Tải bản đầy đủ (.doc) (166 trang)

SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (757.61 KB, 166 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

NGUYỄN THỊ HUỆ
SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ
CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO
(QUA 2 TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN)
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC
Hà Nội, 5/ 2013
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

NGUYỄN THỊ HUỆ
SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ
CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO
(QUA 2 TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN)
Chuyên ngành: Ngôn ngữ
Mã số: 60 22 01
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Hữu Đạt
Hà Nội, 5/2013
MỤC LỤC
1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Trong dòng văn học Hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 –
1945, Nam Cao và Nguyễn Công Hoan là hai gương mặt tiêu biểu, hai đại
diện ưu tú. Giữa lúc làng thơ văn Việt Nam đang đua nhau chạy theo thị hiếu
tầm thường của độc giả, đắm chìm trong những câu chuyện tình lãng mạn thì
Nguyễn Công Hoan và Nam Cao cũng như một số cây bút khác đã chọn cho
mình một hướng đi riêng, đem đến cho văn chương đương thời một tiếng nói


mới mẻ, mạnh mẽ về hiện thực đời thường như nó vốn có mà không hề tô vẽ.
Có thể nói, Nguyễn Công Hoan là một trong những gương mặt mở đầu
và cũng là nhà văn ưu tú của trào lưu văn học Hiện thực phê phán. Nói đến
Nguyễn Công Hoan là nói đến một cây bút có sức sáng tạo dồi dào, dẻo dai,
một tài năng xuất chúng. Hơn nửa thế kỉ cầm bút, ông đã để lại một khối
lượng tác phẩm đồ sộ, đa dạng về thể loại, độc đáo về nội dung tư tưởng trong
đó truyện ngắn được coi là lĩnh vực nổi bật nhất, đặc biệt là truyện ngắn trào
phúng. Có thể so sánh Nguyễn Công Hoan với những nhà văn viết truyện
ngắn trào phúng bậc thầy như Guy-dơ Môpatxăng và A.Sêkhôp. Những
truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan có sức hấp dẫn đặc biệt với nhiều thế hệ
và nó vẫn là những “vỉa vàng” đang được tiếp tục khai phá.
Trong trào lưu văn học Hiện thực phê phán, Nam Cao là người đến khá
muộn khi mà Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng đã tạo
dựng được vị trí, chỗ đứng vững chắc với những tác phẩm xuất sắc. Tuy
nhiên, Nam Cao không bị mờ nhạt bởi những bóng dáng lớn mà ông vẫn
khẳng định được vị trí của mình, góp phần đưa trào lưu văn học Hiện thực
phê phán phát triển tới đỉnh cao. Với 15 năm cầm bút, Nam Cao đã để lại một
số lượng tác phẩm lớn mà đặc sắc là truyện ngắn. Truyện ngắn của Nam Cao
2
giàu có về tư tưởng, sâu sắc về nghệ thuật và được độc giả bao đời yêu mến.
Đương thời, người ta không chú ý nhiều đến tác phẩm của ông nhưng từ sau
khi Nam Cao hi sinh, những giá trị tác phẩm của ông mới được quan tâm,
nghiên cứu một cách sâu sắc.
1.2. Tác phẩm của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đã được đưa vào
chương trình giảng dạy trong nhà trường từ bậc phổ thông đến đại học. Khảo
sát ở bậc học phổ thông, cụ thể là THCS và THPT, chúng tôi thấy có các tác
phẩm như sau: truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan gồm Tinh thần thể dục –
Ngữ văn 11; truyện ngắn của Nam Cao gồm Lão Hạc – Ngữ văn 8; Chí Phèo
– Ngữ văn 11. Khi giảng dạy văn bản văn học cho học sinh, việc
làm rõ đặc điểm về phong cách ngôn ngữ tác giả là một yêu

cầu rất cần được chú ý vì nó liên quan đến việc phân tích giá
trị nghệ thuật của tác phẩm và sự đóng góp của nhà văn đối
với việc hiện đại hóa văn học.
1.3. Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu về Nguyễn Công Hoan và
Nam Cao ở các phương diện khác nhau song vẫn chưa có công trình nghiên
cứu toàn diện, hệ thống về cả hai nhà văn trong cái nhìn tương quan so sánh
về đặc điểm phong cách ngôn ngữ. Đây cũng là ý nghĩa mới mẻ mà đề tài của
chúng tôi mong muốn thực hiện.
Là một giáo viên THPT giảng dạy bộ môn Ngữ văn,
chúng tôi muốn thực hiện đề tài “So sánh đặc điểm phong
cách ngôn ngữ của nhà văn Nguyễn Công Hoan và
Nam Cao” nhằm phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy
tác giả và tác phẩm văn học trong nhà trường.
2. Lịch sử vấn đề
Có thể nói, Nguyễn Công Hoan và Nam Cao là những
nhà văn của thế kỉ XX được nhiều người nghiên cứu nhất.
3
2.1. Vấn đề nghiên cứu Nguyễn Công Hoan
Ngay sau khi những truyện ngắn đầu tiên ra đời, Nguyễn
Công Hoan đã được giới nghiên cứu phê bình chú ý. Có rất
nhiều bài nhận xét, đánh giá về văn chương của Nguyễn Công
Hoan. Có thể kể đến những tác giả sau:
Các công trình nghiên cứu đầu tiên về Nguyễn Công Hoan phải kể đến
Trúc Hà với bài Một ngòi bút mới: ông Nguyễn Công Hoan đăng trên báo
Nam Phong năm 1932. Trúc Hà đã tỏ ra khá tinh tế khi nhận ra giọng văn mới
mẻ pha chất hài hước của Nguyễn Công Hoan.
Ngay sau đó, Hải Triều đã sắc sảo phát hiện ra ý nghĩa và tác dụng xã
hội của tiếng cười trong truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan.
Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại cũng cho rằng Nguyễn Công
Hoan sở trường về truyện ngắn hơn truyện dài. Còn Nguyễn Đăng Mạnh đã ra

