Tải bản đầy đủ (.doc) (92 trang)

Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam của chúa Nguyễn từ thế kỷ XVI – XVIII

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (469.19 KB, 92 trang )

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu riêng của tôi. Các số liệu và kết quả
nghiên cứu trong khóa luận là trung thực. Trong quá trình thực hiện đề tài tôi có kế
thừa và tham khảo tư liệu của các công trình nghiên cứu khoa học trước đây.
Tác giả khóa luận
Lê Thị Thương
LỜI CẢM ƠN

Trước hết, em xin trân trọng cảm ơn thầy giáo TS. Nguyễn Thế Hoàn, người trực
tiếp hướng dẫn, giúp đỡ em về kiến thức và phương pháp để em hoàn thành được khóa
luận tốt nghiệp này.
Em cũng xin trân trọng cảm ơn các thầy cô trong Khoa Khoa học xã hội trường
Đại học Quảng Bình đã hướng dẫn, giảng dạy, cung cấp kiến thức và phương pháp cho
em trong 4 năm học qua. Các thầy cô là những tấm gương về lao động và tận tụy với
học trò mà em sẽ mãi noi theo.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn nhiều bạn trong lớp đã giúp tôi trong việc tìm
kiếm tư liệu và cung cấp cho tôi những tư liệu quan trọng, cần thiết phục vụ cho việc
nghiên cứu đề tài.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới Thư viện trường Đại học Quảng Bình đã giúp tôi
trong quá trình tìm kiếm và mượn tư liệu để phục vụ cho việc nghiên cứu và hoàn
thành đề tài này.
Được sự giúp đỡ của gia đình, thầy cô và bạn bè, cùng với những nỗ lực của bản
thân, em đã hoàn thành khóa luận tốt nghiệp đề tài “Quá trình mở rộng lãnh thổ về
phía Nam của chúa Nguyễn từ thế kỷ XVI – XVIII ”, xin kính trình quý thầy cô trong
Hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp. Do trình độ nghiên cứu và thời gian có hạn, khóa
luận này chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế. Rất mong được sự
góp ý và chỉ dẫn của thầy cô.
Em xin trân trọng cảm ơn.


DANH MỤC NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT DÙNG TRONG KHÓA LUẬN


CTQG Chính trị quốc gia
ĐHKHXH & NV Đại học khoa học xã hội và nhân văn
ĐHQG Đại học quốc gia
HN Hà Nội
NXB Nhà xuất bản
SG Sài Gòn
Tp HCM Thành phố Hồ Chí Minh
tr Trang
VHTT Văn hóa thông tin
THPT Trung học phổ thông
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam, vấn đề mở mang, khai phá đất đai
luôn được coi là một vấn đề quan trọng. Có hiểu được quá trình Nam tiến của dân tộc
Việt Nam đồng thời cũng là lịch sử khai hoang vùng đất phía Nam chúng ta mới biết trân
trọng những thành quả hết sức to lớn mà ông cha ta đạt được trong các thế kỉ trước.
Trong lịch sử Nam tiến của người Việt, thì quá trình mở rộng lãnh thổ cũng như
khai phá đất đai trong thế kỉ XVI, XVII, XVIII dưới thời các chúa Nguyễn chiếm vị trí
hết sức đặc biệt. Với sự cố gắng không ngừng, mà ở các thế kỉ này lãnh thổ nước ta được
mở rộng một cách mạnh mẽ nhất. Đồng thời với quá trình di dân của người Việt đến
những vùng đất mới, hàng ngàn xóm làng trù phú đã được mọc lên biến vùng đất Đàng
Trong trở thành một vùng đất sầm uất. Điều này đã tạo nên sự thay đổi to lớn của Đại
Việt trong suốt mấy thế kỉ, dần kéo trọng tâm văn hoá kinh tế chính trị của cả nước
xuống phía Nam. Những thành tựu đó đã đóng vai trò rất tích cực trong nền văn hoá Việt
Nam.
Việc nghiên cứu đề tài này sẽ giúp thấy rõ thêm quá trình các chúa Nguyễn lập ra
cơ sở cát cứ vững chắc của mình, tạo cơ sở cho các vua triều Nguyễn đầu thế kỷ XIX có
điều kiện phát triển quy mô lãnh thổ và xây dựng chính quyền quốc gia thống nhất. Điều
này sẽ góp phần đánh giá thêm triều Nguyễn sau này về những đóng góp cũng như hạn
chế đối với tiến trình phát triển lịch sử dân tộc nói chung.

Trong quá trình phát triển đất Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã mở mang một vùng
lãnh thổ rộng lớn về phía Nam của đất nước hiện nay. Tuy nhiên, sự nghiệp này của các
chúa Nguyễn vẫn mang nhiều bí ẩn lịch sử, do đó gây nên những ý kiến không thống nhất
thậm chí trái ngược nhau.
Tóm lại, với những lý do nêu trên nên tác giả đã chọn “Quá trình mở rộng lãnh thổ
về phía Nam của chúa Nguyễn từ thế kỷ XVI – XVIII” làm đề tài khóa luận tốt nghiệp của
mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Do vị trí lịch sử và đặc điểm của vùng đất Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn,
nên đã có nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm đến.
Một số sử gia miền Nam trước đây đã có một số công trình nghiên cứu về thời kỳ
này như:
1
Phan Khoang với tác phẩm sử học: “Việt sử xứ Đàng Trong” đây là một công trình
tương đối hoàn chỉnh, trong đó tác giả trình bày lần lượt về lịch sử vùng đất Đàng Trong,
mà trọng tâm lúc này là Thuận Hoá. Các phần sau tác giả trình bày về tổ chức chính
quyền, thuế khoá, phong tục tập quán, giáo dục. Tác giả dành khá nhiều cho quá trình
“Nam tiến của dân tộc”. Đề cập đến công cuộc khẩn hoang và chú trọng đến vùng Nam
Bộ, ở Thuận - Quảng tuy có đề cập song chưa cụ thể.
Tác giả Sơn Nam có tác phẩm: “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” đã trình bày lại
tiến trình lịch sử của miền Nam trong việc mở mang đất đai canh tác, củng cố chính
quyền, xác định biên giới, xây dựng các cơ sở vật chất Tác phẩm đã cung cấp cho người
đọc một cách khái quát quá trình thiên di, sinh cơ lập nghiệp của lưu dân Việt trên vùng
đất mới phía Nam gần ba thế kỷ qua.
Ngày 10/11/2011 Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức hội nghị đánh giá kết quả
nghiên cứu đề án khoa học xã hội cấp nhà nước: Quá trình hình thành và phát triển vùng
đất Nam Bộ do giáo sư Phan Huy Lê làm chủ nhiệm và hội khoa học lịch sử Việt Nam
làm cơ quan chủ trì đề án. Đây là một thành tựu nghiên cứu khoa học xã hội về vùng đất
Nam Bộ có quy mô và tiêu biểu nhất trong gần thế kỷ qua cả về nội dung phong phú lẫn
quan điểm và phương pháp tiếp cận tiên tiến giúp cho tác giả tiếp thu, kế thừa và nghiên

cứu.
Ngoài ra còn có nhiều công trình có liên quan đến vấn đề này cũng đã dược công bố
trên các tạp chí, báo chí trung ương và địa phương.
Tóm lại, nghiên cứu vấn đề này đã có nhiều tác giả quan tâm song do mục đích và
quan điểm của người viết nên các công trình trên chỉ khai thác từng khía cạnh nhỏ hoặc
cả vùng đất Đàng Trong. Trên cơ sở những công trình đó, tác giả đã tiếp thu những kết
quả để làm rõ vấn đề mình quan tâm.
3. Mục đích và nhiêm vụ nghiên cứu.
Góp phần khẳng định giá trị và tầm quan trọng của quá trình mở rộng lãnh thổ về
phía Nam của chúa Nguyễn trong các thế kỷ XVI - XVIII.
Mặt khác nghiên cứu hoàn thành đề tài này trang bị cho tôi thêm về mặt phương
pháp luận và hiểu thêm về “Quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam của chúa Nguyễn
từ thế kỷ XVI - XVIII ”, cũng như làm tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy sau này. Hệ
thống hóa những tài liệu có liên quan đến đề tài, đưa đến cho người đọc một cái nhìn
2
toàn diện và đi sâu làm rõ “Quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam của chúa Nguyễn
từ thế kỷ XVI - XVIII”.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Không gian của khóa luận được giới hạn trong phạm vi một số tỉnh ở phía Nam
như: Quảng Nam, Phú Yên, Đồng Nai, Hà Tiên, Mỹ Tho…Đây là vùng đất được chúa
Nguyễn mở mang, khai phá trong thời gian cầm quyền ở Đàng Trong.
Đề tài tập trung chủ yếu nghiên cứu ba thế kỷ XVI, XVII, XVIII, kể từ khi
Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá năm 1558 đến năm 1774 khi khởi nghĩa Tây Sơn
bùng nổ, lật đổ chúa Nguyễn, đưa Đàng Trong bước vào một giai đoạn lịch sử mới.
Trọng tâm nghiên cứu của khóa luận là tìm hiểu “Quá trình mở rộng lãnh thổ về
phía Nam của chúa Nguyễn từ thế kỷ XVI - XVIII ”.
5. Nguồn tư liệu
Tác giả đã tham khảo tư liệu trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn và "Ô châu
cận lục” của Dương Văn An, "Lam sơn thực lục" của Nguyễn Trãi, "Lịch triều hiến
chương loại chí" của Phan Huy Chú là những nguồn tư liệu gốc rất quý giá về vùng đất

