Tải bản đầy đủ (.pdf) (108 trang)

ếu tố kỳ ảo trong tập truyện Yêu ngôn của Nguyễn Tuân

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (823.3 KB, 108 trang )

1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN


NGUYỄN THỊ THANH CHUNG




YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TẬP TRUYỆN
“YÊU NGÔN” CỦA NGUYỄN TUÂN



LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Lý luận văn học






Hà Nội-2012
2

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN



NGUYỄN THỊ THANH CHUNG




YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TẬP TRUYỆN
“YÊU NGÔN” CỦA NGUYỄN TUÂN


Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lí luận văn học
Mã số : 60220120

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS TÔN THẢO MIÊN




Hà Nội-2012
3

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU……………………………………………………………. 3
1. Lý do chọn đề tài………………………………………………… 3
2. Lịch sử vấn đề…………………………………………………… 4
3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu………………………… 5
4. Phương pháp nghiên cứu…………………………………………. 6
5. Cấu trúc luận văn…………………………………………………. 7
NỘI DUNG…………………………………………………………. 8
Chương 1: KHÁI LƯỢC VỀ YẾU TỐ KÌ ẢO VÀ SÁNG TÁC CỦA

NGUYỄN TUÂN………………………………………… …………………. 8
1.1. Khái niệm “yếu tố kì ảo” hay “cái kì ảo”………………………8
1.2. Khái lược về yếu tố kì ảo trong sáng tác của
Nguyễn Tuân…………………………………………………………10
1.2.1. Nguyễn Tuân cuộc đời và văn nghiệp…………………………10
1.2.2. Yêu ngôn - một tác phẩm kì ảo đặc sắc trong
văn nghiệp Nguyễn Tuân …………………. …… ……………… 15
Chương 2: YẾU TỐ KÌ ẢO VỚI VIỆC TẠO DỰNG THẾ GIỚI NGHỆ
THUẬT, TRIẾT LÍ NHÂN SINH VÀ CHIỀU SÂU VĂN HÓA TRONG
“YÊU NGÔN” CỦA NGUYỄN TUÂN…………………………………….24
2.1. Thế giới nghệ thuật trong Yêu ngôn………………………… 24
2.2. Cái đẹp và những giá trị văn hóa………………………………29
2.3. Triết lí nhân sinh……………………………………………… 36
Chương 3: YẾU TỐ KÌ ẢO VỚI VIỆC TẠO DỰNG THI PHÁP YÊU
NGÔN………………………………………………………………… … 48
3.1. Không gian và thời gian nghệ thuật của Yêu ngôn………… 48
3.1.1. Không gian nghệ thuật……………………………………… 48
4

3.1.2. Thời gian nghệ thuật………………………………………… 59
3.2. Thế giới nhân vật với số phận dị biệt, tính cách phi thường… 63
3.2.1. Yêu ngôn với thế giới của những cái phi thường, những con
người dị biệt………………………………………………………………… 64
3.2.2. Yêu ngôn với thế giới của nhân vật ma……………………….70
3.2.3. Yêu ngôn với những cảnh, những vật kì lạ………………… 73
3.3. Phương thức nghệ thuật tạo dựng thế giới Yêu ngôn….……. 79
3.3.1. Ngôn ngữ trần thuật ………………… … 80
3.3.1.1. Câu văn trần thuật giàu chất thơ, giàu giá trị tạo hình…… 80
3.3.1.2. Sử dụng hình ảnh biểu tượng, nhiều hàm nghĩa………… 84
3.3.1.3. Thủ pháp lạ hóa ngôn từ……………………………………. 88

3.3.1.4. Tính phóng đại đặc tả……………………………………… 91
3.3.1.5. Ngôn ngữ giàu tính nhạc………………………………… 93
3.3.1.6. Tạo lớp từ chuyên biệt phong phú và cách dùng từ Hán Việt tạo
không khí cổ kính…………………………………………… 94
3.3.2. Giọng điệu………… ……………………………………… 96
KẾT LUẬN………………………………………………………… 100
TÀI LIỆU THAM KHẢO………………………………………… 103




5


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trên văn đàn Việt Nam, Nguyễn Tuân hiện lên với một phong cách
nghệ thuật độc đáo mang bản chất của một nhà Nho tài tử cùng với khối
lượng tác phẩm đồ sộ ở nhiều thể loại: truyện ngắn, phóng sự, tùy bút, tiểu
thuyết…Với những đóng góp to lớn của mình trên nhiều phương diện: thể
loại, ngôn ngữ…, ông được xếp vào một trong 9 tác gia tiêu biểu của văn học
Việt Nam hiện đại (sách giáo khoa hiện hành). Về mảng truyện ngắn, Nguyễn
Tuân là một cây bút xuất sắc, tập truyện Vang bóng một thời được đánh giá
như một văn phẩm “gần tới sự toàn thiện, toàn mỹ” [23, tr.238]. Trong truyện
ngắn của Nguyễn Tuân, bên cạnh những trang văn tìm về nét đẹp xưa giờ chỉ
còn vang bóng còn tồn tại những tác phẩm mang tính chất kì ảo được tập hợp
lại trong tập truyện Yêu ngôn.
Yếu tố kì ảo được coi là hướng đi khá mới mẻ của văn chương đương
đại và đang dành được sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu, đồng thời
chính nó đã góp phần tạo nên diện mạo của nền văn học hôm nay mà khơi

nguồn cho thể loại này chính là văn phẩm của Nguyễn Tuân từ những năm
trước Cách mạng.
Chọn đề tài Yếu tố kì ảo trong tập truyện Yêu ngôn của Nguyễn Tuân,
người viết muốn góp phần làm rõ thế giới nghệ thuật đặc sắc trong văn
chương Nguyễn Tuân, đồng thời góp phần nhìn nhận và đánh giá đầy đủ hơn
về sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân mà từ trước tới nay vốn được nhìn
nhận chủ yếu ở thể tùy bút cùng với thành tựu đỉnh cao của tập truyện ngắn
Vang bóng một thời. Đồng thời nghiên cứu Yêu ngôn cũng để làm rõ những
giá trị, những kinh nghiệm và truyền thống của loại truyện kì ảo mà cây bút
bậc thầy Nguyễn Tuân đã từng khai phá và sáng tạo để đánh giá đúng hướng
6