nhận định chính xác và sâu sắc về tiếng cười Nguyễn Công Hoan trong truyện
ngắn trào phúng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung trong lời giới thiệu truyện
ngắn Việt Nam 1930 - 1945, tập 1, NXB Giáo dục, H., 1990 khẳng định:
Nguyễn Công Hoan là một bậc thầy trong truyện ngắn trước hết là truyện
ngắn trào phúng.
Nói về phong cách ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, có thể kể
đến Lê Trí Dũng – Trần Đình Hựu trong Văn học Việt Nam giai đoạn giao
thời 1900 – 1930; Lê Minh – con gái của nhà văn – với bài “Sức trẻ một cây
bút”.
Nghiên cứu về Nguyễn Công Hoan nhiều nhất phải kể đến Lê Thị Đức
Hạnh. Bà có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết sâu sắc về Nguyễn Công
4
Hoan với những khám phá ở khía cạnh nghệ thuật cũng như phong cách ngôn
ngữ truyện ngắn.
2.2. Vấn đề nghiên cứu Nam Cao
Nam Cao là một tài năng lớn của văn học Việt Nam hiện đại, vì thế, số
lượng tài liệu nghiên cứu về Nam Cao là rất lớn (theo thống kê của các nhà
nghiên cứu thì có khoảng hơn 200 tài liệu khác nhau).
Trước cách mạng tháng 8 – 1945, Nam Cao chưa được chú ý trong giới
nghiên cứu phê bình. Nhưng sau cách mạng, Nam Cao trở thành một hiện
tượng của giới phê bình văn học. Người đầu tiên chú ý đến sự sắc sảo trong
văn phong của Nam Cao là Nguyễn Đình Thi trong bài Nam Cao viết vào
những năm 50.
Bước sang những năm 60, nhiều công trình có giá trị về Nam Cao ra đời.
Có thể kể đến Đọc truyện ngắn Nam Cao, soi lại bước đường đi lên của một
nhà văn hiện thực; Con người và cuộc sống trong tác phẩm của Nam Cao
của Huệ Chi – Phong Lê; Phan Cự Đệ trong Văn học Việt Nam 1936 – 1945
Sau đó là Hà Minh Đức trong Nam Cao, nhà văn hiện thực xuất sắc.
Bước sang những năm 70, nhiều công trình về Nam Cao ra đời như giáo

trình Lịch sử văn học Việt Nam 1930 – 1945 của Nguyễn Hoành Khung,
trong đó có một chương viết về Nam Cao; Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại của
Phan Cự Đệ. Những cuốn nổi bật có thể kể Nam Cao đời văn và tác phẩm
(Hà Minh Đức, 1977); Nam Cao, phác thảo sự nghiệp và chân dung (Phong
Lê, 1997); Nam Cao, người kết thúc vẻ vang trào lưu văn học hiện thực
(Phong Lê, 2001)
5
Những năm gần đây, có khá nhiều công trình nghiên cứu, luận án tiến sĩ,
luận văn thạc sĩ nghiên cứu về Nam Cao. Bên cạnh đó hàng loạt các hội thảo
về Nam Cao được tổ chức. Có thể kể những cuộc hội thảo khoa học tiêu biểu
nhân 40 năm ngày mất của Nam Cao 1951 – 1991 (tháng 11/ 1991) và nhân
80 năm ngày sinh của Nam Cao 1917 – 1997 (tháng 10/ 1997)…Những buổi
hội thảo khoa học tôn vinh nhà văn Nam Cao càng chứng tỏ vị trí và vai trò
của ông trong làng văn học Việt Nam hiện đại và trong lòng tất cả những
người yêu mến tác phẩm của ông.
2.3. Cho đến ngày nay, số lượng các công trình, các bài nghiên cứu về
tác phẩm của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao quả là không nhỏ. Tuy nhiên,
các công trình, bài nghiên cứu thường tập trung vào vấn đề phê bình tác phẩm
văn học. Chưa có nhiều bài viết về đặc điểm phong cách của hai tác giả và
đặc biệt là chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ đặc điểm phong cách
ngôn ngữ của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao trong tương quan đối chiếu.
Vì vậy, chúng tôi thực hiện đề tài này nhằm tìm hiểu một cách đầy đủ về
những điểm tương đồng và khác biệt trong đặc điểm phong cách ngôn ngữ
của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao.
3. Mục đích nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, người viết nhằm:
- Làm rõ những đặc điểm nổi bật về phong cách ngôn ngữ
của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao trên các phương diện:
người trần thuật và điểm nhìn trần thuật, ngôn ngữ trần thuật,
giọng điệu trần thuật, cách sử dụng một số kiểu câu giàu

