
Đã có nhiều nghiên cứu về căn bệnh vô cảm suốt thời gian qua. Trong đó không
thể không kể đến các công trình nghiên cứu của thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh
hay tiến sĩ Tô Văn Trường - thành viên Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu
khoa học trọng điểm cấp Nhà nước của Bộ Khoa học - Công nghệ, tiến sĩ Trịnh
Trung Hòa, … Các nghiên cứu này đã cho chúng ta một cái nhìn tương đối toàn
diện về căn bệnh vô cảm cũng như cũng ảnh hưởng của nó đến toàn xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định mối quan hệ giữa sự
vô cảm với độ tuổi hay văn hóa vùng miền. Các nhà nghiên cứu xã hội học cho
rằng, những hành động mang tính nhân văn này thường gắn liền với kinh nghiệm
sống, kỹ năng xử lý tình huống cùng với sự từng trải và đồng cảm.
Với mong muốn có một cái nhìn và cách tiếp cận mới về đề tài này: Căn bệnh
vô cảm trong giới trẻ hiện nay từ góc nhìn của chính những người trẻ, đồng thời
nhằm mục đích có thể tìm hiểu rõ hơn về thực trạng, nguyên nhân cũng như hậu
quả của căn bệnh vô cảm, đặc biệt là để có thể tìm ra biện pháp chữa trị căn bệnh
này cho giới trẻ hiện nay, nhóm chúng tôi quyết định lựa chọn nghiên cứu đề tài
“Bệnh vô cảm trong giới trẻ hiện nay”.

Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sẽ tiến hành điều tra, thu thập thông tin và
tiến hành các cuộc khảo sát với các bạn trẻ trong độ tuổi từ 17-20 về vấn đề bệnh
vô cảm. Cùng với đó , chúng tôi sẽ sử dụng các kết quả thu được từ các nghiên cứu
của tác giả đã kể trên và kết hợp với nhận định, đánh giá riêng của mình để có thể
rút ra được kết luận cuối cùng.
Trong quá trình thực hiện đề tài này, không thể tránh khỏi còn nhiều thiếu
sót, chúng tôi rất mong nhận được nhận xét, đóng góp ý kiến từ cô giáo và các bạn
cùng lớp. Xin chân thành cảm ơn!
CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG BỆNH VÔ CẢM TRONG GIỚI TRẺ
1. Thực trạng căn bệnh vô cảm
a. Có xu hướng ngày càng tăng
Trong nhiều năm trở lại đây, căn bệnh vô cảm đang lây lan với một tốc độ khá
cao trong cuộc sống, xã hội Việt Nam. Nếu như ngày xưa, cuộc sống khó khăn gắn
kết những con người cùng khổ, thì ngày nay, khi mọi thứ đã trở nên tiện nghi và
hiện đại, chúng ta – đặc biệt là giới trẻ, lại có xu hướng khép mình với thế giới bên
ngoài.
Ngược dòng thời gian, trở về những ngày cuộc sống người dân còn nhiều lam
lũ, mọi người sống với nhau trong sự sẻ chia và đùm bọc “tối lửa tắt đèn có nhau”.
Vậy mà giờ đây, giữa dòng chảy xô bồ của cuộc sống, đã bao lần ta tự hỏi chính
mình trót lãng quên những mảnh đời bất hạnh?
Thật đáng buồn khi tìm kiếm từ khóa "vô cảm trong xã hội" trên mạng
Google, chỉ trong vòng 0,23 giây bạn sẽ nhận lại đến gần 35 triệu kết quả, gồm
những bài nghiên cứu, bình luận trên web, blog, facebook, diễn đàn… lên án căn
bệnh vô cảm xoay những vụ việc nổi cộm. Điển hình phải kể đến những vụ án vô
nhân tính: sinh viên trường Đại học Ngoại thương chặt đầu người yêu phi tang,
Chủ tịch huyện ém nhẹm tiền hỗ trợ nạn nhân bão lụt, tài xế gây tai nạn cố tình cán
chết người
b. Diễn biến ngày một phức tạp
Theo một khảo sát hồi tháng 3 vừa qua của VnExpress.net trên hơn 17.000 bạn
đọc, khi được hỏi "bạn sẽ làm gì khi chứng kiến học sinh đánh nhau", hơn 40% cho

biết họ sẽ chỉ đứng nhìn, hoặc bỏ đi, coi như không biết. Chỉ có gần 25% tuyên bố
sẽ can ngăn những vụ bạo lực này.
