Tải bản đầy đủ (.pdf) (96 trang)

Nghệ thuật truyện ngắn Maupassant xét từ góc độ trần thuật học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.05 MB, 96 trang )


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN







NGUYỄN THỊ HẢI YẾN








NGHỆ THUẬT TRUYỆN NGẮN MAUPASSANT
XÉT TỪ GÓC ĐỘ TRẦN THUẬT HỌC





LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC






Chuyên ngành: Văn học nước ngoài
Mã số: 60.22.30



Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Đào Duy Hiệp












Hà Nội – 2010
MỤC LỤC


MỞ ĐẦU 2

1. Lí do chọn đề tài 2
2. Lịch sử vấn đề 3
3. Mục đích, nhiệm vụ 8
4. Phạm vi tư liệu nghiên cứu 9
5. Phương pháp nghiên cứu 9

6. Cấu trúc luận văn 9
7. Đóng góp của luận văn 10

Chương 1 11
NHÂN VẬT VÀ NGƯỜI KỂ CHUYỆN: VẤN ĐỀ ĐIỂM NHÌN 11
1.1. Thế giới nhân vật 12
1.2. Người kể chuyện 20
1.2.1. Truyện kể ở ngôi thứ nhất 20
1.2.2. Truyện kể ở ngôi thứ ba 25
1.2.3. Di chuyển điểm nhìn sang nhân vật 29
1.2.4. Sự đan xen các điểm nhìn 34
1.2.4.1. Sự đan xen điểm nhìn của các nhân vật từ ngôi kể 34
1.2.4.2. Sự đan xen điểm nhìn của nhân vật và người kể chuyện 36
1.3. Hiệu quả thẩm mĩ của các điểm nhìn 38
Chương 2 44
MIÊU TẢ VÀ TRẦN THUẬT 44
2.1. Lí thuyết về miêu tả và trần thuật 44
2.2. Trần thuật xen lẫn miêu tả nhân vật và sự kiện 47
2.3. Miêu tả cảnh vật 57

Chương 3 70
MỞ ĐẦU VÀ KẾT THÚC 70
3.1. Mở đầu truyện ngắn 70
Bảng thống kê câu mở đầu 75
3.2. Đoạn kết truyện ngắn 80
Bảng thống kê đoạn kết truyện ngắn 81
3.3. Mối liên hệ của mở đầu kết thúc 87
Bảng đối chiếu câu mở đầu và đoạn kết 89

KẾT LUẬN 92


TÀI LIỆU THAM KHẢO 94

2



MỞ ĐẦU


1. Lí do chọn đề tài
Văn học hiện thực Pháp thế kỉ XIX phát triển với nhiều thành tựu rực
rỡ. Cùng với những tên tuổi như Stendhal, Balzac, Flaubert… Guy de
Maupassant đã xuất hiện như một ngôi sao sáng trên văn đàn tiến bộ nước
Pháp và thế giới. Nhắc đến Guy de Maupassant các nhà nghiên cứu luôn
trang trọng đặt bên cạnh tên ông cụm từ “là bậc thầy về truyện ngắn”, “một
thiên tài trong lĩnh vực truyện ngắn”.
Maupassant đã từng làm thơ, soạn kịch, viết tiểu thuyết nhưng ông nổi
tiếng nhất về truyện ngắn. Chính thể loại này đã thực sự đưa ông lên đỉnh
vinh quang và giúp cho tên tuổi ông sống mãi trong lòng độc giả. Truyện
ngắn của ông cực kì hấp dẫn và vẫn còn tính thời sự. Ông là nhà văn luôn
đi tìm cái mới cho sáng tác của mình. Ông đã thổi vào tác phẩm những hơi
hướng mới và tạo cho nó một sức sống mãnh liệt. Khi đọc những truyện
ngắn của ông điều chúng tôi nhận thấy ông đã có những dấu ấn rất riêng
trong việc xậy dựng nhân vật, tạo không gian câu chuyện và điểm nhìn của
người kể chuyện. Những nét nổi bật này góp phần khiến ông được coi là
nhà văn có tài viết truyện ngắn “không ai bắt chước nổi” như Macxim
Gorki đã nhận xét.
Truyện ngắn của Maupassant còn là tâm điểm của nhiều nhà nghiên cứu
và nhà văn viết truyện ngắn. Ông có khả năng nắm bắt và thể hiện cuộc

sống bằng một vài trang truyện rất ngắn, cô đọng. Truyện ngắn không cho
phép viết dài. Một số nhà văn đọc truyện ngắn của Maupassant xong nhận
thấy “Không còn viết lối cũ được nữa”. Nhiều nhà văn Việt Nam đã công
3

nhận và chịu ảnh hưởng từ cách viết truyện của Maupassant. Nguyễn Công
Hoan còn nghiên cứu tác phẩm của Maupassant để học theo.
Maupassant là một trong những tác giả đã được dịch rất sớm ở Việt
Nam và được độc giả yêu mến. Là giáo viên giảng dạy văn học, nghiên cứu
truyện ngắn của ông có ý nghĩa nhất định cho công việc mà tôi đang đảm
nhận, đáp ứng với chuyên môn nói chung và sự yêu mến của cá nhân đối
với nhà văn nói riêng.
Maupassant là một trong những tác giả có tác phẩm được giảng dạy ở
trường phổ thông; nên tìm hiểu về truyện ngắn của ông càng toàn diện càng
tốt cho việc tiếp cận tác phẩm của học sinh. Những câu chuyện bình
thường, giản dị như một kịch bản nhưng lại mang hình hài, màu sắc và vận
động của chính cuộc sống đã gợi cho tôi những cảm xúc đầy thú vị, giúp
ích trực tiếp cho việc giảng dạy văn học ở phổ thông. Và cũng gợi lên cho
bạn đọc những vấn đề to lớn về tình yêu, hạnh phúc gia đình và xã hội.
Truyện ngắn Maupassant đầy tình thương yêu, trăn trở trước cuộc đời qua
những mong ước, khát khao sao cho con người được hạnh phúc hơn, tình
người trở nên ấm áp hơn; nó mang giá trị nhân văn sâu sắc. Và cái ước mong
ấy của Maupassant được thể hiện qua cách khắc hoạ nhân vật, tạo không gian
và từ điểm nhìn của người kể chuyện. Truyện ngắn của ông có một nghệ thuật
cuốn hút thật đặc biệt với người đọc và có thể nói phần nào chúng vẫn còn là
những bài học quý giá cho các nhà văn của chúng ta. Luận văn của chúng tôi
mong muốn đi tìm hiểu những nội dung ẩn chứa bên trong những dáng vẻ đơn
sơ, giản dị đó của truyện ngắn Maupassant.
Từ những lý do trên đây, chúng tôi đã chọn đề tài: “Nghệ thuật truyện
ngắn Maupassant xét từ góc độ trần thuật học”.

