Tải bản đầy đủ (.pdf) (123 trang)

Nhân vật trong Tầng đầu địa ngục của A Solzhenitsyn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.35 MB, 123 trang )


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN





NGUYỄN THỊ XUÂN QUỲNH






NHÂN VẬT TRONG TẦNG ĐẦU ĐỊA NGỤC CỦA
A. SOLZHENITSYN







LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành Văn học nước ngoài











HÀ NỘI - 2012
2

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN





NGUYỄN THỊ XUÂN QUỲNH






NHÂN VẬT TRONG TẦNG ĐẦU ĐỊA NGỤC CỦA

A. SOLZHENITSYN






Luận văn Thạc sỹ chuyên ngành Văn học nước ngoài
Mã số: 60 22 02 45








Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. PHẠM GIA LÂM






HÀ NỘI - 2012
3

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, những kết
luận, nhận định trong luận văn là hoàn toàn trung thực và chưa từng được
công bố trong bất kỳ công trình nào khác.

Tác giả luận văn


Nguyễn Thị Xuân Quỳnh

4

LỜI CẢM ƠN


Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS.TS. Phạm Gia Lâm - người
đã tận tâm, nhiệt tình giúp đỡ tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài này.
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong Khoa Văn học,
Phòng Sau Đại học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học
Quốc gia Hà Nội đã tạo điều kiện cho tôi được học tập, nghiên cứu, thực hiện
và hoàn thành luận văn.
Tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến các thầy cô giáo ở
Khoa Ngữ văn, trường Đại học Vinh đã luôn chỉ dẫn và khích lệ tôi trong suốt
thời gian học tập và nghiên cứu vừa qua.
Cuối cùng tôi xin được tri ân tới gia đình và bạn bè đã luôn bên cạnh
tôi, động viên và giúp đỡ nhiệt thành.

Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2012
Tác giả luận văn



Nguyễn Thị Xuân Quỳnh






5


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 2
1. Lí do chọn đề tài 2
2. Lịch sử vấn đề 6
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 18
4. Phương pháp nghiên cứu 20
5. Đóng góp của luận văn 20
6. Cấu trúc của luận văn 21
Chương 1: NHÂN VẬT TỰ DO VỀ TINH THẦN 22
1.1. Nhân vật "vô thần và đức hạnh" 23
1.2. Nhân vật chìm đắm trong suy niệm 32
1.3. Nhân vật phản tư về mình 40
Chương 2: NHÂN VẬT KHÁNG CỰ VỚI HOÀN CẢNH HƯỚNG TỚI
TỰ DO 51
2.1. Nhân vật tỉnh táo nhận thức về bản chất hiện thực 52
2.2. Nhân vật đấu tranh cho lương tâm và quyền sống tự do 63
2.3. Nhân vật chủ động lựa chọn hạnh phúc theo cách riêng 73
Chương 3: NHÂN VẬT THA HÓA VÀ KHUẤT PHỤC QUYỀN LỰC 81
3.1. Nhân vật cầm quyền hèn nhát 82
3.2. Nhân vật chấp nhận tha hóa 91
3.3. Nhân vật tù nhân bị khuất phục 101
KẾT LUẬN 107
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 110




6


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Trong lịch sử xã hội và văn học Nga thế kỷ XX, A. Solzhenitsyn là
một hiện tượng khá đặc biệt. Sinh 1918 qua đời 2008, dù gặp không ít bất
hạnh và cay đắng song cuộc đời bi hùng của nhà văn đã đi trọn một thế kỷ
đầy thăng trầm, bão táp. Nhờ đó, văn học Nga có thêm một tên tuổi vĩ đại,
một nhà văn - nhà văn hóa lớn của thời đại với những đóng góp lớn lao trên
nhiều phương diện. Thành công của truyện ngắn đầu tiên Một ngày trong đời
của Ivan Denisovich (1962) và những tiểu thuyết sau đó như Khu ung thư
(1968), Tầng đầu địa ngục (1968), Quần đảo Gulag (1973 – 1978), chùm tiểu
thuyết Bánh xe đỏ (1984 – 1991) … đã dần đưa tên tuổi của A. Solzhenitsyn
lên hàng nhà văn kinh điển của thế kỷ XX. Trong toàn bộ sự nghiệp văn học
của mình, nhà văn luôn khẳng định vững chắc mối quan tâm duy nhất của
mình tới số phận dân tộc trong tương quan với số phận con người cá nhân,
con người nhỏ bé, đời thường trước những biến cố lịch sử và cách họ chống
chọi để vươn lên trong nghịch cảnh. Với ngòi bút sắc sảo và tinh thần dấn
thân dũng cảm, A. Solzhenitsyn đã đưa đến cho văn học dân tộc Nga những
trang viết nóng bỏng và riết róng về hiện thực nhiều chiều nửa sau thế kỷ XX.
Điều này khiến sáng tác của A. Solzhenitsyn không tránh khỏi bị quy chụp,
cấm xuất bản trong nước thậm chí dẫn đến bản án trục xuất nhà văn khỏi Tổ
quốc mình vào năm 1974. Tuy nhiên sức mạnh đạo đức cùng sự hấp dẫn từ
bản thân thi pháp tiểu thuyết của nhà văn như làn sóng ngầm có sức lay
chuyển tới đời sống chính trị và xã hội. Do tài năng văn chương xuất sắc, năm
1970, A. Solzhenitsyn đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel văn
chương vì những tác phẩm “mang sức mạnh đạo đức theo truyền thống của
nền văn học Nga vĩ đại”. Đúng như lời nhận xét của nhà văn Đức đạt giải
Nobel năm 1972 Heinrich Boll: “A. Solzhenitsyn đã tạo ra bước ngoặt trong
7


