Tải bản đầy đủ (.pdf) (192 trang)

Quan hệ an ninh Mỹ - Nhật Bản thời kỳ sau chiến tranh lạnh và tác động đối với khu vực Đông Á

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.7 MB, 192 trang )

I HC QUC GIA H NI
TRNG I HC KHOA HC X HI V NHN VN





HONG TH YN




QUAN Hệ AN NINH Mỹ - NHậT BảN ThờI Kỳ SAU CHIếN TRANH LạNH
Và TáC Động đối với khu vực đông á

Chuyên ngành: Lịch sử thế giới
Mã số : 602240



Luận văn thạc sĩ khoa học lịch sử


Ng-ời h-ớng dẫn khoa học:
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Giáp



Hà nội - 2007

MỤC LỤC


Lời cam đoan
Mục lục
Các từ và cụm từ viết tắt
Danh mục phụ lục
Lời mở đầu 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 3
3. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu của đề tài 7
4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu 8
5. Đóng góp của Luận văn 9
6. Bố cục của Luận văn 9
Chương 1: Những nhân tố tác động đến quan hệ an ninh Mỹ - Nhật
Bản thời kỳ sau Chiến tranh lạnh
1.1. Quan hệ Mỹ - Nhật Bản từ trong lịch sử 10
1.2. Những nhân tố tác động đến quan hệ an ninh Mỹ - Nhật Bản thời kỳ
sau Chiến tranh lạnh 17
1.2.1. Môi trường an ninh quốc tế mới 17
1.2.2. Những thay đổi của tình hình khu vực 20
1.2.3. Những vấn đề nội bộ hai nước 26
1.2.3.1. Nước Mỹ 26
1.2.3.2. Nước Nhật 28
Tiểu kết 31
Chương 2: Quan hệ an ninh Mỹ - Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh lạnh 32
2.1. Chính sách đối ngoại của Mỹ và Nhật Bản sau Chiến tranh lạnh 32
2.1.1. Chiến lược toàn cầu của Mỹ sau Chiến tranh lạnh 32
2.1.2. Chính sách đối ngoại của Nhật Bản 36
2.2. Quan hệ an ninh Mỹ - Nhật Bản sau Chiến tranh lạnh 40
2.2.1. Quá trình điều chỉnh liên minh Mỹ - Nhật Bản sau Chiến tranh lạnh 40
2.2.2. Sự hiện diện quân đội và căn cứ quân sự Mỹ trên đất Nhật 51
2.2.3. Chuyển giao công nghệ quốc phòng 64

2.2.4. Chương trình phòng thủ tên lửa chiến trường 71
2.2.5. Mỹ và Nhật Bản trong cuộc chiến chống khủng bố 74
2.3. Lợi ích của Mỹ và Nhật Bản trong quan hệ an ninh 80
2.3.1. Đối với Mỹ 80
2.3.2. Đối với Nhật Bản 89
Tiểu kết 95
Chương 3: Tác động của liên minh Mỹ - Nhật Bản đối với khu vực
Đông Á 97
3.1. Tác động tới kiến trúc an ninh khu vực Đông Á 97
3.2. Tác động đến quan hệ giữa các nước lớn trong khu vực 104
3.3. Tác động đến các nước và vùng lãnh thổ khác trong khu vực 111
Tiểu kết 123
Kết luận 125
Phụ lục
Tài liệu tham khảo




CÁC TỪ VÀ CỤM TỪ VIẾT TẮT

ABM
Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo
Anti-Ballistic Missile
AFTA
Khu vực mậu dịch tự do ASEAN
ASEAN Free Trade Area
ASEAN
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
Association of Southeast Asian Nations

ASEAN + 3
ASEAN + Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản
ASEAN + South Korea, China and Japan
ASEM
Gặp gỡ Á - Âu
Asia - Europe Meeting
APEC
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương
Asia Pacific Economic Cooperation (forum)
BMD
Phòng thủ tên lửa đạn đạo
Ballistic Missle Defence
CSCAP
Hội đồng hợp tác an ninh châu Á - Thái Bình Dương
Coucil for Security Cooperation in the Asia - Pacific
CA
châu Á
CA - TBD
châu Á - Thái Bình Dương
CNXH
Chủ nghĩa xã hội
CNCS
Chủ nghĩa cộng sản
CHDCND
Cộng hòa dân chủ nhân dân
CHND
Cộng hòa nhân dân
ĐA
Đông Á
EU

Liên minh châu Âu
European Union
FDI
Đầu tư trực tiếp nước ngoài
Foreign direct investment
HĐBA
Hội đồng bảo an
GATT
Hiệp định chung về thuế quan và thương mại
General Agreement on Tariffs and Trade
GSDF
Lực lượng phòng vệ mặt đất
Ground Self-Defence Force
G-7
Nhóm 7 nước công nghiệp
Group of Seven Industrializes countries
IMF
Quỹ tiền tệ quốc tế
International Monetary Fund
MSDF
Lực lượng phòng vệ biển
Maritime Self-Defence Force
NAFTA
Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ
North American Free Trade Agreement
NATO
Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương
North American Treaty Organization
NDPO
Đề cương chương trình phòng thủ quốc gia

National Defence Programme Outline
LHQ
Liên hợp quốc
ODA
Viện trợ phát triển chính thức
Offical Development Assistance
OECD
Tổ chức hiệp tác và phát triển kinh tế
Organization for Economic Cooperation and Development
OSCE
Tổ chức hợp tác an ninh châu Âu
Organization for Security and Cooperation in Europe
JSDF
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản
Japan Self-Defence Force
TMD
Phòng thủ tên lửa chiến trường
Theatre Missile Defence
TBD
Thái Bình Dương


