Tải bản đầy đủ (.pdf) (163 trang)

Khảo sát định ngữ tỉnh thái trong câu Tiếng Việt trên ba bình diện Kết học, Nghĩa học, Dung học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.01 MB, 163 trang )

1


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN




TRẦN HOÀNG HƯƠNG




KHẢO SÁT ĐỊNH NGỮ TÌNH THÁI TRONG CÂU TIẾNG VIỆT
TRÊN 3 BÌNH DIỆN: KẾT HỌC, NGHĨA HỌC, DỤNG HỌC







LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC









HÀ NỘI - 2012




2


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN




TRẦN HOÀNG HƯƠNG




KHẢO SÁT ĐỊNH NGỮ TÌNH THÁI TRONG CÂU TIẾNG VIỆT
TRÊN 3 BÌNH DIỆN: KẾT HỌC, NGHĨA HỌC, DỤNG HỌC



Luận văn thạc sĩ ngôn ngữ học
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học
Mã số: 60.22.01




Người hướng dẫn khoa học: GS. TS Nguyễn Văn Hiệp







HÀ NỘI - 2012



3




LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng bản thân
tôi. Những tư liệu trong luận văn chưa hề được sử dụng trong bất cứ
công trình khoa học nào.
Tác giả luận văn


Trần Hoàng Hương







MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 7
1. Lí do chọn đề tài 7
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 8
3. Mục tiêu của luận văn 8
4. Nguồn tư liệu 8
5. Phương pháp nghiên cứu 9
6. Ý nghĩa của luận văn 10
7. Bố cục của luận văn 11
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT 12
4
1.1. Vấn đề tình thái trong tiếng Việt 12
1.1.1. Khái niệm chung 12
1.1.2. Quan niệm của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam về tình thái 14
1.1.3. Phân loại ý nghĩa tình thái 15
1.1.4. Các phương tiện biểu thị tình thái 19
1.2.2. Phân biệt định ngữ câu với các thành tố khác trong câu 24
1.2.2.1. Phân biệt định ngữ câu với các yếu tố có tác dụng liên kết văn bản 24
1.2.2.2. Phân biệt định ngữ câu với định ngữ của vị từ làm vị ngữ 26
1.2.2.3. Phân biệt định ngữ câu với trạng ngữ 26
1.2.3. Phân loại định ngữ câu 27
1.3. Lý thuyết phân đoạn thực tại câu theo quan điểm của Ngữ pháp chức năng 28
1.4. Tiểu kết 32
CHƯƠNG 2: KHẢO SÁT ĐỊNH NGỮ TÌNH THÁI 34
2.1. Dẫn nhập 34
2.2. Đặc điểm cấu tạo của định ngữ tình thái 34
2.3. Vị trí của định ngữ tình thái trong câu 37

2.3.1. Định ngữ tình thái đứng đầu câu 37
2.3.2. Định ngữ tình thái đứng sau liên từ 40
2.3.3. Định ngữ tình thái đứng giữa Đề- Thuyết 41
2.4. Tiểu kết: 43
CHƯƠNG 3: KHẢO SÁT ĐỊNH NGỮ TÌNH THÁI 44
TRÊN BÌNH DIỆN NGHĨA HỌC 44
3.1. Dẫn nhập 44
3.2. Định ngữ câu biểu thị tình thái nhận thức 47
3.2.1. Định ngữ câu biểu thị tình thái thực hữu 47
3.2.1.1. Định ngữ câu khẳng định một lần nữa giá trị chân lí, tính chính xác của
một sự tình đã được nêu ra từ trước đó. 47
3.2.1.2. Định ngữ câu khẳng định tính chất đương nhiên của sự tình 50
3.2.1.3. Nhóm định ngữ câu xác nhận một sự tình trên cơ sở mối quan hệ tương
phản 52
3.2.1.4. Định ngữ câu xác nhận một sự tình trên cơ sở giải thích 54
3.2.1.5. Nhóm định ngữ câu xác nhận sự tình trên mối quan hệ nhấn mạnh, tương hợp 56
5
3.2.1.6. Nhóm định ngữ câu xác nhận một sự tình có tính chất tổng kết, đúc rút
thành nhận định. 57
3.2.2 Tình thái không thực hữu 57
3.2.2.1. Nhóm định ngữ câu dựa trên sự suy lý 59
3.2.2.2. Nhóm định ngữ câu dựa trên cơ sở bằng chứng của các giác quan 68
3.2.2.3. Nhóm định ngữ câu dựa trên cơ sở các tin đồn hay tường thuật 69
3.2.3. Định ngữ câu biểu thị tình thái phản thực hữu 71
3.2.3.1. Nhóm các định ngữ tình thái phản thực hữu gồm Suýt nữa P, Tí nữa P, Tí
nữa thì P, Chút nữa thì P. 71
3.2.3.2 Nhóm các định ngữ tình thái phản thực hữu gồm: Làm gì có P, Làm như P,
Nào P, Làm gì P… 72
3.2.3.3. Trường hợp Những tưởng + P 73
3.2.3.4.Nhóm các định ngữ tình thái gồm Họa là P, Họa chăng P, Dễ tưởng P, Dễ

thường P 73
3.3. Định ngữ câu biểu thị tình thái đạo nghĩa 74
3.4. Một số trường hợp mơ hồ về tình thái 76
3.5. Tiểu kết: 78
3.5.1. Định ngữ biểu thị tình thái nhận thức chiếm đa số 78
3.5.2. Định ngữ biểu thị tình thái nhận thức đa dạng về mặt nội dung biểu đạt 79
3.5.2.1. Định ngữ câu biểu thị tình thái thực hữu 79
3.5.2.2. Định ngữ câu biểu thị tình thái không thực hữu 80
3.5.2.3. Nhóm định ngữ câu biểu thị tình thái phản thực hữu 83
3.5.3. Định ngữ biểu thị tình thái đạo nghĩa 84
3.5.4. Ranh giới giữa các nhóm định ngữ tình thái rất mong manh 84
CHƯƠNG 4: KHẢO SÁT ĐỊNH NGỮ TÌNH THÁI 86
4.1. Dẫn nhập 86
4.2. Chức năng dụng học của định ngữ tình thái trong phạm vi văn bản 88
4.2.1. Định ngữ tình thái tác động đến toàn bộ phần nội dung còn lại của câu 88
4.2.2. Định ngữ tình thái với vai trò là chỉ tổ chỉ dẫn quan hệ lập luận 92
4.2.3. Định ngữ tình thái với vai trò đảm bảo liên kết và mạch lạc văn bản 94
4.3. Chức năng dụng học của định ngữ tình thái trong mối quan hệ với chủ ngôn 97
4.4. Tiểu kết: 100
6
KẾT LUẬN 102
TƯ LIỆU THAM KHẢO 109
CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC ĐƯỢC CHỌN LÀM TƯ LIỆU KHẢO SÁT 113
PHỤ LỤC 114
7
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Ngữ pháp là một bộ phận của ngôn ngữ học, hình thành từ lâu đời và
phát triển với nhiều dòng lớn như: ngữ pháp điền chế (ngữ pháp truyền thống
nhà trường), ngữ pháp miêu tả, ngữ pháp chức năng, ngữ pháp tạo sinh, ngữ

