Tải bản đầy đủ (.pdf) (216 trang)

Xung đột gia đình ở vùng ven đô đang trong quá trình đô thị hóa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.83 MB, 216 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN




TRẦN THU HƯƠNG



XUNG ĐỘT GIA ĐÌNH Ở VÙNG VEN ĐÔ
ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA





LUẬN ÁN TIẾN SĨ TÂM LÝ HỌC








HÀ NỘI – 2014
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN




TRẦN THU HƯƠNG


XUNG ĐỘT GIA ĐÌNH Ở VÙNG VEN ĐÔ
ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA


Chuyên ngành: Tâm lý học xã hội
Mã số: Chuyên ngành đào tạo thí điểm



LUẬN ÁN TIẾN SĨ TÂM LÝ HỌC


Người hướng dẫn khoa học: 1. GS.TS. Trần Thị Minh Đức
2. PGS.TS. Lê Thị Thanh Hương




HÀ NỘI - 2014
LỜI CAM ĐOAN


Tôi cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các dữ liệu, kết quả
nghiên cứu trong luận án là trung thực và chưa từng công bố trong bất kỳ công trình
nghiên cứu nào khác.



Tác giả luận án
LỜI CẢM ƠN

Trước tiên tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến GS.TS. Trần Thị Minh
Đức, PGS.TS. Lê Thị Thanh Hương đã tận tình chỉ dẫn, giúp đỡ, động viên
tôi trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu và làm luận án. Nhờ có sự chỉ bảo
tận tình của các cô mà tôi đã hoàn thành luận án tiến sĩ của mình.
Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới tập thể giảng viên, các đồng
nghiệp ở Khoa Tâm lý học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội, và các thầy cô giáo ngoài khoa đã hỗ trợ tôi trong
quá trình hoàn thiện luận án.
Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu và phòng Sau đại học, trường
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã tạo mọi
điều kiện thuận lợi để tôi hoàn thành đúng hạn luận án tiến sĩ này.
Những lời tri ân sâu sắc tôi muốn gửi đến gia đình, bạn bè, người thân,
những người đã luôn ở bên tôi trong suốt quá trình học tập.
Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn tập thể sinh viên k54 khoa Tâm
lý học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà
Nội và các hộ gia đình ở hai xã Đại Mỗ, Từ Liêm và Lý Nhân, Hà Nam đã
giúp tôi trong quá trình thu thập số liệu phục vụ luận án.
Trân trọng cảm ơn!

Hà Nội, tháng 05 năm 2014


Trần Thu Hương
MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 1

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU VỀ XUNG ĐỘT GIA ĐÌNH Ở VÙNG
VEN ĐÔ ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA 7
1.1. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ XUNG ĐỘT GIA ĐÌNH VÀ XUNG ĐỘT GIA ĐÌNH
Ở VÙNG VEN ĐÔ ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA 7
1.1.1. Những nghiên cứu về xung đột gia đình 7
1.1.2. Những nghiên cứu về xung đột gia đình ở vùng ven đô đang trong
quá trình đô thị hóa 19
1.2. CÁC KHÁI NIỆM CƠ BẢN 23
1.2.1. Xung đột 23
1.2.2. Gia đình 32
1.2.3. Gia đình ven đô 37
1.2.4. Xung đột gia đình vùng ven đô trong quá trình đô thị hóa 40
1.2.5. Các mức độ biểu hiện của xung đột gia đình ở vùng ven đô đang
trong quá trình đô thị hóa 51
1.3. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN XUNG ĐỘT GIA ĐÌNH Ở VÙNG VEN ĐÔ ĐANG
TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA 54
1.3.1. Nhóm các yếu tố khách quan thuộc về đô thị hóa ảnh hưởng đến xung
đột gia đình vùng ven đô 54
1.3.2. Nhóm các yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến xung đột gia đình ven đô 57
Chương 2. TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 62
2.1. VÀI NÉT VỀ ĐỊA BÀN VÀ KHÁCH THỂ NGHIÊN CỨU 62
2.1.1. Địa bàn nghiên cứu 62
2.1.2. Khách thể nghiên cứu 63
2.2. TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU 64
2.2.1. Tổ chức nghiên cứu lý luận 64
2.2.2. Tổ chức nghiên cứu thực tiễn 65
Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN VỀ XUNG ĐỘT GIA ĐÌNH Ở
VÙNG VEN ĐÔ ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA 77
3.1. THỰC TRẠNG XUNG ĐỘT GIA ĐÌNH Ở VÙNG VEN ĐÔ ĐANG TRONG QUÁ
TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA 77

3.1.1. Quan niệm chung của người dân ven đô về gia đình và xung đột gia
đình 77
3.1.2. Xung đột gia đình vùng ven đô thể hiện ở mặt nhận thức 83
3.1.3. Xung đột gia đình vùng ven đô thể hiện ở mặt cảm xúc 95
3.1.4. Xung đột gia đình vùng ven đô thể hiện ở khía cạnh hành vi 105
3.1.5. Tổng hợp mức độ xung đột gia đình ở vùng ven đô 116
3.2. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN XUNG ĐỘT GIA ĐÌNH TẠI VÙNG VEN ĐÔ
ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA 124
3.2.1. Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến xung đột gia đình ở vùng ven đô 124
3.2.2. Các yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến xung đột gia đình ở vùng ven đô 128
3.3. PHÂN TÍCH CÁC TRƯỜNG HỢP XUNG ĐỘT GIA ĐÌNH VÙNG VEN ĐÔ ĐANG
TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA 133
3.3.1. Trường hợp 1 133
3.3.2. Trường hợp 2 138
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 146
1. KẾT LUẬN 146
2. KIẾN NGHỊ 148
3. HƯỚNG NGHIÊN CỨU TIẾP THEO 149
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 150
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 151
PHỤ LỤC 162

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

ĐLC : Độ lệch chuẩn
ĐTB : Điểm trung bình
XĐ : Xung đột

DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 2.1. Đặc điểm của mẫu khách thể nghiên cứu là người dân ven đô 63

