Tải bản đầy đủ (.doc) (12 trang)

Dạy học tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (Tác giả Nguyễn Minh Châu - SGK Ngữ văn 12, Tập 2) theo hướng đổi mới

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (149.35 KB, 12 trang )

PHẦN I: LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1. Yêu cầu đổi mới phương pháp và thực trạng dạy học môn Ngữ văn
trong trường phổ thông.
Những năm gần đây, giáo dục đã có những đổi mới quan trọng. Năm 2003
chương trình sách giáo khoa môn Ngữ văn THPT được thiết kế điều chỉnh. Từ đó
phương pháp dạy học cũng thay đổi. Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành
nêu rõ "Phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù
hợp với đặc trưng môn học, đặc điểm đối tượng học sinh, điều kiện từng lớp học;
bồi dưỡng cho học sinh phương pháp tự học, khả năng hợp tác; rèn luyện kĩ năng
vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng
thú và trách nhiệm học tập cho học sinh"
Trong các môn học ở trường phổ thông, môn Ngữ văn là môn học có đặc
trưng riêng: vừa có tính nghệ thuật vừa có tính môn học, đặc biệt là giờ học về tác
phẩm văn chương. Bởi mỗi tác phẩm văn học không chỉ có thông tin thẩm mĩ mà
còn là một văn bản văn hoá chứa đựng thông tin về con người, về xã hội, về cuộc
sống trong mỗi hoàn cảnh, thời đại lịch sử, mỗi đất nước khác nhau. Mỗi tác phẩm
văn học chân chính đều có xu hướng khuếch trương cái đẹp làm cho nó trở nên
đẹp hơn, khơi dậy khát vọng vươn tới lí tưởng cao đẹp, đồng thời nhà văn cũng
phóng đại tô đậm cái xấu, cái ác làm cho nó trở nên đáng ghê sợ để người đọc
nhận mặt nó, khinh ghét và phủ nhận nó, trước hết là trong tác phẩm sau đó là
ngoài cuộc đời. Giờ học văn sẽ khơi dậy những cảm xúc tích cực, nuôi dưỡng tình
cảm thẩm mĩ lành mạnh, giữ cho tâm hồn các em luôn mới mẻ, nhạy cảm với vẻ
đẹp của thiên nhiên và cuộc sống. Và khi mỗi học sinh đã biếtcảm nhận cái hay,
cái đẹp cũng như cái xấu, cái ác trong tác phẩm thì các em sẽ không bao giờ
nguôi lạnh, thờ ơ trước số phận con người. Ngược lại các em sẽ biết đồng cảm,
biết căm giận, biết tha thiết hướng về những điều tốt đẹp. Nói tóm lại giảng dạy
văn chương là bộ phận không thể thiếu trong việc hình thành nhân cách học sinh
trong nhà trường. Con đường nhận thức của học sinh là đi từ việc " hiểu thế giới
bên ngoài để hiểu chính mình, nhận thức để tự nhận thức" ( Phan Trọng Luận).
1
Nhưng để tác phẩm văn học tác động đến tâm hồn học sinh không phải là điều dễ