đi này của văn học đương đại. Đúng như lời nhận xét của nhà nghiên cứu Vũ
Ngọc Phan: “Một ngày không xa khi mà văn chương Việt Nam được người
Việt Nam ham chuộng hơn bây giờ, tôi dám chắc những văn phẩm của
Nguyễn Tuân sẽ còn có một địa vị xứng đáng hơn nữa” [23, tr.52].
Đã có nhiều công trình nghiên cứu, luận văn, luận án quan tâm đến sự
nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân trên nhiều phương diện nhưng chủ yếu vẫn
tập trung ở thể loại tùy bút vốn được coi là thế mạnh của Nguyễn Tuân. Tập
truyện Yêu ngôn của Nguyễn Tuân tới nay vẫn chưa được nghiên cứu một
cách hệ thống và đầy đủ như một chỉnh thể mà chỉ có những bài viết riêng lẻ
tập trung vào một số truyện như Chùa Đàn…Do đó, luận văn sẽ tập trung
khảo sát và nghiên cứu vào hướng đi còn khá mới mẻ này.
2. Lịch sử vấn đề
Trong dòng chảy của văn học Việt Nam, yếu tố kì ảo như một mạch
ngầm góp phần làm nên diện mạo của văn học qua các giai đoạn.
Giai đoạn 1930-1945 trong cuốn Nhà văn hiện đại Việt Nam,Vũ Ngọc
Phan đã có bài viết, nghiên cứu, phê bình về tác giả Nguyễn Tuân, Lan Khai,
Tchya – Đái Đức Tuấn…
Trong khoảng thời gian gần đây đã có nhiều tập truyện mang tính chất

truyền kì xuất hiện như Đêm bướm ma (Tuyển truyện ma Việt Nam của Ngô
Tự Lập, Lưu Sơn Minh), Truyện không nên đọc vào lúc giao thừa (Lưu Sơn
Minh), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Mảnh đất
lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), các tác phẩm của DiLi: Trại hoa
đỏ, Tầng thứ nhất, Bảy ngày trên sa mạc, Điệu valse địa ngục….và có nhiều
bài nghiên cứu, phê bình về các tác phẩm này.
Bên cạnh đó phải kể đến các luận án, bài viết mang tính chất chuyên
sâu, nghiên cứu về vấn đề này như: Yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương đại
Việt Nam của Bùi Thanh Truyền, Nghiên cứu văn bản và đánh giá tác phẩm
7

truyền kì Việt Nam (Phạm Văn Thắm), Huyền thoại, một điều thú vị (Trần
Duy Châu), Phương thức huyền thoại trong văn học Việt Nam từ sau 1975
(Lê Thị Hường), Ma và vô thức – bức tranh sáng tối của hương hồn (Trần
Thanh Ngoạn) đặc biệt cuốn Dẫn luận về văn chương kì ảo của Tzevan
Todorov do Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào dịch được xem như một cuốn
cẩm nang để nghiên cứu văn học có yếu tố kì ảo nói chung và loại hình truyện
kinh dị nói riêng.
Từ trước năm 1945, Nguyễn Tuân đã có dự định tập hợp những truyện
mang yếu tố kì ảo của mình lại và lấy tên là Yêu ngôn nhưng chưa kịp
làm…Nhiều năm sau khi Nguyễn Tuân qua đời, nhà nghiên cứu Nguyễn
Đăng Mạnh cho sưu tầm, xuất bản và viết lời giới thiệu cho Yêu ngôn (Nhà
xuất bản Hội nhà văn – 1998).
Trong Nguyễn Tuân – về tác gia và tác phẩm Tôn Thảo Miên đã viết
“…Một hướng thoát ly khác là đi vào loại truyện thần kì quái đản, thả tư
tưởng của mình vào cõi âm, tránh xa cuộc sống trần gian (Xác ngọc lam…)”.
Bên cạnh đó, tác giả đã tuyển chọn và giới thiệu nhiều bài viết của các nhà
nghiên cứu: Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Văn
Đức, Vương Trí Nhàn, Ngọc Trai, Nguyễn Thị Thanh Minh, Văn Tâm, Hoài
Anh, Nguyễn Thành, Phong Lê, Phan Cự Đệ… về cuộc đời và văn nghiệp của

nhà văn Nguyễn Tuân. Ngoài các công trình nghiên cứu về sự nghiệp văn học
của nhà văn còn có rất nhiều bài viết về kỷ niệm gắn bó sâu sắc của các nhà
nghiên cứu đối với nhà văn Nguyễn Tuân như: Nguyễn Tuân trong lòng tôi
(Đoàn Minh Tuấn), Tản mạn về Nguyễn Tuân (Nguyễn Quang Sáng)…
Tiếp thu ý kiến của các nhà nghiên cứu trước đó, luận văn tập trung làm
rõ và khảo sát Yếu tố kì ảo trong tập truyện Yêu ngôn của Nguyễn Tuân dưới
góc nhìn mang tính chỉnh thể, hệ thống.
3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu
8

Luận văn tập trung làm rõ yếu tố kì ảo trong tập truyện Yêu ngôn dưới
góc độ thi pháp học, vị trí tập truyện này trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn
Tuân cũng như những kinh nghiệm mang tính chất khai phá với thể loại
truyện kì ảo của cây bút bậc thầy Nguyễn Tuân.
Qua đó, luận văn góp phần khẳng định Nguyễn Tuân là một nhà văn có
phong cách độc đáo tài hoa và có một sự nghiệp văn học phong phú đa dạng.
- Đối tượng: Yếu tố kì ảo trong tập truyện Yêu ngôn của Nguyễn Tuân
- Phạm vi nghiên cứu: Tập truyện Yêu ngôn của Nguyễn Tuân, bao gồm
8 truyện: Trên đỉnh non Tản, Khoa thi cuối cùng (Báo oán), Đới roi, Lửa nến
trong tranh, Loạn âm, Xác ngọc lam, Rượu bệnh, Tâm sự của nước độc (Chùa
Đàn).
- Một số truyện ngắn khác của Nguyễn Tuân gần gũi với Yêu ngôn:
Vườn xuân lan tạ chủ, Tóc chị Hoài, Bữa rượu máu…
- Đồng thời so sánh với một số truyện của tác giả khác thuộc thể loại
này: Thần Hổ, Ai hát giữa rừng khuya (Tchya), Suối đàn (Lan Khai)….
4. Phương pháp nghiên cứu
- Thi pháp học thể loại: nghiên cứu tập truyện dưới góc độ thời gian,
không gian nghệ thuật, nhân vật, ngôn ngữ và giọng điệu để làm rõ yếu tố kì
ảo trong tập truyện Yêu ngôn.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: nhằm làm rõ nét đặc sắc về nội

dung, nghệ thuật của tác phẩm.
- Phương pháp so sánh, đối chiếu: đặt Yêu ngôn trong mối tương quan
với các tác phẩm khác của Nguyễn Tuân cũng như của các nhà văn cùng thời
để thấy rõ nét đặc trưng đối với thể loại truyện kì ảo trong sáng tác của nhà
văn.
9

- Phương pháp hệ thống: xem xét tập truyện Yêu ngôn như một chỉnh
thể hoàn chỉnh trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn để thấy được nét đặc thù
riêng.
5. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, nội dung chính của luận văn triển khai
qua 3 chương:
Chương 1: Khái lược về yếu tố kì ảo và những sáng tác của Nguyễn
Tuân
Chương 2: Yếu tố kì ảo với việc tạo dựng thế giới nghệ thuật, triết lí
nhân sinh và chiều sâu văn hóa trong Yêu ngôn của Nguyễn Tuân
Chương 3: Yếu tố kì ảo với việc tạo dựng thi pháp Yêu ngôn
Và cuối cùng là Tài liệu tham khảo.






