đại học quốc gia hà nội
Khoa luật
***
Nguyễn Anh Hùng
Chế độ
tổng thống Mỹ
luận văn thạc sỹ luật học
Hà Nội - 2008
đại học quốc gia hà nội
Khoa luật
***
Nguyễn Anh Hùng
Chế độ
Tổng thống mỹ
Chuyên ngành : Lý luận và lịch sử Nhà n-ớc và pháp luật
Mã số : 60 38 01
Luận văn thạc sỹ luật học
Ng-ời h-ớng dẫn khoa học: Pgs.ts. nguyễn đăng dung
Hà Nội - 2008
1
MỤC LỤC
Trang
PHẦN MỞ ĐẦU
1
Chương 1: SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CHẾ ĐỘ
TỔNG THỐNG MỸ
8
1.1. Sự hình thành chế độ tổng thống Mỹ
8
1.2. Những giai đoạn phát triển và đặc tính của chế độ tổng thống
Mỹ
16
1.2.1. Những giai đoạn phát triển của chế độ tổng thống Mỹ
16
1.2.1.1. Giai đoạn 1789-1877: Nền móng và các tiền lệ
16
1.2.1.2. Giai đoạn 1877-1901: Sự thay đổi nhiều mặt
21
1.2.1.3. Giai đoạn 1901-1945: Vững mạnh trong môi
trường khủng hoảng
22
1.2.1.4. Giai đoạn từ năm 1945 đến nay: Ổn định, toàn
diện hoá và hiện đại
24
1.2.2. Các đặc tính của chế độ tổng thống Mỹ
26
1.2.2.1. Tính quyền lực tối cao
26
1.2.2.2. Tính dân chủ
27
1.2.2.3. Tính xã hội rộng rãi
28
1.2.2.4. Tính liên tục và ổn định
28
1.3. Quan niệm và sự đánh giá về chế độ tổng thống Mỹ
30
1.3.1. Về cơ cấu cá nhân
30
1.3.2. Về hình thức chế độ
34
1.3.3. Về mức độ hợp lý, khả năng linh động và hiệu quả
38
1.4. Ý nghĩa của chế độ tổng thống Mỹ
40
1.4.1. Ý nghĩa triết học
40
1.4.2. Ý nghĩa lịch sử
44
1.4.3. Ý nghĩa chính trị - xã hội
46
2
Chương 2: ĐỊA VỊ VÀ QUYỀN HẠN CỦA TỔNG THỐNG MỸ
49
2.1. Phƣơng thức tổ chức và sự phân bố quyền lực chính trị
trong Nhà nƣớc Mỹ
49
2.1.1. Thuyết "Tam quyền phân lập", Hiến pháp và các nguyên
tắc tổ chức, phân chia quyền lực của Nhà nƣớc Mỹ
49
2.1.2. Tổ chức chính quyền liên bang
52
2.1.3. Tổ chức chính quyền bang
56
2.1.4. Tổ chức chính quyền địa phƣơng
59
2.1.5. Các thiết chế "không chính thức"
60
2.2. Địa vị của Tổng thống Mỹ
62
2.2.1. Địa vị pháp lý của Tổng thống Mỹ
62
2.2.1.1. Người đứng đầu Nhà nước
63
2.2.1.2. Người đứng đầu ngành hành pháp
64
2.2.2. Địa vị thực tế của Tổng thống Mỹ
65
2.2.2.1. Người đứng đầu Nhà nước và xã hội
65
2.2.2.2. Người lãnh đạo nền hành chính và toàn quyền
thực thi pháp luật
67
2.2.2.3. Người đứng đầu đảng cầm quyền và trung tâm
hệ thống chính trị
67
2.2.2.4. Nhân vật hàng đầu thế giới
68
2.3. Quyền hạn của Tổng thống Mỹ
69
2.3.1. Quyền trong lĩnh vực hành pháp
69
2.3.2. Quyền trong lĩnh vực lập pháp
72
2.3.2.1. Công bố luật
72
2.3.2.2. Sáng quyền lập pháp
72
2.3.2.3. Triệu tập kỳ họp Quốc hội bất thường
75
2.3.2.4. Bổ nhiệm ghế thượng nghị sĩ tạm thời bỏ trống
76
2.3.2.5. Phủ quyết
76
2.3.2.6. Được Quốc hội ủng hộ
79
2.3.3. Quyền trong lĩnh vực tƣ pháp
80
3
2.3.3.1. Đề cử và bổ nhiệm thẩm phán liên bang
80
2.3.3.2. Ân xá cho phạm nhân
80
2.3.3.3. Hạ lệnh truy nã và bắt giữ tội phạm đặc biệt
nguy hiểm
80
2.3.4. Quyền trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng
81
2.3.5. Quyền trong lĩnh vực danh dự và nghi lễ quốc gia
82
2.3.6. Quyền trong lĩnh vực đối ngoại
83
2.3.7. Quyền đặc biệt
85
2.3.7.1. Quyền khẩn cấp
86
2.3.7.2. Đặc quyền hành pháp
87
2.3.7.3. Quyền sung công
87
2.3.7.4. Quyền pháp lệnh
88
2.3.8. Quyền lợi
90
Chương 3: PHƢƠNG THỨC THIẾT LẬP TỔNG THỐNG MỸ
95
3.1. Tiêu chuẩn ứng viên tổng thống Mỹ
95
3.2. Ứng cử và đề cử tổng thống Mỹ
99
3.2.1. Lựa chọn cơ sở
99
3.2.2. Đề cử thực sự
104
3.3. Tranh cử tổng thống Mỹ
105
3.4. Bầu chọn tổng thống Mỹ
110
3.5. Nhậm chức, giữ chức và thôi chức tổng thống Mỹ
116
KẾT LUẬN
124
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
126
A. Tài liệu tiếng Việt
126
B. Tài liệu tiếng Anh
131
1
MỞ ĐẦU
1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
1.1. Nước Mỹ đã và đang là cường quốc hàng đầu thế giới với sức ảnh
hưởng mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, quân sự lan toả tới
nhiều quốc gia, nhiều khu vực trên khắp các châu lục. Nhìn nhận vai trò và vị
thế đặc biệt đó, cả giới nghiên cứu lẫn phương tiện thông tin và dư luận công
chúng đều rất quan tâm đến chế độ tổng thống Mỹ - một lĩnh vực quan trọng
bậc nhất của hệ thống chính trị Hoa Kỳ.
1.2. Chế độ tổng thống Mỹ là mô hình nguyên thủ quốc gia cộng hoà
mang bản chất tiên phong, tiêu biểu và có tác động rộng rãi. Tiên phong vì
đây là một trong ít hình thức nguyên thủ quốc gia cộng hoà đầu tiên, tự thân
hình thành, khẳng định và phát triển. Tiêu biểu vì nó thể hiện rõ ràng, đầy đủ
nhất các đặc tính của một mô hình nguyên thủ quốc gia cộng hoà hiện đại:
tính quyền lực tối cao, tính dân chủ, tính xã hội, tính liên tục và ổn định. Có
tác động rộng rãi vì nó tồn tại, phát triển suốt hơn hai thế kỷ qua, là trung tâm
và chi phối toàn bộ nền chính trị Mỹ, đồng thời ngày càng trở thành mô hình
nguyên thủ quốc gia mẫu của nhiều nước (khoảng gần 1/3 số quốc gia trên thế
giới hiện nay theo kiểu chế độ tổng thống này).