dàng.
Hiện nay, có một thực tế không thể phủ nhận là học sinh tỏ ra lạnh nhạt với
môn Ngữ văn. Đa số học sinh mang tâm lí đối phó khi học bài. Các em học để thi,
để hoàn thành một môn học bắt buộc chứ không học với niềm hứng thú say mê.
Có nhiều lí do, nguyên nhân khiến cho việc học môn Văn trở nên khó khăn,
kém hấp dẫn đối với học sinh, trong đó theo tôi nguyên nhân chủ yếu là phương
pháp dạy học. Một thời gian dài, phương pháp dạy học Văn truyền thống nặng về
cung cấp kiến thức, thầy giảng - trò nghe, ghi chép đã làm mất tính tích cực, chủ
động của học sinh. Mấy năm gần đây để nâng cao chất lượng giáo dục, chúng ta
đã nỗ lực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học trong đó có đổi mới dạy học
môn Ngữ văn. Các phương pháp dạy học tích cực được giáo viên vận dụng. Tuy
nhiên đổi mới, đưa các phương pháp dạy học mới vào giờ học cũng gặp nhiều khó
khăn: thời lượng cho mỗi bài học rất chặt chẽ, trình độ giáo viên, môi trường học
tập cụ thể của học sinh Vì thế, hiệu quả giờ học chưa cao.
2. Thực tế dạy học bài " Chiếc thuyền ngoài xa" trong chương trình lớp
12- THPT.
Trong phạm vi bài viết này, tôi xin nêu cụ thể thực trạng dạy học tác phẩm "
Chiếc thuyền ngoài xa " của Nguyễn Minh Châu trong sách giáo khoa Ngữ Văn
lớp 12,tập hai.
Nguyễn Minh Châu là nhà văn có nhiều tác phẩm chiếm được cảm tình và sự
trân trọng của bạn đọc. Năm 1991, trong chương trình cải cách giáo dục, truyện
ngắn " Mảnh trăng cuối rừng " của ông lần đầu tiên có mặt trong sách giáo khoa
Ngữ văn 12 và được giảng dạy đến năm 2007. Năm 2005, truyện ngắn " Chiếc
thuyền ngoài xa" được đưa vào SGK thí điểm. Năm 2008 chính thức có mặt trong
SGK Ngữ văn 12-THPT với thời lượng3 tiết ( tiết 69,70,71). Đây là một trong
những sáng tác tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Minh Châu và của văn học Việt
nam thời kì đổi mới. Vậy việc dạy học tác phẩm này như thế nào? Qua khảo sát và
thực tế giảng dạy của bản thân tôi nhận thấy việc dạy học tác phẩm này còn tồn tại
những bất cập sau:
2

- Đi theo hình thức quen thuộc, mang những đặc điểm của phương pháp dạy
học truyền thống biểu hiện ngay ở câu hỏi phần hướng dẫn học bài trong sách giáo
khoa và thiết kế dạy học của giáo viên. Cụ thể:
+ Trong SGK có 6 câu hỏi thì câu 1 và 2 là câu tái hiện đơn giản, câu 3 và 4
có nội dung trùng lặp, câu 5 và 6 yêu cầu nhận xét về nghệ thuật. Hệ thống câu hỏi
này chưa phát huy được tính chủ động tích cực của học sinh trong việc khám phá
tác phẩm.
+ Phần thiết kế dạy học của giáo viên theo khuôn mẫu có tính áp đặt: Thầy
phát hiện vấn đề, cảm thụ theo hướng nào thì yêu cầu học sinh cũng phải đi theo
hướng đó.
VD: Phần hướng dẫn dạy học trong cuốn " Dạy học theo chuẩn kkiến thức kĩ
năng môn Ngữ văn" - NXB Đại học Sư phạm cũng hướng học sinh tìm hiểu các
nội dung được ghi thành đề mục ( mục 2.2 - phân tích và bình giá).
a. Hai phát hiện của nghệ sĩ nhiếp ảnh.
b. Câu chuyện của người đàn bà ở toà án huyện.
c. Tấm ảnh được chọn trong " bộ lịch năm ấy "
Đi theo trình tự trên giờ học khó đạt được hứng thú và kích thích tư duy sáng
tạo của học sinh. Bởi những nội dung đó đã được gợi ý trong các sách tham khảo,
sách để học tốt Học sinh không cần suy nghĩ, không hứng thú thậm chí không
đọc tác phẩm mà vẫn trả lời rành mạch các câu hỏi trong SGK hoặc do giáo viên
đưa ra. Giờ học đối với học sinh trở nên nhàm chán, không hiệu quả.
Vậy làm thế nào để khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh, tạo hiệu quả cho
giờ đọc - hiểu một tác phẩm văn học, đặc biệt là đọc -hiểu một tác phẩm hay như
" chiếc thuyền ngoài xa". Làm thế nào để giờ học không chỉ cung cấp kiến thức
mà còn giúp các em hình thành phương pháp nghiên cứu, tư duy khoa học, đặc
biệt là hình thành năng lực tích cực, chủ động tìm tòi khám phá phát hiện vấn đề?
Thiết nghĩ, cần phải thay đổi, phải đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp với
từng bài cụ thể.
Vì những lí do trên, qua quá trình giảng dạy, tôi xin đề xuất hướng đổi mới
dạy học bài " Chiếc thuyền ngoài xa" trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn

lớp 12,tập hai.
3
Phần II: DẠY HỌC BÀI
"CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA" THEO HƯỚNG ĐỔI MỚI.
1. Định hướng đổi mới.
a. Không tổ chức bài học theo trình tự các câu hỏi trong sách giáo khoa, phần
hướng dẫn học bài. Chỉ nên coi đó là những gợi ý để học sinh đọc tác phẩm.
b. Không áp đặt, buộc học sinh phải tìm hiểu tác phẩm theo trình tự mà giáo
viên đã vạch sẵn trong thiết kế bài học của mình.
c. Tổ chức dạy học theo hướng mở, giờ học trở thành giờ đọc, đối thoại, tranh
luận về tác phẩm để cùng khám phá nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Bởi ý
nghĩa của tác phẩm văn chương rất khó xác định. Lịch sử phê bình tiếp nhận văn
học cho thấy ý nghĩa tác phẩm ý nghĩa tác phẩm có khi được qui về ý đồ sáng tạo,
tức là ở phương diện ý thức của tác giả, có khi được đẩy sang bình diện ý thức của
người đọc, tức là nằm trong ý đồ giải thích của công chúng, có khi lại cô lập chỉ
coi là có trong văn bản cắt đứt với ý đồ nhà văn, với sự cắt nghĩa của người đọc,
với cội nguồn đời sống. Vì vậy ngày nay người ta có thể xét ý nghĩa tác phẩm
trong ba quan hệ: Ý nghĩa mà nhà văn muốn gửi gắm; ý nghĩa vốn có trong văn
bản, tương quan với một hiện thực nào đó; ý nghĩa đối với mối quan hệ của người
đọc đặt vào văn bản. Điều đó cho thấy văn bản văn chương mang tính đa nghĩa.
Theo Bakhtin, ý nghĩa tác phẩm không nằm trong ý rhức của tác giả, không
vốn có trong tác phẩm, trong ý thức người đọc mà nằm trong sự tương tác qua tại
giữa tác giả-người đọc trên cơ sở những tín hiệu nghệ thuật mà tác giả phát ra
trong tác phẩm. Cho nên chỉ qua đối thoại, tranh luận, ý nghĩa tác phẩm mới nảy
sinh, bộc lộ một cách phong phú, đa dạng, giàu có hơn.
2. Mô tả các bước tiến hành dạy học bài "Chiếc thuyền ngoài xa" theo
hướng đổi mới.
Hoạt động 1: Tìm hiểu vài nét về tác giả, tác phẩm.
* Giáo viên: Yêu cầu học sinh giới thiệu ngắn gọn những nét chính về tác giả
Nguyễn Minh Châu và truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa"

