Tải bản đầy đủ (.pdf) (82 trang)

Tòa án Hình sự Quốc tế và khả năng gia nhập của Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (695.94 KB, 82 trang )


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN



TRẦN THỊ HƢƠNG GIANG









TÒA ÁN HÌNH SỰ QUỐC TẾ VÀ KHẢ NĂNG
GIA NHẬP CỦA VIỆT NAM







LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Quan hệ quốc tế












Hà Nội - 2012

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN



TRẦN THỊ HƢƠNG GIANG









TÒA ÁN HÌNH SỰ QUỐC TẾ VÀ KHẢ NĂNG
GIA NHẬP CỦA VIỆT NAM






Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Quan hệ quốc tế
Mã số: 60 31 40





Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Hoàng Phước Hiệp








Hà Nội - 2012
1

MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 3
Chương 1: TỔNG QUAN VỀ QUY CHẾ ROME VÀ TÒA ÁN HÌNH SỰ
QUỐC TẾ 10
1.1. Sự ra đời của Quy chế Rome và Tòa án Hình sự Quốc tế 10
1.2. Cơ cấu tổ chức của Tòa án Hình sự Quốc tế 14
1.3. Những tội ác thuộc quyền tài phán của Tòa án 17
1.4. Một số nguyên tắc chi phối thẩm quyền xét xử của Tòa 24
1.5. Những điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện quyền xét xử của Tòa án
27

Chương 2: QUAN HỆ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TÒA ÁN HÌNH SỰ QUỐC
TẾ 32
2.1. Quan hệ của Tòa án Hình sự Quốc tế và Hội đồng Bảo an Liên Hợp
Quốc 32
2.2. Thái độ của các cường quốc Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc trong việc gia
nhập Quy chế Rome 35
2.3. Thực tiễn xử lý tội phạm quốc tế của Tòa án Hình sự Quốc tế 40
Chương 3: VẤN ĐỀ GIA NHẬP TÒA ÁN HÌNH SỰ QUỐC TẾ CỦA VIỆT
NAM 50
2

3.1. Các nhân tố thúc đẩy việc gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế của Việt
Nam 50
3.2. Những khó khăn, trở ngại có thể gặp phải khi Việt Nam gia nhập Quy
chế Rome 55
3.3. Một số đề xuất, kiến nghị trong trường hợp Việt Nam gia nhập Quy chế
Rome 67

KẾT LUẬN 72
TÀI LIỆU THAM KHẢO 76
3

MỞ ĐẦU

1. Lý do lựa chọn đề tài
Trong lịch sử thế giới, ít có một giai đoạn nào mà nhân loại phải đối
đầu và giải quyết nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như thế kỷ vừa qua. Luật
quốc tế - luật chơi của các quốc gia và các chủ thể khác trong quan hệ quốc tế
- là một trong những lĩnh vực mang dấu ấn đậm nét nhất của tình hình trên.
Hai cuộc chiến tranh thế giới, hàng trăm cuộc chiến tranh và xung đột vũ

trang khu vực đã làm cho quyết tâm gìn giữ hoà bình, an ninh quốc tế và
trừng phạt, ngăn ngừa những tội ác gây đau thương, chết chóc trở thành khát
vọng cháy bỏng của nhân loại trong thế kỷ XX.
Việc thành lập Hội Quốc Liên sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và Liên
Hợp Quốc sau Chiến tranh thế giới thứ hai có nhiệm vụ giữ gìn hoà bình, an
ninh quốc tế luôn được đi kèm với việc tổ chức các toà án quốc tế để xét xử
tội ác trong các cuộc chiến tranh. Từ những phiên toà không thành công sau
Thế chiến thứ nhất, Toà án Nuremberg và Tokyo sau Thế chiến thứ hai do các
quốc gia thắng trận lập nên, cũng như Toà án đặc biệt (ad hoc) dành cho Nam
Tư cũ và Rwanda do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thành lập, cho đến
những toà án do nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới tổ chức như Toà
án Bertrand Russell xét xử tội ác chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam đều cho
thấy quyết tâm của cộng đồng quốc tế đưa thủ phạm gây những tội ác nói trên
ra trước công lý.
Một chặng đường dài của thế kỷ với bao đau thương và mất mát, ước
mơ của nhân loại đã trở thành hiện thực cùng với việc Quy chế Rome được ký
4

kết thành lập nên Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) vào năm 1998 để xét xử
những cá nhân phạm các tội ác nghiêm trọng nhất đối với cộng đồng quốc tế,
cụ thể là tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và tội
ác xâm lược. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một toà án hình sự quốc tế
thường trực được các quốc gia thành lập bằng một điều ước quốc tế, với vai
trò bổ sung cho hệ thống tư pháp quốc gia, có thẩm quyền xét xử các cá nhân
nhằm chấm dứt tình trạng bỏ sót tội phạm, đem lại công lý cho nạn nhân, góp
phần tăng cường hoà bình, ổn định trên thế giới.
Việc nghiên cứu các vấn đề pháp luật quốc tế trong điều kiện hiện nay
nói chung, Quy chế Rome nói riêng, đã được đề cập trong các văn kiện của
Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết số 48–NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005
của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh việc tiếp tục ký kết, gia nhập các điều ươ

́
c
quốc tế, đặc biệt là các công ước quốc tế về chống khủng bố quốc tế, chống
tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các hiệp định tương trợ tư pháp. Qua
đó, nhiệm vụ được đặt ra là nghiên cứu Quy chế Rome, đồng thời đẩy mạnh
việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật để phù
hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Mặt khác, việc gia nhập Quy chế Rome của Việt Nam cũng đặt ra hàng
loạt vấn đề pháp luật cần nghiên cứu. Qua nghiên cứu, có thể nhận thấy một
số vấn đề sau: Thứ nhất, Quy chế Rome là một bộ văn bản pháp lý đa phương
phức tạp, có nhiều nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của pháp
luật quốc gia, đặc biệt là các quy định của pháp luật hình sự và pháp luật tố
tụng hình sự nên việc thực hiện Quy chế Rome đòi hỏi phải có sự nghiên cứu
và phối hợp điều chỉnh cần thiết của các cơ quan tư pháp trong nước. Thứ hai,
các quy định về tội phạm, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, quy tắc xét xử ở
Việt Nam, quy định về dẫn độ người Việt Nam cho Toà án quốc tế xét xử và
5

