Tải bản đầy đủ (.pdf) (113 trang)

Thi pháp truyện ngắn Nguyễn Tuân trước cách mạng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (926.88 KB, 113 trang )


1
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
  




TRẦN VĂN TRỌNG







THI PHÁP TRUYỆN NGẮN NGUYỄN TUÂN
TRƯỚC CÁCH MẠNG




LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC





HÀ NỘI - 2009


2
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN
  



TRẦN VĂN TRỌNG





THI PHÁP TRUYỆN NGẮN NGUYỄN TUÂN
TRƯỚC CÁCH MẠNG

Chuyên ngành: LÍ LUẬN VĂN HỌC
Mã số: 60.22.32


LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC



Người hướng dẫn khoa học:
PGS.TS. NGUYỄN THỊ BÍCH THU


HÀ NỘI - 2009


3
MỤC LỤC

Mục lục 1
Phần mở đầu 3
I. Lý do chọ đề tài 3
II. Lịch sử vấn đề 4
III. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 11
IV. Mục đích của Đề tài 12
V. Phương pháp nghiên cứu 12
VI. Cấu trúc của luận văn 12
Chương 1: Quan niệm nghệ thuật về con người 13
1.1. Một số vấn đề lí luận 13
1.2. Quan niệm về con người của Nguyễn Tuân trong truyện ngắn 15
1.3. Các kiểu nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Tuân 21
1.3.1. Nhân vật tài hoa nghệ sĩ 21
1.3.2. Nhân vật huyền thoại…………………… 31
Chương 2: Không gian và thời gian nghệ thuật 44
2.1. Không gian nghệ thuật 44
2.1.1. Một số vấn đề lí luận 44
2.1.2. Các kiểu không gian trong truyện ngắn Nguyễn Tuân 45
2.1.2.1. Không gian “cổ kính” 45
2.1.2.2. Không gian hư ảo 50
2.1.2.3. Không gian “xê dịch” 56
2.2. Thời gian nghệ thuật 59
2.2.1. Một số vấn đề lí luận 59
2.2.2. Các hình thức thể hiện thời gian trong truyện ngắn Nguyễn Tuân. 60
2.1.3.1. Thời gian dĩ vãng 60
2.1.3.2. Thời gian huyền thoại 63


4
2.1.3.3. Thời gian tâm tưởng, hoài niệm 65
Chương 3: Kết cấu - Giọng điệu và Ngôn ngữ 69
3.1. Kết cấu 69
3.1. Kết cấu tự do phóng túng 70
3.1. Kết cấu lồng ghép 75
3.2. Giọng điệu 77
3.1.1. Giọng điệu “khinh bạc” 79
3.1.2. Giọng điệu châm biếm 83
3.1.2. Giọng điệu trữ tình, hoài niệm 86
3.2. Ngôn ngữ nghệ thuật 90
3.2.1. Ngôn ngữ phóng túng, sáng tạo, đầy cá tính 91
3.2.1.1. Hệ thống từ ngữ hóm hỉnh, mới mẻ “kiểu Nguyễn Tuân” 91
3.2.1.2. Từ Hán Việt được sử dụng tinh tế, độc đáo 95
3.2.2. Ngôn ngữ so sánh giàu hình ảnh, âm thanh nhạc điệu 97
3.2.2.1. Ngôn ngữ so sánh giàu hình ảnh 97
3.2.2.2. Ngôn ngữ so sánh giàu âm thanh, nhạc điệu 99
Kết luận 103
Tài liệu tham khảo 106


5
PHẦN MỞ ĐẦU

I. Lý do chọn đề tài
1.1. “Tiếp nhận tác phẩm văn học chỉ khi nào chúng ta tiếp xúc được với
hình thức nghệ thuật của tác phẩm, cảm thấy sự hiện diện của nó, nhận ra nội
dung được thể hiện từ đó thì mới có thể cảm nhận được toàn vẹn tác phẩm nghệ
thuật” (Trần Đình Sử). Hướng nghiên cứu này được gọi là thi pháp học. Thi pháp
học là bộ môn cổ xưa nhất và đồng thời cũng là bộ môn hiện đại của khoa nghiên

cứu văn học. Sự xuất hiện của nó đem lại một không khí mới mẻ cho phong trào
học thuật cũng như nghiên cứu văn học trên thế giới trong nửa cuối thế kỷ XX.
Ở nước ta, hướng nghiên cứu này đã có vài thập niên trở lại đây nhưng và
thu hút được sự chú ý của đông đảo các nhà lí luận phê bình. Ở luận văn này
chúng tôi đi vào khảo sát truyện ngắn Nguyễn Tuân trước Cách mạng dưới góc độ
thi pháp học.
1.2. Trước Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Tuân là một hiện tượng văn học
phức tạp nhưng cũng gây được nhiều hứng thú. Nói như nhà văn Vũ Ngọc Phan
thì Nguyễn Tuân “là một nhà văn đứng hẳn ra một phái riêng, cả về lối văn lẫn về
tư tưởng”. Ông đã xây dựng cho mình một vị trí riêng, vững chắc, không dễ gì
thay thế được. Thật vậy, dù cho bạn đọc ở thế hệ cùng thời hay những con người
mai hậu khi tiếp xúc với các sáng tác (cũng như con người) Nguyễn Tuân đều có
những hứng thú và niềm say mê lạ kỳ với những tác phẩm “như có một dấu triện
riêng” này.
1.3. Các sáng tác của Nguyễn Tuân đã được chọn lọc đưa vào giáo trình, các
chuyên đề ở bậc Đại học và sách giáo khoa ở bậc Phổ thông. Nguyễn Tuân là một
trong những tác gia văn học lớn có nhiều cống hiến cho nền văn học nước nhà. Vì
vậy việc nghiên cứu toàn bộ các tác phẩm của Nguyễn Tuân nói chung và truyện
ngắn Nguyễn Tuân nói riêng dù ở giác độ này hay giác độ khác cũng là một sự
cần thiết để nhìn nhận và đánh giá toàn diện hơn về tác giả này.

6
1.4. Khi chọn vấn đề nghiên cứu văn học từ hướng tiếp cận thi pháp học là
chúng tôi lựa chọn một tiêu chí, một phương pháp, một cách thức để nhận diện
đối tượng mà cụ thể ở đây là truyện ngắn Nguyễn Tuân trước Cách mạng. Cũng
như bất kì một phương pháp nào, thi pháp học không phải là một “chiếc chìa khóa
vạn năng”, nó cũng có những điểm “khả thủ” và những hạn chế trong khi tiếp cận
đối tượng (đặc biệt đối với một nhà văn có phong cách vốn được xem là phức tạp
như Nguyễn Tuân). Vì vậy, chúng tôi không máy móc khi tìm hiểu và lí giải về
truyện ngắn Nguyễn Tuân.

II. Lịch sử vấn đề
Từ trước tới nay bài viết, công trình nghiên cứu và luận văn Thạc sĩ, luận án
Tiến sĩ về Nguyễn Tuân rất phong phú và đa dạng về cả số lượng và chất lượng.
Trong quá trình khảo sát tư liệu về Nguyễn Tuân, chúng tôi nhận thấy có ba kiểu
loại bài viết: Thứ nhất, là những bài viết về Nguyễn Tuân và các tác phẩm của
ông nói chung; thứ hai, là những bài viết về phong cách của Nguyễn Tuân được
thể hiện thông qua các tác phẩm cụ thể; và thứ ba là, các bài hồi ức và kỷ niệm về
Nguyễn Tuân; chúng tôi tạm thời chia ra làm ba thời kỳ: Trước Cách mạng; Từ
sau Cách mạng đến năm 1975 và Từ sau năm 1975 cho đến nay.
2.1. Trước Cách mạng
Trước khi tập truyện ngắn Vang bóng một thời làm nên tên tuổi của Nguyễn
Tuân ra đời, ông đã có một số truyện ngắn được đăng báo từ năm 1935 như
truyện ngắn đầu tiên Vườn xuân lan tạ chủ (Tiểu thuyết thứ bảy, 1935), rồi sau
đó là các truyện ngắn Mất cái ví (Đông Dương tạp chí, số 23 - 1937), Gỡ cái vạ
vịt (Đông Dương tạp chí, số 25 - 1937), Chiếc dĩa sứ Giang Tây (Đông Dương
tạp chí, số 26 - 1937), Một vụ bắt rượu lậu (Đông Dương tạp chí, số 29 - 1937),
Mười năm trời mới gặp lại cố nhân (Đông Dương tạp chí, số 34 - 1938), Đông
phương là Đông phương Tây phương là Tây phương (Đông Dương tạp chí, số
35 - 1938), Thời sự (Đông Dương tạp chí, số 36 - 1938). Khảo sát những truyện
ngắn này, chúng tôi thấy đã có sự định hình phong cách Nguyễn Tuân, khinh bạc,