10


NỘI DUNG
Chương 1

KHÁI LƯỢC VỀ YẾU TỐ KÌ ẢO VÀ SÁNG TÁC CỦA
NGUYỄN TUÂN
1.1. Khái niệm về “yếu tố kì ảo” hay “cái kì ảo”
Cho đến nay việc xác lập đường viền ranh giới cho nội hàm các khái
niệm “Cái kì ảo”, “yếu tố kì ảo”, “cái huyễn hoặc”, “cái dị thường”…là rất
khó khăn. Điều này có nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân nằm ở hệ thống
thuật ngữ, ở cách chuyển ngữ các thuật ngữ từ tiếng nước ngoài, có nguyên
nhân nằm ở tính chất nhòe mờ, giao thoa ngữ nghĩa của khái niệm. Khái niệm
được sử dụng một cách phổ biến nhất, thông dụng nhất là “cái kì ảo” hay “yếu
tố kì ảo”.
Yếu tố kì ảo trong văn học là một thành tố mang giá trị nghệ thuật,
xuất hiện trong tác phẩm văn học với tư cách là hạt nhân của loại truyện kinh
dị. Nó được coi như một phương tiện hữu hiệu để nhận thức và phản ánh cuộc
sống nhằm mang lại những giá trị thẩm mĩ nhất định.
Trên cơ sở tìm hiểu từ điển giải nghĩa của Pháp, thuật ngữ văn học
Rumani, từ điển Pháp Việt, Lê Nguyên Cẩn cho rằng: “Cái kì ảo là sản phẩm
của trí tưởng tượng, được tạo ra nhờ khả năng suy tưởng, ở đó cái siêu nhiên
chiếm ưu thế. Đó là những cái không mang tính chân thực, chỉ tuân theo quy
luật của tưởng tượng. Đó là cái kì quặc, dị thường, hư ảo, quái dị, siêu nhiên,
kinh khủng, huyễn hoặc”[4, tr.15]. Từ những năm bảy mươi của thế kỉ trước,
Tzevan Todorov đã dày công nghiên cứu, khảo sát, từ đó xác lập những vấn
đề lí thuyết liên quan đến truyện kì ảo qua công trình Dẫn luận về văn chương
kì ảo. Qua đó, ông dẫn ra nhiều cách nói khác nhau về cái kì ảo (yếu tố kì ảo)
nhưng nội hàm của cách nói đó về cơ bản là không khác nhau và ông đã đi
11

đến kết luận: “Cần ghi nhận thêm rằng những định nghĩa về cái kì ảo thường
thấy gần đây trong những bài viết ở Pháp, nếu không giống hệt như của
chúng tôi thì cũng không nói ngược lại” [41, tr.35]. Và để chứng minh cho
điều đó, ông dẫn ra một số quan niệm của các nhà nghiên cứu, các nhà lí luận

hàng đầu châu Âu trước đó. Theo Tzevan Todorov, nhà triết học thần bí
người Nga Soloviov cho rằng: “Trong cái kì ảo thực sự , người ta luôn giữ
một khả năng bề ngoài và về hình thức của một sự giải thích đơn giản những
hiện tượng, song đồng thời sự giải thích này lại hoàn toàn thiếu khả năng có
thật trong nội tại” [41, tr.35]. Montague Rhodes Fames, một nhà văn Anh
chuyên viết truyện kinh dị, cũng có một cách hiểu như vậy khi cho rằng: “Đôi
khi cần phải có một cái cửa đi ra cho một sự giải thích tự nhiên, nhưng tôi
cần nói thêm: cái cửa ấy phải khá hẹp để người ta không sử dụng nó được”
[41, tr.35]. Cũng cách nhìn ấy, Olga Reimann cho rằng: “Nhân vật liên tục
cảm thấy rõ rệt mâu thuẫn giữa hai thế giới, thế giới của cái thật và của cái
kì ảo, và bản thân anh ta cũng phải ngạc nhiên trước những sự khác thường
quanh mình” [41, tr.35]. Còn Castex viết trong Truyện kể kì ảo ở Pháp: “Cái
kì ảo… một sự xâm nhập đường đột của cái bí ẩn và khuôn khổ của cuộc sống
thực” [41, tr.36].
Trong công trình Đặc trưng nghệ thuật truyện ngắn Anh Mỹ, Lê Huy
Bắc đã phần nào lí giải yếu tố kì ảo. Theo ông, “Các yếu tố kinh dị đa phần là
yếu tố kì ảo, hoang đường, những yếu tố con người không thể cắt nghĩa bằng
lí trí thông thường” [2, tr.105]. Có cùng cách hiểu như các nhà nghiên cứu
trước đó, tuy nhiên Lê Nguyên Cẩn lại có cái nhìn gần hơn khi xét cái kì ảo
trong phạm vi văn bản văn học. Ông viết: “Như vậy, cái kì ảo là một phạm trù
tư duy nghệ thuật, nó được tạo ra nhờ trí tưởng tượng và được biểu hiện bằng
các yếu tố siêu nhiên, khác lạ, phi thường, độc đáo…Nó có mặt trong văn học
dân gian, văn học viết qua các thời đại. Nó tồn tại trên trục thực - ảo, và tồn
12

tại độc lập, không hòa tan vào các dạng thức khác của trí tưởng tượng”
[4, tr.16].
Từ những cách hiểu trên đây chúng tôi tổng hợp và đi đến một cách
hiểu thống nhất về yếu tố kì ảo như sau: Yếu tố kì ảo là một thủ pháp được
sản sinh bằng trí tưởng tượng, liên tưởng, kết nối thực và ảo nhằm tạo nên

