Tải bản đầy đủ (.docx) (15 trang)

Văn học và nền kinh tế thị trường trong mười năm cuối thế kỷ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (124.16 KB, 15 trang )

Văn học và nền kinh tế thị trường trong mười năm cuối thế kỷ…
Nguyễn Phượng
Khoa Ngữ Văn Đại học Sư phạm Hà Nội
Ở ta, nền kinh tế thị trường được xác lập muộn. Tuy thế, nó đã diễn ra đúng
như quy luật của bất cứ thể chế nào cần phải trải qua quá trình này. Phần khảo sát
này chỉ xem xét những tác động cơ bản nhất của nền kinh tế thị trường đối với hoạt
động văn hóa nghệ thuật và chỉ với văn hóa nghệ thuật.
Trước hết là sự xoá bỏ bao cấp đối với các sản phẩm văn hoá.
Tiếp đến là đặt các hoạt động sáng tạo vào quan hệ thị trường. Sản phẩm văn
hoá nghệ thuật cũng là một hàng hoá, nó cần và phải được mua – bán tuỳ theo giá
trị. Điều này cũng có nghĩa là nghệ thuật được đặt đúng vào mảnh đất nuôi sống
nó, tức là công chúng. Công chúng đã và đang trở thành đối tác chủ yếu và đồng
thời là lực lượng quan trọng nhất quyết định sự tồn tại và phát triển của các hoạt
động văn hoá nói chung và sáng tạo văn học nghệ thuật nói riêng.
Nền kinh tế thị trường, tự nó, hình thành một bối cảnh mang tính tất yếu đó
là sự cạnh tranh, như người ta thường nói, hết sức khốc liệt giữa những người hoạt
động văn hoá.
Có thể xảy ra, và tất yếu sẽ xảy ra tình trạng người tham gia hoạt động văn
hoá không từ một thủ đoạn nào để thu hút công chúng vào sản phẩm của mình, tạo
một sức mua khả dĩ cho sản phẩm bằng nhiều chiêu thức như tiếp thị, quảng cáo và
cả gây scandal nhằm lancer các sản phẩm văn hoá. Nhưng nền kinh tế thị trường,
trên thực tế, chính là một môi trường vô cùng thuận lợi cho việc xây dựng một nền
văn hoá nói chung và văn học học nghệ thuật nói riêng thực sự có giá trị đủ để cho
nền văn nghệ dân tộc ta có đủ tiềm lực và năng lực gia nhập vào cộng đồng văn
học nghệ thuật thế giới.
I. Bối cảnh nền kinh tế thị trường và sự chi phối của nó với văn học:
1. Nền kinh tế thị trường đóng vai trò như một yếu tố chi phối và xếp đặt lại
các giá trị.
- Thương mại hóa – tại sao không?
Nhìn một cách sơ lược, đời sống văn hoá đương đại có vẻ như đang nhiễu
loạn và càng ngày càng khó kiểm soát và thị trường dường như bị coi là thủ phạm


