Tải bản đầy đủ (.pdf) (132 trang)

Thế giới nghệ thuật kịch Lưu Quang Vũ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.08 MB, 132 trang )



1
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN





LÊ THỊ HOA


THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT KỊCH
LƯU QUANG VŨ




LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC





Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Văn Nam










Hà Nội - 2010





2
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN




LÊ THỊ HOA





THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT KỊCH
LƯU QUANG VŨ


Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số : 60 22 34




LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC




Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Văn Nam




Hà Nội - 2010




3

MỤC LỤC

A. MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Mục đích nghiên cứu
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu
6. Kết cấu của luận văn
B. NỘI DUNG
Chương 1: Thế giới quan và cảm hứng nghệ thuật kịch trong kịch Lưu

Quang Vũ
1.1. Vị trí của Lưu Quang Vũ trong văn học kịch Việt Nam những năm 80
thế kỷ XX)
1.2. Thế giới quan và cảm hứng nghệ thuật trong kịch Lưu Quang Vũ
1.2.1. Tính thời sự là một đặc điểm nổi bật của kịch Lưu Quang Vũ
1.2.2. Triết lý đạo đức và nhân sinh trong kịch Lưu Quang Vũ
1.2.3. Chất thơ trong kịch Lưu Quang Vũ
Chương 2: Thế giới nhân vật kịch Lưu Quang Vũ
2.1. Nhân vật chính
2.2. Nhân vật phụ
2.3. Nhân vật trung tâm
Chương 3: Thủ pháp nghệ thuật kịch Lưu Quang Vũ
3.1. Xung đột trong kịch Lưu Quang Vũ
3.2. Hành động kịch
3.3. Ngôn ngữ kịch
C. KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC


4

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
1.1. Chúng ta biết rằng, đất nước Ai Cập khởi phát trên bình địa, với
dòng sông Nil chảy dọc từ Nam sang Bắc và vầng thái dương vượt ngang từ
Đông sang Tây. Bờ trái sông Nil là vách đá thành vại của rặng núi phía Tây.
Núi kể cho ta những gì không phải là sa mạc. Còn sa mạc là phi thời gian, là
vô biên bỏ ngỏ đón gió muôn phương. Một gợn gió thoảng qua đủ tạo nên

một cảnh trí, xẻ ra một con đường, hình thành lại rồi xoá hết trong biến đổi
liên tục. Ở đó, các cồn cát chảy trôi lô xô, trùng điệp, thực thi quá trình tự
huỷ liên tục. Như vậy, sa mạc đồng hiện quá khứ, hiện tại, tương lai. Sa mạc
không có ký ức, không có lịch sử, luôn luôn chờ đón mọi biến thiên. Ở đây,
không thể nào quy nạp động thái sáng tạo vào lịch sử, bởi nó là một sự khởi
đầu liên tục và không ngừng. Chính vì thế mà người ta thường hình dung nó
với sự sáng tạo không ngừng của nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật sân khấu
- thứ nghệ thuật của những khoảnh khắc( Lưu Quang Vũ). Sở dĩ người ta gọi
nghệ thuật sân khấu là nghệ thuật của những khoảnh khắc là bởi vở diễn
chấm dứt khi tấm màn sân khấu buông xuống, nó chỉ còn sống trong tâm trí
của người xem với những suy tư, chiêm nghiệm về con người và cuộc đời.
Nhưng làm sao làm sống lại cái không khí của vở diễn, những gương mặt,
cử chỉ, những lớp diễn tuyệt vời, say đắm, dữ dội hay tinh tế, trầm tĩnh hay
nồng nhiệt của người nghệ sĩ? Trong lĩnh vực sân khấu nói chung và kịch
nói nói riêng, mỗi đêm diễn là một lần sáng tạo mới, là liên tục những tìm
tòi hưng phấn, không lặp lại của các diễn viên, là mối giao lưu, đồng cảm
với khán giả từng đêm diễn. Và hơn hết, mỗi vở kịch là một sản phẩm chứa
đầy tâm huyết, là sự tự thể nghiệm, hoá thân không ngừng của nhà viết kịch
- những người làm nên linh hồn của nghệ thuật sân khấu.
Ở Việt Nam, kịch nói là một thể loại mới hình thành khoảng chừng 50
năm. Sau cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, kịch nói đặc


5
biệt phát triển với các đoàn kịch và các diễn viên kịch chuyên nghiệp. Trong
vẻ sầm uất nói chung của hoạt động sân khấu hồi đầu kháng chiến, kịch nói
ngày càng lớn mạnh vượt bậc, đánh dấu sự tìm tòi, tự thể nghiệm để tạo nên
sức sống cho vở diễn của các nhà viết kịch.
Lưu Quang Vũ đến với sân khấu đúng vào lúc sân khấu Việt Nam
đang có những đòi hỏi khẩn thiết. Đó là nhiệm vụ phản ánh những vấn đề

nóng bỏng, quan thiết, nổi cộm lên trong đời sống xã hội và bối cảnh Đổi
mới của đất nước sau chiến tranh. Mẫn cảm nghệ sĩ và ý thức công dân đã
thôi thúc ông viết nên những vở kịch đáp ứng được nhu cầu bức thiết đó.
Không những thế, kịch bản trong nước thiếu, bộ phận viết kịch không
thường xuyên cung cấp cho bộ máy sân khấu chạy đều, là một nhà viết kịch
mới xuất hiện nhưng sung sức và tài năng, Lưu Quang Vũ đã sáng tạo không
ngừng nghỉ để đem đến cho sân khấu dân tộc những đêm diễn xúc động, đầy
say mê. Tên tuổi của ông gắn liền với những vở kịch giàu ý nghĩa, và cùng
với một số tác giả khác, ông đã làm nên một giai đoạn sân khấu cực kỳ sôi
động, khó có thể lặp lại trong một quãng thời gian dài, chí ít là cho đến tận
hôm nay.
1.2. Trước đây, người ta mới chỉ biết đến Lưu Quang Vũ - thơ; Lưu
Quang Vũ - truyện và Lưu Quang Vũ – ký giả kịch trường. Từ 1980 đến
nay, người ta biết đến Lưu Quang Vũ chủ yếu như một nhà viết kịch. Tên
tuổi của anh gắn liền với những vở làm xôn xao dư luận như: Nàng Si-Ta;
Nguồn sáng trong đời; Tôi và Chúng ta; Hồn Trương Ba – da hàng thịt…
Trong vòng 5 năm (1980 – 1985), anh đã viết 30 vở kịch dài, trong đó 25 vở
đã được các đoàn nghệ thuật Trung ương và địa phương trong cả nước dàn
dựng và biểu diễn. Có những vở như “Nàng Si-Ta”, con số các đoàn nghệ
thuật dàn dựng đã lên đến 20. Trong khoảng thời gian 10 năm, Lưu Quang
Vũ đã sáng tác được hơn 50 vở kịch – một khối lượng đồ sộ khiến nhiều
người kinh ngạc. Riêng năm 1985, trong số 10 vở kịch của anh được dàn
dựng và biểu diễn, có 6 vở được tặng Huy chương vàng, 2 vở khác được
tặng Huy chương bạc tại Hội diễn sân khấu toàn quốc. Kịch của anh được
công diễn ở hầu khắp các địa phương trong cả nước và ở đâu cũng được


