Tải bản đầy đủ (.pdf) (127 trang)

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.01 MB, 127 trang )


Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN









LÊ THỊ LOAN


TƯ DUY NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT
NGUYỄN VIỆT HÀ




LUẬN VĂN THẠC SĨ


Chuyên ngành: Lí luận văn học
Mã số: 60 22 32










HÀ NỘi- 2012

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

2

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN









LÊ THỊ LOAN


TƯ DUY NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT
NGUYỄN VIỆT HÀ



LUẬN VĂN THẠC SĨ

Chuyên ngành: Lí luận văn học
Mã số: 60 22 32





Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Đoàn Đức Phương







HÀ NỘi- 2012

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

3
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 5
1. Lý do chọn đề tài 5
2. Lịch sử vấn đề 7
3. Đối tượng, phạm vi và mục đích nghiên cứu 15
4. Phương pháp nghiên cứu 16

5. Cấu trúc luận văn 16
Chương 1: KHÁI LƯỢC VỀ TƯ DUY NGHỆ THUẬT VÀ HÀNH TRÌNH
SÁNG TÁC CUẢ NGUYỄN VIỆT HÀ 17
1.1. Một số vấn đề lý luận về tư duy nghệ thuật 17
1.1.1. Khái niệm tư duy 17
1.1.2. Quan niệm tư duy về nghệ thuật. 18
1.1.3. Tư duy trong tiểu thuyết 20
1.2. Hành trình sáng tác 21
1.3 Tư duy tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà……………………………………………25

Chương 2: TỪ HƯỚNG TIẾP CẬN HIỆN THỰC ĐẾN THẾ GIỚI NHÂN
VẬT VÀ HÌNH ẢNH BIỂU TƯỢNG TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN
VIỆT HÀ 37
2.1. Hướng tiếp cận hiện thực 37
2.1.1 Hiện thực đa chiều đầy biến động phức tạp 38
2.1.2 Hiện thực biến đổi đa đoan, đa sự nhưng không hoàn kết 41
2.2. Nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà 43
2.2.1. Quan niệm chung về nhân vật 43
2.2.2. Nhân vật trong tiểu thuyết. 44
2.3. Các loại nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà 46
2.3.1 Nhân vật dấn thân và hoài nghi 46
2.3.2. Nhân vật tha hóa và sám hối 50
2.3.3. Nhân vật cô đơn, lạc lõng 56
2.3.4. Nhân vật khát vọng 61
2.4. Hình ảnh biểu tượng tiêu biểu trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà 66
2.4.1. Các quan niệm về biểu tượng nghệ thuật 66

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

4

2.4.1.1 Biểu tượng dưới góc độ tâm lý, văn hóa. 66
2.4.1.2. Quan niệm biểu tượng dưới góc độ văn học 68
2.4.2. Giải mã một số hình ảnh biểu tượng trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà…… 70
2.4.2.1 Biểu tượng kính trắng 70
2.4.2.2 Biểu tượng bầu vú 73
Chương 3: NGHỆ THUẬT BIỂU HIỆN CỦA TIỂU THUYẾT NGUYỄN
VIỆT HÀ 81
3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật 81
3.1.1 Phi trung tâm hóa nhân vật 81
3.1.2. Phân xuất nhân vật 82
3.2. Kết cấu tiểu thuyết. 84
3.2.1. Những vấn đề về lý thuyết kết cấu. 84
3.2.2. Kết cấu tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà 88
3.2.2.1.Kết cấu phân mảnh, đứt gãy, gián đoạn 88
3.2.2.2 Kết cấu lồng ghép nhiều mạch truyện………………………………88
3.2.2.3 Sự phối hợp luân phiên các điểm nhìn trần thuật 92
3.3. Ngôn ngữ và giọng điệu 96
3.3.1. Ngôn ngữ 96
3.3.1.1. Tính chất của ngôn ngữ 97
3.3.1.2. Các kiểu ngôn ngữ. 102
3.3.2. Giọng điệu 110
3.3.2.1 Giọng giễu nhại, mỉa mai, bỡn cợt 111
3.3.2.2.Giọng triết lí 115
3.3.2.3. Giọng trữ tình 117
KẾT LUẬN 120
TÀI LIỆU THAM KHẢO 123

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

5

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Sau ba mươi năm kiên cường đánh đuổi giặc ngoại xâm, đất nước ta hoàn
toàn giải phóng. Từ đây (1975) văn học mang một trọng trách mới, phục vụ kịp thời
xu hướng của thời đại.
Nhằm đổi mới tư duy, đổi mới cách đánh giá tình hình, Báo cáo chính trị tại
Đại hội Đảng lần thứ VI đã nhấn mạnh văn học cần phải “nhìn thẳng vào sự thật,
đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”.
Trên tinh thần đó, văn học sau năm 1975 đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt là thể
loại văn xuôi. Có thể nói chưa bao giờ văn xuôi phát triển mạnh mẽ như bây giờ và
cũng chưa bao giờ, nhà văn được thành thật như bây giờ. Tinh thần tại Đại hội Đảng
lần thứ VI về văn hoá văn nghệ đã thật sự cởi trói cho văn học.
Trước năm 1975, với lối tư duy cũ, hầu hết các tác phẩm đều được sáng tác
bởi khoảng cách sử thi cho nên con người cũng là con người sử thi, con người cộng
đồng với những phẩm chất cao cả. Sau năm 1975, tư duy nghệ thuật mới cho phép
người viết nhiều khi trần thuật không khoảng cách. Nói khác đi, đó là sự trần thuật
ở điểm nhìn hiện tại, ở cái nhìn chưa hoàn thành. Và người ta phát hiện ra rằng thế
giới không phải là hiện thực khép kín, con người không phải ai cũng toàn bích.
Trong con người luôn có sự đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, cái cao cả và cái thấp
hèn, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng. Con người phần lớn là làm chủ hoàn
cảnh, nhưng cũng không ít lần bị hoàn cảnh xô đẩy, trở thành nạn nhân của hoàn
cảnh.
Nguyễn Việt Hà là cây bút tiểu thuyết sau đổi mới. Tác phẩm đánh dấu hành
trình gia nhập làng văn của anh là các tập truyện ngắn Thiền giả và Của rơi. Nhưng
Nguyễn Việt Hà chỉ thực sự trở thành một hiện tượng văn học nổi bật sau khi tác
phẩm Cơ hội của Chúa của anh ra đời năm 1999. Tiếp đến là sự xuất hiện của tiểu
thuyết Khải huyền muộn sau sáu năm.
Có một điều thú vị là cứ sau mỗi tác phẩm của Nguyễn Việt Hà được xuất
bản thì làn sóng dư luận về nhà văn, về tác phẩm lại rộ lên. Chín người mười ý. Có


Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

6
nhiều ý kiến đồng thuận với nhà văn, nhưng cũng có không ít những lời chê, chê hết
lời, lại có cả những ý kiến lưỡng chiều. Đọc Nguyễn Việt Hà người ta thấy không
yên tâm, người ta thấy hoài nghi. Lý giải cho tâm lý đó có lẽ phải xuất phát từ cách
viết của anh. Mặc dù “không mong mình quá mới” [32] nhưng lối viết của anh
dường như đang đánh đố người đọc. Anh gây rối với thói quen thẩm mỹ của họ, gây
rối với các nhà văn viết tiểu thuyết truyền thống và đương đại. Với một tư duy tiểu
thuyết sắc sảo cộng với một sự mẫn cảm sẵn có, văn chương Nguyễn Việt Hà có
khả năng gợi rất sâu vào những buồn vui của kiếp người. Tác phẩm của Nguyễn
Việt Hà luôn khiến cho bạn đọc phải giật mình, không thể không tự vấn lương tâm.
Nói khác đi, độc giả có thể nhận ra mình qua những sáng tác của Nguyễn Việt Hà.
Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ nói lên phần nào tài năng của Nguyễn Việt Hà trong
nền tiểu thuyết đương đại Việt Nam.
Nguyễn Việt Hà là nhà văn trẻ, cùng thế hệ với Trung Trung Đỉnh, Tạ Duy
Anh, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Phạm Thị Hoài… Cũng bởi anh là nhà
văn trẻ nên lịch sử nghiên cứu sáng tác của anh giống như cuốn sổ còn bỏ ngỏ.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy dư luận xung quanh Nguyễn Việt Hà rất nhiều,
nhưng những bài nghiên cứu, phê bình nhằm chỉ ra những đóng góp của Nguyễn
Việt Hà trong công cuộc đổi mới tư duy tiểu thuyết Việt Nam không nhiều. Chưa có
một nghiên cứu nào thật sự kỹ lưỡng và thấu đáo về sự chuyển biến trong tư duy
nghệ thuật của Nguyễn Việt Hà qua những sáng tác của anh.
Như vậy, trước những hiệu ứng đa chiều của độc giả về Nguyễn Việt Hà, vấn
đề cần đặt ra ở đây là nên nhìn nhận một hiện tượng văn học, một tác phẩm văn học
như thế nào cho đúng đắn? Nên chăng hãy bắt đầu từ chính tư duy nghệ thuật, từ
quan niệm nghệ thuật của nhà văn để xem xét?
Với đề tài Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà, chúng tôi không
dám khẳng định rằng việc nghiên cứu của mình sẽ khiến cho mọi người sẽ yêu mến
tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà hơn. Chúng tôi chỉ mong góp phần bù đắp vào khoảng