của hiện tượng đó. Đúng là có hiện tượng thương mại hoá các sản phẩm văn hoá
( sách, phim, mỹ thuật, âm nhạc ).Trên các phương tiện truyền thông, chúng ta đã
được nghe những lời chỉ trích, phê phán đủ các cung bậc về cái gọi là tình trạng “
thương mại hoá” văn hoá và nghệ thuật. Bất chấp những lời chỉ trích, tình trạng
này chẳng những không chấm dứt mà ngược lại, có vẻ như càng ngày càng bành
trướng một cách mạnh mẽ hơn. Thực tế là người ta đã chẳng làm thế nào được, khi,
các nguồn tài trợ theo kiểu bao cấp đã bị cắt đi. Những người hoạt động về lĩnh
vực văn hoá nói chung cũng như những người sáng tạo văn học nghệ thuật nói
riêng đều phải bỏ tiền ra và chỉ còn một thứ phao cứu sinh đó là hướng tới công
chúng. Sản phẩm văn hoá nghệ thuật cũng như bất cứ sản phẩm nào khác, sinh ra
trong nền kinh tế thị trường đếu phải chịu sự tác động khắc nghiệt của quy luật
cung - cầu. Tình hình này là của tất cả những quốc gia có nền kinh tế thị trường,
không riêng gì nước ta.
Thực tế là, khi tìm hiểu sâu hơn, ta sẽ thấy nền kinh tế thị trường đang dần
dần uốn nắn lại và tác động mạnh mẽ vào việc xác định các lộ trình mới cho sáng
tạo văn học nghệ thuật. Rõ ràng, trong bối cảnh mới này, sản phẩm nào được công
chúng đón nhận, hưởng ứng, tán thưởng thì sẽ tồn tại và ngược lại. Cũng cần phải
nói thêm cho rõ là khái niệm công chúng ở đây nhất thiết phải được nhận thức một
cách đầy đủ với một quan niệm thoáng đãng, cởi mở và hiện đại.
Trước đây, trong nền kinh tế tập trung – bao cấp, chúng ta dù muốn hay
không, cũng đã tạo ra một nền văn học mang tính bao cấp. Mọi sáng tạo đều nhất
loạt được chỉ đạo bởi tính định hướng. Kết quả là chủ nghĩa duy ý chí của giai
đoạn văn học đã qua với đặc tính nhất thể hóa của nó đã tạo ra một công chúng văn
học vì nó và cho nó, nói cụ thể hơn, đó là một thứ công chúng “ thuần chủng”, hết
sức thụ động và hoàn toàn phiến diện về nhu cầu thẩm mĩ.
Giờ đây, tình hình đã rất khác. Sẽ bị loại khỏi “ cuộc chơi” những ai không
chịu hiểu rằng, sáng tạo văn học nghệ thuật bây giờ là vì công chúng và cho công
chúng. Và công chúng giờ đây cũng không còn thuần nhất như trước mà đa dạng,
đủ mọi tầng lớp, với nhiều “gout” thẩm mĩ hết sức khác nhau. Người sáng tạo văn
học nghệ thuật liệu có thể nào cứ giữ mãi một thái độ quan liêu đối với công chúng

như trước?
2. Thương mại hóa có giết chết nghệ thuật đích thực?
Câu trả lời là : không.
Điều quan trọng cần phải nhận thức ở đây là, nền kinh tế thị trường với
những đặc trưng riêng của nó, đã mở ra một khung cảnh đầy tính thách thức nhưng
cũng rất ngoạn mục để nhà văn có điều kiện được đối diện với một thế giới đa giá
trị. Tri giác hiện đại trước thế giới ấy khiến người ta tỉnh mộng trước những bảng
giá trị cũ. Và dù, không có được điều đó, không ai có thể cứ an tâm với nhận thức
cũ, lối viết cũ mà tồn tại được trong nền kinh tế thị trường. Như thế, cũng có thể
nói, nền kinh tế thị trường trên thực tế đóng vai trò xếp lại bảng giá trị. Bảng giá trị
này đương nhiên là do những người sáng tạo văn học nghệ thuật tạo ra, nhưng nó
được tạo ra trong sự tương tác sâu sắc với nhu cầu tinh thần của công chúng. Công
chúng, dù có dễ dãi đến mấy, chắc cũng không sẵn sàng bỏ ra những đồng tiền
kiếm được một cách khá khó khăn của mình để chỉ mua về những sản phẩm thứ
cấp. Và, cũng như tất cả những sáng tác sinh ra trong các nền kinh tế khác, văn học
nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường cũng sẽ chấp nhận một sự sàng lọc khắt khe
hơn của thời gian nữa. Thời gian một khi là quá trình tất yếu cho sự trưởng thành
về nhận thức và thẩm mĩ thì thời gian cũng sẽ đặt định các giá trị đúng với vị trí
của nó.
II. Nhận diện một vài đặc điểm của văn học trong nền kinh tế thị
trường:
Ngay cả khi nền kinh tế thị trường được xác lập ngày càng toàn diện và sâu
sắc thì dòng chủ lưu của nền văn học ta vẫn là một dòng văn học có định hướng,
tập trung thực hiện những nhiệm vụ quan trọng mà xã hội giao phó. Điều đáng lưu
ý ở đây là chính ngay trong dòng chủ lưu, dưới tác động của nền kinh tế thị trường,
tự nó cũng đã phải xoá bỏ những quan niệm, cách nhìn không còn phù hợp để có
thể đáp ứng những nhu cầu ngày một khắt khe hơn của xã hội.
Tuy nhiên, do bối cảnh của nền kinh tế thị trường mà nền văn học đã và
đang nảy sinh một số xu hướng mới và, theo chúng tôi đây là những xu hướng cần
được quan tâm và suy ngẫm. Trong tầm quan sát của mình, chúng tôi, tạm gọi tên