nhận thức, bước ngoặt có tầm vóc quốc tế, một bước ngoặt đã tìm thấy sự
hưởng ứng ở khắp nơi trên thế giới… Ông sẽ mãi mãi tồn tại trong kí ức
hướng thiện của thời gian mà không chỉ trong lịch sử phát triển của nhân loại,
trong lịch sử văn hoá, ông tồn tại bằng những tác phẩm của mình, những thứ
không thể tách rời với nhân cách của nhà văn” [13, tr. 565]. Nghiên cứu cuộc
đời và sáng tác của A. Solzhenitsyn là góp phần khẳng định những giá trị
nghệ thuật độc đáo và lớn lao mà nhà văn suốt đời theo đuổi. Mặt khác những
kiến giải về tác phẩm của nhà văn giúp người đọc thâm nhập vào lịch sử nước
Nga hiện đại để đi đến nhận thức về những nguyên nhân từng đưa xã hội đến
khủng hoảng về chính trị, kinh tế và đạo đức.
1.2. Tầng đầu địa ngục (nguyên bản tiếng Nga: В круге первом; bản
dịch tiếng Anh: The First Circle) là cuốn tiểu thuyết giữ vị trí quan trọng
trong sự nghiệp sáng tác của A. Solzhenitsyn. Tác phẩm được sáng tác trong
khoảng thời gian từ 1955-1964 dựa trên chính những trải nghiệm đắng cay
của nhà văn những năm sống ở Viện nghiên cứu đặc biệt, thực chất là trại lao
động nơi giam các chính trị phạm dưới thời Stalin, có tên gọi sharashka. Quá
trình sáng tác Tầng đầu địa ngục trải qua nhiều giai đoạn. Trong Lời nói đầu
cho bản đầy đủ 96 chương (Moskva, Novyi Mir, bản thân A. Solzhenitsyn đã
chia quá trình sáng tác này thành ba giai đoạn: viết lén (1955 – 1958), cắt bỏ
(1964) và khôi phục (1968). Viết tác phẩm nhiều lần là hiện tượng khá phổ
biến trong văn học Nga thế kỷ XX, điển hình như A.Tolstoi với Con đường
đau khổ hay A.Fadeev với Đội cận vệ thanh niên. Tuy nhiên, hoàn cảnh của
A. Solzhenitsyn lại khá đặc biệt. Bản thảo đầu tiên của Tầng đầu địa ngục
được viết lén khi A. Solzhenitsyn đang bị cầm tù, khi chưa ai biết đến một A.
Solzhenitsyn – nhà văn bởi trước đó ông chưa từng công bố một tác phẩm
nào. Điều kiện sáng tác ngặt nghèo này theo A. Solzhenitsyn đôi khi trở thành
một lợi thế tạo nên sức mạnh của tác phẩm: “Ưu thế lớn của nhà văn viết lén
8

là ở sự tự do trong ngòi bút; anh ta không bị ám ảnh bởi bất kì sự kiểm duyệt

và biên tập nào, không có gì chống lại anh ta, ngoại trừ tư liệu, không có gì
khiến anh ta xốn xang, ngoài sự thật” [62]. Trong bối cảnh ra đời của tác
phẩm, Tầng đầu địa ngục là một chấn động lớn đối với toàn bộ nền văn học
cả về sự đổi mới thi pháp lẫn sức nặng hiện thực mà nó mang chứa.
Nhà văn, với phương châm “không sống bằng dối trá”, đã kiên trì đấu
tranh cho những giá trị chân chính của nghệ thuật dù phải đánh đổi bằng
chính sinh mạng và sự tự do của bản thân. Tầng đầu địa ngục bị cấm xuất bản
trong nước, sau đó được bí mật lan truyền rộng rãi dưới dạng bản samizdat
(tiếng Nga - tự xuất bản). Năm 1968 lần đầu tiên cuốn tiểu thuyết được xuất
bản tại nước ngoài với phiên bản đầy đủ gồm 96 chương. Việc thẩm bình và
đánh giá cuốn tiểu thuyết một thời gian dài chịu sự chi phối của màu sắc
chính trị nên có những ý kiến tranh cãi trái chiều. Song không thể phủ nhận
cho tới hiện nay, Tầng đầu địa ngục luôn khẳng định được vị trí quan trọng
trong lòng bạn đọc đơn giản bởi giá trị văn chương đích thực mà nó đưa đến.
Tên tuổi A. Solzhenitsyn được ví như nhà văn cổ điển lớn của thế kỷ XX, có
thể so sánh với những đại thụ A. Puskin, L. Tolstoy, F. Dostoievki, A.
Chekhov… Trong bối cảnh thời đại dân chủ và đổi mới cùng sự trở lại của
dòng văn học Nga “hồi lưu”, nhu cầu đánh giá lại toàn bộ sáng tác của A.
Solzhenitsyn vì thế đòi hỏi một sự nghiên cứu hoàn chỉnh và thấu đáo với
cuốn tiểu thuyết đặc biệt này.
1.3. Trong văn học thế kỷ XX, cốt truyện thường không có vai trò lớn
trong kết cấu tiểu thuyết. A. Solzhenitsyn không coi nhẹ cốt truyện mà biến
nó thành yếu tố kết cấu quan trọng bằng cách “dồn” nhiều nhân vật vào thời
gian nén chặt (trong khoảng 4 ngày từ Giáng sinh đến ngày 27 tháng Mười
hai năm 1949) và không gian hạn định (Marfino, căn hộ gia đình và phòng
làm việc ở công sở, đường phố Moskva, làng Rozhdestvo). Tầng đầu địa
9

ngục là cuốn tiểu thuyết có dung lượng lớn, hệ thống nhân vật vì thế cũng hết
sức đông đảo và đa dạng. Tuy nhiên điểm khác biệt lớn nhất giữa Tầng đầu

địa ngục với các tiểu thuyết khác đó chính là ở đây không có nhân vật trung
tâm. A. Solzhenitsyn đã nhấn mạnh chủ đích sáng tạo này khi trả lời phỏng
vấn N. Struve: “Tác giả của cuốn tiểu thuyết có nhân vật chính buộc phải chú
ý nhiều hơn đến nó, dành nhiều chỗ hơn cho nó. Mỗi một nhân vật sẽ trở
thành nhân vật chính khi hành động liên quan đến chính nó. Khi đó tác giả
phải có trách nhiệm dẫu cho đến cả 35 nhân vật. Nhà văn không ưu tiên một
nhân vật nào” [62]. Giải pháp của nhà văn là trên phương diện nguyên tắc kết
cấu nhân vật, nhân vật được khám phá trong khuôn khổ không-thời gian của
mình và trong nguyên tắc tổ chức trần thuật của tác giả: không biểu hiện trực
tiếp quan điểm của tác giả mà kết hợp miêu tả, trần thuật thông qua các hình
thức diễn ngôn phong phú như lời nói nửa trực tiếp, độc thoại, trần thuật
khách quan. Các nhân vật trong tác phẩm không chỉ phân biệt với nhau trong
cách hiểu những giá trị lớn lao về hạnh phúc, gia đình, tình yêu mà còn bởi
cảm giác mất mát cuộc sống riêng. Tiêu chí được xem xét để phân định nhân
vật trong Tầng đầu địa ngục dựa trên quan hệ với tự do, những ứng xử khác
nhau của mỗi kiểu nhân vật đối với vấn đề này. Đây là chìa khóa giúp khám
phá thế giới nhân vật độc đáo và giải mã các giá trị nghệ thuật đặc sắc của tác
phẩm. Không chỉ vậy, chiếm lĩnh thế giới nhân vật trên mọi cấp độ tồn tại và
biến tấu của nó còn giúp người đọc thẩm thấu sâu sắc tinh thần nhân đạo,
nhân văn trong triết lí sáng tạo của nhà văn đồng thời là nhà tư tưởng lớn A.
Solzhenitsyn.
Từ tiêu chí quan hệ với vấn đề tự do của các nhân vật, chúng tôi tiến
hành phân loại và khảo cứu nhân vật trong tiểu thuyết Tầng đầu địa ngục của
A. Solzhenitsyn với mong muốn khẳng định phong cách nghệ thuật đặc sắc
của một nhà văn thuộc hàng cổ điển trong văn học thế kỷ XX.
10

2. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ
A. Solzhenitsyn từng được giới nghiên cứu nhận định là một hiện
tượng khá phức tạp trong văn học Nga. Do đó, tình hình tiếp nhận và nghiên

cứu sáng tác của nhà văn có sự khác biệt giữa các giai đoạn lịch sử và giữa
Nga, Việt Nam và các nước phương Tây.
2.1. Tình hình nghiên cứu A. Solzhenitsyn và tiểu thuyết Tầng đầu
địa ngục ở nước Nga (trên tư liệu do giảng viên hướng dẫn cung cấp).
Khác với sự ra đời khá suôn sẻ của Một ngày trong đời của Ivan
Denisovich nhờ sự hậu thuẫn của N. Khrushchev và Tổng biên tập tờ Thế giới
mới (Novy Mir) A. Tvardovsky, Tầng đầu địa ngục có một hành trình khá
nhọc nhằn trước khi đến tay người đọc. Tác phẩm được nhà văn sáng tác
trong giai đoạn bị giam giữ ở một trại lao động vì bị phát hiện trong bức thư
gửi cho một người bạn ông đã đề cập đến những nhận xét có tính phê phán về
Stalin. Câu chuyện được viết ra trên vỏ bao thuốc lá và bí mật được mọi
người truyền ra ngoài dưới hình thức samizdat. Các sáng tác về sau ở nhà tù
của A. Solzhenitsyn cũng bị ngăn cấm xuất bản trong nước do chế độ kiểm
duyệt cực kì khắt khe. Sau cùng ông bị khai trừ khỏi Hội nhà văn bởi những
tác phẩm và lời phát biểu rất thẳng thắn về sai lầm chính trị của bộ phận cầm
quyền. Hầu hết các tiểu thuyết lớn của nhà văn đều được xuất bản đầu tiên ở
nước ngoài: Tầng đầu địa ngục và Khu ung thư xuất bản lần đầu tại Mỹ năm
1968, Quần đảo Gulag xuất bản ở châu Âu năm 1973. Năm 1974, A.
Solzhenitsyn bị tước quyền công dân Liên Xô rồi bị trục xuất sang Đức.
Thậm chí năm 1970 khi nhà văn đạt giải Nobel Văn học, bên cạnh những lời
tuyên dương về sức mạnh văn chương A. Solzhenitsyn, báo chí Xô-viết phản
ứng dữ dội bằng những cáo buộc rằng giải thưởng do “nhóm phản động
chống Xô-viết” sắp đặt.
11

Năm 1989, Tạp chí Thế giới Mới in Quần đảo Gulag và phổ biến rộng
rãi trên toàn Liên Xô. Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của A.
Solzhenitsyn. Năm 1990, ông được trả lại quyền công dân Liên Xô, năm 1994
ông trở về nước và sống đến khi qua đời. Lúc này các nhà lãnh đạo mới như
Gorbachev, Yeltsin cũng như phần lớn trí thức và nhân dân Liên Xô đánh giá

cao những tác phẩm của ông. Hầu hết các tác phẩm của A. Solzhenitsyn được
nghiên cứu và khẳng định lại. Sách giáo khoa đã đưa một số bài tản văn vào
chương trình văn học như một sự tôn vinh giá trị ngôn ngữ Nga đã được nhà
văn tiếp thu và sáng tạo điêu luyện. Năm 2006, bộ phim Nga đầu tiên dựa trên
một trong các tiểu thuyết của ông: Tầng đầu địa ngục (The first Circle) được
trình chiếu trên truyền hình quốc gia sau bốn thập niên từ khi tác phẩm được
công bố. Không chỉ vậy A. Solzhenitsyn cùng với vợ ông, bà Natalia
Solzhenitsyn còn sáng lập ra giải thưởng văn chương cao quý mang tên ông
nhằm khích lệ những tài năng văn chương của đất nước. Ông trở thành biểu
tượng cho lòng dũng cảm, tâm hồn và lương tâm nước Nga.
Văn xuôi, thơ, kịch và chính luận của A. Solzhenitsyn luôn được các
nhà nghiên cứu phê bình văn học, triết học, hoạt động xã hội ở Nga và nước
ngoài quan tâm chú ý. Ngay từ khi chưa công bố “Quần đảo GULAG”, vào
giữa những năm 60 của thế kỷ trước, A. Solzhenitsyn đã là một nhân vật nổi
tiếng trong xã hội. Bị bắt, tù đày, bệnh tật, quan hệ phức tạp với người vợ
đầu, bạn bè, đồng môn, đồng nhiệm, với các phóng viên và ban biên tập tạp
chí Novyi Mir (Thế giới mới), vinh quang bất ngờ, bị trục xuất khỏi Liên xô,
hai mươi năm sống lưu vong ở nước ngoài… Nói chung danh tiếng và hình
ảnh của A. Solzhenitsyn đã tạo nên những huyền thoại, dẫn đến thái độ phức
tạp, nhìn nhận không đúng về đời tư và sáng tác của ông, từ khâm phục đến
khó chịu, thù ghét ra mặt. Nhưng có một điều rõ ràng đây là nhà cổ điển Nga,
một trong những nhân vật quan trọng nhất trong văn học không chỉ của Nga
12

mà của cả thế giới. M. Bakhtin đã từng nói rằng đừng trở nên vĩ đại trong thời
đại mình, sự vĩ đại chỉ hấp dẫn các thế hệ sau mà đối với họ nó đã trở thành
quá khứ. Trong công trình Văn học kiếm tìm hiện thực. L. Ginzburg đã nêu
một nhận xét xác đáng, phản ánh đúng tính chất phức tạp trong thái độ đối với
nhà văn: “Độc giả tiếp nhận tác giả cổ điển “như nó vốn có” và luôn thông
qua mô hình thẩm mỹ của tác giả cổ điển. Còn khi xem xét tác giả cùng thời