những nỗi sợ hãi ghê gớm…tác động vào phẩm chất sợ hãi của con người qua
các hình tượng ma quái, với không gian, thời gian cõi âm cõi trần đồng hiện,
đa chiều. Không thể giải thích các yếu tố hiện tượng đó bằng cách này hay
cách khác. Chỉ có thể cảm nhận bằng văn hóa tâm linh.
1.2. Khái lược về yếu tố kì ảo trong sáng tác của Nguyễn Tuân
1.2.1 Nguyễn Tuân cuộc đời và văn nghiệp
1.2.1.1. Cuộc đời nhà văn Nguyễn Tuân
Nhà văn Nguyễn Tuân sinh ngày 10/07/1910 tại phố Hàng Bạc, Hà
Nội. Thân sinh ông là cụ Nguyễn An Lan tức ông tú Hải Văn, một nhà nho tài
hoa đậu khoa thi Hán học cuối cùng, nhưng cũng là một nhà nho bất đắc chí
dưới chế độ phong kiến.
Nguyễn Tuân sinh ra trong một gia đình Nho học nhưng giữa lúc Nho
học thất thế, nhường chỗ cho Tây học và ông lớn lên vào buổi giao thời Tây –
Tàu nhố nhăng “ối a ba phèng”. Bối cảnh xã hội, không khí gia đình đặc biệt
ấy đã ghi dấu ấn sâu sắc vào trong cá tính, tư tưởng cũng như phong cách
nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Là một tri thức giàu tinh thần dân tộc, Nguyễn
Tuân đã phải trải qua những năm tháng khổ sở, có lúc bế tắc, tuyệt vọng.
Nguyễn Tuân sinh ra ở Hà Nội, nhưng thời thanh thiếu niên đã cùng
với gia đình sống nhiều ở các tỉnh miền Trung, Khánh Hòa, Phú Yên, Hội An,
Đà Nẵng, Huế, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Năm 1929, khi đang học trung học ở
Nam Định vì tham gia một cuộc bãi khóa phản đối chống giáo viên người
Pháp nói xấu người Việt Nam nên ông bị đuổi học, không chịu được cảnh
13

sống nô lệ, ông cùng một nhóm bạn vượt biên sang Lào rồi bị bắt ở Thái Lan,
đưa về giam ở Thanh Hóa (1930). Kể từ đây, Nguyễn Tuân rơi vào tình trạng
khủng hoảng tinh thần sâu sắc, ông đi vào con đường ăn chơi trụy lạc, thành
kẻ “đại bất đắc chí”, như một người “hư hỏng hoàn toàn”.
Ở tù ra, Nguyễn Tuân làm thư kí nhà máy đèn và bắt đầu cầm bút. Ông
làm báo viết văn và bắt đầu nổi tiếng từ năm 1938, 1939 với tác phẩm Một

chuyến đi, Vang bóng một thời…Ngoài văn học Nguyễn Tuân còn say mê
diễn kịch, đóng phim. Ông là một trong những diễn viên điện ảnh đầu tiên ở
nước ta.
Năm 1940 cuốn Vang bóng một thời được in. Đến 1941 Nguyễn Tuân
bị bắt tại Hà Nội và bị đưa đi trại giam tập trung. Khi đi ở trại tập trung về,
Nguyễn Tuân lại bắt đầu viết và cho in một loạt tác phẩm mới.
Cách mạng tháng Tám đã làm “hồi sinh” tác giả, ông hòa vào dòng
người hân hoan đón chào cuộc sống mới, tự “lột xác” và chân thành đứng vào
hàng ngũ nhà văn phục vụ cách mạng.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Nguyễn Tuân tham gia vào đoàn văn
hóa kháng chiến, làm kịch tuyên truyền ở Thanh Hóa, Vinh. Năm 1947, ông
làm trưởng đoàn kịch tuyên truyền của khu Bốn. Ông được bầu làm Tổng thư
ký Hội văn nghệ toàn quốc từ 1948 – 1956, là ủy viên Chấp hành Hội liên
hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội nhà văn Việt Nam từ 1957 tới lúc
mất.
Nguyễn Tuân đã đi tới mọi nơi xa xôi nhất, bất kể ở đâu dù là miền núi
hay đồng bằng, tham gia cả vào những trận đánh của bộ đội, cho ra đời những
trang viết hết sức sống động, phản ánh kịp thời không khí đánh giặc sôi động
của quân và dân ta.
Trong những năm 60, 70 ông còn viết phê bình văn học. Ông viết về tác
giả trong nước, ngoài nước, các vấn đề văn học mà ông đang quan tâm.
14

Nguyễn Tuân hoạt động trên nhiều phương diện: viết truyện, kí, phê bình văn
học, dịch thuật, diễn kịch…
Nguyễn Tuân hăng hái tham gia vào hai cuộc kháng chiến, bằng ngòi
bút tài hoa của mình, ông đã có công đóng góp lớn vào việc ngợi ca quê
hương đất nước và con người Việt Nam trong chiến đấu, sản xuất và xây
dựng.
Nguyễn Tuân mất ngày 28/07/1987 tại Hà Nội. Ông được truy tặng giải

thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật năm 1996.
1.2.1.2. Văn nghiệp Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân là một trí thức dân tộc rất mực tài hoa, uyên bác, ông am
tường cả Hán học lẫn Tây học, đặc biệt có lòng say mê thiết tha với tiếng
Việt. Đọc văn ông ta không chỉ thấy một Nguyễn Tuân “ bậc thầy của nghệ
thuật ngôn từ Việt Nam” (Mai Quốc Liên) mà ta còn được bồi dưỡng thêm tri
thức về nhạc, họa, điêu khắc, kiến trúc, lịch sử, địa lý, điện ảnh…Thực tế ấy
chứng tỏ Nguyễn Tuân là một tài năng đa dạng, có năng lực ở nhiều lĩnh vực
nghệ thuật.
Sự nghiệp hơn nửa thế kỉ của Nguyễn Tuân là một quá trình lao động
nghệ thuật thực sự nghiêm túc, ông luôn nghiêm khắc với chính mình. Nhà
văn Nguyễn Đình Thi đã nhận xét: “Nguyễn Tuân là một nhà văn suốt đời đi
tìm cái đẹp, cái thật” [23, tr.601]. Đã làm nghệ thuật, người nghệ sĩ nào cũng
mong muốn đi tìm cái đẹp, cái thật, còn đối với Nguyễn Tuân, ông là nghệ sĩ
nâng cái đẹp thành tôn giáo để phụng thờ, phụng sự. Nguyễn Tuân là tín đồ
nhiệt thành của tôn giáo có tên là Nghệ Thuật, cái đẹp với nhà văn này thiêng
liêng và có tác dụng cứu rỗi linh hồn, tâm hồn con người.
Trước cách mạng tháng Tám, trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược,
mọi thang bậc giá trị trong xã hội bị đảo lộn “ối a ba phèng”, Nguyễn Tuân
đứng hẳn về phía dân tộc và truyền thống, chống lại lối sống xu thời. Sáng tác
15

của ông thời kì này chủ yếu dồn lại ở việc phục hiện các giá trị văn hóa truyền
thống thuộc lĩnh vực tinh thần của xã hội. Nhà văn tìm về vẻ đẹp chỉ còn
Vang bóng một thời trong niềm xót xa, tiếc nuối.Ông hi vọng sẽ gìn giữ được
những nét đẹp, những giá trị thiêng liêng của dân tộc. Các tác phẩm chính của
ông trong thời kỳ này gồm: Một chuyến đi (1938), Vang bóng một thời
(1939), Ngọn đèn dầu lạc (1939), Thiếu quê hương (1940), Tàn đèn dầu lạc
(1941), Tùy bút I (1941), Tùy bút II (1943), Tóc chị Hoài (1943), Những đứa
con hoang (1943), Vô đề (1945), Nguyễn (1945).