Đàng Trong. Bên cạnh đó, còn có một số sách chuyên khảo như "Lịch sử khẩn hoang
miền Nam" của Sơn Nam, "Việt sử xứ Đàng Trong" của Phan Khoang, "Xứ Đàng Trong
lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII" của LiTana do Nguyễn Nghị dịch.
Ngoài ra, các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài như tác phẩm của các
tác giả Huỳnh Lứa, Trương Minh Đạt… kỷ yếu hội thảo, đề tài khoa học và đặc biệt là
các công trình gần đây của hội Khoa học lịch sử Việt Nam là nguồn tài liệu để chúng tôi
kế thừa, khai thác.
Các tài liệu Internet cũng đã cung cấp cho tác giả những bổ sung kiến thức mà khóa
luận cần cập nhật. Tuy vậy đây được xem là nguồn tài liệu bổ trợ mang tính chất tham
khảo và trong quá trình sử dụng tác giả đã rất thận trọng trong việc trích dẫn và luôn lưu
ý đến việc đối chiếu, so sánh để thẩm định độ chính xác, tin cậy của tư liệu.
6. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
* Phương pháp luận:
Tiến hành nghiên cứu khóa luận trên cơ sở vận dụng quan điểm phương pháp luận
Mác xít-Lênin nít và tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhận thức và nghiên cứu lịch sử.
* Phương pháp nghiên cứu:
3
Đề tài thuộc lĩnh vực khoa học lịch sử, do đó phương pháp nghiên cứu chủ yếu là
phương pháp lịch sử nhằm tái hiện lại những nét chung nhất về lịch sử giai đoạn này.
Bên cạnh đó phương pháp logic cũng được sử dụng để đưa ra những nhận định, đánh giá
mang tính khái quát. Đồng thời là việc sử dụng các phương pháp sưu tầm tư liệu, tiếp thu
và chọn lọc những nguồn sử liệu có liên quan đến đề tài, đối chiếu so sánh giữa các tư
liệu để tìm ra các tư liệu có độ chính xác cao.
7. Đóng góp của khóa luận
- Đề tài trình bày một cách có hệ thống quá trình các chúa Nguyễn từng bước mở rộng,
sát nhập các vùng đất mới vào lãnh thổ của mình, tạo thành một vùng cát cứ vững chắc
của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn, đồng thời là quá trình các cư dân Việt đến khai
phá, làm ăn sinh sống.
- Đóng góp những nguồn tư liệu quý cho việc giảng dạy phần lịch sử Việt Nam từ thế
kỉ XVI đến nửa đầu thế kỉ XVIII, đồng thời việc nghiên cứu đề tài sẽ chỉ rõ được những

thành quả thu được trong quá trình Nam tiến.
- Hệ thống hóa các nguồn tài liệu về vấn đề “Quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam
của chúa Nguyễn từ thế kỷ XVI - XVIII”. Đề tài còn là nguồn tư liệu tham khảo cho cán
bộ, học viên, sinh viên trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy và học tập.
8. Bố cục của khóa luận
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo nội dung chính của khóa luận gồm 2
chương:
Chương I: Nguyễn Hoàng với sự nghiệp khai phá Đàng Trong.
Chương II: Quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam của chúa Nguyễn từ thế
kỷ XVI – XVIII.
4
CHƯƠNG I
NGUYỄN HOÀNG VỚI SỰ NGHIỆP KHAI PHÁ
ĐÀNG TRONG
1.1. Nguyễn Hoàng và con đường về phương Nam
Công cuộc mở cõi, mở rộng lãnh thổ của Đại Việt về phía Nam gắn liền với nhân
vật Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng (1525-1613), là người Gia Miêu, huyện Tống Sơn,
phủ Hà Trung, trấn Thành Hóa (nay thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), là con thứ
hai của Thái sư thượng phụ Hưng quốc công Nguyễn Kim, cháu nội Hữu vệ Điện tiền
tướng quân An Thanh hầu Nguyễn Hoằng Dụ, theo cha trung hưng nhà Lê, từng được
vua Lê Trang Tông phong tước Hạ Khê hầu, sau phong lên Đoan quận công. Nguyễn
Hoàng là một trong những vị tướng lập được nhiều chiến công trong việc đánh bại họ
Mạc. Năm 1545, Nguyễn Kim chết, người con rể của Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm đã
nhanh chóng thâu tóm mọi quyền hành, loại dần những đối thủ muốn tranh giành quyền
lực với mình.
Sau khi nắm được mọi quyền lực, Trịnh Kiểm đã tìm mọi cách để hãm hại hai vị
tướng cũng là hai người con của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng. Sau
khi người anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết hại, Nguyễn Hoàng cảm thấy tính
mạng của mình luôn bị đe dọa. Để phòng thân và chờ cơ hội chống lại Trịnh Kiểm, bề
ngoài Nguyễn Hoàng tỏ ra thần phục, hòa thuận với anh rể, vẫn làm theo những gì Trịnh

Kiểm sai khiến để khỏi bị nghi ngờ; nhưng bên trong ông luôn âm thầm tìm mọi cách để
tạo dựng cơ nghiệp lâu dài cho họ Nguyễn. “Đến khoảng năm Thuận Bình đời vua Lê
Trung Tông do có công, Quận công được tiến phong làm Đoan quận công. Hữu tướng
của triều Lê là Trịnh Kiểm cầm giữ binh quyền, chuyên chế mọi việc. Tả tướng là Lãng
quận công Uông, con trưởng của Triệu tổ bị Trịnh Kiểm hãm hại. Kiểm thấy chúa công
danh ngày càng lớn nên ghét. Chúa cũng biết vậy nên trong lòng áy náy không yên,
ngầm bàn với Nguyễn Ư Dĩ, vờ cáo bịnh, cốt giữ mình cho kín để họ Trịnh không nghi
ngờ gì. Chúa nghe tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm, từng làm đến Thái bảo đã về trí sĩ là người
giỏi về thuật số, liền bí mật sai người tới hỏi. Bỉnh Khiêm nhìn hòn non bộ trước sân mà
ngâm rằng: “Hoành sơn nhất đại, vạn đại dung thân” [26, tr.27].
Sau khi được sứ giả về thuật lại câu nói của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hoàng đã
hiểu được lời mà Bỉnh Khiêm khuyên mình. Cũng trong thời gian này, vùng Thuận Hóa
5
mới được dẹp yên, tuy nhà Lê đã đặt các chức quan để cai trị, nhưng nhân dân ở vùng
này vẫn chưa một lòng, vẫn còn xảy ra nhiều cuộc bạo loạn, chống đối của nhân dân.
Trịnh Kiểm cũng đang lo lắng tìm cách để giải quyết những bất ổn ở Thuận Hóa. Nhân
cơ hội đó Nguyễn Hoàng đã nhờ chị của mình là Ngọc Bảo – vợ Trịnh Kiểm nói với
Trịnh Kiểm cho mình được vào làm Trấn thủ đất Thuận Hóa. Trịnh Kiểm thấy vùng đất
đó hiểm trở xa xôi, và cũng muốn nhờ những dư đảng của họ Mạc để tiêu diệt Nguyễn
Hoàng và muốn loại trừ ông ra khỏi công việc triều đình nên tâu lên vua Lê và đồng ý
cho đi ngay. Vua Lê Anh Tông lên ngôi, Trịnh Kiểm đã dâng biểu xin cho Nguyễn
Hoàng vào làm trấn thủ đất Thuận Hóa : “Thuận Hóa là nơi quan trọng, quân và của do
đấy mà ra, buổi quốc sơ nhờ đấy mà nên nghiệp lớn. Nay lòng dân hãy còn giáo giở,
nhiều kẻ vượt biển theo họ Mạc, sợ có kẻ dẫn giặc về cướp, ví không được tướng tài trấn
thủ vỗ yên thì không thể xong. Đoan quận công là con nhà tướng, có tài trí mưu lược, có
thể sai đi trấn chỗ ấy, để cùng với tướng trấn thủ Quảng Nam cùng nhau giúp sức thì
mới để lo đến miền Nam” [26, tr.27]. Vua Lê nghe theo và trao cho Nguyễn Hoàng chức
Trấn thủ Thuận Hóa, ban ấn tín, ủy thác mọi việc và chỉ yêu cầu hàng năm phải nộp đủ
thuế. Đó là những sự kiện xảy ra vào năm 1558.
Lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã củng cố thêm lòng quyết tâm của Nguyễn