1
LỜI MỞ ĐẦU

1. Lý do lựa chọn đề tài
Trong thế kỷ XX loài người đã trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới.
Cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai được coi là cuộc chiến tranh tàn bạo
nhất trong lịch sử loài người với tổng số người chết từ các bên vào khoảng
50 triệu người. Bước sang thế kỷ XXI, trong khi người ta hy vọng nhiều

vào một thế giới hòa bình, thì thực tế các cuộc xung đột cục bộ, xung đột
tôn giáo, nạn khủng bố quốc tế trở thành mối đe dọa lớn đối với nhân loại.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong diễn văn nhậm chức lần thứ nhất, cũng
đã thừa nhận thế giới ngày nay vẫn còn bị đe dọa bởi những thù hận và
những hiểm họa mới. Trật tự thế giới cũ không còn, thế giới trở nên kém ổn
định hơn. Thậm chí, gần đây cụm từ “Chiến tranh thế giới thứ ba” đã được
nhiều chính trị gia sử dụng trước vòng xoáy bạo lực từ các cuộc xung đột
liên tiếp xảy ra trên thế giới.
Loài người trong thế kỷ XX cũng đã trải qua ba lần thay đổi lớn
trong quan hệ quốc tế: trật tự Vecsai - Washington hình thành sau Chiến
tranh thế giới lần thứ nhất, trật tự Yalta hình thành sau Chiến tranh thế giới
lần thứ hai và trật tự thế giới đang dần được hình thành sau khi Chiến tranh
lạnh kết thúc. Trong hai trật tự đầu, các nước lớn đóng vai trò quyết định
trong các mối quan hệ quốc tế. Trong trật tự được nhận định là đang hình
thành hiện nay, vai trò của các nước vừa và nhỏ ngày càng được nâng cao,
tiếng nói của các nước đang phát triển có ảnh hưởng không nhỏ đến lộ trình
quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, quan hệ giữa các nước lớn vẫn có một vai trò
quan trọng trong việc xác lập trật tự thế giới mới. Các nước lớn vẫn áp đặt
và chi phối rất nhiều trong các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq hay trong
cuộc chiến Lebanon. Tại khu vực Đông Á (ĐA) - nơi chứa đựng những

2
mâu thuẫn và thách thức đối với an ninh và chưa có một thể chế an ninh
chung cho khu vực, thì sự hợp tác giữa các nước lớn đóng vai trò rất quan
trọng, là điều kiện đảm bảo hoà bình và ổn định cho khu vực. Một trong
những cặp quan hệ song phương nổi bật trên thế giới nói chung và trong
khu vực ĐA nói riêng, đó là quan hệ Mỹ - Nhật Bản.
Sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, theo dự đoán của một số nhà
nghiên cứu, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật cũng sẽ tan vỡ theo vì không
còn cơ sở để tồn tại. Thực tế đã hoàn toàn ngược lại với dự đoán trên. Mối

quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật vẫn còn nhiều ràng buộc và ngày càng chặt
chẽ hơn. Cơ sở của mối quan hệ này đã khác thời kỳ trước, nhưng điểm
chung vẫn là xuất phát từ lợi ích chiến lược của hai nước. Phía Mỹ, quan
điểm xây dựng “Cộng đồng Thái Bình Dương” trong những năm 1990 là
một trong những trọng điểm của việc điều chỉnh chiến lược toàn cầu của
Mỹ. Để thực hiện mục đích này, Mỹ coi quan hệ với Nhật Bản là trụ cột
trong chính sách của Mỹ ở châu Á (CA). Với Nhật Bản, trên con đường tìm
kiếm một địa vị cường quốc chính trị thế giới, Nhật Bản lựa chọn chiến
lược quay về CA, đồng thời liên minh chặt chẽ với Mỹ. Do vậy, hợp tác an
ninh Mỹ - Nhật vẫn là một biểu hiện hết sức quan trọng của quá trình hợp
tác song phương trong gần hai thập kỷ qua, ở đó diễn ra nhiều biến đổi hết
sức phức tạp và mang tính chất hệ thống phù hợp với nhu cầu và lợi ích của
mỗi bên.
Tìm hiểu liên minh Mỹ - Nhật giai đoạn hậu Chiến tranh lạnh cho
chúng ta cái nhìn xuyên suốt về mối quan hệ giữa hai nước trong lịch sử,
những diễn biến từ đơn giản đến phức tạp, từ sự phụ thuộc một chiều đến
nhu cầu phải chia sẻ trách nhiệm và hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai bên.
Đồng thời, tìm hiểu liên minh Mỹ - Nhật sau Chiến tranh lạnh có ý nghĩa
quan trọng đối với việc đánh giá tình hình an ninh khu vực và vai trò của

3
các nước lớn trong cục diện cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa họ trên bình
diện an ninh quốc tế nói chung, an ninh khu vực ĐA nói riêng thời kỳ hậu
Chiến tranh lạnh.
Từ những trình bày trên, tác giả lựa chọn “Quan hệ an ninh Mỹ -
Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh lạnh và tác động đối với khu vực Đông
Á” làm đề tài cho Luận văn khoa học Thạc sĩ, chuyên ngành Lịch sử thế
giới cận - hiện đại.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
2.1. Ở nước ngoài, quan hệ Mỹ - Nhật Bản từ lâu là đối tượng thu

hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả trên thế giới. Quan hệ giữa
hai nước Mỹ - Nhật tính từ năm 1854 cho đến nay đã có lịch sử gần hai thế
kỷ. Trải qua các giai đoạn khác nhau, mối quan hệ song phương này luôn là
đề tài được lựa chọn nghiên cứu của nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu
trên thế giới.
Không phải người Mỹ là người đầu tiên phát hiện ra Nhật Bản sau
các cuộc phát kiến địa lý. Năm 1543, sau phát hiện ngẫu nhiên ra vùng đảo
phía Nam Nhật Bản là Tenagashima của một số thủy thủ Bồ Đào Nha, các
nước tư bản phương Tây như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan,
Anh…đã lần lượt đến Nhật yêu cầu thiết lập quan hệ giao thương. Những
năm cuối của thế kỷ XVIII, xuất hiện một số tàu thuyền Mỹ đến Nhật Bản
yêu cầu chính quyền Mạc phủ mở cửa đất nước. Sau rất nhiều nỗ lực, đến
năm 1854 Mỹ mới thực hiện thành công mục đích của mình bằng việc ký
“Hiệp định hữu nghị và thân thiện” với Nhật Bản. Cuốn sách “Intercouse
between the United States and Japan” xuất bản năm 1891 của Inazo Nitobe
đã cung cấp rất nhiều tư liệu quý về quan hệ Mỹ - Nhật trong giai đoạn này.
Tiếp sau đó, cuốn “Japan and United States 1790 - 1853” của tác giả
Shunzo Sakamiki, xuất bản năm 1940, viết về những cuộc tiếp xúc đầu tiên