phong cách. Đây là các phương diện có liên quan trực tiếp
đến phong cách ngôn ngữ của nhà văn.
6
- So sánh để rút ra những đặc điểm giống và khác nhau về
phong cách ngôn ngữ của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao
cũng như làm rõ những đóng góp của hai nhà văn đối với sự
hiện đại hóa nền văn học.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Xuất phát từ mục đích nghiên cứu như trên, người viết
xác định nhiệm vụ cho luận văn như sau:
- Trình bày một số luận điểm cơ bản về phong cách nghệ
thuật, ngôn ngữ trần thuật, giọng điệu trần thuật, cách sử
dụng một số kiểu câu (câu đặc biệt, câu tỉnh lược, câu tách
biệt).
- Phân tích đặc điểm sử dụng ngôn ngữ trần thuật (người
trần thuật và điểm nhìn trần thuật, ngôn ngữ trần thuật),
giọng điệu trần thuật và cách sử dụng một số kiểu câu (câu
đặc biệt, câu tỉnh lược và câu tách biệt) trong một số truyện
ngắn của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao.
- Rút ra những kết luận về đặc điểm phong cách ngôn
ngữ tác giả của hai nhà văn này.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
5.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là các truyện ngắn của Nguyễn Công
Hoan và Nam Cao trước cách mạng tháng 8 – 1945. Trong đó, chúng tôi tập
trung làm rõ những đặc điểm thể hiện phong cách ngôn ngữ của hai tác giả.
5.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận văn gồm các truyện ngắn
in trong Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Công Hoan (NXB
7

thời đại, 2010), tuyển tập truyện ngắn Nam Cao ( Nxb Văn
học, năm 2000)
6. Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, người viết sử dụng các phương pháp
sau:
- Phương pháp miêu tả
- Phương pháp phân tích phong cách học
- Phương pháp so sánh
- Phương pháp cải biến
7. Ý nghĩa khoa học của đề tài
7.1. Ý nghĩa lý luận: Đề tài này thực hiện thành công
sẽ góp phần tích cực vào lí luận nghiên cứu phong cách nhà
văn Hiện thực phê phán nói chung và phong cách ngôn ngữ
của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao nói riêng dưới cách nhìn
của ngôn ngữ học.
7.2. Ý nghĩa thực tiễn: Kết quả nghiên cứu của đề tài
sẽ trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy về hai
tác giả Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đồng thời góp phẩn
đổi mới phương pháp giảng dạy môn văn học trong nhà
trường phổ thông.
8. Bố cục của luận văn
Luận văn gồm ba phần:
+ Phần mở đầu.
+ Phần nội dung.
+ Phần kết luận.
8
Trong đó phần nội dung chia thành 03 chương.
+ Chương 1: Cơ sở lí luận .
+ Chương 2: So sánh đặc điểm sử dụng ngôn ngữ trần
thuật của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao.

+ Chương 3: So sánh đặc điểm sử dụng giọng điệu trần
thuật và một số kiểu câu của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao.
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN
1.1. Vài nét tóm tắt về nhà văn Nguyễn Công Hoan và
Nam Cao
1.1.1. Hoàn cảnh xuất thân của Nguyễn Công Hoan
và Nam Cao
Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6 tháng 3 năm 1903 tại
làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc
tỉnh Hưng Yên) trong một gia đình quan lại sa sút và bất mãn
với chế độ thực dân. Gia đình Nguyễn Công Hoan có nhiều đời
học hành, đỗ đạt và làm quan. Nhưng đến thời cụ thân sinh
của ông, mặc dù thi đỗ nhưng chỉ được làm chức quan nhỏ do
không biết tiếng Pháp, không có những mánh khóe giao thiệp
9
kiểu mới. Đó là bi kịch của những quan “nhà nho” lỗi thời với
nhiều bi kịch và tâm sự khó nói.
Sinh ra và lớn lên ở nhà quan nên ngay từ nhỏ Nguyễn
Công Hoan đã nghe và thấy đủ mọi chuyện của chốn quan
trường. Đó là những chuyện ăn hối lộ của quan lại, thủ đoạn
nịnh nọt, bỉ ổi để tiến thân Tất cả những điều đó sau này
Nguyễn Công Hoan đã phản ánh sinh động trong các truyện
ngắn của mình.
Tốt nghiệp trường Sư phạm, Nguyễn Công Hoan đi dạy
học và viết văn. Ông bị chuyển hết nơi này đến nơi khác như
Hải Dương, Lào Cai, Nam Định Chính vì đi nhiều nên Nguyễn
Công Hoan có điều kiện thực tế nghe được nhiều chuyện đời,
chuyện người. Điều này cũng rất hữu ích đối với nghề viết văn
của ông.