Bảng 3.1. Nhóm các quan điểm của người dân ven đô về giới tính và số lượng con 84
Bảng 3.2. Mức độ xung đột nhận thức thể hiện ở khía cạnh sinh sản 86
Bảng 3.3. Mức độ xung đột nhận thức thể hiện ở khía cạnh kinh tế 90
Bảng 3.4. So sánh sự khác biệt giữa vợ và chồng trong các quan điểm giáo dục
đạo đức cho con cái 91
Bảng 3.5. Mức độ xung đột nhận thức thể hiện ở khía cạnh giáo dục 92
Bảng 3.6. Mức độ xung đột nhận thức thể hiện ở chức năng giao tiếp 93
Bảng 3.7. Xung đột nhận thức ở từng chức năng gia đình 94
Bảng 3.8. So sánh xung đột nhận thức về các chức năng gia đình tại hai địa bàn
nghiên cứu 95
Bảng 3.9. Các yếu tố ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng 100
Bảng 3.10. Tổng hợp cảm xúc của các cặp vợ chồng thể hiện trong các chức
năng gia đình 101
Bảng 3.11. So sánh mức độ xung đột cảm xúc ở các chức năng gia đình tại hai
địa bàn nghiên cứu 103
Bảng 3.12. Xung đột hành vi khi thực hiện chức năng sinh sản 106
Bảng 3.13. Xung đột hành vi khi thực hiện chức năng kinh tế 106
Bảng 3.14. Xung đột hành vi khi thực hiện chức năng giáo dục 107
Bảng 3.15. Xung đột hành vi khi thực hiện chức năng giao tiếp 108
Bảng 3.16. Tổng hợp mức độ xung đột hành vi qua bốn chức năng gia đình 109
Bảng 3.17. Nhóm các hành vi giải quyết xung đột gia đình của người dân ven đô 112
Bảng 3.18. Tổng hợp các nhóm hành vi giải quyết xung đột gia đình 114
Bảng 3.19. Bảng tổng hợp mức độ xung đột vợ chồng trong các gia đình ven đô 116
Bảng 3.20. Bảng tổng hợp mức độ xung đột với các tiêu chí độ tuổi; nghề
nghiệp và trình độ học vấn 121
Bảng 3.21. Đánh giá của người dân ven đô về các yếu tố khách quan ảnh hưởng
đến xung đột gia đình 124
Bảng 3.22. Đánh giá của cán bộ địa phương về các yếu tố khách quan ảnh
hưởng đến xung đột gia đình 127
Bảng 3.23. Đánh giá của người dân ven đô về các yếu tố chủ quan ảnh hưởng

đến xung đột gia đình 128
DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ

Biểu đồ 3.1. Quan niệm của người dân ven đô về gia đình 78
Biểu đồ 3.2. Quan niệm của người dân ven đô về xung đột gia đình 79
Biểu đồ 3.3. Đánh giá của người dân về nguyên nhân xung đột gia đình 81
Biểu đồ 3.4. Thái độ của người dân ven đô đối với xung đột gia đình 97
Biểu đồ 3.5. Đánh giá của người dân ven đô về hậu quả của xung đột gia đình 98
Biểu đồ 3.6. Quan điểm của người dân về cách thức giải quyết xung đột gia đình 110
Biểu đồ 3.7. Đánh giá của cán bộ địa phương về tần suất xuất hiện xung đột gia đình 118
Biểu đồ 3.8. Đánh giá của cán bộ địa phương về mức độ xung đột trong các mối
quan hệ gia đình 119
Biểu đồ 3.9. Đánh giá của cán bộ địa phương về mức độ xung đột trong từng chức
năng gia đình 120

DANH MỤC CÁC MÔ HÌNH
Mô hình 3.1. Mối tương quan giữa xung đột gia đình với các nhóm hành vi giải
quyết xung đột 115
Mô hình 3.2. Mối tương quan giữa xung đột gia đình với các chức năng gia đình 123
Mô hình 3.3. Ảnh hưởng của nhóm yếu tố chủ quan, khách quan đến xung đột gia
đình 132

DANH MỤC CÁC SƠ ĐỒ

Sơ đồ 3.1. Vấn đề gây xung đột của gia đình chị NTV 135
Sơ đồ 3.2. Các nguồn hỗ trợ xung đột gia đình 136
Sơ đồ 3.3. Đặc điểm vợ - chồng và vấn đề gây xung đột gia đình 139
Sơ đồ 3.4. Các nguồn hỗ trợ gia đình giải quyết xung đột 140



1
MỞ ĐẦU

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Đô thị hóa là một quá trình tất yếu của một xã hội phát triển. Quá trình này
kéo theo những biến đổi lớn lao về mọi mặt: kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như tâm
lý con người. Về thực chất, đây là quá trình chuyển biến từ tổ chức xã hội nông thôn
thành tổ chức xã hội đô thị. Sự phổ biến các giá trị văn hóa đô thị, sự thâm nhập của
lối sống đô thị vào điều kiện sống nông thôn, cùng với sự thích nghi không đồng
đều của cư dân đã tạo nên một bức tranh đa dạng, phong phú của vùng đang được
đô thị hóa, mang đến bản sắc mới cho một khu vực vốn không đồng nhất về nhiều
mặt của xã hội nông thôn truyền thống.
Vùng ven đô và ngoại thành là khu vực trung gian giữa nông thôn và thành
thị. Đây là nơi giao thoa giữa văn hóa nông thôn và thành thị. Các giá trị văn hóa
thành thị được chuyển vào khu vực ven đô nhanh hơn với bất kỳ khu vực nào khác
bởi tính chất giao lưu mạnh mẽ của khu vực này. Nếu như yếu tố vật chất trong sự
chuyển đổi diễn ra nhanh chóng và có thể nhận thấy rất rõ qua sự thay đổi bộ mặt
cảnh quan, môi trường, hệ thống dịch vụ… thì yếu tố tinh thần của sự biến đổi (từ
phương diện văn hóa, tâm lý) lại diễn ra từ từ và rất khó nhận biết ngay lập tức.
Quá trình đô thị hóa dẫn tới sự thay đổi trong đời sống vật chất và tinh thần
của người dân ven đô theo cả hai chiều hướng: tích cực và tiêu cực. Mặt trái của đô
thị hóa và kinh tế thị trường là làm cho lối sống và các quan hệ xã hội bị biến dạng,
các giá trị truyền thống bị lung lay; đồng thời, nó làm cho các mối quan hệ trong gia
đình trở nên lỏng lẻo, mâu thuẫn, xung đột nảy sinh ngày càng nhiều.
Mỗi gia đình là một nhóm xã hội thu nhỏ, gia đình là nền tảng của xã hội, sự
vận động và phát triển của gia đình có ảnh hưởng trực tiếp đến sự vận động và phát
triển của xã hội. Khi mâu thuẫn, xung đột gia đình xảy ra sẽ làm ảnh hưởng trực
tiếp đến bầu không khí tâm lý, đến sức khỏe và sự bình yên của các thành viên
trong gia đình. Mâu thuẫn và xung đột gia đình nếu được giải quyết phù hợp với
mong muốn, nguyện vọng của các thành viên, sẽ là động lực giúp họ tự hoàn thiện


