Tải bản đầy đủ (.doc) (24 trang)

SKKN Áp dụng kỹ thuật brainstorming trong các tiết dạy Tiếng Anh cho học sinh THPT

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (218.05 KB, 24 trang )

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
ĐỀ TÀI:
“ÁP DỤNG KỸ THUẬT “BRAINSTORMING” TRONG CÁC TIẾT
DẠY TIẾNG ANH CHO HỌC SINH THPT”
I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Xã hội càng ngày càng phát triển. Do đó, nhu cầu giao tiếp, học tập, nghiên cứu…
không ngừng tăng lên. Điều đó đồng nghĩa với việc con người không thể chỉ biết và sử
dụng một ngôn ngữ nhất định (tiếng mẹ đẻ). Việc học tập và sở hữu thêm một ngoại ngữ
nào đó - đặc biệt là tiếng Anh, một phương tiện giao tiếp quốc tế hữu hiệu - dần trở thành
một nhu cầu thiết yếu. Vì vậy, dạy và học tiếng Anh tại trường phổ thông là một tất yếu
để đưa con người dần tiến đến cái đích của sự giao tiếp quốc tế đa phương diện.
Như một xu hướng phát triển tất yếu, Giáo dục cũng phải có nhiều thay đổi để phù
hợp với những yêu cầu mới của xã hội hiện đại. Tiếng Anh đã trở thành một môn học bắt
buộc trong hệ thống Giáo dục quốc dân ở Việt Nam. Cũng như bất kỳ một môn học nào
khác, cộng thêm những yếu tố mang tính chất đặc thù bộ môn, việc dạy và học tiếng Anh
đòi hỏi những phương pháp, phương tiện dạy học phù hợp và thường xuyên được đổi
mới. Hướng đổi mới là giảng dạy đạt hiệu quả và chất lượng, lấy người học làm trung
tâm. Để một giờ học Ngoại Ngữ đạt kết quả, giáo viên phải tìm ra những phương pháp
dạy học phù hợp, những hỗ trợ thích hợp từ phương tiện dạy học, phù hợp với từng tiết
dạy, từng đối tượng học sinh và đặc biệt là thật hứng thú. Điều này có nghĩa là, trong
khoảng thời gian cho phép của một tiết dạy vấn đề mà giáo viên cần quan tâm không phải
là mình đã làm được những gì mà là học sinh có tâm trạng, tâm thế, thái độ như thế nào
đối với các hoạt động mà giáo viên tổ chức và mức độ tham gia của từng đối tượng học
sinh vào hoạt động đó.
Với thực tế giảng dạy tại trường, đa phần học sinh có vốn tích lũy về kiến thức
ngôn ngữ tiếng Anh rất ít. Vì vậy nếu giáo viên chỉ giảng dạy theo một cách thức đơn
điệu, lặp lại thì sự buồn tẻ, nhàm chán của không khí tiết học cộng với sự e ngại, rụt rè
của học sinh sẽ khiến cho tư duy của các em dần trở nên ngại và lười hoạt động. Khi giáo
viên đặt học sinh vào những tình huống có vấn đề và yêu cầu các em phải tìm cách giải
quyết chúng, giải quyết độc lập, theo cặp hay theo nhóm, thì buộc học sinh phải suy nghĩ
theo các hướng khác nhau, nhìn nhận vấn đề theo nhiều cách, nhiều khía cạnh và từ đó


tìm ra cách tốt nhất cho vấn đề đó.
Chính vì lý do đó tôi đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng áp dụng kỹ thuật
“brainstorming” trong các tiết dạy tiếng Anh cho học sinh THPT. Việc áp dụng kỹ
thuật này sẽ giúp học sinh làm việc một cách tích cực, tự giác và chủ động, ngoài ra còn
thúc đẩy sự tự tin và sáng tạo của các em, tạo cho các em một thói quen tốt trong học tập
và một kĩ năng trong cuộc sống: biết nhìn nhận một vấn đề nào đó toàn diện hơn.
II. CƠ SỞ LÍ LUẬN
1. Khái niệm “Brainstorming”
Brainstorming (BSM) (Công não/Tấn công não/tập kích não/Động não) là một kỹ
thuật ban đầu được tạo ra để tìm ý tưởng trong làm việc theo nhóm. Kỹ thuật này được
Alex F. Osborn (1888 -1966), một nhà quản trị quảng cáo người Mỹ, đề cập trong cuốn
sách Applied Imagination: Principles and Procedures of Creative Problem Solving.
Trong cuốn sách này ông miêu tả BSM như là một kỹ thuật hội ý bao gồm một nhóm
người nhằm tìm ra lời giải cho vấn đề đặc trưng bằng cách góp nhặt tất cả ý kiến của
nhóm người đó nảy sinh trong cùng một thời gian theo một nguyên tắc nhất định. Đây là
một phương pháp đặc sắc, dùng sơ đồ tư duy (Mind Map) là một công cụ hỗ trợ, để phát
triển nhiều giải pháp sáng tạo cho một vấn đề. Phương pháp này hoạt động bằng cách nêu
các ý tưởng tập trung trên vấn đề, từ đó rút ra rất nhiều giải pháp căn bản cho nó. Các ý
niệm/ hình ảnh về vấn đề trước hết được nêu ra một cách rất phóng khoáng và ngẫu nhiên
theo dòng suy nghĩ càng nhiều, càng đủ càng tốt. Các ý kiến có thể rất rộng và sâu cũng
như không giới hạn bởi các khía cạnh nhỏ nhặt nhất của vấn đề mà những người tham gia
nghĩ tới. Trong BSM thì vấn đề được đào bới từ nhiều khía cạnh và nhiều cách nhìn khác
nhau. Sau cùng các ý kiến sẽ được phân nhóm và đánh giá.