pháp giải thích….Ngữ pháp chức năng là một trong những trường phái nghiên
cứu có nhiều điểm tiến bộ so với ngữ pháp tạo sinh trước đó và để lại nhiều
ảnh hưởng cho sự phát triển của ngữ pháp sau này. Ngữ pháp chức năng
chống lại quan điểm cho rằng có một thứ ngữ pháp độc lập với nghĩa. Các nhà
ngôn ngữ theo trường phái này cho rằng nghĩa và công dụng quyết định đến
cấu trúc hình thức. Hình thức không tồn tại độc lập, nó là công dụng để truyền
nghĩa và giao tiếp.
Trong giao tiếp hàng ngày có những kiểu câu mà với sự xuất hiện của
một thành tố khác, tình thái của câu đã thay đổi, dẫn đến kết quả là mục đích
cũng như hiệu quả giao tiếp thay đổi. Xét các ví dụ sau:
Huy đã ăn quả chuối trên bàn. (1)
Huy chắc chắn đã ăn quả chuối trên bàn. (2)
Có lẽ là Huy đã ăn quả chuối trên bàn. (3)
Quả nhiên là Huy đã ăn quả chuối trên bàn. (4)
→ Nội dung sự tình ở đây là: Huy ăn quả chuối trên bàn.
Tuy nhiên, trong 4 phát ngôn trên thì tình thái lại khác nhau. Ở phát
ngôn thứ nhất (1): người nói cho biết một sự tình đã xảy ra rồi. Ở phát ngôn
(2), ngoài việc thông báo sự tình người nói còn khẳng định mức độ chắc chắn
về sự tình đó, phương tiện ngôn ngữ biểu thị tình thái ở đây là từ “chắc chắn.
Ở phát ngôn (3) là giả định của người nói, phương tiện biểu đạt là từ “Có lẽ”.
Ở phát ngôn (4) người nói khẳng định sự tình xảy ra theo như dự đoán,
phương tiện biểu đạt là từ “quả nhiên”. Có một số nhà ngôn ngữ học gọi các
8
thành tố này là quán ngữ tình thái, chức năng của chúng vừa tham gia biểu thị
nội dung tình thái vừa tham gia liên kết văn bản, thường nằm ở đầu văn bản.
Cũng có một số nhà nghiên cứu gọi đây là Đề tình thái, coi các thành tố này
như một loại đề với chức năng biểu thị tình thái. Tuy nhiên, các cách nhìn
nhận này mới chỉ tập trung vào phần tình thái- phần ngữ nghĩa biểu đạt của
các yếu tố này, mà chưa thực sự đi sâu vào vị trí, cấu tạo, vai trò của thành
phần này như một bộ phận thực thụ trong câu. Đề tài đã dựa trên quan điểm

của Nguyễn Văn Hiệp, xử lý các yếu tố trên như một thành phần câu có chức
năng biểu thị tình thái của câu. Chúng tôi gọi đây là Định ngữ tình thái.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng của luận văn là những câu có định ngữ tình thái đứng đầu
câu. Quá trình khảo sát cho thấy định ngữ tình thái trong câu rất phong phú và
đa dạng, do vậy chúng tôi chỉ khoanh vùng khảo sát những trường hợp định
ngữ tình thái phổ biến, được sử dụng thường xuyên. Cơ sở lý thuyết của luận văn
là những quan điểm của trường phái Ngữ pháp chức năng. Chúng tôi chủ trương
nghiên cứu kiểu câu này trên 3 bình diện: Kết học, Nghĩa học và Dụng học.
3. Mục tiêu của luận văn
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy có khá nhiều nhà Việt ngữ
học tìm hiểu, đi sâu vào các định ngữ tình thái. Tuy nhiên, hầu hết các nhà
nghiên cứu mới chỉ tập trung vào khía cạnh nội dung tình thái mà thành tố này
biểu đạt, chưa thực sự làm rõ vai trò, vị trí của thành tố này trên bình diện kết
học cũng như bình diện dụng học. Nói cách khác, họ chưa thực sự coi đây là
một thành phần của câu. Chính vì thế, mục tiêu của luận văn là đi sâu phân tích
và làm rõ những đặc điểm của thành tố này với tư cách là một thành phần câu.
4. Nguồn tư liệu
Tư liệu của chúng tôi được lấy từ hai nguồn: Tư liệu thực tế và các tác
phẩm văn học.
9
- Đây là một thành phần thường gặp trong ngôn ngữ giao tiếp của
người Việt, cho nên nguồn tư liệu đầu tiên mà chúng tôi hướng đến chính là
những cuộc giao tiếp trong thực tế. Nguồn tư liệu này cũng được thu thập từ
nhiều môi trường giao tiếp khác nhau (gia đình, xã hội, trường học, công
sở…), bao quát nhiều mối quan hệ khác nhau giữa những người tham gia giao
tiếp (bố mẹ- con cái, bạn bè, đồng nghiệp, thầy- trò, thủ trưởng- nhân viên…)
để cho thấy toàn cảnh hoạt động của kiểu câu có định ngữ tình thái. Những tư
liệu này được chúng tôi thu thập và ghi lại dưới dạng phiếu.
- Ngoài ra, chúng tôi cũng tiến hành thu thập kiểu câu này trong các tác