các quy định khác nhau trong từng lĩnh vực hoạt động tư pháp có sự khác biệt
khá lớn so với Quy chế Rome. Do đó, nếu gia nhập Quy chế Rome thì cần
thiết phải nghiên cứu để điều chỉnh các quy định của pháp luật Việt Nam, từ
đó mới có thể thực thi một cách hiệu quả nghĩa vụ thành viên của Tòa án. Thứ
ba, Chính phủ Hoa Kỳ có thực tiễn vận động nhiều quốc gia trên thế giới ký
các Thỏa thuận miễn trừ song phương (hay còn gọi là các Thỏa thuận theo
Điều 98) và cũng gây sức ép đối với các nước tham gia Quy chế Rome. Việc
Việt Nam gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế có thể sẽ ảnh hưởng tới sự phát
triển quan hệ nhiều mặt Việt Nam – Hoa Kỳ. Mặc dù chính quyền
Washington tuyên bố là họ không gây sức ép với các nước khác về vấn đề ký
các Thỏa thuậ n theo Điều 98. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có những bằng
chứng cho thấy việc gắn vấn đề tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế với việc

cung cấp các khoản viện trợ nhất định hoặc với việc gia nhập các tổ chức kinh
tế khác. Ngoài các lý do cần thiết nghiên cứu Quy chế Rome như đã nêu trên,
hiện nay, thông tin và kiến thức về Tòa án Hình sự Quốc tế của đông đảo
nhân dân Việt Nam nói chung, cán bộ pháp luật nói riêng còn hạn chế. Do đó
việc tìm hiểu các quy định pháp lý về Tòa án và vấn đề gia nhập của Việt
Nam là một vấn đề cấp thiết. Thông qua việc làm sáng tỏ các quy định về tổ
chức và hoạt động, những vấn đề pháp lý cơ bản, những lợi ích và hạn chế
của việc gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế, tác giả mong muốn góp phần làm
rõ thêm một số vấn đề pháp lý về việc gia nhập Tòa án trong tương lai.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Tìm hiểu về vấn đề pháp lý của Toà án Hình sự Quốc tế là một đề tài có
tính chất thời sự trong giai đoạn hiện nay. Trên phạm vi quốc tế, đã có rất
nhiều công trình, đề tài khoa học nghiên cứu về vấn đề này. Mỗi công trình,
đề tài đều có một cách tiếp cận ở các góc độ khác nhau. Có thể kể tên một số
6

công trình nghiên cứu khoa học như: “Tại sao chúng ta cần Toà án Hình sự
Quốc tế” của tác giả Douglass Cassel; “Các vấn đề đặt ra từ Hội nghị Rome”
của tác giả Ruth Wedgwood; “Quyền tài phán của Toà án Hình sự Quốc tế
đối với công dân của quốc gia không phải là thành viên – phê bình quan điểm
của Hoa Kỳ” của tác giả Michael P. Scharf; “Chính sách của Hoa Kỳ về Toà
án Hình sự Quốc tế” của Luật sư Jennifer K. Elsea và nhiều công trình nghiên
cứu nổi tiếng khác. Nổi bật lên trong số đó là tác giả Douglass Cassel với
nhận định “Tòa án Hình sự Quốc tế đem đến cho nhân loại trong thế kỷ tới cơ
hội để thực thi cái mà luật pháp không có trong thế kỷ 20”. Điều này cũng
góp phần mở ra một hướng nghiên cứu mới cho nhiều đối tượng và học giả
sau này.
Trên phạm vi quốc gia Việt Nam, việc nghiên cứu về Toà án Hình sự
Quốc tế mới được triển khai trong giới nghiên cứu pháp luật trong thời gian
gần đây với sự tài trợ của các chuyên gia của Toà án Hình sự Quốc tế và luật

gia một số nước liên quan theo các dự án quốc tế. Một số hội thảo khoa học
về vấn đề này đã được tiến hành, có thể kể đến là: “Hội thảo quốc gia về Toà
án Hình sự Quốc tế” tại Hà Nội diễn ra từ ngày 01 tháng 3 đến ngày 02 tháng
3 năm 2006, “Hội thảo quốc tế về Toà án Hình sự Quốc tế” diễn ra từ ngày 24
tháng 4 đến ngày 25 tháng 4 năm 2008 do Bộ Tư pháp và Phái đoàn Ủy ban
châu Âu tổ chức tại Đà Nẵng. Một số tài liệu, sách, bài viết trên tạp chí đề cập
đến các khía cạnh pháp lý, tổ chức và hoạt động, những thuận lợi và thách
thức khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tòa án Hình sự Quốc
tế đã được đăng phát, như: “Toà án Hình sự Quốc tế - một số vấn đề pháp lý
cơ bản” của Thạc sĩ Trần Thăng Long; “Toà án Hình sự Quốc tế - một thiết
chế pháp lý bảo vệ các quyền con người” của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hải và
“Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế” do Tiến sĩ Dương Tuyết Miên
7

chủ biên. Qua những nghiên cứu này, có thể thấy rằng, vấn đề xoay quanh
Tòa án Hình sự Quốc tế vẫn còn là một vấn đề vô cùng mới mẻ đối với Việt
Nam và đòi hỏi cần tiếp tục có những tìm tòi suy ngẫm nhằm hiểu rõ hơn về
tổ chức này cũng như đưa ra những đề xuất hợp lý hơn cho sự tham gia của
Việt Nam vào tổ chức này.
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của Luận văn là những vấn đề pháp lý cơ bản về
Toà án Hình sự Quốc tế và việc gia nhập Toà án Hình sự Quốc tế của Việt
Nam.
Luận văn không có tham vọng cũng không thể nghiên cứu và làm rõ tất
cả các vấn đề pháp lý về Toà án Hình sự Quốc tế mà chỉ tập trung nghiên cứu
cơ cấu tổ chức và hoạt động của Toà án Hình sự Quốc tế dựa trên các quy
định của Phần I, II, III và IV của Quy chế Rome. Bên cạnh đó, Luận văn cố
gắng thiết lập quan hệ so sánh chúng với các quy định liên quan của pháp luật
Việt Nam hiện hành, qua đó đưa ra những kiến nghị về khả năng tham gia của
Việt Nam vào Toà án Hình sự Quốc tế và những vấn đề pháp luật Việt Nam