1.3. Dù ban đầu đã đạt được ít nhiều thành công, nhưng ngành luật hiến
pháp nước ngoài ở Việt Nam vẫn còn rất non trẻ, đầy tính sơ lược và khái
quát. Trong điều kiện đó, chế định nguyên thủ quốc gia cũng chỉ được đề cập
chung chung, sơ sài và chế độ tổng thống Mỹ chỉ được coi bình thường như
hàng chục mô hình nguyên thủ quốc gia khác. Thực trạng này đã không đánh
giá đúng được những đặc tính, giá trị khác biệt và ưu thế của chế độ tổng
thống Mỹ. Như vậy, nghiên cứu kỹ càng và toàn diện chế độ tổng thống Mỹ
sẽ là một nhu cầu cần thiết nhằm bổ sung, hoàn thiện chế định nguyên thủ
quốc gia, góp phần làm phong phú, cụ thể hoá và phát triển ngành luật hiến
pháp nước ngoài ở Việt Nam nói chung.
1.4. Quan hệ Việt - Mỹ từng trải qua nhiều thăng trầm, song đã được
bình thường hoá từ năm 1995 và có những bước tiến tích cực. Nghiên cứu,
2
tìm hiểu về chế độ tổng thống Mỹ là việc rất cần thiết để góp phần hiểu rõ cơ
cấu, hoạt động và cốt lõi của hệ thống chính trị Mỹ, giúp xây dựng, phát triển
quan hệ phù hợp giữa hai nước. Ngoài ra, việc nghiên cứu, tìm hiểu chế độ
tổng thống Mỹ chắc cũng sẽ gợi mở việc chia sẻ, chọn lọc, tiếp thu một số
điểm tích cực, tương đồng đối với quá trình đổi mới, phát triển và hoàn thiện
định chế chủ tịch nước Việt Nam.
2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI
Như vậy, việc tìm hiểu, nghiên cứu chế độ tổng thống Mỹ là rất cần
thiết cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Tuy nhiên, đây là vấn đề rộng lớn, phức
tạp và do một số nguyên nhân chủ quan, khách quan khác, nên cho đến nay, ở
Việt Nam vẫn chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu tổng thể hoặc
chi tiết về chế độ tổng thống Mỹ.
Trước năm 1975, tại miền Nam Việt Nam, dưới chính quyền Sài Gòn,
đã xuất hiện các ấn phẩm pháp lý - chính trị nghiên cứu về Hoa Kỳ, trong đó
có đề cập đến chế độ Tổng thống Mỹ. Song sự đề cập đó chỉ chút ít, giữ vai
trò tham khảo, hỗ trợ cho nội dung chính của tác phẩm. Chẳng hạn, cuốn sách
Cuộc chuẩn bị vĩ đại của C. V. Doren (Cam Ninh dịch, Việt Nam Khảo dịch
xã, 1966) viết về tiến trình soạn thảo và thông qua Hiến pháp Mỹ nguyên thuỷ
1787, trong đó có trình bày chế định tổng thống trong Hiến pháp được xây
dựng như thế nào. Cuốn Những chế độ chính trị hiện nay của M. Duverger
(Nhà xuất bản Khai trí, 1967) giới thiệu và phân tích các mô hình thể chế
chính trị phổ biến trên thế giới đương thời, trong đó có hình thức cộng hoà
tổng thống Mỹ ( trong chương nhan đề “Những chế độ theo tiêu thức Mỹ”).
Giáo trình Luật Hiến pháp và Chính trị học của Nguyễn Văn Bông (Nxb Sài
Gòn, 1967) lại đề cập đôi nét về chế độ tổng thống Mỹ ở phần viết về chế
định nguyên thủ quốc gia. Còn tác phẩm Lực lượng chính trị của Trần Thị
Hoài Trân (Nxb Sài Gòn, 1972) thì viết chủ yếu về cơ cấu tổ chức, hoạt động,
quan hệ của các đảng phái và tổ chức chính trị, trong đó có điểm qua vai trò
của chế độ tổng thống trong nền chính trị Hoa Kỳ
3
Sau năm 1975, khoa học pháp lý - chính trị Việt Nam đã có nhiều khởi
sắc, nhưng vấn đề nghiên cứu về chế độ tổng thống Mỹ vẫn chưa tạo được
bước tiến nào. Tính đến nay, vẫn chưa có sách viết riêng về chế độ tổng thống
Mỹ. Một số bài đăng trong các tạp chí Nhà Nước & Pháp Luật, Khoa Học
Chính Trị, Châu Mỹ Ngày Nay, Nghiên Cứu Lập Pháp, Dân Chủ & Pháp
Luật, Sinh Hoạt Lý Luận thường chỉ hoặc đề cập chế độ tổng thống như một
bộ phận bình thường trong nền chính trị, hoặc tìm hiểu về một lĩnh vực liên
quan đến Tổng thống Mỹ. Chẳng hạn, bài Chính thể cộng hoà tổng thống của
Mỹ (PGS. TS. Nguyễn Đăng Dung - Tạp chí Châu Mỹ Ngày Nay, số 1/1995)
viết khái quát về hình thức chính thể và cơ cấu tổ chức, hoạt động của Nhà
nước Hoa Kỳ, chứ không viết riêng về chế độ tổng thống Mỹ. Bài Quyền phủ
quyết của Tổng thống Hoa Kỳ (Trương Xuân Danh - Tạp chí Châu Mỹ Ngày
Nay, số 2/1999) viết về các loại quyền phủ quyết, khả năng, mục đích, ý
nghĩa phủ quyết dự luật của Tổng thống Mỹ. Bài Chức năng, thẩm quyền và
hoạt động giám sát hành pháp của Quốc hội Mỹ (Nguyễn Anh Hùng - Tạp
chí Châu Mỹ Ngày Nay, số 11/2002) viết về việc Tổng thống và ngành hành
pháp bị Quốc hội Mỹ giám sát như thế nào Các sách báo phổ thông (không
thuộc lĩnh vực pháp lý - chính trị) và phương tiện thông tin đại chúng thì
thường chỉ cung cấp thông tin cập nhật về hoạt động, quan hệ của Tổng thống,
kèm theo một số lời bình luận, chứ không mang tính nghiên cứu khoa học,
tổng quát hoặc chuyên sâu.
Khác hẳn ở Việt Nam, tại nhiều nước trên thế giới - nhất là ở các quốc
gia Bắc Mỹ và Tây Âu - việc tìm hiểu, nghiên cứu về chế độ tổng thống Mỹ
phát triển rất mạnh. Nhiều hội nhóm, câu lạc bộ nghiên cứu về chế độ tổng
thống Mỹ được thành lập, quy tụ các chính trị gia, nhà nghiên cứu và những
người quan tâm tìm hiểu chế độ tổng thống Mỹ. Một số trường phái, trào lưu
nghiên cứu chế độ tổng thống Mỹ cũng xuất hiện và đã có những học giả
dành cả cuộc đời mình cho vấn đề hấp dẫn này (như Th. E. Cronin, M. A.