*Học sinh: Trên cơ sở thông tin trong sách giáo khoa, hiểu biết của bản thân
giới thiệu về tác giả, tác phẩm.
4
* Giáo viên: Nhận xét, bổ sung và nhấn mạnh những kiến thức trọng tâm.
1. Tác giả Nguyễn Minh Châu.
- Được đánh giá là nhà văn "thuộc trong số những nhà văn mở đường tinh
anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay" ( Nguyên Ngọc). Sự tinh anh và tài
năng ấy thể hiện trước hết ở quá trình đổi mới tư duy nghệ thuật.
+ Trước năm 1975: Nguyễn Minh Châu là ngòi bút sử thi có khuynh
hướng lãng mạn. Những tác phẩm tiêu biểu như Cửa sông (1967), Dấu chân người
lính (1972), Mảnh trăng cuối rừng
+ Sau 1975: Nguyễn Minh Châu được coi là môt trong những cây bút tiên
phong của văn học thời kì đổi mới, đi sâu khám phá sự thật đời sống ở bình diện
đạo đức thế sự. Tác phẩm tiêu biểu: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành
(1983), Bến quê (1985), Cỏ lau (1987)
- Năm 2000, Nguyễn minh Châu được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn
học nghệ thuật.
2. Truyện ngắn: Chiếc thuyền ngoài xa.
- Nằm trong xu hướng nghệ thuật chung của văn học thời kì đổi mới: hướng
nội, khai thác sâu sắc số phận cá nhân trong muôn mặt đời thường. đay là tác
phẩm in đậm phông cách tự sự - triết lí của nguyễn Minh Châu.
Hoạt động 2: Đọc hiểu văn bản.
Bước 1: Yêu cầu học sinh đọc và tóm tắt tác phẩm.
Bước 2: Gợi mở, định hướng tìm hiểu tác phẩm.
* Giáo viên: Sau khi đọc em có suy nghĩ, hứng thú tìm hiểu điều gì trong
tác phẩm?
* Học sinh: Phát biểu cảm nhận của bản thân.
* Giáo viên: Nghe, kết hợp ghi nhanh lên phần bảng nháp những vấn đề
học sinh nêu ra. Sau đó nhận xét phân loại vấn đề và định hướng cho các em tìm
hiểu những tín hiệu nghệ thuật nổi bật, những vấn đề trọng tâm bộc lộ nội dung, tư

tưởng, chủ đề của tác phẩm. Cụ thể. có thể cho học sinh tìm hiểu những vấn đề
sau:
5
- Tình huống truyện.
- Quá trình nhận thức của Phùng và Đẩu.
- Nhân vật người đàn bà hàng chài.
Bước 3: Tổ chức cho học sinh đối thoại, tranh luận về các vấn đề trên.
Vấn đề 1: Tình huống truyện.
* Giáo viên nêu vấn đề: Truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" được tổ chức
xung quanh một tình huống truyện như thế nào? Nhận xét về cách tạo tình huống
truyện của Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm này?
* Học sinh: Trao đổi với nhau, phát biểu ý kiến.
* Giáo viên: Tổng hợp các ý kiến, có thể cho học sinh tự nhận xét sau đó định
hướng cho các em hiểu về tình huống truyện của tác phẩm.
- Có ý kiến cho đây là tình huống nhận thức, có người lại cho là tình
huống nghịch lí, hoặc cho là cả hai nhưng không đồng đẳng. Và quả thực qua câu
chuyện của gia đình hàng chài thấy nổi lên tình thế nghịch lí: Chồng đánh vợ, con
đánh bố, người vợ bị chồng đánh mà vẫn nín nhịn, còn xin đưa lên bờ mà đánh
- Nhưng sự kiện bao trùm cả thiên truyện không phải là cuộc sống nghịch
lí của gia đình thuyền chài mà là chuyến đi thực tế đến làng chài của Phùng chụp
một bức ảnh theo yêu cầu của trưởng phòng. Trong chuyến đi này Phùng đã phát
hiện ra những nghịch lí, làm phá vỡ những nhận thức lâu nay về thực trạng cuộc
sống, về sự trái ngược của hiện thực cuộc sống với ý đồ nghệ thuật của trưởng
phòng. Trong vai người kể chuyện Phùng không chỉ kể về những nghịch cảnh
trong gia đình hàng chài mà còn trình bày những "vỡ lẽ" trong hành trình nhận
thức quanh co mà cả người nghệ sĩ, vị thẩm phán trải qua. Vì vậy tình huống bao
trùm thiên truyện là tình huống nhận thức, còn tình huống nghịch lí của gia đình
hàng chài chỉ là một tình huống nhỏ được lồng trong đó.
Tác giả đã tạo ra một tình huống truyện vừa đan lồng ( tình huống nhỏ lồng
trong tình huống lớn) vừa đồng tâm ( cả người nghệ sĩ lẫn thẩm phán đều trải qua