4
giữa người Mỹ với người Nhật, trước khi những đoàn thuyền của tướng
M.C.Perry mở cửa thành công Nhật Bản. Năm 1969, Trung tâm nghiên cứu
văn hóa ĐA - Tokyo đã xuất bản bộ “The Meiji Japan through
contemporary sources” gồm 3 tập, tập trung vào quan hệ của Nhật với các
nước phương Tây, trong đó có những bản hiệp ước mà chính quyền
Tokugawa đã ký với nước ngoài.
Năm 1936, cuốn “Japan’s foreign relation 1542 - 1936: A short
history” của tác giả Roy Hidemichi Akagi được xuất bản. Cuốn sách khái
quát các nội dung chính trong quan hệ quốc tế của Nhật Bản qua các giai
đoạn khác nhau trong lịch sử, từ khi những người Bồ Đào Nha phát hiện ra

vùng đảo phía Nam Nhật Bản là Tanegashima cho đến trước cuộc Chiến
tranh thế giới lần thứ hai. Cuốn “The History of U.S - Japan relations:
Social change and international relations” (xuất bản 1981) của Charle
E.Tutle tập trung vào sự thay đổi diễn ra trong xã hội Nhật Bản và mối
quan hệ quốc tế của hai nước Mỹ - Nhật.
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản là nước bại trận buộc
phải chịu sự chiếm đóng của quân Đồng minh. Đến năm 1951 Mỹ và Nhật
đã nhanh chóng ký kết “Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật”, Nhật trở thành đồng
minh của Mỹ tại CA - TBD. Cuốn “Japan and Korea: America’s allies in
the Pacific” của James W.Morley, xuất bản năm 1965, đề cập đến vai trò
của Nhật Bản và Hàn Quốc trong chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương
(TBD). Đến năm 1972, James W.Morley đã xuất bản cuốn “Forecast for
Japan: security in the 1970s”. Cuốn sách là nghiên cứu của các chuyên gia
hàng đầu trong lĩnh vực hoạch định chính sách của Mỹ dành cho cơ quan
giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí của Mỹ đối với an ninh của Nhật Bản
trong những năm 1970. Cuốn “U.S - Japan relation and security in East
Asia: the next decade” (xuất bản 1978) của Franklin B. Weinstein, gồm tập

5
hợp các bài viết về những chuyên đề xoay quanh quan hệ Mỹ - Nhật và tác
động của mối quan hệ này đối với an ninh khu vực ĐA trong thập kỷ 80.
Tác giả Nhật Bản Akira Iriye trong cuốn “Parnership: The United
States and Japan 1951 - 2001” (xuất bản năm 2001) đã tìm hiểu mối quan
hê Mỹ - Nhật trong nửa thế kỷ kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
“The U.S - Japan Alliance: past, present and future” (xuất bản năm 1999).
Cuốn sách là tập hợp các bài viết của nhiều nhà nghiên cứu về quan hệ
đồng minh Mỹ - Nhật từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến những
năm 1990 và xu hướng phát triển của quan hệ song phương này trong thế
kỷ XXI.
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, nhiều nhà nghiên cứu dự báo rằng

liên minh Mỹ - Nhật không còn cơ sở để tồn tại. Cuốn “Japan challenges
America: Managing an allience in crisis” (xuất bản 1992) của Harison
M.Holland đã viết về vấn đề khủng hoảng của liên minh Mỹ - Nhật sau
Chiến tranh lạnh và những thách thức đặt ra đối với liên minh này. Năm
1992, Viện nghiên cứu ĐBA xuất bản cuốn “Japan, the United States and
prospects for the Asia - Pacific century: three scenarios for the future” đề
cập đến vai trò của Mỹ và Nhật cũng như tầm quan trọng của quan hệ giữa
hai nước đối với khu vực CA - TBD. Cuốn sách cũng đề cập đến các khả
năng có thể xảy ra trong tương lai khi quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế
đang đứng trước rất nhiều khó khăn .
Hai cuốn sách “Trouble times: U.S - Japan trade relation in the 1990s”
của tác giả Edward Lincoln và cuốn “Reconcilable differences: U.S - Japan
economic conflict” của các tác giả Bergsten C.Fred và Marcus Noland, tập
trung chủ yếu vào vấn đề mâu thuẫn kinh tế, thương mại trong quan hệ hai
nước, song trong khi lý giải diễn biến của mối quan hệ đó, họ quan tâm
nhiều đến sự chi phối của yếu tố liên kết an ninh đối với sự tồn tại của liên

6
minh tay đôi này. Steven K.Voleg và cộng sự của ông đã phân tích một số
nhân tố chi phối quan hệ Mỹ - Nhật trong cuốn sách “U.S - Japan relation
in a changing world”, xuất bản năm 2000.
Bên cạnh đó, còn có các chuyên khảo về chính sách đối ngoại của
Nhật Bản và của Mỹ. Cuốn “Japan’s International Relations: politics,
economic and security” của nhóm tác giả Glenn D.Hook, Julie Gilson,
Christopher W.Hughes và Hugo Dobson đã đề cập đến chính sách đa
phương và rộng mở của Nhật Bản, trong đó dành toàn bộ chương 2 nói về
quan hệ Nhật - Mỹ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh. Cuốn
“Diplomacy policy of the U.S” do Randall B.Ripley và James M.Lindsay
chủ biên, đã được dịch ra tiếng Việt do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia
phát hành năm 2002, cũng đề cập đến chiến lược của Nhà Trắng đối với

các nước ở CA - TBD, trong đó có Nhật Bản.
2.2. Ở trong nước, tác giả Ngô Xuân Bình của Viện nghiên cứu
Đông Bắc Á (ĐBA) đã có nhiều công trình nghiên cứu về quan hệ Mỹ -
Nhật sau Chiến tranh lạnh. Cuốn sách “Quan hệ Mỹ - Nhật Bản sau chiến
tranh lạnh” xuất bản năm 1995, đã đánh giá tương đối bao quát quan hệ
Mỹ - Nhật trên hai lĩnh vực an ninh quân sự và kinh tế trong những năm
đầu thập kỷ 1990. Hai cuốn sách khác do tác giả chủ biên là “Chính sách
đối ngoại của Nhật Bản sau chiến tranh lạnh” (xuất bản năm 2000) và
“Nhật Bản những năm đầu thế kỷ XXI” (năm 2002) đã đề cập đến mối quan
hệ quốc tế của Nhật Bản, trong đó có chính sách đối với Mỹ. Bên cạnh đó,
tác giả còn có nhiều bài viết cập nhật những thay đổi và diễn biến trong
quan hệ Nhật - Mỹ qua các năm được đăng tải trên Tạp chí nghiên cứu
Đông Bắc Á. Học giả Lê Bá Thuyên có cuốn “Hoa Kỳ: Cam kết và mở
rộng (Chiến lược toàn cầu mới của Mỹ)” xuất bản năm 1997, bao quát
chính sách đối ngoại của Mỹ trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Nhật Bản.

