Tải bản đầy đủ (.pdf) (121 trang)

Chuyển thể điện ảnh tiểu thuyết Lolita của V Nabokov

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.41 MB, 121 trang )


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN



NGUYỄN THỊ BÍCH




CHUYỂN THỂ ĐIỆN ẢNH
TIỂU THUYẾT LOLITA CỦA V. NABOKOV



LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Văn học nước ngoài


Hà Nội – 2013

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN



NGUYỄN THỊ BÍCH

CHUYỂN THỂ ĐIỆN ẢNH
TIỂU THUYẾT LOLITA CỦA V. NABOKOV




Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học nước ngoài
Mã số: 60 22 30

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Phạm Gia Lâm




Hà Nội – 2013



LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi;
những nhận định, kết luận trong luận văn là hoàn toàn trung thực và chưa
từng được công bố trong bất kỳ công trình nào khác.
Hà Nội, ngày tháng năm 2013
Tác giả luận văn


Nguyễn Thị Bích



LỜI CẢM ƠN

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS.TS. Phạm Gia Lâm - người đã

tận tình giúp đỡ, khích lệ tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài này.
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong Khoa Văn học, Phòng Sau
đại học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
đã tạo điều kiện cho tôi được học tập, nghiên cứu, thực hiện và hoàn thành luận văn.
Cuối cùng, tôi xin được tri ân tới gia đình và bạn bè đã luôn bên cạnh, động
viên và giúp đỡ tôi trong quá trình thực hiện luận văn này!

Hà Nội, ngày tháng năm 2013
Tác giả luận văn


Nguyễn Thị Bích


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 6
1. Lí do chọn đề tài 6
2. Lịch sử vấn đề 11
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 15
4. Mục đích nghiên cứu 17
5. Phương pháp nghiên cứu 17
6. Bố cục của luận văn 18
Chương 1: CHUYỂN THỂ TIỂU THUYẾT LOLITA – SỨC QUYẾN RŨ
VÀ NHỮNG THÁCH THỨC 19
1.1. Sức quyến rũ khi chuyển thể Lolita 19
1.1.1. Nội dung đặc sắc 19
1.1.2. Chất điện ảnh 29
1.2. Những thách thức khi chuyển thể Lolita 39
1.2.1. Người kể chuyện 39
1.2.2. Cấu trúc tác phẩm 43

1.2.3. Những ám chỉ liên văn bản 48
1.2.4. Đặc trưng ngôn ngữ 50
Chương 2: PHIM LOLITA (1962) CỦA STANLEY KUBRICK 56
2.1. Hình thức tự sự 56
2.2. Phong cách phim 67
Chương 3: PHIM LOLITA (1997) CỦA ADRIAN LYNE 75
3.1. Hình thức tự sự 75
3.2. Phong cách phim 84
KẾT LUẬN 98
TÀI LIỆU THAM KHẢO 99
PHỤ LỤC 106


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Vladimir Nabokov (1899 - 1977) là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất
của thế kỉ XX, là người thành công trong sáng tác song ngữ (tiếng Nga - tiếng mẹ
đẻ, và tiếng Anh). Chúng tôi chọn tìm hiểu tác phẩm Lolita (1955) vì đây là tiểu
thuyết tiêu biểu nhất của ông. Năm 1962, khi trả lời đài BBC, chính Nabokov đã
thừa nhận rằng: “Lolita là tác phẩm tôi đặc biệt yêu thích. Đó là tác phẩm khó khăn
nhất của tôi, nó xử lý một chủ đề quá xa xôi, quá tách biệt so với đời sống cảm xúc
của chính tôi; bởi vậy nó mang đến cho tôi niềm vui thú đặc biệt khi kết hợp những
khả năng của mình để viết sao cho tác phẩm trở nên chân thực” [27]. Ý tưởng cho
cuốn Lolita bắt nguồn từ cuối năm 1939 - đầu 1940, được ông thể hiện trong một
truyện vừa khoảng 50 trang viết bằng tiếng Nga Volshebnik (The Enchanter [tạm
dịch: Người bỏ bùa], 1939). Tác phẩm này kể về một người đàn ông trung niên kết
hôn với một phụ nữ ốm yếu chỉ để có cơ hội tiếp cận với cô con gái nhỏ của bà ấy,
cuối cùng ông ta lao đầu vào xe tải tự tử. Mô típ nhân vật bị ám ảnh trong Lolita
cũng từng xuất hiện trong các tác phẩm khác của Nabokov như Luzhin trong The
Luzhin Defense ([tạm dịch: Nước phòng thủ của Luzhin], 1930); Herman trong

Despair ([tạm dịch: Tuyệt vọng], 1936); Fyodor trong The Gift ([tạm dịch: Món
quà], 1937); Sebastian Knight trong The Real Life of Sebastian Knight ([tạm dịch:
Đời thực của Sebastian Knight], 1938 - 1939); Kinbote trong Pale Fire ([tạm dịch:
Lửa nhạt], 1962). Chính vì thế, việc tìm hiểu Lolita sẽ giúp ta hiểu được đặc điểm
sáng tác của Nabokov.
Một lý do khác khiến chúng tôi lựa chọn Lolita chính là sự quan tâm đặc biệt
mà tiểu thuyết này nhận được trong suốt thời gian qua. Đây là một trong những tác
phẩm văn học gây tranh cãi của thế kỉ XX. Kể từ khi ra đời cho đến nay, Lolita
không đơn thuần được chào đón và ngợi ca như các tác phẩm vĩ đại khác, mà được
tiếp nhận bằng nhiều thái độ phức tạp. Ngay sau khi hoàn thành tác phẩm năm
1954, Nabokov đã gửi bản thảo đến bốn nhà xuất bản lớn ở New York, Mỹ (Viking,
Simon & Schuster, New Directions & Farrar, Straus & Giroux) nhưng đều bị từ

chối. Trong đó, một ông chủ nhà xuất bản lấy lí do rằng nếu ông ta in Lolita thì cả
ông và Nabokov sẽ đi tù. Có một nhà xuất bản đồng ý, nhưng với điều kiện tác giả
phải sửa nhân vật Lolita thành một bé trai bị Humbert, một nông dân, quyến rũ ở
một nhà chứa lúa giữa cánh đồng hoang vu khô cằn. Nhận thấy tác phẩm chưa thể
xuất bản được ở Mỹ, tác giả phải đưa nó sang Pháp và được Olympia Press - một
nhà xuất bản mà ¾ số sách của họ là sách khiêu dâm - chuyển tới tay công chúng
năm 1955, chỉ với khoảng 5000 bản. Đến năm 1958, cuốn sách mới được Nhà xuất
bản Putman giới thiệu ở Mỹ.
Sau khi ra đời, sách bị cấm bán ở nhiều nơi. Hải quan Anh cấm nhập cảng
cuốn sách từ Pháp sang Anh, còn Bộ Nội vụ Pháp cũng ban lệnh cấm lưu hành cuốn
sách và lệnh này kéo dài trong hai năm liền. Khi cuốn sách vừa được xuất bản ở
Anh, John Gordon, biên tập viên của The Sunday Express (Luân Đôn) cho rằng đây
là cuốn sách bẩn thỉu nhất mà ông đã từng đọc.
Mặc dù chính Nabokov coi đây là tác phẩm tiếng Anh hay nhất của mình,
nhưng những người bạn thân của ông không nghĩ vậy. Trong thư gửi Nabokov,
Edmund Wilson cho rằng Lolita không bằng những cuốn sách khác của tác giả. Còn
Mary McCarthy thì không đọc hết cuốn sách và coi nó là “cực kì bẩn thỉu từ đầu