Hoàng. Vào nam, một vùng đất rộng còn hoang vu, nhiều điều kiện thuận lợi về con
người, vật lực, tạo điều kiện cho ông gây dựng nghiệp lớn, góp phần mở mang bờ cõi về
phía Nam. Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào nam nhận chức Trấn thủ Thuận Hóa. Theo
ông là những người thân thuộc của dòng họ, những trung thần của nhà Lê. Họ đi vào nam
có lẽ vì mục đích tìm một tương lai sáng sủa ở vùng đất mới chứ không phải như Nguyễn
Hoàng để lẩn tránh một mối nguy hiểm. “Họ là những trung thần của nhà Lê. Một gia
phả ở Quảng Nam ghi nhận ông tổ của họ là một viên chức cao cấp của Lê Duy Tri, anh
em với vua Lê Kính Tông (1600-1619). Khi vua Lê Kính Tông bị chúa Trịnh ép thắt cổ
chết vào năm 1619, Lê Duy Tri và tùy tùng đã tới trốn ở huyện Đông Sơn, Thanh Hóa và
ở xã Thanh Châu, phủ Điện Bàn, Quảng Nam năm 1623. Cũng chính Tiền Biên đã ghi là
một số quan chức cao cấp của nhà Lê bỏ đi về phương Nam năm 1558 với Nguyễn
Hoàng và nhiều gia đình cùng quê với họ Nguyễn ở Thanh Hóa” [17, tr.30]. Ông đã cho
xây dựng dinh ở Ái Tử, huyện Đăng Xương (nay thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng
Trị. Ông đã hết sức quan tâm đến việc vỗ về yên dân, trọng hào kiệt, thực hiện các chính
sách giảm sưu thuế cho nhân dân, tiến hành khai khẩn đất hoang, lập ấp, chăm lo phát
6
triển, nuôi sức dân nhằm tính kế lâu dài. Chính những chính sách đó đã giúp Nguyễn
Hoàng nhanh chóng vỗ về được dân chúng ở vùng đất còn mới mẽ và hoang vu này. Chỉ
sau một thời gian ngắn, vùng đất thường xảy ra các cuộc nổi loạn nay đã được dẹp yên,
cơ nghiệp của họ Nguyễn bắt đầu được xây từ nền móng vững chắc. Sự kiện này cũng
được Quốc sử quán triều Nguyễn chép lại trong Đại Nam thực lục như sau: “Mậu Ngọ,
năm thứ nhất, mùa đông tháng 10, chúa bắt đầu vào trấn thủ Thuận Hóa, 34 tuổi. Những
người bộ khúc đồng hương ở Tống Sơn và những người nghĩa dũng ở xứ Thanh Hoa đều
vui lòng đi theo. Dựng dinh ở xã Ái Tử. Phàm quan lại tam ty do nhà Lê đặt đều theo
lệnh chúa. Chúa vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến
phục, bấy giờ thường xưng là chúa Tiên. Nghiệp đế dựng lên, thực là xây nền từ đấy”
[33, tr.28]. Nhờ vậy mà vùng đất Thuận Hóa trở thành vùng đất hứa cho cư dân Đàng
Ngoài (người nghèo khổ, nạn nhân của chiến tranh…) di cư vào sinh sống liên tục.
Để tránh sự nghi ngờ của Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng vẫn thường xuyên tổ chức
cống nạp đầy đủ hàng năm và ra ngoài Bắc chầu vua Lê. Năm 1569 ông ra Yên Trường

chầu vua Lê, đem theo nhiều khoản cống nộp. Năm 1570, vua Lê và Trịnh Kiểm giao
luôn cho ông chức trấn thủ của Quảng Nam. Năm 1572, tướng nhà Mạc là Mạc Lập Bảo
đem quân đánh Thuận Quảng. Nguyễn Hoàng đã dùng mĩ nhân kế và giết được Mạc Lập
Bảo, đánh tan quân nhà Mạc. Nhờ lập được công lớn trong việc dẹp yên dư đảng của họ
Mạc mà ông được vua Lê ban thưởng và phong thêm chức tước. Năm 1573, vua Lê
phong cho Nguyễn Hoàng lên chức Thái phó, sai ông phải chứa thóc để sẳn ở vùng biên
ải và hàng năm đem nộp về triều đình 400 cân bạc, 500 tấn lụa. Năm 1593, Nguyễn
Hoàng cùng ba con trai đem tướng sĩ, voi, ngựa, thuyền binh về kinh để lạy chào, còn
đem theo sổ sách về binh lương, tiền lụa, vàng bạc, châu báu và kho tàng của cả hai trấn
Thuận Hóa và Quảng Nam về nộp. Hành động đó của Nguyễn Hoàng cho thấy, bề ngoài
ông vẫn rất trung thành với Vua Lê và nộp đủ mọi khoản thuế thu, cống nộp mà vua Lê
yêu cầu. Nhưng thực chất những hành động đó của Nguyễn Hoàng chỉ vì mục đích che
mắt họ Trịnh, với mưu đồ gây dựng cho họ Nguyễn một cơ nghiệp ở phía Nam đủ sức để
đối đầu với họ Trịnh ở Đàng Ngoài. Hành động của ông đã làm cho họ Trịnh ít ngờ vực
hơn, do vậy Trịnh Tùng đã dâng biểu xin phong cho ông làm Tả đô đốc Trung quân phủ,
Thái úy Đoan quốc công. Sau đó sai ông đem quân đi đánh dẹp tàn dư họ của Mạc ở Sơn
Nam và Hải Dương. Lúc bấy giờ Nguyễn Hoàng đang rất nôn nóng để trở về Thuận Hóa,
7
nhưng Trịnh Tùng tìm cách để giam chân ông trên đất Bắc, nên cứ luân chuyển ông đi
đánh giặc hết chổ này tới chổ khác.
Năm 1600, nhân sự việc tướng nhà Mạc là Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn
Khuê ngầm theo kế của ông nổi lên ở Sơn Nam, đánh phá cửa Đại An, Nguyễn Hoàng đã
xin đem quân đi đánh, để lại con trai thứ năm là Nguyễn Hải và cháu nội là Nguyễn Hắc
làm con tin ở lại kinh đô. Trịnh Tùng trước đó đã giao cho Vinh quốc công Hoàng Đình
Ái trấn giữ phía Nam của Sơn Nam,một mặt cũng đề phòng tàn dư của họ Mạc nổi loạn,
mặt khác củng ngấm ngầm giữ không cho Nguyễn Hoàng rút về Thuận Quảng, tưởng sẽ
không có vấn đề gì nên cho Nguyễn Hoàng đem quân đi đánh dẹp. Sau khi được Trịnh
Tùng cho phép, Nguyễn Hoàng đã dẫn quân đi, đến cửa Đại An, ông liền cho đốt hết
doanh trại, xin Phan Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê, nhường cho một số thuyền
bè rồi đem quân lên thuyền rút hết vào Nam.

Trịnh Tùng nghe tin rất tức giận, đã triệu Đình Ái về triều quát mắng thậm tệ,
nhưng sau đó đã viết thư vào nam cho Nguyễn Hoàng, khuyên Nguyễn Hoàng nhận lỗi
và chở thóc lúa, vàng bạc ra Bắc cống nộp, lấy công chuộc tội. Để làm hòa dịu với họ
Trịnh, Nguyễn Hoàng đã gả con gái của mình là công chúa Ngọc Tú cho Trịnh Tráng,
con trai của Trịnh Tùng. Cũng từ đó Nguyễn Hoàng đã không ra chầu ngoài kinh nữa mà
ở luôn lại trong nam, ráo riết xây dựng cơ ngơi ở vùng đất mới như một triều đình riêng
biệt, hàng năm vẫn cho người mang đồ cống nạp ra Bắc. Cùng với việc chấn chỉnh bộ
máy cai trị, tăng cường binh lính, tích trữ lương thảo, Nguyễn Hoàng còn cho xây dựng
nhiều chùa chiền, thực hiện nhiều chính sách giảm tô thuế, khuyến khích khai hoang mở
rộng diện tích sản xuất. Tiềm lực của Đàng Trong ngày càng lớn mạnh, đủ sức để có thể
đối kháng với họ Trịnh ở Đàng Ngoài.
Năm 1613, biết mình đã già yếu, khó sống lâu thêm nữa, ông đã cho triệu người con
thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên, đang làm trấn thủ Quảng Nam về dinh căn dặn: “Đất
Thuận Quảng phía Bắc có núi Hoành Sơn và sông Linh Giang hiểm trở, phía Nam có núi
Hải Vân và Thạch Bi Sơn vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng
võ. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ ngơi
muôn đời, còn nếu thế lực không địch được thì cố giữ vững đất đai chờ cơ hội, chứ đừng
bỏ quên lời dặn của ta” [26, tr.37]. Qua lời dặn của chúa Tiên Nguyễn Hoàng với con
trai Nguyễn Phúc Nguyên, ta cũng nhận thấy được tham vọng của chúa Tiên nuôi chí mở
rộng lãnh thổ để gây dựng cơ nghiệp. Vấn đề là mở rộng về phía nào? Phía Bắc là vùng
8
đất của chính quyền họ Trịnh đang nắm giữ, vùng đất để mở rộng lãnh thổ còn lại chỉ có
thể là phía nam, nơi mà các triều đại trước như Lý, Trần, Hồ, Lê sơ đã hướng về.
Không lâu sau Nguyễn Hoàng mất, thọ 89 tuổi. Ông trấn thủ đất Thuận Quảng 56
năm, xây dựng Thuận Quảng thành cơ ngơi riêng biệt 14 năm, về sau Triều Nguyễn suy
tôn là Thái tổ Gia dụ Hoàng đế, còn dân chúng thường gọi ông bằng cái tên Chúa Tiên.
Tiếp bước những gì mà Nguyễn Hoàng đã gây dựng, con cháu của ông đã tiếp tục
thực hiện chính sách xây dựng một chính quyền tách biệt với chính quyền Lê - Trịnh ở
Đàng Ngoài, xây dựng Đàng Trong như một triều đình riêng của mình. Đồng thời với
việc củng cố chính quyền đã gây dựng, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong còn tích cực thực