2
và phát triển bản thân. Ngược lại, khi xung đột không được giải quyết hoặc giải
quyết không đúng, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống gia đình,
thậm chí dẫn đến sự tan rã gia đình.
Từ khi Việt Nam chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường
theo định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nông
thôn Việt Nam đã có nhiều biến đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Điều này không chỉ làm thay đổi những yếu tố vật chất, cơ cấu kinh tế ở nông thôn
mà còn làm thay đổi sự phân bố dân cư: nhiều khu vực ven đô trở thành nội thành,
nhiều vùng ngoại ô trở thành vùng ven đô và chuyển hóa những khuôn mẫu của đời
sống xã hội. Sự biến đổi quá nhanh với tốc độ cao, diễn ra trên diện rộng khiến cho
cư dân vùng ven đô không thể thích nghi ngay với môi trường sống đô thị, từ đó rất
nhiều vấn đề xã hội mới nảy sinh và diễn biến hết sức phức tạp.
Trên thực tế, kể từ khi Hà Nội mở rộng khu vực địa lý hành chính, sáp nhập
toàn bộ tỉnh Hà Tây, 4 xã thuộc huyện Lương Sơn - tỉnh Hòa Bình, huyện Mê Linh
- tỉnh Vĩnh Phúc vào Hà Nội, điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử, hành
chính mà còn tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội mới nói
chung và của những khu vực này nói riêng. Một số địa phương vốn trước đây là
nông thôn thuần túy nay trở thành vùng ven đô. Đó là sự xuất hiện của các khu công
nghiệp thay thế những cánh đồng, là việc người dân bán đất làm nhà, chuyển đổi cơ
cấu nghề nghiệp, làng xã mang vóc dáng và hình hài của đô thị… không gian bình
yên của làng xóm không còn nữa, cùng với nó là những vấn đề tâm lý xã hội mới
nảy sinh, trong đó có gia đình với sự lỏng lẻo của các mối quan hệ. Mâu thuẫn và
xung đột gia đình là không thể tránh khỏi, đặc biệt dưới tác động quá nhanh và quá
mạnh của đô thị hóa.
Với những ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn như vậy, chúng tôi nhận thấy,
nghiên cứu sự xung đột ở các gia đình vùng ven đô trong quá trình đô thị hóa dưới
góc độ tâm lý học xã hội sẽ góp phần làm rõ hiện trạng vấn đề và đưa ra những giải
pháp giúp các thành viên trong gia đình có được nhận thức đúng về xung đột gia

đình cũng như cách giải quyết xung đột gia đình, từ đó, có thể thích ứng được với

3
quá trình đô thị hóa ngay trên quê hương mình. Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài:
“Xung đột gia đình ở vùng ven đô đang trong quá trình đô thị hóa” hiện nay là
quan trọng và cần thiết.
2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu thực trạng xung đột ở các gia đình ven đô dưới tác động của đô
thị hóa và các yếu tố ảnh hưởng đến xung đột gia đình, cách thức giải quyết xung
đột mà các gia đình trong địa bàn nghiên cứu đang sử dụng nhằm đề xuất các biện
pháp giảm thiểu xung đột gia đình ở vùng ven đô đang trong quá trình đô thị hóa.
3. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
3.1. Xây dựng cơ sở lý luận nghiên cứu xung đột, xung đột gia đình, tác động
của đô thị hóa đến xung đột gia đình.
3.2. Đánh giá thực trạng xung đột gia đình, các yếu tố ảnh hưởng đến xung
đột gia đình ở vùng ven đô đang trong quá trình đô thị hóa.
3.3. Đề xuất các biện pháp giúp các thành viên trong gia đình ven đô có thể
ứng phó với xung đột gia đình.
4. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu xung đột gia đình ở vùng ven đô đang trong quá trình đô thị hóa
ở các chiều cạnh: Thực trạng xung đột thể hiện ở bốn chức năng chính của gia đình
(sinh sản, giao tiếp, giáo dục, kinh tế); Xung đột gia đình ở từng chức năng thể hiện
ở các mặt nhận thức, cảm xúc và hành vi; Các yếu tố ảnh hưởng và cách thức họ
giải quyết khi xảy ra xung đột gia đình.
5. GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU
5.1. Các gia đình ven đô trong quá trình đô thị hóa thường xảy ra xung đột
trong nhận thức giữa vợ và chồng liên quan chủ yếu đến việc thực hiện chức năng
giáo dục con cái.
5.2. Nhóm các yếu tố khách quan thuộc về đô thị hóa như mất đất, mất nghề
phụ, thất nghiệp có mức độ ảnh hưởng nhiều nhất đến xung đột gia đình ở vùng ven

đô.

4
5.3. Hầu hết các gia đình ven đô sử dụng nhóm hành vi hợp tác và thương
lượng để giải quyết xung đột gia đình.
6. KHÁCH THỂ NGHIÊN CỨU
Tổng số khách thể nghiên cứu là 475 người, trong đó:
- Người dân ven đô: 395 người điều tra đại trà và 30 người phỏng vấn sâu.
- Cán bộ quản lý xã: 50 người phỏng vấn sâu
7. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
7.1. Phương pháp luận nghiên cứu
Nguyên tắc tiếp cận hoạt động sẽ được sử dụng trong nghiên cứu này.
Nghiên cứu xung đột gia đình ở vùng ven đô đang trong quá trình đô thị hóa không
thể tách rời khỏi các hoạt động chính của gia đình là sinh sản, giao tiếp, kinh tế và
giáo dục.
Quan điểm cấu trúc, chức năng xem xét gia đình là một tổng thể được cấu
thành bởi các chức năng nhằm duy trì và phát triển gia đình. Nếu một chức năng nào
đó trong hệ thống chức năng gia đình có vấn đề thì làm ảnh hưởng tới sự phát triển và
tồn tại của các chức năng còn lại cũng như sự tồn tại và phát triển của gia đình.
Tâm lý học gia đình luôn nhìn nhận gia đình là một hệ thống các mối quan
hệ ràng buộc, tương tác lẫn nhau: quan hệ vợ chồng, cha mẹ và con cái, con cái với
nhau, trong đó mối quan hệ vợ chồng là mối quan hệ mang tính rường cột, nếu mối
quan hệ này ổn thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng các mối quan hệ còn lại
trong gia đình.
Xung đột gia đình được coi là một hiện tượng tâm lý xã hội tất yếu nảy sinh
ở vùng ven đô khi có sự chuyển đổi từ bối cảnh xã hội nông thôn truyền thống sang
bối cảnh xã hội đô thị.
7.2. Các phương pháp nghiên cứu cụ thể
Luận án sử dụng hệ thống các phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu

- Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi
- Phương pháp quan sát

5
- Phương pháp phỏng vấn sâu
- Phương pháp thảo luận nhóm
- Phương pháp phân tích trường hợp
- Phương pháp lấy ý kiến chuyên gia
- Phương pháp thống kê và phân tích số liệu bằng chương trình SPSS
8. PHẠM VI NGHIÊN CỨU
8.1. Giới hạn về nội dung nghiên cứu
Luận án chỉ tập trung xem xét xung đột trong mối quan hệ vợ chồng, mà
không nghiên cứu các hình thức xung đột khác như xung đột giữa cha mẹ và con
cái, giữa anh chị em trong gia đình hay xung đột giữa các thế hệ trong gia đình.
Luận án nghiên cứu xung đột vợ chồng theo từng chức năng chính của gia đình:
sinh sản, giáo dục, giao tiếp, kinh tế và được biểu hiện trên 3 mặt, đó là: Nhận thức,
xúc cảm và hành vi.
Luận án không tiến hành thực nghiệm tâm lý để đề xuất biện pháp tác động,
vì xung đột ở vùng ven đô trong quá trình đô thị hóa trong nghiên cứu này liên quan
chủ yếu đến vấn đề mất đất và chuyển đổi nghề nghiệp. Luận án chỉ dựa vào thực tế
những cách thức giải quyết xung đột của các gia đình được nghiên cứu và dựa vào
hai trường hợp điển hình để rút ra các biện pháp nhằm giảm thiểu xung đột gia đình.
8.2. Giới hạn về không gian nghiên cứu
Luận án tiến hành nghiên cứu tại hai xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, thành phố
Hà Nội và xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đây chính là hai xã đang
diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh mẽ.
9. ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
9.1. Đóng góp về mặt lý luận
Hệ thống hóa những nghiên cứu lý luận về xung đột gia đình và xung đột gia
đình ở vùng ven đô do tác động của đô thị hóa.

Lý luận nghiên cứu về các chức năng gia đình có thể bổ sung vào nội dung
chương trình giảng dạy môn Tâm lý học gia đình cho khoa Tâm lý học.

6
9.2. Đóng góp về thực tiễn
Thông qua kết quả điều tra hiện trạng, luận án chỉ ra được các hình thức, mức
độ xung đột tại các gia đình ven đô dựa trên bốn chức năng chính của gia đình, các
yếu tố tác động ảnh hưởng và cách thức giải quyết xung đột ở vùng ven đô hiện nay.
Kết quả luận án được sử dụng như một tài liệu tham khảo cho người làm
công tác hòa giải gia đình, cho cán bộ thuộc hội phụ nữ và cho người làm nghiên
cứu về lĩnh vực xung đột tâm lý gia đình, nhằm tăng cường hiểu biết, kinh nghiệm
của mình.
10. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN
Luận án gồm những phần sau:
Mở đầu
Chương 1: Cơ sở lý luận về vấn đề xung đột gia đình, xung đột gia đình ở
vùng ven đô trong quá trình đô thị hóa.
Chương 2: Tổ chức và phương pháp nghiên cứu
Chương 3: Kết quả nghiên cứu về vấn đề xung đột gia đình ở vùng ven đô
đang trong quá trình đô thị hóa.
Kết luận và kiến nghị
Phụ lục

7
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU VỀ XUNG ĐỘT GIA ĐÌNH
Ở VÙNG VEN ĐÔ ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA

1.1. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ XUNG ĐỘT GIA ĐÌNH VÀ XUNG ĐỘT
GIA ĐÌNH Ở VÙNG VEN ĐÔ ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA

Trong phần tổng quan nghiên cứu về xung đột gia đình, xung đột gia đình ở
vùng ven đô đang trong quá trình đô thị hóa, chúng tôi tập trung làm rõ những
nghiên cứu về xung đột gia đình nói chung, sau đó, giới thiệu những nghiên cứu về
xung đột gia đình ở vùng ven đô trong quá trình đô thị hóa.
1.1.1. Những nghiên cứu về xung đột gia đình
Các công trình nghiên cứu về xung đột gia đình của các học giả trong và
ngoài nước trong những thập kỷ gần đây đều dựa trên lý thuyết xung đột kinh điển
khi cho rằng xung đột gia đình là một hiện tượng tâm lý xã hội tất yếu (Deutsch,
1973; Simmel, 1955) [122].
Theo quan điểm này thì tất cả các gia đình đều phải trải qua các cuộc xung
đột. Sự xuất hiện của xung đột gia đình là không tốt và cũng không xấu. Vấn đề đặt
ra là các gia đình sẽ giải quyết xung đột ra sao và chính khả năng giải quyết xung đột
sẽ xác định mức độ bền vững của các mối quan hệ trong gia đình. Charny (1980) đã
minh họa cho quan điểm này bằng cách tuyên bố rằng: “Những gì thực sự trở nên
quan trọng trong cuộc sống gia đình không phải là khả năng tránh phiền phức,
nhưng để có thể ra khỏi rắc rối đó, cần có khả năng xử lý xung đột và những tình
huống khó xử” [120].
Phần dưới đây, chúng tôi xin trình bày những công trình nghiên cứu của các
tác giả nước ngoài và trong nước về xung đột gia đình.
1.1.1.1. Nghiên cứu xung đột gia đình ở nước ngoài
Nghiên cứu về xung đột gia đình ở nước ngoài được tập trung vào nhiều khía
cạnh khác nhau, trong đó có các nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân dẫn tới xung đột gia