trống trong việc tìm hiểu con đường sáng tạo của một nhà văn đã trở thành một hiện

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

7
tượng văn học từ đó hiểu một cách đầy đủ hơn sự phát triển phong phú và đa dạng
của tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
2. Lịch sử vấn đề
Như chúng ta đã biết, sau những tiếng vang và thành công nhất định với thể
loại truyện ngắn, Nguyễn Việt Hà đã tiếp tục hòa nhập với đời sống văn chương
bằng hai tiểu thuyết Cơ hội của Chúa (1999) và Khải huyền muộn (2005). Cũng
kể từ đây cái tên Nguyễn Việt Hà mới thật sự gây dấu ấn trong lòng bạn đọc và làm
bận tâm các nhà nghiên cứu, lí luận phê bình
Ngay sau khi xuất hiện khoảng một tháng với cuốn tiểu thuyết đầu tiên Cơ
hội của Chúa, Nguyễn Việt Hà đã được coi là một hiện tượng văn học. Bạn đọc chỉ
cần seach trên trang Google cũng có thể thấy hiển thị trên trang tìm kiếm này hơn
10 triệu kết quả có liên quan đến Nguyễn Việt Hà cũng như tiểu thuyết của anh.
Điều này đã chứng tỏ sáng tác của Nguyễn Việt Hà đã nhận được nhiều sự quan tâm
của độc giả và giới nghiên cứu. Tuy nhiên, văn chương cũng giống như nhiều loại
hình nghệ thuật khác, khi tiếp cận với cái mới, có rất nhiều luồng tư tưởng trái
ngược nhau. Nhiều nhà nghiên cứu đã hoài nghi những sáng tác, thậm chí phê phán,
phủ định hoặc chất vấn tác giả.
Dương Kiều Linh trong bài viết của mình đã gay gắt phê phán Cơ hội của
Chúa “Cách mô tả tình dục rất thô tục. Cảnh yêu đương quan hệ xác thịt, quan
niệm suy nghĩ về phụ nữ cũng như cách cư xử của họ trong tình yêu rất đỗi thấp
hèn. Và tất nhiên lời lẽ văn chương khi nói về những pha yêu đương kiểu đó cũng
thật xứng đáng là cuốn sách có đủ các pha giật gân câu khách rẻ tiền” [9]. Ngoài ra
chị còn cho rằng đọc tiểu thuyết Cơ hội của Chúa “người đọc bị coi thường… phái
nữ cảm thấy bị xúc phạm”. Vì vậy, với Dương Kiều Linh Cơ hội của Chúa thực sự
đã “gây ra một cú sốc lớn” [9].

Nguyễn Thanh Sơn trong bài viết Cơ hội của Chúa: Gánh nặng của những
cái tôi phù phiếm có vẻ bình tĩnh hơn khi nhìn tác phẩm của Nguyễn Việt Hà từ
cách viết. Tác giả bình luận: Cơ hội của Chúa đã “không phản ánh được nhiều
những biến đổi” của đất nước thời kỳ chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

8
trường”. Nguyễn Thanh Sơn cũng tỏ ra khó chịu với cách sử dụng ngôn ngữ trong
Cơ hội của Chúa: “nhân vật pha trộn tiếng mẹ đẻ với tiếng Anh không cần thiết và
sai chính tả, văn phạm một cách cẩu thả” [49]. Vì theo như tác giả của bài phê bình
thì Nguyễn Việt Hà chỉ “viết cho sướng ngòi bút, cho thỏa mãn ego của mình,
Nguyễn Việt Hà không thể kết thúc được câu chuyện… không hiểu tác giả sẽ đi về
đâu trong cái mớ bòng bong những câu chuyện vụn vặt này” [49]. Cùng quan điểm
với tác giả Thanh Sơn, nhà lí luận phê bình văn học Nguyễn Hòa cũng cho rằng:
“Dù tác giả có khéo léo cài đặt viện dẫn tới Kinh Thánh, huy động một vốn sống
phong phú, thổi vào một không khí hiện sinh thì cũng chưa đưa ra được một lí giải
về tình trạng mà chỉ là sự miêu tả về tình trạng trong một mớ bòng bong các sự kiện
và chi tiết” [40]. Trong bài viết của mình Nguyễn Hòa cũng bày tỏ thái độ không
thích cái cách nhà văn Nguyễn Việt Hà thể hiện quá nhiều chi tiết đời tư của mình
trong tác phẩm. Nhà phê bình này cho rằng “Nguyễn Việt Hà đã phóng chiếu những
gì anh có vào trong tác phẩm với một tần số cao đến mức đọc nhiều trang lại ngỡ
tác phẩm là nơi tác giả tự giới thiệu mình chứ không phải làm văn chương” [40].
Trong loạt bài nhận xét đánh giá về nội dung của tiểu thuyết một số nhà phê
bình chỉ ra: “Con người và sự việc trong Cơ hội của Chúa không có gì mới. Vẫn là
những xung đột gia đình, những cuộc tình tay ba, những chuyện mánh mung, những
trò lừa tình, lừa tiền … không diễn ra trong sàn nhảy, nhà hàng thì diễn ra trong
một văn phòng, một biệt thự sang trọng vốn đầy rẫy trong phim “mì ăn liền” của
Hồng Kông, nội địa” [40]. Tác giả Nguyễn Việt Thắng đã sắc sảo hơn khi cho rằng:
“Chất liệu đời sống mà tác giả dùng làm cơ sở cho trí tưởng tượng, cho tổ chức tác

phẩm, cho việc tìm hình thức diễn đạt và cả ngôn từ phù hợp, thực ra là không có gì
mới” [5;302]. Thậm chí nhà phê bình còn có phản hồi khá gay gắt về cách nhà văn
xây dựng nhân vật tạo linh hồn cho tiểu thuyết: “nát rượu, chìm đắm trong ái tình
và là một triết gia nửa mùa” [5;134]. Theo Nguyễn Việt Thắng thì “Quảng cáo cho
một kiểu người kì dị như thế quả là không có lợi cho nhiệm vụ giáo dưỡng tinh thần
thanh niên thời đại” [5;134].