2. Lịch sử vấn đề
Từ điển Văn học đã khẳng định: “Maupassant nổi tiếng nhất về truyện
4

ngắn, bởi truyện của ông bộc lộ hiện thực xấu xa: con người ích kỉ, giả dối,
tham lam, đê tiện, thậm chí vô nhân đạo. Maupassant cũng dành ngòi bút
của mình cho những con người nhỏ bé, họ là nạn nhân của xã hội. Càng về
sau sáng tác của ông càng bộc lộ thái độ bi quan. “Hầu như truyện nào
cũng thấp thoáng nụ cười châm biến với những sắc thái, cung bậc khác
nhau” [28; 1002]. Trong phạm vi đề tài này, chúng tôi tìm hiểu lịch sử của
hai vấn đề sau:
2.1. Vấn đề nghiên cứu khái quát về các tác phẩm của Maupassant:
Nghiên cứu khái quát về các tác phẩm của Maupassant chủ yếu là của
các chuyên gia, nhà nghiên cứu phê bình văn học đầu ngành. Những công
trình này đã đặt nền móng cho những công trình tiếp theo nghiên cứu
chuyên sâu về các tác phẩm của nhà văn bậc thầy này ở nhiều góc độ.
Tác phẩm Chủ nghĩa hiện thực phê phán, tác giả nhấn mạnh vào giá trị
nội dung tác phẩm Maupassant: “Bản chất sinh vật của con người được
nhấn mạnh, nhất là ở Maupassant và Zola” [5] nhưng bản chất sinh vật này
được Maupassant gán cho các đối tượng đả kích nên mang lại ý nghĩa hiện
thực, phê phán sâu sắc, nên cùng với Zola, Maupassant đã “vượt ra ngoài
khuôn khổ của chủ nghĩa tự nhiên để tiếp cận chủ nghĩa hiện thực phê
phán” [5].
Trong Văn học lãng mạn và hiện thực phương Tây thế kỉ XIX, Lê Hồng
Sâm đã đề cập đến các mảng đề tài Maupassant hướng đến, đó là sự tham
lam, ích kỉ, lòng vụ lợi… qua đó cho thấy giọng điệu phê phán của
Maupassant hướng vào nhiều mảng đề tài khác nhau đều lên án cái xấu xa của
xã hội. Một đặc điểm nữa được đề cập đến của truyện ngắn Maupassant là tác
phẩm của ông luôn thấp thoáng nụ cười châm biếm và “Truyện ngắn của
Maupassant đa dạng về chủ đề, về âm điệu. Với hơn 300 truyện Maupassant

cố gắng không tự lặp lại và luôn tìm tòi cái mới, cố phát hiện được một vẻ gì
5

chưa ai thấy, chưa ai nói” và “sự châm biếm kín đáo toát ra từ bản thân tình
thế, từ hành vi, tâm lí nhân vật, từ sự phát triển của đề tài” [22; 449]. Tác giả
cũng chỉ ra trong truyện ngắn của Maupassant có giọng điệu phê phán gay gắt
đượm sắc thái u ám, ngoài ra còn có tiếng cười châm biếm.
Trong giáo trình Văn học phương Tây các nhà nghiên cứu chỉ dành cho
Maupassant khoảng 40 dòng ngắn ngủi để nói về cuộc đời và sự nghiệp
sáng tác, đề tài và nội dung tư tưởng của nhà văn, “Đề tài các truyện ngắn
Maupassant rất phong phú, từ sự quan sát cuộc sống bình thường của tầng
lớp trung lưu, dân nghèo ở thành thị và nông thôn, tác giả phản ánh những
dục vọng chạy theo danh lợi, đồng tiền, những hành vi xấu xa tội lỗi gây
nên những tấn kịch trong gia đình”, và phản ánh tình cảm lành mạnh, thủy
chung của người lao động. Các tác giả cho rằng: “Maupassant là nhà văn
hiện thực tiêu biểu của giai đoạn văn học hiện thực phê phán Pháp sau năm
1848” [21; 423].
Trong Tác giả tác phẩm nước ngoài trong nhà trường, PGS.TS Lê
Nguyên Cẩn viết: “Truyện ngắn của Maupassant đã đạt tới nghệ thuật lớn
cả chiều rộng lẫn chiều sâu trong một số lượng câu chữ ít nhất”, và
“Truyện ngắn Maupassant là một trong những đỉnh cao về nghệ thuật
truyện ngắn thế giới, đặc biệt trong kết cấu, cách sắp xếp và lựa chọn tình
tiết” [283].
Giới thiệu về Guy de Maupassant trong Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế
kỉ XIX (tập II), Lê Hồng Sâm sau khi chỉ ra truyện của Maupassant phong
phú về âm điệu cũng chỉ ra rằng giọng điệu người kể cũng phong phú, tuỳ
vào trạng thái tâm lí của người kể. Truyện ngắn của Maupassant luôn thể
hiện tính chân thực [26].
Lời giới thiệu của các dịch giả trong Lịch sử Văn học Pháp thế kỉ XIX -
Tuyển tác phẩm dành cho Maupassant với vẻ đầy yêu mến: “Tài năng xuất

6

sắc trên lĩnh vực truyện ngắn đôi khi làm lu mờ thành tựu của nhà tiểu
thuyết. Với tính giản dị, sự cô đọng, sức khái quát, những truyện nhỏ của
Maupassant “chứa đựng cốt tuỷ của những tập sách mà các nhà tiểu thuyết
khác phải viết thật dày” như Emile Zola đã nhận định” [16; 224-225]
Tác giả Lê Huy Bắc trong Guy de Maupassant - Tuyển truyện đã viết:
“Guy de Maupassant là thiên tài trong lĩnh vực truyện ngắn”, đề tài phong
phú “nổi bật nhất là đề tài về tinh thần yêu nước, nỗi cô đơn sự phản trắc,
hạnh phúc cũng như tấm lòng nhân hậu của con người…”, “thường sử
dụng yếu tố hài để châm biếm, đả kích nhưng đằng sau mỗi trang viết thành
công của ông, ta thường thấy sự đổ vỡ và nước mắt” [4;31]. Như vậy ta có
thể thấy Maupassant được nhắc đến qua giáo trình hầu hết mới đề cập đến
nội dung lòng nhân đạo và giá trị hiện thực trong sáng tác của nhà văn này.
Các bài viết của Đào Duy Hiệp đã bước đầu chú ý đến cấu trúc và nghệ
thuật xây dựng nhân vật trong sáng tác của Maupassant. Trong bài nghiên
cứu Nhân vật và các mối quan hệ giữa chúng qua truyện ngắn Bố của
Ximông của Guy de Maupassant, tác giả bài viết đã chỉ ra mối quan hệ của
ba nhân vật trong tác phẩm Bố của Ximông, đó là chú bé Simon, chị
Blanchotte và bác thợ rèn Phillippe. “Mối quan hệ này tạo nên một tam giác
Cha-Mẹ và con, là trật tự vũ trụ và con người ở khắp mọi nơi” [13; 146].
2.2. Vấn đề nghiên cứu về nghệ thuật truyện ngắn Maupasant.
Trong Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Maupassant, Đào Duy Hiệp
chỉ ra hệ thống nhân vật xuất hiện trong toàn bộ sáng tác của Maupassant,
đó là người nông dân, viên chức văn phòng, đặc biệt là nhân vật người kể
chuyện mang nét rất riêng không giống như những nhân vật người kể
chuyện của các nhà văn cùng thời, trước đó hoặc sau này. Bài viết còn đề
cập đến “tiếng cười” trong tác phẩm của Maupassant, “Bạn đọc có thể bắt
gặp sự khôi hài, châm biếm của Maupassant ở tất cả mọi tác phẩm của ông,
7