Có đến gần một nửa số người được hỏi quyết định sẽ không làm gì cả
Nhìn nhận vấn đề này, ông Vũ Toản, Thạc sĩ xã hội học, giảng viên trường Đại
học khoa học Xã hội và Nhân Văn TP HCM cho rằng, sự vô cảm một phần là sản
phẩm của quá trình đô thị hóa. Nó trở nên phổ biến và không thể cưỡng lại trong
thời kỳ đầu bước vào giai đoạn công nghiệp hóa như Việt Nam. Khi phải bon chen
tìm kế mưu sinh, ai cũng lo bảo vệ lợi ích của cá nhân thì sự vô cảm với mọi người
xung quanh, với xã hội, thậm chí là chính mình sẽ nảy sinh. Biểu hiện ban đầu là
không quan tâm đến người khác, rồi dần dần sẵn sàng sát hại đồng loại vì lòng
tham.
Các nhà nghiên cứu xã hội học còn nhìn nhận: con người đô thị thường mang
tính duy lý. Họ duy trì các mối quan hệ với nhau không vì tình cảm mà chủ yếu vì
lợi ích. Chẳng hạn người bán hàng cố gắng chiều lòng "thượng đế" để đôi bên cùng
có lợi, hoặc một nhân viên quan tâm thăm hỏi sức khỏe của sếp bởi đấy là người có
quyền sa thải hay thăng chức cho mình.
Để tự bảo vệ lợi ích bản thân, người ta có thể từ chối một số mối quan hệ ảnh
hưởng không tốt đến cuộc sống của họ hay gây ra những rắc rối không mong
đợi. Điều này lý giải hiện tượng khi thấy tai nạn giao thông, nhiều người có xu
hướng tránh không dây vào, họ đắn đo về sự có mặt của mình chưa chắc đã làm
cho sự việc tốt đẹp hơn. "Bên cạnh đó giúp người còn khiến không ít người mất
thời gian, ảnh hưởng đến công việc và đảo lộn nhịp sống hàng ngày của mình”, ông
Toản khẳng định.
2. Nguyên nhân của bệnh vô cảm
Vô cảm được nhìn nhận ở góc độ từ rộng đến hẹp: vô cảm trong xã hội, vô
cảm ở mỗi con người. Nó không chỉ là một căn bệnh của một bộ phận người mà
là bệnh của toàn xã hội.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên, nhưng có 2 nguyên nhân cơ
bản:
a. Nguyên nhân khách quan:

• Nguyên nhân khách quan đầu tiên phải kể đến đó là sự phát triển với tốc độ
chóng mặt của nền kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào cuộc
sống. Khoa học hiện đại với các phương thức giao tiếp, liên lạc ngày một
tiện lợi bên cạnh những khía cạnh tích cực của nó thì cũng đang khiến cho
con người mất dần nhu cầu được giao lưu gắn kết thông qua tiếp xúc trực
tiếp với mọi người xung quanh. Việc mất đi cảm xúc do giao tiếp với máy
móc, công nghệ quá nhiều là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Điện thoại di động, Internet với Facebook và các mạng xã hội khác là
những minh chứng rất rõ nét cho luận điểm trên. Bản báo cáo NetCitizens
Việt Nam 2011 được hãng nghiên cứu thị trường Cimigo thực hiện trong
khoảng thời gian từ tháng 11-12/2010 với hơn 6.200 cuộc phỏng vấn qua
điện thoại ở 12 thành phố tại Việt Nam.
Bản báo cáo NetCitizens Việt Nam 2011 chỉ ra rằng, năm 2010, 70% số
người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là thành viên của Facebook, tăng
mạnh so với năm 2009 chỉ có khoảng 47%. Trong khi đó, mạng xã hội Zing
Me đã tăng gấp 3 lần trong vòng 1 năm và leo lên đứng thứ 2, chiếm gần
20% số lượng người sử dụng mạng xã hội. Yahoo 360 Plus đứng ở vị trí số
3, thu hút được khoảng 12% người sử dụng mạng xã hội.