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

9
Năm 2005, sau sáu năm khi những sóng gió tranh luận xung quanh cuốn Cơ
hội của Chúa tạm lắng xuống Nguyễn Việt Hà cho ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ hai
với nhan đề Khải huyền muộn. Cuốn tiểu thuyết này được người đọc đón nhận bình
tĩnh hơn và cũng nhận được nhiều lời nhận xét, đánh giá của độc giả và giới phê
bình lí luận.
Như một sự ác cảm với lối viết của nhà văn, nhà phê bình Nguyễn Hòa trong
bài viết Văn chương 2005- tín hiệu vui và giấc mộng bất thành đánh giá về Khải
huyền muộn: “So với Cơ hội của Chúa, văn của Nguyễn Viêt Hà chưa có gì nhúc
nhích” [41], thậm chí ông còn cho rằng “đây là một bước thụt lùi của Nguyễn Việt
Hà” [41]
Tác giả Thanh Huyền trong lời giới thiệu về cuốn Khải huyền muộn cũng
đưa ra ý kiến riêng rất sắc sảo về lối viết của Nguyễn Việt Hà: “Dường như anh quá
mải mê vào việc thể hiện vốn hiểu biết khá rộng và khá kỹ về đủ loại, từ Nho giáo,
Phật giáo đến đạo Công giáo mà tác phẩm đôi lúc, đôi chỗ bộn bề, thiếu chọn lọc,
rườm rà Nhiều lúc nhà văn miên man kể từ chuyện này đến chuyện nọ khiến độc
giả như lạc vào một ma trận ngập tràn chi tiết không phải lúc nào cũng có sự móc
xích vào nhau” [65]. Cùng với cách tiếp cận như Thanh Huyền, nhà văn Tạ Duy
Anh trong bài viết: Khải huyền muộn và những lời bình nhẹ nhàng chỉ ra nhược
điểm lớn nhất của Khải huyền muộn là “Tác giả lộ ra mình phải cố… có chỗ đuối
sức”[67]. Họa sĩ Lê Thiết Cương thành thực hơn khi cho rằng “Giá như Khải huyền

muộn có kết cấu bớt mạch lạc đi nữa. Thừa thiếu chấm phẩy, câu chữ xô bồ chút
nữa, không giống chút nữa cũng chả sao, mỗi người viết cần có chính tả của
mình”[67]
Trong bài viết nhìn lại văn học năm cuối thế kỉ, tác giả phê bình Phạm Xuân
Nguyên dù phê phán tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà là một bức tranh ảm đạm, bi
quan về thực tại đời sống, nhân vật hóa thành tác giả từ hành vi đến phát ngôn, từ
chuyện quen sài rượu Tây đến chuyện sính tiếng Tây, song nhà phê bình này cũng
đã khẳng định tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà là: “tác phẩm có giá trị, có khả năng
níu kéo được người đọc. Vì vậy, Cơ hội của Chúa cũng như nhà văn đã không mất

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

10
hết cơ hội, Khải huyền muộn vẫn hơn không khải huyền. Cơ hội của Chúa và
Khải huyền muộn có không ít lời chê nhưng cũng nhận được rất nhiều lời khen.
Nhiều tác giả đã đánh giá cao những nỗ lực cách tân tiểu thuyết của Nguyễn Việt
Hà. Từ ngôn ngữ, cấu trúc, điểm nhìn trần thuật, đến những cảm quan mới trong tác
phẩm.
Tác giả Thu Hồng, Nguyễn Quyến trong bài viết trên tờ Thể thao và văn hóa
số 46 tháng 6/1999 đã cho rằng “cay nghiệt và bùi bụi, nhưng duyên và sang trọng
là giọng của Nguyễn Việt Hà trong Cơ hội của Chúa. Văn phong của anh là sự hài
hòa kết hợp giữa những bức biếm họa đời sống của Phạm Thị Hoài (nhưng ấm áp
và đôn hậu hơn) và những lời rủ rỉ triết lí nhân sinh của Nguyễn Khải ” [66]
Tháng 7 năm 1999 tờ Thể thao và Văn hóa số 55 đã đăng bài viết với tiêu đề
Về cuốn tiểu thuyết Cơ hội của Chúa. Bài báo đã dẫn lời phê bình nhận xét của
những người thuộc các lĩnh vực khác nhau về cuốn tiểu thuyết. Phóng viên Nhật
Minh cho rằng đây là “một cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội theo đúng nghĩa”. Nhà thơ
Hoàng Hưng lại đánh giá “Cơ hội của Chúa đặt nghiêm túc lên bàn những băn
khoăn về cứu cánh của sự sống mà mỗi con người trung thực hướng thiện hôm nay
đang phải hàng ngày đặt ra cho bản thân mình nếu không muốn bị trôi tuột xuống

địa ngục của hư vô”. Với đạo diễn Lê Hoàng thì lại có cảm giác “Cơ hội của Chúa
là món nộm. Ăn lạ miệng, hấp dẫn nhưng vài kẻ ăn xong để một lúc nghe ngóng
bụng mình và bụng các bạn cùng mâm” [78]. Cuốn tiểu thuyết này cũng khiến anh
kinh ngạc: “lâu lắm rồi mới có một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn đến thế, châm biếm
đến thế và… lạy Chúa, trơ tráo đến thế” [78]. Vì vậy Lê Hoàng đã bị Cơ hội của
Chúa lôi cuốn để rồi đọc một mạch từ trang đầu đến trang cuối không cần phải nghỉ
ngơi.
Đặc biệt có một bài viết 41 trang khá công phu của Hoàng Ngọc Hiến năm
2000. Bài viết thể hiện được những phát hiện mới mẻ và sắc sảo của lối đọc hiện
đại. Hoàng Ngọc Hiến đã phân tích khá kỹ lưỡng nhiều mặt của tác phẩm,: Những
khái quát xanh rờn; Những mẫu người lập thân – lập nghiệp; Chủ đề văn hóa tôn
giáo trong “Cơ hội của Chúa”. Ở đâu tác giả cũng chỉ ra những chỗ được và chưa

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

11
được của cuốn tiểu thuyết. Theo Hoàng Ngọc Hiến, “những khái quát xanh rờn”
trong tác phẩm cho thấy Nguyễn Việt Hà “khá am hiểu, có sự cảm nhận tinh tế, có
cả sự “vô tư” của một triết gia tiểu thuyết, vô tư theo cách hiểu rất bác học và cũng
rất bình dân của người Hà Nội” [18]. Song song với cách đánh giá như vậy, tác giả
cũng bày tỏ ý kiến rất khách quan về những khái quát này: “chớ cả tin nhưng rất
đáng suy nghĩ”. Đáng chú ý là trong bài viết Hoàng Ngọc Hiến đã phân tích khá kỹ
lưỡng về các nhân vật trong Cơ hội của Chúa. Ông chú ý đến đặc điểm chung và
đặc điểm riêng trong tính cách của từng cặp nhân vật: Lâm và Sáng mẫu người trí
thức lập thân theo hai con đường khác nhau; Trần Bình và Tâm mẫu người kinh
doanh lập nghiệp rất khác nhau… Những phân tích nhận xét của nhà nghiên cứu là
những gợi ý quan trọng giúp chúng tôi khi triển khai đề tài.
Năm 2004, xuất hiện muộn hơn với bài viết Cơ hội của Chúa, từ nhật kí đến
hậu trường văn học của Đoàn Cầm Thi. Tác giả chú ý phân tích tỉ mỉ nghệ thuật của
tiểu thuyết. Theo nhà phê bình Cơ hội của Chúa cuốn hút “trên hết bởi nghệ thuật

của nó. Tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà là lò thử nghiệm văn phong khổng lồ trong
đó ta bắt gặp lối kể chuyện ngôi thứ ba, thể loại tự sự ở ngôi thứ nhất, văn nhái,
truyện lồng trong truyện, tiểu luận” [12]. Đặc biệt Đoàn Cầm Thi đánh giá cao cái
cách Nguyễn Việt Hà để cho nhân vật cũng như sự việc được nhìn nhận ở nhiều góc
độ khác nhau khiến cho thế giới trong Cơ hội của Chúa hiện ra “không thuần nhất
mà muôn hình vạn trạng, không khép mà mở, không xác thực mà đầy bí hiểm, bất
ổn, hoài nghi” [12]. Những nhận xét của Đoàn Cầm Thi về nghệ thuật viết tiểu
thuyết của Nguyễn Việt Hà thực sự là những nhận xét khá sắc sảo, khách quan, phù
hợp với lý thuyết tiếp nhận đương đại.
Cũng giống như Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn nhận được không ít
lời ngợi khen, tán thưởng. Tác giả Thanh Huyền trong lời giới thiệu về cuốn sách đã
đưa ra đánh giá khá sắc sảo những hạn chế trong lối viết của Nguyễn Việt Hà song
cũng không ngần ngại khẳng định: “Khải huyền muộn là một tác phẩm mới nối tiếp
những sáng tạo của Nguyễn Việt Hà trên nhiều phương diện: nghệ thuật kể chuyện,
điểm nhìn trần thuật, nhân vật, cấu trúc tiểu thuyết” [65].