8
đình; nghiên cứu hậu quả của xung đột gia đình; nghiên cứu các hình thức biểu hiện
của xung đột và cách thức giải quyết xung đột gia đình.
- Nghiên cứu về nguyên nhân xung đột gia đình
Khi bàn về nguyên nhân dẫn tới xung đột gia đình, Silar và nhóm nghiên cứu
(1994) cho biết, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng trong
đời sống hôn nhân gia đình đó là hiện tượng không đánh giá đúng những điều kiện

thực tế của đời sống hôn nhân [129].
Các tác giả khác như Robin, Capsi, Moffitt (2000) cho biết, nếu các cá nhân
trong mối quan hệ vợ chồng không thường xuyên bộc lộ những cảm xúc tiêu cực,
khả năng cuộc hôn nhân sẽ bền vững cao hơn so với các cặp vợ chồng bộc lộ quá
nhiều những cảm xúc tiêu cực. Theo Finkel và Campell (2001), để đạt được trạng
thái không thổ lộ và chia sẻ quá nhiều, đặc biệt những cảm xúc tiêu cực, chúng ta
cần đến khả năng tự kiểm soát và chia sẻ cảm xúc của mình. Tuy nhiên, Klien và
Rankin (2004) cho rằng, càng chung sống lâu hơn các cặp vợ chồng càng có xu
hướng thổ lộ nhiều hơn và đây có thể là điểm bất lợi trong hôn nhân [85, tr. 390].
Không cùng quan điểm với nhóm tác giả trên, Huston (2001) tìm hiểu những
khác biệt về tính cách ví dụ như việc thường xuyên lo lắng, trầm uất; luôn nhìn
nhận mọi thứ một cách tiêu cực… Đó chính là một trong những nguyên nhân làm
phát sinh mâu thuẫn trong đời sống gia đình. Theo tác giả những khác biệt này có
thể không xuất hiện ngay trong thời gian đầu tiên của cuộc hôn nhân [126].
Một đặc tính quan trọng của hôn nhân là sinh hoạt tình dục vợ chồng (marital
sex). Urdy (1980) đã làm những cuộc nghiên cứu về lịch sinh hoạt ân ái giữa hai vợ
chồng. Tác giả cho rằng, mức độ sinh hoạt vợ chồng sẽ giảm thiểu dần theo thời gian
chung sống cùng nhau và đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột,
căng thẳng giữa hai vợ chồng. Smitt (1993) lại khẳng định: Dù tần số sinh hoạt tình dục
có giảm đi nhưng sự tương đồng, ăn ý trong sinh hoạt tình dục mới thật sự là quan
trọng và đó mới chính là nguyên nhân có dẫn đến hay không bất hòa trong quan hệ vợ
chồng. Sprecher (2002) cho biết, người chồng tin rằng thỏa mãn trong sinh hoạt tình
dục chính là thỏa mãn trong sinh hoạt quan hệ chung của cả hai vợ chồng [85, tr. 391].

9
Cùng chung xu hướng nghiên cứu về những nguyên nhân dẫn tới xung đột gia
đình, nhóm tác giả Senecal và Guay (2001) cho biết những ảnh hưởng của công việc
ở bên ngoài có tác động lên những sinh hoạt của gia đình. Nhiều hiện tượng vợ chồng
đối xử xa lạ, lãnh đạm hoặc có những lần kiệt sức về mặt cảm xúc với nhau chính là
nguyên nhân của sức ép công việc. Hay nói cách khác, các tác giả này đang nhìn

nhận xung đột gia đình được bắt nguồn từ những áp lực trong công việc mà cả vợ và
chồng phải đảm nhận. Gilbert (1993) cho biết đối với các cặp vợ chồng mà cả hai
cùng làm việc ở ngoài thì tình hình căng thẳng sẽ càng trở nên cao hơn [85, tr. 393].
Các tác giả như Kackel và Ruble (1992), Higgins (1993) lại tập trung nghiên
cứu về sự xuất hiện của con cái sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đời sống gia đình và
xem nó là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới xung đột gia đình. Theo họ, sự
xuất hiện của con cái luôn đem theo những khó khăn mới, thời gian chăm sóc con cái
sẽ chiếm mất thời gian của đôi vợ chồng dành cho nhau và những sinh hoạt tình dục
cũng sẽ giảm thiểu theo. Bjorklund, Shackelford (1999) cho biết, người phụ nữ
thường giảm thiểu những cảm xúc trong quan hệ vợ chồng khi sinh nhiều con, hiện
tượng này xảy ra vì phụ nữ là những người phải gánh nhiều gánh vác trách nhiệm
hơn đàn ông trong việc chăm sóc và nuôi dạy con cái. Cùng chung quan điểm này,
Shapiro và Gottman (2000) cũng khẳng định sự ra đời của con cái và thiên chức làm
cha mẹ có thể khiến cho sự thỏa mãn trong đời sống gia đình vợ chồng giảm thiểu
[125, tr. 84-94].
- Nghiên cứu xung đột gia đình do giao tiếp, ứng xử giữa các thành viên gia đình.
Xu hướng nghiên cứu đặc điểm giao tiếp của các thành viên trong gia đình
gây nên xung đột cũng thu hút được sự quan tâm của rất nhiều tác giả. Theo một số
tác giả, khi các thành viên trong gia đình, đặc biệt là các cặp đôi vợ chồng không có
kỹ năng giao tiếp hoặc giao tiếp thiếu lành mạnh thì xung đột gia đình luôn sẵn sàng
xuất hiện.
Nhóm tác giả, Shantz & Hobart (1989) đã khẳng định, giao tiếp gia đình có
thể cải thiện các mối quan hệ gia đình. Khó khăn đặt ra là nếu coi trọng giao tiếp
trong gia đình thì phải tính đến các yếu tố như: đặc điểm tính cách, sự khác biệt giá

10
trị, mục tiêu, kỳ vọng, điều kiện kinh tế xã hội và các yếu tố khác. Giao tiếp trong
gia đình sẽ cung cấp một bối cảnh quan trọng cho sự phát triển của các cá nhân (kỹ
năng quản lý các xung đột), vì gia đình được giả thiết là luôn có mâu thuẫn giống
như tất cả các nhóm xã hội khác. Nhóm tác giả McGonagle, Kessler và Shilling