một số xu hướng sau đây:
1. Xu hướng giải ảo, giải thiêng
Nhìn một cách sơ lược, có thể thấy chặng đường mười năm sau chiến tranh
là giai đoạn tương tranh, xung đột giữa một bên là những yêu cầu bình thường hóa
đời sống con người và một bên là ý chí phát triển kinh tế bằng sự duy trì, tăng
cường và áp đặt bằng được mô hình “ chủ nghĩa xã hội nhà nước”. Hậu quả là, một
sự rạn vỡ trên nhiều bình diện khiến xã hội Việt Nam lâm vào trạng thái khủng
hoảng nặng nề và sâu sắc. Trong đó, một thực tế khá cay đắng bày ra trước mắt
những người quan sát và nghiên cứu : những giá trị cũ đã và đang mất chỗ đứng và
ảnh hưởng, trong khi, những giá trị mới thì chưa kịp hình thành. Bức tranh kinh tế
cũng như bộ mặt tinh thần của xã hội Việt Nam lúc đó cũng như những năm về sau
sẽ rất u ám nếu không có sự kiện Đại hội Đổi Mới của Đảng cộng sản ( 15/12/1986
) với quyết sách : xóa bỏ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, mở cửa tạo điều
kiện phát triển nền kinh tế thị trường.
Trên thực tế, Đổi Mới là một quá trình vừa học vừa sửa và vừa cố gắng cân
bằng ổn định với phát triển.
Thành công lớn nhất của Đổi Mới được thể hiện rõ trong sự tăng trưởng
kinh tế và biến đổi cơ cấu xã hội.
Quan trọng hơn có lẽ là một không khí thoáng hơn về xã hội và cả chính trị,
tạo đà cho người dân Việt Nam tự làm chủ cuộc sống của mình, không bị trói buộc
vào cơ chế bao cấp và một thực tiễn kinh tế ngày càng thị trường hóa.
Về mặt con người, Đổi Mới đã làm sản sinh một thế hệ trẻ Việt Nam khác
hẳn trước, năng động trong cuộc sống kinh tế, văn hóa và xã hội dù vẫn bị hệ thống
giáo dục khá bảo thủ trói chân.
Điều đáng lưu ý ở đây là biết bao các giá trị vốn từng trở thành niềm tin
vững chắc của công chúng trong một khoảng thời gian dài giờ đây buộc phải đứng
trước những thử thách, bị lung lay dữ dội. Thậm chí, chính những giá trị đó tự thấy
phải thay đổi hoặc bị đào thải vì đang cản trở sức sống của Việt Nam mà chính Đổi
Mới đã mở đường.
Chịu sự tác động của những điều kiện chính trị - kinh tế vừa kể trên, văn học

Việt Nam từ sau 1986 cũng như trong mười năm cuối thế kỷ, tự đổi mới một cách
mạnh mẽ để phù hợp và cũng là để đáp ứng nhu cầu của công chúng trong bối cảnh
mới.
Biểu hiện trước hết là ở sự thay đổi về nhận thức và quan niệm về các hệ giá
trị. Cái thiêng liêng, cao cả, cái lý tưởng vẫn còn sức hấp dẫn nhưng không phải là
đối tượng duy nhất mà người sáng tác văn học bắt buộc phải hướng tới như trước.
Điều này thực ra không có gì lạ. Đất nước trở lại đời sống hòa bình, con
người, theo lẽ thông thường của quy luật, trở về với cuộc sống hàng ngày thì, lẽ cố
nhiên, cái cao cả, cái lý tưởng sẽ dần dần nhường chỗ cho cái đời thường. Tức là
có một sự thay thế dần dần từ phía văn học về mối quan tâm chính yếu của nó đối
với các vấn đề quan trọng trong đời sống. Cho đến những năm cuối thế kỉ, cùng
với sự thâm nhập ngày càng toàn diện của nền kinh tế thị trường, sự tác động ngày
càng mạnh mẽ của quá trình hội nhập với quốc tế là sự thay đổi ngày càng mạnh
mẽ của nhận thức công chúng về thời đại. Trong đó, quá trình đổi thay nhận thức
này trước hết diễn ra mạnh mẽ và sâu sắc ở tầng lớp tinh hoa.
Chúng ta có thể thấy biểu hiện đầu tiên của nó diễn ra ngay ở các đề tài quan
trọng của văn học như đề tài chiến tranh, đề tài lịch sử cùng các đề tài “ nóng” của
đời sống đương đại…
Cái nhìn mang tính ảo hóa theo dạng “ ta là ta mà vẫn cứ mê ta” hay “ đường
ra trận mùa này đẹp lắm” đã nhường chỗ cho cái nhìn tỉnh táo, duy thực đầy can
đảm của các nhà văn về chiến tranh là cội nguồn nảy sinh sự xuất hiện của các tác
phẩm gây hiệu ứng mạnh mẽ trong công chúng vào những năm đầu thập kỉ 90.
Chẳng hạn, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương
Hướng, Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn Quang Lập, Những linh hồn bị
hành quyết của Ông Văn Tùng, Người đàn bà quỳ của Lưu Lan…
Ý thức ấy ở người cầm bút được thể hiện trong nỗ lực diễn đạt những sự thật
từng bị che khuất bởi những chi phối của lịch sử và thời cuộc. Bởi trong nền kinh
tế thị trường, bùng nổ về thông tin và cách mạng về thông tin sẽ là một tất yếu và
cũng là một tất yếu, sự thật ( thậm chí cả sự thật trần trụi, đời thường ) tự nó có
một sức hấp dẫn và sức mạnh riêng.