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

12
Cũng bàn về Khải huyền muộn, nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận định: “Nhà
văn Nguyễn Việt Hà đã tự mình bứt ra khỏi lối mòn của cấu trúc tiểu thuyết và cách
kể chuyện truyền thống”. Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng đưa ra những bình luận về
kết cấu của tiểu thuyết: “Trong Khải huyền muộn có những đoạn luận văn học,
những đoạn không bịa như Nhật ký. Cảm giác như đang xem phim truyện lại có một
trường đoạn phim tài liệu… Không có kiếm tiền xong rồi, yêu xong rồi, sống xong
rồi. Không có kết. Khải huyền muộn là kiểu kết cấu siêu văn bản của nhiều văn
bản dở dang”. Nhà văn Tạ Duy Anh đánh giá, khen ngợi: “Tôi phải nói ngay rằng
văn trong Khải huyền muộn hơn đứt trong Cơ hội của Chúa. Nhiều trang văn rất
đẹp, có chiều sâu, có sức lan toả và nó cũng cho thấy tác giả là người nghiêm túc,
có bản lĩnh, có trách nhiệm nghề nghiệp… Đây là một cuốn tiểu thuyết không dễ

đọc. Vì vậy sự vồ vập với người này, sự thất vọng với người kia là điều bình thường.
Nhà văn không thể răm rắp làm theo đơn đặt hàng của độc giả. Sự bừa bộn nằm
trong ý đồ của tác giả…” [67]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Hùng cũng tỏ ra rất
hao hứng với lối viết của Nguyễn Việt Hà. Anh nhấn mạnh: “Khải huyền muộn là
những sải bơi tiếp theo của Cơ hội của Chúa trên dòng sông tiểu thuyết Nguyễn
Việt Hà. Chọn lựa thứ cấu trúc đa ngôi thứ như thể khối vuông ru- bích, Nguyễn
Việt Hà tạo cho mình ưu thế thoải mái để quan sát và kể chuyện, thỏa cơn khát tìm
tòi và đồng cảm với các nhân vật trong cuộc sống. Không có số phận đi tới cùng
cũng như không có những câu chuyện đi đến hồi kết thúc, tác giả đang khám phá,
mô tả cuộc sống đang diễn ra và điều thú vị, cũng là đóng góp riêng của Nguyễn
Việt Hà, chính là vẽ nên những tâm trạng người đương thời” [67]. Nhà lý luận phê
bình văn học Nguyễn Chí Hoan khi đọc Khải huyền muộn cũng chỉ ra đặc điểm về
cấu trúc và nội dung của tiểu thuyết này: “Thứ nhất, là hình thức: nhà văn kể về nhà
văn và nhân vật, tiểu thuyết kể về việc viết tiểu thuyết… Thứ hai, là nội dung: tiểu
thuyết kể về những con người đang sám hối - từ một vài nhân vật công chức cao
cấp mà đồi bại về đạo đức cho đến ngay cả nhân vật "đóng vai" nhân vật tiểu
thuyết và nhân vật "đóng vai" tác giả/ nhà văn. Chủ đề đạo đức và sám hối này

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

13
được triển khai trên bình diện thời gian đương đại, không hề có chuyện sai lầm quá
khứ nào” [67].
Năm 2005 thêm một lần nữa trong bài viết khác với nhan đề Khải huyền
muộn- cuốn tiểu thuyết về chính nó nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan giúp
người đọc ra nhận cấu trúc của cuốn tiểu thuyết với sự trình bày cụ thể từng chương
đoạn. Theo nhà phê bình thì: “Cuốn tiểu thuyết này được cấu tạo bằng một loạt
những câu chuyện dang dở, kết nối vào nhau hết sức chặt chẽ để bày tỏ sự dở dang
của chính nó” [42]. Ngoài ra tác giả bài viết cũng rất chú ý đến cách Nguyễn Việt
Hà để cho các nhân vật và ký ức hiện lên ngang bằng nhau. Trong câu chuyện của

người này có câu chuyện của người khác, trong nhân vật này có một nhân vật khác
và mỗi người đều là nhân chứng cho sự tha hóa của chính mình đồng thời lại còn là
chứng nhân cho sự tha hóa của người khác và cuộc sống xung quanh. Bài viết của
Nguyễn Chí Hoan là một gợi ý rất quan trọng cho chúng tôi khi nghiên cứu về sự
dịch chuyển cấu trúc của tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà.
Năm 2006, với bài viết Khải huyền muộn- cảm hứng những dấu hiệu của
hình thức nghệ thuật đương đại trong tiểu thuyết, nhà văn đàn anh Nguyễn Huy
Thiệp đánh giá: “Khác với các nhà văn khác viết tiểu thuyết cùng thế hệ với anh
như Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh, Tạ Duy Anh, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Bình
Phương, v.v… tôi luôn có cảm giác Nguyễn Việt Hà “cao tay ấn” hơn họ. Ở trong
tác phẩm của Nguyễn Việt Hà có sự nguy hiểm tinh thần đáng sợ thế nào đó với các
“đồng nghiệp”, những người đồng chí “cùng lý tưởng nhưng khác hạng”. Sự nguy
hiểm ấy chí ít ở cả hai phương diện: nội dung và hình thức” [51]. Nếu nhìn từ góc
độ khoa học thì bài viết của Nguyễn Huy Thiệp là một bài viết mang tính chất hàn
lâm có khả năng gợi mở rất nhiều tranh luận xung quanh vấn đề tư duy sáng tạo của
Nguyễn Việt Hà.
Trong văn chương, người đọc có quyền dân chủ với tác giả và với các độc
giả khác. Vì thế, việc có những ý kiến trái chiều cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh
những bài viết có tính chất phê bình, luận bàn, có khá nhiều niên luận, khóa luận,
luận văn nghiên cứu về tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, chứng tỏ sự yêu thích và

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

14
quan tâm của giới trẻ đến những tiểu thuyết này, dù đó là những tiểu thuyết không
dễ đọc.
Tại báo cáo khoa học năm 2003, hai sinh viên Đỗ Thị Bích Liên và Vũ Thị
Hồng Minh với đề tài: Ngôn ngữ trong tiểu thuyết Cơ hội của Chúa của Nguyễn
Việt Hà đã cố gắng khảo sát và phân tích khá sắc sảo cách thức sử dụng từ vựng,
ngôn ngữ của Nguyễn Việt Hà trong tiểu thuyết. Theo hai sinh viên này cái độc đáo

trong ngôn ngữ Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà đó là lớp từ vay mượn phong
phú gồm từ mượn tiếng Anh, tiếng Pháp và sự suồng sã hóa lớp từ Hán Việt. Bên
cạnh đó là sự xuất hiện nhiều lần của các thuật ngữ tôn giáo, hệ thống từ láy cũng
như các từ được “lạ hóa” bằng những kết hợp mới. Bích Liên và Hồng Minh chú ý
đến cấu trúc ngữ pháp câu văn mà Nguyễn Việt Hà sử dụng, đặc biệt là những câu
văn ngắn và các phương thức tu từ chuyển nghĩa. Ngoài ra hai sinh viên cũng đã có
những phát hiện khá chính xác về ngôn ngữ của người kể chuyện và ngôn ngữ nhân
vật trong cuốn tiểu thuyết. Mặc dù đây là một bài nghiên cứu nằm trong khuôn khổ
của một báo cáo khoa học, nhưng các tác giả của bài khoa học đã nghiêm túc và
dụng công khi tìm hiểu ngôn ngữ của cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nguyễn
Việt Hà.
Năm 2004, sinh viên Hà Thu Nga với báo cáo khoa học, Bước đầu tìm hiểu
một số phương diện đổi mới của tiểu thuyết Cơ hội của Chúa đã chỉ ra những
phương diện đổi mới của tiểu thuyết này trên góc độ thi pháp của thể loại như: đề
tài, chủ đề, cốt truyện, kết cấu, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật trần thuật.
Có thể thấy trong khuôn khổ hạn hẹp của một bài nghiên cứu tác giả đã bao quát tất
cả các phương diện của tiểu thuyết, tuy nhiên tác giả cũng bộc lộ hạn chế của mình
ở chỗ những đánh giá, nhận định đưa ra chưa có sự phân tích kỹ lưỡng, còn sơ sài
và chưa thật sự thuyết phục.
Phạm Thị Thu Thủy trong luận văn năm 2003 Nhìn chung về tiểu thuyết Việt
Nam từ năm 1995 đến nay đã đề cập đến những vấn đề đổi mới tiểu thuyết Việt
Nam từ năm 1995 đến nay. Trong một số tiểu thuyết đáng chú ý, tác giả đã đánh giá