Genovese, Th. E. Patterson, R. J. Spitzer ). Có người đã xây dựng cả luận
thuyết về chế độ tổng thống Mỹ, như A. Schlesinger với "chế độ tổng thống
4
vương quyền" (The Imperial Presidency - Houghton Mifflin, Boston, 1973)
hay S.A. Shull với "chế độ tổng thống hai chức vị" (The Two Presidencies -
Nelson-Hall, Chicago, 1991). Cũng có người dày công nghiên cứu về cuộc
đời và sự nghiệp của tất cả các Tổng thống Mỹ, cho ra đời những bách khoa
toàn thư giá trị, tiêu biểu là M. Nelson với cuốn "The Presidency A to Z: A
Ready Reference Encyclopedia" (Congressional Quarterly, Washington DC,
1992) và W. A. Degregorio với cuốn "The Complete Book of U.S. President"
(Gramercy Book, New York, 2002) - sách này từng được dịch ra tiếng Việt,
được ấn hành 2 lần ở Việt Nam bởi Nxb Chính trị quốc gia và Nxb Văn hóa
Thông tin. Ngoài những công trình nghiên cứu tổng quát và tổng thể, còn có
nhiều công trình nghiên cứu chi tiết, chuyên sâu về một vấn đề nào đó của chế
độ tổng thống Mỹ, chẳng hạn cuốn "The Presidential Veto" của R. J. Spitzer
(SUNY Press, Albany, 1988) viết riêng về sự phủ quyết của Tổng thống, cuốn
"Presidential War Power" của L. Fisher (University Press of Kansas,
Lawrence, 1995) lại chỉ viết về thẩm quyền chiến tranh của Tổng thống
3. ĐỐI TƢỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu tổng thể và chi tiết về chế độ tổng thống Mỹ, gồm
các đối tượng:
- Sự hình thành, tồn tại, phát triển; các đặc tính, giá trị, ý nghĩa và ảnh
hưởng của chế độ tổng thống Mỹ.
- Những yếu tố cơ bản của chế độ tổng thống Mỹ: địa vị, quyền hạn và
phương thức thiết lập.
- Một số vấn đề liên quan trực tiếp, mật thiết tới chế độ tổng thống Mỹ.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn tập trung nghiên cứu tổng quát về chế độ tổng thống Mỹ trên
nền tảng pháp lý - chính trị. Đồng thời, luận văn cũng nghiên cứu sâu về 3
yếu tố cơ bản cấu thành nên chế độ Tổng thống Mỹ: địa vị, quyền hạn và
phương thức thiết lập.
4. NHIỆM VỤ VÀ MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
5
4.1. Nhiệm vụ nghiên cứu
Luận văn sẽ:
- Nghiên cứu sự hình thành chế độ tổng thống Mỹ.
- Trình bày và đánh giá những giai đoạn phát triển của chế độ tổng
thống Mỹ.
- Đúc kết và nêu bật những đặc tính của chế độ tổng thống Mỹ.
- Trình bày, nhận xét về những quan niệm ở Hoa Kỳ và trên thế giới về
chế độ tổng thống Mỹ.
- Phân tích, chứng minh để làm rõ những ý nghĩa tích cực, hạn chế của
chế độ tổng thống Mỹ.
- Trình bày, nhận xét về phương thức tổ chức, sự phân bố quyền lực
chính trị trong Nhà nước Mỹ và vị thế, vai trò của Tổng thống.
- Phân tích, so sánh, chứng minh, đánh giá địa vị pháp lý và địa vị thực
tế của Tổng thống Mỹ.
- Trình bày, phân tích, so sánh và nêu ý nghĩa các quyền hạn của Tổng
thống Mỹ.
- Nêu, phân tích, chứng minh, nhận xét về tiêu chuẩn ứng viên tổng
thống Mỹ và từng giai đoạn trong tiến trình thiết lập tổng thống Mỹ (ứng cử,
đề cử, tranh cử, bầu chọn, nhậm chức, giữ chức, thôi chức).
4.2. Mục đích nghiên cứu
Mục đích của luận văn là nhằm làm sáng tỏ hình thức, bản chất, nội
dung, vị thế, vai trò, ảnh hưởng của chế độ tổng thống Mỹ và những yếu tố
cấu thành nên nó.
5. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƢƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
5.1. Cơ sở lý luận
Luận văn nghiên cứu trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa duy vật biện
chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, có tham khảo, áp dụng thêm một số cơ sở
lý luận hiện đại, tiến bộ khác.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
6
Luận văn sử dụng phối kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu: biện
chứng - lịch sử, phân tích - tổng hợp - hệ thống hoá, thống kê - chứng minh,
so sánh - đối chiếu, địa chính trị - xã hội học Luận văn cũng kết hợp lý
thuyết pháp lý với thực tiễn chính trị, đồng thời tìm hiểu, nhìn nhận đánh giá
chế độ tổng thống Mỹ từ nhiều góc độ, nhiều khía cạnh khác nhau, với tôn chỉ
tạo sự khách quan và dễ chấp thuận. Luận văn đưa ra một số khẳng định và
quan điểm của tác giả, nhưng không đề cao, tuyệt đối hoá các quan điểm đó.
Ngôn ngữ luận văn tuân thủ tính khoa học, chính xác nhưng đồng thời thể
hiện mềm dẻo, hùng biện, tránh hiện tượng quá khô khan, trùng lặp, luẩn
quẩn như từng thấy trong một số luận văn luật học.
6. ĐÓNG GÓP MỚI VÀ GIÁ TRỊ CỦA LUẬN VĂN
Trên cơ sở nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện về chế độ
tổng thống Mỹ, luận văn này có những đóng góp mới và giá trị nổi bật sau:
- Là công trình khoa học đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu tổng thể và
chi tiết về chế độ tổng thống Mỹ.
- Là công trình nghiên cứu quy mô về một loại hình chế độ chính trị
quan trọng nhất của cường quốc hàng đầu thế giới.
- Làm rõ tiến trình hình thành, tồn tại, phát triển và những giá trị, ý
nghĩa, vai trò của chế độ tổng thống Mỹ.
- Nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc về phương thức thiết lập, địa vị và quyền
hạn của Tổng thống Mỹ.
- Là công trình kết hợp được nhuần nhuyễn lý thuyết pháp lý và thực
tiễn chính trị.
- Thể hiện đúng đắn, sống động vị thế, ảnh hưởng của Tổng thống và
chế độ tổng thống Mỹ cả ở trong nước Mỹ lẫn trên thế giới.
- Góp phần bổ sung, phát triển ngành luật hiến pháp nước ngoài ở Việt
Nam; xây dựng quan hệ tích cực Việt - Mỹ; và là nguồn tài liệu tham khảo
cho quá trình đổi mới, hoàn thiện định chế chủ tịch nước Việt Nam.
- Giúp mở rộng, nâng cao tri thức, hiểu biết về Nhà nước và nền chính
trị Mỹ.
7
- Có thể sử dụng làm tư liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên, học viên
ngành pháp lý - chính trị cũng như những ai quan tâm đến Tổng thống và
nước Mỹ.
7. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN
Luận văn được cấu trúc bao gồm phần Mở đầu, 3 chương nội dung, Kết
luận và Danh mục tài liệu tham khảo.
8
Chương 1
SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CHẾ ĐỘ
TỔNG THỐNG MỸ
1.1. SỰ HÌNH THÀNH CHẾ ĐỘ TỔNG THỐNG MỸ
Ngày 30/4/1789, trong rền vang tiếng đại bác và từng hồi chuông nhà
thờ đổ dồn, đứng trên ban công toà nhà lớn ở góc phố Wall của Thủ đô lâm
thời New York, trước sự hân hoan ngưỡng mộ của đông nghịt quần chúng,
George Washington long trọng tuyên đọc diễn văn nhậm chức Tổng thống
Hợp chúng quốc, chính thức khai sinh một mô hình nguyên thủ quốc gia hoàn
toàn mới lạ trong lịch sử chính trị thế giới - chế độ tổng thống Mỹ.