Không ngẫu nhiên, thể loại hồi ký, tự truyện và tiểu thuyết tự truyện lại gần
như chiếm thế thượng phong trong giai đoạn này. Công chúng giành một sự quan
tâm khá đặc biệt với một số tiểu thuyết tự truyện và hồi ký xuất hiện trong giai
đoạn này như Cát bụi chân ai ( 1992 ) và Chiều chiều ( 1999 ) của Tô Hoài,
Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn…
Nhiều sự kiện và vấn đề lịch sử cũng được nhìn nhận lại bằng tầm nhìn
đương đại.
Một số truyện ngắn từng gây xôn xao dư luận, từng là tâm điểm của nhiều
cuộc tranh luận văn học như Trương Chi, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, của
Nguyễn Huy Thiệp, Sự tích ngày đẹp trời của Hòa Vang…theo cách nhìn nào đó,
có thể xếp vào hiện tượng giải ảo, giải thiêng trong tư duy nghệ thuật mười năm
cuối thế kỉ.
Cũng cần phải nói thêm, hiện tượng giải ảo, giải thiêng trong đời sống văn
học những năm cuối thế kỉ không thể chỉ phán quyết một cách giản đơn là phủ
nhận các giá trị truyền thống hay phủ nhận văn học cách mạng như một số người
vội vàng kết luận. Nhìn ở khía cạnh tích cực, đây là một hiện tượng cần được
nghiên cứu và cũng rất đáng suy ngẫm.
2. Xu hướng thế tục hóa:
Đồng hành cùng xu hướng giải ảo, giải thiêng và dường như là một hệ quả
của xu hướng trên là xu hướng thế tục hóa.
Cũng dễ hiểu là, tựa như quy luật, khi thời đại của những cứu cánh lớn trôi
qua, sống với đời thường, con người trở về với những toan tính cá nhân muôn
thuở. Không phải là một hiện tượng phai nhạt dần những ký ức lịch sử mà trên
thực tế, cộng đồng người Việt giờ đây phải đối diện với những vấn đề quan trọng
hơn và cũng thực tế hơn với chính nó.
Xu hướng này sở dĩ hiện diện trong đời sống văn học, trước hết, xuất phát từ
sự thay đổi quan niệm về sáng tạo. Nếu trước đây, do những chi phối của điều kiện
chiến tranh và những đòi hỏi cấp bách của lịch sử, văn học tự nguyện đảm nhận sứ
mệnh làm vũ khí đấu tranh trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc thì giờ đây,
khi cuộc sống của toàn dân trở lại bình thường và trước nhu cầu muôn mặt của nó,