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

15
khái quát những băn khoăn về ý nghĩa cuộc sống, những thể nghiệm đổi mới thể
loại trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà.
Năm 2007, trong luận văn Những thể nghiệm tiểu thuyết qua Cơ hội của
Chúa và Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Thị Anh Đào đi từ sự thay

đổi cách tiếp cận đời sống đến quan niệm nghệ thuật về con người. Tác giả chỉ ra
những thể nghiệm về cốt truyện và di chuyển điểm nhìn trần thuật, cách ứng xử mới
và khác trong nghệ thuật xây dựng nhân vật.
Năm 2009, tác giả Lê Thị Sáng trong luận văn Cảm quan hiện sinh trong tiểu
thuyết Nguyễn Việt Hà và Đoàn Minh Phượng đã phân tích khá kỹ lưỡng về các vấn
đề: Cảm quan hiện sinh trong thế giới hiện thực; Cảm quan hiện sinh trong con
người; Cảm quan hiện sinh trong nghệ thuật. Đây thực sự là một gợi ý quan trọng
giúp chúng tôi hoàn thiện quá trình nghiên cứu về tư duy tiểu thuyết Nguyễn Việt
Hà.
Như vậy, chỉ với hai tiểu thuyết có dung lượng vừa phải song các thế hệ độc
giả cũng như nhiều nhà phê bình đã nhận ra cái “tạng” của Nguyễn Việt Hà trong
làng tiểu thuyết. Những nhận xét đánh giá đều dựa trên cách tiếp cận từ khuynh
hướng xã hội học, có người lại đọc tác phẩm từ khuynh hướng đạo đức. Đây đều là
những cách tiếp cận không tương thích. Một số bài nghiên cứu đã ít nhiểu chỉ ra
hướng đi riêng trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà bằng cách đưa ra những dẫn
chứng về sự thể nghiệm của tiểu thuyết đương đại trong nội dung lẫn nghệ thuật,
vượt qua lối tư duy truyền thống. Tuy nhiên những bài nghiên cứu này mới chỉ
dừng lại ở mức riêng lẻ, chưa thật sự có hệ thống cũng như chưa có một cái nhìn
trên cấp độ tổng thể về tư duy sáng tác của nhà văn.
3. Đối tượng, phạm vi và mục đích nghiên cứu
Đối tượng của luận văn là: “Tư duy nghệ thuât tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà”.
Phạm vi nghiên cứu: Luận văn tập trung khảo sát 2 tiểu thuyết của Nguyễn
Việt Hà: Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn.
Kế thừa những nghiên cứu nói trên, luận văn của chúng tôi muốn dựa trên lý
thuyết tiếp nhận đương đại để nghiên cứu lối viết tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà.

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

16
Vì thế chúng tôi sẽ tìm hiểu cả những điểm thành công và cả những điều còn dang

dở trong tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà. Làm điều này, chúng tôi cố gắng có một
cái nhìn xác đáng và toàn diện hơn về một hiện tượng văn học khá mới từ đó muốn
góp thêm tiếng nói vào quá trình tìm hiểu hành trình sáng tạo của nhà văn, đặc biệt
là sự đổi mới trong tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà từ đó chỉ ra vị trí
của nhà văn Nguyễn Việt Hà trên văn đàn, góp phần xây dựng một nền văn học
hiện đại giàu tính nhân văn.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng những phương pháp chủ yếu sau:
- Phương pháp lịch sử- xã hội
- Phương pháp phân tích, tổng hợp
- Phương pháp so sánh
- Phương pháp hệ thống
- Phương pháp thống kê
5. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận văn gồm ba chương:
Chương 1: Khái lược về tư duy nghệ thuật và
hành trình sáng tác của Nguyễn Việt Hà
Chương 2: Từ hướng tiếp cận hiện thực đến thế giới nhân vật và
hình ảnh biểu tượng trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà
Chương 3: Nghệ thuật biểu hiện của tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà






Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

17
Chương 1: KHÁI LƯỢC VỀ TƯ DUY NGHỆ THUẬT

VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN VIỆT HÀ
1.1. Một số vấn đề lý luận về tư duy nghệ thuật
1.1.1. Khái niệm tư duy
Tư duy không chỉ là đối tượng nghiên cứu của khoa học tâm lý, triết học, …
mà còn là đối tượng nghiên cứu của lĩnh vực nghệ thuật. “Tư duy là hoạt động nhận
thức lý trí của con người. Khí quan của tư duy chính là bộ óc người với một hệt
thống tinh vi của gần 16 tỷ tế bào thần kinh” [59;32]. Tư duy không chỉ là một sản
phẩm xã hội hay sản phẩm của tự nhiên, mà là sản phẩm có tính tổng hòa của quá
trình lịch sử nhân loại. Tư duy là kết quả phát triển của vật chất tự tổng hợp qua
hàng vạn, hàng triệu năm. Sự ra đời của tư duy chính là bằng chứng về sự xuất hiện
của con người. Do vậy có thể định nghĩa: “con người là một động vật có tư duy”.
Tư duy (pensée) là toàn bộ hoạt động tâm lý của con người, chỉ có con người
mới có, đó là đời sống trí tuệ của con người. Tư duy được phân biệt với nhận thức
(conscience). Nói đến ý thức là nói đến sự “phản ánh” hiện thực của hoạt động tâm
lý. Hay nói đúng hơn, ý thức là tư duy ở trạng thái tĩnh, và tư duy ở trạng thái động,
tư duy là hành động nhận thức của con người. Tư duy và lý trí (raison) không phải
là một. Nói đến lý trí là nói đến cái lôgic có tính nguyên tắc của nhận thức. Nói đến
tư duy là nói đến sự vận động có tính tổng thể của các yếu tố tư tưởng và tình cảm,
cảm xúc và lý trí nhằm mục đích nhận thức. Tư tưởng (Idée) hay còn gọi là quan
niệm tư tưởng vừa là kết quả lại vừa là xuất phát điểm của tư duy. Quan hệ con
người với con người, con người với xã hội, con người với hoàn cảnh sống… là
những mối quan hệ chủ yếu tạo nên quan niệm tư tưởng ở mỗi con người. Tư tưởng
mang tính chất dân tộc, đoàn thể quốc gia, tính giai cấp… là những phạm trù mang
tính chủ quan hơn so với tư duy. Tư tưởng nằm ở phạm trù nội dung, tư duy nằm ở
phạm trù phương pháp. Tuy nhiên giữa chúng vẫn có những mối quan hệ mật thiết
với nhau. Đặc trưng của tư duy là phản ánh các mối quan hệ của con người với thế
giới khách quan, quan hệ con người với con người và quan hệ giữa các sự vật hiện
tượng; truy tìm các mối quan hệ, biểu diễn các mối quan hệ đó bằng các phương