với mình độc giả không căn cứ vào mô hình thẩm mỹ của tác giả đó mà dựa
trên mô hình thẩm mỹ của mình. Anh ta đặt cho nhà văn nhiều đòi hỏi”[62].
Tiểu thuyết Tầng đầu đầu đại ngục luôn khiến các nhà phê bình và
nghiên cứu văn học quan tâm. Các bài báo của A. Molkov, A. Lifshitz, L.
Nemzer, A. Koehler, S. Vanyukov, P. Boldovoy, L. Spivakovsky, N. Losev,
M. Leiderman, G. Lipovetsky, G. Bell, Sh. Umerov… đề cập đến những khía
cạnh thể loại, kết cấu, biểu tượng, ngôn ngữ, hệ vấn đề và quá trình sáng tác
cuốn tiểu thuyết. Có một điều đáng lưu ý là các tác phẩm của A. Solzhenitsyn
hầu hết đều có tính tự thuật nên những người viết tiểu sử của ông bị hạn chế
khả năng đoán định và giải thích độc lập. Trong công trình lớn đầu tiên
Aleksandr Solzhenitsyn (2008) về tiểu sử của nhà văn dày 956 trang,
L.Saraskina đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị về quá trình sáng tác và
công bố tiểu thuyết Tầng đầu địa ngục những nguyên mẫu, những sự kiện là
cơ sở cốt truyện của tác phẩm. Tiếp đó, các chuyên khảo của V.Chalmaev,
Yu.Meshikov … khi phân tích từng chương của cuốn tiểu thuyết cũng hướng
đến chỉ ra đặc trưng chủ nghĩa hiện thực của A. Solzhenitsyn. Đáng chú ý có
chuyên khảo Tiểu thuyết “Tầng đầu địa ngục” của A.I.Solzhenitsyn: thử
nghiệm tường giải (1997) của E. Belopolskaya, tập trung vào đặc trưng triết
lý cụ thể của A. Solzhenitsyn về Thiện và Ác, thể loại và cấu trúc của tác
phẩm, trường nghĩa của nó, những nguyên tắc phản ánh hiện thực của tác giả.
Cũng theo hướng này và gần gũi với đề tài của chúng tôi có bài báo của M.
13

Golubkov “Tầng đầu địa ngục” - thử nghiệm phân tích chuyên sâu: thể loại,
hệ vấn đề, cốt truyện và kết cấu, hệ thống nhân vật (“V kruge pervom” – opyt
monograficheskogo analiza: zhanr, problematika, syuzhet i kompozitsiya,
sistema personazhei [62] rút từ chuyên khảo Aleksandr Solzhenisyn (1999).
Riêng về vấn đề nhân vật, tuy không tiến hành phân định loại hình nhưng
những phân tích về các biện pháp xây dựng nhân vật của nhà nghiên cứu cũng
gợi ý cho chúng tôi khi xem xét đặc trưng của từng kiểu nhân vật. Kế thừa

những kết quả nghiên cứu của M.Golubkov, công trình của nhà Nga học
người Phần Lan Pekka Forsstedt tuy có nhan đề tương tự như đề tài của chúng
tôi Con người đối diện cái ác: thế giới nhân vật của tiểu thuyết “Tầng đầu địa
ngục” của Aleksandr Solzhenitsyn (Chelovek pered litsom zla: mir geroev
romana Aleksandra Solzhenitsyna V kruge pervom [63] nhưng sau khi dành
1/3 số trang nói về những đặc điểm chung của cuốn tiểu thuyết, phần còn lại
đi vào “thế giới nhân vật” theo từng tuyến cốt truyện với những cách tiếp cận
xã hội-lịch sử, tâm lý, triết học. Vả chăng, khi nghiên cứu “Con người đối
diện cái Ác” qua xem xét quan hệ giữa Con người và Quyền lực và Con người
và Hệ thống, theo chúng tôi, sẽ rất khó tránh khỏi trùng lặp bởi Quyền lực
chính là một thuộc tính của Hệ thống, và do vậy vấn đề loại hình nhân vật với
tư cách là những kiểu ứng xử, lựa chọn đã không được làm rõ.
Như vậy, sự thay đổi về thời đại đã tạo điều kiện cho việc tổng lựa và
đánh giá lại tất cả thành quả văn chương của A. Solzhenitsyn nói riêng và nói
chung các nhà văn thuộc dòng văn học “hồi lưu” vốn một thời bị coi là phi
chính thống như I. Bunin, A.N. Rybakov, V.S. Grossman, M. Bulgakov, M.
Tzvetaeva, B. Pasternak, V. Nabokov, J. Brodsky Tầng đầu địa ngục vẫn
đang chờ đợi sự khảo sát và thẩm bình chi tiết để xứng với giá trị của nó và
vấn đề nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này rõ ràng là một vấn đề cần được lưu
ý đặc biệt.
14

2.2. Tình hình nghiên cứu A. Solzhenitsyn và tiểu thuyết Tầng đầu
địa ngục ở Mỹ và phương Tây
Trong thời gian các sáng tác của A. Solzhenitsyn bị tịch thu và cấm
đoán ở Liên Xô thì ở Phương Tây nhất là ở Mỹ người ta lại khá hào hứng đón
nhận chúng. Lý giải hiện tượng này, không chỉ từ chính giá trị văn chương
đáng quý của những tác phẩm mà còn có căn nguyên từ những động cơ chính
trị của lãnh đạo phương Tây. Những trang viết nghiêm túc, chứa đựng giá trị
nghệ thuật cao - vì chúng tác giả đã phải đánh đổi cả sự tự do và quê hương -

thẳng thắn chỉ ra những sai lầm của Liên Xô đã bị giới cầm quyền phương
Tây lợi dụng làm chiêu bài gây thêm làn sóng chống xô viết. Dù vậy, nhà văn
vẫn không phải là một kẻ “thân phương Tây” sẵn sàng đứng về phía đối lập
để chống lại Tổ quốc như mong muốn của giới cầm quyền tư bản. Suốt hai
mươi năm sống ở Mỹ A. Solzhenitsyn không hề có thiện cảm với người Mỹ
với nghĩa rộng chỉ cung cách cai trị của chính quyền nước này. Cho nên A.
Solzhenitsyn trở thành “lạc thời” ở mọi chỗ. Với nước Nga, ông bị kết tội
phản bội còn với phương Tây ông là một kẻ dân tộc chủ nghĩa (sùng Slavn -
Slavophile), một người độc đoán. Dường như mọi sự đánh giá và kết án về
A.Solzhenitsyn trên góc độ chính trị, giai cấp đều đã rơi vào sai lầm. Với A.
Solzhenitsyn nhất thiết phải có một quan điểm đánh giá mới và khách quan
hơn. Bởi trên tất cả ông là một nhà văn thiết tha với giá trị truyền thống dân
tộc, khao khát tự do và sự phồn vinh cho dân tộc Nga. Ý thức và tinh thần
“Đại Nga” tồn tại trong con người này khá vững chắc và quyết liệt. Vì nó
lương tâm và tấm lòng đôn hậu đã luôn thúc giục trái tim người nghệ sĩ sống
hết mình với từng trang viết. Nhà văn nổi tiếng của Mỹ, ông David Remnick,
viết về ông: “Không có câu chuyện nào về phẩm giá của con người trong thế
kỉ XX lại tuyệt hơn là văn hào A. Solzhenitsyn” [12]. Tiếng nói và ngòi bút
của A. Solzhenitsyn là một đóng góp lớn lao trong việc thay đổi chiều hướng
15

