ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
BÙI THỊ TUYẾT NHUNG
THỜI GIAN TRONG TIỂU THUYẾT
NHỮNG KẺ THIỆN TÂM CỦA JONATHAN LITTELL
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
Hà Nội – 2011
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
BÙI THỊ TUYẾT NHUNG
THỜI GIAN TRONG TIỂU THUYẾT
NHỮNG KẺ THIỆN TÂM CỦA JONATHAN LITTELL
Chuyên ngành: Văn học nước ngoài
Mã số: 60 22 30
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Đào Duy Hiệp
Hà Nội – 2011
1
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 3
CHƯƠNG 1. LÝ LUẬN VỀ THỜI GIAN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LỊCH SỬ - XÃ
HỘI TRONG NHỮNG KẺ THIỆN TÂM 12
1. 1. Lý luận về thời gian 12
1. 2. Những vấn đề lịch sử - xã hội trong Những kẻ thiện tâm 17
1.3. Tiểu kết 31
CHƯƠNG 2. CÁC CẤP ĐỘ THỜI GIAN TRONG NHỮNG KẺ THIỆN TÂM 32
2.1. Trật tự thời gian 33
2.1.1. Về niên biểu 33
2.1.2. Sự sai trật niên biểu 38
2.1.3. Lối quay ngược và đón trước 48
2.2. Thời lưu 55
2.2.1. Thời sai 56
2.2.2. Quãng ngưng: 58
2.3. Tần suất 59
2.4. Tiểu kết 63
CHƯƠNG 3. THỜI GIAN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI CÁC YẾU TỐ HÌNH
THỨC NGHỆ THUẬT KHÁC 65
3.1. Thời gian và điểm nhìn 65
3.1.1. Quan niệm chung về điểm nhìn 65
3.1.2. Thời gian và điểm nhìn trong Những kẻ thiện tâm 67
3.2. Thời gian và không gian 72
3.2.1. Quan niệm chung về không gian 72
3.2.2. Thời gian và không gian trong Những kẻ thiện tâm 73
3.3. Thời gian và dòng ý thức 83
3.3.1. Quan niệm về dòng ý thức 83
2
3.3.2. Thời gian và dòng ý thức trong Những kẻ thiện tâm 85
3.4. Tiểu kết 88
KẾT LUẬN 90
TÀI LIỆU THAM KHẢO 93
3
MỞ ĐẦU
1. Nhà văn – tác phẩm – bạn đọc
Mùa văn học năm 2006 ở Pháp có một hiện tượng gây chấn động đặc biệt: cuốn tiểu
thuyết Les Bienveillantes của tác giả Jonathan Littell đoạt cùng lúc hai giải thưởng danh
giá nhất của nước Pháp: Giải Goncourt 2006 và giải Grand Prix du Roman của Viện Hàn
lâm Pháp. Điều đặc biệt nhất là tác giả cuốn tiểu thuyết là người Mĩ gốc Do Thái nhưng lại
chọn tiếng Pháp để viết cuốn tiểu thuyết đồ sộ về lịch sử nước Đức. 38 tuổi, chưa từng trải
qua chiến tranh nhưng Jonathan Littell đã viết về cuộc chiến thiêu rụi cả thế giới bằng con
mắt lạnh lùng, khách quan (theo cách đánh giá của nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan là
“bình thản và vô cảm” – một lối viết “loại trừ cảm xúc”).
Jonathan Littell (1967) sinh ra trong một gia đình Do Thái gốc Đông Âu, là con trai nhà
văn và nhà báo Mỹ có tên tuổi Robert Littell (từng làm phóng viên đưa tin về Trung Cận
Đông những năm 1960 và là tác giả cuốn tiểu thuyết lừng danh về CIA: The Company).
Ông tốt nghiệp phổ thông trung học tại Pháp, học đại học tại Yale và từng làm việc cho
một số tổ chức từ thiện quốc tế tại Bosnia, Chechnya, Ruanda. Hiện ông sống với vợ và hai
con tại Barcelona. Tác phẩm duy nhất trước Les Bienveillantes là một tiểu thuyết khoa học
viễn tưởng viết bằng tiếng Anh: Bad Voltage (1989).
Les Bienveillantes là tác phẩm đầu tiên của Jonathan Littell viết bằng tiếng Pháp, nhưng
chỉ một thời gian ngắn sau khi ra mắt, cuốn sách đã lọt vào danh sách “best – seller” và
được đánh giá là “quả bom tấn trong làng tiểu thuyết Pháp”. Nhà văn Jonathan Littell từng
phát biểu về lí do ông chọn tiếng Pháp để viết cuốn tiểu thuyết này: ông đã lớn lên ở Pháp,
được dạy dỗ bằng thứ tiếng đó, và sâu xa hơn, phần lớn nhà văn mà ông yêu quý và có ảnh
hưởng đến ông – Georges Bataile, Maurice Blanchot, Jean Genet cũng như Flaubet và
Stendhal – đều viết bằng tiếng Pháp. Ông rất thích sự đa dạng của ngôn ngữ này, đó là một
hòa trộn của tính chính xác và mềm dẻo ở nhiều mặt” [35]. Tác phẩm đã được dịch ra
nhiều thứ tiếng khác nhau: Anh, Đức, Tây Ban Nha, Việt Nam…Bản dịch tiếng Việt
Những kẻ thiện tâm của dịch giả Cao Việt Dũng đã được Công ty Nhã Nam mua bản quyền
và ấn hành tại Việt Nam vào tháng 3 năm 2008.
Những kẻ thiện tâm là một cuốn tiểu thuyết đồ sộ và không hề dễ đọc một chút nào.
Nguyên bản tiếng Pháp dày 903 trang và bản dịch tiếng Việt của Cao Việt Dũng là 1188
trang (chưa kể phụ lục và chú thích). Cuốn sách viết về Đại chiến thế giới thứ hai, về chủ
nghĩa phát xít Đức và thảm cảnh Holocaust - một đề tài cũ đã được cày xới quá nhiều.
4
Trong khi đó, tác giả lại không kinh qua chiến tranh nên việc thu thập, xử lý và sắp xếp số
liệu sao cho phù hợp vào “bàn cờ ma trận” của ngôn từ là điều không đơn giản. Ngoài ra,
Những kẻ thiện tâm còn chứa đựng trong nó vô vàn tri thức lịch sử, văn học, kinh tế, chính
trị, ngôn ngữ học, triết học, âm nhạc… đòi hỏi ở người tiếp nhận phải có một trình độ hiểu
biết nhất định. Với đời sống xã hội hiện đại ngày nay, khi con người đang bị cuốn vào sự
phát triển như vũ bão của thế giới công nghệ thông tin thì việc đưa ra một cuốn tiểu thuyết
đồ sộ như vậy thực sự là một thách đố. Nhưng Jonathan Littell đã viết với một bút pháp
khiến người đọc không thể dứt ra được cho đến tận trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết.
Với kết cấu gồm 7 chương và được xây dựng trên hai trục chính: triết lý tội lỗi trong
Thần thoại Hy Lạp và âm nhạc của Bach, Những kẻ thiện tâm đưa người đọc trở lại thời
điểm lịch sử của Đại chiến thế giới lần thứ hai, gặp gỡ những nhân vật hàng đầu của bộ
máy phát xít Đức, thâm nhập vào hoạt động bí mật của chủ nghĩa quốc xã và chứng kiến
những bước ngoặt kì lạ trong cuộc đời thăng trầm của Maximilien Aue.
2. Lý do chọn đề tài
Những kẻ thiện tâm đã gây tiếng vang lớn trong nền văn học đương đại Pháp nói riêng và văn
học thế giới nói chung. Chúng tôi chọn tác phẩm Những kẻ thiện tâm để nghiên cứu ở luận văn
này bởi vị trí tuyệt vời mà tác phẩm đã được tôn vinh – giải Goncourt 2006 và giải Grand Prix du
Roman của Viện Hàn lâm Pháp. Mặc dù còn nhiều tranh cãi xung quanh “cuốn tiểu thuyết lớn,
quá nặng tư liệu lịch sử và không hề dễ đọc” này nhưng không ai có thể phủ nhận tầm vóc, tham
vọng của cuốn sách cũng như tài năng của nhà văn Jonathan Littell.
Việc tiếp cận tác phẩm dưới góc độ trần thuật học đã được chúng tôi thực hiện trong
khóa luận tốt nghiệp (tháng 6/ 2008) với đề tài: Vấn đề kể chuyện trong tiểu thuyết Những
kẻ thiện tâm của Jonathan Littell. Với mong muốn đi xa hơn nữa trong việc khám phá
những giá trị ngầm ẩn của cuốn tiểu thuyết, chúng tôi tiếp tục lựa chọn vấn đề thời gian
làm đề tài nghiên cứu trong công trình Luận văn thạc sỹ. Đây là một đề tài khó nhưng thực
sự hấp dẫn bởi nó giúp chúng ta khai mở được vấn đề trung tâm của tác phẩm từ hai
phương diện nội dung và nghệ thuật.