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà


18
tiện ngôn ngữ, đó là toàn bộ chức năng nhận thức của tư duy. Nói đến tư duy là nói
đến những hoạt động của bộ óc con người ở trạng thái sống động của nó. Tư duy
nảy sinh từ sự sống và gắn liền với hoạt động của tế bào não. Nó là một quá trình xử
lý lượng thông tin do các khí quan cảm giác thu nhận được. Trong lịch sử phát triển
của con người, sự hình thành và phát triển của tư duy gắn liền với sự hình thành và
phát triển của chủ thể. Vậy, phán đoán đầu tiên của sự sống là ở chỗ, với tư cách là
chủ thể cá thể, sự sống tự tách mình ra khỏi tính khách quan.
Nói đến sự sống trong vận động của tư duy chính là nói đến cơ sở sinh lý của
tư duy. Yếu tố “sống” đó sẽ tạo cho tư duy một thuộc tính quan trọng, đó là sự trao
đổi tinh thần có tính chất giao tiếp, tính chất “cảm ứng”, “giao cảm” giữa người với
người. Bởi vậy, giao tiếp ngôn ngữ là một giao tiếp có tính bề ngoài, còn trao đổi
tinh thần, giao lưu tư tưởng và tình cảm là bản chất của hoạt động tư duy.
Tư duy là một “trạng thái” bên trong của vật chất (Plêkhanôp) nhưng chỉ có
ở trong dạng vật chất đặc biệt, phát triển ở trình độ cao, tức là ở con người. Mọi
quan niệm cho rằng tư duy, tinh thần hay ý niệm tồn tại độc lập, bên ngoài đầu óc
của con người, đều là quan niệm tư duy phi chủ thể, hoặc tạo ra một chủ thể siêu
nhiên đối lập với con người.
Nhưng cả tư tưởng và tư duy sẽ không nảy sinh được nếu không có ngôn
ngữ. Ngôn ngữ là công cụ của tư duy. Ngôn ngữ là cái vỏ vật chất của tư tưởng.
Không có ngôn ngữ thì tư duy chỉ là những dự báo mơ hồ, những phản ứng có tính
bản năng trước hiện thực. Không có tư duy thì ngôn ngữ chỉ là những tiếng kêu bập
bẹ của trẻ sơ sinh mà thôi. Tư duy làm cho ngôn ngữ phát triển phong phú, tinh xảo,
ngôn ngữ tạo điều kiện cho tư duy đi sâu vào bản chất của sự vật hơn.
1.1.2. Quan niệm tư duy về nghệ thuật.
Tư duy nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của con người trong lĩnh vực nghệ
thuật. Có nhiều quan điểm về vấn đề này, tuy nhiên chúng tôi thống nhất quan điểm
của nhóm các tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong cuốn Từ
điển thuật ngữ văn học (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998) và ý kiến của tác giả

Nguyễn Bá Thành trong cuốn Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại Việt Nam (Nxb Văn

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

19
học Hà Nội, 1996). Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa: “Tư duy nghệ thuật là
dạng hoạt động trí tuệ của con người hướng tới sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm
nghệ thuật” [54;381]. Kiểu tư duy đặc thù của nghệ thuật là tư duy bằng hình tượng.
Mục đích cuối cùng của tư duy nghệ thuật là tìm đến bản chất của sự vật, hiện
tượng để nắm bắt quy luật của đời sống khách quan. Nhưng ở đây tư duy hình
tượng phản ánh cái chung qua cái cụ thể mang tính đại diện, mang tính quy luật.
Khác với loại tư duy hành động trực quan và tư duy khái niệm lôgic, tư duy
nghệ thuật có cơ sở là tư duy hình tượng cảm tính hoặc tư duy này cho phép nghệ sĩ
cùng một lúc vừa phát hiện khách thể vừa bộc lộ nỗi lòng, tâm tư của chủ thể sáng
tạo. Đặc điểm của loại tư duy này là sự tái hiện từ xa, tách khỏi khách thể, bởi thế
có thể sử dụng hư cấu tưởng tượng để hình thành những hình tượng nghệ thuật có
tầm khái quát lớn lao, có sự tác động mạnh mẽ đến độc giả. Chính vì thế, Bêlinxki
đã phân biệt: để tác động đến trí tuệ của người nghe và người đọc, kinh tế chính trị
thì “chứng minh” bằng các số liệu, còn nhà thơ thì lại “trình bày” hiện thực như
vốn có. Không phải ngẫu nhiên mà từ Hêghen cho đến Plêkhanôp, Gorki đều nhấn
mạnh tư duy nghệ thuật là tư duy hình tượng. Dĩ nhiên tư duy nghệ thuật có những
đặc trưng khác biệt so với tư duy hình tượng- cảm tính. Thông thường, chính tư duy
nghệ thuật đã giúp cho nghệ sĩ có một quan niệm nghệ thuật riêng biệt về thế giới.
Nói khác đi, trong nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật là giới hạn thực tế của tư duy
nghệ thuật. Nó tương tự như một khí quyển của hoạt động con người.
Như vậy, quan niệm nghệ thuật tạo ra khả năng lĩnh hội hiện thực đời sống
triệt để, sâu sắc trong sự đa dạng, phức tạp của chúng. Cho nên trong thực tiễn sáng
tạo nghệ thuật không phải nhà văn nào cũng có thể tạo một thứ tư tưởng cho riêng
mình. Trên thực tế, những nhà văn lớn cũng là những nhà tư tưởng. Sáng tác của họ
không thể đơn thuần dùng lại nguyên xi cuộc sống mà họ phải tìm ra bản chất và

quy luật vận động của hiện thực khách quan, giải quyết nhiệm vụ thẩm mỹ. Chính
nhờ đặc điểm này mà nội dung khái quát của nghệ thuật thường mang tính phổ quát
hơn, triết học hơn so với sự thật cá biệt. Lấy trí tưởng tượng sáng tạo là chất xúc tác
của hoạt động tư duy nghệ thuật, nghệ sĩ xây dựng các giả thiết, làm sáng rõ các bộ

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

20
phận còn bị che khuất của thực tại, lấp đầy các “lỗ hổng chưa biết”. Tư duy nghệ
thuật “nhìn thấy” thế giới một cách toàn vẹn, nắm bắt nó qua những dấu hiệu phát
sinh, đồng thời phát hiện các mối liên hệ mới chưa được nhận ra.
Tư duy nghệ thuật đòi hỏi một ngôn ngữ nghệ thuật làm “hiện thực trực tiếp”
cho nó. Ngôn ngữ, đó là hệ thống các ký hiệu nghệ thuật, các hình tượng, các
phương thức tạo hình và biểu hiện. Nó có mã nghệ thuật, tức là các hệ thống năng
động gồm các quy tắc sử dụng ký hiệu để gìn giữ tổ chức và truyền đạt thông tin.
Điểm xuất phát của tư duy vẫn là lý tính, là trí tuệ có kinh nghiệm, biết nghiền
ngẫm và hệ thống hóa các kết quả nhận thức. Như vây, tư duy nghệ thuật được thể
hiện rõ nét trong cảm hứng sáng tạo, trong quá trình nghệ sĩ phát hiện, chiêm
nghiệm và thể hiện chân lý của đối tượng.
1.1.3. Tư duy trong tiểu thuyết
Tiểu thuyết là một thể loại lớn nằm trong phương thức tự sự có khả năng
phản ánh hiện thực đời sống một cách bao quát ở mọi giới hạn không gian và thời
gian, khả năng khám phá một cách sâu sắc những vấn đề thuộc về thân phận con
người thông qua những tính cách đa dạng, phức tạp và khả năng tái hiện những bức
tranh mang tính tổng thể rộng lớn về đời sống xã hội.
Thật khó để có một khái niệm đầy đủ về tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết,
bởi tiểu thuyết trong quá trình phát triển của mình luôn có sự biến đổi và giao thoa.
Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thấy tư duy tiểu thuyết trong sự đối sánh với tư duy
thơ và truyện ngắn. Do đặc trưng thể loại, tư duy thơ thường chỉ tập trung thể hiện
những cung bậc tình cảm khác nhau của chủ thể trữ tình. Cái mà tư duy thơ quan

tâm chính là cảm xúc. Khác với tư duy thơ, dấu hiệu đầu tiên để người ta có thể
nhận ra tư duy tiểu thuyết là tiểu thuyết đã biểu thị được mối liên hệ giữa thực tại xã
hội với số phận cá nhân. Theo hướng tư duy này, nhà văn khám phá những vấn đề
bản chất của hiện thực thông qua sự tái hiện số phận cá nhân. Hướng tư duy này
cũng tạo nên kiểu nhân vật tiểu thuyết. Nhân vật tiểu thuyết không phải là những
con người đơn giản một chiều mà là những con người đa đoan, “con người nếm
trải”, con người không tương hợp với số phận và vị thế của nó. Nhân vật trong tiểu