đến cuối” (terribly sloppy all through) [39].
Cho đến tận thế kỷ XXI này, tác phẩm vẫn bị phản đối ở nhiều nơi. Theo
AFP, giữa tháng 1/2013, ba kẻ lạ mặt đã tấn công Artyom Suslov - nhà sản xuất vở
kịch dựa trên cuốn tiểu thuyết Lolita - ở Saint Petersburg, khi chúng giả vờ mời ông
đến trả lời phỏng vấn về vở kịch. Đơn vị tổ chức của vở kịch Lolita cũng phải hủy
diễn hồi tháng 10/2012 sau khi nhận được thư phản đối có chữ ký của nhiều thành
viên Cossacks - một tổ chức có quan điểm bảo thủ ở Nga. Những người phản đối
viết lời phỉ báng bằng sơn trên tường Bảo tàng Nabokov và nhà của tổ tiên nhà văn
ở Rozhdestveno. Họ cũng tổ chức ký tên yêu cầu đóng cửa Bảo tàng và thu hồi
cuốn Lolita từ các cửa hàng sách.
Ngược lại, nhiều độc giả và nhà phê bình lại nồng nhiệt chào đón và ca ngợi
tiểu thuyết này. Ngay khi tác phẩm vừa được xuất bản ở Anh, Graham Greene - tác

giả của Người Mỹ trầm lặng - trên The Sunday Times đã xếp nó là một trong ba
cuốn sách hay nhất năm đó. Trong tháng 1/1959, nó đứng đầu danh sách những
cuốn sách bán chạy theo The New York Times, thay thế vị trí Dr. Zhivago của Boris
Pasternak. Lolita là tác phẩm thứ hai ở Mỹ sau Cuốn theo chiều gió bán được
100.000 bản trong 3 tuần đầu tiên [32]. Đây cũng là một trong 100 tác phẩm tiếng
Anh hay nhất từ 1923 - 2005 (theo tạp chí TIME), là tác phẩm đứng thứ 4 trong
danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỉ XX do Moderm Library bình chọn (1998).
Kể từ năm 1955 đến nay, Lolita đã được dịch và xuất bản ở 40 quốc gia trên thế
giới, với tổng cộng khoảng 50 triệu bản - một con số rất lớn.
Tiểu thuyết Lolia đã được chuyển thể thành hai phiên bản điện ảnh. Chỉ 3
năm sau khi xuất bản lần đầu ở Pháp (1955), Stanley Kubrick đã có ý tưởng chuyển
thể tác phẩm này thành phim, và điều này đã trở thành sự thật vào năm 1962. Đạo
diễn Stanley Kubrick (1928 – 1999) của phiên bản đầu tiên là một trong những đạo
diễn vĩ đại nhất thế kỷ XX, với một lối làm phim rất riêng, độc đáo; để lại cho loại
hình nghệ thuật thứ bảy nhiều tác phẩm đặc sắc như: 2001: A Space Odyssey
(1968), A clockwork Orange (1971), Eyes Wide Shut (1999) Tất cả phim trong sự
nghiệp của ông (trừ The Shining) đều được đề cử giải Oscar hoặc giải Golden Globe

(Quả cầu vàng) ở nhiều hạng mục khác nhau, và ông đã từng được giải Oscar đạo
diễn hình ảnh cho phim 2001: A Space Odyssey. Hơn 30 năm sau, năm 1997, tác
phẩm lại được chuyển thể lần thứ hai. Đạo diễn Adrian Lyne (1941) của phiên bản
này cũng là một đạo diễn lớn với nhiều tác phẩm có phong cách riêng về chủ đề tình
dục như: 9 1/2 Weeks (1986), Fatal Attraction (1987), Unfaithful (2002)… Ông đã
từng được đề cử giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất năm 1988 qua phim Fatal
Attraction. Giống như phiên bản tiểu thuyết, sau khi ra đời, hai phiên bản phim này
cũng nhận được những phản hồi khác nhau. Việc tìm hiểu hai bộ phim này sẽ cung
cấp nhiều dẫn chứng thực tế trong việc nghiên cứu chuyển thể tác phẩm văn học
sang điện ảnh, cũng như việc tìm hiểu về hai đạo diễn tài năng này.
Sự ra đời của tiểu thuyết và hai phiên bản phim Lolita có ảnh hưởng lớn đến
đời sống xã hội. “Lolita” không còn là một tên riêng mà đã trở thành một danh từ để

chỉ những bé gái dậy thì sớm, những sản phẩm cho các bé gái như: nước hoa Lolita,
kiểu váy Lolita… Thời trang Lolita phổ biến trên toàn thế giới, với khoảng gần 20
nhóm khác nhau như: aristocrat Lolita, casual Lolita, classic Lolita, cosplay Lolita,
country Lolita, ero Lolita, gothic Lolita, hime Lolita, guro Lolita, kuro Lolita, punk
Lolia, Qi Lolita, sailor Lolita, shiro Lolita, sweet Lolita, wa Lolita. Dần dần,
“Lolita” còn là một tính từ để chỉ tính chất dậy thì sớm. Việc nghiên cứu phiên bản
văn học và điện ảnh sẽ giúp ta hiểu được đặc điểm của hiện tượng xã hội này.
Văn học và điện ảnh có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mối quan hệ ấy thể
hiện trước nhất ở xu hướng chuyển thể tác phẩm văn học thành phim. Xu hướng này
ra đời từ rất sớm và ngày càng phát triển, bởi lẽ văn học luôn cấp cho điện ảnh những
ý tưởng kịch bản hay – thứ mà điện ảnh luôn rất cần, đồng thời điện ảnh cũng làm
cho những tác phẩm văn học có sức sống lâu bền hơn và đến với đông đảo khán giả
hơn. Trên thế giới, một số bộ phim chuyển thể dựa vào Kinh thánh đã xuất hiện rất
sớm, từ khi điện ảnh mới ra đời, như La vie et la passion de Jésus-Christ của George
Hatot và Louis Lumière (1897); The Horitz Passion Play của Charles Webster
(1897) Năm 1980, khoảng 30% phim Mĩ được chuyển thể từ các tiểu thuyết, 80%
các tiểu thuyết bán chạy ở Mĩ được chuyển thể thành phim [47, tr. 209]. Ở Việt Nam,

xu hướng chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh cũng đã có từ khi người Việt
bắt đầu làm phim. Bộ phim đầu tiên của điện ảnh nước ta Một đồng kẽm tậu được
ngựa (1924) của Nguyễn Lan Hương là tác phẩm chuyển thể từ truyện Nàng Peret và
bình sữa của La Fontaine [12]. Sau đó, rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt
Nam đã được đưa lên màn ảnh như: Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài); Một chuyện chép ở
bệnh viện (Bùi Đức Ái, thành phim Chị Tư Hậu); Tắt đèn (Ngô Tất Tố, thành phim
Chị Dậu); Chí Phèo, Sống mòn, Lão Hạc (Nam Cao, thành phim Làng Vũ Đại ngày
ấy); Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp); Thời xa vắng (Lê Lựu), Chùa Đàn (Nguyễn
Tuân); Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư) Số lượng lớn các bộ phim chuyển thể
cho thấy các nhà làm phim Việt Nam cũng rất ưa chuộng xu hướng này.
Thứ hai, mối quan hệ ấy còn thể hiện ở việc: điện ảnh - với tư cách là một nghệ
thuật ra đời muộn hơn – đã học tập rất nhiều thủ pháp của văn học; ngược lại, văn học

cũng tiếp nhận những khái niệm, thủ pháp của điện ảnh như: điểm nhìn, “montage”
Việc lựa chọn điểm nhìn, thay đổi điểm nhìn đã mở ra nhiều cách tân cho văn học. Các
nhà văn cũng học tư
̀
điê
̣
n a
̉
nh ca
́
ch cắt - ghép (montage) các đoạn văn như cắt - ghép
phim để xáo trộn các biến cố và lắp ghép chúng không theo trình tự thời gian. Trong
thư ngỏ gửi Alain Robbe-Grillet, nhà văn, nhà phê bình Pierre de Boisdeffre đã thừa
nhận việc văn học chịu ảnh hưởng của điện ảnh: “Sau năm 1950, tiểu thuyết phân đôi
thành tiểu thuyết và kịch bản phim. Điện ảnh đã bắt tiểu thuyết theo kỹ thuật của nó.
Rất nhiều thủ pháp sáng tác trở thành chung cho cả hai loại” [19].
Thứ ba, mối quan hệ chặt chẽ ấy thể hiện qua xu hướng ngược chiều là:

nhiều tác phẩm điện ảnh được chuyển thể thành tiểu thuyết, ví dụ như phim The
Abyss (Địa ngục) của Jame Cameron được Orson Scott Card chuyển thành tiểu
thuyết cùng tên, phim Vô cực của Trần Khải Ca được Quách Kính Minh viết lại
thành tiểu thuyết cùng tên, kịch bản phim Executioners (Những tên đao phủ) của
Hàn Quốc cũng được chuyển thể thành tiểu thuyết và được xuất bản trước khi công
chiếu phim Báo giới cho rằng đó là một xu hướng để quảng bá bộ phim. Ở Việt
Nam, nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh cũng đã chuyển kịch bản phim Home of
Strangers của Đoan Nguyễn thành thiểu thuyết Tổ ấm của những người lạ (2009);
nhà văn Trần Thị Thanh Hà đã chuyển kịch bản phim Vũ điệu tử thần của đạo diễn
Bùi Tấn Dũng thành tiểu thuyết cùng tên (2007).
Thứ tư, mối quan hệ ấy thể hiện ở sự ra đời và phát triển của trường phái tiểu
thuyết Mới hay còn được go
̣
i la
̀
“tiể u thuyết điện ảnh” (ciné-roman) trong văn học
Pháp nửa sau thế kỷ XX mà người tiên phong là Alain Robbe -Grillet. Một tác giả
theo trường phái này với rất nhiều tác phẩm được dịch ở Việt Nam là Marguerite
Duras (1914 - 1996). Những tác phẩm thuộc nhóm này không cần kể, không cốt
truyện, chỉ chú ý đến cái nhìn (la vision). Người viết thường bút pháp miêu tả
(description), khiến cho từng chi tiết nhỏ của đối tượng hiện lên rõ ràng trên trang
giấy, giống như thủ pháp đặc tả hoặc cận cảnh trong điện ảnh.
Trên thế giới, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh, đặc
biệt là vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh, là một nội dung thời sự

trong nghiên cứu lý luận, phê bình hai loại hình nghệ thuật này. Có nhiều vấn đề
đặt ra khi chuyển thể như: phải chăng mọi tác phẩm văn học đều có thể chuyển
sang điện ảnh; tác phẩm văn học phải thay đổi ra sao để phù hợp với loại hình
nghệ thuật mới; sự thay đổi đó nên ở mức độ nào để tác phẩm văn học không bị
hiểu sai, hay bị làm hỏng ? Tuy nhiên, những nội dung này lại chưa được tìm

hiểu nhiều ở Việt Nam.
Tóm lại, vì sự vĩ đại của các tác giả; sự tiếp nhận đa chiều đối với tiểu thuyết
và phim Lolita; vì mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh nói chung, cũng như lịch
sử lâu dài, xu hướng ngày càng phát triển và các vấn đề đặt ra trong quá trình
chuyển thể nói riêng, chúng tôi đã chọn thực hiện luận văn thạc sĩ đề tài Chuyển thể
điện ảnh tiểu thuyết “Lolita” của V. Nabokov.
2. Lịch sử vấn đề
Theo khảo sát một số bài viết bằng tiếng Anh, chúng tôi nhận thấy phiên bản
văn học Lolita được nghiên cứu khá kĩ. Các nhà phê bình thường tìm hiểu và tranh
luận xem đây có phải là một tác phẩm khiêu dâm hay không, ý đồ của tác giả là gì
Cuộc tranh luận này diễn ra sôi nổi, chưa bao giờ chấm dứt, và lại bùng lên mạnh
mẽ hơn mỗi khi một phiên bản phim ra đời. Mặc dù ngay từ năm 1956, trong bài Về
một cuốn sách nhan đề Lolita viết cho The American Review, Nabokov đã trực tiếp
khẳng định rằng cuốn tiểu thuyết không nhằm ca ngợi chuyện ấu dâm, không phê
phán đế quốc Mỹ như nhiều người nhận định mà chỉ mang đến “cái mà tôi gọi
thẳng ra là ân phước thẩm mỹ” [13, tr. 427].
Một bộ phận phê bình coi Lolita là “tiểu thuyết khiêu dâm”. Cây bút Orville
Prescott viết trên The New York Times cho rằng đây là cuốn sách “gớm ghiếc” với
sự đồi trụy được tinh lọc, tạo nên một tác phẩm có thể coi như “sách khiêu dâm trí
thức”. Prescott thì phê phán: “Một trong những điều nực cười là đứa trẻ, Lolita,
cũng hư hỏng không kém gì ông bố dượng Humbert”. Quan điểm này không chỉ
được thể hiện trong các bài viết lẻ tẻ, mà còn xuất hiện trong những cuốn sách chính
thống như tuyển tập Facts on file: Companion to the American short story (tạm
dịch: Sự thật qua dữ liệu: Đồng hành cùng truyện ngắn Mỹ) của Abby H. P.

Werlock; cuốn sách về lịch sử văn học khiêu dâm The Secret Record: Modern
Erotic Literature (tạm dịch: Hồ sơ mật: Văn chương khiêu dâm hiện đại) của
Michael Perkins. Đại bách khoa toàn thư của Liên Xô cũng coi Lolita là “một thử
nghiệm kết hợp tiểu thuyết khiêu dâm với tiểu thuyết đạo đức”. Trái ngược với
những quan điểm trên, Samuel Schuman – giáo sư ngôn ngữ và văn học của trường

Đại học Bắc Carolina - cho rằng Nabokov là “nhà văn siêu thực, có thể sánh với
Gogol, Dostoevsky và Kafka. Lolita ghi dấu ấn với sự trớ trêu và mỉa mai”, và
khẳng định “đây không phải là tiểu thuyết khiêu dâm”. Hẳn chúng ta đều thấy rằng
không tác phẩm khiêu dâm thuần túy nào có sức sống lâu bền và khiến người ta
tranh luận nhiều đến thế!
Các nhà nghiên cứu cũng thường bàn luận về chủ đề của tác phẩm này.
Nhiều người cho rằng tiểu thuyết nói về việc một người đàn ông trung niên hại đời
một bé gái. Nhưng năm 1959, Robertson Davies lại cho rằng chủ đề của tác phẩm là
một người đàn ông trung niên mong manh bị một bé gái ranh mãnh quyến rũ [45].
Còn Dmitry Bykov, một nhà phê bình Nga, thì đã từng viết: "Nabokov đã bị đơn
giản hóa trước mắt chúng ta".
Ngoài ra, các nhà phê bình còn tìm hiểu Lolita dưới góc độ thi pháp, hoặc
xem xét đặc điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại trong cuốn sách này. Tuy nhiên, việc
chuyển thể tác phẩm này thành phim (thuận lợi, khó khăn, thành công, thất bại của
quá trình chuyển thể) thì chưa được nghiên cứu một cách quy mô và kĩ lưỡng.
Không có nhiều công trình tìm hiểu về việc chuyển thể Lolita thành phim, hay so
sánh hai phiên bản phim 1962 và 1997 với nhau. Thêm vào đó, những bài viết này
chủ yếu là những bài báo ngắn, mang tính giới thiệu, đưa tin liên quan hoặc phát
biểu cảm nhận riêng về từng phim riêng lẻ… trên các trang báo tổng hợp như The
New York Times, Dailymail,… Trong đó, bản Lolita 1962 được các nhà phê bình
khen ngợi, đạt được thành công về thương mại, được nhiều giải thưởng và đề cử
(xem trong phần “Đối tượng và phạm vi nghiên cứu”). Bản Lolita 1997 được Caryn
James ca ngợi trên The New York Times rằng phim “vượt xa điều chúng ta mong
đợi… nó đưa sự điên rồ của Humbert vào nghệ thuật”. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý

kiến chê tác phẩm này và doanh thu phòng vé của phim không cao. Trang complete-
review.com cho rằng D. Swain, giống như S. Lyon, quá già so với tiểu nữ thần mà
Nabokov miêu tả [60]. Tờ Entertainment Weekly phê phán giọng thiếu hài hước và
việc phim quá nhấn mạnh đến bài học đạo đức, trong khi chính Nabokov đã khẳng
định Lolita không nhằm chuyển tải vấn đề đạo đức [62]. Bên cạnh những bài viết

ngắn, cũng có bài nghiên cứu kĩ hơn về một phim. Ví dụ như chương đầu „Lolita‟:
A shadow of a shadow trong cuốn Love and Death in Kubrick của Patrick Webster;
trong đó, tác giả nhìn từ góc độ tình yêu và cái chết để có những lý giải rất thú vị về
các vấn đề trong phim Lolita của Kubrick, như: việc nhấn mạnh vào nhân vật
Quilty, số phận các nhân vật nữ [65, tr. 9-29].
Có những những bài viết so sánh phiên bản văn học và điện ảnh, nhưng cũng
chỉ đối chiếu ở một vài điểm nổi bật. Ví dụ như phần về Lolita trong cuốn The
Encyplopedia of Novels into film [61]; bài viết Lolita: novel, 1962 film and 1997
film của Pace J. Miller [46]; bài Lolita – From Nabokov‟s novel (1955) to Kubrick‟s
film (1962) to Lyne‟s (1997) của Constantine Santas – giáo sư văn học và điện ảnh
của trường Flagler College, Florida, Mỹ [56]. Trong bài Lolita: Fiction into film
without fantasy, tác giả Sarah Miles Watts cho rằng thiếu sót lớn nhất trong việc
chuyển thể từ sách thành phim là không chuyển tải được văn phong của Nabokov,
và nhấn mạnh rằng hai phiên bản phim đã xây dựng được hai nhân vật Humbert
khác nhau nhưng đều không giống Humbert xấu xa, thông minh trong tiểu thuyết.
Ngoài ra, phải kể đến bài viết sâu sắc Novel into film, frame to window: Lolita as
text and image [29]. Trong đó, tác giả Ken Burke đã so sánh các phiên bản phim
Lolita với phiên bản văn học, và đưa ra nhận định rằng: mỗi phiên bản phim có
những đặc sắc riêng, phong cách của mỗi phim khác nhau bởi phiên bản 1962 thuộc
nhóm Message/story film (tạm dịch: Phim thông điệp/kể chuyện), còn phiên bản
1997 thuộc nhóm Theatrical realism film (tạm dịch: Phim hiện thực sân khấu).
Trên thế giới, còn có nhiều công trình nghiên cứu tiểu thuyết và phim Lolita
bằng tiếng Nga, tiếng Pháp,… Tuy nhiên, vì hạn chế về ngoại ngữ nên chúng tôi
mới chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu một số tài liệu bằng tiếng Anh.

Qua tìm hiểu những bài viết tiếng Việt, chúng tôi nhận thấy V. Nabokov là
một tác giả lớn của văn học thế giới nhưng chưa được nghiên cứu nhiều ở Việt
Nam. Đồng thời, cũng chưa có một công trình nào nghiên cứu kĩ lưỡng và quy mô
về tiểu thuyết Lolita. Trong các giáo trình, chưa có phần viết riêng Nabokov cũng
như Lolita. Cho đến năm 2012, tác phẩm mới được dịch và xuất bản rộng rãi ở nước

ta. Những bài viết về tiểu thuyết này chỉ dừng lại ở những bài báo ngắn, mang tính
chất giới thiệu tác phẩm khi nó được dịch và xuất bản. Ví dụ như Lolita bản tiếng
Việt - Cơn bão trong cốc thủy tinh của Ánh Nguyệt trên trang vov.vn ngày
16/03/2012 [17]; 'Lolita' - trái cấm không già của Phạm Mi Ly trên tienphong.vn
ngày 23/03/2012; Bước thăng trầm của Nabokov và „Lolita‟ của Hà Ngọc Tường
trên cand.com ngày 19/04/2012; Từ „Lolita‟, nghĩ gì về cách thưởng ngoạn văn
chương của chúng ta? của Dương Kim Thoa [20]; „Lolita‟ - vũ điệu của những con
chữ của Hoàng Nhung trên baodanang.vn ngày 26/08/2012…
Xung quanh tác phẩm Lolita, cũng có những cuộc tranh luận sôi nổi. Nhưng
những tranh luận này chỉ tập trung vào việc dịch từng từ từng câu nhỏ lẻ sang tiếng
Việt, chứ không chú ý nhiều đến tổng thể tác phẩm hay những vấn đề nội dung,
nghệ thuật khác. Trên các trang như vietnamnet.vn, tienve.org, webtretho.com,…
diễn ra những cuộc tranh luận rầm rộ về bản dịch của dịch giả Dương Tường, kéo
dài trong nhiều tháng của năm 2012 - 2013.
Nhiều bài khác đi vào giới thiệu những vấn đề chung chung, mang tính chất
đưa tin liên quan đến tác phẩm như: 'Lolita' có thể lấy ý tưởng từ nhiều tác phẩm
khác của Đỗ Thị Hường trên vnexpress.net 19/11/2012 [6], Tấn công bạo lực vì
„Lolita‟ của My Ly trên thethaovanhoa.vn ngày 02/03/2013 [11].
Có một số bài viết có giá trị, tìm hiểu tác phẩm sâu hơn, nhưng cũng chỉ
dừng lại ở mức độ và quy mô của một bài viết trên báo hoặc tạp chí, như Lolita hay
tình yêu của một kẻ tâm thần của Di Li đăng trên trang vtc.vn ngày 22/06/2012 [10],
hay „Lolita‟, tác phẩm giàu chất thơ nhất của Nabokov của Phạm Anh Tuấn trên
tiasang.com.vn ngày 19/03/2012 [21]… Trên trang tienve.org, có một bài viết rất
sâu sắc của Hoàng Ngọc Tuấn đề cập đến cuốn Lolita là: Dục tính trong văn

chương và vấn đề đạo đức [22]. Tuy nhiên, ngay từ nhan đề của bài viết ta đã có thể
nhận thấy, người viết chỉ đi sâu vào vấn đề dục tính, và Lolita chỉ là một trong số
những tác phẩm được bàn đến trong bài viết này. Nhà nghiên cứu Phạm Gia Lâm
cũng đóng góp một bài viết thú vị về cuốn sách này: Sự tiếp nhận tiểu thuyết
„Lolita‟ của V. Nabokov: Những khía cạnh văn hóa [8], nhưng bài viết tập trung đi