7
Nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Mỹ đối với thế giới nói chung và
khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA - TBD), trong đó có Nhật Bản nói
riêng còn có các công trình của Học viện Quan hệ quốc tế, như cuốn “Về
chiến lược an ninh của Mỹ hiện nay”, “Quan hệ của Mỹ với các nước lớn ở
khu vực châu Á - Thái Bình Dương”…
Cùng với các công trình nghiên cứu trên, còn có rất nhiều các bài
viết được đăng tải trên các Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Tạp chí Quan
hệ Quốc tế, Tạp chí châu Mỹ ngày nay và các thông tin được cập nhật
thường xuyên của Thông tấn xã Việt Nam.
Các chuyên khảo, các công trình nghiên cứu, các bài báo…ở trong
nước cũng như ở nước ngoài thực sự là những nguồn tư liệu quý cho tôi
hoàn thiện Luận văn của mình.
3. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu của đề tài

Trong quan niệm truyền thống vốn tương đối hẹp, an ninh quốc gia
được nhìn nhận chủ yếu như là việc đảm bảo chủ quyền, an toàn của hệ
thống chính trị và cuộc sống bình yên của nhân dân trước sự đe dọa, xâm
lược hay lật đổ của các thế lực nước ngoài và các thế lực chống đối chế độ
trong nước. Trong cách quan niệm toàn diện về an ninh (comprehansive
security), người ta không giới hạn an ninh quốc gia trong các mối quan hệ
đối ngoại thuần tuý, mà trong tổng thể các mối quan hệ ở bên trong lẫn bên
ngoài các quốc gia và liên quan đến nhiều lĩnh vực: từ quân sự, chính trị
đến kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và con người. Trong phạm vi Luận
văn tốt nghiệp này, tác giả tìm hiểu về quan hệ an ninh Mỹ - Nhật ở khía
cạnh an ninh chính trị và quân sự. Tuy vậy, trong bối cảnh quốc tế mới, khi
lý giải những diễn biến của mối quan hệ an ninh Mỹ - Nhật, không thể
không đề cập đến các yếu tố tác động khác như yếu tố kinh tế, văn hóa, xã
hội…

8
Về thời gian, luận văn tập trung chủ yếu vào quan hệ an ninh Mỹ -
Nhật giai đoạn hậu Chiến tranh lạnh, lấy mốc từ năm 1991 cho đến những
diễn biến cập nhật gần đây nhất của năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2007.
Về không gian, luận văn tìm hiểu liên minh Mỹ - Nhật và tác động
của liên minh này đối với khu vực ĐA. Đây là khu vực biểu hiện tập trung
cao của mối quan hệ này.
4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu
4.1. Phương pháp nghiên cứu
Đây là một đề tài lịch sử, vì vậy phương pháp lịch sử - phân tích mối
liên hệ giữa các sự kiện lịch sử cả đồng đại và lịch đại luôn là dòng mạch
chính của luận văn. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng các phương pháp
nghiên cứu khác như: phương pháp logic, phương pháp so sánh, phương
pháp thống kê…để hoàn thành Luận văn của mình.
4.2. Nguồn tư liệu

Nguồn tư liệu bằng tiếng Anh, đó là các cuốn sách, các công trình
nghiên cứu của các học giả Nhật Bản và các học giả Âu - Mỹ.
Nguồn tư liệu bằng tiếng Việt, bao gồm các cuốn sách, các công
trình nghiên cứu, các chuyên khảo và các bài viết trên các tạp chí (Tạp chí
nghiên cứu Đông Bắc Á, châu Mỹ ngày nay, các chuyên san của Thông tấn
xã Việt Nam…).
Đặc biệt, Luận văn sử dụng các tài liệu gốc, đó là các bản Hiệp ước
an ninh giữa Mỹ và Nhật Bản. Tài liệu này được lấy từ trang Web của Bộ
Ngoại giao Nhật Bản.

9
5. Đóng góp của Luận văn
Trên cơ sở tập hợp, hệ thống hóa các nguồn tư liệu và kết quả nghiên
cứu viết về quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật, để từ đó có được sự hiểu biết
đầy đủ và chân thực về sự vận động và chuyển biến của mối quan hệ an
ninh Mỹ - Nhật sau Chiến tranh lạnh.
Luận văn tập trung vào hai vấn đề chủ yếu: Thứ nhất, tìm hiểu liên
minh Mỹ - Nhật thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, sự chuyển biến của mối quan
hệ đó trước những thay đổi của môi trường quốc tế và khu vực. Thứ hai,
phân tích những tác động của liên minh Mỹ - Nhật đối với an ninh khu vực
ĐA, bao gồm những tác động thuận và nghịch, từ đó đánh giá thực chất và
xu hướng phát triển tiếp theo của quan hệ an ninh Mỹ - Nhật.
6. Bố cục của Luận văn
Lời mở đầu
Chương 1: Những nhân tố tác động đến quan hệ an ninh Mỹ - Nhật Bản
thời kỳ sau Chiến tranh lạnh.
Chương 2: Quan hệ an ninh Mỹ - Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh lạnh.
Chương 3: Tác động của quan hệ an ninh Mỹ - Nhật Bản đối với khu vực
Đông Á.
Kết luận

Phụ lục
Tài liệu tham khảo







10
Chương 1
NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUAN HỆ AN NINH
MỸ - NHẬT BẢN THỜI KỲ SAU CHIẾN TRANH LẠNH

1.1. Quan hệ Mỹ - Nhật Bản từ trong lịch sử
Ngay từ thế kỷ XVIII, các quốc gia tư bản như Bồ Đào Nha, Tây
Ban Nha, Hà Lan và sau đó là Anh, Pháp, Nga và Mỹ đã nhanh chóng nhận
thấy khu vực Thái Bình Dương (TBD), bao gồm vùng ĐBA, có một vị trí
chiến lược hết sức quan trọng. Đây không chỉ là vùng lãnh thổ giàu tiềm
năng về kinh tế mà còn giữ vị trí cầu nối trong hệ thống giao thương giữa
phương Đông và phương Tây, đồng thời là cửa ngõ trọng yếu để từ đó có
thể thâm nhập vào các quốc gia ĐBA, Đông Nam Á (ĐNA), châu Đại
Dương. Nằm ở khu vực ĐA, với vị trí địa lý trải dài theo một vòng cung
hẹp từ Bắc xuống Nam trên 3.800 km, chiếm lĩnh một giải từ 20º25’ đến
45º33’ vĩ độ Bắc, nơi có nhiều hải cảng tốt, Nhật Bản được coi là một điểm
huyết mạch giao thông trên con đường vươn tới các xã hội phương Đông.
Trong số các nước tư bản phát triển đến Nhật yêu cầu chính quyền
Tokugawa mở cửa, có thể nói nước Mỹ là quốc gia quan tâm tới Nhật Bản
nhất. Người Mỹ rất chú ý đến các hải cảng của Nhật Bản, nơi tàu thuyền
Mỹ có thể lánh nạn hay bổ sung nước ngọt, các tàu chạy bằng hơi nước có

thể lấy than và hành trình vượt TBD xa xôi khiến người Mỹ càng thấy cần
những hải cảng ở Nhật Bản. Đặc biệt, quyết tâm biến Nhật Bản thành cứ
điểm của Mỹ ở Bắc TBD đã trở thành một vấn đề thường trực trong chủ
trương của chính giới Mỹ. Bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Quincy Adams
từng nhấn mạnh: “Sứ mệnh của quốc gia Cơ đốc giáo là mở cửa Nhật Bản
và Nhật Bản phải đáp ứng yêu cầu đó. Cơ sở của sứ mệnh đó là ở chỗ,