6
đông đảo công chúng mến mộ. Cùng với các vở: Nhân danh công lý (Doãn
Hoàng Giang); Mùa hè ở biển (Xuân Trình); Tôi và Chúng ta và Nguồn

sáng trong đời của Lưu Quang Vũ là những sự kiện thời sự nghệ thuật đáng
chú ý. Lưu Quang Vũ nhanh chóng trở thành một “hiện tượng” trong đời
sống văn học nghệ thuật những năm 80 của thế kỷ XX. Năm 2001, Lưu
Quang Vũ vinh dự được Nhà nước trao tặng giải thưởng cao quý - Giải
thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
1.3. Hiện nay kịch nói Lưu Quang Vũ đã được đưa và chương trình
giảng dạy ở trường trung học và phổ thông dưới dạng các đoạn trích. Trích
đoạn vở kịch Tôi và chúng ta được đưa vào giảng dạy chính thức ở lớp 9
THCS, trích đoạn vở Hồn Trương Ba – da hàng thịt trước kia được xếp
trong chương trình dạy phân ban thí điểm, nay đã đưa vào giảng dạy chính
thức ở THPT. Điều này chính là sự khẳng định cho những giá trị nghệ thuật
của kịch Lưu Quang Vũ, đồng thời cũng thể hiện rõ vị trí của ông trong nền
sân khấu nước nhà nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung.
Lưu Quang Vũ là một tác giả có sức viết dồi dào và thành công ở
nhiều thể loại. Nhất là trong giai đoạn những năm 80 của thế kỷ XX, ông
được biết đến như một hiện tượng của nền sân khấu nước nhà. Có một điều
chắc chắn rằng, từ khi mới ra đời cho đến ngày hôm nay, và cả mai sau nữa,
kịch Lưu Quang Vũ vẫn là mảnh đất cần khai phá đối với nhiều nhà nghiên
cứu văn học nghệ thuật.
Nhìn lại lịch sử nghiên cứu, phê bình kịch của Lưu Quang Vũ, có rất
nhiều bài viết đăng trên báo, tạp chí và cả những bài nghiên cứu được tập
hợp thành sách, tuy nhiên các bài viết này thường đề cập đến một vài mặt
riêng lẻ. Thực sự chưa có một công trình nào nghiên cứu toàn diện, tỉ mỉ về
kịch của Lưu Quang Vũ. Cho nên vẫn cần một công trình nghiên cứu có hệ
thống, bài bản và khoa học trên cơ sở tiếp cận, khảo sát văn bản kịch dưới
góc độ nội dung và hình thức nghệ thuật.
Học tập và kế thừa ý kiến đánh giá xác đáng của những nhà nghiên
cứu đi trước, luận văn chủ yếu đi sâu tìm hiểu thế giới nghệ thuật kịch, bao
gồm những vấn đề về nội dung, đề tài, cảm hứng, thế giới nhân vật và những



7
nét đặc sắc trong nghệ thuật kịch Lưu Quang Vũ.
2. Lịch sử vấn đề
Cho đến nay, tình hình nghiên cứu về kịch Lưu Quang Vũ đã có một thư
mục các tuyển tập, các bài nghiên cứu và đang được bổ sung thêm bằng
những phát hiện mới mẻ, xuất phát từ những phương pháp hiện đại. Dù thời
đại bùng nổ của thể loại kịch đã qua đi, những tác phẩm chỉ đáp ứng những
nhu cầu tức thời đã bị công chúng lãng quên, nhưng những vở kịch của Lưu
Quang Vũ vẫn luôn có tính thời sự và khơi gợi nhiều hướng tiếp cận mới.
Với năng lực thẩm bình chính xác, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận diện được
những nét độc đáo trong kịch Lưu Quang Vũ và lý giải được nhiều phương
diện nghệ thuật khác như: nhân vật, không gian, thời gian, xung đột kịch,
ngôn ngữ kịch, cấu trúc kịch…đồng thời đề ra nhiều hướng nghiên cứu mới
cả về nội dung phản ánh lẫn hình thức thể hiện.
2.1. Khi kịch bản của Lưu Quang Vũ được đưa lên sân khấu, rải rác trên
các báo, tạp chí có đăng những bài phê bình, bình luận, tỏ rõ sự quan tâm;
đặc biệt là từ hội diễn sân khấu năm 1985, sự chú ý quan tâm này càng rõ rệt
hơn.
Tháng 3 năm 1985, Nguyễn Thị Minh Thái đã viết một bài báo nhận
xét về vở diễn Nguồn sáng trong đời. Theo tác giả bài báo, “đây là một kịch
bản kén khách, tự nó có nhu cầu được trình diễn trước một công chúng có
sự trưởng thành nhất định về thẩm mỹ” [1,255] ấn tượng mạnh do kịch bản
văn học tạo ra “chính là sự giản dị, không hoa sói hoa hoè, không cầu kỳ
mảng miếng, không ồn ào khoa trương”[1,254], Nguyễn Thị Minh Thái còn
liên hệ so sánh vẻ đẹp giản dị mà hàm súc, tinh tế của vở Nguồn sáng trong
đời với cái đẹp mộc mạc thường thấy ở kịch của văn hào Sêkhốp. Ở một bài
khác, khi đề cập đến kịch bản Người trong cõi nhớ, Nguyễn Thị Minh Thái
viết: “Đạo diễn Đoàn Bá ưa thích chất thơ, chất triết lý của kịch bản Người
trong cõi nhớ bởi vì tác giả kịch bản có “cách tiếp cận đời sống hiện nay

một cách mới lạ, không dẫm lên lối mòn quen thuộc”[1,249]. Vở kịch này
trở thành một trong số kịch bản được Huy chương vàng hội diễn 1985.
Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật số tháng 5 năm 1985 đã đăng một bài


8
viết ngắn của Nguyễn Phan Thọ điểm qua những vở diễn có giá trị trong đợt
hội diễn sân khấu lần II, vở Tôi và chúng ta được nhắc đến đầu tiên và được
ví như “một mũi nhọn trong cuộc đấu tranh chống cung cách làm ăn trì trệ,
bảo thủ”[2,80]. Trên tạp chí Sân khấu tháng 7 năm 1985, Trần Trọng Đăng
Đàn đã cho rằng có không ít tác phẩm đoạt giải cao tại các hội diễn rồi sau
đó chìm nghỉm vì không hề gây được chú ý của công chúng, nhưng vở Tôi
và chúng ta thì khác, công chúng xem kịch có lúc “reo vui đồng cảm”, nhiều
lúc lại “xúc động lắng im, biết bao tràng vỗ tay cổ vũ, ngợi khen nhiệt liệt”.
Điều Trần Trọng Đăng Đàn tâm đắc nhất là: “kịch Tôi và chúng ta bằng cái
nhan đề và chủ đề xuyên suốt của nó, đã thông qua nghệ thuật mà lý giải
rành mạch, luận chiến sắc bén để bảo vệ quan điểm của chúng ta về tình
người, về chủ nghiã nhân đạo cách mạng, về mối quan hệ biện chứng giữa
cá nhân và tập thể”, đập tan sự xuyên tạc của bọn phản động thù địch, bác
bỏ luận điệu: “người theo chủ nghiã xã hội là chịu chối bỏ tình cảm, không
nhìn nhận sự hiện diện cuả cái tôi, xem cá nhân chỉ là con số không”[3,26].
Tạp chí Văn học và tạp chí Sân khấu cũng đã đăng tải nhiều bài viết
nghiên cứu khía cạnh nội dung phản ánh và hình thức biểu hiện của kịch
Lưu Quang Vũ. Có thể kể đến Phan Trọng Thưởng với bài: “Kịch Lưu
Quang Vũ – những trăn trở về lẽ sống, lẽ làm người” (Tạp chí Văn học số
5/1986); Nguyễn Đức Lộc với “Năm sân khấu 1985 bước đi lên vững
chắc” (Tạp chí Nghiên cứu sân khấu 2/1986); Phong Lê với bài “Văn xuôi
Lưu Quang Vũ – cầu nối giữa thơ và kịch” (Tạp chí Văn học 2/1989)…
Trên tạp chí Văn học số tháng 1 năm 1986, Tất Thắng nêu một trong
những nguyên nhân thành công của vở Tôi và chúng ta và một số vở kịch

khác: “Sức hấp dẫn mà kịch đạt được do sự nhạy bén, kịp thời mà có thể nói
là đúng lúc của đề tài mà kịch diễn tả”[4, 73], Tất Thắng cũng khẳng định
vở kịch có sức âm vang mãi mãi và sẽ tồn tại với thời gian: “Giá trị lâu dài
của tác phẩm phụ thuộc vào tính nhân đạo cao cả và tính triết lý sâu sắc của
vấn đề mà nó đặt ra” [4, 74 ]. Trên tạp chí Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh
(số 1/1986), Vũ Hải giới thiệu những nhà soạn kịch đạt được huy chương
vàng hội diễn sân khấu, trong đó Lưu Quang Vũ là người trẻ nhất, chính