tuy mức độ có khác nhau” [13; 153].
Luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn của Nhữ Thị Trúc Linh “Các giọng
điệu trong truyện ngắn của Guy de Maupassant” tìm hiểu về các giọng
điệu của truyện ngắn Maupassant, nét nổi bật làm nên cái riêng của nhà văn
này. Luận văn đã chỉ ra giọng điệu phê phán gay gắt, giọng điệu bi đát,
giọng điệu mỉa mai châm biếm đặc trưng của Maupassant qua nhiều truyện
ngắn.
Báo cáo khoa học “Ảnh hưởng của hội hoạ ấn tượng trong nghệ thuật
miêu tả truyện ngắn Maupassant” – Kim Thị Thu Hà đã đề cập đến những
nét nghệ thuật miêu tả của Maupassant chịu ảnh hưởng của trường phái hội
hoạ ấn tượng.
Báo cáo khoa học “Tương quan giữa nhan đề và kết thúc trong truyện
ngắn Maupassant”, Trần Thị Hảo đã tập trung vào cách đặt nhan đề cho
tác phẩm và nghệ thuật kết thúc tác phẩm, nó là ý đồ nghệ thuật của nhà
văn, qua đó thấy được giá trị nội dung tư tưởng, thế giới quan nghệ thuật
cũng như nghệ thuật kết cấu tác phẩm.
Các khoá luận tốt nghiệp tìm hiểu trực tiếp về truyện ngắn Maupassant
của Tống Thị Thu Hường về “Các kiểu tình huống trong nghệ thuật truyện
ngắn Guy de Maupassant” đi sâu khảo sát, phân tích một số kiểu tình
huống trong truyện ngắn của ông nhằm làm nổi bật nội dung và giá trị nghệ
thuật của tác phẩm. Trong “Nghệ thuật kể chuyện trong truyện ngắn của
Guy de Maupassant” Vũ Trúc Hà muốn làm nổi bật nghệ thuật trần thuật
của Maupassant, điểm nhìn có sự kết hợp, đan xen. Nghệ thuật miêu tả tâm
lí nhân vật và điểm qua một số giọng điệu trong truyện ngắn Guy de
Maupassant; đề tài: “Một số suy nghĩ về nghệ thuật viết truyện ngắn của
Maupassant” của Dương Thuý Anh và “Hình tượng những con người nhỏ
bé trong truyện ngắn của Maupassant” của Lương Kỳ; “Sự thể hiện con
8


người trưởng giả trong truyện ngắn của Maupassant” - Kiều Kim Ngọc;
của Trịnh Thị Kim Dung về “Thời gian trong truyện ngắn Maupassant”;
“Hệ thống nhân vật trong truyện ngắn của Maupassant” của sinh viên Lê
Minh Đức nghiên cứu về các nhân vật trong truyện ngắn của Maupassant;
Nguyễn Thị Hương Lan với tên đề tài “Nghệ thuật truyện ngắn của
Maupassant” đã tìm hiểu về nghệ thuật xây dựng cốt truyện, nghệ thuật
xây dựng nhân vật (thông qua nghệ thuật xây dựng chi tiết, tình huống và
ngôn ngữ) và kết thúc trong truyện ngắn của Maupassant.
Một số đề tài: “Bi kịch truyện ngắn Maupassant”, “Phong cách nghệ
thuật của Maupassant trong truyện ngắn” có đề cập đến một số đặc điểm
của truyện ngắn Maupassant nhưng chưa đi sâu tìm hiểu nội dung cụ thể.
Lược điểm các công trình nghiên cứu về truyện ngắn Maupassant,
chúng tôi nhận thấy: Các công trình trực tiếp hay gián tiếp qua các bài giới
thiệu cho tuyển tập, giáo trình đã đi vào khai thác về một số phương diện
trong truyện ngắn của ông như nhan đề, nhân vật, giọng điệu … về nghệ
thuật chưa khai thác ở góc độ trần thuật học. Do vậy, hướng nghiên cứu
luận văn của chúng tôi đi vào tìm hiểu nghệ thuật truyện ngắn Maupassant
ở một số phương diện: Nhân vật, điểm nhìn, ngôi kể, miêu tả và trần thuật,
mở đầu, kết thúc truyện từ góc độ trần thuật học để thấy được cái mới đặc
sắc nghệ thuật trong truyện ngắn của nhà văn.
3. Mục đích, nhiệm vụ .
3.1. Mục đích
Chỉ ra được những đắc sắc nghệ thuật của truyện ngắn Maupassant trên
một số phương diện từ đó góp phần nhìn nhận một cách toàn diện hơn về
nghệ thuật truyện ngắn của nhà văn bậc thầy này
3.2. Nhiệm vụ
Khảo sát các truyện ngắn của Maupassant, qua lí thuyết cần phân tích
9

một số đoạn nổi bật để chỉ ra được những nét mới, đặc sắc về nghệ thuật

truyện ngắn của ông từ điểm nhìn, ngôi kể đến miêu tả, trần thuật và cách
mở đầu, kết thúc truyện.
4. Phạm vi tư liệu nghiên cứu
- Luận văn tập trung khảo sát 45 truyện ngắn của ông đã được dịch, qua
bản dịch: Tuyển tập Guy de Maupassant, Nxb Hội Nhà văn, 2000, Trọng
Đức, Ngô Văn Phú, Lê Đức Mẫn, Trần Thanh Ái, Hướng Minh, Trung
Hiếu, Nguyễn Văn Sỹ, Võ Điền, Vũ Đình Bình, Lê Hồng Sâm dịch.
- Ngoài ra còn đối chiếu với truyện ngắn của các dịch giả khác :
Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỉ XIX, Nxb. Đại học và trung học
chuyên nghiệp, 1986, Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch;
Dưới ánh trăng, Nxb. Văn hóa Thông tin Lâm Đồng, 1986, (2 tập), Đỗ
Tư Nghĩa, Mạc Mạc, Hướng Minh, Trung Hiếu, Nguyễn Văn Sỹ, Võ
Điền, Lê Hồng Sâm dịch;
Guy de Maupassant, Tập truyện Guy de Maupassant, Nxb. Tổng hợp
Hậu Giang, 1988, Trần Thanh Ái dịch
- Vấn đề lý thuyết: Ngoài một số sách công cụ bằng tiếng Việt, được
người hướng dẫn cung cấp những tư liệu dịch từ tiếng nước ngoài.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để làm nổi rõ vấn đề liên quan đến đề tài chúng tôi thực hiện một số
phương pháp nghiên cứu như: Phê bình cấu trúc; phê bình xã hội học lịch
sử; khảo sát, thống kê, phân tích, tổng hợp.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Thư mục tài liệu tham khảo, Mục lục ;
Luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Người kể chuyện và nhân vật: Vấn đề điểm nhìn
Chương 2: Miêu tả và trần thuật truyện ngắn Maupassant
10

Chương 3: Mở đầu và kết thúc truyện ngắn Maupassant
7. Đóng góp của luận văn

- Khảo sát và phân tích truyện ngắn Maupassant theo hướng trần thuật
học để chỉ ra được đặc điểm nghệ thuật và nội dung đặc sắc của nhà văn;
- Chỉ ra được cái nhìn của nhà văn vào cuộc sống, con người: những ý
nghĩa nhất thời và vĩnh cửu;
- Mong muốn giúp cho người thưởng thức và cả giới sáng tác học tập
được nghệ thuật truyện ngắn của một nhà văn được coi là bậc thầy trong
thể loại này.
