phẩm văn học của 4 tác giả: Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng,
và Chu Lai. Mục đích của chúng tôi là muốn đặt kiểu câu này trong nhiều môi
trường hoạt động khác nhau (trong một văn bản, một cuộc thoại….) nhằm
khám phá những biểu hiện đa dạng về cấu trúc, ngữ nghĩa cũng như hiệu quả
giao tiếp mà định ngữ tình thái mang đến cho câu. Tổng số câu mà chúng tôi
thu thập được trong nguồn tư liệu này là 865 câu.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp thực nghiệm: tư liệu được thu thập để xử lí lấy từ các
nguồn trong thực tế, từ những môi trường khác nhau, thể hiện mối quan hệ
của các bên tham gia giao tiếp khác nhau.
- Phương pháp thống kê, phân loại, miêu tả: Các tư liệu thu thập được
từ nhiều nguồn được thống kê đầy đủ trong các bảng biểu, đồng thời được
phân loại theo từng tiêu chí cụ thể.
- Phương pháp phân tích dựa vào ngữ cảnh: Tìm hiểu hoạt động của
kiểu câu trong nhiều kiểu ngữ cảnh giao tiếp khác nhau để thấy được đặc
điểm hoạt động của chúng.
10
Trong quá trình nghiên cứu, một số các thủ pháp khác như cải biến,
thay thế, bổ sung…cũng được sử dụng linh hoạt nhằm làm rõ đặc điểm của
định ngữ tình thái trong câu.
6. Ý nghĩa của luận văn
- Về mặt lí luận: Luận văn này đi theo hướng ngữ pháp chức năng- một
trong những trường phái ngữ pháp ưu tiên, quan tâm đến ngôn ngữ trong hoạt
động hành chức của nó, hiện đang là một trong những trào lưu ngữ pháp trung
tâm của ngôn ngữ học thế giới. Kết quả của luận văn sẽ góp phần củng cố tính
đúng đắn và năng lực giải thích, miêu tả của trường phái ngữ pháp này.
Bằng việc áp dụng lý thuyết ngữ pháp hiện đại để soi vào những ví dụ
cụ thể trong hoạt động giao tiếp của ngôn ngữ, luận văn cũng sẽ góp phần
củng cố lí thuyết ngữ pháp hoặc phát hiện ra những nét mới, khác biệt trong

quy luật hoạt động của lời nói so với quy luật hoạt động của ngôn ngữ. Như
vậy, đây là bước đi đầu tiên, khởi đầu cho việc nghiên cứu của ngữ pháp lời
nói của chúng tôi sau này.
- Về mặt thực tiễn: Việc nghiên cứu Định ngữ tình thái không phải là
một điểm mới mẻ trong Việt ngữ học. Các nhà ngôn ngữ học đã gọi thành tố
này với các tên gọi khác nhau như: Quán ngữ tình thái, Đề tình thái, Phụ ngữ
tình thái…Tuy nhiên, điểm mới của luận văn là sẽ tập trung làm rõ thành tố
này ở đầy đủ 3 bình diện: kết cấu, ngữ nghĩa và dụng học. Cũng trong quá
trình khảo sát và phân tích chúng tôi thấy một số trường hợp có chung một
nội dung tình thái nhưng lại khác nhau về cấp độ. Việc làm rõ những nét khác
biệt này cũng góp phần làm sáng rõ hơn nguyên tắc hoạt động của thành phần
này trong câu và trong giao tiếp. Đồng thời giúp cho các nhà nghiên cứu có
một cái nhìn toàn diện hơn về thành tố này với tư cách là một thành phần câu.
Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng sẽ giúp ích cho việc biên soạn của giáo
11
trình dạy ngữ pháp cho người Việt Nam và cho người nước ngoài theo quan
điểm giao tiếp.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm 4 chương như sau:
Chương 1: Cơ sở lý thuyết. Chương này trình bày những vấn đề có liên
quan để làm cơ sở cho các phân tích trong những chương tiếp theo. Đối với
đề tài của chúng tôi, phần cơ sở lý thuyết quan trọng là vấn đề định ngữ trong
câu khi được nhìn nhận với tư cách là một thành phần câu thực thụ và vấn đề
tình thái, bởi đây là một khái niệm có nhiều cách quan niệm khác nhau, cần
có một quan điểm làm cơ sở.
Chương 2: Khảo sát kiểu câu có Định ngữ tình thái trên bình diện Kết
học. Chương này phân tích câu có chứa định ngữ tình thái trên bình diện kết
học thông qua việc phân chia chúng thành các tiểu loại khác nhau.
Chương 3: Khảo sát kiểu câu có Định ngữ tình thái trên bình diện
Nghĩa học. Mục đích của chương này là tìm hiểu những ý nghĩa tình thái khác

nhau của định ngữ tình thái trên cơ sở nguồn tư liệu thu thập và các trường
hợp cụ thể.
Chương 4: Khảo sát kiểu câu có Định ngữ tình thái trên bình diện dụng
học. Chương này phân tích tầm tác động của định ngữ tình thái trên các bình
diện: trong câu, liên kết văn bản và hiệu quả giao tiếp.







12
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT
1.1. Vấn đề tình thái trong tiếng Việt
1.1.1. Khái niệm chung
Tình thái là một trong những khái niệm được thừa nhận là phức tạp
nhất, gây nhiều tranh cãi nhất của ngôn ngữ học hiện đại. Để biểu thị tình thái
ngôn ngữ có thể sử dụng nhiều phương tiện khác nhau, từ phương tiện ngữ
âm đến phương tiện từ vựng và phương tiện ngữ pháp.
Trong giới ngôn ngữ, Ch.Bally được xem là một trong những người
đầu tiên có công mở đường cho việc nghiên cứu về tình thái ngôn ngữ học
một cách có hệ thống. Ông cho rằng trong một câu nói bao giờ cũng gồm hai
thành phần chính: Nội dung thông tin miêu tả sự tình của thế giới hiện thực và
Thái độ tức cách nhìn nhận, đánh giá của người nói đối với nội dung thông tin
sự kiện đó, với hiện thực và đối với người đối thoại. Thành phần thứ nhất
được Ch.Bally gọi là Dictum (nội dung mệnh đề), thành phần thứ hai được
gọi là Modus (tình thái) thể hiện thái độ, đánh giá của người nói. Hai thành
phần này luôn gắn kết, không tách rời nhau, bổ sung hỗ trợ cho nhau trong
các phát ngôn, cụ thể: thành phần Dictum gắn với chức năng thông tin mệnh