9
“chất văn học” [5,10] đã tạo nên sức hấp dẫn cho kịch của anh. Krítxtian
Hốtsơ đã gọi anh là “Môlie ở Việt Nam (…) với ngòi bút chua cay, với
khuynh hướng sâu sắc chống chủ nghiã xu thời”[6,162].
2.2. Ngày 29 tháng 8 năm 1988, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cùng vợ
là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ qua đời vì tai nạn giao
thông giữa lúc tài năng đang nở rộ. Các phương tiện truyền thông trên cả
nước đồng loạt báo tin buồn. Sự ra đi đột ngột của gia đình người nghệ sĩ tài
hoa là một sự mất mát lớn đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà. Tạp chí
Sân khấu từng đăng nhiều bài viết tưởng nhớ anh. Lượng bài báo viết về
kịch của anh nhiều hơn trước. Trong một bài báo ngắn, Trần Quế giới thiệu
vắn tắt về Lưu Quang Vũ và nêu lên hiện tượng: “nhiều vở của anh được
nhiều đoàn dàn dựng cùng một lúc dưới nhiều hình thức kịch, chèo, cải
lương… Anh đã được tặng giải thưởng văn học kịch bản sân khấu của Hội
nhà văn…Báo chí thế giới: Nữu Ước thời báo, Pari matxơ, báo Takahata
của Đảng cộng sản Nhật, tạp chí Sân khấu và báo Sự thật Liên Xô…đã viết
về anh, coi anh như một trong những nhà viết kịch đang đứng hàng đầu của
nền sân khấu Việt Nam” [7,17].
Chỉ vài tháng sau khi Lưu Quang Vũ qua đời, cuốn sách Lưu Quang
Vũ – một tài năng, một đời người do Vũ Hà – Ngô Thảo biên soạn, Nhà
xuất bản Văn hóa thông tin ấn hành đã ra mắt bạn đọc. Cuốn sách đem đến

cho người đọc một hình dung khá rõ nét về con đường sáng tạo nghệ thuật
của Lưu Quang Vũ, đồng thời cũng là những tình cảm chân thành nhất, xúc
động nhất mà các bạn đồng nghiệp đã dành cho anh qua từng trang viết.
Mười năm sau ngày anh mất, trong cuốn sách “Một số gương mặt
văn chương học thuật Việt Nam hiện đại”(xuất bản năm 1998 ), Phong Lê
phác thảo chân dung và sự nghiệp của 54 tác giả có góp phần vào tiến trình
hiện đại hóa đời sống văn chương và học thuật của thế kỷ XX. Theo Phong
Lê, “những năm 80 Vũ đạt được rất nhiều vinh quang trong kịch trường. Vũ
liên tục dành các đỉnh cao có lúc đến chóng mặt. Cũng có thể nói ngọn đuốc
Lưu Quang Vũ trở nên rực sáng trong bầu trời sân khấu…Kịch trường
không còn Vũ nhưng vẫn còn các vở của Vũ…”[8,423]. Phần giới thiệu Lưu


10
Quang Vũ chỉ có vài trang, nhưng đọc cuốn sách của Phong Lê, những
người yêu mến thể loại kịch không khỏi tò mò muốn tìm hiểu xem kịch bản
của Lưu Quang Vũ như thế nào mà anh đã được xem như một tác giả tiêu
biểu nhất trong giai đoạn văn học kịch thế kỷ XX.
Trong cuốn sách Lý luận văn học - vấn đề và suy nghĩ (xuất bản
1999) của Nguyễn Văn Hạnh và Huỳnh Như Phương, ở cuối phần Lý thuyết
chung về đặc điểm của thể loại kịch, cái tên Lưu Quang Vũ đã được nhắc
đến như một dẫn chứng để minh họa: “Kịch là một thể loại khó… một kịch
bản tồi thì khó lòng tạo nên một vở diễn có giá trị được. Chính vì vậy mà
nhiều nhà văn có thể thử bút ở nhiều lĩnh vực như thơ, truyện, kí, luận,
nhưng ít dám liều nhảy sang kịch và thật sự trở thành một tác gia kịch.
Trong nền văn học hiện nay của ta, Lưu Quang Vũ là một trường hợp hiếm
có. Anh là một tên tuổi có vị trí xứng đáng cả trong thơ, truyện và kịch”[9,
107].
2.3. Năm 2000, Lưu Quang Vũ vinh dự được nhà nước trao tặng Giải
thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho cụm tác phẩm Tôi và

chúng ta và Lời thề thứ 9.
Năm 2001, Lưu Khánh Thơ đã tuyển chọn nhiều bài viết về Lưu
Quang Vũ, in thành cuốn sách: “Lưu Quang Vũ – tài năng và lao động
nghệ thuật”. Trong cuốn sách đó, Ngô Thảo cho bạn đọc biết rằng: Đạo
diễn Nguyễn Đình Nghi đã từng cộng tác với Lưu Quang Vũ tám vở diễn.
“Điều mà nhà đạo diễn có kinh nghiệm thích và quý ở Vũ, đó là trong kịch,
anh luôn có những chi tiết đa nghĩa, đạo diễn muốn nhấn mạnh, cắt nghiã về
phía nào cũng có lý, nên phải rất thận trọng để không làm nghèo mất ý
nghiã của chi tiết kịch”[6,142]. Bản thân Ngô Thảo thì cảm thấy thích thú
khi được xem một số chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong kịch bản và Lưu
Quang Vũ qua quá trình sáng tạo vẫn biết lắng nghe ý kiến của những nhà
nghệ sĩ khác để đúc rút thêm kinh nghiệm cho bản thân. Cho nên anh trưởng
thành nhanh chóng so với thời gian đầu khi mới viết kịch: “Lưu Quang Vũ
thường cho nhân vật nói đến cạn lời, nói cả những điều đáng lẽ ra phải cho
khán giả tự rút ra từ toàn bộ tình huống kịch…Nhưng cùng với thời gian,


11
các vở diễn đã mang thêm sức chở, chứa được nhiều suy nghĩ của tác giả về
cuộc sống” [6,148 ]
Ở bài viết “Thể loại bi kịch trong văn học Việt Nam thế kỷ XX” (số
tháng 5 - 2001, tạp chí Văn học) Phạm Vĩnh Cư nhắc đến Lưu Quang Vũ
như một “kịch gia tiêu biểu” mà hai kịch bản Nguồn sáng trong đời và Hồn
Trương Ba, da hàng thịt đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng.
Theo ông “di sản kịch của Lưu Quang Vũ đồ sộ về khối lượng, phong phú về
nội dung, đa dạng về thể tài và phong cách, còn chờ đợi được nghiên cứu kỹ
lưỡng , toàn diện (đáng tiếc, nhiều kịch bản của anh vẫn chưa được in, làm
khó công việc nói trên). Không phải tất cả các sáng tác kịch của Lưu Quang
Vũ đều là những thành công cao - mà cũng thật khó chờ đợi điều này ở một
tác gia viết nhiều đến thế trong một thời gian ngắn đến thế - nhưng một số