sâu vào tìm hiểu vấn đề văn hóa đại chúng trong sáng tác và tiếp nhận tác phẩm
Lolita. Gần đây, trên trang vienvanhoc.vass.gov.vn giới thiệu một bài viết Đỗ Thị
Hường có nhan đề Từ Nymphet đến Lolita – Hành trình đi tìm chất Nga trong
“Lolita” của Nabokov [7]. Do giới hạn của một bài báo nên tác giả chỉ tìm hiểu
việc đặt tên nhân vật là Lolita và chất Nga trong tiểu thuyết.
Tiểu thuyết Lolita chưa được nghiên cứu sâu ở Việt Nam, và hai phiên bản
phim chuyển thể của nó thậm chí còn nhận được sự quan tâm ít ỏi hơn nữa. Trong
số những bài viết ngắn ngủi hiếm hoi, đáng kể nhất chỉ có một nhóm ba bài viết của
các tác giả không chuyên trên trang yxine.com năm 2004 viết về phim Lolita 1997.
Đặc biệt, chưa có bài viết vào đi sâu vào phân tích, so sánh hai phiên bản phim
Lolita với nhau.
Từ tình hình như trên, chúng tôi thấy rằng việc thực hiện luận văn này là cần
thiết và hy vọng rằng nó sẽ đem lại những kết luận đúng đắn và có ích. Mong rằng,
qua công trình này, chúng tôi có thể góp phần vào việc giới thiệu và tìm hiểu tác giả
Nabokov cũng như tiểu thuyết và phim Lolita ở nước ta.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Lolita được viết bằng tiếng Anh, sau đó được chính tác giả dịch từ tiếng Anh
sang tiếng Nga năm 1967. Chúng tôi sử dụng bản dịch tiếng Việt của dịch giả
Dương Tường, do Nhà xuất bản Hội nhà văn kết hợp với Công ty Văn hóa &
Truyền thông Nhã Nam xuất bản năm 2012. Do có nhiều yếu tố rất khó chuyển ngữ
nên bên cạnh bản dịch tiếng Việt, chúng tôi cũng sử dụng bản tiếng Anh do
Everyman‟s Library ấn hành năm 1992. Việc đọc và tìm hiểu tác phẩm bằng nguyên
bản tiếng Anh gặp rất nhiều khó khăn do trình độ tiếng Anh có hạn của người viết.
Tuy nhiên, nó cũng tạo nhiều thuận lợi cho việc tìm hiểu những yếu tố khó chuyển
ngữ khi dịch như: các thì, cách chơi chữ, gieo vần…

Hai phiên bản phim mà chúng tôi nghiên cứu là hai bộ phim sau:
Phim
Thông tin
Lolita

1962
Lolita
1997
Đạo diễn
Stanley Kubrick
Adrian Lyne
Sản xuất
James B. Harris
Mario Kassar
Joel B. Michaels
Ngày phát hành
12/06/1962
25/09/1997
Kịch bản

Vladimir Nabokov
Stanley Kubrick (không ghi vào danh
sách đoàn làm phim)
James Harris (không ghi vào danh sách
đoàn làm phim)
Stephen Schiff
Diễn viên
James Masson (Humbert Humbert)
Sue Lyon (Lolita)
Shelley Winters (Charlotte Haze)
Peter Sellers (Clare Quilty)
Jeremy Irons (Humbert Humbert)
Dominique Swain (Lolita)
Melanie Griffith (Charlotte Haze)
Frank Langella (Clare Quilty)

Âm nhạc
Nelson Riddle
Bob Harris
Ennio Morricone
Quay phim
Oswald Morris
Howard Atherton
Dựng phim
Anthony Harvey
David Brenner
Julie Monroe
Thời lượng
147 phút
137 phút
Nước sản xuất
Mỹ, Anh
Mỹ
Ngôn ngữ
Tiếng Anh
Tiếng Anh
Kinh phí
2 triệu đô la Mỹ
1,148 triệu đô la Mỹ
Doanh thu
9,25 triệu đô la Mỹ
62 triệu đô la Mỹ
Giải thưởng
Được giải diễn viên mới triển vọng (S.
Lyon) – Golden Globe
Đề cử giải kịch bản chuyển thể hay nhất -

Oscar
Đề cử giải đạo diễn xuất sắc nhất (S.
Kubrick), nam diễn viên chính xuất sắc
nhất (J. Mason), nữ diễn viên chính xuất
sắc nhất (S. Winters), diễn viên phụ xuất
sắc nhất (P. Sellers) – Golden Globe
Đề cử đạo diễn xuất sắc nhất -Liên hoan
phim Venice 1962
Đề cử giải nam diễn viên chính xuất sắc
nhất - BAFTA
Được giải 10 phim hay nhất – NBR
Được giải nữ diễn viên chính trẻ -
Young Artist Awards
Đề cử nữ diễn viên triển vọng (D.
Swain) – CFCA
Đề cử nụ hôn đẹp nhất – MTV
Đề cử nữ diễn viên trẻ xuất sắc nhất –
Young Star Awards
Đánh giá trên các
trang thông tin
phim
IMDb - 7,7/10
Rotten Tomatoes - 98%.
IMDb - 6,7/10
Rotten Tomatoes - 67%.
Nguồn phim
/>cde8652b6f6f6bb8608
/>59172-Lolita.htm

Trong luận văn này, chúng tôi chỉ đi sâu vào tìm hiểu việc chuyển thể tiểu

thuyết Lolita của V. Nabokov sang điện ảnh.
4. Mục đích nghiên cứu
Thực hiện luận văn này, chúng tôi muốn tìm hiểu lí do tại sao tiểu thuyết
Lolita được chuyển thể thành phim tới hai lần. Từ đó, có thể khái quát một số đặc
điểm của việc chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh như: đặc điểm của tác
phẩm văn học hấp dẫn với nhà làm phim, thuận lợi và khó khăn khi chuyển thể…
Đồng thời, thông qua việc so sánh phiên bản điện ảnh và văn học, chúng tôi muốn
chỉ ra được đặc điểm, mối quan hệ giữa hai loại hình nghệ thuật: điện ảnh và văn
học. Đi sâu vào so sánh hai phiên bản phim, chúng tôi muốn đưa ra những kết luận
thấu đáo và toàn diện hơn trong việc đánh giá hai phiên bản này; và hy vọng phần
nào thấy được vị trí của chúng trong sự nghiệp làm phim của hai đạo diễn lớn là S.
Kubrick và A. Lyne.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện luận văn này, chúng tôi sử dụng phương pháp liên văn bản,
phương pháp lịch sử xã hội, kết hợp với phương pháp chủ nghĩa hình thức
(Formalist film theory), và các thao tác thống kê, phân tích, so sánh. Quá trình
chuyển thể văn học - điện ảnh là loại liên văn bản hiển nhiên (ngoài ra còn có loại
liên văn bản ngầm) [23]. Chính vì thế, chúng tôi sử dụng phương pháp liên văn bản
để đặt các phiên bản phim và phiên bản văn học lại với nhau, từ đó cho thấy hết
được giá trị của các văn bản.
Phương pháp tiếp cận lịch sử xã hội là phương pháp đặt các tác phẩm vào bối
cảnh của xã hội để nghiên cứu. Bằng cách đó, hiện tượng nghệ thuật sẽ được nhìn
nhận trong những mối quan hệ ngoại sinh, sẽ được đánh giá theo đúng với những
quy luật khách quan của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Sử dụng phương pháp này trong
luận văn sẽ giúp lý giải phần nào nguyên nhân những khác biệt giữa hai tác phẩm
điện ảnh
Chủ nghĩa hình thức là tên gọi của phương pháp phê bình phim liên quan đến
những vấn đề về hình thức tự sự và phong cách trong một bộ phim. Phương pháp

này do David Bordwell và Kristin Thompson đề xuất, được trình bày trong cuốn

Film art (Nghệ thuật điện ảnh). Nó giúp tiếp cận bộ phim từ bên trong, tìm hiểu cụ
thể những vấn đề được thể hiện trên màn ảnh để đi đến những kết luận về chủ đề,
cốt truyện, nhân vật, dàn cảnh, âm thanh, quay phim, dựng phim của mỗi bộ phim
- những cơ sở để so sánh hai phim với nhau.
Các thao tác thống kê, so sánh, phân tích là những thao tác không thể thiếu
được trong quá trình tìm hiểu các dẫn chứng Thao tác thống kê giúp liệt kê các
dẫn chứng. Thao tác phân tích gợi ra ý nghĩa của những dẫn chứng đó. Thao tác so
sánh giúp đối chiếu văn bản văn học với điện ảnh, hai tác phẩm điện ảnh với nhau;
qua đó rút ra nét tương đồng, nét khác biệt.
Tất cả những phương pháp, thao tác này phải được dùng kết hợp với nhau.
Bởi lẽ, mỗi phương pháp, thao tác chỉ giải quyết được một khía cạnh của vấn đề.
Chỉ khi ta liên kết chúng lại thì mới có thể đưa ra được những kết luận chính xác và
toàn vẹn.
6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm có 3 chương:
Chương 1: Chuyển thể tiểu thuyết Lolita – sức quyến rũ và những thách thức
Chương 2: Phim Lolita (1962) của Stanley Kubrick
Chương 3: Phim Lolita (1997) của Adrian Lyne
Cuối luận văn là phần tài liệu tham khảo và phụ lục. Phụ lục 1 là bản dịch bài
Lolita: Fiction into film without Fantasy của Sarah Miles Watts Phụ lục 2 là danh
sách phim của đạo diễn Stanley Kubrick, phụ lục 3 là danh sách phim của đạo diễn
Adrian Lyne.