Qua những con số thống kê đáng kinh ngạc trên ta có thể dễ dàng nhận ra
thế giới ảo đang vô hình chung lại xây nên một bức tường ngăn cách giữa
bản thân người dùng với xã hội thực. Thực tế có những điều trong cuộc
sống ta phải trực tiếp cảm nhận mới thấy hết mọi góc độ của nó. Chính vì
vậy, giới trẻ dường như đang mất dần khái niệm nhìn nhận thế giới qua đôi
mắt của chính mình. Nói cách khác, họ đã một phần nào đó đánh mất con
người thực của mình trong thế giới ảo.
• Nhịp sống nhanh, gấp gáp cũng là một nguyên nhân thứ hai cần được nhắc
tới. Ngày nay với xu hướng sống mải mê kiếm tiền, lo cuộc sống giữa một
môi trường cạnh tranh khốc liệt, con người ta thậm chí không còn thời gian
để chăm sóc bản thân chứ đừng nói gì đến quan tâm tới người khác. Giới
trẻ, những người hứng chịu nhiều nhất áp lực từ công việc và xã hội, là

những người dễ trở nên nép mình nhất, ít quan tâm tới người khác và dần
dần hình thành thái độ thờ ơ, bàng quan.
• Bên cạnh những mối lo về học hành, công việc, việc thiếu kinh nghiệm
trong chuyện tình cảm và các mối quan hệ cũng khiến cho giới trẻ chịu
nhiều áp lực, từ đó hình thành tâm lý buông xuôi, chán nản. Một ví dụ thật
đơn giản là nhiều bạn trẻ sau khi có xích mích với bố mẹ, không tìm thấy
phương pháp giải quyết cho mình đã chọn cách trở nên thờ ờ, lạnh lùng,
lãnh cảm; nhiều bạn khác thì sau khi gặp vấn đề trong chuyện tình cảm lại
đóng cửa cảm xúc, để cho trái tim chết dần…
• Điều kiện gia đình khá giả, không phải lo nghĩ khiến một bộ phận giới trẻ
sa đà, trượt dốc, lầm đường lạc lối với các suy nghĩ lệch lạc. Không ngoại
trừ điều đó, các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn có được
tương lai tươi sáng cũng dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, không kiểm soát được hành vi
của mình. Một số bạn lại do gia đình gặp những trục trặc nên cha mẹ thiếu
sự quan tâm, chăm sóc, đôi khi lại khiến con trẻ đối mặt quá sớm với các
vấn đề bạo lực, bạo hành nên dẫn đến các hành vi tiêu cực.
Đơn cử Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng, trong phiên tòa xét xử không hề tỏ
thái độ hối hận mà rất lãnh đạm, Nguyễn Đức Nghĩa giết người yêu mà kể
lại câu chuyện từng chi tiết mà không hề thấy bối rối hay ghê rợn, giống
như đang tường thuật lại một bộ phim mình đã xem – phải chăng giới trẻ
đang dần dần chai lì về cảm xúc cũng chính một phần từ sự thiếu quan tâm
của gia đình, nhà trường và xã hội?
• Sự giao lưu văn hóa, ảnh hưởng toàn cầu hóa khiến cho lối sống đề cao chủ
nghĩa cá nhân du nhập. Việt Nam cũng như các quốc gia phương Đông khác
vốn mang một nền văn hóa đậm đà tính cộng đồng, song từ khi mở cửa và
hội nhập sâu rộng với thế giới, tính đoàn thể và tính cộng đồng ấy đã phần
nào bị mai một. Phương châm sống “Lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa
đau cả tàu bỏ cỏ” trong không ít trường hợp đã bị nhiều người, mà trong đó
có không ít bạn trẻ, làm ngơ. Trong cuộc sống cạnh tranh khốc liệt như hiện
nay, và khi lối sống tư bản phương Tây du nhập, việc đề cao chủ nghĩa cá

nhân lại càng trở nên phổ biến.