7
sâu sắc, say mê nhưng nhiều chỗ cách dụng câu, đặt chữ còn mang đậm dấu ấn
truyền thống - câu văn biền ngẫu, đăng đối.
Tập truyện ngắn được in thành sách đầu tiên là Vang bóng một thời (viết tắt:
VBMT) được Tân Dân xuất bản năm 1940. Trước đó đã được đăng trên Tiểu
thuyết thứ bảy, Tao đàn, Hà Nội Tân văn, Trung Bắc chủ nhật… Thạch Lam có
thể cho là người đầu tiên phát hiện ra những nét độc đáo trong sáng tác của
Nguyễn Tuân trong bài viết “Đọc VBMT” (Ngày nay, số 212, ngày 15/06/1940).
Thạch Lam cho rằng Nguyễn Tuân đáng kính trọng bởi ông biết “yêu mến và than

tiếc những cái đã qua, và cố sức làm sống lại cả một thời xưa cũ, một thời gần
chúng ta quá, nhưng mà đối với chúng ta như đã xa lạ vì không ai gợi đến vẻ đẹp
và những cái cao quý riêng”. Sau rất nhiều những mĩ từ dành cho Nguyễn Tuân
và tập VBMT, ông đi đến kết luận: “Nguyễn Tuân là nhà văn có tài năng đặc biệt,
một nghệ sĩ có lương tâm, ở người đó chúng ta đặt những niềm hi vọng tốt đẹp
nhất về sự nghiệp”. Và nếu Thạch Lam còn được sống lâu hơn thì ông đã thấy
được sự mong muốn của mình thành sự thật. Dù chỉ qua bài viết rất ngắn (khoảng
3 trang), nhưng Thạch Lam đã có cái nhìn tinh tế và sâu sắc về lối hành văn của
Nguyễn Tuân trong VBMT.
Sau Thạch Lam, Vũ Ngọc Phan cũng đã đánh giá rất cao Nguyễn Tuân qua
tập truyện VBMT. Trong cuốn Nhà văn hiện đại (1942), Vũ Ngọc Phan cho
rằng: Nguyễn Tuân đã “gần đạt đến sự toàn thiện, toàn mĩ”. Nguyễn Tuân đã làm
cho “văn giới Việt Nam phải chú ý đến lối hành văn đặc biệt của ông và những ý
kiến cùng tư tưởng phô diễn bằng những giọng tài hoa, sâu cay và khinh bạc, lúc
thì đầy nghệ thuật, lúc thì bừa bãi, lôi thôi như một bức phác họa, những bao giờ
nó cũng cho người ta thấy một trạng thái của tâm hồn”. Văn Nguyễn Tuân mang
thần cốt của một con người “đặc Việt Nam” và “chỉ những người ưa suy xét đọc
Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải là thứ văn để
người nông nổi thưởng thức”. Có thể nói, những nhận định của Thạch Lam và Vũ
Ngọc Phan rất tinh tế và đúng về Nguyễn Tuân - là người gắn bó, trân trọng và

8
say mê vẻ Đẹp xưa cũ dù ít nhiều còn mang tính cảm nhận, ấn tượng. Tuy nhiên,
cả hai nhà phê bình đều chưa làm rõ cái hay, cái độc đáo ấy của Nguyễn Tuân
được biểu hiện ở chỗ nào (!?). Đây cũng là vấn đề còn bỏ ngỏ của những bài viết
trước Cách mạng về sáng tác của Nguyễn Tuân, dường như còn nghiêng về cảm
tính, chủ quan.
2.2. Từ sau Cách mạng đến năm 1975
Từ sau Cách mạng đến hết kháng chiến chống Pháp, nhìn chung do yêu cầu
của lịch sử nên không chỉ tác phẩm của Nguyễn Tuân mà cả các tác phẩm văn học

lãng mạn (1932 - 1945) cũng rất ít được đề cập đến.
Sau khi Hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, cách nhìn nhận, đánh giá về
văn nghiệp Nguyễn Tuân cũng như truyện ngắn của ông còn nhiều bất cập, không
thỏa đáng. Do hạn chế của lịch sử, nhiều nhà văn và nhà nghiên cứu cho rằng: tác
phẩm của Nguyễn Tuân mang nặng tính chủ quan, thiếu tính khách quan, “anh
yêu mình quá, dựng lên mình nhiều quá” (Nguyễn Đình Thi).
Trái lại: Ở miền Nam cách nhìn nhận về Nguyễn Tuân tỏ ra ưu ái hơn. Các
bài viết, hồi ký của Tạ Tỵ, Thanh Lãng, Sông Thai, Vũ Bằng, Nguyễn Vỹ đều
công nhận Nguyễn Tuân là nhà văn độc đáo, và yêu mến cái đẹp. Sông Thai với
tấm lòng tri ân đã cảm nhận được chất thơ hoài cựu của lời văn Nguyễn Tuân:
“Ta nghe lời văn Nguyễn Tuân như phảng phất một nỗi u hoài man mác về những
nét vàng son trong quá khứ đã bị cơn lốc của thời đại cuốn hút phôi pha, ta còn
nghe qua giọng văn của họ Nguyễn một nỗi niềm tiếc nhớ cái vang bóng yêu kiều
của một thời phụng sự cái đẹp”. Trong bài “Nguyễn Tuân” in trong cuốn Mười
khuôn mặt văn nghệ (1970), Tạ Tỵ đã hết sức ca ngợi và tôn vinh Nguyễn Tuân.
“Nguyễn Tuân là một trong những khôn mặt lớn của nền văn học nghệ thuật Việt
Nam trước và trong cuộc chiến”. Và Tạ Tỵ đã ví “Nguyễn Tuân viết mà giống
như nhà điêu khắc cần cù trạm trổ vào mặt đá quý những hình nét trác tuyệt”.
Cũng theo mạch đó, Tạ Tỵ xem Nguyễn Tuân là bậc “văn tài lỗi lạc”. Nhìn
chung, ở miền Nam, giới sáng tác và phê bình đã có những đánh giá cũng như

9
nhìn nhận khá sắc nét về những sáng tác của Nguyễn Tuân nói chung và truyện
ngắn của ông nói riêng. Tuy nhiên, họ vẫn chưa dựng được chân dung Nguyễn
Tuân dẫu rằng đã có “ý niệm” về điều này.
Ở miền Bắc: Trương Chính, từ năm 1957 đến năm 1975, có loạt ba bài viết
về Nguyễn Tuân trong đó có hai bài viết đánh giá về Nguyễn Tuân và VBMT.
Năm 1971, nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ trong bài viết “Đọc lại VBMT của
Nguyễn Tuân” đã lần đầu tiên đề cập sâu hơn về hệ thống nhân vật trong tập
truyện VBMT. Phan Cự Đệ có chỉ ra những nhân vật mà Nguyễn Tuân thương