đề, chức năng miêu tả của ngôn ngữ, còn thành phần Modus gắn với bình diện
tâm lý; thể hiện tình cảm, cảm xúc của người nói. Ch.Bally cho rằng tình thái
là linh hồn của câu, tức tình thái là nhân tố quan trọng để thực tại hóa câu,
biến nội dung sự tình trong phát ngôn là khả năng hay hiện thực, khẳng định
hay phủ định, thể hiện mức độ cam kết của người nói đối với độ chân thực
của thông tin cùng những đánh giá, tình cảm, ý chí, mong muốn, mục
đích…của người nói.
Phân tích ví dụ sau:
Huy đã ăn quả chuối trên bàn. (1)
Huy chắc chắn đã ăn quả chuối trên bàn. (2)
13
Huy đã ăn quả chuối trên bàn à? (3)
Có lẽ là Huy đã ăn quả chuối trên bàn. (4)
→ Nội dung sự tình ở đây là: Huy ăn quả chuối trên bàn.
Tuy nhiên, tình thái trong 4 phát ngôn trên khác nhau. Ở phát ngôn thứ
nhất (1): người nói kể lại một sự tình, không bày tỏ thái độ gì. Ở phát ngôn
(2), người nói thể hiện sự khẳng định chắc chắn về sự tình, phương tiện ngôn
ngữ biểu thị tình thái ở đây là từ “chắc chắn”. Ở phát ngôn (3) với tiểu từ tình
thái “à” ở cuối câu, người nói chưa thực sự tin vào sự tình được nói đến. Ở
phát ngôn (4) là giả định của người nói. Sự khác nhau về tình thái trong các
trường hợp trên là do việc sử dụng các phương tiện biểu thị tình thái khác
nhau. Phần sau của luận văn sẽ tiếp tục nói rõ hơn về vấn đề này.
Thực tế, tình thái cũng là một vấn đề được đặt ra trong logic học. Tuy
nhiên, trong logic học, vấn đề tình thái chỉ được quan tâm dưới góc độ ảnh
hưởng như thế nào đến giá trị chân ngụy của mệnh đề. Nói cách khác, tình
thái trong logic học chỉ quan tâm đến mối quan hệ giữa cái được thông báo
với thực tế ở bình diện hiện thực tính và phi hiện thực tính chứ hoàn toàn
không xét đến những nhân tố thuộc mục đích, nhu cầu, ý chí, thái độ, tình
cảm, đánh giá của con người nói chung và của chủ thể cụ thể nói riêng. Chính
vì thế tình thái trong logic được gọi là tình thái khách quan. Trong khi tình

thái logic (hay tình thái khách quan) loại trừ vai trò của người nói thì tình thái
trong ngôn ngữ học lại chú trọng trước tiên đến vai trò của người nói vì không
có một nội dung nhận thức và giao tiếp hiện thực nào lại có thể tách khỏi
những nhân tố như mục đích, nhu cầu, thái độ, đánh giá của người nói đối với
điều được nói ra xét trong quan hệ với hiện thực, đối tượng giao tiếp và các
nhân tố khác của ngữ cảnh giao tiếp. Như đã nói trên đây, chính Ch.Bally là
nhà nghiên cứu đã chỉ ra tính tình thái là linh hồn của phát ngôn, mà nói rộng
ra là của ngôn ngữ trong hoạt động nói chung. Ông đã phân biệt chúng một
14
cách rõ ràng và xem xét chúng như là hai thành phần có vị trí trung tâm của
ngôn ngữ học. Nhờ thế, vấn đề tình thái của ngôn ngữ mới được nhìn nhận
đúng với vị thế của nó. Tiếp sau Ch.Bally, đã có nhiều nhà ngôn ngữ học khác
quan tâm đến vấn đề tình thái của ngôn ngữ, có thể kể đến Fillmore,
Chomsky, Palmer, Austin…
1.1.2. Quan niệm của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam về tình thái
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, vấn đề tình thái cũng được
nhiều nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm.
Theo GS. Hoàng Trọng Phiến: Tình thái là phạm trù ngữ pháp của câu
ở dạng tiềm tàng, nó có mặt trong tất cả các kiểu câu. Điều này thể hiện ở chỗ
câu có giá trị thời sự, có tác dụng thông báo một điều mới mẻ.
Theo GS. Đỗ Hữu Châu: Tình thái bao gồm toàn bộ những ý nghĩa
thuộc phạm vi dụng học và sẽ tập hợp lại thành thông điệp bộc lộ kèm với lõi
của câu.
Theo Hoàng Tuệ: Tình thái là một khái niệm trong sự phân tích theo
cách nhìn tìm đến thái độ của người nói trong hoạt động phát ngôn, tức cũng
là tìm đến tác động ngữ dụng, tác động mà người nói muốn tạo ra ở người
nghe trong thực tiễn hoạt động ngôn ngữ.
Còn theo Nguyễn Văn Hiệp và Lê Đông, khái niệm tình thái trong ngôn
ngữ học được hiểu theo nghĩa rộng và bao gồm các kiểu ý nghĩa khác nhau như:
+ Các ý nghĩa thể hiện mục đích phát ngôn của người nói hay nói theo