• Bên cạnh đó, đôi khi văn hóa bầy đàn cũng khiến cho con người ta ngại
không thể hiện sự quan tâm đến xung quanh. Một người biết quan tâm nếu
phải sống lâu trong một môi trường toàn những người vị kỉ, hờ hững tới
cuộc sống xung quanh cũng dễ lây tính vô cảm. Hoặc đơn giản, trong một
trường hợp cụ thể, khi bạn muốn giúp đỡ một ai đó đang trong cơn hoạn
nạn, song tất cả những người xung quanh đều từ chối làm điều đó, thì liệu
bạn có vượt qua được tâm lý đám đông để thực hiện lòng tốt của mình hay
không? Câu trả lời vẫn là một dấu hỏi lớn với phần đông mọi người. Tâm lý
sợ “làm ơn mắc oán” cũng góp phần khiến cho vô cảm trở thành một vấn đề
không nhỏ của xã hội.
b. Nguyên nhân chủ quan:
Vô cảm có nhiều nguyên do, nhưng tất nhiên không thể hoàn toàn đổ lỗi cho
những lý do ngoại cảnh. Căn bệnh này phổ biến như vậy trong xã hội hiện
nay một phần chính là do bản thân con người, đặc biệt là những người trẻ.
• Giới trẻ ngày nay được sống trong đầy đủ nên thường có khuynh
hướng nghĩ đến bản thân nhiều hơn và quên mất những giá trị cốt lõi của
cuộc sống: tình yêu thương giữa người với người, sự đoàn kết, sẻ chia trong
cuộc sống… Đặc biệt là lối sống coi trọng đồng tiền ăn sâu vào tiềm thức,
thế nên nhiều khi từ vô tâm, vô cảm mà người trẻ dễ sa ngã.
• Cá nhân con người tự tôn và vị kỉ. Ích kỉ dường như là bản năng của
con người trong mọi thời đại và mọi xã hội, và trong xã hội ngày nay thì có
vẻ như nó đang được tạo điều kiện để nhân rộng. Nhiều người, nhất là
những người trẻ tuổi không sẵn sàng mở lòng để cho đi một cái gì, để hi
sinh một cái gì.
• Sự vô cảm với mọi người xung quanh còn bắt nguồn từ việc vô cảm
với chính bản thân của một bộ phận ngưởi trẻ hiện nay. Chúng ta có thể bắt
gặp hình ảnh nhiều bạn trẻ ngủ gục trong các quán game online, để mặc bản
thân tiều tụy, quên ăn quên ngủ vì cuộc sống ảo mà các bạn đang đắm chìm.
Giới trẻ còn mất cảm giác với tình yêu của chính mình, lao theo cảm xúc mà

không có lí trí để rồi đánh mất bản thân lúc nào không biết: yêu quá nhiều,
quá vội vàng, sống thử, thiếu suy nghĩ, đến khi thật sự cần một mái ấm gia
đình thì bản thân không cảm nhận được đâu là tình yêu đích thực nữa.
3. Hậu quả của bệnh vô cảm
Không còn nghi ngờ gì nữa sự hiện hữu rõ ràng của căn bệnh vô cảm
trong xã hội hiện đại ngày ngay ở nhiều người, mà nhất là giới trẻ. Và một khi
đã trở thành căn bệnh thì nó chắc chắn phải gây ra nhiều tác hại. Nhóm chúng
tôi xin được phân tích hậu quả của căn bệnh vô cảm trên phương diện cá nhân
và phương diện xã hội.
a. Với cá nhân:
• Bệnh vô cảm khiến cho những người trẻ mất đi khả năng cảm thụ cuộc sống,
mất đi tình yêu với cuộc sống và những người xung quanh. Vô cảm tức là
không còn khả năng xúc cảm. Nếu con người trở nên vô cảm thì cuộc sống của
chúng ta có khác gì những cỗ máy? Vô cảm, con người đánh mất một thứ vô
cùng quan trọng tạo nên sự khác biệt của họ với những sinh vật sống khác.