Sau cách mạng, Nguyễn Tuân càng tỏ ra sâu sắc trong tư tưởng nghệ
thuật. Cách mạng tháng Tám thắng lợi đã thổi một luồng gió mới vào cuộc
đời nhà văn, nhà văn có dịp đi nhiều, mở lòng mình ra để đón nhận những
thanh âm trong trẻo của cuộc sống mới dội về. Ông đã dành nhiều trang văn
để miêu tả vẻ đẹp của đất nước con người Việt Nam. Các tác phẩm chính giai
đoạn này gồm: Chùa Đàn (1946), Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950),
Thắng càn (1953), Tùy bút kháng chiến và hòa bình (Tập I-1955, Tập II-
1956), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972), Ký (1976), Chuyện
nghề (1986), Cảnh sắc và hương vị đất nước (1988), Tuyển tập Nguyễn Tuân
(1996).
Sự nghiệp văn chương Nguyễn Tuân gồm một số lượng lớn tác phẩm
và đa dạng về thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, tùy bút, phê bình văn
học, báo chí. Trong đó có không ít tác phẩm đạt tới vẻ đẹp “gần như hoàn mĩ”
và đầy ắp giá trị. Tuy nhiên, vượt qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian,
những sáng tác quan trọng và có giá trị nhất của Nguyễn Tuân vẫn là những
truyện ngắn và những trang tùy bút độc đáo, cá tính và tài hoa.
Trước cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân chơi “ngông” một cách cực
đoan. Chủ nghĩa độc đáo đến mức cực đoan trong đời sống cũng như trong
nghệ thuật mà biểu hiện là thú chơi ngông của Nguyễn Tuân không đơn thuần
16

là mức phản ứng tâm lý của một cá nhân trước tấn bi kịch của xã hội mà bao
trùm lên là thái độ của người trí thức yêu nước không cam tâm chấp nhận chế
độ thực dân, muốn tách mình ra và vượt mình lên trên xã hội của những kẻ xu
thời. Sau cách mạng tháng Tám, khi hoàn cảnh đất nước thay đổi nhà văn họ
Nguyễn không còn “khiêu khích hay ném đá vào những người xung quanh”
nữa mà đã hòa mình vào công cuộc xây dựng đất nước, bằng văn chương nhà
văn xây dựng cho mình những hình tượng mới. Thú “chơi ngông” bằng ngôn
từ dựa trên sự tài hoa trong nhân cách khiến cho ngòi bút của ông luôn tràn
đầy sáng tạo và có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Cái ngông – biểu hiện của sự độc

đáo luôn tồn tại như một hạt nhân căn bản chi phối toàn bộ phương diện khác
nhau của phong cách nghệ thuật từ đề tài, hệ thống nhân vật cho đến thể loại,
giọng điệu, ngôn ngữ.
Mới lạ, không giống và không “lẫn” vào với bất kì ai là đặc điểm dễ
nhận thấy ở đề tài của Nguyễn Tuân, ông thường “khơi những nguồn chưa ai
khơi” nên thường tạo được cảm giác mạnh, để lại ấn tượng sâu sắc. Qua
những trang viết của Nguyễn Tuân, một mặt người đọc thấy say sưa trước
cảnh, trước tình, nhiều khi cùng đắm chìm để thả hồn mình vào trong đó. Mặt
khác, người đọc như thấy yêu thêm, tự hào hơn về dân tộc mình đang sống.
Hệ thống nhân vật của Nguyễn Tuân bao giờ cũng mang dáng vẻ
riêng, độc đáo, đẹp – vẻ đẹp của nhân cách, tài hoa. Ở cả hai giai đoạn sáng
tác trước và sau cách mạng, Nguyễn Tuân luôn trân trọng những “đấng tài
hoa”, say mê miêu tả, chiêm ngưỡng họ. Trước cách mạng tháng Tám, các
nhân vật của ông thường sành hơn người về một thú chơi hoặc một ngón nghề
mang đầy tính nghệ thuật. Nhà văn tìm về thú tiêu dao tao nhã như thưởng
hoa, uống rượu Thạch Lan Hương, thư pháp… để thả hồn mình vào trong đó,
một mình quay lưng lại không bắt tay với chế độ thực dân. Sau cách mạng,
Nguyễn Tuân không đối lập xưa với nay, cổ với kim mà tìm thấy sự gắn bó
17

giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Ông phát hiện chất tài hoa nghệ sĩ không
chỉ có ở nhân vật phi thường mà ở những người dân bình thường nhất : lái đò,
lái xe, dân quân, bộ đội…Nhà văn say mê ngợi ca vẻ đẹp của con người bình
dị trong cuộc sống thường ngày ấy với một niềm vui, sự hăm hở, say mê.
Với cá tính và cái tôi được ý thức rất cao, Nguyễn Tuân tìm đến và gắn
bó với thể tùy bút như một sự tất yếu. Đặc điểm nổi bật của thể tùy bút
Nguyễn Tuân chính là giọng điệu đa thanh, sự phong phú, thỏa mãn đến hoàn
hảo những sắc thái tình cảm tinh tế nhất. Nguyễn Tuân có lối ví von, so sánh
chính xác, mới lạ, sự vật miêu tả trong trường liên tưởng, cảm giác chuyển
đổi tinh tế, bất ngờ.

Vẻ đẹp của trang viết Nguyễn Tuân vốn được mệnh danh như những
“tờ hoa”, “trang hoa” là kết quả tất yếu từ một cách viết mang chiều sâu, bề
rộng và tầm cao văn hóa. Lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đặc biệt biểu
hiện ở thái độ thành kính trân trọng tiếng mẹ đẻ và các giá trị truyền thống
chính là động lực bên trong, thôi thúc nhà văn không ngừng tìm tòi, khơi
nguồn và sáng tạo cái mới.
Nguyễn Tuân là một cây bút đặc sắc nhất trong lịch sử văn học Việt
Nam, “là một trong mấy nhà văn mở đường và đắp nền cho văn xuôi Việt
Nam thế kỉ XX…Nguyễn Tuân đã đặt một viên đá riêng vào cái nền còn mới
mẻ của văn xuôi tiếng Việt ta, mà viên đá của Nguyễn Tuân là một hòn đá
tảng mà tôi tin là sẽ chắc bền trong thời gian” (Nguyễn Đình Thi)
[23, tr.606]. Và thực tế đã khẳng định sự “chắc bền”, “vị trí của hòn đá tảng”
trong dòng chảy vô tận của thời gian này.
1.2.2. Yêu ngôn – một tác phẩm kì ảo đặc sắc trong văn nghiệp
Nguyễn Tuân
1.2.2.1. Nét riêng của Yêu ngôn trong loại truyện kì ảo đương thời
18