lý thuyết hành vi ngôn ngữ, kiểu mục đích tại lời mà người nói thực hiện (hỏi,
ra lệnh, yêu cầu, bác bỏ, khuyên, mời…) gắn trực tiếp với chiều tương tác liên
nhân của giao tiếp, với kiểu tác động của người nói đối với người đối thoại.
+ Các kiểu ý nghĩa khác nhau thể hiện sự đánh giá, thái độ, lập trường
hay cảm xúc của người nói đối với nội dung thông báo, về mức độ quan
15
trọng, về độ tin cậy, xem nó là điều tích cực (mong muốn) hay tiêu cực, bất
ngờ, ngoài chờ đợi, về tính khả năng, tính hiện thực…
+ Ý nghĩa thuộc đối lập giữa khẳng định và phủ định đối với sự tồn tại
của sự tình.
+ Các ý nghĩa phản ánh các đặc trưng khác của phát ngôn và hành động
phát ngôn với ngữ cảnh, theo quan điểm, đánh giá của người nói. Ví dụ: đặc
tính siêu ngôn ngữ, sự đánh giá của người nói về mức độ hiểu biết của người
nghe; thái độ, tình cảm của người nói đối với người nghe, sự đánh giá của
người nói đối với các quan điểm, ý kiến khác…
Những quan điểm trên cho thấy, tình thái cũng là một trong những
phạm trù được các nhà ngôn ngữ học ở Việt Nam quan tâm. Cũng từ đây sự
đa dạng, phức tạp trong cách nhìn nhận về vấn đề này được bộc lộ. Tuy nhiên
các nhà ngôn ngữ học vẫn có một điểm chung khi nhất trí cho rằng tình thái là
một bộ phận quan trọng của câu; một phạm trù ngữ nghĩa phức tạp, phản ánh
những mối quan hệ khác nhau của nội dung thông tin miêu tả trong phát ngôn
với thực tế; cũng như những quan điểm, thái độ đánh giá và những thông tin
định tính khác nhau của người nói đối với nội dung hiện thực được đề cập đến
trong câu, với đối tượng giao tiếp và hoàn cảnh giao tiếp. Do vậy, việc nghiên
cứu tính tình thái của phát ngôn phải tính đến sự tương tác phức tạp, khúc xạ
qua nhiều tầng bậc, trong mối liên hệ của các yếu tố liên quan trong quá trình
giao tiếp.
1.1.3. Phân loại ý nghĩa tình thái
Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến những quan điểm phân loại ý nghĩa
tình thái có liên quan trực tiếp đến đề tài. Cao Xuân Hạo đã phân biệt hai loại

tình thái là tình thái của hành động phát ngôn và tình thái của lời nói phát
ngôn. Tình thái của hành động phát ngôn thuộc về lĩnh vực dụng pháp, phân
biệt các lời nói về phương diện mục tiêu và tác dụng trong giao tiếp bao gồm
16
sự phân biệt giữa các loại câu trần thuật, câu hỏi, câu cầu khiến vốn được ngữ
pháp hóa cho nên đã được ngữ pháp truyền thống miêu tả; những câu có giá
trị ngôn trung được đánh dấu như: câu xác nhận, câu phản bác và câu ngôn
hành. Tình thái của lời phát ngôn thuộc nội dung được truyền đạt hay được
yêu cầu truyền đạt trong câu trần thuật hay câu hỏi, nó có liên quan đến thái
độ của người nói với điều mình nói ra, hoặc đến quan hệ giữa sở đề và sở
thuyết của mệnh đề. Đó là một phần quan trọng của bình diện nghĩa học.
Một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học cũng đã dành khá nhiều tâm sức cho
việc nghiên cứu về tình thái là Nguyễn Văn Hiệp. Ông đã dựa trên sự đối lập
cơ bản giữa tình thái với nội dung mệnh đề để xác lập, phân loại các kiểu ý
nghĩa tình thái. Lý do là thông tin miêu tả nằm ở dạng tiềm năng còn tình thái
là phần định tính cho thông tin miêu tả ấy. Tinh thần chung của Nguyễn Văn
Hiệp khi nói về tình thái là cùng quan điểm với nhà ngôn ngữ học J.Lyons,
nghĩa là quan niệm “tình thái biểu thị quan điểm hoặc thái độ của người nói
đối với mệnh đề mà câu nói biểu thị hoặc cái tình huống mà mệnh đề miêu
tả”. Đây sẽ là phần cơ sở lý thuyết chính của bài, nên chúng tôi đi vào phân
tích khá chi tiết quan điểm của Nguyễn Văn Hiệp về sự phân chia này. Ông
xác lập một số kiểu tình thái dựa trên các đối lập như sau:
+ Đối lập giữa tình thái nhận thức (Epistemic Modality) và tình thái
đạo nghĩa (Deontic Modality)
Tình thái nhận thức: Thể hiện sự đánh giá (hay mức độ cam kết) của cá
nhân người nói đối với tính chân thực của điều được nói đến trong câu, dựa
trên những bằng chứng hoặc cơ sở suy luận nào đó mà người nói có được.
Tình thái đạo nghĩa: Nếu tình thái nhận thức chỉ ra vị thế hiểu biết của
người nói, thể hiện sự xác nhận cũng như những đảm bảo cá nhân của người
nói đối với điều được nói ra thì tình thái đạo nghĩa lại liên quan đến tính hợp

thức về đạo đức hay những ràng buộc xã hội khác đối với hành động do một
17
người nào đó hay chính người nói thực hiện. Trong khuôn khổ tình thái đạo
nghĩa, người nói cho rằng hành động là bắt buộc, bị cấm đoán, được phép hay
được miễn trừ. Qua đó, người nói có thể biểu hiện ý chí, mong ước của mình,
muốn người nghe thực hiện hành động (thể hiện ở các hành động ngôn từ
thuộc nhóm khuyến lệnh) hay tự mình cam kết hành động (thể hiện ở các
hành động ngôn từ thuộc nhóm kết ước).
+ Đối lập giữa tình thái nhận thức (Epistemic Modality) và tình thái căn
bản (Root Modality)
Cơ sở của sự phân biệt này dựa trên quan hệ của chủ thể (được nói đến
trong câu) đối với hành động, tính chất, trạng thái do vị ngữ hạt nhân biểu thị
cũng như các mức độ của tính chất, trạng thái mà chủ thể mang trong bản
thân, xét ở một tình huống cụ thể nào đó.
Tình thái căn bản: Là tình thái của hành động, được chia thành 2 loại là
tình thái đạo nghĩa và tình thái trạng huống. Nếu tình thái đạo nghĩa thuộc
phương diện đạo đức, thể hiện ý chí, ý muốn chủ quan của người nói đối với
việc thực hiện hành động, thì tình thái trạng huống lại mang tính khách quan,
ở chỗ nó có liên quan đến các yếu tố cảnh huống có tính vật lí bên ngoài,
không có sự can thiệp của nhân tố ý chí hay mong muốn của người nói đối
với việc thực hiện hành động.
+ Đối lập giữa tình thái hướng tác thể và tình thái hướng người nói
Tình thái hướng tác thể: Biểu thị những nhân tố có tính điều kiện bên
trong và bên ngoài của tác thể có liên quan đến việc thực hiện hành động.
Loại tình thái này có thể được xem thành các nội dung như sự bắt buộc- sự
cần thiết- năng lực- mong muốn.
Tình thái hướng người nói: Là loại tình thái đặc biệt thường được thấy
trong những phát ngôn thuộc nhóm khuyến lệnh. Loại tình thái này thường
được thấy ở những phát ngôn mà người nói đồng thuận, cho phép người nghe
18