3. Lịch sử vấn đề
Những nghiên cứu về nhà văn Jonathan Littell và tiểu thuyết Những kẻ thiện tâm chưa
nhiều, đặc biệt còn rất hạn chế ở Việt Nam. Hiện nay, trên internet có một số bài báo viết
về tác phẩm Những kẻ thiện tâm nhưng chưa đi sâu nghiên cứu, mới chỉ dừng lại ở mức độ
giới thiệu đôi nét về tác giả Jonathan Littell và cuốn tiểu thuyết đang “gây sốc” cả thế giới.
5
Tháng 6/ 2008 chúng tôi chọn vấn đề kể chuyện trong tiểu thuyết Những kẻ thiện tâm của
Jonathan Littell làm đề tài nghiên cứu cho khóa luận tốt nghiệp. Ngoài ra, chưa thấy có
luận văn thạc sỹ hay luận án tiến sĩ nào tìm hiểu về nghệ thuật thời gian trong tiểu thuyết
Những kẻ thiện tâm.
4. Phạm vi nghiên cứu
Chúng tôi triển khai việc nghiên cứu đề tài “Thời gian trong tiểu thuyết Những kẻ thiện
tâm của Jonathan Littell” dựa trên bản dịch tiếng Việt của Cao Việt Dũng, Nxb Hội nhà
văn, Hà Nội, năm 2008.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để giải quyết vấn đề, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu từ góc độ trần thuật
học – một hệ thống lý thuyết của lý luận văn học đang được giới nghiên cứu hết sức quan
tâm và ngày càng bộc lộ nhiều ưu thế trong việc tìm ra một hướng tiếp cận mới đối với
việc đọc và nghiên cứu tác phẩm văn học. Việc ứng dụng lý thuyết trần thuật học trong
nghiên cứu tác phẩm cũng là một cách làm khoa học nhằm kết hợp một cách nhuần nhuyễn
giữa lý thuyết và thực hành để có thể lĩnh hội giá trị của tác phẩm một cách có hiệu quả
nhất.
Bên cạnh đó, khi tiến hành đề tài nghiên cứu trên, chúng tôi cũng sử dụng kết hợp linh
hoạt các phương pháp: phương pháp khảo sát - thống kê - phân loại, phương pháp phân
tích – tổng hợp, phương pháp so sánh đối chiếu (với một số tác giả có cùng sự quan tâm về
đề tài và gần gũi về bút pháp).
6. Đóng góp của luận văn
Ứng dụng lý thuyết trần thuật học để nghiên cứu vấn đề thời gian trong tiểu thuyết
Những kẻ thiện tâm của Jonathan Littell, chúng tôi muốn góp thêm tiếng nói của mình
trong việc khai phá phần nào những chiều kích của cuốn tiểu thuyết được xem là “sự kiện
của thế kỷ” (Jorge Semprun), từ đó đánh giá tài năng cũng như sức sáng tạo của nhà văn
Jonathan Littell khi ông viết về “một đề tài cũ đã có quá nhiều người cày xới”.
`7. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm ba chương
chính như sau:
Chương 1: Lý luận về thời gian và những vấn đề lịch sử - xã hội trong Những kẻ
thiện tâm.
6
Chương 2: Các cấp độ thời gian trong Những kẻ thiện tâm.
Chương 3: Thời gian trong mối quan hệ với các yếu tố hình thức nghệ thuật khác.
CHƯƠNG 1
LÝ LUẬN VỀ THỜI GIAN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LỊCH SỬ - XÃ HỘI TRONG
NHỮNG KẺ THIỆN TÂM
1. 1. Lý luận về thời gian
Thời gian là một yếu tố luôn hiện diện một cách tự nhiên trong cuộc sống và trong nghệ
thuật. Khả năng sáng tạo kì diệu của nhà văn đã khiến cho thời gian trong tác phẩm ngày
càng có giá trị nghệ thuật. Nằm trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với các hình thức nghệ
thuật khác, thời gian là một cách các nhà tiểu thuyết gửi đến độc giả thông điệp thẩm mỹ
của mình. Thời gian chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào việc đổi
mới nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại. Nghiên cứu thời gian trong tiểu thuyết là việc đi tìm ý
nghĩa ngầm ẩn bên trong – “tảng băng trôi” của tác phẩm, từ đó khám phá cái nhìn của nhà
văn về thế giới và con người.
Sự ám ảnh của thời gian không bao giờ buông tha người viết tiểu thuyết. Nói như Jean –
Yves: “Thời gian là gương mặt của bí ẩn, và bí ẩn – gương mặt của thời gian. Tiểu thuyết,
nghệ thuật của thời gian, của tồn lưu dài lâu” [9, tr. 70]. Nhà phê bình Pháp Albert
Thibaudet cũng cho rằng: “Tính thời gian là chìa khóa của bố cục tiểu thuyết”. Tính thời
gian ở đây có nghĩa là khi bước vào tác phẩm, thời gian tự nhiên đã không còn là nó, nó tự
đánh mất mình đi để biến đổi thành thời gian mang tính nghệ thuật: “Khi kể lại một câu
chuyện, tức thì thời gian đã có mặt. Kể lại tức là làm mất thời gian đi. Những thời gian để
viết ra một câu chuyện, để đọc nó là thời gian tự nhiên, nó không ngừng bị mất đi, tiêu
biến từ quá khứ sang hiện tại” [8, tr. 121].
Văn học là nghệ thuật về thời gian. Yếu tố thời gian mà chúng ta quan tâm là thời gian
mang tính nghệ thuật, là thời gian nằm trong văn bản, thời gian trong quan niệm của tác
giả. Theo Christian Metz: “Truyện kể là một lớp hai lần thời gian: có thời gian của sự việc
được kể và thời gian của truyện kể (thời gian của cái được biểu hiện và thời gian của cái
biểu hiện). Tính hai mặt này, một cách sâu sắc hơn nó thúc giục ta nhận ra rằng một trong
những chức năng của truyện kể là đúc thời gian trong một thời gian khác” [9, tr. 24].
7
Thời gian là thực thể tự hữu, nó tồn tại khách quan, bởi vậy chúng ta không thể sống với
sự “mù lòa” về thời gian. Sang thế kỉ XX người ta càng chú trọng nhiều đến ý thức về thời
gian, trong khi nghệ thuật ngôn từ là nghệ thuật của thời gian nên thời gian xâm nhập
mạnh mẽ vào trong văn học. “Thời gian trong tiểu thuyết thế kỉ XX hiện ra chằng chịt,
phức tạp, đa tầng. Nó không còn giản dị, “thơ ngây” và “trong suốt” dễ tiếp cận như trong
tiểu thuyết của các thế kỉ trước nữa. Các nhà tiểu thuyết tự do đi lại trong tương lai hoặc
cho nhân vật của mình lùi về quá khứ đến hàng mấy thế kỉ…Đôi khi tiểu thuyết từ bỏ hành
động để trở thành một “trạng thái ứ”, co thời gian lại. Các nhà văn bằng mọi cách chơi trò
ú tim, đùa giỡn với thời gian, “tãi” thời gian ra để trốn khỏi thời gian hoặc “đúc” thời gian
lại trong một “hiện tại vĩnh hằng khiến mọi nhờ cậy đến kí ức đều là bất khả” (Robbe –
Grillet). Nhưng dù làm cách nào chăng nữa, “ý thức về thời gian vẫn ở hậu cảnh, không gì
xóa nổi” (A.Gioranescu). Tìm mọi cách để “hư vô hóa” thời gian, nhà tiểu thuyết vẫn bị
thời gian túm chặt lấy trong nỗi ám ảnh không nguôi” [9, tr. 70].
Nghiên cứu về thời gian trong văn học trên thế giới đã được đặt ra ngay từ những năm
trước chiến tranh thế giới thứ hai và cho đến nay, các nhà nghiên cứu trên thế giới cũng
như ở Việt Nam vẫn không ngừng tiếp tục hành trình đi vào thế giới nghệ thuật thời gian
của tiểu thuyết, nhìn nhận vấn đề thời gian dưới nhiều góc độ và đặt nó trong tương quan
mật thiết với các yếu tố nghệ thuật khác.