“thiên ưu” và nhận xét: “Phó Sứ, Cử Hai chính là tiền thân của cái anh chàng
Nguyễn “thiếu quê hương”, đã trước bạ cuộc đời mình vào địa dư trái đất và luôn
thèm đi để “hưởng cho nhiều cái bất thình lình và mọi cái không chờ đợi”. Cái thú
xê dịch, giang hồ chính cũng là một lối thoát của Nguyễn Tuân, một thái độ phản
ứng tiêu cực trước cuộc đời mà ông đã chán ghét”. Với hàm ý này, Phan Cự Đệ
đã bắt đầu nhận ra hình tượng tác giả được bộc lộ qua hệ thống nhân vật - một nét
đặc trưng trong hệ thống nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Tuân.
Có thể thấy, dù rất cố gắng nhưng những nhà nghiên cứu cả Nam lẫn Bắc
trong thời kỳ 1945 - 1975 đều mới chỉ đề cập đến khía cạnh tư tưởng của nhà văn
mà chưa đi sâu tìm hiểu để khái quát được những đặc sắc về mặt nghệ thuật trong
sáng tác của Nguyễn Tuân. Đặc biệt các nhà nghiên cứu miền Bắc còn dè dặt khi
nói về truyện ngắn của Nguyễn Tuân trước Cách mạng. Đây là một hạn chế có tính
lịch sử. Hạn chế này sẽ được chính họ và các nhà nghiên cứu thế hệ sau khắc phục.
2.3. Từ sau năm 1975 đến nay
Từ sau khi đất nước thống nhất, việc đánh giá và tiếp nhận Nguyễn Tuân nói
chung và truyện ngắn Nguyễn Tuân nói riêng ngày càng cởi mở hơn. Hầu hết các
bài viết đều lột tả đúng phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong các sáng
tác của ông. Người có công đầu là nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh. Với niềm
hứng thú, say mê Nguyễn Tuân của mình, ông đã có nhiều bài viết, nhiều công
trình được công bố về Nguyễn Tuân. Một số bài viết tiêu biểu: “Lời giới thiệu” in

10
trong Nguyễn Tuân tuyển tập (1981), “Tản mạn về Nguyễn Tuân (1987), Mấy lời
về Nguyễn Tuân” (1987), “Đọc lại Chùa đàn của Nguyễn Tuân” (1989)… Trong
“Lời giới thiệu”, Nguyễn Đăng Mạnh đã có những khám phá mới mẻ về sáng tác
của Nguyễn Tuân trên nhiều phương diện, từ tư tưởng đến phong cách, đặc biệt là
nghệ thuật ngôn từ. Nguyễn Đăng Mạnh đã đưa ra nhận định: “Nguyễn Tuân là
hiện tượng văn học phức tạp, nhất là trước Cách mạng Tháng Tám”. Ông chỉ ra:
tính phức tạp ấy là do sự chi phối của quan điểm sáng tác và do sự chi phối của
hoàn cảnh xã hội. Bằng cái nhìn đa chiều, toàn diện dựa trên văn bản cụ thể và

vận dụng quan điểm của Plekhanov, ông đã lý giải được tương đối cặn kẽ nguyên
nhân của căn “bệnh tôi” của nhà văn. Ngoài ra, Nguyễn Đăng Mạnh còn chỉ ra nét
đặc sắc trong nghệ thuật Nguyễn Tuân còn ở việc sử dụng ngôn ngữ. Có thể nói,
ngôn ngữ qua ngòi bút Nguyễn Tuân như được chắp thêm đôi cánh để thoải mái
bay lượn trên cánh đồng nghệ thuật. Riêng đánh giá về truyện ngắn Nguyễn Tuân
trước Cách mạng, Nguyễn Đăng Mạnh đã phát hiện ra “chất mĩ học hoài cựu”
nhưng “chất thơ hoài cựu đó, ông đã gợi lại, dựng lại bằng kĩ thuật và phương tiện
hiện đại” và khẳng định chính điều đó làm cho văn Nguyễn Tuân truyền thống
nhưng cũng rất hiện đại. Có thể khẳng định, với rất nhiều bài nghiên cứu về
Nguyễn Tuân, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã mở ra một không khí mới
cho việc nghiên cứu Nguyễn Tuân nói riêng và các văn sĩ tiền chiến nói chung.
Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ với bài viết “Nguyễn Tuân” in trong Nhà văn
Việt Nam 1945 - 1975 bằng cái nhìn mới mẻ hơn so với trước, ông đã đưa ra
những nhận định xác đáng hơn về Nguyễn Tuân. Trong bài viết ông cũng luôn
chú ý đối sánh để thấy được quá trình thay đổi về tư tưởng của Nguyễn Tuân
trước và sau Cách mạng: “Giờ đây cái tôi cá nhân chủ nghĩa của Nguyễn đã hòa
hợp vào cái ta chung của quần chúng và ngòi bút vốn sắc sảo, bướng bỉnh khi xưa
nay đã có thêm nét đôn hậu ấm cúng”.
Ngoài ra, còn có các bài viết của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: “Nhà văn
Nguyễn Tuân” (1988), “Nguyễn Tuân - Huyền thoại một thời” (1994), “Nguyễn

11
Tuân và một tư duy nghệ thuật kiểu Liêu trai” (2005)… và Vũ Đức Phúc với
“Nghệ thuật Nguyễn Tuân”, Đỗ Đức Hiểu với “Chất thơ trong VBMT”, Hoàng
Như Mai với “Tác phẩm Chùa đàn của Nguyễn Tuân”, Nguyễn Ngọc Hóa với
“Cái thật và cái tài hoa trong Chữ người tử tù”,… Nhà nghiên cứu Hà Văn Đức
với các bài viết: “Nguyễn Tuân - Một bậc thầy về ngôn ngữ (1991), Nguyễn Tuân
và cái đẹp (1994), Nguyễn Tuân và quá trình nhận đường trong văn học của ông
(1998), Nguyễn Tuân (2000),… Trong bài viết “Nguyễn Tuân và cái đẹp”, ông đã
đưa ra những kiến giải hết sức sâu sắc quan niệm về cái Đẹp của Nguyễn Tuân,

tìm ra nguồn ảnh hưởng, nguyên nhân sâu xa của quan niệm đó để từ đó chỉ ra sự
phát triển trong tính thống nhất và nhất quán về tư tưởng nhà văn trong quan niệm
về cái Đẹp. Cuối cùng ông khẳng định những đóng góp của Nguyễn Tuân trên
văn đàn: “Trên con đường đi tới một cái đẹp chân chính, đích thực Nguyễn Tuân
đã có nhiều tìm tòi và phát hiện mới mẻ, đạt tới những giá trị thẩm mĩ thực sự”.
Hành trình đi tìm cái Đẹp của Nguyễn Tuân đã thu hút được sự chú ý và say
mê nghiên cứu của rất nhiều tác giả. Nguyễn Thị Thanh Minh có hẳn một chuyên
luận được mang tên Quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân trong sáng tạo nghệ
thuật xuất bản năm 2004 cũng là một sự lí giải, cắt nghĩa quan điểm trên ở mức độ
rộng hơn và bao quát hơn. Ngôn ngữ cũng là một phương diện rất được chú ý như
bài “Nguyễn Tuân - Bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ Việt Nam” của Mai Quốc Liên,
“Thầy chữ Nguyễn Tuân” của Hà Bình Trị, “Nguyễn Tuân là nhà nghệ sĩ ngôn từ
đã đưa cái Đẹp thăng hoa” của Hoài Anh,… Nhìn chung, những bài viết này đều
khẳng định và ca ngợi cái Tâm - cái Tài của Nguyễn Tuân - “Một định nghĩa chân
chính về người nghệ sĩ”, người luôn yêu chuộng và nâng niu cái Đẹp.
Nghiên cứu Nguyễn Tuân theo hướng thi pháp học có bài viết “Chất thơ
trong VBMT” trong cuốn Thi pháp hiện đại (2000) của nhà nghiên cứu Đỗ Đức
Hiểu. Đỗ Đức Hiểu còn được xem là một trong những người đầu tiên vận dụng thi
pháp học phương Tây vào nghiên cứu văn học Việt Nam. Trong bài viết, ông chỉ
ra ở VBMT có ba motif: motif buổi chiều máu, motif sương mờ và motif Liêu