11
không có một dân tộc nào lại có thể chối từ trách nhiệm của mình vì lợi ích
chung của toàn thể nhân loại” [44;32].
Tuy nhiên, thật không dễ dàng để có thể xâm nhập vào xã hội Nhật
Bản. Các nước phương Tây sau nhiều năm thất bại trong việc chinh phục
Nhật Bản đã nhận thấy Nhật Bản là một quốc gia được tổ chức tốt, người
dân ở đây có tinh thần kỷ luật, ý chí tự cường và lòng tự tôn dân tộc cao độ
[13]. Các đoàn thuyền Âu - Mỹ lần lượt đến và rời đi khỏi Nhật Bản trong
nhiều năm, cho đến khi chính phủ Mỹ quyết định cử một hạm đội hải quân
đến Nhật Bản và hạm đội này dưới sự chỉ huy của M.C. Perry đã làm nên
“một điều kỳ diệu”, đó là mở cửa Nhật Bản.
Một thời đại mới trong lịch sử quan hệ quốc tế của Nhật Bản đã
được mở ra từ sau bản “Hiệp ước hữu nghị và thân thiện” Nhật Bản ký với
Mỹ năm 1854. Cũng từ đó, lịch sử quan hệ Mỹ - Nhật được khai thông. Từ
năm 1854 đến năm 1912, mối quan hệ Mỹ - Nhật từng bước được thiết lập
qua các văn bản ngoại giao và bước đầu biểu hiện trên các lĩnh vực kinh tế
- thương mại, giáo dục và an ninh quân sự. Cũng từ đây, Mỹ thực sự trở
thành đối tác chủ yếu của Nhật Bản và quan hệ với Mỹ là mối quan hệ
trọng yếu nhất, có ý nghĩa chi phối các mối quan hệ giữa Nhật Bản với các
quốc gia khác. Điều này được thể hiện rõ nét trong Hiệp ước năm 1858:
“Tổng thống Hoa Kỳ, theo đề nghị của Chính phủ Nhật Bản, sẽ đóng vai
trò trung gian hoà giải thiện chí đối với các vấn đề khác biệt, có khả năng
nảy sinh giữa chính quyền Nhật Bản với các nước châu Âu”(Điều 2)

[60;30].
Cuộc cải cách Minh Trị tiến hành trong 40 năm đã đưa Nhật Bản từ
một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước tư bản có nền công
nghiệp phát triển và hiện đại. Chính phủ mới từng bước giành quyền bình
đẳng, xoá bỏ những điều ước thua thiệt đã ký với các nước tư bản phương

12
Tây trong giai đoạn trước và trong cuộc cải cách Minh Trị. Nước Nhật đã
tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược Đài Loan năm 1874, chiến
tranh Nhật - Trung (1894 - 1895) và đặc biệt từ sau cuộc chiến tranh Nhật -
Nga (1904 - 1905), Nhật Bản được coi là một cường quốc có vị trí ngang
tầm các nước tư bản khác. Các cuộc chiến tranh đã tỏ rõ sức mạnh của
nước Nhật sau một thời kỳ quý tộc tư sản hóa và giai cấp tư bản liên kết
với nhau trong việc củng cố và mở rộng quyền lực. Nhằm thực hiện mục
tiêu tiến hành những cuộc chiến tranh ra bên ngoài, Chính phủ rất chú trọng
phát triển kinh tế, công nghiệp quân sự, xây dựng quân đội hiện đại và cấu
kết chặt chẽ với các đồng minh, trong đó Mỹ luôn được coi là đồng minh
chiến lược của Nhật.
Trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945), Mỹ và
Nhật ở hai chiến tuyến đối lập. Nhật thuộc phe phát xít, còn Mỹ nằm trong
phe Đồng minh chống phát xít. Mục tiêu cuối cùng của Nhật khi gây chiến
là để thực hiện chính sách “Nam tiến”, thành lập “Khối thịnh vượng chung
Đại Đông Á”. Chính sách này của Nhật Bản ngay từ đầu đặt Nhật vào sự
đối địch với các cường quốc Âu - Mỹ, đặc biệt động chạm mạnh nhất đến
lợi ích của Mỹ ở khu vực này và Mỹ coi đây là sự thách thức trắng trợn đối
với Mỹ. Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản đã gửi điện về Washington nhấn mạnh
rằng “Quyền lợi của Mỹ bị chính sách Nam tiến của Nhật đe doạ trầm
trọng, chúng ta phải cố gắng bằng mọi cách duy trì nguyên trạng Thái
Bình Dương, ít ra cho đến khi chiến tranh châu Âu ngã ngũ” [7;14].
Thất bại của phe phát xít là điều không thể tránh khỏi khi lực lượng

phản động này vì mục đích phát triển sự cường thịnh của quốc gia đã tiến
hành những cuộc chiến tranh phi nghĩa, đồng thời xâm phạm tới quyền lợi
của các cường quốc khác. Ngày 14 - 8 - 1945, Nhật Hoàng Hirohito đọc
tuyên bố trên đài phát thanh chấp nhận đầu hàng Đồng minh không điều