hiện chính sách mở rộng lãnh thổ về phía Nam, nhằm củng cố thêm sự vững chắc cho
chính quyền của mình. Lúc này, càng cách xa chính quyền họ Trịnh càng tốt, bởi vậy nhu
cầu về mở rộng lãnh thổ, lấn chiếm đất đai của chính quyền chúa Nguyễn trong cuộc đấu
tranh sinh tồn với họ Trịnh ở Đàng Ngoài trở nên quan trọng. Lãnh thổ trở thành vấn đề
then chốt, cần phải có một chốn dung thân ổn định mới có thể nghĩ tới việc chống đối lại
họ Trịnh. Việc mở rộng lãnh thổ ra hướng Bắc là điều không thể, bởi ở đó họ Trịnh đang
án ngữ. Còn về phía Tây và phía biển thì rất hạn chế. Trong khi đó, ở phía Nam, nước
láng giềng Champa đã ngày một khủng hoảng và suy yếu. Nhưng họ vẫn tổ chức các
cuộc tấn công xâm lấn vào biên giới của Đại Việt, họ vẫn còn nuôi tham vọng giành lại
những vùng đất đã mất vào tay Đại Việt trong những thế kỉ trước. Với nhiệm vụ đang
trấn giữ vùng đất biên cương phía Nam của Đại Việt, các chúa Nguyễn đã ngăn chặn
những hành động quấy phá của Champa, mục đích ban đầu để giữ vững biên cương, chủ
quyền của đất nước, đồng thời cũng xúc tiến hoạt động mở rộng lãnh thổ về phía Nam.
Chính những điều đó là một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy chính quyền
chúa Nguyễn thực hiện cuộc Nam tiến mở rộng lãnh thổ về phía Nam trong các thế kỉ
sau đó.
Thời kỳ các chúa Nguyễn cũng là giai đoạn mà công cuộc mở rộng lãnh thổ về phía
nam được xúc tiến và đẩy mạnh. Đó là một quá trình liên tục. Bằng các hoạt động, quân
sự, ngoại giao, chính quyền Đàng Trong đã từng bước lấn chiếm hết vùng đất còn lại của
Champa và vùng đất của Thủy Chân Lạp ở phía Nam. Điều kiện thuận lợi lúc bấy giờ là
sự khủng hoảng và suy yếu của Champa, họ không đủ thực lực để cản bước tiến của Đại
Việt mở rộng lãnh thổ xuống phía nam nữa. Nhưng quá trình thụ đắc lãnh thổ Champa
của chính quyền chúa Nguyễn cũng gặp không ít gian nan, khi phải thường xuyên chống
9
đối lại các cuộc đấu tranh của người Chăm, những người cũng đang bị dồn vào bước
đường cùng trong cuộc đấu tranh sinh tồn, bảo vệ lãnh thổ cuối cùng của họ.
Nhưng trong bối cảnh, chính quyền chúa Nguyễn cũng đang ở trong tình thế khốn
cùng, vấn đề mở rộng lãnh thổ cùng trở thành vấn đề sống còn cho cuộc đấu tranh sinh
tồn với họ Trịnh ở phía Bắc, buộc họ phải đẩy mạnh các hoạt động di dân, khai phá các
vùng đất ở phía nam. Đi phía sau lực lượng dân cư là chính quyền chúa Nguyễn, các

cuộc xung đột, chiến tranh, quan hệ ngoại giao giữa hai bên diễn ra liên tục trong khoảng
thời gian dài của thế kỷ XVII. Kẻ mạnh hơn đã giành chiến thắng, Champa yếu thế chấp
nhận thất bại, chính quyền chúa Nguyễn thắng lợi và sáp nhập toàn bộ lãnh thổ của
Champa vào lãnh thổ Đàng Trong.
1.2. Hoạt động quân sự, ngoại giao của chính quyền Đàng Trong
Từ thế kỉ XVI, việc mở rộng lãnh thổ về phía Nam của Đại Việt mà trước hết là của
chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong không chỉ là vì bảo vệ chủ quyền biên giới mà
để còn chống lại các cuộc xâm lấn biên cương của Champa nữa. Việc mở rộng lãnh thổ
đã trở thành một nhu cầu cấp thiết của Đàng Trong lúc bấy giờ. Đến lúc này, ở phía nam,
vương quốc Champa ngày càng suy yếu, trong khi chúa Nguyễn muốn gây dựng một cơ
đồ riêng vững chắc của mình, nhu cầu về lãnh thổ, xây dựng sức mạnh để có thể đối địch
lại với họ Trịnh ở Đàng Ngoài luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu.
Hơn nữa, dải đất miền Trung của nước ta lúc bấy giờ không những hẹp mà còn rất
thưa dân. Việc mở mang đất đai và đưa người vào khai khẩn trở thành một nhu cầu bức
thiết của họ Nguyễn để có thể thực hiện lại ý đồ là chống lại họ Trịnh ở Đàng Ngoài.
Trong bối cảnh phải có đất để sinh tồn đó, quan niệm của vua Lê Thánh Tông thuở trước
về giới hạn cương vực đã không còn giá trị nữa. Bởi vậy, chúa Nguyễn không thể chấp
nhận viễn cảnh vừa phải chống đối với họ Trịnh ở Đàng Ngoài lại vừa phải lo đối phó
với nước Champa nhỏ yếu đang trên đường suy vong, nhưng lúc nào cũng muốn đương
đầu với Đại Việt. Nhất là khi họ xây thành trì ở phía nam và luôn muốn chiếm phần lãnh
thổ của nước Hoa Anh. Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa (1558), sau kiêm
luôn chức trấn thủ Quảng Nam (1570). Diện tích hai xứ Thuận Hóa – Quảng Nam đương
thời rộng khoảng 45000 km2. Lúc bấy giờ vùng đất cực Nam của Quảng Nam là huyện
Tuy Viễn, thuộc phủ Hoài Nhân (nay là Tuy Phước, Bình Định), bên kia đèo Cù Mông là
nước Champa. Champa vẫn thường cho quân lính quấy phá vùng biên giới giữa hai nước.
10
Vì muốn giữ yên biên cương, bờ cõi của mình chúa Nguyễn Hoàng đã nhiều lần mang
quân đi đánh dẹp.
Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Lương Văn Chánh cầm quân tiến vào Hoa Anh,
vây đánh và hạ thành An Nghiệp – một trong những kinh thành kiên cố và đồ sộ nhất

trong lịch sử của vương quốc Champa, đẩy họ về biên giới cũ ở phía Nam đèo Cả. Cuộc
tấn công của Lương Văn Chánh và chính quyền họ Nguyễn mới chỉ nhằm thiết lập lại
trật tự cũ như đã có trước đó. Tuy nhiên Lương Văn Chánh (Chính) cũng đã tiến thêm
một bước trong việc đưa dân lưu tán vào khai khẩn miền đất này, rãi rác từ phía nam đèo
Cù Mông đến đồng bằng sông Đà Diễn. Đó chính là cơ sở đầu tiên cho cuộc Nam tiến
đầu tiên của nhân dân Đại Việt vào sâu trong vùng lãnh thổ cũ của vương quốc Champa.
Năm 1602, Nguyễn Hoàng dựng dinh Thanh Chiêm (Quảng Nam) và giao cho
hoàng tử thứ 6 là Nguyễn Phước Nguyên làm trấn thủ dinh Quảng Nam, đây là vùng đất
giàu có, nhiều tiềm lực hơn Thuận Hóa nhiều lần. Nguyễn Phước Nguyên đã nhanh
chóng xây dựng vùng đất này trở thành một vùng quan trọng về kinh tế, chính trị của
Đàng Trong.
Năm 1611, nhân chuyện quân Champa sang cướp phá vùng biên giới và xâm chiếm
vùng đất Hoa Anh, Nguyễn Hoàng đã sai tướng là Nguyễn Phong đem quân đi đánh.
Quân của Champa nhanh chóng bị đánh bại trước sức mạnh quân sự của chính quyền
chúa Nguyễn. Vua của Champa là Po Nit đã phải bỏ vùng đất Hoa Anh rút quân về phía
nam đèo Cả. Đến lúc này chúa Nguyễn mới chiếm được hẳn vùng đất Hoa Anh (đất cũ
của Champa), đặt làm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, hợp thành phủ Phú Yên. Đóng
quân để phòng giữ, Lương Văn Chánh được cử làm tham tướng dinh Trấn Biên, sau đổi
là dinh Phú Yên. Trong Việt sử xứ Đàng Trong, Phan Khoang đã ghi lại sự kiện này như
sau: “Năm Tân Hợi (1611), Thái tổ sai chủ sự là Văn Phong đem quân vào đánh Chiêm
Thành, lấy đất bên kia đèo Cù Mông đến núi Thạch Bi, đặt làm phủ Phú Yên, gồm hai
huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, cho Văn Phong làm Lưu thủ”[13, tr.296]. Đây thực sự là
bước Nam tiến đầu tiên của các chúa Nguyễn.
Năm 1613, chúa Tiên Nguyễn Hoàng mất, hoàng tử thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên
lên nối nghiệp, theo lời dặn của cha tiếp tục xây dựng cơ ngơi để chống đối lại họ Trịnh
ở Đàng Ngoài. Chúa Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635) tính tình hiền hậu như Phật
nên người ta thường gọi là chúa Sãi. Chúa Sãi đã tiến hành cải tổ lại bộ máy hành chính
và cách cai trị ở Đàng Trong.
11
Lãnh thổ được phân chia theo thừa Tuyên hay xứ, phân thành các chính dinh, dinh