thực hiện hành động. Những loại thuật ngữ thường được dùng để nghiên cứu
loại tình thái hướng người nói là cầu khiến, cấm đoán, mong muốn, cổ súy,
cảnh báo, cho phép.
+ Tình thái của mục đích phát ngôn và tình thái của lời phát ngôn
Tình thái của mục đích phát ngôn: Loại tình thái này bản chất thuộc
phạm vi dụng học, vốn chỉ bộc lộ đầy đủ khi ta xem xét đến tình huống sử
dụng. Nó phản ánh mục đích của người nói khi phát ngôn ra câu nói như:
người nói thông báo, ra lệnh, yêu cầu, hỏi hay xin lỗi …Loại tình thái này còn
gọi là tình thái kiểu câu hay ngôn trung của câu.
Tình thái của lời phát ngôn: thuộc về bình diện nghĩa học, gồm tình thái
của câu và tình thái của cấu trúc vị ngữ hạt nhân. Tình thái của câu cho biết
mức độ cam kết và thái độ của người nói đối với điều được nói ra. Đó là cam
kết về tính xác thực hay không xác thực; giới hạn của tính xác thực, mức độ
của tính xác thực (khả năng hay tất yếu) xét về khía cạnh nhận thức (dựa trên
bằng chứng và suy luận) hay khía cạnh đạo nghĩa (dựa trên những ràng buộc
về quyền, nghĩa vụ và đạo lí….), tính chất tích cực đáng mong muốn hay tính
chất tiêu cực, không đáng mong muốn của điều được nói đến trong câu.
+ Tình thái của cấu trúc vị ngữ hạt nhân phản ánh những dạng thức tồn
tại của quá trình, hành động, trạng thái, tính chất, quan hệ…mà vị ngữ của
câu biểu đạt. Đó là những đặc trưng thường được ngữ pháp truyền thống gọi
là thể như kéo dài/ không kéo dài, bắt đầu/ kết thúc, điểm tính/ không điểm
tính… Nó cũng phản ánh quan hệ của chủ thể được nói đến trong câu với tính
hiện thực, tính khả năng, tính tất yếu của hành động, trạng thái hay tính chất
được nêu ở vị ngữ; chẳng hạn chủ thể có ý định hay mong muốn thực hiện
hành động, mức độ của trạng thái hay tính chất thể hiện ở chủ thể…
+ Những đối lập tình thái mang tính “lập trường” thuộc chủ quan của
người nói
19
Phạm trù tình thái còn bao gồm những đánh giá chủ quan của người nói
đối với điều được nói ra trong câu, xét theo khía cạnh tích cực hay tiêu cực,

đánh giá về lượng, thời điểm…Những nội dung đánh giá này có thể coi chung
là lập trường của người nói.
1.1.4. Các phương tiện biểu thị tình thái
Các phương tiện biểu thị tình thái trong ngôn ngữ tự nhiên cũng rất đa
dạng, có thể chia thành 3 nhóm lớn là: phương tiện ngữ âm, phương tiện ngữ
pháp và phương tiện từ vựng.
- Các phương tiện ngữ âm:
Các phương tiện ngữ âm của tình thái là phương thức dùng ngữ điệu và
trọng âm của từ, của câu để thể hiện thái độ, tình cảm, cách đánh giá vào
những thông tin mà người nói cho là cần nhấn mạnh hoặc biểu thị những mục
đích phát ngôn nào đó.
- Các phương tiện ngữ pháp
Đối với các ngôn ngữ biến hình thì thức (mood) và thời (tense) của
động từ có vai trò quan trọng trong việc biểu đạt các ý nghĩa tình thái. Còn
đối với các ngôn ngữ không biến hình hay ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt
thì các phương tiện ngữ pháp thường gặp là: đảo trật tự từ, thay đổi cấu trúc
của câu để thực hiện mục đích của người nói muốn nhấn mạnh vào điểm nào
trong phát ngôn.
- Các phương tiện từ vựng:
Việc sử dụng các phương tiện từ vựng để thể hiện tình thái là một trong
những phương thức phổ biến và có vai trò tích cực trong việc biểu đạt các ý
nghĩa tình thái. Có thể kể đến một số các phương tiện từ vựng hay sử dụng là:
động từ tình thái; tính từ và trạng từ tình thái; tiểu từ tình thái.
Trong tiếng Việt, các phương tiện dùng để biểu thị ý nghĩa tình thái, đa
phần là tiểu từ tình thái và quán ngữ tình thái.
20
+ Tiểu từ tình thái là những từ chuyên dùng để biểu thị thái độ của
người nói, thường có vị trí ở cuối câu (đối với câu đơn) và ở cuối mỗi vế câu
(đối với câu phức). VD: à, ư, nhỉ, nhé, cơ à, chăng, sao…
+ Quán ngữ tình thái là những tổ hợp từ, những lối nói đã tạo thành

những đơn vị khối hay khuôn cấu trúc tương đối ổn định được người nói dùng
như một công cụ chức năng của những tác tử tình thái tác động vào nội dung
mệnh đề theo một kiểu nào đó. Khái niệm quán ngữ là một khái niệm mà các
nhà từ vựng học chưa thống nhất với nhau về nội dung, tuy nhiên, đặc trưng
nổi bật của chúng là tổ hợp mang tính chất khối ổn định và quen dùng. VD:
nghe nói, nghe đâu, theo ý tôi, gì thì gì, thế nào cũng…
+ Các tổ hợp có nghĩa nhận định hay đặt vấn đề về tính chân xác của sự
tình: có lẽ, có thể, huống chi, huống hồ…
Nhận xét chung:
Trên đây là những nội dung cơ bản về vấn đề tình thái. Đây là một vấn
đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà ngôn ngữ học. Chúng tôi đã
dành một số lượng trang khá dài để trình bày và làm rõ vấn đề này ở tất cả các
mặt: nội dung khái niệm, các kiểu loại tình thái, các phương tiện biểu đạt.
Đây là vấn đề trọng tâm liên quan trực tiếp đến đề tài là tìm hiểu về định ngữ
tình thái- loại định ngữ hoạt động với tư cách là một thành phần phụ của câu.
1.2. Định ngữ câu với tư cách là thành phần biểu thị tình thái
trong câu
1.2.1. Định ngữ và các quan điểm về định ngữ
Trong Việt ngữ học, khái niệm định ngữ với tư cách là thành phần câu
từng một thời được phổ biến trong các sách ngữ pháp nhà trường, dùng để chỉ
yếu tố hạn định của danh từ trong một cấu trúc hạn định. Cương vị của nó
trong mô hình cấu trúc câu được đặt ngang hàng với các thành phần phụ khác
là bổ ngữ và trạng ngữ, đối lập với các thành phần chính là chủ ngữ và vị ngữ.