Khác với Nguyễn Công Hoan, Nam Cao (tên thật là Trần
Hữu Tri), sinh ngày 29 – 10 – 1915 trong một gia đình trung
nông đông anh em tại làng Đại Hoàng thuộc tổng Cao Đà,
huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (nay là xã Hòa
Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Bút danh Nam Cao là do
ghép hai chữ đầu tên huyện và tổng mà thành. Làng Đại
Hoàng của Nam Cao vốn là nơi có nhiều vấn đề mâu thuẫn,
tranh chức tranh quyền của bọn cường hào địa chủ ác bá,
nhiều người dân không thể sống được đã phải bỏ đi tha
phương cầu thực. Điều này đã được Nam Cao phản ánh chân
thực trong một số tác phẩm đặc biệt là trong Chí Phèo.
Như vậy, Nguyễn Công Hoan và Nam Cao sinh trưởng
trong hai gia đình có hoàn cảnh khác nhau. Nếu Nguyễn Công
10
Hoan xuất thân trong gia đình có truyền thống quan lại, từ
nhỏ đã hiểu chuyện quan trường thì Nam Cao lại xuất thân từ
một gia đình nông dân nghèo với cuộc sống thuần túy ở nông
thôn. Tuy nhiên, cả hai nhà văn lớn đều sinh ra trong hoàn
cảnh xã hội giao thời Tây – Tàu nhố nhăng, nhiều vấn đề phức
tạp. Với cái nhìn sâu sắc và cảm quan nhạy bén, cả hai đã
dùng văn chương để phanh phui hiện thực xã hội đương thời.
1.1.2. Các tác phẩm trước cách mạng
1.1.2.1. Các tác phẩm trước cách mạng của
Nguyễn Công Hoan
Có thể nói, Nguyễn Công Hoan là một trong những người
đi tiên phong đặt nền móng cho văn học Hiện thực phê phán.
Nguyễn Công Hoan bắt đầu viết truyện ngắn từ rất sớm khi
mà văn xuôi quốc ngữ còn chập chững ở cái buổi bình minh.
Ông bắt đầu viết vào năm 1923 với tập truyện Kiếp hồng
nhan có tính chất thử bút. Đến năm 1929, Nguyễn Công

Hoan thực sự viết, ông có nhiều truyện ngắn đăng trên An
Nam tạp chí do Tản Đà chủ biên. Cho đến năm 1935, ông đã
cho ra mắt bạn đọc khoảng 80 truyện ngắn và đặc biệt, tập
truyện Kép Tư Bền xuất bản đã gây được tiếng vang lớn, đưa
tên tuổi Nguyễn Công Hoan vang khắp Bắc, Trung, Nam.
Nguyễn Công Hoan đã nhìn thẳng vào hiện thực và bằng tiếng
cười trào phúng phơi ra mặt trái của xã hội với đầy bất công
thối nát. Với Kép Tư Bền, Nguyễn Công Hoan vừa là một
trong những người mở màn vừa là người cầm ngọn cờ chiến
thắng cho khuynh hướng văn học hiện thực phê phán Việt
Nam thời kỳ 1930 – 1945.
11
Nguyễn Công Hoan xứng đáng là một nhà văn lớn, nhà
văn tiêu biểu của nền văn học Hiện thực phê phán Việt Nam.
Cho đến nay, gần một thế kỉ trôi qua nhưng những tác phẩm
của Nguyễn Công Hoan vẫn giữ được vị trí quan trọng trong
nền văn học dân tộc, được bạn đọc bao thế hệ yêu thích.
Không những thế, tác phẩm của ông còn được dịch ra nhiều
thứ tiếng nước ngoài như Liên Xô, Bungari, Hunggari, Anbani,
Cộng hòa dân chủ Đức, Cuba, Ba Lan, Ấn Độ
1.1.2.2. Các tác phẩm trước cách mạng của Nam
Cao
Từ năm 1936, Nam Cao bắt đầu sáng tác. Ông viết văn,
làm thơ, viết kịch với các bút danh Thúy Rư, Xuân Du, Nhiêu
Khê. Năm 1938, Nam Cao bị ốm nặng, ông ra Bắc tự học và
thi đỗ Thành chung. Sau đó ông dạy học tư và viết nhiều
truyện ngắn đặc sắc như: Đôi lứa xứng đôi (Chí Phèo), Dì
Hảo, Nửa đêm, Cái mặt không chơi được, Trẻ con không
được ăn thịt chó, Trăng sáng
Cách mạng tháng 8, Nam Cao tham gia cướp chính

quyền rồi tham gia đoàn quân Nam tiến với tư cách là phóng
viên. Sau đó, Nam Cao trở ra Bắc tiếp tục hoạt động cách
mạng và sáng tác nhiều tác phẩm ở các thể loại khác nhau.
Ngày 30 – 11- 1951, trên đường vào công tác vùng địch hậu
Liên khu Ba, Nam Cao đã anh dũng hi sinh ở Ninh Bình do bị
địch phục kích.
Nam Cao bước chân vào con đường văn chương khi trên
văn đàn đặc biệt là trong dòng văn học Hiện thực phê phán
đã xuất hiện nhiều cây đại thụ như Nguyễn Công Hoan, Ngô
12
Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng Thế nhưng trên mảnh
đất đã được cày xới kỹ càng đó, Nam Cao không bị chìm lấp
trong những lối mòn mà ông vẫn tìm được cho mình một
hướng đi riêng không lẫn với bất cứ ai. Những tác phẩm của
Nam Cao đã phản ánh chân thật cuộc sống ngột ngạt, đen tối
của xã hội Việt Nam những năm trước cách mạng và dựng lên
cuộc sống đau khổ, bế tắc của những người nông dân, trí thức
nghèo. Trong truyện ngắn Nam Cao, nổi lên hai đề tài chính là
đề tài người nông dân và người trí thức nghèo. Nam Cao
hướng ngòi bút của mình vào miêu tả cuộc sống khốn khổ, bi
kịch không chỉ đói nghèo mà còn bị tha hóa về lương tâm của
người nông dân đồng thời dựng lên những bi kịch về đời sống
vật chất và tinh thần của người trí thức tiểu tư sản.
Như vậy, nếu truyện ngắn Nguyễn Công Hoan tập trung
xây dựng những bức chân dung biếm họa về tầng lớp quan
lại, địa chủ, cường hào xấu xa, độc ác thì Nam Cao lại hướng
ngòi bút của mình để tìm hiểu bi kịch bị tha hóa cả thể xác và
tâm hồn của người nông dân cũng như người trí thức nghèo.
Nam Cao là một trong những nhà văn góp phần hiện đại
hóa văn xuôi quốc ngữ trên tiến trình văn học. Và cũng giống