cần điều chỉnh để thực thi có hiệu quả nghĩa vụ thành viên Toà án Hình sự
Quốc tế nếu Việt Nam tham gia Quy chế Rome. Ngoài ra, Luận văn cũng cố
gắng phân tích mối quan hệ giữa Toà án Hình sự Quốc tế và Hội đồng Bảo an
Liên Hợp Quốc trong giải quyết cùng một vấn đề thuộc lĩnh vực trừng trị
những cá nhân gây tội ác đối với hoà bình, chống nhân loại. Luận văn không
đặt ra và không thể nghiên cứu các vấn đề khác liên quan trực tiếp đến nội
dung hoạt động tác nghiệp của Toà án Hình sự Quốc tế như kỹ thuật điều tra,
nghiệp vụ truy tố, xét xử, thi hành án của các Thẩm phán và của chính Tòa án.
Các quan điểm và thái độ cụ thể của các nuớc thuộc Liên minh châu Âu (EU)
8

và các nước ủng hộ Hoa Kỳ sẽ được đề cập trong một mức độ cần thiết để
hiểu rõ hơn nội dung của vấn đề chính trong Luận văn này.
4. Mục tiêu nghiên cứu
Khi đi vào tìm hiểu các vấn đề pháp lý của Toà án Hình sự Quốc tế và
đánh giá vấn đề gia nhập của Việt Nam, Luận văn nhằm đạt được các mục
đích như sau:
a. Làm rõ những vấn đề pháp lý cơ bản của Toà án Hình sự Quốc tế
như cơ cấu tổ chức, nguyên tắc và thực tiễn hoạt động, quan hệ với Hội đồng
Bảo an Liên Hợp Quốc
b. Đánh giá cơ hội, thách thức khi gia nhập Toà án Hình sự Quốc tế của
Việt Nam trong tình hình hiện nay.
c. Đề xuất các giải pháp, kiến nghị để hoàn thiện các quy định của pháp
luật Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật liên quan cho phù hợp với các quy
định của Toà án Hình sự Quốc tế.
5. Phƣơng pháp nghiên cứu
Cơ sở phương pháp luận nghiên cứu thực hiện đề tài luận văn là phép
duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Tác giả của Luận văn dựa vào đó để
tìm ra mối liên hệ biện chứng giữa các hiện tượng của pháp luật quốc tế hiện
đại, đánh giá các vấn đề thuộc nội dung nghiên cứu của đề tài luận văn.

Bên cạnh đó, để có được đánh giá chính xác đối với từng nội dung cụ
thể của Luận văn, các phương pháp nghiên cứu cụ thể như phân tích, tổng hợp
và so sánh cũng được áp dụng. Một trong những mục tiêu của Luận văn là tìm
9

hiểu, phân tích làm rõ những vấn đề pháp lý cơ bản về Tòa án Hình sự Quốc
tế và so sánh chúng với các quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan
của Việt Nam. Do vậy, phương pháp so sánh sẽ được chú ý áp dụng nhằm tìm
ra những điểm giống nhau và khác nhau, phù hợp hay không phù hợp, hỗ trợ
cho việc bình luận khoa học những vấn đề mà pháp luật Việt Nam cần phải
cân nhắc sửa đổi, bổ sung khi Việt Nam gia nhập Tòa án. Ngoài ra, phương
pháp này cũng được ưu tiên áp dụng để có một cách nhìn nhận lô gíc về các
vấn đề pháp lý của Tòa án thông qua phân tích, so sánh quá trình tổ chức và
hoạt động, bản chất pháp lý, quyền năng chủ thể trong mối quan hệ giữa Tòa
án với Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Phương pháp diễn giải và tổng hợp
được ưu tiên sử dụng để làm rõ mức độ ảnh hưởng của các quy định của Tòa
đối với thực tiễn và đưa ra các giải pháp nhằm điều chỉnh pháp luật Việt Nam
có liên quan để đáp ứng việc thực thi các nghĩa vụ thành viên khi Việt Nam
gia nhập Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế.
6. Cấu trúc luận văn
Luận văn bao gồm ba phần. Bên cạnh phần mở đầu và kết luận, phần
nội dung bao gồm ba chương. Chương thứ nhất giới thiệu tổng quan về Tòa
án Hình sự Quốc tế, trong đó có quá trình thành lập, cơ cấu tổ chức, và
nguyên tắc hoạt động của Tòa án. Chương thứ hai nghiên cứu về quan hệ và
thực tiễn hoạt động của Tòa án Hình sự Quốc tế. Chương thứ ba đánh giá cơ
hội và thách thức đối với Việt Nam trong trường hợp Việt Nam gia nhập Tòa
án Hình sự Quốc tế và đề xuất biện pháp cần triển khai để gia nhập.
10

Chƣơng 1: TỔNG QUAN VỀ QUY CHẾ ROME

VÀ TÒA ÁN HÌNH SỰ QUỐC TẾ
1.1. Sự ra đời của Quy chế Rome và Tòa án Hình sự Quốc tế
Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế là một điều ước quốc tế quy
định việc thành lập của Tòa án Hình sự Quốc tế. Phải mất hơn nửa thế kỷ
chuẩn bị, cơ sở pháp lý cho sự ra đời, tổ chức và hoạt động của Tòa án Hình
sự Quốc tế mới được xác lập.
Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Hội Quốc Liên đã sớm nhận
thấy sự cần thiết phải có một cơ chế thường trực nhằm truy tố, xét xử các tội
phạm nghiêm trọng nhất đe dọa an ninh, hòa bình và hạnh phúc của toàn nhân
loại. Mặc dù vậy, những nỗ lực để đưa ra ý tưởng thiết lập một tòa án quốc tế
đã không thành công.
Chỉ riêng trong 50 năm cuối thế kỷ XX, hơn 250 cuộc xung đột đã nổ ra
trên khắp thế giới, hơn 86 triệu thường dân trong đó hầu hết là phụ nữ và trẻ
em đã chết trong những cuộc xung đột đó và hơn 170 triệu người đã bị tước
đoạt các quyền về tài sản, danh dự và nhân phẩm [3]. Thực trạng đó đặt ra yêu
cầu ngày càng cấp bách phải có được một nền tảng pháp lý cho một tòa án
hình sự quốc tế.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các Tòa án quân sự Nuremberg và
Tokyo được thiết lập để xét xử các tội phạm chiến tranh Đức quốc xã và Nhật
Bản. Thực chất đây là sự công nhận và là bước chuẩn bị cần thiết cho việc tạo
lập một tòa án mang tính chất thường trực xét xử các tội phạm chiến tranh. Vì
có nhiều ý kiến bất đồng, phải đến năm 1948, Liên Hợp Quốc mới chính thức
11