ngoài. Dưới dinh là các phủ, huyện. Quan lại làm việc trong các chính dinh hay dinh
ngoài cũng có những tên xưng gọi mới khác với Đàng Ngoài như ty Xá Sai thì có Đô Tri
và Ký lục giữ, ty Tướng Thần Lại thì có Cai bạ giữ, ty Lệnh Sử thì có Nha úy giữ.
Năm 1653, đời chúa Nguyễn Phúc Tần, vua Chăm là Bà Tấm xâm lấn vùng đất Phú
Yên, Nguyễn Phúc Tần đã sai Cai cơ Hùng Lộc đem quân đi đánh. Hùng Lộc đem quân
vượt đèo Hổ Dương núi Thạch Bi, đánh thẳng vào thành của vua Chăm, ban đêm lại cho
quân lính phóng hỏa đốt trại của quân Chăm, đại phá quân Champa. Sau đó thừa thắng
đuổi Bà Tấm phải chạy dài và chiếm được đất tới tận Phan Rang. Bà Tấm sai con là Xác
Bà Ân mang thư đến xin hàng, chấp nhận địa giới mới là sông Phan Rang (sông Cái), từ
sông Phan Rang trở ra thuộc chúa Nguyễn, từ sông Phan Rang trở vào thuộc Champa.
Nguyễn Phúc Tần đã đặt tên cho vùng đất mới là phủ Phú Khang và phủ Diên Ninh, lại
đặt Dinh Thái Khang ( nay gồm tỉnh Khánh Hòa và một phần phía Bắc tỉnh Ninh Thuận)
giao cho Hùng Lộc trấn giữ và bắt vua Chăm hàng năm phải cống nạp. Hai phủ này rộng
trên 5.500 km2 .
Sau sự kiện năm 1653, cương vực lãnh thổ của Champa đã bị thu hẹp lại khá nhiều,
bao gồm từ sông Phan Lang đến khoảng sông Dinh (Hàm Tân), tức đất đai của hai tỉnh
Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay. Người dân Chăm còn lại tập trung sinh sống ở các
vùng đồng bằng sông Lòng Sông (huyện Tuy Phong), sông Phan Rí, sông Phú Hài, sông
Phan Thiết và sông Phố Chiêm (Hàm Tân). Champa từ lúc này đã thực sự suy yếu và
không còn là sự cản trở đường Nam tiến của người Việt và của chúa Nguyễn nữa. Chúa
Nguyễn đã nhanh chóng nắm lấy được quyền kiểm soát ở lưu vực sông Đồng Nai, vốn là
đất sinh cơ lập nghiệp lâu đời của người Chăm, rồi thuộc hẳn vào vương quốc Champa,
nhưng Champa đã không còn đủ thực lực để kiểm soát vùng này kể từ sau sự kiện năm
1471.
Thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), năm Nhâm Thân (1692), vua Chăm là
Bà Tranh đem quân đắp lũy, cướp giết nhân dân phủ Diên Ninh, quân trấn thủ ở dinh
Bình Khương báo lên chúa Nguyễn. Tháng 8, Chúa Hiển Tông đã sai Cai cơ Lê Tài hầu
Nguyễn Hữu Kính làm thống binh, Văn chức Nguyễn Đình Quang làm tham mưu, đem
quân Chánh dinh cùng quân Quảng Nam và Bình Khương đi đánh. Tháng giêng năm sau
(1693), quân Việt đánh bại được quân của Champa, vua Bà Tranh bỏ chạy; quan quân

chúa Nguyễn tiếp tục đuổi bắt và đến tháng ba năm đó thì bắt được Bà Tranh cùng một
12
viên quan là Tả Trà Viên Kế Bá Tử và một người trong hoàng gia Chăm là Nàng Mi Bà
Ân. Chúa Nguyễn Phước Chu bèn sáp nhập nước Chăm vào bản đồ nước mình, đặt làm
một trấn, tên là Thuận Thành, về sau đổi làm phủ Bình Thuận coi hai huyện An Phước và
Hòa Đa, rộng khoảng 11.500 km2. Sự kiện thất bại của vua Bà Tranh năm 1693 trong
cuộc đối đầu với chính quyền họ Nguyễn đã đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng trong
việc mở rộng bờ cõi về phía Nam của chúa Nguyễn. Nước Champa sau 15 thế kỉ tồn tại,
đã không thể đứng vững trên vùng đất của mình nữa mà bị xóa sổ.
Đó là quy luật tất yếu của lịch sử lúc bấy giờ. Nước yếu không thể đứng vững trước
sự tấn công của các nước lớn mạnh thì sẽ bị diệt vong. Lịch sử của các vương quốc cổ
của người Môn cũng là một minh chứng rõ ràng. Dân tộc Chăm cũng không tránh khỏi
được quy luật đó của lịch sử, họ không đứng vững được trước những cuộc tấn công của
các chúa Nguyễn và làn sóng di cư của người Việt. Thất bại buộc họ phải nhận kết cục là
biến lãnh thổ của mình thành một phần lãnh thổ của Đại Việt, dân tộc Chăm sinh sống
hoà lẫn với những di dân người Việt trên vùng đất của mình và dần trở thành một bộ
phận trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Như vậy, với ba chiến thắng lớn đạt được
trên mặt trận quân sự vào các năm 1611, 1653 và 1692, quân đội của chính quyền chúa
Nguyễn đã đánh bại hoàn toàn những nổ lực cuối cùng của người Chăm trong việc bảo
vệ lãnh thổ, quốc gia của mình. Vương quốc Champa đã hoàn toàn thất bại, thất bại của
họ trong cuộc đối đầu với chúa Nguyễn như một tất yếu của lịch sử, và thất bại đó cũng
đồng nghĩa với sự diệt vong của vương quốc Champa, một quốc gia đã tồn tại suốt hơn
15 thế kỉ, đã hình thành và phát triển song hành với Đại Việt. Nhưng cuối cùng đã không
thể đứng vững được bên sự lớn mạnh của Đại Việt. Cùng với sự diệt vong của Champa là
sự mở rộng lãnh thổ của chúa Nguyễn. Lãnh thổ của Đàng Trong lúc này đã bao gồm từ
con sông Gianh giáp Đàng Ngoài cho đến tận lãnh thổ của tỉnh Bình Thuận ngày nay.
Nước Champa, trước đó là Lâm Ấp đã trãi qua hàng ngàn năm quan hệ hòa hiếu với
các triều đại Lý, Trần, đã có lúc liên kết với nhà nước phong kiến Đại Việt đánh bại các
cuộc tấn công của quân Mông Cổ. Mỗi nước đã xây dựng cho mình một nền chính trị
riêng biệt phát triển, có luật pháp. Nhưng chỉ vì hiềm khích, đất nước của một dân tộc

Chăm kiêu hùng đã thường xuyên sang cướp phá vùng đất biên cương của Đại Việt,
khiến cho quan hệ hai nước không mấy khi hòa thuận với nhau. Đã đối địch với nhau thì
sẽ không tránh được quy luật của tạo hóa: kẻ mạnh tồn tại, kẻ yếu bị diệt vong. Bởi vậy
mà kể từ khi vua Lê Thánh Tông thân chinh đem quân đánh Champa, lấy đất Chiêm
13
Động, Cổ Lũy lập nên đạo thừa tuyên Quảng Nam và chia Champa làm 3 tiểu quốc nhỏ,
từ đó trở về sau thế lực của Chiêm Thành ngày một suy, dân tình ngày một đói kém.
Đến thời kỳ các chúa Nguyễn, những gì còn lại của một vương quốc đã tồn tại hàng
ngàn năm đã bị chúa Nguyễn lấy hết. Cả một vương quốc rộng lớn, hùng mạnh thuở nào,
giờ đã trở thành một trấn của Đại Việt, hơn nữa bộ phân dân cư Chăm củng không còn
được mấy ngàn người nữa, trở thành một bộ phận trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam
sau này. Tồn tại trong thời kỳ mà các quốc gia phong kiến đang muốn khẳng định sức
mạnh và vị thế của mình, Champa đã không tránh được cái họa “cá nhỏ bị cá lớn nuốt”.
Trải qua một quảng thời gian trong suốt một thế kỷ, chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã xâm
chiếm và sáp nhập được toàn bộ lãnh thổ của Champa vào lãnh thổ của Đại Việt. Trong
quá trính thực hiện chiếm hết vùng đất còn lại của Champa, các chúa Nguyễn còn thực
hiện các chính sách can thiệp vào Chân Lạp, tạo điều kiện cho lưu dân người Việt tới
sinh sống trên lãnh thổ của Thủy Chân Lạp.
Cũng bằng các hoạt động quân sự, ngoại giao khôn khéo, dựa vào sức mạnh của
mình, các chúa Nguyễn đã từng bước lấn chiếm hết vùng đất của Thủy Chân Lạp ở phía
nam vào lãnh thổ của mình. Hoàn thành quá trình mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam của
nhà nước phong kiến Đại Việt. Vùng đất của Thủy Chân Lạp là vùng đất tương đương
với Vùng Đông Nam Bộ nước ta ngày nay.
Sau khi hoàn thành việc thôn tính toàn bộ lãnh thổ của nước Chiêm Thành, các chúa
Nguyễn tiếp tục tiến hành mở rộng lãnh thổ của mình về phía Nam.
Như đã trình bày ở trên vùng đất Thủy Chân Lạp lúc bấy giờ vẫn là vùng đất hoang
vu, có rất ít dân cư sinh sống. Chính quyền của Chân Lạp cũng không thể đưa dân tới
sinh sống, hay thiết lập chính quyền cai quản ở vùng đất toàn đầm lầy này. Trên bước
đường phát triển thế lực của mình, các chúa Nguyễn đã lần lượt xâm chiếm vùng đất của
Thủy Chân Lạp bằng nhiều con đường khác nhau, có cả việc giành đất bằng quân sự, và