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

21
thuyết còn là những con người luôn có nhu cầu nhận thức laị, đánh giá lại các giá trị
cũ ở một chừng mực nào đó để nhân cách mình đẹp hơn lên xóa mờ đi những vết
đen bên trong tâm hồn. Chính nhu cầu nhận thức lại này sẽ góp phần thúc đẩy tư
duy tiểu thuyết phát triển lên một trình độ mới.
1.2. Hành trình sáng tác
Nguyễn Việt Hà (là bút danh, tên thật là Trần Quốc Cường) sinh ngày 12
tháng 7 năm 1962 tại Hà Nội. Xuất thân là một tiểu thị dân, với tuổi thơ bụi bặm
lang thang hè phố, Nguyễn Việt Hà hấp thụ những âm thanh hỗn tạp của đô thị từ
những cảnh đời lam lũ đến những bản thánh ca trong giáo đường phố Nhà Chung.
Dưới một cảm quan đời sống đặc thù, tác phẩm của anh đã thể hiện khá sinh động
những trạng thái tinh thần tiêu biểu và câu chuyện tâm thức đặc thù của con người
thời đại.
Nguyễn Việt Hà chính thức bước vào hoạt động nghệ thuật năm 1993 với
nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, tạp văn, tiểu thuyết, kịch… và được đông
đảo độc giả tìm đến. Đọc văn Nguyễn Việt Hà ngỡ như nhà văn ở cạnh mình, nghe
được từ mình từng hơi thở, đọc được ý nghĩ, bóc mẽ đến tận cùng cái khốn nạn của
thằng người đang bập bềnh trong dòng đời ô tạp, tha hóa, trơ lỳ đến không thể trơ lỳ
hơn. Chúng ta có thể mất ngủ với những chi tiết tưởng chừng như vô tình thoáng
qua trong trang viết của tác giả, nhưng thực ra lại chứa đầy ám ảnh day dứt. Với văn

chương Nguyễn Việt Hà, chúng ta cảm thấy được an ủi, bị lục vấn, bị hắt nước vào
mặt, luôn luôn phải trang bị cho mình một “tâm lý tự vấn”, buộc chúng ta phải ngồi
dậy, cởi bỏ mặt nạ, soi gương để nhận diện chính mình, thèm cười vang, thèm hét
lớn để nổ tung trong những cảm xúc thật đến trần trụi. Với giọng văn lạnh lùng,
khách quan, không cố tình áp đặt, răn dạy như một cái gu thẩm mĩ riêng của
Nguyễn Việt Hà chỉ có những ai đã qua trải nghiệm của đời sống mới có được.
Truyện ngắn Sếp và tôi và… là truyện ngắn đầu tiên được nhà văn chính
thức ký tên Nguyễn Việt Hà. Sếp và tôi và… đã giành được giải nhì truyện ngắn do
Tạp chí Sông Hương tổ chức ngày 23 tháng 11 năm 1993. Truyện ngắn được viết
khi Nguyễn Việt Hà đang loay hoay, thảng thốt với mối tình đầu trong trắng có

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

22
nguy cơ rạn nứt. Nhà văn tâm sự: “sự rạn nứt ở đây không xuất phát từ chủ quan
của hai cá thể yêu nhau mà nó là hệ lụy của xã hội thời mở cửa, con người vô tình
đánh mất nhau trước bão táp cuộc đời, trước cơ chế thị trường đầy nghiệt ngã”. Vì
vậy truyện ngắn Sếp và tôi và… không chỉ là sự cay đắng của số phận nhà văn mà
còn là chuyện kể về cơ chế thị trường ở nước ta những năm đầu thập kỉ 90 của thế
kỷ XX đang dần lộ rõ mặt trái. Trong dung lượng hạn hẹp của một truyện ngắn
Nguyễn Việt Hà tập trung xoáy sâu và phẫn nộ trước những thủ đoạn của một nhóm
người có học vấn tự làm tha hóa chính mình và cố tình làm tha hóa cả những người
trong trắng ngây thơ.
Tiếp tục với chủ đề tha hóa năm 1998, Nguyễn Việt Hà cho ra mắt tập truyện
ngắn Thiền giả. Tập truyện bao gồm 11 truyện ngắn xuyên suốt bốn mảng đề tài
lớn: Đề tài viết về đô thị; Đề tài viết về tình yêu; Đề tài viết về trí thức trẻ; Đề tài
viết về tôn giáo. Đọc kỹ 11 truyện ngắn của Thiền giả có thể thấy âm hưởng của nó
phảng phất xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết Cơ hội của Chúa. Sở dĩ có những dư
ba trong tiểu thuyết từ truyện ngắn là vì Nguyễn Việt Hà luôn quan niệm “truyện
ngắn là bản nháp của tiểu thuyết, tiểu thuyết là bản nháp của cuộc sống. Truyện

ngắn trong tiểu thuyết không bao giờ có kết thúc cũng như cuộc sống không bao
giờ có thể lý giải đến tận cùng”. Theo Nguyễn Việt Hà, tên của tập truyện Thiền
giả được lấy từ chính nhan đề của một truyện ngắn có trong tập truyện. Thiền giả
được khoác lên nó hai ý nghĩa. Ý nghĩa đầu tiên Thiền tức là thiền luận, giả tức là
học giả. Ở lớp nghĩa này, tác giả muốn nhấn mạnh đến tầng lớp độc giả ưu tú của
Thiền Luận, tức là những người có trí thức, bác học có khả năng đạt đến cảnh giới
cao nhất để hiểu và luận về thiền. Ý nghĩa thứ hai, mang màu sắc ngược lại: Thiền
giả là những nhóm, bộ phận người trí thức tha hóa có khả năng lừa lọc giả dối trắng
trợn mà lại giống như không lừa lọc giả dối. Đây chính là sự tha hóa “siêu đẳng”
của một bộ phận giới trí thức. Nói như văn sĩ thì sự “giả dối của trí thức là một thứ
đẳng cấp, tinh hoa của mọi tinh hoa”.
Ngay sau khi Thiền giả được đón nhận, cuối năm 1998, Nguyễn Viêt Hà
hoàn thành tập truyện ngắn Của rơi nhưng vì những lí do nhất định mà mãi tới năm

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

23
2004 tập truyện này mới chính thức được ra mắt bạn đọc trong ấn phẩm của nhà
xuất bản Phụ Nữ. Của rơi được độc giả đón nhận một cách háo hức, nồng nhiệt sau
khi tên tuổi của Nguyễn Việt Hà đã được đánh giá sau tập Thiền giả. Tập truyện
chưa đầy 300 trang xuyên suốt 19 truyện, truyện nào cũng chứa đựng ngổn ngang
những suy tư trăn trở của nhà văn về thế hệ trí thức hiện đại. Vẫn với ngôn ngữ sắc
lạnh, Nguyễn Việt Hà đưa đến cho người đọc cái nhìn mới về giới trí thức và thanh
niên trong đời sống đô thị, loay hoay trong tình yêu, sự nghiệp, vô tình bị biến chất,
tha hóa, rồi cố gắng đi tìm sự cứu rỗi ở một thế giới siêu hình. Trong một lần nói
chuyện ngoài lề với VnExpress, Nguyễn Việt Hà bộc bạch “Ở một mức độ nào đó,
người trí thức là một thứ của rơi nhặt được và sử dụng nó như thế nào lại là một
vấn đề” [32]. Tập truyện còn là một minh chứng cho những nỗ lực trong ý thức
nghề nghiệp và con đường nghệ thuật của Nguyễn Việt Hà, đó là không ngừng làm
phong phú kỹ thuật kể chuyện, để từ đó, vượt lên trên cả nội dung, đạt đến lối viết

