Tải bản đầy đủ (.pdf) (152 trang)

Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.98 MB, 152 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN



NGÔ HÀ GIANG




SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT TRONG THƠ CHẾ LAN VIÊN










Hà Nội – 2010
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
1
Phần Mở Đầu

1. Lý do chọn đề tài
Nước Việt Nam – đất nước bốn ngàn năm lịch sử, là con dân đất
Việt, chúng ta có nhiều điều để tự hào với bạn bè khắp năm châu bốn biển,


khẳng định giá trị của hai tiếng: Việt Nam. Tóm lược lịch sử đất nước
khẳng định truyền thống dân tộc, vừa tự hào vừa pha sắc bi thương, có
người khẳng định: Việt Nam là đất nước của chiến tranh và thi ca, đất nước
của việc làm thơ và đánh giặc.
Làm thơ và đánh giặc: hai công việc mới nghe qua chợt tưởng là mâu
thuẫn, không thể sóng đôi, vậy nhưng đó lại là nét nổi bật của truyền thống
dân tộc ta. Thiên nhiên đã đặt dải đất hình chữ S bên cạnh người láng giềng
khổng lồ Phương Bắc, đã đặt nước ta ở vị trí đắc địa của khu vực Đông
Nam Á; đó là định mệnh. Vì thế trong bất cứ thời đại nào, cha ông ta cũng
phải gồng mình chống họa ngoại xâm. Chiến tranh, dù chính nghĩa hay phi
nghĩa, thì cũng đều là tai họa. Nhưng không thể khác, hoàn cảnh lịch sử
buộc chúng ta phải hành động, “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Nhưng cũng
thật phi thường, đất nước của chiến tranh và nhiều đau thương mất mát ấy
cũng lại là đất nước của thi ca. Từ bao đời này, trên đất nước này, dường
như bất cứ người nào cũng có thể làm thơ, thưởng thức thơ. Cả xưa kia cho
đến tận ngày nay, tất cả mọi giai tầng trong xã hội, không phân biệt giàu
nghèo, sang hèn…, họ đều có thể làm thơ và yêu thơ… Nói không ngoa
rằng, mỗi người dân đất Việt đều mang trong mình một “nhà thơ”, một
“hồn thơ”. Lịch sử văn học nước nhà ghi nhận: đội ngũ tác giả đông đảo
nhất là nhà thơ, số lượng tác phẩm nhiều nhất vẫn là thơ, thể loại phát triển
nhất vẫn là thơ, thành tựu lớn nhất vẫn là thơ, thể loại đáng tự hào của dân
tộc cũng là thơ… Nói về truyền thống đó, Chế Lan Viên đã khái quát rất
hay:
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc`
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
2
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn.
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng ?)

Là người con đất Việt, “sẵn” mang trong mình “hồn thơ”, “nguồn
thơ”, cho nên chúng tôi chọn thơ làm đối tượng nghiên cứu cho đề tài luận
văn của mình, điều này giải thích cho câu hỏi rằng: tại sao lại chọn thơ?
Thơ ca Việt Nam có một lịch sử đáng tự hào. Tạo dựng nên một
“công trình” kỳ vĩ như vậy có sự đóng góp của rất nhiều thi sĩ tài năng trên
con đường phát triển của nó. Chế Lan Viên là một trong số những con
người được “khắc tên” trên “đại lộ danh vọng” của thi đàn nước nhà.
Chế Lan Viên sống và sáng tác trọn đời trong thế kỷ XX. Ông có một
sự nghiệp thơ ca vô cùng đồ sộ. Không chỉ là sáng tác thơ, mà còn sáng tác
văn xuôi và tiểu luận, phê bình, ông luôn là một trong những người đi đầu
cho việc phát triển thơ ca Việt Nam thế kỷ XX, như đánh giá của Hoài
Thanh, Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam: “Con người này quả là con
người của trời đất, của bốn phương, không thể lấy kích tấc thường hòng mà
đo được”.
Thơ Chế Lan Viên đặc biệt vì nhiều lẽ, mà một trong những điều đặc
biệt, đáng chú ý nhất về thơ ông đó là nhà thơ “mang phong cách triết gia”.
Cho đến nay, mặc dù còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nhiều
học giả đều thừa nhận dân tộc ta vốn không có truyền thống triết học,
truyền thống tư tưởng. Bằng chứng là với bốn ngàn năm lịch sử, hầu như
chúng ta không sản sinh ra nhà tư tưởng thực thụ nào, không cho ra đời bất
cứ một học thuyết nào. Tuy nhiên, ở mức độ không tập trung, thỉnh thoảng
vẫn bắt gặp tính chất triết lý, triết luận trong các câu nói của các tác giả
dân gian. Còn trong các tác giả văn học viết thời trung đại, tính chất triết lí
có xuất hiện trong thơ Đường luật, thơ Thiền thời Lý – Trần, thơ Nguyễn
Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Đáng
chú ý trong thơ trung đại có hẳn một nhà thơ được người đời phong tặng là
nhà thơ triết lý, đó là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đến thời hiện đại, nhiều nhà thơ
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang

3
cũng có ít nhiều những câu thơ triết lý. Nhưng để khái quát bằng triết lý
một cách thường xuyên, một cách hệ thống, nổi lên như một nét phong
cách riêng độc đáo có lẽ chỉ có Chế Lan Viên. Với những điều đó, nhằm
giải thích cho câu hỏi tại sao khi chọn thơ chúng tôi lại chọn thơ Chế
Lan Viên làm đối tượng nghiên cứu?
Theo cách nói của triết học, không có gì tồn tại vĩnh cửu, bất biến,
mà là có sinh ắt có diệt. Bởi thế, ý thức về sự sinh diệt, sống chết luôn luôn
tồn tại trong ý thức con người. Mở rộng ra, không chỉ là sự sống chết, mà
khái quát lên còn là vấn đề của tồn tại và hư vô, vấn đề ý nghĩa cuộc sống.
Hơn nữa, thế kỷ XX dân tộc ta đã trải qua một giai đoạn lịch sử vô cùng
đặc biệt: từ thân phận nô lệ của thực dân Pháp, trải qua cách mạng tháng
Tám, đất nước lại bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi hai
kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới là thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, có lúc dân
tộc đã đứng bên bờ vực của sự hủy diệt với nhiều mất mát đau
thương…, thì chủ để về sự sống – cái chết lại càng được ý thức. Hơn ai
hết, vốn là một hồn thơ giàu tính triết luận, triết lý, cho nên chủ đề về sống
– chết, và sâu hơn là ý nghĩa của cuộc sống là một trong những đối tượng
cơ bản trong nhận thức thơ Chế Lan Viên. Điều này giải thích tại sao khi
chọn thơ Chế Lan Viên, chúng tôi lại chọn hướng nghiên cứu, tìm hiểu
về chủ đề sự sống và cái chết trong thơ ông?
2. Lịch sử vấn đề
Như đã nói, Chế Lan Viên là một trong những nhà thơ có công đầu
trong việc tạo nên tầm vóc và diện mạo thơ Việt Nam hiện đại, cả đời thơ
của ông trọn vẹn trong thế kỷ XX, cùng đổi thay với những biến thiên của
lịch sử dân tộc…, bởi vậy, từ lâu thơ ông đã trở thành một mảng đề tài
nghiên cứu, tìm hiểu quen thuộc của đông đảo công chúng. Nhìn chung, sự
nghiệp sáng tác của Chế Lan Viên đã được giới nghiên cứu phê bình văn
học nước nhà nghiên cứu khá toàn vẹn, thể hiện tập trung nhất trong công
trình: Chế Lan Viên – về tác gia và tác phẩm do Vũ Tuấn Anh tuyển chọn

Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
4
và giới thiệu, NXB GD, 2007. Trong cuốn sách này, với gần 700 trang
sách, tác giả đã tuyển chọn và giới thiệu một cách hệ thống và khá toàn vẹn
những công trình tiêu biểu nghiên cứu về thơ – văn Chế Lan Viên, cùng với
đó là một thư mục phong phú, đầy đủ. Phải nói rằng vì đây là một mảng đề
tài quen thuộc, cho nên hầu như các khía cạnh của sự nghiệp thơ Chế Lan
Viên ít nhiều đã được đụng chạm, chỉ có là mức độ đậm nhạt, độ nông
sâu khác nhau mà thôi. Tuy nhiên có một mảng đề tài quan trọng đó là sự
sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên chưa được tìm hiểu, nghiên cứu
một cách có hệ thống và toàn vẹn. Ý thức về sự sống, cái chết là một nội
dung quan trọng xuyên suốt đời thơ Chế Lan Viên, nội dung này vừa
mang tính cá nhân, vừa mang tính thời đại. Đây không chỉ là chuyện về
sự sống – cái chết, mà đó còn là suy nghiệm về lẽ mất – còn, về tồn tại và
hư vô, về ý nghĩa cuộc sống… Vì vậy trong luận văn này chúng tôi mạnh
dạn lựa chọn vấn đề sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên nhằm góp
phần nhỏ bé trong việc tìm hiểu sự nghiệp thơ Chế Lan Viên.
3. Phạm vi nghiên cứu và nhiệm vụ đề tài
Phạm vi nghiên cứu của luận văn là tất cả các tập thơ trong suốt sự
nghiệp sáng tác của Chế Lan Viên. Trong đó, tập trung vào Điêu tàn và ba
tập Di cảo.
Đề tài giải quyết các nhiệm vụ như:
Góp phần “minh họa” cho những kết luận của lý luận văn học, chẳng
hạn: về chức năng của văn học trong đời sống xã hội; về phản ánh luận với
văn nghệ, các vấn đề về phản ánh với nhận thức – vấn đề tính chân thật
trong văn nghệ, phản ánh với biểu hiện – thế giới chủ quan của nhà văn với
sáng tác, phản ánh với tác động (và thông báo) – văn nghệ với thực tiễn
đời sống; về bản chất và quy luật phát triển của văn nghệ; về tính dân tộc

và tính quốc tế của văn nghệ; về nhà văn và quá trình sáng tác…
Góp phần chỉ ra công lao, đóng góp, phong cách, quá trình lao động
sáng tạo… của một nhà thơ lớn của dân tộc trong thế kỷ XX.
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
5
Góp phần khẳng định Chế Lan Viên là người có công đầu trong việc
tạo dựng nên khuôn mặt và tầm vóc thơ Việt Nam hiện đại.
Ngoài ra đề tài còn có một tác dụng thực tiễn đối với đời sống: từ
việc tìm hiểu về vấn đề về sự sống và cái chết trong thơ ca, liên hệ với đời
sống hiện tại: những trăn trở của ngày hôm nay về chuyện nghề, chuyện
đời. Suy tư về ý nghĩa cuộc đời – không phải là chuyện của tồn tại, mà là
sống như thế nào để có ý nghĩa với tư cách là một cá nhân - công dân đối
với quốc gia, dân tộc và thời đại.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng một số phương pháp:
Theo quan điểm Mác xít về văn học nghệ thuật, vận dụng những kiến
thức về văn học sử, văn hóa, triết học, lịch sử… để thấy được sự phân kỳ
văn học; những điều kiện, hoàn cảnh của sự vận động và phát triển của văn
học Việt Nam thế kỷ XX; truyền thống triết lý trong văn chương nước
nhà…
Sử dụng các thao tác:
Phân tích, tổng hợp,thống kê, miêu tả,… các bài thơ trong tất cả các
tập thơ của Chế Lan Viên để chỉ ra nội dung, tính chất… về chủ đề sự sống
- cái chết trong thơ ông.
So sánh đối chiếu theo hai hướng đồng đại và lịch đại giữa các bài
thơ của riêng Chế Lan Viên, và giữa thơ Chế Lan Viên với thơ ca thời đại
để thấy được sự vận động, biến đổi, phát triển, nét tương đồng và sự dị biệt
… khi viết về chủ đề sự sống – cái chết.

5. Cấu trúc của luận văn
Luận văn gồm có 3 phần: Phần mở đầu, Phần nội dung, và Phần kết
luận. Trong phần nội dung có 4 chương:
Chương 1: Chủ đề về sự sống và cái chết trong thơ thời Điêu tàn
Chương 2: Quan niệm về sống, chết của nhà thơ – chiến sĩ
Chương 3: Về lẽ sống, chết của nhà thơ – triết nhân
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
6
Chương 4: Sự vận động của nghệ thuật thơ Chế Lan Viên viết về chủ
đề sự sống, cái chết
Cuối cùng là danh mục tài liệu tham khảo.





















Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
7

Phần Nội Dung
Chương 1: Chủ đề sự sống và cái chết trong thơ thời Điêu tàn

Tiểu sử Chế Lan Viên, có thể tóm lược: tên thật là Phan Ngọc Hoan,
sinh ngày 23 – 10 – 1920 trong một gia đình viên chức nghèo ở Cam Lộ,
Quảng Trị. Năm 1927, gia đình chuyển vào Bình Định. Làm thơ từ lúc 12,
13 tuổi; có thơ, truyện ngắn đăng báo từ những năm 1935 – 1936. Cùng với
Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Quách Tấn làm nên nhóm thơ Bình Định nổi tiếng,
tạo một dấu ấn độc đáo cho Thơ mới đương thời. Khi tập Điêu tàn ra đời
năm 1937, ông mới 17 tuổi, dư luận đã đặc biệt chú ý đến nhà thơ trẻ tài
năng và đặc sắc này. Năm 1939, ông ra học tại Hà Nội, rồi vào Sài Gòn
làm báo, ra Thanh Hóa, quay về Huế dạy học. Năm 1942, cho ra đời tập
văn Vàng sao và sau đó viết tập bút ký Gai lửa. Tham gia Cách mạng tháng
Tám tại Quy Nhơn, rồi sau đó ra Huế tham gia Đoàn Xây dựng cùng với
Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh…, viết bài cho báo Quyết thắng
của Việt Minh Trung Bộ.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông hoạt động văn
nghệ và báo chí ở Liên khu Bốn và chiến trường Bình Trị Thiên. Tháng 7
năm 1949, được kết nạp vào Đảng. Những bài thơ Chế Lan Viên sáng tác
trong thời kỳ kháng chiến được tập hợp trong tập thơ Gửi các anh (in
1955), thể hiện sự chuyển biến quan trọng trong tư tưởng và hồn thơ. Sau
1954, ông về sống tại Hà Nội. Tập thơ Ánh sáng và phù sa (1960) là thành

công đặc sắc, đánh dấu bước phát triển mới của thơ Chế Lan Viên. Bước
vào cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, thơ ông đã đạt nhiều thành tựu
mới với các tập thơ Hoa ngày thường, Chim báo bão (1967), Những bài
thơ đánh giặc (1972), Đối thoại mới (1973) mang đậm chất chính luận, sử
thi bên cạnh chất trữ tình đằm thắm của cuộc sống đời thường. Sau ngày
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
8
đất nước giải phóng, ông vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục
cho ra đời các tập thơ Hái theo mùa (1977), Hoa trên đá (1984), Ta gửi cho
mình (1986).
Chế Lan Viên còn là cây bút văn xuôi đặc sắc với các tập bút ký
Vàng sao (1942), Thăm Trung Quốc (1963), Những ngày nổi giận (1966),
Giờ của số thành (1977)… Các tập tiểu luận – phê bình văn học của ông
cũng gây tiếng vang rộng rãi và có tác động tích cực vào đời sống văn học:
Vào nghề (1962), Phê bình văn học (1962), Suy nghĩ và bình luận (1971),
Nghĩ cạnh dòng thơ (1981), Từ gác khuê Văn đến quán Trung Tân
(1981)…
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mĩ, ông tham gia lãnh
đạo Hội nhà văn Việt Nam, tham dự nhiều diễn đàn văn hóa quốc tế ở Liên
Xô, Pháp, Nam Tư, Ấn Độ, Na Uy, Thụy Điển… Ông là đại biểu quốc hội
các khóa 4, 5, 6, 7. Chế Lan Viên mất ngày 19 – 6 – 1989 tại bệnh viện
Thống Nhất.
Sau khi mất, những Di cảo thơ được nhà văn Vũ Thị Thường – vợ
nhà thơ sưu tầm, tuyển chọn và xuất bản: Di cảo thơ I in năm 1992, Di cảo
thơ II in năm 1993 và được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 1994.
Tập Di cảo thơ III xuất bản năm 1996 và nhiều bài thơ để lại của Chế Lan
Viên còn tiếp tục được sưu tầm, tập hợp.
Chế Lan Viên là một nhà thơ tài năng, một nhà văn hóa đã có những

đóng góp to lớn cho nền thơ Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Ông được
Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996
(đợt I).
Đánh giá về tầm vóc, sự nghiệp thơ của Chế Lan Viên, rất nhiều nhà
nghiên cứu, phê bình đều dành cho ông niềm ngưỡng mộ sâu xa, như: Chế
Lan Viên – Nhà thơ của thế kỷ (Nguyễn Văn Hạnh), Nhà thơ của những
đỉnh cao sáng tạo (Vũ Tuấn Anh), Nhà thơ không thể lấy kích tấc thường
mà đo được (Bùi Mạnh Nhị), Người làm vườn vĩnh cửu (Trần Mạnh
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
9
Hảo)… Xây lên được một sự nghiệp với tầm vóc, kích tấc to lớn như vậy,
có thể nói, viên gạch đầu tiên tạo đà, đặt nền móng cho công trình kỳ vĩ
đó chính là tập Điêu tàn.
Điêu tàn là tập thơ rất mỏng - chỉ với 36 bài, nó ra đời khi chủ nhân
của nó mới 17 tuổi và đang là học sinh năm thứ 3 trường Trung học Quy
Nhơn. Vậy nhưng chính nhờ tập thơ nhỏ bé này mà Phan Ngọc Hoan
không còn là Phan Ngọc Hoan nữa, mà sinh ra một con người mới: Chế
Lan Viên. Nói một cách chính xác hơn không biết Chế Lan Viên sinh ra
Điêu tàn, hay Điêu tàn sinh ra Chế Lan Viên?! Có lẽ cả hai. Tuy nhiên,
có thể khẳng định một điều chắc chắn: Điêu tàn mở đầu và góp phần khẳng
định tên tuổi Chế Lan Viên trên văn đàn Việt Nam. Bút danh Chế Lan Viên
gắn với tập thơ đầu tay này, sau đó cùng với những sáng tác khác tên tuổi
ông sẽ còn có ảnh hưởng rộng dài trong văn học – văn hóa Việt Nam suốt
nhiều thế kỷ.
Đánh giá về Điêu tàn, Hoài Thanh đưa ra một nhận nhận xét ngắn
gọn nhưng chính xác, toàn vẹn, tinh tế; hầu như các nhà nghiên cứu khi tìm
hiểu về Điêu tàn đều phải trích dẫn, rằng: Điêu tàn đột ngột xuất hiện như
một niềm kinh dị, một Tháp Chàm lẻ loi và bí mật. Nói không ngoa nếu trả

lời, lý giải được một cách rốt ráo, thấu đáo những nhận xét của Hoài Thanh
thì sẽ hiểu được Điêu tàn, với những câu hỏi như: Tại sao nói nó đột ngột
xuất hiện? Tại sao nói nó như một niềm kinh dị? Tại sao nói như một Tháp
Chàm lẻ loi, bí mật?
Quả thật, Điêu tàn là: một niềm kinh dị, lẻ loi, bí mật; khi đi vào tập
thơ, ta thấy bao trùm nó là cõi chết.
1.1 Điêu tàn – thế giới chết
Đọc Điêu tàn, có cảm tưởng như cái chết, cõi chết trùm lấp cả thế
giới trong tập thơ, là nỗi ám ảnh trong tư duy thơ của Chế Lan Viên. Trong
số 36 bài thơ của tập thơ, bất cứ bài nào tác giả cũng dùng những từ ngữ,
hình ảnh nói về cái chết, liên quan đến cái chết, nằm trong trường
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
10
nghĩa, trường liên tưởng về cái chết, cụ thể như: cõi âm, linh hồn, ma
quỷ, huyệt mộ, chôn, nấm mồ, quàng liệm, máu, chém giết, chiến địa, cõi
hư vô, xương, sọ người, thi thể, xác thịt, bóng tối, rửa tan, yêu tinh, khí
tanh hôi… Những từ ngữ đó đều được tác giả sử dụng với mật độ dày
đặc, với tần suất rất cao. Có thể nói những từ ngữ, hình ảnh này là “bộ đồ
nghề cơ bản của tư duy” để tác giả nói – suy nghĩ về cái chết.
Cái chết, sự chết là một mảng, một khía cạnh, một phạm vi quan
trọng của đời sống hiện thực, quan trọng như chính sự sống vậy, vì có ai
sống mà không phải chết. Chính vì thế trong nhận thức về cái chết con
người có một hệ thống rất phong phú về từ ngữ, hình ảnh dùng để phản
ánh, nhận thức cái hiện thực khách quan, tất yếu đó. Và Chế Lan Viên đã
lựa chọn, sử dụng hầu hết cái vốn từ nằm trong trường nghĩa dùng để
nhận thức, phản ánh về cái chết. Cái chết là nơi mà tư duy, ngôn ngữ,
hồn thơ Chế Lan Viên “thường xuyên lui tới”, nó trở thành một đề tài,
chủ đề chính yếu của tập thơ. Cụ thể:

Trước hết, nói về cái chết, với từ chết làm từ trung tâm, tác giả sử
dụng các từ ngữ, hình ảnh liên quan đến cái chết với cường độ, mật độ như
sau: cõi chết (Cái sọ người); cõi âm (Tạo lập); cõi chết, âm giới (Bóng tối);
cõi tang (Thu); sắc chết (Tiết trinh); âm giới (Cõi ta); ý chết (Hồn trôi),
phút chết (Điệu nhạc điên cuồng), cõi chết (Đừng quên lãng), chết rồi (Đọc
sách), người chết (Xương khô). Từ sự thống kê này cho thấy từ chết (hay
những từ đồng nghĩa, có ý nghĩa tương đương cùng chỉ cái chết) xuất hiện
trong 11 bài thơ trên tổng số 36 bài của tập thơ Điêu tàn – chiếm hơn
30,5%. Chẳng hạn như:
“Có tưởng lại mảnh hồn mi đau khổ
Đang lạc loài trong Cõi Chết xa xôi?”
(Cái sọ người)
Và:
“Cũng như thế, nơi xa xăm trong cõi Chết
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
11
Bao cô hồn vẫn sống tháng ngày qua,”
(Bóng tối)
Ngoài ra còn rất nhiều câu thơ khác có từ chết hoặc các từ khác có
nghĩa tương đương, mà ở đây do điều kiện không thể liệt kê hết.
Khi nói đến cái chết là ta nghĩ ngay đến hồn, nói cách khác hồn nằm
trong trường nghĩa, trường liên tưởng với từ chết. Do đó, không phải ngẫu
nhiên mà từ hồn xuất hiện với một mật độ dày đặc đến vậy: hồn, hồn mi,
hồn ta (Cái sọ người); hồn dạt trôi, hồn say sưa (Ngủ trong sao); hồn u tối,
hồn của ai, linh hồn (Ta); cô hồn (Trên đường về); hồn trôi (Chiến tượng);
hồn phách, hồn ta (Tạo lập); đáy hồn mơ, tấm hồn ta (Những nấm mồ); cô
hồn, cô hồn, hồn ta (Bóng tối); linh hồn chìm đắm, linh hồn ta, hồn nàng,
mảnh hồn ta (Đêm tàn); lớp hồn tôi, hồn tôi, hồn tôi, hồn tôi, hồn (Hồn

trôi); hồn ma, hồn tôi, hồn cô (Vo lụa); hồn tôi (Thu); hồn bay, hồn ma,
hồn đau (Trăng điên); hồn ta (Đợi người Chiêm nữ); hồn tôi (Xuân); xác
hồn ta, linh hồn (Cõi ta); hồn ta tê liệt, Hồn Điên, hồn tàn, hồn quạnh quẽ
(Điệu nhạc điên cuồng); hồn ta, hồn ta (Đừng quên lãng); hồn ma, phách
hồn, trong hồn, hồn ma (Mồ không); hồn tôi (Đọc sách); hồn ta (Nắng
mai); hồn (Tắm trăng); vạn cô hồn, cô hồn, hồn yêu tinh, hồn yêu tinh
(Xương khô); mảnh hồn ta (Đám ma); những linh hồn, cô hồn, các cô hồn
(Tiếng trống); cô hồn, muôn cô hồn, hồn trôi (Sông linh); tấm hồn mơ
(Máu xương); hồn ta (Xương vỡ máu trào); muôn vạn linh hồn (Đầu mênh
mang). Như vậy, ở đây từ hồn xuất hiện trong trong 29 trên tổng số 36 bài
thơ – chiếm hơn 80,5 %. Chẳng hạn như:
“Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận
Muôn cô hồn tử sĩ thét gầm vang”
(Trên đường về)
Và:
“Ta hãy nghe mơ màng trong cỏ héo,
Tiếng cô hồn lặng thở khí trời đêm!”
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
12
(Bóng tối)
Và vv v.
Nói đến cái chết còn thì hình ảnh sọ người, óc, đầu lâu cùng nằm
trong cùng một trường nghĩa, trường liên tưởng; và Chế Lan Viên đã sử
dụng những từ ngữ này trong tập thơ với tần suất xuất hiện là: sọ người, sọ,
chiếc sọ (Cái sọ người); sọ, đáy óc (Ta); đầu lâu (Bóng tối); đầu chiến sĩ
(Xuân về); sọ trắng, óc (Tiết trinh); đầu lâu, đầu ta (Mơ trăng); đầu rơi
(Chiến tượng); sọ dừa (Mộng); chiếc sọ dừa, đỉnh sọ (Điệu nhạc điên
cuồng); đầu sa, đỉnh sọ, đầu lâu, quỷ không đầu (Đầu rơi); đầu lâu, sọ dừa,