12
trai; và chỉ ra: “Vang bóng là chất thơ bao trùm ba motif trên; một thời chỉ rõ một
thời kỳ lịch sử cụ thể, lúc giao thời. Nguyễn Tuân con người lãng tử, khí phách,
độc lập ấy, đã nhìn sâu vào lịch sử bằng con mắt nghệ sĩ, tìm thấy một phương
diện cái đẹp, cái hào hùng và cái thuần khiết của tâm hồn trong buổi giao thời
nhập nhoạng, một thời kỳ lịch sử bị bạo lực vi phạm thô bạo”. Từ motif ông đi
vào tìm hiểu không gian - thời gian, nhân vật và ngôn ngữ của tác phẩm để đưa ra
những luận giải, khái quát hết sức tài hoa, tinh tế đầy chất nghệ sĩ đúng với phong
cách phê bình của ông. Cuối cùng, ông đi đến kết luận: “Mười hai truyện trong

VBMT biểu hiện tài năng nhiều dạng của Nguyễn Tuân - Làm sống lại một thời
đầy bạo lực của lịch sử, mà ông phủ nhận quyết liệt, ông sáng tạo những vang
bóng của chính thời đó diễn đạt một phương diện sức sống của cái đẹp lúc bấy
giờ, - tâm hồn thanh cao của những trí thức trong sáng như nước đọng trên lá sen
thơm lành, tức là giấc mơ đẹp của chính nghệ sĩ Nguyễn Tuân”. Tuy vậy, đây
cũng chỉ mới là những thể nghiệm phương pháp của Đỗ Đức Hiểu mà thôi.
Đến năm 2005, nhà nghiên cứu hải ngoại Thụy Khuê cho ra đời tiểu luận
“Thi pháp Nguyễn Tuân” in trong cuốn Sóng từ trường III. Đây là bài viết thực
sự táo bạo và cũng rất sáng tạo của nữ sĩ Thụy Khuê có sự kế thừa, phát triển từ
bài viết của nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu. Thụy Khuê đã đi sâu vào khảo sát hầu
hết các sáng tác của Nguyễn Tuân từ truyện ngắn đến tùy bút, truyện vừa… đưa
ra được những nhận định, những kết luận rất đáng trân trọng. Tuy nhiên cách
phân loại đối tượng khi lựa chọn cũng như trong lúc triển khai nhiều ý kiến của bà
con cực đoan, thiếu tính khách quan về tác phẩm của nhà văn cũng như bản thân
nhà văn. Bỏ qua những hạn chế đó, chúng tôi thấy đây là một trong những bài viết
về Nguyễn Tuân rất đáng để tham khảo trong qua trình triển khai đề tài.
Nhìn chung, lịch sử nghiên cứu về Nguyễn Tuân ngót nghét bảy mươi năm,
trong khoảng thời gian đó “ngôi nhà văn chương” của nhà văn cũng kinh qua
nhiều thăng trầm nhưng càng ngày, sự nghiệp đó, ngôi nhà vĩnh hằng của nhà văn
càng được đông đảo giới nghiên cứu cũng như bạn đọc trân trọng và ngưỡng mộ.

13
Sự độc đáo, tế vi của “cái tôi ngông ngạo” nhà văn một thời bị lên án nay lại trở
thành niềm say mê, mang lại sự hứng thú đối với lớp hậu bối. Các sáng tác của
Nguyễn Tuân ở hai giai đoạn lịch sử đều được các nhà nghiên cứu “bóc tách” và
không ngừng được hoàn thiện. Tuy nhiên như một mảnh đất mầu mỡ, các sáng tác
của Nguyễn Tuân cũng được rất nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu văn học Việt
Nam “canh tác” đã đạt được những thành tựu lớn. Đây cũng là thuận lợi nhưng
cũng là thách thức lớn khó có thể vượt qua đối với chúng tôi. Dẫu vậy, với sự
hứng thú đặc biệt với đối tượng nghiên cứu, ở luận văn này, chúng tôi muốn góp

tiếng nói góp phần làm phong phú hơn diện mạo nhà văn Nguyễn Tuân.
III. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân vô cùng đồ sộ trải dài hơn năm mươi
năm cầm bút từ cuối những năm 30 của thế kỷ trước cho đến khi ông qua đời - năm
1987. Ở mỗi giai đoạn sáng tác của mình, người nghệ sĩ tài hoa bậc nhất này đều để
lại cho đời những trái ngọt, những tác phẩm có thể xếp vào hàng kiệt tác của văn
học Việt Nam hiện đại. Dẫu biết khuôn khổ của một luận văn có những giới hạn
nhất định về dung lượng nhưng chúng tôi vẫn cố gắng khảo sát để bước đầu có một
cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về toàn bộ những sáng tác truyện ngắn của
Nguyễn Tuân được in trong cuốn Nguyễn Tuân truyện ngắn (Nxb. Văn học, H,
2006) gồm: Từ truyện ngắn đầu tiên đăng báo viết theo lối văn biền ngẫu: Vườn
xuân lan tạ chủ (1935) cho đến truyện ngắn cuối cùng được viết năm 1950 là Quán
tươi. Trong đó có các tập truyện ngắn nổi bật như VBMT, Nguyễn và tập truyện
mà sau này nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh tập hợp lại in thành tập truyện đặt
tên là YN (1999). Mặt khác, tác phẩm Chùa Đàn được ra đời sau năm 1945 nhưng
do sự thống nhất mạch nguồn “yêu ngôn” nên trong luận văn này chúng tôi cũng lấy
phần II - Tâm sự của nước độc như một đối tượng để nghiên cứu.
Khảo sát truyện ngắn Nguyễn Tuân, chúng tôi chủ yếu sử dụng các truyện
được in trong Nguyễn Tuân truyện ngắn (Nxb. Văn học, H.2006), đối chiếu với
bộ Nguyễn Tuân tuyển tập (Ba tập, Nxb. Văn học, H.2005) do Lữ Huy Nguyên

14
tuyển chọn. Ngoài ra chúng tôi còn tham khảo thêm Nguyễn Tuân toàn tập (5
tập, Nxb. Văn học, H.2000) do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh biên soạn và
giới thiệu.
IV. Mục đích của Đề tài
4.1. Chọn đề tài Thi pháp truyện ngắn Nguyễn Tuân trước Cách mạng
tác giả luận văn muốn đạt đến hai mục đích: một là, tìm hiểu một cách hệ thống
những thành tựu mà Nguyễn Tuân thể hiện trong thể loại truyện ngắn trước Cách
mạng; hai là, tiếp cận nhà văn từ một hướng nghiên cứu thi pháp học.

4.2. Từ mục đích trên, chúng tôi mong muốn rằng việc nghiên cứu truyện
ngắn Nguyễn Tuân từ hướng tiếp cận thi pháp học sẽ giúp người đọc phần nào
cảm nhận được toàn vẹn, sâu sắc và có hệ thống về thế giới nghệ thuật của ông để
từ đó thấy được những đóng góp của nhà văn đối với quá trình cách tân và hiện
đại hóa nền văn học Việt Nam thế kỷ XX.
V. Phương pháp nghiên cứu
Do chỗ đối tượng nghiên cứu là thi pháp chuyên biệt của một tác giả nên
phương pháp chủ yếu để tiến hành là: Phương pháp thống kê - miêu tả, Phương
pháp hệ thống, Phương pháp so sánh văn học, Phương pháp phân tích và tổng
hợp, Phương pháp liên ngành (interdisciplinary method).
VI. Cấu trúc của luận văn
Ngoài Phần mở đầu, Kết luận và thư mục Tài liệu tham khảo, luận văn được
sắp xếp thành ba chương:
Chương 1: Quan niệm nghệ thuật về con người
Chương 2: Không gian và thời gian nghệ thuật
Chương 3: Kết cấu - Giọng điệu và ngôn ngữ