hành trình nhận thức quanh co để vỡ ra chân lí) mang ý nghĩa khám phá phát hiện
về đời sống là nét độc đáo trong cách tổ chức tình huống truyện của tác phẩm. tình
huống truyện như vậy vừa tạo hấp dẫn, vừa làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác
phẩm.
6
Vấn đề 2: Quá trình nhận thức của hai nhân vật Phùng, Đẩu và thông
điệp nhà văn muốn thể hiện.
a. Nhân vật Phùng.
* Học sinh: Tìm hiểu, thảo luận, nêu ý kiến về các vấn đề:
+ cảm nhận về nhân vật Phùng?
+ Những phát hiệncủa Phùng trong chuyến đi thực tế này đã giúp anh
nhận thức ra điều gì?
* Giáo viên nghe các ý kiến, tổ chức cho học sinh tự nhận xét, đối thoại với
nhau, cuối cùng đưa ra định hướng để có kết luận thống nhất.
- Ấn tượng về nhân vật Phùng: Say mê với nghề, cảm nhận và trân trọng
cái đẹp; dũng cảm trước cái xấu, cái ác; còn đơn giản trong cách nhìn nhận cuộc
sống và con người
- Nhận thức của Phùng sau những gì đã chứng kiến, phát hiện trong
chuyến đi.
+ Chứng kiến đến hai lần cảnh bạo hành dã man của gia đình hàng chài.
Ngay sau khi phát hiện và được chiêm ngưỡng một "cảnh đắt trời cho" một cảch
đẹp khiến người ta như được thanh lọc tâm hồn, Phùng đã vỡ ra nhiều điều trong
nhận thức về cuộc sống về nghệ thuật.
Vẻ đẹp bên ngoài có thể che lấp sự thực bên trong vốn không có gì
đẹp đẽ.
Không thể hiểu cuộc sống nếu chỉ nhìn từ xa, bên ngoài.
Nghệ thuật nếu chỉ chụp ảnh cái vẻ ngoài thì đó là thứ nghệ thuật giả
dối, phù phiếm, phi đạo đức.
+ Nghe câu chuyện người đàn bà hàng chài ở toà án, Một lần nữa Phùng
lại có thêm nhận thức mới mể, sâu sắc về cuộc sống, con người.

Người đàn bà hàng chài không như những gì Phùng nghĩ và nhìn
thấy. Sau sự nhẫn nhục là đức hi sinh vô bờ; sau vẻ ngoài ù lì, thất học là sự thấu
hiểu sâu sắc lẽ đời.
Người đàn ông mà Phùng vẫn đinh ninh là độc ác tàn nhẫn nhất thế
gian, độc ác do đi lính, do rượu chè, do bản tính hoá ra không phải. cái xấu, cái
7
ác lại là do bị cầm tù trong cuộc sống quẩn quanh, đói nghèo, lạc hậu. người đàn
ông đó vừa là tội phạm vừa là nạn nhân.
Hành vi của đứa con - thằng Phác - như là côn đồ, vô học nhưng ẩn
sau đó là tình thương mẹ mãnh liệt.
- Thông điệp: Người nghệ sĩ nếu chỉ nhìn nhận giản đơn, sơ lược thì
không thể phát hiện được cái khuất lấp, bề sâu của cuộc đời và con người. Vì vậy,
người nghệ sĩ phải dấn thân vào cuộc đời, phải có các nhìn bề sâu, đa diện, nhiều
chiều mới có thể phát hiện ra sự thật thường lại bị che lấp bởi vể đẹp bề ngoài, cái
đẹp bị che lấp bởi cái xấu bề nổi của cuộc sống và con người.
b. Nhân vật Đẩu.
* Học sinh trao đổi vấn đề: Đẩu đã suy nghĩ và làm gì để giải quyết lai lịch
của gia đình thuyền chài? cái gì " vừa mới vỡ lẽ ra trong đầu vị bao công của phố
huyện vùng biển " sau khi nghe câu chuyện của người đàn bà hàng chài?
* Giáo viên tổng hợp ý kiến, đưa ra ý thống nhất.
Đẩu là một chánh án và cũng từng là một người lính. Với lối nghĩ thời chiến,
anh tin rằng pháp luật công bằng và thiện chí của mình sẽ giúp thay đổi số phận
người đàn bà hàng chài. Anh đã giáo dục người chồng nhưng không hiệu quả,
đành gợi ý bà ta bỏ chồng nhưng người đàn bà không đồng ý. Đẩu "không thể nào
hiểu được". Sau câu chuyện ở toà án điều anh "vỡ ra" phải chăng là trong cuộc
sống có bao điều tưởng vô lí mà lại thành có lí riêng? Nhiều chuyện ngỡ đơn giản
mà kì thực vô cùng phức tạp? Không thể đem thiện chí, ý chí đơn thuần giải quyết
mà xong.
Vấn đề 3: Nhân vật người đàn bà hàng chài.
* Giáo viên nêu vấn đề cho học sinh tìm hiểu, trao đổi: Em có suy nghĩ gì về