cả việc chiếm đất bằng con đường hòa bình. Mốc sự kiện mở đầu cho cuộc Nam tiến của
các chúa Nguyễn vào lãnh thổ của Thủy Chân Lạp là sự kiện năm 1618. Năm 1620, chúa
Nguyễn Phước Ngyên đã gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chettha II.
Cuộc hôn nhân này đã mở đầu cho giai đoạn sự có mặt của người Việt trên đất Chân Lạp.
Cuộc hôn nhân này cũng giúp cho vua Chân Lạp có chỗ dựa vững chắc trong cuộc chiến
chống lại tham vọng thôn tính của người Xiêm. Sau cuộc hôn nhân này, chính quyền
chúa Nguyễn đã đặt tại kinh đô U Đông một sứ bộ thường trực với lực lượng quân đội rất
14
mạnh. Được sự giúp đỡ và can thiệp của công chúa Ngọc Vạn mà những lưu dân người
Việt có điều kiện thuận lợi đến sinh sống, làm ăn trên vùng đất của Thuỷ Chân Lạp ngày
một đông.
Năm 1623, chúa Nguyễn Phước Nguyên đã cho mở hai đồn thu thuế tại Kas Krobey
(Bến Nghé) và tại Brai Nokor (Sài Gòn – Chợ Lớn). Chúa Nguyễn cũng thiết lập một
đồn binh cử tướng chỉ huy, lấy cớ là để giúp chính quyền Chân Lạp, đồng thời nhằm mục
đích bảo vệ người Việt di cư đến đây làm ăn, buôn bán và khai hoang. Những lưu dân
người Việt di cư vào sinh sống trên vùng đất Thủy Chân Lạp ngày càng đông và được
thoải mái khai hoang, lập ấp. Những lưu dân người Việt sống xen kẽ với người Khmer
bản địa, nhưng do khác nhau về cách làm ăn, sinh hoạt, bởi vậy mà nơi nào người Việt
tới sinh sống thì những người Khmer lại dạt đi nơi khác. Chính điều này đã làm cho
những vùng đất có người Việt sinh sống ngày càng được mở rộng và chịu ảnh hưởng của
chính quyền chúa Nguyễn mạnh mẽ hơn là chịu ảnh hưởng của chính quyền Chân Lạp.
Điều đó hiển nhiên biến những vùng đất của Chân Lạp trở thành đất của người Việt mỗi
khi người Việt đặt chân tới sinh sống. Dù hình thức bề ngoài thì nó vẫn thuộc quyền cai
quản của nước Chân Lạp.
Tháng 9 năm Mậu Tuất (1658), vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân đem quân xâm lấn
biên thùy, chúa Hiền – Nguyễn Phước Tần đã sai phó tướng dinh Trấn Biên là Nguyễn
Phước Yến, Cai đội Xuân Thắng và tham mưu Minh Lộc đem 3000 quân đến thành Mỗi
Xuy (Bà Rịa), đánh bại quân của Nặc Ông Chân, bắt được vua Chân Lạp mang về Quảng
Bình giao nộp cho chúa Nguyễn. Nhưng sau đó chúa Nguyễn đã tha cho Nặc Ông Chân
về, bắt hàng năm phải cống nộp. Đổi lại chính quyền Chân Lạp để cho người Việt được

tự do tới sinh sống trên vùng đất của Chân Lạp. Sự kiện này được Quốc sử quán triều
Nguyễn chép lại trong Đại Nam thực lục như sau: “Tháng 9, vua nước Chân Lạp là Nặc
Ông Chân xâm lấn biên thùy. Dinh Trấn Biên báo lên. Chúa sai Phó tướng Trấn Biên là
Tôn Thất Yến, Cai đội là Xuân Thắng, Tham mưu Minh Lộc đem 3000 quân đến thành
Hưng Phúc đánh phá được, bắt Nặc Ông Chân đưa về. Chúa tha tội cho và sai hộ tống
về nước, khiến làm phiên thần, hàng năm nộp cống” [26, tr.72]. Từ đó người Việt được
đến sinh sống ở Gia Định, Biên Hòa và Bà Rịa ngày càng đông. Ban đầu họ sống xen kẻ
với những cư dân bản địa ở đây, nhưng dần dần những cư dân bản địa hễ thấy người Việt
di cư tới đâu là họ lại tránh xa, lánh đi nơi khác mà không tranh giành gì với những
người Việt. Những vùng đất mà người Việt tới sinh sống đương nhiên trở thành vùng đất
15
mà chỉ có người Việt sinh sống. Nhìn những gì mà lưu dân người Việt đã có được trên
vùng đất của Thuỷ Chân Lạp thật dễ dàng. Nhưng thực chất thì chính quyền của Chân
Lạp đã không có đủ sức và lực lượng để cai quản vùng đất của mình, cũng như đưa dân
cư tới sinh sống, khai hoang tại những vùng đất này. Trong khi đó, ảnh hưởng của chính
quyền chúa Nguyễn trong triều đình của Chân Lạp ngày càng gia tăng. Điều này đã tạo
điều kiện thuận lợi cho những lưu dân người Việt có điều kiện thuận lợi đến sinh sống,
khai hoang, lập xóm làng trên vùng đất mới, hoang vu - Thuỷ Chân Lạp.
Sau khi vua của Chân Lạp là Batom Reachea bị một người trong hoàng tộc giết
chết, Ang Chei (1673-1674), còn được gọi là Nặc Ông Đài lên làm vua. Đây là ông vua
thân với chính quyền của Xiêm. Được sự giúp đỡ của Xiêm, Nặc Ông Đài đã cho đắp chiến
lũy ở thành Nam Vang, làm các bè nỗi, dùng xích sắt nối lại với nhau, sau đó được sự tiếp
sức của Xiêm La đã đem quân xuống chiếm Sài Côn. Sau đó đã cho đắp thêm chiến lũy dài
và kiên cố ở Mỗi Xuy, cho quân đội phòng thủ kiên cố, nhằm ngăn chặn những cuộc tấn
công của chính quyền chúa Nguyễn.
Đầu năm Giáp Dần (1674), chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) sai Cai cơ đạo
Nha Trang thuộc dinh Thái Khương là Nguyễn Dương Lâm làm Thống binh, Tướng thần
lại Thủ hợp là Nguyễn Diên Phái làm Tham mưu, Văn Sùng làm Thị chiến đem quân đi
đánh. Quan quân đi gấp, tháng 3 Nguyễn Diên Phái đến Mỗi Xuy trước, thừa lúc quân
Miên không đề phòng, vào chiếm đồn, binh khí không vấy máu. Qua ba ngày quân Miên