(1992) đã chỉ ra trong nghiên cứu thực tiễn xung đột gia đình với câu hỏi: “Ông bà
có thường xuyên bất đồng, khó chịu với vợ/chồng của ông bà không”. Kết quả cho
thấy, rất ít người nói “Không bao giờ”, 80% cho biết họ có những bất đồng khó chịu
với nhau không nhiều hơn một lần một tháng, 6% có một sự bất đồng hoặc nhiều
hơn trong một tuần [130].
Một số tác giả khác lại xác định xung đột như một chuỗi các hành vi chống
đối liên tiếp nhau, chính vì thế trong việc kiểm tra băng ghi lại cuộc trò chuyện
trong bữa ăn tối, Vuchinich (1984) phát hiện ra rằng các gia đình tham gia vào
khoảng 18 cuộc “tranh chấp” mỗi bữa ăn, mặc dù hầu hết trong số này là ngắn
ngủi, sự bất đồng được kìm nén, không có phản ứng quá tiêu cực và gay gắt [129].
Số lượng các cuộc xung đột vợ chồng phản ánh rất rõ chất lượng mối quan
hệ của họ. Vincent, Weiss và Brichler (1985) báo cáo rằng các cặp “vợ chồng đau
khổ” có khoảng một cuộc xung đột/ một ngày, trong khi các cặp “vợ chồng không
đau khổ” trung bình có khoảng một cuộc xung đột/ một tuần [126].
Tương tự như vậy, Kirchler và đồng nghiệp (2001) đã đưa ra một nghiên cứu
trong đó 40 cặp vợ chồng người Áo ghi nhật ký các cuộc hội thoại hàng ngày của
họ trong vòng một năm và báo cáo chi tiết về những thảo luận liên quan đến bất
đồng. Các cá nhân cho biết trung bình có 3 - 4 cuộc trò chuyện mỗi ngày, và ít hơn
30% có bất đồng nặng trong các cuộc trò chuyện đó. Cả hai nghiên cứu này đều nói
rằng, các cuộc xung đột công khai xuất hiện hàng tuần hoặc thậm chí hàng ngày đối
với hầu hết các cặp vợ chồng [130].
Có thể thấy, xung đột là một trong những vấn đề được nghiên cứu và thảo
luận nhiều trong lĩnh vực giao tiếp gia đình. Theo các tác giả trên, xung đột là vốn
có và phổ biến trong gia đình với các mối quan hệ tình cảm thân thuộc và có sự phụ
thuộc lẫn nhau.

11
- Nghiên cứu về hậu quả của xung đột gia đình - ly thân, ly hôn
Các tác giả nước ngoài không chỉ quan tâm đến nguyên nhân làm nảy sinh
xung đột trong gia đình mà còn rất quan tâm đến hậu quả của xung đột gia đình.

Theo họ, xung đột chính là một trong những nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình và
làm ly tán, tan rã gia đình.
Những năm gần đây, rất nhiều tác giả cũng xem bạo lực gia đình như là hậu
quả do xung đột gia đình gây ra. Bạo lực gia đình đang là một trong ba vấn đề của
toàn cầu: nghèo đói, môi trường suy thoái, bạo lực. Hiện tượng này đã đưa con
người vào trạng thái tâm lý bất ổn. Theo số liệu của tác giả Hoàng Đăng Khoa, cách
đây 8 năm ở Mỹ, cứ 100 vụ ly hôn có 90 vụ do bạo lực. Ở Pháp điều tra gần đây
cho thấy, tỷ lệ phụ nữ bị chồng ngược đãi là 2,5% tức khoảng 2,5 triệu người. Liên
đoàn phụ nữ quốc gia Pháp nhận định ở Pháp mỗi năm có 60 phụ nữ bị chồng hay
người tình đánh chết [72, tr. 174-175].
Giddens (2001) đã khẳng định, tình trạng chồng đánh vợ - bạo lực gia đình
liên quan đến bản chất quan hệ gia đình. So với các thể chế xã hội khác, nơi con
người thường chỉ đóng một vai trò nào đó và biểu hiện một vài khía cạnh nhân cách
thì gia đình là nơi mỗi thành viên bộc lộ toàn bộ nhân cách, con người của mình. Do
đó, gia đình có nhiều chủ đề gây bất đồng, tranh cãi và bạo lực hơn những nơi khác.
Hơn thế nữa, hôn nhân làm cho quan hệ vợ chồng mang sắc thái cảm xúc cao và
như thế dễ khiến những bất đồng, xung đột bùng nổ về mặt tình cảm. Một sự bất
đồng với đồng nghiệp tại nơi làm việc về sở thích âm nhạc không cùng một cường
độ cảm xúc như sự bất đồng giữa cha mẹ với con cái. Một người đàn ông có thể bỏ
qua khi nữ đồng sự của mình nói nhiều nhưng lại dễ nổi nóng nếu vợ mình tỏ ra lắm
lời [124].
Hai tác giả như Levinger, Nicky Hart (1976) đã khẳng định rằng, trong thực
tế không phải lúc nào cũng phân biệt rành mạch các nguyên nhân dẫn đến ly hôn, ly
tán: trường hợp nào do các xung đột nhỏ hàng ngày tích tụ như giọt nước tràn ly;
trường hợp nào do sự bất lực của mỗi bên không đối phó được với những tình
huống khó khăn, bất ổn trong gia đình. Nhưng đa số các nghiên cứu về ly hôn đều

12
khẳng định trong phần lớn các trường hợp, sự tôn trọng và ưa thích mà một cặp vợ
chồng vẫn có với nhau đã mất đi trước khi họ ly thân thay vào đó là sự thù địch và