thế ký XX như một nhà văn trẻ tâm sự: “Sau A. Solzhenitsyn, ta sẽ không còn
có thể viết như ta đã từng viết trước đây”[10].
Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên năm 1968 tại Mỹ, Tầng đầu địa ngục
đã trở thành tâm điểm của khá nhiều bài báo chưa kể bản thân tiểu sử nhà văn
cũng trở thành đề tài đặt hàng nóng hổi của các nhà xuất bản. Các bài viết,
nghiên cứu nổi bật về tiểu thuyết Tầng đầu địa ngục của A. Solzhenitsyn có
thể nhắc đến như: The world as a prison (Thế giới như một nhà tù) của
Harrison E. Salisbury, biên tập viên tạp chí Times. Trong bài viết này, tác giả
chú ý khảo sát thế giới nghệ thuật từ nhiều phương diện: cốt truyện, kiểu nhân

vật, mô hình không-thời gian, điểm nhìn trần thuật. Bên cạnh đó, Salisbury
cũng đặt Tầng đầu địa ngục trên trục quan hệ với truyền thống văn học trước
đó (Thần khúc – Dante, Bút kí dưới hầm - F.Dostoievki, Phòng số 6 – A.
Chekhov) và so sánh với kỹ thuật của các nhà văn cùng thời như Pasternak.
Bài A. Solzhenitsyn the Stylist của Micheal Scammel đăng trên Tạp chí
Times ngày 29/8/2008 khẳng định những phẩm chất văn chương xác lập nên
phong cách nghệ thuật của A. Solzhenitsyn. Ở cuốn tiểu thuyết lớn Tầng đầu
địa ngục tác giả cho rằng nhà văn: “định giá phẩm chất con người trong sự
cầm tù, qua những mối quan hệ căng thẳng và sự suy xét khẩn thiết về quyền
tự do, các giá trị đạo đức và tinh thần. Tất cả đều là “những con quái vật phì
thộn” (từ dùng của Henry James) trong truyền thống Nga, song tiếng kêu gọi
cấp bách chỉ duy nhất có ở sáng tác của A. Solzhenitsyn” [44, pg.2]. Tác giả
cũng khẳng định rằng tiếng nói ấy còn sẽ xuất hiện trở lại, lớn hơn vang xa
hơn bao giờ hết trong Quần đảo Gulag. Vì vậy những nghiên cứu ban đầu về
Tầng đầu địa ngục sẽ có giá trị tiền đề định hướng cho những khảo cứu về
sau với bộ tiểu thuyết trường thiên của A. Solzhenitsyn về chế độ lao tù của
nước Nga xô viết.
16

Lấy định hướng nghiên cứu là vấn đề đạo đức và sự chi phối của nó
trong việc tổ chức cốt truyện trong Tầng đầu địa ngục, tác giả Hàn Quốc Un-
chol Shin đã có một bài viết khá sắc sảo trên tạp chí Văn học so sánh Canada
(Canadian Comparitive Literature Magazine): Conscience, Lies and suffering
in A. Solzhenitsyn’s The first circle (Lương tâm, sự dối trá và nếm trải trong
Tầng đầu địa ngục của A. Solzhenitsyn). Bám sát tư tưởng sáng tạo của nhà
văn “không sống bằng dối trá”, tác giả bài viết khám phá chủ đề trên những
phân tích về lựa chọn đạo đức của các nhân vật. Đây là một nghiên cứu có giá
trị định hướng việc thâm nhập vào nội dung tác phẩm. Song thiết nghĩ nếu
giảm bớt đi yếu tố chính trị, phê phán và đồng nhất sai lầm của số ít lãnh đạo
trong một giai đoạn cụ thể cho toàn bộ bản chất chế độ Xô viết bài viết sẽ có

nhiều phát hiện sâu sắc hơn. Bởi nhẽ, nhân vật trong Tầng đầu địa ngục là
một biểu tượng có tính phổ quát cao cho con người ở thế kỷ XX khi đứng
trước những nghịch cảnh và giới hạn.
Trong lời giới thiệu khá công phu và dày dặn cho lần tái bản gần đây
nhất của Tầng đầu địa ngục, phiên bản tiếng Anh gồm đầy đủ 96 chương,
Edward E.Ericson khái quát khá trọn vẹn mọi phương diện thành công của
cuốn tiểu thuyết: quá trình ra đời và đến tay bạn đọc, quan điểm văn học của
nhà văn chứa đựng trong tác phẩm, những đặc sắc nghệ thuật tiêu biểu cho
phong cách của A. Solzhenitsyn thể hiện trong tác phẩm như cốt truyện, điểm
nhìn trần thuật và khắc họa nhân vật. Đặc biệt quan trọng, tác giả đã khám
phá ra nguyên tắc chính yếu trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện của Tầng
đầu địa ngục, điều đã giúp xâu chuỗi và thống nhất toàn bộ mọi thủ pháp
nghệ thuật: “A. Solzhenitsyn theo đuổi nguyên tắc đa âm (polyphonic) trong
cấu trúc tiểu thuyết. Đây là phương thức mà các nhân vật sẽ lần lượt trở thành
trung tâm của mỗi chương hay một loạt các chương, trong đó trần thuật được
soi rọi từ điểm nhìn và ngôn ngữ của nhân vật” [55, pg. 18].
17

Nhà phê bình đã ứng dụng lý luận về “đa âm” (polyphonic) vào khảo
sát kỹ lưỡng cơ chế xây dựng nhân vật của nhà văn qua nhiều trường hợp cụ
thể. Khái niệm polyphonic vốn là một thuật ngữ trong âm nhạc với nghĩa “đa
âm”, “phức điệu” hay “nhiều giọng” vì vậy với đặc trưng kết cấu của Tầng
đầu địa ngục cần hiểu theo nguyên tắc “counterpoint” (kontrapunkt), nghĩa là
“sự bình đẳng giữa các giọng”. Theo nguyên tắc này, không có riêng nhân vật
nào giữ vai trò thống lĩnh ngay cả khi một vài nhân vật được cho là hình chiếu
của tác giả xuất hiện trên khá nhiều trang (Nerzhin, Rubin, Volodin). Nhờ
vậy, mọi điểm nhìn và giọng nói riêng của nhân vật đều được đồng hiện trên
bề mặt văn bản, giúp cho ý đồ nghệ thuật của nhà văn được triển khai. Lời
giới thiệu của nhà nghiên cứu E. Ericson đã chỉ ra mối tương quan chặt chẽ
giữa xây dựng nhân vật với việc tạo dựng cốt truyện, kết cấu và giọng điệu

của toàn bộ tác phẩm từ đó gợi mở những con đường giải mã ý nghĩa nhân
văn của tác phẩm. Việc phân tích dù vậy vẫn trên tính chất giới thiệu và gợi
mở.
Như vậy theo quan sát của chúng tôi, hầu như các công trình nghiên
cứu ở phương Tây đã đáp ứng nhu cầu của độc giả trên phương diện tìm hiểu
tiểu sử, tư tưởng, sáng tác của một A. Solzhenitsyn trên tư cách nhà văn kiêm
nhà tư tưởng và nhà hoạt động xã hội ở Nga. Với Tầng đầu địa ngục, dù sớm
có những bài viết nghiên cứu có tính chất chỉ đường song việc tìm hiểu riêng
về cuốn tiểu thuyết vẫn chưa thoát khỏi sự quy chiếu chính trị và vẫn thường
gắn liền với chuỗi tác phẩm khác có cùng nội dung chủ đề của nhà văn mà
chưa được thực sự chú ý đến những giá trị nghệ thuật mới mẻ so với bối cảnh
ra đời của tác phẩm này.
2.3. Tình hình nghiên cứu A. Solzhenitsyn và tiểu thuyết Tầng đầu
địa ngục ở Việt Nam.
18