21
Quan niệm này là sự ứng dụng rập khuôn ngữ pháp nhà trường của các
ngôn ngữ châu Âu vào phân tích câu tiếng Việt. Về sau do chịu ảnh hưởng
của lý thuyết từ tổ, nhận thức được sự khác biệt giữa thành phần của từ tổ và
thành phần của câu, các nhà nghiên cứu đã từ bỏ quan niệm này. Theo đó,
những định ngữ được hiểu theo định nghĩa trên thì chỉ được coi là thành phần

của từ tổ danh từ chứ không phải thành phần câu. Khái niệm định ngữ được
nêu trong đề tài sẽ được hiểu theo hướng mà nhà nghiên cứu Nguyễn Minh
Thuyết nêu ra: “Định ngữ câu là thành tố có quan hệ với cả câu nói chung,
như các thành phần phụ khác nhưng không có những đặc trưng hình thức của
chúng” [Luận án Chủ ngữ trong tiếng Việt- Nguyễn Minh Thuyết]. Tác giả
Panfilov lại quan tâm đến phương diện khả năng tham gia vào cấu trúc phân
đoạn thực tại và vị trí trong mô hình câu. Theo tác giả này “ Định ngữ câu
không thể làm phần chủ đề hoặc phần thuật đề, tức là bao giờ cũng đứng
ngoài sự phân đoạn thực tại câu…Định ngữ câu hoặc đứng ở vị trí đầu câu
hoặc đứng giữa chủ ngữ và vị ngữ, và về mặt ngữ âm thì gắn liền với vị ngữ”.
Một số nhà nghiên cứu khác trong giới Việt ngữ học cũng chú ý đến
thành phần này là Diệp Quang Ban và Cao Xuân Hạo. Diệp Quang Ban gọi
thành phần này là “phụ ngữ của câu”, dùng để biểu thị các ý nghĩa về quan hệ
có liên quan với nội dung phần câu còn lại. Các mối quan hệ này được Diệp
Quang Ban chia ra thành 3 loại chính: quan hệ của hiện thực khách quan với
nội dung câu nói (gọi tắt là quan hệ khách quan); quan hệ của người nói đối
với nội dung câu nói (gọi tắt là ý nghĩa tình thái chủ quan) và quan hệ của
người nói đối với người nghe. Theo 3 mối quan hệ này, Diệp Quang Ban chia
ra 3 loại phụ ngữ là:
+ Phụ ngữ câu có ý nghĩa khách quan: gồm hai tiểu loại là phụ ngữ câu
chỉ quan hệ khẳng định (dùng để xác định sự có mặt của toàn bộ điều được
nêu lên trong phần còn lại vơi tư cách là phần cốt lõi của câu; thường đứng
22
trước nòng cốt câu hoặc có khi cuối câu) và phụ ngữ câu chỉ quan hệ phủ định
(dùng để xác định sự vắng mặt của toàn bộ điều được nêu lên trong phần câu
còn lại với tư cách là phần cốt lõi của câu. Phụ ngữ câu phủ định thường đứng
trước nòng cốt câu; chỉ đứng cuối câu khi phần câu trước nó được nêu lên như
một điều nghi vấn).
+ Phụ ngữ câu có ý nghĩa tình thái chủ quan: thể hiện thái độ của người
nói đối với nội dung của phần còn lại trong câu.

+ Phụ ngữ câu nêu lời gọi đáp- đưa đẩy: Kiểu phụ ngữ này tách riêng ra
thì thành câu đặc biệt, có thể đứng trước hoặc sau nòng cốt câu.
Theo nhiều học giả khác thì cách phân chia này của Diệp Quang Ban
không được rõ ràng khi ông gộp quá nhiều sự thể khác nhau về ý nghĩa vào
một tên gọi. Cũng bàn về thành phần này, Cao Xuân Hạo lại gọi thành phần
này là “Siêu Đề”. Ông đã đứng trên lập trường ngôn ngữ học chức năng và
khảo sát một số yếu tố tình thái làm thành Đề của câu. Theo ông, các yếu tố
này “hoàn toàn đáp ứng với định nghĩa của một phần đề: đó là cái phạm vi
ứng dụng của phần Thuyết tức phần còn lại của câu. Do tính chất siêu ngôn
ngữ của tình thái câu, có thể gọi thứ Đề này là siêu Đề” [Cao Xuân Hạo,
1991, tr176]. Ông dùng “thì- là” như hai tác tử phân giới những yếu tố tình
thái này. Ví dụ:
Nói chung (thì) kết quả cũng khả quan.
Xét cho cùng (thì) lỗi cũng là do mình chủ quan.
Quả nhiên (là) nó đã ăn cắp tiền của tôi.
Dường như (là) ai nấy đều không dự kiến được chuyện này.
Dù được gọi với các tên khác nhau, nhưng có thể thấy 3 đặc điểm chính
của định ngữ với tư cách là thành phần câu là: i) thường đứng ở vị trí đầu câu;
ii) biểu thị các ý nghĩa hạn định về tình thái và cách thức diễn biến của sự
tình, và iii) hoạt động với tư cách là một thành tố trong mô hình cấu trúc câu.
23
Vậy Định ngữ khi được nhìn nhận như một thành phần câu có những
đặc điểm gì?
- Về vị trí: Định ngữ có thể đứng trước nòng cốt câu hoặc chen vào
giữa chủ ngữ và vị ngữ. Mặc dù vị trí của định ngữ có thể được thay đổi linh
hoạt mà không làm ảnh hưởng đến cấu trúc ngữ nghĩa của câu nhưng nó cũng
sẽ liên quan đến sự thay đổi thông tin phân đoạn câu. Theo Nguyễn Văn Hiệp,
“định ngữ câu không tham gia cấu tạo phần chủ đề hay phần thuật đề nhưng nó
có thể có tác dụng đánh dấu, báo hiệu ranh giới của sự phân đoạn này” [Thành
phần câu tiếng Việt, tr 306]. Khi đứng trước nòng cốt câu, định ngữ câu là chỉ tố

