Tải bản đầy đủ (.pdf) (139 trang)

Đặc trưng kinh tế và xã hội của hộ nghèo tại tỉnh Bắc Kạn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.03 MB, 139 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA XÃ HỘI HỌC





LUẬN VĂN THẠC SỸ




ĐẶC TRƯNG KINH TẾ VÀ XÃ HỘI CỦA
HỘ NGHÈO TẠI TỈNH BẮC KẠN


CHUYÊN NGÀNH : XÃ HỘI HỌC
MÃ SỐ : 60 31 30



NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC : PGS. TS. VŨ HÀO QUANG
NGƯỜI THỰC HIỆN : ĐẶNG ĐỖ QUYÊN













HÀ NỘI, 2006

i
MỤC LỤC
Phần 1: Mở đầu
1.1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu 1
1.2. Tổng quan vấn đề nghiên cứu 3
1.3. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của đề tài 6
1.4. Mục đích nghiên cứu 7
1.5. Nhiệm vụ nghiên cứu 7
1.6. Đối tượng nghiên cứu và khách thể nghiên cứu 8
1.7. Phạm vi nghiên cứu 8
1.8. Hệ phương pháp nghiên cứu 8
1.9. Dự kiến những đóng góp mới của luận văn 10
1.10. Kết cấu của luận văn 10
1.11. Giả thuyết nghiên cứu 11
1.12. Khung lý thuyết nghiên cứu 12
Phần 2: Nội dung chính
Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài
1.1. Cơ sở lý luận của đề tài 13
1.1.1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về
nghèo đói và xoá đói giảm nghèo 13
1.1.2. Chủ trương của Đảng và Nhà nước về xoá đói giảm nghèo 15
1.1.3. Các lý thuyết vận dụng nghiên cứu 17
1.2. Tổng quan về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Kạn 25

1.3. Một số khái niệm công cụ của đề tài 31
Chương 2. Đặc trưng kinh tế của hộ nghèo tại tỉnh Bắc Kạn

ii
2.1. Tình trạng và mức độ nghèo đói của hộ nghèo thông qua đo lường
thu nhập - chi tiêu của hộ nghèo 38
2.2. Đất đai, tài sản và điều kiện sinh hoạt của hộ nghèo 48
2.3. Tình trạng hoạt động kinh tế và tình trạng việc làm của hộ nghèo 63
Nhận xét và bình luận 68
Chương 3. Đặc trưng xã hội của hộ nghèo tại tỉnh Bắc Kạn
3.1. Thành phần dân tộc 70
3.2. Quy mô và kiểu loại hộ 74
3.3. Trình độ học vấn của người nghèo 79
3.4. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người nghèo 86
3.5. Quan hệ giới, cơ cấu tuổi và tình trạng hôn nhân của chủ hộ 92
Nhận xét và bình luận 97
Phần 3: Kết luận và khuyến nghị
3.1. Kết luận 101
3.2. Những khuyến nghị cho công cuộc xoá đói giảm nghèo thời gian tới
của tỉnh Bắc Kạn 105
Tài liệu tham khảo 108
Phụ lục 1 113
Phụ lục 2 116


iii
Biểu
Biểu 1: Tỷ lệ nghèo của các xã/phường được khảo sát 30
Biểu 2: Cơ cấu thu nhập 39
Biểu 3: Tổng thu nhập của hộ và thu nhập bình quân 41

Biểu 4: Cơ cấu chi tiêu cho ăn uống 43
Biểu 5: Cơ cấu chi tiêu ngoài ăn uống 44
Biểu 6: Tổng chi tiêu cho sinh hoạt của hộ và chi tiêu bình quân 46
Biểu 7: Tình hình thu nhập và chi tiêu 47
Biểu 8: Tài sản dùng cho sản xuất kinh doanh dịch vụ 58
Biểu 9: Tỷ lệ hộ sở hữu đồ dùng sinh hoạt lâu bền 60
Biểu 10: Tình trạng HĐKT chia theo giới, TĐVH, CMKT 65
Biểu 11: Hộ nghèo chia theo TPDT của chủ hộ và tình trạng nghèo 73
Biểu 12: Hộ nghèo theo quy mô hộ 75
Biểu 13: Tỷ lệ hộ nghèo chia theo cơ cấu sản xuất 77
Biểu 14: Tỷ lệ hộ nghèo chia theo CCSX và thành phần dân tộc 78
Biểu 15: Trình độ học vấn của người nghèo 80
Biểu 16: Trình độ học vấn chia theo thành phần dân tộc của chủ hộ 82
Biểu 17: Tình trạng đi học của TE trong độ tuổi đi học chia theo giới tính 84
Biểu 18: Trình độ CMKT của chủ hộ vả các thành viên khác 87
Biểu 19: Tình trạng hôn nhân của chủ hộ nghèo chia theo giới tính 96
Hình
Hình 1: Cơ cấu chi tiêu 45
Hình 2: Tình hình sử dụng đất sản xuất của hộ nghèo 49
Hình 3: Loại nhà ở 55

iv
Hình 4: Tỷ lệ hộ nghèo sử dụng điện cho sinh hoạt 61
Hình 5: Tình hình sử dụng nhà vệ sinh 62
Hình 6: Tỷ lệ hộ nghèo chia theo thành phần dân tộc của chủ hộ 71
Hình 7: Số thế hệ cùng chung sống trong gia đình hộ nghèo 74
Hình 8: Tỷ lệ hộ nghèo theo CCSX và theo hình thức hưởng trợ cấp 76
Hình 9: Trình hộ học vấn của chủ hộ 81
Hình 10: TĐHV và trình độ CMKT của người nghèo chia theo giới tính 93
Hình 11: Cơ cấu tuổi của người nghèo 94

Khung
Khung 1: Tình hình thu nhập - chi tiêu của hộ nghèo 47
Khung 2: Tình trạng thiếu đất sản xuất của hộ dân tộc thiểu số 50
Khung 3: Chất lượng đất sản xuất 52
Khung 4: Hộ nghèo mong muốn được hỗ trợ đất sản xuất 54
Khung 5: Tình trạng nhà ở 56
Khung 6: Nhu cầu được hỗ trợ tạo việc làm của hộ nghèo 67
Khung 7: Tình trạng bỏ học trẻ em 85
Khung 8: Thiếu trình độ CMKT, không được đào tạo là một nguyên nhân
dẫn đến nghèo đói 89
Khung 9: Ý kiến của người nghèo về cách thức vươn lên thoát nghèo 91