Yếu tố kì ảo không hề xa lạ với văn học Việt Nam từ xa xưa của lịch sử
cho tới bây giờ. Ngay từ lúc mới xuất hiện, văn học Việt Nam đã gắn liền với
yếu tố kì ảo, đó là một trong những đặc trưng quen thuộc của truyện dân gian.
Với tư cách là văn hóa gốc, nguồn mạch dân gian ấy không ngừng bồi đắp
cho dòng chảy của văn học, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc tạo nên
tâm thức cộng đồng dân tộc: gần gũi và có xu hướng thiên về những cái kì lạ,
khác thường, biểu hiện thế giới quan thần linh và tư duy huyền thoại trong
quan điểm sáng tác của văn học mọi thời đại. Bên cạnh đó, với đặc trưng của
một xã hội nông nghiệp phương Đông là nơi tràn đầy những màu sắc lãng
mạn thần kì cũng là môi trường thuận lợi để yếu tố kì ảo nảy sinh và trường
tồn. Những truyện kì lạ, hoang đường còn được nâng đỡ bởi cái nhìn thế giới
với một niềm tin hồn nhiên về sự tương giao giữa cõi âm – cõi dương, người

sống – người chết. Niềm tin mang tính chất tâm linh vào những lực lượng
thần bí, siêu nhiên này góp phần tạo thành dòng tín ngưỡng ghi dấu ấn sâu
đậm vào mọi hoạt động của con người, đặc biệt là hoạt động sáng tạo nghệ
thuật. Trong tâm thức của mỗi người Việt Nam hiện đại vẫn luôn tồn tại dấu
ấn của tâm hồn phương Đông cổ xưa và đây chính là cơ sở tạo nên “tầm đón
đợi” với những tác phẩm mang yếu tố kì ảo, siêu nhiên này.
Giai đoạn 1930 – 1945 bên cạnh dòng văn học lãng mạn vẫn tồn tại
dòng chảy của văn học kì ảo với xu hướng thiên về những cái khác lạ, phi
thường, ma quái. Trong văn chương hiện đại đã hình thành kiểu tư duy không
dựa trên chất liệu của cuộc sống thực tại mà là từ cái kì ảo, hư ảo. Mỗi nhà
văn lại có một cách tư duy riêng làm nên sự phong phú của dòng văn học này.
Có thể kể tên những tác phẩm nổi bật như: Ai hát giữa rừng khuya của Tchya,
Suối Đàn và Truyện đường rừng của Lan Khai….
Truyện của Lan Khai chủ yếu hấp dẫn người đọc bằng màu sắc xứ lạ
phương xa, tạo cảm giác ghê rợn với người miền xuôi về chốn rừng thiêng
19

nước độc, sơn cùng thủy tận….Trong Nhà văn hiện đại Vũ Ngọc Phan đã
nhận xét “Mặc dầu Lan Khai viết nhiều loại, từ trước đến nay ông chỉ đáng
nổi tiếng về tiểu thuyết đường rừng hơn cả” [32, tr.298]. Những truyện của
ông đều là những truyện khác thường, nếu không phải là hoang đường thì
cũng là những việc, những người không trông thấy hàng ngày. Chủ ý của nhà
văn chỉ kích thích sự tò mò, trí tưởng tượng của người đọc để “khiến người ta
ghê sợ về những cái bí hiểm của rừng núi”.
Đi vào chốn non cao rừng thẳm của Lan Khai, ta gặp một thế giới
hoang sơ kì thú của Suối Đàn – một dòng suối thơ mộng như mối tình của
chàng trai thành phố với cô sơn nữ. Mối tình đẹp nhưng dang dở, người con
gái chết âm thầm như bông hoa héo rũ, trong cái vắng lặng của núi rừng để từ
đó trong nỗi niềm thương nhớ não nùng, chàng trai luôn nghe thấy trong âm
thanh của suối, của rừng có khúc đàn ai oán như phảng phất nỗi niềm của

người trinh nữ rừng xanh
Nếu Suối Đàn của Lan Khai khiến người đọc tràn đầy xúc cảm về tâm
hồn ngây thơ, chất phác của người sơn nữ thì trong Truyện đường rừng của
Lan Khai lại làm cho ta thấy ghê sợ về những cái bí hiểm của rừng núi. Đó là
chốn ma thiêng nước độc, nơi mà có “Ma thuồng luồng”, “Người hóa hổ”,
“Gò thần”…chỉ những cái tên gọi đã gợi ra trước mắt chúng ta sự ghê rợn, kì
quái.
Nếu Lan Khai đưa ta vào tận rừng thẳm thì truyện của Tchya Đái Đức
Tuấn lại hấp dẫn bằng sự kì quái, ghê rợn với cốt truyện thần bí, phi
thường.Thần Hổ và Ai hát giữa rừng khuya của Tchya chính là những tập
“Liêu trai Việt Nam”, những tập viết riêng về yêu quái ở đường rừng đất Việt
chứ không phải về tất cả các loại yêu ma như Bồ Tùng Linh. Vị thần Hổ ở
đây là con hổ xám, hổ vàng, khi họp hội đồng cơ mật dưới gốc cây đại thụ, vị
thần Hổ thường trút bỏ bộ lông biến thành một ông già râu tóc bạc đường bệ.
20

Thần Hổ ra oai và gieo vạ cho cả dòng giống những người đã dám phạm đến
thần.
Bọn ma trành phải hầu hạ thần Hổ rất khổ sở. "Ma trành là những thứ
ma bất đắc kì tử, hoặc bị hổ ăn, hoặc bị dìm đuối hoặc thắt cổ, hoặc vì bị chẹt
xe Chết như thế thì linh hồn vất vưởng bị đầy đọa không đi đầu thai được mà
không được tự do. Nếu muốn thoát khỏi vòng kìm hãm cũng phải tìm kẻ thế
cho mình. Nếu không thì mãi mãi mình sẽ phải làm ma trành, đói khát khổ
sở". Muốn có kẻ thế chân mình, họ phải run rủi những kẻ có số bị hổ vồ vào
nanh vuốt thần Hổ để họ được sống đời ma độc lập, gần gũi với gia đình, họ
mạc. Vậy là trong tâm thức của người dân Việt Nam vẫn còn những niềm tin
và mang tính chất tâm linh vào sự tồn tại của "thế giới bên kia", thế giới của
những người đã khuất với những mảnh đời, số phận riêng.
Cả truyện Thần Hổ và Ai hát giữa rừng khuya đều thuộc loại truyện
ma quái, truyền kì được xây dựng và hư cấu trên những mẩu chuyện truyền kì