xem xét và thông qua Công ước về phòng ngừa và trừng phạt tội phạm diệt
chủng - bước phát triển của ý tưởng trừng phạt các tội phạm quốc tế.
Nghị quyết 260 ngày 09 tháng 12 năm 1948 của Đại hội đồng Liên Hợp
Quốc về việc thông qua Công ước về phòng ngừa và trừng phạt tội phạm diệt
chủng có đoạn viết: “Công nhận rằng ở tất cả các thời kỳ lịch sử nạn diệt
chủng đã gây ra tổn thất lớn cho nhân loại, và bị thuyết phục rằng để giải

phóng nhân loại khỏi thảm họa đáng ghê tởm như vậy, việc hợp tác quốc tế là
cần thiết”. Điều I của Công ước này đã mô tả diệt chủng là “một tội phạm
thuộc luật pháp quốc tế” và Điều VI của Công ước quy định rằng người bị
buộc tội diệt chủng “phải được xét xử bởi một Tòa án có thẩm quyền của
quốc gia mà hành động diệt chủng đã được thực hiện trong lãnh thổ của họ và
bằng một Tòa án Hình sự Quốc tế có thẩm quyền…”. Cũng tại Nghị quyết
này, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng đã mời Ủy ban Luật Quốc tế “nghiên
cứu nhu cầu và khả năng thiết lập một cơ quan tư pháp quốc tế xét xử những
người bị buộc tội diệt chủng”.
Sau khi có kết luận của Ủy ban Luật Quốc tế khẳng định điều kiện chín
muồi cho việc thành lập một tòa án quốc tế để xét xử những người bị buộc tội
diệt chủng và các tội ác nghiêm trọng khác tương tự, Đại hội đồng Liên Hợp
Quốc đã thành lập một ủy ban để chuẩn bị các đề xuất liên quan đến việc
thành lập một tòa án như vậy. Ủy ban Luật Quốc tế đã rất nỗ lực dự thảo chi
tiết quy chế vào năm 1951 và sửa đổi dự thảo quy chế vào năm 1953. Tuy
nhiên, Chiến tranh lạnh đã gây trở ngại cho các nỗ lực này. Đại hội đồng Liên
Hợp Quốc đã quyết định hoãn việc xem xét dự thảo quy chế cho đến khi đạt
được sự đồng thuận về định nghĩa xâm lược.
12

Tháng 12 năm 1989, theo đề nghị của Trinidad và Tobago, Đại hội
đồng Liên Hợp Quốc đã yêu cầu Ủy ban Luật Quốc tế tiếp tục nghiên cứu đề
xuất thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế với thẩm quyền xét xử bao gồm cả tội
phạm buôn bán ma túy. Năm 1993, cuộc xung đột ở Nam Tư cũ đã nổ ra, và
tiếp theo là ở Rwanda, các tội ác chiến tranh, tội ác chống loài người và tội
diệt chủng được ngụy trang dưới vỏ bọc của các cuộc thanh lọc sắc tộc. Với
nỗ lực chấm dứt những đau khổ của nhân loại, Hội đồng Bảo an Liên Hợp
Quốc đã quyết định thành lập các Tòa án đặc biệt (ad hoc) để giải quyết các
vấn đề của Nam Tư cũ (1993) và Rwanda (1994), buộc các tổ chức và cá nhân
phải chịu trách nhiệm về những tội ác đã gây ra, từ đó ngăn chặn những tội ác

tương tự trong tương lai. Chỉ sau những động thái này, nỗ lực cho việc thành
lập Tòa án Hình sự Quốc tế mới thu hút được sự quan tâm chung.
Tháng 12 năm 1994, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thành lập một
Ủy ban đặc biệt (ad hoc), bao gồm đại diện của tất cả các quốc gia thành viên
và các cơ quan chuyên ngành, xem xét lại bản dự thảo cuối cùng quy chế của
Ủy ban Luật Quốc tế. Tháng 12 năm 1995, Hội đồng Bảo an thành lập một
Ủy ban trù bị nhằm thảo luận sâu hơn những nội dung trọng yếu nhất, cũng
như những vấn đề về việc thực thi được đặt ra từ dự thảo quy chế của Ủy ban
Luật Quốc tế, với hy vọng đưa ra được một dự thảo quy chế vững chắc, có thể
đạt được sự chấp thuận rộng khắp trong Hội nghị cấp cao xem xét việc thành
lập Tòa án Hình sự Quốc tế. Tháng 12 năm 1996, Đại hội đồng thẩm định lại
kết quả hoạt động sau hai phiên họp của Ủy ban, đồng thời quyết định năm
1998 sẽ là năm tổ chức Hội nghị cấp cao về việc thành lập Tòa án Hình sự
Quốc tế. Cho đến trước thời điểm diễn ra Hội nghị, Ủy ban tiếp tục làm việc
trong bốn phiên họp tiếp theo.
13