Gérard Genette – một trong những chuyên gia phê bình hàng đầu hiện nay của Pháp,
nhất là về vấn đề thời gian, đã phát biểu về hai lớp thời gian của truyện kể: thời gian của
sự việc được kể và thời gian của truyện kể (thời gian của cái được biểu đạt và thời gian của
cái biểu đạt). Ông nghiên cứu mối liên quan giữa giữa hai loại thời gian trên theo cách gọi
khác: thời gian cốt truyện/ sự kiện – temps de I’histoire với (giả-) thời gian của truyện kể -
(pseudo-) temps du récit. Đây là hai loại thời gian cơ bản nhất mang tính nghệ thuật trong
việc nghiên cứu. Trong loại thời gian sau, Genette chia làm ba cấp độ nghiên cứu cơ bản:
trật tự (order); thời lưu (durée) và tần suất (fréquence). Trong mỗi cấp độ thời gian trên,
Genette lại chia nhỏ ra nghiên cứu tỉ mỉ về: sự sai trật ngày tháng (anachronie); tải trọng,
biên độ (portée, amplitude); quay ngược (analepses); đón trước (prolepses); tóm tắt
(sommaire); quãng ngưng (pause); tỉnh lược (ellipse); lớp, cảnh (scène); đơn/xảy lặp
(singulatif/ itératif); xác định, chỉ rõ, giãn ra (desteermination, spésification, extencion);
8
lịch đại bên trong và lịch đại bên ngoài (diachronie interner et diachronie externe); luân
phiên, chuyển tiếp (alternance, transit) [9, tr. 72 – 73].
Trong Thi pháp học, Tzvetan Todorov xem thời gian là chất liệu quan trọng giúp cho
việc chuyển hóa văn bản thành thế giới nghệ thuật. Ông cho rằng vấn đề thời gian xuất
hiện bởi vì trong tác phẩm có sự va chạm nhau của hai trục thời gian: trục thời gian của
những biến cố, hiện tượng được mô tả và trục thời gian văn bản mô tả chúng. Todorov liệt
kê ra các vấn đề cơ bản trong mối quan hệ thời gian, bao gồm: 1/ Quan hệ trật tự tiếp nối:
thời gian truyện không hoàn toàn đồng hành với thời gian của sự kiện được kể, nó có thể
vượt lên trước hay lùi lại sau; 2/ Quan hệ giữa số lượng thời gian dùng để đọc văn bản với độ
dài thời gian của các biến cố thực tế được nói tới trong văn bản. Ông cũng đưa ra các dấu hiệu
tần số: đơn nhất, lặp lại và trùng điệp.
Manfred Jahn trong công trình nghiên cứu Trần thuật học – nhập môn lý thuyết trần
thuật tiếp tục phân tích vấn đề thời gian trên cơ sở khái quát các quan điểm của Genette,
Rimmon, Kenan, Toolan, Lintvelt. Vấn đề thời gian được ông tập trung phân tích qua ba
câu hỏi và ứng với mỗi câu hỏi sẽ là mối quan hệ thời gian:
Khi nào? – Thứ tự (cách trình bày niên biểu của câu chuyện)
Bao lâu? – Khoảng thời gian (sự cân xứng giữa thời gian trần thuật và thời
gian diễn ngôn)
Bao nhiêu lần? – Tần suất (cách khả dĩ thể hiện một hành động đơn lẻ hay
một chuỗi các hành động lặp đi lặp lại).
Nhìn chung, vấn đề thời gian được nghiên cứu dưới rất nhiều góc độ khác nhau, nhưng
tựu trung lại các nhà nghiên cứu đều phân biệt rõ giữa thời gian truyện kể và thời gian văn
bản. Nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào chỉ ra rằng: “Thời gian thật sự có tính chất nghệ thuật,
đó là thời gian của hành động kể chuyện và thời gian của văn bản” [5, tr. 88]. Ngay từ khi
tiểu thuyết xuất hiện nó đã có những đặc trưng khác biệt với các hình thức tự sự khác:
“chính là cấu trúc của nó cho phép nhấn mạnh tính chất quá trình, tính chất dòng chảy của
thời gian” và “khả năng hiện đại hóa những sự kiện, và nhất là sự cảm nhận các hiện tượng
như trong hiện tại”. Sự đổi mới của tiểu thuyết hiện đại chủ yếu là tiếp tục làm tăng cường
thêm các đặc điểm ấy: “Với thế kỉ này xuất hiện thêm những hình thức và phương tiện kĩ
thuật nhằm hai hướng: xoáy vào dòng chảy của thời gian và tăng thêm cảm giác về thời
gian hiện tại” [5, tr. 92].
9
Đào Duy Hiệp khi bàn về thời gian trong tiểu thuyết cũng nhấn mạnh rằng: nếu như ở
các thế kỉ trước thời gian được xử lý tương đối đơn giản, thời gian là cái khung của hành
động nhân vật thì đến thế kỉ XX, thời gian trở thành một ám ảnh trong tiểu thuyết. “Các
nhà tiểu thuyết đương đại sẵn sàng coi thời gian không chỉ là cái khung giản đơn của hành
động mà còn như là một nguyên tố của phản chiếu mang tính đồng nhất ở tiểu thuyết”
(Rey). Bởi vậy, đặt lại vấn đề thời gian trong tiểu thuyết, đó là tư duy lại bản chất của
chính thể loại này.
1. 2. Những vấn đề lịch sử - xã hội trong Những kẻ thiện tâm
Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) là một cuộc xung đột vũ trang lớn nhất trong
lịch sử giữa các lực lượng Đồng Minh và Trục theo chủ nghĩa phát xít. Ai cũng biết đây là
cuộc chiến rộng lớn và tai hại nhất trong lịch sử nhân loại. Không một cuộc xung đột nào
trước đó hay sau đó bao gồm số nước tham gia nhiều hơn, hay giết nhiều mạng người hơn
và phá hoại nhiều hơn. Holocaust là tên gọi của cuộc tàn sát chủng tộc đối với hơn sáu
triệu người Do Thái và nhiều nhóm thiểu số khác ở Châu Âu và Bắc Phi trong thời gian
Thế chiến thứ hai do Phát xít Đức và các nước cùng phe gây ra. Con người, nhất là những
người Châu Âu đã, đang và sẽ còn nhớ mãi, nói mãi về cuộc chiến thảm khốc này cũng
như thảm cảnh Holocaust cho dẫu gần 7 thập niên đã trôi qua.
Những kẻ thiện tâm là bức tranh lớn về lịch sử và xã hội. Tác phẩm đưa người đọc trở
lại thời điểm lịch sử của Đại chiến thế giới lần thứ hai, gặp gỡ những nhân vật hàng đầu
của bộ máy phát xít Đức, thâm nhập vào hoạt động bí mật của chủ nghĩa quốc xã và chứng
kiến những tội ác kinh hoàng do nó gây ra.
Chúng tôi đã tiến hành khảo sát và thống kê cụ thể ở từng tập, từng chương có xuất hiện
những sự kiện lịch sử liên quan đến cuộc chiến tranh thế giới lần II và chương trình diệt trừ
mang cái tên: “holocaust” – lò thiêu qua lời bàn của các nhân vật hoặc của người kể
chuyện. Qua việc thống kê chi tiết, chúng ta sẽ dễ dàng nắm bắt được tiến trình niên biểu,
tốc độ (vitesse), nhịp kể (rythme); từ đó thấy được ý nghĩa của chúng trong tác phẩm cũng
như quan niệm của nhà văn về lịch sử và con người.
- Qua bảng thống kê, chúng ta dễ dàng nhận thấy các sự kiện lịch sử liên quan đến cuộc
chiến tranh thế giới thứ hai và vụ Holocaust ở mỗi chương không đều nhau nhưng chúng
xuất hiện với tần số khá lớn. Tổng số trang, dòng về đề tài chiến tranh trong tác phẩm là 52
trang 12 dòng. Tổng số trang, dòng về đề tài lò thiêu là gần 110 trang, trong đó chương
Allemende I và II (chiếm tỷ lệ 38,4 %) và chương Menuet (chiếm tỷ lệ 59% trong tổng số
trang cho toàn vụ holocaust trong tác phẩm). Những sự kiện lịch sử liên quan đến cuộc
10
chiến tranh thế giới thứ hai và vụ Holocaust rải rác đi xuyên qua gần như suốt các chương
trong Những kẻ thiện tâm chứng tỏ tác giả cuốn tiểu thuyết dành nhiều sự quan tâm cho
chủ đề này. 38 tuổi, chưa từng tham gia chiến tranh nhưng Jonathan Littell đã viết về cuộc
chiến thiêu rụi cả thế giới bằng con mắt lạnh lùng và khách quan - một lối viết loại trừ cảm
xúc.
- Khác với nhiều nhà văn có cùng sự quan tâm về đề tài thường mô tả lại cuộc thảm sát
dân Do Thái ở góc nhìn và sự trải nghiệm của những nạn nhân (như Không số phận (1975)
của Kertesz Imre), Jonathan Littell viết về cuộc thảm sát tàn bạo này dưới góc nhìn của
một tên đao phủ. Cuốn sách là những câu chuyện do một nhân vật hư cấu Maximilien Aue đã
từng tham gia vào các cuộc tàn sát người Do Thái trên quy mô lớn dưới thời Đức quốc xã trong
vai trò sĩ quan SS kể lại. Sau chiến tranh, Aue sống hoàn toàn yên bình dưới cương vị một ông
chủ của một nhà máy sản xuất đăng ten ở miền Bắc nước Pháp, và một ngày kia hắn quyết định
kể lại toàn bộ quá khứ cuộc đời mình:“Tôi là một nhà máy sản xuất kỉ niệm thực thụ. Tôi
hoàn toàn có thể dành cả đời để sản xuất ra kỉ niệm.”[21, tr. 10].