ở miền núi. Những chi tiết li kì, trần tục xen lẫn sắc thái hoang đường thần
thoại, tạo nên một câu chuyện kích thích mạnh trí tưởng tượng và giác quan
người đọc. Đằng sau câu chuyện li kì, bí hiểm và ghê rợn về mối quan hệ
người - mãnh thú, người - ma là dấu vết của thế giới quan thơ mộng và mông
muội còn lưu giữ lại Tất cả đã tạo nên sự hấp dẫn riêng trong truyện đường
rừng của Tchya.
Khác với truyện của Lan Khai, của Tchya hấp dẫn người đọc bằng lối
truyện đường rừng hoang sơ, kì thú và bí hiểm, truyện của Nguyễn Tuân lại
cuốn hút độc giả bằng những nét lãng mạn riêng, giàu chất thẩm mĩ, chất văn
hóa, nhân bản: "Ông là một nhà văn đứng hẳn ra một phái riêng, cả về lối văn
lẫn về tư tưởng" [23, tr.20]. Đi vào tìm hiểu tập truyện Yêu ngôn ta sẽ thấy rõ
hơn nhận định trên.
1.2.2.2. Nguồn gốc của Yêu ngôn trong văn nghiệp Nguyễn Tuân
21

Trước cách mạng, Nguyễn Tuân được biết đến với tác phẩm đầu tay
Vang bóng một thời, tác phẩm này đã được Vũ Ngọc Phan đánh giá là "một
văn phẩm gần tới sự toàn thiện, toàn mĩ" [23, tr.238]. Vang bóng một thời
khơi lại đống tro tàn của một thời quá khứ chưa xa với những thú tiêu dao tao
nhã, thể hiện sự nuối tiếc của tác giả với cái đẹp truyền thống của một thời; đó
là những cụ nghè, cụ cử, cụ tú, lớp nho sĩ cuối mùa với những sinh hoạt cầu
kì Ở tập truyện ngắn này, người ta thấy rõ nét tài năng và phong cách của
Nguyễn Tuân: phóng túng, tài hoa, uyên bác.
Đọc Yêu ngôn ta vẫn bắt gặp những nét quen thuộc, gần gũi trong thế
giới nghệ thuật của Nguyễn Tuân mà ta đã gặp trong Vang bóng một thời và
những tác phẩm về sau này. Vẫn là một Nguyễn Tuân nhạy cảm với cái đẹp
và nhìn sự vật nghiêng về góc độ thẩm mĩ, vẫn là những con người tài hoa
nghệ sĩ một thời vang bóng: những người thợ mộc Chàng Thôn với đôi tay tài
nghệ dăm vài năm một lại được người tiên trên núi hạ sơn cầu đến (Trên đỉnh
non Tản); một Bá Nhỡ - người dám đánh đổi cả mạng sống của mình để đi

đến tận cùng của nghệ thuật (Tâm sự của nước độc - Chùa Đàn), một Bố Ô -
vua lưu linh sống trong rượu và chết cũng trong rượu (Rượu bệnh), một Đới
Roi tài hoa nhưng cuối đời có một cái kết buồn thảm Nếu trong Vang bóng
một thời ta bắt gặp những nếp sinh hoạt và thú chơi cầu kì mà thanh đạm, tao
nhã: uống trà, thả thơ, đánh thơ, uống rượu Thạch Lan Hương, thư pháp thì
trong Yêu ngôn ta vẫn bắt gặp những lối sống, những thú chơi cầu kì, tao nhã
ấy: một người chủ đồn điền nhưng lại có cốt cách tài tử say mê những bức cổ
họa, sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để có được bức họa vẽ tướng Hàn Kỳ ngồi
bên ngọn bạch lạp (Lửa nến trong tranh); anh em ông Đầu xứ Anh, Đầu xứ
Em nổi danh về tài học mà vẫn mải miết với nghiệp đèn sách thi cử dẫu biết
rằng có thể bị hồn ma báo oán giữa trường thi (Khoa thi cuối cùng – Báo
oán)
22

Đọc Yêu ngôn, ta vẫn gặp những cảnh sắc những đồ vật quen thuộc của
một thời: vùng Sơn Nam hạ mùa thi cử hoa hòe nở vàng (Khoa thi cuối cùng),
những cửa ô quen thuộc của chốn kinh kì (Rượu bệnh), những roi chầu, đàn
đáy, tiếng tơ tiếng trúc (Chùa Đàn) ta vẫn thấy ở đó một dấu ấn của văn
chương Nguyễn Tuân rất rõ, nó “in hằn một dấu triện riêng không thể trộn
lẫn”.
Là con người luôn thèm khát những cảm giác mới lạ và mãnh liệt “Tôi
muốn mỗi ngày trong cuộc sống của tôi phải cho tôi cái say của rượu tối tân
hôn. Mỗi một ngày tới lại đem cho tôi một ngạc nhiên bắt trí tò mò làm việc.
Khi nào người ta không biết sửng sốt nữa thì chỉ còn cách trở lại nguyên bản
của mình là bụi bặm". Những cảm giác này "Nguyễn Tuân không thể tìm được
trong cái môi trường vẫn vây bọc lấy ông trong cuộc sống hàng ngày, phải đi
tìm một thế giới khác để được sống mãnh liệt, nồng nàn, cuồng nhiệt, phát
huy tận độ cá tính của mình" [48, tr.9]. Nhà văn tìm cách vượt, phóng thoát
khỏi hiện thực bằng sự đẩy xa đến cùng sức tưởng tượng và cảm hứng lãng
mạn. Ông tìm đến một thế giới khác, một hiện thực khác để sống mãnh liệt

hơn đó là thế giới của cõi âm, cõi ma, thế giới của Yêu ngôn.
Không phải đến Yêu ngôn mà ngay trong một số truyện ngắn khác của
Nguyễn Tuân đã mang màu sắc huyền kì. Trong tập Vang bóng một thời, các
truyện Trên đỉnh non Tản và Khoa thi cuối cùng (Báo oán) được tuyển chọn
vào Yêu ngôn vì có màu sắc huyền kì, ma quái. Bên cạnh đó các truyện Vườn
xuân lan tạ chủ, Tóc chị Hoài, Chém treo ngành đã có một chút mầu sắc kì
ảo, phi thường. Chị Hoài là một nhân vật hư cấu hư không, chị có mà không,
chị không mà có. Như tất cả những nhân vật tiểu thuyết thông thường, "chị
Hoài là một người chị mà tôi mượn của cuộc đời bừa bộn những oan trái", chị
Hoài cộng hưởng những ảo ảnh đớn đau của người nghệ sĩ. " Chị Hoài ảo ảnh
vô hình, chị không có thật nhưng hồn chị, tóc chị là thật. Chỉ có tôi đang nói
23

chuyện với một mớ tóc mây. Chỉ có hai ngón tay chị Hoài đang nói chuyện
với một sợi chỉ thâm một mớ tóc xõa. Gian nhà có hai người, lặng mà không
vắng. Thế rồi trong cái hiu quạnh tay đôi ấy, khe khẽ nổi lên giọng kể chuyện
Nhị Độ Mai, khẽ một cách rất mơ hồ thủ thỉ. Lòng tôi vụt trở nên thương nhớ
thăm thẳm gấp mấy giọng hát u hoài Trong giây phút, đặt sách vào lòng, tôi
thấy nhộn nhạo trong lồng ngực và ước muốn được làm ngay cái anh chàng
Mai Sinh kia" . Chất huyền ảo của Nguyễn Tuân bắt đầu từ đây, từ mái tóc
lãng mạn của chị Hoài trước khi rẽ sang ngả kinh dị của Yêu ngôn.
Ở Bữa rượu máu, tác giả đã vẽ một cảnh rùng rợn của pháp trường,
Bát Lê tay đao phủ có tài chém người rất ngọt đang luyện lại đường đao
"chém treo ngành" trong vườn chuối với những lời hát vừa dữ dội, vừa ai oán:
"Trời nổi cơn lốc
Cảnh càng u sầu