Hội nghị cấp cao về việc thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế diễn ra từ
ngày 15 tháng 6 đến 17 tháng 7 năm 1998 tại Rome, với đại diện của 160
quốc gia trên khắp các vùng, miền thế giới tham dự. Đây là một sự kiện hết
sức có ý nghĩa vì diễn ra đúng vào lúc toàn nhân loại kỷ niệm 50 năm ngày
thông qua Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (ngày 10 tháng 12 năm 1948).
Tại Hội nghị, văn bản dự thảo quy chế gồm 13 phần, 116 điều khoản đã được
đệ trình và thảo luận. Mặc dù dự thảo được xây dựng nghiêm túc và tương đối
chi tiết, song vẫn còn tới hơn 1.500 điều khoản đưa ra với các phương án quy
định mang tính cạnh tranh và được ký hiệu ngoặc vuông vì chưa đạt được sự
thống nhất ban đầu của các quốc gia tham dự. Tuy nhiên, sau năm tuần nỗ lực
đàm phán, thỏa hiệp dưới nhiều hình thức như thảo luận nhóm, đàm phán
không chính thức, thảo luận bên lề , Quy chế Rome đã được đại đa số các
quốc gia tham dự Hội nghị thông qua theo thể thức bỏ phiếu trọn gói. Kết quả

cụ thể là 120 phiếu thuận, 07 phiếu chống và 21 phiếu trắng [30].
Quy chế được mở cho việc ký kết đối với tất cả các quốc gia tại trụ sở
của Liên Hợp Quốc cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2000. Vào thời điểm
cuối cùng này, tổng số quốc gia tham gia ký kết đạt 139 nước [35]. Điều 126
Quy chế xác định Quy chế sẽ có hiệu lực kể từ ngày văn kiện phê chuẩn, chấp
thuận, thông qua hay bổ sung thành viên thứ 60 được nộp cho Tổng thư ký
Liên Hợp Quốc. Đã có nhiều dự đoán rằng phải mất cả thập kỷ mới có thể có
được sự phê chuẩn cần thiết của 60 quốc gia, đảm bảo để Quy chế bắt đầu có
hiệu lực và Tòa án Hình sự Quốc tế được thiết lập. Tuy nhiên, chỉ đến ngày
11 tháng 4 năm 2002, bốn năm kể từ ngày thông qua Quy chế, con số này đã
được xác lập [35]. Tại phiên họp đặc biệt của Liên Hợp Quốc, đề nghị của
mười quốc gia được thông qua về việc thống nhất thời điểm Quy chế Rome
bắt đầu có hiệu lực – ngày 01 tháng 7 năm 2002.
14

Tính đến tháng 12 năm 2011, có 120 quốc gia là thành viên của Quy
chế Rome. Trong số đó, 33 quốc gia đến từ châu Phi, 18 quốc gia châu Á –
Thái Bình Dương , 18 quốc gia Đông Âu, 26 quốc gia Mỹ Latin và Caribbean
và 25 quốc gia từ Tây Âu và các khu vực khác [26]. Con số các quốc gia
thành viên ngày càng gia tăng là sự khẳng định giá trị pháp lý và thực tiễn của
Quy chế Rome.
Trụ sở chính thức của Tòa án Hình sự Quốc tế được đặt ở La Hay, Hà
Lan. Tuy nhiên, theo Quy chế Rome, hoạt động tố tụng hình sự của Tòa có
thể diễn ra ở bất cứ nơi nào.
Ngoài ra, khác với Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Hình sự Quốc tế là
một thiết chế độc lập với Liên Hợp Quốc thể hiện không chỉ ở cơ cấu tổ chức,
chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn mà còn ở chỗ, Tòa có nguồn tài chính là
sự đóng góp từ phía các thành viên chứ không phải sự hỗ trợ tài chính từ phía
Liên Hợp Quốc.
1.2. Cơ cấu tổ chức của Tòa án Hình sự Quốc tế

Theo Điều 34 Quy chế Rome, Tòa án Hình sự Quốc tế gồm có 4 cơ
quan chính: Ban Chánh án; Các Hội đồng tại các Tòa Phúc thẩm, Tòa Xét xử
và Tòa Tiền xét xử; Phòng Công tố và Phòng Thư ký. Mỗi bộ phận có chức
năng và quyền hạn nhất định.
1.2.1. Ban Chánh án
Theo Điều 38, Ban Chánh án bao gồm Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch,
được bầu theo phương thức tuyệt đại đa số trong số 18 Thẩm phán của Tòa,
có nhiệm kỳ tối đa từ hai đến ba năm.
15

Ban Chánh án là cơ quan chịu trách nhiệm về các công việc hành chính
của Tòa trừ Phòng Công tố. Đây là gương mặt đại diện của Tòa với bên
ngoài, giúp tổ chức công việc cho các Thẩm phán. Ban Chánh án còn chịu
trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ khác như bảo đảm việc thực thi các bản
án do Tòa đưa ra. Để thực hiện tất cả những trách nhiệm của mình, Ban
Chánh án sẽ phải phối hợp và thống nhất ý kiến với Công tố viên về mọi vấn
đề cùng quan tâm.
1.2.2. Các Hội đồng tại các Tòa Phúc thẩm, Tòa Xét xử và Tòa Tiền xét
xử
Theo Điều 39, ngay sau khi kết thúc bầu chọn Thẩm phán, Tòa án sẽ tổ
chức thành ba Tòa (hay Phân Tòa): Tòa Tiền xét xử, Tòa Xét xử và Tòa Phúc
thẩm. Tòa Phúc thẩm bao gồm năm Thẩm phán, Tòa Xét xử gồm sáu Thẩm
phán và Tòa Tiền xét xử gồm bảy Thẩm phán. Việc phân công Thẩm phán
vào các Tòa căn cứ vào tính chất và chức năng của mỗi Tòa và trình độ, kinh
nghiệm của Thẩm phán được bầu chọn vào Tòa án theo cách mỗi Tòa đều có
tỷ lệ hợp lý các Thẩm phán am hiểu về Luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự
và Luật Quốc tế. Đặc biệt, các Tòa Xét xử và Tòa Tiền xét xử sẽ bao gồm chủ
yếu các Thẩm phán có kinh nghiệm trong lĩnh vực xét xử tội phạm hình sự.
Các chức năng tư pháp của Tòa án sẽ do các Hội đồng tại các Tòa thực
hiện. Trong mỗi Tòa có thể có nhiều hơn một Hội đồng tùy thuộc vào nhu cầu

và khối lượng công việc của Tòa. Hội đồng Phúc thẩm bao gồm tất cả các
Thẩm phán của Tòa Phúc thẩm. Các chức năng của Tòa Xét xử do ba Thẩm
phán của các Hội đồng Xét xử thực hiện; các chức năng của Tòa Tiền xét xử
do một hoặc ba Thẩm phán của Hội đồng Tiền xét xử thực hiện.
16