13
kiện. Ngay sau đó, Nhật Bản chịu sự chiếm đóng của lực lượng Đồng
minh.
Lực lượng Đồng minh chiếm đóng Nhật Bản, chủ yếu là quân đội
Mỹ, nhằm mục đích là “phi quân sự hóa” và “dân chủ hóa” Nhật Bản,
trừng trị tội phạm chiến tranh và phá bỏ toàn bộ cơ sở của chủ nghĩa quân
phiệt có thể là mầm mống gây chiến tranh. Dưới sự chỉ đạo của Mac
Arthur, quân đội Mỹ đã thực hiện một số biện pháp dân chủ nhằm thay đổi
tính chất xã hội Nhật Bản từ “quân chủ” sang “dân chủ’, từ “quân phiệt”
sang “hòa bình”, xây dựng xã hội mới. Sự kiện Nhật Bản ban hành Hiến
pháp dân chủ năm 1946 thực sự là mốc đánh dấu một kỷ nguyên dân chủ
và hòa bình ở Nhật Bản, đồng thời là một trong những thành quả chủ yếu
của lực lượng Đồng minh trong thời kỳ chiếm đóng Nhật Bản sau Chiến
tranh thế giới lần thứ hai.
Với ý đồ gạt bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của các đồng minh khác đối
với Nhật, đồng thời đưa Nhật vào hệ thống liên minh chống cộng, Mỹ đã tổ
chức hội nghị gồm đại biểu của 52 nước tại San Francisco (4 - 9 - 1951) để
ký Hòa ước với Nhật do Mỹ soạn thảo. Ngày 8 - 9 - 1951, Hoà ước được
thông qua. Nội dung chính của Hoà ước xác nhận việc Mỹ thay thế Nhật
quản lý các đảo Rosario, Valcano, Pareu, Vela, Marcus và Daito mà Nhật
Bản được Hội quốc liên ủy quyền quản thác sau Chiến tranh thế giới lần
thứ nhất. Mỹ chiếm đảo Bonin và Ryukyu của Nhật làm căn cứ chiến lược.
Đặc biệt, Hoà ước đã cho phép Nhật được ký các hiệp ước phòng thủ song
phương và đa phương với các nước khác. Dựa vào nội dung này, ngay sau
khi ký Hoà ước San Francisco, Mỹ buộc Nhật phải ký “Hiệp ước an ninh

Mỹ - Nhật”. Mục đích của Hiệp ước được nói rõ ngay từ lời mở đầu:
Nhật Bản đã ký một Hoà ước với Mỹ. Trong quá trình Hoà ước bắt
đầu có hiệu lực, Nhật Bản không có một công cụ hữu hiệu nào để thực

14
hiện quyền tự vệ vì Nhật Bản đã bị giải giáp vũ khí. Trong tình thế đó,
Nhật Bản có thể sẽ bị nguy hiểm vì trên thế giới vẫn còn chủ nghĩa
quân phiệt. Nhật Bản mong muốn có một hiệp ước an ninh với Mỹ…
Nhật Bản mong muốn Mỹ duy trì quân đội của mình xung quanh Nhật
Bản nhằm đẩy lùi một cuộc tấn công vũ trang vào Nhật [41;561].
Vì lợi ích hòa bình và an ninh, Mỹ đồng ý duy trì quân đội của mình ở
trong và xung quanh Nhật Bản… Tuy nhiên, Mỹ hy vọng Nhật Bản sẽ
tiến tới chịu trách nhiệm tự vệ chống lại sự xâm lược trực tiếp hay gián
tiếp. Nhật cần tránh bất cứ sự vũ trang nào có tính đe doạ hay phục vụ
cho các mục đích khác, mà không nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh
phù hợp với hiến chương Liên Hợp Quốc [41;561].
Nội dung quan trọng nhất của Hiệp ước, đó là :
Nhật Bản đồng ý và Mỹ chấp nhận quyền đóng các lực lượng hải,
lục, không quân của Mỹ trên đất Nhật nhằm mục đích góp phần duy
trì hòa bình, an ninh trong khu vực viễn Đông, đóng góp vào an ninh
Nhật Bản, chống lại các cuộc tấn công vũ trang từ bên ngoài, đàn áp
những phong trào lật đổ quy mô lớn trong nước Nhật và những rối
loạn ở Nhật gây ra bởi sự xúi giục và can thiệp từ một hay nhiều
cường quốc bên ngoài (Điều 1) [42;561]
Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật năm 1951 là cơ sở chung để thực hiện
mục tiêu chiến lược của mỗi nước. Đối với Mỹ, Hiệp ước này đã chính
thức đưa Nhật vào hệ thống các liên minh của Mỹ, biến Nhật thành căn cứ
quân sự cho Mỹ, qua đó giúp Mỹ duy trì an ninh ở viễn Đông và ngăn chặn
sự bành trướng của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản (CNCS). Đối với Nhật,
Hiệp ước an ninh với Mỹ là cơ hội để Nhật tái thiết đất nước khi Nhật ở

tình thế thất bại hoàn toàn và nền kinh tế bị kiệt quệ. Hiệp ước cho phép
Nhật đảm bảo được an ninh nhờ được hưởng “ô hạt nhân” của Mỹ trong

15
khi Nhật Bản chưa đủ sức tự phòng thủ. Chính bởi những tính toán lợi ích
đó, Mỹ và Nhật đã nhanh chóng chuyển đổi từ quan hệ thù địch trong
Chiến tranh thế giới thứ hai sang quan hệ đồng minh sau chiến tranh và tiếp
tục phát triển hợp tác an ninh chặt chẽ trong Chiến tranh lạnh.
Trong Chiến tranh lạnh, học thuyết quân sự của Mỹ là tìm mọi cách
giành ưu thế quân sự trên toàn cầu, bao vây, cô lập và tiêu diệt Liên Xô
cùng các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN). Thực hiện mục tiêu đó, Mỹ cho
xây dựng các khối quân sự để vừa kiểm soát các đồng minh vừa tạo cơ sở
cho các hoạt động quân sự khi cần thiết. Ở Tây Âu, Mỹ cho xây dựng khối
Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); ở TBD, Mỹ coi việc xây dựng một
hiệp ước an ninh lâu dài với Nhật Bản là hết sức cần thiết, thậm chí coi
Nhật Bản như một thành viên NATO phương Đông. Trong khi đó, Nhật
Bản cần sử dụng chiếc ô an ninh của Mỹ để bảo vệ chính mình. Nỗi lo sợ
nhất của Nhật Bản thời kỳ này là khả năng quốc phòng của Liên Xô ngày
càng được tăng cường, trong khi đó Nhật chưa đủ điều kiện để tự phòng vệ.
Vì vậy, tiếp theo Hiệp ước an ninh 1951, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã thoả
thuận ký “Hiệp ước phòng thủ chung” vào ngày 21 - 6 - 1960. Như tên gọi
của nó, Hiệp ước này mang tính phòng thủ và tiếp tục là sự áp đặt một
chiều của Mỹ đối với Nhật. Theo điều 5 của Hiệp ước thì Hoa Kỳ cam kết
phối hợp hành động với Nhật Bản trong trường hợp Nhật Bản bị tấn công.
Đổi lại, điều 6 của Hiệp ước thỏa thuận rằng, Nhật Bản đồng ý cho Hoa Kỳ
sử dụng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật. Hiệp ước đã hợp thức hóa
sự hiện diện quân sự Mỹ trên lãnh thổ Nhật và thừa nhận Nhật là căn cứ
quân sự, là tiền đồn cho quân Mỹ ở khu vực này. Điều này gây nên sự phản
ứng mạnh mẽ trong dân chúng và phái tả ở Nhật. Tuy nhiên, chính phủ
Nhật hiểu rằng, sự phục hồi của nước Nhật sau chiến tranh chưa tạo cho họ

một vị trí đủ mạnh để mặc cả với Mỹ khi ký Hiệp ước này.