bốn mặt kéo về,vây đồn Nguyễn Diên Phái đóng cửa kiên thủ, không giao chiến. Đến lúc
đại binh Nguyễn Dương Lâm kéo đến, trong ngoài giáp công quân Miên tan rã, tử
thương rất nhiều. Đại binh tiến lên chiếm Sài Côn. Đến tháng 4, quan quân chia ra làm
hai đường thủy, bộ tiến lên phá hai đồn Gò Bích, Nam Vang, thiêu hủy các thuyền nồi,
khóa sắt. Nặc Ông Đài trốn vào rừng, bị người trong đảng giết chết [13, tr.313]. Sau đó
chúa Nguyễn đã đưa Nặc Thu lên làm chánh vương, đóng đô ở U Đông và đưa Nặc Nộn
làm đệ nhị vương đóng đô ở Sài Côn. Uy thế của chúa Nguyễn đã được củng cố vững
chắc ở Chân Lạp, lưu dân người Việt được thoải mái trong di dân, khai hoang ở vùng đất
mới, cũng như mục tiêu bành trướng của chúa Nguyễn ở vùng đất Thủy Chân Lạp cũng
dễ dàng hơn.
Một bước tiến lớn của Chúa Nguyễn trong việc xâm chiếm vùng đất của Thủy Chân
Lạp được xúc tiến mạnh mẽ kể từ khi xuất hiện những người Hoa chạy nạn sau khi nhà
Minh sụp đổ. Đó là sự kiện xảy ra năm 1679, khi các tướng lưu vong của nhà Minh là
16
Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình cùng khoảng 3000
người đến xin thần phục chúa Nguyễn và mong muốn có được một nơi để cư trú, làm ăn
sinh sống. Sự kiện này đã được Đại Nam thực lục tiền biên chép lại như sau: “Kỷ Mùi
(1679), mùa xuân, tháng giêng, tướng cũ nhà Minh là Long Môn tổng binh Dương Ngạn
Địch và phó tướng Hoàng Tiến, Cao Lôi Liêm tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó
tướng Trần An Bình đem hơn 3000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư
Dung và Đà Nẵng, tự trần là bô thần nhà Minh, không chịu là tôi tớ nhà Thanh, nên đến
xin để làm tôi tớ. Bấy giờ bàn bạc rằng phong tục, tiếng nói của họ đều khác nhau, khó
bề sai đúng, nhưng họ bị thế cùng bức bách đến đây thì không nỡ cự tuyệt. Nay đất Đông
Phố nước Chân Lạp thì phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý, chi bằng
lấy sức của họ đến khai khẩn để ở, làm một việc mà lợi ba điều. Chúa theo lời bàn, bèn
sai đặt yến ủy lạo khen thưởng, trao cho quan chức đến ở đất Đông Phố. Lại cáo dụ
nước Chân Lạp rằng như thế có ý không để nước Chân Lạp ra ngoài.
Bọn Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào cửa Lôi Lạp, đến đóng ở Mĩ Tho. Binh
thuyền của Trần Thượng Xuyên và An Bình thì vào cửa Cần Giờ, đến đóng ở Bàn Lăng.
Họ vỡ đất hoang, dựng phố xá. Thuyền buôn của người Thanh và các nước Tây Dương,

Nhật Bản, Chà Và đi lại tấp nập, do đó mà phong hóa Hán thấm dần vào đất Đông Phố”
[26, tr.91].
Việc chúa Nguyễn cho những tướng cũ, lưu vong của nhà Minh đến cư trú, khai phá
trên vùng đất của Chân Lạp cho thấy thế lực của chúa Nguyễn ở Chân Lạp lúc bấy giờ là
rất lớn, và những vùng đất đó dường như đã nằm trong sự kiểm soát của chính quyền
chúa Nguyễn chứ không phải là của Chân Lạp như trong pháp lý nữa. Biểu hiện cụ thể
nhất chính là những vùng đất Chân Lạp vẫn tưởng là của mình, chỉ có những lưu dân
người Việt sinh sống và đã xây dựng được cơ sở vững chắc với hệ thống làng xóm, thôn
ấp. Những nhóm di dân người Hoa này về sau đã góp công lớn vào công cuộc mở rộng
lãnh thổ xuống phía Nam của chính quyền chúa Nguyễn và góp phần quan trọng vào việc
phát triển kinh tế trên vùng đất Nam Bộ.
Năm 1688, phó tướng Hoàng Tiến đã giết chủ tướng của mình là Dương Ngạn
Địch, tự xưng là Phấn Dũng hổ oai tướng quân, thống lĩnh binh sĩ của Long Môn, sau đó
cho quân lính của mình đi cướp bóc nước Chân Lạp và các vùng xung quanh. Vua của
Chân Lạp lúc bấy giờ là Nặc Thu đã bỏ cống nạp và cho quân lính đắp lũy thành ở Gồ
Bích, Cầu Nam, Nam Vang, giăng dây xích ngăn các cửa sông để cố thủ. Chúa Nguyễn
17
đã sai phó tướng dinh Trấn Biên (Phú Yên) là Mai Vạn Long đem quân đi dẹp loạn quân
của Hoàng Tiến và hỏi tội nước Chân Lạp việc bỏ cống nạp, xây thành lũy chống đối.
Chân Lạp sau đó đã chịu nộp cống lại nhưng thất hứa nhiều lần và nộp cống cũng không
đầy đủ như trước nữa. Phó tướng Mai Vạn Long đã không đem quân đánh Chân Lạp nên
bị chúa Nguyễn cử cai cơ Nguyễn Hữu Hào đến thay thế. “Thống binh Nguyễn Hữu Hào
lựa thêm binh ở Phú Yên, Thái Khương Phan Rí, rồi đưa vào Nam, mùa xuân năm sau
Giáp Ngọ (1690) tiến đóng ở Bích Đôi. Tháng 5, chúa sai sứ đến bảo với Nguyễn Hữu
Hào rằng: Nặc Thu nếu muốn chuộc tội thì phải hiến 50 thớt voi đực , 500 lượng vàng,
2000 lượng bạc, 50 tòa tê giác, thì mới rút quân về, nếu không thì phải tiến đánh quân
gấp. Hữu Hòa sai người đến bảo với Nặc Thu. Nặc Thu sai đem 20 thớt voi nhỏ, 100
lượng vàng, 500 lượng bạc đến xin hiến” [13, tr.320]. Các tướng dưới trướng cho rằng
Nặc Thu không chân tình và xin Nguyễn Hữu Hào tiến quân đánh. Nhưng ngặt nổi,
Nguyễn Hữu Hào cũng không tiến quân đánh Chân Lạp. Vua Chân Lạp là Nặc Thu đã

nhiều lần sai Dao Luật đến van xin. Hữu Hào tin lời và cho rằng, mình không mất một
mũi tên cũng khiến được Chân Lạp quy phục nên không tiến quân đánh. Sau đó Nguyễn
Hữu Hào đã bị chúa Nguyễn cách chức, phế làm thứ dân. Mặc dù kết quả không được
như ý muốn, nhưng cuộc dụng binh lần này của chúa Nguyễn cũng đã bắt được Chân
Lạp chịu cống nạp, nhưng lưu dân người Việt đến sinh sống ở vùng đất Sài Gòn, Biên
Hòa, Bà Rịa ngày càng đông.
Khoảng năm 1698, một viên quan của Chân Lạp tên là Êm tiến hành nổi loạn trong
nước, đã nhờ chúa Nguyễn giúp đỡ quân lính và hứa sẽ nhường các tỉnh Prey Kôr (Sài
Gòn), Kâmpeâp Srêkatrey (Biên Hòa), Bà Rịa để đền đáp. Năm 1699, Êm đem quân Việt
theo sông MeKong tiến lên đến Kompong Chnang, nhưng bị đẩy lui, trở về ba tỉnh này,
Êm bị giết. Nhưng nhân đó chúa Hiển Tông đã công khai chiếm đất ấy, đặt quan cai trị”
[6, tr.30-31].
Năm 1698, chúa Nguyễn Phước Chu sai thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam
kinh lược, chia đất Đông Phố, lấy đất xứ Đồng Nai đặt làm huyện Phước Long lập dinh
Trấn Biên; lấy sứ Sài Côn đặt huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn. Ở mỗi dinh đều cho
đặt các chức Lưu thủ, Cai bạ, Ký lục và các cơ, đội, thuyền, thủy, bộ tinh binh và thuộc
binh. Ông lại cho đặt phủ Gia Định để thống thuộc hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn.
Hai dinh này rộng khoảng 30.000 km2. Trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài
Đức cũng chép lại sự kiện này như sau: “Mùa xuân, năm Mậu Dần (1698) đời vua Hiển
18
Tông Hiếu minh hoàng đế sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính
sang kinh lước xứ Cao Miên, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai
làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng
dinh Phiên Trấn mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bộ, và Ký lục để quản trị; Nha thuộc có
hai ty Xá Lại để làm việc; quân binh thì có cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh
để hộ vệ” [7, tr.12].
Đến đây thì những vùng đất mà chúa Nguyễn chính thức đặt chính quyền quản lý
như Gia Định, Biên Hòa và những nơi mà Dương Ngạn Địch đã chiếm được và đang
khai phá ở vùng Mĩ Tho, uy quyền của chúa Nguyễn đã đến được sông Tiền Giang, mặc
dù chưa chính thức. Như vậy đến cuối thế kỉ XVII, lãnh thổ của chúa Nguyễn ở Đàng