Sống không thù nhau
Chết không oán nhau


Hãy ngồi cho vững
Cho ngọt nhát đao!
Hỡi hồn!
Hỡi quỷ không đầu!
Lời bài hát vừa như giãi bày, vừa như phân trần với chính mình, với
oan hồn, với trời đất.
Rồi cảnh pháp trường, Bát Lê mặc áo trắng, thắt khăn điều, khai đao
hành quyết như một nghệ nhân múa một vũ khúc thảm khốc.Trảm xong mười
hai người, áo không vấy máu. Một tiếng loa. Một tiếng trống. Ba tiếng chiêng.
Dứt mỗi hồi chiêng mớm thì một tấm linh hồn lại lìa khỏi một thể xác. Tùng!
24

Bi li! Bi li!". Cảnh hành hình dữ dội đã diễn ra, nhà văn đã kết thúc bằng một
bầu không khí ma quái bao trùm cả khắp pháp trường, khí lạnh như thấm vào
hơi văn: "Lúc quan công sứ ra về, khi lướt qua mười hai cái đầu lâu còn dính
vào da cổ người chết quỳ, sân pháp trường sắp giải tán nổi lên một cơn gió
lốc rất mạnh. Trận gió xoắn, giật, hút cát bụi lên xoay vòng quanh đám tử thi
và đuổi theo các quan đang ra về. Cái mũ trắng ở trên đầu quan công sứ bị
cơn lốc dữ dội lật rơi xuống bãi cỏ lăn lộn mấy vòng. Mọi người liếc trộm hai
quan thủ hiến thì thào Bấy giờ vào khoảng giữa giờ thân ". Với lối viết
"lạnh" Nguyễn Tuân sử dụng hình tượng cơn gió trốt báo oán là nhằm chủ
đích chĩa ngòi bút tố cáo hận thù vào thực dân Pháp [23,tr.249]. Đó là một lời
cảnh báo, dự báo về sự báo oán: những kẻ đang gieo gió kia hãy chú ý cái thủ
cấp của chúng. Tính ám dụ của hình tượng này như một cách để thể hiện thái
độ căm phẫn của nhà văn đối với bọn thực dân thống trị.
Trong Vườn xuân lan tạ chủ có một viên quan án Trần phong lưu là chủ
nhân của "Túy lan trang". Ông có niềm vui thích đặc biệt, thường sai cô con
gái yêu đó là cô chiêu Tần đi mua thứ rượu khê - một thứ rượu ngon nổi tiếng
của làng Vĩnh Trị về bón cho huê. Vị hưu quan già đã không quan tâm đến
vóc xương khô, mà chỉ lo cho hoa trong thời loạn khi mà “một mai lũ người ô

hợp tràn đến”. Bên cạnh quan án đó là cậu ấm Hai giữa buổi loạn li mà chỉ
biết có ngón đàn, hiểu có hồn hoa, “tâm người tài tử, chọn lầm thế kỉ, buồn,
tủi, cực đến dường nào”. Cảnh cô chiêu Tần mỗi sáng sớm chèo thuyền đi lấy
rượu trên sông Mã, đẹp như một bức tranh thủy mặc của người Tàu: “Một
người con gái mà cái dáng điệu dịu dàng đã in theo khuôn nhịp chốn đài
trang, tóc búi cánh phượng, áo mặc rộng tay màu thiên thanh, chân đi dép cỏ
mà lại thực hành một cái ý nghĩ chan chứa màu thơ – ngày xuân cảnh sớm,
bơi thuyền lấy rượu cho hoa – đủ làm cho lãng tử được thấy cái đẹp ấy phải
đưa mình vào mộng”. Cả ba tạo nên một đời sống thanh khiết thoát tục.
25

Nhưng rồi điều kinh hoàng đã xảy đến: Túy lan trang bị đốt cháy, cô chiêu
Tần bị thuyền cướp mang đi, quan án Trần phẫn uất mà chết, và “giống cỏ
quý kia cũng quyết tạ theo tri kỉ, thề không ở lại với thế gian”. Giai nhân
khuất bóng, thuật cất “rượu khê” bên làng Vĩnh Trị cũng thất truyền và “làng
men” mất đi một phong vị. Lan đã biết “tạ” chủ, các loài cây cỏ khác ở Túy
lan trang cũng đều “ủ rũ để tang người thiên cổ”. Vườn xuân lan tạ chủ với
không khí thần kì, thoát tục vài năm sau sẽ có dịp bộc lộ rõ hơn trong Yêu
ngôn.
Như vậy, không phải đến Yêu ngôn yếu tố kì ảo mới xuất hiện trong thế
giới nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Yếu tố kì ảo đã manh nha xuất hiện từ
trong những tác phẩm từ trước cách mạng, có điều ở các Vườn xuân lan tạ
chủ, Tóc chị Hoài, Bữa rượu máu yếu tố kì ảo xuất hiện trong các chi tiết,
hình tượng nhỏ như hình ảnh mái tóc lãng mạn của chị Hoài (Tóc chị Hoài),
hình ảnh các loài lan ủ rũ như để tang người thiên cổ khi cô Chiêu Tần bị
thuyền cướp đi, quân Án Trần vì phẫn uất mà chết (Vườn xuân lan tạ chủ),
hình ảnh cơn gió lốc kết thúc tác phẩm Bữa rượu máu là sự cảnh báo về tội ác
của quan công sứ: hẫy coi chừng cái thủ cấp của chúng nếu chúng vẫn tiếp tục
gieo rắc tai họa cho mọi người. Tới Yêu ngôn bắt nguồn từ phong cách nghệ
thuật độc đáo, nét tài hoa nghệ sĩ trong ông, khả năng tưởng tượng đã được

đẩy lên một bước cao hơn tạo thành một góc riêng độc đáo trong văn nghiệp
Nguyễn Tuân. Nhà văn đã đắm mình trong thế giới nghệ thuật giữa thực và
hư, ảo và mộng, ma và người đó để gửi gắm lòng mình, gửi gắm những
thông điệp nhân sinh mới mẻ.




×