cho biết câu có thông báo gộp (còn gọi là thông tin sự kiện) tức là câu chỉ có
phần thuật đề. Còn khi đứng giữa chủ ngữ và vị ngữ, định ngữ câu có thể báo
hiệu ranh giới giữa phần chủ đề và phần thuật đề. Xét ví dụ sau:
Thật u mày quáng nắng nên trông gà hóa cuốc.
Thuật đề
→ Định ngữ đứng trước thuật đề
Nếu thay đổi vị trí, ta có phát ngôn sau:
U mày thật quáng nắng nên trông gà hóa cuốc.
(Chủ đề) Thuật đề
Trong trường hợp này GS Nguyễn Văn Hiệp so sánh định ngữ câu với
tác tử phân giới “thì- là”. Điểm giống nhau là định ngữ câu cũng có chức
năng của một phương tiện chuyên đánh dấu ranh giới phân đoạn thực tại câu
như “thì- là”. Tuy nhiên, nó khác với các thành tố khác ở chỗ định ngữ câu là
một thành phần câu thực thụ, có hình thức có cấu trúc và có nghĩa. Chức năng
đánh dấu phân đoạn thực tại chỉ là chức năng thứ yếu.
- Về mặt nội dung: Định ngữ câu biểu thị 2 loại ý nghĩa là ý nghĩa hạn
định về cách thức và ý nghĩa hạn định về tình thái cho sự tình được biểu đạt
trong câu. Trong đó, loại ý nghĩa hạn định về tình thái được luận văn tập
24
trung làm rõ trong suốt luận văn. Còn ý nghĩa hạn định về cách thức diễn ra
sự tình là thông tin cho biết sự tình được diễn ra như thế nào (nhanh hay
chậm, đột ngột hay không, bất ngờ hay có tiên liệu từ trước. Các định ngữ câu
hạn định cách thức diễn ra sự tình này đều có hàm ý tình thái thực hữu. Vì thế
không thể thêm vào câu những chỉ tố đánh dấu tình thái không thực hữu. Ý
nghĩa hạn định về tình thái là thông tin cho biết sự tình được nêu có tính chân
lý tương đối hay tuyệt đối, là đương nhiên hay không đương nhiên, chắc chắn
hay chỉ là phỏng đoán, là bình thường hay cùng cực, hiện thực hay phi hiện
thực, đáng mong muốn hay không….Các định ngữ hạn định tình thái này là
phương tiện hữu hiệu để người nói tác động vào nội dung mệnh đề, nhằm
thực hiện chiến lược giao tiếp nhất định.

Ví dụ, xét phát ngôn sau:
-“Thật tình thì tôi không biết”.
Trong câu này, người nói ngoài việc khẳng định một sự tình thực hữu
(Tôi không biết) thì còn đánh tan nhận định đối lập của người nghe, từ đó tạo
ra hiệu quả mượn lời khiến người nghe tin vào điều khẳng định của mình.
1.2.2. Phân biệt định ngữ câu với các thành tố khác trong câu
1.2.2.1. Phân biệt định ngữ câu với các yếu tố có tác dụng liên kết
văn bản
Xét các ví dụ sau:
Thế mà nó đã làm được gì để đền đáp công ơn bố mẹ?
Rồi bà Nghị nhổ toẹt miếng bã trầu xuống đất.
Những yếu tố này cũng như định ngữ câu có thể bị lược bỏ mà không
làm ảnh hưởng đến tính trọn vẹn của câu. Nhưng các thành tố này lại khác với
các định ngữ câu vì quan hệ của nó với nòng cốt là quan hệ “cận cú pháp”
[theo V.S. Panfilov]. Những yếu tố này có chức năng liên kết câu chứa chúng
với các câu khác trong văn bản và ở phương diện nào đó, có thể làm chính
25
xác thêm quan hệ ngữ nghĩa giữa các câu (các phát ngôn) cụ thể với ngữ cảnh
và với những câu đi trước. Cũng đồng quan điểm với Panfilov, nhà nghiên
cứu Cao Xuân Hạo làm rõ hơn vấn đề này: “tất cả các quan hệ ngữ pháp có
thể có được đều chỉ có trong phạm vi câu. Trong những ngôn từ hay văn bản
gồm hai câu trở lên, giữa câu này với câu kia có thể có mối quan hệ về đề tài,
về ý tứ nhưng không thể có những mối quan hệ ngữ pháp” [Cao Xuân Hạo
1991, tr12] Những yếu tố liên kết thuộc cấu trúc bậc trên câu không bổ sung ý
nghĩa cho nòng cốt câu mà chỉ biểu thị những quan hệ về đề tài và ý tứ giữa
các câu với nhau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định chúng có thể
có hàm ý tình thái.
Ví dụ: Tôi đã hy sinh tất cả vì anh. Thế mà anh lại phụ bạc tôi
Ở đây “Thế mà” có tác dụng nối kết, biểu thị ý tương phản giữa hai
câu. Nhưng do câu đi trước biểu thị một sự tình thực hữu nên trong trường

hợp này “thế mà” do biểu thị quan hệ tương phản và có hàm ý tình thái, cho
biết sự tình trong câu chứa nó là một sự tình thực hữu, tương phản với sự tình
của câu đi trước. Cao Xuân Hạo đã chỉ ra điểm quan trọng cần phải phân biệt
định ngữ câu và chỉ tố liên kết văn bản là trong một số trường hợp đặc biệt,
định ngữ câu cũng có tác dụng liên kết văn bản nhờ vào những tiền giả định
ngữ nghĩa của mình.
Ví dụ:
“Nhìn rõ những cái hèn, cái yếu của lòng mình, y sinh dễ dãi trong việc
xét người và hơi bi quan về người. Ờ, nghĩ cho cùng, thì Oanh có quả thật là
người đáng chê trách đến thế không. Oanh nhỏ nhen, ích kỷ, tham lam vì
những cái đó âu cũng là bản tính của loài người. Ít ra đó là những tật chung
của loài người như ta đang hiện thấy quanh ta” (Sống mòn- Nam Cao)

×