1
PHẦN 1
MỞ ĐẦU
1.1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
Công cuộc đổi mới ở Việt Nam được khởi xướng vào năm 1986 đã mang
lại những thay đổi sâu sắc, nhiều mặt trong đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của
đất nước. Trải qua 20 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta luôn đạt mức tăng
trưởng cao, làm thay đổi tích cực đời sống của hàng triệu người dân. Từ một
nước nông nghiệp lạc hậu, thiếu lương thực thường xuyên, Việt Nam đã vươn
lên thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Chính sách
mở cửa, hội nhập đã mở ra những cơ hội chưa từng có cho người dân trong sản
xuất kinh doanh, việc làm và đời sống. Việt Nam đã trở thành một trong những
nước có tốc độ tăng trưởng ngoại thương cao nhất thế giới, môi trường đầu tư
ngày càng được cải thiện cộng với các điều kiện tự nhiên và nguồn nhân lực

thuận lợi và niềm tin về cơ hội tăng trưởng tốt đẹp trong tương lai, đó là một
trong những nguyên nhân thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Một
loạt chính sách cởi mở hơn đã tạo đà tăng trưởng khả quan trong tương lai cho
Việt Nam.
Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ về tăng trưởng kinh tế mà công
cuộc đổi mới mang lại, những thành tích đầy ấn tượng về xoá đói giảm nghèo
cũng đã được ghi nhận rộng rãi. Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác xoá
đói giảm nghèo là vấn đề có tính chiến lược và được đẩy mạnh từ những thập
kỷ cuối của thế kỷ XX. Việt Nam đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như đầu
tư cơ sở hạ tầng; hình thành hệ thống chính sách, cơ chế, chương trình, dự án,
kế hoạch xoá đói giảm nghèo từ trung ương đến xã, phường; chính sách hỗ trợ
vùng nghèo, xã nghèo, hộ nghèo; phân công các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể,
tỉnh, thành phố, doanh nghiệp có điều kiện giúp các địa phương nghèo; xoá đói
giảm nghèo được cả nước quan tâm, phấn đấu và trở thành phong trào, là cuộc

2
vận động rộng lớn, nhất là từ Mặt trận, các đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà
hảo tâm, các nhà khoa học…
Kết quả là đã giảm nhanh số hộ nghèo, từ năm 1992 đến năm 2004 đã giảm
trên 2 triệu hộ đói nghèo, tỷ lệ đói nghèo từ gần 30% vào đầu năm 1992 giảm
xuống còn khoảng gần 10% vào năm 2000, giảm 2/3 (theo chuẩn giai đoạn
1995-1997). Từ năm 2001 đến năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17,18% đầu
năm 2001 (theo chuẩn giai đoạn 2001-2005) xuống còn 8,30% cuối năm 2004;
cơ bản không còn tình trạng tái đói kinh niên; bộ mặt các xã nghèo, xã đặc biệt
khó khăn đã có sự thay đổi đáng kể; mục tiêu xoá đói giảm nghèo về đích trước
1 năm so với kế hoạch 5 năm 2001-2005. Những thành tựu về xoá đói giảm
nghèo của nước ta đã được bạn bè quốc tế đánh giá là một trong những nước
giảm tỷ lệ đói nghèo tốt nhất, trở thành "điểm sáng" trong công cuộc đổi mới đất
nước. Có lẽ hiếm có quốc gia nào trên thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua có được
những thành tựu đầy ấn tượng như vậy.

Tuy nhiên, kết quả xoá đói giảm nghèo lại chưa thật sự vững chắc và chưa
đồng đều. Tỷ lệ nghèo đặc biệt cao ở các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít
người và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển (các tỉnh miền núi
phía Bắc và Tây Nguyên là nơi có tỷ lệ nghèo cao nhất trong cả nước). Số hộ đói
nghèo tuy giảm nhanh nhưng số hộ mới thoát nghèo thì phần lớn vẫn sát chuẩn
nghèo nên nguy cơ tái nghèo cao cộng với tình trạng phân hoá giàu nghèo và
phát triển không đồng đều giữa các vùng đang có chiều hướng gia tăng có thể
gây ra những hậu quả xã hội tiêu cực khó lường, khiến cho cuộc chiến chống đói
nghèo ở nước ta vẫn còn đầy cam go và thách thức.
Hiện nay có rất nhiều công trình trong nước và quốc tế nghiên cứu về thực
trạng đói nghèo ở Việt Nam. Tuy nhiên những nghiên cứu sâu về người nghèo
dưới cách tiếp cận xã hội học có nhiều vấn đề quan trọng còn bỏ ngỏ. Để phục
vụ cho công tác theo dõi, đánh giá tình trạng nghèo đói theo chuẩn nghèo mới
của Chính Phủ áp dụng cho giai đoạn 2006-2010, tác giả đã lựa chọn nghiên cứu

3
vấn đề nghèo đói của tỉnh Bắc Kạn - một tỉnh được xem là một trong những tỉnh
nghèo, khó khăn nhất của cả nước - làm đề tài nghiên cứu luận văn cao học.
Việc tiếp tục làm rõ những vấn đề về đặc trưng kinh tế, đặc trưng xã hội của
hộ nghèo rất cấp thiết về phương diện lý luận cũng như thực tiễn, để làm cơ sở
cho việc nhận diện hộ nghèo, quản lý và theo dõi diễn tiến nghèo đói, đảm bảo
xoá đói giảm nghèo công bằng hơn, toàn diện hơn, vững chắc hơn.
1.2. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
Một số công trình nghiên cứu về nghèo khổ của của các nhà xã hội học
được đề cập trong cuốn Nhập môn Xã hội học của Tony Bilton và cộng sự như:
nghiên cứu của Townsend và Atkinson (Anh), Harrington (Hoa Kỳ) Theo kết
quả của Townsend (1979) khi ông đo lường sự thiếu thốn theo việc không đủ
khả năng hoặc bất lực để tham gia vào “các hoạt động và để có những điều kiện
và tiện nghi sinh hoạt thông thường, hay ít nhất được khuyến khích hoặc tán
thành rộng rãi” vì thiếu những “phương kế”. Townsend đã sử dụng 60 chỉ tiêu