15
Chương 1
QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI

1.1. Một số vấn đề lí luận
Con người là đối tượng chủ yếu của văn học. Sáng tạo văn chương là một hoạt
động tinh thần, nhận thức nên bao giờ cũng mang tính quan niệm. Phản ánh và thể
hiện con người, tất nhiên văn học không thể không có quan niệm về con người.
Quan niệm nghệ thuật về con người là một trong những phạm trù quan trọng nhất
của thi pháp học. Quan niệm đó hướng ta nhìn về đối tượng chủ yếu của văn học -
đối tượng trung tâm của quan niệm thẩm mĩ của người nghệ sĩ. Hình tượng nghệ
thuật (nhân vật - con người) xuất hiện trong tác phẩm bao giờ cũng mang tính quan
niệm của tác giả. Với đặc trưng là ngành nghệ thuật ngôn từ, văn học đã khám phá

con người bằng cách thức riêng của mình với tất cả sự phong phú, phức tạp và bí ẩn
của thế giới nội tâm con người.
Vì vậy, thi pháp học đưa ra khái niệm: “Quan niệm nghệ thuật về con người là
sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hóa thân thành các nguyên tắc,
phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật
và thẩm mĩ cho các hình tượng trong đó” [81;tr.59]. Bởi con người trong văn học
chính là nơi thể hiện trình độ tổng hợp của nhận thức và thể hiện nghệ thuật, là
phương pháp sáng tác, phong cách, thế giới quan trong sự vận động của chính tác
giả. Con người trong văn học thực chất là sự cắt nghĩa và quan niệm về con người
được thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật, trong cách miêu tả con người, trong các
hệ thống, các hình ảnh tượng trưng, các nguyên tắc miêu tả tính cách, tâm lý… Con
người trong văn học không phải là con người có trong thực tế và tâm hồn nhà văn
cũng không phải là tấm gương đơn thuần cho sự vật phản chiếu vào một cách cơ
học, máy móc. Nhà văn sáng tạo ra nhân vật bao giờ cũng theo những cách hình
dung, cũng như cách cảm nhận của riêng mình. Bởi trong nghệ thuật, sự miêu tả bao
giờ cũng nhằm đạt một lúc hai mục đích: Thứ nhất, gợi ra khách thể, sự vật được
hiện diện trước mắt; thứ hai, gợi ra chủ thể, sự cảm thụ, cách nhìn chủ quan với

16
chúng. Như nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã nhận định: “Chính phương diện cảm
thụ này (tức bản thân nhà văn - TVT), cách nhìn này là quan niệm nghệ thuật về con
người đối với nhân vật, mà muốn cảm thụ nhân vật một cách chỉnh thể, toàn vẹn thì
không thể bỏ qua được” [81;tr.60].
Như vậy, muốn khám phá sự cảm nhận về con người tới mức độ nào thì cần
phải khám phá quan niệm nghệ thuật về con người thể hiện trong hình thức miêu tả
nhân vật. Theo Trần Đình Sử: “Phân tích thi pháp là khám phá cách cảm nhận con
người qua việc miêu tả nhân vật chứ không phải chỉ ra những nội dung phong phú
được thể hiện trong nhân vật [81;tr.60]. Tuy nhiên, hai nhiệm vụ này không thể tách
rời nhau, giữa chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Một khi đã hiểu quan
niệm con người được miêu tả thì sẽ hiểu nhân vật sâu sắc và toàn diện hơn.

Phạm trù quan niệm nghệ thuật mà chúng tôi đang nói đến ở đây thuộc phạm vi
ý thức và nó gắn liền với ý thức về chức năng, nhiệm vụ, khả năng của văn học. Để
hiểu một tác phẩm, một tác giả, một trào lưu, một giai đoạn văn học, không thể
không xem xét đến quan niệm nghệ thuật về con người. Bởi con người bao giờ cũng
là cái đích khám phá của nghệ thuật. Hiểu được các nguyên tắc cắt nghĩa và cảm
nhận con người, sẽ hiểu được vai trò sáng tạo của nhà văn trong việc thâm nhập và
chiếm lĩnh đời sống.
Hơn nữa, tác phẩm văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng bao giờ cũng
phản ánh đời sống bằng hình tượng và diễn đạt bằng nghệ thuật ngôn từ nhằm phản
ánh tư tưởng và tình cảm của con người. Trong thế giới hình tượng đó thì hình
tượng nhân vật của truyện ngắn không phải là sự sao chép mọi chi tiết của con
người có thực ngoài đời mà chỉ là những “lát cắt” về một thời điểm, một biến cố
nhất định trong cuộc đời của nhân vật. Trong hệ thống nhân vật, xét theo vai trò thì
có nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm, trong đó nhân vật chính là
phương tiện cơ bản để nhà văn phát biểu quan niệm của mình về con người, cũng
như về hiện thực đời sống. Và ở đây, chúng tôi đi tìm hiểu và lí giải quan niệm nghệ
thuật về con người và các kiểu nhân vật của Nguyễn Tuân trong truyện ngắn trước
Cách mạng.

17
1.2. Quan niệm về con người của Nguyễn Tuân trong truyện ngắn
1.2.1. Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời đi tìm kiếm “cái Đẹp” và “cái thật”
(Nguyễn Đình Thi). Ông là một nghệ sĩ theo đúng nghĩa của danh từ ấy. Chính vì
thế, các nhân vật của ông thường là những con người tài hoa, nghệ sĩ có cốt cách
nho nhã, ung dung tự tại, đi tìm cái Đẹp trong các thú chơi tao nhã trong văn hoá
ứng xử, văn hoá ẩm thực của dân tộc như: nghệ thuật thư pháp, hội hoạ, âm nhạc,
nghệ thuật uống trà, chơi hoa quý…
Ở VBMT, trong thiên truyện Những chiếc ấm đất, Nguyễn Tuân dường như
có dụng ý lấy đôi câu đối của cụ Tú Hải Văn để đưa ra tuyên ngôn nghệ thuật về
xây dựng kiểu nhân vật tài hoa nghệ sĩ:

“Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời,
quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu.
Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất,
gọi hề đồng pha nước trước hiên mai” [9;tr.89].
Và xét trong hệ thống nhân vật mà Nguyễn Tuân đã dày công xây dựng ta thấy
rất rõ quan niệm này của nhà văn. Nguyễn Tuân trước Cách mạng là một hiện tượng
văn học phức tạp. Trong ông luôn tồn tại nhiều tư tưởng, quan niệm đối lập, đấu
tranh với nhau. Điều đó phần nào tạo nên nhưng mâu thuẫn trong thế giới quan của
ông. Tuy nhiên, như K. Marx chỉ ra: Sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối
lập là động lực của sự phát triển. Phức tạp là thuộc tính vốn có của văn học nói
chung và của tư tưởng nhà văn nói riêng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Nguyễn
Tuân là nhà văn “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Bản thân ông trong tác phẩm của mình
đã hơn một lần thừa nhận điều đó: “Mỹ Thuật vốn không bà con với Luân Lý của
thời đại. Một thằng ăn cắp đã trở nên đẹp đẽ vô cùng khi hắn cắt túi người ta rất
gọn và nhanh” [9;tr.419]. Và ở trong một tác phẩm khác, ông cũng từng mong
muốn: “Đã có bao giờ tôi được viết để ca ngợi những cái gì mà người khác đều gọi
là vô ích… được cùng ngậm ngùi với đời tình ái của một cánh bèo” (Những đứa
con hoang).