- Người kể chuyện xưng “tôi” đồng thời là nhân vật chính trong tác phẩm – Maximilien
Aue kể lại toàn bộ cuộc đời mình ở mốc thời gian là chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sự hồi
cố của nhân vật gắn liền với sự chuyển biến của cuộc chiến tranh – tức là thời gian lịch sử,
cho nên chính lịch sử đã “cưỡng bức” lên cách kể của người kể chuyện. Các sự kiện đưa ra
được tác giả “đóng khung” trong một thời điểm và một địa điểm nhất định. Nếu nhìn vào
bảng thống kê, ngoài chương đầu tiên Toccata là thời gian hiện tại sau chiến tranh, các
chương còn lại được kể dưới dạng biên niên sử theo trình tự các mốc thời gian của cuộc
chiến tranh.
Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu vấn đề kĩ thuật thời gian trong Những kẻ thiện tâm sẽ thấy tác
phẩm hoàn toàn không phải là một câu chuyện viết dưới dạng biên niên sử theo trình tự các
mốc thời gian. Chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu vấn đề này trong chương tiếp theo của
luận văn.
CHƯƠNG 2
CÁC CẤP ĐỘ THỜI GIAN TRONG NHỮNG KẺ THIỆN TÂM
Trong Figure III, Genette đã phát biểu: hai loại thời gian cơ bản nhất mang tính nghệ
thuật trong việc nghiên cứu là thời gian cốt truyện/ sự kiện – temps de I’histoire và (giả-)
thời gian của truyện kể - (pseudo-) temps du récit. Ông cũng tiến hành nghiên cứu mối
11
liên quan giữa chúng. Trong loại thời gian sau, Genette chia làm ba cấp độ nghiên cứu cơ
bản: trật tự (ordre), thời lưu (durée) và tần suất (fréquence).
Việc nghiên cứu các cấp độ thời gian trong tiểu thuyết Những kẻ thiện tâm sẽ được
chúng tôi tiến hành dựa trên cơ sở lý luận về thời gian của Genette mà chúng tôi đã đề cập
đến ở chương 1.
2.1. Trật tự thời gian
Trật tự thời gian chính là niên biểu của truyện kể. Nghiên cứu trật tự thời gian của
truyện kể là việc so sánh trật tự sắp xếp các biến cố thời gian trong diễn ngôn trần thuật với
trật tự kế tiếp nhau của chính các biến cố thời gian đó trong cốt truyện. Nói một cách khác,
đó là so sánh trật tự của truyện kể (của việc kể chuyện) với trật tự niên biểu của câu
chuyện.
Chúng tôi sẽ tập trung vào một số vấn đề nghệ thuật quan trọng về trật tự thời gian sau
đây của Những kẻ thiện tâm: thời gian niên biểu, sự sai trật niên biểu, lối quay ngược và
đón trước.
2.1.1. Về niên biểu
Những kẻ thiện tâm có thời gian cốt truyện từ 1919 đến những năm sau chiến tranh thế
giới thứ hai: khoảng trên dưới 30 năm. Người kể chuyện – Maximilien Aue đã dẫn dắt
người đọc đi từ hiện tại cuộc đời mình (giám đốc của một nhà máy sản xuất đăng ten), lùi
về quá khứ (khi còn là sĩ quan của SS), từ đó toàn bộ cuộc đời nhân vật hiện lên.
Trên trục thời gian đó, niên biểu đã trình bày những biến cố lớn về: tuổi thơ của Aue,
những rạn nứt trong quan hệ gia đình khi người cha bỏ nhà đi và mẹ quyết định chung
sống với Moreau, tình yêu với em gái sinh đôi, những mối tình đồng giới, những giấc mơ
tuổi trẻ, chiến tranh, những cuộc chiến đấu, những cuộc hành quyết dân Do Thái, tiến trình
chọn lọc và sử dụng lao động trong các trại tập trung, vụ giết mẹ và cha dượng, sự truy
đuổi của hai thanh tra mẫn cán ngành tư pháp, vụ giết Thomas – người bạn thân, cuộc sống
yên bình sau chiến tranh dưới vỏ bọc là giám đốc một nhà máy sản xuất đăng ten.
Có thể coi đó là cốt truyện “nổi” – niên biểu bên ngoài – trên một cốt truyện “chìm” –
niên biểu bên trong – ngầm chảy quan trọng khác: đời sống tâm linh, những hồi ức, mộng
tưởng… Những kẻ thiện tâm, do vậy, đã mặc nhiên có song song hai thời gian niên biểu:
trên bề nổi với những chỉ dẫn cụ thể về năm tháng (niên biểu bên ngoài) và dưới bề sâu
(niên biểu bên trong) là niên biểu thời gian trải nghiệm, thời gian tâm linh.
12
- Niên biểu bên ngoài mang tính chất lịch sử rõ rệt (còn gọi là thời gian lịch sử - temps
historique) là ở những chỉ dẫn năm tháng cụ thể. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát và thống
kê những dấu hiệu thời gian trong Những kẻ thiện tâm theo trật tự xuất hiện của chúng
trong tác phẩm:
+ Có khi là những chỉ dẫn bằng số năm
+ Có khi là những mốc thời gian cụ thể đến từng phút
+ Và bằng mùa trong năm
+ Hoặc bằng thứ, ngày, tháng cụ thể trong từng năm
+ Thời gian còn được thông báo bằng buổi
+ Bằng số giờ, phút
+ Dấu hiệu thời gian còn được thể hiện qua độ chiếu của mặt trời, mặt trăng
+ Đôi khi, thời gian còn được gợi lên từ tuổi tác nhân vật, từ các đặc trưng thiên
nhiên, từ các dấu hiệu thời gian lịch sử, hay dấu hiệu về thời gian văn hóa từ các huyền
thoại (câu chuyện về Orestes trong thần thoại Hy Lạp).
+ Ngoài ra, có rất nhiều những chỉ dẫn bất chợt về thời gian mang tính chất ngẫu
nhiên của kí ức…
- Niên biểu bên trong là đời sống nội tâm của nhân vật với những ám ảnh “vùng khuất”,
“những giấc mơ hung bạo và đứt đoạn”, “những điều âm u đang rối loạn trong trí óc”,
“những ý nghĩ không có điểm kết thúc”…Chính những ẩn ức này khiến câu chuyện có
nhiều bước rẽ, đột biến, tạo nên sự sai trật cục bộ trong mỗi trường đoạn. Tác giả cuốn tiểu
thuyết, một cách có chủ ý, đã đảo lộn trật tự biên niên, phá vỡ cấu trúc thời gian tuyến tính
để phù hợp với trật tự của hồi ức, kỉ niệm.
- Thời gian văn bản trải dài 1188 trang cho một cốt truyện 30 năm, như vậy con số trung
bình là 1188: 30 = 39,6 trang/ năm; gần 40 trang/ năm, một tốc độ khá chậm. Chính từ tốc
độ truyện kể đó đã tạo cho nhịp kể của truyện một tính chất hồi cố, trăn trở. Tuy nhiên,
thời gian của việc kể chuyện trong mỗi chương, mỗi trường đoạn cụ thể lại có những nhịp
điệu và tốc độ khác nhau do những thủ pháp thời gian khác nhau quy định. Dưới đây chúng
tôi sẽ đi sâu phân tích về việc bố trí các sự kiện của truyện theo sự sai trật niên biểu, lối
quay ngược và đón trước.
2.1.2. Sự sai trật niên biểu
Những kẻ thiện tâm được chia làm 7 chương: 1. Toccata [21, tr. 7 - 35], 2. Allemende
[21, tr. 37 - 408], 3. Courante [21, tr. 409 - 519], 4. Sarabande [21, tr. 521 -651], 5. Menuet
13
[22, tr. 5 - 410], 6. Air [22, tr. 411 - 468], 7. Gigue [22, tr. 469 - 537]. Chúng tôi đã lược
thảo các biến cố và các lớp thời gian lớn của từng chương gọi là vĩ – cấu trúc, từ đó lập ra
sơ đồ về cấu trúc toàn tác phẩm (macro-structure) như sau:
A7 – B1 – C2 – D3 – E4 – G5 – H6
Nhìn vào cấu trúc sai trật thời gian trên của tác phẩm có thể thấy thời gian niên biểu vĩ
mô được sắp xếp gần như là tuân theo một trật tự tuyến tính. Ngoài chương đầu tiên có sự
đảo lộn về mặt thời gian (A7), sáu chương còn lại được kể theo trật tự tuyến tính: B1 – C2
– D3 – E4 – G5 – H6.