kịch phẩm rõ ràng đã vượt qua thử thách của thời gian và sẽ có cuộc sống
dài lâu trong văn học và trên sân khấu nước nhà” [10, 32].
Trên Tạp chí Văn học số 7 - 2001 ở bài viết nhan đề: “Kịch nói giai
đoạn từ sau cách mạng tháng tám đến nay”, tác giả Đình Quang đã phác
thảo đôi nét về kịch nói sau 1975. Ông cho rằng: “Hội diễn sân khấu năm
1985 quả là một trang chói lọi của kịch nói và sân khấu nói chung sau hòa
bình…Nghệ thuật cách mạng tới đây mới ghi dấu một chiến thắng quyết
định đối với khán giả miền Nam”[11,10]. Trong những năm tháng đó “theo
quy luật, một thế hệ tác giả mới xuất hiện, tiêu biểu nhất là Lưu Quang
Vũ”[11,11].
Nhà nghiên cứu Phan Trọng Thưởng trong bài viết: “Văn học kịch
thời kỳ 1975 - 1985 và những vấn đề xã hội hậu chiến” (in trên tạp chí Văn
học số 10 - 2003) đã điểm qua các kỳ hội diễn sân khấu toàn quốc trong
khoảng 10 năm và đưa ra những luận điểm tổng quát, khách quan. Theo
Phan Trọng Thưởng thì “đội ngũ viết kịch (thời kỳ 1975 - 1985) tuy không
nhiều nhưng lại mạnh. Họ tỏ ra có tư chất và tài năng”. Lưu Quang Vũ
được xem là một trong số những “tác giả nổi trội”. Tổng hợp các nhận định
về kịch của Lưu Quang Vũ, Phan Trọng Thưởng đã viết: “Có những người
từ góc độ xã hội học cho rằng kịch của Lưu Quang Vũ hay bởi nó đáp ứng


12
yêu cầu thời sự, được cả xã hội quan tâm, đưa được lên sân khấu những vấn
đề quan thiết, nóng bỏng của thực tiễn đời sống…Cũng có người từ góc độ
sáng tác mà cho rằng Lưu Quang Vũ đã gặp đất. Lại có không ít người từ
phía chủ thể nghệ sĩ cho rằng đó là kết quả của tư chất thông minh, của tinh
thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, cần mẫn, của trách nhiệm người nghệ
sĩ – công dân”[12,339].
Nhà nghiên cứu Lưu Khánh Thơ trong cuốn Lưu Quang Vũ – tác
phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Sân khấu, 2003) đã

nhận định: Trong lịch sử sân khấu nước ta, thời kỳ của Lưu Quang Vũ có lẽ
là thời kỳ sôi động, giàu sức sống nhất, thu hút đông đảo người xem nhất.
Những năm 80, kịch của Lưu Quang Vũ xuất hiện đã làm thay đổi tư duy
của người biểu diễn, cũng như của công chúng yêu mến sân khấu.
Đình Quang, Vũ Quang Vinh, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đỗ Chu, Doãn
Châu, Định Nguyễn, Tôn Thảo Miên, Phong Lê cũng nhiều lần nhắc tới tên
anh như một “hiện tượng xuất sắc, tiêu biểu của kịch trường Việt Nam
những năm 80” [8,433].
Đề cập tới xung đột kịch có bài báo của Hà Diệp, tác giả này cho rằng
xung đột trong vở Tôi và chúng ta là “xung đột giữa các phương pháp quan
liêu với đường lối mới”[14,36]. Còn Cao Minh thì đánh giá cao nhiều kịch
bản và có ấn tượng sâu sắc về ý nghiã “ẩn dụ” của “cuộc đấu tranh hết sức
khốc liệt, phức tạp giữa phần hồn và phần xác”[6,175] trong vở Hồn
Trương Ba da hàng thịt.
Phan Trọng Thưởng viết về “tính dự báo” và thừa nhận rằng Lưu
Quang Vũ cùng với các nghệ sĩ “đã góp phần đề xuất được những vấn đề
lớn với Đảng và Nhà nước để từ đó hoạch định chiến lược đổi mới làm thay
đổi diện mạo đất nước” [12,248]. Cùng ý kiến với Phan Trọng Thưởng là
Vũ Hà trong bài báo “Tôi và chúng ta và Lưu Quang Vũ”, tác giả này cho
rằng “mùa hè năm 1984, Lưu Quang Vũ đã dự báo, một dự báo đầy dũng
khí, thực tiễn và táo bạo”[6,178]. Tuấn Hiệp còn phát hiện ra cái hay là ở
chỗ kịch Lưu Quang Vũ “không mang những tình tiết dễ dãi và giả
tạo”[6,188].


13
Nhiều tác giả có những bài viết ngắn, bàn về nghệ thuật xây dựng
nhân vật kịch. Ngô Thảo xem đấy là “biệt tài” [38,147] của Lưu Quang Vũ.
Đạo diễn Phạm Thị Thành cảm thấy “các nhân vật của anh rất hiện
thực”[6,251]. Ngô Sơn xem các nhân vật tiêu cực hành động và liên tưởng

đến những “bộ mặt tiêu cực có hạng mà… báo chí đã vạch mặt chỉ
tên”[6,183]. Vũ Hà công nhận Lưu Quang Vũ từng sáng tạo được những
“tính cách sắc sảo, quyết liệt”[6,178]. Phạm Vĩnh Cư yêu mến hai nhân vật
“bi kịch” Toàn (Nguồn sáng trong đời) và Trương Ba (Hồn Trương Ba da
hàng thịt)- một “bi hài kịch đặc sắc được công chúng trong và ngoài nước
tán thưởng”[10,34].
Tất Thắng, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyễn
Đình Nghi đọc thấy trong ngôn ngữ kịch Lưu Quang Vũ đôi chỗ “hóm
hỉnh”, giàu “chất triết lý”, “tinh tế” làm lòng người xúc động. Ngô Thảo
cũng thừa nhận ngôn ngữ của nhân vật không chỉ “tự nhiên, gọn, sáng sủa”
mà còn “nhiều lớp lang ý tứ”. Tuấn Hiệp gọi đây là thứ ngôn ngữ “dung dị,
đậm chất dramatic” với những màn, lớp đối thoại “dường như đưa khán giả
vào cuộc tự vấn lương tâm”[6,189].
Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu
toàn diện về kịch Lưu Quang Vũ. Tuy nhiên, các bài viết, các công trình
nghiên cứu trên đã đặt nền móng ban đầu, đồng thời là những gợi ý quan
trọng cho người viết để học tập, kế thừa và phát triển trong quá trình viết
luận văn.
3. Mục đích nghiên cứu
Luận văn tập trung tìm hiểu hệ thống đề tài, cảm hứng, thế giới nhân vật
cũng như những nét độc đáo về mặt nghệ thuật của kịch Lưu Quang Vũ.
Đồng thời, luận văn cũng đặt ra nhiệm vụ tìm hiểu những giá trị nội dung và
nghệ thuật của kịch Lưu Quang Vũ ở thời điểm tác phẩm ra đời, cũng như ở
thời điểm hiện tại. Trên cơ sở đó, luận văn chỉ ra vị trí và những đóng góp
của kịch Lưu Quang Vũ đối với nền sân khấu nói riêng và nền văn học nghệ
thuật nói chung.
Qua nghiên cứu nghệ thuật kịch Lưu Quang Vũ, đánh giá những thành