sọ dừa (Xương vỡ máu trào); đỉnh sọ, sọ trắng, sọ ta (Đầu mênh mang).
Như vậy, qua đây ta thấy từ sọ xuất hiện trong 12 bài trên tổng số 36 bài –
chiếm hơn 33%. Một vài câu thơ có hình ảnh sọ người như:
“Hay mi nhớ cảnh pháp trường ghê rợn
Sọ muôn người lần lượt đuổi nhau rơi?”
(Cái sọ người)
Và:
“Và mõ làng não nùng reo lốc cốc,
Tựa đầu lâu reo dưới khớp xương tàn”.
(Bóng tối)
Và vv v.
Cái chết làm liên tưởng đến xương, tủy, hài cốt, và tác giả tập Điêu
tàn đã sử dụng một cách cụ thể là: xương mỏng manh, khối xương khô (Cái
sọ người); xương Chàm tuôn (Trên đường về); xương tàn, xương rên (Bóng
tối); hài cốt (Xuân về); xương (Tiết trinh); xương người rên rỉ khô (Mơ
trăng); xương người (Mộng); xương khô, khớp xương (Điệu nhạc điên
cuồng); xương khô, xương tàn, tủy nồng (Mồ không); xương, ngấm tủy
(Tắm trăng); khớp xương ma, tủy đã cạn, khớp xương rợn trắng, tủy cạn,
làn xương, nền xương, khớp xương tàn (Xương khô); đống xương khô
(Song linh); tủy cứ nóng, tủy chảy, xương khô, tủy xương, xương khô, tủy
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
13
nồng (Máu xương); xương máu (Đầu rơi); khối xương, xương trắng, xương
vỡ rạn (Xương vỡ máu trào). Thống kê thấy từ xương cốt, tủy Chế Lan
Viên sử dụng trong 15 bài trên tổng số 36 bài – chiếm hơn 41,6 %; điều đó
thể hiện qua một vài câu thơ như:
“Ta muốn cắn mi ra từng mảnh nhỏ!
Muốn điên cuồng nuốt cả khối xương khô!”

(Cái sọ người)
Và:
“Cành cây thắm nghiêng mình trong nắng sớm
Không phải là hài cốt vạn quân Chiêm!”
(Xuân về)
Nằm trong trường nghĩa, trường liên tưởng với cái chết còn là máu,
với những từ ngữ cụ thể trong tập thơ là: giọt máu đào (Cái sọ người); máu
cứ chảy (Ta); máu chàm cuộn (Trên đường về); máu chim muông, máu đỏ,
máu gào (Chiến tượng); máu Chàm ri rỉ chảy (Bóng tối); suối máu (Hồn
trôi); khối máu (Xuân về); máu (Tiết trinh); vụt máu (Cõi ta); máu hồng
tươi, máu cạn (Điệu nhạc điên cuồng); máu (Đừng quên lãng); máu đỏ (Mồ
không); máu, huyết đẫm, máu đỏ (Xương khô); trời huyết, dòng máu thắm,
tiếng huyết kêu rạo rực, nguồn máu chiến trường xa, huyết cuốn, giải máu
bơ vơ, máu dân Chàm (Sông linh); máu cứ tươi, máu lan cùng tủy chảy,
mạch máu, uống máu, máu đỏ (Máu xương); suối huyết, máu đào, xương
máu (Đầu rơi); giỏ huyết, máu sôi trào, họng máu (Xương vỡ máu trào);
nguồn máu vọt (Đầu mênh mang); ứ huyết (Điệu nhạc điên cuồng). Như
vậy thống kê thấy từ máu, huyết xuất hiện trong 19 trên tổng số 36 bài –
chiếm hơn 52,7 %. Vài câu thơ tiêu biểu:
“Ta hãy nghe, trong gạch Chàm rơi lác đác,
Tiếng máu Chàm ri rỉ chảy không thôi.”
(Bóng tối)
Và:
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
14
“Mắt bừng nóng tự nhiên trào vụt máu
Hầu câm khô tan vỡ dưới lời than!”
(Cõi Ta)

Và vv v.
Rồi cái chết sẽ là sự phân rã của thân xác, thi thể, thịt: thi thể rữa
tan (Cái sọ người); thịt, ý thịt (Ta); thịt (Tạo lập); thịt người (Bóng tối); thịt
muôn người (Xuân về); hơi thịt (Tiết trinh); xác hồn (Cõi ta); thịt nát (Mồ
không); thịt nát, đầy thịt (Máu xương); thớ thịt, thi thể (Đầu rơi), hình xác
(Đọc sách). Các từ như: thi thể, thân xác, thịt xuất hiện trong 11 bài thơ
trên tổng 36 bài – chiếm hơn 30,5 %. Vài câu thơ tiêu biểu:
“Có tìm chăng, những chiều không tiếng gió,
Của người mi thi thể rửa tan rồi”
(Cái sọ người)
Và:
“Ta hãy nghe, trong mồ sâu lạnh lẽo,
Tiếng thịt người nẩy nở tiếng xương rên”
(Bóng tối)
Và:
“Đầy hơi thịt, ý ma, cùng sắc chết”
(Tiết trinh)
Các từ ngữ như pháp trường, giết cũng nằm trong mối liên hệ,
trường liên tưởng với cái chết, chúng xuất hiện với tần suất như sau: pháp
trường (Cái sọ người); ngày tiêu diệt (Ta); chiến địa, giao trận (Trên
đường về); giết đi (Những nấm mồ); tiêu diệt (Bóng tối); bãi chém (Tiết
trinh. Với những câu thơ như:
“Mi có nhớ cảnh pháp trường ghê rợn
Sọ muôn người lần lượt đuổi nhau rơi?”
(Cái sọ người)
Và:
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
15

“Đây chiến địa nơi đôi bên giao trận”
(Trên đường về)
Cùng trường nghĩa với chết còn có từ chôn, tác giả sử dụng với mật
độ: chôn sâu, chôn tận, chôn (Những nấm mồ); an táng (Cõi ta); quàng
liệm (Những nấm mồ). Như vậy, từ chôn xuất hiện trong 3 bài thơ trên tổng
số 36 bài, tương ứng với hơn 8,3%. Với những câu thơ tiêu biểu như:
“Nơi an táng khổ đau trong huyệt tối,
Nơi sinh sôi, nảy nở những hồn Điên.”
(Cõi ta)
Và:
“Chuỗi ngày xanh, hùa theo nhau phai nhạt,
Dệt tấm màn quàng liệm tấm hồn ta!”
(Những nấm mồ)
Gắn với cái chết còn là huyệt mộ, là nắp hòm, với những cụm từ
như: chuỗi huyệt (Những nấm mồ); huyệt tối (Cõi ta); mộ, đáy mồ, bên mồ,
mộ trống, huyệt bỏ, mồ không ; dậy vang mồ (Mồ không); nấm mộ tàn, trên
mộ tàn, trên nấm mộ, mồ u tối (Xương khô); trăm mồ, bao mồ lạnh lẽo
(Tiếng trống); nấm mộ hoang tàn (Máu xương); đáy mồ sâu (Đầu rơi); đáy
mồ sâu (Xương vỡ máu trào); chiếc hòm con, chiếc hòm con (Đám ma);
nắp hòm săng (Máu xương); chuỗi mồ (Những nấm mồ); mồ sâu (Bóng
tối); đáy mộ (Cõi ta); mồ bạc, nấm mộ (Mơ trăng). Qua thống kê cho thấy
những từ như huyệt, nấm mồ, hòm được tác giả sử dụng trong 14 bài trên
tổng số 36 bài – với tỉ lệ tương ứng là hơn 38,8%. Một vài câu thơ như:
“Cả Dĩ Vãng là chuỗi mồ vô tận,
Cả Tương Lai là chuỗi huyệt chưa thành.”
(Những nấm mồ)
Và:
“Ta hãy nghe, trong mồ sâu lạnh lẽo,
Tiếng thịt người nảy nở tiếng xương rên”
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên


Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
16
(Bóng tối)
Và:
“Nơi, cùng nhau, trước khi về đáy mộ,
Xác hồn ta đã chia rẽ đôi đường.”
(Cõi Ta)
Chúng ta thường quan niệm rằng, khi chết là linh hồn con người
bước sang một thế giới khác, chết là đến với cõi hư vô, như: Cõi Hư Vô
(Những sợi tơ lòng); cõi Trời Mơ, cùng thẳm Hư Vô (Ngủ trong sao); Hư
Không (Bóng tối); Hư Vô (Tiết trinh); Ảo Huyễn (Tạo lập); xứ Trăng Mây
(Cõi ta); cõi Hư Vô (Mồ không); lạc giữa Hư Vô (Đọc sách); chốn Hư
Không (Tắm trăng); cõi Hư Vô (Tiếng trống). Thống kê được từ hư vô –
hay cõi hư vô – nơi mà chúng ta thường liên tưởng đến cuộc sống sau cái
chết xuất hiện trong 10 bài trên tổng số 36 bài – tương ứng với gần 28%.
Với những câu thơ như:
“Hồn say sưa vào khắp cõi Trời Mơ,
Ai kêu ta trong cùng thẳm Hư Vô ?”
(Ngủ trong sao)
Và:
“Cho linh hồn vụt đến xứ Trăng Mây
Cho ta là không phải của ta đây”
(Cõi Ta)
Nói đến cái chết là nghĩ đến quỷ ma, yêu tinh: lửa ma trơi (Cái sọ
người); vạn yêu ma (Ta); muôn ma Hời (Trên đường về); quỷ ma (Tạo lập);
hồn ma tụ lại (Vo lụa); hồn ma (Trăng điên); yêu tinh (Điệu nhạc điên
cuồng); hồn ma ơi, hồn ma ơi, hồn ma (Mồ không); hồn yêu tinh, hồn yêu
tinh, yêu tinh (Xương khô); hơi ma (Máu xương); quỷ không đầu (Đầu rơi);
yêu tinh, rợn hơi ma (Xương vỡ máu trào). Thống kê cho thấy các từ quỷ

ma, yêu tinh xuất hiện trong 12 bài trên tổng số 36 – chiếm hơn 33,3%.
Thể hiện qua vài câu thơ như:
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
17
“Hay mi nhớ những đêm mờ rùng rợn
Hồn mi bay trong đốm lửa ma trơi?”
(Cái sọ người)
Và:
“Sao ở đâu mọc lên trong đáy giếng
Lạnh như hồn u tối vạn yêu ma?”
(Ta)
Và vv v.
Nói đến cái chết, cõi âm, hồn ma là liên tưởng tới bóng đêm rợn
ngợp: đêm mờ rùng rợn, đêm tối (Cái sọ người); bóng tối (Trên đường về);
trong tối, một tối (Chiến tượng); cả bầu bóng tối, bóng đêm u ám (Tạo lập);
màn đêm huyền bí, mờ mịt, bóng đêm lan, đêm mờ, trời đêm, đêm trần
(Bóng tối); đêm sâu, bóng tối, bóng đêm (Đêm tàn); suốt đêm (Vo lụa);
bóng đêm kinh khủng (Trăng điên); tối, đêm (Đợi người chiêm nữ); huyệt
tối, bóng tối (Cõi ta); rùng rợn dưới trăng mờ (Mộng); những đêm u tối
(Mồ không); dằng dặc bóng đêm mờ, bóng đêm tan (Nắng mai); đêm mơ
(Xương khô); u tối (Đám ma); dày đặc khí u buồn (Tiếng trống); Hời khóc
giữa đêm sâu (Sông linh); bóng đêm luôn hoảng hốt, đêm tối (Đêm xuân
sầu); đêm mờ vắng vẻ (Đầu rơi); bóng tối (Xương vỡ máu trào). Như vậy
bóng đêm xuất hiện đầy rẫy trong tập thơ, với 20 trên tổng số 36 bài –
chiếm hơn 55,5%. Với những câu thơ như:
“Hay mi nhớ những đêm mờ rùng rợn
Hồn mi bay trong đốm lửa ma trơi?”
(Cái sọ người)

Và:
“Cả cảnh vật trần gian cùng mờ xóa
Trong màn đêm huyền bí.Ta bảo lòng”
Trong thế giới đầy chết chóc của Điêu tàn, Chế Lan Viên đã tập
trung “dựng lại” và khóc thương cho một dân tộc Chàm đã tuyệt diệt. Vì
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
18
dân tộc Chàm đã tuyệt diệt, nên ở đây những gì liên quan đến dân tộc
Chàm trong tập Điêu tàn cũng xếp vào trường liên tưởng đến cái chết.
Giống dân Hời với nền văn minh một thủa giờ chỉ còn lại là những vết tích
như Tháp Chàm, xương, hồn ma… Sự tồn tại của họ giờ chỉ còn là những
hoài niệm mơ hồ, xa xăm, huyễn hoặc. Tác giả đã sử dụng một loạt từ ngữ,
hình ảnh, biểu tượng để nhắc đến, gợi lại dân tộc Chàm đã bị tuyệt diệt
như: gạch Chàm, Tháp Chàm, Chiêm quốc (Những sợi tơ lòng); nước non
Chiêm, bóng Chiêm nương (Ngủ trong sao); giống dân Hời, tháp gầy mòn,
tượng Chàm lở lói, ma Hời, máu Chàm, xương Chàm, Chiêm quốc, Chiêm
nữ, vua quan Chiêm, giống dân Hời (Trên đường về); voi Chàm, voi Chàm,
muôn binh Chàm, bầy voi Chàm, ánh lửa của dân Hời, vạn quân Chiêm,
voi Chàm (Chiến tượng); nước non Chàm, gạch Chàm rơi, máu Chàm ri rỉ
chảy (Bóng tối); sầu hận nước Chàm ta, nước non Chiêm (Đêm tàn); khối
máu của dân Chàm, hài cốt vạn quân Chiêm (Xuân về); người Chiêm nữ
(Đợi người Chiêm nữ); Chiêm nương, Chiêm nữ (Mộng); nước Chàm
(Nắng mai); tháp Chàm buồn tư lự, Hời khóc (Sông linh); tháp Chàm sao ủ
rũ, Chiêm nữ (Đêm xuân sầu). Thống kê cho thấy trong tập Điêu tàn, Chế
Lan Viên nhắc lại, hoài nhớ về đất nước Chiêm Thành đã diệt vong xưa rất
nhiều lần, trong 12 trên tổng số 36 bài thơ, chiếm hơn 33,3%. Chẳng hạn
với những câu như:
“Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi

Những đền xưa đổ nát dưới thời gian
Những sông vắng lê mình trong bóng tối
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than

Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”
(Trên đường về)
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
19
Nói đến cái chết là liên tưởng đến âm khí, và Chế Lan Viên đã sử
dụng cụm từ đó cùng với các từ ngữ liên quan một cách cụ thể như: rùng
rợn dưới trăng mờ (Mộng); rợn trắng khí tinh anh (Điệu nhạc điên cuồng);
hơi âm rờn rợn, khí thiêng linh (Mồ không); hơi người chết tỏa đầy, đượm
khí tanh hôi, đẫm khí tanh hôi (Xương khô); tha ma dày đặc khí u buồn
(Tiếng trống); bãi tha ma (Sông linh); lấy hơi ma, luyện âm khí (Máu
xương); u uất khí tanh hôi (Đầu rơi); khí tanh hôi (Đầu mênh mang). Kết
quả thống kê cho thấy từ âm khí được sử dụng trong 9 bài trên tổng số 36
bài – tương ứng với 25%. Một vài câu thơ tiêu biểu như:
“Và xương khô, và sọ dừa, và thịt nát,
Và hơi âm rờn rợn của yêu tinh”
(Mồ không)
Và:
“Lấy hơi ma nuôi sống tấm hồn mơ
Luyện âm khí chuyển rung bao mạch máu.”
(Máu xương)
Như vậy, từ sự thống kê nêu trên cho những con số biết nói: từ chết
được Chế Lan Viên sử dụng trong 11/36 bài thơ, chiếm hơn 30,5%; từ hồn
có mặt trong 29/36 bài, chiếm hơn 80,5%; từ sọ người có trong 12/36 bài,

chiếm hơn 33%, từ xương người xuất hiện trong 15/36 bài, tương ứng với
hơn 41,6%; cõi hư vô được nói đến trong 10/36 bài, chiếm gần 28%; ma
quỷ có mặt trong 12/36 bài thơ, tương ứng với hơn 33,3%; bóng tối có mặt
trong 20/36 bài thơ, chiếm tới hơn 55,5%; những hình ảnh về nước non
Chàm được Chế Lan Viên nhắc đến trong 12/36 bài thơ, chiếm tới hơn
33,3%; âm khí được nói đến trong 9/36 bài, chiếm 25%. Các con số thống
kê nói trên vẫn chưa phản ánh hết được mức độ xuất hiện của các từ nằm
trong trường nghĩa với cái chết mà nhà thơ sử dụng. Vì trong nhiều bài
thơ, các từ ngữ nêu ra ở trên không xuất hiện một lần, có rất nhiều từ
được tác giả sử dụng nhiều lần trong cùng một bài thơ. Do đó tần số
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
20
xuất hiện thực tế của chúng trong cả tập thơ Điêu tàn cao hơn con số
nêu ra ở trên.
Nói tóm lại, từ sự thống kê trên cho thấy Điêu tàn tràn ngập sắc chết,
cõi chết. Nó là chủ đề trung tâm của tập thơ. Điều này chứng tỏ đối với tác
giả của nó, khi nhận thức, phản ánh đời sống bằng nghệ thuật thì cái chết
trở thành đề tài chính yếu, căn bản. Và trong mảng đề tài về cái chết đó, sự
tuyệt diệt của dân tộc Chàm được Chế Lan Viên tập trung khóc thương,
tiếc nuối, tạo nên sự khác lạ. Đúng như nhận xét của Hoài Thanh: Điêu tàn
đã đột ngột xuất hiện giữa làng thơ việt Nam như một niềm kinh dị… Để
có thể thấy rõ hơn niềm kinh dị này, thử đối chiếu với một vài nhà thơ tiêu
biểu khác cùng thời.
Tổng kết một thời đại trong thi ca – một thời đại vừa chẵn mười năm
(1932 - 1941), Hoài Thanh lựa chọn ra 169 bài thơ của 46 nhà thơ tiêu biểu,
trong đó có Chế Lan Viên. Và trong số đông đảo những nhà thơ cùng thời
ấy, mỗi người mỗi vẻ, mỗi người mỗi giọng điệu, mỗi người mỗi sắc thái.
Tác giả của Thi nhân Việt Nam có những phát hiện, so sánh chính xác, tinh

tế, sâu sắc về các nhà thơ: “…hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như
Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược
Pháp, ảo nảo như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế
Lan Viên… và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”; và: “Ta thoát
lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta
điên cuồng với Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu.
Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm
vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”.
Đánh giá, nhận xét về hồn thơ Chế Lan Viên nói riêng, Hoài Thanh
có một ý kiến xác đáng: Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỷ
hai mươi, nó (tập Điêu tàn của Chế Lan Viên) đứng sững như một cái tháp
Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật. Tổng hợp lại cho thấy, theo Hoài Thanh:
Chế Lan Viên khác xa so với phần còn lại của phong trào thơ mới, có
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
21
chăng gần nhất là với Hàn Mạc Tử - hai người cùng đứng đầu trong
Trường Thơ Loạn.
Trước hết, so với Thế Lữ - thi nhân được xem là người có công đầu
khai sinh ra phong trào thơ mới. Cho đến khi Hoài Thanh viết Thi nhân
Việt Nam, Thế Lữ đã xuất bản: Mấy vần thơ (1935) và Mấy vần thơ, tập
mới (Đời nay, Hà Nội, 1941), tức là thời gian xuất bản gần với tập Điêu tàn
(1937). Đánh giá về Thế Lữ, Hoài Thanh có nhận xét: Thi nhân ta còn nuôi
giấc mộng lên tiên, một giấc mộng rất xưa. Quả đúng như vậy, hồn thơ của
Thế Lữ luôn hướng tới tiên cảnh, cõi thiên thai, miền cực lạc… vừa lạ mà
quen. Lạ bởi chốn ấy chỉ có trong thi ca nhạc họa mà chưa từng được
chứng thực, nó xa cách cuộc sống trần gian, trần thế. Quen bởi cái chốn mà
Thế Lữ mơ tưởng ấy đã bắt gặp nhiều trong thi ca nhạc họa Phương Đông
cổ. Nói như vậy, ở đây không hề có hàm ý trọng khinh, mà chỉ muốn nhấn

mạnh rằng mảng đề tài về chốn bồng lai tiên cảnh trong thơ Thế Lữ là một
mảng đề tài không mới lạ; cái mới có chăng ở đây là được diễn đạt bằng
xúc cảm mới, thể thơ mới của con người mới (con người chịu ảnh hưởng
của văn hóa, văn minh Phương Tây, cụ thể là văn hóa, văn minh Pháp).
Thế Lữ đưa chúng ta đến với tiếng trúc tuyệt vời, tiếng sáo thiên thai,
cây đàn muôn điệu và vẻ đẹp thoáng qua. Bất chấp cái thực tại xã hội lúc
này có như thế nào, thì tâm hồn thi nhân của Thế Lữ vẫn chỉ bảo cho ông
nhiều khoảng trời tươi đẹp, đầy mơ mộng, sáng trong; không gian có nét
buồn, nhưng là buồn đẹp, vì buồn mới đẹp:
“Tiếng địch thổi đâu đây,
Cớ sao mà réo rắt?
………………
Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt,
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may”.
(Tiếng trúc tuyệt vời – trích Mấy vần thơ, tập
mới)
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
22
Và:
“Trời cao xanh ngắt. – Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng lai.