như Shêkhôp (Nga), Nam Cao là đại diện cuối cùng, người
khép lại dòng văn học Hiện thực phê phán Việt Nam và là
người mở đường mới cho sự phát triển của nó. Cũng như
Nguyễn Công Hoan, các sáng tác của Nam Cao không chỉ có
giá trị ở trong nước mà còn vượt qua biên giới lãnh thổ để đến
với bạn đọc quốc tế.
13
1.2. Khái niệm về phong cách và phong cách nghệ
thuật
1.2.1. Khái niệm về phong cách và phong cách học
Thuật ngữ phong cách bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, lúc
đầu có tên là “stylos” – chỉ cái que có một đầu vót nhọn và
một đầu tù dùng để viết, vẽ lên tấm bảng. Về sau, nó được
dùng để chỉ cách sử dụng ngôn ngữ và ngày nay, thuật ngữ
phong cách được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu nhiều
ngành khác nhau.
Phong cách không hoàn toàn là thuật ngữ của phong
cách học. Trong đời sống hàng ngày, phong cách là cách nói,
cách sinh hoạt, làm việc, ứng xử tạo nên cái riêng của mỗi
người hay mỗi loại người như phong cách ăn mặc, phong cách
nói, phong cách viết Trong lí luận văn học, thuật ngữ phong
cách được dùng để chỉ đặc điểm sáng tác riêng biệt, nổi trội
của mỗi nhà văn hay tác phẩm Trong văn hóa, phong cách
được dùng để chỉ những đặc điểm văn hóa mang tính dân tộc,
thời đại như phong cách truyền thống, phong cách dân tộc
Như vậy, thuật ngữ phong cách học “thực chất là phong
cách học ngôn ngữ. Đó là bộ môn khoa học nghiên cứu những
đặc điểm và phong cách sử dụng ngôn ngữ trong những hoàn
cảnh giao tiếp cụ thể.” [16, tr.33].
Trong những nét chung nhất, “phong cách học được hiểu

là khoa học nghiên cứu sự vận dụng ngôn ngữ, nói khác đi đó
là khoa học về các quy luật nói và viết có hiệu lực cao.” [16,
tr.7]. Phong cách học quan tâm đến giá trị biểu đạt, biểu cảm
– cảm xúc, cái giá trị phong cách của các phương tiện ngôn
14
ngữ trong những hoàn cảnh giao tiếp tiêu biểu với những điều
kiện giao tiếp nhất định.
1.2.2. Phong cách chức năng ngôn ngữ và phong cách nghệ thuật
1.2.2.1. Cơ sở phân chia phong cách chức năng
Phong cách ngôn ngữ được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử.
Phong cách ứng với mỗi chức năng xã hội của ngôn ngữ gọi là phong cách
chức năng. Mỗi cá nhân khi nói, khi viết đều theo một phong cách chức năng
nhất định. Có nhiều khuynh hướng bàn về cách phân chia phong cách chức năng
song chủ yếu dựa vào các cơ sở chung như sau:
a. Dựa trên chức năng giao tiếp
Một số tác giả nước ngoài và trong nước đã dựa vào chức năng giao tiếp của
ngôn ngữ để phân chia các phong cách chức năng:
- Phong cách khẩu ngữ tự do: thông báo những nội dung thông thường thuộc
phạm vi sinh hoạt hàng ngày.
- Phong cách nghệ thuật: thông báo về sự vật, hiện tượng dưới dạng hình
tượng nghệ thuật.
b. Dựa trên hình thức thể hiện
Dựa trên hình thức thể hiện khác nhau để diễn đạt nội dung tư tưởng, tình
cảm (hình thức nói hoặc viết), các nhà nghiên cứu phân chia phong cách chức
năng thành hai loại là phong cách khẩu ngữ và phong cách gọt giũa.
c. Dựa vào phạm vi giao tiếp
Dựa vào phạm vi giao tiếp khác nhau, một số tác giả chia tách thành phạm vi
giao tiếp gia đình và phạm vi giao tiếp mang tính chất xã hội.
Như vậy, có điểm chung trong các cách phân chia trên đó là phân chia theo
bậc, từ bậc lớn lại tách thành các bậc nhỏ hơn.