14

công và hạn chế của tác giả này, luận văn cũng có thể được xem như một
trong những tài liệu cung cấp thêm kinh nghiệm về công việc sáng tác kịch
để người muốn đi vào con đường sáng tác xem xét tham khảo. Từ hiện
tượng Lưu Quang Vũ, luận văn nêu những cảm nhận ban đầu về việc sáng
tác và thưởng thức văn học kịch; góp phần chuẩn bị tư liệu cho những công
trình nghiên cứu tổng quát về lịch sử phát triển thể loại kịch nói Việt Nam
giai đoạn sau 1975 - một vấn đề đang được đặt ra cho các nhà nghiên cứu -
phê bình quan tâm đến thể loại văn học kịch.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Do điều kiện hạn chế về thời gian nên luận văn chỉ tập trung nghiên cứu
nội dung và nghệ thuật kịch, các yếu tố cấu thành giá trị thẩm mỹ, giá trị tư
tưởng của kịch Lưu Quang Vũ. Đồng thời, vì số tư liệu văn bản tác phẩm
còn lại chỉ có hạn, luận văn chủ yếu khảo sát một số kịch bản từng đạt giải
cao như Tôi và chúng ta, Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lời thề thứ chín,
Nguồn sáng trong đời, Bệnh sĩ, Người tốt nhà số 5, Ông không phải là bố
tôi. Bên cạnh đó cũng tìm hiểu một số kịch bản gần đây còn được dàn dựng
lại như Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Tin ở hoa hồng, Đường bay, Điều
không thể mất, Linh hồn của đá…
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn khảo sát những tư liệu tìm được trên cơ sở vận dụng phép
duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Phương pháp lịch sử cụ thể tìm hiểu
bối cảnh xã hội - chính trị thời kỳ 1975 - 1985, trước đại hội Đảng lần thứ
VI để thấy được những ảnh hưởng, tác động của thời đại đến nhà viết kịch,
tìm ra những điểm tiến bộ và xác định vị trí của anh trên văn đàn. Xét theo
phương thức tái hiện đời sống, kịch có những nét đặc thù riêng, khác với loại
trữ tình và loại tự sự. Những điểm khác biệt về loại thể văn học cũng được
lưu tâm để tìm hiểu, khám phá ngôn từ biểu đạt mà tác giả Lưu Quang Vũ
chọn dùng trong một số văn bản thoại kịch. Đồng thời luận văn cũng kết hợp
sử dụng một số phương pháp khác, trong đó có các phương pháp :
Phương pháp so sánh ( đồng đại, lịch đại ) được dùng để có một vài

đoạn đối chiếu kịch bản văn học của Lưu Quang Vũ với một vài tác giả thời


15
trước 1945 hoặc tác giả kịch bản cùng thời để thấy phong cách riêng, cá tính
sáng tạo va mức độ đóng góp của Lưu Quang Vũ cho thể loại văn học kịch.
Phương pháp thống kê: Để hiểu rõ đặc điểm nghệ thuật thể hiện trong
từng kịch bản văn học, cũng cần thống kê và đưa ra những cứ liệu cụ thể
trong quá trình nghiên cứu để làm cơ sở vững chắc cho các luận điểm thêm
sức thuyết phục.
Luận văn cũng sử dụng các thao tác phân loại, phân tích, tổng hợp để
dẫn dắt vấn đề cụ thể, chân xác.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, Nội dung luận
văn gồm có 3 chương:
Chương 1: Thế giới quan và cảm hứng nghệ thuật trong kịch Lưu Quang Vũ
Chương 2: Thế giới nhân vật trong kịch Lưu Quang Vũ
Chương 3: Thủ pháp nghệ thuật kịch Lưu Quang Vũ



















16

CHƯƠNG 1: THẾ GIỚI QUAN VÀ CẢM HỨNG NGHỆ
THUẬT TRONG KỊCH LƯU QUANG VŨ

1.1. Vị trí của Lưu Quang Vũ trong văn học kịch Việt Nam những
năm 80 ( thế kỷ XX)
1.1.1. Bối cảnh lịch sử - xã hội Việt Nam những năm 80 của thế kỷ
XX
Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 là một mốc son trong lịch sử dân
tộc, toàn dân tưng bừng hân hoan mừng ngày thống nhất. Nhưng ngay sau
chiến thắng vinh quang đó là giai đoạn kinh tế khủng hoảng trầm trọng, đời
sống nhân dân vô cùng khó khăn. Mười năm đầu sau giải phóng, đất nước
hoang tàn vừa chạy chữa những vết thương chiến tranh, vừa phải đối mặt với
cuộc bao vây kinh tế, chống phá cách mạng của những thế lực thù địch. Kẻ
thù không để cho nhân dân ta có được một ngày nào yên ổn. Chưa hết chiến
tranh biên giới Tây Nam lại nảy sinh chiến tranh biên giới phía Bắc, an ninh
vùng biên giới, quần đảo thường xuyên bị đe dọa. Quan hệ với một số nước
láng giềng nhiều lúc vô cùng căng thẳng. Số phận nhân dân càng thêm điêu
đứng vì thiên tai lũ lụt.
Bên cạnh đó, chúng ta lại nóng vội công hữu hoá tư liệu sản xuất, chỉ
duy trì hình thức kinh tế quốc doanh và cơ chế bao cấp của thời chiến, bất kể
những nguyên tắc quản lý quan liêu đã lỗi thời, không còn phù hợp với sự
vận động không ngừng của hiện thực cuộc sống. Nhận thức về những vấn đề

lý luận nền tảng, về chủ nghiã Mác - Lênin còn nhiều bất cập và vận dụng
chưa phù hợp vào thực tiễn riêng của nước ta, cho nên suốt mười năm sau
chiến tranh, ta vẫn duy trì mô hình kinh tế bao cấp, phủ nhận sản xuất hàng
hóa, phủ nhận quy luật giá trị, dẫn đến kìm hãm sự phát triển của lực lượng
sản xuất.
Vấn đề giá–lương-tiền là một khâu mắt xích quan trọng chi phối toàn
bộ đời sống nhân dân nhưng trong khoảng mười năm sau chiến tranh vẫn


17
chưa tìm ra hướng giải quyết thỏa đáng. Chính sách cung cấp cho nhân dân
bằng tem phiếu diễn ra trong suốt một thời gian dài. Mỗi hộ nông dân đều
được phân phối xăng dầu với giá ưu đãi để chạy máy cày, máy gặt nhưng đa
số nông dân đều bán tiêu chuẩn xăng dầu của họ cho tư thương, còn bản thân
thì làm ruộng theo kiểu “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Công nghiệp,
nông nghiệp khó có cơ hội phát triển. Mỗi năm, nhà nước phải bù lỗ hàng
ngàn tỉ đồng.
Những kẻ đầu cơ, tư thương khai thác chênh lệch giá thì ngày càng
giàu thêm. Ở nông thôn, cách làm ăn theo con đường hợp tác xã nông nghiệp
cũng nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, bất công. Việc cải thiện đời sống
cho nhân dân và tìm một cung cách làm ăn theo kiểu thời bình đã trở thành
vấn đề vô cùng bức thiết.
Ở thời bình, ranh giới giữa các mặt đối lập cũng không rõ ràng như
xưa, cuộc đấu tranh với cái ác, cái xấu không những không mất đi mà ngày
một căng thẳng hơn, không loại trừ cả việc mỗi người phải đấu tranh với
chính bản thân mình. Thời bom đạn, tổn thất về tài lực, vật lực dễ dàng nhìn
thấy ngay trước mặt. Nhưng khi trở lại hòa bình, những tổn thất của về vật
chất lẫn tinh thần đôi khi không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Vấn đề đạo
đức nhân sinh có rất nhiều điều đáng lo ngại, nhiều giá trị xã hội đã biến đổi.
Song từ đường lối chính sách cho đến những hoạt động thực tiễn đều trở nên

trì trệ, lỗi thời, ngưng đọng.
Công cuộc đổi mới được Đảng tích cực triển khai từ nghị quyết đại
hội Đảng lần thứ VI (1986), xóa bỏ hình thái kinh tế tập trung quan liêu bao
cấp vì mục đích thúc đẩy kinh tế phát triển, tất cả để dân giàu, nước mạnh,
tiến tới công bằng, dân chủ, văn minh, tiến bộ. Từ đại hội VI trở đi, đất nước
đã có rất nhiều đổi thay về mọi mặt với rất nhiều thành tựu.