lẽ cố nhiên, quan niệm về vai trò và sứ mệnh của văn chương cũng dần dần thay
đổi. Những khái niệm trước đây dùng để chỉ công việc sáng tạo như “ viết văn”, “
làm thơ”- trong nội hàm đã chứa đựng một ý nghĩa nghiêm túc về thái độ đối với
văn học và trên góc độ nào đó còn ngầm toát lên một tình cảm ngưỡng mộ hành vi
đó trong tính cách thiêng liêng, cao cả hóa nó.
Điều nói trên thực ra cũng dễ hiểu.
Nhưng rồi thực tế mới với nhiều điều chưa biết, chưa từng xảy ra trong kinh
nghiệm sống của cả một cộng đồng ồ ạt hiện diện. Bao trầm tích trong đời sống
của một dân tộc từng đã phải kiềm nén trong gần ba mươi năm chiến tranh giờ đây,
do điều kiện sống thanh bình trở lại và do điều kiện đặc biệt của nền kinh tế thị
trường đã “ trổ lá, đơm hoa” trở lại. Hàng loạt thay đổi lớn trong cách sống, cách
tư duy của con người hậu chiến. Lẽ cố nhiên, trong muôn vàn đổi thay đó, quan
niệm về văn chương và sáng tạo văn chương cũng thay đổi. Văn chương đến gần
với thực tế hơn và quan niệm về công việc sáng tạo nghệ thuật nói chung về văn
chương nói riêng cũng trở nên thoáng đãng và giản dị hơn.
Giờ đây, đã có người táo bạo gọi sáng tác văn chương như là một “ cuộc
chơi”, một “ trò chơi”. Thậm chí, có người còn đi xa hơn, gọi là “ một trò chơi vô
tăm tích” để chỉ tính chất vô vụ lợi của công việc sáng tác văn chương. Quan niệm
này đã mở đường cho những ứng xử tiếp theo mang tính chất dân chủ và hiện đại –
coi sáng tác văn chương cũng là một công việc không những bình thường như biết
bao công việc khác trên đời mà có khi còn ít nghiêm túc hơn. Cách lý giải này của
chúng tôi nhằm cắt nghĩa vì sao một số người cầm bút trong giới trẻ lại, có vẻ như
một sự nổi loạn, tuyên bố : “ chúng tôi không làm thơ”. Không “ làm thơ” thì họ
làm gì? Họ “ nghịch thơ”, “ chơi thơ”, “ nhại thơ”, thậm chí “ phá thơ”…
Và ta đã thấy không chỉ trong thơ mà cả trong văn xuôi cùng một số thể loại
khác sự du nhập ồ ạt những yếu tố rất đời thường, thông tục và thậm chí cả thô tục
nữa. Sự cảnh báo nghiêm khắc của một số nhà phê bình trên các phương tiện
truyền thông dường như chẳng có một tác động nào. Trái lại, sự gia tăng liều
lượng của những giá trị nhất thời, của sex, các yếu tố mang màu sắc cinique,
grotesque…trong văn xuôi; sự hiện diện quá tải hiện tượng “ thơ rác”, “ thơ dơ”,

thơ “ bụi”… trong thơ như thể một thách thức!
Thơ được gì, mất gì và nhìn chung, văn chương được gì và mất gì trong sự
thay đổi từ quan niệm cho đến “ sáng tạo” như thế?
Nếu cứ một một mực trung thành với quan niệm sáng tác như trước đây thì
có thể nói rằng diện mạo văn học Việt Nam trong nền kinh tế thị trường đang có
những biến thiên ghê gớm do những quy luật quái đản nào đó mà chúng ta khó và
chưa thể kiểm soát được. Nhưng nếu bình tĩnh suy xét thì mọi chuyện cũng giản dị
thôi. Văn chương, sau bao thế kỉ được/bị cao cả hóa về sứ mệnh và vai trò giờ đây,
trong bối cảnh mới, nó bỗng hòa nhập nhanh chóng và có thể dâng hiến cái phẩm
chất tiêu thụ, tiêu dùng vốn có của nó. Tức là chính văn chương phải thay đổi cho
phù hợp với những nhu cầu của đời sống thế tục. Nhưng đời sống thế tục trong cơ
chế thị trường vốn là một thực thể luôn luôn biến đổi với một tốc độ có thể nói là
chóng mặt thì liệu văn chương có lẽ nào cứ khư khư ôm mộng đuổi theo những giá
trị vĩnh viễn? Sự vồ vập đón chào, tán thưởng ( vì hiếu kì, tò mò ) cùng sự lãng
quên nhanh chóng ngay sau đó của công chúng đối với một số tác phẩm ăn khách,
thời thượng nào đó cho thấy : văn chương trong nền kinh tế thị trường cùng chịu
chung một thái độ đối xử khá bình đẳng và ngang hàng với các sản phẩm vật chất
cũng như tinh thần khác trong sống hiện đại. Như “ mốt” quần áo, điện thoại di
động, xe máy, xe hơi. Không hơn.
Tuy nhiên, một môi trường luôn luôn biến động, thay đổi là một môi trường
tự nó mang tính sàng lọc, lựa chọn. Đây sẽ là một mảnh đất tốt cho những khai
phá, tìm tòi, mở rộng phạm vi và biên độ cho các ý tưởng mới cùng sự đào sâu vào
hiện thực. Đồng thời, một luật chơi mới sẽ được hình thành : các giá thị sẽ tồn tại
bình đẳng trong một thế giới đa giá trị. Và luôn luôn bị thay thế bởi những giá trị
mới. Trong một một bối cảnh như thế, sự tồn tại của các tác phẩm văn chương đích
thực sẽ là công việc của thời gian và sự lắng đọng.
Cùng với những thay đổi về nội dung là sự đổi thay rõ rệt về cách thể hiện.
Có thể nhận thấy xu hướng nổi trội trong phần lớn các cây bút ở tất cả các thế hệ
trong những năm chuẩn bị khép lại thế kỉ là một sự khước từ lặng lẽ những quan
niệm cũ về diễn đạt, mạnh dạn từ bỏ lối viết nặng về trang trí, chuộng uyển ngữ,