Bài diễn văn lời lẽ đơn sơ, buổi lễ cũng diễn ra ngắn ngủi, nhưng nó
mang ý nghĩa tinh thần thật lớn lao và thiêng liêng. Nó là kết quả của cả một
giai đoạn lịch sử phức tạp, gói ghém biết bao cố gắng, trí tuệ, tình cảm, mồ
hôi, xương máu trong khát vọng tự do, dân chủ, công lý, tiến bộ của toàn
thể nhân dân Mỹ.
Sau một thế kỷ rưỡi ồ ạt thăm dò, định cư, khai phá, xung đột, chinh
phục và dựng xây, dân di cư châu Âu đã trở thành người chủ vững chắc của
dải đất rộng lớn trù phú phía đông sông Mississippi. Bằng cố gắng bành
trướng, đến năm 1763, Nhà nước Anh đã thiết lập được quyền lực của mình
trên toàn bộ miền đất gồm 13 bang này. Quan hệ giữa 13 thuộc địa Bắc Mỹ
với Đế quốc Anh tuy là hậu quả của lịch sử, nhưng không phù hợp với thực tế
bấy giờ. Phơi phới sức trẻ và khao khát tự do, những người dân ngày càng
cảm thấy ngột ngạt khi mà miền đất mới hùng mạnh, đầy tiềm năng của họ
phải phụ thuộc vào một hòn đảo xa xôi, già cỗi và bảo thủ với chính thể quân
chủ chuyên chế. Quan hệ đang dần trở nên gượng ép, hình thức và lỏng lẻo
kia đột ngột suy thoái trầm trọng khi chính quyền Anh áp dụng hàng loạt biện
pháp nhằm siết chặt sự cai quản. Việc hạn chế tự do chính trị và bòn rút kinh
tế các thuộc địa Bắc Mỹ đã thổi bùng lên ngọn lửa chống Anh. Tháng 9/1774,
dân cư 13 bang nhóm họp Đại hội Lục địa lần thứ nhất, kêu gọi Hoàng đế và
9
Nghị viện Anh thay đổi chính sách đối với Bắc Mỹ. Không được đáp ứng, họ
tổ chức tiếp Đại hội Lục địa lần thứ hai vào tháng 5/1775, thành lập quân đội
để đấu tranh vũ trang. Ngày 4/7/1776, Đại hội Lục địa thông qua Tuyên ngôn
Độc lập, cắt đứt mọi quan hệ phụ thuộc với Vương quốc Anh. Cuộc chiến
tranh giành độc lập kéo dài từ năm 1776 cho đến năm 1783 và kết thúc bằng
Hiệp ước Paris, trong đó Anh buộc phải công nhận nền độc lập của Hợp
chúng quốc Mỹ gồm 13 bang thuộc địa trước đây.
Sau khi tuyên bố độc lập, Đại hội Lục địa hoạt động như một cơ quan
đại diện chung của các bang và gấp rút soạn thảo kế hoạch cho một liên bang.
Đến ngày 1/3/1781, tất cả các bang đã phê chuẩn, chấp thuận bản Điều lệ Hợp
bang (The Articles of Confederation), theo đó các bang thống nhất lại với
nhau dưới sự điều hành của Hội đồng Hợp bang. Gồm thành viên là đại biểu
của tất cả các bang, hoạt động theo nguyên tắc tập thể (các quyết định phải
được đa số bang đồng ý - đặc biệt phải được không dưới 9 trên 13 bang tán
thành nếu là quyết định quan trọng), Hội đồng Hợp bang có chức năng lãnh
đạo hoạt động đối ngoại và quốc phòng, giải quyết những tranh chấp lãnh thổ
giữa các bang, quy định tiêu chuẩn đo lường, tiền đúc, bưu chính và quan hệ
với người da đỏ, còn các bang vẫn duy trì sự độc lập và chủ quyền đối với tất
cả các lĩnh vực khác.
Hội đồng Hợp bang, như vậy, mang dáng dấp của một quốc hội với
chức năng đại diện và lập pháp hạn chế. Tuy đã tập hợp được các bang trong
một cộng đồng chính trị và đưa ra nhiều biện pháp nhằm củng cố, phát triển
liên bang, nhưng do thiếu vắng cả hệ thống cơ quan hành pháp lẫn tư pháp, nó
không thiết lập được quyền lực quốc gia đủ mạnh để buộc các bang thi hành
luật chung, áp đặt mức thuế, điều chỉnh ngân sách, kiểm soát thương mại, xây
dựng quân đội .v.v Hậu quả là đến đầu năm 1786, nước Mỹ suy sụp trầm
trọng về mọi phương diện và liên bang bị đe dọa bởi nguy cơ tan rã. Những
người có trách nhiệm liền quyết định phải triệu tập một hội nghị để kiếm tìm
giải pháp cứu vãn, trong đó chắc chắn phải thiết lập một mô hình nhà nước
liên bang hợp lý với nòng cốt là chế độ nguyên thủ quốc gia mạnh để khẳng
10
định và tập trung quyền lực, cùng một hệ thống cơ quan hành pháp mạnh để
quản lý xã hội hữu hiệu.
Hội nghị khai mạc cuối tháng 5/1787 tại Philadelphia với sự tham dự
của 55 đại biểu các bang (trừ Rhole Island) - phần lớn đều là những người ưu
tú, còn khá trẻ nhưng giàu tri thức và kinh nghiệm chính trị
1
, đặc biệt đều có
chung ý niệm về một liên bang thống nhất và hùng mạnh hơn. Họ tranh luận
rất sôi nổi, thẳng thắn để cố gắng cùng nhau soạn thảo ra một hiến pháp
(constitution) làm nền tảng pháp lý cơ bản cho hệ thống chính trị tương lai
của Hợp chúng quốc. Chế độ tổng thống Mỹ được đặc biệt chú ý và việc nó
được quy định trong Hiến pháp cũng như áp dụng trong thực tế sau này bắt
nguồn từ mớ quan điểm đa dạng và sự thảo luận nghiêm túc mà sôi động (đôi
khi đến gay gắt) của các đại biểu:
Ngày 25/5/1787, Hội nghị chính thức bắt đầu. Đoàn đại diện Virginia -
bang trội nhất và có truyền thống chính trị nhất - chủ động đề xuất một dự án
(gọi là Kế hoạch Virginia)
2
nhằm thay thế Hội đồng Hợp bang bởi nhà nước
trung ương mới gồm một cơ quan lập pháp toàn quốc, một cơ quan hành pháp
toàn quốc và một cơ quan tư pháp toàn quốc. Cơ quan hành pháp - mà gồm cả
một vài thành viên của cơ quan tư pháp - sẽ do cơ quan lập pháp chỉ định, có
quyền xem xét, chấp thuận hay bác bỏ những đạo luật do cơ quan lập pháp
toàn quốc hoặc các cơ quan lập pháp bang thông qua Sau mấy ngày thảo
luận về những vấn đề bức xúc nhất của liên bang, ngày 1/6, Hội nghị chuyển
sang xem xét Mục 7 của Kế hoạch Virginia liên quan đến cơ quan hành pháp.
Mục này đề nghị "cử một vị tổng thống" do cơ quan lập pháp toàn quốc bầu
1
Các đại biểu có độ tuổi trung bình khoảng 40 (những nhân vật sẽ góp phần quan trọng
trong các cuộc tranh luận còn trẻ hơn nữa: Alexander Hamilton chỉ mới 30 tuổi và James
Madison 36). Trong 55 người thì 39 đã từng tham dự các đại hội lục địa, 31 là luật gia và
22 có bằng cấp đại học.