1.1.2. Tình hình văn học nghệ thuật Việt Nam những năm 80 của
thế kỷ XX
Thời kỳ từ 1975 đến năm 1985, các thể loại thơ trữ tình, truyện ngắn,
tiểu thuyết về cơ bản vẫn không có gì khác trước. Dưới sự lãnh đạo của


18
Đảng, văn học tiếp tục tập trung làm nhiệm vụ chính trị. Những tác giả theo
đuổi đề tài chiến tranh vẫn tiếp nối khuynh hướng sử thi và cảm hứng anh
hùng ca, lấy những vấn đề xã hội - lịch sử làm nội dung khai thác chủ yếu,
chọn đối tượng là cộng đồng để miêu tả và phân tích một cách đầy lạc quan.
Tuy nhiên các tác giả cũng nhận thức được rằng không thể viết về chiến
tranh theo những mô-típ cũ, ý thức nghệ thuật của các nhà văn đang dần dần
biến đổi.
Trước đây, văn học sáng tác theo đề tài chiến tranh thường xây dựng
những biểu tượng lý tưởng về con người, miêu tả phẩm chất con người và
kết thúc tác phẩm theo như ta mong muốn. Đến thời điểm đầu thập niên 80,
các tác phẩm phản ánh hiện thực chiến tranh đã gắn chủ đề đó với việc phản
ánh cuộc sống đời thường để bình luận, cảm nhận nỗi đau của số phận con
người buộc phải đi qua chiến tranh. Song cho đến năm 1983, tiểu thuyết viết
về đề tài chiến tranh vẫn chưa có sự thay đổi lớn. Theo báo cáo bổ sung ở
Đại hội nhà văn lần thứ III về các sáng tác văn xuôi đề tài chiến tranh thì
“Những tác phẩm viết về chiến tranh cho đến nay mới chỉ biết năm mà chưa

biết mười, biết một địa phương, một chiến trường mà chưa biết hết cái toàn
cuộc, biết được hành động ở phía dưới mà chưa biết những điều ở bên trên,
biết rõ về ta mà chưa biết rõ về địch, biết được cái hiện tại mà chưa biết
được cái âm vang của nó trong những thế hệ mai sau”. Các nhà tiểu thuyết
còn dè dặt trong việc miêu tả những mặt chưa hoàn thiện của cuộc sống quá
độ đi lên chủ nghiã xã hội. Thể loại truyện ngắn và thơ cũng rơi vào tình
trạng “một giọng” đơn điệu, chưa để lại dấu ấn sâu sắc cho người đọc.
Đến năm 1986 - năm diễn ra Đại hội Đảng lần thứ VI, Tổng Bí thư
Nguyễn Văn Linh đã tuyên bố rằng cánh cửa đại hội VI đã mở ra, văn nghệ
sĩ được cởi trói. Nhưng văn học kịch đã đi trước đó một bước, tạo được tiếng
vang ngay từ trước đại hội VI. Năm 1979, ở hội nghị họp mặt các đạo diễn
sân khấu, “một trong những vấn đề được đưa ra bàn bạc là sự đơn điệu, gần
như một kiểu giống nhau giữa các vở diễn, và những tác giả, đạo diễn đã
thúc giục nhau tìm tòi sáng tạo”[15,69]. Những năm tiếp theo sau đó, bối
cảnh xã hội đặt ra nhiều vấn đề bức xúc như cơ chế quản lý, cơ chế phân


19
phối, quan hệ của người nông dân với ruộng đất, hay vấn đề quyền lợi của
từng người lao động bình dân.v.v… Nhiều mâu thuẫn tiềm ẩn trong cuộc
sống đã đến lúc chín muồi cần phải được giải quyết. Có lẽ đó chính là cơ sở
hiện thực và cơ sở mĩ học cho sự ra đời hàng loạt những tác phẩm kịch giàu
tính luận chiến, xuất phát từ cảm hứng của những nghệ sĩ công dân yêu
nước, quan tâm đến vận mệnh của nhân dân. “Nhìn sang kịch nói, có thể
khẳng định được sự phát triển mạnh mẽ và tương đối đồng bộ của loại hình
sân khấu đang chiếm vị trí chủ đạo…Mỗi vở diễn đã thực sự góp một tiếng
nói riêng bởi trong đó thể hiện đầy đủ thái độ, lập trường, tình cảm và quan
niệm của người nghệ sĩ trước hiện thực đời sống. Các nghệ sĩ đã tỏ ra năng
động, sáng tạo, mạnh dạn khi nhìn về cái thiện , cái ác, lẽ phải và sự công
bằng trong xã hội. Một số vở đã có tiếng nói kịp thời và tích cực về vấn đề

phải thay đổi cơ chế quản lý, thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá con người
trong xã hội mới” [16, 684].
So với tiểu thuyết, truyện ngắn và thi ca, những năm 80 (thế kỷ XX),
văn học kịch đã thực hiện cuộc bứt phá táo bạo. Đề tài xây dựng chủ nghiã
xã hội trở thành khuynh hướng sáng tác nổi bật. Thế hệ những nhà soạn kịch
trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ tiếp tục khẳng định vị thế trong
thể loại kịch là: Đào Hồng Cẩm, Học Phi, Hoài Giao, Lộng Chương,
Nguyễn Vũ, Tất Đạt, Thanh Hương, Xuân Trình… Nhiều vở kịch tạo được
ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng như: Tiếng hát (Đào Hồng Cẩm),
Nhân chứng và lịch sử (Hoài Giao), Mùa hè ở biển (Xuân Trình), Đừng
vội hát tình ca, Đỉnh cao mơ ước (Tất Đạt), Thung lũng tình yêu, Vàng
(Thanh Hương), Hoa và cỏ dại, Hà Mi của tôi (Doãn Hoàng Giang), Tôi và
chúng ta, Nguồn sáng trong đời (Lưu Quang Vũ).v.v
Qua nhiều năm theo dõi diễn tiến của thể loại văn học kịch, tác giả
Phan Trọng Thưởng đã nhận định: “Mãi đến năm 1985, nghiã là sau khi giải
phóng miền Nam mười năm, cũng là thời kỳ kịch nói cực thịnh, các đoàn
nghệ thuật và các nhà hát kịch nói miền Bắc mang năm vở tiêu biểu: Tôi và
chúng ta, Nữ ký giả (Lưu Quang Vũ ), Đỉnh cao mơ ước (Tất Đạt ), Mùa
hè ở biển (Xuân Trình ), Nhân chứng và lịch sử (Hoài Giao) vào biểu diễn


20
ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thì công chúng Nam Bộ mới
có dịp làm quen và nhận thức một cách đầy đủ về kịch nói. Đó là một sự
kiện văn hóa có ý nghiã lớn” [12,187 ]. Nhà nghiên cứu văn học Vũ Quang
Vinh cũng đã có nhận định tương tự trong một bài báo nhan đề : “Vài nét về
sự phát triển của kịch nói ba mươi năm qua (1954 - 1984)” đăng trên tạp
chí Nghiên cứu nghệ thuật số 1 năm 1985. Những năm 80 cuả thế kỷ XX là
“thời kỳ phát triển nhất, khởi sắc nhất của kịch nói, nếu đem so với hai thời
kỳ trước (1954 - 1964 và 1965 - 1975) .Với sự tăng tiến cả về số lượng và

chất lượng các tiết mục, cũng như sự mạnh dạn và phong phú trong những
đổi mới , tìm tòi sáng tạo, nên chúng ta vui mừng vì đã có một nền kịch nghệ
tương đối hoàn chỉnh”.
Kể từ hội diễn nghệ thuật năm 1985, kịch theo đó mà sinh sôi, đơm
hoa kết trái, thậm chí nó có phần hơi trội hơn các thể loại sân khấu dân gian
truyền thống, “lần đầu tiên công chúng phía Nam được chứng kiến sức công
phá mới của nghệ thuật, chứng kiến sự can dự tích cực của sân khấu vào
những vấn đề chính trị - xã hội lớn lao trong đời sống tinh thần chung của
đất nước. Có lẽ đó là nguồn sinh khí mới để kịch nói tồn tại và phát triển
được ở các tỉnh và thành phố Nam Bộ - lãnh địa thiêng liêng của nghệ thuật
cải lương. Với sự xuất hiện của kịch nói, một tập quán thưởng thức nghệ
thuật mới, một thị hiếu nghệ thuật mới đã hình thành, phá vỡ thế độc tôn của
cải lương và hát bội, tạo cho kịch nói một diện mạo mới, một phạm vi ảnh
hưởng mới trong cả nước” [12,30]. Nhìn một cách tổng thể hoạt động nghệ
thuật kịch nổi bật ở thời gian này, Trần Quốc Vượng nhận xét: “Không có
hiện tượng giải thể, trốc rễ văn hóa nhưng có hiện tượng sụt giá, giảm giá
của sân khấu tuồng, chèo và múa rối cổ truyền trước áp lực của sân khấu
kịch nói” (Tạp chí Sân khấu số 62 tháng 11/1985).
Sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị trung ương Đảng đã
thúc đẩy một bước tiến trình phát triển văn học. Nghị quyết của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng họp lần thứ IV cũng ghi rõ cần “khuyến khích sự đổi
mới, sự sáng tạo cái mới chân chính”. Trong bức thư gửi các nhà văn nhân
dịp Đại hội hội nghệ sĩ lần II (năm 1984) đồng chí Phạm Văn Đồng cũng đã