sính tụng ca bị chi phối bởi cung cách thưởng thức thực tại được tô hồng một thời
để hướng tới một tinh thần dân chủ hóa, đáp ứng nhu cầu hiện đại của công chúng.
Biểu hiện quan trọng đầu tiên của xu hướng đổi mới nói trên về diễn đạt là :
a/ chấp nhận toàn bộ ngôn ngữ đời thường, thông tục,
b/ tiến tới một thái độ táo bạo và đầy can đảm trong việc sử dụng ngôn ngữ
thể nghiệm,
c/ phóng túng trong việc dùng những hệ lời pha tạp, những tiếng lóng, tiếng
mới, những tiếng không ít người chưa quen nghe, thậm chí cả những hệ lời bị kết
án là thô kệch, tục tĩu, sản phẩm của, như người ta nói, một thứ “ văn hóa vỉa hè”.
Tuy nhiên, xu hướng nói trên, không ngẫu nhiên lại tập trung ở một số cây
bút tài năng. Đó là Tô Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Bùi
Hoàng Vị, Nguyễn Bình Phương… trong văn xuôi; Dư Thị Hoàn, Bùi Chí Vinh,
Nguyễn Quốc Chánh, Đồng Đức Bốn, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh…trong thơ.
Chưa kể, xu hướng này được tiếp tục đẩy lên thành những đợt sóng và tạo nên
những hiệu ứng xã hội lớn trong một số cây bút trẻ tuổi trong mấy năm đầu của thế
kỷ XXI mà chúng tôi sẽ có dịp đề cập ở một bài khác.
Cũng chưa hẳn là không có lý, đọc các sáng tác của một số cây bút trong
danh sách đã nêu trên gợi cho người ta nghĩ tới các tác phẩm của de Sade sau thời
Cách mạng Pháp 1789, ngôn ngữ xã hội đen trong các văn phẩm của Céline và
Genêt trong thế kỉ XX cũng ở Pháp, Uyt – man với tập Lá cỏ ở Mỹ, hiện tượng
Vương Sóc và các phong trào thơ ở Trung Quốc sau Cách mạng Văn hóa…
Hiện tượng trên trong bối cảnh của Việt Nam, thực ra không có gì quá khó
hiểu. Nền kinh tế thị trường, tự nó, áp đặt những định chế của nó vào đời sống xã
hội khiến con người ta, không trừ bất cứ ai, phải thay đổi cách nghĩ, lối làm việc,
cách thể hiện quan điểm và, trong rất nhiều những đổi thay do nền kinh tế thị
trường đem lại, thế tục hóa là một xu hướng không thể khước từ. Nó phản chiếu
cái quy luật vô hình của những vận động ngầm trong đời sống xã hội : sự hình
thành một xã hội công dân trong đó, văn học từ đây sẽ đảm nhận cái sứ mệnh mới :
thiết lập một khu vực bình đẳng, tự do – là sân chơi chung của mọi tầng lớp công
chúng, từ người bình dân đến bậc đại trí thức, không loại trừ cả tầng lớp doanh