15
Có thể phân loại các phong cách chức năng trong tiếng Việt thành 2 loại lớn:
phong cách ngôn ngữ nói và phong cách ngôn ngữ viết. Trong đó:
- Phong cách ngôn ngữ nói bao gồm: phong cách khẩu ngữ tự nhiên, phong
cách hội thảo, phong cách diễn xuất sân khấu, điện ảnh.
- Phong cách ngôn ngữ viết bao gồm: Phong cách hành chính – công vụ,
phong cách khoa học, phong cách chính luận, phong cách báo chí, phong cách
văn học nghệ thuật.
Nhắc tới khái niệm phong cách là nhắc tới những nét đặc trưng, riêng biệt,
tiêu biểu nhất. Phong cách ngôn ngữ là “một phong cách chức năng cụ thể trong
đó cách sử dụng ngôn ngữ đã được định hình về mặt thời gian và mặt xã hội.
Thực chất nó đã trải qua một quá trình tự điều chỉnh của bản thân hệ thống và
có sự can thiệp ở một mức độ nhất định của những thiết chế xã hội.” [16, tr.41].
Có thể coi phong cách ngôn ngữ là sự lặp đi lặp lại một số kiểu lời nói để
tạo thành các khuôn mẫu nhất định trong từng hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.
1.2.2.2. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
Trong các phong cách chức năng của ngôn ngữ thì đây là phong cách có
nhiều tên gọi nhất: phong cách ngôn ngữ văn chương, phong cách ngôn ngữ văn
học, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, phong cách văn học nghệ thuật. Đối với
một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ thì phong cách ngôn ngữ nghệ thuật không
được xếp vào hệ thống các phong cách chức năng.
Tuy nhiên, theo Hữu Đạt: “các tác phẩm văn học nghệ thuật là hình thức
bảo lưu tương đối đầy đủ nhất diện mạo ngôn ngữ ở mỗi thời đại. Không ai có
thể phủ nhận đó là hình thức tồn tại có thực của hoạt động giao tiếp. Vậy đương
nhiên, nó phải tồn tại với tư cách là một kiểu phong cách riêng hoặc thuộc vào
loại phong cách chức năng nhất định” [16, tr.276]. Như vậy, có thể khẳng định
16
phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là một loại phong cách chức năng của ngôn
ngữ và được định nghĩa như sau: “Phong cách nghệ thuật là một phong cách
chức năng được dùng để sáng tạo hình tượng nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật

nhằm phục vụ cho nhu cầu về đời sống tinh thần của con người” [16, tr.276].
So với các phong cách chức năng khác, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
có những đặc trưng riêng biệt. Trước hết, các đơn vị ngôn ngữ trong phong cách
ngôn ngữ nghệ thuật có chức năng tác động hình tượng tức là có khả năng đem
lại cho người đọc những tình cảm, những rung động về cảm xúc như vui –
buồn , yêu thương – căm ghét, hạnh phúc – đau khổ Với các phong cách khác
như phong cách báo chí hay phong cách chính luận, chức năng tác động đến tình
cảm người đọc chỉ là hệ quả thứ hai của quá trình còn trong phong cách nghệ
thuật, chức năng này giữ vai trò đầu tiên.
Ví dụ: Trong Chinh Phụ ngâm khúc nguyên tác Đặng Trần Côn – bản
dịch của Đoàn Thị Điểm – câu thơ:
“Cảnh buồn người thiết tha lòng
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun”
gợi cho người đọc nỗi buồn về tình cảnh cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ có
chồng đi chinh chiến đồng thời cũng gợi lên trong lòng độc giả sự oán ghét chiến
tranh phong kiến phi nghĩa – nguyên nhân dẫn đến sự chia lìa của đôi vợ chồng
trẻ.
Hay khi đọc những câu thơ Nguyễn Du tả cảnh thiên nhiên mùa xuân tươi
đẹp trong Truyện Kiều:
“Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
17
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân”
người đọc lại rung lên tình yêu đối với vẻ đẹp của đất trời, thấy trong lòng rộn
ràng, náo nức như được sống trong không khí của ngày xuân.
Chính nhờ khả năng tác động mạnh mẽ tới tình cảm của độc giả mà
phong cách ngôn ngữ nghệ thuật có sắc thái riêng, độc đáo so với các phong

cách chức năng khác.
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật còn khác các phong cách chức năng
khác ở chỗ nó có khả năng tác động đến người đọc qua hệ thống các đơn vị
mang tính hình tượng. Những đơn vị ngôn ngữ khi sử dụng trong phong cách
ngôn ngữ nghệ thuật không chỉ có chức năng thông tin thuần túy mà nó còn có
khả năng gợi những liên tưởng sâu xa trong lòng người đọc. Đó là điểm gặp gỡ
giữa nhà văn và độc giả.
Trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ tác động đến người đọc
qua một hệ thống các đơn vị ngôn ngữ mang tính hình tượng. Theo Hữu Đạt
“khi các đơn vị ngôn ngữ tham gia với tư cách là các tham tố tạo nên hình
tượng nghệ thuật, tự nó đã làm mờ nhạt đi tính bản thể của tín hiệu ngôn ngữ
để tạo nên một loại nghĩa mới ngoài bản thể hay là “siêu tín hiệu”” [16, tr.285].
Từ đó, người đọc tìm hiểu văn bản nghệ thuật phải bằng cách lí giải các tín hiệu
ngôn ngữ thông qua thao tác tư duy trừu tượng. Một từ trong ngôn ngữ nghệ
thuật khác với từ trong các phong cách chức năng khác, nó không chỉ được hiểu
theo nghĩa 1/1 (cái biểu đạt/cái được biểu đạt) mà một tín hiệu ngôn ngữ có thể
được hiểu theo nhiều cách khác nhau.
Ví dụ, trong bài thơ Bánh trôi nước, Hồ Xuân Hương đã mượn hình
tượng chiếc bánh trôi nước để nói về người phụ nữ:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ lặn
18
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Về nghĩa tả thực, bài thơ miêu tả hình dạng, màu sắc, quá trình nấu bánh
trôi nước. Nhưng ẩn sau đó là tầng nghĩa hàm ẩn nhằm để chỉ về vẻ đẹp của
người phụ nữ.
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật còn khu biệt với các phong cách khác
nhờ vào đặc điểm tính thẩm mĩ. Nói tới nghệ thuật là nói tới cái đẹp, ở đây là cái
đẹp được phản ánh qua quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ. Để sáng tạo nên