Với đặc điểm như vậy, từ lâu người ta đã sử dụng kỹ thuật này vào trong rất nhiều lĩnh
vực đặc biệt là những lĩnh vực, hoạt động cần sự đột phá, sáng tạo và độc đáo như:
- Phát triển sản phẩm mới
- Quảng cáo
- Giải quyết vấn đề
- Quá trình quản trị

- Quản trị dự án
- Xây dựng nhóm
- Xây dựng kế hoạch kinh doanh
Và dần dần, kỹ thuật này được áp dụng vào quá trình dạy học nhằm mang đến cho học
sinh, sinh viên một cách thức làm việc mới chủ động, sáng tạo, tích cực để giải quyết các
nhiệm vụ và tình huống học tập của bản thân và của tập thể lớp.
2. Cách thức tiến hành BSM.
BSM có thể tiến hành bởi một hay nhiều người. Số lượng người tham gia nhiều sẽ
giúp cho phương pháp tìm ra lời giải được nhanh hơn hay toàn diện hơn nhờ vào nhiều
góc nhìn khác nhau bởi các trình độ, trình tự khác nhau của mỗi người. Theo A. Osborn,
để tiến hành BSM theo nhóm cần có các bước sau:
a. Trong nhóm chọn ra một nhóm trưởng để điều khiển và một người thư ký để ghi lại
tất cả ý kiến (cả hai công việc có thể do cùng một người thực hiện).
b. Xác định vấn đề hay ý kiến sẽ được BSM. Phải làm cho mọi thành viên trong nhóm
hiểu thấu đáo về đề tài sẽ được tìm hiểu.
c. Thiết lập các "luật chơi" cho hoạt động BSM. Chúng nên bao gồm:
• Nhóm trưởng có nhiệm vụ điều khiển buổi làm việc.
• Không một thành viên nào có quyền đòi hỏi hay cản trở, đánh giá, phê bình
hay thêm bớt vào ý kiến, từ vựng nêu ra, hay giải đáp của thành viên khác.
• Cần xác định rằng không có câu trả lời nào là sai.
• Tất cả câu trả lời, các ý, các cụm từ, ngoại trừ nó đã được lặp lại đều sẽ được
thu thập và ghi lại (cách ghi có thể tóm gọn trong một chữ, một từ hay một câu
cho mỗi ý riêng rẽ).
• Vạch định thời gian cho hoạt động và ngưng khi hết giờ.
d. Bắt đầu BSM: Nhóm trưởng chỉ định hay lựa chọn thành viên chia sẻ ý kiến trả lời
(hay những ý niệm rời rạc). Người thư ký phải viết xuống tất cả các câu trả lời, nếu
có thể công khai hóa cho mọi người thấy (viết lên bảng chẳng hạn). Không cho
phép bất kỳ một ý kiến đánh giá hay bình luận nào về bất kỳ câu trả lời nào cho
đến khi chấm dứt hoạt động BSM. Trong suốt quá trình này nhóm trưởng phải là
người biết cách cân bằng hoạt động của tất cả các thành viên trong nhóm sao cho