11



Chương 1

NHÂN VẬT VÀ NGƯỜI KỂ CHUYỆN: VẤN ĐỀ ĐIỂM NHÌN


Truyện ngắn của Maupassant chứa đựng những nội dung phong phú và
biểu lộ khả năng nghệ thuật lớn. Với hơn 300 truyện ngắn được sáng tác
trong khoảng 10 năm, phản ánh nhiều mảng đề tài, nhiều số phận của con
người trong xã hội đã làm nên một Maupassant có vị trí vững vàng trong
nền văn hoá của toàn nhân loại, một Maupassant yêu quý trong lòng bạn
đọc trên toàn thế giới. Ở cây bút truyện ngắn tài ba này, những gì làm nên
tác phẩm của ông không phải là ngẫu nhiên tình cờ mà tất cả đều do ông
dụng công sắp đặt từ nhan đề, đề tài, cốt truyện, nhân vật, tình huống đến
hành động lời nói của nhân vật. Cách kể chuyện trong sáng hấp dẫn, kết
cấu chặt chẽ giữa các cảnh, các biến cố có quan hệ mật thiết nhân vật và
người kể chuyện được đặt ở nhiều góc nhìn khác nhau tạo nên hiệu quả
thẩm mĩ cho câu chuyện Tất cả những điều đó đã tạo nên một giọng điệu
rất riêng của Guy de Maupassant khiến ông không thể lẫn được với một
nhà văn nào khác.
Truyện ngắn Maupassant đi sâu vào thể hiện thói tư hữu, của sự thoái
hoá nhân cách do sự cám dỗ của lợi ích vật chất, phơi bày thói vị kỉ và sự
giả dối mà ông cho là nét tiêu biểu của con người và xã hội trưởng giả.
Mảng đề tài về cuộc chiến tranh Pháp - Phổ cũng được Maupassant đặc biệt
quan tâm. Ở đó những con người bình dị, những nhân phẩm mà trong cuộc
sống bình thường bị chà đạp, bỗng vụt sáng, tinh thần yêu nước, yêu cuộc
sống trỗi dậy trong họ với một vẻ đẹp lạ thường.
12

Về nghệ thuật truyện ngắn Maupassant có vẻ ngoài trong sáng, giản dị,
thường không dụng công xếp đặt; nghệ thuật kết cấu khéo léo; thoáng nụ
cười châm biếm, kín đáo. Có khi là sự đả kích cay độc quyết liệt. Có khi
hoà lẫn cảm thông, có khi nụ cười chỉ thoáng qua. Yếu tố hài hước chỉ
điểm xuyết ở nhiều cung bậc khác nhau.
Đọc truyện ngắn của Maupassant ta dễ dàng nhận thấy “mỗi truyện

ngắn của ông là một số phận con người được đặt vào quãng thời gian hoặc
vào thời điểm nào đó “sáng chói”, có khi nhiều bão tố, “tai biến”, nhưng
cũng có khi nhẹ nhàng, xúc động như một áng thơ văn xuôi - nó là “cánh
cửa bí ẩn những đau khổ tinh thần” để lại nỗi buồn man mác sâu xa trong
lòng người đọc” [14; 150]. Thế giới nhân vật trong sáng tác của ông vô
cùng phong phú. Họ đều là những con người bình thường của cuộc sống
như: viên chức, sĩ quan, gái gianh hồ, sinh viên, nông dân, thuỷ thủ, tu sĩ,
nghệ sĩ, quí tộc song mỗi nhân vật mang một dáng dấp riêng thể hiện
cách nhìn, cách cảm nhận của nhà văn trước cuộc đời. Mỗi con người dù ở
hoàn cảnh, tính cách nào cũng đem lại cho người đọc sự suy ngẫm về bức
tranh cuộc sống.
1.1. Thế giới nhân vật

“Văn học là khoa học về con người" (M.Gorki). Chức năng chủ yếu của
nhà văn là khả năng miêu tả con người cho sinh động. Maupassant đã xây
dựng được những hình tượng nghệ thuật đặc sắc về con người ở nhiều
phương diện khác nhau của cuộc sống bằng các nhân vật thuộc đủ mọi tầng
lớp. Những nhân vật này là phương tiện cơ bản để qua đó tác giả khái quát
hiện thực một cách hình tượng; thể hiện nhận thức của mình về một cá
nhân, một loại người, một vấn đề nào đó của hiện thực. Mỗi con người,
mỗi hoàn cảnh khi hoá thân vào nhân vật, chính là công cụ dẫn dắt người
13

đọc vào một thế giới riêng của đời sống trong thời kỳ lịch sử nhất định.
Mang trong mình tính hiện thực sâu sắc, truyện ngắn của Maupassant
luôn phảng phất nụ cười châm biếm hóm hỉnh nhưng đôi khi chua chát, mỉa
mai hoặc xót xa cho một hay nhiều số phận con người trong xã hội. Nhiều
lớp người được khái quát và điển hình hoá đã trở thành những mẫu mực
nhân vật khó quên được thông qua nghệ thuật kể và tả của ông. Maupassant
đã phát hiện cái bi kịch của con người không chỉ trong những tình huống

khủng khiếp mà cả trong những hoàn cảnh bình thường, hàng ngày. Thế
giới nhân vật trong truyện ngắn của Maupassant rất đa dạng. Đó là những
con người thuộc đủ mọi tầng lớp. Từ những nhân vật dưới đáy như gái
giang hồ, ăn xin, những người lao động nghèo khổ, đầy tớ, người chăn gia
súc, dọn vệ sinh, nông dân, viên chức, tư sản đến quý tộc. Một xã hội thu
nhỏ tràn vào những trang viết của ông. Từ tầng lớp cao như quý tộc, trí
thức, quan tòa, viên chức, đến sĩ quan, binh lính, người lao động đủ các
ngành nghề (thủy thủ, nông dân, thợ thuyền, đầy tớ,…) qua cái nhìn sắc
sảo, nhuốm màu sắc bi quan của Maupassant, họ đã hiện lên với những nỗi
đau khổ, nỗi buồn thương và cả những tàn nhẫn, xót xa, thậm chí “chưa bao
giờ ít chất người hơn” [22; 425]. Đồng tiền, tính dục, lòng tham, sự tàn
nhẫn, ích kỉ,… là những vấn đề được Maupassant khai thác rất sâu. Qua
những trang văn của ông, nỗi buồn, sự cô đơn của con người dường như
chưa bao giờ thôi ám ảnh ngòi bút Maupassant.
Vì đồng tiền, thế giới con người trong truyện ngắn Maupassant có thể
làm tất cả: Món gia tài là một nỗi ô nhục nhưng hân hoan của vợ chồng
Cora và Lessable: chúng sẽ được hưởng thừa kế của bà cô một triệu quan
nếu sinh được một đứa con. Một không khí căng thẳng chờ đợi, lo âu, hi
vọng, trách móc, châm chọc,… Thời hạn kế thừa sắp hết thì một người bạn
của Lessable đến nhà và được vồ vập đón tiếp. Y khỏe mạnh, tráng kiện và
14