Chương 1: CHUYỂN THỂ TIỂU THUYẾT LOLITA –
SỨC QUYẾN RŨ VÀ NHỮNG THÁCH THỨC

1.1. Sức quyến rũ khi chuyển thể Lolita
1.1.1. Nội dung đặc sắc
Kể từ khi ra đời đến nay, Lolita luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, và
xung quanh tác phẩm luôn có những cuộc tranh luận trái chiều nhau. Nếu như sự

tiếp nhận hào hứng và đa chiều xung quanh Lolita là yếu tố ban đầu để các nhà làm
phim nghĩ đến việc chuyển thể tác phẩm văn học này sang điện ảnh, thì tính chất
mới lạ và sâu sắc của tiểu thuyết chính là yếu tố để họ thực sự muốn thực hiện công
việc này. Sự hấp dẫn của tiểu thuyết Lolita trước hết nằm ở đề tài. Nó chứa đựng
một đề tài muôn thuở vốn luôn hấp dẫn với khán giả, đó là: tình yêu, tình dục. Từ
xưa đến nay, tình yêu chưa bao giờ là đề tài cũ trong các loại hình nghệ thuật cũng
như trong đời sống xã hội. Hơn thế nữa, tiểu thuyết này lại hướng đến một loại tình
yêu đặc biệt, tình yêu người đàn ông trung niên với một bé gái (ấu dâm), tình yêu
giữa cha dượng và con gái (loạn luân). Về đề tài tình dục, trước đó có rất ít những
tác phẩm chính thống viết về đề tài này, như Ulysses của James Joyce, Lady
Chatterley's Lover của D. H. Lawrence, Tropic of cancer của Henry Miller,… Đề
tài gây sốc này hứa hẹn sẽ thu hút khán giả đến với bộ phim.
Cuốn sách nói về đề tài ấu dâm, loạn luân, nên khi mới đọc qua, người đọc
có thể coi đây là một tác phẩm khiêu dâm; rằng Humbert là người xấu đã hại đời
Lolita, còn Lolita là nạn nhân; rằng cuốn sách chứa đựng bài học đạo đức về việc
trả giá cho tội ác, hay cảnh tỉnh về cách nuôi dạy con cái Cũng có thể cho rằng,
thông qua Lolita, Nabokov ít nhiều nói đến tình yêu của con người với cái đẹp.
Lolita chính là hiện thân của cái đẹp và Humbert là người say mê cái đẹp.
Humbert muốn nắm giữ cái đẹp cho riêng mình, nhưng đó là điều không thể, bởi
cái đẹp luôn thay đổi theo thời gian. Điều đó cũng giống như các tiểu nữ thần chỉ
đẹp trong khoảng 5 năm tuổi đời, từ 9 đến 14 tuổi. Chính vì không thỏa mãn với
cuộc sống nên người nghệ sĩ săn lùng cái đẹp ấy trở nên bất lực. Hay ta cũng có

thể nghĩ rằng tác phẩm nói đến sự thích thú, tình yêu với thế giới mới của một con
người đến từ cựu lục địa. Humbert là người trí thức già cỗi, là đại diện cho thế
giới cũ kỹ. Lolita là đại diện cho nước Mỹ, cho thế giới mới, cho cái đẹp mới mà
cựu thế giới không còn. Chính vì thế Humbert say mê với vẻ đẹp của Lolita, say
sưa với cảnh đẹp của nước Mỹ, với những nét văn hóa mới lạ… Chính các trường
đoạn mô tả cảnh Humbert và Lolita rong ruổi trên những con đường khắp nước
Mỹ đã nói lên điều này.

Tuy nhiên, Lolita không chỉ đơn thuần như vậy. Đằng sau đề tài gây sốc là
một tác phẩm văn học hậu hiện đại đặc sắc với nhân vật, kết cấu, quan niệm thẩm
mỹ rất khác lạ mà ta sẽ không thể hiểu được nếu dùng những tiêu chuẩn đạo đức
hay các cách phân tích thông thường để tìm hiểu. Thực chất, đúng như nhà văn đã
khẳng định, giá trị lớn nhất của tác phẩm chính là “ân phước thẩm mỹ” mà nó mang
lại, tức là “một cảm giác về hiện hữu được kết nối ở điểm nào đó, bằng cách nào đó,
với các trạng thái hiện hữu khác ở nơi mà nghệ thuật (sự hiếu kì, lòng yêu thương,
nhân hậu, trạng thái mê li ngây ngất) là chuẩn mực” [13, tr. 428]. Đặc điểm đó của
cuốn sách được Nabokov khéo léo thể hiện qua đoạn mô tả Lolita chơi tennis. Em
chơi “thoải mái, bao giờ cũng khá lơ mơ không để ý đến tỉ số, bao giờ cũng tươi
vui”. Lolita chơi đẹp, nhưng không nhằm mục đích gì: “Mọi động tác của em đều
đạt đến độ sáng sủa tuyệt vời, tương ứng với độ trong trẻo âm thanh vang lên từ mỗi
cũ bạt bóng của em. Trái bóng, khi lọt vào vòng hào quang kiểm soát của em,
không hiểu sao bỗng thành trắng toát, trở nên nảy hơn, và cái công cụ chính xác em
dùng để điều khiển nó dường như quắp chặt quá đáng và thận trọng mỗi khi bắt
dính nó. Quả thật, phong độ của em là sự bắt chước tuyệt đối hoàn hảo một thứ
tennis tuyệt đối siêu đẳng – mà không hề đạt kết quả thực dụng nào”. Cách chơi ấy
khiến cho huấn luyện viên Electra Gold phải thắc mắc với Humbert: “Lưới vợt của
Dolly bắt bóng như có nam châm, nhưng quái lạ, tại sao em ấy lại lịch sự thế?” [13,
tr. 312-313]. Tác giả sáng tạo ra Lolita – như Lolita chơi tennis - chỉ để chơi trò
chơi nghệ thuật, ông không quan tâm tới những bài học đạo đức - như Lolita không
quan tâm đến tỉ số trận đấu.