mỗi người đều có cơ hội đưa ra ý kiến cá nhân của mình, tránh tình trạng một vài
người quá tích cực còn những người khác thì hầu như không có ý kiến gì.
e. Sau khi kết thúc hoạt động, hãy lượt lại tất cả và bắt đầu đánh giá các câu trả lời.
Một số lưu ý về chất lượng câu trả lời, bao gồm:
• Tìm những câu ý trùng lặp hay tương tự để thu gọn lại.
• Góp các câu trả lời có sự tương tự hay tương đồng về nguyên tắc hay nguyên
lí.
• Xóa bỏ những ý kiến hoàn toàn không thích hợp.
• Sau khi đã cô lập được danh sách các ý kiến, hãy bàn luận thêm về câu trả lời
chung.
Với cách thức làm việc như vậy thì dù muốn hay không, dù nhiều ý tưởng hay ít thì
mỗi thành viên đều phải đưa ra ý kiến cá nhân để đóng góp cho vấn đề chung. Và như
vậy nếu học sinh tham gia vào các hoạt động BSM để tìm cách giải quyết các nhiệm vụ
học tập do giáo viên yêu cầu các em sẽ không phải sợ hay e ngại rằng ý kiến của mình sẽ
bị phản bác. Điều đó thúc đẩy sự tự tin của mỗi cá nhân và động viên các em tư duy về
vấn đề, và hình như nó còn tạo ra một sự cạnh tranh ngầm giữa các thành viên trong
nhóm trong việc dành lấy cơ hội để đưa ý tưởng và cũng hi vọng rằng ý tưởng đó sẽ trở
thành lựa chọn chung hợp lí nhất của nhóm.
3. Vai trò của BSM trong việc đổi mới phương pháp dạy học (PPDH)
Luật Giáo dục 2005, điều 28, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới phương pháp
dạy và học theo hướng tích cực. Trong việc đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng
tích cực thì phương pháp học của học sinh là mối quan tâm hàng đầu. Trong suốt 5 năm
qua, chúng ta cũng đã không ngừng đổi mới để hưởng ứng cuộc vận động “xây dựng
trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Mục đích cũng chính là tạo nên một chuyển
biến trong mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh với các hoạt động học tập mà mục tiêu
cuối cùng là tạo ra được sự tích cực và chủ động của học sinh trong quá trình lĩnh hội tri
thức. Trong rất nhiều kỹ thuật dạy học (KTDH) thường dùng, có thể kể đến một số
KTDH phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học như: Kỹ thuật công não
(Brainstorming), kỹ thuật thông tin phản hồi, … Như vậy, BSM (với việc hỗ trợ của sơ
đồ tư duy (Mind Map) chính là một trong những KTDH hiệu quả tạo nên sự chuyển biến

trong tư duy của người học.
Sự chuyển biến về hoạt động học tập trong lớp có thể thể hiện qua sơ đồ sau:
Nhìn vào sơ đồ trên ta dễ dàng nhận thấy sự biến đổi một cách căn bản, có thể nói là sự
đảo chiều, trong vai trò của giáo viên và học sinh đối với các hoạt động trong lớp học.
Nếu như trong PPDH truyền thống, giáo viên là người giữ vai trò chủ đạo, là nền móng
cho mọi hoạt động, hoạt động của giáo viên chiếm phần lớn trong tổng số hoạt động
chung của một tiết học trong lớp thì ở PPDH tích cực, “linh hồn” của các hoạt động trong
lớp chính là học sinh. Các em “dành” lấy và chiếm hữu đa phần hoạt động của lớp học.
Trong PPDH mới này, mối tương quan giữa giáo viên và học sinh có thể được miêu tả
trong sơ đồ sau:
Học sinh
Giáo viên
Giáo viên và học sinh
Giáo viên và học sinh
Giáo viên
Học sinh
Truyền thống Tích cực
Trong sự tương tác này, giáo viên đóng vai trò là người cố vấn, định hướng và tổ
chức các hoạt động học tập còn học sinh mới là chủ thể thực hiện hoạt động bằng cách tự
nghiên cứu, tự tìm hiểu và tự đánh giá, tự điều chỉnh phương pháp học tập của mình. Như
vậy trong trong mối quan hệ tương tác này yếu tố quan trọng nhất chính là sự tự giác của
học sinh.
Định
hướng
Tổ chức
Hỗ trợ, cố
vấn, đánh
giá
Nghiên cứu,
tìm hiểu