đứa con đã ra đời. Họ đã nhận được món gia tài. Trong Món tư trang, sau
khi vợ qua đời, Lantin tự nhiên thấy túng thiếu, mang bán những món tư
trang mà trước đây vợ y vẫn bảo đó là đồ giả. Y xấu hổ vì phải phơi bày
cảnh nghèo khổ trong tiệm kim hoàn, nhưng khi biết đó lại hoàn toàn là đồ
vàng bạc thực, y hùng hổ mà cả, đòi xem những hóa đơn trước đây để so
sánh giá cả… Đồng tiền có sức cám dỗ đến mức con người có thể mất hết
cả nhân tính: các truyện ngắn Con qủy, Cái thùng con đã miêu tả những
dạng thái tàn nhẫn của con người với đồng loại có khi chỉ vì mảnh đất,

hoặc bị thiệt mấy đồng xu họ đã tìm mọi thủ đoạn để giết nhau bằng những
thủ đoạn tinh vi.
Thậm chí lòng vị kỉ, thói tàn nhẫn còn len lỏi cả vào tình máu mủ, ruột
thịt. Bà Hermet do lòng vị kỷ tàn nhẫn của người mẹ lo giữ nhan sắc, sợ lây
bệnh đậu mùa, không dám vào gặp đứa con trai hấp hối trong khi cậu bé
chỉ ao ước gặp “gương mặt dịu hiền, yêu dấu, gương mặt thiêng liêng của
mẹ” qua cửa kính (Bà Hermet). Và đứa con trai duy nhất của bà đã quay
mặt vào tường chết khi chiều buông xuống mà không còn được gặp mẹ
nữa. Trong Chú Jules tôi, huyền thoại về một ông chú giàu có ở châu Mĩ có
thể khiến gia đình kiếm được chàng rể nhưng kết cuộc cả gia đình phải
hoảng hốt xa lánh một ông rách rưới trên tàu chính là ông chú đó. Hai anh
em ruột là ngư dân: người em trai bị kẹp lưới, nhưng nếu chặt lưới để cứu
cánh tay thì người anh mất một tài sản, cánh tay được cứu nhưng đã nát và
phải cưa. Người em đã bị tàn tật suốt đời. Lòng vị kỉ sâu xa và tàn nhẫn đó
che đậy lên bộ mặt giả đạo đức của cả lớp người được coi là quý tộc: đứa
con trai lỡ được sinh ra, nhưng họ đã bỏ nó đi ở; nhiều năm sau, sự ân hận
dày vò đã khiến họ đến với nó, nhưng như những người khách. Sự thật bị
chính con trai họ, giờ đây đã là một chàng trai phát hiện, anh ta quỳ xuống
chỉ mong họ nhận anh làm con, nhưng sĩ diện địa vị, họ đã kiên quyết từ
15

chối, và án mạng đã xảy ra (Kẻ sát nhân). Người đàn bà có những đứa con
quái vật do khi mang thai bó quá chặt để giấu giếm, đứa con đã bị dị dạng.
Một gã làm nghề phô diễn những vật kì quái đi qua, thấy thế thuê đứa bé.
Thấy mối lợi bất ngờ, mụ tiếp tục đẻ ra những đứa con quái vật khác.
Trong gia đình, một truyện ngắn khác, miêu tả họ hàng, những người thân
yêu bên cạnh người hấp hối, sắp qua đời mà chỉ bàn đến việc thừa kế gia
tài. Là người sống ở biển nhiều, Maupassant đã thấu hiểu và cảm thông với
nhiều cảnh đời xót xa, tủi cực, những số phận trớ trêu: Trở về người thủy
thủ năm xưa giờ đây chứng kiến cảnh vợ đã ở với người khác; truyện ngắn

Trên biển còn thuật lại một câu chuyện khủng khiếp hơn: sau bốn năm trôi
nổi qua các bến cảng trên thế giới, người thủy thủ không thể ngờ người con
gái anh qua đêm trong nhà chứa trên bến cảng quê hương lại chính là người
em gái anh đã để lại quê nhà. Giờ đây, bệnh tật và nghèo đói đã cướp hết
cha mẹ, anh em trong gia đình anh và đẩy cô em gái duy nhất còn lại vào
nhà chứa.
Có những bi kịch phơi bày, trắng trợn, lại có những bi kịch âm thầm.
Thế giới viên chức cũng được Maupassant quan sát và thể hiện trong các
truyện ngắn của ông một cách sắc sảo. Đó là các tình huống trớ trêu trong
Đi ngựa, vì huênh hoang, hợm hĩnh mà Hector, đã phải trả giá sau “một
phút huy hoàng” vì đưa vợ con đi chơi bằng xe ngựa, đụng phải bà già đi ở
và đã phải nuôi bà này suốt quãng đời còn lại. Kẻ khốn khổ nọ lại quàng
ách khốn khổ vào kẻ cùng khốn khác. Chỉ vì một tối dạ hội, Mathilde đã
phải trả giá bằng mười năm lao động khổ sai để mua đền người bạn chuỗi
hạt cô mượn. Sau mười năm sống tằn tiện, kham khổ, một ngày kia cô gặp
lại người bạn và hãnh diện khoe về sự cố năm xưa, nhưng không ngờ đó lại
chính là chuỗi hạt giả! Yếu tố về cái ngẫu nhiên trêu đùa số phận người lao
động hay xuất hiện trong các trang văn của Maupassant.
16