Trước năm 1975, do đặc thù lịch sử nên việc tiếp nhận và nghiên cứu
tác phẩm A. Solzhenitsyn có sự khác biệt giữa hai miền Nam – Bắc. Ở miền
Nam, văn học Nga được dịch và giới thiệu khá phong phú đa dạng từ các tác
giả như L. Tolstoi, F. Dostoievski, M. Lermontov, A. Chekhov đến cho đến
M. Gorki, B. Pasternak, A. Solzhenitsyn, M. Sholokhov… Hầu hết các tác
phẩm lớn của A. Solzhenitsyn đều được chọn dịch từ rất sớm ngay sau thời
điểm nhà văn được trao giải Nobel Văn học, gồm: Một ngày trong đời Ivan
Denisovich (Nxb Ngàn Khơi, 1970), Vòng đầu (Nxb Ngàn Khơi, 1971), Bất
ngờ tại nhà ga Krechetovka (Nxb Hành Trình, 1973), Khu ung thư (Nxb Ngàn
Khơi, 1974), Ngôi nhà của Matriona (Nxb Trẻ, 1974), Quần đảo ngục tù
(Nxb Trí Dũng, 1974). Ngoài ra còn một số tản văn và truyện ngắn in rải rác
trên các báo của Sài Gòn bấy giờ. Trong số đó, Tầng đầu địa ngục là trường
hợp đặc biệt nhất bởi đây là cuốn tiểu thuyết duy nhất xuất hiện với ba bản
dịch khác nhau trong khoảng thời gian ngắn:

- Vòng đầu, Vũ Minh Thiều dịch, Nxb Ngàn Khơi, 1971
- Tầng đầu địa ngục, Hải Triều dịch (từ bản tiếng Anh The First
Circle của Thomas P.White), Nxb Đất Mới, 1973
- Vòng đầu địa ngục, Thạch Chương – Thanh Tâm Tuyền dịch (từ
bản tiếng Pháp Le 1cer Cercle), Nxb Nguồn Sáng, 1973
Sự xuất hiện độc đáo này đã cho thấy sức hấp dẫn và những ảnh hưởng
quan trọng của tiểu thuyết Tầng đầu địa ngục đến công chúng độc giả lẫn giới
dịch thuật, phê bình miền Nam. Lý giải hiện tượng trên, bên cạnh sức mạnh từ
văn phong của A. Solzhenitsyn còn xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu sự tương
quan trong cách vận hành đất nước của chủ nghĩa cộng sản ở Nga xô viết để
quy chiếu về hiện thực miền Bắc xã hội chủ nghĩa bấy giờ. Vì thế khó tránh
được trong việc tiếp nhận và nghiên cứu Tầng đầu địa ngục có những ý kiến
chủ quan, chứa đựng thiên kiến chính trị khi đồng thuận cho rằng đây là một
19

tác phẩm vạch rõ những khuyết điểm trong bản chất chuyên quyền của chủ
nghĩa cộng sản.
Việc tiếp nhận dưới góc nhìn chính trị, quy chiếu xã hội học trần trụi đó
cũng chính là lý do khiến ở miền Bắc tác phẩm của A. Solzhenitsyn bị hạn
chế và cấm đoán. Sai lầm khi quy chiếu lập trường chính trị đối với việc tiếp
nhận tiểu thuyết của nhà văn từ giới phê bình Liên Xô thời điểm những năm
60 – 70 của thế kỷ trước đã dẫn đến sự quy chụp và khắt khe trong những
đánh giá về bản thân A. Solzhenitsyn cũng như toàn bộ tác phẩm của ông.
Khi giải Nobel văn học danh giá được Viện Hàn lâm Thụy điển trao
cho nhà văn bất đồng chính kiến người Nga A. Solzhenitsyn, ở miền Bắc đã
có nhiều bài viết công khai phản đối. Tiêu biểu nhất là bài Khi chiếc mặt nạ
rơi xuống (sự thật về con người và sáng tác của A. Xôngiênitxưn) của Lê Sơn
trên Tạp chí Văn học số 2/1974. Bài viết cho rằng A. Solzhenitsyn thực chất
là một “con bài” của đế quốc Mỹ và phương Tây lợi dụng những sơ hở thiếu
sót của các nước xã hội chủ nghĩa để xuyên tạc và bôi đen bản chất xã hội tốt

đẹp của chủ nghĩa cộng sản, gây chia rẽ phong trào quốc tế. Từ những phân
tích về những tác phẩm viết về sự thật của xã hội xô viết bị gán cho là trò lừa
bịp, đáng khinh tác giả bài viết đi đến kết luận: “ở Xôn-giê-nít-xưn chúng ta
không chỉ thấy là một tên phản động mà còn là một kẻ thù độc địa của độc lập
tự do của dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, “Xôn-giê-nít-xưn là một công cụ dễ
bảo và rẻ tiền đã bị xã hội Xô viết vứt vào sọt rác như một cái ung nhọt hôi
thối trên một cơ thể lạnh mạnh” [28].
Đồng thuận với quan điểm cực đoan trên, có thể kể tới tiểu luận phê
bình nhan đề Chân tướng của bọn đế quốc và tay sai (Chung quanh vụ A.
Solzhenitsyn) của Hà Xuân Trường in trong tập Dưới ánh sáng Đại hội IV của
Đảng (1978). Tác giả khẳng định A. Solzhenitsyn là một vụ bê bối do chủ
nghĩa tư bản dựng lên như một trong số các thủ đoạn chính trị nhằm bôi nhọ,
20