Thực hiện
Tự đánh giá,
tự điều chỉnh
Người
dạy
Người
học
Với kỹ thuật BSM, học sinh sẽ tự giác tư duy, chủ động và tích cực hoạt động để
tìm ra các giải pháp cho các nhiệm vụ học tập mà giáo viên đưa ra. Do đó, BSM góp
phần vào việc đổi mới PPDH theo hướng tích cực.
III. THỰC TRẠNG CỦA VIỆC DẠY VÀ HỌC TIẾNG ANH
Tiếng Anh đã là một môn học bắt buộc trong hệ thống giáo dục quốc dân của nước
ta, song vấn đề dạy và học nó vẫn chưa đạt được sự đồng bộ trong hiệu qủa và chất lượng
giữa các vùng miền, khu vực. Đặc biệt sự quan tâm hứng thú đối với môn học này cũng
có sự phân hóa rõ rệt giữa học sinh thành thị và học sinh nông thôn, miền núi, vùng đặc
biệt khó khăn. Sự khác biệt này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Thứ nhất, giáo viên không tự đổi mới PPDH. Chúng ta đề cập nhiều đến việc đổi
mới và tính tất yếu của việc đổi mới PPDH. Đó là dạy học tích cực, lấy người học làm
trung tâm, là chủ thể của hoạt động học tập. Tuy nhiên việc đổi mới đó không thể thực
hiện trong một sớm một chiều nhất là khi PPDH truyền thống ăn sâu tạo nên gốc dễ, tạo
nên lối mòn khó thay đổi. Chúng ta thẳng thắn nhìn nhận rằng đang tồn tại rất nhiều tiết
học tiếng Anh không “warm up”. Đơn giản chỉ là kiểm tra bài cũ, kiểm tra sĩ số học sinh
và ghi tiêu đề bài mới rồi kế tiếp là hàng loạt các hoạt động thuyết trình: thuyết trình về
nghĩa từ vựng, về cách dùng của một cấu trúc ngữ pháp v.v… Các tiết dạy diễn ra tương
tự không phân biệt đối tượng học sinh, không phân biệt nội dung bài học cũng không
quan tâm đến việc phải có sự hỗ trợ của một phương tiện dạy học nào đó cho phù hợp.
Tình trạng đó dẫn đến một không khí hết sức nhàm chán và buồn tẻ. Học sinh không hề
thấy hứng thú, không có yếu tố bất ngờ thu hút các em, không có tình huống có vấn đề để
tác động vào tư duy của các em. Hậu quả là một sự mệt mỏi, uể oải, mất tập trung kéo
dài.

Thứ hai, vốn tích lũy của học sinh về ngôn ngữ tiếng Anh rất ít. Mặc dù học sinh
đã được tiếp cận với môn tiếng Anh ở cấp THCS, tuy nhiên khi bước vào cấp THPT thì
hầu như vốn tích lũy của các em là rất ít, đặc biệt là học sinh vùng nông thôn, miền núi,
vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Điều này một phần xuất phát từ thực tế dạy học ở trên. Khi
học sinh đã cảm thấy không hứng thứ với môn học vì giáo viên không mang đến cho các
em những bất ngờ thú vị từ chính môn học đó thì không nảy sinh nhu cầu tìm hiểu và
khám phá về môn học. Điều này dẫn đến việc các em hết sức e ngại, rụt rè trong các hoạt
động do giáo viên tổ chức trong các tiết học tiếng Anh ở trường THPT. Các em lúng túng
và bối rối khi không thể giải quyết được nhiệm vụ mà giáo viên giao cho do những hạn
chế về mặt kiến thức. Và nếu tiếp tục để tình trạng này tồn tại, thì các tiết học tiếng Anh
sẽ lại trôi qua trong một không khí nặng nề.
Thứ ba, phương tiện dạy học đặc thù còn nhiều thiếu thốn. Một trong những
hướng đổi mới PPDH theo hướng tích cực là áp dụng các phương tiện dạy học (PTDH)
phù hợp với đặc trưng của bộ môn. Sự hỗ trợ của các PTDH mới, phù hợp sẽ làm tăng
hiệu quả và chất lượng của quá trình dạy học. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều trường học các
PTDH tối thiểu cho môn học tiếng Anh như đài catsette, điã CD vẫn còn thiếu, chứ chưa
kể đến hệ thống tranh ảnh minh họa hay mô hình, vật thật, … Điều này ảnh hưởng rất lớn
đến vấn đề đổi mới PPDH và nâng cao hiệu quả của việc dạy và học tiếng Anh.
Thứ tư, học sinh không tự đổi mới phương pháp học. Trải qua một thời gian học
tập ở cấp tiểu học và THCS, học sinh đã tự tìm ra cho mình một phương pháp học nhất
định. Tuy nhiên, không phải phương pháp nào cũng còn phù hợp với các môn học ở cấp
THPT, đặc biệt trong trong tình hình đổi mới PPDH như ngày nay mà mục tiêu là tạo nên
sự chuyển biến, đưa học sinh trở thành chủ thể của mọi hoạt động học tập. Tuy nhiên, do
thói quen hay do những hạn chế nhất định về năng lực học tập, học sinh vẫn giữ những
phương pháp học tập cũ rất thụ động, không tự giác và tích cực. Điều này đã tạo nên một
rào cản khiến học sinh không thể lĩnh hội hết tri thức của môn học. Các em không đủ tự
tin hoặc không tự giác tham gia vào các hoạt động học tập. Điều này khiến cho tiết học
trở nên vô cùng khó khăn và không hiệu quả.
Với tất cả những tồn tại trên, để quá trình dạy - học tiếng Anh đạt hiệu quả thì bản
thân giáo viên phải biết khắc phục tất cả những hạn chế từ phía học sinh và những thiếu