Nỗi cô đơn khốn khổ, nỗi cô đơn triền miên, vĩnh viễn, vô biên vẫn
luôn tiềm ẩn trong các số phận nhân vật Maupassant. Truyện ngắn Dạo
chơi có thể được coi là một tác phẩm viết về cái tuyệt vọng của nhà văn:
lão Leras, một nhân viên tính toán sổ sách làm trong một công ti đã bốn
mươi năm ròng, cuộc sống đơn điệu “sáng cắp ô đi tối cắp về” cộng với
tiền lương ít ỏi khiến lão không dám nghĩ đến chuyện vợ con, kỉ niệm cũng
hiếm hoi. Những chi tiết rất đắt nói về nỗi cô đơn của lão: năm cha mẹ lão
qua đời; năm dọn nhà (duy nhất một lần) và có hai lần: năm 1866 và 1874
cái đồng hồ nhà lão hỏng phải mang chữa. Chi tiết cái đồng hồ hỏng và lão
nhớ ngày tháng đi sửa mang nhiều ý nghĩa: một mặt, nó chỉ thời gian đồng

thời cũng chỉ con người “công cụ”, đều đặn của lão: “Ngày nào cũng vậy,
đúng sáu giờ, tiếng chuông đồng hồ báo thức thét lên ghê gớm như tiếng
tháo dây xích thì lão nhảy ra khỏi giường” [11]; mặt khác, nó chỉ sự nghèo
nàn về biến cố, sự kiện về đời sống tinh thần cũng như vật chất trong cuộc
đời của lão. Một câu trần thuật mang tính “xảy lặp” – kể một lần cái điều
xảy ra n lần – đã hàm chứa trong nó một dung lượng lớn thông tin về quá
khứ, về hiện tại, về thân phận của nhân vật: ngủ trên giường nhà mình mà
như ngủ trong tù (“tháo dây xích”); tiếng chuông báo thức “thét lên” cưỡng
bức con người phải thực hiện nghĩa vụ của nó, ẩn chứa bi kịch âm thầm,
thường xuyên, không biết bao giờ mới chấm dứt. Giọng văn bình thản,
khách quan nhưng mang chức năng định hướng cho bạn đọc về số phận con
người lão – một nhân viên mẫn cán. Rồi lão treo cổ lên cây trong rừng
Boulogne sau một buổi chiều Đi dạo vì thấy cuộc đời vô nghĩa, đơn điệu,
nghèo nàn.
Chúng tôi nhận thấy tần số xuất hiện rất cao của những nhân vật dưới
đáy. Những truyện có nhân vật trung tâm thuộc tầng lớp này chiếm đa số
mà như chúng ta còn nhớ, truyện ngắn mở đầu cho sự nghiệp của
17

Maupassant lại chính là câu chuyện về cô gái điếm Viên mỡ bò trên chuyến
xe tản cư khỏi Paris. Maupassant đã dành những tình cảm đặc biệt cho
những con người đau khổ, những con người dưới đáy đó.
Nhân vật được đặt trong mối quan hệ, tác động nhiều chiều và giữa
chúng thường có một nhân vật đóng vai trò nhân chứng, chứng kiến các sự
kiện, biến cố và đưa tất cả ra trước mắt độc giả với giọng kể khách quan.
Nhân vật người kể chuyện ở đây có thể là một viên chức, một anh nông dân
có tên hoặc không tên. Nhân vật này có thể trực tiếp tham gia vào cốt
truyện đứng ở vị trí trung tâm, thể hiện tập trung tư tưởng chủ đề tác phẩm
(Cô Châu, Người đã khuất) cũng có thể chỉ là người ngoài cuộc kể những
gì đã biết (Bà Hermet).

Maupassant luôn quan sát không bỏ qua những chi tiết bình thường
nhất, những con người bình thường nhất bởi ông quan niệm “phải quan tâm
đến mọi cái xung quanh, miêu tả những bậc của ngai vàng cũng như những
bậc thang trơn của nhà bếp”.
Đọc Maupassant chúng ta cảm thấy đằng sau giọng kể khách quan là
một tấm lòng đầy trắc ẩn. Ông luôn cảm thông chia sẻ và dành sự ưu ái đặc
biệt cho những con người thuộc tầng lớp dưới. Những cô gái giang hồ, kẻ
cướp, ăn xin, những người lao động nghèo khổ luôn được hiện ra với
những phẩm chất tốt đẹp dù ở trong hoàn cảnh khốn cùng. Đó là tinh thần
dân tộc, lòng dũng cảm, tính hy sinh của họ (Viên mỡ bò, Cô Fifi, Đôi bạn,
Mẹ Sauvage…). Đó là tình cảm, tình người nhân hậu đẹp đẽ trong: Bố của
Simon, Boiten, Người đàn bà làm nghề độn ghế… Đó là sự cảm thông chia
sẻ với những cuộc đời đầy bất trắc nghèo khổ của người lao động trong:
Bến cảng, Thằng ăn mày, Tình thôn dã, Trở về…. Ngay cả khi họ có những
hành vi phạm pháp, vô nhân đạo, những việc làm độc ác tưởng như không
chấp nhận được như: Con giết cha mẹ, mẹ giết con… ta vẫn cảm nhận
18

được Maupassant muốn tố cáo xã hội, bênh vực những số phận đau khổ,
Maupassant muốn người đọc phải suy ngẫm về xã hội suy đồi đã dồn đẩy,
tha hóa con người lương thiện.
Những trang viết của Maupassant luôn nổi lên hình tượng người nông
dân. Nói như Marc Blancpain: “Kể từ Maupassant trở đi nhiều người dân
đã biết uống rượu trong tiểu thuyết, nói năng sống sượng, chơi gái, yêu tiền
và đất đai với tính man rợ và họ xảo trá hơn là thông minh. Thực tế nhiều
người dân có như thế không? Chẳng ai có thể biết hơn một chút gì được,
bởi vì mọi người đều nhìn họ như Maupassant đã buộc mọi người phải nhìn
họ như thế” [13; 152-153]. Tất nhiên không phải lúc nào nhân vật của
Maupassant cũng như vậy. Đôi lúc họ cũng bộc lộ bản chất trong sáng
nhưng đa số hiện lên trong cái nhìn có tính chất bỡn cợt hoặc khinh bỉ của

nhà văn (Con quỉ, Cái thùng con). Những người đàn bà nông dân, dù đã
nhiều tuổi như mụ Magloire - đã 72 tuổi, gần đất xa trời, mụ Pape “răn reo
như quả táo khô từ năm ngoái còn lại” ; vậy mà trong ánh mắt vẫn luôn
thường trực bản tính tư hữu, thói ham tiền và thói keo kiệt đến mức đánh
mất cả lương tri, cả tính người.
Viết về cuộc sống của giới viên chức nhỏ, Maupassant cũng tỏ ra đầy
cảm thông với cuộc sống bế tắc, tù túng của họ - những con người không
có quá khứ vì không có kỉ niệm, không có tương lai vì không tiền đồ. Cuộc
đời họ chỉ là những chuỗi ngày giống hệt nhau (Cho một cốc đây, Đi dạo,
Tiếc nuối). Ông cũng đồng thời vạch ra những khuyết điểm của họ như sự
thụ động, thiển cận, nông cạn (Cái thùng con), sự khốn khổ huyênh hoang
để chuốc lấy kết cục tai ác như của anh nhân viên quen Hécto trong Đi
ngựa. Có thể nói “Maupassant là một bậc thầy trong nghệ thuật dò xét bóng
tối trong cuộc đời các viên chức” [13, 156]. Đó là bóng tối u ám trong cuộc
đời lão Lơrat, bóng tối nhơ nhuốc, ô nhục, do dự, xấu hổ, ngượng ngùng và
19