18
Về điểm này, ta thấy Nguyễn Tuân có nhiều điểm “gặp gỡ” Thạch Lam và các
nhà văn Tự Lực văn đoàn. Thạch Lam cũng quan niệm: Văn chương là văn chương,
văn chương chỉ vì nghệ thuật, vì cái Đẹp mà thôi. Tuy nhiên, do cách tiếp cận, khám
phá của mỗi nhà văn khác nhau mà trong tác phẩm của họ sự biểu hiện đậm nhạt
cũng khác nhau. Nếu như cái Đẹp của Nguyễn Tuân thường hướng vào sự cầu kỳ,
khác lạ ít ai làm được, gắn với một thời “vang bóng”, được thể hiện đa dạng, độc
đáo, mỗi chữ dùng là một dụng công nghệ thuật và in dấu tài hoa của nhà văn thì
Thạch Lam đi sâu vào cái Đẹp nhân tính, cái Đẹp của tình người, dù ở đâu, trong
hoàn cảnh nào, tầng lớp người nào thì điều nhà văn quan tâm là phát hiện cho được
nét đẹp bên trong, vẻ đẹp tâm hồn của họ để đồng cảm, để ngợi ca. Đó là nét độc

đáo trong sáng tạo của mỗi nhà văn.
Có thể nói, Nguyễn Tuân là một nhà văn thiên về cảm giác, thích “xê dịch”,
viết là để trải lòng mình, để thể hiện cái tôi ngông nghênh bất chấp, ngang bướng
với thiên hạ. Tuy là một nhà văn thích những điều mới lạ, những sự nghịch lý nhưng
nói như ý của Nguyễn Đăng Mạnh, ông giống mà lại không đồng chí hướng với
quan niệm của Oscar Wilde - người muốn đặt nghệ thuật lên trên cuộc sống và từng
cho rằng bản ngã của người nghệ sĩ là thực tại duy nhất mà nghệ thuật cần phản ánh.
Nguyễn Tuân viết: “Đời sống chúng ta có rất nhiều động tác và biến cố, tự nhiên nó
đã đủ chân giá kỳ thú rồi… Viết “Am sông Tô”, tôi muôn bắt trái lại câu của Oscar
Wilde chủ trương cho rằng: Cuộc sống bắt chước nghệ thuật nhiều hơn là nghệ
thuật phỏng theo cuộc đời” [57;tr.111]. Trong truyện Nhà Nguyễn, Nguyễn Tuân
cũng để cho nhân vật Nguyễn có một đoạn đối thoại về những kẻ bất tài mang tính
triết lí và đậm chất nhân văn. Bằng so sánh, liên tưởng độc đáo, Nguyễn Tuân đã
dựng nên chân dung kẻ bất tài thích huênh hoang học đòi, qua đó gửi gắm những
quan niệm về vị trí, trách nhiệm và trên hết là thiên lương của người cầm bút đương
thời. Đoạn văn này đã được nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan sánh ngang với những
trang viết của La Bruyère trong tác phẩm Những tính cách (Les Caractères) khi lột
tả được bộ mặt của những kẻ trí thức rởm đời.

19
Những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, Nguyễn Tuân đã trở lại sáng tác các
truyện ngắn theo mạch yêu ngôn mà khởi nguyên từ truyện ngắn đầu tiên đăng báo
Vườn xuân lan tạ chủ (1935). Nguyễn Tuân đã làm người đọc say lòng trước vẻ
đẹp diễm ảo của một “Túy lan trang”. Sở dĩ vườn lan có tên ấy vì lẽ giống lan quý
trong vườn có gốc tích tận núi thiêng Yên Tử và chăm bón cũng rất công phu và đặc
biệt: “Mỗi bận xuân về, sớm sớm, chủ nhân lại phải cho cả vườn Túy lan say với
hương rượu thời cái vương giả hương ấy mới còn ở với người thế gian. Ngày xuân
phải bón lan bằng hương rượu” [9;tr.8]. Mà phải là thứ “rượu khê” cất ở làng Vĩnh
Trị, một làng cất rượu ngon nổi tiếng bên hữu ngạn sông Mã. Tuy nhiên, vườn lan
“tạ chủ” thì nghề cất rượu khê cũng thất truyền từ thuở ấy.

Về mạch truyện yêu ngôn: Nguyễn Tuân dự định cho ra một tập truyện lấy tên
là Yêu ngôn (viết tắt: YN) rút ra từ VBMT hai truyện, gộp chung với một số truyện
viết theo lối liêu trai của Bồ Tùng Linh đã đăng tải ở các tạp chí trong khoảng
những năm đầu thập niên 40 của thế kỉ trước. Về tư tưởng, có thể nói YN thể hiện
sự bế tắc của nhà văn, tuy nhiên về văn phong nghệ thuật thì những tác phẩm trong
giai đoạn này đã khẳng định đỉnh cao của một văn tài mà sau này Nguyễn Tuân
không dễ gì vượt qua được. Tuy YN có giá trị tích cực nhưng tiếc thay đã có thời
không được chính Nguyễn Tuân “bảo vệ” những đứa con tinh thần này. Như trong
Xác Ngọc Lam, khi biết suy nghĩ thực dụng đê tiện của Huyện Khỏe muốn lợi dụng
xác cô Dó - một khối thúy ngọc toàn bích - Chiêu Hiện đã vô cùng ân hận. Ngay sau
đêm biết được điều đó, Chiêu Hiện đã rời bỏ khỏi nhà của tên bạo phú. Khác với
Chiêu Hiện đã chót thờ một tên bạo phú bạc tình, Bá Nhỡ trong Chùa Đàn đã cảm
cái tình của chủ mình là Lãnh Út với vợ mà tâm niệm: “Ta muốn trở nên một chút
ánh sáng, ta muốn trở nên một cái đốm lửa để làm bừng dậy lòng con người tê dại
này” [6;tr.383]. Nhưng vẫn còn một sự thôi thúc khác nữa tác động đến quyết định
liều mình của Bá Nhỡ, mà nhân vật này suy nghĩ: “Ta có nên quyến luyến với cái
thể xác ta nữa không? Ta thử nghĩ xem ta có còn để dành ta vào việc gì khác nữa
không? Hay những ngày mai ngày kia cũng chỉ là sự tái hiện của ngày này thôi!
Đổi tên đổi tuổi lên cái ấp nuôi tằm để rồi chết mà hết hẳn ở đây hay là hết ở một

20
chỗ nào khác trong không gian?” [8;tr.383]. Nỗi niềm ấy cũng gần với tâm sự của
một chàng Nguyễn “đã có mấy chục trăm đêm như thế” soi bóng trong bãi nước
giải của chính mình, để rồi quẫn chí tìm mượn súng lục của bạn “để bắn vào cái
bóng thằng người này”. Và cũng không thật khó để lí giải vì sao Nguyễn Tuân lại
để cho Bá Nhỡ nhất quyết ôm đàn vào cuộc chơi tuyệt mệnh. Đó không chỉ là hành
động để báo ân, mà còn để tìm một kết cục ý nghĩa cho cuộc đời “lỡ dở” của nhân
vật này. Ta thấy ở đây đã thể hiện rõ những tư tưởng về cuộc sống, những quan
niệm về cái Đẹp hết sức tích cực của nhà văn. Nhưng có lẽ, ở vào giữa xu thế
chung, vào dòng chảy đầy biến động của lịch sử dân tộc thế kỷ XX nên vào những

năm 50, cũng như rất nhiều nhà văn cùng thời, ông đã nhiều lần “tự phủ nhận” toàn
bộ các sáng tác trước đó của mình (kể cả tập truyện VBMT). Trong “Nhìn rõ sai
lầm”, Nguyễn Tuân lên án con người “chịu ảnh hưởng nặng cuả tư tưởng phong
kiến suy tàn”

của mình. Tập truyện YN được ông nhắc đến với một cái nhìn nghiệt
ngã khi mổ xẻ động cơ sáng tác.
Còn khi nói về tác phẩm Chùa Đàn, ông đã đẩy ý này đi xa hơn: “Chùa Đàn
nguyên là một truyện thần bí quái dị rút ở tập YN phản khoa học, phản tiến bộ.
Truyện ấy là chuyện một địa chủ điên loạn trong hưởng lạc, muốn sống một cách
dâm bạo như cái kiểu của Musset: “Máu, khoái cảm, và chết”. Tôi thêm vào truyện
đấy một đoạn đầu và một đoạn cuối, đưa tên địa chủ đó vào hoạt động Cách mạng,
sau khi nó đã đi tìm phiêu lưu trong mọi hưởng lạc” [5;tr.443,444]. Mặc cho
Nguyễn Tuân muốn cho người đọc ấn tượng xấu về tác phẩm này, nhưng có thể
lấy ý kiến của nhà phê bình hậu hiện đại John Barth về văn hóa và văn chương để
“biện minh” cho Nguyễn Tuân. Trong tiểu luận “Literature of Exhaustion” (Văn
chương của sự cạn kiệt), J. Barth cho rằng văn hóa đương đại đã rơi vào tình trạng
“kiệt quệ của một số hình thức, hay cạn kiệt của một số khả năng [biểu tả]” (Dẫn
theo Nguyễn Nam [66;9]), và để tránh những lối mòn vô cảm trong văn chương,
nhà văn phải tìm tòi những hướng khai thác hình tượng mới, hay chính xác hơn là
những kết hợp mới trên nền cũ. Nguyễn Tuân viết YN theo nguồn mạch của
truyện truyền kỳ Việt Nam đã có từ những thế kỷ trước đó, phát triển tính đa