Chính vì thế, tác phẩm giễu nhại tất cả những chuẩn mực thông thường. Ví
dụ, đoạn đầu tiểu thuyết (phần nói về cuốn nhật kí của Humbert) khiến ta nghĩ rằng
đây là một cuốn sách khiêu dâm và chờ đợi những cảnh tình dục tăng dần về mức
độ ở đoạn sau như công thức thường thấy của kiểu sách này: “đoạn cuối sách phải
tràn ngập ái tình dâm dật hơn các chương đầu” [13, tr. 426]. Nhưng ở phần sau tác
phẩm, ta không thấy bóng dáng những cảnh tình ái, càng không có những cảnh tăng
dần về mức độ. Thông qua đề tài và một số cảnh ở đầu truyện, người đọc có thể quy

kết rằng đây là tiểu thuyết khiêu dâm; nhưng thứ ngôn ngữ trang trọng, nghiêm túc
trong tác phẩm lại khiến phát biểu của họ không có cơ sở. Bởi lẽ trong một cuốn
dâm thư thông thường, “sự tục tĩu phải giao phối với tính tầm thường…”.
Thông qua cảnh Humbert giết Quilty, nó giễu nhại những cuộc đấu súng
của quý tộc châu Âu (trong đó nhân vật “ăn mặc thật đẹp và sang nhã”, “với sự
nghiêm cẩn lãng mạn của một chàng quý tộc sắp đi đến một cuộc đấu súng, tôi
kiểm tra lại việc sắp xếp giấy tờ, tắm và xịt nước hoa lên thân thể thanh nhã của
mình, cạo mặt và ngực, chọn một chiếc sơ mi lụa và một chiếc quần sạch, xỏ chân
vào đôi bít tất trong màu” [13, tr. 365]); và những bộ phim cao bồi viễn Tây của
Mỹ (trong đó có “khẩu súng lục thọc qua ô cửa kính vừa bị đập tan tành, cuộc
đánh nhau tay bo kì vĩ, cả núi đồ đạc cổ lỗ bụi bặm đổ sập, cái bàn được dùng làm
vũ khí, cú lộn nào tránh đòn kịp thời, bàn tay bị ghìm chặt trên sàn vẫn quờ quạng
tìm con dao găm bị rớt, tiếng gầm gừ, tiếng ngọt xớt của một cú đấm trúng cằm,
cú song phi vào bụng, cú bay người chặn đòn; và ngay sai đó một cơn đau đòn mê
tơi tưởng chừng có thể khiến một dũng thần Hercule cũng phải nhập viện…, mà
chẳng để lại dấu tích gì khác ngoại trừ một vết bầm xứng hợp trên gò má đồng hun
của người anh hùng” [13, tr. 230]).
Khi Humbert nêu đặc điểm của tiểu nữ thần và nói về tình yêu mê say với
họ, khi ông ta chê hình dáng của Lolita vì cô ngày càng phổng phao, khi ông ta nói
đến những dự định của mình lúc Lo qua tuổi của tiểu nữ thần (bỏ em, hoặc tiếp tục
ở bên em cho đến khi em sinh ra một tiểu nữ thần khác); người đọc dễ nghĩ rằng
Humbert là một người bệnh hoạn, chỉ yêu những tiểu nữ thần có “cái duyên chết

người, cái vẻ quyến rũ biến hóa… xảo trá đến tan nát lòng” ở độ tuổi 9 - 14; rằng
Humbert đã hại đời Lolita để thỏa mãn thú vui điên rồ của mình. Tuy nhiên, càng về
sau, ta càng nhận ra rằng Humbert thực sự yêu Lolita, “tôi yêu em đến tuyệt vọng”
[13, tr. 316]. Ở cuối truyện, Humbert gặp lại Lolita 17 tuổi trong bộ dạng xấu xí,
mất đi vẻ đáng yêu của một tiểu nhữ thần: “…đôi má trắng lấm tấm tàn nhang của
em hóp vào, cánh tay và bắp chân trần đã mất màu rám nắng, khiến cho những sợi
lông nhỏ lộ rõ ra. Em mặc một chiếc áo dài vải bông màu nâu cộc tay và đi một đôi

dép lê dạ nhếch nhác” [13, tr. 367], “em nằm đây, với những nét tàn phai của em, và
đôi bàn tay nhỏ nổi gân xanh của người trưởng thành, và hai cánh tay trắng nổi da
gà, và đôi tai bẹt, và nách bù xù, em nằm đó… tàn lụi vô phương cứu chữa ở tuổi
mười bảy” [13, tr. 378]. Nhưng chính lúc này Humbert nhận ra mình yêu Lolita,
một tình yêu đích thực: “…tôi yêu em. Đó là thứ tình yêu từ cái nhìn đầu tiên, cho
đến phút cuối giao mắt nhau, thứ tình yêu mãi mãi vĩnh cửu” [13, tr. 367-368],
“rằng tôi yêu em hơn bất cứ thứ gì tôi ừng thấy hay tưởng tượng trên trái đất này,
hoặc hy vọng sẽ tìm thấy ở bất kì nơi nào khác” [13, tr. 378]. “Quý vị có thể cười
giễu tôi và dọa giải tán phiên tòa, nhưng chừng nào chưa bị bịt miệng và bóp cổ đến
gần chết ngạt, tôi sẽ còn lớn tiếng nói lên cái sự thật khốn khổ của tôi. Tôi khẩn
thiết muốn thế giới biết tôi yêu xiết bao Lolita của tôi, chính Lolia này, trắng bệch
và ô nhiễm, với đứa con của kẻ khác trong bụng” [13, tr. 379]. Tình yêu khiến cho
ông thấy Lolita vẫn thật đẹp: “Thật kì lạ: mặc dù vẻ ngoài của em đã thực sự tàn
phai, tôi bỗng nhận ra, rõ rành và dứt khoát rằng em mới giống nàng Venus nâu
nâu của Botticelli biết bao – không phải chỉ lúc này mà từ xưa tới nay bao giờ cũng
vẫn thế - y sì cái mũi thanh tú ấy, cái vẻ đẹp mờ ảo ấy” [13, tr. 368, 369], “vẫn còn
nguyên cặp mắt xám với rèm mi đen nhánh như mồ hóng, mái tóc vẫn nguyên màu
hạnh đào nâu đỏ, vẫn là Carmencita, vẫn là của tôi” [13, tr. 379]. Thậm chí,
Humbert còn nghĩ rằng, nếu Lolita có ngày càng xấu đi thì ông vẫn yêu cô: “Dù thế
nào đi nữa, dù cặp mắt kia của em có xuống cấp cận thị như một con cá, dù đôi bầu
vú của em có phình to đến nứt ra, và cái vùng châu thổ trẻ đẹp tuyệt vời nõn mượt
như nhung có bị hoen ố và rách nát, cũng chẳng sao – ngay cả như vậy, chỉ cần

trông thấy bộ mặt thân yêu tái nhợt của em, chỉ cần nghe âm thanh cái giọng trẻ
khản đặc của em, lòng tôi đã ngập tràn thương mến đến phát điên rồi, ơi Lolita của
tôi” [13, tr. 379]. Vì yêu Lolita nên khi nàng thừa nhận Quilty “là người đàn ông
duy nhất mà em từng yêu đến cuồng dại”, trong khi chỉ coi Humbert “là một papa
tốt” [13, tr. 371] thì người đàn ông ấy đã thực sự buồn. Ông vẫn muốn được cùng
Lolita đi đến “một nơi nào đó mà chúng ta sẽ mãi mãi không rời xa nhau” [13, tr.
379], và cố gặng hỏi rằng liệu mình có chút hy vọng nào không. Nhưng rồi nàng từ