đã vượt qua nhân phẩm của Lantin trước món đồ trang sức thật và giả mà
vợ y để lại; bóng tối của sự lao động đến tàn tạ để trả nợ cho một món đồ
nữ trang giả của Mathilde…
Những con người đủ mọi tầng lớp trong cuộc sống xã hội của
Maupassant đã làm cho bức tranh hiện thực xã hội Pháp thế kỷ XIX hiện
lên một cách rõ ràng sinh động và có sức tố cáo, đả kích mạnh mẽ. Người
đọc nhận thấy một nỗi cô đơn, day dứt và ám ảnh những trang văn của
Maupassant khiến cho tác phẩm đậm tính chất bi quan và nỗi buồn chán.
Nhưng cái đã đưa ông lên hàng ngũ những nhà văn vĩ đại lại là ánh sáng
của tấm lòng yêu thương cuộc đời, lòng trắc ẩn, sự khinh bỉ những cái tầm
thường được ẩn giấu bên dưới cái vỏ ngoài bỡn cợt bông đùa, dưới những
câu văn tưởng như bình thản. Người đọc có thể cảm thấy ngay đằng sau cái
vẻ bề ngoài hấp dẫn, hóm hỉnh nhẹ nhàng, đơn giản, trong những sáng tác

của Maupassant lại ẩn giấu những thảm kịch sâu xa trong đời sống hàng
ngày ở xã hội Pháp. Mỗi tác phẩm của ông như một xã hội thu nhỏ, trong
đó người ta thấy được nhiều kiểu người với những sắc thái tình cảm, tâm lý
khác nhau. Với việc xây dựng hình tượng những con người nhỏ bé, đặt
người lao động nghèo, người dân thường vào vị trí trung tâm của tác phẩm
thể hiện khát vọng sống cũng như phẩm chất trong sáng, cao đẹp của họ đối
lập với giai cấp tư sản quí tộc bị châm biếm đả kích sâu cay Maupassant đã
cho thấy một cảm quan nhân đạo sâu sắc, tình cảm thiết tha mong muốn
con người và cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Ngòi bút sắc sảo tinh tế của
nhà văn đã khắc họa sinh động những con người đa tầng trong xã hội
không chỉ bằng ngoại hình mà ở cả chiều sâu tính cách tạo nên những nhát
cắt của đời sống, giúp người đọc cảm nhận nhiều khía cạnh của xã hội tư
sản Pháp thế kỷ XIX. Xã hội Pháp thế kỷ XIX đầy những biến động, từ
kinh tế, chính trị đến xã hội. Các cây bút hiện thực xuất sắc đương thời như
20

Balzac, Flaubert đã phơi bày bộ mặt xấu xa của xã hội đương thời qua
lăng kính trung thực nhất là những tác phẩm của mình, nhưng chỉ đến
Maupassant bộ mặt đó mới được khắc họa một cách sâu sắc và đầy đủ nhất.
Con người vì toan tính, vị kỉ mà đánh mất chất người xem nhẹ tình thân.
Nỗi bi quan, chán nản tột độ, mất niềm tin ở con người cũng như lòng trắc
ẩn, cảm thông, ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của những con người bình
thường qua từng tình huống của đời sống. Mọi cung bậc của tiếng cười
cũng như giọng điệu, nội dung tư tưởng của mỗi tác phẩm luôn gắn liền với
người kể chuyện. Nó là yếu tố làm nên cái riêng trong phong cách của
“người kể chuyện giỏi nhất trong cái xứ sở xưa nay truyện kể vốn rất nhiều
và rất hay”.
1.2. Người kể chuyện

Người kể chuyện liên quan mật thiết đến vấn đề điểm nhìn hay nói

ngược lại cũng được. Trước hết, ta nói đến vấn đề người kể chuyện.
Người kể chuyện là người kể lại, trần thuật lại câu chuyện trong tác
phẩm tự sự. Người kể chuyện có khi là một nhân vật nào đó trong truyện.
So sánh trong mối tương quan giữa điểm nhìn với vai trò của người kể
chuyện, và qua khảo sát truyện ngắn của Maupassant, chúng tôi thấy người
kể chuyện xuất hiện trong tác phẩm như sau:
* Truyện kể ở ngôi thứ nhất
* Truyện được kể ở ngôi thứ ba
* Sự đan xen các ngôi kể
1.2.1. Truyện kể ở ngôi thứ nhất

Truyện được kể ở ngôi thứ nhất là một kĩ thuật văn học trong đó câu
chuyện được kể bởi một hoặc nhiều nhân vật được quy chiếu rõ ràng lên
21

chính nó ở ngôi thứ nhất, có nghĩa là một cái “tôi” đang kể lại câu chuyện
mà anh/chị ta đã trải nghiệm hoặc chứng kiến hay nghe được. Truyện kể ở
ngôi thứ nhất được phân biệt với “tự thuật” (autobiographie), với “hư cấu
tự thuật” (autofiction) và với “tiểu thuyết tự thuật” (roman autobiographique)
bởi tính chất thuần túy hư cấu của nó. Mặc dù sử dụng ngôi thứ nhất số ít
hoặc số nhiều, nhưng truyện kể ở ngôi thứ nhất, không giống như trong tiểu
thuyết tự thuật là giới thiệu hay kể về tác giả, ngay cả khi truyện kể đó
được trình bày như một cuốn tự thuật thì nó vẫn khác trong chừng mực mà
câu chuyện không dựa trên đời sống thực của tác giả. Đây là một dạng thức
trần thuật đã có từ lâu đời. Nó được thịnh hành vào thế kỉ XVIII. Nhiều tiểu
thuyết đã ứng dụng ngôi kể này dưới dạng “hồi ức” (mémoire): Manon
Lescault của l‟Abée Prévost; Cuộc đời của Marianne (Marivaux); Nữ tu sĩ
(Diderot); dưới dạng trao đổi thư từ (correspondance): Những mối quan
hệ nguy hiểm của Choderlos de Laclos; Những bức thư Ba tư
(Montesquieu); Julie hay nàng Héloïse mới (Rousseau); hoặc các nhà văn

viết bằng tiếng Anh như: Daniel Defoe, Samuel Richardson, Henry
Fielding, Laurence Sterne, Frances Brooke hay nhà văn Đức Goethe trong
Nỗi đau khổ của chàng Werther cũng sử dụng ngôi kể này.
Lợi ích của truyện kể ở ngôi thứ nhất là nó kéo theo trực tiếp hoặc gián
tiếp người kể chuyện vào trong câu chuyện mà nó đang kể. Một lợi thế của
ngôi kể này là nó cho phép nhân vật bày tỏ những tình cảm, những suy
nghĩ và những kinh nghiệm nếm trải của mình, độc giả cũng như được đưa
vào nếm trải cùng với người kể chuyện. Ngoài ra, ngôi kể này còn tạo ra
được sự thân mật mang tính chất tự thú, theo đó nó có thể gây xúc động
mạnh. Truyện kể kiểu này được trình bày dưới nhiều dạng: độc thoại nội
tâm (Bút kí dưới hầm của Dostoïevski); độc thoại mang tính chất kịch như
trong Sụp đổ của Camus hoặc rõ rệt hơn, trong Cuộc phiêu lưu của
22