1.2.3. Phòng Công tố
Phòng Công tố là một cơ quan độc lập của Toà án. Nhiệm vụ của
Phòng Công tố là tiếp nhận và phân tích thông tin về các tình huống hoặc tội
phạm bị cáo buộc thuộc thẩm quyền của Tòa án, phân tích tình huống để xác
định xem liệu đó có phải là cơ sở hợp lý để bắt đầu một cuộc điều tramột tội
diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh hoặc tội ác xâm
lược, và để đưa thủ phạm của những tội ác này ra trước Toà án.
Để thực hiện nhiệm vụ của mình, Phòng Công tố thông qua ba bộ phận:
(i) Bộ phận điều tra, chịu trách nhiệm cho việc tiến hành điều tra (bao gồm cả
thu thập và kiểm tra bằng chứng, tra vấn đối tượng đang được điều tra cũng
như nạn nhân và nhân chứng). Với mục đích tìm ra sự thật, Quy chế Rome
yêu cầu Phòng Công tố điều tra buộc tội và giải tội cho các trường hợp như
nhau. (ii) Bộ phận truy tố, đóng một số vai trò trong quá trình điều tra, tuy
nhiên trách nhiệm chính là kiện tụng, tranh chấp của các trường hợp trước các
Hội đồng khác nhau của Toà án. (iii) Bộ phận tư pháp, bổ trợ và hợp tác, với
sự hỗ trợ của Bộ phận điều tra, thực hiện đánh giá thông tin nhận được và các
tình huống trình lên Toà án, phân tích các tình huống và các trường hợp để
xác định khả năng tiếp nhận tình huống hoặc trường hợp đó, giúp đảm bảo
công tác phối hợp hoặc hợp tác theo yêu cầu của Phòng Công tố.
1.2.4. Phòng Thư ký
Phòng Thư ký giúp Toà án tiến hành các phiên xét xử công bằng, vô tư
và công khai. Chức năng chính của Phòng Thư ký là hỗ trợ hành chính và hỗ
trợ hoạt động cho các Hội đồng và Phòng Công tố. Phòng cũng hỗ trợ cho
hoạt động của Thư ký Tòa án liên quan đến các vấn đề về biện hộ, nạn nhân,

thông tin liên lạc và an ninh, đảm bảo phục vụ một cách đúng đắn cho Toà án
17

và xây dựng một cơ chế hỗ trợ hiệu quả các nạn nhân, nhân chứng, biện hộ
nhằm bảo đảm quyền lợi của họ theo Quy chế Rome.
Với tư cách là kênh truyền thông chính thức của Toà án, Phòng Thư ký
chịu trách nhiệm chủ yếu đối với hoạt động đối ngoại và thông tin chung của
Tòa án.
1.3. Những tội ác thuộc quyền tài phán của Tòa án
Điều 1 Quy chế Rome quy định Tòa án Hình sự Quốc tế có quyền tài
phán đối với những cá nhân về những tội ác nghiêm trọng nhất gây lo ngại
cho cả cộng đồng quốc tế được đề cập trong Quy chế. Theo Điều 5, những tội
ác nghiêm trọng nhất bao gồm tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người,
tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược.
Ba loại tội ác đầu tiên đã được định nghĩa một cách cẩn thận. Tuy
nhiên, định nghĩa về tội ác xâm lược lại không thể đạt được sự nhất trí tại Hội
nghị Rome năm 1998, mặc dù nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế phi chính
phủ đã ủng hộ rộng rãi việc ghi nhận tội ác xâm lược vào quyền tài phán của
Tòa án. Kết quả là Quy chế đã quy định Tòa án sẽ không có quyền xét xử đối
với tội ác xâm lược cho đến khi các quốc gia thành viên đạt được một sự
thống nhất tại một phiên họp khác nhằm xem xét lại vấn đề này, bao gồm việc
đưa ra định nghĩa, các yếu tố cấu thành và những điều kiện để từ đó xác định
quyền xét xử của Tòa án. Điều này sẽ được giải quyết tại một hội nghị nhằm
xem xét lại vấn đề trên được tổ chức sau bảy năm kể từ ngày Quy chế có hiệu
lực. Điều quan trọng là Quy chế cũng không đưa ra một định nghĩa nào về các
loại tội phạm mới mà chỉ là sự ghi nhận lại một cách cụ thể hơn vấn đề này
trong các thỏa thuận quốc tế và tập quán quốc tế.
18

Mặc dù có nhiều đề xuất về việc ghi nhận cả tội khủng bố và tội ma túy

thuộc quyền tài phán của Tòa án nhưng nhiều quốc gia đã không thể đi đến
thống nhất với nhau về một định nghĩa chính thức về khủng bố. Thậm chí,
một số quốc gia cho rằng việc điều tra về các tội phạm ma tuý vượt quá khả
năng của Tòa. Cuối cùng, các quốc gia đã đi đến một nhất trí bằng một nghị
quyết có tính chất khuyến nghị rằng các quốc gia thành viên sẽ xem xét việc
tính đến loại tội ác này trong một Hội nghị xem xét lại vấn đề trong tương lai.
1.3.1. Tội ác diệt chủng
Thuật ngữ diệt chủng dùng để chỉ những hành vi cụ thể được liệt kê
trong Điều 6 (ví dụ như giết chóc, gây tổn hại nghiêm trọng về tinh thần và
thể xác, áp dụng các biện pháp ngăn cản sinh sản ), được thực hiện một cách
cố ý nhằm tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần quốc gia, dân tộc, nhóm sắc tộc
hoặc tôn giáo. Điều này làm cho tội ác diệt chủng có thể phân biệt với những
loại tội phạm khác chống lại con người. Điều 6 của Quy chế Rome là sự ghi
nhận lại định nghĩa về diệt chủng tại Điều 2 của Công ươ
́
c về phòng ngừa và
trừng phạt tội phạm diệt chủng năm 1948. Định nghĩa này được công nhận
như những quy phạm, tập quán trong luật quốc tế, và vì vậy nó có giá trị ràng
buộc đối với tất cả các quốc gia dù quốc gia đó có tham gia vào Công ươ
́
c
1948 hay không.
Năm loại hành vi bị nghiêm cấm sau đây nhằm cố ý tiêu diệt toàn bộ
hoặc một phần của một dân tộc, một chủng tộc hay một nhóm tôn giáo sẽ cấu
thành nên tội diệt chủng. Đó là giết các thành viên của nhóm người đó; gây
tổn hại nghiêm trọng về thể xác hoặc tinh thần cho các thành viên của nhóm
người đó; chủ tâm bắt một nhóm người phải chịu đựng những điều kiện sống
theo dự tính trước nhằm dẫn đến sự phá hoại về thể xác của họ; có ý định áp
19