bất tín, những cuộc cãi cọ thường rất gay gắt [72, tr. 173].
Tương tự như vậy, hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, xung đột gia đình
nếu không được giải quyết thì hậu quả sẽ là ly hôn, ly tán, bạo lực gia đình vì xung
đột là không tránh khỏi trong gia đình. Chính vì vậy, mà các tác giả theo xu hướng
nghiên cứu về mối quan hệ giữa ly hôn - xung đột gia đình còn tập trung vào những
vấn đề sau ly hôn ảnh hưởng như thế nào đến các thành viên trong gia đình.
Daniel Vaughan (1986) đã tiến hành phỏng vấn 103 người vừa ly hôn và ly
thân vào thời điểm nghiên cứu, để tìm câu trả lời cho câu hỏi “Ly hôn đã diễn ra
như thế nào?”. Theo bà, sự “tách cặp” lúc đầu thường không có chủ định, người
khởi xướng trở nên không hài lòng với quan hệ vợ chồng, họ cố gắng thay đổi vợ
hoặc chồng mình nhưng điều đó đã không thành công vì không thể xảy ra sự thay
đổi trừ khi cả hai quan niệm giống nhau. Chính ở thời điểm này, người khởi xướng
nhận thấy rằng cố gắng của họ đã thất bại, quan hệ vợ chồng đã hỏng không thể sửa
chữa được. Từ đó, người khởi xướng chỉ chú ý đến những khuyết tật, thiếu sót, mặt
tiêu cực của quan hệ vợ chồng và của kẻ kia. Theo tác giả, trước khi thực sự chia lìa
về vật chất, đã có sự ly thân về xã hội, người khởi xướng tạo ra một lãnh địa hoàn
toàn độc lập với hoạt động chung của cả hai vợ chồng. Trong khi đó, cả hai vợ
chồng vẫn có thể che dấu cái làm họ thật sự bất mãn, mà sa vào cãi vã về những vấn
đề vụn vặt, đời thường hàng ngày [131].
Becker (1998) đã đánh giá công trình của Vaughan là một sự sáng tạo về lý
thuyết. Vaughan coi ly hôn là một quá trình và đã xem xét tất cả các bước trong quá
trình này, cách thức các bước ấy nối với nhau và bước này tạo điều kiện cho bước
tiếp theo xảy ra. Kết quả mà bà tìm ra là tất cả các cặp trong quá trình ly hôn đều
trải qua các bước trên, thậm chí dù người khởi xướng là nam hay nữ thì quá trình
này vẫn xẩy ra theo cùng một cách [119].
Giddens (1989) đã khẳng định: Những người ly hôn cảm thấy mình đã lìa bỏ
cái thế giới gia đình yên ổn mà nhiều người khác, dù có nhiều vấn đề hơn, vẫn sống

13
yên ổn trong đó. Robert Weiss gọi hiện tượng trên là sự “trầm cảm chia lìa”: việc

người vợ hay người chồng cũ đột ngột không sống cùng nữa tạo ra cảm giác lo âu
và hoảng loạn. Sau một thời gian nào đó, cả nỗi đau khổ lẫn sự khoan khoái (được
giải thoát) sẽ nhường chỗ cho những cảm giác cô độc [4, tr. 95].
Như vậy, có thể khẳng định các nghiên cứu về hậu quả của xung đột thường
tập trung vào hai vấn đề đó là bạo lực gia đình và ly hôn, ly tán gia đình.
- Nghiên cứu về các cách thức giải quyết xung đột gia đình
Trong quá trình tìm kiếm các công trình nghiên cứu về xung đột gia đình,
chúng tôi nhận thấy có rất nhiều nghiên cứu tập trung vào các chiến lược giải quyết
xung đột gia đình. McNutty và Karney (2004) cho biết khi xung đột trong đời sống
gia đình xảy ra, việc có những chiến lược xử lý là quan trọng và cần thiết. Theo hai
tác giả này, trong cuộc xung đột giữa hai vợ chồng, chúng ta không nên sử dụng hai
kênh tiếp cận là: Thứ nhất: Tôi phải thắng người ấy phải thua - Đây là kênh tiếp cận
một chiều, sử dụng những giá trị so sánh mang nội dung vị thế và những tiêu chuẩn
đối xử phân biệt. Thứ hai: Tôi đúng người ấy sai - Đây là kênh tiếp cận thiếu khách
quan, đặt nặng tính chủ quan và không thể hiện tinh thần tôn trọng. Là những lối
tiếp cận dựa trên cơ sở cảm xúc thành kiến, vốn đem lại nhiều tổn thương cho cả hai
bên. Cũng theo hai tác giả này, quan sát từ băng hình video ghi nhận những mâu
thuẫn khi hai vợ chồng giằng co, tỷ lệ cho thấy một điều tích cực được ghi nhận
chung nhưng lại có ba điều tiêu cực giành cho nhau [133].
Ngoài ra, các nhà Tâm lý học xã hội tin rằng có rất nhiều xung đột được tiếp
cận, giải quyết theo các cách nhìn khác nhau, như:
Tiếp cận tích cực: Xung đột được xử lý một cách bình tĩnh, có tôn trọng, mổ xẻ
vấn đề một cách khách quan và cả hai phía đều có thái độ tôn trọng và tinh thần hợp tác.
Tiếp cận tiêu cực trực tiếp: Hai vợ chồng công khai chỉ trích lẫn nhau, vu
khống và cáo buộc một cách thiếu cơ sở, lăng mạ và có lời lẽ khiếm nhã, bạo lực và
vũ phu, hằn học và có những thái độ nóng nảy rất ương gàn.
Tiếp cận tiêu cực gián tiếp: Đó là khi hai vợ chồng có những hành vi co
cụm, né tránh các hoạt động chung và những đề tài cần được thảo luận, không tỏ ra

14

có thiện chí xây dựng mà có thái độ bất cần. Đây là những cơ hội khiến cho hai
người càng ngày càng cách xa. Bodenman (1998) cho rằng, khi có mâu thuẫn,
những người nam giới có nhận thức và trình độ giáo dục thấp thường sử dụng kênh
tiếp cận tiêu cực trực tiếp. Trong khi đó, những ông chồng có nhận thức và trình độ
giáo dục cao thường sử dụng lối tiếp cận tích cực [85].
Tuy nhiên, theo các nhà Tâm lý học, hai lối tiếp cận trực tiếp và gián tiếp có
thể được sử dụng thay phiên nhau và mối quan hệ vợ chồng sẽ ngày càng trở nên
ngột ngạt, bế tắc hơn.
Cảm xúc thường khiến cho lời nói và hành vi của cá nhân trở nên mất chuẩn
xác. Khi không còn tôn trọng nhau nữa, các cá nhân trong gia đình có xu hướng
xem thường nhau, công kích lẫn nhau một cách rất vô lý và ấu trĩ. Khi các cá nhân
bị dồn nén và không còn cơ hội bày tỏ hoặc cảm thấy không an toàn, họ sẽ sử dụng
các cơ chế phòng vệ. Một trong những biểu hiện dễ nhận thấy trong gia đình, đó là
hiện tượng nói dối, ngụy biện, ca thán. Yovetich, Rusbult (1998) cho rằng khi nóng
giận, cá nhân cần im lặng hoặc kéo dài thời gian ứng xử. Điều này cho phép cả hai
phía cùng có những cơ hội sử dụng kênh tư duy, thay vì để cho kênh cảm xúc hoàn
toàn khuynh đảo, chi phối [133].
Tóm lại, khi tổng hợp các hướng nghiên cứu khác nhau của các tác giả nước
ngoài về xung đột gia đình, chúng tôi nhận thấy, xung đột gia đình đã thu hút được
sự quan tâm của rất nhiều các nhà tâm lý học. Ở các hướng nghiên cứu trên có thể
thấy xung đột gia đình được xem là một vấn đề có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến các
mối quan hệ trong gia đình, nó là nguyên nhân chính làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu
cực trong các mối quan hệ gia đình.
1.1.1.2. Nghiên cứu xung đột gia đình ở trong nước
Hơn 20 năm trở lại đây, các vấn đề xung đột tâm lý liên nhân cách trong
nhóm đã được các nhà nghiên cứu trong nước quan tâm. Những tác giả tiêu biểu đó
là: Trần Trọng Thủy, Phạm Tất Dong, Đỗ Long, Trần Hiệp, Vũ Dũng, Nguyễn Đình
Xuân, Nguyễn Khắc Viện, Ngô Công Hoàn…