những hình tượng nghệ thuật, người nghệ sĩ phải sử dụng ngôn ngữ và ngôn ngữ
phải được dùng để thực hiện chức năng thẩm mĩ tức là mang lại cho người đọc
những rung động mạnh mẽ.
Trong thơ ca, ngôn ngữ thơ được gọt giũa, trau chuốt về từ ngữ, về nhịp
điệu, hình ảnh, vần, thanh để đem đến cho người đọc sự đồng điệu về cảm xúc:
Ví dụ:
Nước biếc non xanh thuyền gối bãi
Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu
(Nguyễn Trãi)
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông
(Nguyễn Du)
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
(Hàn Mặc Tử)
Trong văn xuôi, tính thẩm mĩ được thể hiện ở việc sử dụng ngôn ngữ giàu
“chất thơ” hay giàu chất họa. Truyện ngắn của Thạch Lam là kiểu văn bản như
vậy. Ngôn ngữ trong truyện ngắn Thạch Lam được nhận xét như “một bài thơ
trữ tình bằng văn xuôi”. Ví dụ, trong Hai đứa trẻ, Thạch Lam miêu tả khung
cảnh của phố huyện lúc chiều tàn: “Tiếng trống thu không trên cái chòi cao
19
của huyện nhỏ; từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực
như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre
làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời. Chiều, chiều rồi. Một
chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo
gió nhẹ đưa vào”.
So với tất cả các phong cách khác, ngôn ngữ trong phong cách nghệ
thuật có tính sinh động và biểu cảm cao nhất. Đây là một trong các yếu tố làm
nên chất trữ tình của văn bản nghệ thuật. Để nối liền cảm xúc giữa tác giả và
độc giả không gì bằng các phương tiện biểu cảm của ngôn ngữ. Vì thế, điểm

làm nên sự khác biệt giữa phong cách ngôn ngữ nghệ thuật và các phong cách
khác chính là việc sử dụng các loại câu than gọi, câu hỏi tu từ…
Một đặc điểm nữa tạo nên sự khác biệt giữa phong cách ngôn ngữ nghệ
thuật với các phong cách khác còn là tính tổng hợp của việc sử dụng ngôn
ngữ. Phong cách nghệ thuật sử dụng mọi phương tiện của các phong cách
khác trong đó nhiều nhất là của khẩu ngữ tự nhiên bởi lẽ đối tượng của văn
bản nghệ thuật chính là các hiện tượng từ hiện thực đời sống. Đặc điểm về
tính tổng hợp của ngôn ngữ nghệ thuật còn được thể hiện ở việc phong cách
ngôn ngữ này đưa vào nó các từ địa phương, tiếng lóng, từ nghề nghiệp
Điều này hầu như không được sử dụng trong phong cách ngôn ngữ khoa học,
phong cách ngôn ngữ hành chính – công vụ trong khi đó, ở phong cách
ngôn ngữ nghệ thuật, nó lại là đặc điểm làm nên nét riêng biệt trong phong
cách tác giả. Ví dụ, trong Số đỏ, Vũ Trọng Phụng sử dụng một lượng lớn
ngôn ngữ vỉa hè, đường chợ, tiếng lóng, đặc biệt qua lời của nhân vật Xuân
tóc đỏ như: mẹ kiếp, nước mẹ gì, bỏ mẹ ra,
Như vậy, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật có nhiều điểm đặc trưng
riêng biệt so với các phong cách chức năng khác của ngôn ngữ. Chính điều
20
này đã tạo nên sức hấp dẫn của các tác phẩm văn học so với các văn bản ngôn
ngữ khác.
Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Người nghệ sĩ tài năng là người nghệ sĩ
biết sáng tạo “chất liệu” ngôn ngữ của dân tộc để làm nên tác phẩm của mình,
xây dựng hình tượng nghệ thuật của riêng mình và tạo cho mình một giọng
điệu riêng, một phong cách riêng, không nhầm lẫn được. Văn hào Nga
Shêkhôp đã khẳng định: “Nếu tác giả nào không có lối nói riêng của mình thì
người đó không bao giờ là nhà văn cả”. Cũng theo ông, ngôn ngữ là yếu tố
đầu tiên tạo nên phong cách tác giả.
Nhà văn có phong cách ngôn ngữ là nhà văn biết sử dụng ngôn ngữ
toàn dân, của dân tộc để tạo nên một giọng điệu riêng, một chất giọng riêng
không hề nhầm lẫn và được mọi ngưòi thừa nhận. Chất giọng riêng ấy trước