thốn về PTDH, tự đổi mới PPDH của mình, kết hợp với những KTDH mới bên cạnh việc
tận dụng những điều kiện hiện tại nhằm “cách mạng hóa” một giờ học tiếng Anh truyền
thống.
IV. GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIỜ HỌC TIẾNG ANH BẰNG CÁCH
ÁP DỤNG KỸ THUẬT BRAINSTORMING.
Như đã đề cập, BSM là một kỹ thuật dùng sự hỗ trợ của sơ đồ tư duy nhằm tìm ra
các giải pháp cho một vấn đề, và nó thật sự hiệu quả khi làm việc theo nhóm. Làm việc
theo nhóm đã là một hình thức hoạt động mới nhằm đổi mới PPDH mà ở đó giáo viên chỉ
giữ vai trò định hướng, tổ chức và cố vấn còn học sinh mới là chủ thể tích cực, chủ động
tìm ra hướng giải quyết và tự giải quyết vấn đề. BSM sẽ phát huy tinh thần và khả năng
hoạt động nhóm (team work) trong một giờ học tiếng Anh. Sự hợp tác này là không thể
thiếu nếu muốn đạt được mục đích giao tiếp trong quá trình dạy - học Tiếng Anh nói
riêng và ngoại ngữ nói chung. BSM có thể áp dụng trong nhiều khâu của quá trình lên lớp
từ khâu vào bài (warm up), đến quá trình giải quyết các yêu cầu chính của bài học (task);
có thể áp dụng trong các phần từ: Reading, Speaking, Listening, Writing hay Language
Focus. Ở mỗi khâu, mỗi phần, BSM đều đem lại những hiệu quả nhất định và kích thích,
lôi cuốn sự tham gia của tất cả học sinh.
Có thể tiến hành BSM trong lớp học theo các bước sau:
Bước 1: Giáo viên chia học sinh thành các nhóm. Trong quá trình chia nhóm cần
chú ý phân bố đồng đều các đối tượng học sinh vào cùng một nhóm để có sự hỗ trợ lẫn
nhau. Tránh tình trạng nhóm này và nhóm kia có sự chênh lệc quá lớn về năng lực học
tập môn tiếng Anh. Bởi vì nếu điều đó xảy ra sẽ có nhóm học sinh không thể tiến hành
được hoạt động BSM theo mong muốn. Các nhóm tự chọn nhóm trưởng (leader) và thư
ký (secretary). Trong một số hoạt động hay nhiệm vụ nhất định giáo viên có thể làm đồng
thời hai vai trò này. Khi đó nhóm lớn nhất chính là tập thể lớp học sinh và công cụ hỗ trợ
lúc này có thể là bảng viết.
Bước 2: Giao vấn đề cần BSM cho các nhóm. Ở bước này, giáo viên cần phải làm
cho học sinh hiểu rõ yêu cầu và nhiệm vụ mà họ phải hoàn thành. Có thể giao một chủ đề
cho tất cả các nhóm để cuối cùng có sự tổng hợp chung và so sánh hiệu quả công việc
của các nhóm hoặc mỗi nhóm một vấn đề cần giải quyết độc lập.