15

Các tác giả chủ yếu tập trung nghiên cứu về nguyên nhân, mức độ biểu hiện
của xung đột gia đình, cũng như hậu quả của xung đột và ảnh hưởng của xung đột
đến bầu không khí tâm lý trong gia đình. Những nghiên cứu của các tác giả trong
nước về lĩnh vực xung đột gia đình chưa thật sự tạo ra những hướng nghiên cứu sâu
mà mới chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ, lẻ, nêu hiện tượng. Vì vậy trong phần trình bày
này, chúng tôi thấy khó khăn trong việc phân chia cụ thể các nghiên cứu thành các
nhóm vấn đề để phân tích một cách rạch ròi.
Tác giả Nguyễn Đình Xuân (1993) đã mô tả nguyên nhân làm nảy sinh xung
đột tâm lý trong gia đình và các phương thức giải quyết chúng. Theo ông, xung đột
tâm lý là sự biểu hiện các mâu thuẫn do bất đồng hay khác nhau về nhu cầu, thị
hiếu… giữa các thành viên trong gia đình.Tuy nhiên, không phải mọi sự khác biệt
đều dẫn đến xung đột mà chỉ khi nào chúng ta không biết bàn bạc, nhường nhịn,
thông cảm cho nhau thì mới nảy sinh ra xung đột. Tác giả cũng đã phân loại xung
đột, tìm hiểu các biểu hiện của xung đột và cuối cùng ông khẳng định: Xung đột
trong gia đình là vô cùng phong phú nên nguyên nhân gây ra nó cũng vô cùng phức
tạp [116].
Nghiên cứu xung đột gia đình gây tổn thương tâm lý đối với trẻ em, tác giả
Nguyễn Khắc Viện (1993) cho rằng: Gia đình phải là một tổ ấm thực sự được xây
dựng trên cở sở tình yêu thương, sự chấp nhận lẫn nhau của các thành viên trong gia
đình. Tổ ấm gia đình đó sẽ trở nên mất an toàn khi các thành viên trong gia đình
không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình để xung đột leo thang, và kết
cục cuối cùng là ly thân, ly hôn. Trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất của
xung đột gia đình, ly hôn làm tổn thương và gây ra rất nhiều chứng bệnh nhiễu tâm
ở trẻ em. Như vậy, tác giả Nguyễn Khắc Viện đã tiếp cận xung đột gia đình là một
trong những hiện tượng tâm lý tiêu cực ảnh hưởng sâu sắc đến bầu không khí tâm lý
gia đình và để lại những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt ảnh hưởng đến rối nhiễu
tâm lý trẻ em [111].
Nằm trong xu hướng nghiên cứu trên, tác giả Đỗ Hạnh Nga (2005) đã phát
hiện và phân tích thực trạng xung đột về nhu cầu độc lập của học sinh trung học cơ


16
sở trong quan hệ với cha mẹ. Tác giả đã xác định được những biểu hiện xung đột
trong hành vi và kết quả của việc giải quyết xung đột về nhu cầu độc lập của thiếu
niên, yếu tố ảnh hưởng và nguyên nhân. Tác giả cũng thiết kế các mô hình giải
quyết những xung đột tâm lý về nhu cầu độc lập của học sinh trung học cơ sở trong
quan hệ với cha mẹ [71].
Một vài nghiên cứu trong lĩnh vực gia đình học như của các tác giả Lê Thị
Quý, Đặng Cảnh Khanh (2007) đã chỉ ra những nguyên nhân chính dẫn đến mâu
thuẫn và bất hòa trong quan hệ vợ chồng, đó là: Sự khác biệt tâm lý giữa nam và nữ,
sự khác nhau về cá tính của mỗi người, sự khác biệt từ nền giáo dục gia đình, bất
bình đẳng giới, bất đồng trong quản lý chi tiêu, những trục trặc trong đời sống chăn
gối, thiếu tổ chức trong đời sống gia đình, bất đồng về giáo dục con cái, bất đồng
trong cư cử với họ hàng hai bên. Nhóm các tác giả đã chỉ ra rằng xung đột gia đình
xảy ra giữa chồng và vợ, nguyên nhân sâu xa nằm ở sự bất bình đẳng về giới, đặc
biệt đối tượng chịu sự bất công đó là phụ nữ, họ phải đảm nhận rất nhiều trách
nhiệm nhưng lại không được nam giới (chủ yếu là người chồng) tạo điều kiện và
ủng hộ [51].
Không chỉ tiếp cận xung đột gia đình dưới góc độ nguyên nhân là do định
kiến và sự phân biệt đối xử theo giới, nhóm tác giả này còn tiếp cận xung đột gia
đình dưới góc độ bạo lực gia đình, hay nói cách khác các tác giả này cho biết một
trong những cách giải quyết xung đột tiêu cực mà các gia đình thường làm là sử
dụng bạo lực [80].
Theo họ, có bao nhiêu dạng thức và kiểu loại các mối quan hệ trong gia đình
thì có bấy nhiêu thứ bạo lực gia đình tương ứng với chúng. Các dạng bạo lực trong
gia đình bao gồm: Bạo lực thế hệ (dạng bạo lực này đã phản ánh lại việc xử lý các
quan hệ và mâu thuẫn thế hệ, nó thường biểu hiện trong quan niệm và hành vi của
ông bà, cha mẹ đối với con cháu và ngược lại); Bạo lực giới (bạo lực giới trong gia
đình thường diễn ra dưới dạng vợ chồng dùng sức mạnh và bạo lực trong việc xử lý
các mối quan hệ giữa họ với nhau. Ở Việt Nam, bạo lực giới trong gia đình thường
là của người chồng đối với người vợ); Bạo lực thân thể (đánh đập hoặc ngược đãi

×