hết thể hiện ở sự sáng tạo ngôn ngữ. Sự sáng tạo ngôn ngữ này chính là đóng
góp của nhà văn làm phong phú thêm kho tàng ngôn ngữ của dân tộc. Bởi
vậy, khảo sát phong cách ngôn ngữ nhà văn chính là khảo sát chất giọng riêng
của nhà văn, tìm ra qui luật riêng trong việc sử dụng ngôn ngữ và sự sáng tạo
của nhà văn trên phương diện ngôn ngữ .
Ở đề tài này, chúng tôi chỉ trình bày một số biểu hiện làm nên phong cách
ngôn ngữ của nhà văn: người trần thuật và điểm nhìn trần thuật; ngôn ngữ trần
thuật; giọng điệu trần thuật, cách sử dụng một số kiểu câu đặc biệt (thủ pháp
nghệ thuật).
1.3. Khái niệm người trần thuật và điểm nhìn trần thuật
1.3.1. Khái niệm về người trần thuật và ngôi trần thuật
Trần thuật là phương diện cơ bản của phương thức tự sự, thể hiện ở
việc giới thiệu khái quát, thuyết minh, miêu tả đối với nhân vật, sự kiện, hoàn
cảnh, sự vật theo cách nhìn của người trần thuật. Trần thuật không chỉ là lời
21
kể mà còn bao hàm cả việc miêu tả đối tượng, phân tích hoàn cảnh, thuật lại
tiểu sử nhân vật, lời bình luận, lời ghi chú của tác giả… Ngôn ngữ trần thuật
do vậy là nơi bộc lộ ý thức sử dụng ngôn ngữ có chủ ý của nhà văn, bộc lộ
cách lý giải cuộc sống từ cách nhìn riêng và cá tính sáng tạo của tác giả.
Người trần thuật giữ vai trò trung tâm trong tất cả các yếu tố cấu trúc
của văn bản nghệ thuật. Đó là phương diện để nhận thức thế giới nghệ thuật,
nó có những đặc điểm riêng, có quy luật phát triển và mối quan hệ qua lại với
các yếu tố khác như ngôi, điểm nhìn, tiêu điểm, ngôn ngữ trần thuật Thuật
ngữ người trần thuật còn được gọi là người kể chuyện, chủ thể trần thuật, chủ
thể kể chuyện
Trần thuật bao giờ cũng được tiến hành từ phía một người nào đó.
Trong các thể loại văn học trực tiếp hay gián tiếp đều có người trần thuật.
Người trần thuật không những chỉ tổ chức ngôn ngữ mà còn đóng vai trò quan
trọng về mặt kết cấu, chi phối ngôn ngữ của nhân vật.
Trong trường hợp tác giả đóng vai trò người trần thuật, tác phẩm có

nhân vật kể chuyện ở ngôi thứ nhất (first person), xưng “tôi”. Điều này dễ
nhận thấy ở các tác phẩm tự truyện hoặc có dáng dấp tự truyện. Với việc trần
thuật ở ngôi thứ nhất, tác giả viết về những điều mình đã trải qua, đã chứng
kiến và nếm trải, chiêm nghiệm. Tuy nhiên, “tôi” không hẳn là tác giả mà chỉ
là một nhân vật của truyện. Lời trần thuật ở đây vừa là ngôn ngữ trần thuật
của tác giả vừa là ngôn ngữ trần thuật của nhân vật, tức vừa là lời trực tiếp,
vừa là lời gián tiếp (của nhân vật).
Ngoài ra, tác giả còn trần thuật ở ngôi thứ ba dưới hình thức người kể
chuyện (do tác giả sáng tạo ra), lời trần thuật ở đây mang tính khách quan hoá
và trung tính. Người trần thuật được chứng kiến câu chuyện và có khả năng
22
kể lại toàn bộ câu chuyện theo cách riêng của mình. Lời trần thuật ở đây còn
có nhiệm vụ tái hiện và phân tích, lý giải thế giới khách quan vật chất, sự
việc, con người…; tái hiện và phân tích, lý giải lời nói ý thức người khác.
Theo Bakhtin, lời văn trần thuật gián tiếp này (khác với lời văn trực tiếp của
nhân vật) có thể chia làm hai loại: loại thứ nhất là gián tiếp một giọng, là lời
trần thuật tái hiện, phẩm bình các hiện tượng của thế giới trong ý nghĩ khách
quan vốn có của chúng. Loại thứ hai là lời gián tiếp hai giọng tức là trong
phát ngôn của người trần thuật cùng lúc có thể có cả lời trực tiếp hay những
suy tư gián tiếp của nhân vật, nó thể hiện sự đối thoại với ý thức khác của
cùng một đối tượng miêu tả. Loại thứ hai này cho phép tác giả di chuyển
“điểm nhìn” trần thuật và tạo nên tính chất đa thanh trong ngôn ngữ trần
thuật.
Ngoài việc tác giả trần thuật theo hai dạng thức nói trên, nhân vật còn
có vai trò là người trần thuật. Trong truyện ngắn, nhân vật có vị trí rất quan
trọng, là then chốt của cốt truyện, giữ vị trí trung tâm trong việc thể hiện đề
tài, chủ đề và tư tưởng tác phẩm. Có nhân vật thì có ngôn ngữ nhân vật. Ngôn
ngữ nhân vật là một trong những phương tiện quan trọng được nhà văn sử
dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật. Hình tượng người kể
chuyện gắn với ngôi kể đem lại cho tác phẩm một cái nhìn và một sự đánh giá

bổ sung về mặt tư tưởng, lập trường, thái độ, tình cảm cho cái nhìn tác giả,
làm cho sự trình bày, tái tạo lại con người và cuộc sống trong tác phẩm thêm
phong phú. Ngôi kể còn có ý nghĩa trong việc tạo thành giọng điệu của văn
bản, bởi vì giọng điệu bao giờ cũng phải là giọng của một ai đó, được thể hiện
bằng những phương tiện ngôn từ nhất định.
Ở nước ta, các nhà nghiên cứu cũng rất quan tâm đến việc nghiên cứu lý
giải vấn đề người trần thuật trong tác phẩm tự sự. Theo các tác giả của Từ
23

×