đặt những biện pháp nhằm ngăn cản sự sinh đẻ của nhóm người đó và cưỡng
bức chuyển giao trẻ em của một nhóm người này sang một nhóm người khác.
Như vậy, diệt chủng về văn hóa (những hành vi cố ý thực hiện nhằm ý
định ngăn chặn những thành viên của một nhóm người không cho một cộng
đồng khác sử dụng ngôn ngữ, thi hành tôn giáo hoặc thực hiện nền văn hóa
của họ) sẽ không được xếp vào loại hành vi được định nghĩa trong Quy chế
trừ khi những hành vi đó đồng thời là một trong số năm hành vi bị cấm và nó
được thực hiện với nghĩa được yêu cầu. Tương tự như vậy, định nghĩa diệt
chủng cũng không bao gồm sự hủy diệt sinh thái (những hành vi được thực
hiện với mục đích hủy diệt hoặc phá vỡ hệ sinh thái tại một khu vực nào đó)
bằng việc tàn phá môi trường trừ khi hành vi đó đồng thời là một trong số
năm hành vi bị cấm và nó được thực hiện với nghĩa được yêu cầu.
Theo điểm b khoản 3 Điều 25 của Quy chế, bất kỳ người nào ra lệnh,
gạ gẫm hoặc xúi giục người khác thực hiện hoặc cố gắng thực hiện các hành
vi diệt chủng sẽ phạm tội ác diệt chủng. Những người “trực tiếp và công khai
kích động người khác thực hiện hành vi diệt chủng” cũng sẽ bị coi là phạm tội
diệt chủng (Điều 25.3(e)). Điều 25.3(c) nhấn mạnh rằng những người trợ
giúp, tiếp tay hoặc những hình thức giúp đỡ khác nhằm thực hiện hoặc cố
gắng thực hiện hành vi diệt chủng sẽ bị coi là tội phạm diệt chủng. Mặc dù,
trái với Điều 3 của Công ước 1948, sự đồng phạm trong việc thực hiện hành
vi diệt chủng không được định nghĩa chính thức là một tội phạm, và Điều
25.3(d) khẳng định rằng những hành vi đó tương tự như hành vi diệt chủng.
1.3.2. Tội ác chống lại loài người
Quy chế Rome đã phân biệt giữa tội ác thông thường và tội ác chống lại
loài người thuộc quyền xét xử của Tòa án theo ba tiêu chí:
20

Thứ nhất, những hành vi cấu thành loại tội phạm này, ví dụ như hành vi
sát nhân, phải là hành vi được thực hiện ở quy mô lớn hoặc một cách có hệ
thống. Tuy nhiên, từ “tấn công” ở đây không chỉ bao gồm sự tấn công quân

sự mà còn bao gồm những biện pháp về luật pháp hoặc hành chính như là trục
xuất hoặc cưỡng bức di dời chỗ ở.
Thứ hai, đó phải là những hành vi trực tiếp chống lại một cộng đồng
dân cư. Do đó những hành vi đơn lẻ, cá thể, tản mác hoặc tình cờ sẽ không
được coi là những tội ác chống lại loài người và không thể bị truy tố về những
tội đó.
Cuối cùng, những hành vi này phải được thực hiện theo chính sách của
nhà nước hoặc chính sách của tổ chức. Theo đó, những hành vi này có thể do
những viên chức nhà nước hoặc những cá nhân hành động do bị cưỡng bức,
tự nguyện hoặc chấp nhận. Tội ác chống lại loài người có thể được thực hiện
theo chính sách của một tổ chức nào đó, chẳng hạn những nhóm phiến loạn,
mà không có sự liên hệ nào với nhà nước.
Quy chế đã định nghĩa 11 loại hành vi, bao gồm các hành vi cố ý sát
nhân; cố ý huỷ diệt với quy mô lớn nhằm trực tiếp vào các thành viên của một
cộng đồng dân cư, bao gồm việc tước đoạt thực phẩm hoặc thuốc men với chủ
ý nhằm gây ra sự hủy diệt đối với bộ phận dân cư đó; bắt giữ nô lệ – bao gồm
các hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; trục xuất hoặc
cưỡng bức di dân – cưỡng bức những người dân phải rời bỏ nơi đang cư trú
hợp pháp của họ trái với pháp luật, trục xuất khỏi đất nước hoặc cưỡng bức di
dân trong phạm vi lãnh thổ quốc gia; cầm tù hoặc những hình thức khác nhằm
tước đoạt sự tự do thân thể một cách trái với những quy định của luật quốc tế
về quyền con người; tra tấn – một cách cố ý gây ra sự đau đớn về thể xác
21

hoặc tinh thần hoặc sự chịu đựng do bị giam cầm; hiếp dâm, nô lệ tình dục,
cưỡng bức hành nghề mãi dâm, cưỡng bức có thai, cưỡng bức triệt sản hoặc
những hình thức xâm phạm về tình dục nghiêm trọng khác (hành vi hiếp dâm
cũng như những hành vi bạo lực tình dục khác đồng thời cấu thành những
hành vi phạm tội khác thuộc quyền xét xử của Tòa án như tra tấn là một tội ác
chống lại nhân loại hoặc tội ác chiến tranh); sự ngược đãi, phân biệt đối xử