xuyên tạc thành quả chế độ xã hội chủ nghĩa: "Vụ Xôn-giê-nít-xưn chỉ là một
chứng cớ, một biểu hiện của đấu tranh giai cấp trong lĩnh vực tư tưởng và
văn nghệ, cuộc đấu tranh này không thể tách rời cuộc đấu tranh chính trị
hiện đang diễn ra hết sức phức tạp" [30]. Sự đánh giá phiến diện và có phần
quy chụp theo lập trường giai cấp nặng nề tương tự này là sản phẩm tất yếu
của một giai đoạn lịch sử khi cuộc đấu tranh chống đế quốc còn gay gắt.
Tuy vậy, giữa những công trình nghiên cứu có phần định kiến về A.
Solzhenitsyn cũng như các nhà văn Nga được xem là có vấn đề khác như B.
Pasternak, A. Akhamatova… ở cả hai miền vẫn xuất hiện một số công trình
rất có giá trị cả về nội dung lẫn phương pháp tiếp cận. Tiêu biểu nhất là cuốn
sách Alexandre Soljenitsyne: Tác phẩm – Con người và Cuộc đời của Trần
Tử, tủ sách Nhân loại mới năm 1971. Trong tác phẩm của mình, tác giả đã
thừa nhận một cách công bằng những hạn chế của sáng tác và phê bình ở văn
học Việt Nam cả hai miền. Từ đó chỉ ra thiếu sót trong việc tiếp nhận và
nghiên cứu trường hợp A. Solzhenitsyn và một số nhà văn lưu vong khác.
Bên cạnh việc chỉ ra một phương pháp tiếp cận đúng mực, tác giả Trần Tử

cũng đã có những chính kiến xác đáng về A. Solzhenitsyn khi khẳng định
"kinh nghiệm, những ý nghĩ của một nhà văn như Soljenitsyne, người đã vượt
ngoài khuôn khổ của hiện thực xã hội chủ nghĩa không vì lý do chính trị và
quyền lợi chính trị mà chỉ vì văn nghệ, vì thiên chức nhà văn mà thôi, người
hoàn toàn tin tưởng ở đường hướng sáng tạo của mình và đường hướng này
đã được tác phẩm đảm bảo giá trị – cũng đáng được người cầm bút nghiên
cứu và suy nghĩ". Cuốn sách đưa tới những nghiên cứu sâu sắc về thế giới
quan, quan niệm về con người và những kỹ thuật điêu luyện của nhà văn thể
hiện trong các tác phẩm. Tuy nhiên mọi quan tâm của tác giả cuốn sách
dường như chưa dành nhiều cho Tầng đầu địa ngục, cuốn tiểu thuyết quan
21

trọng tiếp bước cho sự hoàn thiện về nghệ thuật kết cấu, xây dựng nhân vật và
tổ chức trần thuật cho truyện vừa Một ngày trong đời của Ivan Denisovich.
Trong không khí đổi mới từ sau năm 1986 đến nay, đời sống văn học
trong nước có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ đó những tác phẩm trước kia
bị xem là có vấn đề đã được nhìn nhận đúng mực trong đó có việc nghiên cứu
A. Solzhenitsyn và một số nhà văn khác như M. Bulgakov, V. Nabokov, J.
Brodsky Đã đến lúc những giá trị văn chương xuất sắc của dòng văn học
phi chính thống trong văn học Nga cần được xem xét và đánh giá khách quan
như những gì họ đã thực sự đóng góp cho văn học nhân loại. Trên tinh thần
ấy, tên tuổi A. Solzhenitsyn nhất định sẽ được vinh danh là người nghệ sĩ
chân chính nhất như Từ điển Văn học bộ mới (2004) khẳng định: “Nếu gạt bỏ
những thổi phồng quá đáng, những mưu toan biến A. Solzhenitsyn thành một
vụ tai tiếng chính trị, bằng một cái nhìn không định kiến từ cả hai phía, người
ta phải thừa nhận những giá trị văn học đích thực của A. Solzhenitsyn” [11,
tr. 2092] . Bên cạnh đó, trong nỗ lực truyền bá thành tựu văn học Nga tới bạn
đọc Việt Nam, công trình Các nhà văn Nga đạt giải Nobel (2007) thuộc Tủ
sách Nobel thuộc Trung tâm Văn hóa Đông Tây do Đoàn Tử Huyến, Nguyễn
Thúy Hằng biên soạn được xuất bản. Tiểu sử, sự nghiệp, diễn từ nhận giải

Nobel, những bài viết phê bình và trích một số tác phẩm của A. Solzhenitsyn
được giới thiệu đầy đủ và trang trọng cùng với bốn nhà văn Nga đạt giải
Nobel khác là Ivan Bunin, Boris Pasternak, Mikhail Solokhov và Joseph
Brodsky. Năm 2008 A. Solzhenitsyn qua đời, nhiều bài viết nghiên cứu về
nhà văn được đăng tải trên các tạp chí. Tiêu biểu: Hà Văn Lưỡng (2008), A.
Solzhenitsyn một nhà văn lớn của văn học Nga thế kỷ XX [17]; Nam Hoàng
(2008), Alexander Solzhenitsyn: Tâm hồn và lương tâm nước Nga [11]; Phan
Hằng Anh (2008), Nhà văn Nga A. Solzhenitsyn lạc thời mọi lúc [1]; Thụy
Anh (2009) A. Solzhenitsyn, người yêu nước Nga một cách cực đoan [2]. Các
22

bài viết trong khả năng có thể đã thâu tóm được những nét tiêu biểu nhất
trong chân dung văn học của nhà văn. Từ một hiện tượng “có vấn đề”, sự
chuyển biến của thị hiếu thẩm mĩ và nhu cầu tiếp nhận văn học của độc giả
trong bối cảnh thời đại đa phương, toàn cầu đã thúc đẩy việc “nhận thức lại”
những tác phẩm từng gây sóng gió của A. Solzhenitsyn như Tầng đầu địa
ngục, Quần đảo Gulag, Bánh xe đỏ… Mọi đánh giá dù vậy vẫn dừng trên
bình diện ảnh hưởng tư tưởng, đạo đức của A. Solzhenitsyn tới đời sống
chính trị Nga. Tuy nhiên điều khiến công chúng nhớ đến đầu tiên ở con người
này là ở tài năng văn chương đích thực bên cạnh một trái tim nhân hậu và một
lí trí sắc bén, hẳn không chỉ bởi ông đồng thời là một nhà tư tưởng, hoạt động
xã hội có vị thế quan trọng. Mặt khác, chúng tôi thấy rằng bản thân việc
nghiên cứu quá trình tiếp nhận tác phẩm của A. Solzhenitsyn có ý nghĩa quan
trọng đối với việc bổ khuyết cho bức tranh nghiên cứu, phê bình văn học Nga
tại Việt Nam. A. Solzhenitsyn là đại diện tiêu biểu cho lớp nhà văn trưởng
thành trong giai đoạn nhà nước Liên Bang Xô Viết ra đời và đi vào khủng
hoảng. Vì thế, dấu ấn trong sáng tác của A. Solzhenitsyn không chỉ là gạch
nối cho sự chuyển biến về cảm hứng đề tài giữa hai thời kỳ văn học, trước và
sau khủng hoảng mà còn là minh chứng cho sự nối kết tinh thần dân tộc trong
sáng tác giữa hai bộ phận chủ lưu và phi chính thống ở Nga Xô bấy giờ. Nắm