21
nghĩa của các hình tượng thần, yêu, ma, quái để tạo nên những ẩn nghĩa tế vi hơn
cho các tác phẩm của mình. Nguyễn Tuân đã khéo léo kết hợp tư duy của truyện
truyền kỳ với ngòi bút tả chân tài tình, tinh tế trong việc chọn lựa chi tiết của một
nhà duy mĩ bậc thầy. Chính vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng YN của
Nguyễn Tuân rất hiện đại, gần với “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” (Mỹ - Latinh)
trong việc đẩy những tình tiết huyền thoại xuất hiện trên cái nền tự sự đậm chất

hiện thực để tạo ra khả năng kiến giải đa dạng trước những kết thúc mang tính gợi
mở của truyện cũng như hình tượng nhân vật trong tác phẩm.
1.2.2. Cũng như các nhà văn, nhà thơ cùng thời (nhất là các nhà Thơ mới),
Nguyễn Tuân có ý thức sâu sắc nhất về cái Tôi - cá nhân của mình. Đặc biệt là trong
những sáng tác trước Cách mạng. Trong nhiều tác phẩm, đặc biệt trong tập truyện
Nguyễn, Nguyễn Tuân đã đề cao cái tôi đến mức cá thể hoá, tuyệt đối hoá nó lên
thành “chủ nghĩa”. “Không cho ai bắt trước được mình, chết là mang cả cái bản
chính đi chứ không để lại một bản sao nguyên cảo nào hết”. Cá tính sáng tạo đã tạo
nên sự đặc sắc trong các sáng tác của ông. Bởi theo ông, “chỉ có cá tính của người
nghệ sĩ mới đem lại ánh sáng của tri thức”.
Nguyễn Tuân quan niệm: “Viết là để đi tìm nhân loại, tìm ở trong tôi (tôi là
một phần tử của nhân loại) và tìm ở các người. Tìm nhau để cho được hiểu nhau.
Trong đời sống đầy mâu thuẫn oan khiên và tủi khuất này, chúng ta thảy đều là
những cái Muôn-Vàn gồm trong cái Chỉ-Có-Một”. Muốn hiểu được tâm trạng của
Nguyễn Tuân trước Cách mạng phải đặt nhà văn vào hoàn cảnh lịch sử xã hội cụ
thể. Trước Cách mạng, Việt Nam là nước thuộc địa thực dân nửa phong kiến với
một thể chế mục nát, xã hội “kim tiền ô trọc”, “ối a ba phèng”… các ý thức hệ tư
tưởng mà nói như nhà nghiên cứu Tôn Thảo Miên, đó là “thời kỳ đấu tranh của hệ
tư tưởng phong kiến đang sụp đổ, hệ tư tưởng tư sản đang lên và hệ tư tưởng vô sản
bắt đầu xuất hiện” [62;tr.74]. Bởi “con người là sự tổng hòa các mối quan hệ xã
hội” vì vậy, cũng thật dễ hiểu vì sao những tư tưởng ấy lại nảy sinh ở Nguyễn Tuân.
Tuy nhiên là một nhà văn tài hoa, có cá tính mạnh mẽ ông phản ứng lại cái xã hội
đó như một tất yếu: “phải đương đầu. Phải khai chiến. Phải đánh nhau với xung

22
quanh” [9;tr.388]. Và khẳng định sự tồn tại của cá nhân mình trong xã hội là một
phản ứng tất yếu có tính lịch sử.
Phàm những người khi đã tự tin vào mình, hay nói đúng hơn là tự ý thức cao
độ về mình thì phải là những người có tài năng kiệt xuất, nhìn nhận ở một phương
diện nào đó thì Nguyễn Tuân là một người như vậy. Chính quan niệm đó đã sản

sinh ra hệ thống nhân vật tài hoa nghệ sĩ, lãng tử giang hồ, sống “trước bạ” cho đời
trong các sáng tác của ông thời kỳ này, đặc biệt trong thể loại tùy bút. Tất cả họ dù
chính diện hay phản diện thì trước hết phải là những người có tài và ý thức sâu sắc
về tài năng ấy của mình. Dù đó là tài chém giỏi, phóng dao giỏi, ném bút chì, tài bẻ
khóa… cho đến tài viết chữ đẹp, chơi tranh cổ, đánh trống chầu, chơi đàn đáy… đều
được Nguyễn Tuân tôn trọng như những “người có tài lớn”; hay là “người lỗi lạc”.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng Nguyễn Tuân chịu ảnh hưởng nhiều của
Anton Tchékov nhưng nếu chúng ta khảo sát một cách có hệ thống về nhân vật của
Nguyễn Tuân thì ta lại thấy ý kiến của các nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ và Hoàng
Nhân cho rằng ông chịu ảnh hưởng rất lớn từ chủ nghĩa cá nhân cực đoan của André
Gide (gidisme) là có cơ sở hơn. André Gide (1869 - 1951) là nhà văn Pháp nổi tiếng
hiện thân cho “chủ nghĩa cá nhân mới” thế kỷ XX. Trong các sáng tác của mình,
A. Gide thách thức xã hội, bất chấp dư luận dưới hình thức tự thuật trần trụi, đôi
khi đến mức sỗ sàng, lỗ mãng. A. Gide là nhà văn tiêu biểu nhất trong số các nhà
văn đòi hỏi sự giải thoát khỏi sự “tha hóa” của đồng tiền tư bản và tỏ thái độ
khinh miệt những đạo lý có sẵn của tiền nhân. A. Gide là nhà văn có ảnh hưởng
khá sâu sắc đến một số nhà văn của ta cùng thời như: Nhất Linh, Xuân Diệu, Lưu
Trọng Lư… Theo A. Gide, con người muốn tỏ ra có bản lĩnh, cá tính thì phải là
hòn bi lăn ngược dốc trong khi thiên hạ đang từ trên thuận chiều thoải xuống…
“Phải hoàn toàn khác với xung quanh… dù cái khác đó đôi khi phải mua bằng
một giá quá đắt. Hoặc làm một chiến sĩ xã hội, hoặc sa đọa như một kẻ trác táng,
hoặc trắng hẳn, hoặc đen hẳn không nên là cái đám chúng nhân mờ mờ, nhạt nhạt,
xám xám ở giữa” [32;tr.534]. Cái đám chúng nhân ấy không đứng ở hai cực mà
đứng “chình ình” ở giữa ấy, Xuân Diệu gọi là một lũ người “buồn buồn, tội tội,

23
thương thương” và so sánh với hình ảnh rất hài hước là như “những hạt cơm”.
Xuân Diệu cũng từng phát biểu quan niệm kiểu Gide trong thơ của mình: “Thà
một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Kiểu nhân
vật này ta thấy trong các truyện ngắn: Chữ người tử tù, Một đám bất đắc chí,