nhân vật người đàn bà hàng chài? Liệu có cách giải quyết nào khác cho bi kịch
cuộc sống gia đình chị không?
* Học sinh trao đổi, nêu ý kiến: Các em có thể đưa ra những ý kiến khác
nhau, có thể trái ngược nhau. Giáo viên hướng các em nhận định dựa trên những
chi tiết cụ thể. Cuối cùng học sinh phải thấy được:
8
- Những thiệt thòi,bất hạnh của người đàn bà hàng chài:ngoại hình xấu xí
với khuôn mặt rỗ,thân hìnhvới những đường nét thô kệch;cuộc sống vất vả lam
lũ,phải chịu sự bạo hành của người chồng
- Phẩm chất đáng trân trọng: Tình thương con, đức hi sinh, lòng bao dung
và sự sâu sắc lẽ đời. Sự lựa chọn của chị ( không hề bỏ người chồng thô bạo,
thường xuyên đánh đập mình dã man) là sự shấp nhận nghịch lí cuộc sống bằng
tất cả nghị lực, tình yêu thương các con và gắn bó với gia đình.
Bước 4: Đối thoại mở rộng về nội dung ý nghĩa tác phẩm.
* Giáo viên nêu vấn đề: Từ những thay đổi trong nhận thức cửa Phùng, Đẩu,
từ hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài, nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn
nói điều gì?
* Học sinh suy nghĩ, thảo luận, nêu được: Điều mà tác giả muốn nói qua tác
phẩm trước hết là bài học về cách nhìn con người, cuộc sống. Cần phải có cái nhìn
đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ bề ngoài của hiện tượng.
* Giáo viên nêu vấn đề: Ngoài việc đem đến bài học đúng đắn về cách nhìn
con người và cuộc sống, truyện ngắn này còn đề cập đến một vấn đề khác của
cuộc sống: Bạo lực gia đình.
Theo em, nguyên nhân của tình trạng bạo lực trong gia đình hàng chài là gì?
các chi tiết lão đàn ồng " rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính nguỵ ngày
xưa" quật tới tấp vào lưng người đàn bà, ngay cạnh " chiếc xe rà phá mìn của
công binh Mĩ" Có phải là gợi ý của tác giả về nguyên nhân bạo lực gia đình
không? Tư tưởng nhân đạo của tác giả khi đề cập đến vấn đề này?
* Học sinh suy nghĩ nêu cách lí giải của mình nhưng phải thấy được:
- Các chi tiết trên là sắp đặt đầy dụng ý của tác giả nhưng không đơn giản