Những kẻ thiện tâm của Jonathan Littell được viết dưới dạng tự thuật của một nhân vật
hư cấu, điều này đồng nghĩa với việc người kể chuyện sẽ là kẻ “toàn tri biết tuốt” và thỏa
sức kể những gì anh ta muốn, không cần theo một trật tự lớp lang nào. Tuy nhiên, Những
kẻ thiện tâm là cuốn tiểu thuyết đồ sộ về đề tài lò thiêu nên chính những vấn đề lịch sử xã
hội phần nào đã “cưỡng bức” lên cách kể của người kể chuyện. Tác giả để cho người kể
chuyện kể lại những sự kiện theo một trình tự thời gian nhất định, chúng tôi tạm gọi là trật
tự thời gian trần thuật. Sự hồi cố của nhân vật gắn liền với sự chuyển biến của cuộc chiến
tranh, các sự kiện lịch sử đưa ra được tác giả “đóng khung” trong một thời điểm và một địa
điểm nhất định. Điều đó dẫn tới thời gian niên biểu vĩ mô được sắp xếp gần như là tuân
theo một trật tự tuyến tính, và người đọc nếu không tỉnh táo thì rất dễ nhầm lẫn rằng đang
theo dõi câu chuyện viết dưới dạng biên niên sử theo thình tự các mốc thời gian.
Tuy nhiên, không phải tất cả các sự kiện được kể ra đều tuân theo mệnh lệnh của “kẻ
toàn tri” – người kể chuyện, mà câu chuyện còn bị chi phối bởi những yếu tố và tình tiết cụ
thể. Thời gian được sắp xếp gần như là tuyến tính ở cầu trúc vĩ mô (macro-structure) của
tác phẩm, nhưng khi đi sâu vào từng chương, nghiên cứu về vi – cấu trúc (micro-structure),
thời gian sẽ chằng chịt, phức tạp, đa tầng và xáo trộn khó nắm bắt.
Chúng tôi tiến hành phân tích một đoạn trích của chương 3 (Courante) để chỉ ra thủ
pháp về sự sai trật niên biểu đã được Jonathan Littell xử lý khá nhuần nhuyễn ngay từ vi –
cấu trúc. Đoạn trích được chia thành 24 đoạn tự sự ứng với các mốc thời gian cụ thể. Từ đó
chúng tôi có sơ đồ về sự sai trật niên biểu như sau (xin lưu ý là những con số trùng nhau
thể hiện sự lặp lại của các mốc thời gian):
A11 – B10 – C11 – D1 – E2 – F11 – G3 – H11 – I7 – J4 – K6 – L11 – M6 –N11 –
O8 – P11 – Q8 – R11 – S5 – T6 – U7 – Ư8 – V9 – X11.
14
Nhìn vào sơ đồ trên, ta thấy rõ rằng các lớp thời gian hiện tại, quá khứ, quá khứ gần,
quá khứ xa xuất hiện đan xen chồng chất. Trong cấu trúc thời gian như đã chỉ ra ở trên, vị
thế thời gian hiện tại (tháng 12/ 1942) là vị thế - chìa khóa, trở đi trở lại, mở ra và khép lại
trên chính nó. Lớp thời gian xa nhất – quá khứ của tuổi thơ Aue (D1; E2; G3; J4; S5; K6,
M6, T6) xuất hiện đan xen liên tục với thời gian hiện tại (A11; C11; F11; H11; L11; N11;
P11; R11; X11).
Từ sơ đồ macro-structure bên trên tới sơ đồ micro-structure này ta có thể rút ra kết luận:
Những kẻ thiện tâm là hồi ức về cuộc đời nhân vật chính: Maximilien Aue. Người kể chuyện
xưng “tôi” trong tác phẩm, cũng đồng thời là nhân vật, là người hiện diện trong hành động
luôn ngoái lại rất nhiều thời diểm khác nhau trong cuộc đời mình để kể về những “trải nghiệm
cá nhân” của chính nhân vật dẫn đến sự vi phạm thường xuyên đến dòng chảy tự nhiên của
thời gian niên biểu, tạo nên sự sai trật cục bộ trong mỗi trường đoạn. Đặc điểm này chi phối
nghệ thuật kể chuyện, tạo ra một kiểu thời gian đa tầng, chồng chéo, đan xen. Thời gian có sự
đi về giữa hiện tại và quá khứ, còn quá khứ là những câu chuyện hỗn độn nhiều khi lồng ghép
vào nhau tạo nên kết cấu truyện lồng trong truyện.
2.1.3. Lối quay ngược và đón trước
Quay ngược nghĩa là ngoái lại về mặt thời gian để kể lại những sự kiện, những biến cố
đã xảy ra trong quá khứ. Toàn bộ quay ngược đều tạo thành một truyện kể thứ hai về mặt
thời gian phụ thuộc vào truyện kể thứ nhất – xuất phát điểm thời gian của một truyện kể.
Có hai kiểu quay ngược: 1/ Quay ngược bên trong: biên độ quay ngược nằm bên trong của
truyện kể thứ nhất (đồng nhất truyện); 2/ Quay ngược bên ngoài: biên độ quay ngược nằm
bên ngoài của truyện kể thứ nhất (không đồng nhất truyện).
Đón trước về mặt thời gian trong truyện kể là kể trước, báo hiệu trước một biến cố, một
nhân vật hoặc một sự kiện sẽ xảy đến. Chúng được xác định như là một sự nhảy vọt lên trước
trong truyện kể, kết hợp hai biến cố xa nhau thông qua thời gian, tiếp theo sau chính cơ chế ẩn
dụ. Trật tự của các sự kiện được giàn xếp bởi người kể chuyện xuất phát từ vị trí sau cùng của
anh ta trong thời gian với ánh sáng của những hậu quả đã được trình bày sau đó. Đón trước có
ba kiểu: 1/ Đón trước kiểu thông báo; 2/ Đón trước kiểu mồi nhử; 3/ Đón trước kiểu bổ sung.
Những kẻ thiện tâm của Jonathan Littell được xem như một cuốn sách hồi ức. Toàn bộ
kí ức của nhân vật chính – người kể chuyện được hình thành ở ba bậc trong đó thì hiện tại
bậc 2 đóng vai trò “làm chủ sân khấu”, quán xuyến toàn bộ quá khứ. Bởi vậy, trên dòng
chảy biên niên của thời gian niên biểu, người kể chuyện thường xuyên quay ngược hoặc
15
ngoái lại để kể về những “trải nghiệm cá nhân” của chính anh ta. Nhưng biên độ của sự
quay ngược về quá khứ lúc gần, lúc xa theo nhịp độ của hồi ức, kỉ niệm. Trên nguyên tắc lí
luận, chúng tôi coi những trường đoạn quay ngược về quá khứ chiến tranh là kiểu quay
ngược bên trong thuộc về truyện kể thứ nhất, còn sự hồi cố tạo ra tầng bậc thứ hai: quá khứ
của tuổi thơ Aue (quá khứ của bậc 1 và bậc 2) là kiểu quay ngược bên ngoài nằm trong
truyện kể thứ hai.
Có thể thấy rất rõ lối quay ngược bên trong về quá khứ chiến tranh qua sơ đồ về cấu
trúc toàn tác phẩm (macro-structure). Người kể chuyện từ thời điểm hiện tại A7 ngoái lại
quá khứ và kể lại những sự kiện theo một trình tự thời gian nhất định, gắn liền với những
chuyển biến của cuộc chiến tranh tại mặt trận phía Đông. Lối quay ngược bên ngoài về quá
khứ của tuổi thơ Aue được thể hiện ở cấp độ vi mô trong từng chương, từng trường đoạn
của tác phẩm. Nhìn vào sơ đồ micro-structure bên trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy những
hồi ức về quá khứ tuổi thơ của Aue ở các thời điểm D1; E2; G3; J4; S5; K6, M6, T6, I7,
U7, Ư8, V9 nằm bên ngoài truyện kể thứ nhất. Nó là sự quay ngược hoặc ngoái lại về mặt
thời gian so với truyện kể thứ nhất. Nói một cách dễ hiểu nhất, nếu như lối quay ngược bên
trong kể về quãng đời của Aue trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh dưới vai trò một sĩ
quan SS, thì lối quay ngược bên ngoài kể về số phận cuộc đời nhân vật ở thời điểm trước
chiến tranh và trong chiến tranh với những kỉ niệm tình yêu, những giấc mơ tuổi trẻ, những
mối tình đồng giới, rồi sự rạn nứt trong quan hệ gia đình và cả những tội lỗi mà hắn gây ra
cũng như những rắc rối hắn sẽ phải đối mặt.