Bước 3: Tiến hành hoạt động BSM. Nhóm trưởng sẽ điều khiển các thành viên
trong nhóm BSM, tức là yêu cầu tất cả các thành viên đều phải có ý tưởng hay ý kiến về
vấn đề và thư ký có nhiệm vụ ghi chép tất cả (ngoại trừ những ý kiến trùng lặp). Trong
một số trường hợp có thể chấp nhận ý kiến được đưa ra bằng tiếng Việt nếu một số học
sinh có hạn chế về năng lực học tập môn tiếng Anh như vốn từ ít. Các thành viên có thể
nói ra ý kiến của mình (speak out) để thư ký ghi chép hoặc viết ra giấy (giấy viết, giấy
take-note, giấy sticker…tùy theo sự chuẩn bị của giáo viên và học sinh) các suy nghĩ của
mình về vấn đề rồi đưa cho thư ký tổng hợp.
Ở bước này, giáo viên là người quan sát tổng quát hoạt động của các nhóm, cung
cấp một vài gợi ý hoặc hỗ trợ, hoặc động viên, khích lệ cho một vài đối tượng học sinh
nhất định trong các nhóm.
Trong trường hợp giáo viên giữ đồng thời hai vai trò: vừa là người điều khiển, vừa
là thư ký thì có thể gọi học sinh phát biểu ý kiến, giáo viên viết câu trả lời của học sinh
lên bảng một cách ngẫu nhiên không cần sắp xếp theo thứ tự cụ thể nào, hoặc yêu cầu
học sinh viết ý kiến ra giấy rồi dán lên bảng. Để thu hút và tạo ấn tượng có thể dùng các
giấy sticker, bút nhiều màu sắc.
(Ảnh minh họa)
Bước 4: Phân tích các câu trả lời và tìm ra giải pháp cho vấn đề. Trong bước
này, tất cả các thành viên trong nhóm lượt lại các câu trả lời, không bình luận hay chỉ
trích bất kì phương án nào, đơn giản chỉ là thu gọn những ý trùng lặp, gạt đi những ý
không liên quan đến vấn đề và quyết định chọn những câu trả lời phù hợp nhất.
Có thể tham khảo một vài ví dụ sau đây:
Ví dụ 1: SGK Tiếng Anh lớp 10, unit 12: Music, phần Reading.
Để “warm up” cho tiết học này mỗi giáo viên sẽ có một cách thức khác nhau. Đối
với tôi, tôi đã chọn áp dụng kỹ thuật BSM để tạo nên một không khí thoải mái cho học
sinh trước khi bước vào bài mới với những yêu cầu cụ thể khác nhau.
- (Chưa yêu cầu học sinh mở SGK), tôi viết từ khóa “Music” lên bảng và bắt đầu
chia học sinh thành các nhóm. Yêu cầu mỗi nhóm chọn nhóm trưởng và thư ký.
- Yêu cầu các nhóm phải tìm ra càng nhiều càng tốt các từ vựng hay hoạt động có
liên quan đến chủ đề này trong thời gian 3 phút.

- Các nhóm trưởng tự điều khiển các thành viên trong nhóm tìm từ vựng có liên quan
đến chủ đề “Music”, khuyến khích mọi thành viên, dù đưa ý kiến bằng tiếng Việt.
Các thành viên khác sẽ hỗ trợ tìm từ tiếng Anh tương ứng.
- Yêu cầu các nhóm báo cáo kết quả tìm được và giáo viên sẽ thống kê kết quả của
các nhóm để tạo nên một sơ đồ từ vựng theo chủ đề rộng nhất có thể.
Kết quả của hoạt động BSM được thể hiện trong sơ đồ dưới đây:
Chúng ta có thể thấy một số lượng lớn các từ vựng có liên quan đến chủ đề này còn
có thể được viết tiếp theo các “nhánh”. Như vậy, với kỹ thuật BSM, trong vòng 5-7 phút
“warm up”, các nhóm học sinh đã tìm ra được một số lượng lớn các từ vựng theo chủ đề.
Với hoạt động này, tất cả học sinh đều đã tham gia đóng góp ý kiến, dù bằng tiếng Anh
hay tiếng Việt, kể cả những học sinh có những hạn chế nhất định trong năng lực học tập.
Điều quan trọng và cần quan tâm nhất chính là các em đã có ý kiến riêng, nó là kết quả
của quá trình tự giác và chủ động tư duy, tự phá bỏ những rào cản của sự tự ti, rụt rè do
rock
Music
Types Instruments
Performance
When to play
Pop
Folk music
Concert
Live show
Party
Sport
events
Wedding
The piano
The guitar
những hạn chế của bản thân để tham gia vào hoạt động chung. Và các em bị lôi cuốn vào
hoạt động. Với một phần mở đầu như vậy thì những yêu cầu mới của bài học sẽ được các