để đo lường điều kiện và tiện nghi theo tiêu chuẩn sinh hoạt. Kết quả cho thấy
trên một nửa người dân Anh thời kỳ đó ở trong tình trạng gặp thiếu thốn tương
đối đến mức có thể coi là “nghèo khổ”. Còn những nghiên cứu của Atkinson và
Harrington lại cho thấy có một bộ phận dân chúng sống trong cảnh nghèo khổ
vào bất kỳ thời điểm nào và nhiều người đã tạm thời rơi vào cảnh nghèo đói ở
những giai đoạn nào đó trong cuộc đời của họ. Những nghiên cứu của họ cho
thấy rằng ở những nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới như Hoa Kỳ thì nghèo
đói vẫn tồn tại phổ biến [43, 82]. Cuốn sách trên cũng nêu ra những quan điểm
của các tác giả về những người có khả năng rủi ro bị nghèo khổ nhiều hơn
những người khác, đó là người già, người ốm và người tàn tật; gia đình lớn và
gia đình một cha/mẹ (thường là không cha); người thất nghiệp và người lương
thấp với nghề nghiệp không bảo đảm [43, 83-84]. Liệu rằng người nghèo ở nước
Anh – một nước công nghiệp phát triển trên thế giới với người nghèo ở một
vùng miền núi của một nước kém phát triển như Việt Nam có cùng chung những
đặc trưng trên hay không, phần phân tích của đề tài này sẽ làm sáng tỏ điều đó.

4
Những nghiên cứu về vấn đề nghèo khổ ở Việt Nam của Ngân hàng Thế
giới được trình bày trong cuốn "Báo cáo Phát triển Việt Nam 2004: Nghèo" đã
đưa ra những đánh giá của các chuyên gia quốc tế về hiện trạng nghèo ở Việt
Nam. Báo cáo này dựa trên những phân tích từ cuộc điều tra Mức sống hộ Gia
đình 2002 và hàng loạt những đánh giá nghèo đói có sự tham gia của người dân
được thực hiện ở 47 xã phường thuộc tất cả các vùng. Báo cáo đưa ra những
phân tích về các đặc trưng của người nghèo: họ là ai, vì sao họ nghèo, đánh giá
mức độ nghèo đói ở Việt Nam Các chuyên gia đã đánh giá cao thành tựu xoá
đói giảm nghèo của Việt Nam những năm qua song cũng nhận định rằng những
tiến bộ trong xoá đói giảm nghèo ở nước ta những năm qua là không đồng đều.
Tỷ lệ nghèo đói ở Việt Nam khác nhau giữa các vùng và tốc độ giảm nghèo
cũng khác nhau, trong đó Tây Nguyên là vùng nghèo nhất, tiếp theo đó là miền
núi phía Bắc và vùng ven biển miền Trung. Họ đưa ra dự báo rằng các nhóm

dân tộc thiểu số là những nhóm người sẽ vẫn còn ở trong tình trạng nghèo trong
tương lai dài; những người di cư từ nông thôn ra vùng thành thị cũng là nhóm
người có nhiều khả năng bị rủi ro…
Bài viết: "Nghiên cứu nghèo khổ đô thị ở Việt Nam trong thập niên 90: kết
quả và những vấn đề đặt ra" của Nguyễn Hữu Minh và Nguyễn Xuân Mai, tạp
chí Xã hội học số 3 (87) - 2004 dựa trên những kết quả nghiên cứu về nghèo khổ
đô thị từ những cuộc khảo sát về người nghèo đô thị từ những năm 90 đã nêu ra
một số đặc trưng về mặt kinh tế và xã hội của người nghèo đô thị. Áp dụng kết
hợp nhiều phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, các nghiên cứu đã
chỉ ra tính đa diện của nghèo khổ đô thị dựa vào việc phân tích các đặc trưng
kinh tế và xã hội của người nghèo: "người nghèo đô thị thường được đặc trưng
bởi tình trạng không có việc làm hoặc có việc làm không đầy đủ. Công việc làm
của họ thường là thuộc khu vực kinh tế phi chính thức… Thu nhập của người
nghèo thường thấp và không ổn định. Phần lớn các chi tiêu là dành cho các nhu
cầu thiết yếu nhất về lương thực và thực phẩm. Trong điều kiện đó người nghèo
thường rơi vào cảnh nợ nần… Nghèo khổ của các gia đình thường có mối liên

5
quan chặt chẽ với số lượng thành viên trong gia đình, đặc biệt là các thành viên
không có khả năng lao động… Trình độ học vấn của người nghèo là thấp hơn so
với ngưỡng chung của xã hội… Một đặc điểm cơ bản về mặt xã hội của người
nghèo là sự hạn chế về vốn xã hội và điều đó làm giảm khả năng thoát nghèo
của họ. Người nghèo thành thị rất dễ bị tổn thương bởi nhiều lý do khác nhau
liên quan đến nhà ở, quyền sử dụng đất, điều kiện sinh nhai không bảo đảm, bị
đe doạ bởi bệnh tật " [29, 58].
Cuộc khảo sát "Đặc điểm kinh tế - xã hội và nhà ở của người nghèo đô thị"
tại 5 phường nội thành Hà Nội do GS. Tương Lai (chủ nhiệm) và PTS Trịnh
Duy Luân tiến hành năm 1994, kết quả xử lý 669 hộ gia đình được khảo sát tại 5
phường nội thành Hà Nội nhằm: (i) mô tả chi tiết những đặc trưng xã hội – nghề
nghiệp, nhân khẩu - văn hoá của người nghèo đô thị Hà Nội; (ii) xác định các

con số trung bình về các chuẩn mực "nghèo", chẳng hạn như các chỉ tiêu về thu
nhập, chi tiêu, mức sống…, chỉ ra vạch nghèo khổ (poverty line) cho từng
trường hợp cụ thể; (iii) xác định các chỉ báo về tình trạng nhà ở và môi trường
vệ sinh tại nơi ở của nhóm người nghèo đô thị; (iv) phân tích và gợi ra một số
hướng tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề nghiên cứu của dự án từ góc độ xã hội
học. Báo cáo của các tác giả đã phác thảo chân dung xã hội của người nghèo Hà
Nội trong đó bức tranh về điều kiện sống vật chất, đặc điểm nhà ở và môi trường
của họ đã được xây dựng và định hình.
Bài "Mô hình văn hoá của nhóm nghèo" của tác giả Lương Hồng Quang
đăng trên tạp chí XHH số 2(78)/2002 cho rằng tồn tại một mô hình văn hoá của
người nghèo và văn hoá ấy ảnh hưởng đến sự nghèo khó của họ. Nó có thể kéo
dài sự nghèo khó ấy và cũng có thể là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách
có thể có những chiến lược giảm nghèo có cơ sở từ những hiểu biết về nền văn
hoá ấy. Nền văn hoá ấy bám chặt lấy người nghèo, tuy nhiên, nền văn hoá ấy có
thể được thay đổi. Theo tác giả, đặc điểm văn hoá của các nhóm nghèo là có sự
tự ti về bản thân của mỗi cá nhân và cộng đồng nghèo, thậm chí cả ở trong các
mối quan hệ xã hội; những cá nhân hay nhóm nghèo bắt nguồn từ những nguyên