• Bệnh vô cảm khiến cho những người trẻ dễ có những cảm xúc cực đoan, bất
mãn, dễ bị sa vào cám dỗ, dễ có những hành vi hay bất tác vi để lại hậu quả
nghiêm trọng. Thực tế đã cho thấy, vì sự hững hờ, vô cảm vô tâm của con
người mà chính đồng loại của họ phải chịu kết cục đau lòng.
• Cá nhân con người còn có thể rời xa cộng đồng, rời xa cuộc sống thực và dễ bị
mắc những căn bệnh khác về mặt tâm lý.
b. Với xã hội:
• Những cá nhân vô cảm sẽ tạo nên một xã hội vô cảm, và điều đó
là vô cùng nguy hại. Căn bệnh vô cảm, một cách ngấm ngầm, sẽ làm ung
nhọt nhân cách và phẩm chất đạo đức của những chủ nhân tương lai của đất
nước.
• Xã hội vô cảm có nghĩa là không còn tinh thần đoàn kết, tương
thân tương ái giữa người với người. Điều đó cũng có nghĩa là không thể tạo
ra được một sức mạnh tổng hợp để đưa đất nước phát triển đúng với tiềm
năng của nó được.

CHƯƠNG III: MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ CHỮA TRỊ CĂN BỆNH VÔ CẢM
"Bệnh vô cảm" không phải là tội ác, nhưng chính nó là con đường dẫn đến tội ác.
Hơn nữa, nó còn lây lan trong cộng đồng: một người vô cảm thì mọi người xung
quanh sẽ vô cảm theo, và cuối cùng, có thể là cả một xã hội vô cảm. Vô cảm còn ví
như căn bệnh "ung thư tâm hồn". Nói đến căn bệnh thể xác thì người ta sợ nhất là
ung thư, còn nói đến căn bệnh tâm hồn thì "vô cảm" cũng đáng sợ không kém. Bởi
lẽ, nó có sức công phá ghê gớm trên nhân cách và đạo đức của con người. Từ đó,
nó phá hủy toàn bộ nền kinh tế và chính trị của cả một dân tộc. Chính vì thế, từ cá
nhân đến gia đình, từ trong nhà trường ra ngoài xã hội, phải chung tay góp sức, tích
cực đẩy lùi căn "bệnh vô cảm" này ra khỏi đất nước Việt Nam thân yêu của chúng
ta.
1. Về phía bản thân
Mỗi bạn trẻ hãy sống đúng chuẩn mực đạo đức của con người, biết đồng cảm với
mọi người, biết trau dồi, học hỏi những bài học trong cuộc sống về sự công bằng,
bác ái, yêu thương những người xung quanh và phải có quyết tâm muốn thay đổi
chính bản thân mình. Ngoài ra, cần phải học hỏi những tấm gương của những
người đạo đức, đồng cảm trong xã hội.
2. Về phía gia đình
Gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách con
người. Gia đình là ngôi trường đầu tiên của con người, từ đó những đứa trẻ học
được nhân cách làm người. Vì thế, muốn cho con cái trở nên tốt, gia đình phải là
nơi mọi người sống yêu thương, nâng đỡ và đùm bọc lẫn nhau. Các thế hệ cùng
chung sống phải biết quan tâm tới nhau, thì người trẻ mới biết học hỏi, noi gương
nếp sống đạo đức. Giáo dục phải cải cách để tăng cường đạo đức, nhân cách cho
các em, không chỉ "dạy chữ' mà nhất là phải "dạy người". Hơn nữa, phải "Tiên học
lễ, hậu học văn". Theo Tiến sĩ tâm lý giáo dục Đinh Đoàn: "Nếu người lớn có trách
nhiệm và quan tâm hơn tới con cái, hành động và cư xử đúng đắn hơn để làm tấm
gương cho các em thì sự vô cảm có lẽ đã không lan nhanh và mạnh như thế".