16
Trong gần hai thập kỷ tiếp theo kể từ sau Hiệp ước năm 1960, quan
hệ an ninh Mỹ - Nhật vẫn mang tính chất thiếu bình đẳng và thiếu hợp tác
thực tế. Cho đến năm 1978, khi “Phương châm phòng thủ Mỹ - Nhật” được
thông qua và thực hiện, người ta mới nhìn thấy những biểu hiện đầu tiên
của hợp tác song phương. Phương châm đã quy định trách nhiệm của mỗi
bên trong liên minh quân sự, vấn đề tác chiến, vấn đề tập trận chung và đặc
biệt là việc Nhật trợ giúp thêm cho các lực lượng Mỹ. Với sự ra đời của
Phương châm phòng thủ Mỹ - Nhật, hai bên đã tìm được tiếng nói chung,
hàn gắn được những lỗ hổng vốn tồn tại trong nhiều năm giữa những điều
khoản của Hiệp ước và những hoạt động cụ thể trong sự phối hợp của lực
lượng quân sự. Mỹ muốn Nhật Bản đóng góp tài chính để cùng với họ đảm
bảo cho các căn cứ quân sự hoạt động bình thường tại Nhật. Vấn đề chia sẻ
trách nhiệm được đặt ra và đi đến thống nhất. Sau các cuộc thương lượng,
hai bên đã thống nhất với nhau thông qua việc ký một hiệp định về việc
Nhật Bản có trách nhiệm tài trợ quỹ lương trả cho những người Nhật Bản
làm việc tại các căn cứ Hoa Kỳ trên đất Nhật. Một năm sau, hiệp định tiếp
theo được ký kết giữa hai chính phủ mà nội dung của nó là phía Nhật sẽ trợ
cấp một phần tài chính cho việc cải thiện điều kiện sống của các quân nhân
Mỹ tại các căn cứ quân sự Mỹ trên đất Nhật.
Sự thực, Nhật đã nhượng bộ rất nhiều đối với Mỹ. Tuy nhiên, càng
đi sâu vào cuộc Chiến tranh lạnh, chính quyền Mỹ càng cần sự chia sẻ
nhiều hơn nữa của các đồng minh. Dưới thời Tổng thống Carter, chính phủ
Mỹ đã chính thức yêu cầu Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng của họ lên
mức 0,9% của tổng sản phẩm xã hội. Ngược lại, từ những năm 80, hai nước
đã thỏa thuận nhiều vấn đề về đẩy mạnh quá trình hợp tác quân sự. Vào
năm 1981, Nhật cam kết sẽ tăng cường ngân sách quốc phòng, thực hiện
đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc phòng thủ từ xa. Hai bên đã đồng ý


17
tổ chức phối hợp nghiên cứu về khả năng chống lại một cuộc tấn công bất
ngờ ở viễn Đông và thực hiện các cuộc diễn tập phối hợp giữa lực lượng
quân sự hai bên. Bên cạnh đó, quá trình chuyển giao kỹ thuật quốc phòng
được cả hai phía đặc biệt chú trọng, như việc phối hợp sản xuất các loại vũ
khí, nghiên cứu và sản xuất các loại máy bay chiến đấu Bằng những
chương trình hợp tác này, quan hệ Mỹ - Nhật được nâng lên một tầm mới,
Nhật thực sự trở thành một thành viên NATO phương Đông với đầy đủ ý
nghĩa của nó.
1.2. Những nhân tố tác động đến quan hệ an ninh Mỹ - Nhật Bản
thời kỳ sau Chiến tranh lạnh
1.2.1. Môi trường an ninh quốc tế mới
Bối cảnh quốc tế sau Chiến tranh lạnh khác về căn bản so với thời
kỳ Chiến tranh lạnh, do đó tác động đến sự tồn tại và chuyển hóa của liên
minh Mỹ - Nhật trong hơn một thập niên qua và cả trong tương lai.
Chiến tranh lạnh kết thúc kéo theo sự sụp đổ của trật tự thế giới hai
cực đứng đầu là Liên Xô và Mỹ. Môi trường an ninh quốc tế có nhiều biến
đổi sâu sắc và rộng khắp, từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam và ở mọi
phương diện. Thế giới đang trong quá trình chuyển tiếp sang trật tự thế giới
đa cực, đa trung tâm và xu thế này đang là xu thế nổi trội. Với sự sụp đổ
của một cực Liên Xô, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất, nhưng điều đó
không có nghĩa là thế giới ngay sau Chiến tranh lạnh là thế giới một cực
như Mỹ mong muốn. Có thể Mỹ có sức mạnh tương đối lớn hơn so với các
nước khác, nhưng Mỹ thực sự không đủ sức mạnh tổng hợp để có thể quyết
định mọi công việc của thế giới. Bên cạnh Mỹ còn có sự lớn mạnh của
nhiều quốc gia, nhiều tổ chức khu vực và một thực tế khác trong giai đoạn
hậu Chiến tranh lạnh là khi tình trạng đối đầu Đông - Tây chấm dứt, vấn đề
ý thức hệ không còn là nhân tố chủ yếu chi phối quan hệ quốc tế, thì các