nhân và chính khách hiện đại.
Dù thế nào, mặc lòng, nền kinh tế thị trường với tính chất tàn bạo đầy quyến
rũ của nó, đã bất chấp mọi thái độ dè dặt, hoài nghi hay hào hứng đón nhận từ phía
các giai tầng xã hội, cứ từng bước đặt định và khẳng định những giá trị mang tính
muôn thuở của đời sống thế tục như là không thể có cách lựa chọn nào khác. Để
rồi đến lượt văn học, như đã nói ở trên, sẽ chấp nhận và nỗ lực diễn đạt về cái bối
cảnh vừa thô kệch vừa ngoạn mục do nó tạo ra, cũng không thể có cách lựa chọn
nào khác, trong một mối quan hệ mang tính chất định mệnh.
3. Xu hướng đi tìm cái mới, cái độc đáo, cái độc sáng theo tinh thần hiện
đại hoặc hậu hiện đại.
Trong nền kinh tế thị trường, người cầm bút cũng như tất cả những ai tham
gia hoạt động văn hoá sớm muộn đều phải hiểu rằng chỉ có thể tạo ra quyền lực
cho tên tuổi của chính mình bằng cách dành nhiều năng lực cho công việc sáng tạo.
Tuy nhiên, đã qua rồi cái thời người nghệ sĩ coi công việc sáng tạo như một “
nhiệm vụ cách mạng”, “ một công tác cách mạng” chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ
của một người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa là hoàn thành sứ mệnh của người cầm
bút. Cũng đang trở nên lỗi thời cái quan niệm người nghệ sĩ sáng tác theo bản
năng, ăn nhờ vào năng lực trời cho. Tính năng động của nền kinh tế thị trường kích
thích xã hội vận động với một gia tốc mới, kích thích sự phát triển đa dạng. Tình
hình này kéo theo hàng loạt sự thay đổi nhanh chóng trong nhận thức và thẩm mĩ
của công chúng. Thực tế cho thấy là ít có sản phẩm văn hóa nghệ thuật nào chiếm
vị trí không thể thay thế trong nhu cầu tinh thần liên tục thay đổi của công chúng.
Đây đó đã có không ít lời phàn nàn về sự “ chững lại của tiểu thuyết”, sự “ xuống
cấp” của thơ, sự “lạc hậu” và “ thiếu chuyên nghiệp” của phê bình! Người ta không
giấu diếm những tiếng thở dài đối với tình trạng chung của văn học nghệ thuật
đương đại. Có người than vãn về khung cảnh đáng buồn, cạn kiệt nội lực của văn
học. Lại có người cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thị trường, khó mà mong chờ ở
sự xuất hiện trở lại của một Xuân Diệu hay Huy Cận hoặc một Hàn Mặc Tử hay
Nguyễn Bính trong thơ, một Vũ Trọng Phụng hoặc Nam Cao trong văn xuôi và
một Hoài Thanh, hay Vũ Ngọc Phan trong khảo cứu và phê bình như trước đây.

Đành rằng, những hoài nghi và âu lo trên không phải là không có cơ sở.
Nhưng cũng phải khách quan mà thừa nhận rằng, bất cứ nền văn học nào cũng vậy
thôi, đâu phải lúc nào cũng “ tiến lên” theo mong muốn của những người sốt ruột
quan sát nó? Và nếu để ý, ta sẽ thấy cái cảm giác về một nền văn học đang “ rối
như nồi canh hẹ” chỉ là bề ngoài. Thực chất, nền văn học ta vẫn đang vận hành
theo đúng quy luật của nó. Trước 1986 và từ 1990 trở đi trong đời sống xã hội nói
chung và đời sống văn học nói riêng, khó mà có được một bối cảnh hoàn toàn mới
mẻ, đáng làm cho ta phải ngạc nhiên về những lộ trình mới mà nền văn học đang
mở ra. Chẳng hạn sự tiếp cận và thu hẹp khoảng cách với thế giới về quan niệm, tư
tưởng; mở rộng và đào sâu khám khá nhiều chiều kích mới của hiện thực; hình
thành ý thức mới, hiện đại trong tư duy xã hội và tư duy nghệ thuật; tìm kiếm
những hình thức nghệ thuật mới; phát triển nghiên cứu và giảng dạy văn học trên
tinh thần hướng tới những giá trị đích thực; làm phong phú sinh hoạt văn chương,
cởi mở và thông thoáng trong cơ chế xuất bản…
Một bối cảnh như chúng tôi đã miêu tả chính là cơ hội hiếm có và cũng là
thách thức hiếm có cho những người cầm bút có tài năng và đam mê sáng tạo thực
sự. Tuy nhiên, sáng tạo trong một bối cảnh như thế còn có nghĩa là phải từng bước
khước từ hoặc khước từ triệt để những ngáng trở của cái mà Roland Barthes gọi là
“ sự tồn dư ngoan cố của lối viết cũ” để bứt lên, vươn về hiện đại và đương đại.
Viết, giờ đây cũng đồng nghĩa với việc sáng tạo ra cái độc đáo, cái độc sáng để một
mặt, không lạc hậu với những thành quả nghệ thuật của các nền văn học tiên tiến
hơn mà công chúng đang được thụ hưởng qua các sản phẩm dịch và, mặt khác, để
tồn tại trong sự chọn lựa vừa vừa phức tạp vừa khắt khe của chính công chúng đó,
một đối tượng đã hoàn toàn khác trước, được sinh ra từ nền kinh tế thị trường đã
đành, thêm nữa, vốn không mấy mặn mà với các sản phẩm vật chất cũng như tinh
thần mang tính nội địa.
Những nỗ lực âm thầm của các cây bút như Trần Trung Chính ( Cư trú ),
Nguyễn Viện ( Thời của những tiên tri giả ), Tạ Duy Anh ( Đi tìm nhân vật ), Phan
Thị Vàng Anh ( Khi người ta trẻ ), Nguyễn Thị Thu Huệ ( Hậu thiên đường ), Bùi
Hoàng Vị ( Tầng trệt thiên đường ), Nguyễn Bình Phương ( Trí nhớ suy tàn, Người