nhắm vào một cộng đồng người xác định hoặc một tập thể về chính trị, màu
da, quốc tịch, sắc tộc, văn hóa, tôn giáo… được thừa nhận rộng rãi nhưng bị
cấm trong luật quốc tế; cưỡng bức mất tích – bắt giữ, cầm giữ hoặc bắt cóc
với sự trao quyền, chấp thuận hoặc làm ngơ từ phía nhà nước hoặc một tổ
chức chính trị, tiếp nối với việc từ chối công nhận sự mất tự do hoặc từ chối
cung cấp thông tin về sự mất tích đó; tội Apartheid – những hành vi phi nhân
tính được thể chế hóa trong chính sách bao gồm việc đàn áp hoặc thống trị có
hệ thống của một cộng đồng sắc tộc đối với một cộng đồng khác và cố ý duy
trì chế độ đó và những hành vi phi nhân tính có đặc điểm tương tự gây ra sự
mất mát to lớn hoặc gây thương tích nghiêm trọng cho con người về thể chất
hoặc tinh thần.
Quy chế Rome đã khẳng định rằng những tội ác chống lại nhân loại
được thực hiện cả trong thời gian chiến tranh cũng như hòa bình. Mặc dù các
Tòa án Nuremberg và Tokyo giới hạn sự xét xử của mình đối với những tội
phạm được thực hiện trong Thế chiến thứ hai, nhưng những văn kiện pháp lý
quốc tế cũng như các án lệ hoặc những công trình nghiên cứu sau đó lại xác
định rõ rằng không có sự đòi hỏi nào về việc hành vi phạm tội được thực hiện
trong thời gian xung đột vũ trang hay không trong việc quy kết những hành vi
là phạm tội chống lại nhân loại.
22

1.3.3. Tội ác chiến tranh
Những tội ác chiến tranh được chia thành hai nhóm chính:
Thứ nhất, Tòa án có thể xét xử những cá nhân bị cáo buộc là vi phạm
nghiêm trọng Công ước Geneva 1949 về đối xư
̉
nhân đa
̣
o vơ
́

i tu
̀
binh , hàng
binh chiến tranh , bao gồm những hành vi sau nhằm chống lại những người
được Công ước bảo vệ, bao gồm thương binh, các thuỷ thủ của tàu bị đánh
chìm hoặc hư hại, tù binh và những thường dân trong các vùng lãnh thổ bị
chiếm đóng. Cụ thể là: chủ tâm giết chóc, tra tấn hoặc đối xử tàn bạo phi nhân
tính bao gồm cả việc dùng con người để thực hiện những thí nghiệm sinh học;
gây ra những tổn hại lớn hoặc những đau đớn về thể xác hoặc sức khỏe một
cách có chủ đích; chiếm đoạt và hủy hoại rộng rãi đối với tài sản mà không
thể biện hộ bằng các yêu cầu về quân sự và được thực hiện một cách bất hợp
pháp và trái đạo lý; ép buộc những tù binh hoặc những người khác gia nhập
quân đội của nước đối địch; cố ý tước đoạt quyền được xét xử công khai và
bình thường của những người này và trục xuất, chuyển giao cũng như cầm
giữ, bắt làm con tin một cách bất hợp pháp …
Thứ hai, Tòa án cũng có quyền xét xử đối với một phạm vi rộng những
hành vi khác vi phạm luật quốc tế về nhân đạo, bao gồm những vi phạm được
ghi nhận tại Nghị định thư I của Công ước Geneva và luật, tập quán quốc tế
liên quan; những sự tấn công vào thường dân; sự tấn công có chủ định vào
cộng đồng dân cư, các mục tiêu dân sự, các đơn vị trợ giúp nhân đạo hoặc gìn
giữ hòa bình cũng như sự tấn công vào các mục tiêu mà biết rõ rằng sự tấn
công đó sẽ gây ra thiệt mạng hoặc thương vong cho thường dân hoặc thiệt hại
cho các mục tiêu dân sự; đe dọa những người không có khả năng tự vệ như
giết hoặc gây thương tích những binh sĩ đã đầu hàng; sử dụng những biện
23

pháp bị cấm trong thời chiến như lợi dụng ngừng bắn, cờ, phù hiệu của Liên
Hợp Quốc cũng như Hội chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ, sử dụng các vũ
khí bị cấm như đầu độc hoặc vũ khí độc, khí độc, cố ý sử dụng sự đói khát
của thường dân làm công cụ chiến tranh, bắt lính hoặc gọi nhập ngũ đối với

trẻ em dưới 15 tuổi hoặc những hành vi bị cấm thực hiện trong lãnh thổ bị
chiếm đóng hoặc đối với công dân phe đối địch, như dời chuyển một cách
trực tiếp hoặc gián tiếp dân cư của mình sang lãnh thổ bị chiếm đóng, hoặc
trục xuất hoặc di chuyển toàn bộ hoặc một phần dân cư của vùng chiếm đóng,
tước bỏ hoặc đình chỉ các quyền hợp pháp của công dân phe đối địch hoặc
cưỡng ép họ tham gia vào các hoạt động quân sự chống lại chính nước của
họ…
1.3.4. Tội ác xâm lược
Định nghĩa về tội ác xâm lược được thông qua bởi Đại hội đồng của các
quốc gia thành viên trong Hội nghị Kiểm điểm Quy chế Rome được tổ chức
tại Kampala (Uganda) từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 11 tháng 6 năm 2010 [24,
tr. 17]. Theo đó, một “tội ác xâm lược” có nghĩa là hành vi lập kế hoạch,
chuẩn bị, bắt đầu hoặc thực hiện hành vi sử dụng lực lượng vũ trang của Nhà
nước xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập về chính trị của
một quốc gia khác. Các hành vi được coi là hành vi xâm lược bao gồm xâm
chiếm, tấn công bằng lực lượng vũ trang từ lãnh thổ của một quốc gia đến
một quốc gia khác, chiếm đóng quân sự, thôn tính bằng vũ lực, phong tỏa
cảng hoặc bờ biển , căn cứ vào tính chất nghiêm trọng và quy mô thể hiện rõ
vi phạm Hiến chương của Liên Hợp Quốc. Thủ phạm của hành động gây hấn
là một người có chức vụ thực hiện kiểm soát hoặc chỉ đạo các hoạt động
chính trị hoặc quân sự của Nhà nước nêu trên.

×