21
kêu gọi: “Nhà văn hãy tự tháo gỡ những cái vướng mắc của mình, của từng
người và của cả đội ngũ. Chính những vướng mắc này, mấy năm qua đã
khiến cho nhiêù nhà văn dưới tầm, có lúc như chưa lao được vào cuộc
sống”. Có thể nói kể từ khi có chính quyền chuyên chính cho đến thời điểm

1986, chưa bao giờ người nghệ sĩ được tự do thực hiện quyền dân chủ như ở
thời gian này. Bên cạnh sự khuyến khích sáng tạo, sự quan tâm mở đường
của Đảng, các nhà viết kịch đã có ý thức trau dồi vốn sống, chịu khó tìm tòi
sáng tạo để đóng góp công sức vào thành tựu chung của dân tộc.
Thành tựu nghệ thuật văn học kịch ở những năm 80 sau ngày đất nước
thống nhất là một dấu son trong quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của
những nhà soạn kịch đương thời nói riêng và những người làm văn nghệ nói
chung. Trong một khoảng thời gian không dài (1980 – 1985) kịch đã đạt
được một số thành tựu nhất định, chất lượng của một số vở kịch chính là tiền
đề cho những thành công vang dội của hội diễn sân khấu năm 1985. Lưu
Quang Vũ đã đến với thể loại kịch rất đúng lúc, điều này giúp cho anh có cơ
may để phát huy năng lực của mình.

1.1.3. Lưu Quang Vũ trở thành một hiện tượng sân khấu tiêu biểu
Lưu Quang Vũ nổi tiếng là một nhà viết kịch tài hoa, nhưng đây
không phải là bước chân đầu tiên của ông trên con đường nghệ thuật. Năm
1968, độc giả làng thơ biết đến một Lưu Quang Vũ - nhà thơ qua tập thơ
“Hương cây - Bếp lửa” in chung với Bằng Việt. Tập thơ đầu tay của anh thể
hiện một cái nhìn đời hồn hậu, lạc quan, quay phía nào cũng thấy sự hài hoà
ưu ái… Anh bộ đội Lưu Quang Vũ trẻ trung, mơ mộng, trái tim dạt dào cảm
hứng hồn nhiên về Tổ quốc, về nhân dân. Mỗi chặng đường hành quân, mỗi
làng mạc đi qua như còn in dấu trong thơ anh với những cảm xúc thiêng
liêng trong trẻo, lạc quan, đầy tin cậy… Những năm ấy buồn vui riêng của
mỗi người đều hoà trong tình cảm chung của cả đất nước. Nhà thơ trẻ chưa
thấy và chưa có ấn tượng gì về sự rạn vỡ hay nghịch cảnh trong đời. Sự từng
trải, những chiêm nghiệm cá nhân chưa có ở Lưu Quang Vũ lúc này.
Nhưng khoảng thời gian đầu khi vừa xuất ngũ thì khác hẳn, Lưu


22

Quang Vũ đã trải qua những năm tháng lao đao vì công việc, vì tình yêu và
hạnh phúc gia đình tan vỡ. Nỗi cay đắng thấm vào giọng thơ anh khiến cho
không một nhà xuất bản nào dám in những tập thơ anh viết lúc đó. Cuộc
chiến tranh chống Mỹ ngày càng ác liệt. Những tiêu cực xã hội bắt đầu phát
sinh… Anh thấy cuộc đời lúc đó sao còn nhiều điều bất như ý, giống như
“cuốn sách xếp lầm trang”.“Có thể có một chút bi quan quá sớm nhưng
cũng đã thấy một cái gì như linh cảm trước thời cuộc. Mười bảy năm sau,
những chủ đề này sẽ trở lại trong kịch Lưu Quang Vũ, cố nhiên chín chắn
hơn, chừng mực hơn, nhưng rõ ràng nó đã được định hướng từ ngày ấy”
[17,761]. Một phần lớn thơ Lưu Quang Vũ vẫn ở dạng bản thảo. Sau khi anh
qua đời, ba tập thơ nữa mới lần lượt được xuất bản. Đó là tập: Mây trắng
của đời tôi, Bầy ong trong đêm sâu, Lưu Quang Vũ thơ và đời.
Năm 1979, Lưu Quang Vũ cùng với một số tác giả khác biên soạn tập
tiểu luận Diễn viên và sân khấu, sau đó anh lần lượt cho ra đời hai tập
truyện ngắn: Mùa hè đang đến (1983), Người kép đóng hổ (1984). Năm
1979 cũng là năm đầu tiên Lưu Quang Vũ hoàn thành kịch bản dài đầu tay:
Sống mãi tuổi mười bảy. Sau đó là những kịch bản: T.15 đi về đâu (1980 ),
Mùa hạ cuối cùng, song chưa thể gọi là thành công. Cho đến khi đoàn kịch
Hà Nội diễn vở Cô gái đội mũ nồi xám (1981), do đạo diễn Nguyễn Đình
Nghi dàn dựng thì kịch của Lưu Quang Vũ bắt đầu tạo được sự chú ý của
khán giả. Lần lượt nhiều kịch bản khác ra đời: Những ngày đang sống (viết
xong năm 1981, Đài Truyền hình Việt Nam dàn dựng năm 1983.). Kịch bản
Người tốt nhà số 5 (1981) dựng năm 1985, và đến đầu năm 2006, vẫn còn
được trình diễn lại nhiều lần trên sân khấu IDECAF.
Thời kỳ 1980 – 1985, văn học kịch đi tiên phong làm nhiệm vụ khai
vỡ mảnh dất hiện thực, nêu ra những vấn đề cốt lõi bức thiết, những nhu cầu
bức xúc của công chúng đối với xã hội, chuẩn bị cho một công cuộc đổi mới
đất nước mọi mặt toàn diện và sâu sắc. Lưu Quang Vũ đã tham gia tích cực
vào diễn đàn nghệ thuật, góp phần giương cao ngọn cờ tiên phong của thể
loại văn học kịch, đưa ra công luận các vấn đề nóng bỏng liên hệ đến cuộc