2
Kế hoạch Virginia (Virginia plan) là các đề nghị bãi bỏ Điều lệ Hợp bang và thiết lập
một chính quyền trung ương mạnh, được Edmun Randolph đệ trình lên Hội nghị Lập
hiến năm 1787 (nó còn được gọi là Bản dự thảo Randolph, mặc dù phần lớn được James
Madison viết) nhân danh toàn bộ đoàn đại biểu bang Virginia. Phần nhiều trong bản dự
thảo cuối cùng đã được đưa vào Hiến pháp Mỹ, chẳng hạn như, một nền lập pháp lưỡng
viện, một nền hành pháp và tư pháp toàn quốc, đại diện lập pháp căn cứ vào số dân theo
điều tra dân số.
11
ra, để hoạt động trong một thời gian (không thấy nói rõ); tổng thống được bầu
lại nhiệm kỳ thứ hai và chỉ được hưởng mức lương cố định trong suốt thời
gian đương chức; "ngoài quyền thi hành pháp luật, tổng thống còn được
hưởng quyền chấp hành mà liên bang từng giao cho Hội đồng Hợp bang" [15,
tr.36].
Đại biểu Wilson liền đề xuất rằng cơ quan hành pháp chỉ gồm một
nhân vật thôi và được đại biểu Pinckney ủng hộ. Sau một hồi tạm nghỉ, Chủ
tịch Hội nghị Washington hỏi có nên nêu lại vấn đề không. Đại biểu Franklin
cho đó là một điểm rất quan trọng và ông hy vọng các vị đại biểu sẽ trình bày
ý kiến về vấn đề này trước khi đem ra tranh luận. Phần đông đại biểu do dự vì
họ không thể nào nghĩ tới một vị tổng thống duy nhất mà không liên tưởng
đến một vị vua. Cuộc cách mạng giành độc lập chẳng những đã chống lại
nước Anh mà còn phủ nhận Vương triều Anh. Hoàng đế Anh George III bấy
giờ là biểu tượng chuyên chế khét tiếng mà nhân dân Mỹ căm ghét. Không
đại biểu nào tin rằng họ có thể quay lại chế độ quân chủ hoặc một bản hiến
pháp ủng hộ chế độ đó lại được toàn dân Mỹ chấp thuận. Nhiều người thấy rõ
nền quân chủ hại nhiều hơn lợi nhưng vẫn e ngại việc một vị tổng thống duy
nhất dễ trở nên độc tài nếu ông ta đứng đầu một nền cộng hoà còn non trẻ,
nhiều thành phần và nhiều biến động - những yếu tố thuận lợi thường dẫn đến
kết cục là sự chuyên chế trung ương
Đại biểu Rutledge mở màn cuộc tranh luận bằng tuyên bố rằng các đại
biểu được quyền tự do giãi bày quan điểm của họ mà không hề bị ràng buộc
gì sau này. Riêng ông, ông tán thành có một vị tổng thống duy nhất, nhưng
không muốn cho người đó quyền tuyên chiến và quyền ký kết điều ước quốc
tế. Đại biểu Sherman cho rằng "tổng thống" chẳng qua là một công chức
thuộc cơ quan lập pháp toàn quốc và cơ quan này - có nhiệm vụ chỉ định tổng
thống - được quyền tự do chỉ định một hoặc nhiều vị tuỳ theo trường hợp.
Wilson tán thành "một vị tổng thống duy nhất" vì chỉ có vậy tổng thống mới
gánh vác được trọng trách một cách xứng đáng, linh động và đầy nghị lực;
còn vài quyền do Hoàng đế Anh nắm giữ trước kia - như quyền tuyên chiến
12
và ký kết điều ước - đều thuộc quyền lập pháp, không nên ban cho tổng thống
Mỹ theo Kế hoạch Virginia. Đại biểu Gerry thì ủng hộ chủ trương lập thêm
một hội đồng bên cạnh tổng thống để tạo ra sự khách quan và tín nhiệm. Đại
biểu Randolph kịch liệt phản đối sự thống nhất trong cơ quan hành pháp, cho
đấy là mầm mống của chế độ quân chủ và theo ông, bộ máy hành pháp liên
bang phải gồm nhiều nhân vật - rất có thể là 3 người. Hội nghị vẫn chưa quyết
định gì về sự lựa chọn phương án một hay nhiều vị tổng thống, mà chỉ nhất trí
nên thành lập một cơ quan hành pháp toàn quốc. Tiếp theo, các đại biểu bàn
tới vấn đề quyền hạn dành cho tổng thống. Ngày hôm đó, hội nghị thoả thuận
rằng cơ quan hành pháp phải có quyền "thi hành pháp luật trong nước". Các
đại biểu hoãn lại việc nghiên cứu phương pháp bầu cử để thảo luận thời gian
nhiệm kỳ tổng thống. Lúc bỏ phiếu ủng hộ đề nghị nhiệm kỳ 7 năm, 5 bang
bỏ phiếu thuận, 4 chống và 1 trắng (Massachusetts). Đến khi hội nghị bàn tới
vấn đề "cách thức chỉ định", Wilson nhấn mạnh rằng tổng thống phải do dân
bầu, cũng như đối với cơ quan lập pháp toàn quốc vậy. Đại biểu Mason rất tán
đồng, nhưng e việc đó khó thực hiện được, tuy nhiên ông cũng hy vọng rằng
Wilson sẽ có thời gian để nghĩ ra biện pháp thích hợp hơn.
Ngày hôm sau (2/6), Wilson đưa ra một chương trình với mục đích cho
nhân dân có thể lựa chọn tổng thống mà không cần sự can thiệp của các tiểu
bang hoặc của cơ quan lập pháp toàn quốc. Theo đó, chia các tiểu bang ra
thành nhiều quận, cho các cử tri bỏ phiếu bầu hội viên viện thứ nhất của cơ
quan lập pháp toàn quốc rồi để những hội viên này lựa chọn những người
xứng đáng trong các quận đi bỏ phiếu lập ra cơ quan hành pháp toàn quốc.
Đồng thời, cho các cử tri bỏ phiếu theo bang - chứ không phải theo đầu người
- để quyết định nên có một hay nhiều vị tổng thống. Chương trình này của
Wilson bị phủ quyết phũ phàng với 8 phiếu chống 2 phiếu thuận (mặc dù sau
này nội dung cơ bản của nó được Hiến pháp ghi nhận và áp dụng).
Đến khi bàn tới vấn đề lương bổng, Franklin đề nghị rằng tổng thống sẽ
được thanh toán chi phí cần thiết, nhưng không được hưởng lương hoặc tiền
thưởng. Ông liệt kê một số viên chức cao cấp ở Pháp và Anh tuy chẳng có lương
13
bổng gì mà công việc vẫn được thi hành chu đáo. Ông cũng nhắc lại phong tục
của giáo dân Quaker hơn một thế kỷ trước đó từng ra phục vụ không công cho
đoàn thể ở những chức vị khó nhọc. Ông còn minh hoạ bằng việc Washington
suốt 8 năm (1775-1783) đảm nhiệm chức Tổng Chỉ huy Quân đội Lục địa Mỹ
mà không hề hưởng đồng lương nào và khẳng định sẽ luôn tìm được những
người như vậy ở Hợp chúng quốc. Đại biểu Hamilton ủng hộ và tăng cường
quan điểm của Franklin bằng những lý lẽ sắc sảo. Tuy nhiên, phần đông đại biểu
cho việc tổng thống không hưởng lương bổng là thiếu thực tế và coi Franklin
giống "một triết gia cổ hủ hơn là một chính khách hiện đại" trong vấn đề này!