Huckleberry Finn của Mark Twain.
Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất trong nhiều tác phẩm có thể ở ngôi số
nhiều “chúng tôi”, nghĩa là bị vắng mặt nhân dạng mang tính cá nhân,
người kể chuyện đó là một phần của nhóm hành động như một sự thống
nhất. Mặc dù được sử dụng không nhiều, nhưng ngôi thứ nhất số nhiều này
đôi khi lại được sử dụng rất hiệu quả, như một phương tiện gia tăng thêm
sự tập trung lên một hoặc một vài nhân vật trung tâm (Bông hồng cho
Emily của Faulkner).
Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất có thể cũng được nhân lên nhiều cái
“tôi” (Rashōmon của Akutagawa và Âm thanh và cuồng nộ của Faulkner)
mà ở đó mỗi người sẽ kể chính biến cố đó theo một cung cách khác nhau.
Người kể chuyện ngôi thứ nhất có thể là nhân vật trung tâm hoặc nhân vật
gần gũi với nhân vật trung tâm (Đồi gió hú của d‟Emily Brontë hoặc
Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald, đều được kể bởi một nhân vật
phụ). Truyện kể ở ngôi thứ nhất cũng có thể hướng tới một kiểu độc thoại
nội tâm, như trong Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust. Toàn bộ

truyện kể giống như một tài liệu giả, một cuốn nhật kí thầm kín, trong đó
người kể chuyện đã tạo ra một sự quy chiếu rõ ràng với sự kiện anh ta đang
kể hoặc đang viết. Người kể chuyện có thể nhiều ít ý thức được hoàn cảnh
của người kể chuyện cũng như những cái cớ đã chi phối hoàn cảnh đó vì
vậy mà công chúng đang nghĩ anh ta gửi gắm tâm sự. Trong những trường
hợp mang tính cực đoan, thì người kể chuyện bắt đầu kể câu chuyện về
chính cuộc đời anh ta. (Chúng ta sẽ thấy những kiểu người kể chuyện này
trong truyện kể của Maupassant). Hình thức trần thuật của truyện kể ở ngôi
thứ nhất cũng không loại trừ việc thực hành thường xuyên kiểu truyện kể
đan lồng mà ở đó người kể chuyện kể ở ngôi thứ nhất câu chuyện cuộc đời
anh ta rồi một trong các nhân vật khác lại kể về cuộc đời mình cũng vẫn ở
23

ngôi thứ nhất như trong Manon Lescaut, hiệp sĩ des Grieux với người đàn
ông quý tộc hoặc trong Cuộc đời của Marianne câu chuyện của Tervire với
Marianne.
Như vậy, truyện kể ở ngôi thứ nhất đã có từ lâu trong sáng tác văn học.
Người kể chuyện đó rất phong phú về nội dung cũng như cách thể hiện.
Thông thường người kể chuyện ngôi thứ nhất có điểm nhìn từ bên trong.
Điểm nhìn bên trong là điểm nhìn từ nhân vật nhìn ra, nhân vật nhìn được gì
thì độc giả nhìn được nấy; lúc này, người kể chuyện đã trao trách nhiệm
quan sát cho nhân vật. Về mặt lí thuyết, người kể chuyện ngôi “tôi” cũng là
một loại nhân vật được tác giả sáng tạo ra để kể câu chuyện.
*
* *
Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất trong sáng tác của Maupassant thường
là cái “tôi” được chứng kiến câu chuyện hoặc nghe kể lại (Bà Hermet,
Menuet, Lễ rửa tội, Mưu mẹo, ) hoặc là nhân vật hành động Người đã
khuất, Một đứa con.
Loạt truyện kì ảo: Le Horla, Nỗi sợ, Hắn, Bức thư của một người điên,

Bóng ma, Trên mặt nước, Ban đêm (Ác mộng), Bên người chết, Một người
điên?, Những mộng mơ, Trong những truyện kể này, người kể chuyện
thường là nhân vật chính của truyện; tự nói lên suy nghĩ qua hành động của
mình khiến câu chuyện gây cảm giác tin cậy hơn. Người kể chuyện là nhân
vật chính trực tiếp tham gia vào các biến cố.
Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất của Maupassant có một số đặc điểm
riêng không thể lẫn:
Thứ nhất, người kể chuyện dẫn dắt một hai câu, rồi trao quyền nói cho nhân
vật xưng “tôi”: “Giăng Briden, một ông già độc thân mà người ta vẫn cho là kẻ
hoài nghi, nói: Những nỗi bất hạnh lớn ít khi khiến tôi buồn.” (Menuet), sau đó
24

toàn bộ câu chuyện sẽ được kể bởi nhân vật “hoài nghi” này;
Thứ hai, người kể chuyện là người chứng kiến câu chuyện: “Những
người điên thường hấp dẫn tôi. Những kẻ do sống trong thế giới bí ẩn của
những giấc mơ kỳ quặc, trong áng mây mù dày đặc của sự rồ dại, ” (Bà
Hermet); hoặc “Xin chú ý, tôi đã chứng kiến tận mắt một thảm kịch kỳ dị
và đau lòng xảy ra rất gần đây, ở Brơ-ta-nhơ, trong một làng nhỏ ở ngoại vi
Pông-l‟Abê” (Lễ rửa tội) Trong truyện ngắn Mưu mẹo, người kể chuyện
xưng tôi kể với cô bệnh nhân về việc ông phải xử lí một chuyện rắc rối xảy
ra với một bệnh nhân cũng là một thiếu nữ vừa mới kết hôn như cô ta.
Nhân lúc ông chồng vắng nhà cô vợ trẻ đưa tình nhân về ngủ trong phòng,
chẳng may anh ta chết ngay trên giường, cô ta chạy đến cầu cứu ông bác sĩ.
Ông đã nhanh trí giải quyết mọi việc một cách êm đẹp. Khi ông bác sĩ kể
xong câu chuyện, cô bệnh nhân hỏi lí do vì sao ông bác sĩ lại kể cho cô ta
nghe chuyện ấy. “Ông bác sĩ cúi chào rất ga lăng. Để sẵn sàng giúp bà nếu
khi nào bà cần” [ ]. Truyện ngắn Berthe, người kể lại câu chuyện là ông
bác sĩ cũng là một nhân vật trong truyện nên những gì nhân vật này kể lại
mang độ tin cậy chính vì ông ta là người trực tiếp tham gia vào những biến
cố của câu chuyện. Ông ta biết rõ tên “Gaston du Bois de Lucine là một tay

vô lại trong một gia đình giàu có, vì đã ăn hết số tiền thừa kế do cha để lại,
và đã mang nợ nần do nghìn cách chi tiêu thô bỉ, nên hắn ta tìm một
phương kế mới bất kỳ nào, để moi tiền” [ ]. Lời bàn của người kể chuyện
lại tiếp tục chĩa thẳng vào gã quý tộc kia: “Một hạng người trác táng đê tiện
ở tỉnh lẻ, hắn hứa hẹn sẽ trở thành một người chồng hợm hĩnh mà người ta
sẵn sàng tống khứ ngay sau đó với món tiền cấp dưỡng” [ ]. Và một loạt
những hành động của gã được kể lại nhằm chứng minh cho những dự đoán
của gã là sự thật. Hắn mang hoa đến nhà tán tỉnh và “xun xoe” trước mặt
Berthe, hôn tay cô, ngồi xuống dưới chân cô. Sau khi lấy được Berthe hắn

×