chỉ để ám chỉ cái xấu, cái ác kia như một thứ tàn tích của chiến tranh mà còn chứa
đựng ẩn ý sâu sắc: bạo lực chiến tranh do kẻ thù gây ra chưa lùi xa thì đã sinh ra
một thứ bạo lực khác, dai dẳng và đáng sợ hơn. Vì thứ bạo lực này chà đạp phẩm
giá con người, huỷ hoại nhân tính, tha hoá phẩm chất nhưng lại khó nhận ra, khó
tiêu diệt hợn
9
- Thứ bạo lực ấy sinh ra từ đâu? Qua một người đàn ông có thể thấy nó
nằm sâu trong con người, nó sinh ra từ tình trạng cuộc sống đói khổ, tăm tối, lạc
hậu.
- Đề cập vấn đề bạo lực gia đình, Nguyễn Minh Châu không chỉ làm dấy
lên nỗi thương xót, niềm lo âu trước tình trạng phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, ngược
đãi, nguy cơ trẻ em dễ nhiễm thói thô bạo do bị tổn thương tâm hồn, mất niềm tin
vào gia đình, cuộc sống. Tác giả không chỉ lên án bạo lực , phê phán cái xấu, cái
lạc hậu mông muội, không chỉ tỏ tình yêu thương mà còn cảnh báo một nguy cơ
đáng sợ: nếu không giải phóng con người khỏi đói nghèo, lạc hậu thì không thể
tiêu diệt được cái xấu, cái ác. Đó là chiều sâu nhân đạo của tác phẩm.
Bước 5: Hướng dẫn tìm hiểu vài nét về nghệ thuật như:
- Tình huống truyện.
- Ngôi kể chuyện và điểm nhìn nghệ thuật.
Hoạt động 3: Tổng kết giờ học.
* Giáo viên chốt lại những nội dung kiến thức đã tìm hiểu, đồng thời định
hướng cho học sinh: Khám phá tác phẩm không có con đường duy nhất và cũng
không có giới hạn cuối cùng. các em có thể về nhà tự suy ngẫm thêm về các nhân
vật như người đàn ông hàng chài, đứa con trai, các chi tiết nghệ thuật mang ý
nghĩa biểu tượng như chiếc thuyền ngoài xa, bức ảnh để hiểu sâu sắc hơn nội
dung tư tưởng của tác phẩm.
PHẦN III: KẾT LUẬN
Để một giờ dạy học có hiệu quả, đặc biệt đối với những giờ dạy học mở, rất
cần sự nỗ lực, nghiêm túc và say mê công việc của giáo viên. Sự chuẩn bị chu
đáo, tích cực của học sinh. Trước mỗi giờ đọc - hiểu tác phẩm văn học, giáo viên

cần phải thiết kế được hệ thống câu hỏi hướng dẫn đọc hiểu để học sinh tự đọc tác
phẩm ở nhà, nhờ đó phần trao đổi, thảo luận, thuyết trình trên lớp sẽ sôi nổi,hiệu
quả hơn.
Thực tế giảng dạy luôn nảy sinh sáng tạo và cũng là cơ hội để tích luỹ kinh
nghiệm. tất cả những giáo viên tâm huyết với nghề sẽ luôn trăn trở, tìm tòi những
cách đi, áp dụng những phương pháp dạy học tích cực để giúp học sinh chủ động
10
lĩnh hội kiến thức một cách hiệu quả nhất. Trong quá trình giảng dạy tôi nhận thấy
những giờ đọc hiểu tác phẩm văn học được tổ chức theo hướng mở, học sinh được
đối thoại, tranh luận, được trình bày vấn đề mình quan tâm thì giờ học rất sôi nổi,
tạo được hứng thú, niềm yêu thích môn học cho các em. Truyện ngắn " Chiếc
thuyền ngoài xa" là một truyện ngắn hay, hấp dẫn, có nhiều vấn đề và rất gắn với
thực tế cuộc sống. vì vậy làm thế nào để khới dậy trong học sinh hứng thú, niềm
yêu thích, say mê khám phá tác phẩm, làm thế nào để giờ học không chỉ cung cấp
kiến thức mà cong giúp các em rèn luyện nhân cách, hình thành phương pháp
nghiên cứu, tư duy khoa học, hình thành năng lực tích cực, chủ động khám phá,
phát hiện vấn đề. Có lẽ đó không chỉ là mong muốn của riêng tôi. Dạy học bài "
Chiếc thuyền ngoài xa" theo hướng đổi mới như trình bày ở trên là một nỗ lực
nhằm nâng cao hiệu quả dạy học môn văn. Có thể phần trình bày của tôi còn nhiều
thiếu sót, chưa hợp lí. rất mong được các đồng nghiệp chia sẻ, góp ý.
Xác nhận của thủ trưởng đơn vị Thanh Hoá ngày 26 tháng 5 năm 2013
Tôi xin cam đoan đây là sáng kiến kinh
nghiệm của mình viết, không sao chép của
người khác.
Giáo viên
Nguyễn Thị Lan
11

12

×