như là chủ đề văn học.
Luôn tìm kiếm cái mới trong lối viết, Cơ hội của Chúa là loại hình thứ hai
Nguyễn Việt Hà tham gia thử nghiệm trong lĩnh vực văn xuôi. Cuốn tiểu thuyết đầu
tay này được Nguyễn Việt Hà viết chấp bút từ tháng 3 năm 1989 đến tháng 2 năm
1997, nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1999. Sau khi tiểu thuyết được biên tập
nội dung, nhà xuất bản đề nghị đổi nhan đề Cơ hội của Chúa thành Một ngày của
Chúa. Nhưng Nguyễn Việt Hà đã từ chối, bởi Nguyễn Việt Hà là một nhà văn công
giáo, một giáo dân của phố nhà Chung, hơn ai hết anh hiểu được xuất xứ của nhan
đề được trích dẫn nguyên bản từ Kinh Thánh: “sự cùng quẫn cuối cùng của con
người, ấy là cơ hội của Chúa”. Ngoài ra theo như lời trò chuyện của nhà văn thì:
“nhan đề của tiểu thuyết là định đề mà tiểu thuyết phải triển khai trong cả nội dung
cũng như cách thể hiện. Nhan đề ấy trong sâu thẳm ẩn chứa một nội lực, khoảng
trống rất lạ, rất khó nhận ra. Trong đời sống hỗn độn, đầy phức tạp của con người
ai cũng sống loay hoay. Toàn bộ cuộc đời là sự chống đỡ những loay hoay. Nếu
không tìm ra lối để thoát khỏi sự loay hoay thì dễ dẫn đến tha hóa mất giá trị, ở
điểm nút cuối cùng ấy con người bao giờ cũng cần sự cứu chuộc và đấy là cơ hội

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

24
của đấng tối cao”. Như vậy ngay từ cái tên nhan đề của tiểu thuyết Cơ hội của
Chúa cũng đã phải đấu tranh dữ dội với dư luận để rồi cuối cùng nó được giữ
nguyên như bản thảo và ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Ở một tầm cao hơn, chúng tôi
đánh giá đây thực sự là cuốn sách mang tính hiện thực, triết lý về thời kỳ hậu bao
cấp ở đô thị Việt Nam. Có lẽ chính vì vậy, mà sau những bút luận còn chưa ráo
mực, cuốn tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi này đã được tiếp tục tái bản lần thứ hai
năm 2006 tại nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Năm 2002, Nguyễn Việt Hà tiếp tục khẳng định sự thành công ở thể tài
truyện ngắn với truyện ngắn Mãi không tới núi đã được dịch ra tiếng Pháp và được
đọc bằng song ngữ cho cả người Việt Nam và nước ngoài tại trung tâm văn hoá

Pháp L’Espace. Khi Mãi không tới núi ra đời, Nguyễn Việt Hà tâm sự: “Mãi
không tới núi là khát vọng thiêng liêng và trong sạch dần bị bào mòn và dung tục
hoá trong đời sống thường ngày. Quá trình đó không chỉ diễn ra ở một nhân vật
mang tên Vọng mà thường trực trong mỗi chúng ta” [37]. Như vậy, sự xuất hiện của
truyện ngắn Mãi không tới núi đã cho thấy sự ám ảnh dai dẳng trong nội dung tác
phẩm của Nguyễn Việt Hà về cái gọi là lý tưởng của giới trí thức. Họ thông tuệ, ưu
tú, muốn cống hiến, đóng góp cho cuộc đời, nhưng không khí đời sống Việt Nam
hiện nay không tạo điều kiện tối ưu cho trí thức Việt Nam bộc lộ khả năng.
Sau khi tham gia làm việc tại Ngân hàng Công thương Hà Nội một thời gian,
tháng 12 năm 2004, Nguyễn Việt Hà bỏ hẳn vị trí công chức nhà nước để thực hiện
duyên nợ của anh với văn chương. Khải huyền muộn là cuốn tiểu thuyết được chờ
đợi nhiều sau thành công của tập truyện ngắn Của rơi và tiểu thuyết Cơ hội của
Chúa. Tiểu thuyết được in năm 2005 bởi Nhà xuất bản Hội nhà văn. Có thể nói
Khải huyền muộn rất kén độc giả, cuốn tiểu thuyết đòi hỏi người đọc phải là những
người trải nghiệm, đã vấp ngã và từng đau đớn. Vì vậy nó khó đọc hơn với những
người đọc giải trí thông thường. Dưới những trang viết tưởng chừng chỉ đơn thuần
tái hiện hiện thực đời sống với cái vỏ ngoài hào nhoáng của những con người có
nhan sắc, có tiền tài, địa vị trong xã hội lại chứa đựng bên trong ngồn ngộn những
điều bậy bạ, “nhố nhăng”. Dưới những câu văn đầy cổ quái, đầy hấp dẫn người đọc

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

25
có thể nhận ra nhân vật Vũ- một thứ trưởng của ngành thể thao văn hóa là con số
cộng của một lớp người trong xã hội mà người ta vẫn thường gọi là quan chức. Sự
tha hóa của Vũ chính là sự khốn nạn tận cùng. Vũ là một trí thức chuẩn, ý thức
được sự tha hóa của mình, anh biết tận cùng được căn nguyên và lí do của sự tha
hóa ấy, anh đau đớn muốn đi tìm lối thoát, một nơi để cứu rỗi tâm hồn. Vậy nhưng
trong hành trình đi tìm tính thiện cho tâm hồn, anh vẫn không thoát khỏi những cám
dỗ và dục vọng của chính mình. Anh không có sự lựa chọn nào khác, dù anh biết

con đường anh đi đầy bất trắc, bỉ ổi, nhớp nhúa. Chính vì vậy, Nguyễn Việt Hà
chính thức đặt tên cho tiểu thuyết thứ hai của anh là Khải huyền muộn. Ngoài ra
Khải huyền muộn còn là một cuốn tiểu thuyết có ý thức nỗ lực cách tân làm mới
mình của nhà văn Nguyễn Việt Hà. Anh tâm sự “Nếu Cơ hội của Chúa lấy trục
thời gian làm chính để kể chuyện của các nhân vật thông qua những trang nhật kí,
thư từ, hồi ức thì Khải huyền muộn lại lấy không gian làm trục chính. Về hình thức
đây là cuốn tiểu thuyết viết về một cuốn tiểu thuyết đang viết dở, có dáng dấp như
lời tự sự về hành trình sáng tạo của nhà văn”. Đọc những trang viết của Khải
huyền muộn, người đọc có thể bắt gặp không ít những triết lí tư tưởng sâu sắc của
Nguyễn Việt Hà về nghề văn mà chính anh cũng đang là người trải nghiệm.
Không dừng lại ở thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết, Nguyễn Việt Hà lần
lượt cho ra mắt bạn đọc ba cuốn tạp văn Nhà văn thì chơi với ai và Mặt của đàn
ông trong năm 2007 và gần đây nhất là Đàn bà uống rượu.
Trong một ngày cuối tháng 11 năm 2011, khi được tiếp xúc với Nguyễn Việt
Hà, nhà văn tự nhận mình là tay "tán nhảm lắm mồm", nhưng cái sự nhảm của tác
giả, từ tập Nhà văn thì chơi với ai qua Mặt của đàn ông (Nxb Hội Nhà Văn) rồi
đến Ðàn bà uống rượu (Nxb Văn Học), thấy chưa nhạt đi mà đậm hơn, sâu sắc
nước đời hơn, giễu cợt hơn, và đọc được nhiều hơn. Nhân vật nhìn chung vẫn gồm:
đàn ông và đàn bà, diễn viên, văn sĩ, thương gia, thầy giáo , với không gian đô thị,
với thời gian bây giờ, mỗi loại lại chứa nhiều "tập con" hành xử của đàn ông - đàn
bà với mình, với người, với thiên nhiên mưa gió bốn mùa Từ đó bày ra một bề
mặt đô thị nhốn nháo, ngược xuôi giá trị, nhiều nghịch lý, ê hề cái phàm tục, dấp

×