Bên cạnh lối quay ngược, trong tiểu thuyết Những kẻ thiện tâm của Jonathan Littell,
chúng ta còn liên tục bắt gặp những đoạn văn có tính chất báo trước cho những sự kiện và
biến cố sẽ xảy ra. Lối đón trước kiểu mồi nhử như vậy được xác định như là một sự nhảy
vọt lên trước trong truyện kể, kết hợp hai biến cố xa nhau thông qua thời gian. Những sự
kiện ở hiện tại và trong quá khứ cùng đồng hiện, sự kiện A đang được kể thì sự kiện B đã
hiện về, nhưng người kể không tiện kể B ngay mà chỉ thông báo một tín hiệu về B rồi sau
đó mới quay lại kể về nó. Lối đón trước ở đây có ý nghĩa thông báo trước sự kiện tất yếu sẽ
xảy đến, làm câu chuyện ngày càng tiến đến độ sáng tỏ, đồng thời gây ra được tâm lý tò
mò đối với độc giả. Có thể nói, lối đón trước trong Những kẻ thiện tâm chính là một thủ
pháp quan trọng hút người ta vào “ma trận ngôn từ” và theo dõi đến những trang cuối cùng
của “cuốn tiểu thuyết lớn và không hề dễ đọc” này.
16
Lối đón trước được thể hiện đậm đặc nhất trong chương mở đầu Toccata. Chúng tôi đã
tiến hành khảo sát và chỉ ra từng kiểu đón trước trong chương này.
2.2. Thời lưu
Thời lưu (hay khoảng thời gian) chính là sự phân biệt giữa thời gian truyện kể và thời
gian diễn ngôn, là độ lâu của các biến cố với giả - thời gian (độ dài văn bản). Mỗi biến cố
có thể được kể dài hay ngắn (tính theo độ dài của câu chữ) so với thời gian mà đáng lẽ sự
kiện đó phải có dẫn đến ý nghĩa của thời lưu khác nhau.
Chúng tôi ứng dụng hai cấp độ thời sai và quãng ngưng để nghiên cứu thời lưu trong
Những kẻ thiện tâm.
2.2.1. Thời sai
Theo lý thuyết của Genette, thời sai là sự không bền vững về tốc độ (vitesse) được xác
định thông qua mối quan hệ giữa thời lưu của sự kiện (được đo bằng giây, phút, giờ, tháng,
năm…) với độ dài của văn bản (dòng, trang). Nó ngược với sự đẳng thời (isochronie).
“Một truyện kể có thể vượt qua sự sai trật niên biểu, nhưng nó không thể đi tiếp được mà
không có thời sai, hoặc nếu ta thấy tiện hơn, không có hiệu quả của nhịp (rythme). Như
vậy, nghiên cứu về thời sai là nghiên cứu về nhịp của truyện kể.
Để nghiên cứu về nhịp của tiểu thuyết Những kẻ thiện tâm, chúng tôi sẽ phân tích dựa
trên bảng thống kê những vấn đề lịch sử xã hội đã lập ra ở chương 1. Những sự kiện lịch
sử liên quan đến cuộc chiến tranh thế giới thứ hai rải rác đi xuyên qua gần như suốt các
chương trong Những kẻ thiện tâm nhưng chúng xuất hiện với một tần số không đồng đều.
Trên cơ sở bảng thống kê ở chương 1, chúng tôi lập bảng thống kê về cuộc chiến tranh Xô
– Đức theo niên biểu thời lưu và thời gian văn bản. Độ lệch giữa thời gian truyện kể và
thời gian văn bản cho thấy sự không bền vững về tốc độ được xác định thông qua mối quan
hệ giữa thời lưu của sự kiện với độ dài của văn bản trong tác phẩm. Nó chứng tỏ dụng ý
sáng tạo của nhà văn Jonathan Littell nhằm tạo hiệu quả thẩm mĩ cho cuốn tiểu thuyết đầy
ắp tư liệu lịch sử và không hề dễ đọc như Những kẻ thiện tâm.
2.2.2. Quãng ngưng:
Trong Những kẻ thiện tâm, quãng ngưng được thể hiện chủ yếu là quãng ngưng miêu tả
cảnh hoặc trầm tư của nhân vật. Sau mỗi cuộc thảm sát người kể lại chuyển sang miêu tả
thiên nhiên lãng mạn như một bức tranh đối lập hoàn toàn với sự dữ dội và những nỗi kinh
hoàng mà chiến tranh đã tạo ra. Ngoài ra, những quãng ngưng miêu tả tâm trạng nhân vật
cũng góp phần làm chậm lại dòng chảy của truyện kể.
17
Nếu như những trang văn viết về đề tài chiến tranh và lò thiêu tạo ra độ căng cho cuốn
tiểu thuyết thì những trang miêu tả cảnh hoặc trầm tư của nhân vật chính là quãng ngưng –
quãng ngưng nhẹ giữa các cuộc thảm sát. Quãng ngưng trong Những kẻ thiện tâm vì vậy có
một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó thể hiện sự cảm nhận thẩm mĩ của nhân vật về thế giới
và con người, chống lại sự đơn điệu, đơn nhất của văn bản nghệ thuật.
2.3. Tần suất
Theo Genette, tần suất là những mối quan hệ tần số giữa truyện và cốt truyện. Sự phân
tích điều tra nghiên cứu tần số xuất hiện chiến lược kể tóm tắt hoặc lặp đi lặp lại của người
kể chuyện. Có bốn kiểu lặp lại:
- Kể lại một lần những sự việc xảy ra một lần
- Kể lại n lần những sự việc xảy ra một lần (truyện kể lặp lại)
- Kể lại một lần những sự việc xảy ra n lần (truyện kể xảy lặp)
- Kể lại n lần những sự việc xảy ra n lần
Những kẻ thiện tâm thường xuyên xuất hiện kiểu lặp lại thứ hai, tức là: kể lại nhiều lần
một sự việc. Có những đoạn văn được lặp đi lặp lại nhiều lần như một điệp khúc làm nền
cho sự phát triển của các sự kiện, biến cố. Đặc biệt, thời gian “đêm” với môtip giấc mơ
xuất hiện tới 16 lần trong tác phẩm với nhiều dạng vẻ khác nhau nhưng đều nhằm thể hiện
một dòng chảy của ý thức hỗn độn tối tăm. Những giấc mơ thác loạn, đứt đoạn và rối tung
của nhân vật biểu hiện cho một thế giới tâm lý đầy những ẩn ức, dằn vặt khủng khiếp. Có
lẽ thông điệp lớn của tác phẩm đã được nhân vật Max nói ra trong phần đầu tiên của truyện:
“Tôi cũng là người như quý vị cả thôi”. Như vậy, ai trong chúng ta cũng có thể trở thành ác
quỷ nhưng ác giả ác báo, chẳng có ai thoát khỏi sự trừng phạt của lương tâm – của cái phần
người đôi lúc bị chìm lấp đi. Giá trị của tác phẩm vì thế vượt lên trên việc đề cập đến một
trong những tấn thảm kịch lớn nhất của loài người trong thế kỉ XX: chiến tranh và diệt
chủng. Nó còn soi rọi vào bản chất của cái ác và phần tối trong mỗi con người.
CHƯƠNG 3
THỜI GIAN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI CÁC YẾU TỐ HÌNH THỨC NGHỆ
THUẬT KHÁC
3.1. Thời gian và điểm nhìn
3.1.1. Quan niệm chung về điểm nhìn
18
Một tác phẩm bắt buộc phải được kể từ một góc nhìn nào đó hoặc hoặc theo cách mà
nhân vật mang tiêu điểm, tức nhân vật phản ánh góc nhìn tác giả. Điểm nhìn cung cấp một
phương tiện để người đọc nhìn sâu vào cấu trúc nghệ thuật và nhận ra đặc điểm phong
cách của tác giả trong đó.
Về mặt thuật ngữ: điểm nhìn (point of view: tiếng Anh hay point de vue: tiếng Pháp) có
nghĩa là điểm hay chỗ đứng để xem xét, đánh giá một sự vật, sự kiện, một hiện tượng tự
nhiên hay xã hội. Nó cũng được hiểu là “vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự
vật trong tác phẩm”. Không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn bởi nó thể hiện sự
chú ý, quan tâm và đặc điểm của chủ thể trong việc sáng tạo ra cái nhìn nghệ thuật. Giá trị
của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là do nó đem lại cho người thưởng thức một
cái nhìn mới mẻ đối với cuộc sống. Sự đổi thay của nghệ thuật bắt đầu từ sự đổi thay điểm
nhìn.