chối, vì thà quay về với Quilty còn hơn, khiến cho Humbert đau đớn cực độ: “Tôi
đưa tay lên che mặt và òa khóc, những giọt nước mắt nóng nhất tôi từng trào ra…
đốt cháy tôi…” [13, tr. 380], “cái gạt nước quét lia lịa hết công suất vẫn không sao
lau nổi dòng nước mắt của tôi” [13, tr. 383]. Vì yêu mà những mong ước cuối cùng
của Humbert là mong lời tự thú chỉ được xuất bản khi Lolita đã qua đời, mong
Lolita được hạnh phúc, và dặn dò như đang lo lắng cho em: “Hãy chung thủy với
Dick của em. Đừng để kẻ khác đụng vào em. Đừng nói chuyện với người lạ. Tôi hy
vọng em sẽ yêu đứa con nhỏ của em. Tôi hy vọng đó sẽ là một bé trai. Cái cậu
thanh niên chồng em, tôi hy vọng cậu ta sẽ luôn luôn đối xử tốt với em, bởi nếu
không, hồn ma của tôi sẽ ập xuống cậu ta như một đám khói đen, như một gã khổng
lồ cuồng dại, và xé tơi cậu ta thành từng thớ thần kinh. Và đừng có thương hại C.
Q.” [13, tr. 421]. Nhờ tình yêu ấy, mà tất cả những trách móc và kết tội của người
đọc về Humbert đều trở nên vô lý.
Không giống như trong các tác phẩm thông thường, nhân vật trong Lolita
đều vừa tốt vừa xấu. Mới đọc qua, người đọc có thể nghĩ rằng Humbert đã hại đời
cô bé Lolita, rằng hắn đáng trách. Nhưng càng đọc tác kĩ tác phẩm ta càng nhận
thấy chính Lolita mới là người dụ dỗ, quyến rũ và có lúc còn điều khiển, khống chế
Humbert. Lolita khiến chính mẹ cô bé, Charlotte Haze, phải lo ngại và ghen tị, đến
mức bà ta cố tìm cách đẩy cô bé tránh xa Humbert: lập kế hoạch cho Lo đi trại hè,
sau đó đi thẳng từ trại hè đến trường nội trú. Lolita vừa là nạn nhân, nhưng cũng
vừa là người chủ động quyến rũ. Lolita vừa trong sáng, ngây thơ theo đúng tính chất
của một cô bé; vừa quỷ quyệt như một người đàn bà sành sỏi mà Humbert gọi là

“cái con điếm đê mạt, yêu dấu ấy” [13, tr. 321]. Ông ta thường dùng những cụm từ
có hai tính từ đối lập nhau như vậy để nói về Lo. Tính chất hai mặt này được thể
hiện ngay trong dáng đi của em mà Humbert mô tả trong nhật kí: “Ngón chân hơi
châu vào nhau. Một kiểu uốn éo lơi lả dưới dầu gối kéo dài đến hết mỗi bước chân.
Tợ như lê gót. Rất chi trẻ con, vô cùng đàng điếm” [13, tr. 59]. Vài ngày sau, ngay
trong cuốn nhật kí này, Humbert lại tiếp tục nói về tính chất hai mặt này: “đó là sự
hỗn hợp giữa cái chất trẻ con dịu dàng mơ mộng với một kiểu cách rẻ tiền kì lạ”…

Chính Lolita là người chủ động hôn Humbert khi ông ta đến đón cô ở trại của bà
Shirley Homes (Lo trách Hum không đoái hoài đến Lo, thể hiện qua việc ông chưa
hôn Lo. Sau đó, trái với Hum “không dám thực sự hôn em” thì Lo “nôn nóng oằn
oại, áp miệng vào tôi rốt ráo”); là người chủ động gợi ý chơi trò tình ái trong đêm
đầu tiên ở khách sạn The Enchanted Hunters. Lúc đầu, sự chủ động này chỉ là sự
ngây thơ, hồn nhiên của một cô bé bắt chước người lớn; nhưng càng về sau, khi
Lolita ý thức rõ hơn về bản thân mình thì sự chủ động ấy còn bao hàm cả những
tính toán. Ở Lolita “tỏa ngời một ánh lóe lả lơi” và em “ý thức rõ về ánh lóe đó của
mình” [13, tr. 214-215]. Lolita “rất khác với Annabel ngây thơ” và ở em có “cái ác
độc đang hít thở qua từng lỗ chân lông” [13, tr. 168].
Sự quyến rũ, đong đưa của Lolita khiến cho Humbert phải vật vã vì ghen
tuông. Bên Lolita quá lơi lả và tinh quái, Humbert gần như phát điên vì ghen:
“Cuồng khấu, tôi đuổi theo cái bóng sự ngoại tình của em” [13, tr. 290]. Humbert
ghen với những người qua đường, ghen với các cậu bạn tầm tuổi của Lo, thậm chí
ghen với một con chó vì “em đang ở đó, chơi với một con chó giời đánh, chứ không
phải với tôi” [13, tr. 320].
Có nhiều lúc, ta tưởng như Humbert trở thành nạn nhân, tình yêu của
Humbert bị cô bé Lolita lợi dụng để khống chế người đàn ông trưởng thành to lớn
này. Nhiều lúc, Humbert phải thừa nhận rằng: “Bé Lo điều khiển cuộc đời tôi một
cách mạnh mẽ, phàm tục như thể nó là một thứ dụng cụ vô tri, tách rời khỏi tôi vậy”
[13, tr. 179], “Chúa biết tôi đã phải bỏ bao nhiêu đồng hai lăm cent vào những cái
máy hát tự động bóng bẩy, làm nhạc nền cho mỗi bữa ăn của chúng tôi!” [13, tr.

197]. Humbert nhắc đi nhắc lại điều này rất nhiều lần: “cô bé học sinh tiểu nữ thần
của tôi cầm giữ tôi trong thân phận nô lệ”, “em tỏ ra là một tay sừng trong thương
thảo mỗi khi đem quyền lực để từ chối tôi” [13, tr. 248]. Chính Humbert có lần đã
băn khoăn rằng: “liệu tôi có nên và có thể đánh liều báo cho một văn phòng Cứu tế
Xã hội nào đó và đệ đơn kiến nghị… để một nhân viên tòa án điều tra con người
nhu nhược và đáng ngờ là tôi và con người nguy hiểm của Dolores Haze?” [13, tr.
232]. Và kết quả là sau một năm, Humbert “mệt nhoài hơn là phấn chấn với niềm

đam mê được thỏa mãn, còn em thì đỏ da thắm thịt” [13, tr. 237]. Humbert tự nhận
rằng mình đã trải qua vài lần những trải nghiệm mà “không một trái tim người nào
sống sót nào sống nổi sau hai hoặc ba trải nghiệm như vậy”. Đó là: “trút bỏ hết thái
độ tự kiềm chế đạo mạo, gạt phăng mọi xích mích giữa hai chúng tôi, quên tất cả
niềm kiêu hãnh con đực của mình – và thực sự lết đầu gối đến tận ghế của em” van
xin được ôm ấp người tình, nhưng rồi bị từ chối phũ phàng [13, tr. 259-260]. Quả
thật, Humbert đã lặp lại hành động ấy một lần nữa sau khi có một cú điện thoại lừa
ông trong một khách sạn ở Colorado: “tôi sắp sửa òa lên những tiếng nức nở chín
nẫu và van vỉ giấc mộng vô cảm của em theo cách hèn hạ nhất” [13, tr. 319].
Sau những ngày thoải mái, chủ động, từ lúc bắt đầu chuyến đi vòng quanh
nước Mỹ với Loita, Humbert thường sống trong căng thẳng, sợ hãi… vì phải tìm
mọi cách che giấu sự thật với thế giới xung quanh và tạo niềm vui để giữ Lolita ở
bên mình cũng như đối phó với sự tinh quái của cô bé. Humbert luôn ám ảnh việc
người khác sẽ biết sự thật nên thường xuyên lo sợ: “trái tim tội nghiệp của tôi rụng
rời” [13, tr. 216]. Người đàn ông ấy luôn ám ảnh rằng mình bị theo dõi, sợ bị lộ nên
luôn phải dè chừng: “Tôi luôn có cảm giác như chúng tôi đang sống trong một ngôi
nhà kính sáng trưng và bất cứ lúc nào cũng có thể xuất hiện một bộ mặt khô đét với
đôi môi mỏng quẹt dòm qua một cửa sổ hớ hênh quên che mành” [13, tr. 244]. Đã
không ít lần ông cảm thấy căng thẳng cực độ: “một cưỡng chế gớm guốc đè nặng
đến ngạt thở tựa hồ tôi đang ngồi với hồn ma bé nhỏ của một kẻ nào đó vừa bị tôi
giết chết… Những con nhện giá lạnh của kinh hoàng bò dọc sống lưng tôi” [13, tr.
188]. Ông thừa nhận rằng mình “không bao giờ có thể quen được với cái trạng thái

×