6
nhân xuất thân hay sở thuộc các nhóm thiệt thòi chịu ảnh hưởng của nền văn hoá
mà họ đã bị xã hội hoá đó. Văn hoá nghèo quy định những ứng xử tương ứng
với nó, ứng xử ấy thích hợp với nền văn hoá nghèo tương ứng. Tác giả cho rằng
trình độ học vấn và tay nghề là một trong những nguyên nhân khiến cá nhân trở
nên nghèo đói, từ đó hình thành nên một nền văn hoá của người nghèo, đồng
thời chính nó cũng được xem là nhân tố quan trọng trong việc giúp cá nhân thoát
khỏi sự nghèo khó.
Cuốn "Đánh giá nghèo theo vùng: Vùng miền núi phía Bắc" của Nhóm
hành động chống nghèo đói xuất bản năm 2003 do UNDP và DFID tài trợ đã
đưa ra những đánh giá về những nguyên nhân của tình trạng nghèo đói và quá
trình giảm nghèo, chủ yếu thông qua cách nhìn nhận của người dân và cán bộ

địa phương. Mục đích của báo cáo này nhằm nắm bắt các yếu tố của tình trạng
nghèo đói và các nguyên nhân của nó; hiểu rõ hơn về hiệu quả của các phương
pháp xác định đối tượng của các chương trình chống tình trạng nghèo đói và các
cách thức tiếp cận có hiệu quả hơn trong việc giám sát tình trạng nghèo đói ở
các cấp khác nhau. Báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị trên cơ sở các ý
kiến của người dân và cán bộ địa phương cũng như từ việc tổng hợp phân tích số
liệu định lượng và định tính.
1.3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ Ý NGHĨA THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
1.3.1. Ý nghĩa khoa học
Vận dụng các lý thuyết xã hội học đại cương, xã hội học nông thôn, xã hội
học gia đình, xã hội học dân số, xã hội học kinh tế… đề tài nghiên cứu nhằm mô
tả và phân tích đặc trưng kinh tế và xã hội của hộ nghèo nhằm tìm ra quy luật
biến đổi các đặc trưng kinh tế và xã hội và mối liên hệ giữa những đặc trưng này
với tình hình nghèo đói và quá trình xoá đói giảm nghèo của các hộ nghèo.
1.3.2. Ý nghĩa thực tiễn

7
Mô tả những đặc trưng kinh tế và xã hội của nhóm hộ nghèo theo chuẩn
nghèo mới và chỉ ra mối liên hệ của những đặc trưng đó với vấn đề đói nghèo từ
đó bước đầu đưa ra những dự báo về xu hướng nghèo đói trong tương lai nhằm
giúp các nhà quản lý, hoạch định chính sách đưa ra những chính sách giảm
nghèo hiệu quả.
1.4. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
1.4.1. Phân tích các đặc trưng kinh tế và xã hội của hộ nghèo nhằm nhận
diện hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới.
1.4.2. Chỉ ra mối liên hệ của các đặc trưng kinh tế và xã hội của hộ nghèo
với tình trạng và mức độ nghèo đói của hộ.
1.4.3. Tìm hiểu những khó khăn và nhu cầu được trợ giúp của hộ nghèo
nhằm xoá đói giảm nghèo bền vững.
1.4.4. Đưa ra những dự báo về xu hướng biến đổi đặc trưng kinh tế và xã

hội của hộ nghèo tại tỉnh Bắc Kạn, bước đầu đề xuất một số khuyến nghị, giải
pháp cho công cuộc xoá đói giảm nghèo trong thời gian tới.
1.5. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
Để thực hiện mục đích nghiên cứu trên, đề tài có những nhiệm vụ nghiên
cứu sau:
1. Thu thập và xử lý thông tin thứ cấp từ các đề tài, dự án, nghiên cứu
trong và ngoài nước về vấn đề nghèo đói ở nước ta và tỉnh Bắc Kạn;
2Phân tích vấn đề nghèo đói và đặc trưng kinh tế - xã hội của hộ nghèo,
đánh giá hiệu quả của các cơ chế, chính sách hiện hành về công tác xoá đói
giảm nghèo;
3. Nghiên cứu thực tiễn về đặc trưng kinh tế - xã hội của các hộ nghèo tại
địa bàn tỉnh Bắc Kạn thông qua nghiên cứu định lượng (sử dụng bộ số liệu từ

8
cuộc khảo sát xác định hộ nghèo toàn quốc) và nghiên cứu định tính (phỏng vấn
sâu nhóm hộ nghèo tại tỉnh Bắc Kạn);
4. Xử lý thông tin thu được từ nghiên cứu định lượng: sử dụng chương trình
phần mềm xử lý số liệu điều tra CSPro 2.6và 3.0, SPSS 13.0 for Windows,
Microsoft Excel để xử lý, tính toán và phân tích số liệu;
5. Xử lý và phân tích thông tin nghiên cứu định tính từ kết quả phỏng
vấn sâu;
6. Sử dụng số liệu và thông tin thu thập được để phân tích thực trạng đặc
trưng kinh tế và xã hội của hộ nghèo, chứng minh giả thuyết nghiên cứu của
luận văn.
1.6. ĐỐI TƢỢNG NGHIÊN CỨU VÀ KHÁCH THỂ NGHIÊN CỨU
1.6.1. Đối tƣợng nghiên cứu
Các đặc trưng kinh tế và xã hội của hộ nghèo và mối liên hệ giữa những đặc
trưng này đến tình trạng nghèo đói của các hộ nghèo.
1.6.2. Khách thể nghiên cứu
Các hộ gia đình được xác định là hộ nghèo tại tỉnh Bắc Kạn - 1 tỉnh nghèo

thuộc khu vực Đông Bắc Bộ.
1.7. PHẠM VI NGHIÊN CỨU
1.7.1. Thời gian nghiên cứu
Từ tháng 01 năm 2004 đến tháng 08 năm 2006.
1.7.2. Không gian nghiên cứu: Tỉnh Bắc Kạn.
1.8. HỆ PHƢƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1.8.1. Phƣơng pháp luận Macxit:

9
Trong đề tài này chúng tôi dựa vào quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch
sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng làm cơ sở phương pháp luận, giữ vai trò nền
tảng trong toàn bộ quá trình nghiên cứu.
Vận dụng nguyên tắc lịch sử cụ thể để phân tích hiện tượng nghiên cứu.
Các nghiên cứu xã hội học thực nghiệm phải xuất phát từ thực tế của một xã hội
cụ thể, đặt hoạt động của con người vào những điều kiện hiện thực trong từng
tình huống cụ thể.
Quá trình nhận thức trong xã hội không chỉ dừng lại bên ngoài sự vật
hiện tượng mà cần nhận thức được bản chất bên trong cũng như quy luật khách
quan vốn có của nó.
1.8.2. Phƣơng pháp phân tích tài liệu:
- Dựa trên nguồn số liệu của cuộc khảo sát xác định hộ nghèo năm 2005
của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khảo sát tại 64 tỉnh/thành phố trên
toàn quốc. Mục tiêu của cuộc khảo sát nhằm lập danh sách toàn bộ các hộ
nghèo theo chuẩn nghèo mới thời kỳ 2006-2010; xác định các nguyên nhân và
mức độ nghèo đói làm cơ sở xây dựng chính sách và chương trình mục tiêu
xoá đói giảm nghèo thời kỳ 2006-2010; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho
việc theo dõi, giám sát, đánh giá nghèo đói thời kỳ 2006-2010. Trong phạm vi
của đề tài chỉ phân tích số liệu khảo sát 1.841 hộ gia đình tại 9 xã (thuộc 3
huyện) của tỉnh Bắc Kạn.
- Dựa trên kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2004 của Tổng Cục

Thống kê.
1.8.3. Phƣơng pháp phỏng vấn sâu hộ gia đình: Phỏng vấn sâu 20 hộ
nghèo thuộc huyện Bạch Thông, Bắc Kạn trong tháng 8 năm 2006 nhằm thu
thập thông tin, quan niệm, đánh giá của người nghèo về nguyên nhân nghèo,
tình trạng nghèo hiện tại, những khó khăn, yếu kém của hộ nghèo và nhận thức
của họ về cách thức vươn lên thoát nghèo, nhu cầu được trợ giúp Những thông

10
tin thu thập được là căn cứ để đánh giá, phân tích sâu hơn về đặc trưng của hộ
nghèo và bổ sung cho những kết quả từ nghiên cứu định lượng.
4. Phƣơng pháp toán thống kê: sử dụng các chương trình phần mềm xử lý
số liệu điều tra như CSPRO 2.6 và 3.0, SPSS 13.0 for Windows, Microsoft
Excel nhằm tổng hợp, xử lý, tính toán và phân tích số liệu.
4.1. Phƣơng pháp so sánh, đối chiếu: So sánh, đối chiếu các đặc trưng của
hộ nghèo với tình trạng nghèo đói của hộ, so sánh những điểm giống nhau và
khác nhau của hộ nghèo với hộ cận nghèo ở Bắc Kạn, với hộ nghèo ở các tỉnh
khác và toàn quốc, đối chiếu kết quả khảo sát của đề tài với kết quả khảo sát
mức sống hộ gia đình năm 2004 của Tổng Cục Thống Kê và kết quả của những
nghiên cứu khác.
1.9. DỰ KIẾN NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN VĂN
1.9.1. Hệ thống hoá một số vấn đề lý luận cơ bản về nghèo đói, xoá đói
giảm nghèo;
1.9.2. Phân tích đặc trưng kinh tế - xã hội của các hộ nghèo theo chuẩn
nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2006-2010 của tỉnh Bắc Kạn;
1.9.3. Phân tích, đánh giá mối liên hệ giữa đặc trưng kinh tế - xã hội của hộ
nghèo với tình trạng và mức độ nghèo đói, tìm hiểu những khó khăn và nhu cầu
được trợ giúp của hộ nghèo nhằm xoá đói giảm nghèo bền vững;
1.9.4. Trên cơ sở những vấn đề lý luận và đánh giá thực tiễn, tác giả đưa ra
những dự báo về xu hướng nghèo đói, bước đầu đề xuất một số khuyến nghị,
giải pháp cho công cuộc xoá đói giảm nghèo trong thời gian tới.

1.10. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN
Ngoài phần mở đầu, kết luận và khuyến nghị, kết cấu của luận văn bao gồm
các phần chính sau:
Chƣơng 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài

11
1.2. Cơ sở lý luận của đề tài
1.2. Tổng quan về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Kạn
1.3. Một số khái niệm công cụ của đề tài
Chƣơng 2. Đặc trƣng kinh tế của hộ nghèo tại tỉnh Bắc Kạn
Chƣơng 3. Đặc trƣng xã hội của hộ nghèo tại tỉnh Bắc Kạn

1.11. GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU
Giả thuyết 1: Tình trạng nghèo đói của các hộ gia đình được khảo sát thể
hiện rất đa dạng qua các đặc trưng kinh tế và xã hội của hộvì vậy việc thu thập
và theo dõi các đặc trưng kinh tế và xã hội của hộ nghèo là một công cụ hiệu quả
cho việc nhận diện, quản lý hộ nghèo và xoá đói giảm nghèo bền vững;
Giả thuyết 2: Đa số hộ nghèo đã nhận thức được cách thức vươn lên, thoát
khỏi tình trạng nghèo đói của mình tuy nhiên họ vẫn cần có những thiết chế, tổ
chức hướng dẫn, hỗ trợ về các loại nguồn vốn để khắc phục tình trạng nghèo
đói, tiến tới vươn lên thoát nghèo bền vững.
Giả thuyết 3: Nghèo đói vẫn tiếp tục là thách thức lớn đối với Bắc Kạn
trong thời gian tới và đặc biệt trầm trọng đối với nhóm dân tộc thiểu số. Để xoá
đói giảm nghèo bền vững cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm giúp người
nghèo phát huy nội lực, nâng cao khả năng tự vươn lên thoát nghèo, giảm thiểu
nguy cơ dễ bị tổn thương của người nghèo.