Trở lại vấn đề tổng thống cá nhân hay tập thể, khi Rutledge đề nghị (và
Pinckney ủng hộ) rằng chỉ nên lập một vị tổng thống thôi thì Randolph kiên
quyết phản đối với 4 lý do: một là, nhân dân luôn chống lại mọi hình thức
quân chủ trá hình; hai là, sự thống nhất không cần thiết lắm, và nhiều nhân vật
cùng lãnh đạo cơ quan hành pháp cũng vẫn có khả năng để thực hiện các mục
tiêu chung; ba là, sự tín nhiệm cần thiết sẽ không bao giờ được đặt hết cả vào
một vị tổng thống duy nhất; bốn là, nên chỉ định một người cự ngụ gần trung
tâm quốc gia làm tổng thống, và do đó những nơi xa xôi sẽ không được
hưởng quyền bình đẳng. Randolph đề nghị nên có một hội đồng tổng thống
gồm 3 nhân vật "thuộc các khu vực khác nhau trong nước".
Cuộc bàn cãi tiếp diễn vào ngày 4/6 khi Wilson đứng lên chỉ trích
Randolph là đã quá đề cao mục đích được lòng người mà ít chú ý đến tính
thực tế và hiệu quả của vấn đề. Wilson tin chắc rằng nhân dân - sau khi thấy
rõ "một vị tổng thống duy nhất đâu phải là một ông vua" - sẽ nhận thấy chế độ
tổng thống cá nhân đâu có gì gọi là quân chủ trá hình. Trong cả 13 bang, đều có
một vị nguyên thủ duy nhất ở mỗi bang (với tư cách thống đốc hoặc chủ tịch) mà
"chưa bang nào nghĩ tới chuyện lập 3 nguyên thủ một lúc cả" [15, tr.40]. Cơ
quan hành pháp toàn quốc nếu có 3 vị nguyên thủ cùng lúc thì sẽ chẳng còn gì
là sức mạnh và sự ổn định nữa! Đến khi biểu quyết, 3 bang (New York,
Delaware, Maryland) bỏ phiếu chống, còn 7 bang khác đều tán thành mô hình
tổng thống cá nhân.
14
Tổng thống có quyền ngừng thi hành một đạo luật nào đó trong nhiều
năm - đề xuất này của đại biểu Butler chỉ được Franklin ủng hộ, còn các đại
biểu khác đồng loạt phản đối. Theo gợi ý của Gerry, mọi người dần nhất trí
(trừ bang Connecticut và Maryland) là tổng thống có quyền phủ quyết một
đạo luật mà đạo luật đó sau này chỉ có thể được thông qua với sự tán thành
của ít nhất 2/3 số hội viên có mặt trong từng viện của cơ quan lập pháp toàn
quốc. Nhưng Mason bất bình ra mặt: "Về vấn đề này chúng ta đã đi quá xa.
Chúng ta hiện giờ không thành lập một chính phủ kiểu Anh nữa, mà đang
thành lập một chế độ quân chủ nguy hiểm hơn nhiều Liệu các ngài có định
dọn đường cho một chế độ quân chủ cha truyền con nối chăng? Liệu các ngài
có cho rằng nhân dân sẽ hài lòng thấy sự thay đổi này chăng? Nếu vậy tôi xin
mạn phép nói rằng: các ngài đã lầm! " [15, tr.40]. Mason, cũng như phần lớn
phái cao tuổi trong Hội nghị, luôn phản đối chế độ quân chủ và sự tăng cường
quyền hành cho tổng thống. Còn phái trẻ tuổi - trước sự nhu nhược cùng thực
trạng lộn xộn của liên bang - lại muốn một vị tổng thống đầy uy quyền và họ
hoàn toàn tin tưởng rằng ý chí của nhân dân có thể kiềm chế được tổng thống.
Dù sao, cả hai phái đều chung quan điểm là chế độ tổng thống Mỹ vừa phải
khác hẳn chế độ quân chủ, vừa phải ngăn chặn được nguy cơ xuất hiện một
bạo chúa cộng hoà. Ngành hành pháp phải đủ mạnh để thực thi quyền lực,
duy trì liên bang và đảm bảo an ninh; nhưng lại không được quá mạnh khiến
có thể ảnh hưởng xấu đến quyền tự do, dân chủ của mọi người.
Những ngày tiếp theo, Hội nghị bàn bạc các lĩnh vực khác và thảo luận
về dự án do đoàn đại biểu bang New Jersey đề xuất. Đến ngày 18/6, Hamilton
phát biểu rất dài (liền khoảng 5-6 giờ!), phản đối cả Kế hoạch Virginia lẫn Kế
hoạch New Jersey và đưa ra dự án của mình. Theo đó, về phần hành pháp,
trưởng ngành hành pháp sẽ có quyền hạn rộng lớn như một vị vua - kể cả
quyền phủ quyết tuyệt đối các đạo luật, bổ nhiệm thống đốc bang và giữ
nhiệm kỳ rất lâu dài. Kế hoạch Hamilton nhìn chung không được ủng hộ và
thời gian sau đấy, mỗi khi bàn đến chế độ tổng thống, các đại biểu lại quay về
Kế hoạch Virginia, đồng thời tham khảo thêm những quy định về chế độ
15
thống đốc trong hiến pháp các bang - đặc biệt là Hiến pháp bang
Massachusetts.
Ngày 26/7, về cơ bản, Hội nghị thảo luận xong mọi vấn đề và cho soạn
một dự án Hiến pháp căn cứ vào kết quả thu được. Ngày 6/8, bản Dự án Hiến
pháp Hoa Kỳ đem trình trước toàn thể hội nghị, bao gồm nhiều quy định hơi
khác so với sự mong đợi của các đại biểu. Dự án cũng đặt những tên mới cho
các cơ quan nhà nước liên bang:"cơ quan lập pháp toàn quốc" gọi là "Quốc hội",
"viện thứ nhất" là "Hạ (Nghị) viện", "viện thứ hai" là "Thượng (Nghị) viện", "cơ
quan tư pháp toàn quốc" là "Toà án Tối cao" ; riêng "trưởng ngành hành pháp"
đổi là "Tổng thống Hợp chúng quốc Mỹ (Hoa Kỳ)" và được gọi là "Ngài"!
Ngày 7/8, Hội nghị một lần nữa xem xét kỹ càng từng điều khoản của
Dự án Hiến pháp. Riêng chế độ tổng thống quy định trong toàn bộ Điều II và
một phần Điều I được các đại biểu chấp thuận ngay, không cần tranh luận, tuy
có phải sửa đổi, bổ sung tí chút. Ngày 17/9, Hiến pháp được Hội nghị thông
qua rồi chuyển tới các bang để trưng cầu việc chấp thuận. Ngày 18/9/1787,
Hội nghị bế mạc. Hiến pháp chính thức có hiệu lực từ ngày 21/6/1788 - khi
bang thứ 9 là New Hampshire phê chuẩn (nhưng phải đến ngày 29/5/1790,
bang thứ 13 là Rhode Island - vốn không cử đại biểu tham gia Hội nghị - mới
phê chuẩn).