sống của người lao động chân chính. Nhà văn Nguyễn Khải từng nói: “Ở Sài


23
Gòn dịp này đi ngả nào cũng đụng phải kịch Lưu Quang Vũ” [6,220].
Những kịch bản văn học của anh đã được trình diễn trên khắp đất nước, nói
lên tiếng nói của đông đảo người lao động trước những vấn đề hiện thực gai
góc, bằng nhiều cách thể hiện khác nhau. Tiếng nói nghệ thuật từ kịch Lưu
Quang Vũ một thời đã trở thành người bạn đồng hành, hoà nhập vào cuộc
sống nhân dân để nắm bắt mạch đập và dòng chảy của thời đại.
Trong năm 1981, Lưu Quang Vũ đã hoàn thành kịch bản Hồn Trương
Ba da hàng thịt. Một số kịch bản được nhiều đoàn dàn dựng như “Thủ phạm
là ai?” (1982), “ Cây ngọc lan của Huyền” (1982), “Nàng Sita” (1982),
“Hoa xuyến chi” (1982),“Người trong cõi nhớ” (1982), “Nữ ký giả” (1983),
“Đường bay” (1984), “Tôi và chúng ta” (1984), “Hẹn ngày trở lại” (1984),
“Nguồn sáng trong đời” (1984), “Lời nói dối cuối cùng” (!985), “Ông vua
hóa hổ” (1985), “Tin ở hoa hồng” (1986), “Khoảnh khắc và vô tận” (1986).
Những kịch bản được trình diễn năm 1987 là:“Nêú anh không đốt lửa” ,
“Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Muối mặn đời em”, “Đam San”, “Chết cho
điều chưa có”. Những kịch bản ra mắt công chúng năm 1988 là: “Quyền
được hạnh phúc” , “Ông không phải bố tôi” , “Đôi đũa Kim Giao”, “Linh
hồn của đá”, “Lời thề thứ chín”, “Trái tim trong trắng”, Điều không thể
mất”, “Bệnh sĩ” . Cho đến cuối tháng 5 năm 2006, vở “Bệnh sĩ” vẫn thu hút
được nhiều khán giả đến sân khấu IDECAF.
Ngoài ra, Lưu Quang Vũ còn một số kịch bản ngắn như “Juy-li-et
không trẻ mãi”, “Đoàn thanh tra tới”, “Con tò te” .v.v… Con số hơn năm
mươi kịch bản gồm cả kịch nói và kịch hát đủ để chứng minh sức sáng tạo
cần cù và bền bỉ của nhà soạn kịch trẻ tuổi. Kịch bản cuối cùng còn ở trên
bàn làm việc , dưới dạng bản thảo chưa hoàn tất có nhan đề “Chim sâm cầm
không chết” . Với chúng ta, Lưu Quang Vũ cũng không chết. Tâm hồn đầy

nhiệt huyết, trẻ trung của anh vẫn còn đó, trong từng trang viết mà anh để lại
cho đời.
Lưu Quang Vũ không chỉ đóng góp cho sân khấu một khối lượng kịch
bản lớn ở tất cả các chủng loaị kịch nói, tuồng, chèo, cải lương mà trên
phương diện nghệ thuật viết kịch, anh đã để lại những bài học thật quý giá.


24
Sự góp mặt của Lưu Quang Vũ vào dòng kịch thời hậu chiến cùng với các
thế hệ đàn anh Đào Hồng Cẩm, Tất Đạt, Thanh Hương, Xuân Trình… đã tạo
nên không khí sôi động của kịch thời đó.
Lưu Quang Vũ là tác giả trẻ tuổi nhất được nhận phần thưởng cao
quý: giải thưởng Hồ Chí Minh. Từ năm 2000 đến nay, một số vở kịch của
Lưu Quang Vũ đã được các đoàn nghệ thuật dàn dựng lại. Trong khoảng gần
hai mươi năm kể từ ngày Lưu Quang Vũ mất, công chúng vẫn đến rạp để
xem kịch của anh do thế hệ diễn viên trẻ hôm nay dàn dựng. Thật hiếm thấy
tác giả nào mà kịch bản có được sức sống như thế.
Cuộc đời Lưu Quang Vũ khá ngắn ngủi nhưng với lòng nhiệt thành,
đam mê nghệ thuật và quan niệm sáng tác đúng đắn, anh đã xây dựng được
sự nghiệp văn chương phong phú ở cả ba thể loại trữ tình, tự sự và kịch.
Hoàn cảnh lịch sử - xã hội thời hậu chiến đã có tác động nhất định đến quá
trình sáng tác và nội dung tác phẩm của anh. Giai đoạn cuối đời, anh đặc biệt
thành công trong thể loại kịch và nhiều nhà nghiên cứu đã thừa nhận thành
công vang dội của kịch Lưu Quang Vũ trên văn đàn những năm 80 (thế kỷ
XX). Độ lùi thời gian cho phép chúng ta đi vào nghiên cứu, khảo sát những
văn bản kịch của anh như một việc cần làm để hình dung đầy đủ chân dung
tinh thần người nghệ sĩ tài hoa. Qua đó xác định những đóng góp nhiều mặt
của anh vào thành tựu chung của văn học hiện đại Việt Nam sau năm 1975.

1.2. Thế giới quan và cảm hứng nghệ thuật trong kịch Lưu Quang Vũ

Nói đến kịch Lưu Quang Vũ là người ta nghĩ ngay đến những vở kịch
mang đậm tính thời sự, phản ánh kịp thời những vấn đề đang nổi lên trong
bối cảnh đời sống xã hội lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, những triết lý nhân sinh
sâu sắc được gửi gắm qua từng lớp kịch cũng là điều làm nên giá trị cho
những vở kịch của anh. Những vấn đề thời sự đan dệt với những suy ngẫm
về lẽ sống, nhân cách và đạo đức con người, được hòa quyện trong một bầu
không khí đầy chất thơ… đã tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng của Lưu
Quang Vũ ở thể loại kịch nói. Trong thế giới nghệ thuật ấy nổi lên những
mảng đề tài mang đậm hơi thở của cuộc sống, của thời đại, và cảm hứng chủ


25
đạo là cảm hứng giàu giá trị hiện thực và giá trị nhân văn cao đẹp.

1.2.1. Tính thời sự là một đặc điểm nổi bật của kịch Lưu Quang Vũ
Có thể lý giải sự hình thành phẩm chất nhà viết kịch ở Lưu Quang Vũ
như là sự cộng lại của các yếu tố: nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà phê bình
sân khấu. Trong những cái nghiệp mà anh đã mang ấy, mỗi một công việc
đều góp phần tạo nên vẻ riêng biệt trong phong cách sáng tác kịch của anh
sau này. Song nghiên cứu kịch Lưu Quang Vũ, chúng ta nhận thấy rằng,
chính sự nhạy bén cùng với lối tư duy sắc sảo của một nhà báo đã góp phần
quan trọng hình thành nên nhà viết kịch Lưu Quang Vũ – tác giả của những
vở mang đậm tính thời sự. Phong cách của một nhà báo đã giúp anh viết nên
những tác phẩm phản ánh chân thực, sâu sắc những vấn đề nổi cộm và
những hiện tượng tinh thần chung đang diễn ra trong đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, sự ra đời kịp thời, có khi dồn dập những vở kịch còn
nóng bỏng tính thời sự, và nhất là việc nêu ra những vấn đề có khả năng làm
bùng nổ những cuộc tranh luận, có khi với những ý kiến trái ngược nhau đã
làm cho kịch Lưu Quang Vũ gây một tiếng vang lớn…
1.2.1.1. Chất hằng ngày tràn vào kịch bản

Ở Lưu Quang Vũ, sự xông xáo thâm nhập cuộc sống với thói quen
chú ý phát hiện từ đó những vấn đề có ý nghĩa mà người đương thời quan
tâm - cái thói quen mà anh đã rèn luyện từ những ngày đầu cầm bút, đã làm
nảy sinh trong anh cái “mầm mống chủ đề” của vở kịch sắp viết. Trong
hành trình nghệ thuật của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sau này, cái “mầm
mống” ấy đã trở thành cái lõi cho suy nghĩ sáng tạo, vừa ám ảnh, vừa soi
sáng cho anh. Nếu như trước kia, từ hiện thực cuộc sống phong phú, phức
tạp mà tác giả phát hiện ra vấn đề, thì bây giờ, đến lượt mình, cái vấn đề ấy
lại nổi bật lên, trở thành một quá trình chắt lọc, gạn đục từ trong sự đa dạng,
phong phú kia của cuộc sống những gì là cần thiết cho mình, như thể thỏi
nam châm chỉ hút những gì là sắt trong từ trường của nó. Những gì gọi là
cần thiết, là “sắt” cho “thỏi nam châm” ấy không phải chỉ được thu lượm,
góp nhặt sau một chuyến đi thực tế, đi công tác, từ những điều mắt thấy tai

×