12
1.12. KHUNG LÝ THUYẾT NGHIÊN CỨU














ĐIỀU KIỆN KINH TẾ – CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

ĐẶC TRƯNG KINH
TẾ CỦA HỘ NGHÈO
ĐẶC TRƯNG XÃ HỘI CỦA HỘ
NGHÈO
Thu nhập
Chi tiêu
Đất đai, tài sản
và điều kiện
sinh hoạt
Tình trạng
HĐKT, việc
làm
Thành phần
dân tộc
Quy mô và
kiểu loại gia

đình
Khía cạnh giới,
tuổi, tình trạng
hôn nhân
Trình độ học
vấn, chuyên
môn kỹ thuật
TÌNH TRẠNG VÀ MỨC ĐỘ NGHÈO ĐÓI CỦA HỘ

13
PHẦN 2
NỘI DUNG CHÍNH

CHƢƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

1.1. Cơ sở lý luận của đề tài
1.1.1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tƣ tƣởng Hồ Chí
Minh về nghèo đói và xoá đói giảm nghèo
1.1.1.1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin
Theo quan điểm Mác xít: “Loài người trước nhất cần phải có cái ăn, có
chỗ trú ẩn, có cái mặc trước khi có thể đeo đuổi chính trị, khoa học, nghệ
thuật, tôn giáo ”[43, 57].
Quan điểm của Karl Marx về nghèo đói thể hiện trong lý luận của ông về
nguyên tắc phân phối trong chủ nghĩa xã hội. Theo Marx trong điều kiện của
chủ nghĩa xã hội, sự phân phối công bằng theo nguyên tắc mỗi người sản
xuất sẽ được nhận trở lại từ xã hội một số lượng vật phẩm tiêu dùng trị giá
ngang với số lượng lao động mà anh ta đã cung cấp cho xã hội (sau khi đã
khấu trừ số lao động của anh ta cho các quỹ xã hội) chẳng những chưa loại
trừ được, mà vẫn còn hàm chứa trong nó sự chấp nhận một tình trạng bất
bình đẳng nhất định giữa các thành viên trong xã hội, vì “với một công

việc ngang nhau và do đó, với một phần tham dự như nhau vào quỹ tiêu
dùng của xã hội, thì trên thực tế, người này vẫn lĩnh nhiều hơn người kia,
người này vẫn giàu hơn người kia ”, thành thử “muốn tránh tất cả những
thiếu sót ấy thì quyền là phải không bình đẳng, chứ không phải là bình
đẳng”. Đó vừa là ưu việt, vừa là thiếu sót của nguyên tắc phân phối theo
lao động - một thiếu sót, theo C.Mác, là không thể tránh khỏi trong giai
đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa [13, 35].

14
Marx và Engel đã chỉ ra một xã hội cộng sản chủ nghĩa (xã hội không có
người nghèo, của cải tuôn ra nhiều như nước, mỗi người làm theo năng lực,
hưởng theo nhu cầu): sự tự do phát triển của mỗi người là điều kiện cho sự tự
do phát triển của tất cả mọi người.
Karl Marx nhấn mạnh nguyên nhân của sự nghèo đói nằm trong cách
thức tổ chức đời sống sản xuất của con người. Do sự phân công lao động, sự
phân chia giai cấp, sự áp bức và bóc lột người nên trong xã hội có sự bất
bình đẳng với một thiểu số người thống trị đa số người khác, trong đó có
nhiều người rơi vào cảnh nghèo khổ. Quan niệm của ông đã mở ra hướng
nghiên cứu về ảnh hưởng của phương thức sản xuất, của sự phân công lao
động và cấu trúc xã hội đối với sự nghèo khổ. Vấn đề đặt ra là phải biến đổi
phương thức sản xuất và cấu trúc xã hội theo hướng tạo ra sự công bằng,
bình đẳng và tự do cho mọi người [19, 233].
1.1.1.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngay từ khi nước ta mới giành được độc lập (1945), Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã dành sự quan tâm sâu sắc đến việc chăm lo cuộc sống cho người lao
động nghèo khổ, lực lượng cơ bản của cách mạng vừa thoát khỏi cảnh nô lệ,
bị áp bức, bóc lột. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đói nghèo như là một thứ
“giặc”, Người kêu gọi toàn dân cùng Chính phủ tập trung lực lượng để chống
lại ba thứ giặc là giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, trong đó giặc đói được
Người đặt lên hàng đầu với lý do: "Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước

Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nhưng nếu nước ta được độc lập mà dân không
được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập đó chẳng có ý nghĩa gì". Người đã
nhấn mạnh đến bổn phận của Nhà nước phải chăm lo cho dân có cơm ăn, áo
mặc, chỗ ở và việc học hành. Người nói: "Chúng ta dành được tự do, độc lập
rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ
biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng
ta phải thực hiện ngay:

15

1. Làm cho dân có ăn
2. Làm cho dân có mặc
3. Làm cho dân có chỗ ở
4. Làm cho dân có học hành
Cái mục đích chúng ta đi đến là 4 điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng
đáng với tự do độc lập, và giúp sức được cho tự do độc lập" [4, 152].
Người còn dạy rằng: “Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân
dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm,
được ấm no và sống một đời hạnh phúc”. Người cũng chủ trương khuyến
khích mọi người làm giàu với mục tiêu:
Làm cho người nghèo thì đủ ăn.
Người đủ ăn thì khá giàu.
Người khá giàu thì giàu thêm.
Tư tưởng trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt
trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về xoá đói giảm
nghèo, nhất là trong thời kỳ đổi mới.
1.1.2. Chủ trƣơng của Đảng và Nhà nƣớc về xoá đói giảm nghèo
Chủ trương của Đảng ta trong Nghị quyết Đại hội VI là “vấn đề lương
thực phải được giải quyết một cách căn bản”. Đây là một chủ trương cực kỳ
quan trọng, có tính chất đột phá, liên quan đến an ninh lương thực và tấn công

vào đói nghèo, nhất là đói nghèo “về lương thực thực phẩm” (đói nghèo tuyệt
đối) khá phổ biến ở nước ta những năm đầu đổi mới.
Nghị quyết Đại hội VII của Đảng đã chỉ rõ: “Cùng với quá trình đổi mới,
tăng trưởng kinh tế phải tiến hành công tác xoá đói giảm nghèo, thực hiện
công bằng xã hội, tránh sự phân hoá giàu nghèo quá giới hạn cho phép”. Tư