đi vắng)… trong văn xuôi; của Thi Hoàng ( Gọi nhau qua vách núi ) của Nguyễn
Quang Thiều ( Sự mất ngủ của lửa, Những người đàn bà gánh nước sông ), của
Trần Anh Thái ( Đổ bóng xuống mặt trời ) của Nguyễn Quốc Chánh ( Khí hậu đồ
vật ), Mai Văn Phấn ( Gọi xanh ), Phan Huyền Thư ( Nằm nghiêng ), của Vi Thuỳ
Linh( Khát ) cùng nhiều thể nghiệm thơ của Trần Tiến Dũng, Văn Cầm Hải,
Nguyễn Hữu Hồng Minh…trong thơ bên cạnh các cây bút đàn anh không chấp
nhận sự xơ cứng trong sáng tạo và luôn luôn muốn làm mới mình như Tô Hoài,
Nguyễn Khải, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Bùi Ngọc Tấn, Châu Diên… trong văn
xuôi và Hoàng Cầm, Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng, Nguyễn Duy, Thanh
Thảo… trong thơ đang làm thay đổi diện mạo nền văn học Việt Nam trong chặng
đường những năm cuối thế kỉ theo hướng hiện đại hoá và, đây đó, đã xuất hiện
manh nha cả những thể nghiệm hậu hiện đại.
Thực tế là lúc đầu, những sáng tác kể trên đã gây một hiệu ứng lớn trong dư
luận. Thái độ của công chúng, đúng như nhận xét của Hoàng Hưng là : “ diễn ra
theo quy luật : từ phản bác, có khi quyết liệt, gay gắt đến dần dần chấp nhận và
cuối cùng là có cả sự cổ vũ tuy còn dè dặt, thăm dò bằng cả hai cách : trực tiếp
hoặc gián tiếp”.
Cũng khó mà phủ nhận được rằng, trong một thập kỉ trước khi giã từ thế kỉ
XX về mặt gia tốc, nền văn học ta chưa tạo được những đột biến lớn với những
bước tiến dài ngoạn mục như mong đợi nhưng nó đã trưởng thành lên rất nhiều
trong một cuộc chơi mới đơn giản hơn về luật lệ nhưng khắt khe hơn về luật chơi.
Vậy thì, hãy can đảm phó thác vận mệnh văn học nghệ thuật cho cái luật
chơi ấy. Văn học nghệ thuật là một sinh thể, nó tất yếu phải tự điều chỉnh để có thể
tồn tại. Các nền văn học khác, trong những nền kinh tế thị trường khác đã tồn tại
và cũng đã bảo chứng cho sự tồn tại đó bằng nhiều tác phẩm thực sự có giá trị từ
trước tới nay trong đời sống văn chương nhân loại, chắc chắn nền văn học ta trong
nền kinh tế thị trường cũng sẽ có số phận tương tự.
Tuy nhiên, trước khi kết thúc, vẫn cần nói lại một điều tuy không mới nhưng
cần thiết : Kinh tế thị trường, ở bất cứ đâu, chỉ có thể mở ra một không gian sòng
phẳng hơn chứ chưa hẳn đã mở ra một không gian trong sạch hơn cho sáng tác và

phê bình văn học. Văn học, trước sau vẫn tự nó phải đảm bảo sự tồn tại chính đáng
của chính mình bằng sự hóa giải các yêu cầu ngày càng phức tạp và khe khắt hơn
của đời sống và của chính nội tại nền văn học.

×