bắt sâu sắc được điều này, công trình khoa học của PGS. TS. Đào Tuấn Ảnh
(2011), Tiếp nhận văn học Nga – Xô viết ở Việt Nam qua trường hợp
A.Solzhenitsyn tại Hội thảo Tiếp nhận văn học nghệ thuật ở Việt Nam thời kỳ
hội nhập (11/2011) đã lựa chọn A. Solzhenitsyn như đối tượng chính yếu để
qua đó khảo sát và phân tích tình hình tiếp nhận văn học Nga tại Việt Nam từ
sau Đổi mới. Nhà văn được định vị như một “cây đại thụ cuối cùng của văn
hóa, văn học Nga – Xô Viết” với những tác phẩm văn chương thuộc hàng
mẫu mực. Mặc dù A. Solzhenitsyn là một cá tính hết sức phức tạp, thế giới
23

quan của ông rất khó xác định nhưng tác giả khẳng định: “Con đường nghệ
thuật của ông luôn trong trạng thái vận động, mở rộng, theo một định hướng
tinh thần mà ngay từ tác phẩm đầu tiên ông đã đặt cho mình, đó là tư tưởng
nhân dân, nhà nước - dân tộc, là sự tôn trọng từng cá nhân con người”.
Điều này sẽ dẫn lối cho chúng ta thâm nhập và kiến giải thế giới nghệ thuật
trong tác phẩm của nhà văn. Tuy công trình đặt mối quan tâm lớn cho tác
phẩm đầu tay Một ngày trong đời của Ivan Denisovich song thiết nghĩ những
phân tích, định giá đúng hướng về hình tượng nhân vật trong đó sẽ có ý nghĩa
định hướng hữu ích cho việc tiếp cận các tác phẩm khác của A. Solzhenitsyn,
nhất là với tiểu thuyết Tầng đầu địa ngục.
Như vậy, theo quan sát của chúng tôi, dù đã có rất nhiều công trình,
bài viết về A. Solzhenitsyn thực sự có giá trị nhưng chưa có công trình nào
chọn đi sâu nghiên cứu một trường hợp cụ thể là Tầng đầu địa ngục, đặc biệt
là vấn đề nhân vật. Thực tế theo xu hướng của lý luận văn học hiện đại, việc
nghiên cứu di sản văn chương của một tác gia luôn cần nên bắt đầu từ những
đổi mới và thể nghiệm trên bình diện nghệ thuật như thi pháp, tự sự học,
nghiên cứu so sánh… Với tiểu thuyết Tầng đầu địa ngục, sự lựa chọn và
phương pháp thể hiện hình tượng nhân vật rõ ràng là một vấn đề thú vị, chứa
đựng cảm quan thời đại sâu sắc của nhà văn Nga A. Solzhenitsyn. Vì vậy
nghiên cứu nhân vật cần dựa trên cơ sở vững chắc của hệ thống thi pháp và tổ

chức kết cấu tác phẩm. Bên cạnh đó, việc lý giải không thể không dựa trên
những căn cứ về quan niệm nghệ thuật cũng như những thao tác riêng biệt
thuộc cá tính sáng tạo của nhà văn.
Trên định hướng đó, chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu đề tài Nhân vật
trong Tầng đầu địa ngục của A. Solzhenitsyn – một phương diện đặc sắc
trong thi pháp tiểu thuyết và phong cách nghệ thuật nhà văn.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
24

Chúng tôi tiến hành khảo sát và tập trung tìm hiểu hệ thống nhân vật
trong tiểu thuyết Tầng đầu địa ngục của A. Solzhenitsyn theo bản dịch của
nhà văn Hoàng Hải Thủy nhà xuất bản Đất Mới năm 1973, được số hóa trên
trang web />nguc-1-2/. Do vậy những chú thích trích dẫn tác phẩm trong luận văn chỉ ghi
số chương. Bám sát quan niệm nghệ thuật nhà văn và tuân thủ những đặc
điểm thi pháp và nguyên tắc nội tại trong kết cấu tác phẩm, chúng tôi phân
loại, định tính các kiểu nhân vật dựa trên tiêu chí: quan hệ với vấn đề tự do.
Thông qua cách thức tìm kiếm đến tự do và ứng xử của nhân vật với các hệ
giá trị, chúng tôi phân chia hệ thống nhân vật trong Tầng đầu địa ngục thành
ba nhóm: nhân vật tự do tự tại về tinh thần, nhân vật kháng cự với hoàn cảnh
hướng tới tự do, nhân vật tha hóa và khuất phục quyền lực. Mọi nhận định và
lý giải về nhân vật của chúng tôi luôn dựa trên văn bản tiếng Việt của tác
phẩm. Tuy nhiên để đảm bảo khách quan và đặt trong sự so sánh, khi cần thiết
chúng tôi đối chiếu với bản dịch tiếng Anh của Thomas J.Whitney,
HarperCollins Puslisher, New York (2009).
4. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp tiếp cận thích hợp được chúng tôi lựa chọn trong đề tài
này là thi pháp nhân vật. Cụ thể chúng tôi khảo sát hệ thống nhân vật, phân
tích và tổng hợp trên các yếu tố hình thức “mang nghĩa” để xác lập vị thế tồn
tại của nhân vật trong chỉnh thể nghệ thuật thống nhất. Bên cạnh đó, mối quan
hệ giữa tác giả và nhân vật là một đặc trưng nổi bật trong Tầng đầu địa ngục

vì thế chúng tôi ứng dụng tường giải học (interpretation) như một công cụ
giúp soi chiếu hành trình sáng tạo đi từ những trải nghiệm riêng đến hình
tượng văn học. Bên cạnh đó, thống kê, đối chiếu và so sánh là những thao tác
cần thiết để tìm ra những nét riêng biệt trong bút pháp của A. Solzhenitsyn so
với các nhà văn trước và cùng thời đại.
25

5. Đóng góp của luận văn
Lựa chọn nghiên cứu đề tài Nhân vật trong Tầng đầu địa ngục của
A.Solzhenitsyn, chúng tôi hướng đến một phân tích hoàn chỉnh với những lí
giải xác đáng về tư tưởng nhân đạo mới mẻ cùng những cách tân nghệ thuật
độc đáo trên phương diện xây dựng nhân vật, khẳng định những đổi mới trong
cảm quan và bút pháp sáng tạo đã đưa tên tuổi A. Solzhenitsyn trở thành “nhà
văn cổ điển duy nhất của thế kỷ XX” (chữ dùng của nhà thơ Yevtusenko). Từ
đó, chúng tôi mong muốn những kết quả nghiên cứu được sẽ đóng góp đáng
kể cho việc nghiên cứu văn học Nga hiện đại đặc biệt là dòng văn học Nga
“hồi lưu” ở môi trường đại học cũng như bổ khuyết thêm những đánh giá
khách quan nhằm định hướng cách đọc tác phẩm cho độc giả.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung chính
của luận văn được tổ chức thành 3 chương:
Chương 1: Nhân vật tự do về tinh thần
Chương 2: Nhân vật kháng cự với hoàn cảnh hướng tới tự do
Chương 3: Nhân vật tha hóa và khuất phục trước quyền lực











×