16
tưởng chỉ đạo trong xoá đói giảm nghèo thời kỳ này là “đảm bảo vững chắc
nhu cầu lương thực, khắc phục tình trạng thiếu đói thường xuyên và nạn đói
giáp hạt ở một số vùng”. Tức là tập trung vào giải quyết cơ bản “đói nghèo
tuyệt đối”, đói nghèo về “lương thực thực phẩm”.
Nhận thức về tầm quan trọng của sự nghiệp xoá đói giảm nghèo trong
công cuộc đổi mới và về mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân
chủ, văn minh, đồng chí Lê Khả Phiêu, Tổng bí thư Ban chấp hành Trung
ương Đảng cộng sản Việt Nam, tại Hội nghị triển khai chương trình 133 và
135 ngày 6 - 7/1/1999 đã nhấn mạnh: "Vấn đề nghèo đói không được giải
quyết thì không một mục tiêu nào mà cộng đồng quốc tế, cũng như quốc gia
đặt ra như tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống, hoà bình, ổn định, đảm bảo
các quyền con người được thực hiện".
Nghị quyết đại hội VIII của Đảng đã xác định rõ xoá đói giảm nghèo là
một trong những chương trình phát triển kinh tế – xã hội vừa cấp bách trước
mắt, vừa cơ bản lâu dài và nhấn mạnh “phải thực hiện tốt chương trình xoá
đói giảm nghèo, nhất là đối với vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân
tộc. Xây dựng và phát triển quỹ xoá đói giảm nghèo bằng nhiều nguồn vốn
trong nước và nước ngoài, quản lý chặt chẽ, đầu tư đúng đối tượng và có hiệu
quả”. Lần đầu tiên trong Nghị quyết đại hội Đảng đã đưa ra chỉ tiêu về xoá
đói giảm nghèo đến năm 2000 và các năm tới: “Giảm tỷ lệ đói nghèo xuống
còn khoảng 10% vào năm 2000, bình quân giảm 300 ngàn hộ/năm. Trong 2-3
năm đầu của kế hoạch 5 năm, tập trung xoá cơ bản hộ đói kinh niên”.
Đến Đại hội IX, nhận thức của Đảng ta về xoá đói giảm nghèo được

nâng lên tầm cao mới, đặt xoá đói giảm nghèo trong chiến lược phát triển
kinh tế xã hội thời kỳ 2001-2010 và nhấn mạnh làm tốt công tác xoá đói giảm
nghèo sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, giữ gìn và
phát huy truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, tích cực phát triển và bảo vệ
môi trường, góp phần ổn định và phát triển bền vững đất nước, từng bước hội

17
nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hoá. Đảng ta luôn chủ trương “khuyến
khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xoá đói giảm nghèo”. Nhưng đến đại hội
IX, nhận thức của Đảng ta về xoá đói giảm nghèo chuyển dần sang hướng xoá
đói giảm nghèo bền vững và gắn với phát triển. Mục tiêu chiến lược xoá đói
giảm nghèo thời kỳ 2001-2010 mà đại hội IX đề ra là “cơ bản xoá đói, giảm
mạnh số hộ nghèo, phấn đấu đến năm 2010 về cơ bản không còn hộ nghèo.
Thường xuyên củng cố thành quả xoá đói giảm nghèo". Mục tiêu cụ thể kế
hoạch 5 năm 2001-2005 là cơ bản xoá hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới
10% (theo chuẩn nghèo năm 2001) vào năm 2005.
Có thể nói rằng, chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về xoá
đói giảm nghèo thể hiện rất rõ quan điểm có tính chất chiến lược, xuyên suốt
và nhất quán của Đảng ta là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo đảm tiến bộ
và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển, góp phần thực hiện mục
tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.
1.1.3. Các lý thuyết vận dụng nghiên cứu
1.1.3.1. Lý thuyết phân tầng xã hội
Xã hội học hiện đại, kể cả xã hội học hiện đại phương Tây nói chung đều
thừa nhận có hai ông tổ về lý thuyết phân tầng xã hội - đó là Karl Marx và
Max Weber. Bởi lý thuyết của các ông tổng hợp lại đã cung cấp cho người ta
những nhận thức rất cơ bản về tiền đề và điều kiện (hay những nhân tố về
kinh tế, chính trị, văn hóa) dẫn đến sự phân chia xã hội thành các giai cấp và
tầng lớp khác nhau.
a. Lý thuyết phân tầng xã hội của Karl Marx (1818-1883):

Theo tập thể tác giả cuốn Nhập môn xã hội học (Tony Bilton và cộng sự)
được đánh giá là một cuốn sách giáo khoa tốt nhất, tổng hợp nhất và có giá trị
nổi bật, thì “Marx đã cung cấp cho xã hội học và chính trị học hiện đại một
trong những tiếp cận lý thuyết phân tầng bao quát và mạnh mẽ nhất… Điều

18
chắc chắn là bất cứ lý thuyết phân tầng nào đều vay mượn của Marx cách lý
giải về giai cấp, ngay dù xã hội học đó kết thúc bằng cách bài bác mục tiêu
của Marx như là sai lầm và bị lịch sử vượt qua. Lý do món nợ là ở chỗ học
thuyết của Marx về xã hội học chủ yếu dựa trên sự nghiên cứu của các mối
quan hệ kinh tế, và các quan hệ kinh tế này lại tạo thành nền tảng của các
giai cấp… Các giai cấp đó vượt quá các “nhóm thu thập”, chúng được tạo ra
theo cung cách mà nền sản xuất được tổ chức về mặt xã hội” [43, 56].
Thật ra, Marx không đưa ra một chỉ dẫn riêng về các nhân tố dẫn đến
phân tầng xã hội, nhưng qua các tác phẩm tiêu biểu của ông - từ Bản thảo
kinh tế-triết học 1844 đến Tuyên ngôn Cộng sản, từ Phê phán khoa chính trị
kinh tế học đến bộ Tư bản đồ sộ - ta có thể thấy trong quan niệm của Marx, sự
phân chia cốt yếu giữa các giai cấp trong một xã hội nhất định đều bắt nguồn
từ quyền sở hữu tài sản về tư liệu sản xuất. Quyền sở hữu này lại mang
những hình thức khác nhau do tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất xã
hội quy định [31, 107]. Marx viết: “Do có được những lực lượng sản xuất
mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất của mình… Cái cối xay bằng
tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay bằng hơi nước đưa lại xã hội có
nhà tư bản công nghiệp” [12, 187].
Trong xã hội phong kiến, lãnh chúa có quyền thu lấy toàn bộ sản phẩm
thặng dư do nông dân sản xuất ra trên mảnh đất thuộc quyền sở hữu của lãnh
chúa. Thu nhập của người nông dân lĩnh canh chỉ là phần sản phẩm tất yếu ít
ỏi còn lại mà thôi. Trong xã hội tư bản, nhà tư sản có quyền chỉ huy lao động
và chiếm hữu phần giá trị thặng dư do công nhân tạo ra. Theo Marx, sở dĩ nhà
tư sản có được quyền đó “không phải nhờ những phẩm chất cá nhân hay