3.1.2. Thời gian và điểm nhìn trong Những kẻ thiện tâm
Những kẻ thiện tâm của Jonathan Littell được kể theo điểm nhìn trần thuật ngôi thứ
nhất, xuất phát từ nhận thức của cái “tôi” kể chuyện. Người kể chuyện nhân xưng “tôi”
đồng thời cũng là nhân vật chính trong tác phẩm - Maximilien Aue đã kể lại câu chuyện về
sự trải nghiệm của chính bản thân anh ta trong quá khứ. Đó là những gì “tôi” đã trải qua,
“tôi” cảm thấy, “tôi” nhận thức và giờ đây “tôi” kể lại cho mọi người nghe. Chính điểm
nhìn này đã quy định cách thức xử lý thời gian trong tác phẩm. Tính chất hồi ức đã chi
phối giọng điệu, tạo ra một kiểu thời gian chồng chéo, đan cài vào nhau. Trong dòng chảy
biên niên của những biến cố xuất hiện nhiều nhánh rẽ, quay ngược và đón trước những
biến cố đã và sẽ xảy ra, cả những sai trật niên biểu cũng có mặt để phủ kín lên trật tự thời
gian niên biểu của truyện kể.
Câu chuyện mà nhân vật “tôi” kể ra ở đây được thu nhận từ điểm nhìn của chính người
kể chuyện – nhân vật chính trong tác phẩm: Maximilien Aue. Do tính chất hồi ức nên vấn
đề nghệ thuật thời gian được thể hiện rất đậm đặc. Thời gian được sắp xếp gần như là
tuyến tính ở cầu trúc vĩ mô (macro-structure) của tác phẩm, nhưng khi đi sâu vào từng
chương, nghiên cứu về vi – cấu trúc (micro-structure), thời gian sẽ chằng chịt, phức tạp, đa
tầng và xáo trộn khó nắm bắt. Đa phần những hồi ức của nhân vật chính không được gắn
bó theo một trật tự nhân quả hoặc thời gian đảm bảo cho sự trong sáng của kết cấu. Thời
gian được “tãi” ra khi nhân vật chìm đắm trong những hồi tưởng mộng mơ triền miên
không dứt. Những hồi ức của Max Aue không đi theo một đường dây cốt truyện mạch lạc
19
mà bị cắt vụn và phân tán trong các chương của văn bản. Chúng xuất hiện trong chương
đầu tiên của tiểu thuyết như là những khúc ouverture báo hiệu những chủ đề chính của tác
phẩm và chỉ được tái hiện trọn vẹn trong những chương cuối cùng của thiên truyện. Điều
này tương hợp với đời sống tinh thần của Maximilien Aue, một thế giới tâm lý đầy những
ám ảnh và những dằn vặt khủng khiếp, “một trái tim con người đang tự gây hấn với chính
nó”.
Điểm nhìn trần thuật của người kể chuyện xưng “tôi” trong tác phẩm được kể từ nhận
thức của cái “tôi” kể chuyện. Theo nguyên lý tự thuật thì lối kể chuyện này được coi như
một biện pháp có lợi thế để thể hiện thế giới nội tâm giàu trữ tình và đơn âm theo nghĩa thể
hiện cái “tôi” với một giọng điệu mang dấu ấn chủ quan. Tuy nhiên, trong Những kẻ thiện
tâm, Jonathan Littell đã cố đẩy từ cực chủ quan sang cực khách quan. Tác giả đã không để
cho nhân vật của mình độc thoại nhiều mà cho nhân vật đối thoại. Có khi, sự kiện được
nhân vật khác kể lại cho nhân vật chính nghe chứ không phải do nhân vật chính chứng
kiến. Đây chính là sự di chuyển điểm nhìn từ bên trong ra bên ngoài. Chẳng hạn như, đoạn
kể về việc Max Aue bị một viên đạn xuyên thủng đầu tại mặt trận Stalingrad, điểm nhìn
lúc này rơi vào quãng vô thức, sau khi tỉnh dậy thì sự việc mới được Thomas – một người
bạn thân của Aue kể lại. Việc di chuyển điểm nhìn một cách linh hoạt như vậy khiến cho
câu chuyện kể không bị mang tính chủ quan hóa triệt để và còn tạo ra một hiệu quả khác,
đó là âm hưởng khách quan, đa âm, khó xác định.
Nói tóm lại, thời gian và điểm nhìn trong Những kẻ thiện tâm có mối liên hệ mật thiết.
Người kể chuyện ở đây thuộc ngôi thứ nhất, nhân chứng đồng sự của câu chuyện. Người
kể chuyện trùng người trần thuật, trùng nhân vật chính nhưng lại không trùng với tác giả.
Tác giả “toàn tri” sáng tạo ra nhân vật, người kể chuyện, người trần thuật hư cấu – tác giả
hàm ẩn. Chính điểm nhìn bên trong của lối kể chuyện theo ngôi thứ nhất đã tác động trực
tiếp đến nghệ thuật xử lý thời gian trong tiểu thuyết. Đồng thời, sự di chuyển điểm nhìn từ
trong ra ngoài một cách linh hoạt đã giúp cho việc lưu chuyển thời gian từ quá khứ về hiện
tại, từ thời gian thực tế đến thời gian mộng mơ trở nên sinh động và hợp lý. Hai thủ pháp
nghệ thuật thời gian và điểm nhìn đã tương hỗ cho nhau một cách nhuần nhuyễn tạo nên
hiệu quả thẩm mĩ cho cuốn tiểu thuyết.
3.2. Thời gian và không gian
3.2.1. Quan niệm chung về không gian
20
Từ góc độ thi pháp học, không gian nghệ thuật là một trong nhiều phương tiện hữu hiệu
tạo dựng nên tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Có rất nhiều quan niệm về không gian trong tác
phẩm văn học:
* Trần Đình Sử trong Thi pháp Truyện Kiều (1998) đã viết: “Không gian nghệ thuật là
hình thức tồn tại của sự sống con người, gắn liền với ý niệm về giá trị và sự cảm nhận về
giới hạn giá trị của con người. Không gian nghệ thuật có thể là một “không quyển” tinh
thần bao bọc cảm thức con người, là một hiện tượng tâm linh, nội cảm chứ không phải là
hiện tượng địa lý và vật lý. Không gian địa lý và không gian vật lý xung quanh chỉ là yếu
tố mang không gian sống của con người” [29, tr. 143].
* Manfred Jahn đưa ra định nghĩa về không gian: “Không gian văn học là môi trường
định vị vật thể và nhân vật, nói rõ hơn, môi trường trong đó nhân vật sống và vận động”
[16, tr. 81].
* Stanzel cho rằng: “Không gian trong tiểu thuyết khác với không gian trong nghệ thuật
tạo hình vì không gian trong tiểu thuyết không bao giờ được thể hiện trọn vẹn. Ví như khi
miêu tả một căn phòng mà miêu tả cả những chi tiết nhỏ nhất nhìn thấy được, đó là công
việc bất khả thi đối với nhà văn và nó cũng sẽ trở nên nhàm chán. Nhưng cũng là căn
phòng ấy, với chừng ấy đồ đạc thì trong nghệ thuật điện ảnh, miêu tả như trên không có gì
là khó khăn cả. Trong văn học, căn phòng ấy chỉ được miêu tả ở những chi tiết ít nhiều “có
tính chất tạo hình” và liên quan đến ý đồ của tác giả, sau đó trong quá trình đọc, độc giả có
thể tự hoàn thiện bức tranh ngôn từ bằng sự tưởng tượng còn lại”.
Như vậy, các tác giả đã đưa ra rất nhiều quan niệm về không gian trong văn học với
những hướng tiếp cận khác nhau, nhưng cùng thống nhất ở một điểm: không gian văn học
là môi trường để nhân vật sống và vận động. Tuy nhiên, không gian văn học không đơn
thuần là không gian địa lý mà còn là không gian tâm tưởng – thế giới nội tâm sâu kín của
nhân vật. Hành trình qua các không gian địa lý sẽ làm nảy sinh những vận động trong tư
tưởng, tình cảm của nhân vật.
3.2.2. Thời gian và không gian trong Những kẻ thiện tâm
Để thấy rõ mối quan hệ giữa thời gian và không gian trong Những kẻ thiện tâm, chúng
tôi phân loại không gian theo thời gian với: không gian hiện tại, không gian hồi tưởng và
không gian viễn tưởng.
3.2.2.1. Không gian hiện tại
21
Nhìn chung, tác giả không dành nhiều thời gian để mô tả không gian hiện tại. Không
gian hiện tại chỉ xuất hiện trong chương mở đầu Toccata ứng với thời điểm người kể
chuyện xưng “tôi” đồng thời là nhân vật chính ở vào thời điểm hiện tại sau chiến tranh nhớ
về toàn bộ quá khứ cuộc đời mình “như một nhà máy sản xuất kỉ niệm”.
Có thể nói, không gian hiện tại chiếm một tỷ lệ tương đối khiêm tốn về số trang văn
bản, nhưng nó là cái nền để từ đó không gian hồi tưởng xuất hiện và kéo dài theo suốt
chiều dài tác phẩm.