em đón nhận và tìm cách giải quyết trong một tâm trạng thoải mái, tự tin hơn, chủ động
hơn, tích cực hơn và tự giác hơn. Và kết quả dễ thấy là bài học sẽ đạt được những hiệu
quả nhất định.
Ví dụ 2: SGK Tiếng Anh 11, unit 12: The Asian Games, phần Speaking.
Sau khi học xong phần Reading, học sinh đã nắm bắt được những thông tin cơ bản
về đại hội thể thao Châu Á (The Asian Games). Và để các em có cơ hội tìm hiểu thêm
thông tin về sự kiện này, giúp các em có nguồn thông tin phong phú và thú vị để bước
vào bài học Speaking tôi đã kết hợp kỹ thuật BSM với PPDH dự án: yêu cầu học sinh
làm việc theo nhóm tìm hiểu các thông tin liên quan đến các kì đại hội thể thao Châu Á
trước khi tham gia giờ học Speaking. Để hoàn thành được “dự án” này buộc học sinh
phải dùng kỹ thuật BSM để phân tích vấn đề và vạch định xem sẽ phải thu thập những
loại thông tin nào. Với kỹ thuật này, học sinh có thể xây dựng một sơ đồ thông tin về The
Asian Games như sau:
The Asian Games
Games number
Host country (cities, …)
Time (from …to )
Countries took part in
Names of sports
Number of medals (gold, …)
New records
New recordsFamous athletes
Offical songs (singers, names…)
Với sơ đồ trên học sinh đã có được một lượng lớn thông tin hết sức thú vị để phục vụ cho
bài học mới. Học sinh có thể sử dụng bất kì nhóm thông tin nào trong sơ đồ đó để bổ
sung thêm phần hỏi - đáp ở Task 1 theo mẫu hội thoại cho sẵn. Việc thu thập và tìm hiểu
trước thông tin ở nhà bằng kỹ thuật BSM trong PPDH dự án như trên sẽ giúp học sinh
thêm hứng thú với nội dung của bài học mới và tạo được một tâm lí tự tin, sẵn sàng.
Ví dụ 3: SGK Tiếng Anh 12, unit 13: The 22
nd

Sea Games, phần Writing -describing
a sporting event (a footbal match).
Với yêu cầu của bài học là viết một đoạn miêu tả về một trận đấu bóng đá giữa
đội bóng của trường với đội bóng của trường bạn thì trong một lớp, số học sinh có thể
hiểu yêu cầu và thực hiện được yêu cầu là rất ít do học sinh có rất nhiều hạn chế về từ
vựng, ngữ pháp (thì của động từ, cấu trúc câu, cách dùng từ…). Do đó, ở phần Before
you write tôi sẽ tổ chức cho học sinh làm việc theo nhóm và tiến hành hoạt động BSM để
tìm ra càng nhiều càng tốt các ý tưởng có liên quan đến chủ đề viết (và càng chi tiết càng
tốt). Tôi yêu cầu học sinh làm việc theo nhóm 6 người. Mỗi nhóm sẽ phải tự suy nghĩ và
đưa ra các ý sẽ được miêu tả trong bài viết gồm những gì. Với những hướng dẫn về cách
thức từ phía giáo viên, học sinh có thể tiến hành hoạt động BSM với kết quả là một danh
sách được liệt kê cụ thể và chi tiết như sau

- Time (what time, date/ month/ …)
Describing a football match
- Place (in one school’s play ground or in a local studium?)
- Why to have the match (to celebrate which event…)
- Teams took part in (name, number of players, captain, goalkeeper, clothes, colours
of clothes, etc…)
- Weather conditions (hot/ sunny/ windy/ cool/ or fine…)
- Audiences (number, atmosphere, enthusiasm, attitude before the match and during
the match…)
- How to start the match (which team had the ball)
- How each team played
- Score (who, how, …)
- Final score
- The winner
- The attitude of the players
Ngoài hệ thống thông tin chi tiết trên giáo viên còn gợi ý cho học sinh xác định về thì của
động từ (thì quá khứ đơn), BSM để tìm ra một loạt các động từ có thể được dùng để miêu

tả như: take part in, be, wear, cheer, feel, play, kick, make a goal, jump up,… sắp xếp lại
các ý trên và xếp chúng vào các phần Introduction, Details of the match or conclusion
cho phù hợp. Với những gợi ý trên yêu cầu học sinh bắt đầu bài viết của mình bằng
những câu đơn giản để miêu tả ý và sau đó sử dụng các từ nối và phần useful language
để hoàn thiện bài viết của mình.
Dù mỗi bài viết của mỗi cá nhân học sinh khác nhau về chất lượng do sự khác nhau về
năng lực học tập nhưng điểm chung ở đây là tất cả học sinh khi tham gia vào hoạt động
BSM đều đã tự mình đóng góp ý kiến và đều hình dung được bài viết nên bao gồm những
thông tin gì, những thông tin đó được sắp xếp ra sao. Có nghĩa là học sinh hiểu được yêu
cầu của bài học và biết cách thực hiện yêu cầu đó.
Như vậy, với việc áp dụng kỹ thuật BSM vào trong các khâu của quá trình dạy
học, vào các tiết dạy khác nhau, tôi đã khiến học sinh của mình phải làm việc một cách
chủ động. Các em phải tư duy để đóng góp ý kiến vào hoạt động dù đôi lúc còn có những
hạn chế nhất định nhưng trên hết các em đã vượt qua được những hạn chế đó để tham gia
vào hoạt động và để hiểu được yêu cầu của bài học. Điều này góp phần làm cho tiết học
thành công.
V. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
1. Kết luận
Với tất cả những gì đã trình bày, có thể nhận thấy hiệu quả rất lớn của kỹ thuật
BSM trong quá trình dạy học tiếng Anh cho học sinh THPT nói riêng và cho nhiều môn
học nói chung.
Thứ nhất: Trong những điều kiện cụ thể về cơ sở vật chất của từng đơn vị và chất
lượng học tập của học sinh đối với môn tiếng Anh thì kỹ thuật này không đòi hỏi quá
nhiều sự chuẩn bị về đồ dùng dạy học hay các thiết bị dạy học phức tạp. Đơn giản chỉ cần
bảng viết, giấy viết, hay vài tập giấy sticker. Cách tiến hành đơn giản không cần phân
biệt không gian, hay băn khoăn về đối tượng tham gia. Và quan trọng nhất là có thể lôi
cuốn và khích lệ những học sinh có những hạn chế về năng lực học tập có thể tham gia vì
trong hoạt động này các em không sợ bị chê bai hay chỉ trích, phê bình. Đơn giản chỉ là
các em có cơ hội đóng góp ý kiến của mình về vấn đề cần được giải quyết. Các câu trả lời
của các em được “chấp nhận vô điều kiện” dù nó được đưa ra bằng tiếng Việt cho một