Trong đã được mở rộng tới bờ bắc của con sông Tiền Giang, mặc dù là chưa chính thức,
nhưng trên thực tế thì nó đã trở thành một phần lãnh thổ của Đại Việt, bởi chính quyền
của Chân Lạp không đủ sức vươn tới để cai quản vùng này. Hơn nữa, một lý do quan
trọng khác chính là việc trên những vùng đất mà chúa Nguyễn gây ảnh hưởng tới thì
những lưu dân người Việt đã tới sinh sống và ổn định thành các tổ chức làng bản, thôn
xóm. Đó chính là cơ sở vững chắc cho việc duy trì chính quyền của chúa Nguyễn ở vùng
đất mới.
Năm Đinh Sửu (1757), Nặc Nguyên mất, chú họ Nặc Thuận coi quản công việc
trong nước đã xin hiến đất Srok Treang (tức đất Ba Thắc gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu) và
Preah Trapeang (tức Trà Vinh, Bến Tre ngày nay), cầu xin chúa Nguyễn phong làm vua
Chân Lạp. Chúa Võ vương Nguyễn Phước Khoát đã chấp thuận.
Nhưng sau đó không lâu, Nặc Thuận đã bị người con rể là Nặc Hinh giết chết và
cướp ngôi, con của Nặc Thuận là Nặc Tôn phải chạy sang Hà Tiên. Nặc Tôn đã cầu xin
Mạc Thiên Tứ tâu với chúa Nguyễn để được phong làm vua Chân Lạp. Chúa Nguyễn đã
chấp thuận và sai tướng Thống suất ngũ dinh tại Gia Định là Trương Phước Du cùng với
Mạc Thiên Tứ mang quân tiến đánh Nặc Hinh và hộ tống Nặc Tôn về nước. Để tạ ơn,
Nặc Tôn đã xin cắt đất Tầm Phong Long (tức đất An Giang ngày nay) và hai quận Tầm
Độn, Xuy Lạp (thuộc tỉnh Vĩnh Long sau này). Nguyễn Cư Trinh đã cho lập đạo Đông
Khẩu ở Sa Đéc, đạo Tân Châu ở Tiền Giang, đạo Châu Đốc ở Hậu Giang. Như vậy đến
đây thì vùng đất giữa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, và ở phía Đông dọc theo
hữu ngạn sông Hậu Giang đã chính thức thuộc về chúa Nguyễn.
19
Một thời gian sau, Nặc Tôn còn cắt thêm 5 phủ Cần Bột, Vũng Thơm, Chân Rùm,
Sài Mạt, Linh Quỳnh để tạ ơn Mạc Thiên Tứ. Mạc Thiên Tứ sau đó đã đem dâng chúa
Nguyễn, chúa Nguyễn đã cho năm phủ này thuộc trấn Hà Tiên cai quản. Mạc Thiên Tứ
lại xin lập đạo Kiên Giang ở Rạch Giá, đạo Long Xuyên ở Cà Mau, rồi tiến hành di dân,
chiêu tập dân đến sinh sống, lập ấp. Đến đây thì tất cả đất đai bên hữu ngạn con sông
Hậu Giang ra đến biển đều thuộc chính quyền của chúa Nguyễn. Cuộc Nam tiến, mở
rộng lãnh thổ của Đại Việt đã chính thức đến Cà Mau. Hình thể của quốc gia Đại Việt đã
giống như lãnh thổ ngày nay.

Sự kiện năm 1757, đã đặt một mốc son lớn trong lịch sử của nước ta. Đó không phải
là mốc son của chiến thắng quân sự vẻ vang, đó là sự kiện đánh dấu quá trình mở rộng
lãnh thổ về phía Nam của Đại Việt đã hoàn thành. Lãnh thổ của nước ta đã hoàn thiện
gần như ngày nay.
Trong khoảng thời gian 146 năm, kể từ khi Nguyễn Hoàng lập phủ Phú Yên (1611)
tới lúc chúa Võ – Nguyễn Phước Khoát thiết lập hoàn chỉnh nền hành chính trong đồng
bằng sông Cửu Long (1757), chính quyền của các chúa Nguyễn Đàng Trong đã nới rộng
được thêm một diện tích khoảng 300.000 km2. Diện tích này gồm ba phần:
a) 82.000 km2 là diện tích kể từ Phú Yên vào Hà Tiên - nơi đặt phủ huyện theo văn
minh truyền thống và sẽ được lập địa bạ.
b) 55.000 km2 là diện tích địa bàn các bộ lạc Thủy Xá, Hỏa Xá, Nam Bàn, Gia Rai,
Xương Tinh (Stiêng) nơi phải nộp cống chưa chịu thuế, nay là vùng Tây Nguyên.
c) 163.000 km2 là diện tích thuộc quốc Chân Lạp, tức Campuchia, nhận làm phên
dậu và nộp triều cống cho chúa Nguyễn Đàng Trong từ năm 1658.
Như vậy, “ở thời cuối đời các chúa Nguyễn, Đàng Ngoài có diện tích khoảng
155.000 km2 và Đàng Trong rộng khoảng 345.000 km2. Nếu cộng chung lại, Đại Việt
khi ấy rộng khoảng 500.000 km2, gồm cả diện tích địa phận trực trị và địa phận các
phên dậu” [7, tr.30-31]. Với những số liệu này, có thể thấy được công lao của các chúa
Nguyễn đối với sự nghiệp mở mang lãnh thổ của Đại Việt thật vĩ đại. Tiếp tục sự nghiệp
của nhà Lê, các chúa Nguyễn đã mở rộng lãnh thổ vào đến tận Hà Tiên, Cà Mau. Một sự
nghiệp thật to lớn và vĩ đại. Sau khi chiếm được các vùng đất của Thủy Chân Lạp, chính
quyền chúa Nguyễn đã nhanh chóng đưa dân tới sinh sống, khai phá trên vùng đất mới,
thiết lập vững chắc chính quyền cai quản của mình. Công cuộc di dân, khai khẩn đất đai
trên vùng đất mới được chính quyền Đàng Trong xúc tiến nhanh chóng. Những cư dân
20
được chính quyền chúa Nguyễn đưa đi sinh sống trên vùng đất mới đã nhanh chóng hòa
nhập với bộ phận dân cư tới sinh sống trước đó. Đó chính là cơ sở để chính quyền chúa
Nguyễn tiến hành thụ đắc các vùng lãnh thổ của Champa và Thủy Chân Lạp.
21
CHƯƠNG II

QUÁ TRÌNH MỞ RỘNG LÃNH THỔ VỀ PHÍA NAM CỦA
CHÚA NGUYỄN TỪ THẾ KỶ XVI - XVIII
2.1. Chúa Nguyễn và vùng đất Thuận – Quảng
Vùng đất Thuận Hóa, là nơi khởi nghiệp của các chúa Nguyễn, nơi chúa Tiên
Nguyễn Hoàng đã bắt đầu gây dựng cơ đồ cho họ Nguyễn sau này. Những công lao đầu
tiên thuộc về Nguyễn Hoàng. Năm 1558, Nguyễn Hoàng được cử vào làm trấn thủ Thuận
Hóa.Thuận Hóa lúc bấy giờ là vùng đất mới mở mang nhưng dân cư vẫn còn ít và chưa
đáp ứng được nhu cầu khai khẩn, một nhu cầu bức thiết và quan trọng nhất của chúa
Nguyễn lúc bấy giờ. Thuận Hóa vẫn còn trong cảnh hoang vu, chưa được khai thác
nhiều, đời sống dân cư còn nhiều khó khăn. Hơn nữa lúc bấy giờ đây lại đang là nơi mà
những dư đảng của nhà Mạc vẫn còn hoạt động và thường xuyên quấy phá nhân dân,
chống lại chính quyền của vua Lê. Thuận Hóa là một vùng quan trọng ở phía Nam, lại có
nhiều tài nguyên, điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nhưng yếu tố về con người
còn hạn chế. Trước những lời cầu xin của Nguyễn Hoàng, Trịnh Kiểm đã xin vua Lê cho
Nguyễn Hoàng được vào trấn thủ Thuận Hóa với mục đích có thể lợi dụng những dư
đảng họ Mạc để dẹp bỏ được ông. “Thuận Hóa là nơi quan trọng, quân và của do đấy
mà ra, buổi quốc sơ nhờ đấy mà nên nghiệp lớn. Nay lòng dân hãy còn giáo giở, nhiều
kẻ vượt biển theo họ Mạc, sợ có kẻ dẫn giặc về cướp, ví không được tướng tài trấn thủ vỗ
yên thì không thể xong. Đoan quận công là con nhà tướng, có tài trí mưu lược, có thể sai
đi trấn chỗ ấy, để cùng với tướng trấn thủ Quảng Nam cùng nhau giúp sức thì mới để lo đến
miền Nam” [2, tr.92]. Lê Quý Đôn cũng ghi lại sự kiện này trong Phủ biên tạp lục như sau:
“Anh Tông, năm Chính trị thứ 1 (1558), Mậu Ngọ, Thế Tổ Thái vương (Trịnh Kiểm) sai
Đoan quận công Nguyễn Hoàng đem quân bản dinh đi trấn thủ Thuận Hóa để phòng giữ
giặc phía đông, cùng với trấn thủ Quảng Nam Trấn quốc công (Bùi Tá Hán) cứu giúp lẫn
nhau, việc địa phương không cứ lớn nhỏ, quân dân thuế khóa đều giao cho cả. Họ Nguyễn
có đất Thuận Hóa từ đấy” [8, tr.47].
Nhờ đó mà Nguyễn Hoàng được vào Nam làm trấn thủ vùng Thuận Hóa. Không lâu
sau đó ông được kiêm luôn chức trấn thủ Quảng Nam (1570). Sự kiện này cũng được Lê
Quý Đôn chép lại trong Phủ biên tạp lục như sau: “Năm thứ 11(1568), Mậu Thìn, Trấn
thủ Quảng Nam là Trấn quốc công (Bùi Tá Hán) chết, lấy Nguyên quận công Nguyễn Bá

22

×