Ngay sau khi Hiến pháp có hiệu lực, chính quyền liên bang và các bang
đã khẩn trương chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên. Từng làm Tổng
Chỉ huy Quân đội Lục địa rồi Chủ tịch Hội nghị Lập hiến Philadelphia, là vị
anh hùng dân tộc mà uy danh đã lừng lẫy đến mức huyền thoại, Washington
(công dân bang Virginia) được toàn bộ 69 đại cử tri của 10 bang bầu làm
Tổng thống vào ngày 4/2/1789 (các bang North Carolina và Rhode Island vẫn
chưa phê chuẩn Hiến pháp nên không tham gia bầu cử; còn bang New York
đã không thể quyết định kịp nên không gửi đại cử tri đi bầu). John Adams
(công dân bang Massachusetts) giành được 34 phiếu, trở thành Phó Tổng
thống. Cuộc bầu cử tuy không toàn diện, lại gặp nhiều trục trặc do thiếu kinh
nghiệm, nhưng vẫn thành công, trở thành cuộc thiết lập nguyên thủ quốc gia
16
mới mẻ, dân chủ, tiến bộ nhất trên thế giới thời bấy giờ. Và buổi lễ nhậm
chức lịch sử diễn ra ngày 30/4/1789
1.2. NHỮNG GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ ĐẶC TÍNH CỦA CHẾ ĐỘ
TỔNG THỐNG MỸ
1.2.1. Những giai đoạn phát triển của chế độ tổng thống Mỹ
Lịch sử quốc gia và dân tộc Hoa Kỳ luôn gắn chặt với mô hình nguyên
thủ đặc trưng của họ. Sự tồn tại vững chắc, hoạt động hiệu quả và không
ngừng lớn mạnh của chế độ tổng thống là yếu tố quan trọng bậc nhất làm nên
sự hùng cường của nước Mỹ ngày nay.
Tính quy tụ cao, khiến chế độ tổng thống Mỹ vẫn giữ được gần như
vẹn nguyên những nét cơ bản ban đầu trong suốt quá trình phát triển. Tuy
vậy, là một thiết chế động với những chức năng, những quan hệ rất phong
phú, phức tạp, nhuốm đẫm hơi thở thời đại, chế độ Tổng thống Mỹ cũng
mang dáng vẻ riêng trong từng giai đoạn lịch sử nhất định và đó chính là cơ
sở để phân kỳ tương đối sự phát triển của nó.
1.2.1.1. Giai đoạn 1789 - 1877: Nền móng và các tiền lệ
Có thể coi đây là giai đoạn thử nghiệm, đầy biến động và phát triển rất
mạnh của chế độ tổng thống Mỹ - sự phát triển mang tính định hình. Những
quy phạm sơ sài và khái quát của Hiến pháp đã khiến việc áp dụng chế độ
tổng thống Mỹ - một mô hình nguyên thủ quốc gia hoàn toàn mới lạ trên thế
giới thời bấy giờ - trở nên không dễ dàng và lại càng khó khăn hơn trong hoàn
cảnh của một nước Mỹ non trẻ đang bộn bề với những nhiệm vụ, những nhu
cầu cấp bách về kiến thiết và củng cố. Các cuộc tranh luận xoay quanh chế độ
tổng thống Mỹ vẫn diễn ra sôi nổi khắp nơi, chủ yếu tập trung vào vấn đề bầu
cử và quyền hạn, gây nên những ảnh hưởng quan trọng. Các nhà lập hiến Mỹ
cũng dần thấy rằng, thực tế áp dụng chế độ tổng thống đã khác nhiều so với
quy định của Hiến pháp và những gì họ mong đợi - ví dụ, họ hy vọng Tổng
thống sẽ là nhân vật trung lập, không thuộc đảng phái chính trị nào, nhưng
17
thực tế chỉ có Washington đáp ứng được điều đó, còn tất cả các Tổng thống
tiếp theo đều bị chi phối mãnh liệt bởi tư tưởng và hành động đảng phái.
Trong giai đoạn này, vai trò nguyên thủ quốc gia và vai trò người đứng
đầu hành pháp chưa phát triển tương xứng, đồng bộ. Quan hệ giữa Tổng
thống (trên tư cách người đại diện liên bang) với các bang vốn là quan hệ rất
nhạy cảm, nhưng lại không hề được Hiến pháp quy định nên đã dần bị hình
thức hoá trước khả năng độc lập khá mạnh của các bang: nhiều bang không
tin tưởng, không tuân phục địa vị và quyền lực tổng thống - đỉnh cao là sự
kiện 11 bang miền Nam chống đối chính sách giải phóng nô lệ của Tổng
thống (1861 - 1865) Abraham Lincoln (1809 - 1865), cùng tách khỏi liên
bang, bầu lên một tổng thống riêng, gây ra cuộc nội chiến tàn khốc nhất trong
lịch sử nước Mỹ. Phương thức thiết lập rườm rà và bất hợp lý đã sớm dẫn
đến rắc rối trong cuộc bầu cử năm 1800, buộc Nhà nước Mỹ phải ban hành
Điều bổ sung thứ XII của Hiến pháp vào năm 1804, thay thế phần lớn quy chế
bầu cử tổng thống. Quyền hành lớn, lại chưa bị giới hạn chặt chẽ, cùng với
nhu cầu cấp bách về mở rộng, thống nhất và ổn định liên bang khiến các Tổng
thống Mỹ hoạt động khá tự chủ, nhưng đôi khi tùy tiện, thậm chí có xu hướng
lạm quyền - điển hình là việc Tổng thống (1865 - 1869) Andrew Johnson
(1808 - 1875) bị Quốc hội buộc tội lạm quyền và suýt bị cách chức năm
1868. Chưa có quy định chính thức về bộ máy giúp việc và những quyền
lợi đặc biệt mà Tổng thống được hưởng, nên các Tổng thống phải làm việc
rất căng thẳng. Còn non trẻ và quá bận rộn với những nhiệm vụ đối nội,
Hợp chúng quốc Hoa Kỳ chưa tạo được ảnh hưởng quốc tế đáng kể; quyền
lực nguyên thủ quốc gia của Tổng thống Mỹ, vì thế, cũng chưa được phát
triển mạnh trên phương diện đối ngoại.
Dù mang những hạn chế như vậy, chế độ Tổng thống Mỹ vẫn tồn tại
vững và liên tục bởi nhiều nguyên do, quan trọng nhất có lẽ là nhờ khả năng
và vai trò cá nhân đặc biệt của các vị Tổng thống. Phần lớn trong số 18 Tổng
thống giai đoạn này đều là những người xuất sắc, có quá khứ nhân thân chói
lọi: Tổng thống (1789 - 1797) George Washington (1732 - 1799) được coi là
18
“người sáng lập nước Mỹ”; Tổng thống (1801 - 1809) Thomas Jefferson
(1743 - 1826) - nhà tư tưởng vĩ đại, tác giả chính của Tuyên ngôn Độc lập;
Tổng thống (1809 - 1817) James Madison (1751 - 1836) - tác giả chính của
Hiến pháp; Tổng thống (1829 - 1837) Andrew Jackson (1767 - 1845) - nhà
dân chủ và cải cách, người hùng trong trận chiến chống Anh năm 1815 và
chống Tây Ban Nha năm 1818; Tổng thống (1861 - 1865) Abraham Lincoln
(1809 - 1865) - người chủ trương thống nhất nước Mỹ và giải phóng nô lệ;
Tổng thống (1869 - 1877) Ulysses S. Grant (1822 - 1885) - vị tướng thiên tài
chỉ huy quân đội miền Bắc trong cuộc Nội chiến 1861 - 1865 .v.v Là nhân
vật trung tâm của một thể chế hoàn toàn mới lạ, đứng đầu một liên bang cộng
hoà rộng lớn mà non trẻ, họ phải gánh vác sứ mệnh của kẻ “đi tiên phong trên
mảnh đất chưa ai đặt chân” (đúng như lời Washington). Bằng uy tín, nghị lực
và tài năng đặc biệt, họ đã hoàn thành tốt đẹp sứ mệnh vất vả đó, góp phần
quyết định trong việc mở rộng lãnh thổ, phát triển kinh tế, nâng cao dân chủ
cho Hợp chúng quốc, đồng thời duy trì sự tồn tại liên tục và vững mạnh
của chế độ tổng thống. Bất chấp mọi khó khăn ngăn trở, họ mạnh dạn tự ý đặt
ra hàng loạt tiền lệ cần thiết nhằm hoàn thiện chế độ tổng thống - những tiền
lệ mà ngay cả các nhà lập hiến Mỹ cũng không ngờ tới hoặc không dám quy
định. Đáng kể nhất là:
(1). Tiền lệ về tham khảo ý kiến Nội các:
Trên cơ sở tham khảo ý kiến các bộ trưởng - giống như việc từng thành
lập Hội đồng Chiến tranh để cố vấn cho mình trong thời kỳ chống Anh giành
độc lập - Tổng thống Washington đã nêu gương cho các Tổng thống sau này
về chuyện thường xuyên tham khảo ý kiến Nội các.