Chém treo ngành, Chùa Đàn nhất là trong tập truyện Nguyễn.
Nhân vật văn học là một hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ cho nên dù
không thể đồng nhất với con người có thật nhưng với Nguyễn Tuân, thế giới nhân
vật trong tác phẩm của ông rất gần với một Nguyễn Tuân ở ngoài đời. Theo M.
Bakhtin, tương quan nhân vật - nhà văn phụ thuộc vào hai nhân tố: “1. lập trường
(công nhiên hoặc che giấu) của tác giả trong quan hệ với nhân vật (lập trường đó có
thể là: anh hùng hóa, mỉa mai, chế nhạo, đồng cảm…); và 2. bản chất thể loại của
tác phẩm (ví dụ trong văn trào phúng sẽ có kiểu quan hệ của tác giả đối với nhân vật
khác với trong văn xuôi tâm lí)” [76;tr.1255]. Theo mức độ tương quan nhân vật -
nhà văn mà M. Bakhtin chỉ ra thì Nguyễn Tuân và hệ thống nhân vật trong truyện
ngắn của ông ở “mức tối thiểu” (“mức tối đa” là nhân vật đối lập, đối thoại với tác
giả), tức nhân vật và nhà văn mang những nét chung về tư tưởng, hiển nhiên lúc
này, những thiên truyện ngắn của Nguyễn Tuân trở thành “tấm gương soi những tìm
tòi về tinh thần nhân vật, cũng là bước đường tư tưởng của nhà văn” (Lại Nguyên
Ân) [76;tr.1255]. Nếu xét trong hệ thống nhân vật, sự chuyển biến tư tưởng cũng
như hệ đề tài trong các truyện ngắn của Nguyễn Tuân là rất rõ ràng. Con đường mà
Nguyễn Tuân đi cũng là con đường chung của các nhà văn lãng mạn Việt Nam
(nhất là các nhà Thơ mới) trước Cách mạng Tháng Tám: từ tích cực sang đến tiêu
cực và cuối cùng là lâm vào khủng hoảng, bế tắc.
1.3. Các kiểu nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Tuân
1.3.1. Nhân vật tài hoa nghệ sĩ
Trong sáng tác của Nguyễn Tuân trước Cách mạng có ba mảng đề tài tương
đối phổ biến và bao quát là: quá khứ của một thời vang bóng, giang hồ xê dịch và
cuộc sống trụy lạc (riêng mảng đề tài này tập trung chủ yếu ở các phóng sự và tùy
bút). Có thể khẳng định như ý kiến chung của các nhà nghiên cứu, các tác phẩm giai

24
đoạn này thể hiện rõ nhất phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân và là những tác
phẩm thành công nhất của nhà văn. Nguyễn Tuân lâu nay vẫn được mệnh danh là
“ông vua của thể tùy bút” nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta thiếu

“quan điểm toàn diện” khi nhìn nhận lại toàn bộ di sản của Nguyễn Tuân đã để lại
cho mai hậu, trong đó có cả những thiên truyện ngắn xuất sắc. Nguyễn Tuân đã để
lại tiếng vang nhờ tập truyện ngắn đầu tay VBMT (1940), tác phẩm được nhà
nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đánh giá là gần đến độ “toàn thiện, toàn mĩ”. Dĩ nhiên ở
một nhà văn lớn và có cá tính như Nguyễn Tuân thì không nhất thiết truyện ngắn
phải mang đầy đủ yếu tố của thể truyện ngắn mẫu mực mà ở ông có sự giao thoa,
đan xen giữa các thể loại, trong truyện ngắn ta thấy có cả tùy bút, tản văn và thậm
chí cũng rất giàu chất thơ, chất nhạc… cũng như trong tùy bút của ông thì yếu tố tự
truyện lại rất đậm nét.
Viết về quá khứ, trên văn đàn cùng thời với ông cũng có rất nhiều nhà văn với
những tác phẩm đã để lại những tiếng nói nhất định. Tuy nhiên, cái cách tiếp cận
vấn đề, thế giới quan của nhà văn khác nhau nên cũng cùng một đề tài ấy nhưng
VBMT của Nguyễn Tuân không giống với Nhà Nho của Chu Thiên hay Thanh
đạm của Nguyễn Công Hoan lại càng không giống với Lều chõng của Ngô Tất Tố.
Đứng trên lập trường của một nhà văn hiện thực phê phán, Ngô Tất Tố trong Lều
chõng đã bóc trần hiện thực thối nát của chế độ khoa cử và giáo dục thời phong
kiến suy tàn, “tre chưa già mà măng đã mọc”. Với một cái nhìn sắc nét của điện ảnh,
Ngô Tất Tố đã dựng lại cảnh trước cửa trường thi các sĩ tử xô đẩy nhau, mắng chửi
nhau ầm ầm như một cái chợ vỡ, cảnh tượng trong trường thi cũng nhốn nháo, hỗn
độn không kém, các sĩ tử mang cả bàn đèn thuốc phiện vào trường thi, có những
nho sinh gian lận trong thi cử hay tìm mọi cách hối lộ, mua chuộc nhau cốt sao lọt
được một hai kỳ để “gỡ cái tiếng con nhà gia thế”, cảnh sau mỗi kỳ thi với việc
“nhảy lên như choi choi” hét ầm lên giữa chợ, giữa phố của người đỗ, với cảnh
uống rượu say nôn thốc nôn tháo ra đường, vừa gào thét vừa khóc lóc rồi “gào chán,
khóc chán, họ lại giãy đành đạch ở mặt đường giống như những người ngộ gió”
[19;tr.242] của những người thi trượt. Đọc Lều chõng chợt ta thấy nhớ Tú Xương

25
đến lạ kỳ. Nhà thơ thành Nam cũng đã từng trong hoàn cảnh dở khóc dở cười như
thế: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ/ Ậm oẹ quan trường miệng thét loa”. Trong chế độ

khoa cử, giáo dục mục nát, giáo điều như vậy, những người như Đào Vân Hạc - một
Nho sĩ tài hoa, phóng túng sẽ trở thành nạn nhân là điều không thật khó để lý giải.
Khác với Lều chõng, Nhà nho và Thanh đạm lại lý tưởng hóa, thi vị hóa
cảnh sinh hoạt, lối sống lễ nghi và phẩm chất thanh nhã của các bậc hàn Nho
nước Việt xưa. Lê Sĩ Cư trong Thanh đạm, Nguyễn Đức Tâm trong Nhà nho là
những người có tài được lựa chọn để xuất thế cứu đời. Cả hai nhà văn Chu Thiên
và Nguyễn Công Hoan đều đứng trên lập trường phong kiến, đạo đức Nho gia để
ca ngợi những nhà Nho chính thống về tài năng, và nhất là nhấn mạnh đến “chữ
Đức” theo quan niệm của Nho gia.
Khác với các nhà văn Chu Thiên và Nguyễn Công Hoan, trong Lều chõng,
Ngô Tất Tố tiếp cận một thời xưa cũ ấy từ giác độ xã hội và đạo đức, còn Nguyễn
Tuân trong VBMT lại tiếp cận nó từ giác độ thẩm mĩ, từ nhân học văn hóa. Trong
tập truyện này, ta bắt gặp một thế giới đầy ắp những con người tài hoa nghệ sĩ. Họ
đều hiểu và yêu mến cái Đẹp, đôi khi còn xem là “đạo của người tài tử”. Đối với
Nguyễn Tuân, cái tài ở đây “có nghĩa là tài hoa”, tài là nghệ thuật, là cái tài theo
quan niệm của các nhà Nho tài tử như Cao Bá Quát thể hiện trong bài Tài tử đa
cùng phú [94;tr.286,287]:
“Có một người:
Khổ dạng trâm anh,
Nết na chương phủ.
Hơi miệng sữa, tuổi còn giọt máu, nét hào hoa chừng ná Tân Dương!
Chòm tóc xanh, vừa chấm ngang vai, lời khí nghiệp những so Y, Phó.
Nghiêng gợn sóng vẽ vời điển tịch, nét nhạn điểm lăn tăn!
Bút vén mây dìu dặt văn chương, vòng thuyền khuyên lỗ chỗ”
Và nói như Thạch Lam: Nguyễn Tuân là “một nhà văn kính trọng và yêu mến
cái Đẹp, coi công việc sáng tạo là công cuộc quý báu và thiêng liêng” cho nên biết
cái Đẹp không dễ tìm trong hiện thực lúc bấy giờ, ông trở về với một thời “vang

×