18
nước vừa và nhỏ có vai trò và tiếng nói đáng kể trong quan hệ quốc tế.
Điều này đã làm thay đổi so sánh lực lượng trên thế giới và các chuẩn mực
trong quan hệ quốc tế. Sau Chiến tranh lạnh, các quan hệ liên minh kinh tế,
chính trị và quân sự của trật tự thế giới vốn đã tồn tại trong suốt 45 năm bị
đảo lộn. Một số liên minh đã không còn lý do để tồn tại và bị giải thể. Một
số liên minh khác, trong đó có liên minh Mỹ - Nhật, vẫn được duy trì và
phát triển, song cần có sự chuyển biến để thích ứng với tình hình chính trị
và an ninh quốc tế mới.
Một đặc điểm nổi bật khác sau Chiến tranh lạnh là sự nổi lên của
kinh tế trong các yếu tố cấu thành sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia.
Nếu như trong Chiến tranh lạnh, trong bối cảnh đối đầu Đông - Tây và
căng thẳng trong quan hệ quốc tế, an ninh quân sự chiếm vị trí ưu tiên hàng
đầu trong chiến lược của các nước, thì sau Chiến tranh lạnh, vị trí đó thuộc
về yếu tố kinh tế. Phát triển kinh tế là mục tiêu và ưu tiên số một trong
chính sách đối nội và đối ngoại của mỗi nước. Cả Mỹ và Nhật Bản đều có
lợi thế lớn trước xu thế mới của thời đại, bởi cả Mỹ và Nhật là hai siêu
cường kinh tế số một và số hai của thế giới. Tuy nhiên, cả hai nước đều
hiểu rằng yếu tố kinh tế không thể thay thế được an ninh quân sự trong việc
đảm bảo an ninh quốc gia. Thương mại có vai trò kiềm chế quan trọng
nhưng không bao giờ có thể thay thế được răn đe cứng rắn dựa trên sức
mạnh quân sự. Những cuộc xung đột cục bộ, khu vực về các vấn đề sắc tộc,
tôn giáo, lãnh thổ diễn ra liên tiếp, thậm chí có lúc leo thang thành chiến
tranh như cuộc chiến tranh vùng Vịnh, Cosovo, Apghanistan, Iraq… cho
thấy sức mạnh quân sự vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với an ninh
quốc gia và quốc tế. Theo lời phát biểu của cựu Tổng thống Mỹ R.Nixon
thì một khi quyền lợi sinh tử của một quốc gia bị đe dọa, một cường quốc
sẽ vứt bỏ ngay cả những quan hệ kinh tế chặt chẽ nhất để chiến thắng. Do

19

vậy, việc tăng cường vũ trang, duy trì và mở rộng các liên minh quân sự
vẫn rất cần thiết đối với các quốc gia, đặc biệt là với các cường quốc nhiều
tham vọng.
Chiến tranh lạnh kết thúc đâ mở ra sự hợp tác và hội nhập kinh tế
trên quy mô toàn cầu. Sự hợp tác trên các mặt kinh tế, chính trị, xã
hội…cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ hiện đại đã làm cho
quá trình quốc tế hóa được đẩy mạnh. Trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa
diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, sự phụ thuộc lẫn nhau, đặc biệt về kinh tế
giữa các quốc gia ngày càng tăng lên thì an ninh của một quốc gia ảnh
hưởng tới an ninh khu vực. Khi nền kinh tế của một nước rơi vào khủng
hoảng dẫn đến bất ổn về an ninh - chính trị và nếu không kiểm soát được
thì những bất ổn đó có thể vượt qua biên giới, ảnh hưởng tới an ninh khu
vực. Cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ năm 1997 ở ĐA là một ví dụ.
Cuộc khủng hoảng đã làm lu mờ “sự thần kỳ kinh tế của ĐA”, đồng thời đã
có tác động đáng kể gây mất ổn định khu vực. Tình trạng khó khăn về kinh
tế, mất ổn định về chính trị, rối ren về xã hội, cùng với những mâu thuẫn
tiềm tàng về tôn giáo, sắc tộc làm cho nhiều khu vực trên thế giới dễ bùng
nổ xung đột. Ngay cả một nước Mỹ hùng mạnh cũng không thể luôn luôn
đối phó được với các mối đe doạ đó. Nhật Bản càng không thể yên tâm khi
nước Nhật nằm ở một vị trí dễ bị tổn thương và lực lượng quân sự của nước
này còn có nhiều hạn chế.
Những thay đổi của môi trường quốc tế sau Chiến tranh lạnh tạo ra
những cơ hội và thách thức đối với cả Mỹ và Nhật để các nước thực hiện
mục tiêu chiến lược của mình. Trong đó, một môi trường an ninh quốc tế
còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, khó lường là một trong những nguyên
nhân chính quy định sự tiếp tục tồn tại và phát triển của liên minh Mỹ -
Nhật Bản.

20
1.2.2. Những thay đổi của tình hình khu vực

Trong xu thế chung của thế giới, khu vực CA - TBD cũng có những
thay đổi lớn. Nếu trong Chiến tranh lạnh, khu vực này đã từng là nơi hội tụ
tất cả các mâu thuẫn lớn trên thế giới và đối đầu Đông - Tây, thì sau Chiến
tranh lạnh CA - TBD đã trở thành khu vực có xu thế hoà bình và hợp tác.
Đặc biệt, khu vực này đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới bởi sự phát triển
năng động của nền kinh tế. Năm 1965, GDP của CA mới chỉ chiếm 9%
GDP của thế giới thì đến những năm 1980 con số đó là 20% và năm 2000
là trên 35 % so với châu Âu 24,6% và Bắc Mỹ 18% [23;258]. Sự phụ thuộc
lẫn nhau giữa các nước trong khu vực và với các nước ngoài khu vực ngày
càng tăng khi trao đổi thương mại và đầu tư ngày càng lớn. Chẳng hạn,
năm 1991 chỉ riêng thương mại và xuất khẩu nội bộ ĐA đã chiếm 46% và
39% tổng số thương mại và xuất khẩu của khu vực này với bên ngoài.
Buôn bán hai chiều giữa Mỹ và CA - TBD năm 1991 đạt 315 tỷ USD, năm
1992 tăng lên 345 tỷ USD, gấp đôi kim ngạch buôn bán giữa Mỹ với Liên
minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, sau Chiến tranh lạnh sự cân bằng được duy trì bởi thế hai
cực Xô - Mỹ không còn nữa, thay vào đó là một môi trường chiến lược
không rõ ràng và tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Với sức mạnh kinh tế
ngày càng lớn, các nước trong khu vực không ngừng đẩy mạnh sức mạnh
quân sự. Năm 1991, lượng nhập khẩu vũ khí của các nước CA chiếm
khoảng 35% lượng vũ khí nhập khẩu trên thế giới. Chi phí quân sự của Ấn
Độ, Hàn Quốc và Đài Loan năm 1991 tương ứng là 9.033 tỷ USD; 7.826 tỷ
USD và 6.809 tỷ USD, xếp thứ hai, ba và năm về chi phí quốc phòng của
các nước và lãnh thổ đang phát triển. Việc gia tăng chi tiêu quân sự cũng là
hiện tượng phổ biến ở ĐNA: Singapore tăng 15%, Malaysia 15%, Thái Lan
14% và Indonesia 8% [2;22]. Nếu xu thế này tiếp tục kéo dài thì một cuộc

×