Nhất là, gia đình phải tích cực, bằng cách quan tâm giáo dục cảm xúc một cách
thực tế cho con cái ngay từ nhỏ. "Không chỉ dạy trẻ nhận biết cảm xúc của người

khác mà còn hướng dẫn trẻ hiểu nguồn gốc những cảm xúc đó, cũng như ảnh
hưởng của cảm xúc đó đến mọi người để từ đó điều chỉnh cảm xúc, hành vi của
mình. Các nhà tâm lý học cũng đưa ra khuyến cáo, gia đình phải thay đổi thói quen
dạy con kiểu Á Đông: Chỉ ra lệnh mà không quan tâm đến suy nghĩ độc lập của
con. Học cách lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với con cái là việc mà cha
mẹ là những người đầu tiên phải làm. Con cái chỉ có thể hiểu được một cách rõ
ràng nhất khi được cha mẹ hướng dẫn cụ thể bằng những việc phù hợp. Chính
những điều nhỏ nhặt này tạo nền tảng đầu tiên để trẻ bớt nghĩ đến bản thân, mở
rộng lòng ra cùng người khác. Và điều quan trọng, người lớn phải tạo cơ hội cho
các em thực hiện."
3. Về phía nhà trường
Môi trường giáo dục ở nhà trường không chỉ là nơi trang bị kiến thức mà còn phải
quan tâm đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức và đồng cảm với các bạn trẻ. Một
khi nhà trường biết quan tâm đúng mức về giáo dục đạo đức cho giới trẻ thì kết quả
sẽ khả quan hơn. Vấn đề này, chúng ta thấy rõ trong các trường Công giáo và các
cơ sở nội trú của các nhà Dòng. Các học sinh, sinh viên khi được giáo dục ở đó, họ
không chỉ biết sống lễ phép với mọi người mà còn sống gương mẫu, ngoan ngoãn,
và biết quan tâm yêu thương mọi người. Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Trưởng
khoa Tâm lý Đại học Sư phạm TPHCM: "Nhà trường không nên chú tâm vào việc
dạy kiến thức mà quên đi việc dạy các em nên người. Hơn nữa, mỗi thầy cô giáo
phải là tấm gương đạo đức cho các em noi theo".
Mặt khác, nhà trường nên dạy học sinh biết cách ứng xử, biết quan tâm giúp đỡ
mọi người và giáo dục kỹ năng sống có chất lượng, thiết thực, sinh động, bằng cách
khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dám đấu tranh trong mọi học sinh. Chỉ có như thế, cái
xấu, cái tiêu cực, cái thô bạo ở môi trường giáo dục, trong học sinh mới hết đất
sống. Đây cũng là cơ sở để xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu tình nghĩa, yêu
thương nhưng lại mạnh mẽ, không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác thường nảy
sinh, ẩn nấp dưới nhiều hình, nhiều dángvẻ trong cuộc sống.
4. Về phía xã hội
Xã hội nên quan tâm đến giới trẻ, tạo những cơ hội cho họ, giúp họ sống theo

chuẩn mực đạo đức của xã hội, nhất là giúp họ biết quan tâm, yêu thương, hy sinh
và biết giúp đỡ mọi người. Tiến sĩ Tâm lý Đinh Phương Duy cho biết: "Giới trẻ
ngày nay, không phải là họ không muốn sống cho ra người mà còn muốn sống tốt
hơn nữa". Có người đã nói: "Cơn khát làm một người sống lương thiện, sống đạo
đức cháy âm ỉ trong tâm khảm của họ. Chính vì thế, họ đang cần được xã hội quan
tâm giúp đỡ, nhất là mở những lớp học về cách ứng xử trong cuộc sống. Đồng thời,
họ mong muốn những người có trách nhiệm nên làm gương cho họ".
KẾT LUẬN
Xin mượn một câu nói để kết thúc toàn bộ vấn đề: "Một xã hội vô cảm là
một xã hội chết!". Một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt của một cỗ máy vô tri, chắc hẳn
chẳng ai muốn như vậy. Vậy thì hãy mở lòng mình ra, để cho cảm xúc của bản thân
có cơ hội được bộc lộ, để hòa nhập vào cộng đồng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà học
thuyết của Mac - Anghen lại đạt được thành công, chứ không phải là học thuyết
duy tâm siêu hình "Con người là một cái đồng hồ, và trái tim là lò xo " của những
nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên khác; bởi vì ông đã nhìn con người theo cái nhìn
biện chứng rằng tình cảm, cảm xúc, sự yêu thương là một thứ quan trọng chi phối
và tạo nên cuộc sống con người.

×