phẩm chất con người của hắn, mà chỉ có được với tư cách là người sở hữu tư
bản” [14, 89]. Còn người công nhân vì không có ruộng đất, không có tư liệu
sản xuất trong tay nên phải bán sức lao động cho nhà tư sản. Khả năng của
người công nhân để lao động (năng lực lao động) tự nó là một hàng hoá trên

19
thị trường, được mua với cái giá ít nhất để nhà tư bản tuỳ ý sử dụng [43, 59].
Người công nhân chỉ nhận được mức tiền công ngang với giá trị sức lao động
của mình (theo giá cả được thỏa thuận trên thị trường), cho dù sức lao động
này có khả năng tạo ra một giá trị lớn hơn giá trị của bản thân nó. Trong điều
kiện như thế, “toàn bộ xã hội không tránh khỏi phân chia thành hai giai cấp -
những người sở hữu và những công nhân không có sở hữu”.
Nêu bật nhân tố hàng đầu của phân tầng xã hội là quyền sở hữu tài sản,
Marx (và cả F. Engel) còn lưu ý đến nhân tố phân công lao động xã hội (như
phân công giữa lao động trí óc và lao động chân tay, phân công giữa nông
nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp) mà bản thân nhân tố này lại có mối
quan hệ tác động qua lại với lực lượng sản xuất xã hội và do đó với quyền sở
hữu tài sản.
Điều đó giải thích tại sao, trong khi tập trung phân tích hai giai cấp chủ
yếu trong xã hội tư bản là tư sản và vô sản, vào thời đại của mình, Marx
không hề bỏ qua các giai tầng xã hội khác như: giai cấp địa chủ, giai cấp nông
dân sản xuất nhỏ; tầng lớp tăng lữ, tầng lớp trí thức xuất thân từ các giai cấp
khác nhau; tầng lớp công nhân “quí tộc”, tầng lớp vô sản “lưu manh” trong
bản thân giai cấp công nhân… [31, 108].
b. Lý thuyết phân tầng xã hội của Max Weber (1864-1920)
Cũng là một người Đức nhưng thuộc thế hệ hậu sinh của Marx, Weber
đã đưa ra lý thuyết phân tầng của mình, trong đó vừa có điểm “vay mượn”
của Marx vừa có những điểm phát triển thêm.
Mặc dù không tán thành mục tiêu chính trị của Marx, hơn nữa còn phê
phán quan điểm của Marx cho rằng những quan hệ kinh tế (chủ yếu là quan

hệ sở hữu) luôn luôn tác động đến cấu trúc xã hội, xem đó là quan điểm “xã
hội học một chiều” không đủ khả năng giải thích thỏa đáng sự phức tạp trọn
vẹn của xã hội và sự thay đổi của xã hội [43, 65], song khi bàn đến cơ cấu xã

20
hội dưới chủ nghĩa tư bản, Weber cũng phải thừa nhận rằng chính những quan
hệ kinh tế đã hình thành nên cơ sở của sự bất bình đẳng, tức là tạo tiền tề và
điều kiện cho sự phân chia xã hội thành các giai cấp khác nhau. Chỉ có điều
“Weber nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường như là cơ sở kinh tế cho
giai cấp hơn là tài sản. Với ông, nguyên nhân đầu tiên của bất bình đẳng
trong chủ nghĩa tư bản là khả năng thị trường - đấy là những kỹ năng mà
người làm thuê mang ra thị trường lao động. Những khác biệt trong phần
thưởng giữa các nghề nghiệp kết quả từ kỹ năng hiếm hoi mà nhóm nghề
nghiệp cần giữ. Nếu kỹ năng được quá cầu thì tiền thưởng sẽ cao” [43, 65].
Và người có điều kiện để thuê những kỹ năng ấy không phải là ai khác ngoài
người có sở hữu tài sản trong tay.
Weber còn đưa ra khái niệm cơ may đời sống, chỉ tất cả các phần thưởng
và lợi thế nào do khả năng thị trường đem đến. Những cơ may đời sống bao
gồm thu nhập, phụ cấp, bảo hiểm… Bởi vậy chúng ta có thể phân biệt những
nhóm có khả năng thị trường tương tự và những nhóm này có thể gọi là giai
cấp.
Như vậy, dù lập luận vòng vo thế nào, Weber cũng không thể không
đồng ý với Marx rằng sự phân tầng xã hội cốt yếu trong chủ nghĩa tư bản là
quyền tư hữu các phương tiện sản xuất và những thị trường cho hàng hóa, kể
cả hàng hóa sức lao động. Sự khác biệt cốt yếu chỉ là ở chỗ Marx nhấn mạnh
nhân tố thứ nhất, còn Weber thì nhấn mạnh nhân tố thứ hai [43, 66].
Nếu có những điểm mới trong lý thuyết phân tầng của Weber thì những
điểm đó được thể hiện chủ yếu trong tiểu luận “Giai cấp, địa vị và đảng”. Ở
tác phẩm này, Weber cho rằng sự bất bình đẳng trong xã hội có thể không
dựa trên cơ sở những mối quan hệ kinh tế, nhưng lại dựa trên uy tín hay

quyền lực chính trị được huy động thông qua một đảng. Khác với Marx
xem quyền lực kinh tế của nhà tư bản có thể đem đến cho hắn cả quyền lực
chính trị nữa, Weber cho rằng quyền lực chính trị có thể xuất phát từ quyền

×