(2). Tiền lệ về quyền chọn Nội các:
Trước kia, Quốc hội thường không thẩm tra lại việc bổ nhiệm của Tổng
thống Washington (chủ yếu do tôn trọng cá nhân ông, chứ không phải nguyên
tắc quy định vậy), từ đó hình thành nên một tập quán chung là “Tổng thống
có quyền chọn Nội các”. Quốc hội thường chỉ thừa nhận việc bổ nhiệm Nội
19
các của Tổng thống mà thôi - thậm chí điều đó vẫn được áp dụng ngay cả khi
đảng đối lập chiếm đa số trong Quốc hội.
(3). Tiền lệ về giới hạn hai nhiệm kỳ:
Ban đầu, Hiến pháp Mỹ chưa quy định mỗi Tổng thống có thể giữ chức
tối đa bao nhiêu nhiệm kỳ. Tổng thống Washington đáng lẽ đã đặt ra tiền lệ
một nhiệm kỳ, vì ngay khi mới nhậm chức (năm 1789), ông đã quyết định
mình sẽ thôi chức vĩnh viễn vào năm 1793; nhưng thực tế đã buộc ông tiếp
tục đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai (1793 - 1797), bởi lúc đó Chính phủ trung lập
(phi đảng phái) mà ông cố công duy trì đang có nguy cơ tan rã. Như vậy, ông
ngầm quy ước giới hạn 2 nhiệm kỳ. Tiền lệ này được các Tổng thống tiếp
theo giữ nghiêm đến tận năm 1940, khi Tổng thống (1933 - 1945) Franklin D.
Roosevelt (1882 - 1945) ra ứng cử và trúng cử vào nhiệm kỳ thứ ba. Năm
1951, Nhà nước Mỹ đã ban hành Điều bổ sung thứ XXII của Hiến pháp,
chính thức hoá tiền lệ về giới hạn hai nhiệm kỳ.
(4). Tiền lệ về sự lựa chọn Chánh án Toà án Tối cao:
Khi John Jay từ chức Chánh án Tòa án Tối cao (năm 1795), Tổng
thống Washington đáng lẽ có thể chọn một thẩm phán Toà án Tối cao lên thay
thế, đúng như mong muốn và dự đoán của nhiều người. Nhưng Washington
đã không hành động như vậy - ông không lấy thâm niên, kinh nghiệm nghề
nghiệp làm tiêu chuẩn để lựa chọn người lãnh đạo ngành tư pháp quốc gia.
Ông đã định hình một tiền lệ mới, theo đó các Tổng thống kế tiếp có thể lựa
chọn trong số nhiều người trẻ tuổi, tài giỏi, năng động để bổ nhiệm vào
chức vị Chánh án Toà án Tối cao thay cho việc chỉ chọn trong số ít những
thẩm phán tối cao đương chức - thường già cả, bảo thủ, chậm chạp.
(5). Tiền lệ bác bỏ sự can thiệp của Hạ viện trong lĩnh vực đối ngoại:
Sau khi Thượng viện Mỹ thông qua Hiệp ước Jay (ký kết với Anh năm
1795), Hạ viện lại yêu cầu Tổng thống Washington cho xem tất cả giấy tờ có
liên quan trực tiếp tới quá trình đàm phán dẫn đến Hiệp ước này. Nhưng
Washington từ chối với lý do, theo Hiến pháp, Hạ viện không được quyền can
thiệp vào chuyện đàm phán, ký kết, thông qua điều ước quốc tế, cũng như
20
nhiều vấn đề đối ngoại khác. Như vậy, ông đã đặt ra một tiền lệ cho các Tổng
thống tiếp theo có thể bác bỏ những yêu sách tương tự của Hạ viện.
(6). Tiền lệ về đặc quyền:
Năm 1807, Tổng thống Jefferson bị đòi ra hầu toà để làm chứng trong
vụ xét xử Aaron Burr vì tội mưu phản và bị yêu cầu phải đem theo mọi giấy
tờ có liên quan tới vụ này. Nhưng Jefferson từ chối, không chịu đến toà và chỉ
đồng ý cung cấp những thông tin nào ông muốn. Với xử sự này, Jefferson đã
tạo nên tiền lệ về đặc quyền của Tổng thống.
(7). Tiền lệ về bổ nhiệm người thân tín và có công:
Trong hai nhiệm kỳ (1829 - 1837), Tổng thống Jackson đã bãi
nhiệm, sa thải hàng ngàn công chức liên bang và thay thế bằng những
người đã ủng hộ mình trong cuộc tranh cử. Ông coi đó là một quyền lợi cơ
bản của đảng thắng cử và được người ta gọi bởi thuật ngữ “ chế độ chiến
lợi phẩm” (spoils system). Thực ra, Washington và Jefferson cũng từng
làm thế, nhưng chỉ đến Jackson, việc ấy mới trở thành nguyên tắc dùng sự
bổ nhiệm chức vụ để thưởng công cho những hoạt động chính trị. Mặc dù
bị dư luận phản đối mạnh mẽ, những người kế nhiệm Jackson vẫn áp dụng
rộng rãi tiền lệ này và chỉ đến năm 1881 - khi một kẻ có công không được
đền bù như mong muốn đã ám sát Tổng thống (1881) James A. Garfield
(1831 - 1881) - thì việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức liên bang mới
được thay đổi cho an toàn và hiệu quả hơn.
(8). Tiền lệ về kế vị đầy đủ:
Là Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên lên kế vị khi Tổng thống đương nhiệm
từ trần, Tổng thống (1841 - 1845) John Tyler (1790 - 1862) nhậm chức giữa
không khí tranh luận gay gắt về địa vị của ông. Luật pháp bấy giờ chưa quy
định rõ sự kế vị. Rất nhiều người cho rằng, trong những trường hợp đặc biệt
kiểu này, Phó Tổng thống chỉ được đảm nhận quyền cùng nghĩa vụ của Tổng
thống chứ không được nhận chức Tổng thống và như vậy, Tyler thực ra chỉ là
Quyền Tổng thống (Acting President). Nhưng Tyler cương quyết phản đối.
Ngay từ đầu, ông đã tự coi là Tổng thống và cho rằng địa vị, quyền lực của
mình không hề bị ảnh hưởng bởi phương thức thiết lập. Để chứng tỏ sự cứng