Thiên thai thoảng gió mơ mòng,
Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay…”
(Tiếng sáo Thiên Thai – trích Mấy vần thơ, tập mới)
Và:
“Hôm qua đi hái mấy vần thơ,
Ở mãi vườn tiên gần Lạc hồ”

(Vẻ đẹp thoáng qua – trích Mấy vần thơ, tập mới)
Trong Thi nhân Việt Nam, Thế Lữ có bảy bài thơ được Hoài Thanh
tuyển chọn; trong bảy bài ấy, thì có bốn bài (chiếm hơn 57,1%) viết về
chốn bồng lai tiên cảnh hoặc cảnh đẹp mơ màng, huyền diệu. Thế Lữ
mơ về chốn bồng lai tiên cảnh, Chế Lan Viên lại tìm đến cõi Hư Vô; và cõi
Hư Vô mà Chế Lan Viên thường lui tới nó khác với chốn bồng lai tiên cảnh
của Thế Lữ: cùng là thế giới của tưởng tượng, của hư cấu, cái thế giới
của cõi siêu hình; nhưng cõi Hư Vô của Chế Lan Viên thường lạnh lẽo,
u buồn, tăm tối, vắng vẻ…, đó là cái thế giới đằng sau cái chết, cõi
thẳm sâu của vũ trụ. Còn chốn bồng lai tiên cảnh của Thế Lữ đã bắt gặp
nhiều trong những chuyện cổ tích, trong huyền thoại Phương Đông: xứ sở
của các vị thần tiên, nơi họ sống thường hằng và vĩnh viễn, đầy yên bình,
thanh sạch… Ở đó có vườn đào nghìn tuổi, ở đó có các vị thần đi mây về
gió hay cưỡi hạc du ngoạn, có các cô tiên đẹp như trong cổ tích, với đôi
cánh trắng, trút bỏ xiêm y tắm trên hồ nước thuần khiết… với tiếng trúc
tuyệt vời, tiếng sáo thiên thai, cây đàn muôn điệu, vẻ đẹp thoáng qua .
Nếu như Thế Lữ là người có công khai mở, được phong là đương
thời đệ nhất thi sĩ khi Thơ Mới phát triển vào thời kỳ đầu, thì Xuân Diệu
được xem là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
23
Xuân Diệu cho xuất bản tập Thơ Thơ vào năm 1938 (Đời nay, Hà
Nội), tức là một năm sau khi Chế Lan Viên xuất bản tập Điêu tàn. Sáng tác
trong cùng khoảng thời gian ấy nhưng giữa hai nhà thơ có sự khác biệt lớn.
Tác giả của Thi nhân Việt Nam đã có một nhận xét rất hay: Với Thế
Lữ thi nhân ta còn nuôi giấc mộng lên tiên, một giấc mộng rất xưa. Xuân
Diệu đốt cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ giới. Đối với Xuân Diệu, thiên
đường không phải ở chốn bồng lai tiên cảnh xa xăm nào cả, mà thiên

đường chính là cuộc sống trần thế, cuộc sống phàm trần này – thiên đường
trên mặt đất; trong đó đẹp nhất là mùa xuân của đất trời, đặc biệt là mùa
xuân của tuổi trẻ và tình yêu. Nói như Hoài Thanh: Thơ Xuân Diệu còn là
một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân
Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt,
muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn,
người đều nồng nàn, tha thiết.
Điều đó hoàn toàn trái ngược với Chế Lan Viên. Nếu như có thể
tạm phân vùng vũ trụ thành ba phần: trên là chốn thiên đình, bồng lai tiên
cảnh; giữa là cuộc sống hiện hữu phàm trần; và dưới cùng là chốn của yêu
ma, xác chết thì chúng ta thấy rằng: Thế Lữ mơ về cõi tiên, Xuân Diệu say
đắm với vườn trần, Chế Lan Viên lại sống chốn âm giới cùng yêu ma.
Thơ Chế Lan Viên trái ngược với nhiều nhà thơ cùng thời, nhưng
trong đó có lẽ trái ngược nhất vẫn là đối với thơ Xuân Diệu. Hai nhà thơ
có những vần thơ đối nghịch như thể dành riêng cho nhau. Đặc biệt, có thể
nói bài Vội vàng (Xuân Diệu) và Những sợi tơ lòng (Chế Lan Viên) hoàn
toàn đối lập nhau từng câu từng ý đến không ngờ:
Xuân Diệu viết:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
Sự sống và cái chết trong thơ Chế Lan Viên

Luận văn tốt nghiệp Ngô Hà Giang
24
Còn Chế Lan Viên lại:
“Tôi không muốn đất trời xoay chuyển nữa
Với tháng ngày biền biệt đuổi nhau trôi
Xuân đừng về! Hè đừng gieo ánh lửa !

Thu thôi sang! Đông thôi lại não lòng tôi!”
Cùng một mong muốn, ước vọng ngông cuồng có vẻ giống nhau:
muốn thời gian ngừng chảy trôi, cuộc sống, vũ trụ ngừng vận động (Xuân
Diệu đòi tắt nắng, buộc gió; Chế Lan Viên lại muốn đất trời không xoay
chuyển nữa, xuân đừng về, hè đừng đến, thu thôi sang, đông thôi lại, tháng
ngày thôi trôi), nhưng động cơ lại hoàn toàn khác nhau, đối ngược nhau:
Xuân Diệu muốn tắt nắng, buộc gió; muốn thời gian ngừng chảy trôi,
vũ trụ ngừng vận động vì ông cho rằng cuộc sống nơi trần thế là một bữa
tiệc hấp dẫn, ngon lành, đó là món quà tặng vô giá của tạo hóa, đặc biệt
nhất là cuộc sống khi mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
……………………………………
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.
Mỗi sáng sớm thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;”
Nhưng trớ trêu thay, trong khi mùa xuân của thiên nhiên, vẻ đẹp của
đất trời, bữa tiệc của tạo hóa là vĩnh cửu, là tuần hoàn, là không bao giờ dứt
thì cuộc sống, tuổi xuân của con người lại có hạn;đời người lại ngắn ngủi,
một đi không trở lại:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa;
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,”

×