3.2.2.2. Không gian hồi tưởng
Là không gian xuất hiện trong dòng hồi tưởng của nhân vật chính Maximilien Aue, nó
được mô tả lại theo những dấu ấn chủ quan của nhân vật.
- Theo chân Max Aue – người kể chuyện xưng “tôi”, sĩ quan SD trong lực lượng Đức
Quốc Xã – người đọc được di chuyển qua khắp các chiến trường thuộc mặt trận phía Đông
và được nhìn cận cảnh không gian chiến tranh với những tổn thất nặng nề chưa từng có.
- Bên cạnh không gian bối cảnh chiến tranh, nhà văn Jonathan Littell còn dành sự quan
tâm đặc biệt cho việc miêu tả không gian sự kiện. Đó là không gian quảng trường, không
gian cánh rừng, không gian thung, không gian nghĩa trang ngựa… gắn liền với những cuộc
hành quyết dân Do Thái một cách dã man của quân Đức.
- Khi Max Aue bị thương rồi trở về Đức, người đọc lại được theo chân hắn – lúc này có
nhiệm vụ theo dõi, lập kế hoạch sử dụng lao động trong các trại tập trung – thị sát những
địa ngục trần gian mà chính quyền Hitler đẻ ra. Đó là không gian hầm mỏ nơi các tù nhân
bị vắt kiệt sức cho đến chết và không gian lán trại với những cảnh tượng kinh hoàng khi
con người bị đối xử thậm chí không bằng con vật.
Có thể thấy, không gian bối cảnh, không gian sự kiện ở đây chứa đầy hình ảnh của sự
chết chóc ghê rợn. Hình ảnh về cái chết tràn ngập trong tác phẩm một mặt biểu hiện sức
mạnh hủy diệt của chiến tranh, nhưng mặt khác còn là những biểu hiện của sức mạnh chà
đạp lên đời sống con người, của cái Ác, của sự tha nhân và biến thái đã được phổ thông
hóa. Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất ở đây là không như những tác phẩm khác viết về đề tài
Lò thiêu thường miêu tả chiến tranh và diệt chủng dưới góc nhìn của một nạn nhân, Những
kẻ thiện tâm của Jonathan Littell viết về thảm họa này dưới góc nhìn của một cựu sĩ quan
SS. Tất cả sự thật, bí mật, những ngóc ngách sâu kín đều được phanh phui dưới con mắt
sắc lẹm, lạnh lùng đến kinh ngạc của nhân vật chính.
22
Đối lập với không gian tù ngục, không gian chiến trận là sự dịu dàng không gian đồng
quê, không gian thảo nguyên. Những đoạn văn miêu tả không gian thiên nhiên được xem
như là những quãng ngưng – quãng ngưng nhẹ giữa các cuộc thảm sát.
Quá trình hồi cố của nhân vật chính còn đưa người đọc đến với không gian tâm lý. Đó
là không gian xuất hiện bên trong nhân vật, trong tâm trạng của người kể chuyện, đó có thể
là dòng hồi ức triền miên của nhân vật đầy những tâm trạng vui buồn, những mơ ước mộng
mị vẩn vơ, những ám ảnh, ám thị mơ hồ mà nhân vật không nói ra được. Jonathan Littell
đã rất thành công trong lối viết “sao chép lại đúng một chuỗi suy nghĩ” của nhân vật. Ở đây
tâm lý đứt đoạn và rối tung của con người, những độc thoại miên man bên trong được đưa
ra cốt là để bác bỏ thực tại của tồn tại và trình bày ý thức tha hóa của con người như là
thực tại đích thực duy nhất của thế giới. Không gian tâm lý được khúc xạ qua tâm hồn
nhân vật bởi vậy mang đậm dấu ấn chủ quan.
3.2.2.3. Không gian viễn tưởng
Không gian viễn tưởng chủ yếu xuất hiện trong dòng ý thức của Max Aue khi nhân vật
đắm chìm trong những cơn mộng mị triền miên gần với vô thức. Đặc biệt, không gian tàu
điện ngầm xuất hiện trở đi trở lại trong những giấc mơ u tối và khó diễn tả của nhân vật.
Không gian tàu điện ngầm ở đây chỉ là không gian tưởng tượng, không gian mang tính
biểu trưng cho thế giới nội tâm đầy những dằn vặt và ẩn ức khép kín của nhân vật: “lúc nào
trong “tôi” cũng chứa đựng giao thông đi lại liên tục của những đoàn tàu - một hệ thống
loạn tâm, ầm ĩ, mênh mông, bất tận”. Một cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội đang diễn ra trong
con người Max và trong cuộc vật lộn đó “tôi nhìn thấy tất cả những điều bấn loạn và mâu
thuẫn dâng lên trong tôi như một thứ nước màu đen hoặc như một tiếng ồn chói tai đe dọa
sẽ lấn át tất cả các âm thanh khác, lý trí, sự thận trọng, thậm chí cả ham muốn suy nghĩ”;
“trong tôi chỉ còn những mẩu hình ảnh không trật tự lẫn ý nghĩa, rối bời nhưng cũng sống
động của cái logic không thể đảo ngược của giấc mơ”.
Qua việc khảo sát và phân tích ở trên có thể đi đến kết luận: thời gian và không gian
trong Những kẻ thiện tâm có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Thời gian gợi mở
không gian, và không gian đến lượt nó lại chứa đựng những đặc tính thời gian nhất định.
Không gian hiện tại xuất hiện không nhiều trong tác phẩm nhưng nó là cái nền cho sự xâm
lấn của không gian hồi tưởng. Còn không gian viễn tưởng là không gian ảo mang tính biểu
trưng cho thế giới nội tâm phức tạp của nhân vật.
3.3. Thời gian và dòng ý thức
23
3.3.1. Quan niệm về dòng ý thức
Thuật ngữ dòng ý thức do nhà tâm lý học Mỹ William James đặt ra vào cuối thế kỉ XIX,
khi ông cho rằng ý thức là một dòng chảy, dòng sông trong đó có các ý nghĩ, cảm giác, các
liên tưởng bất chợt thường xuyên chen nhau, thay nhau và đan bện vào nhau một cách lạ
lùng, “phi logic”. Với sự phối hợp tác động của giả thuyết James, phân tâm học Freud,
thuyết trực giác của Bergson, các nhà văn phương Tây bắt đầu sáng tác để biểu hiện dòng
ý thức, xem đây mới là cái chân thực của đời sống con người, mạnh dạn phơi bày các hoạt
động và bí mật của nội tâm. Xây dựng tác phẩm dòng ý thức, các nhà văn cố ý vứt bỏ tính
nhất quán và hoàn chỉnh của cốt truyện, không chú ý bối cảnh, ngoại cảnh, câu văn không
dùng dấu chấm, dấu phẩy. Các nhà văn sáng tạo nhiều thủ pháp nghệ thuật mới như đảo
ngược thời gian, thời gian đồng hiện, hòa trộn thực hư, hiện tại, quá khứ, tương lai.
Virginia Wolf, James Joyce, William Faulkner là những tác giả tiêu biểu cho văn học dòng
ý thức.
Dòng ý thức (stream of consciousness) có những dấu hiệu đặc trưng gần gũi với độc
thoại nội tâm (interior monologue) dẫn đến tình trạng một số nhà phê bình sử dụng lẫn lộn
hai thuật ngữ trên. Tuy nhiên, đây là hai khái niệm không hoàn toàn trùng khít. Độc thoại
nội tâm được hiểu là lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá
trình tâm lý nội tâm; mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng
chảy trực tiếp của nó, trong cái ý nghĩ ấy có thể là một hành động sắp xảy ra, đã xảy ra hay
sự nhận xét, đánh giá một con người, một hành động hay sự việc nào đó. Dòng ý thức triền
miên không dứt là trường hợp cực đoan của độc thoại nội tâm, khi mà các mối liên hệ
khách quan với môi trường thực tại khó bề khôi phục lại. Nếu như độc thoại nội tâm có lớp
lang thời gian, có trật tự thời gian thì dòng ý thức thể hiện tính chất phi thời gian, thời gian
đồng hiện trên một mặt bằng cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
Có thể nói, dòng ý thức là một phương tiện nghệ thuật quan trọng góp phần vào việc
làm biến động khuôn khổ của tiểu thuyết truyền thống, từ đó thúc đẩy thêm quá trình đổi
mới nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại.
3.3.2. Thời gian và dòng ý thức trong Những kẻ thiện tâm
Dòng ý thức trong Những kẻ thiện tâm là sự ghi chép một cách trực tiếp cái điều đang
diễn ra trong đầu óc nhân vật Max Aue khi tiếp xúc với dòng chảy của thời gian. Nó là
dòng thác lũ của mộng mị và suy tưởng, trong đó có các ý nghĩ, cảm giác, các liên tưởng