vấn đề đang được thảo luận bằng tiếng Anh trong một tiết học tiếng Anh. Điều này mang
lại hiệu quả khích lệ rất lớn cho tất cả các học sinh khi tham gia vào các hoạt động. Và
hơn nữa kỹ thuật này còn tạo điều kiện cho học sinh tự do và phóng khoáng trong tư duy
trong vốn tích lũy của mình về từ vựng, về ngữ pháp và những hiểu biết xã hội liên quan
đến môn học. Tất cả những điều đó khiến các em chủ động hơn, tự tin hơn, tích cực hơn
và sẽ sáng tạo hơn trong hoạt động.
Thứ hai: BSM mang lại hiệu quả đối với quá trình học tập nói chung và hình
thành một kỹ năng trong cuộc sống. Nếu các em được tiến hành BSM một cách thường
xuyên, các em sẽ nắm chắc cách thức tiến hành nó và dễ dàng tự áp dụng kỹ thuật này
trong quá trình học tập của bản thân khi giải quyết những yêu cầu hay vấn đề của bất kì
một môn học nào. Và trong cuộc sống sẽ hình thành nên một thói quen, như một kĩ năng
sống, là biết nhìn nhận một vấn đề nào đó theo nhiều cách, nhiều hướng, nhiều khía cạnh
để từ đó tìm ra giải pháp tối ưu.
Thứ ba: Kỹ thuật BSM góp phần rất hiệu quả vào quá trình đổi mới PPDH theo
hướng tích cực. Nếu như mục đích của việc đổi mới chính là tạo nên một sự chuyển biến
trong cách thức lĩnh hội tri thức của học sinh: học sinh là trung tâm, là chủ thể của mọi
hoạt động học tập, chủ động, tích cực và sáng tạo thì kỹ thuật BSM góp phần tạo nên sự
chuyển biến đó. Học sinh được khích lệ và động viên, được tôn trọng mọi ý kiến, và được
tạo các cơ hội như nhau khi tham gia hoạt động BSM. Do vậy, các em phải chủ động và
tích cực nắm bắt cơ hội, tự giác và chủ động trong quá trình tư duy để tìm cách cùng giải
quyết vấn đề.
Như vậy, áp dụng kỹ thuật BSM không chỉ đem lại hiệu quả trong quá trình dạy
học Tiếng Anh mà còn cho quá trình dạy học nói chung.
2. Đề xuất
Để quá trình dạy học tiếng Anh đạt được những hiệu quả như mong muốn và
khắc phục phần nào những hạn chế đang tồn tại, tôi rất mong sẽ có nhiều buổi thảo luận,
hội nghị hay lớp tập huấn được tổ chức để giáo viên tiếng Anh có thêm cơ hội trao đổi và
chia sẻ kinh nghiệm về PPDH, KTDH phù hợp với đặc thù môn học và phát huy được
hiệu quả giảng dạy. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn các cơ sở giáo dục sẽ được trang bị
nhiều hơn những thiết bị dạy học, PTDH hay đồ dùng dạy học đặc trưng, phong phú và

phù hợp với từng bài học. Chúng sẽ góp phần vào việc đổi mới PPDH theo hướng tích
cực để có thể mang lại một hiệu quả cao trong quá trình dạy học và giáo dục.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Osborn, A. F. (1953). Applied Imagination: Principles and Procedures of Creative
Problem Solving. Scribner.
2. Một số website:
- />tao-ra-y-tuong-moi
-
- />- />- />

×